NĂM DẦN NÓI CHUYỆN HỔ
Bùi Bảo Trúc
Năm nay là năm Dần.
Dần là chi thứ ba trong mười hai (thập nhị) chi. Năm Dần là năm con hổ. Miền Bắc gọi là hổ, danh từ mượn của chữ Hán. Miền Nam gọi là cọp. Những chữ khác để gọi con thú này là hùm, hầm, cọp, khái, kễnh, ba mươi, sơn vương, sơn quân, chúa sơn lâm… Chữ "ông" được dùng với những danh từ kể trên để tỏ lòng tôn kính và khiếp sợ dành cho con thú họ hàng nhà mèo này. Người ta gọi tôn con thú này lên thành ông cọp, ông khái, ông kễnh, ông ba mươi... Hùng hổ là tĩnh từ dùng tên hai con thú vừa mạnh, vừa dữ ghép lại với nhau. Hùng là gấu. Hổ là cọp. Hùng hổ là oai phong, dữ tợn, mạnh bạo.
Dần chỉ đi với 5 can là Giáp, Bính, Mậu, Canh và Nhâm để thành Giáp Dần, Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần và Nhâm Dần. Dần không đi với Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí nên không có Ất Dần, Đinh Dần, Tân Dần và Quí Dần.
Một năm là mấy tháng xuân
Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai (ca dao)
Như vậy, giờ Dần là sớm sủa. Con gái chỉ có lứa, có thì, như một năm chỉ có ba tháng xuân, một ngày sớm sủa là giờ Dần. Đó là ý nghĩa của hai câu ca dao dẫn ở trên. Giờ Dần là giờ sớm, từ 3 tới cuối 4 giờ sáng. Từ giờ Dần sang giờ Dậu là lâu lắm. Tính ra là bẩy tiếng đồng hồ tất cả. Những người lề mề, chậm rịt, kéo dài công việc thường bị ví như là từ giờ Dần sang giờ Dậu. Trẻ con chậm ăn thường bị mẹ mắng là ăn có một bát cơm nhỏ mà suốt từ giờ Dần sang giờ Dậu cũng chưa xong. Tháng Dần là tháng Giêng âm lịch. Năm nay là năm Canh Dần.
Cọp sống ở rừng. Nhưng cũng có thứ thích đến ở các tiệm sách hay quầy báo để đọc sách báo. Cọp là giống thú duy nhất có chữ nghĩa. Chứ không thì tại sao lại biết đọc báo, đọc sách, đọc đã đời rồi bỏ đi, không mua gì hết? Giống cọp này có lai một giống thú khác là con dê. Loài này gọi là cọp dê. Tiếng Pháp có chữ đọc lên nghe gần giống (?) cọp dê là copier. Trong các lớp học thỉnh thoảng cũng có giống thú này xuất hiện, chuyên môn cọp bài của người ngồi bên cạnh. Mấy ông thầy tinh mắt thường bắt được ngay, phê cho hai chữ "đi cọp", hay cọp dê, cóp pi bài của người khác. Thầy giáo thường cho hai con trứng vịt về luộc mà ăn. Cuối tháng , cộng các điểm lại, bọn cọp bị trứng vịt kéo xuống làm khốn khổ chúng khi mang thông tín bạ về nhà cho (cọp) bố ký. Những chữ ký này thường đi kèm với những cái vết roi mây trên mông đít của cọp. Những cái lằn trên mông đít thường không giống như những cái lằn trên lưng cọp thật. Bọn cọp này bị lằn thì đau lắm. Bố thường đánh mấy roi để đít mang mấy cái lằn. Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng nghĩa là lòng dạ con người thì khó biết. Tuy thế, nhiều lằn dễ coi hơn chứ một lằn (?) thì xấu lắm. Bị gọi là một lằn (?) thì không đẹp chút nào.Tuy xấu như thế mà vẫn nhiều người vừa yêu nhưng lại cũng có người giận:
Xấu thì thật xấu
Xem vẫn muốn xem
Nói đến thì thèm
Bảo ăn thì … giận
Nói thế chứ bây giờ thì cũng ít người còn giận ba cái thứ lẻ tẻ (?) ấy.
Ông ba mươi sống ở rừng. Tại sao lại có tên là ông ba mươi? Lệ ngày xưa khi bắt được cọp thì được thưởng ba mươi quan tiền. Cũng có một cách giải thích khác là đêm ba mươi trời thường rất tối, cọp hay ra quấy nhiễu nên người ta gọi cọp là ông ba mươi.
