November 11, 2010

November 12, 2010

Ngày 8 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Cho tới khi một ông tòa ở New Brunswick đưa ra định nghĩa của những chữ "fuck off" khi tuyên xử một vụ kiện hi my năm trước, tôi vẫn tưởng nghĩa của chúng là như thế kia, nghĩa là như lối hiểu rất chân phương của tôi từ mấy chục năm nay, như từ khi kiếm ra cái chữ bắt đầu bằng chữ "f" -- the F word -- trong tự điển.

Nhưng nhờ ông tòa ở New Brunswick, tôi học được thêm một nghĩa mới của mấy chữ này. Vừa vui vì lĩnh hội thêm được một hai điều mới, đồng thời lại biết được rằng chẳng phải chỉ có mình dở, mà ngay cả những người nói tiếng Anh cả đời cũng không biết cái định nghĩa mà ông tòa nói ra ở tòa.

Theo một tờ báo ở St. John, một thị trấn ở New Brunswick, Violet Legere, một phụ nữ trong một lúc bực bội ở sở , mất bình tĩnh và không dằn được tức giận, có đề nghị với một đồng nghiệp làm một chuyện khác thay vì cứ tiếp tục ở bên cạnh, làm phiền cho cô mãi. Cô nói, "Fuck off."

Người đồng nghiệp đem nội vụ đi thưa cấp trên. Cấp trên coi đề nghị (?) của Violet Legere là đề nghị không thể chấp nhận được, và cho cô nghỉ việc.

Violet đưa ban giám đốc YMCA ra tòa, đòi được cho làm việc trở lại và bồi thường cho những thiệt hại mà cô phải chịu, tổng cộng là 15 tuần lương.

Tờ báo không cho biết những chi tiết về đồng nghiệp của cô và những người trong ban giám đốc từng quyết định sa thải cô, cũng như về chính cô, ngoài chi tiết cô có cái tên rất đẹp: Violet.

Trước khi nghe ông tòa giải thích ý nghĩa của điều cô nói, tôi lại nghĩ đó là một đề nghị rất không nên bỏ qua, nếu người đưa đề nghị là một người khác phái, và nếu nhan sắc của người nói câu đó không ở mức có thể làm nản lòng cả Robinson Crusoe sau nhiều năm lạc trên hoang đảo, giải trí chỉ có con vẹt và cậu Sáu (?) -- Friday, anh của chị Năm (?).

Tôi tưởng tượng nếu được một người khác phái, như Violet, văng cho câu "fuck off" vào tận mặt, thì tôi chắc chắn sẽ cười rất tươi và đáp lại bằng tất cả sự vui mừng hớn hở rằng, "Please... please... please do it... do it now... do it right here... do it with for all your worth... do it like there is no tomorrow..." chứ ai lại đi thưa, đi cớ, đòi đuổi cho bằng được người đồng nghiệp đã nói câu đó. Nhưng cho đến nay, chờ đợi bao nhiêu lâu, chưa một ai buồn nói với tôi câu nói, dẫu cho có pha nét tức giận ở trong. Càng nghĩ tôi càng chán cho mình, cho sự thiếu may mắn của mình. Chưa một lần tôi được là đối tượng của câu nói tức giận đó. Và tôi càng tin như người bạn tôi vẫn nói: hạnh phúc luôn luôn chỉ đến với những người không phải là mình. Thí dụ như câu bực bội "Fuck you" chẳng hạn.

Nhưng ban giám đốc nhất định cho Violet nghỉ việc chỉ vì câu nói đó của nàng.

Violet Legere kiện tất cả ra tòa vì những người đó đều hiểu sai ý nghĩa câu nói của nàng.

Ông tòa sau khi nghe các nhân chứng, đã đồng ý Violet bị ban giám đốc hiểu sai. Theo ông, câu nói trong lúc tc giận của Violet không hề mang bất cứ một ý nghĩa tục tĩu nào ở trong như ban giám đốc và đồng nghiệp của nàng đã hiểu. Ông nói rằng sự thật, "fuck off" chỉ có nghĩa là "để cho tôi yên", một cách khác, cách mà ông tòa nói là mạnh hơn và ý nghĩa hơn (more forceful and more intense way) để nói leave me alone mà thôi. Và vì Violet chỉ định nói có như thế, mà bị sa thải thì quyết định của ban giám đốc hoàn toàn sai lầm, Violet phải được cho trở lại công việc cũ và sở của Violet phải trả cho Violet tiền lương của 15 tuần lễ.

Như thế, "fuck off", theo ông tòa, chỉ có nghĩa là đừng làm phiền tôi nữa. Vậy thì có gì tục tĩu và cũng có gì thích thú đâu!

