May 17, 2012

May 18, 2012


Ngày 14 tháng 5 năm 2012

Bạn ta,

Trong suốt nhiều năm, tôi cứ nghĩ Gloria Steinem là tác giả của câu nói nổi tiếng "A woman needs a man like a fish needs a bicycle" hay: "A woman without a man is like a fish without a bicycle".

Cả hai câu có một chút khác nhau về cách sắp xếp chữ dùng, nhưng ý nghĩa thì giống nhau như hệt: đàn bà cần đàn ông cũng như con cá cần chiếc xe đạp. Con cá không cần chiếc xe đạp, nên đàn bà cũng không cần đàn ông.

Lập luận như thế thì ngay các sư tổ của luận lý học cũng không cách nào cãi được. Đó là một câu hay tuyệt, một câu khẩu khí, một câu không thể của ai khác hơn ngoài người phụ nữ đi hàng đầu của phong trào phụ nữ giải phóng, Gloria Steinem. Không những câu nói mang đầy nét khẩu khí, mà nó còn tóm lược đầy đủ cái nhìn của Gloria Steinem và của phe phụ nữ giải phóng về những liên lạc giữa đàn ông và đàn bà của họ. Nó cũng giải thích tại sao Gloria trong suốt nhiều năm cứ ở một mình. Và vì Gloria là một phụ nữ có sắc đẹp, nên sự khẳng định của câu nói đó lại càng mạnh hơn một cách đáng kể.

Người ta tin tác giả câu ví von đó là Gloria Steinem là điều dễ hiểu.

Và luôn cả những cuốn sách tham khảo, những cuốn sưu tập các danh ngôn rất đứng đắn, soạn thảo công phu mà tôi đọc trong thư viện cũng ghi tác giả câu nói đó là Gloria.

Nhưng tờ tuần san Time trong một số xuất bản đã lâu thì lại cho biết câu ấy không phải là Gloria Steinem. Thực ra thì chính Gloria viết một bức thư ngắn gửi cho tờ Time, nói rằng cô không phải là tác giả của câu nói đó.

Trong thư, Gloria Steinem cho biết người lần đầu tiên nói câu đó lên không phải là cô, mà là Irena Dunn, một nhà giáo dục, một nhà báo và cũng là một chính trị gia người Úc. Nhưng sự thật thì chính Irena Dunn cũng không phải là tác giả, mà chỉ là người sửa lại một chút câu nói của một triết gia "Man needs God like a fish needs a bicycle," khi cô còn đang đi học đại học ở Sydney.

Gloria Steinem viết lá thư cho tờ Time, không nhận chủ quyền câu nói rất hay đó.

Có điều tờ Time cũng không phải là tờ báo duy nhất nói Gloria Steinem là tác giả, mà nhiều tờ báo, nhiều cuốn sách khác cũng đã viết như thế trong suốt hơn ba mươi năm qua.

Gloria Steinem không phải là người không đọc sách và đọc báo nên chắc chắn cô phải được đọc những bài báo, những cuốn sách nói cô là tác giả. Tại sao trong suốt bao nhiêu năm đó, Gloria không một lần nói cô không là tác giả câu nói đó, mà phải chờ mãi đến mười mấy năm trước mới gửi bức thư cho tờ Time? Không phải tự nhiên mà Gloria quyết định tôn trọng tài sản trí thức của người khác.

Chúng ta biết là trước đó, trước khi viết lá thư đó, Gloria đã làm một việc không ai có thể tưởng tượng ra được. Không ai có thể nghĩ rằng một lãnh tụ phụ nữ giải phóng, suốt bao nhiêu năm nay chỉ toàn nói những câu rất độc ác về đàn ông, lại làm đám cưới với một người đàn ông.

Như vậy, trái với những điều nàng nghĩ trước đây, hay nhận là đã nghĩ ra trước đây (câu về con cá cần chiếc xe đạp), Gloria Steinem cần một người đàn ông thật. Đưa người đàn ông về nhà rồi, Gloria Steinem sợ con cá nhẩy ra khỏi bồn, lấy chiếc xe đạp chạy ra đường đi rêu rao tầm bậy tầm bạ, nên nàng phải cải chính, phải nói lại cho đúng chăng?

