November 18, 2010

November 19, 2010

Ngày 15 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Trong khi giá cả của hầu như tất cả mọi thứ thương phẩm, dịch vụ trên thế giới đều gia tăng, thì có một thứ, ít nhất là một thứ, không những giá cả không tăng, mà còn xuống một cách thảm hại là đằng khác.

Món danh chẳng hạn. Món này có lúc đắt ghê gớm, nhưng bây giờ thì lại rẻ mạt. Ngày xưa - không biết ở thời điểm nào - có lúc món danh này trị giá đến ba mươi ngàn đồng. Món tiền ba mươi ngàn đồng Vạn Lịch (thích bốn chữ vàng) hay ba mươi ngàn đồng Bảo Ðại thì cũng vẫn là những khoản tiền lớn hơn năm chục Mỹ kim của ngày hôm nay rất nhiều. Vậy mà với năm chục Mỹ kim ngày nay, người ta có thể mua được món hàng bán với giá ba chục ngàn trước kia dễ ợt.

Thuở ấy, muốn mua danh, người ta phải chi ba mươi ngàn đồng. Bán nó đi, thu về được ba đồng đã là may lắm. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng," là câu tục ngữ ghi lại giá cả của món hàng này vào lúc ấy.

Ngày nay, muốn mua tí danh để thỏa mãn cái háo (?) trong người, những con người háo danh chỉ cần chi có năm mươi Mỹ kim là có ngay cái... danh "thi sĩ" cho mẹ cháu phục điên lên, quyết kiếp sau lại tìm cho được chàng để lấy, bỏ cho đứa khác lấy mất thi sĩ của đời mình tưởng không còn có gì phí uổng cho bằng.

Những chuyện như thế, chuyện mua cái danh rẻ rề, số người không biết bao nhiêu, ngoài chính những người mua chúng, bởi lẽ các đương sự, sau khi bỏ vài chục Mỹ kim ra, thì không muốn người khác biết cái danh rất rẻ đó của mình, nên dấu biệt như mèo dấu những thứ trong ruột chúng thải ra. Mãi cho đến khi chương trình Prime Time của hệ thống truyền hình ABC lôi chuyện này ra nói cho cả nước biết, người ta mới vỡ lẽ là món danh bây giờ rẻ mạt.

National Library of Poetry năm nào cũng dụ những người thích danh bằng những bức thư gửi đến tận nhà, ân cần mời gửi thơ đến dự thi, hứa nếu được chọn, sẽ được in vào tuyển tập thơ cùng với các nhà thơ khác. Các nhà thơ mầm non cũng như mầm già mừng quá, tưởng tượng ra cảnh võng loïng nghênh ngang về hù mẹ cháu và mấy người bạn dễ tin, bèn lôi ra những đống cóc và nhái chứa trong mấy cái hũ nút ra, gởi cho National Library of Poetry, theo đúng lời yêu cầu của những lá thư viết hú họa nhận được trong đống junk mail. Chờ đợi ít ngày thì tất cả đều được hồi âm của National Library of Poetry loan báo thơ đã được chọn. Bức thư yêu cầu "nhà thơ" gửi cho năm chục đô-la để thanh toán phí tổn in thơ

Không một "nhà thơ" nào từ chối đề nghị tiền bạc đó. Không những thế, các "nhà thơ" này còn gởi tiền đặt mua thêm năm, bẩy cuốn khác, mỗi cuốn trị giá năm chục để tặng bạn bè và mấy em bé "thục nữ chỉ mê thơ" như trong thơ Ðinh Hùng cho các em mê chết bỏ luôn cả các "nhà thơ" cho bõ ghét. Chỉ chi ra có năm chục Mỹ kim mà thành "nhà thơ" thì làm sao mà từ chối cho được.

Vì thế mà trò bịp lấy tiền này năm nào cũng kiếm được tiền của những thứ háo danh điên cuồng đó. Các "nhà thơ" này sau khi có thơ in trong tuyển tập, liền long trọng thông báo cho bạn bè thân quen biết rằng các chàng đã trở thành nhà thơ Mỹ đàng hoàng để mức độ khinh miệt dành cho các chàng trước đó được cắt giảm đi đôi chút. Mà phải cắt giảm chứ. Ðừng có tưởng Ăng lê ở đây ấm ớ. Ăng lê này làm được cả thơ, lại được phong tước hiệu "thi sĩ quốc tế" chứ ít sao. Các "nhà thơ" này sau đó, có chàng còn mở tiệc mừng, mời bạn bè, họ hàng đến nhâm nhi cái danh vọng lớn các chàng vừa mang về. Các chàng còn gà cho vài ba nhà báo viết bài khen nhặng lên, so sánh các chàng với Octavio Paz, T. S. Eliot, e.e. cummings, Robert Frost... khiến mấy ông nhà thơ này lăn lộn không yên dưới mồ mãi. Tội nghiệp biết là chừng nào!

Chương trình Prime Time của ABC chắc cũng điên người vì các "nhà thơ" này nên đã phải gửi một phái viên đi làm phóng sự về các nhà thơ này và để xem sự tuyển chọn thơ được thực hiện như thế nào

Phái viên của đài tới một trường tiểu học nọ, nhờ các em học sinh lớp Hai, những em chưa bao giờ biết luật thơ, kỹ thuật thơ, phương pháp ẩn dụ, so sánh trong thơ, cách hiệp vần, cấu tứ... là gì, viết mỗi em một bài thơ. Phái viên giúp các em đánh máy lại, in ra bằng computer cho đẹp và gửi tới National Library of Poetry. Thế rồi đúng như phái viên của ABC đã đoán được từ trước: tất cả thơ của các nhà thơ nhi đồng này đều được... tuyển chọn để in trong tuyển tập. Tất cả đều được yêu cầu gửi cho National Library of Poetry số tiền năm chục Mỹ kim để có thể trở thành "nhà thơ" hệt như mấy cậu háo danh to đầu khác.

