Ngày 10 tháng 1 năm 2011
Bạn ta,
Người đàn bà họ Hoạn trong Kiều là một người độc ác, mưu mô và nham hiểm. Nhưng nghĩ cho cùng, nàng cũng chỉ " … chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình" như khi nàng xuống giọng năn nỉ Kiều xin tha tội.
Ít người yêu nổi nhân vật này.
Nhưng tôi nghĩ dẫu sao, cũng có một việc Hoạn Thư làm được. Đó là ở đoạn Thúc Sinh trở về nhà, được Hoạn Thư bầy tiệc để mừng đoàn viên.
Chính trong bữa tiệc rượu đó, Hoạn Thư mới ra tay cho Kiều một trận. Kiều được gọi đến hầu rượu cho Thúc Sinh. Thỉnh thoảng Hoạn Thư lại bắt khoan bắt nhặt, nhiếc móc Kiều đủ điều. Thúc Sinh ngồi đó "như dại, như ngây, giọt dài, giọt vắn, chén đầy, chén vơi".
Cục cưng của Thúc Sinh bị vợ hành cho đến nơi đến chốn. Tàn tiệc rượu, Hoạn Thư bảo Kiều gẩy đàn cho chồng nghe. Kiều lên dây đàn rồi " bốn dây như khóc như than, khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng". Thúc Sinh ngồi nghe Kiều đàn, bản nhạc buồn đứt ruột. Nhưng Thúc Sinh đau hơn nữa là ngồi đó, thấy cục cưng bị Hoạn Thư đầy đọa mà không dám hó hé một câu. Thúc Kỳ Tâm chỉ biết "cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương". Thấy chồng nước mắt lã chã, Hoạn Thư bèn gầm lên: "Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi, sao chẳng biết ý tứ gì, cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi".
Thúc Sinh đau khổ, ngồi chết trân nghe cục cưng bị mắng như tát nước vào mặt. Hoạn Thư thực ra, dùng bản nhạc buồn cũng chỉ là một cái cớ để cho Kiều một trận, cho Thúc Sinh biết tay . Bởi lẽ làm cho Thúc Sinh đau khổ thì càng đúng ý Hoạn Thư chứ có đi ra ngoài chiến thuật của nàng đâu.
Nhưng Kiều cũng bố lếu bố láo thật. Tại tiệc mừng người về, sao không chọn những bản nhạc vui một chút cho Thúc Sinh vui. Cắc cớ chi lôi mấy bản nhạc buồn ra mà gẩy, những bản nhạc buồn mà chính Kim Trọng khi nghe Kiều đàn lần đầu tiên, cũng phải "ngơ ngẩn sầu, khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc , khi trau đổi mày". Kim Trọng trong lần nghe nhạc ấy đã phát chán đến nỗi phải hỏi Kiều "so chi những bậc tiêu tao, thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người". Kiều đáp bằng một câu vô duyên tận mạng: "Quen mất nết đi rồi, tẻ vui thời cũng tính trời biết sao". Kiều hứa là "Lời vàng vâng lĩnh ý cao, họa dần dần bớt chút nào được không".
Nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy. Luân lạc bao phen, đến lúc đem đàn gẩy cho Thúc Sinh, Kiều vẫn lại đem nhạc buồn cho công-tử-bốc-rời nghe để bị Hoạn Thư mắng cho một trận nát mặt.
Tôi bỗng nhớ người họ-Hoạn-danh-gia trong buổi tối thứ Sáu tuần trước. Tối hôm ấy, mấy người bạn rủ tôi đi nghe nhạc ở một quán hát-cho-nhau-nghe. Thực ra, mục đích của chúng tôi là đi ăn. Nghe nhạc chỉ là phụ. Nhưng ở đó, những giọng hát làm những cái buồng tắm đau khổ được đem ra tra tấn người nghe bằng đủ các thứ nhạc không hề ăn nhậu gì tới chuyện ngồi nghe nhạc của chúng tôi. Có những giọng hát mà nghe xong, tôi càng thấm thía câu mà người Mỹ thường nói: "It takes all kinds of people to make up our society." Thôi thì phải đủ mọi loại người mới làm thành cái xã hội này. Nên chuyện hát cũng thế, có phải lúc nào cũng là Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Khánh Ly … đâu. Cũng phải có những giọng khác nữa chứ. Nhưng tối hôm đó, tôi quả tình ước gì có Hoạn Thư ngồi cạnh thì đỡ cho cái thân già này biết là bao nhiêu. Ai lại đầu năm, đầu tháng, chúng tôi, không phải chỉ mình tôi, mà luôn cả bàn của chúng tôi, mấy người bạn cũng đều bị cho nghe một bản nhạc hệt như bài Thúc Sinh bị Kiều tra tấn. Đó là một bản nhạc thê thiết, chết chóc, đau đớn không để đâu cho hết. Một giọng hát không hay ho gì quăng cho chúng tôi một ca khúc không có lý gì để được hát lên trong một buổi tối đầu năm, đầu tháng như thế.
