Ngày 6 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Trong một thế giới càng ngày chế độ quân chủ càng hiếm hoi và có thể đi tới tình trạng tuyệt chủng như giống khủng long tiền sử, thì nền quân chủ của vương quốc Thái Lan có vẻ sẽ vẫn còn ở lại với người dân Thái trong nhiều năm nữa. Người ta không thấy bất cứ một sự đe dọa nào nhắm vào quốc vương Bhumibol Adulyadej, tức là vua Rama IX hiện nay. Tại sao vậy? Có phải vì hoàng gia Thái rất quan tâm đến người dân Thái không?
Chắc là phải như thế.
Hoàng gia Anh, hoàng gia Nhật tuy không bị đe dọa bao nhiêu, nhưng về khoản quan tâm đến đời sống người dân thì cả hai đều thua xa hoàng gia Thái. Cả hai hoàng gia Anh và Nhật đều rất xa cách người dân.
Hoàng gia Thái thì không, như một việc làm mới đây của chính phủ Thái đã cho thấy. Những quan tâm này không hề được ghi nhận tại bất cứ một quốc gia nào khác, dân chủ cũng như không dân chủ.
Theo tin từ Bangkok thì vào dịp lễ Valentine mấy năm trước, bộ Y Tế Thái đã đưa những toán vũ công được huấn luyện đặc biệt với những cái vú rất lớn đi tới khắp hang cùng ngõ hẻm ở Thái để chỉ dẫn cho các phụ nữ Thái làm thế nào gia tăng được vòng ngực của mình mà không cần phải dùng những chiếc nịt vú không vừa mà lại đắt tiền (*).
Bà Pennapa Subcharoen, phó tổng giám đốc phân bộ y học cổ truyền của bộ Y Tế Thái cho biết bộ đã huấn luyện một số huấn luyện viên để dậy phụ nữ Thái cách chăm sóc ngực của mình. Mỗi toán, theo bà Subcharoen, gồm 1 huấn luyện viên vú nhỏ và 1 huấn luyện viên vú lớn để dậy phụ nữ Thái những bài học làm sao tập cho ngực cứng và to ra.
Chính phủ đã đi đến quyết định ấy vì qua báo chí, truyền thông, phụ nữ Thái đã bị buộc phải xem những hình ảnh phụ nữ vú to khiến nhiều người cảm thấy mình thiếu hụt, khiếm khuyết nhiều thứ. Bộ Y Tế hy vọng bộ có thể giúp các phụ nữ tìm lại tự tin, lại gia tăng được kích thước và sử dụng những chiếc nịt vú vừa cỡ, thích hợp hơn vì các thứ nịt vú bán tại Thái không thích hợp với phụ nữ Thái...
Ðó. Chính những việc làm như thế mà chính phủ Thái được lòng người dân Thái.
Có nước nào làm được như Thái chưa?
Hoàng gia Anh, trong một chuyến đi Kenya, một nước thành viên của khối Thịnh Vượng Chung mấy chục năm trước, chỉ làm được có một việc duy nhất là tặng cho các phụ nữ ra phi trường đón nữ hoàng Elizabeth Ðệ Nhị và hoàng tế Philip mỗi người một chiếc nịt vú để toán đón tiếp, khoảng trên hai trăm phụ nữ, khỏi làm hai vị khách quí phát ngượng(?) vì những bộ ngực trần của phụ nữ Kenya.
Thế là hình ảnh nổi bật... áo em trắng quá, nhìn không ra (?) suốt buổi lễ tiếp đón hoàng gia Anh. Xong rồi thôi, sau đó, các phụ nữ Kenya lại cứ quốc phục thiên nhiên như cũ.
Vậy thì thua xa hoàng gia Thái.
Hoàng gia Thái biết cải thiện vấn đề để kết quả sẽ ở với phụ nữ Thái về lâu về dài trong tương lai chứ không chỉ đoản kỳ như ở Kenya.
Bằng cách dậy cho phụ nữ Thái những bài học quí giá đó, tài sản của xứ Thái gia tăng được giá trị, hấp dẫn du khách đến Thái Lan còn nhiều hơn nữa, thừa sức qua mặt các xứ khác bên cạnh.
Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân, Căm Bốt, Lào, Việt Nam thua hết. Các nước này không hề có hẳn một quốc sách để giúp các phụ nữ có được những cái vú to hơn, đẹp hơn, mặc những cái nịt vú vừa hơn, đúng kích thước hơn, không tạo ra những tai hại cho người đeo chúng... như Thái Lan.
Chưa có quốc sách này, xứ Thái đã được nhiều du khách đến thăm và tự điển Oxford mấy năm trước đã phải ghi nhận Bangkok là một ổ điếm vĩ đại, nay bộ Y Tế Thái có nguyên một chiến dịch cải thiện vú phụ nữ thì các nước trong ASEAN làm sao bắt kịp được Thái!