Ba mươi mà còn cộng thêm ba nữa (30+3=33) thì lại chỉ thường thấy ở bàn nhậu. Bọn cọp thành phố có một thức uống riêng, gọi là bia con cọp như ở Việt Nam hồi trước năm 75. Bây giờ bia con cọp lại thấy xuất hiện trở lại, cùng với bia 33 ở chợ Việt Nam. Lâu ngày uống lại thì thấy cũng được thôi vì đã quen với dầu gió xanh Heineken suốt mấy chục năm mất rồi.
Hổ dữ như thế nên những thứ gì dữ tợn thì đều gọi là hổ: rắn hổ, hổ mang bành hay rắn kính nọc độc vào hạng nhất thế giới.
Thế Lữ có một bài thơ rất hay viết tặng Nhất Linh. Toàn bài không thấy Thế Lữ dùng một chữ hổ nào mà vẫn biết đó là lời con hổ. Chỉ đến đoạn cuối tác giả mới nhắc đến chữ "hùm" trong câu " là nơi hùm thiêng ta ngự trị". Bài thơ này đã cho người Việt một câu thỉnh thoảng lại đem ra dùng, đó là câu ở cuối bài thơ: "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!"
Cha mẹ cọp thì sinh ra cọp con nếu cọp mẹ, cọp bố không đi lạng quạng. Cha hổ lẹo tẹo với sư tử cái thì đẻ ra con thú lai tiếng Anh gọi là liger (ghép từ hai danh từ lion và tiger). Mẹ hổ lạng quạng với sư tử đực thì đẻ ra tigon (tiger và lion). Những con liger và tigon chỉ thấy trong các vườn thú vì ngoài thiên nhiên, chúng không sống gần nhau bao giờ. Hổ sống ở Á châu. Sư tử ở Phi châu. Trong vườn thú, hai anh chị gặp nhau đẻ ra những con thú lai cả cọp lẫn sư tử. Những con thú lai này rất to lớn, lớn còn hơn cả cha mẹ chúng. Chúng có chung những đặc tính của cả sư tử lẫn hổ. Thí dụ chúng thích nước như hổ, nhưng lại thích sống trong bầy như sư tử. Những con liger hay tigon này có đời sống ngắn hơn cha mẹ chúng cũng như các loài thú lai giống khác như con la có cha là ngựa và mẹ là lừa; zonkey cha ngựa vằn mẹ lừa hay cha lừa, mẹ ngựa văn…
Cha hổ thì đẻ con cũng là hổ. Hổ phụ sinh hổ tử là như thế. Cha ngon lành, đẻ con cũng ngon lành. Cha là Nguyễn Phi Khanh đẻ con là Nguyễn Trãi. Nhưng cũng có khi hổ phụ sinh khuyển tử: cha cọp, mà con thì lại là chó. Cha học giỏi, võ nghệ tinh thông cao cường làm nên chuyện trong khi con thì dốt, ngu và hèn … như chó.
Hổ sống trong hang. Muốn bắt cọp con thì phải vào hang cọp: bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử.
Vậy mà Hồ Xuân Hương lại khuyên những người đàn ông đi bắt cọp con rằng "chốn ấy hang hùm chớ mó tay". Hang hùm, miệng rắn đều là nhũng nơi nguy hiểm. Đụng vào chỉ có chết. Thế mà Cuội, nhân vật không lấy gì làm oai phong lắm lại dám vào hang cọp, bẻ chân cọp con rồi chờ cọp mẹ về đi lấy lá thuốc rịt cho con. Cuội bắt chước lấy được cây thuốc mang về giúp được bao nhiêu người cho đến khi cây thuốc bị vợ Cuội đái vào gốc, cây thuốc bay lên trời mới chấm dứt cuộc đời ông lang thuốc của Cuội.
Không biết cây thuốc của Cuội có phải là tiền thân của dầu con hổ mà tất cả người Việt Nam nào cũng đã ít nhất phải một lần có chút ít ở trong cái lỗ rốn. Có thời cái hộp nhỏ bằng đồng quarter mầu đỏ vẽ một con hổ đang chồm tới đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, từ Nam chí Bắc. Dầu con hổ ra đời khoảng những năm 1870 ở Rangoon, Miến Điện, là sáng chế của một ông thầy thuốc Tầu tên là Hồ Tử Khâm. Ông Khâm sau đó di cư xuống Mã Lai sống và thành lập một dược phòng sản xuất loại dầu này để bán khắp Đông Nam Á.
