November 12, 2009

November 13, 2009

Ngày 9 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Cuối tuần qua, tại nhà một người bạn, tôi được xem một cuộn video sản xuất ở trong nước đã khá lâu với một số bài dân ca của cả ba miền.

Bài đầu tiên, Giận Mà Thương, là một bài dân ca miền Trung do Thu Hiền hát, có phần phụ họa của một vai nam, đóng vai người chồng. Nhưng vai người chồng này đã khiến cho người xem hoàn toàn không thấy phần thương ở đâu cả, nghĩa là không có được bất cứ một lý do gì để không giận được, trong khi nhan đề của bài dân ca lại là Giận Mà Thương. Lời của bài ca là những nhẫn nhịn, những dịu dàng và đằm thắm, là những thủy chung không thay đổi, là những yêu thương để đối lại với những tệ bạc, phụ rẫy, vô tích sự...

Người đàn ông trong những đoạn diễn xuất phụ họa có vẻ không có nghề ngỗng gì hết, mà cũng không phải là một người học trò để được quyền "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Ông ta là một tay nghiện rượu, say sưa tối ngày. Thế thôi. Không thấy ông có cái nghiên, cái bút, quyển sách đâu cả. Nếu ông có được quyển sách trên tay, nếu ông là tay kiếm cung thao lược, nếu ông vai năm thước rộng, lưng mười thước cao, nếu ông là văn học, nghệ thuật thì có thỉnh thoảng lăn ra đất với vò rượu bên cạnh thì cũng tạm hiểu được đi. Nhưng ngay đầu bài hát, ông đã lăn quay trên một cái phản vì say rượu. Ông quờ quạng kiếm được cái nậm rượu, thấy đã hết, ông quăng ra sân. Người vợ, do Thu Hiền đóng, cầm cái quạt phe phẩy quạt cho ông đỡ nóng, thì ông giằng lấy cái quạt, lại cũng ném ra sân...

Lúc khác, video chiếu cảnh ông giúp vợ làm bún, giúp thôi, chứ không phải là người làm bún chính. Ông cũng lên thuyền, chắc theo vợ ra chợ để vòi tiền đi uống rượu. Ông lúc thì mặc áo nâu, lúc thì áo dài trắng, cầm ô, lúc say rượu ngã bò ra đất...

Người đàn ông được đạo diễn cho xuất hiện bằng những nét thô bỉ, xấu xa nhất. Ông không được bất cứ một cái nết nào, đã thế trông lại chẳng ra làm sao cả. Vậy mà người phụ nữ bị cha mẹ đánh trăm roi -- như lời bài dân ca-- vẫn cứ lăn vào mà thương ông mới khó chịu cho người xem video chứ.

Tôi không tin có những người đàn ông tồi tệ như thế. Mà nếu có người đàn ông như thế, thì không thể Giận Mà Thương được nữa. Phải dứt khoát, phải quăng ông ta ra đường, phải làm tất cả những gì làm được để chấm dứt ngay những liên hệ với ông ta. Ông ta xô người vợ ngã xuống đất. Cô Thu Hiền béo tốt, to khỏe nùng nũng như thế không thể và không nên nhường ông ta mãi được. Cô phải làm một cái gì. Một vòng tay co chặt quanh cổ ông ta, đưa nhanh cái đầu gối vào ngực ông ta, và cái cùi chỏ còn mắc cỡ gì mà không di chuyển mạnh vào cạnh sườn ông ta? Hai bàn tay sao không giơ lên thật cao, rồi hạ nhanh xuống má ông ta mấy cái cho tỉnh rượu?

Ðạo diễn cuốn video, vì thiếu những cảnh vừa mô tả rất cần thiết đó, đã làm một công việc vô cùng có hại cho các khán giả. Các khán giả sẽ hiểu sai lầm rằng người đàn ông Việt Nam có thể làm tất cả những chuyện xấu xa tồi tệ như trong video mà vẫn được... thương như thường. Trong khi thực tế thì tử tế gấp trăm lần đã chắc được thương chưa?

