March 3, 2011

March 4, 2011

Ngày 28 tháng 2 năm 2011

Bạn ta,

Tôi biết Malawi là một quốc gia Phi châu. Đâu đó ở Phi châu. Tôi không rõ nó nằm ở đâu, cũng không muốn lôi cuốn Atlas ra kiếm coi trong bản đồ Phi châu nó nằm ở chỗ nào nữa. Kiếm bản đồ của nó để làm gì? Đi du lịch một chuyến chăng? Tại sao phải đi Malawi trong khi có biết bao nhiêu chỗ khác để đi? Một cuốn sách tôi có trong tủ sách với cái tựa đọc lên đã thấy muốn nổi máu giang hồ: 1000 Places To Visit Before You Die.

Trong cuốn sách đó không thấy có ghi Malawi.

Bản tin đọc được hôm qua của AFP lại càng cho thấy không nên đến Malawi làm gì cho mệt xác. Một dự luật đang nằm ở quốc hội xứ này sẽ được đem ra biểu quyết trong một hai tuần nữa, và nếu được thông qua, việc thỉnh thoảng thả cái trung tiện cho đời lên … hương một chút chắc không thể làm được ở Malawi nữa. Luật khi được ban hành sẽ cấm những người dân Malawi, luôn cả du khách ghé ngang qua, già trẻ lớn bé đều không được thả trung tiện ở những nơi công cộng nữa. Dự luật nói rõ như thế này: Bất cứ ai làm ô nhiễm bầu không khí công cộng, gây tổn hại cho sức khỏe công chúng tại những nơi người dân sinh sống, sinh hoạt, làm việc, qua lại, luôn cả dọc theo xa lộ, bến sông, bờ hồ đều bị phạt.

Nói rõ ra là luật cấm đánh rắm. Cấm đánh rắm tại những nơi công cộng.

Như thế thì cuộc sống còn gì vui nữa! Xin vào internet đánh hàng chữ này thì sẽ đọc được ngay bản tin quái ác đó: No fart in Malawi.

Chuyện rắm rít là những hoạt động tự nhiên của cơ thể con người. Thức ăn vào trong bụng được biến chế thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Những phản ứng hóa học trong dạ dầy, trong ruột cho chất bã thêm chút hương hoa cho đời (?), rồi cơ thể đẩy mới đẩy nó ra ngoài. Tự nhiên nó chẳng có gì xấu xa cả. Nhưng rồi xã hội dậy chúng ta rằng cái mùi ấy là mùi khó chịu. Thế thôi. Có những mùi khác còn kinh hoàng hơn nhiều, nhưng chúng đâu có bị khinh bỉ, thù ghét như mùi rắm đâu. Nếu chúng ta nhìn lại vấn đề như thế, chúng ta sẽ thấy bớt ghét chúng đi rất nhiều.

Ông Trời cũng ác. Phần bã của những thứ đồ ăn sau khi được gạn lọc, chế biến thành chất nuôi cơ thể thì cơ thể tống ra ngài. Cớ sao ông Trời lại phải biến nó thành mùi thối ghê khiếp như thế? Thì cứ nhuộm cho chúng chút mầu vàng, mầu nâu là chúng tôi biết để tránh, không đạp chân lên rồi. Tại sao phải làm cho nó thối khủng khiếp như thế? Và chút hơi nằm chung với những chất bã này trong ruột già một thời gian ngắn cũng bị làm cho thối theo, trước khi được đẩy ra ngoài. Chưa hết, cùng với cái mùi không thơm đó, còn có một loạt âm thanh đi theo phụ họa để mọi người nghe mà biết mùi hương ấy sẽ theo sau để mà bịt mũi hay chạy ra xa.

Ông Trời quả là có độc. Rồi lại dậy cho con người là cái mùi, cái âm thanh đó không hay ho gì nữa mà làm chi?

Luôn cả các chị đẹp người, lịch sự như Tây Thi, Bao Tự, Cleopatre… và các anh đàn ông văn học nghệ thuật đầy mình như Shakespeare, thơ hay như Verlaine, hát hay như Trương Chi, vẽ đẹp như Renoir… anh nào anh nấy đều thủ sẵn một ít bom ngạt, lâu lâu ném ra cho thiên hạ sợ.