Chỉ khác là các em học sinh lớp Hai này, khi được thông báo thơ của các em được chọn để in và nhà xuất bản cần năm chục Mỹ kim của các em thì các em đều hét ầm lên "Give me a break!" trước ống kính thu hình của đài ABC.

Chứ các em không kiếm bộ smoking, đeo cái nơ đen, mở cái party ăn mừng được tặng cái danh "thi sĩ quốc tế" bao giờ.

Nói và viết tiếng Việt cả đời cũng làm gì có chuyện ai cũng có thể trở thành Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa... đâu. Thế thì tại sao lại nghĩ rằng Ăng lê học vài ba năm có thể làm thơ được bằng tiếng Mỹ?

Bao nhiêu triệu người Ấn mới có được một Rabindranath Tagore? Rõ khổ thân.

Hay đã đến lúc phải tăng cái giá... danh hão này lên chút xíu nữa cho kịp với tốc độ tăng giá của... nước mắm?


Ngày 16 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Tôi vẫn còn chiếc áo của Banana Republic bạn mua cho tôi hơn 10 năm trước và thỉnh thoảng vẫn lôi nó ra mặc, trong những chuyến đi xa, hay trong những ngày nóng như hôm nay.

Như vậy là kích thước của nó và của tôi vẫn không thay đổi từ hơn 10 năm nay. Nó không chật đi hay rộng ra chút nào. Chúng tôi không khó chịu về kích thước của nhau như nhiều cặp khác.

Trong cái hộp đựng nó mà bạn gửi cho tôi, có một tờ giấy nói về chiếc áo mà Banana Republic gọi là correspondent's jacket, áo ký giả, tôi vẫn còn giữ. Ðoạn viết ngắn nói rằng chiếc áo cho người mặc nó nhiều tự do, trong đó có cả tự do di chuyển, những thứ mà các thông tín viên của thông tấn xã TASS và của nhật báo Pravda, hai cơ quan thông tấn của Liên Bang Xô Viết thường không có. Ðoạn văn viết thật khéo khiến người mặc nó, chưa làm báo bao giờ cũng muốn bỏ việc đang làm để đi làm báo.

Muốn gọi là correspondent's jacket hay safari jacket thì nó cũng chỉ là một. Có điều nó phải may bằng kaki mầu cát sa mạc Sahara, 4 túi, có cầu vai để khi đeo chiếc Leica hay chiếc Nikon khỏi bị tuột, trên túi ngực trái, là những cái túi nhỏ để đựng mấy cuộn phim 35mm, vai bên phải được lót thêm một lớp vải độn bông ở trong để khi gác lên vai, khẩu Remington bắn đạn thủng da voi khỏi làm đau vai Ernest trong những lúc chàng lần mò theo dấu chân bầy sư tử ở Serengeti dưới chân núi Kilimanjaro...

Và cứ mỗi lần mặc nó vào, là lại như nhìn thấy Ernest đứng trong khung cửa sổ của Grand Hotel des Iles Boromeés ở Stresa ngó xuống hồ Maggiore tại Ý, hay khi chàng quì bên cạnh con trâu rừng vừa bắn được trong một chuyến đi săn ở Phi châu, hay khi chàng cúi trên chiếc máy chữ, tay cầm chiếc bút Montblanc hai mầu đen và đỏ hí hoáy sửa bản thảo bằng những chữ trông như những đoạn dây kẽm soắn vào nhau.

Ernest Miller Hemingway, ông già và biển cả, giã từ võ khí, mặt trời cũng mọc, chết lúc xế trưa, bên kia sông trong những lùm cây, tuyết núi Kilimanjaro, chuông gọi hồn ai... ra đời ngày 21 tháng 7 năm 1899. Một viên shot gun tự bắn vào họng năm 1961 biến chàng thành bất tử . Thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy một cuốn sách chưa in của chàng: A Moveable Feast, Island In The Stream, và mới đây, True at First Light.

Những thứ chàng đụng tay vào , đều như có ma thuật biến thành những vật được bao nhiêu người yêu mến. Cách viết hết sức giản dị, không một dấu chấm than trong bằng ấy trang sách, những chữ "and" đếm được ở mỗi dòng như kéo, như giữ người đọc ở lại với chàng...

Và luôn cả cái kiểu áo chàng mặc, cũng thành một món thời trang: Hemingway Safari Jacket mà bạn gửi cho tôi.

Trước đây, tôi chỉ nghĩ cái áo đó làm cho đời sống tôi giản dị đi được khá nhiều: không phải ủi cho thẳng nếp, vì Ernest không bao giờ nhà quê như thế. Không thể mặc cái áo đó mà lại còn nguyên hồ cứng sột soạt mỗi lần cử động. Ðể sư tử nghe thấy nhẩy tới vồ chết hay sao? Không ủi là phải.

Vì thế , nó đỡ hẳn cho người đàn ông giaø naøy việc đứng lom khom loay hoay với cái bàn ủi mỗi lần lôi nó ra mặc.

Nhưng một vài chi tiết trong cuốn tiểu sử Hemingway của Kenneth S. Lynn lại còn có thể khiến cho đời sống của nhiều người giản dị đi rất nhiều hơn thế nữa.