Khán giả cũng có thể hiểu sai lầm rằng người phụ nữ to khỏe, phốp pháp như cô Thu Hiền suốt ngày chỉ biết nhịn và... thương người đàn ông xấu xa, tồi tệ đó. Ðoạn video đã, muốn tôn vinh, muốn tạo ra một hình ảnh oai hùng của người đàn ông, thì lại dìm đầu ông ta xuống đất đen, và muốn làm đẹp cho người đàn bà, thì lại đưa ra hình ảnh của một phụ nữ dại dột, thiếu thông minh và đần độn. Tại sao không cho Thu Hiền vác củi tạ nện cho người đàn ông một trận thừa sống thiếu chết cho chúng tôi nhờ?

Cho chúng tôi được thương... hại, như nửa sau của tựa bài dân ca, như thế mới là Giận Mà Thương chứ!

Hay ít ra cũng kiếm ông tài tử nào trông kha khá cho chúng tôi đỡ tủi một chút.


Ngày 10 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.

Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.

Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Ðó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.

Tội ác của em học sinh 11 tuổi này là những gì? Theo tin của tờ báo địa phương, em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.

Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Ðoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:

Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...

Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.

Ðây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...

Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.

Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn quắn đít lại là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...

Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.

Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát (?) …Hình phạt cậu nhận được nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.

Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.

Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?

May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:

Con gái chơi với con trai
Về sau hái vú bằng hai quả dừa
...

Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.


Ngày 12 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Cái cáo phó chiếm hết hơn nửa trang của tờ New York Times, trang A21 của số báo. Nhưng thực ra, đáng lẽ nó phải xuất hiện từ khoảng hai năm trước, theo những chi tiết đọc được ở phụ trang Fashion của bài báo đi kèm.

Thực ra, cái cáo phó chỉ chính thức hóa sự ra đi của nó. Cái váy ngắn không còn nữa: The Mini Rebellion Is Over: Long Skirts Reign. Cuộc nổi loạn của cái váy ngắn đã chấm dứt: váy dài khởi đầu giai đoạn trị vì từ nay.

Không còn có thể nghi ngờ gì được nữa. Tin từ "trên ấy" đã ban ra. "Trên ấy" là New York, là Midtown, là Upper West Side, là East Side, là từ những phòng trưng bầy thời trang của Prada, của Alessandro Dell'Acqua... Những cái váy ngắn, cuộc nổi loạn từ bốn mươi năm nay với Twiggy, với những vai phụ nữ đóng cạnh Sean Connery trong các phim James Bond của những năm 60 đã ra đi, đời sống đã chấm dứt.

Chấm dứt từ khoảng hai năm nay, và có lẽ Julia Roberts trong vai Erin Brockovich, là người cuối cùng còn mặc mini trong phim ảnh.

Nó khởi sự ra đi trong khoảng thời gian tôi còn lái chiếc SUV Honda Passport. Sự ra đi của nó sẽ khiến cho chuyện ra, vào, lên, xuống chiếc ghế bên phía hành khách của những chiếc SUV cao lêu nghêu trở nên khó khăn hơn và bớt đi rất nhiều phần hấp dẫn.

Sự ra đi của nó cũng còn tạo ra những điều không thuận lợi cho nếp sống văn minh của chúng ta. Thái độ hào hiệp, cao thượng, văn hóa, lịch sự của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nó ra đi, và đem theo phần nào cái thái độ vừa kể, nét anh hùng mã thượng của các hiệp sĩ thời Trung Cổ cũng sẽ ra đi theo. Nhiều người đàn ông sẽ không còn nhường phụ nữ đi trước khi lên cầu thang nữa. Trên những chuyến xe điện ở New York, ở Chicago, ở thủ đô nước Mỹ, số hành khách phụ nữ không được nhường ghế ngồi sẽ giảm đi đáng kể. Những chuyện đó không còn có lợi nữa. Nước Mỹ sẽ thay đổi nhiều trong cung cách đối xử với phụ nữ. Các nhà xã hội học chắc chắn sẽ nêu ra những điều này trong những cuộc nghiên cứu thực hiện những năm sắp tới.

Bài báo của tờ New York Times viết rằng các phụ nữ trong hạng tuổi từ hai mươi đến (mấy năm đầu của tuổi) ba mươi đã bỏ những chiếc váy ngắn trên đầu gối ở nhà từ khoảng hai năm trở lại đây. Các phụ nữ trẻ tuổi này đã dùng những chữ như inappropriate (không thích hợp) và sluttish (đĩ thõa) một cách thản nhiên, dễ dàng khi nói về những chiếc váy ngắn khởi đi từ phong trào Mod ở Luân Ðôn trong những năm đầu của thập niên sáu mươi.

