May 27, 2010

May 28, 2010

HTML clipboardHTML clipboarHTML clipboard

Ngày 24 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Thì cùng là hối thúc cả, nhưng câu của nhà thơ tiền chiến (... mau lên nhé, vội vàng lên với nhé...) nghe không khẩn trương, thúc bách bằng câu "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi".

Câu này xuất xứ ở đâu tôi chịu không thể nói chắc được nhưng rất nhiều người đã nghe, đã biết, và đọc nó lên ít nhất cũng phải một lần trong đời.

Tưởng tượng hai bên cứ loay hoay mãi mà chưa đi đến đâu, trong khi có cánh rong vàng bên suối vẫn chưa đưa được người em bé bỏng vào ngắt (cánh rong vàng?) mà trời thì chiều đến nơi, thì giờ không còn bao nhiêu nữa.

Chiều hôm lỡ chuyến thì làm sao.

Nhưng nói như một người tôi quen, chuyện tình cảm chứ có phải mì ăn liền 5 phút có ngay đâu mà nhắng lên như thế.

Ðó là hồi xưa, khi chúng ta còn có nhiều thì giờ hơn bây giờ.

Bây giờ, chiều đang lấp ló, mặt trời còn cách mặt biển có một gang tay như hôm tôi và bạn cùng đứng ngắm ở San Diego. Ngậm ngùi biết là bao nhiêu. Ngày sắp qua không bao giờ lấy lại, tìm lại được thời gian đã mất như Marcel Proust đã cố gắng làm.

Mới đây, mở đọc trang rao vặt một nhật báo Việt ngữ, tôi tin là mì ăn liền đã lấn sang rất nhiều lãnh vực trong cái xã hội sống vội vã này. Ðã có fast food restaurant bán thức ăn ăn nhanh, đã có mì gói trong vòng 5 phút đã tiệc tùng thịnh soạn cho những người trai cao niên xa quê hương nhớ mẹ hiền thì tại sao lại không thể "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi"?

Một đoạn rao vặt nhỏ của tờ báo này đã cho những người trai cao niên đó biết bao nhiêu là can đảm và tin tưởng vào đời sống rất ít thì giờ này.

Rao vặt này chắc chắn là để cạnh tranh với mì ăn liền hiệu hai con cua về thời gian cần thiết để thiết lập một quan hệ mà thường là phải sau khá nhiều bữa mì gói mới làm được. Ðó là trong thời gian 5 phút, cơ sở đăng rao vặt này sẽ giúp các thân chủ làm được công việc đó.

Và đây là nguyên văn: "Tìm bạn 4 phương trong 5 phút".

Như thế, "từ tôi phút trước sang tôi phút này" sẽ có thể có bao nhiêu là thay đổi nhờ dịch vụ tìm bạn này.Từ một hoàn cảnh không có con ma nào thèm làm bạn, các thân chủ của dịch vụ này sẽ không còn phải sống một cuộc đời nhàm chán nữa. Trong có 10 phút, cuộc sống sẽ huy hoàng tốt đẹp bội phần: 5 phút để nấu tô mì gói, sau đó, 5 phút có ngay người bạn bốn phương xấu đẹp tùy người đối diện, yêu mầu trắng, thích mầu tím, mê nhạc họ Trịnh, thích dạo biển, tính nhõng nhẽo, ưa đi shop, giỏi nội trợ, khâu vá, bánh trái, không tứ đổ tường(?), vui vẻ, hoạt bát, thích chìu (?) và chìu (?) lại... ngồi lù lù bên cạnh chia xẻ thương đau, buồn vui, cùng nhau tâm sự, học hỏi, chỉ dẫn cho nhau trên bước đường tị nạn, nếu hợp sẽ tiến xa hơn...

Ôi, còn gì vui bằng.

Người ta sẽ đỡ phải qua bao nhiêu cây cầu đắng cay, vượt qua bao nhiêu cuộc phục kích, bao nhiêu kịch bản (?) phải đóng những vai công tử nhà giầu, học hết chương trình cử nhân(?) thì phá ngang ra đi làm, vai con nhà lành, chưa sửa sắc đẹp bao giờ, mũi cao là nhờ cha mẹ cho, chân rặt giống Giao Chỉ, không bao giờ cạo sửa ngày tháng trong khai sinh như Zsa Zsa Gabor, khoe nhắng lên rằng mẹ em ngày xưa là hoa khôi phố Hàng Bông, Hàng Ðào mà em thì lại chẳng giống ông cụ chút nào thế mới là tức cái mình chứ lị... vân vân.

Cuộc sống sẽ bớt phức tạp và nhăng nhố đi biết là bao nhiêu.

Sẽ không phải mời nàng đi cơm Tây rượu chát năm bẩy lần để về nhà chay tịnh mì hai con cua, mì Ðại Hàn kim chi cay lè lưỡi mà "sầu trong dạ vẫn(?) mang mang" vì chưa đi đến đâu (đâu là chỗ nào hè?) hết trơn.

Hôm nay, trong phụ trang Southern California Living của tờ L.A. Times có một bài viết, theo đó, sau những vụ khủng bố ở New York và Washington, một số đông đảo, vì nhìn thấy sự mong manh, nay còn, mai mất của đời sống, đang quay sang với... mì ăn liền.

Một thành ngữ mới -- terror sex -- vừa xuất hiện trong ngôn ngữ của người Mỹ. Thành ngữ này cũng tương tự như end of the world sex. Tình yêu khủng bố, tình yêu tận thế.

Nhưng những cách nói ấy thì cũng chỉ là "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi" mà thôi. Lối nói ấy, chúng ta dùng đã từ bao nhiêu lâu nay, lại còn đầy chất thơ hơn nữa chứ.

Tuy vậy, cách nói của người Mỹ có hay hơn, vì sự hăm dọa tiềm ẩn ngay trong câu nói: "Này... hôm nay tới cữ rồi đó nghe ông già... Còn nhớ mấy vụ khủng bố ở New York và Washington không? Coi chừng mai không có mà xài đó à nha! "

Ăn nói như thế mà chưa bị gọi là khủng bố thì oan cho Osama Bin Laden biết là chừng nào.


Ngày 25 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Nước Mỹ thỉnh thoảng lại cuống cuồng lên vì một vài chuyện nghĩ lại thì đúng là không đâu vào đâu cả.

Thí dụ thái độ cuống cuồng lên về bệnh than chẳng hạn.

Bệnh than, còn gọi là thán thư, đã xuất hiện từ rất lâu và số người mắc bệnh này không phải là ít. Ngó chung quanh người ta thấy ngay trong nhà, hay trong số những người quen biết chung quanh, gần như ai cũng mắc bệnh này thì phải.

Bệnh không gây chết người nhưng có thể đem lại những hậu quả tâm lý vô cùng khốc hại nơi những người sống gần bên hay có những tiếp xúc lâu dài với người bệnh.

Ảnh hưởng của bệnh ở những người phải ở gần người bệnh về mặt tâm lý thường là trạng thái bần thần, buồn nản, thất vọng, u sầu, chán chường, không còn bất cứ một tha thiết nào với đời sống nữa, ý chí muốn sống hoàn toàn từ bỏ những người này.

Ảnh hưởng về mặt sinh lý nơi những người ở cạnh hay có tiếp xúc với những người bị bệnh than là một sự mệt mỏi toàn diện thể xác, tứ chi rã rời, tai ù, miệng đắng và khô đắng, chỉ muốn mở cửa tung chạy ra ngoài.

Bệnh thường phát ra vào buổi tối, có khi khuya khoắt, nửa đêm về sáng. Lúc bệnh phát, bao giờ người bệnh cũng bắt đầu bằng mấy câu để gọi ông Trời, thí dụ như "Ối Trời ơi, sao mà tôi khổ thế này, sao ông Trời không cho tôi chết đi cho rảnh nợ..." làm như bệnh đã trở thành hết thuốc chữa, chỉ còn đợi ngày ra nghĩa địa.

Tiếp theo, là những kể lể không sót bất cứ một chi tiết nhỏ nào về những chuyện tưởng như đã chìm lấp vào lịch sử của mấy chục năm nội chiến. Tất cả những điều mà người bệnh cho là đã gây khổ đau, phiền não cho người bệnh đều được nhà chép sử lôi ra biên chép đầy đủ, chú thích cẩn thận với phần thư mục sách đọc thêm, các sử liệu hết trang này sang trang khác tưởng như không bao giờ hết.

Những quen biết đã chấm dứt từ nhiều năm nay đều được đem ra làm mới lại, quan hệ được tái thiết lập giữa hai người không còn thấy nhau từ rất nhiều năm để những kể lể có thêm tài liệu dẫn chứng, những lời buộc tội khó gỡ hơn. Những chuyện bé được xé ra to, để những cáo buộc trầm trọng thêm.

Nhưng nhiều nhất vẫn là những lời phàn nàn, ta thán về đủ mọi người chung quanh. Ðàn ông, phụ nữ, già trẻ lớn bé... tất cả đều bị gán cho đủ các thứ tội kinh khủng nhất trên đời, nào nhà quê, nào thất học, cà chua và cà chớn... rồi thòng câu "vậy mà chúng nó vẫn còn được đối xử tử tế hơn tôi (bệnh nhân của bệnh than)..."

Bệnh nhân cũng lại mang những điều ấy đem đi nói cùng khắp, tạo cho mình hình ảnh của nạn nhân khủng khiếp của những đàn áp, những trù giập, những vi phạm nhân quyền không cách gì tưởng tượng ra nổi.

Bệnh than này, chúng ta thấy rất nhiều mà có bao giờ chúng ta hốt hoảng như nước Mỹ hiện nay đâu. Bệnh than chúng ta quan sát lâu nay không hề được truyền qua những chiếc phong bì gói anthrax bao giờ. Bệnh cứ tự phát, chẳng cần lây từ bất cứ ai truyền qua.

