December 30, 2010

December 31, 2010

Ngày 27 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Cuốn Webster's New World Encyclopedia tôi mua mấy năm trước trong đống sách bán hạ giá trước cửa tiệm Border's Bookshop rẻ thì có rẻ thật, nhưng lôi ra đọc vài ba chữ đã thấy không đủ, thiếu tùm lum.

Thí dụ tiểu sử của Chekhov ở trang 174 hay Maugham ở trang 535 chẳng hạn. Anton Pavlovich Chekhov được ghi là một nhà soạn kịch và viết truyện ngắn của Nga (Russian dramatist and writer of short stories). Còn William Somerset Maugham của văn chương Anh thì cũng chỉ được ghi là English writer. Theo sau là mấy tác phẩm tiêu biểu nhất của hai ông. Chỉ có vậy thôi.

Trong khi chúng ta đều biết cả hai ông đều xuất thân là y sĩ. Nhưng vì tiếng gọi của văn chương lớn hơn, nên cả hai đều xếp stethoscope quay sang với cây bút để làm nhà văn.

Vậy mà chi tiết đó không được ghi trong tiểu sử cùa hai ông đọc được trong cuốn Webster's. Thiếu sót đó không thể tha thứ được.

Ngày nay, nếu hai ông còn sống, lại được mời đi dự vài ba cái đám cưới như một cái cách đây ít lâu mà tôi có dự, thì hai ông đã được nhắc nhở một cách hào phóng hơn là cách nhắc nhở đầy thiếu sót của cuốn bách khoa rẻ tiền tôi có rất nhiều.

William Somerset Maugham, tác giả của Of Human Bondage, The Moon And Six Pence, The Trembling of a Leaf... không thể được giới thiệu trống không như trong cuốn Webster: nhà văn Anh. Ông phải là "bác sĩ, nhà văn William Somerset Maugham". Anton Chekhov cũng được emcee trân trọng giới thiệu là "bác sĩ, nhà văn, kịch tác gia Anton Chekhov". Hai ông sung sướng có thể chết đi sống lại được.

Chứ đâu có hà tiện giấy để có thể bán đại hạ giá ngoài cửa Border's Bookshop như cuốn bách khoa bỏ túi của tôi bao giờ.

Và nếu người được giới thiệu lại có một chuyên khoa nào, thì dĩ nhiên cũng phải được giới thiệu đầy đủ, thí dụ "bác sĩ sản phụ khoa, nhà thơ Nguyễn Văn X." hay "luật sư chuyên ly dị, bồi thường lao động, thương tích tai nạn, nhà văn Z."

Mà tại sao lại không?

Ông có hai tay, hai nghề khác nhau. Vui làm thơ nhưng không quên đỡ đẻ, thế thì phải giới thiệu đầy đủ, cũng như viết văn mà vẫn là chuyên về P.I. (personal injury) lo bồi thường cho thân chủ bị thương tích trong các tai nạn xe cộ thì phải kể ra cho hết.

Tô Đông Pha làm thơ hay, vẽ đẹp mà không thấy các emcee Tầu trong các đám cưới giới thiệu là "họa sĩ, nhà thơ Tô Đông Pha" bao giờ, thật là thiệt thòi cho một thiên tài của văn học Trung quốc. Cũng may mà ngày nay còn có người nhớ đến cả thơ cũng như tài vẽ của ông. Mà ông cũng không quá sốt ruột đòi ôm cả hai thứ... đi dự đám cưới bao giờ.

Các ông mà sống trong lúc này, lại lớ quớ được mời đi ăn cưới, được emcee mời lên sân khấu, ra mắt, được giới thiệu đầy đủ chức tước kiêm nhiệm, đang còn giữ cũng như đã hồi hưu như vậy, rồi lại còn được emcee xin "quí vị cho một tràng pháo tay" thì hạnh phúc nào bằng. Đến như vua Thần Tôn mê đọc thơ Tô Đông Pha trong lúc đang ăn thì cũng chỉ sướng gần được một nửa điều sướng khoái được giới thiệu theo cách giới thiệu trong đám cưới mà thôi.


Ngày 28 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi năm trước.

Một bữa đang ngồi trong quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do, Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: "Ông biết tôi là ai không?" Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết.

Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông đi theo, làm đàn em cho một ông tướng, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút "hào quang" vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.

Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ.

Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.

Mấy tháng trước, trong chuyến về lại California, tôi phải ghé lại New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra. Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy. Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông. Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần: "Do you know who I am?"

Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.

Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước của ông, xin tới quầy 112.

Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa.

Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười. Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu: "F... you!"

Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này: " I'm sorry, sir, but you'll have to stand in line for that, too." Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.

Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi.

Bây giờ, nếu người đàn ông ở La Pagode hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Nhưng còn một điều tôi hơi ngại, là nếu phía bên kia đưa ra đề nghị bắt đầu bằng chữ "F" thì cũng hơi phiền. Chẳng lẽ lại đòi những người ấy xếp hàng... cả ngày như ở nước ta hay sao?


Ngày 29 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Tháng trước, cả hai hãng thông tấn AFP lẫn Reuters đều loan tin về một người đàn ông Ai Cập bị tòa bác đơn xin ly dị vợ.

Vậy mà trước đây, tôi cứ tưởng tại quốc gia Hồi giáo này, đàn ông luôn luôn được dành cho mọi sự dễ dãi khi muốn lấy vợ cũng như khi muốn ly dị vợ. Chẳng phải là theo luật Hồi giáo, người đàn ông chỉ cần nói ba lần câu "Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô" là chấm dứt những rắc rối giữa hai người như tôi đọc được trong những tài liệu về Hồi giáo hay sao?

Nhưng có thể luật Ai Cập, quốc gia Hồi giáo tương đối ít cuồng tín nhất, người phụ nữ cũng được đối xử khác với lối đối xử kiểu trung cổ ở các nước Hồi giáo khác như Yemen, Afghanistan chăng?

Bản tin cho biết một toàn án ở tỉnh Qena thuộc miền nam Ai Cập đã phán rằng người đàn ông này không được phép ly dị vợ với lý do mà ông ta nại ra trong đơn. Người đàn ông này đưa vợ ra tòa xin chấm dứt cuộc sống vợ chồng vì người đàn bà này chỉ có một vú. Người chồng nói rằng người phụ nữ mà ông cưới về làm vợ cách đây 20 tháng đã không cho ông biết về chi tiết bất thường này nơi cơ thể, và ông sợ rằng vợ ông sẽ không thể nuôi con được như những người đàn bà bình thường khác. Tòa bác đơn của ông, nói rằng vợ ông có sức khỏe tốt và tòa thấy là không có lý do gì bà không thể là một người vợ và một người mẹ tốt.

Trường hợp không thể là mẹ tốt, theo ca dao Việt Nam là phải thiếu cả hai, chứ nếu có một, thì vẫn có thể được, và vì thế, người đàn bà này, như phán quyết rất có lý của tòa án, vẫn có thể làm mẹ như những phụ nữ khác.

Có thể người chồng có những lý do khác để không muốn ở với người phụ nữ này.

Rất có thể ông có nghe nói về một bộ lạc phụ nữ tên là Amazon sống ở gần Hắc hải, mà theo thần thoại Hy Lạp, để bắn cung cho giỏi, tất cả những người phụ nữ này đều cắt bỏ vú bên phải của họ cho khỏi vướng dây cung, và vì thế, ông sợ người vợ một vú của ông có thể là một chiến sĩ Amazon tạm xếp cung tên lo chuyện chồng con nên ông muốn bước ra trước khi quá muộn chăng?

Ông lo xa hơi quá, vì giỏi như Penthesilea, nữ hoàng của bộ lạc Amazon vẫn bị Archilles giết trong trận đánh ở thành Troie cơ mà. Nỗi lo sợ của ông không có cơ sở.

Hay ông cũng đã bị nghe một câu đay nghiến như câu mà ông hàng xóm cũ của tôi ở Sài Gòn bị vợ tặng cho chăng? Người đàn ông ở bên cạnh nhà tôi một hôm vui chơi với bạn bè, về nhà sau giờ giới nghiêm mà bà vợ ban hành, bà đổ cho ông gian díu với một phụ nữ khác và nói thẳng với ông rằng bà sẵn sàng để cho ông đi theo con đĩ ấy nếu nó có 3 "cái trên" và 2 "cái dưới" chứ nếu nó chỉ có 2 "cái trên" và 1 "cái dưới" thì nó có khác gì bà ở nhà đâu mà ông phải đi kiếm ở bên ngoài cho mất công.

Tôi nghe được câu phát biểu đầy chân lý đó, đến nay vẫn còn phục những câu nói của các phụ nữ miền Nam yêu quí, những câu nói vừa hợp lý vừa thẳng thắn.

Tưởng tượng người đàn bà Ai Cập này cũng nói một câu tương tự, nhưng trừ bớt đi một "cái trên", tức là 2 "cái trên" thì trách sao ông chồng chẳng đòi ra đi.

Hay ông thỉnh thoảng lại bị bà sai làm việc nọ việc kia rồi đâm ra chán cuộc sống với bà đến nỗi phải xin chấm dứt cuộc sống ấy? Ông đã thiệt thòi so với những người đàn ông khác, lại bị vợ lâu lâu vô tình đụng phải sự thiệt thòi đó, thí dụ sai, nhờ chồng làm vài ba việc trong nhà thì cứ sai, cứ nhờ, nhưng có cần phải nhắc ông về những thiệt thòi đó không? Chẳng hạn bắt đầu câu có cần phải nói "Anh rảnh tay, tắt hộ em cái đèn, rồi rảnh tay, anh đưa cho em tờ báo... rảnh tay anh lấy cho em ly nước trên bàn ngủ, rồi rảnh tay anh gãi lưng cho em đi..."

Có cần phải nhắc ông ta mãi về sự rảnh tay của ông không?

Ông tòa ở Qena khi bác đơn xin ly dị của người chồng có lẽ cũng nên nhắc người vợ mấy điều ở trên thì mới hy vọng hai người ở được với nhau lâu dài.

Tôi rất mong điều đó.


Ngày 30 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Trong những ngày bão tuyết đổ xuống miền đông, tôi lại nhớ chiếc Isuzu Rodeo, chiếc xe đã rất tử tế với tôi trong suốt mấy mùa đông. Những hôm trời tuyết "mãn thiên hoa vũ" những tối "tuyết ủng Nam quan" nó vẫn không bao giờ phụ tôi. Hệ thống vận hành bốn bánh của nó bao giờ cũng đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn.

Vậy mà sáng nay, tôi suýt nghĩ đến chuyện xa nó.

Chỉ vì cái quảng cáo chiếc Jeep Cherokee mà tôi thấy trong tờ Time.

Quảng cáo dùng bức hình chụp một chiếc Cherokee mầu đỏ đậu giữa một vùng núi đồi cây cỏ xanh tươi, cửa trước phía người lái mở toang, không thấy người lái xe ở đâu. Quảng cáo cho biết những đặc trưng của chiếc xe như máy 4 lít 7, thắng không khóa bánh lại, rất an toàn trên những đoạn đường trơn tuyết hay đá. Sàn xe cao, rất tiện cho những chuyến đi trên đường xấu có ổ gà hay mấp mô đá tảng, không kể những túi hơi để bảo vệ người lái xe cũng như hành khách khi xẩy ra tai nạn.

Chiếc Isuzu của tôi không còn mới nữa, nếu so với chiếc Jeep Cherokee của Daimler Chrysler, đã có lúc tôi muốn bán quách, mua cái SUV mới chạy cho sướng cái thân già, và sáng nay, khi xem cái quảng cáo của chiếc Jeep, tôi đã định đổi chiếc Isuzu Rodeo lấy chiếc Jeep.

Thứ nhất, máy chiếc Cherokee lớn hơn, chạy phải khỏe hơn, mấy chỗ thỉnh thoảng tôi đi câu rất cần một lòng máy lớn như thế. Quảng cáo khoe là kiểu Jeep Cherokee mới này có những bộ phận an toàn cho hầu hết mọi trường hợp. Tôi rất cần một chiếc xe như thế trong những chuyến đi câu hay đi chơi xa. Nhưng đọc tiếp thì thấy chiếc Jeep Cherokee vẫn không bảo vệ người lái chống lại một mối đe dọa nguy hiểm khác, đó là nếu người lái chiếc Jeep Cherokee này bị Montezuma trả thù.

Except Monterzuma's revenge. Chiếc Jeep Cherokee này không bảo vệ người lái nó chống lại được sự trả thù của Montezuma. Montezuma mà trả thù thì Jeep Cherokee cũng chẳng làm gì được.

Và đọc đến đó, thì tôi hiểu tại sao trong hình, tìm mãi tôi vẫn không thấy người lái xe ở đâu, trong khi cửa trước mở toang, và chung quanh, chỉ có cây cối mọc um tùm, xa xa là một ngọn núi.

Tôi tin chắc ông ta đang ở đâu đó sau một lùm cây, không muốn cho ai bắt gặp trong cơn thịnh nộ trả thù của Montezuma.

Montezuma là ai mà hành động trả thù lại kinh khiếp đến như thế?

Montezuma là hoàng đế của đế quốc Aztec từ năm 1502 đến 1520. Khi Cortez, nhà thám hiểm chinh phục đất đai người Tây Ban Nha tiến chiếm Mễ Tây Cơ, thì Montezuma bị bắt, bỏ tù khi quân Aztec tấn công lực lượng Tây Ban Nha khi lực lượng này sửa soạn rời Tenochtitlán, thủ đô của Aztec. Montezuma dĩ nhiên đã chết trong tù từ lâu, nhưng hồn của Montezuma vẫn lẩn quất đâu đó ở Mễ Tây Cơ, và thỉnh thoảng những người tới Mễ Tây Cơ chơi vẫn bị Montezuma rượt chạy gần chết, nhất là ghé Mễ Tây Cơ mà ăn uống bậy bạ.

Người lái chiếc Jeep Cherokee chắc cũng uống nước không tinh khiết hay ăn nhiều tamales, tacos quá, lại còn phá phách, khuấy lộn những phế tích của người da đỏ Aztec khiến Montezuma giận điên lên và tung đòn thù ra cho biết thân mà lần sau chừa đi.