Họ làm gì với những cái váy ngắn đó? Tái chế biến (recycle)? Sửa lại thành những chiếc khăn quàng? Không, bài báo cho biết các phụ nữ này đem chúng tặng lại cho các cơ quan từ thiện như Salvation Army, Purple Heart vân vân...

Bài báo chỉ viết về những phụ nữ trẻ tuổi, mà không đề cập gì đến những phụ nữ thuộc thế hệ có thể là mẹ của họ. Như vậy là các phụ nữ ngoài tứ tuần vẫn tiếp tục làm khổ chúng ta bằng những cái váy ngắn chăng? Thế là cảnh ông Tú Xương nhắc một cách đầy ghê sợ (váy ngắn, chơi hai củ xu hào trên đầu gối rồi ngồi xe làm... Mán) như trong câu "xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe" vẫn tiếp tục hay sao?

Chi tiết mà bài báo cho biết về nơi yên nghỉ (?) của những chiếc váy ngắn này (Salvation Army, Thrift Shop...) cũng sẽ là một câu mách nước để những chiếc váy ngắn tiếp tục đời sống của chúng ở những nơi khác.

Và từ nay, váy ngắn sẽ chỉ còn ngự trị nơi các phụ nữ trên bốn mươi và là khách hàng thường trực của Salvation Army, Thrift Shop, Purple Heart... thôi hay sao?

Những sự độc ác dành cho chúng tôi bộ không còn biên giới nào nữa sao? Và như thế, là xuân, hạ, thu, đông, tứ thời, bát tiết, thị giác của chúng tôi sẽ tiếp tục bị hành hạ và làm cho hỏng đi bằng những chiếc váy ngắn tớn tác trên những khúc đùi có từ nửa thế kỷ mà ông Tú Xương cực tả trong thơ của ông hay sao?

Thế thì đâu là "váy lĩnh cô kia quét sạch hè" đây? Tại sao cứ phải cho tay này, lấy lại bằng tay kia, lấy đi bằng tay kia, thì tống trở lại bằng tay này vậy?


Ngày 13 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

CD Hương Cố Nhân bạn gửi cho tuần trước mãi tối hôm qua tôi mới đem ra nghe.

Nghe ca khúc được chọn làm tựa chung cho CD, bài Hương Cố Nhân, một bài hát được viết đã khá lâu, người ta thấy Dzoãn Mẫn, cũng là tác giả của một ca khúc được nhiều người biết hơn, Biệt Ly, hình như vẫn còn e dè trong cách chọn chữ nhiều lắm. Nghe mãi bài hát này của ông mà vẫn không thấy hương cố nhân đâu hết, phải tới cuối bài hát, lúc gần hết, mới lờ mờ "...nhớ đây ta đắm say hương cố nhân, cùng quên mưa gió rung tiếng đàn suốt canh thâu."

Hương cố nhân gì mà nhạt thế! Cố nhân thì ít ra cũng phải có "mùi phấn em thơm mùa hạ cũ", hay "chút hương thầm kia mới quen" hay "lẻn trong nếp áo mùi hương thẹn", hoặc "lìa vai kỷ niệm bay mùi phấn"... như Ðinh Hùng chứ.

Hương cố nhân của Dzoãn Mẫn kiếm khó quá, mãi mới thấy. Hương đã vậy, còn người thì sao? Nàng nhan sắc như thế nào? Ở đâu? Bằng ấy điều thắc mắc nhất định không chịu đi khỏi đầu của người nghe.

Sáng nay, khi bỏ cái CD trở lại vào trong hộp, và ở mặt trong của chiếc hộp đựng CD, tôi thấy một bức hình với hàng chữ Hương Cố Nhân chạy dọc theo phía bên trái.

Bức hình chụp một phụ nữ đang cười rất tươi, khăn mỏ quạ, áo cánh, trên vai là một chiếc đòn gánh, hai bó rơm ở hai đầu đòn gánh, và trong bàn tay phải của người phụ nữ, nhìn kỹ, là hai miếng đậu phụ sống mầu trắng.

À thế thì đây có thể là cố nhân của bài hát, là người có mùi hương mà Dzoãn Mẫn cảm hứng để viết bài hát của ông chăng?

