December 30, 2010

December 31, 2010

Ngày 27 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Cuốn Webster's New World Encyclopedia tôi mua mấy năm trước trong đống sách bán hạ giá trước cửa tiệm Border's Bookshop rẻ thì có rẻ thật, nhưng lôi ra đọc vài ba chữ đã thấy không đủ, thiếu tùm lum.

Thí dụ tiểu sử của Chekhov ở trang 174 hay Maugham ở trang 535 chẳng hạn. Anton Pavlovich Chekhov được ghi là một nhà soạn kịch và viết truyện ngắn của Nga (Russian dramatist and writer of short stories). Còn William Somerset Maugham của văn chương Anh thì cũng chỉ được ghi là English writer. Theo sau là mấy tác phẩm tiêu biểu nhất của hai ông. Chỉ có vậy thôi.

Trong khi chúng ta đều biết cả hai ông đều xuất thân là y sĩ. Nhưng vì tiếng gọi của văn chương lớn hơn, nên cả hai đều xếp stethoscope quay sang với cây bút để làm nhà văn.

Vậy mà chi tiết đó không được ghi trong tiểu sử cùa hai ông đọc được trong cuốn Webster's. Thiếu sót đó không thể tha thứ được.

Ngày nay, nếu hai ông còn sống, lại được mời đi dự vài ba cái đám cưới như một cái cách đây ít lâu mà tôi có dự, thì hai ông đã được nhắc nhở một cách hào phóng hơn là cách nhắc nhở đầy thiếu sót của cuốn bách khoa rẻ tiền tôi có rất nhiều.

William Somerset Maugham, tác giả của Of Human Bondage, The Moon And Six Pence, The Trembling of a Leaf... không thể được giới thiệu trống không như trong cuốn Webster: nhà văn Anh. Ông phải là "bác sĩ, nhà văn William Somerset Maugham". Anton Chekhov cũng được emcee trân trọng giới thiệu là "bác sĩ, nhà văn, kịch tác gia Anton Chekhov". Hai ông sung sướng có thể chết đi sống lại được.

Chứ đâu có hà tiện giấy để có thể bán đại hạ giá ngoài cửa Border's Bookshop như cuốn bách khoa bỏ túi của tôi bao giờ.

Và nếu người được giới thiệu lại có một chuyên khoa nào, thì dĩ nhiên cũng phải được giới thiệu đầy đủ, thí dụ "bác sĩ sản phụ khoa, nhà thơ Nguyễn Văn X." hay "luật sư chuyên ly dị, bồi thường lao động, thương tích tai nạn, nhà văn Z."

Mà tại sao lại không?

Ông có hai tay, hai nghề khác nhau. Vui làm thơ nhưng không quên đỡ đẻ, thế thì phải giới thiệu đầy đủ, cũng như viết văn mà vẫn là chuyên về P.I. (personal injury) lo bồi thường cho thân chủ bị thương tích trong các tai nạn xe cộ thì phải kể ra cho hết.

Tô Đông Pha làm thơ hay, vẽ đẹp mà không thấy các emcee Tầu trong các đám cưới giới thiệu là "họa sĩ, nhà thơ Tô Đông Pha" bao giờ, thật là thiệt thòi cho một thiên tài của văn học Trung quốc. Cũng may mà ngày nay còn có người nhớ đến cả thơ cũng như tài vẽ của ông. Mà ông cũng không quá sốt ruột đòi ôm cả hai thứ... đi dự đám cưới bao giờ.

Các ông mà sống trong lúc này, lại lớ quớ được mời đi ăn cưới, được emcee mời lên sân khấu, ra mắt, được giới thiệu đầy đủ chức tước kiêm nhiệm, đang còn giữ cũng như đã hồi hưu như vậy, rồi lại còn được emcee xin "quí vị cho một tràng pháo tay" thì hạnh phúc nào bằng. Đến như vua Thần Tôn mê đọc thơ Tô Đông Pha trong lúc đang ăn thì cũng chỉ sướng gần được một nửa điều sướng khoái được giới thiệu theo cách giới thiệu trong đám cưới mà thôi.


Ngày 28 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi năm trước.

Một bữa đang ngồi trong quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do, Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: "Ông biết tôi là ai không?" Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết.

Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông đi theo, làm đàn em cho một ông tướng, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút "hào quang" vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.

Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ.

Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.

Mấy tháng trước, trong chuyến về lại California, tôi phải ghé lại New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra. Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy. Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông. Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần: "Do you know who I am?"

Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.

Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước của ông, xin tới quầy 112.

Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa.

Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười. Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu: "F... you!"

Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này: " I'm sorry, sir, but you'll have to stand in line for that, too." Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.

Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi.

Bây giờ, nếu người đàn ông ở La Pagode hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Nhưng còn một điều tôi hơi ngại, là nếu phía bên kia đưa ra đề nghị bắt đầu bằng chữ "F" thì cũng hơi phiền. Chẳng lẽ lại đòi những người ấy xếp hàng... cả ngày như ở nước ta hay sao?


Ngày 29 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Tháng trước, cả hai hãng thông tấn AFP lẫn Reuters đều loan tin về một người đàn ông Ai Cập bị tòa bác đơn xin ly dị vợ.

Vậy mà trước đây, tôi cứ tưởng tại quốc gia Hồi giáo này, đàn ông luôn luôn được dành cho mọi sự dễ dãi khi muốn lấy vợ cũng như khi muốn ly dị vợ. Chẳng phải là theo luật Hồi giáo, người đàn ông chỉ cần nói ba lần câu "Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô" là chấm dứt những rắc rối giữa hai người như tôi đọc được trong những tài liệu về Hồi giáo hay sao?

Nhưng có thể luật Ai Cập, quốc gia Hồi giáo tương đối ít cuồng tín nhất, người phụ nữ cũng được đối xử khác với lối đối xử kiểu trung cổ ở các nước Hồi giáo khác như Yemen, Afghanistan chăng?

Bản tin cho biết một toàn án ở tỉnh Qena thuộc miền nam Ai Cập đã phán rằng người đàn ông này không được phép ly dị vợ với lý do mà ông ta nại ra trong đơn. Người đàn ông này đưa vợ ra tòa xin chấm dứt cuộc sống vợ chồng vì người đàn bà này chỉ có một vú. Người chồng nói rằng người phụ nữ mà ông cưới về làm vợ cách đây 20 tháng đã không cho ông biết về chi tiết bất thường này nơi cơ thể, và ông sợ rằng vợ ông sẽ không thể nuôi con được như những người đàn bà bình thường khác. Tòa bác đơn của ông, nói rằng vợ ông có sức khỏe tốt và tòa thấy là không có lý do gì bà không thể là một người vợ và một người mẹ tốt.

Trường hợp không thể là mẹ tốt, theo ca dao Việt Nam là phải thiếu cả hai, chứ nếu có một, thì vẫn có thể được, và vì thế, người đàn bà này, như phán quyết rất có lý của tòa án, vẫn có thể làm mẹ như những phụ nữ khác.

Có thể người chồng có những lý do khác để không muốn ở với người phụ nữ này.

Rất có thể ông có nghe nói về một bộ lạc phụ nữ tên là Amazon sống ở gần Hắc hải, mà theo thần thoại Hy Lạp, để bắn cung cho giỏi, tất cả những người phụ nữ này đều cắt bỏ vú bên phải của họ cho khỏi vướng dây cung, và vì thế, ông sợ người vợ một vú của ông có thể là một chiến sĩ Amazon tạm xếp cung tên lo chuyện chồng con nên ông muốn bước ra trước khi quá muộn chăng?

Ông lo xa hơi quá, vì giỏi như Penthesilea, nữ hoàng của bộ lạc Amazon vẫn bị Archilles giết trong trận đánh ở thành Troie cơ mà. Nỗi lo sợ của ông không có cơ sở.

Hay ông cũng đã bị nghe một câu đay nghiến như câu mà ông hàng xóm cũ của tôi ở Sài Gòn bị vợ tặng cho chăng? Người đàn ông ở bên cạnh nhà tôi một hôm vui chơi với bạn bè, về nhà sau giờ giới nghiêm mà bà vợ ban hành, bà đổ cho ông gian díu với một phụ nữ khác và nói thẳng với ông rằng bà sẵn sàng để cho ông đi theo con đĩ ấy nếu nó có 3 "cái trên" và 2 "cái dưới" chứ nếu nó chỉ có 2 "cái trên" và 1 "cái dưới" thì nó có khác gì bà ở nhà đâu mà ông phải đi kiếm ở bên ngoài cho mất công.

