November 24, 2010

November 26, 2010

Ngày 22 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Chuyện này nếu xẩy ra cho tôi, thì nhất định tôi không phản đối gì hết. Trái lại, tôi nghĩ cứ lẳng lặng coi như không có gì xẩy ra là hơn cả.

Bởi lẽ họa hoằn lắm mới có chuyện hạnh phúc như thế đến với mình thì tại sao lại phải phản đối?

Trong đời, có một hai chuyện không thích làm, người khác làm hộ chẳng cũng khoái ư? Ông Kim Thánh Thán còn sống chắc sẽ phải viết thêm chuyện này vào danh sách những phút vui nhất của ông mất.

Hôm qua bản tin Associated Press gửi đi từ Luân Ðôn tường trình là một người đàn ông ở Cambridge cho biết miếng đất ông mua cho ông ở nghĩa địa thì mới đây đã có người "lấy" mất. Bản tin AP viết rằng người đàn ông 54 tuổi này mua sẵn miếng đất để chờ có lúc cần đến còn lôi ra dùng, nhưng tuần qua ông đi ngang đã thấy có người vào chiếm trước từ bao giờ.

Ông mua nó cách đây 13 năm, khi mới 41 tuổi, cái tuổi mà chúng ta chưa ai thèm nghĩ tới những chuyện xa xôi như thế. Lúc ấy mà có ai mời mua miếng đất, có khi lại được tặng cái đá vào đít mới phải. Nhưng người đàn ông lo xa này thì lại đi kiếm miếng đất để sẵn ở nghĩa địa thỉnh thoảng vào ngắm chơi cho... đỡ những cơn giận đời. Tuần trước, ông thấy có người dọn vào ở. Giấy tờ chứng minh ông là sở hữu chủ còn nguyên. Ông xuất trình và xin trục xuất kẻ chiếm ngụ bất hợp pháp miếng đất của ông. Cảnh sát cho biết sẽ đưa người cắm dùi bất hợp pháp đi chỗ khác để trả lại ông miếng đất.

Tại sao lại dại dột như thế?

Miếng đất bị chiếm ngụ, cho dù là bất hợp pháp đi chăng nữa, thì đó cũng vẫn là điềm Trời chưa muốn... kêu mình. Mà Trời chưa muốn kêu thì cứ nín thở, đừng có nhắc Trời mới phải chứ. Cớ chi cứ sáng ra mở mắt lại lắng tai, chờ nghe gọi tên mình là "Dạ có con đây!" thật to như trong tuồng hát bộ rồi cắm đầu cắm cổ chạy ngay ra nghĩa địa nhẩy xuống không thì muộn, sợ Trời ghét, Trời không thương là thế nào?

Chao ôi tại sao lại có cái thứ người ngốc thế! Lẽ ra, Trời có gọi mình thật thì cứ giả vờ nghễng ngãng tai, không nghe thấy, không dạ vâng gì hết trơn có được không!

Nay có đứa "Dạ" hộ cho mình, lại còn biết cả chỗ mình sắp nằm, tự động chạy đến nằm xuống, lấp đất lên... làm cứ y như mình thì tại sao phải thắc mắc? Cứ lờ đi có hơn không? Hay nếu muốn, thì kéo áo Trời, bảo Trời rằng "Trời gọi tui rồi nhá... Từ nay trở đi đừng có đụng vào cái tên của tui nữa nghe không Trời! Cho tôi yên nhá... Ngoéo tay cái coi..."

Ðằng này lại làm ầm lên, đòi cho bằng được miếng đất của chàng mới là kỳ.

Chàng còn nói là đòi lại để... dùng mới là ngớ ngẩn đặc.

André Maurois viết rằng thần chết rất dễ tính và sẵn sàng chiều những ai muốn đùa với thần chết.

Ðòi lại miếng đất rồi lại nói rằng để dùng là rõ ràng muốn chọc thần chết. Khích bác thần chết là điều rất không nên làm. Thần chiều kẻ đùa giỡn như ca sĩ Karaoke chiều theo lời yêu cầu của khán thính giả "thân thương", vung lưỡi hái lên thì còn chi đời sống?

Rõ là dại dột.

Ấy là chưa kể đến chuyện kẻ chiếm ngụ bất hợp pháp xuống trước, hẹn hò vài ba chị ma nữ khát tình lại chơi, bắt ông ta dọn đi chỗ khác, ma nữ tiếp tục đến quấy phá hàng đêm làm sao... sống cho được.

Chết chứ không đùa đâu.

Vì thế, ông bà nào làm vậy với tôi, thay tôi đi trước, đàng nào cũng đi, đi trước hộ tôi... tôi cám ơn. Chứ tại sao lại làm ầm lên như thế?


Ngày 23 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Ðáng lẽ chúng ta phải được đọc một cái Cáo Phó, hoặc trên tờ Paris Mach, hay tờ Le Figaro, tờ Le Monde, tờ L'Express... về sự ra đi vĩnh viễn của nó.

Nhưng bản tin về cái chết của nó chỉ được AFP cùng với một vài hãng thông tấn ngoại quốc loan đi một cách thản nhiên và được tờ nhật báo tôi đọc ở đây cho in ở trang trong, suýt nữa thì bị chôn lấp bên cạnh những cái tin vớ vẩn khác.

