December 2, 2010

December 3, 2010

Ngày 29 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Bạn có thể tin hay không tin những kết quả của các cuộc thăm dò, nhưng có thể không cùng những lý do (tin hay không tin) của các chính trị gia, đó là chỉ tin khi những cuộc thăm dò có lợi cho họ tại phòng phiếụ.

Thăm dò bao giờ cũng đưa ra kết quả là những con số thống kê. Mà thống kê, statistics, như nhiều người vẫn nói, chỉ là một trong những điều không đáng tin trên đời này, đó là lies, more lies and statistics, nói dối, lại nói dối, và thống kê.

Tối hôm qua, trong chương trình của Jay Leno, khán giả được nghe Jay nói về kết quả của một cuộc thăm dò mới liên quan đến phụ nữ. Jay Leno không cho biết cuộc thăm dò này do tổ chức nào thực hiện và phương pháp thăm dò được dùng là phương pháp gì, đáng tin cậy đến mức độ nào. Nhưng theo kết quả cuộc thăm dò này, thì 13% phụ nữ khi nói câu "Em yêu anh" với người đàn ông, họ chỉ nhắm đi tới một liên hệ tình dục với người đàn ông ấy, trong khi 87% còn lại, khi họ nói câu "Em yêu anh" thì đó chỉ là để trừ khử, tống khứ những người đàn ông ấy đi mà thôi.

Kết quả cuộc thăm dò này đã làm nhiều người đàn ông Mỹ mất ngủ mấy đêm vừa qua.

Thế ra từ bao nhiêu năm nay, những người đàn ông (Mỹ) tội nghiệp này vẫn bị lừa vì những lời âu yếm đó. Những câu nói như thế chỉ là cốt để đem lại niềm vui cho những người thốt ra câu nói đó mà thôi.

Và những người đàn ông (Mỹ) khi nghe vậy thì liền sẵn sàng lội suối, leo đồi, vượt núi, băng rừng, giết khủng long, quyết đấu bằng gươm với những người đàn ông khác... vì các nàng.Trong khi các nàng thì chỉ cần có một... cái.

Tội nghiệp biết là bao nhiêu!

Nhưng thảm hơn, là theo thống kê, 87% những phụ nữ còn lại, khi nói ba tiếng "Em yêu anh", I love you trong tiếng Anh, chỉ là để yêu cầu các chàng đi chỗ khác chơi cho các nàng rảnh nợ.

Ðã có bao nhiêu người đàn ông không hiểu thực tâm, toan tính đích thực của những người nói câu đó?

Nghe xong, các chàng tiếp tục ở lì lại với các nàng mới khổ. Trong khi đáng lẽ phải lồm cồm bò dậy chạy bay ra cửa đón xe về nhà với má mới đúng ý của các nàng. Và cũng bởi không biết ý các nàng, nên Nick Casanova mới phải bỏ nguyên một chương trong cuốn The Machiavellian's Guide To Womanizing chỉ cách cho các Don Juan làm sao để các nàng rời khỏi nhà của các chàng (Getting Her Out of Your Apartment, trang 88). Cuốn sách dành nguyên một chương để dậy người đọc những câu nói dối vô duyên đại khái "Anh phải đi đón con pitbull ở phòng mạch thú y, em đi cùng không... Bọn Mafia đang định giết anh, anh phải đóng cửa lại... Anh nói thực với em: anh nửa nọ nửa kia em ạ...Chết rồi... vợ (bạn gái) của anh sắp về đến rồi... Anh vừa được thả từ bệnh viện tâm thần sáng nay..." Hay ngồi dậy nặn trứng cá, xỉa răng, móc lỗ mũi, ngoáy tai lôi ra ngửi vân vân.

Nhưng rồi nhiều khi làm đầy đủ những chuyện vừa kể, các nàng lại cảm động cứ ở lại thì làm sao?

Tại sao không biết chờ nàng nói câu "Em yêu anh" I love you so much I see my mommy!(*), xong, nàng đứng dậy ra về như 87% phụ nữ trong cuộc thăm dò có dễ dàng hơn không nào?

Nhưng có tin được cuộc thăm dò này không?

Cái khó vẫn là làm thế nào biết được câu đó là của 13% hay 87%. Vì của phía nào thì cũng khốn khổ cả.

(*) Câu này vẫn chưa có cách nào dịch sang Việt ngữ.


Ngày 30 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Ðọc tờ Los Angeles Times số chủ nhật tôi mới thấy được sự may mắn của mình. Tờ báo này dành nguyên một bài editorial để nói về nagging, một thói quen của người Mỹ mà có thể người Việt chúng ta không có, không làm bao giờ.

Tôi nghĩ chúng ta không có thói quen đó là vì trong tiếng Việt không có một chữ nào tương đương với danh từ nagging này.

Tự điển của Nguyễn Ðình Hòa dịch nagging là mè nheo, là nói mãi làm khó chịu. Tự điển Nguyễn Văn Tạo dịch là cằn nhằn, kiếm chuyện cãi cọ, giằn vặt.

Như thế, các nhà làm tự điển phải dùng bao nhiêu chữ mới diễn được gần đúng nghĩa của chữ nagging trong Anh ngữ.

Như vậy, người Việt không nag nhau bao giờ. Và vì không nag nhau nên mới không có chữ để gọi việc làm đó. Trong khi tiếng Anh thì có, chỉ cần có một chữ thôi, một chữ nag là đủ để nói hết về cái thói quen đó của họ.