Ông Carter hồi còn làm tổng thống Mỹ, trong một chuyến đi thăm Mễ Tây Cơ cũng bị Montezuma trả thù, chạy có cờ... hoa.

Có điều chúng ta thì không gọi là bị Montezuma trả thù. Chúng ta không có bất cứ một liên hệ nào với Montezuma, mà cũng chẳng bao giờ làm cho Montezuma phải bực bội như khi bị quân Tây Ban Nha bắt hạ ngục.

Cái quảng cáo đó, nếu qua Việt Nam, hay quảng cáo qua báo chí Việt Nam, thì Montezuma sẽ không bị lôi ra để gây sự chú ý của người đọc. Vì người Việt Nam không có lý do gì để chọc quê hoàng đế của đế quốc nay đã bị diệt vong là Aztec như thế.

Nếu cần, chúng ta đã có một nhân vật Đông phương gánh hộ để Montezuma khỏi bị lôi ra làm cho vất vả.

Montezuma trả thù những người đến Mễ Tây Cơ thì có thể hiểu được. Đang là một đấng quân vương oai hùng, thì bị quân Tây Ban Nha bắt bỏ tù thì chàng phải tức chứ. Do đó người ta mới nói là bị Montezuma trả thù. Chứ chúng ta thì mắc mớ gì tới Mễ Tây Cơ đâu mà bị ông ta trả thù như trong lối nói của người Bắc Mỹ?

Chúng ta liền lôi ông Tào Tháo, một nhân vật trong Tam Quốc, người đời Hán, làm tới chức thừa tướng, là một nhân vật giỏi nhưng gian hùng và rất đa nghi ra để thay cho Montezuma. Chúng ta không nói là bị Montezuma trả thù, mà nói là bị Tào Tháo đuổi. Nhưng bị trả thù hay bị đuổi thì cũng đều phải tông cửa xe chạy ra kiếm cái lùm cây mà ra phía sau giải quyết cho kín đáo.

Và như vậy thì Jeep Cherokee cũng chẳng thể cứu được.

Nhưng tại sao lại đổ cho ông Tào Tháo cái trò ác đức như thế thì tới nay tôi cũng không biết.

Chỉ biết rằng bị Tào Tháo đuổi thì nên chạy, không chạy thì vất vả nặng, kìa như Đổng Trác mà cũng còn phải sợ, còn phải khó khăn mấy phen như trong Tam Quốc Chí đã ghi lại, huống chi là chúng ta. Bị Tào Tháo đuổi thì chỉ có tìm đường chạy mới thoát.

Lúc ấy thì quả thật Jeep Cherokee hay Isuzu Rodeo thì cũng làm sao mà bảo vệ được.

Nghĩ vậy nên tôi lại thấy chiếc Isuzu đáng yêu hết sức. Dẫu sao, nó cũng đâu có thua chiếc Jeep Cherokee mấy.

Montezuma hay Tào Tháo đuổi thì ai mà chẳng phải chạy kiếm cái lùm cây mà nương náu! Trong những lúc như vậy thì Rodeo hay Cherokee cũng chẳng hơn gì nhau. Chịu khó bỏ thêm vài cuộn giấy Charmin hay White Cloud trong thùng xe là hết sợ Montezuma trả thù hay Tào Tháo rượt ngay.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Tuần này, QA muốn hỏi thầy Trúc là trong Anh ngữ người ta có kiểu nói như chúng ta không, thí dụ chúng ta nói tết Công Gô, tết Marốc, ông ấy Lèo lắm không, nghĩa là có những thành ngữ dùng tên của các nước hay không?

BBT

Có. Những idioms đó có khi tốt, có khi không tốt. Tiếng Anh có khá nhiều những idioms như thế. Nhiều nhất là nhũng idioms liên quan đến những nước gần với nước Anh. Theo cô Lãm Thúy, thì nước nào gần với nước Anh nhất?

LÃM THÚY

Nước Pháp.

BBT

Đúng như thế. Nước Pháp gần nước Anh. Hai bên có nhiều tiếp xúc với nhau. Chiến tranh với nhau cũng vài ba lần. Người Anh vừa yêu vừa ghét nước Pháp. Người Anh thích thức ăn của Pháp, ưa thời trang của Pháp. Nhưng lại không chịu được nước Pháp. Người Pháp cũng nghĩ về người Anh như thế. Nhưng người Pháp không ưa người Anh nhiều hơn là người Anh ghét người Pháp.

Lấy thí dụ idiom FRENCH LEAVE chẳng hạn. LEAVE là ra đi, rời bỏ, về, bỏ đi. FRENCH LEAVE là bỏ đi, về mà không báo, không nói, không chào ai cả. Đó là một hành động bị coi là bất lịch sự. Nhưng cũng có thể coi là một hành động không muốn làm phiền người khác.

LÃM THÚY

Thế người Pháp có bực về cái idiom này không?

BBT

Hình như là có. Thế nên trong tiếng Pháp, trò phú lỉnh, bỏ đi , lén ra về, người Pháp nói là FILER À L’ANGLAISE. Ông nói tôi thế nào, thì tôi nói lại ông như thế. Ông bảo tôi là len lén đi như mấy ông Tây, thì tôi nói là len lén đi như mấy ông Ăng Lê vậy. Có điều là người Ý cũng có một lối nói hệt như vậy nhắm vào người Anh: FILARSELA ALL’INGLESE.

QA

Tại sao tiếng Anh lại có thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE?

BBT

Thực ra, TO TAKE FRENCH LEAVE nguyên thủy có nghĩa là đào ngũ, bỏ đơn vị mà không có phép. Nó ra đời trong khi hai nước Pháp và Anh chiến tranh với nhau ở Bắc Mỹ. Quân Anh bắt được khoảng 140 binh sĩ Pháp gần hồ GEORGE ở New York. Các tù binh Pháp biết rõ địa thế vùng này hơn là lính Anh nên chờ đêm tối họ trốn trại, thoát ra ngoài. Thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE có từ đó.

LÃM THÚY

Anh nói là hễ cái gì xấu, người Anh đổ cho là của người Pháp. Ngoài thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE, còn các thành ngữ nào khác nữa không?

BBT

Khá nhiều, nhưng không thể nói ra trong một chương trình như thế này. Tôi chỉ kể thêm một thành ngữ nữa thôi. Đó là FRENCH POX. POX là bệnh giang mai. Nhưng tại sao lại phải thêm chữ FRENCH đằng trước thì tôi chịu thua. Cùng với thành ngữ này, những thành ngữ khác như FRENCH LETTER, FRENCH WAY, FRENCH TICKLER đều là những thành ngữ mang ý nghĩa tục tĩu. Người Anh đổ hếtcho nước Pháp.

QA

Thế còn có những thành ngữ nào tử tế về nước Pháp không thưa anh?

BBT

Có. Thí dụ FRENCH CUFF là tay áo sơ mi, cổ tay lật lên để đeo khuy manchette. FRENCH HEELS là giầy cao gót phụ nữ. FRENCH FRIES là món khoai chiên. FRENCH DRESSING, FRENCH TOAST... Nhưng TO SMELL LIKE A FRENCH WHORE thì lại là nước hoa thơm lừng như một cô gái giang hồ người Pháp. Nghĩa là nước hoa rẻ tiền, mùi nồng nặc. Nói vậy là để mô tả một người có cảm quan về nước hoa hơi rẻ tiền.

LÃM THÚY
Cạnh nước Pháp là nước Hà Lan, thế thì nước Anh có điều gì không ưa nước Hà Lan không thưa hầy?

BBT

Người Việt Nam chúng ta, khi đi ăn với bạn bè, vài người với nhau, một người đúng dậy trả tiền hết cho các bạn, chúng ta nói là ăn chơi kiểu Tây. Còn ai ăn trả tiền lấy cho mình thì chúng ta nói là ăn chơi kiểu Mỹ. Chúng ta nghĩ là người Pháp lịch sự, hào hoa. Người Mỹ thực tế, có chút bần tiện ở trong. Người Thái, người Argentine cũng nói giống như chúng ta: đi ăn tiệm kiểu Mỹ, ai ăn nấy trả.

Nhưng người Anh thì không nói như thế. Ăn uống ở tiệm mà người nào trả cho người ấy, tiếng Anh nói là TO GO DUTCH. Thí dụ LET’S GO DUTCH nghĩa là đi ăn, ai ăn người ấy trả. DUTCH TREAT hay DUTCH DATE là rủ đi ăn nhưng ai trả tiền người ấy.

QA

Có khi nào hai người đi ăn, là bạn trai, bạn gái, trả riêng không thưa anh?

BBT

Có chứ. Đọc ANN LANDERS hay DEAR ABBY cô sẽ thấy đàn bà Mỹ vẫn để cho đàn ông trả tiền khi hai người là bạn, đi chơi với nhau. Nhưng khi chia nhau cái BILL, mỗi người trả một nửa phần của mình thì đó là DUTCH DATE hay DUTCH TREAT.

LÃM THÚY

Có phải vì người Anh không ưa người Hà Lan không thưa anh?

BBT

Không phải. Đó là kiểu ăn chơi ngày xưa ở Hà Lan thật. Nhưng nước Anh có vài ba lần chiến tranh với Hà Lan nên ý nghĩa của nó trở thành xấu đi. TO GO DUTCH có nghĩa là bần tiện, bủn xỉn, keo kiệt, không hào phóng.

Thí dụ DUTCH UNCLE là một người khó tính, hay lên lớp, mắng mỏ người khác như khi nói: HE TALKS LIKE A DUTCH UNCLE nghĩa là nói như bố người ta không bằng.

Chữ DUTCH WIFE có vài ba nghĩa khá lý thú. DUTCH WIFE là cái gối ôm. Có lẽ muốn ám chỉ người đàn bà lạnh lùng. DUTCH WIFE còn có nghĩa là một cô gái điếm, một cái bình nước nóng để đem vào giường ngủ trong những đêm lạnh. Tiếng thường dùng là HOT WATER BOTTLE hay HOTTIE.

DUTCH COURAGE là liều lĩnh trong lúc say rượu chứ thực ra thì là người có tính chết nhát, kiểu như anh hùng rơm trong lối nói của chúng ta vậy.

QA

Bữa nọ QA thấy con trai QA nói IT LOOKS LIKE GREEK TO ME khi QA in một bài viết bằng tiếng Việt bằng máy computer của nó. Máy của cháu không in được tiếng Việt vì không có dấu. Tại sao lại nói như thế?

BBT

Câu IT LOOKS hay IT SOUNDS LIKE GREEK TO ME có nghĩa là nghe chẳng hiểu gì hết, đọc không biết là viết cái gì. Bản in của QA chạy từ máy in ra đọc không được vì không có dấu Việt ngữ, toàn những dấu cộng trừ thì nói là IT LOOKS LIKE GREEK TO ME. Cũng có khi người ta nói IT SOUNDS LIKE CHINESE TO ME, nghe như tiếng mấy ông Tầu nói chuyện với nhau, không hiểu gì hết.

LÃM THÚY

Thế còn tên nước Trung Hoa có bị đem ra bêu diếu như vậy không ?

BBT

Tên nước Trung Hoa có xuất hiện trong một số trường hợp, nhung bảo là bêu diếu thì không. Hơi hơi chê thì có. Thí dụ khi nói IT LOOKS LIKE IT WAS MADE IN CHINA nghĩa là món hàng đó phẩm chất không tốt như được làm ở bên Trung quốc. Bây giờ thì lại càng đúng sau những vụ sữa nhiễm độc, đồ chơi trẻ em có chất chì vân vân.

CHINESE ORANGE trước đây vài ba thế kỷ có nghĩa là quả táo. CHINESE GOOSEBERRY là quả KIWI. CHINESE RESTAURANT SYNDROME là hội chứng nhà hàng Tầu nghĩa là ăn thức ăn có nhiều bột ngọt MSG về bị ngứa và khát nước thì nói như thế.

QA

Còn có những chữ nào dùng những chữ chỉ quốc tịch ở trước nữa không anh?

BBT

Có chứ. CHINA không viết hoa là đồ sứ. TURKEY là con gà lôi, nhưng nếu viết hoa thì là tên của 1 quốc gia nằm giữa Âu châu và Á châu ...

LÃM THÚY

Nước Thổ Nhĩ Kỳ phải không anh? TURKISH BATH Thúy nhớ là phòng tắm SAUNA, phòng tắm hơi. Còn SIAMESE TWINS là gì?

QA

QA biết rồi, đó là trường hợp hai anh em hay chị em sinh đôi nhưng còn dính vào nhau, không tách hẳn ra phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Chữ này được chế ra để gọi hai anh em người Thái Lan gốc Hoa được đưa từ Thái sang Mỹ hồi thế kỷ 19 để xuất hiện tại các rạp xiếc . Hai người dính vào nhau ở phía sườn. Một ông là ENG một ông là CHANG . SIAMESE TWINS là anh em sinh đôi đồng bào dính vào nhau . Tiếng chuyên môn gọi là CONJOINED TWINS. Gọi là SIAMESE vì tên của của Thái Lan là SIAM, là Xiêm La.

LÃM THÚY

Nhân nói đến tên của các quốc gia, Thúy muốn hỏi những danh từ chỉ quốc tịch tại sao có khi có số nhiều, có khi chỉ viết số ít. Thí dụ như Vietnamese thì số nhiều và số ít viết như nhau, mà KOREAN thì số nhiều có chữ S là KOREANS.

BBT

Thúy nói đúng. Những danh từ chỉ tên người dân của các nước tận cùng là ESE thì không thay đổi khi ở số nhiều hay số ít. Thí dụ CHINESE, JAPANESE, CONGOLESE, MALTESE, PORTUGUESE...

Những danh từ chỉ quốc tịch ở cuối là ISH cũng thế, nhiều ít viết giống nhau. Thí dụ ENGLISH, POLISH, IRISH, SCOTISH, BRITISH, FLEMISH, SPANISH ...

Các tên tận cùng bằng AN thì số nhiều cứ thêm S vào là được. ITALIANS, MOROCCANS, ALGERIANS, HUNGARIANS, RUSSIANS, CUBANS...

QA

Có tên của người dân Phi Luật Tân làm QA bối rối hết sức. Anh nói về trường hợp này giúp QA đi.