Nhưng tại sao nghe "leave me alone" vẫn không thích bằng "fuck off"? Tại sao nghe "don't fuck with me" vẫn hay hơn "don't mess with me" khi muốn nói đừng giỡn mặt tôi? Và tại sao "don't fuck around" nghe hấp dẫn hơn "don't fool around" trong khi ý nghĩa thì giống hệt nhau?

Có phải những chữ bắt đầu bằng âm "f" nghe hấp dẫn hơn không?

Chỉ mới nghe qua đã thấy "lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng" rồi.


Ngày 10 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Luật pháp Mỹ hầu như luôn luôn thiên vị phụ nữ trong những tranh tụng tại tòa về vấn đề con cái khi cuộc hôn nhân chấm dứt. Tình trạng này tuy nay đã được cải thiện đôi chút, nghĩa là đã có thêm nhiều người đàn ông được tòa cho giữ con, nhưng hầu như chỉ những khi người mẹ làm những công việc thiếu đạo đức hay nếu những đứa con ở với người mẹ, an toàn đời sống của chúng bị đe dọa thì người mẹ mới bị tòa không cho giữ con.

Nhưng tòa án không phải chỉ thiên vị phụ nữ trong những trường hợp tranh tụng liên quan đến con cái, mà luôn cả trong các trường hợp khác hơn là con cái, tòa cũng vẫn thiên vị phụ nữ, và người đàn ông thường là phía bị thiệt.

Thí dụ trong những tranh chấp đòi quyền giữ những con chó khi cuộc hôn nhân chấm dứt, các tòa án ở Mỹ cũng vẫn nhẹ nhàng hơn với phụ nữ. Theo một con số thống kê, thì cứ 100 vụ tranh chấp giữa các cặp có nuôi chó, thì tòa giao cho phụ nữ giữ con chó của hai người tới 81 vụ.

Chỉ có 19% những người đàn ông được tòa cho giữ chó.

Chuyện cho ai giữ chó không ngừng ở quyết định cho con chó theo người vợ hay người chồng về nhà. Chuyện cho giữ chó còn kéo theo nhiều chuyện khác.

Thí dụ quyền thăm viếng, trách nhiệm cấp dưỡng những con chó.

Quyền thăm viếng có thể bị hạn chế nếu phía được giữ nêu lý do phía bên kia bạo hành con chó, không cho nó làm ướt cột đèn, gây ô nhiễm cho sân cỏ chẳng hạn. Nếu phía bên kia có vài ba biện pháp đối với mấy con chó mất dậy, vô giáo dục... bằng cách xích lại, nhốt vào chuồng chó, khóa mõm, gửi đi học ở trường dậy vâng lời, hét vào tai chúng tên một loại cây giống như cây bạc hà, hình như là cây húng, để khủng bố tinh thần chúng, thì phía bên được giữ chó có thể nại những chuyện đó ra để xin tòa không cho người đàn ông đến thăm mấy con chó đẻ đó nữa.

Thế rồi thỉnh thoảng, phía được giữ chó lại lôi phía bên kia ra tòa đòi tăng tiền cấp dưỡng để đuổi kịp những gia tăng của các loại thực phẩm chó. Những cách hành hạ phía không được giữ chó nhiều hay ít tùy thuộc thêm vào tài sáng tạo của các luật sư của người vợ.

Những người đàn ông ở nước Mỹ khổ vô cùng.

Ðó là chuyện chó.

Tại tòa, nếu người đàn bà Mỹ được tòa thiên vị trong những tranh chấp liên quan đến con chó, thì những tranh chấp liên quan đến những con mèo cũng vậy. 81% phụ nữ ly dị chồng được giữ chó thì chắc chắn cũng phải bằng ấy phần trăm được giữ mèo.

Người đàn ông Mỹ phải nuôi chó của vợ thế nào thì cũng sẽ phải nuôi mèo của vợ như thế. Người vợ không những được nuôi mèo, có mèo mà người đàn ông lại còn phải cấp dưỡng cho mèo của người vợ cũ. Không có chuyện bình đẳng trong những vụ tranh tụng dính dáng tới những con vật nuôi trong nhà. Phụ nữ gần như bao giờ cũng thắng tại tòa án.

Và nếu nói đến những con vật nuôi trong nhà thì ngoài chó và mèo, còn cả những con chim nữa. Trường hợp tranh tụng về những con chim thì cũng không khác những vụ tranh tụng liên quan đến mèo và chó bao nhiêu.

Chắc chắn đa số phụ nữ Mỹ tại những phiên tòa ly dị sẽ lại được tòa cho giữ những con chim mà trước đó người vợ và người chồng đã cùng nuôi.

Rồi những người đàn bà được giữ chim cũng sẽ lại đưa ra những đòi hỏi và những điều kiện tương tự như những người được giữ chó hay giữ mèo vậy. Cũng những vấn đề của chuyện thăm viếng, cấp dưỡng vân vân.