Nếu không thì tại sao lại phải viết thư cải chính một điều không ai đặt thành vấn đề (chủ quyền, tác quyền) từ năm 1970 đến nay?

Hay người đàn ông sau khi trở thành chồng của Gloria đã lấy lại được danh dự cho những người đàn ông bị khinh bỉ, rẻ rúng từ bao nhiêu năm nay bởi cái câu ví von dùng đàn ông, đàn bà, con cá, chiếc xe đạp? Có phải người đàn ông ấy đã tìm ra được một cách để Gloria phải vùng dậy, nhẩy ra khỏi giường, viết vội cái thư gửi cho tờ Time, đọc cho chàng nghe, thò tay vào bồn cá, bắt con cá vàng bỏ lên yên chiếc xe đạp, rồi vội vã, cười ngỏn ngoẻn chui vào chăn trở lại (với chàng) và năn nỉ xin tha?

Biết đâu rồi đây, Gloria lại chẳng viết lá thư khác phủ nhận đã nói câu "I can't mate in captivity" nghĩa là tôi không làm tình, tôi không thể có quan hệ tình dục được trong khi bị nhốt trong chuồng (mà nhiều sách cho là của nàng,) và nói đó là câu của mấy con gấu trúc (Giant Panda) trong sở thú ở với nhau cả chục năm mà cứ ỳ ra, chẳng động tĩnh gì như Ling Ling và Sing Sing ở vườn thú thủ đô?

Tôi nghĩ chồng của Gloria Steinem đáng lẽ phải bắt Gloria dậy cho con cá đi được xe đạp rồi mới... tha cho cái tội ăn nói bậy bạ đó. Chứ chỉ một bức thư cho tờ Time nói mơ hồ như vậy là chưa được.

Ít nhất cũng phải sửa câu nói đầy lăng mạ mà người ta vẫn nói là của Gloria thành "Con cá nó sống vì nước... Em mà không có anh thì cũng như con cá nằm trên... thớt...Chết đứ đừ mất anh ạ"

Rồi hãy tha.


Ngày 15 tháng 5 năm 2012

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Đến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


Ngày 16 tháng 5 năm 2012

Bạn ta,

Cuốn sách phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin sáng nay của Reuters gửi đi từ Luân Đôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích " (Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu tạo sinh rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu (...hiểu kính đản sầu vân mấn cải... / Lý Thương Ẩn) là chịu khó mỗi ngày "yêu" bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian – defy time-- mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm: "Bố … già quá rồi, mà lại không là... xếp của Mafia được... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 17 tháng 5 năm 2012

Bạn ta,

Đây là chuyện khá cũ, từ thời ông Bush con còn ra tranh chức tổng thống.

Trong những bài báo tường thuật chuyến đi vận động tranh cử của ông hôm lễ Lao Động ở Naperville, Illinois về Adam Clymer, một phái viên của tờ The New York Times, tất cả các nhật báo lớn nhất nước Mỹ đều đã viết rõ ràng, không viết tắt hay né tránh gì hết nguyên văn câu nói của ông Bush, một câu nói với chữ nghĩa ít ai dám đem dùng ở nơi công cộng.

Như vậy, có thể những tờ báo đó đều coi điều ông Bush nói không có gì là tục tĩu cả. Nếu tục tĩu, thì tờ New York Times, tờ báo chủ trương in tất cả những gì có thể in được như câu châm ngôn (All the news that is fit to print) đọc được ngay ở trang đầu, đã không in lại nguyên văn những gì thống đốc Texas nói. Hơn nữa, trong tiếng Anh, khi nói một điều gì không thể in lên báo được -- unprintable -- thì đó là điều tục tĩu ghê gớm (not fit to be printed, as because of obscenity -- trang 1555, Webster's New World Dictionary Of The American Language, ấn bản 1976).

Nhưng tất cả các báo uy tín hàng đầu ở Hoa kỳ đều in lại không thiếu một nét những chữ ông Bush dùng, vậy thì điều ông nói không có gì tục tĩu hết.

Ông chỉ sơ suất khi nói điều đó vào một chiếc hot mike, chiếc máy vi âm đang mở, và vì thế, tất cả những gì ông nói đều đi qua máy khuếch âm, rồi ra hệ thống loa nên mọi người đều nghe thấy, và vì đang là mùa tranh cử, mọi sơ suất như vậy đều có thể bị làm cho lớn chuyện. Có thế thôi.

