November 19, 2009

November 20, 2009

HTML clipboard

Ngày 16 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,
Với những người Ả Rập nói riêng và thế giới nói chung, thì Guantanamo là một cái tên kinh hoàng nhờ việc làm của truyền thông báo chí Tây phương với những bản tin, nhũng bài báo tô vẽ lên những hình ảnh hãi hùng của Guantanamo.

Guantanamo là tên một trại tù nằm trong một căn cứ hải quân Mỹ ở ngay trên một khu đất của Cuba mà Hoa kỳ thuê mướn hiện nay giao kèo vẫn còn hiệu lực.

Ðã có lúc, trại tù này chứa khoảng trên dưới 500 tù nhân bắt được tại Afghanisan, Pakistan. Một số người được thả về đã đưa ra những hình ảnh hết sức kinh hoàng về Guantanamo. Gần như tất cả đều nói là họ bị hành hạ, tra tấn, nhục mạ, kinh Koran bị nhét vào cầu tiêu vân vân.

Thực hư không biết như thế nào. Nhưng với những người Ả Rập, không phân biệt ở nước nào, hễ nói tới Guantanamo, là những hình ảnh hãi hùng, tra tấn, kìm kẹp, ngược đãi lập tức hiện ra.

Và cũng chính vì cái tên của trại tù này, mà một người đàn ông Ả Rập Saudi đã bị vợ lôi ra tòa xin li dị. Chuyện bắt đầu không có gì là ghê gớm lắm. Người đàn ông này không hành hạ vợ, không ngoại tình, không bê bối gì hết. Nguyên một hôm, vợ của ông ta cầm cái điện thoại cầm tay của chồng lên xem trong lúc chàng đang vừa tắm, vừa hát karaoke ầm ỹ trong buồng tắm. Chẳng phải chàng hát karaoke quá dở nên vợ xin li dị. Vợ chàng mở cái điện thoại ra, và tò mò xem chàng chứa trong đó những số điện thọai của ai. Nếu có vài ba cái tên phụ nữ cũng chẳng sao. Ðàn ông Hồi giáo được quyền lấy 4 vợ thì vài ba cái tên ấm ớ đó mà nhằm nhò gì. Ở vần "G", nàng đọc thấy tên của trại tù Guantanamo. Nàng giật mình, không biết chồng tại sao lại có điện thoại của nhà tù kinh hoàng này. Chàng theo Osama Bin Laden từ hồi nào mà lại có người quen bị giam ở Guantanamo? Hay chàng bí mật làm việc cho CIA, cho Mỹ, phản lại những người anh em Hồi giáo đồng đạo của chàng? Nàng bấm thêm một cái nút nữa để xem số điện thoại của trại Guantanamo như thế nào, có mấy hàng số, gọi đi Guantanamo thì phải bấm bao nhiêu số vân vân. Nhưng khi số điện thoại của Guantanamo hiện ra thì nàng hết sức kinh ngạc vì đó là những con số rất quen. Nhìn kỹ lại thi nàng thấy những con số ấy chính là số điện thoại cầm tay của nàng. Hay là chàng lầm?

Không thể có chuyện lầm được, vì khi bấm và hồ sơ những số điện thoại chàng gọi đi, hay chàng nhận được, thì cái số điện thoại của nàng vẫn hiện lên cùng với cái tên Guantanamo. Nàng gọi cho chàng hồi sáng, số của nàng hiện ra bên cạnh cái tên Guantanamo chứ không hề là tên của nàng.

Như thế, chăùc chắn chàng đã dùng tên của cái nhà tù ác ôn của đế quốc Mỹ độc địa để thay cho tên nàng trong điện thoại của chàng. Vậy thì chồng nàng coi nàng độc ác đến như thế hay sao? Nàng đã làm gì để bị chàng đối xử với nàng như thế. Muốn quây cho kín mít dể không một khúc nào bầy ra ngoài cho mấy thằng đàn ông khác coi miễn phí, nàng làm theo lập tức. Muốn nàng học một khóa múa bụng về múa cho chàng coi, nàng học ngay mấy khóa cao cấp để chiều chàng. Chàng muốn ngồi ăn thịt cừu mỡ chẩy ròng ròng bôi tay lên tóc nàng, nàng cũng chịu… Nàng chiều chàng như vậy mà nỡ lòng nào chàng gọi nàng là Guantanamo? Guantanamo còn kinh khiếp hơn chằng tinh, gấu ngựa, chằng lửa sửa cầu tiêu, đứt dây thiều rơi xuống hố … rất nhiều.