Hổ bảng là tấm bảng không có tên của cọp. Đi cọp bài thì làm sao đỗ đạt được. Bảng hổ là bảng ghi tên các thí sinh trúng tuyển. Cọp thì phải chịu ở ngoài vậy.
Ở ngoài thiên nhiên trước đây có 8 giống cọp nhưng 3 giống nay đã tuyệt chủng. Đó là cọp Bali, cọp Java và cọp Caspien. Năm giống còn lại là cọp Siberie, cọp Băng gan, cọp Sumatra , cọp Đông Dương và cọp ở nam Trung quốc. Lớn nhất là cọp Siberie và nhỏ nhất là cọp Đông Dương. Tất cả đều đang bị nguy cơ tuyệt chủng. Cọp Trung Hoa là giống có thể biến mất trong vài năm nữa, tổng cộng chỉ còn khoảng 100 con. Trong đó có 60 con ở các vườn thú. Nhưng theo chính phủ Trung quốc, hiện chỉ còn khoảng 10 đến 30 con.
Hổ bộ là tướng đi như hổ. Hổ cốt là xương hổ. Xương hổ dùng để nấu cao hay ngâm rượu. Hổ cứ là chỗ cọp ngồi, theo phong thủy thì đó là địa thế hiểm yếu. Hổ đầu là đầu cọp, tướng mạo được mô tả như thế thì chắc phải tốt. Hoàng Hoa Thám trong những bức ảnh Tây phổ biến trông rất giống con cọp. Ông được gọi là Hùm Xám Yên Thế là vậy. Hùm Xám Cai Lậy là biệt hiệu của thủ tướng Nguyễn Văn Tâm do chính sách đàn áp do ông cầm đầu nhắm vào các nhóm võ trang ở phía nam hồi những năm 1950.
Phụ nữ Thái rất hiền, vậy mà cứ nói bằng tiếng Anh thì họ trở thành dữ tợn vô cùng: Thai girls nghe không giống tigers hay sao?
Hổ khẩu là miệng cọp. Hổ khẩu cũng là kẽ tay giữa ngón cái và ngón trỏ. Giơ bàn tay lên, đừng khép ngón cái và ngón trỏ là thấy ngay … hổ khẩu.
Hổ phù là phù hiệu đầu cọp của quan tướng ngày xưa. Hổ quyền là cái cũi nhốt cọp. Hổ thị là cái nhìn dữ tợn như muốn nhào đến vồ ăn thịt. Hổ trành là ma cọp. Hổ uy là oai của con cọp.
Hổ giấy là con cọp làm bằng giấy, vô hại, chẳng làm gì được ai. Con hổ giấy này chỉ có Mao Trạch Đông trông thấy. Ngoài Mao ra, không ai thấy nó bao giờ. Mao Trạch Đông gọi nó là "chỉ lão hổ". Đã là giấy (chỉ), lại còn già (lão) nữa thì ai sợ con cọp này làm gì. Nhưng người ta vẫn sợ con cọp giấy này vì nó có răng làm bằng bom nguyên tử. Mấy chục năm Mao gọi Mỹ là hổ giấy, kết cuộc lại phải chơi với Mỹ.
Cuốn sách đỏ in năm 1964 của Mao Trạch Đông viết rằng đế quốc và bọn phản cách mạng đều là cọp giấy.
Thực ra thì không phải Mao là người chế ra chữ cọp giấy và dùng lần đầu, mà chính là Sir John Davis, tác giả cuốn The Chinese xuất bản năm 1836 đã viết "A blustering , harmless fellow they call a paper tiger".
Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận là hai thứ rất đáng sợ ở Việt Nam, cũng như sư tử ở tỉnh Hà Đông bên Tầu vậy.
Phi hổ là cọp bay. Nhưng cọp làm gì có cánh mà bay? Ca dao có nói rõ điều này:
Trời sinh hùm chẳng có vây
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời
Hổ có một nét đặc biệt là sau hai tai có hai chấm trắng. Khi tấn công, hai tai xoay ra phía trước để những con thú bị hổ tấn công trở nên hoảng sợ hơn, như thể hổ có tới bốn con mắt. Tiếng Anh gọi là predators’ eyes.