Ông Bush chắc chắn đã phải có vài ba điều hậm hực về Adam Clymer của tờ The New York Times, nên khi vừa trông thấy ông nhà báo này, ông Bush liền nói với ông Cheney, ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh Cộng Hòa rằng: "There's Adam Clymer, major league asshole from the New York Times."

Chữ mà một số người cho là nặng, là chữ "asshole." Chữ này là một danh từ lóng có nghĩa là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Khi dùng nó để mô tả hay để gọi một người, thì sự khinh miệt, ghê tởm, thù ghét người đó phải lên đến mức không thể nào cao hơn được nữa.

Ông Bush chỉ cho ông Cheney khi nhìn thấy nhà báo của tờ The New York Times và nói đại khái coi kìa, thằng cha Adam Clymer, cái lỗ to tổ chảng mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài của tờ The New York Times.

Vì ghét ông Adam Clymer nên chắc chắn ông không dùng những chữ văn vẻ (?) như câu tiếng Việt ở trên. Muốn trung thực, bỏ đi nét văn vẻ, thì phải nói ông Bush đã gọi ông Clymer là cái lỗ đít.

Nhưng cũng lại có thể ông Bush rất mến mộ ông Clymer thì sao?

Ở các sở, người ta hay chuyển cho nhau đọc tờ giấy kể lại vụ tranh luận của các bộ phận trong cơ thể con người về câu hỏi bộ phận nào là boss, là xếp chúa, oai hơn, mạnh hơn, quyền uy hơn tất cả. Cuộc tranh luận chưa đi đến đâu vì bộ phận nào cũng cho mình là boss hết. Cái đầu, hai tay, hai chân, mắt, miệng... tất cả đều nhận là xếp, là boss, không bộ phận nào chịu nhượng bộ. Lên tiếng cuối cùng là cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài. Các bộ phận kia chưa nghe phát biểu đã khinh bỉ cười lớn. Cái lỗ bực quá, bèn quyết định dậy cho các bộ phận kia một bài học. Nó liền đình công, bế quan tỏa cảng, không mở cửa hoạt động. Một ngày, hai ngày, ba ngày cơ thể còn chịu được. Qua ngày thứ tư, thứ năm thì cơ thể bắt đầu nổi điên. Đến ngày thứ bẩy, thứ tám thì cơ thể khủng hoảng nặng. Ngày thứ chín, thứ mười thì cơ thể chịu hết nổi, bèn xuống nước, nhượng bộ và công nhận cái lỗ mà cơ thể dùng để tống chất phế thải ra ngoài là boss.

Vậy thì theo câu chuyện vừa kể, thì rất có thể ông Bush vô cùng quí mến ông Adam Clymer thì sao?

Thỉnh thoảng, khi lái xe ngoài đường, chính tôi cũng được gọi là asshole bởi ít nhất ba hay bốn người lái xe. Có lần một người đàn bà trẻ và xinh đẹp còn giơ ngón tay giữa lên, ngoắc ngoắc cho tôi thấy rõ làm tôi mừng muốn chết, vì cứ tưởng là được mời làm vài ba chuyện khác hào hứng hơn là những việc vẫn làm là làm thinh, làm biếng, làm bộ, làm bảnh, làm reo, làm phách, làm ẩu, làm báo, làm bậy, làm... bé, làm lớn, làm càn, làm cao, làm cha, làm dáng, làm dữ, làm điệu, làm giặc, làm khách, làm khó, làm lành, làm lẽ, làm liều, làm mai, làm mưa, làm gió, làm ngơ, làm oai, làm phúc, làm sang, làm tàng, làm tin, làm trời...

Vậy thì gọi người khác là cái lỗ đít có khi lại là một việc làm đầy ngưỡng mộ thì sao?


Ngày 18 tháng 5 năm 2012

Bạn ta,

Racial Profile là một hình thức kỳ thị với hình ảnh của một sắc dân nào đó mà thường thì đều là những nét tiêu cực.

Thí dụ câu này cũng là một thứ racial profile nhưng nhẹ nhàng, không quá tiêu cực:

Không ở lậu không là Mễ, không đi trễ không là Mít.