Chàng nghĩ nàng như thế đấy.

Nàng liền đưa chàng ra tòa li dị, chấm dứt vĩnh viễn những chuyện khốn nạn đó.

Và Ả Rập Saudi bỗng có thêm một người đàn ông tự do, tha hồ muốn đi Pakistan, Afghanistan gia nhập mujahedin ôm bom nhẩy vào chiến xa Mỹ để lên thiên đàng v

i 72 trinh nữ … cũng được. Chẳng có chị vợ béo nào tha thướt chador hay burqa trong nhà làm phiền chàng nữa.

Tôi nghĩ chàng là người nhiều sáng kiến. Chỉ dùng có cái tên Guantanamo không thôi mà cũng đủ nói ra được bao nhiêu điều ấm ức.

Chứ như tôi thì thua chàng xa. Tôi không nghĩ ra được trò chàng làm. Ðó là với người này, thì là Trại Ðầm Ðùn, với người khác, thì là Lý Bá Sơ, người khác nữa là Con Ma Vái Dù (?)… Chỉ có thế thôi chứ tôi không nghĩ ra được Guantanamo trong khi Guantanamo dữ dằn hơn nhiều. Tù nhân bị giam, không được ăn uống tử tế, anh nào cũng béo quay ra như heo rẽo, kinh Koran lại bị ném xuống đất, trại lại không chịu thuê mấy em múa bụng qua múa cho các chàng coi. Guantanamo quả là một trại tù độc ác.

Nhưng chiếc iPhone của tôi thì cũng chỉ làm được có một vài trò nhà quê tận mạng. Thay vì dùng tiếng chuông reo, người ta có thể thay tiếng chuông bằng tiếng chó sủa gâu gâu, tiếng vịt cạc cạc là cùng. Ðang lái xe, nghe tiếng chó sủa là biết ai gọi liền. Tiếng vịt cạc cạc cũng thế. Lỡ đang lái xe, có người ngồi cạnh, bỗng nghe tiếng chó sủa ầm ỹ, thì … cứ để cho chó sủa tiếp. Lúc khác (vắng người) hãy trả lời. Khi bị nhắc trả lời điện thoại, thì cứ nhún vai và nói rằng "Ối giào ơi … mấy con chó ấm ớ nào ấy mà."

Những cái iPhone còn có thêm một trò này nữa. Cho một bức hình vào cạnh cái tên và số điện thoại, thì khi điện thoại reo, bức hình đó liền hiện ra lên trên màn hình. Vậy thì cứ kiếm một họa phẩm của Picasso cho vào để người gọi có cái mặït méo mó rất lập thể … chơi cho vui. Hay nếu không, cứ lấy bức hình Michelle Obama mặc quần đùi đi coi Grand Canyon mà đổ riệt cho là nàng là tốt nhất.

Chỉ đừng cho người không phải là Michelle ấy coi là được. Mà cũng đừng để cho nghe tiếng chó sủa là thoát nạn.

Như vậy, mỗi lần điện thoại gọi tới để hạch hỏi, sách nhiễu, mè nheo, õng ẹo, cứ cho sủa một hồi nghe cho sướng cái lỗ tai, rồi hãy trả lời, khi đó, tiếng sủa cũng dứt, mà bức hình Michelle Obama mặc quần đùi cũng biến đi. Chờ đến lúc ấy hãy nhẹ nhàng trả lời: "Em đó hả, cục cưng của anh đó sao? Con beo gấm ơi … cần gì vậy hả cưng …"

Chứ để cho phía bên kia biết điện thoại có cái tên Guantanamo thì bị lôi ra tòa li dị là đáng cái đời lắm rồi còn nói năng chi?


Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Bệnh cúm heo H1N1 chưa chi đã đem lại một số thay đổi khá nhiều trong đời sống của chúng ta. Ở một số nhà thờ, bánh thánh được bỏ vào tay, không cho vào miệng nữa.