Phía không được giữ chim phải trả tiền cho phía được giữ chim. Nhiều người đàn ông Mỹ ở tuổi ngoài bốn mươi, năm mươi sau những năm với biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, một ngày bừng mắt dậy, thì mất con mất cái, mất nhà, mất cửa, mất chó, mất mèo, mất chim... khổ không nói sao cho hết.

Trong khi đó, phụ nữ Mỹ vẫn tiếp tục đòi bình đẳng với đàn ông. Chưa bình đẳng thì đã như hôm nay, đến lúc bình đẳng rồi thì còn như thế nào nữa.

Ðọc cái thống kê ai cũng phải sợ phát sốt phát rét lên là thế.


Ngày 11 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Thỉnh thoảng có việc phải ghé chợ bán thực phẩm Việt Nam tôi lại bị một phen hết hồn vì tiếng Việt in trên nhãn của một vài món hàng bán ở chợ.

Nó bị xuyên tạc, bêu diếu không tiếc tay và bị làm bẩn đi rất nhiều bởi mấy ông Thái Lan và mấy ông Ðài Loan.

Những câu tiếng Việt in trên những hộp bánh LU sản xuất tại Pháp và bán sang Việt Nam mấy chục năm trước (... bánh LU đem tặng thầy / Chừ tớ làm quan lớn / Con thầy trả gấp hai...) tuy ngô nghê nhưng vẫn không đến nỗi nào. Thứ tiếng Việt đó dẫu sao cũng là của những người tôi tin là có ăn có học, sống ở Pháp.

Nhưng tiếng Việt đọc thấy trên những sản phẩm của Thái Lan từ nhiều năm nay thì khủng khiếp hơn tiếng Việt của bánh LU rất nhiều. Các doanh nhân Thái, chủ của các cơ sở sản xuất thực phẩm xuất cảng sang những nơi có các cộng đồng người Việt cũng biết đi kiếm những người biết tiếng Việt ở Thái xin vài ba chữ để in trên những thùng, bao, gói, nhãn bên ngoài các sản phẩm của họ. Họ tin là làm mấy dòng chữ Việt đó sẽ tạo ngay được sự thân thiết, quen biết của người tiêu thụ Việt Nam. Và những người mà các ông Thái Lan này nhờ xin vài ba chữ tiếng Việt thì không phải ai cũng tiếng Việt tinh thông như bạn. Ðó là thứ tiếng Việt còn sót, còn rơi rớt lại ở nơi những người đã sống vài ba chục năm ở Thái.

Vì thế chúng ta mới phải ăn các thứ "MẤM" của các ông Thái Lan từ mấy chục năm nay, hết "MẤM CÁ SẶC", lại tới "MẤM CÁ LÓC", rồi đến "MẤM RUỐT". Có mấy cái dấu mà cũng đánh sai bét be. Cũng may là chúng ta dễ tính chứ nếu cứ lôi thuyết "chính danh" của cụ Khổng ra bắt bẻ, viết không đúng tiếng Việt, không ăn thì cũng phiền cho các nhà sản xuất thực phẩm của xứ Thái không ít.

Những con cá sặt, những con cá lóc, và luôn cả những con ruốc, khi được đem chế thành "MẤM" thì chúng cũng bị hóa kiếp luôn để thành "SẶC", thành "LỐC" và thành "RUỐT". Khổ cho chúng biết là bao nhiêu. Chết mà cũng không yên thân, tên tuổi bị đổi hết, làm sao chúng siêu thoát, bước ra khỏi được luân hồi.

Cuối tuần qua, tiếng Việt của bạn và tôi lại bị lôi ra đùa nghịch bởi mấy ông Ðài Loan. ở quầy trả tiền của một chợ nọ, tôi thấy lần đầu tiên trong đời, một món mà nghĩ mãi mới có thể hiểu là có thể... ăn được. Nghĩ ra được là nhờ dòng chữ tiếng Anh ở trên. Nhờ mấy chữ tiếng Anh, tôi biết nó là món mực khô. Nhưng nếu chỉ đọc mấy chữ tiếng Việt thì đành chịu. Có kê súng vào đầu cũng không dám ăn.

Sản phẩm gói trong bao giấy kính có tên tiếng Anh là Prepared Cuttlefish. Món sản phẩm này, như vậy là có thể ăn được. Với một lon Budweiser thì không có gì để phải phản đối.

Nhưng sang tiếng Việt, nó là "Sửa Soạn Con Cá Mực". Nó là cái gì thế này? Thưa nó là Prepared Cuttlefish được dịch sang tiếng Việt, có lẽ bằng một cuốn tự điển Anh Việt nào đó do mấy nhà xuất bản ở Ðài Loan in lậu của các soạn giả người Việt. Thế rồi ông chủ hãng sản xuất khô mực một hôm lôi ra, tra chữ Prepared Cuttlefish, và cứ thấy tự điển viết làm sao thì ông... vẽ lại như thế.