Vừa mới đầu năm được vài ba bữa, nàng ấn vào tai chúng tôi một ca khúc đầy những thê thiết nỉ non. Nào là "không chết người trai chiến sĩ, mà chết người gái nhỏ hậu phương…" Rồi lại " chiếc bình hoa ngày cưới thành chiếc bình hương… áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm …"
Bài thơ của Hữu Loan là một bài thơ hay trong bối cảnh của cuộc chiến tranh bi thảm mà dân tộc chúng ta phải gánh. Bài hát có thể hay trong một lúc khác. Một buổi nói chuyện về cuộc chiến Pháp Việt chẳng hạn. Hay về những khổ đau của dân tộc trong chiến tranh. Nhưng trong một buổi tối cuối tuần, sau một tuần vất vả đuổi theo đời sống, công việc, chúng tôi chắc chắn không cần những điều chết chóc bi thảm đó. Người phụ nữ lên hát biết thừa rằng đó là bài hát buồn. Nhưng vẫn hát. Như thế có tử tế với chúng tôi không? Như buổi sáng ra, nghe đài phát thanh xin thính giả "chia sẻ" một cái cáo phó. Thưa chúng tôi muốn nghe tin vui để bắt đầu một ngày mới. Tại sao ấn cho chúng tôi cái tin buồn và bắt chúng tôi "chia sẻ" cái tin buồn ấy? Có gì vui thì chia cho chúng tôi chứ tại sao đem chuyện buồn chia cho chúng tôi? Nỗi buồn là của gia đình người quá cố. Chúng tôi nghe, thì thông cảm với nỗi đau mất mát đó. Nhưng tại sao chia cho chúng tôi một phần, bắt chúng tôi đau buồn cho gia đình có tang, có mất mát đó. Nếu đó là một gia đình gần gũi, thân thiết với chúng tôi thì không cần phải nhắc chúng tôi cũng đến để chia nỗi buồn đó. Nhưng tại sao những chuyện không dính dáng gì tới chúng tôi lại đẩy sang cho chúng tôi, bắt chúng tôi "chia sẻ"?. Buổi tối chúng tôi đi nghe nhạc, đang vui, tại sao lại ấn vào tai chúng tôi một bài hát bi thảm như thế làm gì? Cứ tập và hát bài hát ấy để thỏa mãn cơn thèm hát của mình trong buồng tắm, nhưng đem cho chúng tôi nghe thì không được.
Hoạn Thư ở đâu, lúc cần thì kiếm không ra mới là tức cái … mình chứ !
Ngày 11 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Tôi không thích những quảng cáo của các sòng bài mà thỉnh thoảng tôi xem thấy trên các đài truyền hình ở đây. Lý do là vì những quảng cáo đó không có được bao nhiêu sự thật.
Thí dụ những hình ảnh của những người đàn ông trẻ tuổi, đẹp trai, quần áo đắt tiền, tươi cười bên bàn blackjack, những người phụ nữ đứng cạnh đó, cũng tươi cười, tay cầm ly rượu. Ở những đoạn khác thì những người đàn ông và những người phụ nữ đẹp khiêu vũ với nhau, hay ngồi cạnh bể bơi, trong căn phòng đẹp và lịch sự, làm những gì (?) với nhau thì chỉ có trời biết.
Xem những quảng cáo đó, tôi cứ thắc mắc tại sao các sòng bài lại tử tế với họ như thế? Quảng cáo nào cũng nói đến những số tiền trúng hết sức lớn. Những người đàn ông đàn bà lúc nào cũng đại thắng tại các bàn roulette, lúc nào cũng thấy giang rộng hai tay vơ về cả đống chips.