Thua là phải.
Sau phụ nữ, chắc chắn hoàng gia Thái sẽ quay sang quan tâm đến những người đàn ông Thái để giúp những người này. Lúc ấy, các quốc gia Ðông Nam Á tha hồ mà vất vả với xứ Thái. Ðàn bà Thái thì vú to. Ðàn ông Thái thì... chân to. Thua hết.
Ngày 7 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Giải vô địch nói xạo thế giới năm nay (72nd World Champion Liar Contest) do hội nói xạo Burlington ở Wisconsin -- the Burlington Liar Club -- đứng ra tổ chức đã được trao cho Sandi Weld, một phụ nữ sống ở Sorrento, tiểu bang Florida.
Giải thưởng thường niên có từ 72 năm nay đã về tay người phụ nữ nói rằng sau khi bà dọn tới vùng Iron Mountain tiểu bang Michigan, thì con cừu của bà mọc ra bộ len bằng thép nặng gần 5 kg vì nó ăn cỏ có chất thép ở trong. Ở vùng núi Sắt (Iron Mountain) thì cỏ phải có chất thép. Cừu ăn cỏ có chất thép thì phải mọc lông bằng thép. Kể như thế, nói xạo cũng đã có thể được coi là khá. Nói có đầu, có đuôi, đưa được chi tiết núi Sắt vào trước rồi mới kéo qua con cừu cho thêm nét khả tín. Ðược trao giải cũng xứng.
Nhưng khi đọc tiếp bản tin của Associated Press, thì độc giả thấy còn ba người khác được giải danh dự, và chính một trong ba người này mới lại là điều đáng nói.
Người thứ nhất, R.M. Eimermann, nói là anh của ông ta thông minh đến độ có thể giải ô chữ mà không cần đọc những lời dẫn (clues). Người thứ hai, Gene Lasch, nói với ban tổ chức cuộc thi rằng khi ông nói, thì vợ ông ngồi nghe. Người thứ ba, Wayne Everts, nói là cha ông có con ngựa khôn ngoan biết tự đóng móng cho nó.
Ðọc hết bản tin thì ai cũng phải thấy là giải được trao lầm người. Người xứng đáng được trao giải nói xạo nhất phải là ông Gene Lasch, người nói rằng khi ông nói, thì bà Lasch ngồi nghe chăm chú như các đại biểu ngồi nghe Stalin đọc diễn văn trước đại hội đảng vậy.
Không ngáp. Không cãi, không đặt vấn đề, không ngắt ngang, không thắc mắc, khiếu nại, không đòi nói phải quấy, không chọc quê, không bĩu môi, không nói móc, không xỏ xiên, không kê tủ đứng, không bẻ bai, không cay cú, không mỉa mai, không chặn họng, không nói kháy, không chặn đầu, không nạt nộ, không đòi lột mặt nạ, không cả... tay lấp miệng em, không cười khẩy...
Làm thế nào không có một trong những biện pháp vừa kể trên không được đưa ra. Có tới ít nhất bằng ấy cách mà tôi nhớ ra được để cho vợ ông, bà Lasch, ứng đối thì làm thế nào có thể có chuyện ông nói từ đầu đến cuối không bị ngắt, không bị gián đoạn, cho dù chỉ là một giây.
Tôi không tin có chuyện như thế ngoại trừ những trường hợp như ông Lasch bị hỏng dây thanh quản. Ông Lasch nói thầm trong đêm đen. Ông Lasch nói qua tiếng sóng biển. Ông Lasch đang trăng trối lần cuối. Ông Lasch đã dàn xếp đặc biệt để được nói thả giàn trong một ngày, ngày Father's Day chẳng hạn.
Hay nếu không thì cũng là trường hợp bà Lasch bị điếc. Hay bà bị câm. Hay bà vừa nghe ông trúng Powerball, hay lúc bà đang ngắm chiếc nhẫn kim cương ông vừa mua tặng bà kỷ niệm "ba mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ một bọn lai căng, một lũ bội tình "... và tạm tha cho ông, ngồi nghe ông nói trong lúc đầu không sao nghĩ ra được là bỏ quên con dao chặt dừa ở đâu, tìm hoài không thấy...
Ðể chuyện ông Lasch khoe thành tích hùng biện ở nhà bên cạnh chuyện con cừu mọc lông thép thì chuyện con cừu nhạt thếch.
Không đáng xách dép cho người đàn ông oai hùng chỉ phải mỗi tội hay nói xạo tên là Lasch. Ông Lasch mới chính là người xứng đáng được trao giải.