Ông già Noel hôm qua đã phải trấn an lũ trẻ là tuy có cúm heo, nhưng ông vẫn sẽ lên đường đem quà cho chúng. Ông còn nói rõ là ông khỏe mạnh là nhờ có bà già Noel săn sóc rất kỹ. Ông khuyên trẻ phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe để còn nhận quà của ông.

Chính phủ Pháp mấy tuần trước cũng khuyến cáo người dân khi chào, không nên ôm hôn nhau nữa. Cả việc bắt tay cũng nên hạn chế.

Thế là đang muốn làm cho giống Tây, giống đầm một chút thì lại thấy những đe dọa của cúm heo lởn vởn chung quanh, nên bèn đứng xa mà chào nhau vậy. Cứ đứng xa, cúi rạp người xuống, nhớ đừng bắt tay như ông Obama là được.

Không có cái "hug" kể ra cũng buồn. Ở đây, tôi có quen một phụ nữ, thỉnh thoảng gặp, mà hễ gặp là nàng kéo lại, "hug" một cái, hôn nhẹ lên hai má hai cái cứ như Tây và đầm ở đường phố Paris vậy. Không bao giờ phản đối. Nhưng nay, gặp nàng, chắc tôi không còn được chào hỏi theo kiểu Tây đầm như thế nữa.

Hơi tiếc nhưng đã lâu không gặp, thấy quen đi, nên không không thấy mất mát gì cả. Riêng có mục bắt tay thì phải cám ơn cúm heo.

Tránh bắt tay, nhất là tránh phải bắt tay vài ba người ở đây lại là điều hay. Tưởng tượng buổi sáng vào tiệm ăn sáng thì chàng nhào tới đúng lúc tô phở được mang ra, bầy trên bàn. Phải nói là chỉ mấy phút trước tôi đã vào toilet rửa xong đôi bàn tay đúng theo lời khuyến cáo bằng tiếng Anh (Wash Your Hands) ở quận Cam được một thiên tài dịch thuật nào đó dịch sang tiếng Việt là Hãy Rửa Tay Của Bạn. Cẩn thận rửa đúng tay mình, tay người khác thì kệ xác. Tay ai nấy rửa. Ðang định ngắt cọng rau sống để bắt đầu một ngày thơm ngát như mùi húng quế thì chàng chìa tay ra bắt.

Ừ thì bắt một cái cũng không sao. Nhưng chàng chìa con cá chết (?) ra cho tôi nắm trong khi chàng còn ngoái lại phía sau, nói qua bàn gần đó, "toa" "moa" rầm trời đất thì tôi rất khó chịu. Có bắt tay thì cũng tỏ ra ân cần một chút. Nhìn nhau một cái coi. Nỡ lòng nào tay chìa con cá chết, lại ngoái trông theo ngọn tử phần (?) sang bàn khác để oang oang với người khác, đuốc hoa cứ để cho mình ngồi trơ thân cụ ra thì có chán không cơ chứ!

Thế là hỏng (cha nó) bữa sáng. Lại phải lọ mọ vào toilet rửa cái tay trở lại. Mà đã chắc gì được yên cái thân già. Ðã chắc gì ra ngồi xuống bạn lại không bị một con cá ươn, cá thối chìa vào mặt đòi bắt tay một cái cho vui đời tị nạn?

Bây giờ nhờ có cúm heo, có thể chàng sẽ sợ lây cúm heo mà tha cho chăng?

Nhưng lỡ chàng cứ xấn vào mà bắt tay thì sao? Thì cũng đã có cách để đối phó. Một người quen gửi cho mấy chai xà bông nhỏ không cần dùng nước (antibacterial deep cleansing hand gel) với lời d

n dò y hệt như cái quảng cáo của American Express: Don’t Leave Home Without It! Ra cửa là phải nhớ mang theo. Nhờ đó, bây giờ có ai nhất định bắt cái tay thì cho bắt. Bắt xong, kín đáo thò tay vào túi quần, lấy cái chai xà bông đó ra, cho vài giọt vào tay, xoa hai tay vào nhau là cam đoan cái mùi, cái dấu tích của con cá chết nhất định sẽ không còn nữa.

Hai bàn tay lại sạch hết những bacteria, thơm phức bên tô phở buổi sáng.

Cám ơn cúm heo.

