May 3, 2012

May 4, 2012


Ngày 1 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Có một dạo, mỗi sáng, cầm tờ Los Angeles Times lên, bao giờ tôi cũng tìm đọc mục Only In L.A. của Steve Harvey trước, vì tôi tin chắc là chỉ ở Los Angeles, như tên của mục này, mới có những chuyện kỳ lạ như thế.
Tôi đọc Steve Harvey từ năm 1988, tức là năm khi ông bắt đầu viết mục này cho tờ L.A. Times, nhưng chưa bao giờ có món hàng lạ lùng được bán ở Los Angeles kỳ lạ như món mà mục Only In L.A. đề cập đến trong một số báo đã khá lâu, mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ.
Đa số những chuyện kỳ lạ mà tôi đọc được trong mục này thường là sản phẩm của những lỗi typo, lỗi của ấn công, nhưng hôm nay, món hàng mà một độc giả, Louise Wilson, nhanh mắt tìm thấy và gửi cho Steve Harvey để phổ biến trong mục của ông thì không thể là do lỗi ấn công được.
Cái quảng cáo của Lily Of France viết rất rõ về ba đặc điểm của sản phẩm là:
*Solid brass handles
*Metal suspension and holders
*Lock with two keys
Nếu đó là những đặc điểm của một chiếc xe đạp thì đó là một chiếc xe tốt. Rất đáng mua. Ghi đông (handles) bằng đồng đặc. Ống nhún (suspension) và giỏ (holders) bằng kim khí. Khóa với hai chìa, tha hồ an toàn, không sợ mất cắp. Được chế tạo kỹ như thế mà giá chỉ có $29.99.
Nhưng nó không phải là cái xe đạp mới kỳ. Vì lẽ ngay bên cạnh, là hình của sản phẩm được đặt giá $29.88 đó. Nó là cái nịt vú, sản phẩm của Lily Of France.
Tại sao nó lại có những cái handles, tức là những cái tay cầm, hay quai, làm bằng đồng đặc thì tôi không biết. Mà rõ ràng là như thế. Nó không phải là cái xe đạp, nên không thể hiểu handles là cái ghi đông, là cái tay lái được. Cái nịt vú thì không có... tay lái. Handles là quai thì đúng hơn. Nhưng tại sao lại làm bằng đồng?
Suspension, nếu ở cái xe, thì là bộ phận nhún thật. Nhưng cái nịt vú thì không thể có những bộ phận nhún bao giờ. Ấy là theo kiến thức rất sơ đẳng của một người đàn ông Á châu rất cù lần này. Nó phải là những cái móc. Còn holders thì là cái giỏ chăng? Nghe cũng có lý lắm. Để đựng mà. Nhưng tại sao phải làm bằng kim loại? Đau chết. Ai dám đeo những thứ dễ sợ như thế vào người?
Rồi tại sao lại phải khóa với hai chìa như những cái hộp thuê ở ngân hàng hay bộ phận phóng phi đạn chiến lược để đề phòng trường hợp một người nổi điên phóng bậy?
Hai chìa thì một người giữ hay hai người giữ? Người đeo giữ hay người không đeo giữ? Tại sao phải khóa lại? Bộ những thiết bị (trang bị bằng sắt) này vẫn có khóa mà tôi không biết chăng? Những chiếc khóa được gắn vào loại thiết bị này từ bao giờ? Khóa mở có dễ không? Có bao giờ bị hóc không? Có bao giờ mất chìa khóa phải gọi thợ khóa mở hộ không? Thợ khóa mở có được đòi tiền công không, hay phải trả tiền cho khách?
Có thể nào nó đã có từ thời ông Tản Đà không? Nếu không thì tại sao ông lại viết bài thơ này:
Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế hóa non tay
Gớm cho cô bé già gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay
Hùm đã biết hang sao cứ mó?
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ thôi chừa nhé
Đừng dám chơi dao lại có ngày
.
Bài thơ số 81 ở trang 110 của cuốn Tản Đà Vận Văn toàn tập có tựa đề -- chữ nghĩa của ông Tản Đà -- là Bóp Vú Đau Tay.
Có phải vì người phụ nữ trong bài thơ này của những năm đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam cũng đã có một cái thiết bị đầy sắt, thép, đồng...như tôi đọc được trong mục của Steve Harvey sáng nay?
Thế thì Los Angeles của thế kỷ 21 có hơn gì Việt Nam thời ông Tản Đà đâu.