Vậy thì Prepared Banana là "Sửa Soạn Cái Chuối Chiên" chăng?

Nhà phiên dịch này có bao giờ tưởng tượng ra thảm họa trong một gia đình Việt Nam ở hải ngoại khi hai vợ chồng sắp đi chơi, ông chồng thấy đợi lâu quá, quyết định kiếm một lon Budweiser rồi quay vào trong nhà hỏi bà vợ: "Em có "Sửa Soạn Con Cá Mực" hay "Sửa Soạn Cái Chuối Chiên" thì mang ra đây cho anh..." và nghĩ chuyện gì sẽ xẩy ra cho người đàn ông Việt Nam khốn khổ ấy không? Ông có biết những gì có thể bị quăng vào người đàn ông tội nghiệp đó không? Ðược hai ba cái của Victoria's Secret là may lắm. Sợ không được ấy chứ.

Nguy hiểm không thể tả được.

Nhưng chuyện bêu diếu thực ra cũng chẳng xẩy ra riêng cho tiếng Việt của bạn và của tôi. Tiếng Anh cũng không tránh được thảm cảnh đó.

Tờ Los Angeles Times không biết đào đâu ra được cái nhãn của một sản phẩm với hàng chữ nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra được để ăn thử coi có... bịnh không. Nửa tiếng Việt của nhãn thì viết đúng: "Bún". Ðọc qua tới phần tiếng Anh, thì chắc phải là người can đảm lắm, với một hệ thống miễn nhiễm còn tốt lắm mới dám đụng vào, vì trong tiếng Anh, món "Bún" này được ghi là "Sick Rice".

Thiếu có một chữ "T" mà STICK RICE thành SICK RICE, bệnh hoạn liền đến. Có phải vậy không mà người ta vẫn nói không có vitamin T là có thể... chết được.

SICK RICE thì chết thật chứ không đùa đâu.


Ngày 12 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Mục RSVP do Letitia Baldrige phụ trách xuất hiện mỗi tuần một lần, được rất nhiều báo ở Hoa Kỳ đăng lại, trong đó, người viết trả lời và cố vấn các độc giả về đủ mọi vấn đề, về đủ mọi lãnh vực, đưa ra đủ mọi giải pháp cho đủ mọi thắc mắc. Nhưng vì bao biện quá nhiều lãnh thổ như thế, thỉnh thoảng Letitia Baldrige cũng lảng xẹt.

Thí dụ như hôm nay chẳng hạn.

Một độc giả viết cho RSVP nói rằng một nữ đồng nghiệp của bà/cô/ông có một thứ mùi khủng khiếp làm cả sở kinh hoàng. Ai ai cũng khổ vì cái mùi (body odor) từ cơ thể của nữ đồng nghiệp này phát ra, nhưng không một người nào có đủ can đảm để hành động. Người viết xin được cố vấn phải làm gì vì cả sở đã hết chịu nổi.

Letitia Baldrige đề nghị người độc giả viết thư nhờ phòng nhân viên nói hộ, nếu không thì cũng có thể nhờ một cấp chỉ huy làm công việc đó. Khi thảo luận với đương sự, nên có sẵn một vài thứ deodorants để làm quà cho nàng.

Như vậy là tầm bậy.

Trước hết phải tìm hiểu người viết lá thư ấy là đàn ông hay đàn bà, tương quan giữa người viết với đương sự như thế nào, nhan sắc của người viết (nếu người viết thư là phụ nữ) so sánh với nhan sắc của đương sự ra sao, có yếu tố ghen ghét, hận thù ở trong không... vân vân.

Chỉ sau khi có được những chi tiết như thế thì mới trả lời được. Chưa chi đã trả lời ngay là chỉ có hố. Letitia Baldrige hố nặng.

Ngoại trừ trường hợp lá gan không sản xuất được enzyme FMO3, enzyme có khả năng vô hiệu hóa protein có tên là trimethylamine ở một số người, mà Shakespeare mô tả trong kịch The Tempest là một thứ mùi rất xưa như mùi cá (a very ancient and fish-like smell) thì cái mùi tự nhiên của người đồng nghiệp không cách gì có thể dễ sợ như thế, nếu nó (người đồng nghiệp) không đẹp hơn, không mặc quần áo đắt tiền hơn, không trẻ hơn, không có kép ngon lành hơn người viết thư.

Những thứ mùi của cơ thể thực ra là những mùi thơm nhất, đáng quí nhất, nhưng chúng ta đã bị xã hội và các hãng sản xuất nước hoa tuyên truyền, làm cho chúng ta tin đó là những mùi cần phải dẹp đi, đánh át đi, ngụy trang đi đằng sau những thứ son phấn, nước hoa, aftershave, deodorant...

