January 23, 2016

January 23, 2016

 CHUYỆN KHỈ

Ký Giả Hạng Bét

Khỉ là anh em họ hàng rất gần với chúng ta. Ở một thời điểm mù mờ nào đó mà các nhà nhân chủng học vẫn chưa khẳng định được, chúng ta ở trên cây leo xuống đất, vĩnh viễn giã từ đời sống trên cây, đi bằng hai chân, và sau đó, vì hai bàn chân không còn được dùng để leo trèo nữa nên khả năng cầm, nắm cũng dần dần biến đi.
Khỉ và người xa nhau từ đó. Lối sống mới đưa tới rất nhiều thay đổi cho người trong khi khỉ không có được bao nhiêu đổi thay, tiến hóa. Khỉ cũng biết sử dụng các dụng cụ tìm thấy được ở chung quanh như dùng cành cây nhỏ chọc vào hang mối, khều những thứ ở xa và đánh nhau... Trong khi đó, người thì luôn luôn không ngừng phát triển chế tạo thêm những dụng cụ khác, không chỉ dùng những thứ có sẵn trong thiên nhiên, mà còn sáng chế ra ngôn ngữ để thông tin với nhau và những ký hiệu càng ngày càng phức tạp, được hệ thống hóa thành văn phạm, nhiều cách ăn nói với nhau, để còn thơ phú, ví von, bóng gió, xỏ xiên, cãi nhau, chửi thề, văng tục... Khỉ không làm được như thế. Trong phòng thí nghiệm, con đười ươi Koko được dậy để có thể dùng dấu hiệu bằng tay nói chuyện với một chuyên gia về tâm lý loài vật bằng những mệnh lệnh giản dị. Nhưng tự loài khỉ thì không sáng chế ra được ngôn ngữ. Nó chỉ có thể học từ con người nhưng cũng không học được cách diễn tả những ý niệm trừu tượng như buồn vui, thất vọng, chán đời, ghen tuông, giận hờn, lảm duyên hay điệu rơi điệu rụng...
Khi xuống đất, khỉ di chuyển bằng tất cả tứ chi, chỉ khi cần lắm như khi phải dùng tay cầm hay mang vật gì thì mới đi bằng hai chân nhưng leo trèo thì không động vật nào giỏi bằng khỉ.
Khỉ có mặt ở gần hết mọi nơi trên thế giới ngoại trừ Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Âu châu, Bắc và Nam Cực. Có tất cả 260 giống khỉ khác nhau. Giống nhỏ nhất chỉ bằng nửa bàn tay. Giống lớn nhất có thể to và nặng đến 200 kilô.
Có ba giống đại hầu là đười ươi (gorilla), hắc tinh tinh (chimpanzee) sống tại Phi châu, orang utang sống tại Borneo (Á châu). Cả ba đều là những giống được bảo vệ rất kỹ, nếu không chúng có thể bị tuyệt giống vì môi trường sống của chúng đang ngày càng bị thu hẹp lại lấy chỗ cho người. Hai loài đại hầu ở Phi Châu còn bị săn để lấy thịt (bushmeat) và chính vì ăn thịt hắc tinh tinh mà siêu vi khuẩn gây bệnh Aids đã truyền sang người. Tất cả ba giống đại hầu này đều rất giống người và rất thông minh. Loài chimpanzee giống người nhất. Chúng sống thành từng bầy, có gia đình, đẳng cấp rõ ràng, biết kéo đi đánh nhau với những bầy khác, bắt tù binh, ăn thịt nhau, biết ăn một vài thứ lá khi ăn thịt sống hệt như chúng ta ăn rau thơm, khi đau bụng cũng biết tìm một thứ lá cây nhai. Như vậy chúng cũng biết dùng dược thảo vậy. Chỉ không đem quảng cáo bán trên truyền hình mà thôi. Chúng mắc một số bệnh như người như cảm cúm, lao, sưng phổi... Chúng cũng có những liên hệ đồng tính và có ý niệm rõ về cái chết. Chúng có trí nhớ và có thể học và hiểu, diễn tả được một số tiếng người bằng cách ra hiệu (sign language). Có những con bắt chước người hút thuốc lá và nghiện nặng như ở một vài sở thú. Thiếu thuốc chúng cũng bị vật và thấy người thì chạy tới, ra hiệu xin thuốc hút. Trong tiếng Việt, chúng được gọi chung là khỉ đột hay khỉ độc.
Những nghiên cứu về hai giống đại hầu đáng kể nhất là của Dian Fossey và Jane Goodall. Dian Fossey người Mỹ chuyên nghiên cứu về đười ươi đã bị bọn săn đười ươi bất hợp pháp giết năm 1985. Jane Goodall, người Anh, chuyên nghiên cứu về hắc tinh tinh trong suốt nửa thế kỷ.
Người ta thường phân biệt những con có đuôi là monkeys; những con không có đuôi là apes. Tất cả các giống khỉ đều giỏi bắt chước, thấy sao là bắt chước làm theo liền: "monkey see, monkey do" là câu tiếng Anh bồi để nói về cái tính hay bắt chước (mù quáng) đó. Động từ "to ape" cũng có nghĩa là bắt chước. Do khả năng bắt chước giỏi và tính thông minh, khỉ được dậy làm xiếc và giúp người trong nhiều việc. Chúng còn có thể được huấn luyện để giúp đỡ cho người tàn tật không dùng được tay chân làm các công việc như đóng cửa, mở cửa, lấy thuốc, lấy nước, xúc thức ăn... cho người. Đó là khỉ capuchin, một giống khỉ ở Nam Mỹ, tuy nhỏ chỉ như một con mèo nhưng được coi là giống thông minh nhất, có thể hiểu được nhiều mệnh lệnh của người.
Khỉ đã được cho bay lên thượng tầng khí quyển trước cả người. Chuyến bay của một hỏa tiễn V2 năm 1949 đã đưa khỉ Abert II lên không gian từ một căn cứ không quân của quân đội Mỹ. Khỉ cũng được dùng rất nhiều trong phòng thí nghiệm vì chúng rất giống người trong các phản ứng với các loại thuốc. Các tổ chức bảo vệ loài vật đã phản đối dữ dội nhưng không thành công mấy.