Chuyện ở lậu, xét cho cùng, không có gì tệ lậu cả. Ai cũng phải kiếm sống, ở nước mình không sống được thì tìm đường đi tới nơi sống được, không vào chính thức đưọc thì chúng tôi đi chui. Không tốt là việc nhập cảnh lậu làm kiệt quệ ngân sách một số tiểu bang, vi phạm luật lệ của một nước khác.

Còn đi trễ thì chắc phải vui lắm nên người ta mới đi trễ như vậy. Ông Clinton, một người Mỹ nhưng cũng nổi tiếng là hay đi trễ.

Racial là chủng tộc, mầu da. Profile là chân dung bán diện. Bức chân dung vẽ bằng những nét xấu và tiêu cực về một dân tộc nào đó là racial profile. Từ cái chân dung đó, người ta có ngay những thành kiến không tốt về nguyên một dân tộc.

Rất ít người có thành kiến xấu về người Nhật, về người Na Uy, Thụy Điển, Thuỵ sĩ, Áo, Đức...Nếu có thì toàn là những đặc tính đúng giờ, kỷ luật, chăm chỉ.

Nhưng ít người nghĩ tốt về những ngưòi Ả Rập mà lại theo Hồi giáo. Nói đến hai chữ khủng bố là người ta không nghĩ đến người Nhật, người Lithuanie, người Lào, ngưòi Tahiti... Mà luôn luôn là hình ảnh một nguời đàn ông râu ria lởm chởm, cái khăn rằn trên đầu...

Chính vì cái racial profile đó, mà chúng ta đỡ bị khám xét lôi thôi ở phi trường, hay ở biên giới. Đỡ bị hỏi lôi thôi khi đi từ Mỹ sang Canada chẳng hạn. Đó chính là nhờ cái mặt Á châu của chúng ta.

Nhưng mấy năm nay, những trò vô giáo dục của mấy cha con nhà anh Triều Tiên đang làm tôi rất lo ngại.

Nhũng trò điên dại của anh trong thời gian qua mới chỉ khiến cho báo chí Mỹ vẽ ra những chân dung hí họa khiến người xem lăn ra cười. Nhưng nếu những trò tai ngược và mất dậy của bố con anh Kim cứ tiếp tục thì không biết họ sẽ còn làm cho chúng ta vất vả nhu thế nào nữa.

Nếu trong mắt chúng ta, người Đức trông cũng đại khái giống người Áo, người Hung, người Tiệp... thì dưới mắt những nguời Âu, người Mỹ, thì chúng ta không khác gì người Thái, người Hoa, người Nhật và người Triều Tiên, nam cũng như bắc.

Người ta không bao giờ thấy chúng ta có hai mí mắt, nếu có một thì cũng đã cắt thành hai rồi. Người ta cũng không thấy cái gò má của chúng ta cao hơn, mắt chúng ta đỡ buồn ngủ hơn, đúng cạnh chúng ta chỉ thấy mùi phở chứ không thấy mùi kim chi, mùi thịt nướng bulgogi, mùi galbi ...

Năm 1982, Vincent Chin, một thanh niên Mỹ gốc Hoa bị hai người da trắng chặn đánh ở ngoài một quán rượu ở Detroit vì tưởng lầm nạn nhân là một người Nhật. Lúc ấy, Detroit, thủ đô xe hơi của Mỹ đang gặp khó khăn vì xe hơi Nhật .

Như vậy dưới mắt một số người, chúng ta, Tầu, Triều Tiên, Nhật… đều là một hết.

Những trò khiêu khích, bắt bí, lươn lẹo , dối gạt, gian lận, tiểu xảo, lưu manh vặt của mấy bố con nhà Kim có thể sẽ lại làm cho hình ảnh của những nguời Á châu xấu đi. Những nguời đàn ông Á châu đã bị Scud, Nodong, Taepodong làm xấu đi vì cha con anh Kim lại còn bị xấu thêm vì những xe hơi Hyundae, KIA , Daewoo, điện thoại Samsung đang ào ạt tiến vào thị trường Mỹ.