Tuần trước trong tờ Orange Couty Register có một bức hí họa vẽ hai con heo đứng nói chuyện với nhau. Một con mặt mày buồn bã. Con kia hỏi tại sao, thì con heo mặt mũi đau khổ đáp rằng nó vừa bị lây cúm … người.

Tại sao con người độc ác như thế? Ðã lôi mấy con heo ra làm thịt ăn với nhau, nay thấy cái bệnh cúm dễ ghét thì đổ riệt cho m

y con heo là làm sao? Bị cúm vớ vẩn lết cái thân vào buồng tắm, ngó trong gương rồi hốt hoảng chạy ra ngoài hét toáng lên là bị cúm … heo nên thuốc cúm H1N1 mới khan hiếm kinh khủng là như thế.

Tội nghiệp mấy con heo vô cùng. Cứ cái gì xấu nhất là đổ cho chúng. Cúm heo, trò con heo đến cơn gió hơi lạnh một chút là cũng đổ riệt cho đó là gió … heo may thì có ác không cơ chứ!


Ngày 18 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Hôm nay là còn đúng một tuần lễ nữa là đến ngày Thanksgiving. Mấy năm đầu khi mới tới Mỹ, trong những ngày lễ Thanksgiving ở miền đất mới này, tôi thấy không cần phải cảm ơn cái gì hết. Chuyện mấy ông Thanh Giáo đổ bộ lên Plymouth, qua mùa đông (của anh?) chết mất một số, đói bệnh liên miên may được mấy người da đỏ đến chỉ cách trồng ngô, trồng khoai, vào rừng săn bắn nên năm sau đã khá là chuyện của mấy ông. Ðể cảm cái ơn đó, các ông Thanh Giáo làm tiệc mời mấy ông da đỏ lại ăn. Ăn xong, mấy ông da trắng cướp lấy đất của người ta, bắn giết không thương tay hệt như những phim cao bồi John Wayne vậy. Thế thì chuyện cảm ơn không hề là chuyện của tôi.

Nhưng ở nước Mỹ hơn ba chục năm, nhiều khi ngồi lẩn thẩn nghĩ thì thấy cũng có vài ba chuyện cần cảm ơn thật. Nhân có ngày Thanksgiving, thôi thì lôi ra cảm ơn một lần cho hết.