Khỉ là giống vật gần với người nhất. Vị trí của các bộ phận cơ thể đều được sắp xếp ở những vị trí tương tự như ở người, ngoại trừ một số có đuôi trong khi người thì không. Tại sao ông trời sinh ra khỉ giống người thì không ai biết được. Bàn tay của khỉ rất giống bàn tay người có cả chỉ tay, vân ngón tay. Khỉ có thể phối hợp ngón tay cái và 4 ngón kia nên chúng khéo tay hệt như người, vượt xa khỏi các sinh vật khác. Móng tay khỉ rất giống móng tay người và mặc dầu không phải đi làm nail ở tiệm, lúc nào móng tay khỉ cũng như vừa được cắt và mài giũa xong.
Khỉ cũng bị người săn bắt lấy thịt để ăn như ở Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Dưới triều nhà Thanh, các nhà ngoại giao Tây phương đã ít nhất một lần được mời ăn món óc khỉ. Những con khỉ còn sống la thét bị trói chặt, đầu được đẩy qua những chiếc lỗ trên mặt bàn ăn. Người ta dùng những chiếc búa làm bằng vàng đập vỡ đầu những con khỉ đang la thét đó rồi dùng muỗng múc óc những con khỉ đó lên để ăn. Đúng là cách ăn uống của mấy anh Tầu: con gì ngọ nguậy là nấu lên đớp liền.
Trong văn chương ít thấy các nhà thơ nhắc tới khỉ. Có lẽ chỉ đôi ba lần như trong một bài Phan Văn Trị họa lại bài xướng của Tôn Thọ Tường là có nhắc tới khỉ: "Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ / Lòng ta sắt đá há lung lay." Nguyễn Du không nhắc tới khỉ một lần nào trong suốt mấy ngàn câu Kiều. Ông Tú Xương chỉ bóng gió nói về khỉ: "... bồng bế nhau lên chúng ở non." Nguyễn Nhược Pháp chỉ có môt câu có hình bóng những con khỉ: "Sau núi Oản, Gà, Xôi / Bao nhiêu là khỉ ngồi..."
Trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, con khỉ Tôn Ngộ Không được nhân cách hóa và là nhân vật chính trong Tây Du Ký.
Có một số khỉ đã bị các nhà sinh vật học bỏ quên nên hiện chưa có được những nghiên cứu nghiêm túc và chi tiết về chúng.
Thí dụ khỉ khô là giống khỉ không biết xuống nước để tắm, khác hẳn một giống khỉ ở Nhật trong mùa đông cũng xuống các suối nước nóng để tắm. Giống khỉ này ít gặp nên hễ nhắc tới chúng thì bao giờ cũng là câu "Không có con khỉ khô nào cả" hay "Không ra cái khỉ khô gì hết".
Khỉ mốc là giống cũng khó kiếm. Thỉnh thoảng chúng bị ướt, không biết lau cho khô nên hay bị mốc.
Khỉ Tầu là giống khỉ quê quán tại Hoa Lục, cùng quê hương với người vượn Bắc Kinh theo một số nhà nhân chủng học. Giống khỉ Tầu này rất khốn nạn và mất dậy. Chúng có thói quen ở bẩn, khạc nhổ phóng uế khắp nơi, chỗ nào lấn được là chúng lấn. Cả thế giới đều ghê tởm chúng.
Khỉ dòm nhà thường được người nuôi trong nhà như một giống thú cưng nhưng nhiều khi lại gây ra rắc rối cho gia chủ hệt như nuôi ong tay áo để lấy sữa ong chúa, sữa chằng thấy đâu lại bị ong chích cho sưng vú lên thì có.
Nỡm cũng là một giống khỉ sống gần với người. Tườu là một loài khỉ mà ở Bắc Việt Nam gọi là tiều nhưng lại viết là tườu. Bà Huyện Thanh Quan có lần trông thấy tận mắt mấy con tiều này xuống bến sông đón thuyền đi chợ: "Lang thang dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà", Tuy thế, gọi ai là khỉ tườu hay đồ con tườu thì đó là một lối lăng mạ khá nặng.
Bú dù là một giống khỉ mà người Pháp đem vào Việt Nam. Giống bú dù được lồng vào một câu để chào nhau hồi người Pháp còn ở Việt Nam: "Mẹc xà lù bú dù con khỉ!". Mẹc là do danh từ merde của tiếng Pháp có nghĩa là cứt. Xà lù là từ danh từ salaud nghĩa là đồ khốn nạn.
Khẹc là một giống khỉ khác. Đây có thể lá một tiếng tượng thanh bắt chước tiếng kêu của nó. Khi nói đồ con khẹc thì cũng hệt như gọi người đó là đồ khỉ vậy.
Khỉ gió rất dễ ghét. Khỉ gió đùng lăn ngã ngửa là cảnh nham nhở và sàm sỡ của loài khỉ này. Hiện chưa biết nguyên do vì sao chúng lại có cái tên kỳ lạ đó. Có thể là do hai chữ phong hầu (?) ra chăng.
Giống đười ươi có một thời sống tại Việt Nam và được cho cắp sách đến trường ăn học tử tế nhưng sau sinh tật lười biếng, cúp cua, trốn học bỏ váo rừng rồi không trở ra nữa. Ông Cao Bá Quát có lúc đã dậy học cho mấy con: "Nhà trống ba gian: một thầy, một cô, một chó cái / Học trò dăm đứa: nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi". Hồi ấy mấy em nữ sinh đười ươi đi học cũng diện lắm khiến một nhà thơ vô cùng đáng yêu của Việt Nam, ông Bùi Giáng cũng phải ngậm ngùi trong nhiều bài lục bát cũa ông: "Ta về giũ áo đười ươi/ Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau" rồi lại "Em về giũ áo mù sa/ Tiền trình vạn lý anh là đười ươi". Sự giao tiếp giữa người và đười ươi là có như trong một truyền thuyết nói là ông Mạc Đĩnh Chi, một danh sĩ thời Hậu Lê tương truyền là có máu đười ươi trong người vì thân mẫu của ông vào rừng bị đười ươi bắt và về nhà thì mang thai rồi sinh ra ông diện mạo rất xấu xa nhưng cực kỳ thông minh được cả Trung Hoa và Việt Nam coi là lưỡng quốc trạng nguyên. Theo báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà thì ở Cà Mâu cũng có một vụ tương tự. Xét về mặt khoa học thì những chuyện người và khỉ đều không thể xẩy ra. Con đười ươi King Kong chỉ là tưởng tượng để làm thành phim kiếm tiền. Phim được thực hiện hai lần đều để kiếm tiền.