Hổ có vằn để dễ ngụy trang khi di chuyển qua những đám cỏ tranh. Vằn của hổ mỗi con mỗi khác, hệt như những dấu tay của người. Hổ cái đẻ mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Hổ mẹ cho con bú và săn mồi mang về hang cho con ăn từ 6 tháng trở lên . Đến 4 tuổi thì hổ con mới rời hang đi sống một mình . Hổ có thể sống được từ 15 đến 20 năm.
Hồi đệ nhị thế chiến, một ông tướng Mỹ, tướng Chenault có thành lập một phi đội dùng máy bay Curtis P-49 đưa sang hoạt động ở Trung Hoa để chống lại Nhật. Ông tướng này được đặt cho biệt hiệu là tướng Cọp Bay vì phi đội do ông điều khiển có tên là Flying Tigers. Phu nhân của tướng Cọp Bay, bà Anna Chenault có hồi rất thân với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, vận động ráo riết với chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cho Việt Nam.
Gần đây ở Sri Lanka, tên cũ là Tích Lan hay Ceylon, có một phong trào ly khai của người sắc tộc Tamil ở phía bắc của bán đảo Jaffna. Phong trào này có một lực lượng võ trang lấy tên là Tamil Eelam nghĩa là Hổ Tamil. Sau hơn ba mươi năm chống lại chính phủ Colombo, Hổ Tamil đã phải buông võ khí. Có thể là tại lấy tên là hổ trong lúc giống thú này bị đe dọa tuyệt chủng thì làm sao sống nổi.
Tên La tinh của cọp là panthera tigris.
Giống thú này không sống ở Âu châu. Vậy mà tiếng Anh và tiếng Pháp cũng có vài ba chữ liên quan đến hổ.
Trong tiếng Anh, to have a tiger by the tail nghĩa là ở trong một hoàn cảnh khó xử và rất nguy hiểm, như túm được đuôi hổ, nếu buông tay ra là có thể bị hổ quay lại cắn chết.
Một câu tục ngữ khác trong tiếng Anh lại rất giống một câu của Trung Hoa, đó là he who rides a tiger is afraid to dismount nghĩa là người cưỡi lưng cọp thì sợ không dám leo xuống. Câu tiếng Hoa là kị hổ nan hạ nghĩa là cưỡi hổ thì khó xuống.
Có một điều lạ là trong tiếng Anh (tigress) và tiếng Pháp (tigresse) con cọp cái đều có nghĩa là người đàn bà hung ác và dữ tợn.
Hùm hay hổ dữ như thế nhưng vẫn không ăn thịt con. Đó là hổ mẹ. Hổ bố rất tệ. Xong chuyện (?) với hổ mẹ là bỏ đi, để mặc hổ mẹ lo nuôi lấy con. Chỉ khi nào cần thì sáp lại với nhau.
Cọp sống một mình. Sư tử, anh em họ của cọp thì lại thích sống thành bầy.
Lông hổ mầu vàng, dưới bụng mầu trắng. Những vạch mầu đen ở trên mặt, trên lưng và đuôi mầu đen gọi là vằn. Nhiều người vẫn thắc mắc không biết mầu lông của hổ là mầu đen, có những khoảng vàng hay lông mầu vàng có vằn đen.
Bạch hổ có vằn đen nhưng rất nhạt. Ngoài thiên nhiên bạch hổ khó sống được vì mầu lông của nó khiến cho nó rất khó kiếm ăn.
Hổ đen chỉ thấy ông Đào Duy Tử kể lại. Một bữa Đào Duy Từ nằm mơ thấy một con hổ đen. Ông ra lệnh quân sĩ vây bắt. Hổ mọc cánh bay mất. Tỉnh dậy có một người đàn ông mặc áo đen đến xin gặp. Đào Duy Từ hỏi thăm thì biết người đàn ông này là Nguyễn Hữu Tiến sinh năm Nhâm Dần. Đào Duy Từ mừng quá vì người ấy hợp với giấc mộng của ông. Đào Duy Từ thấy Nguyễn Hữu Tiến thông minh giỏi giang bèn gả con gái cho và đưa vào giúp chúa Nguyễn. Đào Duy Từ còn soạn một bộ binh thư tên là Hổ Trướng Xu Cơ nghĩa là những việc cơ yếu bí mật trong quân. Hổ trướng là tấm trướng có vẽ hình con hổ, nơi quan nguyên súy đóng.