Người sống cạnh lúc nào cũng như ôm cái hồ... Than Thở ở Ðà Lạt, cả ngày cả đêm nghe than van không lúc nào dứt. Lúc khác thì cứ hệt như đang đi đụng phải ông Trần Khánh Dư vừa bị vua Trần Nhân Tôn lột chức, đuổi về Chí Linh Hải Dương, vừa đi vừa ngâm nga:

"Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng "Chi đấy?" gửi rằng "Than!"... "

Gì chứ bệnh than chúng ta có từ bao nhiêu lâu nay có chết ông Ả Rập nào đâu?

Than lắm chúng tôi bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, không nghe than, không nhìn than, không... than là hết chứ gì!


Ngày 26 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Mấy năm trước, khi còn ở Virginia, trong một buổi đi garage sale sáng thứ bẩy, tôi tìm được một bình hương rất đẹp, mà thoạt trông qua tôi cũng biết ngay quê quán của nó là ở đâu.

Làm sao nó lưu lạc sang tận nước Mỹ rồi sáng hôm đó được đưa ra nằm cạnh những chổi cùn, rế rách của gia đình nọ? Nó đã nằm dưới cái basement ẩm thấp đó trong bao nhiêu năm để cuối cùng được đưa ra hưởng chút nắng mặt trời mùa hạ Bắc Mỹ? Ðời sống trước đây của nó như thế nào, nó từ cái bàn thờ nào, nó có nhớ mùi hương từng một thời thân thiết không?

Chủ nó thấy tôi cầm lên, đoán ngay tôi là người Việt, và câu chuyện sau đó với ông kéo dài gần nửa tiếng, tôi tìm đủ mọi cách để dứt mà không được. Ông ta có vẻ lâu ngày không được nghe nhắc vài ba địa danh ông đã đi qua và gửi lại một cái chân hồi trước năm 1968. Ông mặc quần áo trận của tiểu đoàn 5 trung đoàn 3 thuộc Sư Ðoàn 1 Không Kỵ, khoe nói được vài câu chửi thề tục tĩu lơ lớ bằng tiếng Việt, học ở đâu thì tôi cũng mường tượng ngay ra được. Cuối cùng ông nhất định tặng không tôi cái bình hương mà ông tâm nguyện từ mấy chục năm qua là sẽ đưa lại cho một người Việt Nam để đem gửi lại ngôi chùa cũ. Mặc dù tôi nói rằng có lẽ không bao giờ tôi kiếm lại được ngôi chùa ở miền Trung, ông vẫn bắt tôi cầm về. Ông cho biết kiếm được nó ở đó, nhưng trong trường hợp và hoàn cảnh nào thì không chịu nói rõ.

Tôi mang về nhà, thỉnh thoảng vẫn thắc mắc vài ba điều về nó và từ đó, nó vẫn nằm trên kệ sách của tôi.

Mấy chục thùng sách vở và đồ "tế nhuyễn" của tôi sau chuyeán doïn nhaø, khi mở ra, thì đà trâm gẫy, bình rơi bao giờ... Thực ra, trâm thì không có để mà gẫy, nhưng bình hương thì bị tung quăng ném quật, đã vỡ thành năm, sáu mảnh.

Tuy thế, chỉ một tuýp Crazy Glue là... bình vỡ lại lành. Nó lại trở về chỗ đứng cũ trên tủ sách của tôi.

Và hôm qua, tình cờ, trong khi xếp lại đống sách vở, tôi đọc được bài thơ của William D. Ehrhart trong tập thơ nhan đề Beautiful Wreckage mà một người bạn cho tôi mấy năm trước. William D. Ehrhart, một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, thơ không hay lắm, nhưng mỗi bài thơ của ông là một câu truyện nhỏ, có đầu, có kết, viết bằng thứ ngôn ngữ bình dị như những đoạn nhật ký ngắn. Tôi đọc bài thơ này, và tự nhiên thấy nó trả lời được cho tôi những thắc mắc về cái bình hương đó:

Souvenirs

"Bring me back a souvenir," the captain called.
"Sure thing," I shouted back above the amtrac's roar.

Later that day,

the column halted.

we found a Buddhist temple by the trail.

Combing through a nearby wood,

we found a heavy log as well.

It must have taken more than half an hour,

but at last we battered in

the concrete walls so badly

that the roof collapsed.

Before it did,

I took two painted vases

Buddhists used for burning incense.

One vase I kept,

and one I offered proudly to the captain.

Kỷ Niệm

Ðại úy bảo tôi kiếm món quà
Ðể làm kỷ niệm chuyến đi xa
Ðoàn xe ngừng lại bên đường cái
Thấp thoáng sau rừng một mái chùa


Toán quân đổ xuống súng như mưa
Nửa tiếng sau, mãi đến xế trưa
Chúng tôi mới tiến vào sân trước
Thì pháo làm tan mất mái chùa


Dưới đống gạch tan nát khói bay
Là hai chiếc bình của ông thầy
Chắc xưa để cắm hương thờ Phật
Tôi lấy một, cho đại úy chiếc này

Bây giờ, cái bình hương của tôi đã có tiểu sử. Hay cứ tạm coi như vậy. Bề nào thì nó cũng không bao giờ có thể trở về ngôi chùa cũ. Mà có về, đơn lẻ như vậy thì về làm gì nữa...


Ngày 27 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Hơn maáy chuïc năm trước, sau cố gắng làm hai quả ốp la không đi tới đâu, tôi bỏ hẳn mọi nỗ lực trở lại cái bếp.

Hai quả trứng cháy đen dính chặt vào lòng chảo, cậy cách nào cũng không ra, nên mặc dầu sau đó được bầy cho cách tráng lòng chảo trước bằng một lớp Spam, tôi vẫn không thử vào bếp thêm một lần nào nữa.

Rồi những loại nồi soong có tráng teflon để không làm dính đồ ăn cũng không kéo được thiên tài nấu bếp trở lại với bếp nước mặc dầu nó có thể giúp tránh những thảm họa như lần thử làm đĩa ốp la đầu tiên và duy nhất trong đời.

Những ứng dụng của chất teflon không dừng ở đó, mà còn được đem dùng để giúp tránh mọi hình thức... dính dáng ở những nơi khác nữa.

Như trên người (?) của ông Clinton chẳng hạn. Có lẽ vì ông Clinton được tráng teflon, nên không có gì bám hay dính được vào người ông, và lần nào ông cũng thoát hiểm như mọi người đều đã thấy. Ông được báo chí gọi là tổng thống teflon không phải là không có lý do.

Mới đây, teflon còn được đem dùng trong lãnh vực thời trang, may mặc như ở những bộ veste của Ted Baker, một công ty sản xuất quần áo của Anh vừa xuất cảng sang Mỹ các sản phẩm của họ. Những bộ suit, những chiếc tuxedo của Ted Baker được đảm bảo là không gì có thể dính vào, làm hỏng được nhờ có tráng một lớp teflon.

Tưởng tượng không bao giờ còn phải nhìn thấy cảnh các chàng rút khăn tay ra, lau hay phủi bụi trước khi ghé ngồi xuống như các tay chơi rẻ tiền trước đây ( sợ dơ bộ đồ vía, coi cái đít quần hơn giai nhân trước mặt), những người đàn ông mặc bộ suit của Ted Baker bạ đâu cũng có thể ngồi ngay xuống, lết trên đất, quì gối để tỏ tình thì còn gì lãng mạn và cảm động cho bằng.

Với giá $625, chắc chắn những bộ quần áo teflon của Ted Baker sẽ bán rất chạy trong dịp lễ cuối năm này.

Những bộ suit này còn được đặt cho cái tên là Party Animal, như một cam kết là ở party, đồ ăn thức uống có lỡ đổ vào cũng không làm hư quần áo, tốn tiền giặt khô chưa chắc đã hết, mà còn có thể ngăn ngừa được bao nhiêu chuyện khác, chẳng cứ chỉ là những ly Bloody Mary hay mấy miếng roast beef, vài tảng mỡ cừu mà thôi.

Những bộ quần áo teflon còn có thể tạo một cảm tưởng rất an toàn cho những giọng hát trên sân khấu. Những thứ mà khán thính giả ngồi dưới ném lên sân khấu nhắm vào người hát để bầy tỏ thái độ không thân thiện với giọng hát sẽ không tiếp tục ở lại trên các bộ quần áo có chất teflon. Chỉ cần phủi nhẹ, các giọng hát này sẽ có thể tiếp tục đứng trên sân khấu hát cho đủ quota ( 3 hay 4 bài) để trừng phạt khán thính giả cho bõ ghét mà không sợ quần áo giữ lại các vết tích của lập trường phản đối tỏ bầy với giọng hát của mình.

Tương tự, các tác giả ra mắt sách, rất nhiều người, cũng sẽ thấy an taâm hơn khi mặc những thứ quần áo có teflon. Ngoại trừ trường hợp những giọng ca hay các nhà văn, nhà thơ e ngại các lời xưng tụng, ngợi khen hiếm hoi đụng phải teflon cũng như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá khoai, trôi tuồn tuột xuống cống hết, không còn gì mang về nhà hăm dọa mẹ cháu thì mới không ưa teflon.

Nhưng nếu những lời ngợi khen đụng phải teflon lập tức trôi tuột đi, không bám lại được, thì những lời cằn nhằn, mè nheo, eo sèo, ỉ ôi, nhiếc móc, cũng có trôi đi không?

Nếu có thì tại sao không mua bộ... áo giáp này về mặc?


Ngày 28 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Thực ra, chữ ethnic không có nghĩa xấu. Nó chỉ có nghĩa là thuộc về dân tộc, sắc tộc, hay chủng tộc. Gốc gác của nó là từ chữ ethnikos của tiếng Hy Lạp.

Nhưng càng ngày tôi càng thấy ghét nó và những người dùng nó. Chính cái cách dùng chữ ethnic của những người này đã khiến nó gợi ra toàn những điều không tốt đẹp, đầy kỳ thị.

Trong cách dùng của những người này, chữ ethnic mang theo ý nghĩa ở dưới, thấp kém, bán khai, thiếu văn minh, không cùng một trình độ văn hóa với họ. Và thường là không thuộc nước Mỹ của họ, hay không thuộc nền văn hóa chung, cùng gốc gác với họ.

