March 17, 2011

March 18, 2011

Ngày 14 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Hôm nói về mấy đứa bé mồ côi mẹ sống hiu hắt ở Cao Bằng, cảnh con chị cõng con em, tôi có đưa ra nhận xét là ba chị em Hoàng thị Mũ buổi tối ngồi ăn với nhau trên sàn nhà, mỗi đứa một bát cơm, không thấy có mâm cơm, hay một hai đĩa thức ăn nào cho ba chị em.

Căn phòng trơ trụi, vách đan bằng tre không biết có đủ chắn những cơn gió mùa lạnh cho ba chị em không. Nhưng có một chi tiết khác về căn nhà của ba đứa bé. Đó là người ta không thấy cái giường, cái bàn, cái ghế, quyển sách, quyển vở cho ba đứa bé. Và nhất là không có một món đồ chơi nào trong căn phòng.

Một người bạn nghe tôi nêu ra chi tiết này liền nói rằng chao ôi, ở đó mà đồ chơi. Ăn đã đủ chưa mà còn nói chuyện đồ chơi. Áo đã đủ ấm chưa mà đòi đồ chơi.

Người bạn của tôi nói đúng. Tôi thấy nhận xét của mình bỗng trở thành ngớ ngẩn. Trong hoàn cảnh của ba đứa bé ở cái làng nghèo ở Cao Bằng mà nhắc chuyện đồ chơi cho ba chị em thì quả là có vớ vẩn thật.

Tôi nghĩ tới chi tiết đó có thể là vì tôi vừa đi thăm mấy đứa cháu về. Trong góc của một căn phòng trên lầu nhà, tôi thấy cả một núi đồ chơi của ba chị em chúng. Những con thú nhồi bông, những con búp bê đủ mọi kiểu quần áo, những đồ chơi điện tử… chất đầy một góc. Nhớ căn phòng đầy đồ chơi của lũ cháu, rồi lại trông thấy hình chụp ba chị em Hoàng Thị Mũ nên tôi chợt nói ra điều những đứa bé ở Cao Bằng không có lấy một món đồ chơi trong căn nhà xác xơ của chúng. Lo cho có được bữa tối để đi ngủ khỏi đói chắc chắn là cần thiết hơn là những món đồ chơi.

Nhưng thực ra, đồ chơi không hoàn toàn vô ích, không phải lúc nào cũng không cần thiết như người bạn tôi nói. Đồ chơi là những thứ cần thiết của trẻ em, từ lúc con người còn sống trong hang động cho đến khi đời sống văn minh hơn, lúc nào trẻ em cũng cần đồ chơi. Trong các mộ cổ Ai Cập, trong những xã hội chưa văn minh lắm, người ta đều thấy các đồ chơi của trẻ.

Đồ chơi dậy cho trẻ những vai trò chúng sẽ đóng khi lớn lên. Những con búp bê dậy cho các bé gái làm chị, làm mẹ. Những món đồ chơi của các bé trai có thể là chiếc cung, mũi tên của đời sống khi các em lớn lên.

Những hình nhân quần áo, mũ, biển của ông tiến sĩ có thể làm Nguyễn Khuyến không vui nhưng đó là hoài bão của người cha, người mẹ khi mua những ông tiến sĩ giấy về cho con chơi:

Gớm chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại giứ thằng cu…

Trong một làng nhỏ thời ấy của Nguyễn Khuyến, trẻ con trong làng vẫn được cha mẹ mua cho mấy món đồ chơi: ông tiến sĩ giấy, cái trống bỏi kêu long tong cho vui.

Những món đồ chơi cũng lớn theo những đứa bé. Lớn rồi, không chơi những chiếc xe chạy bằng dây cót (dây thiều) nữa. Những đồ chơi của những đứa bé trở thành những chiếc máy chụp ảnh, cả hai, ba chục chiếc Nikon, Canon, Fujica … như trong chiếc tủ trong nhà của một đứa bé nay đã ngoài bốn mươi mà tôi rất quen. Hay những chiếc chiếc máy bay plastic tỉ lệ 1/36 hay 1/48 phải mấy tiếng đồng hồ mới gắn xong. Đó là những món đồ chơi không phải là đồ chơi con nít bao giờ. Chúng là đồ chơi của người lớn. Có những người đàn ông là ông nội, ông ngoại cũng vẫn còn chơi.