Ðó là những cái mùi hết sức hấp dẫn mà tổ tiên của chúng ta không bao giờ ghê sợ, trái lại, còn yêu thích ghê gớm là đằng khác. Những cái mùi đó chỉ xuất hiện khi người ta bắt đầu trưởng thành về mặt tính dục. Trẻ nhỏ không hề có những mùi đó. ÔÛ các loài vật hạ đẳng, những thứ mùi đó chỉ xuất hiện vào một mùa nào đó để chuyện tìm nhau cho dễ. Hết mùa yêu nhau, mùi đó lại biến mất. Nhưng loài người, thì những mùi đó còn mãi.

Nó là cái mùi mà một ông vua Việt Nam mong giữ lại được trong chiếc áo cũ của người cung phi yêu dấu đã ra đi. Nó là mùi của nàng, của "O Bằng", không bao giờ là mùi hương nhu, mùi bồ kết hết. Muốn có mùi hương nhu hay mùi bồ kếp thì ra ngồi ở gốc cây hương nhu, cây bồ kếp cho nó mát chứ gấp cái áo cũ của nàng lại làm quái gì cho nó chật cả hoàng cung.

Trước khi biết được những chi tiết quan trọng về nàng, Letitia Baldrige đã cố vấn sắc đẹp ngay, nào là nói cho khéo, nào là mang theo quà vài chai deodorant cho nàng xức cho bõ những ngày cơ cực...

Letitia Baldrige có thể chưa bao giờ ngồi cạnh một đồng nghiệp lâu lâu cao hứng không biết làm gì, tung ra một quả võ khí hóa học tục gọi là nước hoa, cho các đồng nghiệp được dùng ké nước hoa miễn phí mấy tiếng đồng hồ để về nhà lại khổ vì những lời cật vấn về nguồn gốc của cái mùi nước hoa ghê rợn đó nên mới đề nghị tặng quà cho nàng vài thứ deodorant. Letitia Baldrige cũng có thể chưa bao giờ phải ngồi trong một căn phòng kín với một diện tích chỉ hơn cái xe bus một chút với những mùi nước hoa khác nhau hòa trộn cùng với những tinh thể mỡ, dầu ăn bay từ mấy món xào nấu ở nhà quện vào những thớ vải trên áo.

Trong những trường hợp như thế, thì hãy nghĩ tới những biện pháp can thiệp, dẫu cho tế nhị và ngoại giao cách mấy đi chăng nữa, thì chuyện mất lòng nhất định vẫn xẩy ra như thường. Chúng ta sống trong một xã hội với trình độ văn minh rất cao. Vì lẽ đó, bệnh hơi thở hôi là bệnh rất khó chữa. Khó chữa vì không biết mà chữa. Không biết vì không ai nỡ nói thật với ngồi có hơi thở làm héo vườn hoa hồng, làm chết cá ao anh mỗi khi đi qua.

Cách hay nhất là không nói gì hết, Biện pháp phòng chống là đi ra tiệm Army Surplus bán quần áo nhà binh thặng dư kiếm mua lấy cái mặt nạ hơi độc đem vào sở, khi nào chai-nước-hoa-biết-đi xẹt ngang qua, thì lôi ra đeo vào, vừa đeo vừa giải thích là vui sống nhưng không quên ông Saddam Hussein và kho võ khí hóa học của ông, caån tắc một chút có lẽ... cũng không thừa.

Chẳng lẽ lại hét lên rằng nước hoa... ai vừa mũi người ấy thì kỳ quá.

Phải chi nó là mùi Guerlain hay Donna Karan thì cũng được đi.

Nếu không, cứ để tự nhiên có phải là nhân quyền của đồng nghiệp không bị vi phạm không nào.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện.

QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. LÃM THÚY, QUỲNH ANH, và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần sẽ ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Một vài danh từ, hai ba động từ, những thành ngữ chúng ta nghe rất quen, mấy điểm văn phạm chúng ta đã quên, những cái kỳ quái của tiếng Anh sẽ được gửi tới quí vị trong những chương trình mỗi tuần. Lãm Thúy có thắc mắc gì hôm nay?

LÃM THÚY

Có đây Quỳnh Anh. Thúy muốn nhờ thầy Trúc nói về cách đặt câu với chữ IT được không? Một người bạn Mỹ cuả Thúy nói rằng cái đại danh từ chỉ trống không này rất hữu ích và cũng rất thường gặp. IT RAINS , IT IS HOT thì Thúy biết rồi. Còn những cách dùng khác nữa của IT không thưa anh?

BBT

Không ÍT.