Ngày 8 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Tôi vẫn không thể tưởng tượng ra nổi là ở nước Mỹ lại có nhiều người cô đơn đến thế. Cô đơn đến độ phải mua những miếng giấy có in những cái môi son rồi tự bôi lên cổ áo, cố ý để cho người khác nghĩ rằng mình cũng có người tặng cho những vết son trên cổ áo, chưa phải là đồ bỏ, bị thế giới lãng quên, quanh năm suốt tháng cổ áo lúc nào cũng chỉ có cái... "ring around the collar " khiến mỗi lần giặt quần áo phải đổ nửa chai thuốc tẩy vào máy giặt cho sạch.
Làm như có vết son trên cổ áo là ghê lắm.
Tôi nhìn thấy sản phẩm mới này tối hôm qua khi ghé mua cái ca vát. Bên cạnh giá treo ca vát, là cái sản phẩm này, với hàng chữ: "... So that the world will know you are still very much desired!"
Người ta có thể mua về rồi đem miết miếng giấy đó lên cổ áo, lên ngực áo, lên lưng áo, in trên đó những vết son môi rất đậm nét, thì trị giá của người mặc cái áo có vết môi son ấy sẽ được tăng lên. Những vết son môi này càng tèm lem càng tốt. Và càng đậm càng làm cho thông điệp thêm phần ý nghĩa.
Khi có những vết son môi dính trên áo, chàng sẽ không còn trông như thứ ma chê, quỉ hờn, ế đến độ sắp... ẩm ra, mà là một con người vẫn còn tạo ra được những mơ ước thầm kín cũng như công khai của rất nhiều người.
Tưởng tượng các đồng nghiệp ở sở từ nay sẽ không còn dám khinh thường chàng như trước nữa. Cứ mỗi ngày một chiếc áo mới với vết son ở các vị trí khác nhau sau mỗi lần đi ăn trưa về là cả sở sẽ lo sợ, không khí trở thành xôn xao, bất ổn lên ngay.
Vinh dự biết là bao nhiêu! Các nam đồng nghiệp thì sẽ tới xin truyền dậy bí quyết, làm sao mặt mũi bặm trợn, nhan sắc không có, ăn nói vô duyên vậy mà cổ áo dính đầy son trông đáng ghét dễ sợ. Các nữ đồng nghiệp thì tìm mọi cách để chàng rủ đi ăn trưa một lần coi sức hấp dẫn của chàng như thế nào mà son môi dính đầy cổ áo mỗi ngày như thế...
Chàng cứ giả bộ như không biết, đến khi được chỉ cho thấy thì nhếch mép cười nhạt coi như đó là thế gian thường tình cho các anh chị điên lên vì ghen tức.
Ðó là ở sở làm, và đó cũng là trường hợp của những người đàn ông chỉ có đúng một cái bàn chải đánh răng trong buồng tắm.
Ở nơi những người có hơn một cái bàn chải đánh răng trong buồng tắm thì những miếng giấy có in sẵn môi son đó cũng không phải là không đem lại lợi ích cho người mua nó về dùng.
Nó có khả năng tạo chú ý lập tức khi bước chân vào cửa nhà lúc tan sở về. Không còn thái độ xem thường, coi Bụt chùa nhà không thiêng và gọi Phật ở ngôi chùa gần nhà bằng "anh" như vẫn làm nữa.
Mấy vết son trên cổ áo là những câu nói từ tốn, không cần hét lên, mà cũng không lên giọng mà phía bên kia vẫn hiểu rằng con giun xéo lắm cũng quằn đấy nhá... rằng (vết son) là lời kêu cứu (cho cuộc hôn nhân) đấy nghe chưa... đừng có lúc nào cũng hăm quăng ra đầu đường cho chó đớp nữa nhá... không phải chỉ ở tiệm phở mới có giá chín mà đây cũng vẫn còn giá lắm hiểu không...
Sản phẩm này được bán mỗi hộp có 6 miếng, đủ dùng cho một tuần. Mỗi miếng như vậy, giá chưa tới một đô la.
Chưa bao giờ tôi thấy một Mỹ kim làm được nhiều việc như thế.
Nhưng điều hay nhất của những vết son này là giặt sạch ngay, nên không cần phải xé luôn cái áo sơ mi có khi còn khá mới vứt vào thùng rác để về nhà được toàn thây như rất nhiều người đàn ông Mỹ phải làm.
Ngày 9 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Nước Mỹ rõ ràng là còn phải học rất nhiều của nước Úc. Thí dụ như cách giải quyết một vài khó khăn do nạn hạn hán gây ra chẳng hạn.