Thí dụ những món ghi trong thực đơn của một tiệm ăn Ái Nhĩ Lan hay Tô Cách Lan thì không bao giờ bị gọi chung là ethnic foods cả. Vì hai dân tộc Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan gần gũi với họ hơn.

Nhưng nếu đó là món kebab của Afghanistan, của Li Băng, món xôi của Lào, món chả giò của Việt Nam, món hủ tiếu của Căm Bốt... thì lập tức chúng bị gọi chung là ethnic foods ngay. Có mù mới không thấy là các nước Afghanistan, Lào hay Việt Nam... bị họ coi là không văn minh, không cao như nước Mỹ của họ.

Mở những trang báo viết giới thiệu hay quảng cáo cho các tiệm ăn mà coi. Chúng ta thấy ngay nhan nhản những chữ ethnic đáng ghét này.

Không cùng văn minh Ango Saxon, nhưng nếu nó là món ăn họ ưa thích hay nghe nói nhiều lần, thì không bị gọi là ethnic. Thí dụ món trứng cá caviar của Nga chẳng hạn. Vừa đắt tiền, vừa sang thì làm cách nào dám gọi là ethnic food được.

Cũng thế, món sushi không bị gọi là ethnic food nữa. Lý do là làng quạng vào mấy cái sushi bar kiểu cọ một chút là bị quất tối tăm mặt mũi, bóp đựng tiền rách bươm ngay.

Nhưng hễ họ thấy là có thể coi thấp hơn họ, là họ gom lại gọi chung là ethnic hết.

Ở sở cũ tôi làm cũng có những thứ Mỹ ngu dốt, trịch thượng và tự tôn, kỳ thị như thế. Một năm hai ba lần, các xếp lớn muốn ăn chả giò mà không chịu chi tiền ngoài tiệm, các xếp bèn gợi ý tổ chức ăn Tết, ăn Giáng Sinh trong sở để mấy chị... ethnic nấu cho ăn. Thông cáo về bữa tiệc, cạnh chữ entertainments ethnic foods.

Ý nói khách tham dự sẽ được... giúp vui bằng mấy món ăn " sắc tộc."

Tại sao không ghi rõ ra là Vietnamese Spring Rolls, Laotian Sticky Rice... mà phải là ethnic foods?

Cái lối gọi đó cho người ta thấy thái độ mất dậy và ngu xuẩn của mấy anh Mỹ già, đầu óc thuộc địa, lúc nào cũng nhìn xuống đám dân không chung gốc Anglo Saxon của mấy anh. Hỗn đến thế là cùng.

Tôi từ chối không dự những bữa tiệc trong sở từ khi đọc thấy cái thông cáo với lối dùng chữ vô giáo dục như vậy. Các chị đồng nghiệp nào cần được cất nhắc lên trật cao hơn thì cứ cong đít nấu các món ethnic foods cho mấy Mỹ già ăn. Người tự trọng phải ngồi nguyên tại bàn của mình, công khai mở chai Heinekein mang theo ra tu là cõi phúc. Nhất định không chấp nhận cái thái độ nhục mạ, kỳ thị vô giáo dục đó của mấy cậu Mỹ già.

Chữ ethnic cũng được dùng cùng với cách dùng của chữ native. Người Mỹ đến Afghanistan, gọi chung tất cả những người Tajik, Uzbek và Pashtoon là natives hết. Native là người địa phương. Nhưng bạn nghĩ lại coi: khi họ tới nước Anh, đi lên miền bắc, tới Tô Cách Lan, có bao giờ họ gọi người Tô Cách Lan là natives không? Không bao giờ. Luôn luôn là the Scots, the Scottish. Cũng thế, lên miền bắc, họ gọi người da trắng là Canadians, không hề là natives, nhưng nếu đó là người da đỏ Hurons, Crees... thì những người này lại là natives ngay.

Chữ nativeethnic, như thế, chỉ được đem dùng khi người ta muốn play daddy, tức là muốn chơi cha người khác mà thôi.

Bởi thế nên tôi ghét chúng và những bọn dùng chúng vô cùng.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 76)

Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 76 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, đây là thắc mắc của QA. Bữa nọ đứng ở trong bếp với hai cô con gái, QA lấy một cuốn sách dậy nấu ăn của Mỹ ra để làm món roast beef. Bên cạnh món roast beef, QA muốn pha gravy để đi cùng với món chính. Ðọc lời chỉ dẫn thì QA hiểu. Món roast beef rất thành công. Vậy thì thắc mắc của QA là gì? Thưa anh và Lãm Thúy, giản dị lắm. QA đọc nhẩm thì được. QA đọc thí dụ 1/3 cup thì nói tiếng Việt rất OK nhưng khi nói với hai cô con, không lẽ nói một phần ba cup. QA không biết nói 1/3 như thế nào bằng tiếng Anh. QA cũng không biết đọc những phân số trong sách toán nên QA muốn nhờ anh chỉ cho.

LÃM THÚY

Thúy cũng không biết cách đọc những con số tỉ lệ. Tuy không biết thì cũng … chưa sao cả. Nhưng sẵn có ông thầy ở đây thì phải hỏi. Không hỏi cũng … uổng.

BBT

Trước khi đi vào những thắc mắc của hai cô, xin nhắc trí nhớ của hai cô là trong Anh ngữ có hai loại số. Số đếm và số thứ tự. Số đếm là ONE, TWO, THREE…

QA

Nghe giống đánh tù tì quá. Mà người Anh có chơi trò này không thưa anh?

BBT

Có. Nhưng không gọi là oẳn tù tì hay đánh tù tì, mà là SCISSORS ROCK PAPER, nghĩa là kéo, đá thay vì búa như chúng ta nói, và giấy. Oẳn tù tì chính là ONE, TWO, THREE vậy.

Số thứ tự cho chúng ta biết một vật, một người được xếp vào thứ mấy, hạng mấy.

ORDINAL NUMBERS là những số như FIRST, SECOND, THIRD, FOURTH, FIFTH, SIXTH, SEVENTH, EIGHTH, NINTH, TENTH, ELEVENTH, TWELTH… Sau đó, cứ thêm TH vào cuối là được. Nhớ là THỨ hai mươi mốt, THỨ hai mươi hai, THỨ hai mươi ba là TWENTY FIRST, TWENTY SECOND, TWENTY THIRD… Rồi TWENTY là TWENTIETH; THIRTY là THIRTIETH; FORTY là FORTIETH; FIFTIETH…SIXTIETH ...

Bây giờ hỏi cô Thúy, giai đoạn cầm quyền của tổng thống Ngô Ðình Diệm chúng ta gọi là Ðệ Nhất Cộng Hòa. Nói tiếng Anh thì như thế nào? Tiện thể, cô cho một thí dụ về THỨ NHÌ…Rồi đến cô QA với THỨ NĂM và THỨ SÁU…

LÃM THÚY

THE FIRST REPUBLIC ENDED WHEN PRESIDENT DIEM WAS KILLED IN 1963.

THE FIRST WORLD WAR ENDED IN 1918 .

THE SECOND WORLD WAR STARTED IN 1939.

QA

THE THIRD WORLD là thế giới đệ tam, là những nước chưa phát triển phải không anh? Ðệ tứ quyền là báo chí, QA vừa gặp phải chữ này trong khi làm tin cho radio hồi tuần trước: THE FOURTH ESTATE.

BBT

Cám ơn hai cô. Có danh từ này khá lý thú: cái bánh xe thứ năm, THE FIFTH WHEEL… Ðố hai cô nó là cái gì?

LÃM THÚY

Là một vật, một người thừa, không cần thiết phải không QA?

QA

QA cũng nghĩ vậy. Cái xe có 4 bánh là đủ rồi, có thêm cái bánh thứ năm làm gì nữa. Bỏ vô thùng xe cho rồi.

LÃM THÚY

Cũng như có hai cặp đi ăn tối, nhẩy đầm với nhau. Tự nhiên thêm ông hay bà thứ năm thì có gọi đó là THE FIFTH WHEEL không thưa anh?

BBT

Có chứ. Hai cô có nghe nói giác quan thứ sáu bao giờ chưa?

QA

QA biết ngũ quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Còn sự nhậy cảm, nhận biết, đoán trước được những điều, những chuyện chưa diễn ra thì chắc đó là giác quan thứ sáu, THE SIXTH SENSE phải không Thúy.

LÃM THÚY

ALL WOMEN HAVE SIXTH SENSE. OUR SIXTH SENSE IS NEVER WRONG.

BBT

Như chúng ta vẫn nói là con ruồi bay ngang qua là biết ngay nó là ruồi đàn ông hay ruồi đàn bà phải không.

Trong một bài hát cổ của nước Anh, vào ngày thứ BẨY của Giáng Sinh tức là ngày mồng 1 tháng Giêng, người đàn ông trong bài hát mang cho nàng món qùa gì cô Thúy còn nhớ không nào?

LÃM THÚY

ON THE SEVENTH DAY OF CHRISTMAS, MY TRUE LOVE SENT TO ME SEVEN SWANS A SWIMMING … Như vậy là chàng tặng nàng 7 con thiên nga.

BBT

Cô QA đi nhà thờ siêng năng lắm. Vậy hỏi cô QA lời răn chớ trộm cắp là lời răn thứ mấy?

QA

THOU SHALT NOT STEALTHE EIGHTH COMMANDMENT

BBT

Còn thứ CHÍN có gì đáng đem ra làm thí dụ?

LÃM THÚY

Thúy chịu thua. Chắc QA cũng thế.

BBT

Hai cô nghe nhạc cổ điển thì biết CURSE OF THE NINTH nghĩa là lời nguyền rủa của hợp tấu khúc số 9. Ðây là một điều dị đoan. Người ta tin là một nhạc sĩ sau khi viết xong symphony thứ 9 thì phải chết. Ðiều đó đúng trong trường hợp của Beethoven, Schubert và Dvorak. Trường hợp của Mahler thì ông không dám đặt tên các symphony bằng số nữa, mà dùng tên. Nhưng sau khi viết xong symphony thứ 9 thì ông cũng chết. Bây giờ đến thứ mười. Mời cô QA.