Cả hai nhà làm tự điển Anh Việt đề cập đến ở trên nay không còn nữa nhưng tôi biết hai ông đều là những người hạnh phúc, cả đời không bị các bà nag bao giờ nên những định nghĩa của các ông về nag đều thiếu sót, chưa diễn được đầy đủ ý nghĩa của chữ nag trong Anh ngữ.

Bài editorial của tờ Los Angeles Times mở đầu nguyên văn như thế này: "Did you see that new study on nagging? Did you? Huh? Huh? Did you see it? Did you read it? Did you really read it? If you didn't read the nagging study, you should, you know. You will, won't you?"

Như vậy là nag. Những câu hỏi cứ xoáy vào một chuyện nhiều khi mức độ quan trọng của chuyện đó không có là bao nhiêu, một bên thì muốn tạm quên đi, một bên thì tiếp tục kéo nó ra, nhất định biến thành chuyện lớn, và tiếp tục nhay, cắn mãi không thôi.

Thí dụ buổi sáng, cái ô vẫn còn nằm trong góc nhà. Chưa ai cầm lấy nó đi ra cửa. Chưa ai cầm mang ra cửa thì không thể có chuyện mang nó đi làm. Chưa mang nó ra sở thì chưa thể có chuyện để quên nó ở sở, làm mất nó. Chưa mất nó thì chưa thể có chuyện phải mua cái ô khác. Chưa mua cái ô khác thì chưa thể có chuyện phí tiền, gây thâm hụt cho ngân sách gia đình. Chưa thâm hụt ngân sách gia đình thì không thể đưa đến chuyện thiếu tiền không mua được cái nhẫn hột soàn chẳng hạn...

Nhưng người đàn ông đang cạo râu trong buồng tắm sửa soạn đi làm, chưa kịp lau sạch những chỗ xà phòng cạo râu dính trên mặt là có thể được nghe câu này: "Ông đừng có để quên cái ô ở sở nhá... mang đi thì nhớ mang về... chứ rồi lại bỏ lại ở sở, có đứa tham nó lấy mất thì không có cái mà dùng... cái ô tốt thế mà làm mất thì uổng, lúc cần lại phải mua... tiền ở đâu mà lắm thế... Cứ thế thì bảo làm sao không hết tiền cho được. Mua cái gì dùng vào người thì mấy cũng không tiếc, cứ làm mất của thì tiếc đổ máu mắt ra... Vậy mà hôm nọ tôi muốn mua cái nhẫn thì gạt phắt đi... Có của thì lại không biết giữ... Rõ chán!"

Cả đoạn trên có thể nhắc đi nhác lại ngày này qua ngày khác, mỗi sáng, mỗi tối... Ðó là nag. Mè nheo, cằn nhằn, giằn vặt chưa thể dễ sợ bằng nag. Nag làm cho người nghe hết sức khổ tâm. Mỗi câu là một cái đinh tổ bố đóng vào lương tâm của người nghe. Chưa đỡ, chưa gạt được cái đinh này thì đã một cái khác phóng tới. Những vòng tròn trên mặt hồ cứ xô đến bờ lại dội trở lại hoài hoài, mãi mãi không thôi. Những tiếng vọng đập vào vách núi lại vang trở lại, xoáy vào tai người nghe tưởng như không bao giờ dứt.

Nag tạo ra những chấn thương tâm lý khủng khiếp, có thể làm cho người nghe phát điên lên được. Nhưng rất may, người Việt không nag bao giờ cho nên trong ngôn ngữ của chúng ta không có từ ngữ nào để chỉ việc làm đó.

Chúng ta hạnh phúc biết là chừng nào mà không biết. Nag thì không bao giờ bị, chỉ thỉnh thoảng được cẩn thận nhắc khéo về một số chuyện mà người nhắc sợ chúng ta vì tuổi già đang xộc tới, sơ ý, quên đi đấy thôi.

Thí dụ nửa đêm nhắc đậu lại cái xe trong gara cho ngay ngắn, treo cái màn cửa lên, cắt cỏ ngoài sân sau, mang thùng rác ra trước cửa, tỉa bụi hồng bên cửa sổ, thay nhớt máy cái xe, sửa cái ống nước trong nhà tắm vân vân chứ có nag.. niếc gì đâu.

Chuyện mất ô chưa hề xẩy ra cho ai ngoài ông Tú Xương vậy mà những người đàn ông khác vẫn bị nhắc về chuyện cái ô... chưa mất mới khổ đời chứ.


Ngày 1 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Cậu Phước, đứa nhỏ mười một tuổi trong Số Ðỏ của Vũ Trọng Phụng, là con cầu tự của bà Phó Ðoan.

Ðọc (lén) Vũ Trọng Phụng từ những năm còn rất bé, đầu óc của tôi không tưởng tượng ra được nhân vật này ra sao, mãi đến khi xem cuốn phim Số Ðỏ làm ở Hà Nội, nhờ đạo diễn tìm được một đứa bé đóng vai cậu Phước, tôi mới thấy đứa con cầu tự của bà Phó Ðoan dễ sợ như thế nào.