Ba chị em Hoàng thị Mũ có thể không bao giờ thấy được con búp bê nhắm mắt, mở mắt, không bao giờ có trong tay một con quay (vụ), không bao giờ có cỗ chuyền để chơi trước giờ vào lớp. Đứa em 8 tháng chắc cũng chưa bao giờ có cái pacifier ngậm trong miệng để khỏi làm phiền con chị trong lúc con chị hái rau hay ngồi trong lớp…

Trong một bài báo khác, người ta đọc thấy một người có chiếc điện thoại iPhone nhờ bọc vàng, chạm một con rồng uốn lượn trên vỏ, và gắn tổng cộng 585 hạt kim cương trên chiếc vỏ nặng 4 lượng vàng với chi phí trên 300 triệu đồng do một công ty có tên là Golden Ace thực hiện.

Thì đó cũng là một món đồ chơi vậy. Không biết ghé miệng nói vào cái phone 3GS này có là "ngọc thốt đoan trang" không, hay chỉ thấy thối um lên mà thôi.

Miệng người sang có gang có thép
Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm…

Rõ là bố khỉ!


Ngày 15 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Nước có loạn mới biết tôi trung, nhà có đói mới biết con có hiếu.

Chờ cho nước gặp cảnh loạn lạc hay đợi cho nhà trải qua cơn đói thì có thể hơi lâu mới biết được mặt trung thần hay người con đáng được ghi thêm vào cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức. Vậy thì nhận được ra mặt tử tế mà cũng khó vậy sao?

Tôi nghĩ không cần đợi lâu như thế. Ngó chung quanh là thấy liền.

Thí dụ thử ngó sang Christchurch là thấy ngay. Christchurch là một thành phố ở Tân Tây Lan vừa bị một trận động đất kinh hoàng. Gần như toàn thể thành phố với 350 ngàn dân này ở đảo nam (South Island) đã bị tàn phá nặng. Nhiều người dân ở đây có thể sẽ phải vĩnh viễn bỏ đi khỏi thành phố này , không trở về tái thiết nữa vì Christchurch nằm ngay trên một vết nứt của trái đất. Và vì như thế, thành phố này sẽ còn bị động đất nữa. Năm ngoái, Christchurch đã bị hai trận khá nặng. Chưa xây dựng lại được thì bị thêm một trận động đất mới.

Số ngươi chết tổng cộng lên tới gần 400 người. Trong số này có khoảng hơn 60 du học sinh từ nước ngoài đến học tại Tân Tây Lan. Và trong số hơn 60 du học sinh thiệt mạng, có 24 du học sinh từ Trung quốc tới học. Tin tức không nói rõ những người này là sinh viên tự túc, đi học bằng tiền của gia đình, hay bằng học bổng của chính phủ Tân Tây Lan, của chương trình Colombo…

Đến nay, người ta mới tìm được xác của 7 du học sinh Trung quốc.

Chính phủ Tân Tây Lan đã bồi thường cho gia đình của các du học sinh này một số tiền, cho cha mẹ, vợ hay chồng và con của người chết đồng thời trang trải chi phí đưa xác của những người này về nước.

Nhưng ngay lập tức, một giới chức tại sứ quán Trung quốc ở Tân Tây Lan liền lên tiếng đòi chính phủ Tân Tây Lan phải tăng số tiền bồi thường cho gia đình của các sinh viên Trung quốc tử nạn ở Christchurch. Giới chức này nói với một đài phát thanh Tân Tây Lan rằng gia đình của các sinh viên Trung quốc thiệt mạng trong trận động đất phải được bồi thường nhiều hơn gia đình của các sinh viên ngoại quốc khác. Lý do là vì các sinh viên Trung quốc này đều là con một trong những gia đình theo đúng chủ trương của nhà nước là mỗi gia đinh chỉ có một con. Những người con này sẽ lo cho cha mẹ lúc cha mẹ về già, sẽ là bảo hiểm cho tuổi già của cha mẹ. Những mất mát của các gia đình này lớn hơn mất mát của những gia đình có nhiều con. Vì thế, chính phủ Tân Tây Lan nên bồi thường cho các gia đình của các sinh viên Trung quốc nhiều hơn.

