May 9, 2012

May 11, 2012


Ngày 8 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Thường thì ghét của nào Trời cứ oái oăm trao đúng vào tận tay người ghét đúng những cái của ấy.
Những trường hợp ghét của nào Trời trao của ấy xẩy ra nhiều hơn là những trường hợp cầu đưọc, ước thấy.
Nếu cứ cầu là được, cứ ước là thấy thì thế giới này chắc sẽ chán lắm.
Bà nội, bà ngoại của chúng ta sẽ không bao giờ có những truyện cổ tích để kể cho chúng ta nghe , vì cầu được ước thấy thì ai cũng có thể lấy được vợ tiên, lấy được vợ chui từ trong quả thị, hay vợ trong tranh hiện ra vừa đẹp, vừa hiền, nấu bếp thì Cordon Bleu cũng thua, nấu xong lại chui vào quả thị, lại trở lại trong búc tranh tố nữ.. . Các cụ chỉ toàn cố làm vui lòng và để dỗ giấc ngủ của những đưá cháu tinh nghịch, phá phách quái ác chứ đời làm gì có được những chuyện như thế.
Thường thì nhiều lắm chỉ lấy được vợ hiền, thích đi shop, điệu đàng, không bao giờ la mắng chồng như 99,9% các ông chồng Việt. Chỉ còn có 0,1% là không may lấy phải thứ chằng lửa rửa cầu tiêu (?) như một người bạn Nam kỳ của tôi vẫn nói.
Thực ra chuyện ghét của nào Trời trao của ấy không chỉ hạn chế trong chuyện chọn vợ hay chọn chồng, mà còn trong cả những chuyện khác trong đời sống nữa.
Không biết Tăng Tử đã sống như thế nào mà lúc gần chết đã phải nói với các môn sinh rằng sống là phải nơm nớp chăm chăm như đi xuống vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng.
Đi trên băng mỏng thì phải rón rén, nhẹ nhàng, mạnh chân mạnh tay, tảng băng vỡ thì rơi xuống nước lạnh chết ngay lập tức. Còn đi bên bờ vực thì phải thận trọng từng bước, không cẩn thận thì lăn xuống vực mất xác.
Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lí bạc băng.
Cứ rón rén mà nín thở cho đến lúc đi xong hết đoạn đường gian khổ đó mới dám thở dài nhẹ nhõm được.
Một người bạn của tôi đã tiết lộ chi tiết đó về những năm mấy đứa con trai gái còn sống ở nhà, chưa dọn ra ở riêng.
Người bạn tôi nói là không muốn có con dâu con rể không phải là Việt Nam. Ông vẫn muốn được thoải mái với lũ con, con ruột, con dâu cũng như con rể mặc dù quan niệm này của ông đã lỗi thời, ngay từ khi ông đặt chân xuống phi trường New York hai mươi mấy năm trước với hai đứa con trai, hai đưá con gái. Sống ở một thị trấn nhỏ chỉ có gia đình ông là người Việt duy nhất, nhìn lũ con càng lớn, thì ông càng lo. Chung quanh ông không có một gia đình Việt Nam nào, rồi mấy năm nữa, chuyện vợ chồng con cái của chúng sẽ ra sao?
Ông nghĩ mà lo khi thấy bạn bè của các con ông toàn là người Mỹ. Nghĩ tới cảnh chân tay mệt mỏi khi nói chuyện với con dâu con rể Mỹ mà ông sợ. Một hôm, ông thình lình dọn cả nhà sang California để sống trước khi chuyện lo lắng của ông thành sự thật. Sang đến tiểu bang miền Tây với đông đảo người Việt, mấy năm sau, ông mới nói cho lũ con biết lý do dọn đi California.
Ít lâu sau đó, con gái lớn của ông dẫn bạn trai của nó về nhà, và ông thấy là chuyện dọn đi California của ông đã không giúp ông được chút nào. Ông giận con, nói ra những điều không tốt đẹp về người bạn trai của con gái ông. Con gái ông liền dọn ra ngoài, rồi dọn đi tiểu bang khác. Vài năm sau ông, nhớ con, tìm cách liên lạc với con gái, gọi con về, và nói thêm là muốn mang theo ai cũng được. Lúc ấy ông mới biết ông trở thành ông ngoại.
Kế đến là con trai của ông, học hành xong, dẫn về nhà một cô bạn gái Việt , như thế tưởng là đúng như điều mong muốn của ông.