Ngày 2 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Tôi không thích chó. Chó sống cũng như chó đã được nấu cẩn thận, như một lần nói đùa với bạn, rồi bị ông cụ Võ Phiến đổ cho tội mê thịt chó trong một bài viết của cụ cách đây cả đến mười mấy năm.
Chó gì thì cũng nhất định không thích. Nhưng hôm nay tôi phải bênh vực mấy con chó, vì chúng nó đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu là oan uổng trong đời sống. Những câu tục ngữ chúng ta có về nó không được bao nhiêu câu tử tế.
Chó cậy gần nhà; chó chạy cùng đường; chó chui gầm chạn; chó cùng bứt giậu; chó dữ mất láng giềng; chó đen giữ mực; chó gặm xương chó; chó ghẻ có mỡ đằng đuôi; chó ngáp phải ruồi; chó già mắc dùi nặng; chó nhai giẻ rách; chó ỉa đường; chó nhẩy bàn độc...
Toàn là những tính rất xấu của con người đổ sang cho loài chó, từ ngu dại, đến hỗn hào, phách lối, dữ tợn, độc ác, mất dậy... tưởng như không có tật xấu nào loài chó không có.
Ngay cả ở những xã hội nổi tiếng là thương yêu chó, những con vật này cũng bị đổ cho rất nhiều tiếng oan.
Trẻ con không làm bài, ra trường bị gọi lên bảng thì đổ ngay cho chó ăn mất homework để khỏi bị phạt. Người đàn bà kém về nhan sắc thì bị gọi là... nó. Như trong chương trình Tonight Show mấy hôm trước, Jay Leno đã dùng chữ "dog" để gọi Paula Jones, người phụ nữ gây vất vả cho ông Clinton mấy năm trước.
Nhưng đọc tờ Parade kèm theo số báo chủ nhật thì tôi thấy là việc nói xấu những con chó đã vượt qua tất cả mọi khả năng tưởng tượng của những người ghét chó nhất mà tôi biết.
Tờ Parade có một bài báo viết về những thứ mùi không đẹp lắm của chúng ta, những mùi mà trong những xã hội không quá văn minh thì có thể được coi là bình thường, nhưng xã hội chúng ta đang sống thì cố làm tất cả mọi thứ để dẹp bỏ, ngăn chặn, khỏa lấp, đè nén cho bằng được những mùi này.
Đó là mùi hôi miệng, mùi mồ hôi ở nách và mùi trung tiện.
Bài báo của một y sĩ viết khá kỹ. Ông đưa ra những đề nghị, những gợi ý để chúng ta đỡ làm phiền người khác về những cái mùi ấy. Những đề nghị của ông nghe rất có lý. Theo ông, muốn tránh những thứ mùi đó, người ta nên kiêng một số thức ăn, thí dụ tỏi, hành, nên đánh răng luôn, nên tắm, nên dùng deodorant. Nhưng đó là những biện pháp trị hôi miệng, hôi nách. Trung tiện thì là chuyện khác nữa.
Trung tiện nên tránh tung ra ở những chỗ đông người. Nếu, theo bài báo, ở những chốn riêng tư như trong xe, trong nhà, trong văn phòng của mình, thì không sao, nhưng trong một cuộc họp, hay như người nha sĩ đang loay hoay cúi xuống chữa răng cho bệnh nhân chẳng hạn, thì phiền lắm. Ngoài chuyện tránh một số thức ăn có thể sản xuất ra nhiều hơi, người ta có thể nuôi trong nhà một con chó, cho nó nằm bên cạnh khi ngồi đọc báo, để cho nó ngủ chung trên giường, lôi nó đi khắp nơi... thế nào cũng có lúc cần đến nó nếu các biện pháp kiêng cữ không đem lại kết quả tốt.
Nhưng những con chó này có tài gì, có khả năng đặc biệt gì có thể giúp chúng ta mà những thứ thuốc như Beano, loại thuốc giúp giảm bớt hơi trong ruột, không làm được?
Theo Isadore Rosenfeld, tác giả bài báo, thì người ta vẫn cứ thảnh thơi thả trung tiện như thường, nhưng tội vạ đâu, con chó lãnh hết. Cứ quay sang đổ cho con chó ở bên cạnh là xong hết.