BBT

Nước Phi Luật Tân tên tiếng Anh là THE PHILIPPINES hay REPUBLIC OF THE PHILIPINES.

Tiếng Phi là FILIPINO viết với chữ F ở đầu.

Người Phi là FILIPINOS, nói chung. Nhưng nếu là phụ nữ thì là FILIPINA. Số nhiều thì thêm S ở cuối.

LÃM THÚY

Thúy hay nghe người ta nói ME TOO. Nói vậy có đúng không?

BBT

Đó là lối nói thường nghe, hơi lười biếng một chút, để bầy tỏ nhữõng trường họp tương tự, đồng ý với nhau. Nhưng nếu nói cho đúng thì phải nói khác.

ME TOO là ME ALSO, là I DO TOO, là I AM TOO.

Thí dụ một người nói I AM VIETNAMESE, tôi cũng là người Việt, thì tôi nói I AM VIETNAMESE TOO. I AM ALSO VIETNAMESE. I TOO, AM VIETNAMESE. I ALSO AM VIETNAMESE.

Tuy nhiên, chúng ta hay nói là ME TOO. Đúng, nhưng chỉ dùng trong văn nói, SPOKEN ENGLISH.

QA

Đó là trong trường hợp QA đồng ý với câu nói nghe được trước đó.

Nhưng nếu đồng ý về một chuyện phủ định thì chắc phải khác phải khiông thưa anh? Thí dụ người ấy nói I DO NOT DRINK COFFEE thì QA không thể nói ME TOO có đúng không?

BBT

Đúng. Phải nói NO, NOT ME, I DON’T.

Hay nói đúng hơn, phải là NOR DO I. Nghĩa là tôi cũng không. Nếu động từ trong câu đó là thì hiện tại. Nếu động từ trong câu chính là PAST TENSE thì QA nói thế nào? Thí dụ tôi nói I DID NOT LIKE THAT MOVIE...

QA

NOR DID I phải không thưa anh?

BBT

Đúng như thế. Còn Thúy, nếu tôi dùng câu có động từ trong thì tương lai thì cô nói thế nào? I WON’T GO AWAY FOR THE HOLIDAYS.

LÃM THÚY

NOR WILL I.

BBT

Đúng. Chúng ta dùng động từ TO DO cho các động từ khác trừ động từ TO BE, CAN, WILL, SHALL, COULD, SHOULD vân vân. QA, I WAS NOT IN HUE DURING TET 1968, HOW ABOUT YOU?

QA

NOR WAS I, SIR. I COULD NOT SWIM AT ALL, HOW ABOUT THÚY?

LÃM THÚY

NOR COULD I.

BBT

I STUDIED ENGLISH IN HIGH SCHOOL, HOW ABOUT YOU, QA?

QA

SO DID I. I DID TOO MISTER BUI.

BBT

YOU NOW UNDERSTAND THE OTHER WAYS TO SAY ME TOO .

LÃM THÚY

SO DO I, AND SO DOES QUỲNH ANH ...

BBT

Các cô đều đã hiểu rõ mấy điểm chúng ta vừa đề cập. Còn gì các cô muốn chúng ta nói trong bài hôm nay nữa không?

QA

QA muốn nhờ anh chỉ cho một vài idioms với chữ HAND được không?

BBT

Nhà QA có hai cô con gái. Quần áo cô chị để lại cho cô em gọi là gì QA biết không?

QA

Có, đó là những thứ mà con gái Nhã Lan gọi là con-không-mặc-đâu-mua-cho-con-áo-mới.

BBT

Nhưng tiếng Anh thì là gì? QA biết không?

QA

QA nghe hai đứa con gái gọi những thứ ấy là HAND-ME-DOWN JEANS, SHIRTS phải không thưa thầy. QA mệt với mấy cô con gái hết sức. Nhất định I DON’T WANT THOSE HAND-ME-DOWN CLOTHINGS.

BBT

Nếu muốn nói đừng có đụng tay vào, đừng có thò tay vào, đừng có can thiệp vào thì nói thế nào Thúy?

LÃM THÚY

Hôm nọ, Nhã Lan đọc một bản tin có câu này: MISTER PUTIN TOLD MISTER OBAMA TO KEEP HIS HANDS OFF RUSIAN AFFAIRS. Có phải vậy không? TO KEEP THE HANDS OFF là không đụng vào, không can thiệp, không nhúng tay vào.

BBT

Đúng . Thế TO GIVE SOMEBODY A HAND là gì QA?

QA

QA nghĩ là giúp ai một tay phải không thưa anh? Thí dụ QA tối nay về nhà sẽ gọi con để nhờ chúng giúp mang mấy bao đồ ăn mua ở chợ về. QA nói thế này có đúng không: CAN YOU GIVE ME A HAND BRINGING THE GROCERY BAGS INSIDE?

BBT

Đúng. Thế còn TO GIVE SOMEBODY THE HAND là gì Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ câu ấy cũng là giúp ai một tay phải không QA?

QA

Khi ông thầy hỏi như vậy thì chắc không phải vậy đâu. QA nghĩ đó là nhận lời cầu hôn của ai phải không thưa thầy?

BBT

Đúng. TO ASK FOR SOMEBODY’S HAND là cầu hôn một người nào. Xin bàn tay, cho luôn bàn chân là đồng ý nhận lời cầu hôn.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.

December 23, 2010

December 24, 2010

Ngày 21 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Một bài báo tôi đọc được tuần trưóc lại nói về khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.

Lần này, sự khác biệt là ở cái buồng tắm.

Một nửa nhân loại coi cái buồng tắm, hay nói đúng ra, là cái nhà cầu. Gọi nó là cái buồng tắm (bathroom) cho thanh tao và lịch sự vì nó còn phục vụ cả những chuyện khác trong đời sống của chúng ta nữa mà không tiện nói ra trong những lúc chúng ta là những người văn minh lịch sự.

Có khi nó được gọi là cái phòng rửa tay (lavatory). Có khi nó được gọi là cái powder room, nơi phụ nữ có thể vào để giậm lại chút phấn, chút son để "ngạo với nhân gian một nụ cười".

Một nửa nhân loại coi nó là căn phòng nhỏ nhất trong nhà , hữu ích nhưng không nằm trên đầu danh sách của nhũng nơi cần được trang trí đẹp nhất trong nhà.

Với nửa kia của nhân loại thì nó là nơi thiêng liêng nhất, nơi tiện nghi nhất, sạch sẽ nhất, được chùi rửa kỹ nhất, nơi trú ẩn an toàn nhất.

Nửa trên của nhân loại là những người đàn ông.

Nửa dưới là những người đàn bà.

Trong nhà của một người đàn ông ở một mình, nó trơ trụi đến tội nghiệp nếu thỉnh thoảng bốn năm tuần không có một người phụ nữ Mễ tới dọn dẹp thì nó sẽ là nơi nhốt tù nhân hữu hiệu hơn là đem tới căn cứ Guantanamo. Ngay cả trại tù Abu Ghraib ở ngoại ô Baghdad cũng không thể kinh khủng như vậy. Trên cái mặt bàn bồn rửa mặt là những con dao cạo râu đáng lẽ dùng vài lần thì phải quăng đi thì vẫn nằm nguyên ở đó. Tuýp thuốc đánh răng, 1 cái bàn chải. Có cái bàn chải thứ hai mà khi khách khứa lại thăm là có thể bị hạch hỏi hết đường chối cãi. Mấy chai eau de Cologne, after shave, nước hoa , nước hoét để các chàng che dấu cái tính lười tắm, cái khăn tắm lỡ rơi xuống đất người ở ngoài nghe có thể tưởng có người ngã lăn trong buồng tắm, trong khi kỳ thực chỉ vì nó ít được giặt. Trên sàn thì tóc rụng đầy tơi tả như lá thu.

Phòng tắm của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành. Tại sao cần nhiều khăn tắm xếp ở một góc trong khi chỉ cần 1 cái thì không ai hiểu nổi. Mặt bàn rửa mặt là một tiệm chạp phô đủ mọi thứ, hơn một chục loại son, mầu son, dầu xoa tay, gội đầu, bông rửa mặt, lược năm bẩy cái, phấn vài ba loại, hoa khô, giấy lau tay, giỏ rác vân vân...

Đàn ông không bao giờ nhiều thứ như thế. Nhưng chúng tôi có báo và sách, những cuốn sách hay nhất, đáng đọc nhất đều được đọc ở trong buồng tắm. Câu nói đầy khinh bỉ và miệt thị rằng cuốn sách X, Y, Z chỉ đáng đọc ở nhà cầu hồi mấy chục năm trước thì nay lại là câu khen ngợi hết lời.

Chính ở đó, các tác phẩm văn chương lẫy lừng nhất được đem đọc. Tác giả nếu ghé thăm thấy sách của mình trong buồng tắm của chủ nhà thì nên mừng và tiếp tục gủi tặng thay vì bực bõ tông cửa ra về, thề không bao giờ đến thăm người đàn ông thất học, thiếu văn hóa và không văn học nghệ thuật nữa. Người đàn ông chủ nhà, trái lại, là người rất yêu quí chữ nghĩa và văn học.

Những khác biệt không chỉ ở cái buồng tắm, mà còn ở cái phòng ngủ nữa.

Cái phòng ngủ của những người đàn ông ở một mình không bao giờ là nơi chốn được trang hoàng đẹp nhất trong nhà. Có cái giưòng, có chân giường tử tế là văn minh rồi. Không thì chỉ một cái nệm quăng dưới sàn cũng đã là giỏi. Ngày xưa, một tàu lá chuối che sương cũng vừa rồi mà.

Cái giường rất ít khi được làm cho gọn gàng. Tại sao phải xếp lại đống chăn gối cho ngay ngắn, phủ cái couvre lit lên cho đẹp rồi buổi tối lại chui vào làm xáo trộn chăn mền trở lại. Cứ để nguyên như thế, buổi sáng trước khi đi làm, đảo qua và chào cái giuờng "see you tonight", hẹn gặp lại vào buổi tối là đủ rồi, tại sao phải làm một công việc vô ích như thế? Quần áo còn rút từng cái trong máy sấy ra dùng mỗi sáng thì tại sao phải làm giường.

Tưởng tuợng một cái phòng ngủ thơm mùi hoa khô và mùi nến, cái khăn phủ trên giường mầu sắc điệu bộ, những cái gối xếp ngay ngắn, hai chiếc đèn ngủ có những cái chụp đèn rất đẹp mà lại là cái phòng ngủ của một người đàn ông thì không được. Trông nó có vẻ sửa soạn quá, không tự nhiên như có một vài toan tính gì đó cho cái giưòng ngủ. Toàn những toan tính gian ác.

Tại sao không để bừa ra như thế? Có người hỏi sao bừa bãi như thế thì trả lời rằng nào có ai héo lánh đến đây đâu mà sửa soạn. Như thế, điểm hạnh kiểm lại được tăng thêm chứ có bị trừ đi mất điểm nào đâu.

Phòng ngủ của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành, sạch sẽ và thơm phức, khăn trải giường , áo gối đẹp, phẳng phiu.

Không ai hỏi tại sao phải mất công như thế, mất công sửa soạn cái phòng ngủ cho đẹp như vậy.

Bao giờ cũng là một sự thán phục ngầm: bàn tay phụ nữ có khác.

Thế nên những cái buồng tắm, những cái buồng ngủ của các chàng vẫn bừa bộn, thiếu chăm sóc, dọn dẹp.

Và những cái buồng tắm kia, những cái buồng ngủ kia vẫn được o bé, săn sóc cẩn thận.

Ngược lại thì nhất định không được.


Ngày 22 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Khoảng năm 1973, tôi hay gặp người đàn ông ấy tại mấy tiệm cà phê ở đường Tự Do Sài Gòn, không Continental thì cũng Givral, Brodard hay La Pagode, nơi chúng tôi hay đến ngồi trong những buổi chiều sau khi tan sở. Ông mặc một chiếc áo lính, hai tay ôm một sấp báo . Chiếc áo lính quá lớn đối với tấm thân còm cõi của ông. Lúc nào ông cũng có cái vẻ tất tả, vội vã khi đi qua bàn chúng tôi ngồi. Ông khoảng ngoài hai mươi, nhiều nhất là hai mươi bẩy, hai mươi tám là nhiều.

Thường thì khi vào những tiệm cà phê để gặp bạn bè, tôi đã có mấy tờ báo còn thơm mùi mực in mua của một chú bé ở ngay chỗ đậu xe. Ông thấy mấy tờ báo trên bàn tôi ngồi thì không mời mua báo nữa.

Một hôm, tôi vào La Pagode không cầm theo báo vì không thấy chú nhỏ bán báo quen đứng chờ ở chỗ đậu xe ngang tòa Đô Chính. Ông ghé lại bàn, hơi cúi người xuống , chìa chồng báo trên tay cho tôi, mời mua báo. Tôi lấy hai tờ Tiền Tuyến và Chính Luận, đưa tiền trả cho ông thì ông nhờ tôi bỏ tiền vào túi áo bên trái và tự lấy lại mấy chục ở túi bên phải, hai tay vẫn bưng sấp báo, mà không bỏ tạm xuống bàn để lấy tiền trả lại tôi. Tôi lấy trong túi áo kia mấy chục. Ông cám ơn rồi đi. Và lúc ấy, tôi mới thấy dưới sấp báo mà ông bưng trước ngực, là hai cái tay áo đong đưa.

Ở chỗ tôi nghĩ là phải có hai bàn tay, thì tôi không thấy hai bàn tay của ông ỏ đâu. Lúc ấy, ông xốc chồng báo, và nâng những tờ báo cao lên ngang ngực. Và tôi chợt hiểu. Ông không còn hai bàn tay nữa.

Tôi vẫn còn cầm mấy chục bạc lấy từ túi áo của ông. Tôi chợt thấy không thể cầm mấy chục vừa lấy trong túi áo của ông nữa. Tại sao tôi lại lấy mấy chục trong cái túi áo bên phải của một người đàn ông bán báo không còn hai tay để nhận tiền của người mua và cũng không còn tay nào để lấy mấy chục trả lại cho tôi.