Tôi rất yêu nó. Nó ở với tôi cũng được cả hơn hai năm trời. Mà đó trong những năm tuổi trẻ, khoảng thời gian đẹp nhất của chúng tôi.

Ít ra, nó cũng nên được nhắc đến bằng mấy dòng trong cái Cáo Phó. Thí dụ cũng phải "Ðau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc" về sự ra đi của nó. Rồi thêm những chi tiết như sinh năm nào, ở đâu, chết ngày nào, hưởng thọ bao nhiêu tuổi. Gia đình có những ai, ở đâu (St. Quentin, đông bắc nước Pháp) vân vân.

Năm tôi với nó ở với nhau là năm 1960 ở Sài Gòn. Hơn hai năm sau thì nó bỏ tôi. Ðời sống đưa tôi đi bao nhiêu nơi chốn khác, gặp gỡ, thiết lập bao nhiêu những quen biết khác. Nhưng tôi vẫn giữ được bức ảnh tôi chụp với nó ở cổng ngôi trường trung học tôi đang theo học ở đó. Bức hình đen trắng chụp bằng chiếc Olympus half frame của Ðinh Ngọc Mô không rõ lắm nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lôi ra xem. Trong hình, tôi đứng cạnh nó, tay đặt lên tay của nó. Hồi ấy nó còn rất đẹp.

Mấy tháng sau thì nó bỏ tôi đi luôn cho đến nay không bao giờ gặp lại nữa.

Nhưng đến nay, tôi vẫn nhớ nó, vẫn thỉnh thoảng nghĩ đến nó. Ðược gặp nó một lần nữa chắc vui lắm. Chúng tôi không bao giờ gặp lại.

Nó là cái Mobylette tự động ông cụ tôi mua cho tôi sau khi đỗ Trung Học Phổ Thông, phần thưởng mà ông đặt ra cho mấy chị em chúng tôi. Nó cù lần, thua xa những chiếc xe Ðức máy Sach hồi đó. Nó chạy không nhanh bằng những chiếc Fips, Capri, Puch... của những người bạn trong lớp. Nhưng nó vẫn giúp những buổi trốn học kỳ thú hơn rất nhiều. Nhờ nó, những buổi trốn học đưa chúng tôi đi xa hơn trước. Thủ Ðức, Thủ Thiêm gần hẳn lại. Những chuyến chạy qua chạy lại trước cửa một trường nữ trung học gần Sở Thú bỗng hào hứng hơn. Ðổ đầy bình xăng, chúng tôi đi cả tuần lễ mới hết. Trưa nắng ở cổng trường, có nó, quyết định vào lớp hay không vào lớp dễ dàng đi nhiều lắm. Thoắt một cái, chúng tôi giã từ giờ vạn vật và giờ lý hoá của lớp đệ tam, đệ nhị C để ở một ngôi chùa trong Chợ Lớn hay một vườn hoa ở Sài Gòn, ở bến tầu gần Hải Quân Công Xưởng ngó xuống sông Sài Gòn đầy váng dầu từ những chiếc tầu chạy qua...

Chiếc yên bằng mousse Ðinh Ngọc Mô lấy của ai gắn vào cho tôi chỉ để chở có người bạn này đi trốn học. Chúng tôi hiền lắm. Chưa có cô đầm, cô ta nào ngồi lên đó hết...

Chủ nhật bạn tôi đến nhà giúp chùi cho nó sạch láng để thứ hai còn có nó để trốn học tiếp.

Nó ở với tôi được hơn hai năm thì bị một người Việt Nam cùng quẫn nào đó lẻn vào trường dùng chìa khóa giả mở hai chiếc khoá, và dẫn nó đi biệt. Không biết người ấy bán nó được bao nhiêu, có nuôi được vợ con ngày nào không, hay là lại vài chục bi thuốc phiện theo khói bốc lên trời. Nó về đâu, đời sống của nó ra sao, thỉnh thoảng tôi cứ tự hỏi những câu hỏi đó về nó...

Bản tin AFP cho biết công ty Mobylette không sản xuất nó nữa. Nhà máy ở St Quentin sản xuất chiếc Mobylette cuối cùng, chiếc thứ ngoài ba mươi triệu từ khi chiếc đầu tiên ra đời năm 1949.

Như thế là cùng với chiếc 2CV, chiếc song mã yêu quí của tôi, chiếc Mobylette một thời thân thiết cũng vĩnh viễn bị ngưng sản xuất.

Nó sống được đến ngày hôm nay cũng là chuyện lạ. Trong những năm cuối của thập niên 50, nó bị xe Ðức cạnh tranh, rồi qua thập niên 60, là những chiếc xe gắn máy Nhật. Nhưng nó vẫn sống, vẫn tiếp tục góp mặt với đời. Trung thành và đáng tin cậy.

Sẽ có nhiều người nhớ nó. Mặc dù đã vài chục năm không ngồi lên nó, vặn cái tay ga, đạp lấy trớn cho nó nổ máy xẹc xẹc, khói ra mù mịt trên những con đường mùa mưa Sài Gòn của những năm tháng hiền lành và đời sống còn giản dị của chúng ta.