Thế là vừa ngửi thấy hơi tiền, sứ quán liền nhào tới. Không biết có chấm mút được gì không, nhưng thế nào chẳng được tiếng là hết lòng bênh vực cho công dân, cho kiều bào.

Nhưng đồng thời việc lên tiếng của giới chức này cũng lộ ra cho thấy khuôn mặt tệ lậu của sứ quán Trung quốc.

Trong lúc Tân Tây Lan còn đang chưa hết choáng váng vì trận địa chấn kinh hồn ở Chtrsitchurch, trong lúc còn một số xác chưa tìm thấy được thì người ta đem chuyện tiền ra nói.

Những bản tin hôm qua cho thấy Tân Tây Lan đã gửi một toán chuyên viên cấp cứu tới Nhật để giúp các nạn nhân động đất và sóng thần.

Cường quốc kinh tế vừa vượt được lên trên nước Nhật hãy làm một vài việc xứng đáng với tư cách cường quốc của mình xem. Vừa thấy có tiền là sứ quán xúi nhân viên đi đòi tiền, làm như nhân đạo lắm, quan tâm nhiều lắm tới mạng sống của người dân không bằng.

Cái thái độ nhân đạo đó không hề thấy trong những vụ tầu lạ (?) tấn công những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp của ngư dân Việt Nam hành nghề ngay trong vùng biển của Việt Nam. Tầu lạ (?) không những phá chìm các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam, và không những không bồi thường, mà còn phạt các thuyền đánh cá này những món tiền lớn mới thả cho các ngư nhân Việt Nam về nước.

Tại sao lúc thì nói toàn giọng nhân nghĩa, rồi lại quay ra ăn nói hành xử một cách khốn nạn như vậy?

Cường quốc cái con củ gì mà tệ lậu như thế?


Ngày 16 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Tôi nghĩ sẽ không bao giờ có thể quên được đôi mắt ấy. Đôi mắt mà trước đây tôi chỉ nghe thấy qua cách mô tả: glassy eyes. Nó ướt lệ. Nước mắt như một lớp thủy tinh, một lớp kính mờ che lại.

Hôm ấy tôi không lái xe, phải nhờ người chở đi làm một số việc. Vì thế, tôi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối.

Một chiếc xe đắt tiền bảng số cho thấy xe không phải là xe ở California. Chiếc xe đậu lại cách xe của chúng tôi khoảng 3 mét là cùng. Một người đàn ông tuổi trạc ngoài 50 quần áo đẹp mở thùng xe lấy ra một chiếc xe lăn. Ông đẩy chiếc xe lăn đến sát ghế sau của chiếc Mercedes mầu trắng còn rất mới và mở cửa ra, đỡ một người đàn ông cao niên, khoảng 80 gì đó. Ông dìu người đàn ông lớn tuổi ngồi vào xe lăn. Chiếc Mercedes do một phụ nữ trẻ lái chạy tiếp, có thể là vợ của người đàn ông quần áo đẹp đó. Người đàn ông đẩy chiếc xe lăn lên lề đường của một cái chợ. Tôi nghĩ người đàn ông đẩy xe lăn cho bố đi chợ nhân dịp cuối tuần. Một lúc sau, người đàn ông trở lại, tất tả đi kiếm chiếc xe Mercedes của ông lúc ấy đã được đậu tại một chỗ trong bãi đậu xe của chợ. Chiếc xe chạy thật nhanh ra ngoài bãi đậu xe và biến mất trong dòng xe sáng thứ Bẩy tại Little Saigon. Tôi chắc ông cụ được giao cho một người khác trong gia đình để giúp cụ đi chợ. Bạn tôi ra xe, nhưng không đi ngay vì ông còn phải làm thêm một hai việc khác. Ông đi kiếm chỗ đậu xe, và tôi xuống xe đi theo ông. Trước một tiệm bán bánh, tôi thấy ông cụ ngồi trên xe lăn, im lặng, đầu hơi cúi xuống. Tôi thấy ông cụ giống một cụ ông tôi quen hồi còn ở miền đông. Nhưng chắc là không phải. Cụ kia đã qua đời cả chục năm trước. Cụ cũng đẹp lão, quần áo lúc nào cũng tươm tất, đầu tóc chải gọn gàng. Cụ ở miền đông nói tiếng Pháp không chê vào đâu được.