Kenneth S. Lynn kể rằng một lần, Martha Hemingway có việc phải đi xa, bà đã phải cẩn thận nhờ một người bạn chăm sóc chồng hộ vài ba ngày. Martha dặn bạn rằng phải để ý ông hề (the big clown) này, nhớ nhắc chàng cạo râu, tắm rửa mỗi khi ra đường... Kenneth S. Lynn viết rằng trong câu dặn dò tuy có nét đùa nghịch trìu mến ở trong, nhưng chuyện Ernest ở dơ lúc đó đã bắt đầu khiến cho Martha phiền hà không ít. Nàng gọi chàng bằng một cái biệt hiệu khác, vừa âu yếm, vừa hơi chút bực bội: "The Pig".

Hemingway ở bẩn.

Chao ơi, sao mà tuyệt diệu như vậy! Không những từ nay, chiếc safari jacket đó không cần phải ủi thẳng nếp (đã làm), mà còn có thể mặc ít nhất 1 tuần không cần giặt.

Ði săn (sư tử, tê giác, trâu rừng) hay đi săn tin thì cái áo có 1 tuần không giặt cũng chẳng sao.

Thế là lại càng có thêm lý do để thích Ernest hơn nữa, ngoài văn chương của chàng.


Ngày 17 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Hơn hai năm trước, Hallmark tung ra bán những tấm thiệp có viết sẵn vài câu, để người mua gửi đi, chia xe nỗi buồn đau của những con chó, những con mèo bất hạnh vừa bị những nhát dao mổ làm cho đời chúng không bao giờ bình thường nữa.

Loạt thiệp đó có số tiêu thụ rất đáng kể, mặc dù người ta không biết có bao nhiêu con chó, bao nhiêu con mèo đau khổ thực sự đọc được những dòng chữ an ủi trong thiệp. Cứ tưởng tượng trong lúc cái đau còn nhoi nhói, những vết khâu còn quá mới, chưa bắt đầu lành, con vật khốn khổ đang trốn tuốt trong góc nhà xe, nét kinh hoàng vẫn còn nguyên trên mặt, mà có người tìm đến tận nơi, quăng tấm thiệp mua ở tiệm xuống trước mặt, dẫu cho là thiệp chia buồn, thì ngay đến người cũng còn sợ chết khiếp nói chi đến con chó, con mèo vừa bị thiến.

We heard you have been fixed. We did not know you were broken... Chúng tôi nghe nói cậu vừa bị đem đi chỉnh trang. Chúng tôi đâu có biết cậu bị trục trặc bao giờ đâu... Câu an ủi cố làm ra hài hước đó có lẽ không nên để những con chó hay những con mèo đó đọc được thì tốt hơn. Khôi hài không đúng chỗ là vậy.

Nhưng Hallmark không ngừng ở đó. Hôm qua vào tiệm sách gần sở, toâi thấy một mẫu thiệp mới của Hallmark. Tấm thiệp có hình vẽ một con chó đang đứng nhìn về một căn nhà ở phía xa, nằm giữa những ngọn đồi, một làn khói bốc lên từ ống khói, cảnh thật bình yên. Họa sĩ vẽ rất khéo làm người xem thấy ngay là con chó có vẻ luyến tiếc căn nhà, căn nhà nó vừa rời bỏ. Bên trong là mấy câu chia buồn về sự ra đi của nó. Chó chết chưa hết chuyện. Nhưng Hallmark chắc chưa có cố vấn khá, chứ nếu có, thế nào chẳng in thêm câu cầu chúc hương linh nó được sớm tiêu diêu miền cực lạc, khỏi sa chân vào nồi rựa mận, chả chìa oan nghiệt...

Thiệp đầu tiên là để gửi cho nó khi nó bị đường dao tàn ác, thiệp thứ hai là để gửi cho chủ nó, khi nó giã từ cõi đời.

Tôi có cảm tưởng Hallmark sẽ không ngừng ở tấm thiệp thứ hai này. Thành công này nhất định sẽ kéo tới những thành công khác. Vậy thì Hallmark sẽ còn vẽ ra những chuyện gì nữa?

Thì chắc là thiệp sinh nhật, thiệp ngày chó mẹ và ngày chó bố (để những S.O.B. tức là đồ chó đẻ - son of a bitch - mua gửi) thiệp mừng năm mới, thiệp báo hyœ...

Mà tại sao không? Phải có cái thiệp báo cho mọi người biết chuyện ngày lành tháng tốt của nó chứ. Cũng phải vài dòng chữ đại khái ông bà XYZ trân trọng báo tin lễ thành hôn của Fido và Belle vào ngày... tháng... năm... tại gốc cây bạch dương cạnh vòi nước cứu hỏa góc đường Oak và đường Elm street. Có thể thêm vài ba chi tiết như Fido đã tốt nghiệp trường vâng lời, từng đi quân dịch trong lực lượng quân khuyển, có chích ngừa bệnh dại đàng hoàng, tuy còn trẻ nhưng đã có được sự nghiệp đang lên trong ngành gác dan, còn Belle thì giòng dõi trâm anh thế phiệt, rặt giống Yellow Labrador mấy đời làm chó săn, cũng tốt nghiệp trường vâng lời, lại từng là chó cảnh sát chuyên lùng bạch phiến ở phi trường, chưa cắn bậy ai, chưa móc thùng rác bao giờ, không sủa dai từ nửa đêm sang suốt sáng, lầu bầu, laûi nhải không lúc nào để cho Fido yên thân... Mối tình của đôi trẻ làm mềm lòng hai họ nên hai gia đình đành tác hợp cho chúng vân vân...