Nhưng con trai ông mang về nhà một món hàng, không phải là mua một tặng một, buy one get one free như ở các tiệm Mỹ vẫn làm để chiêu khách, mà là buy one get two free. Ông trở thành ông nội ghẻ của hai đứa nhỏ mà con dâu mang về theo cho con trai ông.
Con người cổ hủ của ông lại đau khổ lần nữa. Mong có cháu đích tôn thì con dâu cười nói là đẻ vậy đủ rồi.
Ông lặng người đi. Một lần đầu thì ghét của nào, trời trao của ấy. Lần thứ hai thì cầu đưọc, ước thấy.
Cả hai lần ông đều không vui cả.
Ông quyết định không có ý kiến nữa, rón rén đi như trên mặt hồ đóng băng, như men theo vách đá chênh vênh bắt chước ông Tăng Tử.
Ông nhất định không có ý kiến về chuyện vợ chồng của hai đứa con còn lại nữa. Ông thoải mái, cởi mở hơn. Thì hai con thứ ba và thứ tư của ông, một trai, một gái lập gia đình với người Việt.
Thực ra thì chuyện dâu rể của ông toàn là những chuyện tình cờ cả. Muốn cũng không được, mà không muốn cũng không được.
Giữ thì giữ được trong bao nhiêu lâu, được mấy đời? Có còn ở trên đời để có ý kiến tiếp về thế hệ con, cháu của chúng không?
Tưởng tượng cụ cố năm, bẩy đời trước chúng ta hiện về, nhìn đơi sống của chúng ta, liệu các cụ có hoàn toàn vui không?
Nhưng đó lại là đời sống mà chúng ta chọn. Thế thì chúng ta chọn hộ cho con cái chúng ta những chuyện của chúng làm gì?
Đến khi ra nghĩa trang nằm thì vui cũng thế, buồn cũng vậy mà thôi. Tại sao phải thắc mắc cho đời thêm khổ?
Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào, hơi đâu mà thắc mắc cho khổ cái thân già.
Không ghét, mà cũng không cầu chuyện gì hết. Cứ nín thở thôi. Chờ cho xong, thở ra một cái cho nhẹ người có phải đỡ khổ cái thân già không.

Ngày 9 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Linda Evans, người đóng vai Krystle Carrington trong chương trình Dynasty hai mươi mấy năm trước, đang muốn bán căn nhà của cô ở gần Takoma, tiểu bang Washington với giá hai triệu năm trăm ngàn.
Bạn nghĩ tôi định mua nó? Cám ơn bạn đã đổ cho tôi cái... tội tôi thích quá. Được bạn nghĩ quá tốt đẹp về mình như thế thì tại sao không nhận luôn cho cả hai phía đều vui vẻ?
Bạn nói quá đúng, nhưng công việc tôi ở đây, làm sao dọn sang miền tây bắc để sống trong căn nhà ấy được?
Nhưng cái biệt thự tên là Madera ấy thì quả là có đẹp thật. Đã nằm sát bờ hồ, lại xây kiểu Địa Trung Hải, có nhà kính sưởi quanh năm, tha hồ trồng húng, tía tô, rau răm... khỏi phải vất vả khuân vào nhà mỗi mùa lạnh như những người bạn tôi, ngoài vườn lại trồng mấy chục cây anh đào, có đòi hai triệu năm trăm ngàn cũng đáng.
Nhưng trong phần mô tả những đặc trưng của căn nhà, có một chi tiết rất đáng chú ý, ít nhất là với tôi, đó là cái trần nhà. Theo tờ People thì biệt thự Madera có những cái trần sơn bằng tay do một họa sĩ người Ý thực hiện, mất hơn một năm trời mới xong.
Bạn không bao giờ nghĩ người ta có thể mất công về cái trần nhà như thế. Sơn thế nào lại không được. Trần kiểu Tây Ban Nha, kiểu Victoria, kiểu chalet Thụy Sĩ, kiểu cottage ở miền nam nước Anh thì trần nào chẳng là trần!
Tại sao phải mất công sơn những cái trần như thế? Chắc chắn bạn sẽ nghĩ như thế. Vậy thì bạn đúng là một người hạnh phúc. Bạn không bao giờ phải để ý đến cái trần nhà. Lý do là lúc nào bạn cũng có niềm vui (?) bên cạnh. Bạn không bao giờ phải ngó trân trân cái trần nhà. Nhưng có rất nhiều người buổi tối chỉ có cái trần nhà làm bạn thì phải lo cho cái … trần nhà chứ.