Không bao giờ thấy những khuôn mặt đờ đẫn, thẫn thờ trên đường về, đầu óc đang tính toán những câu nói để trả lời khi về nhà, mang cái mặt thua bạc vào đối diện với thực tế. Khác hẳn cảnh "nghe vẻ nghè ve, nghe vè cờ bạc, đầu hôm xao xác, bác hốt như tiên, đêm khuya hết tiền, bạc như chim cú, cái đầu sù sụ, con mắt trỏm lơ, hình đi phất phơ, như con chó đói, dạo xóm dạo làng, quần rách lang thang, lấy tay mà túm…"
Câu hỏi, điều thắc mắc của tôi là tại sao cả hai bên đều thắng lớn cả. Người đánh bạc thì thắng to. Chủ sòng bài thì thừa tiền để trả tiền điện, để xây cất những cao ốc lớn lấy chỗ cho người đánh bạc. Thế thì ai thua cho sòng bài để sòng bài có tiền như thế? Và sòng bài nào cứ thua lia lịa để cho những con bạc thắng lớn như vậy?
Nhất định phải có một bên thua. Không thể cả hai bên đều thắng, đều vui vẻ như vậy.
Một quảng cáo khác thì cho thấy cảnh một người lái chiếc SUV chở theo mấy người khác, vừa ra khỏi sòng bài, đang trên đường về nhà, ngó lại kính sau, nhìn thấy sòng bài, liền vòng chữ U quay lại để … đánh tiếp. Tất cả những người ngồi trong xe đều mừng rỡ, tươi cười. Cảnh đó , tôi cũng không thấy ở ngoài đời lần nào.
Trong một quảng cáo khác nữa, có tiếng người đàn ông nói rằng tan sở là ông đến ngay sòng bài. Bạn gái của ông cũng thế. Ông còn cho biết các bạn khác của ông không bao giờ trở về nhà cả.
Đó cũng là cảnh tôi chưa thấy ngoài đời bao giờ. Họ làm gì mà sung sướng và hạnh phúc như thế? Cứ tan sở không về nhà là khốn nạn thân đời ngay. Ở đó mà kéo nhau tối ngày ở sòng bài.
Trong khi tôi, ở nước Mỹ quá nửa đời vẫn hì hục đi làm, chẳng bao giờ có thể vác xác đi tới những sòng bài giải trí vui như vậy. Mà lại còn thắng lớn nữa!
Cách đây mấy năm, tờ Orange County Register có đăng tin về một vụ nổ súng. Bốn thanh niên trên một chiếc Mercedes đang chạy trên xa lộ thì bị bắn. Họ phải tấp xe vào lề đường. Chuyện xẩy ra vào lúc 2 giờ sáng. Tất cả những người ngồi rong xe đều trên dưới hai mươi. Bản tin cho biết họ vừa trên đường trở về từ sòng bài Pala thì bị bắn.
Trời đất, sao mà họ sướng như thế? Ở tuổi đó, con trai tôi đang học mờ mắt ở trường. Xe thì đi cái Corolla cũ rích chứ đâu mà Mercedes . Lúc hai giờ sáng, chắc nó đang vùi đầu vào đống sách ở trường Claremont McKenna chứ đâu có từ Pala về.
Tội cho bố con tôi biết là chừng nào!
Cứ nghĩ đến những điều đó là tôi lại ghét cay ghét đắng những cái quảng cáo sòng bài là như vậy.
Hay đúng như lời người bạn của tôi vẫn nói: Hạnh phúc toàn xẩy ra cho những người khác không à…
Ngày 12 tháng 1 năm 2011
Bạn ta,
Mấy tuần trước trong internet, một người bạn gửi cho tôi xem một đoạn video thu bằng máy điện thoại cầm tay ở Việt Nam.
Đoạn video thu lén nên không rõ lắm. Hình ảnh không đẹp, có những lúc hình ảnh bị biến dạng, những người trong video không đứng thẳng mà có những lúc nghiêng ngả vì người cầm máy phải kín đáo trong khi thu lén những hình ảnh ấy.
Đó là đoạn video thu được trong một căn phòng khách sạn. Một người đàn ông mua dâm và hai phụ nữ bán dâm bị công an ập vào bắt giữ và làm biên bản.