Khỉ già thường sống thành từng cặp sau khi bọn khỉ con học hành xong, có nghề nghiệp bỏ nhà ra đi chỉ còn hai con khỉ già sống với nhau ít được các khỉ con ngó ngàng tới.
Khỉ cũng biết mặc quần áo chứ không phải lúc nào cũng một bộ lông quanh năm suốt tháng. Vì thế, áo maillot còn có tên là áo khỉ. Túi khỉ là cái túi may ở trước bụng của áo lót dùng để giữ an toàn cho cái bóp tầm phơi.
Tại một ngôi đền Thần đạo ở Nikko, Nhật có tượng của ba con khỉ tên là Mizaru, Mikazaru và Mazaru. Con Mizaru lấy tay bưng mắt, Mikazaru bịt tai và Mazaru che miệng. Tượng của ba con khỉ này được tạc từ thế kỷ thứ 17 và được coi là tóm gọn được phần nào nguyên tắc sống của Khổng Tử: không nhìn những chuyện xấu, không nghe những chuyện xấu và không nói ra những điều xấu. Một con thứ tư được thêm vào một cách không chính thức, Con này dùng tay ôm lấy bộ phận chiến lược của nó, ý nói không làm những chuyện xấu. Nhưng con thứ tư này không được tạc thêm vào những bức tượng ở đền Thần đạo mà chỉ thấy bán ở những cửa tiệm bán đồ kỷ niệm. Cũng có thể điều khuyên của con này không được bao nhiêu người nghe và làm theo chăng.
Khỉ được thờ trong Ấn độ giáo từ 5 thế kỷ trước Công nguyên. Khỉ tượng trưng cho thần Shiva, cho sự thông minh, trung thành, dũng cảm. Tại những ngôi đền thờ khỉ, bọn khỉ tự do đi lại như chốn không người, mặc tình cướp phá chợ búa, cửa hàng của dân chúng, cảnh sát cố gắng can thiệp cũng không ăn thua gì.
Nhưng qua tới Việt Nam, khỉ không có được bao nhiêu mỹ cảm. Những người ra đời trong năm khỉ thì than thở đứng ngồi:
Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi
Riêng tôi ngậm ngùi vì nỗi tuổi Thân
Tuổi Thân con khỉ ăn bần
Có một điều kỳ lạ là người Việt khi chửi nhau thì lại chỉ lôi cha của khỉ ra mà không bao giờ lôi mẹ của khỉ ra cả. Chúng ta nói "bố khỉ nhà nó" chứ có nói "mẹ khỉ" bao giờ đâu? Trong một cách nói về một điều không mấy xứng ý, chúng ta cũng đem khỉ ra: "Rõ khỉ!"
Nhưng khi gọi ai là "Anh khỉ này!" hay "Đồ nỡm!" hay "Đồ khỉ chửa nào!" thì chưa chắc người đó đã bị ghét mà có thể là rất đáng yêu là khác.
Trong tiếng Mỹ, monkey hay ape là những tiếng cực kỳ độc địa để gọi người da đen. Chính tổng thống Obama cũng đã bị một tờ báo đăng một bức hí họa vẽ ông là một con khỉ. Ông Bush con cũng bị dùng photoshop để biến ông thành một con hắc tinh tinh. Đùa ông Bush thì không sao nhưng tờ báo diễu ông Obama thì phải xin lỗi lia lịa.
Ngày Tết người Việt kiêng không nhắc đến khỉ vì sợ gặp phải những chuyện không may thế nên chuyện khỉ không nên đem ra nói quá rông dài.
Bởi thế xin chấm dứt ở đây.
TÂM TƯ (?) CỦA MỘT CON KHỈ
Ông bạn người thân mến của tôi ơi:
Có thể ông không nhớ tôi. Nhưng tôi thì vẫn nhớ ông và sẽ còn nhớ ông thêm nhiều năm tháng nữa. Tôi nhớ bữa trước khi ông đến thăm tôi ở cái chuồng của chúng tôi trong sở thú Sài Gòn, ông quăng cho tôi gói đậu phọng rang còn nguyên mà tôi đem chia cho cô bạn gái của tôi. Chúng tôi leo tuốt lên nhánh cây cao nhất trong khu chuồng khỉ để chia nhau và cùng nghĩ là vẫn còn những người rất tử tế với chúng tôi. Đậu phọng rang ông cho có ướp ngũ vị hương ngon tuyệt.
Tôi năm nay cũng lớn tuổi rồi. Khi ông còn ở Sài Gòn dẫn hai con ông vào chơi ở đây thì chưa có tôi và cô bạn của tôi. Hồi ấy chắc ông gặp ông bà cố nội hay cố ngoại của tôi, Đã hơn bốn chục năm rồi còn gì. Tất cả đều đã chết. Đời ông bà nội ngoại của chúng tôi rất khổ, hết đói khát lại còn bị đối xử không ra gì. Tất cả đều chết khi còn rất trẻ. Đến đời cha mẹ tôi và cha mẹ cô bạn thì đỡ hơn nhờ có du khách từ nước ngoài đến thăm hay những khách như ông ném cho bao đậu phọng.
Cha mẹ tôi kể là sau ngày Sài Gòn đổi chủ, trong cái thảo cầm viên này đã có bao nhiêu là giống thú bị chết, phần lớn chết vì bị thiếu ăn. Thời ấy người ta còn chết đói, huống gì bọn tôi trong sở thú. Một số bị những thằng bộ đội giết để ăn thịt. Chúng nó trong rừng đói khát, khi vào Sài Gòn, chúng thấy mấy anh chị em chúng tôi trong sở thú béo tốt thế là chúng nó đớp lẹ cho bõ những ngày cơ cực trên ĐMHCM. Chuồng khỉ của chúng tôi cũng mất gần ba chục anh em. Chúng nó dùng đồ ăn dụ anh em khỉ đến gần hàng rào thò tay ra thì liền bị túm lấy lôi ra ngoài chuồng đem đi nấu nướng ăn với nhau. Khi không bị giết thì mấy anh em khỉ trong chuồng bị chọc phá, ném thuốc lá còn cháy dở dang vào chuồng có anh bị mù mắt, rồi lại có mấy anh khác dại dột nhặt lên bắt chước hút và trở thành nghiện ngập đến là khổ. Có được một lần tử tế một chút là khi có một thằng bộ đội nói với mấy đứa khác rằng ở ngoài Bắc có một thằng cha già có đôi tai giống hệt như những cái tai của chúng tôi. Mà tôi thấy giống thật. Lúc trước tôi nghĩ nó mặt dơi, tai chuột nhưng nhìn kỹ thì nó có đôi tai khỉ thật. Thế là chúng nó lại kéo nhau đến chuồng khỉ xem đôi tai của bác (?) rồi suýt soa khen những cái tai của chúng tôi mãi.