Thí dụ cảm ơn không phải là con gà tây. Cảm ơn không phải là người da đỏ. Cảm ơn sáng ra không phải ngó thấy những cái cờ đỏ, những khuôn mặt ngu xuẩn như bọn nhà quê ở Hà Nội, không phải nhìn những thứ như Lê Khả Phiêu viết sách (nữa Giời ạ!), những thứ như Nguyễn Minh Triết diễn văn cóc nhái ở Cu3 Cu4. Cảm ơn trên đời còn có những người như Lê thị Công Nhân, như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, như Hòa Thượng Quảng Ðộ và rất nhiều những con người can đảm khác đang ở Việt Nam… Cảm ơn những người dám mặc những cái t-shirt có vẽ bản đồ Trường Sa và Hoàng Sa ở giữa Sài Gòn để nhắc cho bọn chó bọ biết về cái bản đồ Việt Nam, cái bản đồ Tản Ðà vẫn mong được bồi lại. Cảm ơn hải quân trung tá Ngụy Văn Thà, người làm cho tất cả người Việt đều muốn mang cái họ Ngụy đó của ông. Cảm ơn những người lính đã chết, những người lính còn sống với những thương tích của cuộc chiến ở Việt Nam. Cảm ơn những người lính đang ở Iraq, đang ở Afghanistan. Cảm ơn cái trí nhớ chưa hoàn toàn ra đi. Cảm ơn những cuốn sách. Cảm ơn tờ báo buổi sáng. Cảm ơn những ngưòi bạn. Cảm ơn miền Nam hiền lành, bao dung và tử tế. Cảm ơn những thứ mang đi được từ miền Bắc. Cảm ơn miền Trung của lãng mạn. Cảm ơn những bài hát cũ nghe lại vẫn bồi hồi như những chiều ngồi ở bờ sông Sài gòn. Cảm ơn những giọt mưa , mùi đất ẩm làm nhớ Việt Nam không biết bao nhiêu mà kể. Cảm ơn giọng nói buổi sáng. Cảm ơn cái điện thoại. Cảm ơn Ðinh Hùng và Nguyên Sa: lúc hạnh phúc nhất, lúc khổ đau nhất vẫn có hai ông. Cảm ơn Võ Phiến: không có ông đời sống mất đi bao nhiêu là vui. Cảm ơn ly cà phê đầu ngày. Cảm ơn chiếc xe cũ vẫn chạy. Cảm ơn mấy người em. Cảm ơn mấy đứa con, mấy đứa cháu. Cảm ơn mùi tóc thơm buổi tối. Cảm ơn sự tử tế và ân cần. Cảm ơn sự dịu dàng. Cảm ơn Salompas. Cảm ơn những cái ca vát làm vui những buổi sáng. Cảm ơn mấy cái computer: không có chúng mày làm sao tao sống? Cảm ơn những người bạn Mỹ. Cảm ơn nhũng cuốn tự điển yêu quí. Cảm ơn nhạc của Sơn, những bài hát không bao giờ rời trí nhớ đang càng ngày càng cằn cỗi này. Cảm ơn Heineken. Cảm ơn cái mở nút chai. Cảm ơn những chai đỏ lúc nào cũng đằm thắm. Cảm ơn em đi mắt có thơ mùa hạ, má phấn hồng lên dáng phượng hoa của Ðinh Hùng. Cảm ơn những lời thăm hỏi. Cảm ơn vài ba mối tình cũ. Cảm ơn những người thầy cũ. Cảm ơn Old Spice làm tỉnh người mỗi sáng. Cảm ơn những người phụ nữ rất tốt bụng và rất ân cần ở những tiệm ăn. Cảm ơn các đồng nghiệp. Cảm ơn những tấm ảnh cũ. Cảm ơn cái búa, cái kìm không có chúng làm sao đóng cái đinh, nhổ cái đinh? Cám ơn mùi nước hoa. Cám ơn những cái dao cạo râu. Cảm ơn mai anh về mắt vẫn lánh đen của Nguyên Sa. Cảm ơn cái bàn chải đánh răng: không có mày làm sao duy trì được những quen biết rất gần gũi (?) trong đời sống. Cảm ơn những kẻ thù. Không có họ làm sao vui được. Cảm ơn tiếng Việt. Cảm ơn tiếng Ăng lê. Cảm ơn Anglais Vivant. Cảm ơn Assimil, cảm ơn Linguaphone. Cảm ơn những ngày trốn học có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Ðinh Hùng). Cảm ơn kỷ niệm rất đẹp về cái thành phố hai mùa mưa nắng ấy. Cảm ơn những năm tiểu học và trung học. Cảm ơn tà áo mở khép nghìn tâm sự. Cảm ơn những sợi tóc để lại trong buồng tắm. Cảm ơn những bàn chân, những cái móng tay sơn đỏ. Cảm ơn Thanksgiving để có dịp nói lên những điều cần phải cảm ơn ở trên. Cảm ơn con gà tây tối thứ Năm tuần tới.


Ngày 19 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Sau bao nhiêu năm ra vào, lui tới mỗi tuần ít nhất cũng phải dăm ba lượt với ông McDonalds, cuối cùng nhờ mấy dòng ngắn trong tờ Playboy mấy tháng trước, tôi mới cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và đỡ hậm hực đi được một chút.

Bạn coi, một bên thì cứ hamburger hoài hoài mà không thấy phía bên kia đáp lễ bằng tô bún bò để loay hoay với đôi đũa cho bên này vui, thì người dễ tính và hiền nhất cũng phải hậm hực.

Chúng tôi thưởng thức những thứ chẳng ra gì của các ông trong khi các ông không ăn thử vài ba món của chúng tôi thì các ông cũng phải để cho chúng tôi bất bình một chút chứ.

Thực ra thì thỉnh thoảng cũng có những người ở phía bên kia vào tiệm gọi tô phở, nhưng phở vẫn bị coi là món quà bình dân. Phở chưa bao giờ được đưa vào danh sách của những món của những tay ăn chơi sành sỏi. Niềm ấm ức vẫn tiếp tục là thế.

Nhưng chúng ta đã được "vô trường công tử" nhẩy ra cứu nguy, đem lại những kiêu hãnh cần thiết cho đời sống ở nước Mỹ, giúp chúng ta ngẩng mặt được lên một chút.

Ðó là công của "vô trường công tử".