Cụ ngồi xe lăn trông cũng có cái vẻ lịch sự đó. Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy ở cổ cụ có đeo một tấm bảng . Đến gần, tôi đọc được hàng chữ: PLEASE HELP. I HAVE ALZHEIMER.

À thì ra vậy, cụ được cho ngồi trên xe lăn, đẩy đến một chỗ đông người qua lại, quàng vào cổ tấm bảng cho biết cụ bị Alzheimer và để cụ ngồi tiếp ở đó.

Đám đông vẫn di chuyển qua chỗ cụ ngồi. Hôm đó là ngày trước Tết. Mọi người bận đi mua sắm. Có người chắc phải trông thấy cụ. Có thể còn thấy cả tấm bảng cụ đeo trên cổ nữa. Nhưng tất cả đều đang tất bật với cái Tết cận kề. Có thể cụ sẽ phải ngồi đó rất lâu. Có thể cho đến khi chợ Tết vãn người mới có người để ý đến cụ. Có thể cảnh sát được gọi đến. Có thể cụ sẽ được đưa đến một văn phòng xã hội nào đó. Cụ sẽ không còn biết gì nữa. Tên của cái anh đàn ông đẩy cái xe lăn cho cụ chắc cụ cũng không nhớ nổi.

Ngày nào cụ còn đưa nó đi học, mua cho nó bộ quần áo mới. Ngày nào nó ra trường, đi học đại học ở nước ngoài. Ngày nào nó lấy vợ, đẻ những đứa cháu nội xinh dẹp cho cụ. Chắc cụ cũng chẳng nhớ được hết tên của chúng nó. Mấy người Mỹ hỏi cụ bằng cái thứ tiếng cụ không biết được bao nhiêu. Cụ chỉ cười với hàm răng không còn một cái.

Nhưng may cho cụ, cụ không nhớ được bằng ấy chuyện. Bệnh Alzheimer đã lấy đi hết tất cả. Chứ nếu trí nhớ của cụ mà còn, thì cụ còn khổ biết là chừng nào. Và đôi mắt glassy eyes đó sẽ khóc nhiều lắm. Cụ không khóc được nữa.

Cuối năm mà bị ném ra đường như vậy thì khóc là phải.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


PASSIVE VOICE

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Hôm nay, QA sẽ đóng vai học trò để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại để cho ông giáo bị truy bài đến lúc bí thì thôi, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Thưa anh, trong chương trình hôm nay, vấn đề gì của Anh ngữ sẽ được anh trình bầy cùng quí khán giả của Hồn Việt Televison?

BBT

Cô QA làm ơn nhắc lại câu hỏi của cô cho tôi nghe lần nữa được không?

QA

Thưa anh, trong chương trình hôm nay, vấn đề gì sẽ được anh đem ra thảo luận?

BBT

Cô QA nghe kỹ lại câu cô hỏi mà xem. Thực ra khi đến phòng thu hình của Hồn Việt Television hôm nay, tôi đã định nói về một vài thành ngữ quen gặp trong tiếng Anh, nhưng nghe câu hỏi của cô, tôi quyết định sẽ nói về điều nằm ngay trong câu hỏi của cô.

QA

Điều gì đã được QA đặt trong câu hỏi, QA không hiểu. Điều đó có thể được anh nói lại cho QA biết hay không?