Mấy năm trước, nước Mỹ bị một trận hạn hán kinh khủng. Nước trở thành khan hiếm ở cả những tiểu bang ít khi có hạn hán. Các biện pháp hạn chế và tiết kiệm nước được đem ra áp dụng khắp nơi, từ miền đông sang đến miền tây nước Mỹ. Việc tưới cây bị hạn chế đã đành, xe cộ cũng không được rửa ở một số nơi, và các gia đình được khuyến cáo nên cắt bớt cả số lần giật nước trong bồn cầu. Nhưng người Mỹ vẫn lén tưới cây, rửa xe, giật nước... làm như địa cầu sẽ không bao giờ lâm vào cảnh thiếu nước như Hoả Tinh vậy. May mà sau đó, ông trời ngó lại(?), lại mưa thuận, gió hòa cho nước Mỹ tiếp tục giật nước, tưới cây, tắm chó, rửa xe...
Nước Úc đang bị hạn hán nặng vì ảnh hưởng của El Nino. Từ Sydney vòng xuống Melbourne nước nôi khan hiếm nặng. Các biện pháp tiết kiệm nước được lôi ra dùng cũng như những lần trước, nhưng lần này, bộ trưởng môi sinh của Victoria còn đưa ra một ý kiến rất mới mà nöớc Mỹ cũng nên cứu xét để có thể đem dùng nếu bị hạn hán trở lại.
Bà Sherryl Garbutt nói rằng mọi người nên tắm chung để tiết kiệm nước trong mùa hè năm nay.
Chuyện tắm chung có thể là chuyện thế gian thường tình trong những trường hợp có đôi, có cặp. Nhưng còn những người mà trong buồng tắm có độc nhất một cái bàn chải đánh răng thì sao? No problem! Bà Sherryl Garbutt đã nghĩ hộ những người này. Bà nói với tờ Herald-Sun ở Melbourne rằng ngay cả những người có một cái bàn chải đánh răng trong buồng tắm vẫn có thể kiếm một người bạn có chút cảm tình với mình để tắm chung, nguyên văn: "...even those not in a relationship could find a sympathetic friend to shower together..."
Bà khuyến khích dân chúng sống ở tiểu bang Victoria hãy tắm chung và cho biết ý kiến đó rất được những người làm việc trong văn phòng của bà ưa thích. Như vậy là luôn cả những người có độc nhất một cái bàn chải đánh răng cũng không còn lý do để tắm một mình nữa. Phải đi kiếm thêm một người khác mời tắm chung để giữ nước và dựng(?) nước đáp ứng lời kêu gọi của bộ trưởng môi sinh.
Thế là người ta có thể thoải mái mời những người khác tắm chung mà không sợ con ma sexual harassment đứng góc phòng nhẩy ra làm phiền nữa.
Tưởng tượng đi hết một vòng sở, trên lầu, dưới lầu rao lớn: "Ai tắm chung đây!... Khỏi mang theo xà bông... Kỳ lưng miễn phí... Free dao cạo... Free khăn lông... Free Q tip... Free skin lotion... Free cà phê... " là thế nào cũng có vài ba người ngỏn ngoẻn giơ tay xin cho tắm chung. Chỉ cần nheo mắt ngó qua, lựa... ứng viên nào không bẩn nhất thì ngoắc tay cho đi theo.
Vừa bớt phí phạm nước nôi, vừa giúp được giúp kỳ lưng thay vì phải kiếm cái thân cây ngoài vườn cạ lấy cạ để, lỡ có là bà Phán Cảnh thì việc lau cái cánh phản cũng có người giúp một tay. Hay biết là bao nhiêu. Nguyên vài ba chuyện đó cũng đủ làm cho những người còn một chút phân vân phải chạy bay về nhà, đến cửa buồng tắm đòi vào tiết kiệm nước.
Chao ôi, sao mà sống ở Úc hạnh phúc mà làm vậy!
Cái xứ đã có Nicole Kidman, lại còn có cả Olivia Newton John... nay còn có biện pháp tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sống tiến bộ như thế thì hơn đứt đuôi nước Mỹ hủ lậu này rồi còn chi.
Nhất định nước Úc sẽ thoát cơn hạn hán một cách dễ dàng, sạch sẽ, mát mẻ và... thơm phức!
Ngày 10 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Thái tử Charles của nước Anh là người đàn ông sướng nhất thế giới.
Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, cũng không sướng bằng. Trong phim The Last Emperor, cuốn phim về cuộc đời Phổ Nghi, ngay khi những năm nước Trung Hoa còn cực kỳ phong kiến, vua Phổ Nghi cũng không được chiều bằng người đàn ông Ăng Lê này.