Tôi nghe được câu phát biểu đầy chân lý đó, đến nay vẫn còn phục những câu nói của các phụ nữ miền Nam yêu quí, những câu nói vừa hợp lý vừa thẳng thắn.

Tưởng tượng người đàn bà Ai Cập này cũng nói một câu tương tự, nhưng trừ bớt đi một "cái trên", tức là 2 "cái trên" thì trách sao ông chồng chẳng đòi ra đi.

Hay ông thỉnh thoảng lại bị bà sai làm việc nọ việc kia rồi đâm ra chán cuộc sống với bà đến nỗi phải xin chấm dứt cuộc sống ấy? Ông đã thiệt thòi so với những người đàn ông khác, lại bị vợ lâu lâu vô tình đụng phải sự thiệt thòi đó, thí dụ sai, nhờ chồng làm vài ba việc trong nhà thì cứ sai, cứ nhờ, nhưng có cần phải nhắc ông về những thiệt thòi đó không? Chẳng hạn bắt đầu câu có cần phải nói "Anh rảnh tay, tắt hộ em cái đèn, rồi rảnh tay, anh đưa cho em tờ báo... rảnh tay anh lấy cho em ly nước trên bàn ngủ, rồi rảnh tay anh gãi lưng cho em đi..."

Có cần phải nhắc ông ta mãi về sự rảnh tay của ông không?

Ông tòa ở Qena khi bác đơn xin ly dị của người chồng có lẽ cũng nên nhắc người vợ mấy điều ở trên thì mới hy vọng hai người ở được với nhau lâu dài.

Tôi rất mong điều đó.


Ngày 30 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Trong những ngày bão tuyết đổ xuống miền đông, tôi lại nhớ chiếc Isuzu Rodeo, chiếc xe đã rất tử tế với tôi trong suốt mấy mùa đông. Những hôm trời tuyết "mãn thiên hoa vũ" những tối "tuyết ủng Nam quan" nó vẫn không bao giờ phụ tôi. Hệ thống vận hành bốn bánh của nó bao giờ cũng đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn.

Vậy mà sáng nay, tôi suýt nghĩ đến chuyện xa nó.

Chỉ vì cái quảng cáo chiếc Jeep Cherokee mà tôi thấy trong tờ Time.

Quảng cáo dùng bức hình chụp một chiếc Cherokee mầu đỏ đậu giữa một vùng núi đồi cây cỏ xanh tươi, cửa trước phía người lái mở toang, không thấy người lái xe ở đâu. Quảng cáo cho biết những đặc trưng của chiếc xe như máy 4 lít 7, thắng không khóa bánh lại, rất an toàn trên những đoạn đường trơn tuyết hay đá. Sàn xe cao, rất tiện cho những chuyến đi trên đường xấu có ổ gà hay mấp mô đá tảng, không kể những túi hơi để bảo vệ người lái xe cũng như hành khách khi xẩy ra tai nạn.

Chiếc Isuzu của tôi không còn mới nữa, nếu so với chiếc Jeep Cherokee của Daimler Chrysler, đã có lúc tôi muốn bán quách, mua cái SUV mới chạy cho sướng cái thân già, và sáng nay, khi xem cái quảng cáo của chiếc Jeep, tôi đã định đổi chiếc Isuzu Rodeo lấy chiếc Jeep.

Thứ nhất, máy chiếc Cherokee lớn hơn, chạy phải khỏe hơn, mấy chỗ thỉnh thoảng tôi đi câu rất cần một lòng máy lớn như thế. Quảng cáo khoe là kiểu Jeep Cherokee mới này có những bộ phận an toàn cho hầu hết mọi trường hợp. Tôi rất cần một chiếc xe như thế trong những chuyến đi câu hay đi chơi xa. Nhưng đọc tiếp thì thấy chiếc Jeep Cherokee vẫn không bảo vệ người lái chống lại một mối đe dọa nguy hiểm khác, đó là nếu người lái chiếc Jeep Cherokee này bị Montezuma trả thù.

Except Monterzuma's revenge. Chiếc Jeep Cherokee này không bảo vệ người lái nó chống lại được sự trả thù của Montezuma. Montezuma mà trả thù thì Jeep Cherokee cũng chẳng làm gì được.