Ngày 24 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Tôi vẫn không thể tưởng tượng ra nổi là ở nước Mỹ lại có nhiều người cô đơn đến thế. Cô đơn đến độ phải mua những miếng giấy có in những cái môi son rồi tự bôi lên cổ áo, cố ý để cho người khác nghĩ rằng mình cũng có người tặng cho những vết son trên cổ áo, chưa phải là đồ bỏ, bị thế giới lãng quên, quanh năm suốt tháng cổ áo lúc nào cũng chỉ có cái... "ring around the collar " khiến mỗi lần giặt quần áo phải đổ nửa chai thuốc tẩy vào máy giặt cho sạch.

Làm như có vết son trên cổ áo là ghê lắm.

Tôi nhìn thấy sản phẩm mới này tối hôm qua khi ghé mua cái ca vát. Bên cạnh giá treo ca vát, là cái sản phẩm này, với hàng chữ: "... So that the world will know you are still very much desired!"

Người ta có thể mua về rồi đem miết miếng giấy đó lên cổ áo, lên ngực áo, lên lưng áo, in trên đó những vết son môi rất đậm nét, thì trị giá của người mặc cái áo có vết môi son ấy sẽ được tăng lên. Những vết son môi này càng tèm lem càng tốt. Và càng đậm càng làm cho thông điệp thêm phần ý nghĩa.

Khi có những vết son môi dính trên áo, chàng sẽ không còn trông như thứ ma chê, quỉ hờn, ế đến độ sắp... ẩm ra, mà là một con người vẫn còn tạo ra được những mơ ước thầm kín cũng như công khai của rất nhiều người.

Tưởng tượng các đồng nghiệp ở sở từ nay sẽ không còn dám khinh thường chàng như trước nữa. Cứ mỗi ngày một chiếc áo mới với vết son ở các vị trí khác nhau sau mỗi lần đi ăn trưa về là cả sở sẽ lo sợ, không khí trở thành xôn xao, bất ổn lên ngay.

Vinh dự biết là bao nhiêu! Các nam đồng nghiệp thì sẽ tới xin truyền dậy bí quyết, làm sao mặt mũi bặm trợn, nhan sắc không có, ăn nói vô duyên vậy mà cổ áo dính đầy son trông đáng ghét dễ sợ. Các nữ đồng nghiệp thì tìm mọi cách để chàng rủ đi ăn trưa một lần coi sức hấp dẫn của chàng như thế nào mà son môi dính đầy cổ áo mỗi ngày như thế...

Chàng cứ giả bộ như không biết, đến khi được chỉ cho thấy thì nhếch mép cười nhạt coi như đó là thế gian thường tình cho các anh chị điên lên vì ghen tức.

Ðó là ở sở làm, và đó cũng là trường hợp của những người đàn ông chỉ có đúng một cái bàn chải đánh răng trong buồng tắm.

Ở nơi những người có hơn một cái bàn chải đánh răng trong buồng tắm thì những miếng giấy có in sẵn môi son đó cũng không phải là không đem lại lợi ích cho người mua nó về dùng.

Nó có khả năng tạo chú ý lập tức khi bước chân vào cửa nhà lúc tan sở về. Không còn thái độ xem thường, coi Bụt chùa nhà không thiêng và gọi Phật ở ngôi chùa gần nhà bằng "anh" như vẫn làm nữa.

Mấy vết son trên cổ áo là những câu nói từ tốn, không cần hét lên, mà cũng không lên giọng mà phía bên kia vẫn hiểu rằng con giun xéo lắm cũng quằn đấy nhá... rằng (vết son) là lời kêu cứu (cho cuộc hôn nhân) đấy nghe chưa... đừng có lúc nào cũng hăm quăng ra đầu đường cho chó đớp nữa nhá... không phải chỉ ở tiệm phở mới có giá chín mà đây cũng vẫn còn giá lắm hiểu không...

Sản phẩm này được bán mỗi hộp có 6 miếng, đủ dùng cho một tuần. Mỗi miếng như vậy, giá chưa tới một đô la.

Chưa bao giờ tôi thấy một Mỹ kim làm được nhiều việc như thế.

Nhưng điều hay nhất của những vết son này là giặt sạch ngay, nên không cần phải xé luôn cái áo sơ mi có khi còn khá mới vứt vào thùng rác để về nhà được toàn thây như rất nhiều người đàn ông Mỹ phải làm.


Ngày 25 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

La Rochefoucauld là người chán ghét, khinh bỉ thế giới loài người, thế giới mà ông cho là trong đó, ngay cả những tình cám tốt đẹp nhất cũng chỉ là để phục vụ những quyền lợi hết sức riêng tư, cá nhân mà thôi.

Trong cuốn Maximes, ông viết một câu đại khái sự biết ơn, ở đa số con người, chỉ là một hy vọng rất mạnh mẽ, những bí mật, mong muốn có được những đặc ân, những ưu đãi lớn hơn. Ðiều đó có nghĩa là khi chúng ta cám ơn cuộc đời hôm nay về hạnh phúc của chúng ta, về những ân sủng mưa móc chúng ta nhận được, về những niềm vui nhỏ của những ngày qua, thì chúng ta cũng lại kín đáo xin với ơn trên đừng có lấy chúng đi mà hãy cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta đã có.

Cám ơn, tạ ơn nhưng vẫn không quên xin sỏ, nài nỉ để được cho thêm mới chịu.