Trong một cảnh lúc nhà vua còn bé, Phổ Nghi vẫn phải đi cầu một mình, tự ngồi xuống cái bô đỏ mặt tía tai mãi mới xong, chẳng có ai giúp đỡ cả. Xong việc, một ông thái giám có đưa cái bô lên xem xét và ngửi xem long thể có bình thường không, nhưng trước đó, Phổ Nghi phải làm lấy tất cả mọi chuyện.
Charles thì khác.
Theo Paul Burrell, hầu cận của công nương Diana, người có lúc cũng ở rất gần thái tử nước Anh thì Charles không phải nhấc ngón tay làm bất cứ một công việc gì. Vì thực ra, với 85 người hầu thì không cách nào còn việc cho chàng làm nữa.
Quần áo chàng thay mỗi ngày 5 bộ. Thay xong, cứ quăng dưới đất, có người đi nhặt lên. Vào buồng tắm đánh răng thì đã có người bóp thuốc đánh răng vào bàn chải. Sáng dậy có người đánh thức, bưng cho một ly trà, vặn nước tắm pha dầu Floris trước khi chàng bước vào. Ðôi giầy giá $2,800 phải được đánh bóng trước đó 1 tiếng đồng hồ. Ðến nhà ai chơi thì gia chủ được dặn trước là bánh mì săng uých phải được cắt đúng chiều dầy nào đó mới được. Và đi đâu thì có người mang theo cái bồn cầu riêng cùng mấy cuộn giấy Kleenex Velvet cho sướng cái đít của chàng.
Phổ Nghi, hoàng đế Mãn Thanh làm gì có được mấy thứ đó bao giờ!
Nhưng Paul Burrell còn kể cho báo chí nước Anh biết thêm một chi tiết khác nữa khiến ai nghe xong cũng phải nhận là Charles sướng nhất. Tổng thống Mỹ cũng thua.
Paul Burrell sau khi được miễn tố về vụ giữ trong nhà một số đồ vật của công nương Diana, đã tiết lộ rất nhiều điều kỳ lạ về Charles với báo chí. Tuy nhiên, chi tiết làm nhiều người điên lên vì ghen tức là ngay cả những lần vào bệnh viện khám sức khoẻ, Charles cũng được người giúp lấy nước tiểu để thử nghiệm, chẳng phải làm gì hết.
Michael Fawcett được chọn để giúp chàng vì cái tên đọc cũng không xa danh từ faucet mấy. Mà faucet trong tiếng Anh thì là cái vòi nước. Michael Fawcett được trao công việc cầm cái lọ. Charles chỉ phải làm công việc mở đóng cái vòi (?) cho nước chẩy ra hay ngừng lại.
Tưởng tượng Anh hoàng tương lai bước vào, đứng nguyên, không động tĩnh chi hết, mặt mày nghiêm và buồn. Hầu cận Michael Fawcett kéo cái fermeture kêu ken két xuống, giải thoát bộ phận chiến lược của thái tử. Michael Fawcett sau đó mới kê cái chai vào, yêu cầu thái tử mở (?) vòi nước. Thái tử bặm môi, nghiến răng... rạt rào vào cái chai. Xong việc, trả các thứ về nguyên quán, kéo fermeture lên. Thái tử bước ra, lại làm Anh hoàng tương lai tiếp.
Chao ôi... như thế mới oai chứ. Phổ Nghi thì ăn thua gì. Mao Trạch Ðông vẫn phải làm lấy, chỉ có tắm cạn là có phụ tá giúp. Ðặng Tiểu Bình cũng phải tự tiểu lấy... vào cái bình. Chỉ có Charles là được nâng (?) như nâng trứng(?)...
Tại sao cũng năm mươi mấy tuổi mà sao có người sướng như vậy hở Trời?
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 94)
CHRISTMAS IS HERE AGAIN
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 93 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Thưa anh, nhân sắp đến Giáng Sinh, QA muốn anh nói về một vài bài hát Giáng Sinh được nhiều người biết. Xin nói ngay rằng Lãm Thúy cũng như QA biết điệu của khá nhiều ca khúc Giáng Sinh nhưng nói là hiểu những lời ca của các bản nhạc Giáng Sinh này thì chắc là không bao nhiêu. Có những bài chỉ biết lời Việt nhưng lời tiếng Anh thì chịu thua.
LÃM THÚY
Có những bài Thúy đọc lời nhưng không hiểu hết vì có những chữ khó quá, lại ít khi thấy. Nếu hiểu được hết những lời ca của những ca khúc này Thúy chắc sẽ thấy hay hơn nhiều.