Tôi chưa kịp làm bất cứ gì thì ông đã rời bàn tôi, đi nhanh ra cửa. Tôi đứng lên, chạy theo ông, bắt kịp ông và vỗ vỗ vào vai ông. Ông quay lại, cười, hỏi tôi có phải muốn mua thêm báo nữa không. Tôi lắc đầu, bỏ lại mấy chục đang cầm trong tay vào túi áo của ông.

Ông cười, cảm ơn và đi tiếp. Ông không hỏi tại sao tôi bỏ tiền vào túi áo của ông. Như thế, có thể chuyện đó đã vài ba lần xẩy ra cho ông. Ông đi tiếp về phía quốc hội, rảo bước, dáng điệu tất tả.

Tôi tưởng tượng một chuyện khủng khiếp lắm đã xẩy ra cho ông. Một quả mìn, hay một trái B-40, hay một loạt AK. Tỉnh dậy, nhìn xuống, và ông không thấy hai bàn tay nữa, chỉ có lớp băng trắng quấn ở chỗ hai cổ tay.

Còn chuyện gì có thể bi thảm hơn như thế nữa. Đang lành lặn, chân tay đầy đủ, bàn tay có lúc vuốt những sợi tóc của một người phụ nữ nào đó, những ngón tay cầm cái lược chải cho mình mái tóc, vỗ về người mẹ, xúc thìa cơm cho đứa con... Không còn hai bàn tay thì không bao giờ còn làm được những chuyện ấy nữa.

Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì ông vẫn còn rất trẻ. Cứ nghĩ là phải sống nốt cuộc đời mà không có hai bàn tay thì hãi hùng biết bao nhiêu.

Tôi tin ông là một người lính. Ông phải là một thương binh. Ở tuổi của ông, và tuổi của tôi thời ấy thì không thể không ở trong quân ngũ.

Hay tại như thế, ông mặc chiếc field jacket ra ngoài để ôm báo đi bán trong những buổi chiều ở Sài Gòn?

Cũng cùng tuổi như ông, mỗi chiều tôi vào quán, ngồi uống ly cà phê trước khi về nhà để than thở với vài ba người bạn về công việc, về đời sống tù túng trong thành phố.

Còn ông, một người đàn ông cùng tuổi với tôi thì ôm sấp báo đi bán, không còn bàn tay để thối tiền lại cho khách.

Hôm sau, tôi đậu xe chỗ khác để không bị chú bé bán báo phục kích mời mua báo như mọi ngày nữa. Tôi vào La Pagode chờ mua báo của ông mặc dù không có trong tay tờ Tiền Tuyền để đọc Ký Giả Lô Răng Phan Lạc Phúc và Ký Giả Ba Tê Thanh Tâm Tuyền ngay.

Ông đến mời tôi mua báo. Tôi hỏi ông trước kia ở đâu. Ở tuổi đó mà hỏi ở đâu thì câu trả lời bao giờ cũng là sư đoàn mấy, tiểu đoàn gì. Nguyên một thế hệ thanh niên Việt Nam đều như vậy. Ông nói là ở sư đoàn 7, bị mìn hai năm trước, một vợ hai con nhỏ. Từ đó, mỗi chiều tôi đều đến tiệm nước chờ mua báo của ông. Chú nhỏ bán báo một hôm gặp tôi trên đường tay cầm tờ báo thì có vẻ trách tôi sao không mua của chú nữa. Tôi phải nói là đã có báo ở sở mỗi ngày rồi.

Tôi mua báo của ông liên tiếp mấy tháng , rồi một hôm, khoảng thời gian nào tôi không thể nhớ đích xác, nhưng tôi nghĩ khoảng cuối năm 1973, tự nhiên ông biến mất. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng sau ông vẫn không trở lại. Hay lại có chuyện gì không hay đã xẩy ra cho ông.

Ba mươi mấy năm vèo qua. Năm nay, ông cũng phải ngoài sáu mươi. Tôi không biết ông còn sống hay đã chết. Không có hai tay làm sao ông sống được trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, nơi mà những người đầy đủ chân tay còn khốn khổ.

Tệ nhất là tôi cũng không biết cả tên của ông. Mà những người như ông thì không phải là ít để mà kiếm ra.

Tên ông thì tôi không biết. Nhưng nhớ ông thì vẫn nhớ.

Những chiều mùa mưa Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông còm cõi, sấp báo trên tay, độc lập, kiêu hãnh, lương thiện, người thương binh ấy đụng nhẹ vào đời tôi và không bao giờ ra khỏi trí nhớ của tôi nữa.

Cầu mong ông bình an đâu đó ở quê hương tôi có chung với ông.


Ngày 23 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Có những lúc cần đến Hoạn Thư thì chẳng tìm đâu ra người đàn bà này. Phải chi có người phụ nữ họ Hoạn danh gia này trong buổi nghe nhạc mấy tuần trước thì những người ngồi nghe ở dưới đã đỡ đi được bao nhiêu khổ não.

Ít ra thì người đàn bà này cũng thét lên vài ba câu cho người ca sĩ ấy đổi sang hát những bài hát khác.

Hoạn Thư mở tiệc cho chồng vui, bắt hoa nô Kiều ra đánh đàn. Kiều ra trước bình the vặn đàn, rồi bốn dây như khóc như than / khiến người ngồi đó cũng tan nát lòng.

Thúc Sinh ngồi nghe tiếng đàn buồn thảm đoạn trường một lúc phải lén lau những giọt nước mắt vì bản đàn của Kiều.

Hoạn Thư liền thét lên, mắng cho Kiều một trận:

Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi
Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi...

Buổi nghe nhạc ngay sau một hai bài hát mở đầu là người ca sĩ ấy rên rỉ một ca khúc hoàn toàn không thích hợp cho một buổi nghe hát đáng lẽ phải là vui trong ngày thứ bẩy. Cậu ta hát những lời ca của một bản nhạc rất hay, nhưng lại hoàn toàn không thích hợp trong buổi tối như thế. Toàn là những huyệt sâu, hương khói khâm liệm một mối tình . ..

Bài hát có thể hay trong một không khí khác. Nhưng trong một tiệc vui cuối tuần có ăn, có âm nhạc, có dạ vũ thì đó là một bản nhạc hoàn toàn không thích hợp.

Vừa xong bản nhạc đó, người ca sĩ ấy lại chi luôn một bài hát làm khốn khổ không ít cho người nghe nhạc. Cậu gửi người nghe vừa mới ngơ ngẩn sầu, chưa hoàn hồn vì vừa leo lên khỏi cái màn đêm mở huyệt sâu của bài ca trước đó, thì cậu lại than thở rằng cậu nợ em bé nhiều thứ lắm. Ôi chao, cho dẫu luật lệ đã có một số đổi thay nhưng chuyện phá sản, khai khánh tận, khai vỡ nợ vẫn cho phép cậu có thể làm như vậy không khó khăn lắm. Cứ khai vỡ nợ là xong hết, việc gì phải nhăn nhó anh nợ em cái này, anh nợ em món kia. Nợ thì hoặc là trả. Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh. Trả một hồi rồi cũng hết. Còn nếu không muốn thì khai bankruptcy, toà sẽ cho giữ lại con tim để mấy tháng sau nó sẽ vui trở lại chứ làm gì mà tra tấn người nghe bằng bài hát quằn quại rên siết tàn bạo như thế.

Người ca sĩ rõ ràng không để ý gì tới khách ở dưới. Nếu hát cho một chương trình vui thì cũng chịu khó tập lấy một vài bài nhạc vui cho thích hợp với không khí của bữa tiệc chứ sao lại hát những bài hát như thế. Cậu nói rằng bài hát đó cậu cho là rất hay. Nhưng còn khán và thính giả ngồi dưới. Cậu hát cho cậu hay cậu hát cho khán thính giả?

Những bản nhạc có thể trở thành cái nền tình cảm cho cả một buổi chiều, cả một buổi sáng , hay cả một ngày.

Buổi sáng thì chớ có nghe nhưng bài hát khổ đau đời như một ngưỗi con gái một lần nắm tay nhau một lần chết nhau luôn. Cũng nên tránh những em sang ngang là hết rồi, sầu để một đời. Lại càng không nên sáng bảnh mắt ra đã đưa sang sông, trời mưa tùm lum...

Trong suốt nhiều tháng tôi đã phải né một tiệm ăn sáng với mấy cái CD có những bài hát vừa kể. Đầu ngày, ly cà phê không uống đường đã đủ đắng chết người, thêm mấy bài hát đó làm sao sống nốt một ngày?

Nhưng dẫu sao, đó cũng chỉ là một cái đĩa hát. Đĩa hát thu bài nào thì máy tuần tự phát ra như thế. Chán lắm thì né, không đến tiệm ăn đó là xong. Nhưng đằng này, ngồi xuống bàn với người bạn, muốn có một buổi chiều tử tế thì bị quăng cho hai bài hát làm hỏng đời nhau như vậy thì còn gì là đời nữa.

Tại sao lúc ấy, những người đàn ông và những ngưòi đàn bà hay ăn to nói lớn trong rạp hát, trong các buổi trình diễn nghệ thuật ở đâu không ra cứu chúng tôi? Tại sao các ông bà không có mặt ở đó để nói chuyện với nhau, nói điện thoại oang oang lên cho bài hát ấm ớ kia bị đánh bạt đi cho chúng tôi nhờ? Các ông bà ở đâu để lần tới có người ca sĩ hát những bản nhạc ghê rợn này hát, chúng tôi sẽ xin mời ông bà tới ngồi ngay hàng ghế đầu để ông bà cạnh tranh với chàng cho vui.

Như vậy, Hoạn Thư khi quát mắng Kiều thì cũng không phải chỉ vì tàn ác, muốn hành hạ Kiều cho Thúc Sinh đau khổ, mà Hoạn Thư mắng Kiều là có lý do chính đáng.

Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi...

Đúng là như thế. Bữa tiệc buổi tối đáng lẽ vui, thì chúng tôi bị cho nghe ngay hai bài chết chóc rã rời, thảm thương, nợ nần chồng chất thì làm sao mà không bực cho được. 


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 96)

MOST COMMON ACRONYMS

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 96 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị. Hôm nay đến lượt QA hỏi ông thầy mấy chữ viết tắt. QA nhận được thiệp mời dự tiệc tất niên. Cuối thiệp có những chữ RSVP thì QA biết là những chữ viết tắt của RÉPONDEZ S’IL VOUS PLAIT, tiếng Pháp nghĩa là xin vui lòng phúc đáp. Nhưng còn BYOB là gì?

BBT

RÉPONDEZ là hãy trả lời. S’IL là nếu việc đó. VOUS là ông , bà , cô. PLAIT (nếu việc đó) làm cho vui. Cô dịch thành xin vui lòng phúc đáp thì không thể sai vào đâu được. Bên cạnh thế nào cũng có cái số điện thoại. Nhớ trả lời đi hay không đi. Nhưng BYOB thì cô có đồng ý không?

QA

QA phải hiểu ý nghĩa của mấy chữ viết tắt ấy rồi mới trả lời được thưa thầy.

BBT

BYOB là BRING YOUR OWN BEER là đem theo bia của mình. Chủ nhà có thể cũng có bia nhưng khách đến, mang theo thì tốt hơn. Cô định mang bia gì? Heineken hay Michelob, hay Miller?

LÃM THÚY

Vậy thì chắc QA , và luôn cả Thúy cũng không dám. Nhưng thưa anh, MYOB là gì, là làm gì với bia của mình mang tới?

QA

QA đã nghe hai cô con gái ở nhà một hôm cãi nhau cũng dùng mấy chứ này nên QA nghĩ chắc không phải là chuyện Heineken hay Miller …

BBT

Đúng vậy. MYOB là MIND YOUR OWN BUSINESS. MIND là để ý, BUSINESS là chuyện. MIND YOUR OWN BUSINESS là hãy lo lấy chuyện của chính mình, đừng đụng tới chuyện của tôi. Chắc là cãi nhau to rồi phải không?

QA

Cũng hơi hơi thôi, vì sau đó, QA can thiệp đuổi cả hai lên lầu. À thì ra thế. Hình như nếu không muốn nói MYOB, QA có thể nói NONE OF YOUR BUSINESS phải không?

BBT

Đúng thế. Nói đầy đủ ra thì phải là IT IS NONE OF YOUR BUSINESS. NONE là NO ONE, là NOT ANY. NONE bao giờ cũng số ít. NONE IS AT HOME chứ không thể nói NONE ARE AT HOME được.

LÃM THÚY

Một lần, Thúy nghe cái gì mà A-XÁP thì phải, nhưng Thúy không hiểu. Lần đó, Thúy thấy con trai nói chuyện với bạn nó qua điện thoại có nhắc đến A-XÁP gì đó.

BBT

Tôi chắc cậu con cô đòi phía bên kia phải làm ngay một chuyện gì đó thì phải. Nếu đúng là như thế, thì A-XÁP mà cô Thúy nghe phải là ASAP, viết tắt của AS SOON AS POSSIBLE. AS là như. SOON là sớm sủa, nhanh, chóng. POSSIBLE là có thể. ASAP hay AS SOON AS POSSIBLE là sớm như có thể sớm được, nghĩa là nhanh lên, gấp lên, lẹ lên , làm liền ngay bây giờ, càng sớm càng tốt, sớm được chừng nào thì hay chừng đó. Cô đưa quần áo đi giặt , muốn lấy ngay hôm sau, hay ngay buổi chiều thì nói thế nào?

LÃM THÚY

I WANT IT ASAP. Hay I WANT THEM BACK AS SOON AS POSSIBLE.

QA

QA nói RSVP ASAP khi muốn được trả lời ngay có được không?

BBT

Tắt thì cũng tắt vừa vừa thôi chứ cô. Nên nói thế này thì hơn: PLEASE ANSWER ASAP hay MAY I HAVE THE ANSWER SOON?

LÃM THÚY

Hình như người Mỹ ưa viết tắt hơn người Việt thì phải. Nhưng thưa anh tại sao vậy?

BBT

Lý do là vì tiếng Anh là tiếng đa âm. Tiếng Việt là tiếng đơn âm. Thí dụ EMPEROR trong tiếng Anh có tới BA ÂM, 3 SYLLABLES trong khi tiếng Việt là VUA, chỉ có một âm . EMPEROR BẢO ĐẠI là vua Bảo Đại.