Hai người phụ nữ còn trẻ. Người đàn ông cũng còn trẻ, tay chân có xâm hình. Nơi diễn ra cảnh bố ráp là một khách sạn ở Cẩm Phả, thành phố tôi nghĩ lúc nào cũng đen khói từ các mỏ than bay ra. Nhưng đất nước đã phát triển, giầu mạnh nên không thấy bụi bậm, khói đen nữa. Toán công an đi bắt người phải có khoảng ba hay bốn người. Một trong những người đó, bằng giọng nói rất hách dịch, "mày tao" với hai phụ nữ , hăm dọa, thóa mạ nặng lời, ra lệnh cho hai cô phải đứng thẳng, giang tay ra không được che lại phần hạ thể lõa lồ để cho người công an này chụp hình. Rõ ràng đó không phải là những bức hình cần thiết để bỏ vào hồ sơ truy tố hay phạt vạ hai phụ nữ này. Hai cô sau khi bị chụp ảnh, đã cúi xuống, oà khóc vì xấu hổ.
Cái lối ăn nói mất dậy, vô giáo dục và hoàn toàn không đúng như ngôn ngữ làm việc của người công an ấy bỗng làm tôi nhớ đến một vụ khác xẩy ra ở ngay thành phố Westminster thuộc nam California.
Nội vụ bắt đầu với một người đàn ông dùng một vật nhọn cà vào một chiếc Mercedes mới. Chuyện này thì cũng không phải là chuyện ít thấy. Bạn tôi thường nói nếu mua cái xe mới thì nhớ đừng có đậu gần xe của các đồng hương. Lạng quạng thế nào cũng bị đồng hương, đồng bào dùng cái đinh, cái tua vít, cái chìa khóa vạch cho một đường làm kỷ niệm.
Không hề có chuyện " … người mình … có tình đồng hương" như câu quảng cáo của ông lang Bướm Vàng.
Việc người đàn ông làm này là một việc hoàn toàn sai quấy. Không ai có thể bênh được ông ta. Chủ xe trông thấy, gọi an ninh. Người đàn ông bị bắt. Cảnh sát được gọi đến để giải quyết.
Cảnh sát viên là một người Mỹ gốc Việt. Ông ta có tên Việt Nam đeo trên ngực. Một người Việt có camera có mặt tại chỗ đã thu được tất cả những gì xẩy ra sau đó.
Người đàn ông cào xe được yêu cầu đưa chùm chìa khóa cho cảnh sát. Ông có vẻ không muốn đưa theo lệnh của cảnh sát. Ông được yêu cầu quay lưng lại, vòng tay ra đằng sau để cảnh sát còng tay. Có thể ông không thích làm như thế. Không ai thích bị còng tay cả. Nhưng cuối cùng thì cảnh sát viên người Việt kia cũng còng được tay của người đàn ông kia.
Thái độ của người đàn ông chắc đã làm cho cảnh sát viên P.H. không vui lắm. Ông cảnh sát chỉ tay vào mặt người đàn ông trước khi còng tay ông ta và nói, nguyên văn được video thu lại, rằng :"Don’t make me mad. I get mad. I’ll shoot you."
Ôi chao! Ở giữa Westminster đông đảo người đứng xem mà ông cảnh sát còn nói như thế. Tưởng tượng ở chỗ vắng người thì ông ta còn làm gì nữa. Ông cảnh sát này chắc chắn phải trông thấy người cầm máy video đang thu hình. Ông vẫn đưa ra lời hăm dọa bắn người như vậy. Không có đông đảo người đứng chung quanh thì biết đâu khẩu súng của ông lại chẳng có vài ba viên rời nòng súng. Rồi ông sẽ báo cáo rằng người đàn ông này hăm dọa ông, bỏ chạy, bất tuân lệnh cảnh sát.
Và một người Việt Nam có thể chết một cách lảng xẹt.
Cảnh sát không thể bắn người chỉ vì tức giận. Cảnh sát không thể hăm dọa bắn bỏ người chỉ vì nổi điên. Ông cảnh sát phải hiểu ông đang ở Mỹ. Ông không ở cái quốc gia luật rừng với đám công an khốn nạn, vô giáo dục chỉ biết đàn áp, khống chế, ngược đãi, tống tiền người dân.
