Ngày 18 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Tôi vẫn nhớ mãi cảnh Michael Douglas đóng vai Dan Gallagher trong phim Fatal Attraction khi chàng bị Anne Archer trong vai người vợ, nhẹ nhàng đuổi ra khỏi nhà sau khi biết chồng có liên hệ (một đêm) với Alex Forrest do Glenn Close đóng.
Nhẹ nhàng thôi. Anne Archer chỉ yêu cầu chàng dọn ra khỏi nhà. Dan Gallagher lẳng lặng về phòng lấy hai ba bộ quần áo, bỏ vào va ly, tới một khách sạn ở tạm. Một sớm một chiều đang trong một gia đình lành lặn, người đàn ông phải dọn ra khỏi căn nhà đã sống nhiều năm để đến một căn phòng trong khách sạn thiếu thốn đủ mọi thứ. Cái bàn ủi, cái lò nướng bánh mì, cái máy sấy tóc … những thứ rất tầm thường bỗng trở nên cần thiết, thiếu vắng.
Nhân vật này, sau đó, ở cuối cuốn phim, trở lại được với gia đình cũ. Thảm kịch kết thúc. Nhưng rất nhiều trường hợp, đoạn kết không được như vậy. Người đàn ông bị đẩy vào một tình thế mới, một hoàn cảnh mới, một đời sống mà sau những năm tháng ở trong đời sống hôn nhân, có thể họ đã quên mất. Đó là không kể tới những thiếu thốn, mất mát tưởng rằng rất nhỏ như vừa kể ở trên, nay trở thành những khoảng trống rất lớn trong cuộc sống mới. Việc thích ứng với cuộc sống mới có thể không dễ. Người đàn ông cần rất nhiều sự giúp đỡ để đối phó với tình trạng độc thân bỗng trở về với chàng.
Chắc hiểu được chuyện đó nên mới đây, Debenhams, một công ty bách hóa ở Anh đã có sáng kiến lập ra một danh sách những món quà để cho những người muốn giúp chàng qua cơn khốn khó đó. Vụ ly dị bỗng nhiên đổi hẳn cuộc sống của chàng. Dọn ra khỏi căn nhà cũ chàng không mang theo được bao nhiêu ngoài chiếc dao cạo điện, vài món quần áo, cái radio, cái đèn đọc sách… Nhiều khi có thể còn không mang theo được gì khi những chiếc ổ khóa được thay bằng nhũng ổ khóa mới, mật mã của máy báo động bị đổi.
Bạn bè của chàng có thể mua những phiếu tặng quà đó để giúp chàng xoay sở trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn đó. Những món trong danh sách quà tặng đó có thể là bộ chén đĩa, dao muỗng, ly tách, khăn trải giường, khăn tắm, cái lò vi ba, những chiếc sơ mi không cần ủi, cái TV plasma…
Đọc bản tin của Reuters, chắc chắn đã phải có nhiều người tiếc ngẩn ngơ, buồn chán, thương cho thân phận mình. Sao lúc cần thì không có cái sáng kiến tốt đẹp đó. Đến khi không cần (nữa) thì Debenhams lù lù vác xác đến trêu ngươi.
Phải chi mà có cái list này sớm một chút có phải là đời sống đỡ đi bao nhiêu cơ cực không. Cái list có tên là divorce gift list.
Đọc danh sách những món quà mà Debenhams gợi ý tôi thấy còn có nhiều món không ghi ở trong. Thí dụ nàng bắt mất con chó thì danh sách quà tặng không có ghi. Thùng (?) condom còn cả trăm cái nguyên trong hộp nàng lấy đi cũng cần thay thế lắm chứ.
Nhưng dù cho có mua đầy đủ những món ghi trong list để tặng cho chàng thì có thể vẫn còn thiếu một món mà nhân đọc một bản tin nói về một vụ ly dị ở một tiểu bang miền bắc cách đây mấy năm, tôi thấy là rất cần thiết.
Cặp vợ chồng đó không còn trẻ lắm đưa nhau ra tòa ly dị. Tòa phán tài sản của hai người phải chia đôi đồng đều. Hai người có đứng tên là chủ một căn nhà. Sau khi có phán quyết của tòa, người đàn ông đã làm đúng theo lời của ông tòa: the wife is entitled to half of the jointly owned property. Người phụ nữ được một nửa căn nhà. Người đàn ông ra khỏi tòa liền đi kiếm một chiếc cưa điện, và cưa một đường từ trước nhà, lên mái, ra đằng sau căn nhà từng là chỗ ở hạnh phúc, mái ấm của đôi ta. Căn nhà được chia rất đều để không bên nào bị thiệt.