QA

Không ÍT là nhiều phải không thưa anh? Có rất nhiều cách dùng IT. Nghĩa là ÍT nhiều, nhiều ÍT đấy.

BBT

Thôi được để tôi bắt đầu bằng IT IS và IT WAS.

Ðại danh từ IT như Thúy nói ở trên, nó không thay thế, đại diện cho ai hết. Nó đứng chơi vậy thôi. Nhưng để tôi lấy một thí dụ thì thấy tại sao nó đứng đó vậy.

IT IS NICE TO BE IMPORTANT BUT IT IS IMPORTANT TO BE NICE

LÃM THÚY

Câu này hay tuyệt. Thúy có nghe đâu đó rồi. Có lần Thúy bị yêu cầu dịch sang tiếng Việt mà không sao dịch được, chỉ hiểu đại khái là được làm người quyền cao chức trọng thì cũng hay lắm, nhưng là người tử tế cũng rất quan trọng.

QA

Ðúng rồi, câu này nghe thì dễ mà rất khó dịch vì NICE vừa có nghĩa là tử tế, vừa có nghĩa là hay, là tốt. Không nên dịch, cứ để nguyên. Nhưng vấn đề ở đây không phải là dịch sang tiếng Việt, mà là cách đặt câu với dại danh từ chỉ trống (impersonal pronoun) IT ở đầu câu. QA thấy thực ra, chủ từ cuả động từ TO BE không phải là IT.

BBT
Không phải là IT thì là … nhiều vậy. Xin lỗi hai cô, cho tôi đùa một chút. Cô QA nói rất đúng. Ðại danh Tự IT không phải là chủ từ của IS NICE. Chủ từ của nó là TO BE IMPORTANT. Ðáng lẽ phải nói là TO BE IMPORTANT IS NICE , và vế sau phải là TO BE NICE IS IMPORTANT . Như vậy, câu hoàn toàn rõ nghĩa chưa hai cô?

LÃM THÚY

Rất rõ nghĩa. Ðại danh từ IT không thay thế cho ai hết, nó được dùng để NHẤN MẠNH cho các chữ IMPORTANT và NICE mà thôi. Thí dụ Thúy muốn nói đi bầu là chuyện cần thiết, nhưng muốn nhấn mạnh vào sự cần thiết, thì Thúy sẽ phải dùng cách đặt câu IT IS phải không QA?

QA

Ðúng. IT IS NECESSARY TO USE IT. Dùng IT là điều cần thiết phải không thầy? Thúy vừa nói rằng đi bầu là điều cần thiết, quan trọng thì nói thế này có phải không : IT IS IMPORTANT TO VOTE. QA biết rằng ở bên Úc, chuyện đi bầu là bắt buộc IN AUSTRALIA, IT IS COMPULSORY TO VOTE.

BBT

Như vậy, hai cô đã biết dùng và hiểu tại sao chúng ta dùng cách đặt câu đó. IT IS COMPULSORY TO VOTE hay là TO VOTE IS COMPULSORY đều là một. Nhưng dùng IT IS khiến cho sự bắt buộc được nhấn mạnh thêm.

Những câu đặt theo kiểu này rất hay gặp. Trường hợp cần dùng tới chúng thì nhiều lắm. Cứ cho một tĩnh từ vào sau IT IS, rồi dùng một động từ chưa chia, INFINITY tức là động từ có chữ TO đằng trước là được .

Thí dụ: IT IS EARLY, LATE, COLD, POSSIBLE, IMPOSSIBLE, CHEAP, EXPENSIVE, HOT, INTERESTING, HARMFUL, KIND OF YOU...

QA

Anh cho QA hỏi là nếu không dùng IT IS, mà dùng IT IS NOT có được không?

BBT

Cô hỏi một câu rất hay, suýt nũa thì tôi quên. Ðược chứ. IT IS POSSIBLE TO FLY TO THE MOON.

BUT IT IS NOT POSSIBLE TO FLY TO THE SUN AND BACK.

IT IS HARMFUL TO DRINK TOO MUCH

IT IS NOT HARMFUL TO USE THE CELL PHONE

IT IS NEVER A GOOD THING TO TALK TO HIM

IT IS NOT USEFUL TO TALK TO YOUR KNEE

IT IS UNFASHIONABLE TO WEAR A BOW TIE TO A PHỞ RESTAURANT.

LÃM THÚY

Thế khi đặt câu hỏi thì làm như thế nào thưa anh? Chỉ cần đảo ngược động từ TO BE lên trước đại danh từ IT là đúng phải không anh? Như Thúy nói thế này: IS IT EARLY TO EAT NOW? IS IT IMPORTANT TO KNOW THREE LANGUAGES? IS IT POSSIBLE TO SWIM LIKE FISH? IS IT EXPENSIVE TO OWN A ROLLS ROYCE?