Tôi là khỉ thị thành mấy đời rồi ông ạ. Ông bà cố nội ngoại đều bị bắt ở rừng, sau đó từ đời ông bà nội ngoại xuống đến đời cha mẹ qua tới chúng tôi đều là gốc thị thành hết nên không biết gì về cảnh rừng rú mà anh hổ ở cái chuồng gần bên than thở tối ngày rồi lại viết thành bài thơ hổ nhớ rừng khối anh nghe và tấm tắc khen hay. Chúng tôi thì chưa bao giờ đứng uống ánh trăng tan hay nhìn bình minh cây xanh nắng gội, chim muông véo von tưng bừng chào buổi sáng như trong bài thơ ấy. Chúng tôi ra đời trong cái chuồng khỉ này, rồi cũng chết ở trong cái chuồng này như mấy đời trong gia đình tôi mà thôi.
Ở trên tôi có nói chuyện chúng tôi bị đối xử tàn tệ là vì bọn khách vào chơi thảo cầm viên hầu hết đều là thứ rất mất dậy. Chúng nó chọc phá tất cả những giống thú, ném gạch đá vào chúng tôi, khi thấy chúng tôi la thét thì chúng càng thích thú điên cuồng. Không một anh chị em nào được chúng tha. Nhưng bọn khỉ chúng tôi bị chọc phá nhiều nhất có thể vì chúng tôi có những phản ứng giống người nhất. Chúng tôi cũng la thét nhăn nhó mặt mày và chúng tôi càng la thét thì chúng lại càng thích thú, càng chọc phá nhiều hơn. Loại khách mất dậy này xuất hiện rất nhiều sau năm 1975, chúng nói bằng một cái giọng Bắc nghe rất khác giọng Bắc của ông. Chúng nó chửi thề nghe phát sợ.
Những người vào thăm sở thú cũng không còn là những thành phần hiền lành mà các cụ của chúng tôi kể lại nữa. Hồi ấy gần sở thú là hai ngôi trường trung học lớn, các học sinh của hai trường thường vào thơ thẩn trong vườn:
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Đinh Hùng)
Và tôi chắc chính ông cũng đã viết vài ba chữ trên bức tường sau viện bảo tàng của cụ Vương Hồng Sển. Chắc cái tên mà ông viết cạnh tên ông cũng không còn nữa. Bao nhiêu vật đổi sao dời rồi còn chi. Hồi ấy, theo các cụ kể lại, học sinh các ông hiền ơi là hiền. Vào sở thú chỉ là để hò hẹn nhau vì chưa thể "...đi vào tận rừng xanh / ngắt cánh rong vàng bên suối..."
Quên không nhắc tới trường Văn Khoa và trường Dược ở gần sở thú chúng tôi nữa chứ. Các anh chị sinh viên cũng hiền lành và lịch sự. Sáng sáng bọn thú chúng tôi còn được nghe tiếng trực thăng Alouette của ông Kỳ đáp xuống phủ phó tổng thống trên đường Thống Nhất nữa, rồi hàng năm còn có duyệt binh gần sở thú của chúng tôi nữa chứ.
Bây giờ bọn thanh thiếu niên đi chơi sở thú ghê gớm hơn nhiều. Chúng nó đưa nhau vào đây làm trò con khỉ công khai trong khi bọn khỉ chúng tôi có như thế bao giờ đâu. Hết những trò đó, chúng quay ra đánh nhau, trận nào trận ấy dã man tàn bạo không để đâu cho hết. Và đặc biệt bọn con gái đánh nhau nhiều hơn. Chúng dùng toàn những đòn dữ dằn nhất để đánh nhau: giựt tóc, đá vào mặt, vào đầu, lên gối, xé quần xé áo của nhau trong khi bọn con trai lấy máy video ra thu lại hình ảnh... Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến những cảnh dễ sợ như thế. Có người nói nhìn những cảnh đánh hội đồng như thế, người ta có cảm tưởng giống hệt như cảnh đấu tố ở ngoài Bắc mà chính ông bà của chúng đã từng tham gia.
Đã có vài ba lần tôi chán sống trong cái chuồng khỉ này và cũng đã nghĩ tới chuyện vượt thoát ra ngoài đi theo mấy gánh xiếc để kiếm sống nhưng ở ngoài không có xiếc lớn mà chỉ có xiếc rong một mình độc diễn như mấy thằng chóp bu Hà Nội nên tôi nghĩ không đáng đi làm nuôi thằng chủ. Còn chạy lên rừng cũng không phải là giải pháp tốt. Rừng Tây Nguyên đang bị Tầu phá để khai thác. Còn mấy con tê giác sống sót bao nhiêu năm chiến tranh nay cũng không còn. Vài anh sao la cũng phải trốn chui trốn nhủi thì khỉ như tôi sống cũng không dễ. Đó là không nói tới chuyện là sau mấy đời là khỉ thành thị rồi nên tôi cũng đã mất đi cái bản năng để sống trong thiên nhiên như tổ tiên tôi. Đó là chưa nói đến việc để lại cô bạn xinh đẹp của tôi chẳng gì cũng đã cùng ở bên nhau hơn hai chục năm. Đi làm xiếc thì kiếm đâu được một chị khỉ ngon lành như vậy mà lên rừng thi chẳng sớm thì muộn cũng bị mấy thằng Ba Tầu đánh bẫy đem nấu lên ăn với nhau mà thôi. Vậy thì ở lại đây, thỉnh thoảng gặp được người tử tế như ông cũng đỡ. Chuyện sang Ấn Độ tới những nơi có đền thờ khỉ để sống chắc không được. Chỉ có khỉ quốc doanh do nhà nước gửi đi thì mới được. Sức mấy mà đến lượt một con khỉ già như tôi.
Chúc ông một năm khỉ tốt lành. Ông là bạn tôi thì không có gì phải sợ cả. Không lẽ cùng là khỉ mà lại còn hại nhau ư? Xin lỗi tôi không có trò lừa thầy phản bạn bán đồng chí như cái thằng mặt chó tai khỉ ạ.
Bảo Lâm ghi lại