Bức hình do chính tác giả cung cấp để dùng cho mặt trong của hộp CD hay do nhà sản xuất CD nhạc chọn? Ai mà biết được

Nếu do chính tác giả cung cấp thì quí biết chừng nào!

Dzoãn Mẫn, người cùng thời với những Ðặng Thế Phong, Tô Vũ, Hoàng Quí... nay phải ở lớp tuổi 80, chắc chắn cố nhân của ông cũng phải ở trong hạng tuổi đó.

Người phụ nữ trong bức ảnh trông trẻ hơn tuổi 80, còn khỏe mạnh vì cụ còn gồng gánh được. Cụ có nụ cười tươi, hai mắt cũng cười theo, tóc còn đen nhánh dưới lớp khăn. Cụ không còn một cái răng nào. Cụ là một cụ già đẹp, không có nét đường bệ, nhưng tươi tắn.

Cụ không giống như hình ảnh tôi có trong đầu từ bao nhiêu lâu nay về cố nhân của Dzoãn Mẫn. Không vấn tóc trần, không áo Le Mur cổ thấp, lông mày kẻ một đường nhỏ.

Cố nhân của Dzoãn Mẫn, người mà ông "nguyền cùng người suốt đời chìm trong tiếng đàn thầm hận chơi vơi... chiều nay trên đường gặp người, hãy sánh giây tơ đồng cho lòng được thắm tươi" đó ư?

Có thật bức hình ấy do Dzoãn Mẫn cung cấp hay do... bà Dzoãn Mẫn gửi riêng cho nhà sản xuất CD Mimosa để dùng trong CD cho... đáng đời cố nhân?

Hay cố nhân thì cũng chẳng có gì như người đời vẫn nghĩ, cũng chỉ tầm thường như Henri Stendhal, tác giả của Le Rouge Et Le Noir, La Chartreuse De Parme đã có lần viết vào lúc sắp bước vào tuổi năm mươi rằng điểm lại những người đàn bà ông đã yêu, mặc dù tự dối mình, những người đàn bà đó rất tầm thường, chẳng có gì đáng để nhớ nhung, đau khổ.

Hay bức hình trong chiếc hộp CD mới đích thực là cố nhân. Những thứ thơm phức, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Ðinh Hùng và... chúng ta mà thôi?

Còn Stendhal, khi viết về những người phụ nữ ông một thời mê đắm, là lúc ông mới đang sửa soạn bước vào tuổi ngũ tuần.

Còn chúng ta, ở tuổi này, thì còn nản chí bầu cua biết là chừng nào nữa đây? Nghĩ như vậy liệu có còn đi gặp... hương cố nhân nữa không? Hay là cứ để nó ở đâu tiếp tục ở đó luôn cho rảnh... nợ?


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 54)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 54 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay, tôi muốn nói về một chữ mà tôi thấy rất thường gặp, đó là chữø MATTER. MATTER có thể vừa là danh từ, vừa là động từ.

Khi nó là danh từ, MATTER có khá nhiều nghĩa.

Tự điển Anh Việt của giáo sư Nguyễn Ðình Hòa ghi MATTER nghĩa là chất, vật chất, chủ đề, chuyện, việc … Những nghĩa của chữ MATTER đó, chúng ta rất thường gặp. Thí dụ ra bưu điện, gửi sách báo, muốn được hưởng cước phí rẻ, chúng ta ghi ngoài phong bì hai chữ PRINTED MATTER nghĩa là ấn phẩm. Danh từ chất xám trong tiếng Việt là GRAY MATTER. Thực ra thì chúng ta gặp chữ này nhiều lần lắm. AS A MATTER OF FACT, WE SEE THEM VERY OFTEN. Trong câu vừa rồi, tôi cố tình dùng một idiom với MATTER, cô Nhã Lan hiểu idiom đó là gì nào?

NHÃ LAN

AS A MATTER OF FACT thì Nhã Lan nghĩ đó cũng cùng nghĩa với cách nói IN FACT hay IN REALITY phải không, thưa anh?

BBT

Ðúng AS A MATER OF FACT nghĩa là sự thật thì là cái gì đó. Chúng ta dùng idiom này trong nhữõng trường hợp nào, cô QA?