BBT
Cả hai cô nói đều đúng. Một số các ca khúc này đã có từ rất lâu. Ngôn ngữ trong thơ vốn đã khác tiếng Anh chúng ta nói hàng ngày. Những lời ca hay thơ viết bằng tiếng Anh cổ thì rất khó hiểu. Còn những bài viết bằng tiếng Anh của Tô Cách Lan thì lại càng khó hiểu hơn nữa. Thí dụ bài AULD LANG SYNE của Robert Burns chẳng hạn. Robert Burns là một nhà thơ Tô Cách Lan. Bài AULD LANG SYNE là bài tôi chỉ biết hát theo bằng lời tiếng Việt trong đó, ông Zorro, chẳng hiểu vì sao lại đánh đu với con ma, rồi lại với con thằn lằn cụt đuôi… Nhớ hồi đi học, tại mấy cái party cuối năm, bao giờ tôi cũng hát to nhất bài hát này với lời Việt có ông Rô Be và Tarzan nhẩy dù, và được tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng bảo hát bài AULD LANG SYNE bằng tiếng Anh thì chịu.
LÃM THÚY
Thúy nhớ mấy đứa con hồi còn nhỏ, chúng hay hát bài SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN. Thúy nghe lõm bõm có vẻ như toàn là những câu hăm dọa mà anh em chúng nó nói với nhau. Bài ấy lời như thế nào thưa anh?
BBT
Bài này mà không biết thì không thể là người đã ở Mỹ. SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN đúng như Thúy nói, bài hát có mấy câu nghe đầy vẻ hăm dọa thật. Đại khái ông già Noel sắp tới rồi, khôn hồn thì phải ngoan, đừng có khóc nhè, đùng có hư đốn.. không ngoan là không có quà cáp gì hết.
Toàn bài cũng dễ hiểu, có chữ POUT là phụng phịu, mếu máo, khóc nhè trong câu thứ 3 của bài hát là chữ mới mà thôi.
QA
Nhưng YOU BETTER là gì , QA quên mất rồi.
BBT
Thực ra phải nói là YOU HAD BETTER mới đúng. HAD BETTER là một động từ kỳ lạ. Nó chỉ có một hình thức như thế mà thôi. Không tương lai, hiện tại gì hết. Bao giờ cũng HAD BETTER. Động từ này nghĩa là NÊN, nhẹ hơn MUST một chút. MUST là PHẢI. Nhưng nó mạnh hơn SHOULD. SHOULD là NÊN. HAD BETTER là NÊN THÌ HƠN vì nó có chữ BETTER ở trong.
YOU (HAD) BETTER WATCH OUT, NOT CRY, NOT POUT. Như hai cô thấy đó, HAD BETTER NOT là KHÔNG NÊN THÌ HƠN. Thêm NOT vào sau để thành HAD BETTER NOT là KHÔNG NÊN THÌ HƠN.
LÃM THÚY
À, thì ra anh em dọa nhau, coi chừng, không được khóc, không được nhè … I AM TELLING YOU NOW … SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN.
BBT
HE IS MAKING A LIST
HE IS CHECKING IT TWICE
HE IS GONNA FIND OUT
WHO IS NAUGHTY OR NICE… Ông già Noel sắp tới rồi. Ông biết hết mọi người khi thức, khi ngủ, khi ngoan , khi hư nên khôn hồn thì ngoan ngoãn vì ông già Noel sắp tới rồi…
QA
Thưa anh, FOR GOODNESS SAKE là gì?
BBT
Là cách nói để nhấn mạnh vào điều chúng ta nói. Thí dụ FOR GOODNESS SAKE, PLEASE OPEN THE DOOR/ SHUT UP/ STOP SMOKING/GIVE ME THE PHONE…
QA
QA muốn nghe anh nói về bài JINGLE BELLS. QA biết lời Việt của bài này nhưng tiếng Anh thì chỉ hát theo được có một câu đầu mà thôi…
LÃM THÚY
SAME HERE.
BBT
Bài JINGLE BELLS thực ra không được viết cho Giáng Sinh, mà cho Thanksgiving. Nhưng về sau, cảnh trí trong lời ca của bản nhạc vẽ ra thì lại rất giống cảnh Giáng Sinh ở đông bắc Hoa kỳ , có tuyết, có xe trượt tuyết nên bài ca này trở thành ca khúc của Giáng Sinh. Bài hát có nhịp điệu rất vui tươi…
DASHING là do động từ TO DASH nghĩa là chạy rất nhanh, di chuyển rất nhanh. DASHING THROUGH THE SNOW. IN A ONE HORSE OPEN SLEIGH. SLEIGH là cái xe không có bánh mà có gắn những tấm ván để lướt trên tuyết. OPEN là mở mui. ONE HORSE là một ngựa. ONE HORSE OPEN SLEIGH là một chiếc xe một ngựa kéo, không có mui. Đố cô Thúy bốn mắt là gì?
LÃM THÚY
FOUR EYE DOG.