January 22. 2016

GIẤY PHÉP GIẾT NGƯỜI

James Bond 007, nhân vật trong các phim dựa trên tiểu thuyết của Ian Flemming (được tin là) có trong tay một thứ giấy phép đặc biệt trong trường hợp nếu cần, có thể hạ độc thủ để tiêu diệt ngay một hay nhiều mạng người mà không bị bất cứ một biện pháp chế tài nào nếu việc (giết người) đó là để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Anh cũng như của nữ hoàng Anh. Có hay không có cái phép (license to kill) ấy thì không biết nhưng chính phủ Anh trong truyện của Ian Flemming luôn luôn sẵn sàng bảo vệ James Bond và đứng sau điệp viên này. Riêng tôi, tôi tin là có. James Bond gây ra cái chết của bao nhiêu người nhưng vẫn xuất hiện đều đều hết phim này tới phim khác.
Cái thứ phép này hình như không chỉ dành cho chuyện giết người mà còn được cấp cho nhiều người khác. Nhiều khi cũng chẳng phải là cái giấy có triện và chữ ký của nữ hoàng hay của thủ tướng Anh bao giờ. Nhưng những cái phép đặc biệt đó lại thường gây khó chịu cho rất nhiều người khác. Mới đây, tại hai buổi sinh hoạt (mà trong nước gọi một cách ngu dốt là "sự kiện", chắc là dịch từ danh từ "event" của tiếng Anh).
Trong cả hai lần này, tôi đều có chỗ ngồi khá tốt: gần sân khấu. Tưởng như thế là yên thân và có một buổi nghe nhạc thú vị. Nhưng tôi đã bị cái quyền đặc biêt đó làm phiền không ít. Sân khấu trong tầm mắt của tôi chỉ sau vài phút đã bị che lấp không phải một hai ba lần, mà liên tiếp nhiều lần, gần như suốt gần hết buổi nhạc bởi mấy người có cái phép đặc biệt đó.
Cái (giấy) phép tự ban đó hình như còn to hơn cả quyền đặc miễn tài phán (diplomatic immunity) của các nhà ngoại giao trong khi thi hành nhiệm vụ ngoại giao của họ. Những người này ngang nhiên từ đâu không biết, đã tự động di chuyển lên gần sân khấu để đứng giữa hàng ghế đầu và sân khấu, che lấp tầm nhìn của tôi và nhiều người khác, những người đã phải chi thêm tiền mua vé để có được những chỗ ngồi tốt để nghe chương trình nhạc.
Thử hỏi những khán giả bình thường khác có ai dám làm công việc ngang ngược đó không? Tất cả đều phải ngồi ở chỗ của mình như vé ghi rõ số ghế, số hàng. Và các khán giả có vé đều tôn trọng những sắp xếp đó. Nhưng những người có cái quyền mà họ tự ban cho họ thì không. Họ cầm trong tay nhũng chiếc máy chụp ảnh và tự nhiên có trong tay cái quyền làm phiền những người khác bằng những cái máy chụp ảnh đó. Họ nghiêng bên nọ, ngả bên kia để lấy được những góc đẹp cho những tấm ảnh họ chụp trong khi họ rất hồn nhiên che mất sân khấu làm tầm nhìn của những khán giảị trở ngại không ít.
VTM527_2tek_040215_Dung-ipad-chup-hinh-1
Các nhiếp ảnh viên này ngang nhiên không coi những người khác ra cái gì hết trơn chỉ vì cái quyền họ tự trao cho họ trong khi chẳng nhân danh cái quái gì như nữ hoàng hay chính phủ Anh.
Thôi thì phải chi họ là những thứ như Richard Avedon hay Joseph Kash... những nhiếp ảnh gia hàng đầu của thế kỷ XX thì cũng được đi. Hay những cái máy họ cầm trong tay là những cái Leica, Hassemblad, Nikon... thì cũng không sao. Chúng tôi sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho việc làm gây phiền nhiễu cho chúng tôi. Nhưng cái đồ vật mà họ cầm tay làm phiền chúng tôi lại chỉ là những cái điện thoại smart phone hay cả những cái ipad mà cũng đứng uốn éo trước mặt chúng tôi, che mất sân khấu, gây trở ngại cho buổi tối nghe nhạc của chúng tôi thì rất không nên. Nhất là những người cầm những cái ipad để thu video clip nguyên cả bài hát. Bài ru em có câu "có sáo thì sáo nước trong/ chớ sáo nước đục đau lòng cò con" bỗng trở về làm đau lòng cò con quá đi thôi!
Máy ảnh như thế mà cũng đem ra làm phiền chúng tôi thì đau quá.

Cầm những cái máy ấm ớ như vậy mà cũng cho mình cái quyền làm phiền người khác thì không nên chút nào!   