QA

Chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT để nói lại cho đúng hay khi muốn xác minh một điều gì đó. Có thể người ta nghĩ khác, hiểu khác, thấy khác, nay chúng ta muốn nói lại cho đúng với sự thật, chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT. Thí dụ con trai QA vừa bị té, tay nó còn rất đau. QA nấu cháo cho nó ăn, nó chỉ ăn một chút. Nó nói, giọng có vẻ xin lỗi: I DID NOT EAT MUCH BUT AS A MATTER OF FACT, I LIKE YOUR CHICKEN SOUP, MOM. Nó không ăn hết tô cháo, nhưng nó nói thực ra thì nó vẫn thích cháo của mẹ nấu. QA nghe nó nói thế cũng thấy vui trong bụng.

BBT

Cô Nhã Lan cho nghe một thí dụ với AS A MATTER OF FACT…

NHÃ LAN

AS A MATTER OF FACT, PRESIDENT OBAMA WAS BORN IN THE USA AND HE IS NEVER A MUSLIM.

BBT

Ðúng rồi. Một số người vẫn tiếp tục nói rằng ông Obama không ra đời ở Mỹ, lại còn là người theo Hồi giáo. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Ðể nói lại cho đúng, chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT như cô QA đã nói ở trên, cũng như trong tiếng Việt chúng ta vẫn nói "sự thực thì, nói thật ra thì …" Thí dụ khi nói sau năm 1973, chuyện Việt Nam bị miền Bắc tiến chiếm là chuyện ai cũng đoán được từ trước. Chuyện ấy chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Câu này nói bằng tiếng Anh sẽ là IT WAS (ONLY) A MATTER OF TIME. Nhã Lan cho nghe toàn câu bằng tiếng Anh coi.

NHÃ LAN

IT WAS (ONLY) A MATTER OF TIME BEFORE THE NORTH ATTACKED US IN FULL FORCE.

BBT

Còn cô QA?

QA

IT IS A MATTER OF TIME BEFORE MY SON IS BACK ON HIS FEET AGAIN.

BBT

PEOPLE FROM OUTSIDE THIS PLANET WILL COME TO VISIT US. IT IS ONLY A MATTER OF TIME. Hai cô còn nhớ chuyện Anh Phải Sống của Khái Hưng chứ. Lúc hai vợ chồng Thức trôi dưới dòng nước lũ của sông Hồng, người vợ, Lạc, quyết định hy sinh để chồng sống về nhà nuôi con.

QA

Ðó là một quyết định có tính cách sinh tử. QA nghe câu này rồi mà nay quên nói thế nào. A MATTER OF … QA nhớ ra rồi, đó là chuyện sống chết, đó là vấn đề sinh tử. Người vợ phải chọn cái chết để chồng sống cho các con. Buông tay ra thì còn có người sống. Bám lấy chồng thì cả hai cùng chết. Ðó là lựa chọn giữa sống và chết … Ðây rồi, QA nhớ ra rồi: IT WAS A MATTER OF LIFE AND DEATH.

BBT

Cô Nhã Lan đã bao giờ gặp phải trường hợp sinh tử như vậy chưa? Nếu đã gặp thì cô phải nói làm sao bằng tiếng Anh?

NHÃ LAN

Trong chuyến vượt biên của Nhã Lan, Nhã Lan cũng gặp một chuyện có tính cách tử sinh. Nhã Lan phải quyết định rất nhanh. Nhã Lan là người rất nhát, sợ nước. Nhưng đi thì sống. Ở lại thì chết. Ðó là quyết định sinh tử. Nhã Lan nghĩ GOING OR STAYNG, IT WAS A MATTER OF LIFE AND DEATH AT THAT TIME. Ông anh của Nhã Lan còn đùa liền bị mẹ Nhã Lan la ngay rằng lúc ấy, chuyện đi hay ở không phải là chuyện cười nữa.

BBT

Chắc cụ nói IT IS NOT A LAUGHING MATTER chứ gì? Tôi nhắc hai cô một thành ngữ này nữa cũng có thể đem dùng ngay, khỏi nấu nướng gì mất công, như FAST FOOD ở McDonald vậy. Thí dụ nghe bản nhạc đó, bạn tôi thích, nhưng tôi không thích. Bạn tôi cứ thọc cùi chỏ xin tôi cho chàng một tràng pháo tay làm tôi càng ghét thêm. Bạn tôi hỏi tại sao tôi không vỗ tay, tôi đáp: IT IS A MATTER OF OPINION

QA

Như thế là anh định nói xấu đẹp tùy người đối diện, bản nhạc hay, hay không hay là tùy cái tai, cái ý kiến của mình, cái trình độ thẩm âm của mình phải không thưa anh?