Tôi chưa bao giờ thấy một đứa bé nào ở ngoài đời khủng khiếp như cậu nhỏ này. Nó xấu xa, thô tục và dễ ghét đến nỗi tôi nghĩ chắc nhân vật cậu Phước trong truyện mà Vũ Trọng Phụng có trong đầu của ông khi ông ngồi viết cuốn Số Ðỏ cũng chỉ kinh khủng đến như thế là cùng. Về tuổi tác, khuôn mặt của nó vẫn còn là một đứa bé, nhưng nét tục tĩu, đáng ghét mà Vũ Trọng Phụng cực tả trong truyện của ông thì không thể tìm thấy được ở bất cứ đâu khác.

Mười một tuổi mà vẫn cứ cởi truồng nồng nỗng (chữ của Vũ Ngọc Phan/ Nhà Văn Hiện Ðại trang 584) đòi mấy chị người giúp việc làm ngựa cho "cậu nhong nhong cơ!"

Con cầu tự vậy thì cầu làm gì cho khổ?

Nhưng hôm nay, tình cờ đọc được trong Việt Nam Tự Ðiển của hai ông Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ một thành ngữ khiến tôi thấy có thể không phải lúc nào con cầu tự cũng là đứa con xứng đáng, đáp ứng lại đúng với lời cầu xin của cha mẹ.

Con cầu tự là con của những cặp vợ chồng hiếm muộn sinh ra sau khi cầu xin ở những chùa chiền, những đền miếu, như sự tin tưởng của nhiều người. Và biết đâu những cặp vợ chồng này không biết cách cầu xin, khấn vái cho đúng cách, nên đứa con sinh ra không tốt đẹp như niềm mơ ước của họ.

Hay cũng có thể, vì khiêm tốn, không dám xin tối đa để được thánh thần cho sinh quí tử, nên hai vợ chồng phải rước về một thứ nghịch tử như cậu Phước trong Số Ðỏ? Các vị thần nhiều khi cũng oái oăm tinh nghịch, như ông Cuội ở đầu làng Ngang mà Nguyễn Khuyến có nhắc: đàn bà qua đền ông Cuội vén quần lên để lộ "cái gì trắng trắng như con cúi", ông Cuội thích quá, bèn cho dân làng đẻ ra toàn Cuội con, nói dối... như Cuội.

Không biết bà Phó Ðoan khi đến chùa, miếu cầu xin, đã cầu như thế nào mà thánh thần chơi ác bà như thế. Tôi nghi có thể bà đã cầu bằng một câu mà hai nhà làm tự điển họ Lê đã ghi ở cuối trang 1375 trong bộ tự điển của hai ông.

Câu đó như thế này, nguyên văn:"Nhờ ông bà té cứt té đái cho tôi được đứa con trai."

Các ông Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ ghi rằng đó là "tiếng vái van, cầu khẩn cho được lợi".

Thú thật với bạn, tôi chưa nghe câu "vái van, cầu khẩn" đó bao giờ. Nhưng chắc là phải có. Hai nhà làm tự điển họ Lê không làm tự điển theo những nguyên tắc chọn chữ và sắp xếp của các nhà làm tự điển mà chúng ta đã quen. Hai ông chỉ làm công việc sưu tầm và ghi chép tất cả những chữ và tiếng tìm được.

Chỉ tiếc hai ông không cho biết thêm câu "vái van, cầu khẩn" đó được dâng lên trong thứ đền như thế nào, thờ thần gì, ở địa phương nào.

Câu "vái van, cầu khẩn" đó rõ ràng là những lời cầu xin hết sức tội nghiệp. Tình cảnh hiếm muộn tuyệt vọng đã đẩy họ tới một thái độ sẵn sàng chấp nhận bất cứ gì được thần thánh ban cho họ. Họ không cầu để được sinh quí tử, thông minh, giỏi giang, bút nghiên, văn học. Họ chỉ xin một đứa con trai, lại cẩn thận không đòi thần thánh phải mất công cố nặn ra được một đứa tử tế, cho cái gì cũng được, với mức độ cố gắng tối thiểu từ phiá các vị thần. Cứ "té cứt, té đái" ra là được rồi.

Thế là mấy ông thần chơi ác, cầu gì cho nấy.

Và cậu Phước về với bà Phó Ðoan là như vậy. Chắc phải vậy.


Ngày 2 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Theo một cuộc nghiên cứu của một đại học(*), trung bình mỗi ngày, một người đàn ông, từ sáng đến tối, nói khoảng 2000 chữ. Trong khi đó, một phụ nữ trung bình, cũng chỉ từ sáng đến tối, nói chừng 5000 chữ.

Như vậy là có những chênh lệch thấy rõ trong số lượng tín hiệu của hai đài phát thanh.

Vài chục ngàn năm trước, khi người đàn ông bình thường và khỏe mạnh buổi tối trở về hang đá sau một ngày rượt theo, bắt hụt mấy con nai, cầm cái chầy vồ quăng vào góc, ngồi xuống bên ngọn lửa cháy bập bùng nổ lách tách, mắt ngó đăm đăm vào đống than hồng, thỉnh thoảng gãi sồn sột, gục gặc vài tiếng trong khi má sấp nhỏ ngồi khâu mấy miếng da thú bên cạnh nói huyên thuyên về con mụ ở hang bên cạnh mới có khúc xương của chồng tặng để đeo vào mũi cho tăng nhan sắc thì người đàn ông tiền sử, không nói năng chi hết. Nhưng ông cũng không hề tỉnh bơ người đàn bà như nàng có thể nghĩ. Người đàn ông đó chỉ mắc cái tội ít nói mà thôi. Lúc đó, số chữ mà ông ta nói ra không phải là 2000, có thể chỉ là 200 vì ngôn ngữ loài người chưa phát triển để có nhiều chữ cho chàng nói. Tán nàng, nhiều lắm chỉ đại khái mấy câu như: "Mày coi ngon như miếng thịt bò rừng bê bết máu", là cùng. Nhưng nàng hoàn toàn vui vẻ với bằng ấy chữ ít oi của chàng.