QA

AN TIÊM WHO GAVE US THE WATER MELONS WAS THE SON OF KING HÙNG VƯƠNG X (THE TENTH)

BBT

Cám ơn hai cô. Nhớ 20th là TWENTIETH như TWENTIETH CENTURY; 30th THIRTIETH…FORTIETH, FIFTIETH, ONE HUNDREDTH vân vân. Dĩ nhiên chúng ta còn POPE BENEDICT THE SIXTEENTH, QUEEN ELIZABETH THE SECOND, OLIVER BARRET THE FOURTH, KING GEORGE THE SIXTH, KING EDWARD THE EIGHTH… và chai cognac LOUIS 13th (THE THIRTEENTH) giá chỉ có 2 ngàn đô la mà thôi.

Ðó là số thứ tự. Bây giờ chúng ta qua cách đọc phân số. Một nửa, ½ là ONE HALF; 1/3 là ONE THIRD; ¼ là ONE FOURTH; 2/5 là TWO FIFTHS; 4/8 là FOUR EIGHTHS .

Lãm Thúy nhận ra được điều gì trong cách đọc phân số như ở trên?

LÃM THÚY

Thúy thấy là 4/8 thì tử số tức là số 4 thì đọc theo số đếm (CARDINAL) trong khi mẫu số là số 8 thì đọc theo số thứ tự (ORDINAL) Nếu tử số là số nhiều (HƠN 1) thì mẫu số phải có S ở cuối. Thí dụ 1/5 là ONE FIFTH. Nhưng 2/10 thì phải đọc là TWO TENTHS.

QA

QA thấy ¼ là ONE FOURTH nhưng cũng có khi là A QUARTER phải không thưa thầy? QUARTER là ¼ của một năm, là BA tháng, là QUÍ. LAST QUARTER là 3 tháng cuối năm. Còn QUARTER POUNDER là cái hamburger con trai QA phải ăn hai cái mới tạm đủ.

BBT

Cô Lãm Thúy chắc biết chữ này: Thay vì nói FIFTEEN MINUTES PAST TWO, người ta còn nói thế nào nữa?

LÃM THÚY

A QUARTER PAST TWO đúng không thưa anh?

BBT

Ðúng vậy, vì khi chia mặt đồng hồ ra làm 4 thì ¼ là 15 phút.

Nhân tiện, có chữ này hai cô cũng nên biết: FORTNIGHT. Danh từ này nghĩa là HAI TUẦN. Nguyên gốc của nó là FOURTEEN NIGHTS. FORTNIGHT là 14 ngày, là hai tuần. Nhưng chữ này ít còn có người dùng. Nói để hai cô biết thôi.

QA

Thưa anh, khi nói cách nhật thí dụ con trai QA đi tập cách nhật thì nói thế nào?

BBT

Cách nhật là EVERY OTHER DAY. Cô nói lại bằng tiếng Anh coi.

QA

MY SON GOES TO THE GYM EVERY OTHER DAY.

LÃM THÚY

Có dùng IN với ngày được không thưa anh?

BBT

Khi nói VÀO ngày nào đó thì chúng ta dùng ON. Thí dụ ON THE FIRST DAY OF THE YEAR. Hay nói VÀO ngày thứ HAI, ngày 25 tháng 12, ngày cuối cùng… chúng ta phải dùng PREPOSITION ON, giới từ ON. Cô Lãm Thúy cho nghe một thí dụ coi.

LÃM THÚY

I LIKE TO STAY HOME WITH A CUP OF COFFEE ON RAINY DAYS.

QA

I WENT WITH MY DAUGHTER ON HER FIRST DAY IN COLLEGE.

BBT

Chúng ta dùng IN khi nói về chiều dài của thời gian, mấy ngày, một ngày… Thí dụ tục ngữ Anh có câu La Mã không được xây lên trong một ngày nghĩa là công việc mất nhiều thời giờ mới hoàn thành, cũng có thể hiểu là dục tốc bất đạt, chuyện gì cũng phải từ từ mới được. Thúy nói bằng tiếng Anh coi.

LÃM THÚY

ROME WAS NOT BUILT IN A DAY.

BBT

Ngòai ra, với tháng và năm, tuần lễ … chúng ta dùng IN như IN 1975; IN DECEMBER; IN THE SECOND WEEK OF MAY. Với TODAY, YESTERDAY, TOMORROW, THE DAY AFTER TOMORROW … chúng ta KHÔNG dùng PREPOSITION IN hay ON thí dụ I WILL SEE YOU TOMORROW OR THE DAY AFTER TOMORROW.

Có một cách nói này tôi cũng muốn hai cô biết. Thí dụ hôm nay là thứ TƯ. Hai cô muốn hẹn nhau đi shop vào thứ HAI nhưng không phải là thứ HAI TUẦN TỚI mà là THỨ HAI TUẦN TỚI NỮA, nghĩa là BỎ THỨ HAI NÀY, THỨ HAI SAU ÐÓ, thì thay vì nói LET’S MEET ON MONDAY OF THE WEEK AFTER NEXT, người ta nói LET’S MEET AGAIN ON MONDAY WEEK.

Nhân nói tới PREPOSITION IN, tôi nhớ tới chuyện ông Richard Blumenthal, ứng cử viên thượng nghị sĩ Connecticut vừa bị rắc rối với chữ "IN" này. Ông kể thành tích làm việc của ông và mấy lần nói rằng I SERVED IN VIETNAM. Nhưng đối thủ của ông khui ra rằng ông không hề đi chiến trường Việt Nam bao giờ. Ông bèn chữa lại rằng ông dùng sai chữ. Thay vì nói I SEVED DURING VIETNAM (WAR) thì ông lại nói là I SERVED IN VIETNAM. Ông chữa … lửa rất khéo. DURING và IN đều có nghĩa là TRONG cả. Nhưng DURING là trong thời gian. IN vừa nghĩa là TRONG thời gian và trong không gian. I SERVED DURING VIETNAM (WAR) là tôi đã phục vụ TRONG THỜI GIAN CHIẾN TRANH VIỆT NAM. Nhưng khi nói I SERVED IN VIETNAM là tôi phục vụ TẠI Việt Nam.

QA

Còn ít phút, QA muốn anh dậy cho một vài idioms có chữ FACE ở trong. Chắc chắn là tiếng Anh có nhiều idiom với chữ này vì như anh nói, cái gì ở gần chúng ta thì có nhiều idiom về nó.

BBT

Ðúng thế. FACE là mặt. Mặt đối mặt là gì cô Thúy?

LÃM THÚY

Là FACE TO FACE. Thí dụ WE HAD A FACE TO FACE MEETING WITH HIM là chúng tôi họp trực tiếp với ông ấy. Nhưng thưa anh, OUT OF MY FACE có phải là xa mặt không? Có nói OUT OF MY FACE OUT OF MY HEART không?

BBT

Không phải. Khi nói GET OUT OF MY FACE hay OUT OF MY FACE! Thì câu ấy nghĩa là cút đi, bước, xéo, đi cho khuất mắt. Còn xa mặt cách lòng thì phải nói là OUT OF SIGHT, OUT OF MIND.

QA

Thưa anh, QA dịch đại Việt Anh thế này có đúng không… HE DOES NOT WANT TO LOSE FACE nghĩa là ông ấy không muốn bị mất mặt.

BBT

Ðúng chứ không sai. Người Mỹ cũng nói TO LOSE FACE là mất mặt.

LÃM THÚY

Bắt chước QA, Thúy nói thế này có được không…HE IS A MAN WITH TWO FACES. HE IS TWO-FACED.

BBT

Cô định nói ông ta là người hai mặt phải không? Vậy thì rất đúng . Ðó là người lá mặt, lá trái, phản phúc, không thể tin được.

Idiom sau đây cũng rất đáng để biết: TO FACE THE MUSIC. Thành ngữ này nghĩa là đối mặt, trực diện vớùi trách nhiệm, đối phó với những thách đố, khó khăn, thường là sau khi phạm phải những lỗi lầm, hay làm một điều gì sai trái nay phải lãnh trách nhiệm, bị xát xà bông, bị trừng phạt. Thí dụ nói SOON NORTH KOREA WILL HAVE TO FACE THE MUSIC AT THE SECURITY COUNCIL.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 76 của chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.


May 20, 2010

May 21, 2010

HTML clipboard

Ngày 17 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Có một chi tiết mà ít người để ý khi xem bức ảnh chụp buổi gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Nixon và chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Ðông diễn ra tại Trung Nam Hải ngày 21 tháng 2 năm 1972.

http://www.usdiplomacy.org/exhibit/images/Nixon%20reopens%20relations.jpg

Cuộc hội kiến diễn ra trong phòng làm việc của Mao Trạch Ðông. Trong hình, từ trái qua phải là Chu Ân Lai, Tần Văn Sinh thông ngôn của Mao, Mao Trạch Ðông, tổng thống Mỹ và Cố Vấn Anh Ninh Quốc Gia Henry Kissinger. Phía sau chủ và khách, là sách vở đầy trên bàn và trên kệ. Một chiếc bàn tròn phủ khăn trắng kê trước mặt, và ngay cạnh đó, dưới chân Mao Trạch Ðông, là cái ống nhổ tráng men trắng. Dưới chân Kissinger cũng có một cái.

Tưởng tượng sau khi nói vài ba câu thăm hỏi ông Nixon như ông đã sực phàn chưa, Mao chủ tịch tằng hắng, chúm miệng, nhổ phẹt vào cái ống nhổ dưới chân, đoạn đưa tay áo lên quệt ngang một cái thì tình tứ biết là bao nhiêu. Rồi Chu tổng tài, rồi thông ngôn Tần Văn Sinh cũng lục ục, lọc khọc trong cổ họng một hồi, sau đó, cả hai cùng khạc nhổ ầm ỹ làm vang động cả quảng trường Thiên An Môn vào cái ống nhổ thì khổ đời cho ông Nixon và Cố Vấn Anh Ninh Quốc Gia Henry Kissinger kể sao cho thấu.