BBT

Hay quá. Nhân cô QA nhắc xấu đẹp tùy người đối diện, tôi thấy trong tiếng Anh cũng có một lối nói gần gần giống như thế, đó là BEAUTY IS IN THE EYES OF THE BEHOLDER nghĩa là cái đẹp là ở trong mắt người nhìn.

Hai cô còn nhớ hồi bé nghe truyện thần tiên cổ tích không… Rất nhiều chuyện có cảnh Bụt hiện ra, hỏi người đàn ông buồn bã ngồi bên bờ ruộng, hay người đàn bà gặp chuyện không may, hay cô Tấm bị mẹ ghẻ hành hạ, hay chú bé làm mất con trâu sợ không dám về nhà… rằng "Làm sao vậy con…?" thì cô Nhã Lan sẽ thông dịch cho Bụt như thế nào?

NHÃ LAN

WHAT’S WRONG? Hay WHAT’S WRONG WITH YOU?

BBT

Ðúng, nhưng tôi muốn dùng chữ MATTER. Cô QA có biết không?

QA

À chữ này thì QA biết: WHAT IS THE MATTER WITH YOU? Câu này QA vừa nghe ở bệnh viện hôm qua khi đưa con trai vào khám cái tay đau. QA nghe ông bác sĩ Mỹ hỏi cháu WHAT IS THE MATTER WITH YOUR ARM?

BBT

Cám ơn cô. Tay của cháu chắc là đau. Nhưng nếu không đau, không bị gì cả, xe chạy tốt, tay chân khỏe mạnh, công việc vẫn còn ngon lành, được trả nhiều giờ OVERTIME thì trả lời là NO STAR WHERE phải không?

NHÃ LAN

Chắc không . Nói tiếng Anh như thế thì Mỹ cũng đến chịu. Nếu không đùa giỡn thì phải nói thế nào thưa thầy?

BBT

NOTHING IS THE MATTER. Nhưng thường chúng ta nói tắt thành NOTHING’S THE MATTER. Câu này rất tiện dùng. Thấy ông bạn Williams đi bộ đi làm, QA hỏi ông ấy thế nào ?

QA

MISTER WILLIAMS, WHAT IS THE MATTER WITH YOUR CAR TODAY?

BBT

Cô Nhã Lan thấy bà bạn đi kiếm cái nhà mới để mua, cô muốn biết tại sao bà bạn phải đi mua nhà mới, cô sẽ hỏi thế nào?

NHÃ LAN

WHAT IS THE MATTER WITH YOUR HOUSE?

BBT

Câu trả lời sẽ là, và thường là trong thể phủ định: NOTHING. NOTHING IS THE MATTER WITH OUR HOUSE. WE JUST WANT A SECOND HOUSE.

Bây giờ, chuyển qua một cách dùng nữa có chữ MATTER ở trong mà chúng ta cũng hay nghe nói. Ðó là NO MATTER. Khi muốn nói BẤT CỨ, BẤT KỂ, chúng ta sẽ dùng đến nó.

Thí dụ muốn nói BẤT CỨ CÁI GÌ, ÐIỀU GÌ, CHUYỆN GÌ, chúng ta nói NO MATTER WHAT… Cô QA nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: BẤT CỨ ANH ẤY LÀM CÁI GÌ, NÓI CÁI GÌ, CÔ ẤY CŨNG COI LÀ SAI.

QA

NO MATTER WHAT HE DOES OR SAYS, SHE WILL NOT LIKE IT.

BBT

Ðúng. Nhưng phải nói ngay ở đây rằng liên hệ của hai người coi bộ không tốt đẹp lắm. Không ưa đến như thế thì không ít đâu. NO MATTER WHAT SHE WEARS, THE MAGAZINE WILL SAY IT IS MOST FASHIONABLE. Nhã Lan đoán coi ai là người phụ nữ may mắn và hạnh phúc này?

NHÃ LAN

Bà Michelle Obama chứ còn ai nữa. Mấy tờ lá cải cứ thấy nàng mặc cái gì cũng xúm lại mà khen lấy khen để.