Đúng. Có khi người ta thêm chữ "D" ở cuối để thành FOUR EYED DOG. ONE HORSED SLEIGH. Một cuốn phim của Marlon Brando có tựa đề là ONE EYED JACK. Cô QA đã gặp tên cướp này bao giờ chưa: ONE ARMED BANDIT…
QA
QA gặp rồi, nhưng nó không cướp được của QA một đồng quarter nào hết. Nó là cái máy kéo trong các sòng bài phải không anh?
BBT
Đúng thế. O’ER là OVER. Cách viết tắt này chỉ dùng trong thơ hay lời nhạc mà thôi. O’ER THE FIELDS WE GO là chúng ta cùng đi trên xe qua những cánh đồng. LAUGHING ALL THE WAY. ALL THE WAY là đi suốt, không ngừng nghỉ. ALL THE WAY cũng là hết lòng, không dè dặt , lưỡng lự, phân vân gì hết. HE HELPED US ALL THE WAY. WE SUPPORT YOU ALL THE WAY. BELLS ON BOB TAILS RING là những cái chuông cột ở cái đuôi ngắn của con ngựa rung lên. Đây là những cái chuông nhỏ, không phải là chuông nhà thờ.
LÃM THÚY
Vậy mà nghe lời tiếng Việt, Thúy lại nghĩ là chuông nhà thờ…
BBT
Đúng rồi … chuông vang vang, chuông giáo đường ấm cúng … Nhưng chi tiết đó không quan trọng. Dịch sang tiếng Việt nghe … hay là đủ rồi. Câu sau là MAKING SPIRIT BRIGHT là làm cho tinh thần tươi sáng lên. WHAT FUN IT IS TO LAUGH AND SING A SLEIGHING SONG TONIGHT.
QA
WHAT FUN IT IS hình như không phải là câu hỏi phải không thầy?
BBT
Đúng rồi. WHAT hay HOW trong trường hợp như lời bài hát thì lại là những câu tán thán: EXCLAMATORY SENTENCES, cuối không có dấu hỏi (QUESTION MARK) mà phải có EXCLAMATORY MARK, tức là dấu than.
WHAT A BEAUTIFUL DAY! HOW NICE YOU ARE! Thúy và QA cho nghe mấy câu tán thán coi.
LÃM THÚY
HOW COLD IT WAS YESTERDAY MORNING! WHAT AN EXPENSIVE CAR SHE HAS!
QA
WHAT A FASHIONABLE DRESS IT IS!
HOW DIFFICULT THE TEST IS!
BBT
Cám ơn hai cô. JINGLE là rung chuông. Gióng chuông là RING, RANG , RUNG…
LÃM THÚY
Thúy rất thích bài SILVER BELLS. Bài này thì dễ hiểu, chỉ dài mà thôi.
QA
QA cũng thích bài này lắm, nghe âm thanh của giàn chuông bạc ở ngôi nhà thờ gần nhà, bao giờ QA cũng tưởng tượng thấy cảnh phố xá New York hiện ra từng góc phố … CITY SIDEWALKS, BUSY SIDEWALKS… DRESSED IN HOLIDAY STYLE… Nghe trong không khí IN THE AIR có một cảm tưởng của Giáng Sinh THERE IS A FEELING OF CHRISTMAS… Trẻ em cười rộ CHILDREN LAUGHING, PEOPLE PASSING người qua lại, MEETING SMILE AFTER SMILE cười với nhau và mỗi góc phố AND ON EVERY STREET CORNER YOU’LL HEAR chúng ta lại nghe thấy tiếng chuông, Giáng Sinh đã đến trong thành phố … RING-A-LING, HEAR THEM SING SOON IT WILL BE CHRISTMAS DAY, nghe tiếng hát, chỉ vài ngày nữa là Giáng Sinh…
LÃM THÚY
Một người anh họ xa của Thúy nói là mỗi lần nghe bài WHITE CHRISTMAS bao giờ cũng làm ông buồn. Thầy biết tại sao không?
BBT
Bài ca này được đài phát thanh FM của quân đội Mỹ phát ở Sài Gòn hôm 29 tháng 4 năm 1975 để làm hiệu cho những người Mỹ tới điểm hẹn để được trực thăng bốc đi. Có thể bài hát này dính liền với ngày Sài Gòn đổi chủ nên ông buồn chăng.
QA
Chắc đúng vì ba QA cũng nhắc chi tiết mà anh vừa nói. Bài này QA rất thích nghe với giọng của Elvis Presley . Nhưng đây cũng lại là bài hát mà QA không nghe được hết lời ca.