Cái list của Debenhams không thấy có ghi cái cưa máy.
Chỉ thiếu có cái cưa là danh sách quà tặng đầy đủ. Debenhams coi vậy mà vẫn còn thiếu sót năïng là vậy.
Ngày 19 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Đại Hàn trong mấy chục năm qua đã phát triển và thay đổi rất nhiều. Từ một quốc gia nghèo phải nhịn cơm mỗi tuần hai ngày như dưới thời Lý Thừa Vãn và Phác Chính Hy, Đại Hàn ngày nay đã trở thành một nước hùng mạnh, và ít sinh sản còn hơn cả Nhật Bản. Năm 2008, theo thống kê, trung bình một phụ nữ Đại Hàn trong suốt cuộc đời, chỉ sinh có 1.19 con. Con số 1.19 có thể kỳ cục nhưng đây là thống kê, con số 1.19 là con số trung bình.
Nếu tiếp tục mức sinh sản như hiện nay, thì trong tương lai không xa lắm, xã hội Đại Hàn sẽ chỉ toàn những người già. Đại Hàn có chung một mối lo như Nhật Bản hiện nay.
Chính phủ phải tìm cách giải quyết. Giải quyết để số sinh trung bình của phụ nữ Đại Hàn lên thành 2.0 trong hai năm.
Chính phủ đã thử những cách khuyến khích để các cặp vợ chồng gia tăng số sinh bằng những khoản tiền thưởng cho những cặp có hơn hai con. Chính phủ cũng còn đứng ra mai mối để cho các cặp lấy nhau nhưng có vẻ các biện pháp ấy không mấy thành công.
Tin mới nhất đọc được trên tờ Chosun Ilbo (Triều Tiên Nhật Báo) số đề ngày 14 tháng 1 cho biết bộ y tế Đại Hàn đã quyết định mỗi tháng một ngày, ngày thứ Tư cuối tháng, các sở bộ của chính phủ sẽ tắt đèn vào lúc 7 giờ 30 cho các nhân viên về nhà sớm để giúp gia tăng dân số. Chỉ riêng những người giữ những chức vụ quan trọng không thể thay thế được mới được cho ở lại sở làm việc.
Một giới chức của bộ y tế, ông Choi Jin-Sun nói là chuyện về sớm không trực tiếp liên hệ với việc có thêm con nhưng không thể loại bỏ sự nối kết có thể có đó.
Đúng là như thế. Nhưng có thể sẽ có một phó sản của quyết định cho về sớm của chính phủ. Đó là bữa ăn chiều thứ Tư cuối cùng của tháng sẽ linh đình hơn. Không khí ở nhà bớt căng thẳng. Những người phụ nữ Đại Hàn sẽ mặc những bộ hanbok đẹp nhất, ra tận cửa cởi giầy cho chồng, đưa chàng vào dùng bữa.
Rồi tuân đúng lệnh của chính phủ. Được cho về sớm như vậy thì phải làm cho đúng điều chính phủ muốn làm. Không làm thì không được cho về sớm nữa. Ráng mà ở lại sở cong đít lên mà làm việc. Nhẹ không ưa, chỉ ưa nặng thôi hả…
Thế là cái điện thoại cầm tay bị quăng ra ngoài vườn. Ngón tay ngoắc ngoắc, nụ cười chúm chím …
Không biết việc chính phủ làm có ăn thua gì không nhưng có thể trong những tháng sắp tới, việc mua được sâm Cao Ly sẽ trở nên rất khó. Đại Hàn sẽ không xuất cảng các thứ sâm tốt ra nước ngoài nữa. Loài hải cẩu sẽ lại bắt đầu bị săn bắt kinh hoàng.
Mấy con tê giác còn lại ở Nam Phi giờ cái thần hồn. Khôn thì mang nộp mấy cái sừng ngay lập tức hay là muốn một viên 7x57mm bắn bằng khẩu Mannlicher-Schoenauer rồi bị cưa lấy sừng đem đi Đại Hàn làm thuốc bổ cho chồng uống vợ khen hay rối rít?