Thực ra, La Rochefoucauld có hơi quá. Nghĩ lại, bạn sẽ thấy cuộc sống cũng có rất nhiều điều phải cám ơn. Cám ơn hạnh phúc đã có, và lại càng phải cám ơn nhiều hơn khi bất hạnh không xẩy tới nữa. Tôi bắt đầu nghĩ người Mỹ rất có lý khi để riêng ra một ngày để làm công việc đó, công việc mà đáng lý ra chúng ta phải làm mỗi ngày, đó là cám ơn những hạnh phúc đang có cũng như những khổ đau chưa tới...

Thí dụ cám ơn tiếng Việt, cám ơn Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân vẫn thỉnh thoảng về ghé thăm, cám ơn những gì Nguyên Sa, Bùi Giáng và Mai Thảo đã để lại. Cám ơn buổi chiều, cám ơn buổi sang, cám ơn đêm khuya, cám ơn người trở lại, cám ơn sự ân cần, cám ơn sự tốt đẹp, cám ơn sợi tóc, cám ơn mùi hương, cám ơn bàn tay, cám ơn những ngày cuối với người cha, cám ơn chuyến đi thảnh thơi, cám ơn sự ra đi nhẹ nhàng, cám ơn đời sống, cám ơn cái chết, cám ơn cặp kính, cám ơn cái xe hạng bét, cám ơn cái Big Mac, cám ơn tái nạm gầu gân sách, cám ơn sự trung thành, cám ơn những lá thư, cám ơn những cú điện thoại, cám ơn ngày hôm nay, cám ơn ngày hôm qua, cám ơn ngày mai, cám ơn cái dấu phẩy, cám ơn cái dấu chấm. Cám ơn Ðông Hồ, cám ơn Vương Hồng Sển, cám ơn tiếng nói, cám ơn trí nhớ, cám ơn sự quên lãng, cám ơn tính nhớ dai, cám ơn mì gói, cám ơn cơm đường, cám ơn cháo chợ, cám ơn cái chìa khóa, cám ơn cái thang máy, cám ơn Bud, cám ơn Michelob, cám ơn Miller, Heineken. Cám ơn người Mẹ, cám ơn bài hát ru còn mãi, cám ơn sự dịu dàng, cám ơn người dưng khác họ, cám ơn giọng Bắc kỳ, cám ơn giọng Trung kỳ, cám ơn giọng Nam kỳ. Cám ơn ly cà phê buổi sáng, cám ơn tờ báo, cám ơn cái ô chữ không khó quá, cám ơn cái bút, cám ơn cái nghiên, cám ơn anh đồ, cám ơn ngả nón trông đình, cám ơn ca dao, cám ơn tục ngữ, cám ơn tục ngữ rất... tục, cám ơn thỉnh thoảng biết chửi thề, cám ơn nói móc, cám ơn nói cạnh, cám ơn nói khóe, cám ơn nói xỏ xiên, cám ơn nói mát cám ơn cái đèn, cám ơn cái lap top, cám ơn những cuốn tự điển, cám ơn nói lái, cám ơn Hồ Xuân Hương, cám ơn Võ Phiến, cám ơn Ðặng Trần Côn, cám ơn chữ nghĩa truyện Kiều, cám ơn nói phét. cám ơn ăn tục, cám ơn sự vu khống, cám ơn sự... không (?) vu khống, cám ơn sự ngộ nhận, cám ơn sự bịa đặt, cám ơn người thầy cũ, cám ơn những năm thơ ấu, cám ơn những năm tuổi trẻ, cám ơn những năm sồn sồn, cám ơn menopause, cám ơn không menopause, cám ơn mùa đông, cám ơn mùa xuân, cám ơn mùa hạ, cám ơn mùa thu, cám ơn thơ Ðường, cám ơn Tagore, cám ơn lục bát, cám ơn các xóm nhà lá, cám ơn qui tắc tam xuất, cám ơn cái bảng cửu chương, cám ơn các thứ phim trong các kỳ thi, cám ơn cái tẩy, cám ơn cái gọt bút chì, cám ơn cái ngòi bút lá tre, cám ơn những năm ở Việt Nam, cám ơn những năm không ở Việt Nam, cám ơn người bạn cũ, cám ơn những người em, cám ơn cái Mobylette, cám ơn cái Solex, cám ơn cái Lambretta 120, cám ơn cái Deux Chevaux rất lễ phép, cám ơn những viên thuốc cúm, cám ơn Salompas, cám ơn cục xà bong, cám ơn dao cạo, cám ơn cái lược, cám ơn cái gương, cám ơn lọ keo xịt tóc, cám ơn sự ngớ ngẩn, cám ơn giọng hát trong buồng tắm không đi hát ở đám cưới, cám ơn sự vô duyên, cám ơn sự hồn nhiên, cám ơn những cuốn sách của Lê Bá Kông, cám ơn Thiều Chửu, cám ơn Nguyễn Văn Khôn, cám ơn Nguyễn Ðình Hòa, cám ơn Lê Văn Ðức, cám ơn Thái Thanh, cám ơn Phạm Ðình Chương, cám ơn Hội Trùng Dương , cám ơn Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa, cám ơn Nat King Cole, cám ơn Patti Page, cám ơn người bỏ trái tim lại Cựu Kim Sơn, cám ơn cái nốt ruồi vẫn còn trên môi Cindy Crawford, , cám ơn những ngày trốn học, cám ơn mùa thi, cám ơn Ðinh Ngọc Mô, cám ơn Vũ Kiện, cám ơn Nguyễn Quốc Trụ đại úy pháo binh dù, cám ơn những người còn sống và những người đã chết.. cám ơn kỷ niệm đã để lại, cám ơn...