BBT

NO MATTER WHAT SHE DOES, HE THINKS THE WORLD OF IT là gì cô QA?

QA

thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo phải không thầy? Bất cứ điều gì cô ấy làm, anh ấy cũng nghĩ là tuyệt hảo. Ðó là những chuyện,những điều, những thứ người ta làm. Thế nếu QA muốn nói BẤT CỨ CHỖ NÀO thì nói làm sao thưa anh?

BBT

Ðể nói về nơi chốn, chỗ, vị trí, địa điểm, chúng ta dùng WHERE. Thí dụ bất cứ nơi nào ông ấy tới, ông ấy vẫn có thể thấy có người nói tiếng Anh thì cô nói thế nào đây?

QA

NO MATTER WHERE HE GOES, HE CAN STILL FINDS PEOPLE SPEAKING ENGLISH. QA thấy đi Pháp, đi Ðức , đi Nam Mỹ người ta đều có thể nói tiếng Anh được.

BBT

Ở viện bảo tàng Louvre có treo tác phẩm Mona Lisa của Leonardo Da Vinci. Bức họa này rất kỳ lạ, người ta đứng ở bất cứ đâu trong phòng cũng thấy đôi mắt của Mona Lisa ngó theo. Cô Nhã Lan đã đi Paris, cô có thấy điều đó không?

NHÃ LAN

NO MATTER WHERE I STAND, I STILL SEE HER EYES LOOKING AT ME phải không anh?

BBT

Thế còn trong câu ca dao đại ý nói là chàng đi đâu chín sông thiếp cũng lội, mười đèo thiếp cũng leo thì cô QA giảng cho bà bạn Mỹ hàng xóm của cô như thế nào đây.

QA

NO MATTER WHERE HE GOES, SHE WILL FOLLOW HIM.

NO MATTER HOW MANY RIVERS, HOW MANY MOUNTAINS HE CROSSES, SHE WILL COME WITH HIM.

BBT

Ðó là nơi chốn. Thế còn thời gian thì chúng ta dùng gì, cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ chúng ta dùng WHEN. Thí dụ NO MATTER WHEN. Con gái Nhã Lan đi party với bạn nó. Nhã Lan dặn nó rằng bất cứ lúc nào nó muốn về, nó cứ gọi cho Nhã Lan đi đón thì chắc Nhã Lan phải nói thế này: NO MATTER WHEN YOU WANT TO GO HOME, CALL ME ON THE PHONE đúng không thầy?

QA

Có thể nói NO MATTER WHAT TIME thay vì NO MATTER WHEN không thưa anh?

BBT

Ðược chứ. NO MATTER WHEN (hay NO MATTER WHAT TIME) HE WANTS YOU TO COME, YOU MUST BE THERE.

NHÃ LAN

Thời buổi này, công việc khó khăn, boss muốn mình đến sở mấy giờ cũng phải đến nếu không muốn mất việc phải không QA?

QA

Ðúng vậy đó Nhã Lan. NO MATTER HOW MUCH THE JOB PAYS, WE WILL TAKE IT. Ði kiếm việc vào lúc này thì lương trả bao nhiêu cũng nhận ngay, không được quyền mặc cả nữa phải không thưa anh?

BBT

Ðúng. Bây giờ tôi sẽ chỉ hai cô cách diễn tả những ý hệt như trong những thí dụ kể trên, nhưng ngắn và gọn hơn.

Thí dụ NO MATTER WHAT HE SAYS, chúng ta dùng WHATEVER để thay cho NO MATTER WHAT. Cô Nhã Lan diễn lại ý của câu bất kể anh ấy nói gì, cô ấy cũng không đồng ý coi.

NHÃ LAN

NO MATTER WHAT HE SAYS, SHE STILL DISAGREES. Nhã Lan có thể nói như thế này mà vẫn không thay đổi ý nghĩa: WHATEVER HE SAYS, SHE STILL DISAGREES.

QA

Như vậy, nếu không muốn dùng NO MATTER WHERE, AQ sẽ thay bằng WHEREVER được không thưa anh? Thí dụ thay vì nói NO MATTER WHERE HE GOES, QA có thể nói WHEREVER HE GOES, SHE WILL FOLLOW HIM. Nói vậy đúng không thầy?