Nhưng bây giờ, về đến nhà, sau khi quăng cái ca vát lên ghế, gieo mình xuống chiếc ghế Lazyboy, tay cầm cái hộp viễn khiển truyền hình bấm hết đài Fox, lại CNN, qua MSNBC... để theo dõi tin tức coi Osama bin Laden nay "... duyên ghé về đâu..." thì người đàn ông của thế kỷ 21 lập tức bị đổ cho cái tội kinh khủng là không còn "quan tâm, lưu ý gì đến con gái già này nữa"...

Mẹ cháu không hề hiểu rằng bố cháu lúc về đến nhà thì đã hết chữ để nói sau khi dùng hết 2000 chữ ở ngoài đường (để chửi mấy đứa lái xe khốn nạn, đổi lane không thèm ra hiệu, cắt ngang trước đầu xe bố cháu), ở sở để nói phải quấy với các xếp trai cũng như xếp gái (vừa xí trai, vừa xí gái, lại dốt nát, lười biếng, trốn việc, thù vặt, nhỏ nhen, bần tiện,) các đồng nghiệp (ăn nói nhăng nhít, ngớ ngẩn, cười khục khặc như đười ươi Borneo, lâu lâu bơm nước hoa gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của cả sở, nhan sắc làm bạt vía cả những người đàn ông hết ham sống và liều lĩnh nhất) thì làm sao còn chữ đâu để mà nói với mẹ cháu nữa.

Trong khi đó thì mẹ cháu cũng đâu có ăn nói kiểu như:

... Nói đi em, lời tự tình thánh thót
Hẹn ngàn năm trong một phút êm đềm
Lời tự tình, em hãy nói đi em
Lời tình tự cũng là lời bỡ ngỡ.
..

Mà ông Ðinh Hùng đã viết một cách sai bét như trong Ðường Vào Tình Sử.

Luôn luôn là cảnh mẹ cháu dùng chân đá cho cái ghế một cú, tay chống vào mạng sườn, hất hàm: "I want to talk! Are you listening to me? Anh nghe tôi nói gì không?... Anh không thể là người Việt trầm lặng với tôi như thế. Bộ anh tưởng anh là Graham Greene hay sao? Tôi đã chán cái silent treatment của anh lắm rồi. Tôi muốn được đối xử như một người. Anh nghe chưa? Anh mở miệng ra nói chuyện với tôi coi. Tôi nói phải có người trả lời hiểu không? Bộ anh lại quay ra đóng vai bức tường Bá Linh sao? Tôi không muốn nói chuyện với bức tường anh hiểu không? Anh làm ơn cho tôi biết tại sao mấy hôm nay điện thoại reo, tôi nhấc máy lên thì con đĩ đầu bên kia bỏ máy xuống? Nó là con nào? Nó không trả lời nhưng tôi thừa biết nó là con đĩ. Tôi không ngu như nó và anh nghĩ đâu....Bla bla bla bla bla bla bla ( chữ thứ 4998) bla bla ( chữ thứ 5000)...

Im lặng được trả lại cho làng xóm. Mai nói tiếp. Người đàn ông vươn vai đứng dậy ngó người đàn bà và nói: "Anh yêu..." (đến đây, chưa hết câu, còn thiếu cái túc từ "em" nữa thì đó cũng là chữ thứ 2000, chữ cuối cùng trong ngày, không thể nói thêm được nữa. Hú vía).

Cả hai đều đã hết chữ nói với nhau. Ðúng hệt như cuộc nghiên cứu cho thấy.


Ngày 3 tháng 12 năm 2010

Bạn ta,

Tôi không thể nhớ đích xác lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh tươi cười một cách hết sức đã đời ấy vào năm nào, nhưng chắc phải là những năm khi còn rất bé. Và tôi yêu nó ngay từ đó.

Nó luôn luôn đi cùng với hình ảnh những trang trại, những cô đầm Hòa Lan đội những chiếc nón cong, đi những đôi guốc gỗ, những chiếc máy xay lúa, những đồi cỏ mượt trong những trang báo Tây ông cụ tôi hay đọc. Nó là hình con bò với nụ cười tươi rói: La Vache Qui Rit, nhãn hiệu của một loại phó mát sản xuất ở Âu châu bán sang Việt Nam thời đó.

La Vache Qui Rit, con bò cười, nụ cười sung sướng, hạnh phúc và thoải mái. Một cô bạn thời trung học lúc nào cũng nụ cười trên môi đã bị tôi gọi lén bằng cái tên rất dễ yêu ấy. Về sau, nàng biết, chỉ nguýt cho một cái gần chết nhưng không hề bực bội, giận dữ để đi đến quyết định tuyệt giao.