Và như bạn thấy đó, La Rochefoucauld cũng không hoàn toàn đúng như trong ngày hôm nay...


Ngày 26 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Trong khi dân tộc Trung Hoa không gặp bất cứ một khó khăn gì trong chuyện giữ cho sự có mặt của họ trên mặt trái đất được tiếp nối, thì giống gấu trúc, một loài sinh vật sống tại quốc gia Á châu này lại gặp đủ mọi vấn đề trong việc truyền sinh. Giống thú này đang gặp nguy cơ tuyệt chủng nếu tình hình tiếp tục như hiện nay.

Hiện nay, giống gấu trúc chỉ còn khoảng một ngàn con ở những vùng núi non thuộc phía tây nước Trung Hoa. Mà môi trường sinh sống của chúng thì lại mỗi ngày mỗi bị thu hẹp lại vì dân số Trung Hoa mỗi ngày một tăng. Những khu rừng trúc, thực phẩm của loài gấu này càng ngày càng biến đi. Trong khi đó, giống thú này lại sinh sản ở một vận tốc mà đáng lẽ ra dân tộc Trung Hoa phải áp dụng mới đúng, đó là chỉ mỗi hai hay ba năm, gấu trúc mới sinh con một lần, và mỗi lần cũng chỉ có một con nuôi rất khó. Mọi nỗ lực để gây giống, giúp chúng sinh con đẻ cái ở các vườn thú chỉ đem lại kết quả hết sức khiêm tốn. Thế nên mới đây, theo tiết lộ của tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày hôm nay, các chuyên gia về gấu trúc của thế giới đã phải ngồi xuống viết một chương trình điện toán để giúp loài thú này kiếm được bạn, giúp gia tăng số gấu trúc trên thế giới, tiếp tục góp mặt với các sinh vật khác tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng như loài chó rừng ở Tasmania, như loài đại điểu ở Tân Tây Lan, như chim Hồng, chim Lạc ở Việt Nam.

Chương trình điện toán này sẽ phân tích các loại máu của tất cả những con gấu trúc đang sống tại các vườn thú trên thế giới, nghiên cứu gia phả của chúng và làm ông tơ, bà nguyệt để đem chúng lại với nhau. Chuyện này không phải là dễ vì tháng Tư năm nay, gấu trúc Ling Ling đã bị gửi trả về Nhật sau khi chàng không động tĩnh gì với ba chị gấu trúc ở vườn thú Mexico.

Chắc chắn chỉ vì Ling Ling và các nàng không hợp nhau nên mới không tiến xa hơn được. Trong chuyện này, không hợp nhau là không được. Bộ chưa bao giờ nghe câu "nếu hợp sẽ tiến xa hơn" hay sao?

Thế nên việc các chuyên gia về gấu trúc phải ngồi xuống họp với nhau rồi viết một chương trình điện toán để kiếm bạn cho những con gấu trúc này là chuyện thậm vô ích. Việc gì phải một chương trình điện toán? Cứ viết mấy dòng lời rao tìm bạn đăng lên những tờ báo phát hành tại các sở thú là có kết quả ngay chứ cần gì phải lặn lội với những cái chương trình điện toán?

Thí dụ viết thế này:

Gấu trúc cái, 3 tuổi yêu mầu trắng, thích mầu đen. Ngoại hình trên trung bình. Xấu đẹp tùy gấu đực đối diện. Mắt to, móng đã giũa, hiền khô, ưa trúc đen, tre bương và nứa, mê măng khô kho với thịt. Nhẩy đầm giỏi, hơi lãng mạn. Một lần dang dở, gấu con đã lớn, bỏ vào rừng mất tiêu. Hiện sống một mình trong sở thú X. Cô đơn. Muốn tìm một gấu đực từ 5 đến 7 tuổi đứng đắn, không tứ đổ tường, không phân biệt tôn giáo, biết xây dựng hạnh phúc, có học, trí thức yêu văn thơ và nhạc, không vướng bận, biết chia xẻ những tâm tình của gấu cái trong cuộc sống sở thú, tha thiết với đời sống gia đình với hai gấu lớn một gấu con chạy lút chút trong rừng trúc. Hứa hồi âm dù thư đến muộn. Nếu hợp sẽ tiến xa hơn. Xin cho số phone, e mail để liên lạc. Ưu tiên cho những gấu đực có hình.

Cứ như thế đăng lên, cam đoan các gấu đực ở khắp nơi sẽ điên cuồng gửi thư đến xin làm gấu cha ngay. Gấu con đẻ ra gạt đi không hết. Việc gì phải chương trình điện toán làm gì cho mệt. Mà chưa chắc kết quả đã tốt như đoạn lời rao giản dị như ở trên.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần sẽ ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày.

Tuần này, QA muốn hỏi thầy Trúc là trong Anh ngữ người ta có kiểu nói như chúng ta không, thí dụ chúng ta nói tết Công Gô, tết Ma rốc, ông ấy Lèo lắm không, nghĩa là có những thành ngữ dùng tên của các nước hay không?

BBT:

Có. Những idioms đó có khi tốt, có khi không tốt. Tiếng Anh có khá nhiều những idiom như thế. Nhiều nhất là những idiom liên quan đến những nước gần với nước Anh. Theo cô Thúy thì nước nào gần với nước Anh nhất?