January 16, 2016

January 15, 2016

LẢNG XẸT

Bầy trước mặt một bát cơm và một bát không phải là cơm mà lại là một thứ (nếu dám ăn) thì cũng không được ngon lắm, lại rất khó ăn thì người bình thường, (không cần phải có bằng cử nhân luật giả trong rừng) cũng chọn bát cơm để ăn. Bát kia thì để dành tính sau (?).
Ấy vậy mà vẫn có những người cầm bát kia (bát cứt) lên ăn lấy ăn để. Phải như Câu Tiễn nằm gai nếm mật (ngọa tân thường đảm) nghe lời Phạm Lãi nếm phân của Ngô Phù Sai để có được lòng tin của vua Ngô rồi từ đó khôi phục lại được giang sơn thì cũng đáng những hy sinh nhục nhã đó đi, Nhưng bưng bát cứt lên đớp thì chỉ có chó là dám làm. Thực ra thì ngay chó Mỹ, chó Ăng Lê cũng không con nào làm như thế nữa. Chó có đồ ăn thức uống riêng của chúng. Nhiều con không thèm ăn cả thức ăn của người nữa kể chi tới cứt. Vì thế, đi ăn tiệm nếu không ăn hết, người ta mang về và gọi cái bao đựng đồ ăn mang về đó là doggie bag mặc dù ở nhà không có chó hay có chó thì chó cũng không thèm ăn. Gần đây, để tránh nhục mạ loài chó, người ta gọi những cái bao đó là brown bag.
Vậy mà vẫn có những thứ cứ chọn cứt mà ăn mới ngu tận mạng chứ.
Sinh Vinh Ngô Nguyễn
Một người đàn ông gốc Việt ở quận Cam tên là Sinh Vinh Ngô Nguyễn ra đời tại Mỹ trong một gia đình tị nạn Việt Nam, học hành cũng không cao lắm, làm an ninh cho một cơ sở thương mại tự nhiên bỏ theo Hồi giáo rồi bị ma đưa lối quỉ đưa đường bỏ nhà theo Al Queda, lần mò sang tận Syria cầm súng làm khủng bố. Sau vài tháng, đương sự trở lại Mỹ và lại tìm đường trở lại Trung Đông làm khủng bố tiếp. Bị FBI gài bẫy, người này bưng bát cứt lên ăn trên đường đi Mexico rồi định đi Syria thì bị bắt. Cách đây 2 năm, đương sự bị truy tố về tội theo khủng bố. Không biết ăn xong bát cứt thì phải ngồi bóc mấy chục quyển lịch nữa nhưng có điều chắc là cũng "thiếu tiểu ly gia lão đại hồi" như ông thi sĩ đời Đường nọ, tuổi trẻ ra đi, già mới trở về, về đến nơi thì cha mẹ anh chị em chắc cũng không còn nữa chỉ vì chuyện ăn cứt của mình. Tử tế, yên lành thì không muốn. Lại muốn để "ma đưa lối, quỉ đưa đường, cứ tìm những lối đoạn trường mà đi" nên đời mới thập phần khốn nạn. Ăn cứt thật là khổ.
Phạm Quang Minh
Mới đây, lại một người đàn ông gốc Việt tên là Phạm Quang Minh sống tại Anh bị dẫn độ sang Mỹ về tội theo khủng bố với toan tính dùng bom tấn công phi trường Heathrow ở ngoại ô Luân Đôn. Năm 2010, Phạm Quang Minh bỏ nhà ở Luân Đôn sang Yemen và gia nhập Al Qaeda, rồi được chính Anwar al- Awlaki (đã bị phi cơ không người lái của Mỹ tiêu diệt) dậy cho kỹ thuật làm bom và kỹ thuật đánh bom khủng bố. Minh cũng giúp làm một tờ báo truyên truyền để tuyển mộ người cho Al Qaeda, Năm 2011 Minh trở lại Luân Đôn bị tạm giữ vì có mang theo một số đạn bắn thủng áo giáp nhưng một năm sau, năm 2012 mới chính thức bị bắt và qua tháng 2 năm 2015, sau khi tìm mọi cách để chống lại lệnh dẫn độ, đương sự bị đưa sang New York để ra tòa về tội âm mưu khủng bố. Tại tòa án New York, Minh đã nhận tội và chắc chắn sẽ lãnh một án tù nặng. Khi bỏ sang Yemen thì vợ của Minh đang có thai. Đứa bé ra đời không biết mặt cha. Người phụ nữ trẻ cuộc đời dở dang chắc cũng sẽ không bao giờ gặp lại chồng. Minh mới ngoài 30 tuổi, có học. Nhưng cũng chỉ vì bát cứt mà ra nông nỗi.
Trong cả hai trường hợp, người ta đều không thấy một lý do nào để cả hai vục mặt vào đớp bát cứt. Cả hai đều không dính dáng gì tới mục tiêu tranh đấu của Al Qaeda, của ISIS (Islamic States In Iraq and Syria) hay của IS (Islamic State). Tự dưng tự địa đang có một đời sống yên lành tử tế vồ lấy bát cứt mà ăn nên đời mới khốn nạn. Cho chết!
Tiếng Việt miền Nam có hai tiếng hay tuyệt: lảng xẹt.
Từ điển Lê Văn Đức ghi là lảng xẹt với dấu hỏi. Nhưng lảng (dấu hỏi) xẹt hay lãng (dấu ngã) xẹt thì cũng không quan trọng. Thế nào cũng hiểu được.

Vì hỏi hay ngã cũng đều nói đúng trường hợp của hai người đàn ông thích ăn cứt này cả. Ai bảo dại thì cho chết đáng đời.