Và đọc đến đó, thì tôi hiểu tại sao trong hình, tìm mãi tôi vẫn không thấy người lái xe ở đâu, trong khi cửa trước mở toang, và chung quanh, chỉ có cây cối mọc um tùm, xa xa là một ngọn núi.

Tôi tin chắc ông ta đang ở đâu đó sau một lùm cây, không muốn cho ai bắt gặp trong cơn thịnh nộ trả thù của Montezuma.

Montezuma là ai mà hành động trả thù lại kinh khiếp đến như thế?

Montezuma là hoàng đế của đế quốc Aztec từ năm 1502 đến 1520. Khi Cortez, nhà thám hiểm chinh phục đất đai người Tây Ban Nha tiến chiếm Mễ Tây Cơ, thì Montezuma bị bắt, bỏ tù khi quân Aztec tấn công lực lượng Tây Ban Nha khi lực lượng này sửa soạn rời Tenochtitlán, thủ đô của Aztec. Montezuma dĩ nhiên đã chết trong tù từ lâu, nhưng hồn của Montezuma vẫn lẩn quất đâu đó ở Mễ Tây Cơ, và thỉnh thoảng những người tới Mễ Tây Cơ chơi vẫn bị Montezuma rượt chạy gần chết, nhất là ghé Mễ Tây Cơ mà ăn uống bậy bạ.

Người lái chiếc Jeep Cherokee chắc cũng uống nước không tinh khiết hay ăn nhiều tamales, tacos quá, lại còn phá phách, khuấy lộn những phế tích của người da đỏ Aztec khiến Montezuma giận điên lên và tung đòn thù ra cho biết thân mà lần sau chừa đi.

Ông Carter hồi còn làm tổng thống Mỹ, trong một chuyến đi thăm Mễ Tây Cơ cũng bị Montezuma trả thù, chạy có cờ... hoa.

Có điều chúng ta thì không gọi là bị Montezuma trả thù. Chúng ta không có bất cứ một liên hệ nào với Montezuma, mà cũng chẳng bao giờ làm cho Montezuma phải bực bội như khi bị quân Tây Ban Nha bắt hạ ngục.

Cái quảng cáo đó, nếu qua Việt Nam, hay quảng cáo qua báo chí Việt Nam, thì Montezuma sẽ không bị lôi ra để gây sự chú ý của người đọc. Vì người Việt Nam không có lý do gì để chọc quê hoàng đế của đế quốc nay đã bị diệt vong là Aztec như thế.

Nếu cần, chúng ta đã có một nhân vật Đông phương gánh hộ để Montezuma khỏi bị lôi ra làm cho vất vả.

Montezuma trả thù những người đến Mễ Tây Cơ thì có thể hiểu được. Đang là một đấng quân vương oai hùng, thì bị quân Tây Ban Nha bắt bỏ tù thì chàng phải tức chứ. Do đó người ta mới nói là bị Montezuma trả thù. Chứ chúng ta thì mắc mớ gì tới Mễ Tây Cơ đâu mà bị ông ta trả thù như trong lối nói của người Bắc Mỹ?

Chúng ta liền lôi ông Tào Tháo, một nhân vật trong Tam Quốc, người đời Hán, làm tới chức thừa tướng, là một nhân vật giỏi nhưng gian hùng và rất đa nghi ra để thay cho Montezuma. Chúng ta không nói là bị Montezuma trả thù, mà nói là bị Tào Tháo đuổi. Nhưng bị trả thù hay bị đuổi thì cũng đều phải tông cửa xe chạy ra kiếm cái lùm cây mà ra phía sau giải quyết cho kín đáo.

Và như vậy thì Jeep Cherokee cũng chẳng thể cứu được.

Nhưng tại sao lại đổ cho ông Tào Tháo cái trò ác đức như thế thì tới nay tôi cũng không biết.

Chỉ biết rằng bị Tào Tháo đuổi thì nên chạy, không chạy thì vất vả nặng, kìa như Đổng Trác mà cũng còn phải sợ, còn phải khó khăn mấy phen như trong Tam Quốc Chí đã ghi lại, huống chi là chúng ta. Bị Tào Tháo đuổi thì chỉ có tìm đường chạy mới thoát.

Lúc ấy thì quả thật Jeep Cherokee hay Isuzu Rodeo thì cũng làm sao mà bảo vệ được.