Ông nên chọn một công việc khác. Ông không "serve" và cũng không "protect" bằng cách hành xử như vậy. Ông nên về nước làm công an ở Cẩm Phả. Ông có thể trở thành phụ tá đắc lực cho bọn công an chó má ở đó. Ông không nên tiếp tục làm cảnh sát ở Westminster nữa.
Nếu tiếp tục ở trong ngành cảnh sát, ông chỉ nên được cho ngồi ở ghế sau của những chiếc xe có chữ K-9 mà thôi.
Không biết trong trường hợp người đàn ông ấy là một người Mỹ mắt xanh tóc vàng, ông có dám ăn nói ngu xuẩn như vậy hay không.
Bố bảo ông cũng không dám làm như thế.
Nếu ông đọc bài này, chắc ông sẽ "get mad". Không biết ông có … bắn ai không? Đố đấy!
Mẹ kiếp tục ngữ Việt Nam có câu "chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ" là thế.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
ARTICLES
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 97 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2011.
QUỲNH ANH
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần sẽ ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày. Lần này, Quỳnh Anh có một câu hỏi với thầy Trúc.
BBT
Mời cô QA
QA
QA muốn hỏi anh cách dùng mạo từ THE và A hay AN. QA thấy rắc rối quá. Xác định với bất định là thế nào?
BBT
Xác định là DEFINITE. Bất định là INDEFINITE.
Mạo từ, ARTICLE, là tiếng đi trước một danh từ.
LÃM THÚY
Thế tiếng Việt có mạo từ không?
BBT
Có. Tiếng Việt có những chữ này là mạo từ: CÁI, NHỮNG, CÁC.
CÁI dùng cho danh từ số ít. Thí dụ CÁI nhà ông ấy mua ở rất gần đường Bolsa.
NHỮNG dùng cho danh từ số nhiều. NHỮNG người ở chung quanh khu nhà tôi phần lớn là người Việt.
CÁC cũng dùng cho số nhiều, nhưng thường là với những vật hay những người mà chúng ta đã biết rồi. CÁC tù nhân chính trị đều không học được gì trong những trại gọi là cải tạo cả.
QA
Nhưng QA thấy mạo từ trong tiếng Việt không rắc rối bằng ARTICLES trong tiếng Anh. Đến nay, QA sống ở Mỹ đã nhiều năm mà nhiều khi vẫn thấy phân vân không biết dùng A, AN hay THE.
LÃM THÚY
Chắc vì chúng ta nói tiếng Việt một cách máy móc, tự nhiên, cũng như người Mỹ học nói tiếng Việt thì kêu là khó quá. Khó nhất thế giới như mấy đứa con của Thúy cũng nói thế khi Thúy dậy chúng nói tiếng Việt. Xin nhờ thầy giải thích bất định và xác định đã.
BBT
Bất định INDEFINITE là không định rõ, không nói về một vật hay một người nào đó. Xác định DEFINITE là khi chúng ta đã biết về danh từ ấy rồi, không thể lầm với một danh từ khác.
Chúng ta dùng mạo từ bất định là A hay AN cho các danh từ bất định.
Và dùng THE cho danh từ xác định, cho người hay vật mà chúng ta đã biết, đã có trong đầu, đặc biệt, không phải là bất cứ người hay vật nào.
Cô QA, khi tôi nói là tôi muốn đi mua một cái xe thì như thế , cái xe là một vật bất định hay xác định?
QA
QA nghĩ khi đi kiếm mua cái xe, chúng ta cứ kiếm cái xe nào rẻ, chạy ít tốn xăng, cái mầu mình thích là được. Như vậy, trong bãi đậu xe, bất cứ cái xe nào có ba điều kiện trên đều được phải không Thúy? Vậy thì cái đậu ở trước cửa cũng được, cái đậu ở sân sau, cái ở trong phòng trưng bầy xe đều được cả. Đó là những chiếc xe còn bất định.
LÃM THÚY
Vậy thì chắc Thúy phải nói thế này: I WANT TO BUY A CAR. A CAR vì chưa xác định là cái xe nào. Bất cứ cái nào cũng được.
BBT
Nhưng nếu cô đã đi một vòng rồi, xem bốn cái xe đậu trong bãi, nhưng cô đặc biệt thích một cái có ghế bằng da. Như vậy, cô đã chọn được 1 chiếc. Cô muốn mua nó chứ không phải là bất cứ cái xe nào cũng được. Vậy thì chúng ta dùng mạo từ bất định hay xác định?