January 10, 2016

January 8, 2016

 LY CÀ PHÊ CŨ
Tôi thích cà phê ngay từ khi chưa được uống một giọt cà phê nào. Ở nhà, "cụ giáo" của tôi rất nghiêm khắc không cho con cái đụng tới nó, hình như vì một bài viết trong tờ Sélection cho là cà phê có hại. Vì thế, cà phê không được tiến vào qua cái ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Nhưng hồi học năm đầu của trung học, mỗi lần đi học về qua một cửa tiệm trên đường Nhân Vị, Chợ Lớn (bên kia là Cơ Thể Học Viện), tôi đều ngừng lại xem một ông già người Hoa rang cà phê trước cửa nhà ông để hít lấy cái mùi kỳ diệu của những hạt cà phê nâu đen trong cái chảo trên cái bếp than của ông.
Thế rồi chuyện phải đến (?) đã đến : tôi uống lén được ly cà phê đầu tiên cùng với một điếu Bastos xanh hôm đi tập thể dục với một người bạn học lớp đệ lục (năm thứ hai trung học đệ nhất cấp), bạn tôi người tài không đợi tuổi, đã mỗi ngày hút 2 điếu Mélia vàng.
Người Sài Gòn oai hơn người Hà Nội. Ở Hà Nội hồi trước di cư, phải sang lắm mới biết uống cà phê. Nhưng ở Sài Gòn, gần như ai ai cũng uống cà phê. Ông xích lô, ông lái taxi, ông thư ký, mấy ông già, đàn ông, đàn bà đủ mọi hạng tuổi đều uống cà phê. Có một cách uống cà phê mà chỉ ở Sài Gòn mới có, đó là uống ngồi kiểu nước lụt, tức là ngồi chồm hổm, cà phê được đổ ra cái đĩa và... húp xì xụp. Cảnh uống cà phê như thế trông không quí phái lắm nhưng cách uống đó rất có lý: buổi sáng trời lạnh, ngồi co ro như vậy cho ấm. Ly cà phê nóng đổ ra đĩa sẽ nguội đi, dễ uống hơn.
Mãi đến năm học thi Tú Tài 1 thì chuyện uống cà phê (lén) của tôi mới là chuyện thường xuyên. Mỗi ly cà phê bít tất hồi ấy có 2 đồng bạc. Gần như hôm nào tôi cũng đến một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ Tân Định để uống cà phê với Đinh Ngọc Mô (người phụ trách chương trình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu bộ Giáo Dục sau này) và cũng để ngắm cô hàng cà phê tên là Y. (ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi).
Cà phê trở thành một phần của đời sống của tôi từ đó. Sau trung học, tôi đi học xa khỏi Việt Nam và cà phê càng không rời tôi mặc dù cà phê ở ngoài Việt Nam không thể nào ngon bằng cà phê phin Việt Nam, thua xa những ly cà phê đầu đường xó chợ mà tôi uống ở Sài Gòn hồi học trung học
Sau mấy năm, về lại Sài Gòn, tôi lại trở về với cà phê Sài Gòn nhưng chuyện cà phê của tôi có đổi khác. Không còn là học sinh... nghèo nữa. Chúng tôi thay đổi phần nào nơi uống cà phê. Chỗ chúng tôi hay ngồi là quán Cái Chùa, tên thật là La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Đó là chỗ để ngồi đấu hót thì đúng hơn, để gặp bạn, đủ các thứ bạn, còn cà phê thì nói cho ngay, không đáng kể lắm nếu không nói là dở. Chúng tôi đến đó là vì những lý do khác. Cũng như thế, cà phê ở Givral, Brodard và Continental... đều không có gì đáng nói. Những nơi như thế chỉ để ngồi chứ không vì cà phê.
Chính những tiệm cà phê không tên tuổi, không bảng hiệu lại là những nơi có cà phê ngon nhất. Hai nơi chúng tôi hay tới đều ở trong hai con đường nhỏ, một ở khu Bàn Cờ và một ở Tân Định. Ở trong con hẻm từ đường Cao Thắng rẽ vào, là căn nhà nhỏ của gia đình cụ Phong mà chúng tôi vẫn gọi là cà phê Phong. Tiệm không có bàn, chỉ có mấy cái ghế thấp, khách khứa bao giờ cũng chỉ năm, sáu người. Cà phê phin của cụ rất ngon. Chủ tiệm bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế xích đu. Khi có khách gọi cà phê thì ông cụ gọi vọng vào nhà trong, và cũng chẳng buồn đứng dậy. Ông cụ ngồi xích đu nghe lỏm đủ các thứ chuyện của khách, thỉnh thoảng góp vài câu với khách thường bằng câu "Cậu không bằng tôi..." bất kể khách nói gì, làm gì. Thỉnh thoảng có một người khách rất đặc biệt ghé vào, trong cả những buổi tối mưa ướt lướt thướt, gọi một ly cà phê đen không đường, không sữa ngồi uống một mình, uống xong lại lặng lẽ ra về trong mưa, hệt như bài Déjeuner du Matin của Jacques Prévert:
...Il s'est levé
Il a mis
Son chapeau sur sa tête
Il a mis son manteau de pluie
Parce qu'il pleuvait
Et il est parti
Sous la pluie
Sans une parole
Sans me regarder...
Đó là ông Đinh Hùng. Tôi chưa kịp làm quen để chào ông một câu thì ông qua đời. Năm ấy là năm 1967.
Tiệm cà phê kia nằm trên đường Lý Văn Phức từ đường Hiền Vương rẽ vào. Chủ nhà là một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Tiệm cũng không bàn ghế như những tiệm cà phê khác. Cũng chỉ vài cái ghế đẩu thấp. Chủ nhà rất tiết kiệm lời nói nhưng bù lại cà phê rất ngon. Chắc chắn còn nhiều người nhớ tên của bà: cà phê Thái Chi.
Trong khi có người uống cà phê với rất nhiều đường, thì cũng có người không uống với đường, vì vị ngọt (quá đáng) có thể làm mất đi mùi cà phê.
Tôi uống đủ các thứ cà phê từ cà phê bít tất đên cà phê bột, cà phê dở và nhạt như nước mắt ma của 7-Eleven đến cà phê Ả Rập, cà phê espresso của Ý, của Pháp, cà phê Áo, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ... và cà phê Starbucks...
Nhưng cho tới khi đọc một tùy bút của Võ Phiến tôi mới học được cách gọi cà phê ít sữa hay cà phê nhiều sữa một cách giản dị và dễ dàng, lại không thể lầm lẫn. Chú phổ ky ở cái tiệm mì nhỏ có cách gọi rất vắn tắt: "một cà phê sữa, một sữa cà phê" là có ngay hai ly cà phê đúng ý của hai ông khách khó tính từ Sài Gòn xuống miền Tây công tác.
Cạnh tiệm phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ có một ông cụ bán cà phê bên một gốc cây to. Cà phê đá của cụ rất ngon tôi thường ghé trong những sáng chủ nhật trước khi lên ngồi cà phê cái chùa.
Bây giờ những ngày không đi làm tôi pha cà phê lấy ở nhà bằng những cái ấm cà phê tôi góp nhặt suốt nhiều năm qua. Cái của Ý, cái của Đức, Áo... thỉnh thoảng thay đổi cho đỡ chán. Nhưng hệt như người ta không bao giờ quên hẳn mối tình đầu, những ly cà phê thời tuổi trẻ vẫn trở lại hoài hoài. Tôi vẫn yêu những ly cà phê uống với những người bạn trung học. Tưởng tượng làm sao có cách nào trở lại với những ly cà phê rẻ tiền mà ngon đến thế.
Nhưng giấc mơ trở lại với những ly cà phê ấy chắc không bao giờ làm được nữa. Tuần qua một bài báo ở Sài Gòn viết về cà phê ở trong nước hiện nay, theo đó cà phê mà người dân Sài Gòn uống hiện nay được làm bằng 30% cà phê, còn 70% là đậu đỏ, đậu xanh pha cùng với một hai thứ hóa chất có nhiều phần độc hại khác cho khách.
Nhớ những ly cà phê ở mấy cái quán bình dân thời ấy biết là bao nhiêu nhưng nay làm thế nào còn tìm thấy được. Có phải lúc ấy đời sống hiền lành và giản dị hơn bây giờ như một câu trong bài Memories của Barbra Streisand không? 