LÃM THÚY:

Nước Pháp.

BBT:

Đúng như thế. Nước Pháp gần nước Anh. Hai bên có nhiều tiếp xúc với nhau. Chiến tranh với nhau cũng vài ba lần. Người Anh vừa yêu vừa ghét nước Pháp. Người Anh thích thức ăn của Pháp, ưa thời trang của Pháp. Nhưng lại không chịu được nước Pháp. Người Pháp cũng nghĩ về người Anh như thế. Nhưng người Pháp không ưa người Anh nhiều hơn là người Anh ghét người Pháp.

FRENCH LEAVE chẳng hạn. LEAVE là ra đi, rời bỏ, về, bỏ đi. FRENCH LEAVE là bỏ đi, về mà không báo, không nói, không chào ai cả. Đó là một hành động bị coi là bất lịch sự. Nhưng cũng có thể coi là một hành động không muốn làm phiền người khác.

QA

Như vậy là tốt chứ có gì xấu đâu thưa anh.

LÃM THÚY:

Thế người Pháp có bực về cái idiom này không?

BBT

Hình như là có. Thế nên trong tiếng Pháp, trò phú lỉnh, bỏ đi , len lén ra về, người Pháp nói là FILER À L’ANGLAISE. Ông nói tôi thế nào, thì tôi nói lại ông như thế. Ông bảo tôi là len lén đi như mấy ông Tây, thì tôi nói là len lén đi như mấy ông Ăng Lê vậy. Có điều là người Ý cũng có một lối nói hệt như vậy nhắm vào người Anh: FILARSELA ALL’INGLESE.

QA

Tại sao tiếng Anh lại có thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE?

BBT

Thực ra, TO TAKE FRENCH LEAVE nguyên thủy có nghĩa là đào ngũ, bỏ đơn vị mà không có phép. Nó ra đời trong khi hai nước Pháp và Anh chiến tranh với nhau ở Bắc Mỹ. Quân Anh bắt được khoảng 140 binh sĩ Pháp gần hồ George ở New York. Các tù binh Pháp biết rõ địa thế vùng này hơn là lính Anh nên chờ đêm tối họ trốn trại, thoát ra ngoài. Thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE có từ đó.

LÃM THÚY:

Anh nói là hễ cái gì xấu, người Anh đổ cho là của người Pháp. Ngoài thành ngữ TO TAKE FRENCH LEAVE, còn các thành ngữ nào khác nữa không?

BBT:

Khá nhiều, nhưng không thể nói ra trong một chương trình như thế này. Tôi chỉ kể thêm một thành ngữ nữa thôi. Đó là FRENCH POX. POX là bệnh giang mai. Nhưng tại sao lại phải thêm chữ FRENCH đằng trước thì tôi chịu thua. Cùng với thành ngữ này, những thành ngữ khác như FRENCH LETTER, FRENCH WAY, FRENCH TICKLER đều là những thành ngữ mang ý nghĩa tục tĩu.

QA:

Thế còn có những thành ngữ nào tử tế về nước Pháp không thưa anh?

BBT:

FRENCH CUFF là tay áo sơ mi, cổ tay lật lên để đeo khuy manchette. FRENCH HEELS là giầy cao gót phụ nữ. FRENCH FRIES là món khoai chiên. FRENCH DRESSING, FRENCH TOAST... Nhưng TO SMELL LIKE A FRENCH WHORE thì lại là nước hoa thơm lừng như một cô gái giang hồ người Pháp. Nghĩa là nước hoa rẻ tiền, mùi nồng nặc. Nói vậy là để mô tả một người có cảm quan về nước hoa hơi rẻ tiền.

LÃM THÚY:
Cạnh nước Pháp là nước Hà Lan, thế thì nước Anh có điều gì không ưa nước Hà Lan không thưa thầy?

BBT

Người Việt Nam chúng ta, khi đi ăn với bạn bè, vài người với nhau, một người đúng dậy trả tiền hết cho các bạn, chúng ta nói là ăn chơi kiểu Tây. Còn ai ăn trả tiền lấy cho mình thì chúng ta nói là ăn chơi kiểu Mỹ. Chúng ta nghĩ là người Pháp lịch sự, hào hoa. Người Mỹ thực tế, có chút bần tiện ở trong. Người Thái, người Argentine cũng nói giống như chúng ta: đi ăn tiệm kiểu Mỹ, ai ăn nấy trả.

Nhưng người Anh thì không nói như thế. Ăn uống ở tiệm mà người nào trả cho người ấy, tiếng Anh nói là TO GO DUTCH. Thí dụ LET’S GO DUTCH nghĩa là đi ăn, ai ăn người ấy trả.

QA:

Có khi nào hai người đi ăn, là bạn trai, bạn gái, trả riêng không thưa anh?

BBT:

Có chứ. Đọc ANN LANDERS hay DEAR ABBY cô sẽ thấy đàn bà Mỹ vẫn để cho đàn ông trả tiền khi hai người là bạn, đi chơi với nhau. Nhưng khi chia nhau cái BILL, mỗi người trả một nửa phần của mình thì đó là DUTCH DATE hay DUTCH TREAT.

LÃM THÚY:

Có phải vì người Anh không ưa người Hà Lan không thưa anh?