Ngoài chi tiết vừa kể, có thể trong thời gian tới, tại Đại Hàn sẽ có một trò buôn lậu mới. Những chiếc bao cao su sẽ trở thành đồ quốc cấm và dịch vụ buôn lậu bao cao su sẽ rất phát đạt. Chinh phủ Kim Chính Nhật sẽ cho tràn ngập miền nam bằng đủ các loại bao cao su đủ mầu đủ kiểu râu ria lông lá (giả) trông như cái xác khô ở quảng trường Ba Đình để làm khiếp vía những vùng chiến thuật khiến kế hoạch tăng dân số của chính phủ Hán Thành sẽ tiếp tục thất bại. Vui đáo để cho mà coi.
Ngày 21 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Sắp tới đây, như luật pháp Hoa kỳ đòi hỏi mỗi mười năm, chính phủ Mỹ sẽ lại phải thực hiện một cuộc kiểm kê dân số. Cuộc kiểm kê không chỉ cho biết có bao nhiêu người đang sinh sống trong lãnh thổ nước Mỹ, mà còn đưa ra những hình ảnh chính xác hơn về quốc gia này, thí dụ về các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội của Hoa kỳ, người Mỹ sinh sống và làm việc như thế nào, đời sống gia đình của họ ra sao vân vân.
Nhưng vẫn còn một khía cạnh mà cuộc kiểm kê dân số này không ghi lại. Những câu hỏi trong tài liệu của Văn Phòng Thống Kê gửi đến từng nhà có thể đề cập đến tình trạng gia đình của người dân như ly dị, độc thân hay góa chồng, góa vợ... Có một chi tiết khác khá quan trọng thì lại không thấy ghi trong bản câu hỏi trong khi con số người trong tình trạng này không phải là ít. Không những không được "đếm" trong cuộc kiểm tra dân số, mà họ cũng không có một cách nào để cho những người khác biết về tình trạng của họ. Những người đồng tính luyến ái có thể nhận ra nhau qua vị trí của những cái bông tai: ở tai trái thì thế gian thường tình, ở tai phải là "phe ta". Chỉ cần nhìn cái bông tai đeo ở tai phải hay tai trái là biết ngay. Hay nếu không thì cái dây chuyền với chữ lamda của mẫu tự Hy Lạp đeo ở cổ. Nhưng những người đàn ông đã cắt ống dẫn tinh thì không có cách nào để nói lên được tình trạng "an toàn" của họ. Chẳng lẽ lại in vào danh thiếp, gặp ai cũng phát một tấm, hay vừa được giới thiệu, xưng tên họ ra thì kèm theo một câu nói về tình trạng đó: " Hân hạnh được biết cô, bà, ông... tôi là XYZ... tôi rất an toàn, tôi tin vào nỗ lực giữ cho mức gia tăng dân số thế giới ở con số zero và đã có hành động để duy trì niềm tin đó."
Trong xã hội cởi mở, công khai hóa mọi việc (transparent) như nước Mỹ, việc tự quảng cáo(?) như thế vẫn chưa được chấp nhận. Trong khi đó, việc thông tin cho mọi người là điều rất cần thiết mà nếu muốn làm công tác thông tin ấy, lại phải đăng lên báo những lời rao như thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được: I am not responsible for the debts I do not incur.
Thì nhất định là như thế rồi, tại sao phải chịu trách nhiệm về những món nợ mình không tạo ra? Những lời rao trong mục Official Notices nghe vừa vô lý vừa nực cười.
Trong cuộc chiến ở vùng vịnh, sau khi không lực Đồng Minh oanh tạc gây gián đoạn cho đường ống dẫn dầu của Iraq thì cả thế giới đều biết mặc dù chuyện ống dẫn dầu của Iraq bị cắt đứt không đưa ra những hiểu lầm như sự kiện ống dẫn tinh đã bị cắt, đốt hay cột.
Nhưng những người đàn ông có trách nhiệm này, một con số đang càng ngày càng gia tăng, mới đây đã có một cách kín đáo để nói cho phía liên hệ biết rằng họ đã có đóng góp thiết thực vào việc kiểm soát sự gia tăng dân số thế giới. Bernie Forestell, một công dân Canada sống ở thủ đô Ottawa, sau khi nhờ giải phẫu cắt ống dẫn tinh hồi tháng 10 năm ngoái, đã tìm ra được một cách để thông báo về tình trạng của ông. Ông vẽ kiểu và cho sản xuất tung ra thị trường những chiếc ghim kẹp ca vát. Những chiếc ghim này có hình chữ "V", chữ tắt của vasectomy (cắt đốt cột) hay victory (chiến thắng) tùy theo quan điểm của người đeo nó.