Nhờ đọc đoạn tin của tờ Playboy, tôi mới biết là mãi đến bây giờ người ta mới biết đến công tử, biết và trân quí, trong khi công tử đã được Lý Lạp Ông, một nhà văn Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ 17 đề cập đến trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Ký của ông từ mấy trăm năm nay.

Gặp "vô trường công tử " một lần, họ Lý nhớ suốt đời. Tại sao thích, yêu "vô trường công tử " thì Lý Lạp Ông không nói ra được. Duy có điều ông coi "vô trường công tử " là một thứ hết sức lạ trong trời đất. Ông để dành ra một số tiền mỗi năm để đợi tới mùa là đi kiếm mua "vô trường công tử " về cho bõ những ngày cơ cực, đến độ người nhà gọi đó là món tiền để chuộc sinh mệnh của ông. Suốt mùa, ông phải luôn luôn có "vô trường sinh mệnh" bên cạnh, không tối nào là không về với "vô trường công tử". (Xem Nhân Sinh Ðích Nghệ Thuật, The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

"Vô trường công tử " là tên người Trung Hoa gọi con cua, loài sinh vật hình như không có ruột mà Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh cũng có ghi ở trang 563.

Tờ Playboy đã viết về một món cua của chúng ta và coi đó là một món cực kỳ văn minh, tiến bộ mà các tay ăn chơi sành điệu phải kiếm để thưởng thức.

Ðó chỉ là món cua rang muối, nhưng đọc trong tờ Playboy, thì ai cũng phải nghĩ món cua này là món ăn chơi quí phái lắm.

Sharon Boorstin, người viết mấy dòng ngắn ngủi đó, đã phải nhờ đến vị giác và khứu giác mới kiếm ra mùi tỏi và vị ngọt của đường, chút bơ và phó mát Parmesan để khuyên các tay ăn chơi sành sỏi đi kiếm "vô trường công tử" cho bõ những ngày cơ cực.

Ôi tưởng gì chứ món cua rang muối thì có gì là quí phái đâu. Chúng tôi đâu có thua gì Lý Lạp Ông trong chuyện ăn cua. Chỉ không làm như họ Lý là viết những câu thảm thiết mà Lâm Ngữ Ðường trích lại như "Ôi cua, cua, cua! đời của người và đời của ta kết liền với nhau từ lúc sinh ra cho đến lúc chết chăng!"

Nhưng có sao đâu, miễn là các tay chơi nhà quê của nước Mỹ thấy được cái đẹp, cái ngon của cua, thứ quà hạng bét của chúng ta, và coi đó là món ăn chơi cực kỳ quí phái là được rồi.

Trong khi mấy ai trong chúng ta viết được những lời lẽ tốt đẹp gần như thế về cái hamburger của McDonalds. Nhiều người vẫn nói rằng trả thù cũng hệt như thịt nguội, phải ăn lúc nguội mới ngon. Nhưng cua rang muối thì càng nóng càng ngon. Không thể nguội được.


Ngày 20 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"

(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Ðến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Trần Tập, Orange County, California

Lã Thị Xuân Thu không phải là tên người, mà là tên một tác phẩm do các học trò , môn khách, gia đồng cả ba, bốn ngàn người của Lã Bất Vi soạn. Lã Bất Vi là người đặt tên cho bộ sách đại diện cho Tạp Gia này. Không thể nói hết về bộ sách này vì không đủ sức. Một số truyện trong Lã Thị Xuân Thu có thể đọc thấy trong Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân.

Hạng Thác có thể là một nhân vật tưởng tượng mà những ngươi không ưa Khổng Tử dựng lên và đặt vào miệng cậu bé này những câu nói, những câu hỏi gây bối rối cho Khổng Tử.

Chữ "Bồn"

như trong Vu Lan Bồn là từ tiếng Phạn: Ullambana nghĩa là điều đau đớn.

Ông có thể mua tập thơ Chiến Tranh Việt Nam & Tôi của Nguyễn Bắc Sơn qua nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ P.O.Box 58 S. Bound Brook, NJ 08880 hay qua địa chỉ email: tranhoaithu@yahoo.com

Bà Nguyên, Bismark, North Dakota

Wilhelm Albert Vladimir Alexandre Apollinaire de Kostrowitski là tên thật của Guillaume Apollinaire (1880-1918), một nhà thơ Pháp gốc Ba Lan. Mẹ của ông là người Ba Lan. Cha ông có thể là một sĩ quan Ý.