Thiên hạ sợ thôi chứ chính các anh, các chị này đâu có sợ gì cái mùi hương ấy. Các anh các chị, lâu lâu thả quả bom ngạt còn thú vị là khác. Thả xong chắc chắn thế nào cũng thần người ra, suy nghĩ xem cách đó vài tiếng ăn những gì mà mùi rắm kinh hoàng như thế. Dương Quí Phi thì nhớ lại mấy quả vải vừa được người tiến, đang tha thướt " vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" như Lý Bạch viết trong Thanh Bình Điệu thì bỗng vãi ra một hơi rắm dài. Nếu ở Malawi, là cảnh sát đã rượt biên phạt Dương Quí Phi về tội đánh rắm.

Thế thì chán thật. Đẹp như Dương Quí Phi vẫn bị dí cho cái giấy phạt vì đánh rắm to quá và thối quá. Bố Lý Bạch cũng không dám viết tiếp câu đầu trong đệ nhị thủ: Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương… nữa cho mà coi.

Và như thế, ở Malawi chắc sẽ không còn những thứ mà tiếng Anh gọi là fart catcher nữa. Bọn này sẽ phải nghĩ ra cách khác để nịnh xếp chứ ở đó còn ai được quyền đánh rắm một cách thơ thới hân hoan như ở các nước khác để mà rượt theo đằng sau, bắt lấy cái rắm rồi hít hà khen lấy khen để như mấy cậu thi sĩ quốc doanh ở nước ta …


Ngày 1 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Dustin Hoffman, diễn viên đóng vai chính trong The Rain Man sau khi được cho hưởng mùi đời lần đầu tiên: một cái hôn của một phụ nữ không đến nỗi ma chê quỉ hờn, đã quệt miệng, ngao ngán báo cáo lại cho Tom Cruise rằng:"It’s wet…"

Chàng có vẻ không vui bao nhiêu. Trong một ca khúc của Burt Bacharack, bài I’ll Never Fall In Love Again có một câu đại khái nghĩa là bạn được gì khi hôn một cô gái, bạn được tặng cho một đống vi trùng để sưng phổi mà chết…

Do đó, không nhất thiết cứ nhận được cái hôn là sướng có thể gần chết được như không ít người đã nghĩ.

Vấn đề cái hôn đó từ đâu đến cũng quan trọng nữa. Các thứ ông nội, ông ngoại được những đứa cháu cho mấy cái ướt nhẹp trên má là có thể sướng cả tuần lễ chưa hết sướng.

Nhưng nếu đó là những cái hôn không đến từ những đứa cháu, không từ … thí dụ Nicole Kidman, Cindy Crawford … thì sao?

Thì phải tránh cho bằng được. Bức hình tôi nghĩ là ghê khiếp nhất mà tôi đã thấy phải là bức hai anh trùm Cộng sản Leonid Brezhnev và Eric Honecker hôn nhau (vào internet xem Honecker Brezhnev Kiss). Hai người đàn ông "khóa môi" nhau khi gặp nhau để tình đồng chí keo sơn bền vững rốt cuộc vẫn tan nát cuộc đời.

Tôi rất sợ bắt tay người lạ. Vừa rửa tay sạch sẽ (như lời mẹ dặn) trước khi ngồi xuống đối mặt với tô phở, thì chàng từ trong nhà cầu bước ra, chìa tay cho bắt một cái cho đỡ buồn đời di tản thì tôi phải làm sao đây? Bắt cái tay ấy xong, lại phải vào nhà cầu rửa tay cho sạch trở lại, len lén đi ra với tô phở, mong không một ai nhìn thấy và chìa cho bàn tay dính đủ thứ trong nhà cầu đòi bắt một cái.

Chỉ mới có bắt cái tay là đã có thể làm khổ nhau như thế, nói chi đến tặng nhau cái hôn trên má, trên trán trong khi chàng không bao giờ là Kate Middleton, Catherine Zeta Jones...