Người Hoa, ngoài cái tật nói, ồn ào ở ngoài đường phố như một nhà báo Trung quốc, ông Bá Dương, đã viết trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, cuốn sách nói về những nét thô bỉ của dân tộc này, còn có thêm một cái tật khủng khiếp khác, đó là thói quen hay khạc nhổ bậy. Họ khạc nhổ ồn ào, đờm giãi được đưa từ cổ họng lên, hòa với nước bọt, phun ngay từ cửa miệng ra, cho rơi xuống bất cứ chỗ nào cũng mặc. Vách tường, gốc cây, sàn nhà, ngoài cửa sổ, dưới chân... bất cứ đâu, không cần biết tới người đứng cạnh, phẹt một cái. Vì người bên cạnh, cứ ba người, lại có một người cũng có cái thói khạc nhổ bậy đó. E dè, kiêng cữ làm gì cho mệt. Cứ khạc nhổ thoải mái miễn phí một cái đã.

Theo cuộc thăm dò khá công phu mới đây của một nhà xã hội học, ông Victor Yuan, đồng thời cũng còn là một chuyên gia nghiên cứu thị trường ở Hoa lục, thì ít nhất 300 triệu người Hoa, tức là 1/4 tổng số dân Trung quốc là những người hay khạc nhổ bậy thuộc loại khó chữa. Cuộc thăm dò cho thấy người Hoa, từ những nông dân nghèo thất học cho đến những thị dân giầu có văn minh, cứ ba người thì có một người mắc cái tật khạc nhổ bậy khó chữa này. Nhà xã hội học Victor Yuan cho rằng Trung quốc phải chữa dứt được cái tật ghê khiếp này thì mới hội nhập được vào thế giới bên ngoài. Không thể thỉnh thoảng lại quay ra cho cổ họng phát ra những âm thanh kinh khủng của đờm giãi bị đẩy từ họng lên miệng rồi nhổ đánh phẹt một cái xuống... bất cứ chỗ nào như từ bao nhiêu thế kỷ nay được.

Trung quốc cho đến bây giờ chưa bị lụt nặng thì cũng lạ.

Cuộc thăm dò phỏng vấn gần sáu ngàn người đàn ông, đàn bà từ 18 đến 65 tuổi tại nhiều nơi trong nước, cả thị dân cũng như nông dân. Kết quả cho thấy là tật khạc nhổ bậy là tật của đủ mọi loại người ở Trung quốc.

Theo một cách giải thích của một chuyên gia về Trung quốc, thì sở dĩ người Trung Hoa hay khạc nhổ bậy ở nơi công cộng là vì người dân quốc gia này không có truyền thống coi trọng người khác. Nói lớn, ăn uống ồn ào cũng phát sinh từ truyền thống này. Chính phủ, trong một nỗ lực cải đổi những nét xấu xa đó của xã hội Trung quốc, đã dùng biện pháp phạt tiền nặng nhắm vào những người hay khạc nhổ bừa bãi.

Nhưng làm sao một sớm một chiều dẹp được những trò chơi thú vị như vậy. Mà dẹp được trò khạc nhổ thì vẫn còn những trò khác vui hơn nhiều.

Thí dụ móc, cậy dỉ mũi, lôi ra, đưa lên xem như một chiến lợi phẩm, rồi nhìn trước nhìn sau, bôi vào gầm bàn, dưới đệm ghế hay búng lên trần nhà làm kỷ niệm. Ngồi xem những màn lấy dỉ mũi cũng là một trò giải trí không tốn kém, chỉ cần cẩn thận né để khỏi bị búng trúng vào người là được. Hay trò lấy ráy tai bằng ngón tay út có để móng dài, moi móc lấy chút ráy ra coi cho đỡ buồn cũng là chuyện vui lắm mà ông Kim Thánh Thán quên kể trong danh sách những niềm vui của ông.

Trung quốc có thể trở thành một cường quốc kinh tế nhờ dùng một lực lượng công nhân đông đảo sản xuất đủ mọi thứ hàng phục vụ đế quốc, nhưng nếu không bỏ được những thói tật thiếu văn minh như thế thì vẫn không thể là đàn anh thiên hạ được.

Có phóng được phi hành gia lên không gian, thỉnh thoảng lại phải mở cửa phi thuyền ra cho chàng khạc nhổ vài cái thì kỳ lắm.


Ngày 18 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Trung bình mỗi tháng tôi nhận được cả chục thứ thư từ kiểu gửi đại trúng ai nấy chịu, mời mua đủ thứ từ bảo hiểm đến son phấn, báo chí.

Thế nên hễ trông thấy người nhận được ghi là Current Resident, thì lập tức cái thùng rác bên cạnh hộp thư lại có thêm một chút rác rến.

Tôi chưa xin đổi cái tên ông cụ đặt cho trong khai sinh thành Current Resident thì những thứ thư từ đó không thể gửi cho tôi được. Tôi chỉ giữ lại những cuốn catalogue của Victoria's Secret, loại ấn phẩm rất hữu ích giúp cập nhật những thứ thời trang ít khi được quan sát thấy ở ngoài đường.

Nhưng hôm qua, thì người ta đã đi quá cái biên giới của sự dễ dãi mà tôi vẫn dành cho những thứ thư từ như thế. Thoạt đầu, liếc nhìn địa chỉ người gửi, tôi đã mừng quá. Tôi nghĩ sau bao nhiêu năm làm việc, có thể bây giờ, cuối cùng tôi sắp ra được khỏi nơi u tối của lãng quên để tiến vào vòng ánh sáng của những đèn rọi, cho vua biết mặt, chúa biết tên rồi chăng?

Ðịa chỉ bì thư cho biết đó là phong bì của National Register's Who's Who gửi đến tận địa chỉ của tôi. Niềm mơ ước thầm kín của đời tôi như vậy sắp trở thành sự thật rồi sao? Tiểu sử của tôi sẽ được đăng trong Who's Who, thì tôi cũng là ai rồi đó chứ! Tôi sẽ kiếm bức hình đắc ý nhất, với nụ cười nhiều răng nhất, đẹp nhất gửi cho Who's Who để in trong bản tiểu sử. Các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học nào đã học qua đều được ghi lại đầy đủ. Nhưng những điểm zéro to tổ bố, lại còn bị các thầy giáo dậy toán cẩn thận gạch hai gạch dưới đít bằng những nét bút giận dữ thì nhất định tôi sẽ lờ đi. Những consigne cấm túc hồi trung học chắc chắn sẽ không được khai ra. Thời gian trốn học đi lêu bêu với những người bạn tuyệt vời của tuổi trẻ sẽ được tạm quên đi.

Tiểu sử trong Who's Who không có chỗ cho mấy thứ chi tiết ấm ớ đó.

Nhưng tôi sẽ khoe những gì trong tiểu sử? Tôi sẽ cho biết là một connoisseur, một người rành rẽ, thông thạo về mì gói? Là người có cái bếp sạch nhất California, cái bếp gaz từ khi dọn đến không bật lên bao giờ, cái máy rửa chén bát làm được gì cho những cái đĩa giấy?

Rồi còn gì nữa có thể kể ra cho vẻ vang dân Việt nữa đây?

Tôi bắt đầu lo. Tôi không thể cấp đại cái Ph. D. cho mình, hay viết trước tên mình hai chữ T.S. để nhập nhằng mời mọi người đọc lầm là tiến sĩ được. Cũng không thể là trung sĩ hay thượng sĩ, vì chưa là binh nhì làm sao dám tiếm mạo quân hàm như thế.

Tôi sẽ phải làm gì? Cơ hội bằng vàng đến với tôi để một phút huy hoàng mà không làm được thì chán biết là bao! Tưởng tượng sách in xong, tôi sẽ mua một chục cuốn gửi đi lia chia, cho bạn bè vừa sợ vừa ghen tức chơi.

Có tên trong Who's Who chứ bộ!

Nhưng làm sao viết được cái tiểu sử để khi sách in ra, không phải dấu như mèo dấu những đống bài tiết của chúng, sợ bạn bè tìm được, đem ra đọc cho hậu thế chọc quê thì làm sao tiện?

Ðang khốn khổ vì những loay hoay đó, thì tôi đọc thấy tên người nhận. Ông ta không phải là tôi. Nhất định là như thế.

Người nhận có cái tên khác tên tôi nhiều. Ông ta tên là Unknown. Và bức thư mà National Register's Who's Who gửi cho ông ta nguyên văn như thế này:

Dear Unknown Unknown:

Congratulations, the National Register's Who's Who is considering you for possible biographical appearance in the 2011-2012 edition.

P.S. Unknown, due to our tight selection schedule, a prompt response would be appreciated.

Thưa ông Vô Danh Không Ai Biết:

Xin mừng ông, chúng tôi đang cứu xét việc in tiểu sử của ông trong ấn bản năm 2011 -2012.

Tái Bút: Thưa ông Vô Danh, vì thời gian lựa chọn rất eo hẹp, xin ông trả lời sớm.

Tội nghiệp nhân viên sở rác hôm qua lại phải vận dụng thêm chút bắp thịt để đổ cái thùng rác đã nặng thêm vì cái thư vớ vẩn đó.

Nhưng hình như ở nước Mỹ vẫn còn rất nhiều người bị bịp và đi bịp những người khác bằng cái thứ Who's Who tầm bậy như vậy.


Ngày 19 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Linda Evangelista, nữ kiểu mẫu hàng đầu từng ngự trị tất cả các sân khấu trình diễn thời trang, các cat walks ở Milan, ở Paris, ở London, ở New York... trong những năm 80, đã treo giầy cao gót... giã từ thế giới thời trang kể từ cuối thập niên 90.

http://www.contactmusic.com/pics/m/takashi_murakami_030408/linda_evangelista_5113363.jpg

Ngoài thành tích lẫy lừng về nghề nghiệp, Linda Evangelista còn để lại cho thế giới một câu nói chắc chắn rồi đây thế nào cũng sẽ trở thành một danh ngôn được nhắc đến mãi.