BBT

Ðúng. Và phủ định là IT IS NOT hay IT IS NEVER. IT IS NOT POSSIBLE TO TALK IN THE WATER.

Bây giờ tôi hỏi hai cô rằng hai câu này có gì khác nhau không:

IT IS EASY TO GET A LOAN

IT WAS EASY TO GET A LOAN

QA

IT IS EASY TO GET A LOAN nghĩa là xin vay tiền thì dễ và IT WAS EASY TO GET A LOAN nghĩa là trước đây, vay tiền mua xe, mua nhà rất dễ. Bây giờ các điều kiện khó khăn hơn nên vay tiền không dễ nữa. Khác nhau là trong câu đầu, động từ TO BE ở thì hiện tại (PRESENT TENSE): IT IS. Trong câu thứ hai, động từ TO BE ở thì quá khứ (PAST TENSE).

BBT

Ðúng. Nhưng trong những trường hợp khác, ý nghĩa có thể rất khác nhau. Khác nhau kinh khủng. Tôi tưởng tượng ra trường hợp này nhé: Thúy về nhà, xem đồng hồ thấy đã 12 giờ, con gái vẫn còn ngồi xem TV, thì Thúy sẽ nói với con gái như thế nào? Con ơi, đã đến giờ đi ngủ rồi đấy...

LÃM THÚY

DARLING, IT IS TIME TO GO TO BED.

QA

Hay cũng có thể nói IT IS TIME FOR BED phải không thưa anh?

BBT

Ðúng. Hay cũng có thể dài dòng hơn IT IS TIME FOR YOU TO GO TO BED. Nhưng đó là con gái Thúy đã lớn, đã đi học đại học rồi, thức đến 12 giờ là chuyện thường. Thúy xem đồng hồ thấy 12 giờ, nhắc con đi ngủ. Con gái Thúy thường ngày vẫn 12 giờ mới đi ngủ thì nói như vậy là đúng. Nhưng thí dụ Thúy về nhà, xem đồng hồ thấy đã 2 giờ 30 sáng mà con gái chưa đi ngủ trong khi thông lệ thì cứ 12 giờ đêm là phải đi ngủ. Vậy thì Thúy có thể nói IT IS TIME TO GO TO BED được không?

LÃM THÚY

Chắc cũng được.

QA

QA thấy là được, nhưng nếu muốn nói với con rằng muộn quá rồi, đi ngủ đi con thì phải nói khác đi chứ không thể IT IS TIME TO GO TO BED được. Dùng thì PRESENT ở câu này không được , vì 2 giờ rưỡi là quá thông lệ 12 giờ rồi. QA thử nói anh coi đúng không nhé: OH MY GOD! IT WAS TIME TO GO TO BED... Trời đất ơi, sao bây giờ 2 giờ rưỡi sáng rồi mà sao con chưa đi ngủ? Ði ngủ nhanh lên...

LÃM THÚY

Ðúng rồi ! Ðúng rồi! Mà phải nhấn mạnh vào chữ WAS. IT WAS TIME TO GO TO BED. IT WAS BEDTIME ALREADY. IT WAS WAY PAST BED TIME. IT WAS TIME YOU WENT TO BED... Hay quá, chỉ một chi tiết nhỏ, đồng hồ chỉ 2 giờ 30 là phải nói khác đi ngay.

QA

QA có ông anh họ, năm nay đã ngoài 50 tuổi mà vẫn độc thân vui tính. Lần tới gặp ông ấy, QA sẽ phải nói với ông ấy rằng: IT WAS TIME FOR YOU TO GET MARRIED hay IT WAS TIME YOU GOT MARRIED... Nghe vậy chắc ông ấy phải hiểu ngay và sẽ đi kiếm vợ lập tức.

LÃM THÚY

Còn Thúy thì sẽ nhắc mình: IT IS TIME TO CHANGE THE OIL OF THE CAR. Nếu thấy đồng hồ chỉ quá 3 ngàn dặm thì sẽ phải nhắc IT WAS TIME TO CHANGE THE OIL hay IT WAS TIME I CHANGED THE OIL. Chỉ cần dùng động từ trong quá khứ là hiểu ngay, khỏi phải nói là này mỗi 3000 dặm là phải thay nhớt, mà nay đồng hồ chỉ 4 ngàn 500 dặm sao chưa thay nhớt? Bộ con muốn xe cháy máy hay sao?

QA

QA thấy câu này tiện quá.

IT WAS TIME FOR HANOI TO RETURN THE PROPERTY TO THE CHURCH

IT IS TIME FOR MY YOUNGER DAUGHTER TO THINK ABOUT UNIVERSITY

IT WAS TIME TO PREPARE FOR DINNER...