QA
Như vậy là xác định . QA nghĩ đó là THE CAR chứ không phải là A CAR nữa.
A CAR là chưa xác định, là bất định. THE CAR là đã xác định, nó là cái xe có ghế da chứ không phải là những cái xe có ghế vải kia.
Nếu nói đi kiếm mua cái xe, thì QA sẽ phải nói là I AM SHOPPING FOR A CAR. Nhưng sau khi đi xem các xe đậu trong bãi, QA lựa được một chiếc, QA sẽ phải nói với người bán xe như thế này thì ông ta mới biết QA muốn mua chiếc nào: I WANT THE CAR WITH LEATHER SEATS.
BBT
Đúng rồi. Thế thì có gì khó đâu? Hai cô nhớ là khi danh từ đó, người đó hay vật đó là người hay vật duy nhất, không còn cái hay người thứ HAI nữa thì chúng ta coi đó là danh từ đã xác định, đã rõ rồi. Cứ dùng THE, mạo từ xác định là đúng. Cô Thúy muốn nói gì đây?
LÃM THÚY
Thí dụ nói thế này có đúng không? MISTER OBAMA IS THE FORTY FOURTH PRESIDENT OF AMERICA.
BBT
Thì đúng chứ sai ở đâu. Nước Mỹ có nhiều tổng thống, nhưng tổng thống Obama là tổng thống thứ 44. Không có ai khác là tổng thống thứ 44. Như vậy, ông là người duy nhất. Dùng THE là đúng. MISTER OBAMA IS THE FORTY FOURTH PRESIDENT OF THE UNITED STATES.
QA
Cũng như khi QA nói THE SUN, THE MOON phải không thưa anh? Chỉ có một mặt trời, một mặt trăng thì nói ra là biết nói cái gì, nói ai rồi phải không anh?
BBT
Đúng. Nhưng tôi hỏi hai cô câu này : MISTER CLINTON IS THE PRESIDENT BORN AFTER THE SECOND WORLD WAR.
Và MISTER CLINTON IS A PRESIDENT BORN AFTER THE SECOND WORLD WAR.
Câu nào đúng?
QA
QA chịu thua.
LÃM THÚY
Thúy cũng đầu hàng. Thế câu nào đúng thưa anh.
BBT
Cả hai câu đều đúng.
MISTER CLINTON IS THE PRESIDENT BORN AFTER THE SECOND WORLD WAR. Câu này đúng khi nói vào năm 1998, lúc ông Clinton còn là tổng thống. Lúc ấy ông Clinton là tổng thống duy nhất ra đời sau đệ nhị thế chiến, vì các ông tổng thống khác như Carter, Reagan, Bush cha đều ra đời trước đệ nhị thế chiến. Do đó, THE là đúng.
Nhưng ngày hôm nay, câu đó sai, phải nói là MISTER CLINTON IS A PRESIDENT BORN AFTER THE SECOND WORLD WAR vì nay, ngoài ông Clinton, còn ông Bush con, ông Obama cũng ra đời sau đệ nhị thế chiến.
LÃM THÚY
Thúy muốn hỏi anh là có khi nào không dùng mạo từ không?
BBT
Có. Nhiều trường hợp không dùng mạo từ. Đó là những danh từ không đếm được. HE HAS MONEY, LOTS OF MONEY. I DRINK BEER, NOT WINE. SHE OPENS THE WINDOW FOR AIR.
Chúng ta không dùng mạo từ THE trước tên của các quốc gia. Thí dụ nói ITALY IS IN EUROPE. MEXICO IS SOUTH OF THE BORDER. LAOS IS IN ASIA.
LÃM THÚY
Nhưng có trường hợp ngoại lệ không nhỉ QA?
QA
QA nghĩ là có. Thí dụ THE UNITED STATES OF AMERICA, THE NETHERLANDS phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Suýt tôi quên. Nhưng khi nói THE REPUBLIC OF VIETNAM thì khác. Chữ THE đó đi cùng với danh từ REPUBLIC. Không có REPUBLIC thì chỉ dùng Vietnam thôi như VIETNAM IS INHABITED MOSTLY BY THE VIETNAMESE.