BBT

Cô có thấy mấy câu cô vừa nói đều đưa ra một vấn đề, vấn đề mà tôi sẽ trình bầy trong chương trình hôm nay không? Cô nghe lại coi, QA nói tiếng Việt mà dùng một cách nói hoàn toàn Mỹ đó cô không thấy sao?

QA

QA vẫn không hiểu. Vấn đề đó có thể được anh nói rõ hơn không?

BBT

Đó, cô lại nói kiểu Mỹ rồi. Thôi để tôi nói rõ ra nhé. Cô toàn dùng PASSIVE VOICE tức là thụ động cách trong mấy câu cô vừa nói. Đó là lối nói rất Ăng lê. Người Việt rất ít khi dùng lối nói đó. Chúng ta dùng ACTIVE VOICE tức là chủ động cách thường hơn.

QA

À thì ra thế. Passive Voice là thụ động cách. QA không ngờ lối nói này đã nhập vào người QA lúc nào không biết. Bây giờ anh nêu ra thì QA mới thấy là QA dùng Passive Voice hơi nhiều . Chắc tại nói chuyện, nghe các con QA mỗi ngày nên nhập tâm luôn.

BBT

Đúng là như thế. Tôi nhận ra điều đó khi nói chuyện với bạn bè hàng ngày, ở đây trong tiếng Việt chúng ta cũng dùng Passive Voice nhiều hơn hồi ở Việt Nam.

QA

Anh nói về sự khác biệt giữa ACTIVE VOICE và PASSIVE VOICE giúp trí nhớ cho QA được không?

BBT

ACTIVE VOICE là cách nói cho chủ từ là chủ của hành động. PASSIVE VOICE là cách nói chủ từ KHÔNG làm gì hết. Mọi việc đều do túc từ làm.

QA

Thí dụ QA nhắc các con làm bài của các thầy cô ra cho làm ở nhà, cậu lớn nói THE HOMEWORKS ARE DONE chẳng hạn có phải như thế không?

BBT

Rất đúng. THE HOMEWORKS ARE DONE. Chủ từ là THE HOMEWORKS. Chủ từ này KHÔNG làm gì hết. Bài tập trường ra cho hồi sáng đã được làm xong. Bài làm, HOMEWORKS thì KHÔNG làm gì hết. Túc từ là con trai QA mới là người làm những bài tập đó.

QA

Thế còn khi dùng ACTIVE VOICE thì con trai QA phải nói là I HAVE FINISHED THE HOMEWORKS phải không thưa anh?

BBT

Đúng. I HAVE FINISHED THE HOMEWORKS nghĩa là con đã làm xong bài tập rồi. Chủ từ là con trai của QA. Động từ là HAVE FINISHED và túc từ là THE HOMEWORKS. Như thế, chủ của hành động làm bài tập là chủ từ, là "I".

QA

Thưa là con trai QA. Quá rõ rồi sao thầy còn hỏi là AI nữa.

BBT

Cô QA, tôi nói chủ từ là "I", tôi không hỏi chủ từ là AI.

QA

QA thấy tiếng Anh lôi thôi quá. Khi nói "I" thì lại là tôi. Khi nói tôi thì lại là "I".

BBT

Cô QA lại đem tiếng Anh ra diễu cợt rồi. Cô phải nói thế này tôi mới hiểu. Khi nói TÔI trong tiếng Việt thì tiếng Anh là "I". Trong tiếng Anh, "I" lại là TÔI trong tiếng Việt.

QA

Như thế thì còn mắc cười ở đâu nữa. Thôi để QA hỏi thêm anh về PASSIVE VOICE. Thưa anh, PASSIVE VOICE được lập thành như thế nào?

BBT

PASSIVE VOICE dùng động từ TO BE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.

Động từ chính là DO THE HOMEWORKS. Past participle của TO DO là DONE.

Động từ TO BE được đặt ở phía trước.

THE HOMEWORKS ARE DONE.

QA

Thế nếu muốn đặt túc từ vào câu này thì để ở đâu?

BBT

Để sau giới từ BY.