Coi nó là một sự công bố của tình trạng an toàn hay coi nó là một thắng lợi đều được cả. An toàn để không gây rắc rối cho mình và cho phía bên kia. Thắng lợi là không để cho bất cứ ai gây khó khăn cho mình vì một sinh hoạt có thỏa thuận của cả hai bên.
Ở dưới chữ "V" là biểu tượng của một con tinh trùng đã bị vô hiệu hóa nằm chết đứ đừ.
Chiếc kẹp ca vát, ở vị trí rất dễ thấy của nó giúp người đeo nó kín đáo thông báo cho các phía liên hệ về tình trạng của người đeo, thành phần không sản xuất của một thế giới đang càng ngày càng teo tóp lại. Việc thông báo này nhất định sẽ giúp cho cả hai bên. Không bên nào có thể lừa, đánh bẫy bên kia được.
Chuyện uống cà phê decaf, uống sữa nonfat, hút thuốc có đầu lọc... cũng không thể được nói lên một cách dễ dàng như thế.
Nhờ sản phẩm bán với giá trên dưới năm chục Mỹ kim này, người ta không còn phải xuất trình giấy chứng nhận của y sĩ hay cho phía liên hệ xem cái sẹo rất khó thấy (?) nữa. Chỉ cần đeo cái kẹp ca vát trước ngực là được.
Nhưng trong những lúc không có cái ca vát trên người thì làm thế nào đây?
Ngày 22 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Cuốn Webster's New World Encyclopedia tôi mua hôm tuần trước trong đống sách bán hạ giá trước cửa tiệm Border's Bookshop rẻ thì có rẻ thật, nhưng lôi ra đọc vài ba chữ đã thấy không đủ, thiếu tùm lum.
Thí dụ tiểu sử của Chekhov ở trang 174 hay Maugham ở trang 535 chẳng hạn. Anton Pavlovich Chekhov được ghi là một nhà soạn kịch và viết truyện ngắn của Nga (Russian dramatist and writer of short stories). Còn William Somerset Maugham của văn chương Anh thì cũng chỉ được ghi là English writer. Theo sau là mấy tác phẩm tiêu biểu nhất của hai ông. Chỉ có vậy thôi.
Trong khi bạn cũng như tôi, chúng ta biết cả hai ông đều xuất thân là y sĩ. Nhưng vì tiếng gọi của văn chương lớn hơn, nên cả hai đều xếp stethoscope quay sang với cây bút để làm nhà văn.
Vậy mà chi tiết đó không được ghi trong tiểu sử của hai ông đọc được trong cuốn Webster's. Thiếu sót đó không thể tha thứ được.
Ngày nay, nếu hai ông còn sống, lại được mời đi dự vài ba cái đám cưới như một cái cách đây ít lâu mà tôi có dự, thì hai ông đã được nhắc nhở một cách hào phóng hơn là cách nhắc nhở đầy thiếu sót của cuốn bách khoa rẻ tiền tôi có rất nhiều.
William Somerset Maugham, tác giả của Of Human Bondage, The Moon And Six Pence, The Trembling of a Leaf... không thể được giới thiệu trống không như trong cuốn Webster: nhà văn Anh. Ông phải là "bác sĩ, nhà văn William Somerset Maugham". Anton Chekhov cũng được emcee trân trọng giới thiệu là "bác sĩ, nhà văn, kịch tác gia Anton Chekhov". Hai ông sung sướng có thể chết đi sống lại được.
Chứ đâu có hà tiện giấy để có thể bán đại hạ giá ngoài cửa Border's Bookshop như cuốn bách khoa bỏ túi của tôi bao giờ.
Và nếu người được giới thiệu lại có một chuyên khoa nào, thì dĩ nhiên cũng phải được giới thiệu đầy đủ, thí dụ "bác sĩ sản phụ khoa, nhà thơ Nguyễn Văn X." hay "luật sư chuyên ly dị, bồi thường lao động, thương tích tai nạn, nhà văn Phạm Z."
Mà tại sao lại không?
Ông có hai tay, hai nghề khác nhau. Vui làm thơ nhưng không quên đỡ đẻ, thế thì phải giới thiệu đầy đủ, cũng như viết văn mà vẫn là chuyên về P.I. (personal injury) lo bồi thường cho thân chủ bị thương tích trong các tai nạn xe cộ thì phải kể ra cho hết.