Mà nếu đã như vậy thì cũng phải có thiệp mừng đôi tân hôn trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn, đến đầu bạc răng long chứ. Rồi thiệp chúc lành bệnh, mau phục hồi sức khỏe, thiệp mừng vừa chấm dứt được xong những món nợ trả cho những con chó con, mừng ra khỏi được một liên hệ khủng khiếp, thiệp vừa thoát bị xe bắt chó vồ, thiệp mừng vừa được chuộc ra khỏi phú de, thiệp mừng vừa cắn gẫy cẳng con pit bull du côn ở đầu ngõ...

Chao ôi cứ thế là Hallmark có chuyện để làm, có sản phẩm mới tung ra đều đều, làm cho nước Mỹ càng ngày càng giầu mạnh. Những tấm thiệp như vậy sẽ bán chạy ào ào không thua gì tấm thiệp đầu tiên phân ưu cậu chó cậu mèo bị thiến.

Thế nên vào một lúc nào đó, bước chân vào tiệm bán các loại thiệp, thế nào chẳng có cảnh vài ba con chó kéo nhau vào mua thiệp gửi cho chủ sủa ủng oẳng loạn xạ lên vì không đồng ý được là mua cái nào vừa đẹp vừa rẻ để an ủi ông chủ vừa bị lôi đi làm vasectomy - tiểu giải phẫu cắt ống dẫn tinh - để trừ... hậu họa.


Ngày 18 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Mấy tháng trước, hôm tới một ngôi chùa để dự lễ cầu siêu cho ông cụ người bạn, trong khi chờ làm lễ, tôi tò mò đi xem những bức ảnh thờ bầy trong chùa. Tôi không nhận ra được một người nào quen trong những bức ảnh đó. Nhưng hình như bức nào cũng như kể ra được khá nhiều điều về cuộc đời của những người trong ảnh.

Có những bức ảnh rất đẹp, khi chụp, người trong ảnh chắc chẳng bao giờ nghĩ là có ngày những bức ảnh đoù của mình lại được đem bầy ở một ngôi chùa, mà lại một ngôi chùa ở Bắc Mỹ. Những người trong ảnh thuộc đủ các lớp tuổi khác nhau. Người đẹp, người không đẹp, người quần áo oai vệ, người cái áo bà ba bên cây dừa, người vấn tóc trần đẹp như bức họa của Tô Ngọc Vân, người thì vừa như từ một bức chân dung của Thái Tuấn bước ra. Trong số những bức tôi thấy ở chùa hôm ấy, có hai bức cứ đi theo tôi mãi từ đó cho đến nay.

Một bức là ảnh mầu, chụp một thiếu tá trong không lực Việt Nam Cộng Hòa. Người quân nhân trong ảnh còn trẻ, mặc quân phục đại lễ, huân chương hai ba hàng trên ngực. Ông qua đời sau năm 1975 tại một trại cải tạo ở Bắc Việt. Mấy chi tiết đó được gia đình cẩn thận ghi dưới bức ảnh.

Bức kia là hình đen trắng chụp một người lính tôi không rõ chöùc vuï vì tôi không biết gì về lon lá. Người quá cố trong hình có một khuôn măt hốt hoảng. Chắc ông không quen chụp ảnh. Bức ảnh có thể là bức duy nhất trong đời ông. Hình chụp trong một tiệm ảnh, đằng sau có phông vẽ phong cảnh, có cành cây, có tháp Rùa ở xa. Ông đội mũ lưỡi trai có một huy hiệu tròn với ngôi sao ở trong. Tuy là ảnh đen trắng, nhưng tôi đoán ngôi sao chắc phải mầu vàng và cái nền chắc mầu đỏ. Bộ quân phục của ông không phải laø của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một quân nhân miền Bắc. Theo hàng chữ ở dưới, ông tử trận ở Lào. Bức ảnh chắc phải là bức đẹp nhất ông để lại cho gia đình.

Hai bức ảnh, một của ông thiếu tá không quân Việt Nam Cộng Hòa, một của một quân nhân miền Bắc, phục vụ trong hai quân đội đối nghịch nhau suốt mấy chục năm trời thì nay được đặt cạnh nhau trong một ngôi chùa ở California. Mãi đến lúc có ngôi chùa Phật ở nước Mỹ, và hai gia đình sang đến quốc gia thứ ba này, hai ông mới được ở bên cạnh nhau.

Ông quân nhân miền Bắc, nếu còn sống, tuổi tác chắc cũng phải trên dưới saùu mươi. Ông thiếu tá phi công Việt Nam Cộng Hòa có thể hơn ông quân nhân miền Bắc một hay hai tuổi. Ông quân nhân miền Bắc tử trận ở Lào, trước năm 1975 nên ông không thể là người đã giết ông thiếu tá không quân miền Nam năm 1980. Và ông thiếu tá không quân, thì những quả bom dưới cánh của chiếc AD-6 hay chiếc F-5 hay chiếc A-37 của ông không thể gây ra cái chết ở mặt trận cho ông bộ đội miền Bắc vì phi cơ của ông không đánh bom ở Lào bao giờ.

Bây giờ, cả hai ông đều đã qua đời. Ông bộ đội khó có được nấm mồ tử tế ở dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Ông thiếu tá không quân Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ được vùi nông đâu đó ở một bìa rừng Bắc Việt gần bên trại cải tạo mà ông đã bỏ mình sau mấy năm học tập.