Như vậy, La Vache Qui Rit không hề làm cho cô bạn thời trung học rất đẹp gái coi là một câu nhục mạ, xúc phạm bao giờ. Từ đó đến nay đã bao nhiêu năm, vậy mà mỗi lần nhìn thấy cái nhãn con bò cười, La Vache Qui Rit ở Việt Nam, và The Laughing Cow ở Mỹ, tôi vẫn lại nhớ đến người bạn xa xưa.

Tôi mong cái nhãn con bò cười sẽ còn tiếp tục ở mãi với chúng ta, nhưng sợ rằng nếu xã hội bầy trò bênh vực loài vật, nhân danh chúng để đòi hỏi này nọ, có thể nụ cười của con bò trên những hộp phó mát sẽ bị dẹp bỏ thì làm sao còn được hình ảnh để gợi nhớ cô bạn cũ.

Tổ chức bênh vực loài vật PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) đang đòi dẹp bỏ một quảng cáo trên truyền hình mà tổ chức này cho là có thể tạo ra những hình ảnh sai lạc về loài bò. PETA nói rằng những con bò sữa trong các trại bò ở California không hề vui vẻ và hạnh phúc như những hình ảnh mà quảng cáo bầy ra. PETA đã đệ đơn lên Ủy Hội Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission) để yêu cầu thu hồi quảng cáo của kỹ nghệ sản xuất sữa, bơ và phó mát California.

Quảng cáo có một đoạn nói rằng phó mát ngon được làm từ những con bò vui vẻ (great cheese comes from happy cows). PETA nói rằng những con bò đó không vui vẻ gì vì chúng phải sống trong những điều kiện hết sức tồi tệ, bị bắt phải xa những con bê con quá sớm, không được thả cho ra đồng cỏ để được đi lại tự do, phải sống trong các chuồng nơi có các dụng cụ vắt sữa vân vân.

PETA làm như nghe được tâm sự của những con bò mà PETA nói là rất đau khổ đó. May mà PETA chưa học tiếng Việt chứ nếu nói thành thạo tiếng Việt, PETA lại bắt bẻ, đòi chúng ta bỏ các thành ngữ, tục ngữ dính líu đến loài bò thì khổ.

PETA cứ quả quyết nói rằng những con bò sữa ở California không vui vẻ, nhưng lỡ chúng vui vẻ, hạnh phúc thì sao? Biết đâu những con bò ấy lại hài lòng với đời sống của trong chuồng thì sao?

“... Bò chúng tôi đâu có thích ra đồng làm chi... Ở trong chuồng sướng lắm chứ. Ra đồng lạng quạng mắc dây kẽm gai, rách da, đau chết luôn. Cứ ở trong chuồng là khỏe. Tới giờ vắt sữa, có máy giúp, không đau như vắt bằng tay, lại nhanh, đỡ tức sữa như thời trước. Chúng tôi ở trong chuồng đỡ khổ cái thân. Ra đồng, đang yên lành lại bị mấy thằng bò đực đến quấy rầy. Mang tiếng là... ngọc ngưu bò đực mà chán không thể tả được, làm ăn không nên cơm nên cháo gì hết. Bữa nọ có thằng cha bò đực chạy lại ném xuống trước mặt chúng tôi cái găng tay của ai làm rơi ngoài đồng rồi hỏi là chị em chúng tôi có làm mất cái nịt vú nào không thì có ngu không chứ. Thấy năm cái ngón tay lại tưởng bở... Cái thứ sắp thành bò lúc lắc, yêu cuồng sống vội đó thì hay ho cái nỗi gì. Còn chuyện chủ đưa mấy con bê đi sớm thì đã sao? Người ta nuôi giúp càng đỡ khổ. Mấy thằng bò đực có bao giờ trả cho chúng tôi đồng child support nào đâu mà bắt chúng tôi nuôi. Nghe nói người ta thích bê thui lắm mà. Thôi thì người ta thích con mình như vậy thì cũng được chứ! Cho nên chúng tôi được đối xử thế này là vui lắm... Mấy cậu, mấy mợ PETA thật là vớ vẩn... Ai khiến mà cứ nhẩy đong đỏng lên, nói là tranh đấu cho chúng tôi! Ðể mặc chúng tôi có được không?

Biết đâu tâm sự của mấy chị bò là như thế. Mà như vậy thì việc làm của PETA là lảng xẹt rồi còn chi.

Tôi mong chính phủ có quyết định sáng suốt, để khỏi làm khổ những con bò sữa hạnh phúc đó.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 93)

CHRISTMAS IS HERE

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 93 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Thưa anh, suốt mấy hôm nay, đi ngoài đường, đến sở, về nhà QA lúc nào cũng nghe nhạc Giáng Sinh ngoài đường, trong thang máy, trong radio trong xe... Giáng Sinh nhất định là sắp đến rồi.

IT BEGINS TO LOOK A LOT LIKE CHRISTMAS.

QA muốn anh nói về Giáng Sinh, những chữ dùng trong mùa này cùng với những thành ngữ liên quan đến Giáng Sinh.

LÃM THÚY

Thúy biết nhạc Giáng Sinh là Christmas Music. Nhưng tại những khu thương xá, Thúy thấy những ban hợp ca hát những bài không hẳn là thánh ca, thí dụ bài JINGLE BELLS chẳng hạn. Nghe hết cả bài, không thấy một chữ nào về Chúa, về Giáng Sinh hết.