Chúng ta đã bị coi là Cao Ly vì những sự ngu dốt của một số người khi họ gọi chúng ta là Gooks như có lần chính thượng nghị sĩ John McCain đã làm. Danh từ GOOK đầy miệt thị nguyên là từ danh từ Han gook nghĩa là Hàn quốc, tiếng mà người dân Cao Ly tự xưng khi gặp lính Mỹ hồi chiến tranh Cao Ly đã được ghi lại bằng chữ "gooks" để thay cho danh từ Korean dài hơn và tử tế hơn.

Nhiều người Mỹ, vì lầm lẫn, gọi chúng ta cũng là "gooks" luôn.

Điều đó lại càng cho thấy là người Mỹ coi chúng ta cũng không khác gì người Triều Tiên.

Thế thì chúng ta phải làm gì?

Hễ ngưòi Triều Tiên ở Korea town làm gì, chúng ta phải làm cho khác. Người Mỹ sẽ nhìn ra những khác biệt ngay.

Người Triều Tiên ở Korea town nói to, chúng ta nói nhỏ, như trong ca khúc Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch: Nói cho vừa mình anh nghe thôi.

Người Triều Tiên quăng xe shopping cart ra đầu đường, chúng ta quăng lại vào trong chợ.

Người Triều Tiên mặt mũi hầm hầm đằng đằng sát khí khi ra đường thì chúng ta tươi cưòi, gặp đồng hương vui vẻ, ai mở cửa giữ cửa cho đi ra thì cười lại không như người phụ nữ ăn phở Quang Trung sáng hôm qua được người đàn ông già và xấu trai mở của, nép mình sang một bên nhường đường cho nàng đi, vậy mà nàng cứ nghiêm và buồn đi ra, không thèm nhếch mép với chàng một câu cho chàng đỡ tùi thân, đi thẳng ra lái chiếc Mecedes xám ra đi mà không đẹp thêm được chút nào.

Cứ thế, một hồi sau, người Mỹ sẽ thấy đâu là người Việt đáng yêu của ông Doãn Quốc Sĩ và đâu là ngưòi Triều Tiên dễ ghét của bọn nhà Kim, và chúng ta sẽ không bao giờ sợ bị kỳ thị nữa.

Dẫu cho cha con nhà anh lùn có giở trò mất dậy gì đi nữa thì chúng ta cũng không sợ con nhái bén nào hết.

Không sợ con nhái bén nào nghĩa là … cóc sợ gì hết.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 142)

SIMPLE PAST AND PRESENT PERFECT

Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 142 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, cháu biết là chú đã nói về thì Present Perfect một hai lần rồi, nhưng cháu vẫn có một số thắc mắc về nó, nhất là những khác biệt giữa hai thì Present Perfect và Simple Past. Cháu muốn chú nói rõ hơn khi nào thì dùng Present Perfect, và khi nào dùng Simple Past.

QUỲNH ANH

Vâng, thưa anh, QA thấy hai thì này lúc thì giống nhau, nhưng có những lúc thì lại rất khác nhau nên không biết khi nào thì phải dùng Present Perfect, khi nào phải dùng Simple Past.

BBT

QA nói rất đúng. Có lúc hai thì này giống nhau, có lúc lại khác nhau nên chúng ta có thể lẫn lộn cách dùng của hai thì này. Thực ra, phân biệt chúng cũng không khó…lắm. Nghĩa là cũng khó nhưng khó vừa vừa thôi.

Trước hết, cả hai thì Simple Past và Present Perfect đều nói về những việc trong quá khứ, những việc đã xong, đã chấm dứt, đã hoàn tất, không phải là những việc đang xẩy ra hay đang còn tiếp diễn trong ngày hôm nay, hiện tại, bây giờ. Điểm khác nhau căn bản là những việc diễn tả bằng SIMPLE PAST thì đều đã kết thúc, đã hoàn tất, đã xong rồi. Thí dụ WE ALL LIVED IN VIETNAM nghĩa là tất cả chúng ta đều đã sống ở Việt Nam. Nhưng ai cũng hiểu là chúng ta không còn ở Việt Nam nữa. Việc sống ở Việt Nam của chúng ta đều đã chấm dứt.

Trong khi đó, những việc diễn tả bằng PRESENT PERFECT thì bắt đầu trong quá khứ nhưng hiện vẫn còn tiếp tục, nghĩa là việc đó chưa chấm dứt, vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Tôi nghe nói QA trước đây sống ở Seattle. Nay thì việc cô sinh sống tại Seattle đã chấm dứt. Nhưng gia đình cô dọn về ở California đã từ cả mấy năm nay thì cô dùng PRESENT PERFECT cho việc gì, cho việc sống ở Seattle hay California?