Gia đình ông thiếu tá không quân đã ở Mỹ. Gia đình ông bộ đội Bắc Việt cũng đang ở Mỹ.

ở một nơi khác, thí dụ như ở Việt Nam, ảnh thờ của hai ông chắc chẳng thể nào có dịp được đặt gần nhau như trong chùa Dược Sư ở California.

Nếu hai ông còn sống, thì cũng khó có thể có cảnh hai người đứng cạnh nhau ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trước năm 1975 cũng không. Mà sau năm 1975 thì lại càng không thể có chuyện như thế xẩy ra được.

Gia đình của hai ông nhất định thỉnh thoảng cũng ghé chùa thắp hương cho hai ông. Những lần lên chùa như thế, hai gia đình chắc chắn phải nhìn thấy hai bức ảnh được đặt bên cạnh nhau. Hai bức ảnh được chùa đặt bên cạnh nhau một cách tình cờ hay có chút chủ đích ở trong? Làm sao mà biết được. Nhưng có điều khá chắc chắn là hai gia đình không xin để cho hai bức ảnh được xếp cạnh nhau.

Xin cho hai bức ảnh được đặt bên cạnh nhau ở chùa thì chắc là không. Nhưng gia đình ông thiếu tá không quân chắc cũng không đòi đưa bức ảnh thờ của ông ra một nơi khác, một hàng khác, xa bức ảnh đen trắng của ông lính Bắc Việt, một tên ác ôn côn đồ Cộng phỉ. Nên bức ảnh mới tiếp tục nằm cạnh bức ảnh thờ người bộ đội.

Và gia đình của người lính Bắc Việt chắc cũng không yêu cầu nhà chùa đưa bức ảnh của ông ra chỗ khác, không ở gần ảnh thờ một sĩ quan Ngụy từng mang rất nhiều nợ máu với nhân dân. Nên bức ảnh đen trắng vẫn tiếp tục ở bên cạnh bức ảnh mầu của người đàn ông mặc quân phục đeo một bông mai bạc trên vai.

Trước dẫy ảnh thờ không có bát hương nên có muốn thắp hai nén hương cho hai ông cũng không được. Nhưng nếu có bát hương, thì tôi chắc tôi đã làm như thế. Cũng như nếu có đi qua sông Gianh, thấy có cái mồ, có sẵn thẻ hương, bạn có thắp lên, gắn xuống mộ không? Chắc là có. Bạn đâu còn thắc mắc người nằm đó là phía họ Trịnh hay là phía Nguyễn nữa đâu.

Tôi cũng có một đứa em họ chết mất xác ở Trường Sơn. Cô tôi đến giờ vẫn còn đau. Cô tôi không bao giờ nói rằng em họ tôi đi Nam để đánh Mỹ cứu nước bao giờ. Cô tôi chỉ nói là thằng P. chết mất xác. Nói đến nó, cô tôi bao giờ cũng khóc. Sau khi được tin nó chết, cô tôi quay ra nghiện rượu.


Ngày 19 tháng 11 năm 2010

Bạn ta,

Tôi nghĩ không gì có thể thay đổi nhiều hơn là cách con cái gọi cha mẹ trong khoảng thời gian trên dưới nửa thế kỷ nay ở những gia đình mà tôi biết.

Gia đình tôi chẳng hạn. Thế hệ ông bà cụ tôi thì chưa thấy có "ba me." Lối gọi đó, "ba me," vào thời điểm ấy tối tân quá, tân thời quá, thành thị quá, Tây quá. Tôi chưa thấy ai thuộc thế hệ ông bà cụ tôi gọi các bậc sinh thành là "ba me" bao giờ cả. Hồi đó hầu như luôn luôn là "thầy mẹ" hay "thầy u" hay "thầy đẻ." Có khi không là "u" hay "đẻ" mà là "bầm" hay "bu." Lối gọi đó thấy ít đi trong những năm 40, 50 và về sau.

Thế hệ ông bà cụ tôi, nếu ở thành phố, và nếu có đi học, thì bắt đầu dạy cho con cái gọi là "ba, me," và với một số khá đông khác, gọi là "cậu, mợ."

"Cậu, mợ" tuy không Tây như "ba me" nhưng nghe đã có vẻ tối tân, không còn nhiều chất đồng ruộng nữa. "Cậu mợ" đã thấy đầy không khí Ngày Nay, Phong Hóa, trường Bưởi, trường Bảo Hộ, Hà Nội, Tự Lực Văn Ðoàn, thơ Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, văn Khái Hưng, Nhất Linh, nhạc Tây thì Tino Rossi, Maurice Chevalier, tài tử Charles Boyer...

Thế hệ ra đời trong những năm 1940 hình như được cha mẹ dạy để dùng lối xưng hô này, cùng với "ba me" nhiều nhất. Những người bạn tiểu học của tôi thời đó, nếu bố là công chức, mẹ vấn tóc trần, ngôi lệch và áo dài Lemur, quần trắng, tân thời một chút, thì nếu không gọi "ba me," nhất định phải là "cậu mợ." Thời mới lớn của tôi, lối gọi "thầy u," "thầy đẻ" đã bắt đầu thấy ít đi. Hầu hết là những người lớn hơn tôi hẳn một thế hệ, 25 năm, mới gọi như thế. Ở trường học, phe gọi "thầy u" hay "thầy đẻ" bị coi là nhà quê, không thành thị và thiếu văn minh, thường là mấy cậu không ở Hà Nội, ông cụ bà cụ không biết nói tiếng Tây và không được dẫn đi ăn kem Bờ Hồ, xem ciné ở Cửa Nam... chúng tôi vẫn nghĩ như thế.