BBT

Đúng thế, là vì bài hát này của James Pierpont nguyên được viết cho ngày Thanksgiving. Nhưng vì bài hát có cảnh lạnh lẽo, tuyết trắng , tiếng chuông, xe ngựa rất giống như cảnh Giáng Sinh nên sau đó, bài này được đem hát trong dịp Giáng Sinh, và nó thành một bài hát của Giáng Sinh luôn.

QA

QA còn thấy có những nhóm đi hát dạo đến trước cửa nhà, hát những ca khúc này nữa. Có thể gọi chung là Christmas Music được không?

BBT

Được, nhưng có những danh từ chính xác hơn để gọi chúng. Đó là CHRISTMAS CAROLS, hay NOELS nghĩa là những ca khúc của mùa Giáng Sinh, hay về mùa đông, những ca khúc truyền thống hát trong những ngày trước Giáng Sinh. Truyền thống này có từ thế kỷ thứ 4 tại La Mã. Mấy bài CHRISTMAS CAROLS hay NOELS tiêu biểu là O COME ALL YE FAITHFUL, THE TWELVE DAYS OF CHRISTMAS, WE WISH YOU A MERRY CHRISTMAS, JINGLE BELLS, DECK THE HALLS, JOY TO THE WORLD, THE LITTLE DRUMMER BOY và dĩ nhiên phải có SILENT NIGHT.

LÃM THÚY

Tục đi hát đến trước nhà thì cũng hệt như ngày xưa , trẻ con đi hát Xúc Xắc Xúc Xẻ vậy phải không QA? Vậy mà Thúy cứ nghĩ NOEL chỉ có trong tiếng Pháp thôi chứ.

QA

QA cũng nghĩ vậy. Như thế NOEL trong tiếng Anh có nghĩa khác, không như tiếng Pháp phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. NOEL trong tiếng Pháp là Giáng Sinh. Nhưng NOEL trong tiếng Anh còn nghĩa là bài ca Giáng Sinh, và cũng có nghĩa là Giáng Sinh nữa. Tuy vậy chữ NOEL với nghĩa là Giáng Sinh thì nay ít thấy dùng. Những người đi hát như vậy tiếng Anh gọi là gì hai cô biết không?

QA

Nếu cứ thêm ER vào cuối để thành người làm công việc ấy như TEACH thành TEACHER; OWN thành OWNER; LABOR thành LABORER thì CAROL phải là CAROLER. CHRISTMAS CAROLER phải không thưa anh?

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ để tôi nói qua CHRISTMAS và những chữ thường đi với CHRISTMAS.

LÃM THÚY

Thưa anh, tiếng Anh có gọi ông già Noel là OLD MAN CHRISTMAS không?

BBT

Có. Người Anh gọi ông là FATHER CHRISTMAS, là SAINT NICHOLAS hay SAINT NICK, hay KRIS KRINGLE…

QA

Có bà già Noel không thưa anh? Già như ông mà ở một mình làm sao chịu nổi?

BBT

Có, có MRS CLAUS. Ông bà không có con cái nhưng có một bầy vài chục ông tiên lùn trong xưởng làm đồ chơi của ông , đồ chơi mà ông đem cho trẻ em trong dịp Giáng Sinh và 8 con tuần lộc.

Thúy biết mấy ông tiên lùn này tiếng Anh gọi là gì không?

LÃM THÚY

Gọi là ELF phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Nhưng ELF chỉ là MỘT ông.

LÃM THÚY

Vậy thì phải nói là ELFS có phải không?

BBT

Hai cô biết rằng trong tiếng Anh, một số danh từ tận cùng bằng F hay FE khi đổi sang số nhiều, chúng ta phải thay F và FE bằng VES.

QA

QA nhớ rồi. YOURSELF thành YOURSELVES; WOLF thành WOLVES; KNIFE thành KNIVES; HALF thành HALVES; CALF thành CALVES…

LÃM THÚY

Như thế, mấy ông tiên lùn phải là ELVES cũng như SHELF số nhiều là SHELVES; LEAF thành LEAVES; LIFE thành LIVES; WIFE thành WIVES; THIEF thành THIEVES…

BBT

Nhưng có một số danh từ tận cùng bằng F lại có 2 cách viết khi ở số nhiều. Thí dụ DWARF có thể là DWARVES hay DWARFS; SCARF là SCARFS hay cũng có thể là SCARVES; WHARF là WHARFS hay WHARVES; HOOF là HOOVES hay HOOFS…Những con tuần lộc mà ông dùng để kéo xe cho ông, tiếng Anh gọi chúng là REINDEER.

QA

QA xin được sửa ông thầy một chút. Ông thầy nói 8 con tuần lộc thì phải là REINDEERS chứ. Đâu có thể là REINDEER như ông thầy vừa nói.

BBT

Thưa cô, danh từ DEER cũng như SHEEP, số nhiều và số ít viết giống nhau. Cái xe lướt tuyết không có bánh xe là SLEIGH, đồ chơi là TOYS để cho các trẻ em ngoan và không có quà cho các trẻ hư, hay nhè, hay ăn vạ, không nghe lời người lớn.

LÃM THÚY

Thúy biết GOOD là ngoan, BAD là hư đốn. Nhưng hình như còn có chữ khác nữa, nghe như NOTHING là hư phải không thưa anh?

BBT

Chắc cô nghe lầm. NAUGHTY mới là hư, là không ngoan. Nhưng lũ trẻ hư đốn vẫn có cách để có được quà của Santa Claus như thường. Trước khi đi ngủ, chúng đặt một ly sữa và mấy cái COOKIES cạnh lò sưởi làm quà cho ông già Noel là lại được quà ngay. Nhưng làm thế là TO BRIBE SANTA CLAUS. Cô QA đoán TO BRIBE là gì nào.