INTELLIGENT QUOTIENT hai tiếng này có tới 6 SYLLABLES trong khi tiếng Việt chỉ cần 4 tiếng: THƯƠNG SỐ THÔNG MINH. INTELLIGENT QUOTIENT thì dài quá. Viết tắt thành IQ thì nhanh hơn, giản dị hơn. IQ là INTELLIGENT QUOTIENT.

QA

QA có những lần đọc tin thấy ba chữ GMT. QA hiểu đó là giờ quốc tế nhưng không thấy có chữ ‘I’ viết tắt của chữ INTERNATIONAL ở đâu . Vậy đúng ra, GMT là viết tắt của những chữ gì?

BBT

GMT thì đúng như cô nói, là giờ quốc tế. GMT là những chữ viết tắt của GREENWICH MEAN TIME là giờ ở làng Greenwich, một ngôi làng ở gần thủ đô Luân Đôn nằm ngay trên kinh tuyến zero. GMT là giờ quốc tế. Không ai nói là giờ Greenwich. Cũng không ai nói là INTERNATIONAL TIME.

LÃM THÚY

Thúy hay dùng thẻ ATM nên Thúy biết ATM là AUTOMATIC TELLER MACHINE nghĩa là máy trả tiền, phát tiền tự động. Khi dùng, Thúy phải bấm cái PIN NUMBER mới lấy tiền ra được. Thế PIN là viết tắt của những chữ gì?

BBT

PIN là PERSONAL IDENTIFICATION NUMBER. PERSONAL là cá nhân. IDENTIFICATION là căn cước, là những chi tiết liên quan đến một người nào đó. Vậy PIN là số hiệu, số căn cước cá nhân để cho máy nhận diện.

QA

Đúng rồi. Bây giờ QA hiểu ID là viết tắt của IDENTIFICATION. ID CARD là thẻ căn cước. ID CARD nghe ngắn gọn hơn là IDENTIFICATION CARD nhiều.

LÃM THÚY

Gần nhà Thúy có một tiệm ăn có tên là TGIF. Có phải là một cái tên vô duyên như tên IHOP không thưa anh? INTERNATIONAL HOUSE OF PANCAKES là nhà hàng quồc tế bán pancakes. Có người Mỹ mới ăn pancakes chứ còn nước nào ăn nữa đâu mà nhận là INTERNATIONAL HOUSE OF PANCAKES?

BBT

TGIF là tiệm tôi cũng đã có vào ăn thử. Không hào hứng lắm. Nhưng cái tên thì hào hứng hơn nhiều. T là THANK, cám ơn ; G là GOD, Thượng Đế; I là IT’S; F là FRIDAY, thứ Sáu. TGIF là THANK GOD IT’S FRIDAY là cám ơn Trời Phật, hôm nay đã là thứ Sáu rồi. Đây là câu mà người ta hét lên khi vào đến sở trong ngày thứ Sáu.

QA

QA biết SOS là SAVE OUR SOULS, xin hãy cứu giúp linh hồn chúng tôi. QA cùng nhà đi thuyền vượt biên nên nhớ mấy chữ này lắm. Nhưng SOB là gì? QA nghi đây là mấy chữ không thanh tao lắm. Có lần QA hỏi mấy đứa con, chúng nhất định không nói, chỉ cười thôi. Đành phải hỏi ông thầy vậy.

BBT

SOB là những chữ viết tắt của SON là con, con trai. O là OF nghĩa là của. B là BITCH là con chó cái. SOB là con trai của con chó cái.

LÃM THÚY

Vậy thì có gì không thanh tao đâu?

BBT

Vậy thì tiếng Việt nói đồ … ché đỏ thì có thanh tao không?

QA

Ui cha… Thì ra SOB nghĩa là như thế đấy. Ai mà biết được.

BBT

Trong tiếng Việt, chỉ có khi nói đồ ché đỏ thì mới tục. Vì chó đẻ còn có nghĩa là một loại lá dùng trong thuốc nam để chữa bệnh hậu sản. Khi nói "kín nước cho chó đẻ" thì câu đó chỉ có nghĩa là làm một việc gì vô ích. Muốn nói cho đỡ tục đi, người Mỹ nói là SON OF A GUN. Con của khẩu súng thì chẳng có nghĩa gì hết, chỉ để khỏi phải nói thẳng ra là đồ ché đỏ mà thôi.

QA

Như vậy, SOB trong SOB SISTER là chị của đồ ché đỏ hay sao anh?

BBT

Ấy không phải. SOB do động từ TO SOB là khóc. TO CRY là khóc to. TO WEEP là khóc nức nở, khóc thành tiếng. TO SOB là khóc không thành tiếng. Từ đó, SOB SISTER là người bạn , người chị, người em gái mà chúng ta có thể tâm sự chuyện đau khổ, than thở về cuộc đời mình. SOB SISTER là người phụ trách mục gỡ rối tơ lòng, tâm tình trên các báo.

LÃM THÚY

À thưa anh, còn chữ này nữa. Mấy tấm quảng cáo nhạc hội hay có loại vé VIP, những vé đắt hơn vé thường. Thế thì VIP nghĩa là gì?

BBT

Hồi đi học, chúng tôi xuyên tạc VIP thành VERY IGNORANT PEOPLE nghĩa là mấy ông đại ngu. Nhưng VIP chính ra là VERY IMPORTANT PEOPLE nghĩa là yếu nhân, là những nhân vật quan trọng. Vé VIP là vé thượng hạng. Chịu chi tiền thì ngồi chỗ tốt. VIP trong vé dự nhạc hội thực ra không phải là yếu nhân. Có thể trong một hội nghị, một cuộc tiếp tân, một cuộc họp của các giới chức cao cấp trong chính phủ. Tại phi trường dĩ nhiên một ông tổng thống hay một ông thủ tướng thì không thể ngồi trong phòng đợi như các hành khách khác. Các phi trường đều có VIP LOUNGE cho các ông .

QA

Nói tới vé nhạc hội, QA phải hỏi anh MC là gì?

BBT

MC có khi viết là EMCEE. EMCEE này có thể là danh từ hay động từ. Động từ TO EMCEE là giới thiệu, hướng dẫn một chương trình, một sinh hoạt âm nhạc, hay sân khấu. Tương đương với TO EMCEE là TO HOST. Thí dụ QA làm radio và nói chuyện với một thân chủ quảng cáo. Cô hỏi thân chủ, hướng dẫn câu chuyện của TALK SHOW thì đó là TO EMCEE hay TO HOST A RADIO TALK SHOW.

Khi nói Singapore đứng ra tổ chức hội nghị ASEAN thì cũng có thể dùng động từ TO HOST. HOST là chủ nhà, người mở tiệc đãi khách. HOST là ông chủ nhà. HOSTESS là bà chủ nhà. HOSTPITALITY là lòng hiếu khách. THANK YOU FOR YOUR HOSPITALITY là cám ơn sự hiếu khách của ông bà. Đừng nói lầm thành HOSTILITY mà thành cám ơn sự bất thân thiện, thù nghịch của ông bà. MC là do hai chữ MASTER OF CEREMONIES. CEREMONIES là lễ, lễ nghi. MASTER OF CEREMONIES là người quản trò, là người hướng dẫn một chương trình âm nhạc, hay một chương trình ra mắt sách chẳng hạn.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ ai cũng biết 7-Eleven rồi nhưng còn 24/7 là gì thưa anh? Đọc là TWENTY FOUR SLASH SEVEN hay TWENTY FOUR SEVEN?

BBT

Đọc là TWENTY FOUR SEVEN. 24/7 là 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Không bao giờ đọc là TWENTY FOUR HOURS SEVEN DAYS.

QA

Có lần QA đọc NAACP (NATIONAL ASSOCIATION FOR THE ADVANCEMENT OF COLORED PEOPLES) từng chữ một thì bị một ông Mỹ trong studio của đài LA-18 sửa lại, bắt đọc là N-DOUBLE A-C-P. QA thấy rắc rối quá. Thế tại sao là đọc là K-K-K (KLU KLUX KLAN) mà không đọc là TRIPLE K như AAA (AMERICAN AUTOMOBILE ASSOCIATION) phải đọc là TRIPLE A?

BBT

Cái đó thì tôi chịu thua. Cũng như bí danh của JAMES BOND thì phải đọc là DOUBLE ‘O’ SEVEN, không đọc là O-O-7, cũng không đọc là ZERO ZERO SEVEN.

LÃM THÚY

Anh nhắc James Bond làm Thúy nhớ ba chữ AKA như khi nói JAMES BOND AKA 007. Vậy AKA là gì?

BBT

AKA là viết tắt của ALSO KNOWN AS nghĩa là còn được biết bằng tên. Thế nên JAMES BOND AKA 007 nghĩa là James Bond còn được biết qua bí danh 007.

QA

Thưa anh, ABBREVIATIONS và ACRONYMS có là một không?

BBT

Có mà không. ABBREVIATIONS là viết tắt. Thí dụ USSR là ABBREVIATION của UNION OF SOVIET SOCIALIST REPUBLICS. Nhưng MADD, MOTHERS AGAINST DRUNK DRIVING thì là ACRONYMS . ACRONYMS đọc lên được. ABBREVIATIONS thì không.

LÃM THÚY

Vậy thì NATO là ACRONYMS có phải không?

BBT

Đúng vậy. SAM là SURFACE TO AIR MISSILE, phi đạn địa không của Hà Nội trước đây. HAWK là phi đạn phòng không mà Hoa kỳ bố trí tại Đà Nẵng là HOMING ALL THE WAY KILLER là phi đạn vô tuyến điều khiển chống máy bay. Nhưng đố cô Thúy NATO là viết tắt của những chữ gì?

LÃM THÚY

NATO là NO ACTION TALK ONLY là không làm, chỉ nói thôi.

BBT

Cô bêu diếu Minh Ước Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương vừa thôi. NORTH ATLANTIC TREATY ORGANIZATION mà cô đổ cho cái tội to như thế sao?

LÃM THÚY

Thúy còn biết NASA la gì nữa cơ. Con trai Thúy dậy cho mẹ NASA nghĩa là NEED ANOTHER SEVEN ASTRONAUTS sau vụ phi thuyền con thoi phát nổ làm chết 7 phi hành gia.

QA

Chứ không phải là NATIONAL AERONAUTICS AND SPACE ADMINISTRATION sao?

BBT

Cô QA lại vẫn không quên nghề đọc tin của cô được. Đố hai cô TIP là gì?

LÃM THÚY

Là tiền "BO" phải không thầy?

BBT

Đúng. Nguyên tiếng Pháp là POUR BOIRE nghĩa là số tiền mà chúng ta cho người làm trong tiệm ăn hay người làm giúp chúng ta một việc nào đó. Ở Việt Nam, ngày nay người ta gọi ngắn lại thành "BO". TIP trong tiếng Anh có một vài giải thích cho rằng trong những quán ăn, quán rượu ngày xưa ở bên Anh thường có một cái hộp nhỏ ngoài đề hàng chữ TO INSURE PROMPTNESS nghĩa là để (TO) bảo đảm (INSURE) dịch vụ được làm ngay (PROMPTNESS) thì bỏ tiền vào hộp, thưởng cho nhà bếp hay nhân viên phục vụ. Rồi người ta viết tắt lại thành TIP.

LÃM THÚY

Có một số chữ viết tắt nhưng lại là những chữ viết tắt của nhiều chữ khác nhau. Thí dụ MP nơi thì là MILITARY POLICE quân cảnh, nơi lại là MEMBER OF THE PARLIAMENT dân biểu. PM có thể là PRIME MINISTER thủ tướng rồi lại cũng là POST MERIDIEM là quá ngọ.

BBT

Còn rất nhiều trường hợp như cô Thúy vừa kể. Vậy thì phải hẹn lại trong một dịp khác vậy.

QA

Đến đây, bài học Anh ngữ thứ 96 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television cũng tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.

December 16, 2010

December 17, 2010

Ngày 13 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Suýt nữa thì Giáng Sinh đã bị đánh cắp mất như tựa cuốn sách viết cho trẻ em của Dr Seuss, cuốn How The Grinch Stole Christmas.

The Grinch là một nhân vật khó ưa, ghét tất cả mọi thứ trên đời, chỉ muốn gây bực bội, phiền lòng người khác. Đặc biệt The Grinch cũng ghét Giáng Sinh nên có một năm, nó lấy trộm tất cả quà cáp, đèn nến, các vật trang hoàng trên những cây thông Giáng Sinh để cả thành phố không được vui trong mùa Giáng Sinh nữa.

Sơ luợc cốt truyện của Dr Seuss đại khái là như thế. Cuốn sách được rất nhiều trẻ em yêu mến. Nhưng người lớn hồi năm ngoái cũng vừa được thấy một chuyện không khác gì truyện của Dr Seuss.

Ở phi trường Seatac, phi trường quốc tế của Seattle, suýt nũa thì hình ảnh ấm cúng hạnh phúc của mùa Giáng Sinh bị lấy mất.

Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng nói như mấy câu của Kiên Giang thì "Lạy Chúa con là người ngoại đạo / Nhưng tin có Chúa ngự trên trời..."

Tin có Chúa ngự trên trời nên tôi rất thích Giáng Sinh. Mấy đứa con khi còn bé cứ sau Thanksgiving là bắt dựng cây Giáng Sinh lên để có chỗ bầy quà cáp cho chúng vui. Bây giờ, nhà chúng cũng có cây Giáng Sinh cho mấy đứa con của chúng mừng Giáng Sinh.

Chắc Phật cũng không phiền hà gì về cây Giáng Sinh trong nhà tôi hồi ấy. Hai ông Phật và Chúa đều tử tế, từ bi, nhân ái nên không phản đối chuyện chúng tôi làm.

Những cây Giáng Sinh bao giờ cũng đem lại cảm giác hạnh phúc, vui tươi như lời của bài hát Oh Christmas Tree: Much plaesure doth thou bring me!