QA

QA sẽ nói thế này: WE LIVED IN SEATTLE, QA dùng thì Simple Past, vì việc QA sống ở Seattle đã xong, không còn tiếp tục nữa. Nhưng QA sẽ dùng Present Perfect và nói WE HAVE LIVED IN CALIFORNIA vì đến ngày hôm nay, gia đình QA vẫn còn sống tại California.

BBT

Thế còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I DROVE AN AMERICAN CAR WHEN I FIRST CAME.

I HAVE DRIVEN A TOYOTA SINCE 2008 tức là bây giờ cháu vẫn còn lái chiếc Toyota và không còn lái chiếc xe Mỹ mà cháu mua hồi mới đến đây nữa.

BBT

Bây giờ chúng ta nói về trường hợp những việc đã hoàn tất nhưng lại dùng với SIMPLE PAST và luôn cả với thì PRESENT PERFECT. Trong những thí dụ của hai cô ở trên thì mọi việc đã xong, chúng ta dùng SIMPLE PAST. Nhưng với những việc chưa xong, chưa hoàn tất, chưa chấm dứt thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT.

Hai cô nghe kỹ hai thí dụ này nhé:

GEORGE BOUGHT A LEXUS SEVERAL YEARS AGO.

GEORGE HAS BOUGHT A LEXUS LAST WEEK. Trúc Giang thấy hai câu khác nhau ở chỗ nào?

TRÚC GIANG


Cháu nghĩ cả hai câu đều nói về chuyện mua xe của George nhưng trong câu dùng SIMPLE PAST, việc mua xe đã diễn ra, đã xong từ lâu rồi. Trong khi câu PRESENT PERFECT, GEORGE HAS BOUGHT, thì việc mua xe của George chỉ vừa mới diễn ra, chỉ mới hoàn tất gần đây thôi.

BBT


Đúng vậy. Cả hai việc đều đã hoàn tất. Việc George mua xe đã xong rồi, George đã lái xe về nhà rồi. Nhưng việc xẩy ra lâu thì dùng SIMPLE PAST. Việc mới xẩy ra thì dùng PRESENT PERFECT. QA cho nghe hai câu của cô với SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT coi.

QA

MY SON STARTED COLLEGE IN 2008.

MY DAUGHTER HAS STARTED COLLEGE LAST YEAR.

BBT

Bây giờ chúng ta qua một trường hợp khác. Hai cô nghe kỹ những câu này nhé: I MET THE SIMPSONS IN 1974 .

I HAVE MET THE SOMPSONS BEFORE. Chuyện gặp họ đã xảy ra chưa, đã hoàn tất chưa, đã xong chưa?

QA

Trong cả hai câu, chuyện gặp ông bà Simpson đều đã xảy ra rồi. Hai bên được giới thiệu, bắt tay nhau, thăm hỏi nhau xong rồi. Do đó, chuyện gặp nhau phải xong hết rồi.

TRÚC GIANG

Nhưng câu trên, câu dùng SIMPLE PAST thì người nói biết rõ, nhớ rõ thời gian, nhớ cả năm, cả tháng lúc hai bên gặp nhau. Câu thứ hai thì không nhớ rõ là năm nào. Có phải không, thưa chú?

BBT

Đúng vậy. Nếu biết rõ chuyện xẩây ra vào ngày tháng nào thì chúng ta dùng SIMPLE PAST . Nếu không rõ chuyện xẩy ra lúc nào thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT. QA cho nghe hai thí dụ với SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT coi.

QA

I READ THAT BOOK IN MY LAST YEAR AT HIGH SCHOOL. Đó là SIMPLE PAST.

I HAVE READ THAT BOOK BUT I CANNOT REMEMBER WHEN. Đó là PRESENT PERFECT.

TRÚC GIANG

HE RETURNED THE BOOK LAST WEEK là câu dùng thì SIMPLE PAST vì cháu biết rõ thời gian diễn ra việc trả sách cho thư viện.

HE HAS RETURNED THE BOOK MONTHS AGO là PRESENT PERFECT. Cháu dùng Present Perfect vì không biết rõ chuyện ấy xẩy ra đích xác vào ngày tháng nào.