QA

Theo câu anh vừa nói ở trên thì BRIBE chắc có nghĩa là hối lộ. Thế thì việc hối lộ tiếng Anh nói thế nào?

BBT

Danh từ là BRIBERY, nghĩa là sự hối lộ.

LÃM THÚY

Ông già Noel như vậy đã khuyến khích CORRUPTION, dậy trẻ trò tham nhũng phải không thầy. Nhưng thưa anh, tại sao nhiều người dùng chữ HOLIDAYS thay vì CHRISTMAS như khi chúc nhau, nhiều người nói là HAPPY HOLIDAYS thay vì nói MERRY CHRISTMAS?

BBT

Lý do là vì không phải ai cũng mừng Giáng Sinh. Người theo đạo Phật chẳng hạn. Rồi còn những người theo Hồi giáo, Ấn độ giáo, Do Thái giáo…cũng không cử hành lễ Giáng Sinh. Chúc MERRY CHRISTMAS có thể khiến cho một số người không vui. Thế nên càng ngày người ta càng thấy nhiều người chúc HAPPY HOLIDAYS thay vì MERRY CHRISTMAS hơn. Cũng vì vào thời gian đó lại còn là dịp năm cũ chấm dứt, năm mới tiến vào, người ta mừng năm mới nên chúc HAPPY HOLIDAYS nghe cũng hợp lý. Đã có trường hợp một cửa hàng bách hóa lớn ở New York sa thải một nhân viên vì người này nhất định nói MERRY CHRISTMAS, không chịu nói HAPPY HOLIDAYS như công ty đã chỉ thị cho các nhân viên đứng ở cửa chào khách.

QA

Thưa anh. Tại sao không nói MERRY NEW YEAR và HAPPY CHRISTMAS?

BBT

Vì thói quen. Thêm nữa chúc năm mới hạnh phúc vì hạnh phúc trải dài ra được suốt năm. Nhưng Giáng Sinh thì chỉ có một ngày. Giáng Sinh lại là dịp tiệc tùng ăn uống, vui chơi nên chúc MERRY CHRISTMAS và HAPPY NEW YEAR có lý hơn.

LÃM THÚY

Đúng rồi. Giáng Sinh chỉ có một ngày, còn năm mới thì có tới 365 ngày. Cũng vì thế, Thúy nghe câu này nữa: CHRISTMAS COMES BUT ONCE A YEAR. Mỗi năm Giáng Sinh đến có một lần nên mẹ phải mua quà cho con nhiều nhiều vào. Thúy nghe câu gạ gẫm, xin xỏ này điếc tai từ nhiều năm nay. Nhân đây, Thúy muốn nhờ anh giảng nghĩa tại sao BUT lại không có nghĩa là NHƯNG MÀ?

BBT

BUT khi là CONJUNCTION, liên từ, chữ dùng để nối HAI câu hay HAI chữ có ý nghĩa tương phản thì nó có nghĩa là NHƯNG. Thí dụ IT IS BEAUTIFUL BUT (IT IS) COLD. HE IS RICH BUT (HE IS) NOT HAPPY.

Khi BUT là ADVERB thì nó có nghĩa là CHỈ LÀ, đồng nghĩa với ONLY.

Trong bài OH CAROL của NEIL SEDAKA có câu mở đầu là OH! CAROL, I AM BUT A FOOL nghĩa là Carol ơi, anh chỉ là một người điên thôi …

Giáng Sinh là CHRISTMAS DAY, là ngày 25 tháng 12. Nhưng tối ngày 24 là ngày gì, cô Thúy?

LÃM THÚY

Là CHRISTMAS EVE. Nhưng thưa anh, chữ EVE như trong tiếng ghép CHRISTMAS EVE có thể được dùng trong những trường hợp khác không hay phải luôn luôn đi với CHRISTMAS?

BBT

Chúng ta có thể dùng cả trong những trường hợp khác nữa như NEW YEAR’S EVE tức là hôm trước ngày năm mới. Chúng ta cũng có thể nói ON THE EVE OF HIS BIRTHDAY PARTY khi muốn nói đêm trước party sinh nhật của anh ấy. ON THE EVE OF THEIR DEPARTURE là đêm trước ngày họ lên đường.

QA

Tuần trước, con gái QA có mua một cái vòng kết bằng lá thông, quả thông và vài ba thứ lá khác để treo trước cửa nhà. Nó gọi cái vòng ấy là gì mà QA nghe không kịp. Anh cho biết dùng chữ BOUQUET có được không?

BBT

BOUQUET thường là một bó hoa. Cái mà con gái cô mua để treo ở cửa là WREATH. WREATH cũng có hoa kết chung với lá, vòng hoa tang cũng là WREATH. Thí dụ WREATH LAYING CEREMONY, hay TO LAY A WREATH AT THE TOMB OF THE UNKNOWN SOLDIER. Bây giờ đố cô Lãm Thúy cây POINSETTIA tiếng Việt là gì nào?

LÃM THÚY

Phải cây có lá mầu đỏ phải không anh? Tên Việt Nam của nó chắc là cây trạng nguyên.

BBT

Đúng. Còn cây MISTLETOE là gì cô QA?