Chúng ta không dùng THE với thành phố hay tiểu bang.Thí dụ PARIS IS THE CAPITAL CITY OF FRANCE.
CALIFORNIA IS THE RICHEST STATE OF THE USA.
QA
Thế còn đường phố thì sao anh? QA có người em ở Main Street thì cũng không thấy cậu ấy nói với con QA là THE MAIN STREET OF SANTA ANA bao giờ.
BBT
Trước tên đường chúng ta cũng không dùng THE. Thí dụ Washington Boulevard , Sixth Avenue, Bolsa Street...
LÃM THÚY
Tháng trước, Thúy đi LAKE TAHOE cũng không thấy dùng THE LAKE TAHOE, như vậy tên của các hồ như ngũ đại hồ giữa Canada và Hoa kỳ cũng không có THE mà chỉ là LAKE ONTARIO, LAKE ERIE, LAKE HURON, LAKE MICHIGAN , LAKE SUPERIOR đúng không anh?
BBT
Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Đúng rồi Thúy. Tên hồ không có mạo từ THE. Tên núi cũng thế. Không nói THE MOUNT FUJI mà bao giờ cũng nói MOUNT FUJI, MOUNT EVEREST, MOUNT BÀ ĐEN… Nhưng tên một RẶNG núi thì có mạo từ THE. Thí dụ THE ANDES , THE ROCKIES, THE ALPS, THE URALS, THE HOÀNG LIÊN SƠN...
QA
QA nhớ là tên của các châu lục cũng không có THE phải không anh? Không nói THE ASIA, THE AFRICA mà bao giờ cũng ASIA IS THE LARGEST CONTINENT WHILE AFRICA IS THE POOREST CONTINENT. Thế còn tên các đảo thì sao thưa anh?
BBT
Tên các đảo cũng không cho THE, ngoại trừ những chuỗi đảo. Chúng ta nói PHÚ QUỐC IS NEAR CAMBODIA. THE HOÀNG SA AND TRƯỜNG SA ARE TERRITORIES OF VIETNAM SINCE MANY CENTURIES.
LÃM THÚY
Thế còn tên của biển, đại dương, sông thì sao?
BBT
À đó cũng là những trường hợp đặc biệt. Chúng ta phải dùng THE với sông, biển, đại dương. Cô QA nói bằng tiếng Anh câu này coi: SÔNG HỒNG CHẨY RA BIỂN THÁI BÌNH DƯƠNG.
QA
THE RED RIVER FLOWS INTO THE PACIFIC OCEAN. QA đọc trong tờ báo địa lý thấy viết THE NORTH POLE như vậy địa cực phải có THE đúng không thầy?
BBT
Thưa đúng. Phải có THE trước tên những vùng đặc biệt của trái đất. Thí dụ THE NORTH POLE, THE SOUTH POLE, THE EQUATOR (xích đạo). Các vùng địa lý như Trung Đông cũng phải có THE đi trước . THE MIDDLE EAST là Trung Đông. THE MID WEST là vùng trung tây của Hoa kỳ. THE FAR EAST là viễn đông. THE NEAR EAST là cận đông.
LÃM THÚY
Con của Thúy hôm nọ phải viết một bài về vịnh Ba Tư. Thúy đọc lén thấy tựa của tiểu luận cháu viết là THE PERSIAN GULF. Vậy thì vịnh biển phải có THE đúng không anh?
BBT
Đúng. Tên của sa mạc, rừng, bán đảo đều có THE ở trước. THE SAHARA, THE GOBI, THE NEGEV, THE AMAZON TROPICAL FOREST, THE KOREAN PENINSULA...
Còn một chi tiết này nữa mà tôi phải nhắc hai cô ở đây. SAU mạo từ xác định THE, nếu danh từ bắt đầu bằng một nguyên âm thì chúng ta phải đọc là THE (zi) như THE UMBRELLA, THE ATLANTIC, THE ADMINISTRATION ...
Trước những danh từ bắt đầu bằng phụ âm, chúng ta đọc là THE (zơ).
LÃM THÚY
Bây giờ Thúy xin hỏi qua một chuyện khác.
WHEN và WHENEVER có khác nhau không?