Ngay cả lối gọi "cậu mợ" của mấy chị em tôi, nhiều lúc chính tôi cũng thấy hơi... nhà quê, so với bọn gọi "ba me" ở trường. "Ba me" nghe Tây hơn "cậu mợ," chắc vì lối gọi đó nghe gần với tiếng Pháp hơn. Cha mẹ bọn gọi "ba me," tôi nghĩ, vẫn có cái gì sang hơn, giàu hơn, Tây hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn phe gọi "cậu mợ" chúng tôi.

Nhưng lối gọi "cậu mợ" của chúng tôi cũng bắt đầu bị dẹp khi thế hệ này lập gia đình, có con cái. Thập niên 60, 70 bắt đầu thấy xuất hiện trở lại lối gọi "bố mẹ," lối gọi trước đó bị chê là xưa cũ, cổ lỗ không kém gì "thầy u" hay "thầy đẻ" của thế hệ ông bà cụ tôi, thế hệ Luân Lý Giáo Khoa Thư mặc áo the, đội mũ liège trắng, đi guốc, học trường tỉnh, đỗ xéc ti phi ca, đỗ đít lôm, đỗ bắc, hát "J'ai deux amours"...

Rồi chính lối gọi "cậu mợ" lại bị chính cái thế hệ dùng nó đào thải. Tôi cho là nó có nguyên do tâm lý ở trong. Dạy con dùng lại lối gọi cha mẹ của mình (cậu mợ) người ta sợ nghe cũng có vẻ già đi, chậm tiến, thiếu nét hiện đại như thế hệ trước của mình. Lối gọi "bố mẹ" tuy cổ xưa, nhưng cái gì lâu không dùng, đem ra dùng lại, tự nhiên lại thấy mới.

Tôi nhìn thấy điều đó khi đưa đón đứa con trai đầu lòng đi học ở ngôi trường mẫu giáo hồi còn ở Sài Gòn. Trong lúc đợi nó ở trong lớp chạy ra, tôi nghe những đứa bạn nó thẩy đều gọi cha mẹ đến đón ở cổng trường là "bố mẹ." Thế hệ con tôi không gọi "cậu mợ" nữa. Gọi "ba me" cũng thấy ít đi. "Ba má" vẫn còn là số đông ở miền Nam. Nhưng phe "bố mẹ" vẫn là phe rất đáng kể.

Bây giờ, thế hệ gọi "bố mẹ" đã bắt đầu lấy vợ, lấy chồng, có con cái. Ở trong nước, không rõ chúng dạy con cái gọi chúng là gì, nhưng lũ con tôi, khoâng còn có đứa dạy con gọi chúng là "bố mẹ" nữa. Bọn cháu nội ngoại của chúng ta có nhiều phần sẽ gọi cha mẹ chúng là "mom," "dad."

Và như thế, bốn thế hệ trong thế kỷ này mà chúng ta đang sống, mỗi thế hệ đã dùng một lối gọi riêng để gọi cha mẹ. Trong khi nhìn sang nước Mỹ, lối gọi cha mẹ của họ không hề có những đổi thay ghê gớm như của chúng ta trong một khoảng thời gian quá ngắn như thế.

Tại sao có hiện tượng này và ý nghĩa của nó như thế nào, rồi đây thế nào cũng có người trở lại tìm cách giải thích.

Mà đó là không nói đến những lối gọi không chính thức sau lưng các cụ như "ông via, bà via," "ông bô, bà bô," "ông già, bà già"...

Chúng tôi vẫn tiếp tục dùng những lối gọi được dạy cho dùng từ hơn nửa thế kỷ nay, phải chăng việc giữ nguyên cái lối gọi đó cũng cho chúng tôi cái cảm tưởng còn trẻ thơ, còn bé chăng.

Chúng tôi cho là việc được dùng những lối gọi đó trong hơn nửa thế kỷ là một trong những hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 92)

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 92 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Mời thầy…

BBT

Là người ăn nhờ ở đậu với tiếng Anh từ mấy chục năm nay, tôi có cảm tưởng dường như tất cả người Anh, ai cũng có câu cám ơn ở cửa miệng. Trong một ngày không biết họ cám ơn bao nhiêu lần. Từ bộ Anglais Vivant, đến những đĩa nhựa 78 vòng của Linguaphone và Assimil, những bài học thứ nhất bao giờ cũng có câu cám ơn.

LÃM THÚY

Thúy cũng thấy điều đó. Nhưng Thúy thấy hình như có nhiều cách để cám ơn trong tiếng Anh lắm. Cũng là TO SAY THANKS cả, nhưng lúc thì THANK YOU, lúc thì THANKS, lúc thì THANKS A LOT… QA thấy vậy không?

QA

QA cũng thấy mấy đứa con không chỉ nói THANK YOU như QA, mà còn nhiều cách khác nữa phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Trẻ con trong các gia đình Anh và Mỹ đều được dậy nói câu cám ơn ngay từ lúc còn rất nhỏ. Thỉnh thoảng quên thì bị bố mẹ nhắc ngay: SAY THANK YOU… DON’T FORGET TO SAY THANK YOU…

Một đứa cháu lúc mới 4 tuổi của tôi đã có lần phải nhắc: YOU FORGET TO SAY THANKS, ÔNG NỘI!

LÃM THÚY

Như thế này có phải là nhắc không thưa anh? THANK YOU FOR NOT SMOKING!