Ở đây, mỗi lần đến tiệm ăn quen thuộc nọ, tôi đều bị một người đàn ông ôm hôn ngon lành không thua gì Thanh Tâm Tuyền trong Dạ Tâm KhúcĐi đi em, đến một góc công viên, nơi anh sẽ hôn em đắm đuối… ôi môi em như mật đắng, như móng sắc thương đau

Gần như lần nào gặp tôi, ông cũng đều tìm cách hôn tôi đắm đuối…

Mà tôi thì sợ những cái hôn của ông gần chết. Ông cứ hết má, lại đến trán của tôi mà hôn có khổ cái thân già không cơ chứ. Về sau, tôi nghĩ ra một cách để không bị hôn nữa: ngồi vào góc, tuốt phía trong, để cho mấy người bạn ngồi chắn phía bên ngoài. Nhờ thế, tôi thoát được những cái hôn như vậy. Có thể vì ông thấy đường xá ngăn sông cách núi quá chăng? Nhưng nếu đi một mình thì làm sao? Thì đành phải bò đến quán ăn khác vậy. Vì thế, hễ đi một mình thì phải cố mà né ông bằng cách đi tiệm khác vậy.

Nhưng chuyện bị hôn không phải là chuyện duy nhất khó khăn xẩy ra cho đời tôi. Đến một tiệm ăn khác, hễ bước vào là thế nào tôi cũng bị ông chủ đến bên bàn, gạ chuyện. Mà hình như cứ trông thấy tôi, là ông đem tất cả những chuyện vô duyên nhất lôi ra tặng tôi thì phải. Tôi hoàn toàn không thắc mắc gì về những chuyện ông làm như lâu lâu về Hà Nội một cái, làm chuyện này chuyện nọ… Ông có kiểu nói không chủ từ, túc từ nên nhiều lúc tôi cũng không biết ai nó với ai nữa.

Tôi vào ăn, chỉ cốt cho xong bữa rồi về nhà hay đi làm việc khác. Nhưng ông không tha tôi. Nói của đáng tội, tiệm của ông nấu thì rất được. Nhưng chuyện của ông thì nghe không được. Tôi nghĩ ra một cách là hễ thấy ông đến gần, thì cầm cái cell phone lên, nói vài câu vào máy như đang nói chuyện với ai. Quả nhiên, nhìn thấy thế, ông tha tôi. Ông lảng ra phía khác. Nhưng khi đồ ăn dọn lên, tôi bắt đầu ăn thì ông lại rề rề đến bên cạnh. Đã mấy lần, tôi muốn đứng dậy, nói với ông rằng: " Ông ơi, Trời đánh còn tránh miếng ăn… Tôi có tội gì mà đang ăn cứ bị ông rề rề bên cạnh như thế này…"

Nhưng rồi tôi sợ những món trong menu vừa gọi, trong chuyến đi từ bếp ra bàn của tôi, biết bao nhiêu chuyện kinh hoàng có thể xẩy ra, nên lại thôi.

Từ đó, tôi ít đến tiệm của ông để khỏi nghe chuyện vô duyên của ông. Tưởng mình là người khó tính, nên thỉnh thoảng tôi cũng thấy hơi ân hận. Người ta muốn thân mật một chút, tại sao lại phụ lòng … đồng hương như vậy?

Nhưng một bữa đến ăn cơm tại nhà ông bà V. P. thì tự nhiên chuyện đi ăn tiệm được khơi ra. Và bà chủ nhà, bà V.P., một phụ nữ hiền lành, tử tế mà tôi rất kính trọng, tự nhiên đề cập đến chi tiết hay nói chuyện vô duyên của ông chủ tiệm. Bà cho biết ông bà đều rất ngại đến tiệm ăn này chỉ vì chuyện nói nhiều của ông chủ tiệm.

Nghe xong, buổi trưa hôm ấy tôi lại thấy mình bình thường trở lại, không quá khó tính như mình vẫn nghĩ

Hai ông bà V.P. thì ai dám nói là khó tính. Mà cả hai cũng vẫn phải có ý kiến về ông chủ tiệm ăn nọ.

Tôi thấy mình chỉ là một khách hàng ăn bình thường, không có gì là quá khó tính cả.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Đến bây giờ thì tôi phải tin là quả thực có những âm mưu hại người già, hay nếu không thì cũng là gây khó khăn cho rất nhiều người già ở nước Mỹ này.

Khi tuổi tác còn trẻ, tay chân còn khỏe mạnh, tôi không thấy như thế bao giờ. Chỉ mới gần đây tôi mới nhận ra rất rõ điều đó. Cũng có thể đó là nỗ lực cố ý để giúp cho người già, nhưng ý tốt đó được đẩy đi quá đà chăng?