Trong lúc đang ở ngôi vị tột đỉnh của thế giới kiểu mẫu thời trang, mỗi ngày xuất hiện trước ống kính các nhiếp ảnh gia, Linda Evangelista được trả thù lao rất cao. Chỉ cần làm việc liên tiếp một tuần lễ, không ăn uống gì, một việc làm quá dễ của các nữ kiểu mẫu, Linda có thể trả xong chiếc condo mà tôi phải gánh è cổ trong ba mươi năm mới hết nợ. Thù lao của Linda trong những năm 80 và 90 là hơn mười ngàn Mỹ kim mỗi ngày. Một tuần lễ làm việc, Linda có thể dứt nợ cho người đàn ông khốn khổ này dễ dàng.

Với mức thù lao được trả đó, Linda Evangelista nói rõ nàng sẽ không ra khỏi giường nếu không được trả trên mười ngàn Mỹ kim -- I would not get out of bed for less than ten thousand dollars.

Nghĩa là nếu có ai cầm chín ngàn Mỹ kim đong đưa trước giường ngủ của Linda Evangelista thì người ta sẽ tiếp tục thấy một phụ nữ đẹp nằm ngủ và ngáy to như sấm. Chưa tới giá (mười ngàn) thì chưa thể giã từ chăn êm nệm ấm được. Câu nói của Linda xứng đáng là một danh ngôn của thế kỷ.

Nhưng câu nói đó cũng bầy ra một điều là Thượng đế không "thiên hạ chí công" chút nào cả. Hiến pháp Mỹ cũng sai bét khi nói rằng mọi người sinh ra đời đều bình đẳng. Nhìn Linda Evangelista, ai cũng thấy ngay là mọi người sinh ra đời không bình đẳng gì hết. Có lẽ George Orwell, tác giả truyện ngụ ngôn Animal Farm, nói đúng hơn cả: tất cả mọi thú vật sinh ra đời đều bình đẳng, nhưng vài loài thú bình đẳng hơn những con thú khác.

Cùng ra đời, cũng đầu óc, mặt mũi tay chân (?) giống nhau, mà sao người thì mỗi ngày uốn éo, ưỡn ẹo trước ống kính máy ảnh, quần áo ơ hờ khoác lên người cho có lệ thì được trả trên mười ngàn Mỹ kim, trong khi người từng làm công chức liên bang, sáng vác ô đi, tối nhiều khi lại còn để quên ô ở sở, lương lậu mỗi năm, sau khi bị thuế má cắn cấu tàn nhẫn, chỉ đủ tiền ngồi nhà hận đời đen bạc, ăn mì gói chan nước mắt lõng bõng?

Rõ ràng là những người như Linda Evangelista bình đẳng hơn chúng ta rất nhiều.

Trong khi Linda như thế, dưới mười ngàn Mỹ kim là không ra khỏi giường, thì người đàn ông Á châu này chỉ cần hai ba trăm bạc là đã nhanh nhẹn nhẩy ra khỏi giường, sửa sang qua tấm nhan sắc cuối mùa lãng mạn, vội vàng chạy đến sở để bị các thứ Mỹ già vô duyên, ngu dốt, Mỹ nhỡ ăn gừng, vừa lùn, vừa xấu, chân cẳng như Pelé, ăn nói vô duyên... nhào ra bắt nạt.

Chán biết là chừng nào.

Có phách lối thì cũng chỉ phóng tác câu của Linda Evangelista để tự an ủi, nói là dưới hai trăm Mỹ kim ($200) thì đừng hòng lôi được cậu ra khỏi giường.

Nhưng đó là ra khỏi giường. Còn... vào giường thì bao nhiêu?

Lôi Linda Evangelista vào giường thì quả thật chưa thấy có báo nào nói mặc dù tôi đã tìm hiểu về nàng khá kỹ. Những người đã lôi được thì không nói, nàng cũng không tiết lộ. Bản tin giá cả thị trường Mỹ của tờ nhật báo kinh tế tài chính Wall Street Journal cũng không thấy nói.

Nhưng không thể phá giá một cách bi thảm bằng giá của người đàn ông Á châu trung niên mà tôi biết. Giá của chàng chỉ là một tô mì gói và một ly cà phê uống liền (instant coffee) là lôi chàng vào giường được ngay.

Chàng vẫn tự chi cho chàng như thế mỗi tối từ hơn một chục năm nay.

Thảm vô cùng!


Ngày 20 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Mấy tháng trước, có việc, tôi phải đi Toronto, và ở cửa vào để lên máy bay của hãng Air Canada, tôi thấy có một tấm bảng với hàng chữ hơi khác thường: NO JOKE.

Không đùa, không tiếu lâm, không chuyện diễu.

Quốc gia láng giềng của nước Mỹ đã trải qua những đổi thay gì mà tôi không biết kể từ chuyến đi thăm mấy người em vài tháng trước? Gia Nã Ðại đã trở thành một quốc gia không còn óc hài hước nữa, không còn biết cười, biết đùa nữa hay sao?

Tấm bảng có hàng chữ NO JOKE được đặt ở quầy xét hành lý hành khách trước khi lên máy bay.

Tôi đặt chiếc va li nhỏ cầm theo lên bàn quay để chạy qua máy quang tuyến dò kim khí. Một nhân viên hỏi tôi một câu mà tôi đã nghe qua hàng trăm lần trong những chuyến đi trước đây ở các phi trường: "Ông chính là người xếp hành lý vào va li chứ? Có lúc nào ông rời hành lý của ông không? Có ai mở va li này từ lúc ông xếp nó cho đến giờ không? Có ai nhờ ông mang theo gì bỏ trong va li không?"

Và lần nào, câu trả lời cũng chỉ là "yes" cho câu đầu và "no" cho tất cả các câu sau.

Trả lời mãi bằng ấy câu thì cũng chán. Người hỏi, sau bao nhiêu lần, chắc cũng hỏi cho có lệ. Ai là người sẽ trả lời có bỏ trong va li khẩu Smith Wesson nòng cụt, một gói plastic, con dao Bowie? Bỏ bằng ấy thứ trong va li mà còn thành thật khai báo ư? Nên người trả lời cũng chỉ lơ đãng gật rồi lắc theo sau mỗi câu hỏi. Vâng, chính tôi xếp va li cho tôi. Không, không lúc nào tôi rời cái va li này. Không, không có ai mở nó ra sau khi tôi đóng nó lại. Không, không có ai nhờ tôi mang theo gì hết...

Chao ôi, óc sáng tạo cứ càng ngày càng bị những thứ câu hỏi "yes or no" đó làm cho thui chột đi. Tiếc biết là bao nhiêu!

Nên đã có mấy lần, tôi định trả lời khác đi một chút, cho đời nhẹ đi, bớt căng thẳng đi phần nào.

Thí dụ câu có phải ông là người làm va li không, thì thay vì trả lời "yes", đã bao nhiêu lần tôi cứ muốn nói rằng thưa phải, tôi không làm lấy va li thì ai làm cho tôi nữa? Tôi còn phải làm biết bao nhiêu việc khác ở nhà, việc xếp mấy thứ quần áo vớ vẩn này vào va li thì có đáng gì... tôi không làm thì ai làm cho tôi bây giờ? Bộ ông / bà nghĩ là sẽ có người âu yếm chạy vào garage lấy cái va li rách này của tôi, quăng hộ tôi mấy cái quần áo lót, vài ba cái sơ mi nhầu nhẹt vào hay sao? Nếu có được chuyện đó, chuyện làm va li hộ cho tôi, thì làm sao có được mấy cái ca vát tươi, trẻ và đẹp như thế này? Chắc chắn chỉ là một cái ca vát xấu, cũ mèm, mầu tối tăm nhạt nhẽo, nhăn nhúm để khỏi tạo chú ý nơi những người khác chứ làm sao có được mấy cái Versace, Giorgio Armani... này?

Tôi có rời cái va li này từ lúc bỏ quần áo vào không à? Thưa không. Rời nó ra để mà chết à? Rời nó ra để bị lục soát lần nữa sao? Ðể bị lấy lại mấy cái ca vát này ư? Không bao giờ. Người đâu va li đấy. Rời ra là khó toàn mạng. Ai ngu dại gì?

Có ai mở nó ra không? Thưa cũng không. Không ai mở nó ra hết. Mở ra để soát lại xem có mang theo các thứ cần dùng không à? Thưa không. Không ai quan tâm đến tôi nhiều như thế. Lục soát, kiểm soát thì có. Quan tâm thì không. Nhưng không. Tôi cũng cẩn thận không để bị kiểm soát như thế. Làm xong va li thì lên đường ngay. Rời nó một giây là khủng bố có thể ra tay. Osama Bin Laden có thể bỏ vào đó một cái lược, một thỏi son đã dùng, một chai nước hoa lạ... ngay tình lúc về bị nhân viên an ninh lôi ra thì chỉ có chết đứ đừ. Nên không bao giờ có những chuyện như thế xẩy ra.

Có ai nhờ mang theo gì không? Nhất định là không. Làm gì có chuyện đó được. Ra đi thì không. Nhưng về thì phải có. Quà cáp không đúng thì chết thưa ông / bà.

Tôi đã định trả lời như vậy mấy lần nên khi thấy tấm bảng NO JOKE của Air Canada, tôi thấy chán hãng máy bay này vô cùng. Lại càng chán phải nghe những câu hỏi mà tôi nghĩ là lấy lệ của các nhân viên an ninh.

Nhưng hôm nay, nghĩ lại, thì thấy Air Canada vô cùng có lý. Luôn cả những câu hỏi ở quầy vé về những món hành lý mang theo cũng lại rất có lý.

Những người cướp máy bay của American Airline và United Airlines khi lên máy bay ở Boston, ở Newark, ở Dulles có thể đã đùa giỡn hơi quá khi trả lời những câu hỏi nhàm chán ở phi trường. Và bao nhiêu người đã chết vì cái hài hước đó của họ.