Cọp không thích khỉ, không thích rắn và rất ghét lợn. Bốn con này gặp nhau là chỉ có đánh nhau ra tận ngoài tòa (?)li dị mà thôi. Trong tử vi có nói vậy: Dần, Thân, Tị, Hợi tứ hành xung. Những con thú này không nên lấy nhau làm chồng vợ bao giờ. Dữ như cọp. Phụ nữ tuổi Dần thường cao số. Nhưng nếu cọp mà hiền thì lại là một kết hợp tốt. Trong khi đó, hổ rất hợp với ngựa, rồng, chó.
Hổ nổi tiếng là dữ nên nó cũng được dùng để đặt tên cho người.
Trong lịch sử Việt Nam có ít nhất hai người tên là Hổ đều còn được nhắc tới . Một ông tên là Lê Như Hổ rất nổi tiếng ăn nhiều, sức khỏe có thừa là một danh tướng.
Ông kia là Phạm Đình Hổ, một tay danh sĩ đời Lê có thời thơ phú với Hồ Xuân Hương. Ông cũng là tác giả của Vũ Trung Tùy Bút, Tang Thương Ngẫu Lục.
Có một ông cọp khác nữa tên là Hồ Ngọc Cẩn. Ông đeo lon đại tá từng chỉ huy tiểu đoàn 42 biệt động quân, tiểu đoàn có tên là Cọp Đen, còn có tên là Cọp Ba Đầu Rằn (cũng co tên là Cọp Ba Chân Đầu Rằn) . Một tiểu đoàn biệt động quân khác cũng mang tên cọp, đó là tiểu đoàn 44 đóng tại Ba xuyên biệt danh là Cọp Xám U Minh Hạ. Ông cọp Hồ Ngọc Cẩn đã vị quốc vong thân sau năm 1975.
Không thấy có phụ nữ nào tên là Hổ mặc dù nhiều bà cũng được gọi tên là hổ cái, cọp cái.
Nam thực như hổ, nữ thực như … voi (?) là đàn ông ăn như hổ và đàn bà ăn như voi (?). Có nơi nói là nữ thực như miêu. Không biết nói thế nào là đúng. Nữ thì hay đi ăn hàng ngoài chợ nên khó thấy mà kiểm chứng để có thể nói phe nào ăn nhiều.
Ở Mỹ có một người đàn ông trẻ tuổi, cha mẹ đặt cho cái tên là Tiger. Tài nghệ là cầm cái que sắt quất vào một quả cầu nhỏ mầu trắng cho trái cầu này rơi vào một cái lỗ. Chỉ có tài làm việc đó mà thành tỉ phú. Năm Sửu, năm con trâu, người đàn ông tên là cọp này bị nạn vì lẹo tẹo với cả chục em bé. Phen này vợ mà ly dị thì chàng sẽ mất một số tiền lớn. Phải chi tên là Lion thì đỡ. Lion’s share bao giờ cũng là phần chia to nhất. Tiger’s share không to được như phần chia của sư tử đực.
Ăn xong thì phải xỉa răng, nếu là người. Nhưng theo Lý Chí Tuy, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông thì họ Mao lại rất giống cọp ở chỗ không bao giờ đánh răng. Bác sĩ Lý Chí Tuy khuyên Mao phải đánh răng cho sạch thì Mao trả lời rằng con cọp có bao giờ xỉa răng, đánh răng đâu mà nó vẫn có bộ răng tốt.
Mao Trạch Đông nói vậy là nói bậy. Cọp vẫn có người xỉa răng. Người ta vẫn dùng thành ngữ xỉa răng cọp đấy chứ. Hết xỉa răng cọp lại quay sang vuốt râu nó cho đẹp. Tuy xỉa răng và vuốt râu cọp hai việc khá nguy hiểm, vẫn có người làm trong thời đại công việc khó kiếm như ngày nay.
Vì bắt chước cọp không xỉa răng, đánh răng nên Mao bị bệnh thối mồm khủng khiếp. Mao thối mồm như thế nên nói ra câu nào câu ấy thối không ai ngửi nổi. Như câu núi liền núi, sông liền sông, như câu môi hở răng lạnh … vậy mà vẫn có những thằng ngu và khốn nạn tin, ôm lấy hít hà khiến bọn bá quyền vồ lấy mấy cái đảo ngoài khơi, vài trăm dặm vuông trong lãnh thổ mà không dám ăn dám nói gì.