QA

Thưa là cây tầm gửi. Hai cô con gái của QA dặn nhau là đi party cuối năm nhớ đừng có đứng dưới nhánh MISTLETOE là tại sao vậy thưa anh? Hỏi chúng nó không chịu nói, chỉ cười bí mật.

BBT

Theo một tục lệ của người Anh thì tại những Christmas party thì ai đứng dưới nhánh tầm gửi treo trong nhà sé bị hôn ráng chịu, không được phản đối. Còn cây HOLLY thì là cây gì?

LÃM THÚY

Có phải đó là thứ cây lá có răng nhọn, trái mầu đỏ, tròn bằng đầu ngón tay út không thưa anh? Thúy thấy người ta gọi cái lá của cây này là lá thuộc bài. Cứ bỏ trong sách là không cần học cũng vẫn thuộc bài như thường.

BBT

Chúc cô học cái gì cũng chóng thuộc nhé. Nhớ kiếm cái lá thuộc bài bỏ vào sách là khỏi phải học bài, tha hồ đi shopping. Thế quà Giáng Sinh tiếng Anh gọi là gì QA?

QA

QA nhớ là GIFT. Nhưng GIFTED là được tặng quà phải không anh?

BBT

Không hẳn là như thế. Tuy GIFTED cũng có nghĩa là được ban, được tặng, được phú cho. A GIFTED CHILD là một đứa bé thông minh, được Trời phú cho bộ óc tốt. HE IS GIFTED là cậu ấy được phú cho một cái đầu thông minh.

Còn vài ba chữ nữa chắc hai cô đều đã biết. MANGER là cái máng cỏ nơi Chúa Hài Đồng ra đời. Nhưng khi nói LIKE A DOG IN THE MANGER thì lại có ý chê bai một người xấu tính, ích kỷ, ôm cứng lấy một thứ mà người ấy không dùng được. MANGER là cái máng cỏ. Chó không ăn cỏ nhưng cứ giữ cái máng không cho những con bò, cừu hay dê vào ăn. Người Việt có một câu tương tự: chó già giữ xương. Già không ăn được xương nhưng vẫn giữ khư khư, không nhường ai hết.

QA

Thưa anh, có nhiều idiom vơi Christmas không?

BBT

Rất ít. Có 3 câu thì cô Thúy đã đem một câu ra nói ở trên rồi, đó là câu CHRISTMAS COMES BUT ONCE A YEAR. Hai idiom kia là TO CANCEL SOMEONE’S CHRISTMAS và LIKE TURKEYS VOTING FOR (AN EARLY) CHRISTMAS.

Câu TO CANCEL SOMEONE’S CHRISTMAS nghĩa là không cho một người ăn Giáng Sinh nữa, tức là giết ông ta đi. Còn LIKE TURKEYS VOTING FOR CHRISTMAS nghĩa là làm một việc gì có hại, bất lợi cho chính mình, như mấy con gà tây đòi ăn Giáng Sinh sớm. Giáng Sinh sớm thì chóng bị hóa kiếp cho vào lò nướng. Như vậy thì vui nỗi gì mà đòi ăn Giáng Sinh sớm?

LÃM THÚY

Thúy còn thỉnh thoảng thấy chữ XMAS. Anh cho biết đọc thế nào, và tại sao người ta lại dùng XMAS thay vì CHRISTMAS?

BBT

Đọc là XMAS, không đọc là EKSMAS. Tại sao lại dùng XMAS thay vì CHRISTMAS? Tại vì có nhiều người không theo đạo Thiên Chúa nên họ thay chữ CHRIST bằng X, một ẩn số như trong đại số, tức là loại bỏ Chúa ra ngoài bằng cách không dùng chữ CHRIST nữa. Nhưng cũng có một lối giải thích khác, đó là chữ X tương đương với chữ CHI trong mẫu tự Hy Lạp. Chữ CHI viết giống chữ X. Thiên Chúa, trong tiếng Hy Lạp là CHRISTOS. Chữ đầu của CHRISTOS là chữ CHI, viết như chữ X của mẫu tự La Mã. Viết tắt lại thì thànhXMAS.

QA

Chắc đó là những người không thích Giáng Sinh. QA nghĩ cũng phải có nhiều người như thế.

BBT

Có. Thí dụ như một nhân vật trong truyện của Charles Dickens, Mister Scrooge, là một người như thế. Scooge là nhân vật trong A CHRISTMAS CAROL, một con người lạnh lùng, keo kiệt, tham lam, thù ghét Giáng Sinh và tất cả những gì mang lại hạnh phúc vui vẻ cho mọi người. Lúc nào bực bội là ông lại lầu bầu BAH, HUMBUG. Ngày nay, hai tiếng này được những người ghét Giáng Sinh dùng mỗi khi thấy mọi người vui vẻ trong dịp lễ cuối năm. Ông Scrooge không nên bực bội một mình như thế. Ông nên nhớ hai câu này:

TO GOD BE GLORY, PEACE ON EARTH. TO ALL MANKIND, GOODWILL

LÃM THÚY

Vinh danh Thiên Chúa trên Trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Thúy cho đến nay vẫn tin là có ông già Noel … YES, THERE IS A SANTA CLAUS như chủ bút tờ The Sun ở New York đã quả quyết với cô độc giả tí hon Virginia trong bài báo hôm 21 tháng 9 năm 1897.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 93 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.