Ở những vùng lạnh, cây Giáng Sinh đem lại mầu xanh cần thiết trong nhà vào những ngày lễ. Lấm tấm chút tuyết càng đẹp. Mấy Giáng Sinh tôi trải qua ở nam bán cầu hồi đầu những năm 60 không có tuyết lạnh, chúng tôi đành rủ nhau ra công viên nhẩy đầm nên không thể vui như ở bắc bán cầu.

Cây Giáng Sinh bao giờ cũng đem lại ngay cái không khí lễ lạc nên nhiều gia đình không theo đạo Thiên Chúa cũng thích có cây Giáng Sinh trong nhà.

Giáng Sinh năm ngoái, tại phi trường Seatac, một giáo sĩ Do Thái giáo tên là Elazar Bogomilsky đã yêu cầu ban quản đốc phi trường để cho ông đặt một cái Menorah bên cạnh cây Giáng Sinh ở cửa vào nhà khách của phi trường. Ban quản đốc nói là nếu để cho ông bầy cái Menorah của Do Thái giáo, cái giá nến 9 ngọn mà ngưòi theo đạo Do Thái dùng để thắp nến trong dịp lễ Hanukah, thì phi trường sẽ phải để thêm các biểu tượng của tất cả các tôn giáo khác. Ban quản đốc từ chối lời yêu cầu của ông. Ông rabbi Do Thái giáo này liền hăm kiện phi trường về thái độ mà ông gọi là kỳ thị đó.

Ban quản đốc phi trường sợ bị lôi vào một vụ kiện tốn tiền và thì giờ nên đã làm một quyết định là tháo gỡ cây Giáng Sinh ở phòng khách.

Thế nên cây Giáng Sinh cao gần 6 mét đã trang hoàng rất đẹp bị tháo xuống, đèn đóm trên cây cũng bị gỡ. Không cây cối, hoa đèn nữa để khỏi bị ông giáo sĩ Do Thái giáo làm rắc rối.

Ban quản đốc cho biết không đủ thì giờ để bầy thêm các biểu tượng tôn giáo khác đồng thời lại sợ bị kiện gây phiền nhiễu nên dẹp hết.

Những người nghe chuyện đều bất bình về trò chơi phá đám của ông giáo sĩ Do Thái giáo. Vì một đòi hỏi vô lý, ông đòi gây rối bằng một vụ kiện. Và vì lời hăm doạ kiện đó, Giáng Sinh ở phi trường Seatac bị hi-jack, bị cưỡng đoạt, như không tặc cướp máy bay đòi máy bay phài đi theo lộ trình của chúng.

Người ta cũng bất bình về quyết định của ban quản đốc phi trường.

Tại sao phải tháo gỡ cây Giáng Sinh chỉ vì lời hăm doạ kiện của ông giáo sĩ Do Thái giáo này? Tại sao không bảo vệ cây Giáng Sinh? Cứ để nguyên, thuê an ninh tới gác và kiện thì ra tòa coi làm gì nhau.

Nhưng cũng có người đồng ý với việc làm của ban quản đốc tháo gỡ luôn cây Giáng Sinh để cho mọi người thấy ai là người không chơi bảnh ỏ đây. Tranh chấp nhau ở tòa, ban quản đốc có thể bị ông giáo sĩ Do Thái chơi lá bài nạn nhân mà một số người Do Thái đã chơi rất thành công. Vậy thì chi bằng tháo gỡ luôn cây Giáng Sinh , luôn cả đèn đóm trang hoàng cho cây xuống.

Ban quản đốc đã chơi một đòn rất đẹp dựa rên căn bản của nhu đạo. Địch thủ ra đòn thì né, rồi lợi dụng đòn của chính địch thủ để phản công.

Cuối cùng ông giáo sĩ Do Thái phải đến gặp ban quản đốc phi trường yêu cầu cho dựng lại cây Giáng Sinh và nói rằng ông ta không đòi dẹp cây Giáng Sinh bao giờ. Ông đề nghị cho mượn một cái Menorah cao khoảng hai mét để ai muốn bầy thì bầy.

Không thấy có một cơ sở thương mại nào tại phi trường nhận đề nghị của ông.

Suýt nữa thì Giáng Sinh năm ngoái ở phi trường Seattle bị The Grinch lấy đi.

Không có ai đòi bầy cây Giáng Sinh bên cạnh cái Menorah của ông. Lại cũng không có ai đòi được bầy cây bồ đề cạnh cái Menorah của ông bao giờ.

Người Do Thái rất tốt. Lịch sử của họ có những đoạn hết sức đáng thương.

Tiếc là ông rabbi Elazar Bgomilsky suýt nũa làm hỏng hết những điều đó.

May quá, cây Giáng Sinh tại Seattle lại sáng lên rực rỡ.


Ngày 14 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Có lẽ không một sinh vật nào lại có thân phận tội nghiệp như những con gà tây. Mỗi năm, khoảng hơn ba trăm triệu con bị giết , phần lớn là để cho bàn tiệc Thanksgiving của người Mỹ.

Hội bảo vệ súc vật không bao giờ để mắt tới việc thẳng tay chém giết những con gà này. Lý do duy nhất chúng không bị tuyệt chủng là vì những con gà tây mái đưọc các trại dùng phương pháp nhân tạo để cho chúng đẻ trứng. Đẻ xong, trứng được đưa vào các máy ấp. Gà con nở ra, không được cha mẹ chăm sóc dẫn ra ngoài chuồng dậy bắt sâu kiếm ăn sống đời sống bình thường của các sinh vật thượng đế sinh ra cho sống trên mặt đất.

Gà tây con được cho ăn những thực phẩm đặc biệt để những bộ phận không cần thiết cho chúng, nhưng loài người rất ưa chuộng, được phát triển một cách bất bình thường để những cái ức lớn khác thường, hai cái đùi to một cách dị dạng nhưng cũng không đủ sức chống đỡ cái thân quá khổ của chúng.

Vừa lúc những con gà tây này đủ lớn, đủ trưởng thành để suy nghĩ về đời sống, về thân phận trong những chiếc chuồng rộng mênh mông, thực phẩm được dẫn vào tận chuồng để chúng chỉ biết ăn và bài tiết ngay tại chỗ, thì chúng bị đem ra tàn sát tập thể.

Khi tuổi xuân vừa chớm. Đủ tám tháng là đem giết khi thịt vừa đủ thơm và mềm.

Chúng bị giết trước khi được hưởng bất cứ một thú lạc thú, hạnh phúc nào trên đời.

Những con gà tây chưa kịp hát một bài tình ca, làm một bài thơ gửi cho những chị gà tây quen biết trong chuồng thì bị đưa đi lò sát sinh, đầu bị chặt, hai chân cũng bị chặt. Cánh cũng không còn nguyên. Chết không toàn thây. Rồi bị đem bọc vào những cái bao plastic, đem làm cho đông lạnh thành những cục thịt cứng như đá, chở tới các siêu thị bán cho người ta mang về bỏ vào lò thiêu sau khi tống vào bụng vài ba thứ khác.

Con cò trong ca dao Việt Nam còn nói được vài ba điều tuy thảm thiết nhưng vẫn là những lời cuối thương tâm:

Có sáo thì sáo nước trong
Chớ sáo nước đục đau lòng cò con

Đằng này những con gà tây thì bị đối xử như thế. Mấy năm gần đây, người ta bán những con dao điện để dùng cho việc cắt thịt chúng. Những con dao này chẳng phải là để cho cái chết của chúng bớt đau đớn, mà chỉ vì muốn việc phanh thây chúng được gọn gàng hơn, không tèm lem ra như những người đàn ông vụng về dốt nát chuyện bếp nưóc từng có lúc đã nghĩ tới việc dùng cái cưa để trong gara để cưa những cái xác gà trong bàn tiệc.

Làm lễ Tạ Ơn mà quay sang giết ba trăm triệu sinh mạng thì không nên chút nào.

Những con gà tây thật đáng tội nghiệp. Chúng rất thông minh, thế mà chúng bị coi là ngu si đần độn.

Đã có lúc chúng được một trong những người sáng lập ra nước Mỹ là Benjamin Franklin định dùng nó làm biểu tượng cho nưóc Mỹ trước khi được thay thế bằng con đại bàng sói đầu bald eagle.

Phải chi biểu tượng nước Mỹ là con gà tây thì quốc gia này đã hiền lành hơn một chút. Những con gà tây không tấn công ai bao giờ. Nước Mỹ có thể được yêu mến hơn ở nhiều quốc gia trên thế giói.

Nhưng chỉ vì thịt của nó, nó không được dùng làm biểu tượng của nước Mỹ nữa. Không lẽ cứ giết biểu tượng của quốc gia đem lên bàn nhậu thì coi sao được.

Chúng bị giết, mang lên bàn ăn trịnh trọng trong dịp lễ Tạ Ơn nhưng người ta không bao giò biết ơn nó.

Thịt của nó không nhiều cholesterol, lành hơn thịt của những con thú khác. Chúng cũng không được một lời khen tặng nào. Thương mà cái xương không còn thì thương làm gì.

Thịt chúng thực ra, cũng không ngon lành gì. Nhạt và vô duyên hết sức. Có thể là vì chúng không được cho đi bộ bao giờ nên chúng lại bị những con gà đi bộ qua mặt.

Bằng cớ là món phở không bao giờ thèm ngó ngàng gì tới chúng.

Ông Reagan bị những người không ưa chê ông già thì các họa sĩ biếm họa chỉ cần vẽ một cái mặt nhăn nheo răn rúm và cái cổ gà tây là giống ngay.

Ông Carter thì bị đối thủ chính trị gọi là gà tây, ý muốn nói là người thiếu thông minh.

Ngay cái tên của nó cũng lại là cái tên đầy sai lầm. Nó có ở Thổ Nhĩ Kỳ thật. Nhưng những con gà ở tân thế giới thì khác những con gà ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều. Tự nhiên vì những sai lầm của người di dân, chúng mang tên turkey, như những người da đỏ bị gọi lầm là Indian trong khi họ không có chút máu nào của các ông Nehru, Gandhi hay bà Indira.

Chúng không bao giờ được đưa vào một ca khúc, một bài thơ nào tử tế.

Con cuốc mang bao nhiêu hình ảnh đẹp trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, những đau lòng của người mất nước.

Con chim đa đa cũng được đưa vào một bản nhạc mặc dù nghe cũng chẳng hay ho gì nếu không nói là ngớ ngẩn rồi cũng được bao nhiêu người hát để hành hạ người nghe.

Nhưng con gà tây thì chỉ được đem ra đùa cợt như hai nhà văn Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 đã lôi cái tên gọi nó trong tiếng Pháp, le dindon, để xỏ xiên nhau, dậy nhau le dindon là cái … đỉnh đồng.

Vừa qua ngày Thanksgiving, chúng ta nên nghĩ vài điều tử tế cho con gà tây.

Thân phận nó có khá gì hơn cái phản ngả lưng cho thế gian nằm thế mà vẫn bị đặt cho cái tên là bất trung bất nghĩa.

Tội nghiệp những con gà tây vô cùng.


Ngày 15 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Mỗi năm, những ngày như hôm nay, cuối tháng 11 bước sang tháng 12 là những ngày hãi hùng nhất của tôi mặc dù từ hơn hai mươi năm nay, tôi nhất định không làm công việc mà tôi thấy là hết sức vô ích, chỉ làm giầu thêm cho công ty Hallmark và vài ba công ty khác chuyên sản xuất thiệp Giáng Sinh ở Mỹ.

Đó là việc gửi và nhận những tấm thiệp Giáng Sinh, công việc một vị linh mục tôi rất quí mến, linh mục T., cũng đồng ý là một việc làm vô ích, tốn tiền lại còn làm hại cho môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Mỗi năm, ở riêng nước Mỹ, hàng tỉ thiệp Giáng Sinh dân chúng gửi đi đã khiến cho bao nhiêu cây rừng bị đốn để dùng làm bột giấy chế tạo những tấm thiệp vô bổ này. Thế giới càng ngày càng mất đi những khu rừng, những lá phổi cần thiết cho đời sống của chúng ta cũng như các giống chim muông cùng sống trên trái đất này.

Mấy năm nay, để trấn an những người quan tâm về môi trường sống, một số các nhà sản xuất thiệp đã quay ra dùng những thứ vật liệu tái chế biến để làm giấy in thiệp.

Nhưng cứ nghĩ những thứ được dùng để tái chế biến làm thành thiệp, thì người ta lại thấy không nên dùng những thứ thiệp đó để gửi cho nhau nữa.

Làm sao biết được những tấm thiệp ấy không đưọc làm từ thứ giấy lấy từ những tờ báo nội dung không ra gì rồi được in lên đó những lời chúc Giáng Sinh?

Những lời chúc được in trên giấy chế từ những thứ báo chí bậy bạ đó có đáng để gửi cho nhau, để mang theo những lời chúc tốt đẹp không?

Người ta kể chuyện ông Vi Văn Định, một ông quan thời Tây đứng đầu tỉnh Thái Bình đã bắt một người đội cái nón mua về để đốt mã cho người thân gia đình làm từ một tờ báo Pháp có in hình một bà đầm cởi truồng chạy quanh sân cho chừa thói tin nhảm.

Biết đâu những tấm thiệp làm bằng vật liệu tái chế biến đó lại chẳng đến từ những trang báo từng in những hình ảnh nhảm nhí như thế.

Người nhận được những tấm thiệp đó có vui không?

Chắc là không. Thế thì tại sao lại gửi những tấm thiệp như vậy cho bạn bè của chúng ta?

Bây giờ nói đến những tấm thiệp và những hàng chữ in trong thiệp.

Các nhà sản xuất thiệp đều thuê những thợ viết ngồi nặn óc nghĩ ra những dòng chữ in trên thiệp. Thiệp gửi cho cha mẹ, ông bà con cái đều được viết sẵn. Luôn cả thiệp cho ông bà nội ngoại ghẻ, cha mẹ ghẻ, con ghẻ, anh chị em ghẻ, liên hệ kiểu gì cũng có. Thế rồi luôn cả những tấm thiệp gửi cho vợ, cho chồng, cho vợ cũ, cho chồng cũ, cho vợ cũ của chồng, cho chồng cũ của vợ, cho vợ mới của chồng cũ, cho chồng mới của vợ cũ, cho xếp trong sở, cho đồng nghiệp tử tế cũng như khốn nạn, cho bạn cùng lớp, cho cháu nội, cháu ngoại ruột và ghẻ đều được viết sẵn, chỉ cần nguệch ngoạc cái chữ ký vào là sẵn sàng gửi đi.