BBT

Không phải. Đó là kiểu ăn chơi ngày xưa ở Hà Lan thật. Nhưng nước Anh có vài ba lần chiến tranh với Hà Lan nên ý nghĩa của nó trở thành xấu đi. TO GO DUTCH có nghĩa là bần tiện, bủn xỉn, keo kiệt, không hào phóng, khó thương.

Thí dụ DUTCH UNCLE là một người khó tính, hay lên lớp, mắng mỏ người khác như khi nói: HE TALKS LIKE A DUTCH UNCLE nghĩa là nói như bố người ta không bằng.

Chữ DUTCH WIFE có vài ba nghĩa khá lý thú. DUTCH WIFE là cái gối ôm. Có lẽ muốn ám chỉ người đàn bà lạnh lùng. DUTCH WIFE còn có nghĩa là một cô gái điếm, một cái bình nước nóng để đem vào giường ngủ trong những đêm lạnh. Tiếng thường dùng là HOT WATER BOTTLE hay HOTTIE.

DUTCH COURAGE là liều lĩnh trong lúc say rượu chứ thực ra thì là người có tính chết nhát.

QA:

Bữa nọ QA thấy con trai QA nói IT LOOKS LIKE GREEK TO ME khi QA in một bài viết bằng tiếng Việt bằng máy computer của nó. Máy của cháu không in được tiếng Việt vì không có dấu. Tại sao lại nói như thế?

BBT:

Câu IT LOOKS hay IT SOUNDS LIKE GREEK TO ME có nghĩa là nghe chẳng hiểu gì hết, đọc không biết là viết cái gì. Bản in của QA chạy từ máy in ra đọc không được vì không có dấu Việt ngữ, toàn những dấu cộng trừ thì nói là IT LOOKS LIKE GREEK TO ME. Cũng có khi người ta nói IT SOUNDS LIKE CHINESE TO ME, nghe như tiếng mấy ông Tầu nói chuyện với nhau.

LÃM THÚY:

Thế còn tên nước Trung Hoa có bị đem ra bêu diếu như vậy không ?

BBT:

Tên nước Trung Hoa có xuất hiện trong một số trường hợp, nhưng bảo là bêu diếu thì không. Hơi hơi chê thì có. Thí dụ khi nói IT LOOKS LIKE IT WAS MADE IN CHINA nghĩa là món hàng đó phẩm chất không tốt như được làm ở bên Trung quốc. Bây giờ thì lại càng đúng sau những vụ sữa nhiễm độc, đồ chơi trẻ em có chất chì vân vân.

CHINESE ORANGE trước đây vài ba thế kỷ có nghĩa là quả táo. CHINESE GOOSEBERRY là quả KIWI. CHINESE RESTAURANT SYNDROME là hội chứng nhà hàng Tầu nghĩa là ăn thức ăn có nhiều bột ngọt về bị ngứa và khát nước thì nói như thế.

QA:

Còn có những tiếng nào dùng những chữ chỉ quốc tịch ở trước nữa không anh?

BBT:

Có chứ. CHINA không viết hoa là đồ sứ. TURKEY là con gà lôi, nhưng nếu viết hoa thì là tên của một quốc gia nằm giữa Âu châu và Á châu ...

LÃM THÚY:

Nước Thổ Nhĩ Kỳ phải không anh? TURKISH BATH QA nhớ là phòng tắm SAUNA, phòng tắm hơi. Còn SIAMESE TWINS là gì?

QA:

QA biết rồi, đó là trường hợp hai anh em hay chị em sinh đôi nhưng còn dính vào nhau, không tách hẳn ra phải không thưa anh?

BBT:

Đúng. Chữ này được chế ra để gọi hai anh em người Thái Lan gốc Hoa được đưa từ Thái sang Mỹ hồi thế kỷ 19 để xuất hiện tại các rạp xiếc . Hai người dính vào nhau ở phía sườn. Một ông là ENG một ông là CHANG . SIAMESE TWINS là anh em sinh đôi đồng bào dính vào nhau . Tiếng chuyên môn gọi là CONJOINED TWINS. Gọi là SIAMESE vì tên của của Thái Lan là SIAM, là Xiêm La.

LÃM THÚY:

Nhân nói đến tên của các quốc gia, Thúy muốn hỏi những danh từ chỉ quốc tịch tại sao có khi có số nhiều, có khi chỉ viết số ít. Thí dụ như Vietnamese thì số nhiều và số ít viết như nhau, mà KOREAN thì số nhiều có chữ S là KOREANS.

BBT

Thúy nói đúng. Những danh từ chỉ tên người dân của các nước tận cùng là ESE thì không thay đổi khi ở số nhiều hay số ít. Thí dụ CHINESE, JAPANESE, CONGOLESE, MALTESE, PORTUGUESE...

Những danh từ chỉ quốc tịch ở cuối là ISH cũng thế, nhiều ít viết giống nhau. Thí dụ ENGLISH, POLISH, IRISH, BRITISH, FLEMISH, SPANISH ...

Các tên tận cùng bằng AN thì số nhiều cứ thêm S vào là được. ITALIANS, MOROCCANS, ALGERIANS, HUNGARIANS, RUSSIANS, CUBANS...

QA:

Có tên của người dân Phi Luật Tân làm QA bối rối hết sức.