Tô Đông Pha làm thơ hay, vẽ đẹp mà không thấy các emcee Tầu trong các đám cưới giới thiệu là "họa sĩ, nhà thơ Tô Đông Pha" bao giờ, thật là thiệt thòi cho một thiên tài của văn học Trung quốc. Cũng may mà ngày nay còn có người nhớ đến cả thơ cũng như tài vẽ của ông. Mà ông cũng không quá sốt ruột đòi ôm cả hai thứ... đi dự đám cưới bao giờ.
Các ông mà sống trong lúc này, lại lớ quớ được mời đi ăn cưới, được emcee mời lên sân khấu, ra mắt, được giới thiệu đầy đủ chức tước kiêm nhiệm, đang còn giữ cũng như đã hồi hưu như vậy, rồi lại còn được emcee xin "quí vị cho một tràng pháo tay" thì hạnh phúc nào bằng. Đến như vua Thần Tôn mê đọc thơ Tô Đông Pha trong lúc đang ăn thì cũng chỉ sướng gần được một nửa điều sướng khoái được giới thiệu theo cách giới thiệu trong đám cưới mà thôi.
Nhưng bạn tôi, một chuyên gia sửa ống nước, làm thơ rất hay, thì lại không được giới thiệu là "nhà sửa ống nước kiêm nhà thơ V." Chàng có vẻ không vui lắm. Chàng cho rằng sửa ống nước cũng là nghề cao quí mà sao emcee cắt quách cái... ống nước của chàng, lại chỉ giới thiệu chàng trần xì có cái nhãn "nhà thơ" nghe rất hụt hẫng. Chàng rất hânh diện về nghề sửa ống nước của chàng. Chàng kiếm sống bằng nghề này thoải mái, nuôi vợ con đầy đủ. Tối về chàng làm thơ, mà lại thơ hay. Chàng không vui, nghĩ là emcee có hơi kỳ thị. Trong khi các nhà văn, nhà thơ hôm ấy đều kèm theo một chức vụ khác như "nhà văn, giáo sư A." "cảnh sát, nhà văn Nguyễn"…
Tôi an ủi chàng rằng có thể emcee không kỳ thị, chỉ thấy hai việc sửa ống nước và làm thơ không thường đi chung với nhau thì bạn tôi chỉ cho tôi thấy rằng một tay sửa ống nước, tay kia làm thơ thì có khác gì một tay... vét nhau sản phụ, một tay làm thơ đâu?
Hay là bạn tôi nói đúng?
Mà như vậy thì tôi phải làm gì với cuốn bách khoa rẻ tiền, thiếu thảm thiếu hại, không viết nổi cái tiểu sử Chekhov và Maugham cho nên thân như cách chúng ta giới thiệu nhau trong cái đám cưới mới đây?
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 61)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 61 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Tuần qua, một khán giả có viết thư cho chương trình để hỏi về một cách dùng khác của động từ TO DO, cách dùng mà ông viết trong thư là EMPHATIC USE. EMPHATIC USE là cách dùng để nhấn mạnh, để làm cho ý nghĩa của động từ chính mạnh hơn. Thí dụ khi nói I LIKE THIS BOOK thì chuyện thích cuốn sách của tôi cũng vừa phải thôi. Nhưng nếu tôi muốn nói là tôi quả tình, thực tình thích cuốn sách này lắm, thì tôi sẽ nhấn mạnh vào mức độ ưa thích của động từ LIKE.
Muốn làm như thế, chúng ta chỉ cần đưa động từ TO DO vào trước động từ chính, trong trường hợp này, là LIKE, thì lập tức ý nghĩa của động từ LIKE sẽ mạnh thêm.
NHÃ LAN
Nhã Lan nhớ The Beatles có một bài hát nhan đề là LOVE ME DO . Đó có phải là một trường hợp nhấn mạnh EMPHATIC không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Thực ra trong văn nói hàng ngày thì người ta không nói như thế. Phải là DO LOVE ME! Đây là mệnh lệnh cách, tức là thể sai khiến. Chúng ta dùng IMPERATIVE MOOD để đưa ra một đề nghị, một gợi ý, một yêu cầu, một mệnh lệnh.