Hổ có râu. Không rậm lắm nhưng tại sao tả người có khuôn mặt đẹp một cách dũng mãnh người ta lại gọi là râu hùm như mặt Từ Hải: râu hùm , hàm én , mày ngài… Râu hùm le ngoe vài cọng để mấy đứa dại dột vuốt chứ không có công dụng gì ngoài truyền thuyết nọ là dùng râu hổ cắm vào thịt thối sẽ trở thành một giống sâu hết sức độc, ghét ai chỉ thư ngươi ấy bằng giống sâu này thì người ấy chỉ có chết.
Hổ là thú họ hàng nhà mèo. Họ hàng nhà hổ có báo và sư tử.
Hổ không ăn thịt con nhưng sư tử đực thì thỉnh thoảng có ăn thịt con riêng của vợ với một thằng sư tử đực khác vừa bị đánh cho một trận thua liểng xiểng. Sư tử mới lên ngôi chúa của bầy, thừa hưởng mấy chị sư tử nạ dòng đang nuôi đống con của chồng cũ. Sư tử đực quay ra đớp mấy sư tử con để diệt cái giống chồng cũ của vợ. Hổ thì không vậy, xong việc thì kệ xác mẹ cháu muốn làm gì thì làm.
Hổ và sư tử không leo cây được. Mèo thì leo trèo giỏi (Nhà em có một con mèo / Nó hay nghịch ngợm ,leo trèo lắm cơ/ Hôm qua dưới gậm bàn thờ / Có con chuột nhắt nó vồ được ngay / Trần Trung Phương).
Hổ và sư tử không leo được có thể là vì nặng quá. Lôi những cái xác nặng hơn 100 ki lô lên cây thì hơi khó. Báo nhỏ hơn, leo cây được.
Mèo chỉ kêu meo meo. Thỉnh thoảng kêu tới "méo" là cùng. Chắc để giúp ông Ba Giai hay ông Tú Xuất được bữa cơm miễn phí của cô hàng cơm khi nó kêu "méo" để mô tả cái đồ (?) của cô hàng mà hai ông quả quyết là … méo. Cô hàng đành phải đồng ý là con mèo của cô biết nói.
Mèo kêu meo meo, méo méo. Hổ cũng như sư tử và báo mới biết gầm. Lý do là vì cấu trúc của cái larynx và hyoid apparatus của mèo và cọp, sư tử khác nhau. Khi hơi từ được đẩy mạnh qua larynx trên đường từ phổi ra, thì hàm cúa của cọp, sư tử và báo rung lên để phát ra tiếng gầm.
Trong câu hò hổ như đĩ khấn tiên sư thì tiếng hò là của những người đi săn hổ, không phải là của hổ. Chẳng biết tại sao lại nối hai chuyện này vào với nhau. Đi săn hổ mà cũng nhớ tới mấy chị dưới xóm. Kỳ thật.
Vì hổ cũng sống ở Việt Nam nên trong ca dao tục ngữ Việt Nam có một số câu nói về con thú này.
Hổ ăn chay là chuyện không bao giờ có thật nên khi nói hổ ăn chay là muốn ám chỉ một người độc ác nhưng bề ngoài giả bộ nhân từ, trái ngược hẳn với bản chất để đánh lừa thiên hạ.
Hổ chết để da, người ta chết để tiếng cũng như câu báo chết để da, người ta chết để tiếng nghĩa là tiếng thơm lưu danh mãi (hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh). Nhưng cũng vì cái bộ da mà cọp bị săn đến nỗi gần tuyệt giống. Đem về lột da treo trên vách, thịt thì ăn, xương mang nấu cao hổ cốt. Hổ để lại bộ da đẹp và quí. Người tốt thì danh tiếng còn thơm mãi. Nhưng cũng có những cái tên lưu xú vạn niên. Khắc được vào bia miệng người đời thì cái thối tha ngàn năm cũng không hết. Nhưng gần day, tình hình có đổi khác như câu ca dao mới này: Trăm năm bia đá thì mòn, bia miệng cũng hết, chỉ còn bia hơi…
Hổ cậy rừng, rừng cậy hổ, cây chống chuối, chuối tựa cây là một câu tục ngữ của người Thái sống ở vùng thượng du Bắc Việt để nói về nhu cầu phải đoàn kết lại để cộng sinh.