Nhưng cũng có khi con chó đổ ngược lại thì phiền lắm. Ở Washington, mười mấy năm trước người ta hay kể cho nghe câu chuyện này:
Nữ hoàng Anh có hai con Welsh Corgi bà rất thương. Đi đâu bà cũng có chúng bên cạnh. Trong chuyến đi Washington bà cũng mang chúng theo, và cả lúc đi gặp ông Reagan ở vườn hồng bà cũng dẫn hai con chó yêu này đi cùng. Đang đi bộ ở sân cỏ tòa Bạch Ốc thì một trong hai con Welsh Corgi thả một cái trung tiện rất lớn, ai đứng gần cũng nghe thấy. Nữ hoàng ngượng quá mà không biết phải nói gì. Đi được mấy bước, bà nghĩ không nói cũng không được, kỳ lắm. Thế nên bà mới quay sang ông Reagan nói: "Mr. President, I am sorry." Ông Reagan nghe nữ hoàng xin lỗi xong, mới cười và quay sang nói với nữ hoàng rằng: "Thưa Nữ Hoàng, vậy mà lúc nẫy tôi tưởng là con Welsh đấy chứ!"
Chuyện có hay không thì không rõ, nhưng không nên đổ vấy cho mấy con chó, thế nào cũng có lúc nó quật ngược lại thì chỉ có ngượng mà chết được chứ không đùa đâu. Nên tử tế với những con chó một chút.

Ngày 3 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Khi tôi đọc được cái tin của Associated Press trong tờ USA Today số cuối tuần trước, thì ván đã đóng thuyền, mọi chuyện đã muộn, đã lỡ làng hết, không thể làm bất cứ gì để cứu vãn được.
Tôi tiếc vô cùng vì mỗi buổi tối trở về nhà, tôi cần nó cho căn nhà tôi đang ở có tiếng nói, có đời sống, và cũng vì càng ngày tôi càng thấy mình đồng ý thêm với Marie Corelli, một nhà văn của văn học Anh (1855 - 1921), khi bà viết rằng bà không lập gia đình bao giờ vì bà không thấy có nhu cầu phải lấy chồng: bà có ba con vật nuôi trong nhà làm đúng những việc người chồng thường làm, đó là một con chó càu nhàu suốt buổi sáng, một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều và một con mèo chỉ khuya lắm mới về nhà, nên đã có ba con vật ấy thì lấy chồng làm gì cho khổ đời.
Tôi cần một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều, chẳng phải để thay cho một người đàn ông như trong trường hợp của Marie Corelli, hay thế chỗ một người đàn bà hung ác, nói ra là "gẫy cây gẫy cối / mở miệng nào có ngọn có ngành" như trong một đoạn Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, nhưng một con vẹt biết nói, mà lại biết chửi thề thì thật là tuyệt cho căn nhà của tôi.
Con vẹt tuyệt vời này đã có người nhận nuôi, và không chắc là người nhận nuôi nó sẽ chịu chuyển giao quyền giám hộ lại cho tôi, dẫu cho tôi có huy động được rất nhiều người đứng sau để xin cho nó về sống với tôi.
Flounder, con vẹt biết nói tục ở Charlotte, North Carolina đã được cho người khác nuôi. Ngày xưa, cảnh Hàn Hoành đi làm quan xa, trở về kiếm người kỹ nữ họ Liễu ở đường Chương Đài, Trường An, mới hay nàng bị tướng Phiên cướp mất thì cũng chỉ gây những tiếc thương nhiều như khi tôi đọc bản tin AP về con vẹt Flounder là cùng.
Theo bản tin này, con vẹt Flouder có một mớ từ vựng có thể làm tóc người nghe dựng đứng lên nhờ những người dậy nó là những người biết không thiếu một chữ tục tĩu nào trong Anh ngữ, và nó cũng không thèm... viết tắt một chữ nào khi nói. Chủ cũ của nó không biết vì lý do gì, đem nó gửi ở hội bảo vệ súc vật ở Charlotte và bỏ đi luôn. Hội thấy nó nói tục vui quá, liền giữ lại nuôi cho văn phòng có tiếng nói. Và đó cũng chính là lý do tôi muốn nuôi nó. Nhưng nay thì muộn rồi.
Tưởng tượng nếu tôi có nó, nó sẽ giúp tôi được biết bao nhiêu chuyện. Những điều khó nói với ông bà hàng xóm khó chịu của tôi, nó làm hộ hết. Thí dụ một đề nghị về tình ái với bà, và mời ông đi xuống địa ngục chẳng hạn. Tôi sẽ không phải răng trên bặm vào môi dưới, nói thầm để tạo thành âm có chữ "F" ở đầu cho bà phải mất công "đọc môi" -- lip read-- tôi làm gì cho mất công, lại có khi hiểu lầm. Cứ búng tay cái chóc, vẹt Flounder xổ ra một tràng, trúng ai người ấy chịu.