THE HOMEWORKS ARE DONE BY ME/ BY QA’S SON. Bài tập đã được làm xong bởi con trai QA.

QA

Kiểu nói như vậy trong Anh ngữ có thường không thưa anh? Sao QA thấy nó trúc trắc quá.

BBT

Có, cũng thường lắm. Rất thường là khác. Nó chỉ trúc trắc khi dịch sang tiếng Việt mà thôi. Chúng ta ít khi nói như thế.

Thí dụ người Mỹ sẽ nói như thế này:

MY CAR IS REPAIRED BY SUNNY AUTO.

QA

MY CAR IS REPAIRED BY SUNNY AUTO nghĩa là xe của QA được sửa bởi Sunny Auto.

Câu này thì Mỹ thật. QA nói tiếng Việt thì ngược lại: Sunny Auto đã sửa cái xe của QA. SUNNY AUTO REPAIRED MY CAR. Nhưng tại sao người ta lại dùng PASSIVE VOICE?

BBT

Có nhiều lý do. Thí dụ khi chúng ta không biết ai đã làm công việc đó thì chúng ta dùng Passive Voice, thụ động cách.

Thí dụ nói THE CAR IS STOLEN. Chiếc xe bị đánh cắp.

QA

Đúng vậy thưa anh. Nếu biết người nào lấy trộm cái xe thì dễ cho cảnh sát biết mấy nhưng vì không biết ai nên Passive Voice được đem ra dùng. Cũng có thể nói SOMEONE STEALS MY CAR chứ thưa thầy?

BBT

Đúng là như thế.

Có khi chúng ta biết ai làm công việc đó, nhưng chi tiết ai đó KHÔNG quan trọng nên chúng ta bỏ ra ngoài, không nhắc đến.

QA

Thí dụ QA có thể nói THE PARIS PEACE AGREEMENT WAS SIGNED IN 1973 khi QA muốn nhấn mạnh vào bản hiệp định Ba Lê chứ ai ký thì chúng ta đều đã biết. Trong trường hợp này, QA không cần phải nói THE REPULIC OF VIETNAM SIGNED THE PARIS AGREEMENT IN JANUARY 1973.

BBT

Cô nói đúng. Passive Voice cũng được dùng khi chủ của hành động không quan trọng , không cần nói tới bằng túc từ trong câu ACTIVE, câu chủ động cách .

Thí dụ khi cô QA đến lấy chiếc xe cô gửi để sửa , thì ông chủ gara Kiên Nguyễn chỉ cần nói: THE CAR IS FIXED.

Cô QA có cần biết rõ ai sửa xe cho cô không? .

QA

Chắc không. QA cần xe để đi làm, xe được sửa xong, trả tiền ông chủ gara, lấy xe về đi làm là vui rồi.

BBT

Tôi không thích PASSIVE VOICE lắm. Thí dụ câu này rất hay gặp: NHÀ BÁN BỞI CHỦ. FOR SALE BY OWNER. Nói đầy đủ ra thì phải nói la THE HOUSE IS BEING SOLD BY OWNER. Nhưng vẫn phải dùng. Câu này muốn nói với những người mua nhà rằng chính chủ nhà đứng ra bán, không phải trả tiền cho chuyên viên địa ốc nên nhà rẻ hơn là qua trung gian.

QA

Vậy thì Passive Voice cũng cần lắm chứ đâu phải là không cần.

BBT

Đúng. Nhưng QA có biết là PASSIVE VOICE trong tiếng Việt cũng rất khác Passive Voice trong tiếng Anh không? Passive Voice trong tiếng Việt rõ hơn trong tiếng Anh nhiều.

QA

Điều đó QA hình như không thấy, chỉ thấy Passive Voice trong tiếng Việt nghe trúc trắc hơn trong tiếng Anh mà thôi.

BBT

Rất khác. Và trong tiếng Việt, PASSIVE VOICE còn cho thấy tâm tình, thái độ của câu nói, của người nói nữa.