BBT

Ðúng vậy. Thế còn nếu không muốn nói NO MATTER WHEN thì chúng ta dùng gì bây giờ?

NHÃ LAN

Nhã Lan sẽ thay thế NO MATTER WHEN bằng WHENEVER.

BBT

Cô cho tôi một thí dụ với WHENEVER thay cho NO MATTER WHEN coi.

QA

Xin anh cho QA thay cho Nhã Lan đưa thí dụ về WHENEVER. QA nhớ bài MOULIN ROUGE mà Connie Frances có câu đầu thế này: WHENEVER WE KISS, I WORRY AND WONDER; YOUR LIPS MAY BE NEAR, BUT WHERE IS YOUR HEART…

BBT

Cám ơn cô QA. Bài hát này xưa lắm rồi mà sao cô còn nhớ được.

Trở lại bài học thì NO MATTER HOW MUCH I TALK ABOUT THIS TOPIC, IT IS STILL NOT ENOUGH. Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý. Ðể còn kỳ sau nữa.

QA

Thưa quí khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television cũng trong những ngày giờ thường lệ. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Santa Ana, California

Bài thơ ấy đã có người dịch :

Tea is one, wine another, women the third:
My three follies that leave me no peace.
I shall have to give up whichever I can
I should be able to give up tea, I think. And wine.

Dịch giả là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông có thể tìm thấy nhiều bài thơ Việt khác được dịch sang tiếng Anh trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry của Nguyễn Ngọc Bích, Burton Raffel và W.S. Merwin.

Cô Nguyễn Ngọc Tường Anh, Falls Church,Virginia

Ðội đá vá trời là tích bà Nữ Oa thấy bầu trời còn có chỗ thiếu, trống nên đem những tảng đá lấp lại. Cũng có câu khác nói là luyện thạch bổ thiên là rèn đá năm sắc để vá trời.

Trái vải còn có tên là lệ chi. Lệ Chi Viên là vườn vải, nơi theo truyền thuyết, Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi đã đầu độc chết vua Lê. Vì chuyện này, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Vụ này trong sử ghi là vụ án vườn vải. Nay không còn tìm thấy dấu tích của đồn điền này nữa.

Trái vải còn có một tên khác nữa là Phi tử tiếu do điển Dương Quí phi thích ăn trái vải của tỉnh Quảng Ðông mang tiến. Khi thấy người tiến vải đi ngựa về cung, Dương Quí phi cười lên vui vẻ nên Ðỗ Mục viết rằng:

Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai

(một con ngựa hồng chạy tung bụi đường lên làm Dương Quí phi cười, vậy mà không ai biết vải đã đến).

Tàn canh lãnh phạn là canh thừa cơm nguội, cảnh cơm nước của đầy tớ do chủ nhà để lại.

Trong một hoàn cảnh khác, cơm nguội cũng không dở lắm:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng

Nhất là cơm nguội chan nước phở thì không có gì bằng.

Ông Trần Tiến Học, Denver, Colorado

Tiếng Việt không có chữ CỨC. Trong chữ Hán, "cách" cũng đọc là "cức". Cức nghĩa là nguy cấp như trong hai chữ " bệnh cức" nghĩa là bệnh nặng, bệnh nguy kịch. Trong Việt Nam Từ Ðiển của Khai Trí Tiến Ðức không thấy ghi chữ này.

Gold digger là người đào mỏ (nghĩa bóng). Cũng có khi gọi là fortune hunter. Digger còn có nghĩa khác là người lính Tân Tây Lan và Úc. Nguyên là một ông tướng có dặn các quân nhân dưới quyền hồi đệ nhất thế chiến là "Dig, dig, dig until you are safe!". Từ đó, digger có nghĩa như trên.

Dig còn có nghĩa là thích. Peter Paul and Mary có bài I DIG ROCK AND ROLL MUSIC.

Birther Movement là danh từ chỉ những người tin là ông Obama không phải là công dân Mỹ vì không ra đời trong lãnh thổ Mỹ, và giấy khai sinh nói rằng ông ra đời tại Hawaii là giấy giả, do đó, ông không đủ điều kiện để giữ chức vụ tổng thống Hoa kỳ. Danh từ birther tương đối mới, tự điển Webster của chúng tôi, ấn bản 2001 không có ghi.