Còn gì sướng bằng.
Người nghe, ai dám đụng vào... lông vẹt Flouder? Muốn ra tòa hay sao mà đụng vào nó?
Nhưng sau khi ông bà hàng xóm khó chịu dọn đi, hay hết khó chịu, thì làm gì cho vẹt Flounder khỏi bệnh văng tục? Dễ ợt.
Đưa nó vào siêu thị, chỉ cho nó coi những con gà tây, gà ta ở quầy gà đông lạnh, và nói cho nó biết rằng chỉ vì nói hơi tục, mà những họ hàng xa của nó, những con gà tây, gà ta đã bị chặt cổ, vặt lông đem bán ở siêu thị.
Nó nên liệu hồn là vừa. Chỉ cần làm thế, nhất định tật nói tục của nó phải hết ngay lập tức.

Ngày 4 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Hôm nay, Dear Abby, người phụ nữ cái gì cũng biết, cái gì cũng có câu trả lời của báo chí Mỹ, lại sai lầm thêm một lần nữa khi gỡ rối cho một nữ độc giả ở Texas.
Độc giả này chắc còn trẻ, cô cho biết cô có người bạn trai, hai người định thành hôn trong một ngày rất gần. Người bạn trai của cô cái gì cũng được, chỉ có một điều làm cho cô khó chịu, đó là trong ngăn kéo đựng quần áo của chàng, chàng vẫn còn giữ chiếc áo ngủ bằng sa tanh của người bạn gái cũ. Những thư từ hình ảnh của người bạn gái cũ của chàng mà chàng vẫn giữ không làm cho cô khó chịu bằng chiếc áo ngủ. Khi cô nói với chàng rằng cô thấy không ổn khi chàng tiếp tục giữ chiếc áo ngủ của mối tình cũ thì chàng nói rằng đó là một đoạn quá khứ của chàng và cô nên chấp nhận.
Nhưng chấp nhận thế nào được khi nó là cái áo ngủ kiểu Baby Doll, hay của Frederick's, của Victoria's Secrets... vừa thơm, vừa mỏng, vừa có vẻ chưa được giặt sau lần gặp gỡ cuối cùng.
Ann Landers mách nước là không nên thắc mắc, hỏi han, nhắc, đề cập đến chiếc áo ngủ đó nữa, nó sẽ lặng lẽ biến mất, và khi nó biến mất, cũng đừng hỏi là nó đi đâu, vì có thể nó đã bị ném vào đống bít tất cũ của chàng.
Dở ẹc. Không bao giờ có chuyện đó. Phải vùng lên, không thể thụ động, không thể đợi bất chiến tự nhiên thành được. Muốn... thành, phải vạn cốt khô, phải máu chẩy thành sông, xương chất thành núi mới được.
Chàng giữ cái áo ngủ để trong ngăn kéo để làm gì? Chắc chắn không để làm giẻ đánh giầy. Giữ là giữ mùi hương.
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh,
Trùng phong khâm tử hộ dư hương
...
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi... Hết Trần Danh Án thời Lê mạt, lại Dực Tông đời Nguyễn cũng chỉ muốn giữ lại mùi hương.
Vậy thì đó là mùi hương. Quăng nó vào máy giặt, đổ vào nửa thùng thuốc giặt, vặn nút heavy duty, nước nóng sôi là khử hết trùng, luôn cả mùi hương …con đĩ để lại. Xong rồi, lấy ra, ném vào máy sấy, vặn nút normal, sấy một tiếng đồng hồ, đem ra, ủi thẳng thớm, để vào ngăn kéo trở lại. Cam đoan thằng chả sẽ mê mẩn... bình thuốc giặt Wisk, ban ngày nhớ, ban đêm ôm bình Wisk vào giường, ú ớ gọi Wisk lia lịa.
Lúc ấy, chắc chẳng ai còn thèm đòi quăng bình thuốc giặt mầu đỏ đó vào thùng rác nữa. Một công đôi ba việc, giao cho nó công tác giặt ủi cho nó được gần gũi mùi thuốc giặt có phải đỡ bận tâm, là có phải không còn bực bội nữa không nào.