BBT

Đúng rồi. Nhớ là chúng ta dùng SIMPLE PAST khi có thể đưa ra một thời điểm rõ ràng trong quá khứ thí dụ YESTERDAY, LAST WEEK, THREE YEARS AGO…

Nhưng khi chúng ta không thể xác định được thời gian khi việc đó diễn ra, thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT mặc dù các việc đó đều đã xẩy ra, đã hoàn tất, không còn kéo dài cho đến hôm nay nữa.

TRÚC GIANG

Nhưng thưa chú, cháu vẫn hiểu là những việc đã hoàn tất, đã xong hoàn toàn thì chúng ta dùng SIMPLE PAST. Và có những việc cũng đã hoàn tất, đã xong, nhưng ảnh hưởng, dấu tích, hậu quả vẫn còn đến bay giờ thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT.

BBT

Đúng vậy, thí dụ nói tôi đã dùng bữa rồi, đã đánh răng rửa mặt rồi, đã rửa chén bát xong rồi, nhưng bây giờ lại thấy đói trở lại, lại có thể ăn thêm thì tôi dùng thì gì đây Trúc Giang?

TRÚC GIANG

Thưa chú, cháu nghĩ phải dùng SIMPLE PAST và nói I HAD DINNER.

BBT

Nhưng trong trường hợp tôi ăn rồi, rửa chén bát xong rồi, đánh răng rửa mặt rồi, có người mời ngồi xuống ăn nhưng tôi vẫn còn no lắm, tức là hậu quả của chuyện ăn tối vẫn còn, tôi vẫn còn no, thì QA nói thế nào?

QA

I HAVE HAD DINNER AND I AM STILL VERY FULL, I CANNOT EAT ANYTHING ELSE.

BBT

Cũng có những khi chúng ta biết rõ thời điểm, ngày giờ mà vẫn phải dùng PRESENT PERFECT, đó là khi chúng ta tính hay nói từ thời điểm đó cho đến hôm nay, cho đến bây giờ, nghĩa là thời gian chưa chấm dứt, chưa hết, vẫn còn đến ngày hôm nay.

Hai cô nghe kỹ hai câu này:

I HAVE READ THREE BOOKS THIS WEEK.

I READ THREE BOOKS LAST WEEK.

QA

Cả hai câu trên có đúng hết không thưa anh?

BBT

Cả hai đều đúng. Tại sao vậy?

THIS WEEK nghĩa là tuần này, tuần này chưa chấm dứt. Hôm nay vẫn còn thuộc tuần này, THIS WEEK. Nhưng LAST WEEK là tuần trước. Tuần trước thì đã qua, đã chấm dứt, bây giờ là tuần mới rồi.

I HAVE READ THREE BOOKS THIS WEEK nghĩa là tính đến hôm nay, tuần này vẫn chưa qua, còn hai ba ngày nữa mới dứt, tôi đã đọc được ba cuốn sách, tức là tôi còn có thể đọc thêm một hay hai cuốn nữa. Nhưng câu I READ THREE BOOKS LAST WEEK thì bây giờ có đọc thêm cũng không thể tính vào số sách tôi đọc tuần trước được nữa vì tuần trước đã đi qua.

Theo những … khai báo, thì QA đã đi Hà Nội mấy lần hồi những năm 1980. Vậy cô nói thế nào bằng tiếng Anh?

QA

I WENT TO HANOI SEVERAL TIMES IN THE 1980’S (EIGHTIES).

BBT

Tại sao cô lại dùng SIMPLE PAST mà không dùng PRESENT PERFECT?

QA

Tại vì thập niên 80 đã qua hẳn rồi, đã kết thúc rồi.

BBT

Đúng là thế. Còn Trúc Giang, nếu nói từ đầu năm tới nay, cô đã đi San Jose năm lần thì phải nói thế nào?

TRÚC GIANG

I HAVE BEEN TO SAN JOSE 5 TIMES THIS YEAR.

BBT

Tại sao lai dùng PRESENT PERFECT ở đây?

TRÚC GIANG

Thưa chú, tại vì năm nay, năm 2012 chưa hết. Từ nay đến cuối năm, nếu muốn, cháu vẫn có thể lên San Jose chơi một hai lần nữa.