Để nói thêm một chút về IMPERATIVE MOOD. Khi chúng ta nói YOU CLOSE THE DOOR, hay YOU SIT DOWN, thì đó là thể xác định AFFIRMATIVE MOOD. AFFIRMATIVE MOOD dùng để xướng lên, nói lên, xác định một điều gì đó, một hành động nào đó.
Nếu BỎ CHỦ TỪ NGÔI THỨ HAI là YOU đi, thì câu đó trở thành một câu mệnh lệnh, ra lệnh đề nghị, yêu cầu, gợi ý: CLOSE THE DOOR! Hay SIT DOWN!
QA
Thưa anh, khi muốn tỏ ra ân cần hơn, thí dụ mời người mà chúng ta đang đối diện ngồi xuống, muốn cho ân cần, khẩn khoản, tha thiết hơn, thì có dùng động từ TO DO trước lời yêu cầu không?
BBT
Cám ơn cô QA. Tôi vừa định nói tới đoạn cô hỏi thì cô đã nhắc tuồng hộ. Được chứ. Và đó là câu đầu trong bài hát của The Beatles. LOVE ME DO hay DO LOVE ME. Nhưng câu này thì không thể là một mệnh lệnh được. Ai lại ra lệnh khôn như vậy!
NHÃ LAN
Thế thì DO SIT DOWN mạnh hơn là SIT DOWN phải không thưa anh?
BBT
DO SIT DOWN là thưa ông, thưa bà, thưa cô, xin ông bà cô làm ơn, làm phúc, làm giầu ngồi xuống cho tôi nhờ một chút được không? Thực ra thì không phải hoàn toàn như thế đâu . Nhưng DO SIT DOWN thì có kèm sự khẩn khoản, có nhiều sự nài nỉ hơn là SIT DOWN. Cô QA nếu cô muốn mời người nói chuyện với cô một ly cà phê mà cô quả tình muốn người ấy uống một ly cà phê thật chứ không mời lấy lệ kiểu như "Uống không? Không à?" thì cô sẽ mời như thế nào để cho có sự ân cần ở trong?
QA
DO HAVE SOME COFFEE WITH ME!
BBT
Cô Nhã Lan, tôi đố cô câu này là gì… OH MY BELOVED, DO STAY… DON’T HASTEN TO LEAVE …
NHÃ LAN
Câu này phải đi hội Chùa Lim ở Bắc Ninh mới biết: Người ơi, người ở đừng về…
BBT
Đúng. Người ơi, người ở đừng về / Người về, em vẫn khóc thầm bên song. Cô đúng là gái Bắc Ninh mặc dù cụ sinh cô ở Sài Gòn.
Bây giờ trở lại với EMPHATIC USE của động từ TO DO. Cách dùng này dễ chứ không có gì khó cả. Cô QA đổi câu này một chút cho ý nghĩa mạnh hơn : I ENJOY THE MOVIE A LOT.
QA
I DO ENJOY THE MOVIE A LOT.
BBT
Cô Nhã Lan: WE HATE THE SNOW.
NHÃ LAN
WE DO HATE THE SNOW.
BBT
Bây giờ qua ngôi thứ BA: HE PLAYS THE CELLO FOR AN ORCHESTRA.
QA
HE DOES PLAY THE CELLO FOR AN ORCHESTRA
BBT
Đúng lắm. Vì đã có TO DO ở trước nên động từ PLAY phải ở nguyên mẫu (INFINITIVE) chứ không còn là PLAYS nữa. SHE WRITES HOME EVERY WEEK.
NHÃ LAN
SHE DOES WRITE HOME EVERY WEEK.
BBT
Bây giờ chúng ta thử nói mấy câu trong thì quá khứ: WE MET SOME DISTANT COUSINS COMING FROM HANOI IN 1975. Cô QA.
QA
WE DID MEET SOME DISTANT COUSINS COMING FROM HANOI IN 1975.
BBT
Cô Nhã Lan… MY DAUGHTERS AND I WENT TO SEE NIAGARA FALLS LAST YEAR.
NHÃ LAN
MY DAUGHTERS AND I DID GO TO SEE NIAGARA FALLS LAST YEAR.
BBT
Và đó là cách dùng EMPHATIC với động từ TO DO. Hy vọng chúng ta đã giải đáp thắc mắc của khán giả.
NHÃ LAN
Nhã Lan nhận được thư của một khán giả Hồn Việt Television là bà Thúy Uyển ở San Francisco hỏi thế nào là NEAR FUTURE và làm sao diễn tả NEAR FUTURE.