Nhận được những tấm thiệp như thế thì sung sướng nỗi gì? Những tấm thiệp với hàng chữ chúc mừng tiền chế đó quí báu ở chỗ nào?

It is the thought that counts. Trường hợp này càng đúng. Chính điều nghĩ trong đầu, trong tim, trong óc mới là điều quan trọng, đáng quí.

Nhận được những tấm thiệp tền chế như thế thì làm sao trả lời? Không lẽ viết lại vài hàng, khen người mua thiệp chọn được mấy câu ở tiệm nào mà hay quá, xin mách giùm năm tới còn đi mua. Hay sửa lại làm hai ba câu cải lương hát lên cho đèn đỏ chớp lung tung vì mùi mẫn? Hay là thú thật cũng mua cái thiệp giống hệt như vậy, chẳng lẽ gửi lại?

Tại sao phải gửi những tấm thiệp như thế? Thiếu sáng tạo đến như vậy sao?

Chính những tấm thiệp Giáng Sinh, Thanksgiving, năm mới làm lấy và viết lấy lại giá trị hơn là những thứ mua ở tiệm gửi đi mỗi cuối năm cho có chuyện biết là bao nhiêu.

Nhất là những tấm thiệp nguệch ngoạc, chữ bằng con gà của tác giả mang từ trường về nhà, trao vào tận tay, rồi níu cổ người nhận xuống hôn một cái ướt nhẹp mới là những tấm thiệp đáng nhận và đáng quí nhất.

Phải giữ lại những tấm thiệp ấy.

Thoắt mà đã hơn ba mươi năm từ khi nhận được những tấm thiệp vừa kể. Bao nhiễu lần dọn nhà tôi vẫn không để lạc mất những tấm thiệp ấy.

Mới đây, tôi đưa chúng lại cho con trai tôi vì biết chắc chắn nó sẽ không vứt đi, nó sẽ quí lắm. Nó cho hai đứa con gái nhỏ xem, và tuy bị hai đứa con chê là bố vẽ xấu, tôi biết bố chúng sẽ giữ kỹ mang về nhà.

Và bây giờ, tôi lại giữ mấy tấm thiệp của lũ cháu nội gửi cho.

Không dám nghĩ tới ba chục năm nữa. Nhưng năm năm, một chục năm nữa, đưa lại cho chúng, khi chúng mười bẩy, mười chín, chắc chúng sẽ thích lắm.

Mà những tấm thiệp như thế thì làm sao mà mua được ở ngoài tiệm.

Làm sao mà không sung sướng khi nhận được những tấm thiệp như thế?

Đến nay, tôi vẫn nhớ tấm thiệp của người bạn cùng lớp gửi cho mấy tháng ở Hà Nội trước chuyến di cư.

Tấm thiệp làm tại Pháp, hình vẽ chiếc xe của ông già Noel bay lượn trên cánh đồng tuyết phủ, những mảnh kim tuyến được rắc lên thiệp sáng lóng lánh. Tấm thiệp có hàng chữ nắn nót: "Chúc đằng ấy Joyeux Noel".

Tấm thiệp đã mất, bỏ quên trong tủ sách trên lầu căn nhà ở phố Sinh Từ Hà Nội.

Người bạn tên Tuyết ở phố Cửa Nam bây giờ đâu? Đã là bà nội bà ngoại bao nhiêu lần rồi? Vẫn còn là một người Hà Nội thanh lịch như ngày xưa hay đã trở thành một chị cán bộ già mặt mũi đanh ác, ghét cay ghét đắng cái nhà anh Nguỵ ác ôn đang ở miền tây nước Mỹ?

Vì thế, thỉnh thoảng nhận được cái thiệp Giáng Sinh thì cũng vui là vậy.


Ngày 16 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Trong những ngày như hôm nay, những ngày đáng lẽ những người thiện tâm của thế giới phải được bình an thì họ lại không hề được để cho bình an chút nào.

Một người đàn ông rất dễ ghét đang làm điên đầu những người đàn ông đàn bà thiện tâm cả năm chỉ biết đi làm cực nhọc để những ngày như hôm nay, đúng ra là từ hơn hai tuần nay, họ bị làm khổ không biết để đâu cho hết .

Họ bị cái tiếng cười hố hố của ông ta làm khổ. Những tiếng leng keng của nhũng cái chuông nhỏ đeo trên cổ những con tuần lộc kéo cái xe cho ông ta lại càng làm cho những người đàn ông và những người đàn bà thêm sốt ruột.

Sốt ruột vì một số chuyện biết là cần phải làm nhưng chưa làm được thì cứ bị hối thúc bằng tiếng cười, bằng tiếng nhạc trên chiếc xe của ông ta.

Ông dậy cho lũ trẻ trò tham nhũng hối lộ. Chúng không ngoan ngoãn vì ngoan ngoãn là việc chúng phải làm để vui lòng cha mẹ, mà chỉ là để được ông cho quà.

Chuyện này có thể làm hư những đứa bé. Cố gắng ngoan ngoãn rửa chân, đánh răng, rửa mặt trước khi đi ngủ là để được ông cho quà. Lỡ hư đốn thì vẫn cứ nói với ông là ngoan để được cho quà. Như thế, bọn trẻ còn đươc dậy để nói dối.

Mà ông có quà áp gì cho chúng nó đâu. Toàn là cha mẹ chúng phải lo quà cáp cho chúng. Chẳng lẽ thấy con cái háo hức như thế mà không quà cáp gì để sáng ngày 25 chúng thức dậy, không thấy gì dưới gốc cây thông chúng buồn nên chính cha mẹ chúng phải lo mua quà cho chúng.

Chúng còn được những cửa tiệm mướn mấy ông già mặc quần áo đỏ, đeo râu giả chỉ cách cho bọn trẻ làm khổ cha mẹ chúng. Đứa nào cũng đòi cái play station năm , sáu trăm bạc, hay không thì cái iPad gần bốn trăm đô la. Nếu không thì là con Elmo có lối cười hết sức nham nhở, cười lăn lộn, gập người lại, giẫy đành đạch. Trẻ con học cái kiểu cười đó rồi lớn lên sẽ như thế nào? Yểu điệu thục nữ thế nào được nữa!

Ông làm khổ cái ví tiền của cha mẹ lũ trẻ là như thế.

Tôi nghĩ chính phủ Mỹ phải cấm ông đến Mỹ. Ông không có thông hành, không thẻ xanh thẻ đỏ gì, cứ đêm khuya mới bắt chuớc các ông , các bà Mễ lẻn vào lãnh thổ Hoa kỳ.

Người đàn ông dễ ghét này có một số việc làm rất không lành mạnh nếu không nói là rất xấu xa nếu nhìn từ khía cạnh khoa học.

Cái mặt đỏ lấc của ông là dấu hiệu rõ ràng của bệnh cao máu. Đã thế ông lại không nghĩ tới chuyện giảm đi một ít cân lượng để cái bụng ba đứa trẻ ôm không xuể. Vậy mà ông vẫn tiếp tục ăn uống rất không lành mạnh. Đến nhà ai cũng đòi một ly sữa và mấy cái cookie. Nước Mỹ đang cố tìm cách dậy cho người dân cách ăn uống lành mạnh, thì ông ăn uống như vậy đó.

Những điều vừa nói mới chỉ mới đề cập tới chuyện ăn uống của ông.

Bây giờ xét đến vài ba việc làm khác của ông. Nghe nói ông ở Bắc Cực, có nguyên một xưởng làm đồ chơi với cả trăm ngưòi thợ. Những ngưòi thợ này đều có vóc dáng nhỏ bé, trông như những đứa bé khoảng 7 hay 8 tuổi.

Có thể họ nhiều tuổi, nhung thân hình nhỏ bé như những đứa bé thì việc thuê mướn những người thợ như thế thì có khác gì tệ nạn bóc lột sức lao động của trẻ em mà các nước trên thế giới đang cùng với Liên Hiệp Quốc tìm cách dẹp bỏ hay không?

Tôi tin rằng những người này không được tổ chức thành nghiệp đoàn để tự vệ và bênh vực cho mình. Rồi đã chắc gì ông đóng tiền social security cho những người thợ này. Họ có ngày nghỉ không, có bảo hiểm sức khỏe, có quĩ hưu trí không? Tôi không tin là họ được đối xử như những công nhân ở nước Mỹ. Có phải vì thế nên ông lập xưởng máy ở Bắc cực hệt như những doanh nhân độc ác mở xưởng may ở Samoa để bóc lột các công nhân không?

Những người thợ của ông làm việc vất vả suốt năm để làm những món đồ chơi không một đứa trẻ nào thích. Ông chở những món đồ chơi này nói là đem đi cho những đứa trẻ ngoan trên thế giới.

Nhưng người ta thấy rõ chiếc xe tuần lộc của ông không cách gì chở đưọc hết quà cho tất cả những đứa bé trên thế giới này.

Như vậy, chuyện cho quà của ông chỉ là một huyền thoại. Ông đâu có cho đứa bé nào cho dù là một món quà của ông?

Ông ghé lai chỉ cốt kiếm ly sữa và mấy cái cookie. Chỉ có thế, mà ông cũng làm khổ biết bao nhiêu người thiện tâm cuả thế giới.

Ông là ông già Noel, một người vi phạm bao nhiêu luật của nước Mỹ từ luật lao động đến luật di trú. Mà đó là chưa nói đến những gương xấu mà ông tạo ra cho những đứa bé. Trong buổi tối ai cũng ở nhà với gia đình thì ông bỏ bà già Noel ở nhà, lấy xe trượt tuyết đi kiếm ly sữa và mấy cái cookie.

Nhưng đó là nói chơi vậy thôi chứ tôi yêu ông già Noel vô cùng. Yêu ông rồi lại còn phải mua quà cho mấy đứa cháu nội ngoại, rồi nói là của ông già Noel mua cho chúng để chờ chúng nó cho mấy cái hôn ướt nhẹp. Không có ông, làm sao được mấy cái ôm cổ của lũ cháu khi đem quà đến cho chúng, nói là của ông già Noel nhờ mang lại.

Và nói dối với chúng bằng mấy câu lục bát cùa Trần Trung Phương :

Đêm qua có đức cha già
Trên trời lén xuống ban quà trẻ con

Giáng Sinh gần kề, xin vinh danh Chúa cả trên trời

bình an dưới thế cho người thiện tâm.


Ngày 17 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Hình như chúng ta càng ngày càng trẻ ra. Không cần phải uống sữa ong chúa, bôi vài ba chục lọ kem dưỡng da, rồi lại cả hộp Shisedo đắp lên mặt mỗi tối, hay để hai lát dưa chuột lên mắt và vài ba tháng đi chích Botox một lần, chúng ta vẫn đang càng ngày càng trẻ ra.

Thượng nghị sĩ John McCain lúc đã 71 tuổi vẫn ra tranh cử tổng thống.

Ông Reagan khi tranh cử tổng thống bị đối thủ coi là già, ông nói với ứng cử viên Mondale rằng ông không bao giờ đem chuyện tuổi tác (của ông Mondale) ra nói để bị coi là kỳ thị. Ý nói ông không già, chỉ có ông Mondale trẻ (người non dạ) mà thôi.

Ông Reagan đắc cử, ngồi ở ghế tổng thống hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm.

Sáng hôm qua, trong chương trình ABC, Diane Sawyer mặc một chiếc áo vàng tươi và một chiếc váy nhiều mầu sặc sỡ. Nàng tuổi tác ít ra cũng phải đã ngoài 60. Những mầu sắc như thế trước đây, ở tuổi nàng, ai dám mặc.

Cách đây ít năm, cứ khoảng ngoài 40 là người ta phải chọn những mầu nào coi cho "nhã" một chút để khỏi bị chê là trẻ quá. Đó là những mầu nâu, mầu xám, mầu tím than. Sơ mi thì cứ mầu trắng, ca vát đỏ sậm, hay nâu đậm cho đạo mạo.

Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence vừa quàng vào cổ cái ca vát mầu hơi tươi một chút đã bị vợ cằn nhằn là sao lại chọn chiếc ca vát mầu quá trẻ đó.

Vai Fernandel đóng trong phim là một người đàn ông mới 40 tuổi. Hôm sau, người phụ nữ trẻ chàng gặp trong chuyến xe hàng thì lại nói tại sao chàng đeo chiếc ca vát mầu già như thế, phải đeo mầu tươi hơn mới được.

Như vậy là chúng ta bị những người chung quanh bắt phải già. Ngoài bốn mươi, ông bố tôi đã được, thực ra không biết phải nói là được hay bị, gọi là cụ. Cụ giáo, cụ hiệu trưởng, cụ thanh tra. Thôi thì cho đó là chuyện gọi chức vụ đi. Nhưng chúng ta quả là đã bị những người chung quanh bắt là già đi.

Năm mươi tuổi Nguyễn Khuyến lên lão, đã vườn Bùi chốn cũ lụ khụ trở về nghỉ hưu. Bây giờ năm mươi ai dám nói là già?

Báo Orange County Register mấy tuần trước có bài viết về một cặp tân hôn. Tân lang 100 tuổi. Tân giai nhân 90 tuổi. Chúc hai người chúc gì? Bách niên giai lão chăng? Cụ ông đã một trăm rồi còn chi? Chúc hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long ư ? Cả hai mái đầu đều đã bạc. Mấy hàm răng không thể long được nữa. Có thể tháo ra để đầu giường mỗi tối chứ long ở đâu mà long.

Đọc những trang tìm bạn trên các báo người ta đọc thấy những lời rao tìm bạn của những người trên 60 kiếm nhũng người cũng trên 60. Nhớ lại mấy chục năm trước, khi ông cụ tôi và các bạn của cụ bằng tuổi ấy, có ai dám làm chuyện đó đâu. Gợi ý ra với các cụ là bị gạt phắt đi ngay lập tức.

Bây giờ, các cụ vẫn còn rối rít tìm nhau làm con cháu chóng cả mặt. Tại một cư xá của các cụ ở Virginia, những vụ đánh ghen lại thỉnh thoảng diễn ra vì cụ ông tránh một cụ bà ở lầu 2 để dùng bữa với cụ bà khác ở một lầu khác.