Ghen với mùi thuốc giặt làm gì cho khổ tuổi xuân.
Cách thứ hai là khi dọn đến nhà chàng, trong va ly nhớ bỏ thêm vào một chiếc quần lót kiểu boxer, xếp vào ngăn kéo, có ai thắc mắc tại sao phụ nữ lại có cái quần lót (đàn ông) quái đản ấy trong tủ áo, thì chỉ cần nhún vai nói khẽ đó là một phần đời quá khứ, chàng nên chấp nhận cho vui.
Cam đoan trong nửa phút, cái quần boxer và cái áo ngủ sẽ được chàng bịt mũi, lấy cái mắc áo khều bỏ vào bao rác cho lên xe, chạy đi kiếm cái thùng rác công cộng nào ném vào ngay lập tức. Trong khi đó, mình lái xe chạy theo sau, chờ cho chàng ném vào thùng rác, lôi ra, xé tan tành, ném xuống đất, nhẩy lên lấy chân chà, đạp, đá, nhổ bọt, vác đá chọi cho... chết luôn, đáng cái đời áo ngủ tầm bậy tầm bạ.
Và về nhà thơ thới hân hoan như đi xi nê thời đệ nhất cộng hòa không bị người bên cạnh hút thuốc lá thở vào mặt nữa.
Trả lời như vậy mới là... trả đũa chứ. Hơn thế nữa, những đề nghị như vậy sẽ có thể dùng cho cả các nam cũng như nữ độc giả, kiểu tử vi nam nữ xem chung, ai xem cũng sai hết chứ.

Ngày 5 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Ở Hoa kỳ, tôi không nhớ rõ đích xác vào tháng nào trong năm, nhưng nhất định có một tháng được dành riêng cho công việc ấy. Tôi sợ cái tháng đó vô cùng, nó là cái tháng dễ sợ, cái tháng mà tôi nghĩ là khủng khiếp nhất trong năm.
Tháng đó, theo cuốn Chase's Calendar of Events, cuốn sách ghi những ngày lễ lạc, kỷ niệm trong năm mà những người làm báo không ai không có trên bàn làm việc để biết trước những ngày quan trọng mà tính trước việc làm của mình, là Shameless Promotion Month, tháng được dành ra cho việc tự nói về mình, tự quảng cáo cho mình, tự vận động, cổ võ, nói tốt cho mình một cách vô liêm sỉ (shameless) từ ngày mồng 1 đến ngày 30.
Ngày này có từ bao giờ không thấy cuốn sách nói rõ, mà chỉ cung cấp vài cái địa chỉ trong Internet để những người cần dăm ba cái ý kiến có thể vào để hỏi. Thí dụ http://www.deg.com.
Tháng này, theo mấy giòng của cuốn sách, là tháng mọi người đều có quyền tự quảng cáo, khoe cũng được, nói phét càng tốt... về mình mà không ai làm phiền, sở thuế cũng không đòi ô đít để đánh thuế.
Những chiếc cần câu được tạm thời quăng vào nhà để xe. Chuyến đi câu mà tiếng Anh gọi là fishing for compliments không còn cần thiết, ít nhất trong tháng này nữa. Đại khái không còn phải hỏi những câu ấm ớ đại khái như : ông trông tôi có được không, cái mũi có làm cho Cleopatre ghen phát khùng không, mới sửa đấy... thế còn cái nốt ruồi này coi ra làm sao... cao hơn của Cindy Crawford một milimét đấy nhé... những câu hỏi như những chiếc lưỡi câu thả xuống để giật lên vài ba lời khen chí chạt. Không còn cần thiết nữa. Thả câu mất công quá. Nhiều khi chờ mãi, đụng phải anh nhà quê Á châu ấm ớ cứ khen cái dù nàng cầm vừa sang vừa đẹp thì phiền quá. Chi bằng xắn tay áo nhẩy ra khen lia lịa có phải đỡ mất thì giờ không.
Và đó, có thể là lý do có cái tháng ghê rợn này. Nhưng ghê rợn nhất là ai đó, người xướng xuất ra cái tháng ghê rợn này lại nói rất rõ là không những tha hồ quảng cáo, khoe nhắng lên về mình, mà lại còn được toàn quyền làm như thế một cách vô liêm sỉ -- shameless -- nữa mới là điều đáng nói.