Ngày 21 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Trục Bá Linh, La Mã thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1936, và sau có thêm Ðông Kinh gia nhập, rốt cuộc cũng tan sau khi Ðức, Ý và Nhật thảm bại trước Ðồng Minh và đệ nhị thế chiến hạ màn.

Tưởng tượng nếu Ý và Nhật tiếp tục ở lại với nhau, bỏ mặc Hitler chết với Eva Braun ở Bá Linh thì thế giới sẽ là một nơi... kỳ lắm. Hai nước này đến phải đổi tên mất thôi. Và xứ sở của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Toa Ðô, Áo Lỗ (?) Xích... chắc không còn dám nhận cái tên cũ nữa. Cái tên ấy phải nhường cho Ý và Nhật vì những sở thích của hai dân tộc này.

Ai cũng biết người Ý đặc biệt thích cái chỗ để ngồi của phụ nữ. Du khách đi La Mã du lịch thế nào cũng cố gắng ra phố đi ưỡn ẹo cho đến khi được những người đàn ông Ý cấu đít cho một cái mới yên tâm trở về nhà, để khoe không đến nỗi bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh, mà quả là có được xoa mông, cấu đít khi đi du lịch sang nước Ý.

Còn người Nhật thì đặc biệt thích cái cổ của phụ nữ. Xem những bức thủ ấn họa, những tranh khắc gỗ nghệ thuật của Nhật, nếu đề tài là phụ nữ, thì nhất định người xem phải thấy cái cổ áo kimono kéo trễ ra phía sau, mái tóc kéo lên cao để cho thấy cái gáy, cái cổ trắng của người trong tranh. Người Nhật rất mê cái gáy, cái cổ của phụ nữ, và những khu vực này, đối với người Nhật là những khu vực hấp dẫn và quyến rũ hơn hết nơi cơ thể người phụ nữ.

Người Ý thích mông, người Nhật thích cổ. Như thế thì liên minh với nhau mà không lấy tên là Mông Cổ cũng uổng. Ðất nước của Thành Cát Tư Hãn đã suy yếu đi nhiều, có bị liên minh Ý Nhật chiếm lấy cái tên thì cũng chẳng làm được gì. Nếu chuyện xẩy ra như thế, thì bây giờ chắc chắn không còn hai vùng... mông trong và mông ngoài (Nội Mông / Ngoại Mông) nữa.

Chỉ còn có một... Mông Cổ mà thôi. Thế giới đỡ phiền hà biết là bao nhiêu.

Một phán quyết mới đây của tòa án tối cao Ý lại càng cho thấy là quốc gia này không liên hiệp với Nhật để thành nước Mông Cổ thì uổng không biết để đâu cho hết uổng. Nguyên do là từ vụ một phụ nữ kiện một người đàn ông ra tòa về tội sách nhiễu tình dục sau khi ông ta bóp mông đít của cô. Bị can khai là đang đi, tự nhiên thấy bị một sức mạnh thôi thúc mãnh liệt, đòi ông ta phải cấu đít một người phụ nữ mới được. Và đương đơn là người đang đứng cạnh. Ông liền lấy tay chiếu cố ngoại mông, nội mông của cô. Nhưng ông chỉ bóp có một cái, không bóp lại lần thứ hai, và ông cho biết là nếu sau đó gặp lại, chưa chắc ông đã bóp đít cô.

Tòa dưới nghe ông giải thích và những lời biện hộ của luật sư, đã tha ông. Người phụ nữ kiện tiếp, nhưng khi lên đến tối cao pháp viện, thì mấy ông bà tòa phán rằng một cái cấu đít đơn lẻ, vì cảm xúc nhất thời (isolated, impulsive) thì không phải là một hành động sách nhieãu tình dục. Người đàn ông được tha bổng.

Phán quyết này chắc chắn sẽ đưa tới rất nhiều chuyện trong những ngày sắp tới.

Ðàn ông Ý sẽ bạo dạn hơn trong trò thể thao quốc gia này, không còn phải leo lên xe bus trong những giờ đông người để kín đáo bóp vài ba cái đít trên xe nữa.

Dịch vụ du lịch nhờ phán quyết này sẽ phát triển mạnh. Du khách phụ nữ không còn phải giả bộ đến nước Ý để đi xem các lâu đài ở Florence, Roma nữa. Các bà, các cô cứ đi vài ba con đường là có thể về khách sạn khoe nhau số vết ngón tay trên mông cũng đủ vui rồi.

Nhưng phán quyết của tòa tối cao Ý cũng lại đang làm cho một nhà ngoại giao của nước ta buồn nẫu ruột. Cách đây mấy năm chàng bị cảnh sát Hương Cảng vồ về tội bóp đít một phụ nữ, khiến chàng phải lôi quyền đặc miễn của ngoại giao ra mới được cho về nhưng nhà chức trách vẫn chưa tha cho chàng hẳn.

Tưởng tượng chàng làm việc ở Ý thì vui kể gì...

Ðã được cấu đít phụ nữ đều đều, mà cấu xong lại không phải ngu dốt chạy tội bằng cách nói một câu ngớ ngẩn đại khái ngoại giao cùng mình như chàng mà lại sờ đít phụ nữ hay sao...

Ngu ơi là ngu, làm ngoại giao và sờ đít phụ nữ là hai việc hoàn toàn khác nhau chứ có liên lạc như thờ kính Bác Hồ và... không đem Bác xuống xóm mua vui đâu.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 75)

Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện. Bài học số 75 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, tuần qua có một khán giả Hồn Việt, ông Lê Trung ở Seattle, gửi cho Thúy một bức thư để Thúy chuyển lại cho anh nhờ giải thích sự khác biệt giữa BETWEENAMONG, giữa EVERYONEEVERY ONE.

BBT

Cám ơn ông Lê Trung. Tôi cũng định trong một bài sẽ nói về một số những chữ mà người sử dụng tiếng Anh hay lầm lẫn thì nay lại được thư của ông nhắc. Thế cô QA có thấy khác biệt giữa BETWEEN và AMONG không nào?

QA

Hình như không. BETWEEN và AMONG đều có nghĩa là giữa cả, phải không thưa anh?

BBT

Còn Thúy. Cô có nghĩ BETWEEN và AMONG khác nhau không?

LÃM THÚY

Thúy nghe nói BETWEEN YOU AND ME nhưng chưa bao giờ nghe nói AMONG YOU AND ME. Thế thì chắc nghĩa giống nhau, nhưng cách dùng chắc là khác nhau.

BBT

Đúng vậy. Cả hai đều nghĩa là giữa cả. BETWEEN YOU AND ME là giữa ông và tôi. Như vậy là có HAI người. Vậy thì BETWEEN dùng khi có HAI người, hai vật… BETWEEN THE TWO HOUSES là ở giữa HAI căn nhà. Nhớ khi nói BETWEEN YOU AND ME thì bao giờ cũng đặt YOU trước ME cho lịch sự. Nhưng một số người, nhất là mấy ông bà nhà quê ở miền nam nước Mỹ thì gần như luôn luôn là ME AND YOU. Có một bài hát dân ca tên là ME AND BOBBY McGEE của Kris Kristofferson.

QA

QA hiểu rồi. AMONG dùng với từ số BA trở đi. QA nghe AMONG US, giữa chúng ta. Chúng ta ở đây có thể là 3, 4 hay vài trăm, vài ngàn, vài triệu người. AMONG NATIONS OF THE WORLDAMONG THE VIETNAMESE vân vân. Phải không thưa thầy.

BBT

Như vậy hai cô, mỗi cô đã đúng được một nửa. TWEEN là từ gốc TWO mà ra. TWO là HAI, TWENTY là HAI MƯƠI.

Bây giờ đến EVERYONEEVERY ONE. EVERYONE viết liền là một đại danh từ nghĩa là TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Nhưng EVERYONE lại là đại danh từ số ít (SINGULAR). Động từ đi sau phải là NGÔI THỨ BA SỐ ÍT.

IN AUSTRALIA, EVERYONE HAS TO VOTE. VOTING IS A DUTY.

Thúy cho một thí dụ với EVERYONE coi.

LÃM THÚY

IN MY FAMILY, EVERYONE GETS UP AT 6 O’CLOCK DURING THE WEEK.

BBT

Còn QA?

QA

AFTER 1975, EVERYONE WANTED TO LEAVE THE COUNTRY. EVEN THE LAMP POSTS !

BBT

Trong khi đó, EVERY ONE, viết rời thành HAI : EVERY và ONE thì là một danh từ có nghĩa là MỖI NGƯỜI. EVERY ONE cũng giống như EACH. Thí dụ EVERY ONE OF THE STUDENTS IN MY HIGH SCHOOL CLASS HAS A BICYCLE.

Hai cô thử dùng EVERY ONE trong một câu thí dụ coi.

QA

I BUY CHRISTMAS PRESENTS FOR EVERY ONE OF MY NIECES AND NEPHEWS.

LÃM THÚY

I KNOW EVERY ONE OF MY CUSTOMERS.

BBT

Thay vì EVERY ONE trong các câu trên, chúng ta có thể dùng EACH, ý nghĩa không khác nhau.

Trả lời hai thắc mắc của ông Lê Trung xong thì tôi lại nhớ ra một số những trường hợp khác mà chúng ta cũng rất hay lầm. Cô Lãm Thúy có trường hợp nào cô nghĩ là có thể dùng lầm không?

LÃM THÚY

Thưa anh, nhân anh vừa giảng về EVERYONE và EVERY ONE, Thúy nhớ ra trường hợp của EVERYDAY EVERY DAY. Nhờ anh nói rõ hơn về EVERYDAY và EVERY DAY.

BBT

EVERYDAY viết liền là một tĩnh từ (ADJECTIVE) nghĩa là DAILY, hàng ngày. Thí dụ MY EVERYDAY SCHEDULE là thời biểu hàng ngày của tôi. MY EVERYDAY YOGA CLASS BEGINS AT 7 A.M. Cô QA cho nghe một thí dụ với EVERYDAY của cô.