BBT

Bây giờ tôi sẽ chỉ cho hai cô một cách đặt câu khác, cũng dùng IT IS và IT WAS mà hai cô chắc chắn sẽ thấy là rất tiện.

Các cô nghe hai câu này: IT IS LATE. I DO NOT WANT TO GO TO THE MOVIE.

Nghe dài dòng quá phải không. Bây giờ đã muộn. Tôi không muốn đi xi nê.

Vậy thì tôi có đi xi nê không? Không.

Thay vì phải dùng tới hai câu, tôi có thể viết ngắn lại thành 1 câu mà vẫn đủ nghĩa.

LÃM THÚY

Thúy biết phải nói như thế nào rồi. Có phải như thế này không? IT IS TOO LATE TO GO TO THE MOVIE.

BBT

Ðúng boong.

QA

QA còn có thể làm cho ngắn hơn nữa. Ðây cũng là nhờ học của con QA đây: IT IS TOO LATE FOR THE MOVIE.

BBT

Ðúng lắm. Nhớ là trong câu các cô vừa nói ở trên KHÔNG có một chữ chỉ PHỦ ÐỊNH tức là NEGATIVE nhưng ý nghĩa thì lại là phủ định. Tôi không nói IT IS LATE SO I DON’T GO TO THE MOVIE mà người nghe vẫn hiểu là tôi KHÔNG đi xi nê vì lúc ấy đã muộn.

Hai cô nghe câu này chưa: IT IS TOO GOOD TO BE TRUE.

LÃM THÚY

Thúy hiểu nhưng không biết nói tiếng Việt như thế nào. Chuyện ấy quá tốt để là sự thực.

QA

QA nhớ một bài hát có một câu chắc mang ý nghĩa như thế: MY BELOVED, THAT LOVE CASTLE IS SOMETHING TOO GOOD TO BE TRUE

Em ơi lâu đài tình ái ấy chắc không có trên trần gian... QA xin phép cố nhạc sĩ Nhật Trường để dịch như thế.

BBT

Ðúng lắm. Cô được người cho biết là có một căn nhà đang muốn bán, 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm, gara đậu 2 xe, đằng sau có bể bơi, nhà mới ở khu sang trọng gần Holywood, giá 200 ngàn thì hai cô phải trả lời như thế nào?

QA & LÃM THÚY

IT IS TOO GOOD TO BE TRUE

QA

Có một trường hợp này QA cũng không biết dùng sao cho đúng. Ðó là chữ NO. NO là KHÔNG. Nhưng sau đó tại sao có khi là danh tù số nhiều PLURAL NOUN, tại sao lại có khi là danh từ số ít SINGULAR NOUN?

BBT

Cô QA hỏi một câu rất lý thú. Sau NO, người ta có thể dùng số nhiều và cũng có thể dùng số ít. Nhưng cũng có khi phải dùng số nhiều, không dùng số ít được và ngược lại, nghĩa là phải dùng số ít, không thể dùng số nhiều.

Tùy theo danh từ theo sau nó.

Thí dụ những câu bắt đầu bằng HE HAS .

HE HAS NO FATHER. Danh từ FATHER phải là số ít. Anh ấy không có cha. Danh từ FATHER phải là số ít, vì nếu có thì cũng chỉ có MỘT người cha mà thôi.

HE HAS NO BROTHER / HE HAS NO BROTHERS đều được cả. BROTHER/ BROTHERS là anh em. Có người chỉ có một anh hay một em trai, còn thì toàn là chị em gái. Vậy thì nói HE HAS NO BROTHER đúng. Nói HE HAS NO BROTHERS cũng đúng.

Ðó là trường hợp có 1 hay có nhiều.

Cũng có trường hợp nếu có thì phải có nhiều, gần như không bao giờ có 1.

Có bao giờ như vậy không cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Chắc là có. Răng chẳng hạn. Có thì phải có 32 chiếc. Không bao giờ chỉ có 1 chiếc. HE HAS NO TEETH. Không thể nói HE HAS NO TOOTH.

QA

Vậy thì cũng phải nói HE HAS NO FINGERS phải không thưa anh?

BBT

Chúng ta cũng có thể dùng THERE IS hay THERE ARE với danh từ theo sau số ít hay số nhiều.

THERE IS NO GOD BUT ALLAH đây là lời tiên tri Muhammad của đạo Hồi.

THERE ARE NO PEOPLE LIVING IN THE MOON.

Nhưng chúng ta phải nhớ là với những danh từ KHÔNG ÐẾM ÐƯỢC, chúng ta phải dùng THERE IS hay THERE WAS.

WHERE THERE IS A WILL, THERE IS A WAY

THERE IS NO WATER IN MARS

THERE IS NO MONEY IN THE ACCOUNT

THERE IS NO FURNITURE IN THE HOUSE

THERE IS NO SMOKE WITHOUT FIRE.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.