BBT

Đúng vậy. Đó là một câu nhắc nhớ, hay để răn đe vậy. Nhắc khéo nhưng cũng cương quyết lắm đấy chứ. TO THANK SOMEBODY FOR SOMETHING là cám ơn ai về một chuyện gì, về một việc gì đó. Cái SOMETHING đó có thể là một danh từ hay một GERUND, một danh động từ tạo thành bởi một động từ và cái đuôi ING đằng sau: VERB+ING. QA cho một thí dụ coi.

QA

I MUST THANK MY PARENTS FOR MY BEAUTIFUL CHILD HOOD.

WE MUST THANK AMERICA FOR OPENING DOORS TO THE REFUGEES.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

Có bữa Thúy nghe cô con gái nói THANK YOU MẸ, Thúy hỏi FOR WHAT? thì con gái nói : FOR LETTING ME WEAR YOUR SHOES… Làm Thúy tưởng được cám ơn về những chuyện gì ghê gớm lắm. Thúy còn thấy người ta nói THANKS A LOT! THANKS A MILLION!

QA

QA thì nghe THANKS A GREAT DEAL! THANKS A BUNCH! THANKS A DOZEN! Nhưng những câu này có thể dùng trong những trường hợp cần phải có lễ nghi, lịch sự … như khi đi gặp nữ hoàng Anh không? Hỏi cho biết chứ QA chắc khó có dịp đi gặp nữ hoàng lắm.

BBT

Cô QA hỏi câu rất hay. Trong những dịp cần phải ăn nói FORMAL thì chúng ta không nói những câu cám ơn mà hai cô vừa kể. Chỉ trong những lúc INFORMAL chúng ta mới dùng những câu cám ơn như ở trên mà thôi.

Riêng cách nói THANKS A MILLION thì cũng có khi được dùng với nghĩa hơi mỉa mai một chút. Mỉa mai và cũng có khi đùa bỡn. Lại có khi giận dữ nữa. Trong những trường hợp đó, người ta phải nói gằn từng chữ một.

LÃM THÚY

Như trong những lúc nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư chẳng hạn. Thí dụ như khi Thúy đang nấu một món trên bếp, có người đổ nửa chai nước mắm vào thì chắc phải nói THANKS A MILLION! mất thôi.

QA

Hay khi không xe của mình bị quẹt một cái, không hư hại gì nặng, nhưng nhất định phải THANKS A MILLION! mới hết tức.

BBT

Trong trường hợp hai cô nhờ người ta làm một chuyện gì đó, thì nói THANKS A MILLION IN ADVANCE có được không?

QA

Được chứ sao không? Cũng như THANK YOU FOR NOT SMOKING vậy phải không thưa anh? Chưa thấy người kia mở bao thuốc ra, nói chặn đầu cho người ấy bỏ ý định hút thuốc vậy.

BBT

Đúng thế. IN ADVANCE là trước. Cám ơn ông trước là THANKS A MILLION IN ADVANCE.

LÃM THÚY

Như vậy chắc phải có những trường hợp cám ơn trước để phía bên kia đừng làm nữa phải không thưa anh? Vì THANK YOU IN ADVANCE là cám ơn trước, cám ơn về việc người ấy sắp làm, và việc làm đó có lợi, tốt đẹp cho chúng ta. Nhưng khi nghe một đề nghị không hay lắm, một đề nghị không thể nhận được mà cứ nói THANKS A LOT thì phía bên kia nghe mừng quá, cứ thế mà làm thì phải nói thế nào?

BBT

Cô QA đã bao giờ bị một đề nghị như thế, một đề nghị không hấp dẫn lắm mà cô không muốn nhận chưa?

QA

Có. Thí dụ con trai QA một bữa nói là bao giờ thi xong sẽ đưa QA đi lặn chụp một ít hình với cá mập ở ngoài khơi California Baja chẳng hạn. Như vậy thì phải nói gì thưa anh? Nói I DON’T THANK YOU FOR ASKING được không?

BBT

Nói như vậy thì đúng ý, nhưng người Anh và người Mỹ có cách nói khác: THANKS BUT NO THANKS! Hay cũng có khi nói THANKS BUT NO!

LÃM THÚY

Thúy phải nhớ cách nói này để trả lời một đề nghị mà Thúy cứ phải nghe hoài, ít nhất cũng hai lần rồi.

BBT

Chắc đề nghị đeo cái nhẫn 5 carats vào tay của cô chứ gì?

LÃM THÚY

Thúy thấy câu THANKS BUT NO THANKS! dễ nghe hơn là cám ơn ông, tôi không thích đùa phải không QA?

QA

Thế dùng câu này được không thưa thầy? THANKS AWFULLY! QA biết AWFUL là xấu. Thí dụ nói THE CAR LOOKS AWFUL là cái xe trông xấu hết sức. Với AWFUL là tĩnh từ, thêm cái đuôi LY vào cuối, chúng ta có trạng từ AWFULLY. Vậy THANKS AWFULLY là cám ơn một cách … xấu xa là không cám ơn phải không thưa anh?

BBT

Không phải vậy. Trong trưòng hợp THANKS AWFULLY! Thì lại là cám ơn nhiều, cám ơn nhiều kinh khủng.

Trạng từ AWFULLY này rất kỳ lạ. Nó không chỉ có nghĩa là một cách xấu xa như QA nghĩ. Nó còn có nghĩa là rất nhiều . Thí dụ nói THAT IS AWFULLY NICE OF YOU thì lại có nghĩa là ông / bà quả thật là người hết sức tử tế. Vì vậy AWFULLY NICE, AWFULLY KIND, AWFULLY SWEET thì những tĩnh từ NICE, KIND, SWEET được AWFULLY làm cho mạnh thêm, mà thôi. Trong tiếng Việt chúng ta cũng nói đẹp dễ sợ, hiền ác và tử tế kinh khủng.