Lúc đầu tôi không để ý. Lại còn thán phục những việc làm đó. Hộp chewing gum chẳng hạn. Tại sao lớp giấy bóng bọc ở bên ngoài lại có thể dai và khó xé đến như thế. Cứ thử xem những hộp bánh kẹo làm ở Việt Nam bán sang đây là thấy ngay. Cũng bọc bằng giấy bóng kính chứ có phải không đâu. Gỡ nhẹ là bao giấy bóng kính gần như vỡ vụn ra ngay trong tay. Trong khi cái bao hộp chewing gum thì tháo mãi, xé mãi không được.

Thôi thì cũng tạm hiểu được đi. Sau vụ Tylenol bị bỏ thuốc độc hồi cuối thập niên 70, chúng ta đồng ý là những cái bao giấy kính hay plastic đó sẽ bảo đảm không ai làm được chuyện trộn thêm ít hóa chất độc hay bỏ thêm vào chai thuốc vài viên capsule có đựng thuốc độc vào trong. Gói cho chắc, bao cho chặt như vậy thì cũng có lý. Những sản phẩm khác cũng được gói kỹ để không ai có thể lén vào trong 1 góc tiệm, mở ra, rồi cạo râu cho mình và để lại trên giá cho người khác mua về, lãnh theo những sợi râu không sạch sẽ gì... Nhưng cái lọc đặt trong bồn rửa bát thì bọc cứng lại làm gì? Mua xong mang về nhà, muốn lười một chút cũng không được. Lại phải cái kéo, hay có khi phải nhờ cả cái kìm mới tháo được lớp plastic bọc bên ngoài.

Nhưng những hộp đựng thuốc mới là quá đáng. Các công ty dược phẩm mua những chiếc hộp plastic để đựng thuốc bán cho khách. Những chiếc hộp được đậy bằng những cái nắp gọi là child proof để trẻ em không thể mở ra và lôi… kẹo ra ăn. Ý kiến thì rất hợp lý. Nhưng sau chuyến vào bệnh viện mới đây, tôi về nhà với vài ba chục hộp thuốc xếp trên bàn phòng khách để mỗi tối đem ra dùng theo lời của y sĩ tôi mới thấy tất cả những chai thuốc đó đều được đậy bằng những cái nắp child proof đó để làm nản lòng những bàn tay nhỏ ở trong nhà, mà trong trường hợp của tôi thì không có. Sau trận mổ tay chân của tôi, vốn đã không còn khỏe như hai ba chục năm trước, lại càng yếu đi, vụng về hơn rất nhiều.

Stock photo : Tops Of Pill Bottles

Vậy mà những cái nắp ấy đòi hỏi tới ba cách mở khác nhau. Thứ nhất là vừa đè mạnh cái nắp xuống, vừa đè vừa xoay cái nắp ngược chiều kim đồng hồ để mở. Thứ hai là dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp mạnh vào thành nắp đậy rồi xoay cái nắp theo ngược chiều kim đồng hồ. Thứ ba là xoay cái nắp để góc nhọn của tam giác trên nắp chĩa đúng và góc nhọn của lọ thuốc rồi dùng ngón tay cái bẩy ngược lên.

Tôi loay hoay cả hơn nửa tiếng cũng chỉ mở được 5 lọ thuốc. Còn hơn 10 lọ kia thì thua. Bỗng có tiếng gõ cửa. Nghe tiếng gọi mới biết có ông hàng xóm qua thăm. Ông dẫn theo một đứa cháu nội tên là Eric. Tôi cũng quen Eric. Thỉnh thoảng nó quăng hộ tờ báo vào sân để "ong noi" khỏi phải ra đừơng từ sớm mới có báo đọc. Tôi xin phép ông của Eric để nhờ nó mở thử mấy hộp thuốc xem nó có làm được không. Chú bé con học lớp Hai xoay xoay mấy cái là tất cả hơn một chục lọ thuốc của tôi đã được mở xong, bầy ngay ngắn lên bàn.

Tôi cám ơn nó và cho nó 5 đồng. Nó không nhận, nói rằng "It was so easy ong noi!"