"...can it be that it was all so simple then..."

January 2, 2016

January 1, 2016

SÀI GÒN ĐẸP LẮM SÀI GÒN ƠI! SÀI GÒN ƠI!...

Những người thường xuyên đọc báo trong nước gần đây nhận ra một điều là càng ngày người ta càng thấy danh xưng cũ nguyên thủy của thành phố này càng được dùng nhiều hơn. Thực ra thì ngoài những trường hợp giấy tờ chính thức, cái tên mới của nó mới được đem dùng, còn thì rất nhiều người dân vẫn dùng tên Sài Gòn từ nhiều năm nay, từ ngay sau khi Sài Gòn bị đổi tên. Đó là những người không chấp nhận chuyện đổi tên Sài Gòn. Một nhà thơ đã khẳng định điều này từ những năm 1970 :
...Tánh danh là tánh danh rồi
Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh... (Nguyễn Đức Liêm)
Ông là một người lớn lên tại Hà Nội nhưng đã sử dụng toàn những tiếng đặc biệt của miền Nam như "tánh", "đặng"... trong hai câu lục bát dẫn ở trên của ông.
Khoảng vài tuần nay, tờ Tuổi Trẻ, tờ báo của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh có đăng liên tiếp một số bài viết về Sài Gòn, về thành phố (với cái tên cũ), về đời sống của nó trước khi đổi tên, về con người, về nếp sống, tính tình của người Sài Gòn và những cái hay, cái đẹp của cái thanh phố này. Tất cả những bài viết về Sài Gòn được xếp chung vào một mục đặt cho cái tên là Góc Sài Gòn để người đọc có thể truy cập đọc lại những bài đăng trên các số báo trước.
Đó là những bài viết của nhiều tác giả khác nhau viết về Sài Gòn, cái thời thành phố này còn cái tên cũ, chưa có những đổi thay bi thảm.
Có rất nhiều thứ về Sài Gòn được ghi lại. Từ những ly cà phê đá buổi sáng không thể thiếu của người Sài Gòn, tiếng cái muỗng kêu lanh canh chạm vào thành ly cà phê trong không khí hơi lạnh của buổi sáng, tiếng của những chiếc xích lô máy phun khói mờ trời đất, chuyến xích lô đạp chạy tới cây cầu thì khách tự động xuống xe để bác xích lô đẩy xe không qua cầu cho đỡ mệt... Một số bài khác thì kể lại lai lịch của những cái tên đường mà ngày nay không còn mang những cái tên cũ nữa. Những cái tên đọc lên như vọng lại từ những năm nghe như đã xa vắng lắm. Một số hình ảnh cũ cũng được tìm ra như một quán cà phê lề đường, chiếc xe hủ tiếu mì, những chiếc Citroen, Peugeot, Renault... thân thuộc, một phụ nữ trên chiếc vélo solex tà áo dài bay trong gió, chiếc xích lô đạp chở hai phụ nữ đặc vẻ miền Nam, một rạp chiếu bóng với tấm bảng quảng cáo vẽ một cảnh trong cuốn phim đang chiếu, một chiếc thuyền chở ba phụ nữ kèm theo hai câu hò : bắp non mà nướng lửa lò / đố ai ve được con đò Thủ Thiêm... Những cái tên đường kéo ra một chuỗi kỷ niệm cho những người từng sống tại thành phố này.
Nhưng đáng nói nhất là mấy bài viết về những người Sài Gòn, những đặc điểm của những người Sài Gòn, những người ra đời, lớn lên trong thành phố này, đâu là những chi tiết khiến người Sài Gòn khác hẳn những người từ những thành phố, những nơi khác của Việt Nam. Một ý kiến khẳng định rằng cho dù sống cả đời ở Sài Gòn cũng chưa chắc trở thành người Sài Gòn. Nhưng thế nào là người Sài Gòn? Theo ý kiến này thì người Sài Gòn sống đơn giản, hồn nhiên lắm, có khi quê hơn cả nhà quê nữa. Do đó, lịch sự, lịch sàng chưa chắc đã là người Sài Gòn. Sài Gòn là cái tính người rất khác những người ở các vùng khác. Thí dụ buổi sáng cầm cái chổi ra quét cái sân trước nhà thì tiện tay quét luôn cả cái sân trước cửa nhà bên cạnh. Một bài báo khác thì ngợi ca cái anh hùng, độ lượng, rộng rãi của những người Sài Gòn, cái đặc điểm khó tìm thấy ở những nơi khác.
Đó cái hào phóng, theo một ý kiến khác, có thể là một sự văn minh miệt vườn cộng lẫn với văn minh Tây phương nên vừa hào phóng Nam bộ lại vừa lịch sự tôn trọn luật lệ...
Những bài viết thình lình xuất hiện trên một tờ báo Cộng Sản chắc cũng chẳng vì một lý do hay một chỉ thị nào. Có thể chỉ vì những cái nhốn nháo mất trật tự của một thành phố đang càng ngày càng bầy rõ ra những cái xấu xa học được từ những cái xấu xa của những nơi khác.

Còn về cái tên mới của Sài Gòn thì chắc chẳng ai có thể đổi được. Rồi cái tên cũ sẽ trở lại. Thí dụ Tsaritsyn đổi thành Stalingrad vài chục năm rồi lại đổi thành Volgograd sau khi Stalin bị hạ bệ, rồi Petrograd đổi thành Leningrad và nay thì lại thành St Petersburg. Mà đó là tên của những tên to đầu nhất một thời ở Liên Xô mà còn như vậy chứ đáng gì một cái tên được áp đặt lên Sài Gòn!