LÃM THÚY

Thúy còn thấy một trường hợp này nữa… đó là tĩnh từ BAD và trạng từ BADLY. QA có gặp những trường hợp như thế chưa?

QA

Có. Đó là lần con trai QA xin tiền mẹ mua đôi giầy mới. Cu cậu nói … MOM, I NEED IT BADLY… I WANT IT BADLY… I WANT IT SO BAD…

BBT

Hai cô có những cậu con trai, những cô con gái dễ sợ thật. Xin nói ngay ở đây rằng hai chữ DỄ SỢ mà tôi vừa dùng cũng lại có nghĩa ngược lại… chúng chỉ có nghĩa là hay quá, giỏi quá mà thôi.

Bây giờ đố hai cô TGIF là gì?

LÃM THÚY

Thúy biết. Cũng nhờ nghe các con của Thúy nói chuyện với nhau. TGIF là THANK GOD, IT’S FRIDAY. Cám ơn Thượng Đế, đã là thứ Sáu rồi.

QA

Thưa anh, QA vài lần nghe THANKS TO nhưng không biết cách dùng , xin anh chỉ cho cách dùng, và khi nào thì dùng nó.

BBT

THANKS TO có nghĩa gần như DUE TO. THANKS TO là nhờ ở, cùng nghĩa với DUE TO. Nhưng DUE TO nghĩa là bị. BECAUSE OF đứng giữa THANKS TO và DUE TO. Khi một chuyện nào đưa tới những sự tốt đẹp thì chúng ta dùng THANKS TO. Khi những chuyện không hay xẩy ra, chúng ta dùng DUE TO. Thúy cho nghe một hai thí dụ với THANKS TO coi.

LÃM THÚY

THANKS TO HIS GOOD GRADES, MY SON IS GOING TO COLOMBIA NEXT YEAR

THANKS TO HER MOTHER’S GENES, SHE LOOKS WONDERFUL IN HER FIFTIES.

BBT

QA cho nghe hai thí dụ với DUE TO coi

QA

DUE TO THE RAIN, THE PICNIC WAS CANCELLED

DUE TO THREE SPEEDING TICKETS, HIS INSURANCE IS VERY EXPENSIVE

BBT

Hai cô có thể thay THANKS TO và DUE TO bằng BECAUSE OF mà ý nghĩa không thay đổi. Mời cô Thúy…

LÃM THÚY

BECAUSE OF HIS GOOD GRADES, MY SON IS GOING TO COLOMBIA UNIVERSITY

BECAUSE OF HER GOOD GENES, SHE LOOKS WONDERFUL IN HER FIFTIES.

BBT

Mời cô QA.

QA

BECAUSE OF THE BAD WEATHER, THE PICNIC WAS CANCELLED

BECAUSE OF THREE SPEEDING TICKETS, HIS INSURANCE IS VERY EXPENSIVE

BBT

Đó là một số những cách nói cám ơn trong tiếng Anh. Nhưng khi nói, giọng lên xuống cũng làm cho ý nghĩa của câu cám ơn khác nhau. Nói cám ơn vừa vừa thôi thì chúng ta xuống giọng một chút ở cuối. Nhưng khi nói cám ơn một cách sung sướng, thật tình, hết lòng, người ta lên giọng ở cuối, ở chữ YOU.

LÃM THÚY

Thưa anh, thường thì Thúy chỉ nghe THANK YOU mà thôi. Nhưng có khi nào người ta nói đầy đủ cả chủ từ lẫn động từ không?

BBT

Có. Nhưng đó là khi chúng ta nói FORMAL một chút. I THANK YOU FOR YOUR GREAT HELP. Thí dụ khi tổng thống Obama ra đọc bài diễn văn Tình Trạng Liên Bang tại quốc hội.

Nhân đây, tôi cũng muốn hai cô biết thêm chữ TA. Chữ này cũng có nghĩa như THANKS. Chữ này hai cô sẽ nghe thấy khi đi New Zealand hay vùng Midland của nước Anh. TA được dùng trong những trường hợp INFORMAL như trong gia đình, bạn bè. Không bao giờ nói TA YOU. Chỉ nói TA là đủ.

TO GIVE THANKS TO là cám ơn ai đó. Từ nhóm chữ này, chúng ta có THANKSGIVING. Nhớ là phải có chữ "S" ở giữa THANK và GIVING. Hoa kỳ và Canada đều cử hành lễ Thanksgiving. Ở Canada, Thanksgiving là ngày thứ HAI thứ 2 trong tháng 10. Ở Quebec , ngày Thanksgiving có tên là Jour de l’Action de Grâce. Ở Mỹ là ngày thứ Năm thứ 4 của tháng 11. Nhiều gia đình khi ngồi vào bàn ăn, một người trong bàn sẽ đại diện để cám ơn Thượng Đế đã ban cho bữa ăn. Việc đó tiếng Anh gọi là gì cô QA?

QA

Đó là TO SAY THANKS phải không anh?

BBT

Không phải. Đó là TO SAY GRACE.

QA

Cám ơn ông thầy. WE WANT TO THANK YOU FOR THE LESSON . THANKS A GREAT DEAL. THANKS A MILLION.

Bài học Anh ngữ thứ 92 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.