Một bản tin truyền hình nói là sáu mươi tuổi bây giờ là 40 tuổi của hồi cách đây 20 năm. Như vậy, 70 tuổi nay chỉ là 50 tuổi chứ già ở chỗ nào. Tuổi 70 vẫn lái xe ào ào, vẫn nhuộm tóc, đeo tóc giả đi nhẩy đầm, kiếm bạn trai cũng như bạn gái, làm đám cưới linh đình, rồi lại còn ra tranh cử tổng thống và tin chắc là nếu đắc cử, sẽ ngồi ở tòa Bạch Ốc ít nhất 4 năm nữa.

Bởi thế, Diane Sawyer ngoài 60 vẫn quần áo rực rỡ, bầy chân cẳng ra như mới hai mươi mấy. Không ai bắt bẻ rằng ngoại lục tuần rồi mà còn áo quần xí xọn.

Những người đàn ông và những người đàn bà bỗng thấy cái ca vát mầu tươi, cái áo rực rỡ, bộ suit mầu nhạt, đôi giầy mầu đỏ, mầu vàng trở nên mời gọi hơn, muốn vào tiệm mang về nhà cho tiện việc sổ sách.

Nhìn chung quanh chắc chúng ta cũng đã thấy những đổi thay như thế. Không còn phải kiếm những thứ mầu đậm, ảm đạm nữa. Phải kiếm cái ca vát, cái áo tươi một chút. Tại sao phải đạo mạo? Tại sao phải già? Tại sao phải chọn cái mầu cho nhã? Tuổi tác là cái gì? Là mấy con số thôi chứ là cái gì.

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Già ư? Cứ để cho anh nhận hết. Còn em? Cứ tuổi nhỏ như thơ ông Mai Thảo. Và mặc kệ cho trăm ngọn gió thổi vào cõi đời còn xanh biếc của chúng ta.

Cõi biếc ấy là cõi không già, không có tuổi vậy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 95)

HAPPY NEW YEAR!

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 95 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị. Hình như Thúy có câu hỏi.

LÃM THÚY:

Thưa anh, mấy hôm nay, Thúy thấy con trai lớn của Thúy cứ xầm xì với các em về một chuyện gì mà Thúy không biết, nghe lõm bõm thấy chúng nhắc đi nhắc lại chữ SOLUTION thì phải. Không biết mấy đứa âm mưu chuyện gì đây.

BBT

Chắc cô nghe lầm. Có thể không phải SOLUTION đâu. SOLUTION là giải pháp, là cách hay việc giải quyết một vấn đề. Tôi nghĩ các cô các cậu nói với nhau về cái RESOLUTION thì đúng hơn.

QA

Nếu đó là RESOLUTION thì QA hơi ngạc nhiên tại sao con của Thúy lại nói chuyện về những cái nghị quyết, như những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và việc Iran và Bắc Hàn vi phạm những nghị quyết này để bị trừng phạt. Sao con Thúy lại chính trị quá như thế hả Thúy.

BBT

Cô QA đúng là người đọc tin tức cho đài phát thanh và truyền hình. Nói đến RESOLUTION là nghĩ ngay đến nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng danh từ RESOLUTION có nhiều nghĩa. Nghĩa của RESOLUTION cô vừa nói là nghị quyết, là những văn bản ghi xuống những đòi hỏi mà Liên Hiệp Quốc đòi Iran và Bắc Hàn phải tuân thủ trong vấn đề nguyên tử. Đó là RESOLUTION trong các bản tin thế giới. Tôi chắc các con của Thúy không nói với nhau về những nghị quyết đó. Chắc là mấy anh em nói với nhau về một danh sách những điều chúng định làm trong năm cho mẹ vui thì đúng hơn. Thí dụ quyết tâm sẽ dậy sớm, làm giường, quần áo thay ra bỏ vào giỏ đựng quần áo giặt, tự động hút bụi mỗi sáng thứ bẩy, rửa xe cho mẹ … phải không ?

LÃM THÚY:

I WISH. Thúy nghe anh nói cứ như là truyện thần tiên không bằng. Không bao giờ có chuyện đó đâu QA.

BBT

Tôi nghĩ đó có thể là cái RESOLUTION các con Thúy bàn với nhau để viết xuống.

QA

Nhưng rồi sẽ được bao nhiêu ngày trước khi cái RESOLUTION ấy biến thành cái tầu bay giấy bay ra cửa, một đi không trở lại?

BBT

Chắc cô định nói về tôi và những cái RESOLUTION tôi viết . Đúng là như thế. Nhưng chẳng phải chỉ có một mình tôi. Có người đã nói những cái RESOLUTION là những thứ có đời sống ngắn nhất. Đó cũng chỉ vì người viết muốn làm quá nhiều điều tốt đẹp nên những lời tự hứa đó khó giữ được cho đúng, để rồi người viết lại vi phạm, lại không tuân thủ, nhưng may quá, không có ai áp dụng các biện pháp chế tài và trừng phạt đối với những người vi phạm những điều tâm nguyện này như Liên Hiệp Quốc đã làm đối với Iran và Bắc Hàn. Nhưng trừng phạt thì trừng phạt, vi phạm vẫn vi phạm như Iran và Bắc Triều Tiên mà cô QA vừa nhắc ở trên.

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, bộ ai cũng viết RESOLUTUON cả hay sao?

BBT

Không phải tất cả đều viết xuống. Nhiều khi chỉ tâm niệm trong lòng mà thôi. Tự nhủ, tự nhắc mình, quyết định là TO RESOLVE. Hai cô đã biết TO MAKE UP ONE’S MIND rồi chứ. QA cho nghe hai thí dụ với TO MAKE UP ONE’S MIND coi.

QA

I LIKE BOTH DRESSES. BUT I HAVE TO MAKE UP MY MIND QUICKLY.

PLEASE READ THE MENU AND MAKE UP YOUR MIND WHAT TO ORDER.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I MUST MAKE UP MY MIND WHAT NAIL POLISH TO WEAR.

IT DOES NOT TAKE A LONG TIME FOR HER TO MAKE UP HER MIND ABOUT HIM

BBT

TO MAKE UP ONE’S MIND cũng đồng nghĩa với TO DETERMINE. TO DETERMINE là quyết định. DETERMINATION là sự quyết định. SELF-DETERMINATION là gì, đố cô Thúy.

LÃM THÚY

SELF là tự, tự mình. Thúy nhớ ở cây xăng có chữ này: SELF SERVICE là tự mình đổ xăng lấy. Vậy SELF DETERMINATION là tự mình quyết định, là tự quyết.

QA

QA cũng đã nghe SELF SERVE, SELF HELP và SELF MADE MILLIONAIRE . Cái lò của QA mua năm ngoái là một cái SELF CLEANING OVEN. Giá có cái SELF PARK CAR thì hay biết mấy.

BBT

Đã có rồi thưa hai cô. Rồi, như vậy là xong hai động từ nghĩa là quyết định. TO RESOLVE cũng là quyết định, quyết tâm. TO RESOLVE là TO MAKE RESOLUTION, là TO DETERMINE và TO MAKE UP ONE’S MIND.

QA

Ông thầy có viết RESOLUTION mỗi cuối năm không?

BBT

Có. I ALWAYS MAKE GOOD RESOLUTIONS BUT RARELY CARRY THEM OUT. TO CARRY (SOMETHING) OUT là thực hiện. Thí dụ TO CARRY OUT A PROMISE; TO CARRY OUT A PLAN; TO CARRY OUT A RESOLUTION. Hai cô có MAKE RESOLUTION không?

LÃM THÚY

I MAKE A RESOLUTION TO BE FIRM WITH THE KIDS.

MY DAUGHTER MAKES A RESOLUTION NOT TO STAY UP PAST MIDNIGHT ON SATURDAYS.

QA

I MAKE A RESOLUTION NOT TO SPOIL MY SON.

MY ELDER DAUGHTER MAKES A RESOLUTION TO HELP HER SISTER WITH HER COLLEGE APPLICATIONS.

BBT

Sau khi đưa ra những tâm nguyện thì người ta phải làm gì, cô Thúy?

LÃM THÚY

Chắc là phải tôn trọng những điều tâm nguyện đó. Tôn trọng là TO RESPECT phải không thầy?

BBT

Tôi nghĩ TO RESPECT không hay lắm. Tại sao không dùng TO STICK TO? TO STICK là dính, là không buông ra. TO STICK TO THERESOLUTIONS nghe đúng hơn là TO RESPECT. Cô Thúy dùng TO STICK TO trong một câu nghe thử coi.

LÃM THÚY

AT THE MEETING, HE STICKS TO HIS IDEAS.

BBT

Đúng lắm. Còn QA?

QA

PRESIDENT OBAMA TRIED TO STICK TO HIS PROMISES.

ONCE YOU HAVE MADE UP YOUR MIND ABOUT SOMETHING, YOU MUST STICK TO IT. Thế còn không tôn trọng, không làm đúng những tâm nguyện đó thì chúng ta dùng động từ gì thưa anh?

BBT

TO VIOLATE là vi phạm. Vi phạm hiệp ước là TO VIOLATE THE AGREEMENT. Vi phạm cam kết là TO VIOLATE ONE’S COMMITMENT. Vi phạm nhân quyền là TO VIOLATE HUMAN RIGHTS. Vi phạm công pháp quốc tế là TO VIOLATE INTERNATIONAL LAWS. Vi phạm không phận là TO VIOLATE AIR SPACE…

Bây giờ hai cô thử đưa ra một hai quyết tâm cho năm mới coi.

LÃM THÚY

I RESOLVE TO EXERCISE MORE. I RESOLVE TO WORRY LESS.

BBT

Cả hai quyết tâm của cô đều hay cả. Còn QA?

QA

I RESOLVE TO RELAX MORE. I RESOLVE NOT TO WORK TOO HARD. Còn ông thầy?

BBT

I RESOLVE TO BE EASY WITH EVERYTHING.

I RESOLVE TO HATE BEER.

LÃM THÚY

Nghe không lọt tai chút nào phải không QA? Thưa anh nhân gần hết năm, Thúy muốn anh dậy cho một ít idioms với YEAR. Đầu tiên, tống cựu nghênh tân, tiễn năm cũ, đón năm mới người Anh và người Mỹ dùng động từ gì?

BBT

Cám ơn cô hỏi câu này vì suýt nữa tôi quên.

Vào lúc cuối năm, nhiều nơi có tục rung chuông nhà thờ để tiễn năm cũ. Thế rồi lại đón năm mới bằng một hồi chuông nữa nên người ta nói RING OUT THE OLD YEAR và RING IN THE NEW YEAR.

Có một thành ngữ này trong tiếng Anh nghĩa rất khác tiếng Việt. Ngàn năm, A THOUSAND YEARS. Trong tiếng Việt, chúng ta nói THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM nghĩa là thương lắm, thương lâu lắm, thương nhiều lắm. Nhưng trong tiếng Anh, A THOUSAND YEARS thường đi với NEVER để thành không bao giờ.

I WILL NOT TALK TO HIM AGAIN, NEVER IN A THOUSAND YEARS hay NOT IN A THOUSAND YEARS.

Hồi thập niên 50 có một cuốn phim của Marilyn Monroe nhan đề THE SEVEN YEAR ITCH. Tên cuốn phim nói đến một hiện tượng thường thấy trong một số những cuộc hôn nhân, đó là hai người sau khi ở với nhau 7 năm, một trong hai sẽ chán người kia và chán cả cuộc sống vợ chồng. Thí dụ khi nói HE GOT THE SEVEN YEAR ITCH nghĩa là ông ta chán cơm canh ở nhà và muốn đi … lang thang ra ngoài .

Thành ngữ này thì tôi chịu thua, không hiểu tại sao tiếng Anh lại nói như thế: DONKEY’S YEARS. Nghĩa của nó chỉ là lâu lắm. Nhưng con lừa không phải là một con vật có tuổi thọ dài . Vậy mà người ta lại nói I HAVE KNOWN HIM FOR DONKEY’S YEARS.

QA

Thưa anh, người Mỹ có nói mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi không?

BBT

Không nhưng họ có thành ngữ TO GET ON IN YEARS nghĩa là già. HE IS GETTING ON IN YEARS. Khi nói nhiều tuổi, hay già thì có hai thành ngữ UP IN YEARS và WELL UP IN YEARS .

TO PUT YEARS ON là làm cho già đi. Thí dụ THE FALL OF SAIGON PUTS YEARS ON HIM nghĩa là chuyện Sài Gòn thất thủ làm cho ông ấy già đi rất nhiều như nhân vật Ngũ Tử Tư chỉ sau một đêm tóc đã bạc trắng. Trái với TO PUT YEARS ON là TO TAKE YEARS OFF, thí dụ THE DIVORCE TAKES YEARS OFF HER.

LÃM THÚY

Thúy có cô bạn, sau mấy năm gặp lại, cô ấy trẻ đi cả chục tuổi. PLASTIC SURGERY TOOKS YEARS OFF HER.

QA

SICKNESS PUT AT LEAST TEN YEARS ON HIM.

BBT

YEAR AFTER YEAR và YEAR IN, YEAR OUT hay IN YEARS đều có nghĩa là lâu lắm, nhiều năm lắm.

LÃM THÚY

Thưa anh, người Mỹ có ví tuổi già là mùa thu hay mùa đông như trong tiếng Việt không ?

BBT

Có. Thí dụ IN HIS AUTUMN YEARS, HE MOVED TO FLORIDA. Cũng có thể nói IN HIS SUNSET YEARS. Một cách nói khác nữa là IN HIS TWILIGHT YEARS. SUNSET là hoàng hôn. TWILIGHT là lúc trời chạng vạng tối.

Thế bây giờ tôi hỏi hai cô HAPPY NEAR YOU là gì nào?

QA

Là nói lái của HAPPY NEW YEAR đúng không thưa thầy?

Vậy thì QA và Lãm Thúy cũng nhân đây chúc quí vị HAPPY NEW YEAR và HAPPY NEAR YOU luôn. Đến đây, bài học Anh ngữ thứ 95 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television cũng tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.