Ngày 29 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Chuyện Trương Tấn Sang đi Washington là chuyện không được mấy người Việt sống ở Hoa kỳ dành cho bao nhiêu quan tâm. Người ta biết rằng phía Hà Nội đã vận động để Hoa kỳ mời Sang thăm Washington ngay sau chuyến đi Tầu của Sang hồi tháng 6. Ý của Hà Nội là muốn nói rằng chúng tôi chơi cả với Mỹ đấy nhé. Chúng tôi đi Tầu rồi thì bây giờ đi Mỹ cho huề.
Chuyến đi của Trương Tấn Sang không có được bất cứ một sự đón tiếp nào nên hồn. Phái đoàn Sang vào bằng cửa sau của tòa Bạch Ốc, không dám dừng lại ngoài cửa chụp ảnh vì ngại máy chụp ảnh thu cả những lá cờ của những người Việt đứng đón ở bên kia đường.
Không có được một lá cờ đỏ sao vàng nào ở đó. Chỉ toàn những biểu ngữ đòi đuổi anh ta về nước. Không biết báo chí trong nước có viết láo rằng Sang được đông đảo người Việt ở thủ đô Hoa kỳ chào mừng nồng nhiệt và ưu ái như lối tường thuật bịa đặt cố hữu của mấy thứ báo nhà nước hay không.
Sự đón tiếp của Hoa kỳ dành cho Trương Tấn Sang cũng hoàn toàn không có gì đáng nói, không như cách đón tiếp long trọng mà Washington dành cho các lãnh tụ ngoại quốc khác khi đến thăm nước Mỹ.
Thí dụ như Sang đến thì đến bằng phi trường quân sự Andrew Air Force Base ở ngoại ô Washington. Không lễ đón tiếp, không đại bác bắn mừng. Không giới chức cao cấp tương nhiệm nào ra đón. Dọc đường đi vào thủ đô không một đám đông nào đứng chào. Khác hẳn những cuộc viếng thăm Washington của những quốc khách khác. Đa số đều được mời đến đọc diễn văn ở quốc hội như Thí dụ tổng thống Philippines, bà Corazon Aquino, tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, bà Aung San Suu Kyi dẫu cho bà Suu Kyi không phải là nhân vật cầm quyền của Miến Điện.
Chuyến đi đã không tạo được bất cứ một ấn tượng nào.
Chỉ thấy một nét nham nhở và cực kỳ vô duyên láo toét của Trương Tấn Sang là khi anh ta tuyên bố lếu láo vài ba câu liên quan đến người Việt ở Hoa kỳ.
Anh ta lên tiếng cảm ơn nước Mỹ đã giúp đỡ, cưu mang những người Việt để giúp những người Việt ở Mỹ có được đời sống tốt đẹp hơn, đạt được những thành công tiến bộ về mọi mặt.
Lời nói ấy làm như tình nghĩa, quan tâm đặc biệt tới những người Việt đang sinh sống tại Mỹ lắm. Nhưng câu nói trơ trẽn ấy lừa được những ai?
Làm cứ như những người Việt ở Mỹ là những người bè lũ của Sang gửi qua đây và được Hoa kỳ thay thế cho bọn cầm quyền Hà Nội giúp đỡ, nay Sang phải thay mặt những người ấy cám ơn chính phủ Mỹ không bằng. Trong khi chính những kẻ mặt trơ trán bóng đồng bọn với Trương Tấn Sang là cái nguyên do khiến hơn 1 triệu người Việt Nam phải liều mình chạy trốn và một số lớn đã bỏ mình ngoài biển.
Nay Trương Tấn Sang lại thay mặt cho những người Việt để cảm ơn nước Mỹ đã trợ giúp cho họ.
Chuyện cảm ơn nước Mỹ chúng tôi đã làm rồi, không cần tới Tư Sang.
Đáng lý ra, Tư Sang phải cám ơn nước Mỹ về những chuyện khác. Thí dụ cám ơn nước Mỹ đã cứu những thuyền nhân bỏ trốn chính phủ của hắn, vừa thấy đồng bọn của hắn là đã phải liều chết bỏ ra biển, chạy cho xa cái chế độ hung hiểm giết người đó. Tư Sang phải cám ơn những người Việt từng bị bọn côn đồ buộc phải bỏ đi, nay lại quay lại tiền bạc gửi về giúp cho thân nhân không may còn kẹt lại và rốt cuộc chỉ nuôi cho béo bọn côn quang ở Hà Nội.