BBT

Nuớc Phi Luật Tân tên tiếng Anh là THE PHILIPPINES hay REPUBLIC OF THE PHILIPINES.

Tiếng Phi là FILIPINO viết vói chữ F ở đầu.

Người Phi là FILIPINOS, nói chung. Nhưng nếu là phụ nữ thì là FILIPINA. Số nhiều thì thêm S ở cuối.

LÃM THÚY:

Thúy hay nghe người ta nói ME TOO. Nói vậy có đúng không?

BBT:

Đó là lối nói thường nghe, hơi lười biếng một chút, để bầy tỏ những trường hợp tương tự, đồng ý với nhau. Nhưng nếu nói cho đúng thì phải nói khác.

ME TOO là ME ALSO, là I DO TOO, là I AM TOO.

Thí dụ một người nói I AM VIETNAMESE, tôi cũng là người Việt, thì tôi nói I AM VIETNAMESE TOO. I AM ALSO VIETNAMESE. I TOO AM VIETNAMESE, I ALSO AM VIETNAMESE.

Nhưng chúng ta hay nói là ME TOO. Đúng, nhưng chỉ dùng trong văn nói, SPOKEN ENGLISH.

QA

Đó là trong trường hợp QA đồng ý với câu nói nghe được trước đó.

Nhưng nếu đồng ý về một chuyện phủ định thì chắc phải khác phải không thưa anh? Thí dụ người ấy nói I DO NOT DRINK COFFEE thì QA không thể nói ME TOO được có đúng không?

BBT

Đúng. Phải nói NO, NOT ME, I DON’T.

Hay nói đúng hơn, phải là NOR DO I. Nghĩa là tôi cũng không. Nếu động từ trong câu đó là thì hiện tại. Nếu động từ trong câu chính là PAST TENSE thì QA nói thế nào? Thí dụ tôi nói I DID NOT LIKE THAT MOVIE...

QA

NOR DID I phải không thưa anh?

BBT

Đúng như thế. Còn cô Thúy, nếu tôi dùng câu có động từ trong thì tương lai thì cô nói thế nào? I WON’T GO AWAY FOR THE HOLIDAYS.

LÃM THÚY:

NOR WILL I.

BBT

Đúng. Chúng ta dùng động từ TO DO cho các động từ khác trừ động từ TO BE, CAN, WILL, SHALL, COULD, SHOULD vân vân. QA, I WAS NOT IN HUE DURING TET 1968, HOW ABOUT YOU?

QA

NOR WAS I, SIR. I COULD NOT SWIM AT ALL, HOW ABOUT THÚY?

LÃM THÚY:

NOR COULD I.

BBT

I STUDIED ENGLISH IN HIGH SCHOOL, HOW ABOUT YOU, QA?

QA

SO DID I. I DID TOO.

BBT

YOU NOW UNDERSTAND THE OTHER WAYS TO SAY ME TOO .

LÃM THÚY:

SO DO I, AND SO DOES QUỲNH ANH ...

BBT

Các cô đều đã hiểu rõ mấy điểm chúng ta vừa đề cập. Còn gì các cô muốn chúng ta nói trong bài hôm nay nữa không?

QA:

QA muốn nhờ anh chỉ cho một vài idioms với chữ HAND được không?

BBT

Tôi biết QA có hai cô con gái. Quần áo cô chị để lại cho cô em gọi là gì QA biết không?

QA:

Có, đó là những thứ mà con gái QA gọi là con-không-mặc-đâu-mua-cho-con-áo-mới.

BBT

Vâng đúng là như thế. Nhưng tiếng Anh thì là gì? QA biết không?

QA

QA nghe hai đứa con gái gọi những thứ ấy là HAND-ME-DOWN JEANS, HAND-ME-DOWN SHIRTS phải không thưa thầy. QA mệt với mấy cô con gái hết sức. Nhất định I DON’T WANT THOSE HAND-ME-DOWN CLOTHINGS.

BBT

Nếu muốn nói đừng có đụng tay vào, đừng có thò tay vào, đừng có can thiệp vào thì nói thế nào cô Thúy?

LÃM THÚY

Hôm đã lâu, Thúy đọc một bản tin trong báo có câu này: THE RUSSIANS TOLD MISTER BUSH TO KEEP HIS HANDS OFF GEORGIA. Có phải vậy không? TO KEEP THE HANDS OFF là không đụng vào, không can thiệp, không nhúng tay vào.

BBT

Đúng . Thế TO GIVE SOMEBODY A HAND là gì QA?

QA

QA nghĩ là giúp ai một tay phải không thưa anh? Thí dụ QA tối nay về nhà sẽ gọi con để nhờ chúng giúp mang mấy bao đồ ăn mua ở chợ về. QA nói thế này có đúng không: CAN YOU GIVE ME A HAND BRINGING THE GROCERY BAGS INSIDE?

BBT

Đúng. Thế còn TO GIVE SOMEBODY THE HAND là gì Thúy?

LÃM THÚY:

Thúy nghĩ như thế cũng là giúp ai một tay phải không QA?

QA

Khi ông thầy hỏi như vậy thì chắc không phải vậy đâu. QA nghĩ đó là nhận lời cầu hôn của ai phải không thưa thầy?

BBT

Đúng. TO ASK FOR SOMEBODY’S HAND là cầu hôn một người nào. Xin bàn tay, cho luôn bàn chân là đồng ý nhận lời cầu hôn.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.