Tội nghiệp tôi biết là chừng nào. Những chai thuốc được vẽ kiểu để ngừa trường hợp mấy đứa con nít thì nay, chính"ong noi" của mấy đứa con nít mới không làm ăn gì được, khiến cho một đứa bé học lớp hai khinh bỉ không thèm lấy tiền thưởng vì việc mở mấy cái nắp ấy chúng coi là dễ … ẹc.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta

Ở Luân Đôn tuần qua, tại một tiệm cà phê, người ta đã có thể mua thử và thưởng thức một món mới. Đó là cà rem làm bằng sữa người.

breast-milk-ice-cream.jpg

The dessert, called Baby Gaga, is churned with donations from London mother Victoria Hiley, and served with a rusk and an optional shot of Calpol or Bonjela.

Việc uống sữa không phải là sữa của mẹ là chuyện không có gì lạ cả. Sữa …rừng (?) còn thay được sữa mẹ như một cuốn phim tình cảm ca vũ nhạc Ấn độ chiếu ở rạp Long Phụng vài chục năm trước mà.

Tôi còn được kể chuyện là hồi còn bé, có ba bà mẹ trẻ ở gần nhà nhau cùng sinh con trước sau vài ba ngày. Nên khi một bà bận chuyện gì, bà liền đem con gửi cho hai bà kia coi giùm vài ba tiếng. Trong vài ba tiếng ấy thì ba đứa bé được cho "bú rình" mẹ của nhau. Bây giờ, một trong ba đứa bé ấy đã chết cả gần hai chục năm trước. Còn ba bà mẹ thì chỉ còn có một cụ còn sống.

Cũng như chuyện nhà giầu hồi xưa thuê vú để nuôi con chủ nhà vậy. Trần Trung Phương có một bài thơ đọc rất cảm động kể chuyện chị vú em một bữa nghe được con bê nhỏ than thở không được bú bò mẹ, sữa của bò mẹ bị đem đi bán lấy tiền về cho chủ nhà. Chị vú nói với con bê rằng chị cũng có khá gì hơn đâu vì con của chị, chị phải để ở nhà cho chồng nuôi èo uột trong khi sữa của chị để nuôi cậu con chủ càng ngày càng xổ sữa.

Việc lấy sữa người làm ice cream cũng gần tương tự như những trò "bú rình" hay thuê vú về nuôi con của thời trước. Khác chăng là ở Luân Đôn, sữa được làm thành ice cream rồi bán ngoài tiệm.

Đọc bản tin tôi thấy thấy hơi ghê ghê. Chuyện ba đứa bé uống sữa từ mấy cái "bar" chung nghe thấy vui, mà không ghê ghê gì hết. Nhưng vào tiệm cà phê ở Luân Đôn, bỏ ra 22 đô la ăn cái ice cream thì hơi ghê thật.

Chẳng biết xuất xứ của nó ở đâu. Thủ đô Luân Đôn thì có biết bao nhiêu nguồn sữa. Sữa gốc Jamaica, Trinidad, Tobago… sữa gốc Nam Á, Pakistan, Bangladesh, Ấn độ… sữa gốc Trung Phi Sierra Leone, Uganda, Nam Phi … rồi sữa Anglo Saxon. Người tinh tường về vị giác chắc phải dễ dàng nhận ra có thứ sữa có mùi càri, có thứ phảng phất mùi thịt rừng, có thứ có mùi roast beef

Người dở về thính giác và vị giác thì chép miệng nhận xét rằng nó cũng có khác gì mùi … bò đâu. Nói như vậy là làm nản lòng chiến sĩ quá đáng. Một đằng cứ gắn cái máy vắt sữa vào là vài ba phút có một ga lông bỏ vào chai plastic bầy ở siêu thị. Nhưng đây là sữa người. Sao lại giống nhau được? Nhưng cính đó mới là chi tiết để thấy ghê ghê.

Thí dụ một người bỏ thuốc lá hơn 40 năm, nay lạng quạng bước vào tiệm ice cream gọi một ly kem ăn thử cho biết, nói rõ là không muốn mùi gì khác… Không vanilla, xúc cù là cũng không. Cứ ice cream là được rồi. Nhưng lúc tiệm mang ra, khách thử một chút đã phun phì phì ra, hai tay móc họng, khạc nhổ vang lừng nghe vọng tới tận điện Buckingham rằng sao ice cream sữa người mà lại có mùi thuốc lá Salem thế này hở Trời.

Thì đã bảo mà! Bò không hút thuốc lá Salem bao giờ hết.