BBT
Đây là ca khúc nổi tiếng nhất trong số những bài hát Giáng Sinh. WHITE CHRISTMAS là sáng tác của IRVING BERLIN viết năm 1942 cho một cuốn phim của Bing Crosby. Lời bài hát như tâm tình của những người lính Mỹ xa nhà trong những năm đệ nhị thế chiến, nhớ về gia đình trong ngôi nhà tuyết phủ trắng của ngày Giáng Sinh…
Bài hát lời giản dị : I’M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS… Cô Thúy dịch thử sang tiếng Việt coi…
LÃM THÚY
Tôi đang mơ một Giáng Sinh tuyết phủ.
BBT
JUST LIKE THE ONES I USED TO KNOW
LÃM THÚY
Hệt như những Giáng Sinh tôi đã sống qua.
BBT
WHERE THE TREETOPS GLISTEN… QA dịch coi.
QA
Nơi những ngọn cây sáng lên lóng lánh AND THE CHILDREN LISTEN và trẻ em lắng nghe tiếng chuông của xe lướt tuyết chạy trên đường phủ tuyết.
BBT
Đại khái đoạn sau thì là cảnh những người lính ngồi viết những tấm thiệp Giáng Sinh gửi về cho gia đình… I’M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS WITH EVERY CHRISTMAS CARD I WRITE.
MAY YOUR DAYS BE MERRY AND BRIGHT AND MAY ALL YOUR CHRISTMAS BE WHITE… Vui chơi nhưng không quên văn phạm. Hai câu vừa nhắc ở trên tại sao lại MAY đứng ở đầu câu? MAY có phải xin phép không Thúy?
LÃM THÚY
Hai câu ở trong một lối nói bầy tỏ hy vọng, mong muốn như khi chúng ta nói lên những câu chúc phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Đây là SUBJUNCTIVE MOOD. Tiếng Việt gọi là bàng thái cách. Subjunctive Mood được dùng khi điều chúng ta nói ra chưa phải là sự thực, mà chỉ mới là điều chúng ta mơ ước, mong cho nó xẩy ra mà thôi. MAY YOUR DAYS BE MERRY là mong sao, cầu cho những ngày tới sẽ là những ngày vui vẻ, hạnh phúc.
QA
QA nhớ ở nhà thờ QA được nghe câu này nhiều lắm: MAY GOD BLESS YOU… Bây giờ QA hiểu nó là bàng thái cách… nghe ghê quá.
LÃM THÚY
Thúy không đi nhà thờ nhưng rất thích bài SILENT NIGHT nên Thúy cũng muốn nghe anh đọc cho nguyên văn lời của bài hát này. Và nếu chú thích cho thì tốt quá.
BBT
Bài hát này xuất xứ ở nước Áo, từ bài thơ của một linh mục tên là Joseph Mohr. Trong đêm Giáng Sinh năm 1818, chiếc phong cầm của nhà thờ St. Ncholas ở làng OBERNDORF bị hỏng. Ông đưa bài thơ vùa viết cho một người bạn là Franz Xavier Gruber để nhờ phổ thành nhạc. Nhưng vì chiếc phong cầm bị hỏng, nên bài thơ được phổ thành nhạc trong óc của nhạc sĩ Franz Xavier Gruber. Bài ca mới viết sau đó được tấu lên bằng ghi ta ngay trong đêm Giáng Sinh.
SILENT NIGHT, HOLY NIGHT… HOLY là thiêng liêng, là linh hiển, là thánh thần. Chi có một chữ ‘L’. Có hai chữ ‘L’ là thành cái lá thuộc bài, HOLLY, là HOLLYWOOD… ALL IS CALM, ALL IS BRIGHT mọi thứ đều yên ắng, mọi vật đều sáng lên rực rỡ.
ROUND YON… YON là viết tắt của YONDER nghĩa là ở nơi đó, chỗ đó. ROUND YON VIRGIN MOTHER là chung quanh Mẹ Đồng Trinh và Chúa hài đồng … HOLY INFANT … SO TENDER AND MILD là yêu kiều dịu dàng, SLEEP IN HEAVENLY PEACE là ngủ trong bình an của thiên đường… Xuống mấy câu dưới là SHEPHERDS QUAKE AT THE SIGHT, những người chăn chiên nhìn thấy cảnh ấy đều rung mình vì xúc động. TO QUAKE là rung động, rung chuyển… EARTH QUAKE là động đất. GLORIES STREAM FROM HEAVEN AFAR, ánh vinh quang tỏa xuống từ trên trời cao … HEAVENLY HOSTS SING ALLELUIA là thiên thần hát Alleluia mừng Chúa Cứu Rỗi ra đời… CHRIST , THE SAVIOR IS BORN …
LÃM THÚY
Cám ơn ông thầy. Nhờ bài học này, Thúy nghe những bài hát Giáng Sinh hay nhất đã hiểu thêm được nhiều.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 94 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.