BBT
Có khác. WHEN là khi nào. WHENEVER là bất cứ khi nào. WHEN thường dùng để chỉ THỜI GIAN một việc nào đó xẩy ra. Thí dụ WHEN YOU GET HOME, PLEASE CALL ME. Khi nào anh về đến nhà thì gọi tôi.
WHENEVER YOU GET HOME là bất cứ khi nào anh về nhà thì gọi tôi, dẫu cho có khuya cách mấy đi chăng nữa.
WHENEVER có hàm ý một chuyện gì đó xẩy ra nhiều lần.
Thí dụ WHEN YOU GO TO WASHINGTON. Câu này có thể hiểu là anh chưa đi Washington nhung trong tương lai anh sẽ đi. Cũng có thể anh đã đi Washington nhiều lần rồi.
Nhưng WHENEVER YOU GO TO WASHINGTON là bất cứ khi nào anh đi Washington, mà tôi biết là anh đi nhiều lần rồi, và sẽ còn đi nhiều lần nữa.
QA
QA hỏi anh tại sao chuyện đi Washington là chuyện chưa xẩy ra vào lúc này, SẼ xẩy ra trong tương lai nhưng sao anh lại dùng PRESENT TENSE: WHEN YOU GO TO WASHINGTON mà KHÔNG nói là WHEN YOU WILL GO TO WASHINGTON?
BBT
Luật của văn phạm là thế. Không nói WHEN YOU WILL GROW UP, mà bao giờ cũng nói WHEN YOU GROW UP.
WHEN MISTER OBAMA COMES BACK NEXT WEEK, không bao giờ dùng FUTURE TENSE sau WHEN.
Nhưng hai cô để ý câu này:
WHEN SHE COMES, WE WILL SERVE DINNER.
WHEN WE GET UP TOMORROW MORNING, WE WILL START THE CAR.
Nhớ là KHÔNG bao giờ dùng FUTURE TENSE sau WHEN, AS SOON AS và AFTER. Thúy cho nghe thử một thí dụ coi.
LÃM THÚY
ON NEW YEAR’S EVE, AS SOON AS THE CLOCK STRIKES MIDNIGHT, WE WILL HOLD HANDS AND SING AULD LANG SYNE.
BBT
Còn cô QA?
QA
THE KIDS WILL OPEN THEIR PRESENTS AFTER THEY WISH THE GRAND PARENTS HAPPY NEW YEAR.
BBT
Nhân cô Thúy hỏi chữ WHENEVER, tôi cũng muốn nói thêm về những chữ có cái đuôi EVER khác. EVER là tiếp vĩ ngữ, SUFFIX, chữ gắn ở cuối danh từ hay tĩnh từ . Vĩ là cái đuôi.
Chúng ta có WHEN rồi gắn cho cái đuôi EVER để thành WHENEVER là bất cứ khi nào.
Thế thì tại sao lại không gắn thêm vào đuôi của những chữ WHAT để thành WHATEVER là bất cứ cái gì. QA cho nghe một thí dụ với WHATEVER đi.
QA
QA thấy mấy đứa con, dẫn chúng đi ăn tiệm, hỏi ăn gì là chúng lười đi chợ nên nói với QA là WHATEVER, MOMMY!
Để QA nói coi đúng không: MY KIDS ARE SO EASY, THEY WEAR WHATEVER I BUY FOR THEM.
BBT
Thúy cho một thí dụ với WHOEVER coi.
LÃM THÚY
WHOEVER COMES FIRST WILL BE ALLOWED TO MARRY PRINCESS MỊ NƯƠNG.
BBT
Nhưng để ý, câu của Thúy dùng WHOEVER vì đó là CHỦ TỪ. Khi nó đóng vai TÚC TỪ đi sau động từ, không là người làm công việc đó, thì phải dùng WHOMEVER
Thí dụ: YOU CAN ASK WHOMEVER YOU MEET TO SHOW YOU THE WAY TO THE WHITE HOUSE.
QA
Nhưng khi đó KHÔNG phải là người, mà là một con vật, một đồ vật thì có dùng WHOEVER và WHOMEVER không?
BBT
QA hỏi câu rất hay. Nếu là người thì chúng ta dùng WHOEVER và WHOMEVER . Nhưng nếu là vật thì chúng ta dùng WHICHEVER. Thí dụ CHANGE YOUR OIL AFTER 3000 MILES OR 3 MONTHS WHICHEVER COMES FIRST.
QA
Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.