Mất công đến được nước Mỹ, cũng chỉ bố lếu bố láo vài ba câu mà chắc ông Obama cũng chẳng quan tâm bao nhiêu. Phái đoàn của Sang không dám quá bộ ra mấy khu Việt Nam ở quanh thủ đô Mỹ để thăm những người Việt Nam ở đó, chụp vài ba tấm ảnh đem về khoe nhắng lên là được đồng bào tiếp đón trọng thể.
Bởi lẽ chỉ có điên dại mới nghĩ tới chuyện đó.
Đi thì lén, đến thì lút, về thì lủi. Hòn đá ném xuống mặt hồ kêu tõm một cái, mặt nước khép lại, không một gợn sóng .
Đi như thế thì đi làm chi?
Ông Obama thì là con vịt què, ông ấy cũng chẳng làm được cái quái gì.
Chuyến đi chẳng mang được cái giải rút nào về mà cũng đi!
Ngày 30 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Bao nhiêu năm nay, tôi cứ nghe nói Hồ Chí Minh thông thạo dăm bẩy thứ tiếng nhưng không biết mức độ thông thạo các ngôn ngữ ấy của chàng ở mức độ nào.
Tiếng Hoa thì có mấy chữ Hán gửi cho chị vợ Tầu là Tăng Tuyết Minh. Tiếng Pháp có bức thư chàng gửi xin việc cho cha thì có thể coi là chỉnh. Lý do là vì chàng ở Trung quốc hơi lâu, lại là người Việt sống dưới thời Pháp thuộc nên hai thứ tiếng ấy chàng có thể được coi là thông thạo.
Nhưng tiếng Anh của chàng thì phải xét lại.
Đó là vì mới đây tôi có được đọc một bức thư chàng gửi cho tổng thống Mỹ Harry S. Truman mà Trương Tấn Sang đem ra khoe với ông Obama để nhắc ông Obama rằng trước đây Hồ Chí Minh cũng muốn nhờ vả nước Mỹ chứ không phải lúc nào cũng chống Mỹ.
Bức thư không đề rõ tên người nhận là ông Truman nhưng vì thư đề ngày 28 tháng 2 năm 1946 thì rõ ràng ông Truman lúc ấy là tổng thống Hoa kỳ thay ông Roosevelt qua đời tháng 4 năm 1945.
Bức ảnh chụp lại văn kiện này ghi ở đầu là telegram nhưng lại được viết như một lá thư thường, phía dưới còn có chữ ký của Hồ Chí Minh.
Đọc qua bức thư, người ta thấy ngay ở dòng thứ 6, và dòng thứ 8, thay vì là dấu chấm câu, thì lại là chữ "STOP" như cách viết trong telegram.
Thôi thì bỏ qua chi tiết đó cái đã.
Nhưng nếu là một bức thư chính thức của chàng gửi cho ông Truman, tổng thống Hoa kỳ, thì thư phải có lời chào hỏi, xưng hô cho đúng cách. Phải là "Your Excellency" chứ không bao giờ là "you" như trong thư từ thông thường. Cuối thư cũng không kết với một lời chào kèm theo một lời chúc.
Ngoài ra, hình như chàng còn không biết dùng mạo từ cho đúng văn phạm nữa. Không thể viết "On behalf of Vietnam government and people…" Phải là "On behalf of THE Vietnam government and THE people of Vietnam". Ở dòng số 6, người viết cũng lại không dùng mạo từ "THE" trước những chữ "French population and troops".
Rồi ở dòng thứ 4, đáng lẽ phải viết là "in THE course of THE conversations between THE Vietnam government and THE French representatives …" thì 4 mạo từ xác định hoàn toàn vắng mặt. Dòng thứ 8 thì viết sai chính tả chữ "military" thành "milltary". Dòng thứ 9 thì cũng biết viết "the American people" thì tại sao lại không biết dùng mạo từ "THE" ở trước "Vietnam people" ở trên?
Thế là bức thư vỏn vẹn có 11 dòng đã để lại mấy cái lỗi dốt nát như thế thì giỏi tiếng Anh ở chỗ nào?
Nếu nói bức thư đó là do phụ tá viết thì tại sao chàng ký tên ở dưới, tức là đã đọc, lại không nhìn thấy những cái lỗi chình ình đó để mà sửa?
Theo nhật ấn ở góc phải của bức thư thì Washington nhận được hôm 11 tháng 3. Như vậy là thư được gửi qua bưu điện, đề ngày 28 tháng 2, chứ không phải là telegram. Phóng ảnh còn cho thấy cả chữ ký tay của chàng thì làm sao lại gọi là telegram?