BBT

Bây giờ hai cô cho biết phải dùng SIMPLE PAST hay PRESENT PERFECT trong những câu có những nhóm chữ dưới đây và giải thích tại sao. A LONG TIME AGO…QA

QA

QA dùng SIMPLE PAST vì A LONG TIME AGO là thời gian đã lâu rồi, trong quá khứ. Thí dụ WE BOUGHT THIS TELEVISION SET A LONG TIME AGO.

BBT

Còn Trúc Giang… SINCE WE LAST MET?

TRÚC GIANG

HE HAS MOVED TO TEXAS SINCE WE LAST MET. Cháu dùng PRESENT PERFECT vì chuyện gặp nhau đã xẩy ra lâu rồi.

BBT

QA dùng YET với SIMPLE PAST hay PRESENT PERFECT?

QA

QA dùng PRESENT PERFECT vì YET nghĩa là tính tới nay, tới lúc này, thời gian chưa chấm dứt, chưa qua hẳn thí dụ HE HAS NOT GRADUATED YET.

BBT

AFTER WE REPAINTED THE HOUSE?

TRÚC GIANG

THE HOUSE LOOKED LIKE NEW AFTER WE REPAINTED IT. Cháu dùng SIMPLE PAST vì chuyện sơn nhà đã xong, đã hoàn toàn.

BBT

QA dùng thì gì sau LATELY nghĩa là mới đây?

QA

QA sẽ dùng PRESENT PERFECT vì LATELY nghĩa là mới đây. HE HAS SEEN HER A LOT LATELY.

BBT

Trúc Giang sẽ dùng tense gì với THE DAY BEFORE YESTERDAY?

TRÚC GIANG


Cháu phải dùng SIMPLE PAST vì thời điểm được nêu rõ, được xác định là trước ngày hôm qua: WE PAID THE BILLS THE DAY BEFORE YESTERDAY.

BBT

QA dùng SIMPLE PAST hay PRESENT PERFECT cho SINCE LAST WEEKEND?

QA

QA sẽ dùng PRESENT PERFECT vì SINCE LAST WEEKEND được hiểu là kể từ cuối tuần qua ĐẾN NAY. Vì thế, thí dụ của QA sẽ là MY DAUGHTER HAS GONE BACK TO HER SCHOOL SINCE LAST WEEKEND.

BBT

Đúng. Còn Trúc Giang thì nói thế nào với AT THE WEEKEND?

TRÚC GIANG

Cháu dùng PAST SIMPLE vì WEEKEND đã qua rồi, không còn kéo đến ngày hôm nay nữa: WE WENT TO THE MOVIE AT THE WEEKEND.

BBT

Trước khi chấm dứt bài học hôm nay, hai cô chắc cũng đã biết cách đặt những câu với NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY rồi chứ? Chúng ta dùng với thì nào đây?

QA

QA nhớ là PRESENT PERFECT phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy.

Cách đặt những câu đó như thế này: trước hết,chúng ta dùng SO SÁNH BẬC NHẤT tức là SUPERLATIVE thí dụ THE BEST+ DANH TỪ hay SHORT ADJECTIVE+EST hay THE MOST+ TĨNH TỪ DÀI (LONG ADJECTIVES) như THE BEST MOM, THE BEST CAR, THE BEST FILM và THE NICEST, THE KINDEST, THE PRETTIEST và THE MOST BEAUTIFUL, THE MOST DANGEROUS, THE MOST SUCCESSFUL…

Vế sau là THAT I, YOU, HE, SHE, WE, THEY +HAVE/HAS+EVER+PAST PARTICIPLE. Bây giờ mỗi cô cho nghe ba thí dụ với cách đặt câu trên coi. QA làm trước.

QA

IT WAS THE BEST FILM WE HAVE EVER SEEN.

1976 WAS THE MOST HORRIBLE YEAR WE HAVE EVER GONE THROUGH.

HE IS THE MOST INTERESTING PERSON SHE HAS EVER MET.

TRÚC GIANG

SHE IS THE MOST INTELLIGENT GIRL I HAVE EVER TALKED TO.

IT IS THE MOST EXPENSIVE HOUSE I HAVE EVER VISITED.

HE WAS THE BEST PRESIDENT WE HAVE EVER HAD.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.