Chỉ cần nói phét, khoe nhắng lên về mình cũng đủ làm cả thế giới điên lên, nay lại được quyền nói phét một cách vô liêm sỉ nữa thì làm sao sống nổi?
Tưởng tượng chàng cứ … đố vui để học bắt chúng tôi trả lời cái Lexus chàng mua giá bao nhiêu, và mua xong, chàng còn bao nhiêu tiền trong trương mục, rồi chàng giúp chúng tôi trả lời ngay bằng cách chìa ra cho chúng tôi coi kết số mới nhất trương mục của chàng, rồi cười hê hê bỏ đi thì làm sao chúng tôi ăn hết tô phở rồi đi làm cu li cho Mỹ nốt cái ngày bất hạnh ấy. Hay nàng cứ chìa cho chúng tôi xem mấy cục hột soàn to như cục gạch, rồi còn cho biết sắp lên xe hoa về coi hai ba cái phòng mạch cho chàng, hay quăng cho chúng tôi tấm bưu thiếp nàng viết trên chiếc du thuyền bềnh bồng ở nam Thái Bình Dương trong khi chúng tôi trả tiền nhà hụt hơi, con cái không chịu trúng stock vài ba chục... "chiệu" cho bố mát cái mặt chút đỉnh...
Chỉ mong sao cho cái tháng bất nhân này đội nón ra đi cho nhanh để có thể nói như đại tá Nasser khi đảo chính vua Farouk của Ai Cập năm nào: Hãy ngẩng mặt lên, hỡi những người anh em, ngày tủi nhục đã qua rồi.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 140)
THE FUTURE PERFECT TENSE
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 140 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, hôm nay, QA muốn anh giảng lại về thì FUTURE PERFECT mặc dù QA nhớ là anh đã giảng về thì này một lần cách đây đã lâu.
BBT
Đồng ý. Cũng nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại về hai thì trong cùng gia đình PERFECT, đó là các thì PRESENT PERFECT và PAST PERFECT. Có một điều chung của các thì thuộc họ PERFECT là tất cả đều dùng động từ TO HAVE đi cùng với PAST PARTICIPLE của động từ chính. Để có được PAST PARTICIPLE của các động từ thường , hay cũng gọi là các động từ qui tắc, tức là REGULAR VERBS thì chúng ta chỉ cần thêm ED vào cuối (của động từ chính) là có ngay (PAST PARTICIPLE). Thí dụ TO WALK, một động từ REGULAR, thì chúng ta chỉ cần gắn thêm cái đuôi ED vào cuối để thành WALKED. TO WANT cũng là REGULAR VERB thì gắn thêm ED vào cuối để thành WANTED. TO NEED thành NEEDED, TO PAINT thành PAINTED, TO COOK thành COOKED vân vân. Các động từ bất qui tắc tức là IRREGULAR VERB thì dĩ nhiên là chúng KHÔNG theo một qui tắc nào cả, nghĩa là không thể cứ nối thêm cái đuôi ED vào cuối như với các động từ qui tắc (REGULAR VERBS) được. Thí dụ TO EAT, TO DRINK, TO DRAW, TO WRITE… là các động từ bất qui tắc, IRREGULAR VERBS. Với các động từ IRREGULAR VERBS này, chúng ta chỉ có một cách là học và nhớ nằm lòng chúng. Trong bảng ghi các động từ bất qui tắc trong từ điển hay các sách dậy văn phạm, thì cột thứ nhất là thể INFINITY tức là động từ ở nguyên mẫu, chưa chia. Thí dụ TO EAT, một động từ bất qui tắc, nhìn qua cột thứ hai chúng ta sẽ thấy PAST TENSE của TO EAT là ATE. Cột thứ ba chính là PAST PARTICIPLE của động từ TO EAT là EATEN.
Bây giờ để coi QA và Trúc Giang có nhớ PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của mấy động từ bất qui tắc này không. Trước hết, là Trúc Giang cho nghe PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của các động từ TO DRINK, TO DRAW, TO WRITE…
TRÚC GIANG
TO DRINK, DRANK, DRUNK; TO DRAW, DREW, DRAWN; TO WRITE, WROTE, WRITTEN.
BBT
Còn QA cho nghe PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của TO DRIVE, TO THINK, TO SPEAK…
QA
TO DRIVE, DROVE, DRIVEN; TO THINK, THOUGHT, THOUGHT; TO SPEAK, SPOKE, SPOKEN.