Nghĩ vậy nên tôi lại thấy chiếc Isuzu đáng yêu hết sức. Dẫu sao, nó cũng đâu có thua chiếc Jeep Cherokee mấy.

Montezuma hay Tào Tháo đuổi thì ai mà chẳng phải chạy kiếm cái lùm cây mà nương náu! Trong những lúc như vậy thì Rodeo hay Cherokee cũng chẳng hơn gì nhau. Chịu khó bỏ thêm vài cuộn giấy Charmin hay White Cloud trong thùng xe là hết sợ Montezuma trả thù hay Tào Tháo rượt ngay.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Tuần này, QA muốn hỏi thầy Trúc là trong Anh ngữ người ta có kiểu nói như chúng ta không, thí dụ chúng ta nói tết Công Gô, tết Marốc, ông ấy Lèo lắm không, nghĩa là có những thành ngữ dùng tên của các nước hay không?

BBT

Có. Những idioms đó có khi tốt, có khi không tốt. Tiếng Anh có khá nhiều những idioms như thế. Nhiều nhất là nhũng idioms liên quan đến những nước gần với nước Anh. Theo cô Lãm Thúy, thì nước nào gần với nước Anh nhất?

LÃM THÚY

Nước Pháp.

BBT

Đúng như thế. Nước Pháp gần nước Anh. Hai bên có nhiều tiếp xúc với nhau. Chiến tranh với nhau cũng vài ba lần. Người Anh vừa yêu vừa ghét nước Pháp. Người Anh thích thức ăn của Pháp, ưa thời trang của Pháp. Nhưng lại không chịu được nước Pháp. Người Pháp cũng nghĩ về người Anh như thế. Nhưng người Pháp không ưa người Anh nhiều hơn là người Anh ghét người Pháp.

Lấy thí dụ idiom FRENCH LEAVE chẳng hạn. LEAVE là ra đi, rời bỏ, về, bỏ đi. FRENCH LEAVE là bỏ đi, về mà không báo, không nói, không chào ai cả. Đó là một hành động bị coi là bất lịch sự. Nhưng cũng có thể coi là một hành động không muốn làm phiền người khác.

LÃM THÚY

Thế người Pháp có bực về cái idiom này không?

BBT

Hình như là có. Thế nên trong tiếng Pháp, trò phú lỉnh, bỏ đi , lén ra về, người Pháp nói là FILER À L’ANGLAISE. Ông nói tôi thế nào, thì tôi nói lại ông như thế. Ông bảo tôi là len lén đi như mấy ông Tây, thì tôi nói là len lén đi như mấy ông Ăng Lê vậy. Có điều là người Ý cũng có một lối nói hệt như vậy nhắm vào người Anh: FILARSELA ALL’INGLESE.

QA

Tại sao tiếng Anh lại có thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE?

BBT

Thực ra, TO TAKE FRENCH LEAVE nguyên thủy có nghĩa là đào ngũ, bỏ đơn vị mà không có phép. Nó ra đời trong khi hai nước Pháp và Anh chiến tranh với nhau ở Bắc Mỹ. Quân Anh bắt được khoảng 140 binh sĩ Pháp gần hồ GEORGE ở New York. Các tù binh Pháp biết rõ địa thế vùng này hơn là lính Anh nên chờ đêm tối họ trốn trại, thoát ra ngoài. Thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE có từ đó.

LÃM THÚY

Anh nói là hễ cái gì xấu, người Anh đổ cho là của người Pháp. Ngoài thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE, còn các thành ngữ nào khác nữa không?

BBT

Khá nhiều, nhưng không thể nói ra trong một chương trình như thế này. Tôi chỉ kể thêm một thành ngữ nữa thôi. Đó là FRENCH POX. POX là bệnh giang mai. Nhưng tại sao lại phải thêm chữ FRENCH đằng trước thì tôi chịu thua. Cùng với thành ngữ này, những thành ngữ khác như FRENCH LETTER, FRENCH WAY, FRENCH TICKLER đều là những thành ngữ mang ý nghĩa tục tĩu. Người Anh đổ hếtcho nước Pháp.

QA

Thế còn có những thành ngữ nào tử tế về nước Pháp không thưa anh?