Câu Passive Voice thụ động cách của tiếng Việt còn cho thấy việc làm trong câu đó là điều đem lại vui sướng, hạnh phúc hay khổ đau bất hạnh nữa. Điều đó không thấy trong tiếng Anh.

QA

Anh cho nghe một thí dụ để QA hiểu rõ hơn được không?

BBT

Thí dụ câu này trong tiếng Anh thì người nghe không thể biết được chủ từ vui hay không vui.

THE AMBASSADOR WAS ASKED TO RETURN TO SAIGON.

Câu này, người nghe không biết là ông đại sứ buồn hay vui. Nếu ông đại sứ được đề nghị làm ngoại trưởng trong nội các mới, nghĩa là ông đại sứ được thăng chức, thì ông sẽ vui lắm.

Nhưng nếu ông về Sài Gòn theo lệnh của tổng thống để ngồi chơi xơi nước thì như thế, ông bị hạ tầng công tác, chắc ông không vui.

QA

Như vậy thì QA thấy rồi. Trong tiếng Anh, câu ấy không thể cho người nghe biết ông đại sứ vui hay buồn nếu không có những chi tiết đi sau. Thí dụ phải nói thêm là ông đại sứ được đề nghị làm ngoại trưởng trong nội các mới, hay ông đại sứ bị cho đãi lệnh, ngồi chơi xơi nước, SIT PLAY DRINK WATER như cậu em của QA vẫn nói .

BBT

Và như thế chúng ta mới có thể dịch sang Việt ngữ một cách xuôi tai được. Nếu ông đại sứ vui thì chúng ta nói ông đại sứ đã ĐƯỢC triệu hồi về Sài Gòn. Nếu ông không vui, thì chúng ta nói ông đại sứ BỊ gọi về Sài Gòn.

QA

Như năm 1954, ông Ngô Đình Diệm ĐƯỢC quốc trưởng Bảo Đại mời sang Pháp. Nhưng sau đó, ông BỊ quốc trưởng Bảo Đại gọi sang Pháp. Lần đầu là để ĐƯỢC cho thay thủ tướng Bửu Lộc và lần thứ hai là để BỊ thay thế nhưng thủ tướng Diệm không đi .

BBT

Cô QA thuộc sử cận đại quá. Cũng như thế, khi gặp phải câu này, tôi nhất định phải dịch là BỊ, không thể dùng chữ ĐƯỢC được. Câu HE WAS DRAFTED IN 1972. Có yêu nước và ủng hộ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cách mấy đi chăng nữa, tôi vẫn dịch là ANH ẤY BỊ ĐỘNG VIÊN NĂM 1972. Tôi thấy không thể dịch là ANH ẤY ĐƯỢC GỌI QUÂN DỊCH NĂM 1972 được.

QA

QA cũng thấy như thế. Đang sống như ông thầy Trúc, ngày nào dậy học xong cũng ra quán LA PAGODE ở Sài Gòn ngồi, đi quân dịch là tóc phải cắt ngắn, phải đeo ba lô, bò dưới hỏa lực, không Thủ Đức thì cũng Đồng Đế thì ĐƯỢC làm sao được. Phải là BỊ gọi quân dịch mới đúng.

Như vậy, QA đồng ý với anh là PASSIVE VOICE trong tiếng Việt hay hơn trong tiếng Anh nhiều. Người Anh nói HE IS LOVED thì làm sao biết tình thương đó làm cho người ấy vui hay khổ đau. Thí dụ THƯƠNG CÁI XƯƠNG KHÔNG CÒN thì là BỊ thương chứ ĐƯỢC thương bao giờ.

BBT

Như vậy, có thể nói là PASSIVE VOICE đã được cô QA hiểu rành rọt chưa?

QA

Rồi ạ. Bài học đã được quán triệt . Những thắc mắc đã được giải tỏa. Bài học đã được trình bầy đầy đủ.

BBT

Và PASSIVE VOICE đã được cô QA đem ra dùng một cách quá độ.

QA

Dạ đúng. Kính thưa quí khán giả của đài Hồn Việt TV, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày với thầy Trúc đến đây tạm chấm dứt. Xin hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tới.

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2011.