BBT
Cám ơn hai cô. Khi đặt những PAST PARTICIPLE này sau động từ TO HAVE, chúng ta có thì PERFECT TENSE. Nếu động từ TO HAVE ở thì hiện tại, tức là PRESENT TENSE thì chúng ta có thì PRESENT PERFECT (HAVE/HAS+PAST PARTICIPLE). Thí dụ SHE HAS MET HIM BEFORE là một câu ở thì PRESENT PERFECT vì động từ HAVE xuất hiện ở thì hiện tại, tức là PRESENT TENSE (HAS). Trúc Giang và QA dùng những động từ ở trên trong những câu ở thì PRESENT PERFECT coi.
TRÚC GIANG
MISTER SMITH HAS DRUNK A LOT OF BEER TONIGHT.
THE BOY HAS DRAWN A VERY NICE PICTURE OF A HORSE.
THEY HAVE WRITTEN A BOOK TOGETHER.
QA
I HAVE DRIVEN THIS CAR FOR 5 YEARS NOW.
SHE HAS THOUGHT ABOUT MOVING TO TEXAS MANY TIMES.
WE HAVE SPOKEN TO THEM RECENTLY.
BBT
Bây giờ chúng ta nói qua thì PAST PERFECT. Chúng ta cũng dùng TO HAVE + PAST PARTICIPLE như động từ TO HAVE được dùng ở thì quá khứ, PAST TENSE. Mà PAST TENSE của TO HAVE thì là HAD. Như vậy, PAST PERFECT được tạo thành như thế nào, cô QA?
QA
Thì PAST PERFECT được tạo thành bằng HAD và PAST PARTICIPLE của động từ chính (HAD+PAST PARTICIPLE). Thí dụ THEY HAD LEFT.
BBT
Đúng rồi. Nhưng có một điều hai cô phải nhớ ở đây, đó là thì PAST PERFECT không đứng một mình được. Bao giờ nó cũng phải xuất hiện cùng với một mệnh đề có động từ ở thì SIMPLE PAST. Thí dụ nói khi tôi tới phi trường thì hai người đã đi rồi. Trong câu vừa kể có HAI hành động. Cả hai đều xẩy ra trong quá khứ. Một việc xẩy ra trước, một việc xẩy ra sau. Việc xẩy ra trước là hai người bạn đã đi rồi được dùng với PAST PERFECT. Việc xẩy ra sau là việc tôi tới phi trường được dùng với SIMPLE PAST. QA thử nói lại câu trên bằng tiếng Anh coi.
QA
WHEN I CAME, THEY HAD LEFT.
BBT
Rất đúng. Bây giờ mỗi cô cho nghe hai câu với PAST PERFECT, và dĩ nhiên, một mệnh đề (phụ) dùng thì SIMPLE PAST coi.
TRÚC GIANG
THE GIRL HAD KNOWN THE ALPHABET BEFORE SHE STARTED KINDERGARTEN.
WE ASKED HIM TO HAVE DINNER WITH US BUT HE HAD EATEN AT HOME.
QA
WE CAME TO AMERICA IN 1990 BUT THEY HAD ARRIVED IN 1982.
HE LIKED THE HOUSE BUT IT HAD BEEN SOLD.
BBT
Trước khi nói qua về FUTURE PERFECT, hai cô đổi những câu vừa rồi thành QUESTION coi.
TRÚC GIANG
HAD THE GIRL KNOWN THE ALPHABET BEFORE SHE STARTED KINDERGARTEN?
HAD HE EATEN DINNER BEFORE WE ASKED HIM TO JOIN US?
QA
HAD THEY ARRIVED BEFORE WE CAME TO AMERICA?
HAD THE HOUSE BEEN SOLD BEFORE HE SAW IT?
BBT
Thì FUTURE PERFECT được dùng để nói về một việc sẽ hoàn tất, sẽ chấm dứt, sẽ trở thành quá khứ TRƯỚC một việc khác trong tương lai, hay một thời điểm, một mốc thời gian nào đó trong tương lai.
Thì FUTURE PERFECT được tạo thành bởi FUTURE của TO HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính (WILL/SHALL+HAVE+PAST PARTICIPLE).
Thí dụ năm 2015 là một thời điểm, một mốc thời gian trong tương lai. Đến năm đó thì nhiều người Việt SẼ ĐÃ sống ở Mỹ được 40 năm. Tiếng Anh sẽ nói như thế này: BY 2015, MANY VIETNAMESE WILL HAVE LIVED HERE FOR 40 YEARS. Tôi có gặp con gái Trúc Giang tuần trước. Nó khoe là 2 năm nữa nó sẽ học xong tiểu học. Bây giờ mẹ Trúc Giang nói cho tôi nghe bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
IN 2 YEARS MY DAUGHTER WILL HAVE FINISHED ELEMENTARY SCHOOL.