Thả hổ về rừng là cho người tài giỏi có chỗ để làm nên chuyện lớn.
Hổ ở trong rừng mới là nơi thuận tiện. Đưa hổ ra khỏi núi là đưa hổ ra nơi bất thuận lợi cho hổ khiến hổ gặp khó khăn. Mãnh hổ khôn địch quần hồ là hổ có dữ, có mạnh cách mấy mà bị cả bầy chồn cáo tấn công thì cũng vất vả.
Hổ lạc bình dương bị khuyển khi là hổ xuống đất bằng, ra khỏi rừng núi thì bị chó khinh bỉ ý nói anh hùng hết thời, sa cơ thất thế bị bọn tiểu nhân coi thường.
Cọp ngã lắm kẻ cầm dao là lợi dụng khi người hùng thất thế thì tiểu nhân ào ào tới ăn có.
Hổ ở núi, muốn đánh thì phải dụ cho hổ xuống núi mới đánh được. Phải điệu hổ ly sơn.
Những câu nói dẫn ở trên đều đưa ra những hinh ảnh đẹp của cọp nhưng trong một trường hợp, cọp cũng bị oan: ki cóp cho cọp nó ăn là dành dụm tằn tiện cho lắm vào rồi cũng đến bị con cọp (cái) nó ăn hết. Thực ra thì ki cóp rồi dâng cho cọp chứ cọp có đè ra cướp đâu.
Ở Việt Nam ngày xưa cũng có trò chơi bắt voi và hổ đấu sức với nhau như tại đấu trường thời La Mã. Trò chơi này còn đến đời vua Thành Thái ở một địa điểm trên sông Hương là cồn Dã Viên. Trong những trận đấu này, hổ luôn luôn thua vì vóc nhỏ hơn voi, sức cũng yếu hơn voi. Móng hổ không làm rách được da voi nên cuối cùng, hổ bị voi đạp chết.
Hổ có dũng thật, nhưng có khi lại thua con chồn vì nó mưu lược hơn.
Chuyện kể một hôm hổ bắt được một con chồn. Hổ dọa sẽ đớp con chồn thì chồn chỉ mặt hổ nói là chồn được Trời phái xuống dương trần để làm chúa tể cả muôn loài. Hổ không tin mấy, chồn liền nói với hổ rằng không tin cứ đi theo hầu chồn ở đằng sau sẽ thấy. Quả nhiên, chồn đi trước, hổ đi sau, các loài thú trông thấy đều bỏ chạy tán loạn mà hổ nào biết rằng các giống thú sợ hổ mà chạy chứ có phải sợ chồn bao giờ đâu. Tục ngữ Trung Hoa dùng con dê và cho con này khoác lên mình bộ lông cọp để hù dọa mấy con thú khác: dương cốt hổ bì.
Trong cuiốn Jungle Book của Rudyard Kipling, con hổ Shere Khan là một con hổ gian ác. Tuy một chân có tật, Shere Khan lại rất hung hăng, tự coi là chúa rừng trong khi chỉ có một con thú duy nhất kính nể nó là con sơn cẩu Tabaqui hèn nhát và đáng tởm. Shere Khan vào làng bắt người ăn thịt làm cho một chú bé thất lạc cha mẹ. Chú bé, Mowgli được một bầy sói nuôi cho lớn. Shere Khan tìm cách đuổi Mowgli ra khỏi bầy sói nhưng không được vì Mowgli được báo Bagheera và gấu Baloo bảo bọc che chở. Cuối cùng, sau bao nhiêu tranh chấp, Mowgli giết được cọp Shere Khan. Cuốn sách làm say mê bao nhiêu thế hệ độc giả và là cảm hứng cho Lord Baden Powell trong việc sáng lập phong trào hướng đạo.
Trong truyện của Kipling, Shere Khan là một con cọp ăn thịt người, man eater. Thường thì chỉ những con cọp già yếu, không đuổi được hươu nai, lợn lòi mới vào rừng bắt người ăn thịt.
Trong bộ Quốc Văn Giao Khoa Thư có kể một con hổ một bữa bắt được con chuột, định ăn nhưng lại thôi vì chuột nhỏ quá, không bõ những ngày cơ cực. Chuột thoát chạy bay về hang. Ít lâu sau, cọp lạng quạng sa vào bẫy của thợ săn. Càng vùng vẫy lưới càng xiết chặt thêm đành nằm chờ chết. Bỗng chuột đi qua, thấy cọp, nhớ lại chuyện cũ bèn gọi cả nhà chuột ra cắn nát cái lưới để đền ơn hổ, thế là hổ thoát chết. Ngoài đời chưa ai thấy chuyện quái đản đó.