BBT
NEAR FUTURE là tương lai gần. Trái với tương lai gần là tương lai xa. Thí dụ khi nói là vào năm 2020 sẽ không còn một con cọp nào ở Việt Nam nữa. Đó là tương lai xa hay gần cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
Tương lai này thì chắc hơi xa.
QA
Thế còn khi nói lát nữa, tối nay, ngày mai, tuần tới … thì đó có phải là NEAR FUTURE không Nhã Lan?
NHÃ LAN
Chắc vậy đó.
BBT
Thế thì hai cô đã hiểu tương lai gần và tương lai xa rồi. Thực ra xa hay gần chỉ là tương đối mà thôi. Mỗi năm so với lịch sử của nhân loại là quá ngắn, và năm 2020 chỉ là tương lai gần. Nhưng so với lát nữa, ngày mai thì năm 2020 quả là xa thật.
Để diễn tả một chuyện chưa xẩy ra, nhưng sắp xẩy ra trong tương lai gần, NEAR FUTURE, chúng ta có nhiều cách. Chúng ta có thể dùng PRESENT TENSE khi biết việc đó chắc chắn sẽ xẩy ra. Thí dụ theo tin của bộ quốc phòng Hoa kỳ thì vào tuần tới, một tầu của hải quân Mỹ sẽ nhổ neo đi Haiti. Cô Nhã Lan nghĩ chuyện đó đã chắc chưa?
NHÃ LAN
Chắc chắn. Bộ quốc phòng đã nói thì nhất định chuyện đó sẽ xẩy ra.
QA
Như vậy, QA cứ dùng PRESENT TENSE là được phải không anh: THE HOSPITAL SHIP LEAVES FOR HAITI NEXT WEEK.
NHÃ LAN
Cũng như khi Nhã Lan nói cháu gái của Nhã Lan sẽ 17 tuổi vào cuối năm nay thì Nhã Lan có thể nói là MY NIECE TURNS 17 IN DECEMBER đúng không thưa thầy?
BBT
Đúng lắm. Nếu cần thì thêm vào đó những chi tiết cho thấy mốc thời gian trong tương lai như NEXT WEEK, TOMORROW, LATER, SOON là được.
Chúng ta cũng có thể dùng PRESENT CONTINUOUS TENSE để nói về những chuyện sắp xẩy ra. Hai cô còn nhớ một bài hát Giáng Sinh có lời ca đầy giọng hăm dọa, cảnh cáo mấy đứa bé rằng phải ngoan không thì ông già Noel sắp tới thăm …
NHÃ LAN
Đó là câu SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN phải không anh?
QA
QA nhớ con gái trước khi trở lại đại học có dặn em nó rằng I AM COMING HOME FOR TẾT. Thì ra là con gái nói đúng mà mẹ thì lại tưởng là nó nói sai, đã định sửa nó rồi chứ.
BBT
TREAT A HEALTHY PIG AND MAKE IT A SICK ONE.
NHÃ LAN
Lợn lành chữa lợn què. Bộ Mỹ cũng nói vậy sao anh?
BBT
Mỹ giấy chữ Mỹ thật thì không nói vậy. Mỹ thật nói là IF IT AIN’T BROKE DON’T FIX IT.
Cũng còn một cách nói khác để nói về một chuyện sắp xẩy ra trong một tương lai gần, đó là TO BE GOING TO. Thí dụ nói Tết này, em tôi sẽ đi thăm chúng tôi thì cô QA nói thế nào?
QA
MY BROTHER IS GOING TO VISIT US DURING TẾT.
BBT
Nhã Lan cho nghe một thí dụ với TO BE GOING TO coi.
NHÃ LAN
MY YOUNGER DAUGHTER IS GOING TO MAJOR IN BIOLOGY.
BBT
Hai cô chỉ cần nhớ là TO BE GOING TO có thể dùng với bất cứ động từ nào cũng được, ngoại trừ động từ TO GO. Thí dụ THEY ARE GOING TO GO TO THE MOVIE. Chúng ta nên bỏ TO GO đi để khỏi điệp ngữ.
QA
Như vậy, QA chỉ cần nói là THEY ARE GOING TO THE MOVIE là đủ phải không anh?
BBT
Đúng. Còn một cách khác nữa chúng ta cũng hay gặp, cũng được dùng để nói về những chuyện sắp xẩy ra trong tương lai rất gần, đó là TO BE ABOUT TO. Cách dùng này cũng dễ. Cô QA cho một thí dụ với TO BE ABOUT TO nói về một chuyện sắp xẩy ra.