BBT

Có. Thí dụ FRENCH CUFF là tay áo sơ mi, cổ tay lật lên để đeo khuy manchette. FRENCH HEELS là giầy cao gót phụ nữ. FRENCH FRIES là món khoai chiên. FRENCH DRESSING, FRENCH TOAST... Nhưng TO SMELL LIKE A FRENCH WHORE thì lại là nước hoa thơm lừng như một cô gái giang hồ người Pháp. Nghĩa là nước hoa rẻ tiền, mùi nồng nặc. Nói vậy là để mô tả một người có cảm quan về nước hoa hơi rẻ tiền.

LÃM THÚY
Cạnh nước Pháp là nước Hà Lan, thế thì nước Anh có điều gì không ưa nước Hà Lan không thưa hầy?

BBT

Người Việt Nam chúng ta, khi đi ăn với bạn bè, vài người với nhau, một người đúng dậy trả tiền hết cho các bạn, chúng ta nói là ăn chơi kiểu Tây. Còn ai ăn trả tiền lấy cho mình thì chúng ta nói là ăn chơi kiểu Mỹ. Chúng ta nghĩ là người Pháp lịch sự, hào hoa. Người Mỹ thực tế, có chút bần tiện ở trong. Người Thái, người Argentine cũng nói giống như chúng ta: đi ăn tiệm kiểu Mỹ, ai ăn nấy trả.

Nhưng người Anh thì không nói như thế. Ăn uống ở tiệm mà người nào trả cho người ấy, tiếng Anh nói là TO GO DUTCH. Thí dụ LET’S GO DUTCH nghĩa là đi ăn, ai ăn người ấy trả. DUTCH TREAT hay DUTCH DATE là rủ đi ăn nhưng ai trả tiền người ấy.

QA

Có khi nào hai người đi ăn, là bạn trai, bạn gái, trả riêng không thưa anh?

BBT

Có chứ. Đọc ANN LANDERS hay DEAR ABBY cô sẽ thấy đàn bà Mỹ vẫn để cho đàn ông trả tiền khi hai người là bạn, đi chơi với nhau. Nhưng khi chia nhau cái BILL, mỗi người trả một nửa phần của mình thì đó là DUTCH DATE hay DUTCH TREAT.

LÃM THÚY

Có phải vì người Anh không ưa người Hà Lan không thưa anh?

BBT

Không phải. Đó là kiểu ăn chơi ngày xưa ở Hà Lan thật. Nhưng nước Anh có vài ba lần chiến tranh với Hà Lan nên ý nghĩa của nó trở thành xấu đi. TO GO DUTCH có nghĩa là bần tiện, bủn xỉn, keo kiệt, không hào phóng.

Thí dụ DUTCH UNCLE là một người khó tính, hay lên lớp, mắng mỏ người khác như khi nói: HE TALKS LIKE A DUTCH UNCLE nghĩa là nói như bố người ta không bằng.

Chữ DUTCH WIFE có vài ba nghĩa khá lý thú. DUTCH WIFE là cái gối ôm. Có lẽ muốn ám chỉ người đàn bà lạnh lùng. DUTCH WIFE còn có nghĩa là một cô gái điếm, một cái bình nước nóng để đem vào giường ngủ trong những đêm lạnh. Tiếng thường dùng là HOT WATER BOTTLE hay HOTTIE.

DUTCH COURAGE là liều lĩnh trong lúc say rượu chứ thực ra thì là người có tính chết nhát, kiểu như anh hùng rơm trong lối nói của chúng ta vậy.

QA

Bữa nọ QA thấy con trai QA nói IT LOOKS LIKE GREEK TO ME khi QA in một bài viết bằng tiếng Việt bằng máy computer của nó. Máy của cháu không in được tiếng Việt vì không có dấu. Tại sao lại nói như thế?

BBT

Câu IT LOOKS hay IT SOUNDS LIKE GREEK TO ME có nghĩa là nghe chẳng hiểu gì hết, đọc không biết là viết cái gì. Bản in của QA chạy từ máy in ra đọc không được vì không có dấu Việt ngữ, toàn những dấu cộng trừ thì nói là IT LOOKS LIKE GREEK TO ME. Cũng có khi người ta nói IT SOUNDS LIKE CHINESE TO ME, nghe như tiếng mấy ông Tầu nói chuyện với nhau, không hiểu gì hết.

LÃM THÚY

Thế còn tên nước Trung Hoa có bị đem ra bêu diếu như vậy không ?