QA

COOKING IS AN EVERYDAY JOB THAT I DO NOT ENJOY VERY MUCH.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

MY EVERYDAY CHORES INCLUDE BEING A TAXI DRIVER FOR MY DAUGHTER .

BBT

Nhưng EVERY DAY viết rời thì lại có nghĩa là EACH DAY, mỗi ngày.

Mời cô Thúy.

LÃM THÚY

I MUST CHECK MY DAUGHTER’S HOMEWORK EVERY DAY.

BBT

How about QA?

QA

I TALK TO MY ELDER DAUGHTER WHO IS AWAY IN COLLEGE EVERY DAY.

Thưa anh, hai câu này QA thấy hơi khó hiểu. Xin anh chỉ cho khác biệt của HAS GONE TO và HAS BEEN TO.

BBT

Hai câu đó rất khác nhau. Thí dụ khi cô nói MY DAUGHTER HAS GONE TO RIVERSIDE. SHE WILL BE HOME ON SATURDAY thì cô định nói gì đây?

QA

MY DAUGHTER HAS GONE TO RIVERSIDE nghĩa là con gái QA đã trở lại đại học ở Riverside và vẫn còn ở đại học, cuối tuần mới về nhà.

BBT

Đúng vậy. HE HAS GONE TO VIETNAM là ông ấy đi Việt Nam và chưa về

Trong khi đó, khi nói HE HAS BEEN TO VIETNAM thì câu này có nghĩa là ông ấy đã từng đi Việt Nam. Bây giờ ông ấy đã trở lại Hoa kỳ. Chuyện đi Việt Nam là một kinh nghiệm của ông đã xẩy ra cách đây 2 năm, 10 năm. HAS BEEN TO được dùng khi chúng ta muốn nói đến một kinh nghiệm, một chuyện đã làm trong quá khứ. HAS GONE TO là đã đi đâu đó, nhưng nay chưa về.

Nhân nói về HAS BEEN và HAS GONE, tôi lại nhớ ra hai chữ này mà có nhiều người cũng thường dễ dùng sai lắm. Đó là SINCEFOR. Muốn phân biệt thì cũng không khó. SINCE là kể từ. Sau SINCE chúng ta dùng một mốc thời gian, thí dụ năm nào, tháng nào, giờ nào đó. Thí dụ năm 2002, tháng MAY, giờ là 4:30 P.M. chẳng hạn. Cô Lãm Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Tôi đã ở California kể từ năm 1995…

LÃM THÚY

I HAVE LIVED IN CALIFORNIA SINCE SEPTEMBER 1995.

WE HAVE NOT SEEN HIM HIM SINCE THE BEGINNING OF THE YEAR.

THEY HAVE WAITED FOR YOU SINCE 2 O’CLOCK.

QA

WE HAVE STUDIED ENGLISH WITH YOU SINCE 2008.

MISTER OBAMA HAS LIVED AT 1600 PENSYLVANIA AVENUE SINCE FEBRUARY 2009.

HE HAS RETURNED TO SCHOOL SINCE LAST WEEK.

BBT

SINCE được dùng với mốc thời gian trong khi FOR được dùng với chiều dài của thời gian như 3 năm, 2 tháng, 1 tuần, nửa tiếng.

Mời cô Lãm Thúy.

LÃM THÚY

MY SON HAS HAD THIS iPHONE FOR AT LEAST 5 MONTHS.

THE WAR IN AFGHANISTAN HAS GONE ON FOR 9 YEARS.

QA

THE KETTLE SAT ON THE STOVE FOR MORE THAN 30 MINUTES.

I HAVE DRIVEN THIS TOYOTA CAMRY FOR 3 YEARS.

I HAVE NOT BOUGHT A NEW PAIR OF SHOES FOR YEARS.

BBT

Có BA trường hợp này cũng khá lý thú. Đó là A LOT OF, LOTS OF A LOT. Các cô nên cẩn thận.

Trước hết là A LOT OF và LOTS OF. Hai trường hợp này giống nhau, cả hai đều có nghía là nhiều. Chúng có thể được dùng với danh từ không đếm được (UNCOUNTABLE NOUNS) cũng như danh từ đếm được (COUNTABLE NOUNS). Mời cô Thúy, rồi sau đó cô QA.

LÃM THÚY

A LOT OF PEOPLE LIKE KARAOKE.

LOTS OF BEER IS CONSUMED DURING THE WEEK-END.

QA

MY MOTHER CAN TELL LOTS AND LOTS OF FAIRY TALES.

A LOT OF STUDENTS ARE COMING FROM VIETNAM.

BBT

Bây giờ tôi sẽ nói về A LOT. Đây là một trạng từ (ADVERB). Nó luôn luôn đứng cuối câu, mang ý nghĩa là nhiều, nhiều lắm. Khác với A LOT OF và LOTS OF, nó KHÔNG ĐI CÙNG VỚI "OF".

Thí dụ I MISS SAIGON A LOT.

Cô Lãm Thúy cho biết phải dùng A LOT OF hay A LOT trong câu này: HE HAS CAMERAS.

LÃM THÚY

Thúy sẽ dùng A LOT OF. HE HAS A LOT OF CAMERAS.

BBT

Đúng. Còn QA sẽ dùng A LOT OF hay A LOT trong câu này: HE LOVES CAMERAS.

QA

HE LOVES CAMERAS A LOT.

BBT

Cám ơn hai cô. Tuần trước có một thính giả đài Little Saigon Radio viết e-mail cho tôi yêu cầu cho biết một vài idiom liên quan đến HOUSE. Đề nghị của ông rất lý thú và idioms với chữ HOUSE thì nhiều lắm. HOUSE là nhà. Nhà là thứ gần gũi với chúng ta nên có nhiều idioms, tục ngữ liên quan đến nó.

HOUSEKEEPER là người quản gia. Chữ KEEPER có thể đi kèm với những chữ khác như SHOPKEEPER, GAMEKEEPER

Zsa Zsa Gabor, một nữ diễn viên điện ảnh lấy chồng khoảng ít nhất 8 lần. Bà nói một câu rất hay: I AM A GOOD HOUSEKEEPER BECAUSE EVERY TIME I DIVORCE I KEEP THE HOUSE.

Nhưng KEEP HOUSE thì lại nghĩa là giữ cho nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. TO PLAY HOUSE là trò chơi con nít giả làm người lớn. MY HOUSE IS YOUR HOUSE là xin cứ tự nhiên như ở nhà, coi nhà tôi như nhà của bạn, cũng đồng nghĩa với MAKE YOURSELF AT HOME.

LÃM THÚY

Hình như câu này là câu của người Tây Ban Nha chứ không phải là của người Anh thì phải. Thúy nhớ ở cái thảm chùi chân nhà bà hàng xóm có mấy chữ MI CASA , SU CASA. Con gái Thúy nói tiếng Anh là MY HOUSE IS YOUR HOUSE phải không anh?

BBT

Có lẽ đúng là như thế. Người Anh nói A MAN’S HOUSE IS HIS CASTLE nghĩa là căn nhà của người Anh là cái lâu đài của ông ta. Có ý tưởng như thế thì ít khi nghĩ MI CASA , SU CASA được. Cô Thúy nói đúng.

Câu sau đây khá giống câu đánh chuột coi chừng làm vỡ lọ cổ của chúng ta: BURN NOT YOUR HOUSE TO FRIGHT THE MOUSE AWAY nghĩa là đừng đốt nhà để đuổi chuột.

A HOUSE OF CARDS là một kiến trúc, một công trình, một kế hoạch, một tổ chức có thể đổ tan bất cứ lúc nào cũng như đem những quân bài xếp lại thành cái nhà, chỉ đụng nhẹ là đổ. Thí dụ sau khi Hoa kỳ rút khỏi Iraq thì chính phủ ở đó sẽ như một căn nhà làm bằng những quân bài, thế nào cũng đổ: AFTER THE AMERICANS LEAVE, IRAQ WILL TURN OUT TO BE A HOUSE OF CARDS.

GLASS HOUSES là nhà làm bằng kính. Sống ở trong một căn nhà làm bằng kính mà cứ cầm đá chọi lung tung thì rồi thế nào cũng làm vỡ kính, tan cái nhà: PEOPLE WHO LIVE IN GLASS HOUSES SHOULD NOT THROW STONES. Câu này nghĩa là người ta không nên chỉ trích người khác về những sai lầm mà chính mình cũng có. Chân mình thì lấm bê bê/ đừng cầm bó đuốc mà rê chân người.

QA

Thưa anh, HOUSE cũng có nghĩa là hạ viện phải không? Thí dụ LOWER HOUSEUPPER HOUSE ở Việt Nam trước kia. HOUSE OF COMMONS là Thứ Dân Nghị Viện và HOUSE OF LORDS là Quí Tộc Nghị Viện như ở bên Anh.

BBT

Đúng như cô QA nói. HOUSE là hạ viện. Báo chí dùng chữ HOUSE để nói Hạ Viện Hoa kỳ. Tôi nhớ một cái bumper sticker dán trên cản một chiếc xe tôi đọc được hồi còn ở miền đông: A WOMAN’S PLACE IS IN THE HOUSE… Nếu câu này chỉ đến đó là hết thì nó mang ý nghĩa rất phong kiến, coi rẻ phụ nữ: chỗ của phụ nữ là trong nhà. Đó là quan niệm của một hai thế kỷ trước. Nhưng ngay ở dưới hàng chữ vừa kể, là những chữ này: AND THE SENATE. Tự nhiên chữ HOUSE không còn có nghĩa là nhà nữa, mà nó mang nghĩa là HẠ VIỆN, vì những chữ AND THE SENATE đi theo sau. Toàn câu trở thành A WOMAN’S PLACE IS IN THE HOUSE AND THE SENATE nghĩa là chỗ của phụ nữ là Hạ Viện và Thượng Viện.

Idioms về nhà đến đây coi là tạm đủ. Bây giờ đến lúc trở về mái nhà xưa rồi chăng hai cô?

QA

Thưa đúng. Bài học Anh ngữ thứ 75 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.