BBT
Còn QA, bao giờ con gái học xong bằng Dược?
QA
SHE WILL HAVE GRADUATED WITH A DEGREE IN PHARMACY IN 2015.
BBT
Hai cô cho nghe thêm mỗi cô hai câu với FUTURE PERFECT coi.
TRÚC GIANG
THEY WILL HAVE BEEN MARRIED FOR 10 YEARS NEXT SUMMER.
WE SHALL HAVE LIVED IN THIS NEIGHBORHOOD FOR 6 YEARS SOON.
QA
MISTER OBAMA WILL HAVE FINISHED HIS FIRST TERM IN 2013.
I WILL HAVE PAID OFF MY CAR THIS DECEMBER.
TRÚC GIANG
Thưa chú, bây giờ thì cháu đã hiểu khá rõ về FUTURE PERFECT của người Anh và người Mỹ rồi, nhưng hình như trong tiếng Việt không có thì này thì phải. Cháu nghĩ vậy có đúng không thưa chú? Nếu người Việt cũng có dùng thì FUTURE PERFECT thì trong đời sống hàng ngày, chúng ta có hay dùng nó không?
BBT
Có chứ… chúng ta chỉ không gọi nó là FUTURE PERFECT mà thôi. Thí dụ hai câu này thì chính là FUTURE PERFECT chứ còn gì nữa:
NGÀY ĐI EM HÃY CÒN KHÔNG
NGÀY VỀ, EM ĐÃ TAY BỒNG TAY MANG
hai câu trên đưa ra hai chuyện đều chưa xẩy ra vào lúc này.Đó là ngày về của người thanh niên và chuyện người phụ nữ có gia đình, con lớn, con bé. Cả hai chuyện đều chưa xẩy ra. Nhưng vài ba năm sau, khi người đàn ông trở về, thì người phụ nữ đã trở thành một người đàn bà có chồng, có con rồi. Trúc Giang thử dịch hai câu ca dao này cho các bạn Mỹ của cô nghe coi.
TRÚC GIANG
AS I LEAVE YOU TODAY, YOU ARE STILL A YOUNG AND SINGLE WOMAN
BUT WHEN I RETURN, YOU WILL HAVE BECOME A MOTHER SEVERAL TIMES
BBT
QA thử dùng FUTURE PERFECT để nối vào mấy mệnh đề này coi:
WE BELIEVE WHEN WE SEE YOU NEXT TIME …
MANY ECONOMISTS SAY THAT IN THE YEAR 2015…
QA
WE BELIEVE WHEN WE SEE YOU NEXT TIME, YOU WILL HAVE COMPLETED YOUR MEDICAL TRAINING.
MANY ECONOMISTS SAY THAT IN THE YEAR 2015, THE AMERICAN ECONOMY WILL HAVE RECOVERED.
BBT
Trúc Giang thử hoàn tất hai câu này bằng FUTURE PERFECT coi:
TOMORROW MORNING, WHEN I WAKE UP…
BY THIS TIME NEXT YEAR…
TRÚC GIANG
TOMORROW MORNING, WHEN I WAKE UP, THEY WILL HAVE LANDED IN PARIS.
BY THIS TIME NEXT YEAR, HE WILL HAVE WORKED FOR THIS COMPANY FOR 10 YEARS.
BBT
Có thêm một điều này chúng ta phải nhớ ở đây, đó là sau những chữ WHEN, WHILE, BEFORE, AFTER, BY THE TIME, AS SOON AS, IF … chúng ta KHÔNG BAO GIỜ DÙNG FUTURE PERFECT.
Thí dụ chúng ta sẽ KHÔNG nói: I AM GOING TO LONDON WHEN I WILL HAVE RECEIVED MY PASSPORT.
Thay vì FUTURE PERFECT như ở trên, chúng ta dùng PRESENT PERFECT: I AM GOING TO LONDON WHEN I HAVE RECEIVED MY PASSPORT.
Chúng ta cũng có thể dùng SIMPLE PRESENT TENSE thay vì PRESENT PERFECT. Thí dụ I AM GOING TO LONDON WHEN I GET MY PASSPORT.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.