BBT

Tên nước Trung Hoa có xuất hiện trong một số trường hợp, nhung bảo là bêu diếu thì không. Hơi hơi chê thì có. Thí dụ khi nói IT LOOKS LIKE IT WAS MADE IN CHINA nghĩa là món hàng đó phẩm chất không tốt như được làm ở bên Trung quốc. Bây giờ thì lại càng đúng sau những vụ sữa nhiễm độc, đồ chơi trẻ em có chất chì vân vân.

CHINESE ORANGE trước đây vài ba thế kỷ có nghĩa là quả táo. CHINESE GOOSEBERRY là quả KIWI. CHINESE RESTAURANT SYNDROME là hội chứng nhà hàng Tầu nghĩa là ăn thức ăn có nhiều bột ngọt MSG về bị ngứa và khát nước thì nói như thế.

QA

Còn có những chữ nào dùng những chữ chỉ quốc tịch ở trước nữa không anh?

BBT

Có chứ. CHINA không viết hoa là đồ sứ. TURKEY là con gà lôi, nhưng nếu viết hoa thì là tên của 1 quốc gia nằm giữa Âu châu và Á châu ...

LÃM THÚY

Nước Thổ Nhĩ Kỳ phải không anh? TURKISH BATH Thúy nhớ là phòng tắm SAUNA, phòng tắm hơi. Còn SIAMESE TWINS là gì?

QA

QA biết rồi, đó là trường hợp hai anh em hay chị em sinh đôi nhưng còn dính vào nhau, không tách hẳn ra phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Chữ này được chế ra để gọi hai anh em người Thái Lan gốc Hoa được đưa từ Thái sang Mỹ hồi thế kỷ 19 để xuất hiện tại các rạp xiếc . Hai người dính vào nhau ở phía sườn. Một ông là ENG một ông là CHANG . SIAMESE TWINS là anh em sinh đôi đồng bào dính vào nhau . Tiếng chuyên môn gọi là CONJOINED TWINS. Gọi là SIAMESE vì tên của của Thái Lan là SIAM, là Xiêm La.

LÃM THÚY

Nhân nói đến tên của các quốc gia, Thúy muốn hỏi những danh từ chỉ quốc tịch tại sao có khi có số nhiều, có khi chỉ viết số ít. Thí dụ như Vietnamese thì số nhiều và số ít viết như nhau, mà KOREAN thì số nhiều có chữ S là KOREANS.

BBT

Thúy nói đúng. Những danh từ chỉ tên người dân của các nước tận cùng là ESE thì không thay đổi khi ở số nhiều hay số ít. Thí dụ CHINESE, JAPANESE, CONGOLESE, MALTESE, PORTUGUESE...

Những danh từ chỉ quốc tịch ở cuối là ISH cũng thế, nhiều ít viết giống nhau. Thí dụ ENGLISH, POLISH, IRISH, SCOTISH, BRITISH, FLEMISH, SPANISH ...

Các tên tận cùng bằng AN thì số nhiều cứ thêm S vào là được. ITALIANS, MOROCCANS, ALGERIANS, HUNGARIANS, RUSSIANS, CUBANS...

QA

Có tên của người dân Phi Luật Tân làm QA bối rối hết sức. Anh nói về trường hợp này giúp QA đi.

BBT

Nước Phi Luật Tân tên tiếng Anh là THE PHILIPPINES hay REPUBLIC OF THE PHILIPINES.

Tiếng Phi là FILIPINO viết với chữ F ở đầu.

Người Phi là FILIPINOS, nói chung. Nhưng nếu là phụ nữ thì là FILIPINA. Số nhiều thì thêm S ở cuối.

LÃM THÚY

Thúy hay nghe người ta nói ME TOO. Nói vậy có đúng không?

BBT

Đó là lối nói thường nghe, hơi lười biếng một chút, để bầy tỏ nhữõng trường họp tương tự, đồng ý với nhau. Nhưng nếu nói cho đúng thì phải nói khác.

ME TOO là ME ALSO, là I DO TOO, là I AM TOO.

Thí dụ một người nói I AM VIETNAMESE, tôi cũng là người Việt, thì tôi nói I AM VIETNAMESE TOO. I AM ALSO VIETNAMESE. I TOO, AM VIETNAMESE. I ALSO AM VIETNAMESE.