QA
THE BUFFALO IS ABOUT TO LEAVE US AND THE TIGER IS ABOUT TO ARRIVE.
BBT
Còn cô Nhã Lan.
NHÃ LAN
THE WORLD IS ABOUT TO HELP HAITI TO REBUILD.
BBT
Cám ơn hai cô.
Thời giờ còn lại của bài học hôm nay sẽ được dùng để nói về một số idioms liên quan đến bàn tay. Chúng ta cũng đã một lần nói về idioms về HANDS nhưng còn rất nhiều thành ngữ chúng ta chưa đụng tới. Bàn tay gần với con người nên các idiom với HANDS nhiều lắm và chúng ta cũng hay gặp.
Đầu tiên là HAND IN HAND , nghĩa là tay trong tay, cùng nhau đi hay làm một việc gì đó, gần gũi với nhau. Thí dụ FREEDOM GOES HAND IN HAND WITH DEMOCRACY.
Hồi nhỏ, vì tôi là con lớn trong nhà nên không phải mặc thừa quần áo của ai hết. Hai cô đều có chị, chắc thế nào cũng phải mặc quần áo của các chị để lại. Các cô biết tiếng Anh gọi những thứ quần áo ấy là gì không?
QA
QA biết vì có nghe con gái út than thở là nó phải mặc quần áo của chị nó để lại nên nó ghét làm con út trong nhà lắm. QA nhờ đó mà biết chữ HAND-ME-DOWNS.
BBT
Đúng rồi. Có một thành ngữ dùng để mô tả đời sống của người dân Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu, đó là HAND TO MOUTH. Cô Nhã Lan hiểu câu đó như thế nào?
NHÃ LAN
HAND TO MOUTH là cuộc sống vất vả, tay làm hàm nhai, làm được cái gì thì ăn ngay cái ấy, không dư giả, không để dành được gì.
BBT
MOST OF THE HAITIANS LIVE FROM HAND TO MOUTH.
Có một thành ngữ này các cô cũng nên biết. Năm 1975, tổng thống Thiệu gửi người sang Hoa kỳ xin viện trợ nhưng ông Nixon bị kẹt trong vụ Watergate nên không làm được gì mặc dù trước đó ông đã hứa là sẽ phản ứng một cách quyết liệt nếu hiệp định Paris bị vi phạm. Lúc ấy, tay ông Nixon đã bị trói vì vụ xì căng đan Watergate. Vậy thì nếu nói tay ông Nixon đã bị trói thì QA nói thế nào?
QA
PRESIDENT NIXON’S HANDS WERE TIED.
BBT
Đúng rồi. HIS HANDS WERE TIED. Bây giờ hỏi cô Nhã Lan HE KNOWS SAIGON LIKE THE BACK OF HIS HAND nghĩa là gì?
NHÃ LAN
Nghĩa là ông ấy thông thạo đường phố Sài Gòn như lòng bàn tay.
BBT
Nhưng hai cô cũng thấy lối nói này có khác với cách nói của người Việt. Chúng ta nói lòng bàn tay là PALM. Thành ngữ Mỹ nói là mu bàn tay, BACK OF THE HAND. Người Anh có một câu tục ngữ rất giống một câu của chúng ta: THE DEVIL MAKES WORK FOR IDLE HANDS. Nghĩa đen là con quỉ kiếm việc cho những bàn tay không có việc làm. Cô QA tìm thử câu tục ngữ Việt Nam nào giống như câu này coi.
QA
Nhàn cư vi bất thiện.
BBT
Chó là giống vật rất khôn ngoan. Chúng ta cho chúng ăn thì chúng không bao giờ cắn tay chúng ta như cảnh người Iraq xuống đường biểu tình đuổi Mỹ sau khi quân đội Mỹ lật đổ được ông Saddam Hussein. THEY BIT THE HANDS THAT FED THEM.
Sơn Tinh và Thủy Tinh làm gì hai cô còn nhớ không?
NHÃ LAN
BOTH SƠN TINH AND THỦY TINH ASKED FOR THE HAND OF PRINCESS MỴ NƯƠNG.
BBT
Như vậy đã là HANDFUL rồi nhé. Mà HANDFUL là gì đây?
QA
HANDFUL là đầy tay, là nhiều lắm rồi.
Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học thứ 61. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.