Hổ bị săn lấy da, lấy xương từ nhiều năm. Ở Ấn độ, khi còn là thuộc địa Anh, hổ cũng bị giết nhiều bây giờ chỉ còn ở trong một vài khu lâm viên.
Muốn giết hổ thực ra không khó. Biện Trang, quan đại phu ở ấp Biện thuộc nước Lỗ đã được một đứa bé chỉ cách đâm hổ. Biện Trang bữa đó đang đi thì thấy hai con hổ tranh nhau cái xác của một con trâu. Biện Trang muốn chạy tới giết . Chú bé nói với Biện Trang rằng hai hổ mà chỉ có nột con trâu chắc chắn sẽ đến lúc tranh ăn đánh nhau. Lúc ấy hổ nhỏ chắc chết, hổ lớn cũng bị thương. Đó là lúc thuận tiện nhất để đâm hổ. Biện Trang nghe lời, đợi một lúc quả nhiên đâm chết được cả hai con hổ. Truyện này muốn dậy cho người sau bài học tương tự như câu của Mạnh Tử: "Tuy hữu trí tuệ, bất như thừa thế" nghĩa là có thông minh, trí tuệ chẳng bằng có được lợi thế.
Trong sách Lễ ký có kể một câu chuyện cũng liên quan đến hổ. Đức Khổng Tử dẫn học trò đi sang Tề, khi ngang qua núi Thái Sơn thì thấy một người đàn bà ngồi khóc ở ngoài đồng thảm thiết. Ngài sai Tử Cống đến hỏi thăm thì được biết bố chồng, chồng và con trai của bà đều bị hổ ăn thịt. Tử Cống hỏi mất cả gia đình vì hổ mà không chịu dọn đi chỗ khác thì người đàn bà này nói rằng không dám đi vì hổ dữ nhưng quan lại không đến nỗi quá tệ, sợ là dọn đi nơi khác thì có thể gặp tham quan, lai nhũng còn khổ hơn là hổ nữa. Đức Khổng Tử nghe xong, quay ra nói với các học trò rằng chính sách hà khắc còn khốc hại hơn là hổ. Một học trò khác (?) không đồng ý với thầy Khổng nói rằng hổ chỉ dám đớp ba người đàn ông là cha chồng, chồng và con trai của bà mà đâu có dám đụng tới cái móng chân (sơn đỏ) của người đàn bà, xem thế thì hổ sợ người đàn bà chứ có gì mà thầy Khổng phải ấm ớ như thế.
Trong khi đó, cuối thế kỷ 20 lại có những người liều ra biển dù biết biển dữ, hải tặc vì nghĩ mấy thứ lẻ tẻ đó vẫn còn khá hơn là bọn chó ở trong nước.
Theo một câu truyện của Liễu Tôn Nguyên, một danh sĩ đời Đường, thơ phú cũng giỏi, lại đỗ đạt làm quan thứ sử thì nước Kiểm vốn không có giống lừa. Có người mang mấy con lừa về nuôi ở chân núi. Một hôm, con hổ trong rừng đi ra, trông thấy lừa thì sợ lắm, tưởng như đó là một con vật dữ tợn khỏe mạnh, lại thấy lừa kêu to nên hổ sợ quá bỏ chạy. Nhưng rồi hổ thấy ngoài tiếng hí đó, lừa không làm được gì khác. Hổ thử taut lừa một cái, thì lừa cũng chỉ hí lên vài tiếng, chân đá đi đá lại có một thế. Hổ xấn tới vồ lấy cổ lừa cắn chết rồi ăn thịt. Đúng là cảnh nhác trông ngỡ tượng tô vàng, nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.
Đau nhất là khi thất vọng, tìm ta thần tượng chỉ là một cục đất sét.
Chuyện hổ nói còn nhiều lắm, nói hoài không hết. Năm nay, năm hổ, chỉ mong hổ sẽ còn ở lại mãi với chúng ta chứ không bị săn bắn đến tuyệt giống để nhữõng thế hệ tới không còn được biết cọp là con gì ngoại trừ con cọp cái ở nhà thì nản biết là chừng nào.