Tuy nhiên, chúng ta hay nói là ME TOO. Đúng, nhưng chỉ dùng trong văn nói, SPOKEN ENGLISH.

QA

Đó là trong trường hợp QA đồng ý với câu nói nghe được trước đó.

Nhưng nếu đồng ý về một chuyện phủ định thì chắc phải khác phải khiông thưa anh? Thí dụ người ấy nói I DO NOT DRINK COFFEE thì QA không thể nói ME TOO có đúng không?

BBT

Đúng. Phải nói NO, NOT ME, I DON’T.

Hay nói đúng hơn, phải là NOR DO I. Nghĩa là tôi cũng không. Nếu động từ trong câu đó là thì hiện tại. Nếu động từ trong câu chính là PAST TENSE thì QA nói thế nào? Thí dụ tôi nói I DID NOT LIKE THAT MOVIE...

QA

NOR DID I phải không thưa anh?

BBT

Đúng như thế. Còn Thúy, nếu tôi dùng câu có động từ trong thì tương lai thì cô nói thế nào? I WON’T GO AWAY FOR THE HOLIDAYS.

LÃM THÚY

NOR WILL I.

BBT

Đúng. Chúng ta dùng động từ TO DO cho các động từ khác trừ động từ TO BE, CAN, WILL, SHALL, COULD, SHOULD vân vân. QA, I WAS NOT IN HUE DURING TET 1968, HOW ABOUT YOU?

QA

NOR WAS I, SIR. I COULD NOT SWIM AT ALL, HOW ABOUT THÚY?

LÃM THÚY

NOR COULD I.

BBT

I STUDIED ENGLISH IN HIGH SCHOOL, HOW ABOUT YOU, QA?

QA

SO DID I. I DID TOO MISTER BUI.

BBT

YOU NOW UNDERSTAND THE OTHER WAYS TO SAY ME TOO .

LÃM THÚY

SO DO I, AND SO DOES QUỲNH ANH ...

BBT

Các cô đều đã hiểu rõ mấy điểm chúng ta vừa đề cập. Còn gì các cô muốn chúng ta nói trong bài hôm nay nữa không?

QA

QA muốn nhờ anh chỉ cho một vài idioms với chữ HAND được không?

BBT

Nhà QA có hai cô con gái. Quần áo cô chị để lại cho cô em gọi là gì QA biết không?

QA

Có, đó là những thứ mà con gái Nhã Lan gọi là con-không-mặc-đâu-mua-cho-con-áo-mới.

BBT

Nhưng tiếng Anh thì là gì? QA biết không?

QA

QA nghe hai đứa con gái gọi những thứ ấy là HAND-ME-DOWN JEANS, SHIRTS phải không thưa thầy. QA mệt với mấy cô con gái hết sức. Nhất định I DON’T WANT THOSE HAND-ME-DOWN CLOTHINGS.

BBT

Nếu muốn nói đừng có đụng tay vào, đừng có thò tay vào, đừng có can thiệp vào thì nói thế nào Thúy?

LÃM THÚY

Hôm nọ, Nhã Lan đọc một bản tin có câu này: MISTER PUTIN TOLD MISTER OBAMA TO KEEP HIS HANDS OFF RUSIAN AFFAIRS. Có phải vậy không? TO KEEP THE HANDS OFF là không đụng vào, không can thiệp, không nhúng tay vào.

BBT

Đúng . Thế TO GIVE SOMEBODY A HAND là gì QA?

QA

QA nghĩ là giúp ai một tay phải không thưa anh? Thí dụ QA tối nay về nhà sẽ gọi con để nhờ chúng giúp mang mấy bao đồ ăn mua ở chợ về. QA nói thế này có đúng không: CAN YOU GIVE ME A HAND BRINGING THE GROCERY BAGS INSIDE?

BBT

Đúng. Thế còn TO GIVE SOMEBODY THE HAND là gì Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ câu ấy cũng là giúp ai một tay phải không QA?

QA

Khi ông thầy hỏi như vậy thì chắc không phải vậy đâu. QA nghĩ đó là nhận lời cầu hôn của ai phải không thưa thầy?

BBT

Đúng. TO ASK FOR SOMEBODY’S HAND là cầu hôn một người nào. Xin bàn tay, cho luôn bàn chân là đồng ý nhận lời cầu hôn.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.