Thôi thì rửa chén, dọn dẹp cái bếp của khách sạn Drayton Court ở West Ealing, rồi sau đó ở khách sạn Carlton ở Haymarket thì tiếng Anh lượm được ở dưới bếp phải ở cỡ đó chứ sao.
Nhưng tại bọn đàn em cứ nhắng lên khoe là chàng thông thạo cả tiếng Anh nữa nên mới kể ra chơi ở đây nghe chơi cho biết.
Ngày 31 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Trong lần gặp gỡ Trương Tấn Sang ở tòa Bạch Ốc hôm 25 tháng 7, ông Obama nói rằng Hồ Chí Minh đã lấy được cảm hứng từ bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ của Thomas Jefferson.
Ông Obama lập tức bị một số nhà bình luận Mỹ chê là không hiểu biết gì về Hồ Chí Minh khi đưa ra sự so sánh Hồ Chí Minh, một kẻ giết người không gớm tay, với Thomas Jefferson, một quốc phụ của nước Mỹ, người đặt để ra những nguyên tắc bình đẳng và tự do cho Hoa kỳ. Bài xã luận đăng trên trang 1 số đề ngày 29 tháng 7 của tờ Investor’s Business Daily qua dòng tựa đã viết thẳng rằng tư cách của ông Obama đã xuống tới một mức thấp hơn nữa khi ông nối kết Thomas Jefferson vào với Hồ Chí Minh. Câu đầu của bài xã luận nói rằng ít có một sự so sánh nào lại có thể đáng tởm hơn là sự so sánh Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson của ông Obama.
Chắc ông Obama muốn nhắc tới đoạn mở đầu của bản tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Đình, câu ấy nguyên văn như thế này: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Mấy câu này được dịch thẳng từng chữ từ bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ do Thomas Jefferson viết. Chính Hồ Chí Minh cũng xác nhận là đã lấy từ bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
Bản văn này, họ Hồ chỉ nhớ được lõm bõm từ những ngày theo một tầu buôn tới Mỹ từ trước đệ nhất thế chiến. Hồ Chí Minh cố nhớ lại nhưng không được nên phải nhờ đến trí nhớ của James Patti, một nhân viên tình báo OSS, tiền thân của CIA mà Hoa kỳ gửi tới Việt Nam để hợp tác với Việt Minh trong nỗ lực chống lại quân Nhật ở Đông Dương.
Và chính James Patti đã đề nghị Hồ Chi Minh dùng ý của Thomas Jefferson để mở đầu cho bản tuyên ngôn mà Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Không chỉ ở đoạn mở đầu mà luôn cả ở đoạn cuối bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh cũng lấy một câu khác của Thomas Jefferson và diễn sang tiếng Việt thành: "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" . Câu của Jefferson là "…these united colonies are, and of right ought to be, free and independent states".
Như vậy, ông Obama đúng một phần: Hồ Chí Minh có lấy ý của Thomas Jefferson để viết bản tuyên ngôn độc lập đọc ở quảng trường Ba Đình.
Nhưng nói là Hồ Chí Minh lấy cảm hứng từ Thomas Jefferson thì không đúng. Lấy cảm hứng là dựa theo ý, noi theo gương của một người, một tư tưởng, một ý kiến để làm theo người ấy, dựa vào tư tưởng ấy để hành động. Theo cách hiểu của câu lấy cảm hứng thì phải là như thế. Thomas Jefferson là người thực hiện và hành xử đúng những điều ông viết xuống trong bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ, đó là hết lòng tranh đấu, tôn trọng lý tưởng tự do, quyền bình đẳng của con người, các tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí. Nước Mỹ đã được xây dựng và phát triển theo đúng những nguyên tắc mà Thomas Jefferson viết xuống trong bản tuyên ngôn độc lập trong khi đó, Hồ Chí Minh chỉ chép lại những câu của Thomas Jefferson để lừa bịp cả một dân tộc dùng những lời hay ý đẹp của Jefferson, rồi quay ra tàn sát thẳng tay những người chống lại con đường Cộng sản mà họ Hồ du nhập vào Việt Nam và những tác hại của việc đó vẫn còn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam cho mãi đến tận ngày hôm nay.
Nói Hồ Chí Minh lấy cảm hứng từ Thomas Jefferson để làm những việc như thế là một việc lăng mạ và bôi bẩn tác giả của bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ vậy.