Hai câu "Vienne la nuit sonne l’heure / Les jours s’en vont je demeure" (đêm tới, chuông đồng hồ điểm, ngày ra đi, ta ở lại) là những câu điệp khúc của bài thơ rất nổi tiếng của ông, bài Le Pont Mirabeau.

Hai câu này phảng phất trong bài Nghe Những Tàn Phai của Trịnh Công Sơn: "…ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ…" Bài thơ chắc đã nhập vào Trịnh Công Sơn. Bài hát cũng bầy ra cái không gian của bài thơ : "…ni temps passé / ni les amours reviennent …" (vòng tay quen hơi băng giá, nhớ một người tình nào cũ, khóc lại một đời người quá ê chề …"

Accident

é trong trường hợp terrain accidenté lại có nghĩa là một khu đất, một địa thế nhiều dốc, không bằng phẳng.

By accident là tình cờ, là không dự tính, không chủ ý.

I hit him by accident là tôi vô tình đụng phải anh ấy.

Margaret Mitchell became a writer by accident. Tác giả Gone With The Wind bị tai nạn phải nằm bệnh viện một thời gian. Bà viết cuốn tiểu thuyết này trên giường bệnh viện nên nói sao cũng được: Margaret Mitchell trở thành nhà văn một cách tình cờ hay Margaret Mitchell trở thành nhà văn vì tai nạn thì cũng được.

Ông Hoàng Ngọc Bích, Toronto, Canada.

Gặp ai thì NẤY là chồng hay gặp ai thì LẤY là chồng?

Ðây là một câu trong truyện Trinh Thử. NẤY đúng. LẤY không đúng. Không thể giải thích NẤY là do cách phát âm sai (L thành N).

Nấy ở đây có nghĩa là "người ấy" như khi nói "tiền ai NẤY giữ, nhà ai NẤY ở". Sở dĩ có chuyện hiểu lầm là vì có chữ "chồng" ở cuối.

Nếu đó là động từ LẤY thì phải nói là LẤY LÀM CHỒNG thì mới đúng. Không ai nói LẤY LÀ CHỒNG.

Ai nấy là tất cả mọi người. Thí dụ : Ðức Trần Hưng Ðạo là người AI NẤY đều tôn kính.

Phạm Văn Sơn là tên thật của tác giả nhiều bộ sử Việt. Ông sinh năm 1915 và đã qua đời sau năm 1975 trong trại tù Cộng sản vì chức vụ đại tá trong ngành quân sử của Việt Nam Cộng Hòa. Ông còn có một bút hiệu là Dương Châu. Phạm C. T. là bạn học của chúng tôi hiện ở Việt Nam có sang Hoa kỳ chơi cách đây mấy năm.

Nghè Tân là tên gọi cụ Nguyễn Quí Tân (1811-1858). Cụ đỗ tiến sĩ năm Thiệu Trị thứ 2, được bổ làm tri phủ nhưng không giữ chức này lâu. Cụ từ quan đi chu du thiên hạ. Cụ có bài khóc vợ rất nổi tiếng và có một số thơ văn hài hước được nhiều người ưa thích. Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân có dùng vài nét của con người cụ nghè để viết trong các tùy bút của ông.

Mister Charlie là một người đàn ông da trắng nhưng danh từ này được dùng một cách miệt thị.

Red neck là phu phen, lao động thất học.

Blue collar là người làm việc tay chân.

White collar là người làm việc văn phòng, trí thức.

Leather neck là một binh sĩ thủy quân lục chiến.

Ông Hà Thái (thaiha1234@yahoo.com)

Khi chào, người Nhật cúi mình xuống ở những góc độ khác nhau.

Mức độ nghiêng mình chào không phải với ai cũng giống nhau.

Một bài báo trong tờ National Geographic Magazine có nói rõ tại các department store, nhân viên được dậy và bắt buộc phải chào cho đúng. Khách có mua hàng chào khác (từ 60 đến 90 độ). Khách không mua hàng hay khách ra vào thang máy chào khác, khoảng 45 độ là đủ. Ðã cúi chào thì không bắt tay. Tổng thống Obama vừa cúi vừa bắt tay là không đúng cách.