Linda Evans không còn ở với Yanni, người nhạc sĩ nhạc New Age nữa, nên buổi tối cần cái trần nhà làm bạn. Nhưng Linda thì không thể cái trần nhà nào cũng được, như bạn của bạn. Nàng một mình nhưng vẫn phải cho đúng style, đúng kiểu sống của nàng, một minh tinh màn bạc. Mặc dù là cái... trần nhà.
Cái trần nhà là niềm an ủi lớn nhất với những người như Linda Evans. Nó luôn luôn ở đó. Không phải tìm kiếm đâu xa cũng vẫn thấy nó. Nó dịu dàng với bạn của nó. Nó không cãi lại, không giận lẫy, không ăn nói thô tục, không thậm từ nhục mạ. Nó im lặng lắng nghe, đồng ý với tất cả nhừng gì người nằm ở dưới ngó lên. Không bao giờ tạo ra những phiền nhiễu cho người ngó nó.
Đọc thấy chi tiết những cái trần nhà rất đẹp, rất tốn kém và rất kiểu cọ đó của biệt thự Madera, tôi thấy yên tâm và lên tinh thần vô cùng.
Linda Evans không phải là thứ như Whoopi Goldberg hay Roseanne. Linda Evans là một phụ nữ đẹp, muốn gì cứ ngoắc ngón tay là có ngay, vậy mà vẫn cần những cái trần nhà làm bạn. Bằng cớ là vẫn phải chăm sóc cho những cái trần nhà, lo lắng cho sắc đẹp của chúng, vậy thì chuyện một người đàn ông Á châu cao niên tối nào cũng về nhà làm bạn với cái trần nhà, không còn là một chuyện cần phải mắc cở, dấu không cho mọi người biết nữa.
Đến như Linda Evans mà còn phải về nhà nằm nhìn trần nhà mỗi tối, huống chi...
Nhưng có thuê họa sĩ về sơn phết cả năm thì cũng vẫn chỉ là bạn của trần nhà mà thôi. Mà như vậy thì chẳng oai gì hơn những người không phải là minh tinh màn bạc cả.
Đêm tối, nói theo kiểu Đặng Tiểu Bình, trần nhà của Linda Evans thì cũng có khác gì cái trần nhà thân thiết của tôi ở đây đâu.
Vậy nên không cần phải mua cái nhà hai triệu năm trăm ngàn ở Takoma.

Ngày 10 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Tôi được nghe bài Tình Già của Phan Khôi lần đầu tiên trong giờ Việt văn lớp đệ tam của Vũ Hoàng Chương ở căn nhà mái tôn trường Chu Văn An.
Tuổi của tôi lúc ấy chưa bằng được số năm mà cặp tình nhân trong bài thơ ấy xa nhau. Họ gặp nhau, than thở trong đêm mưa rồi chia tay, và chỉ gặp lại nhau hai mươi bốn năm sau đó. Năm ấy tôi mười sáu tuổi.
Mười sáu tuổi mà nhìn số năm hai người xa cách nhau, hai mươi bốn năm, thì số năm ấy quả là có lớn. Bây giờ, tuổi của tôi, của bạn, đã hơn gấp đôi cả số năm mà hai người này phải sống xa nhau như Phan Khôi viết trong bài thơ của ông.
Gặp lại được nhau, mà còn nhìn ra nhau như hai người đã là rất khó:
"...Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi
."
Tôi cứ nghĩ cặp nhân tình già này như thế cũng đã là hạnh phúc. Trong đêm gió mưa hai mươi bốn năm trước họ đã thấy rõ chuyện "lấy nhau hẳn là không đặng" mặc dù "tình thương nhau thì vẫn nặng". Hai người phải "buông nhau" dẫu biết "buông nhau làm sao nỡ".
Họ rời nhau, cuộc sống đưa đẩy mỗi người một hướng, rồi hai mươi bốn năm sau, ở một nơi xa quê cũ, hai người gặp lại nhau, rồi lại rời nhau, và khi rời nhau, "con mắt còn có đuôi", còn ngó theo, tiếc. Nhưng họ vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Nếu cụ Phan còn sống (cụ đã mất tại Hà Nội năm 1960) chắc tôi phải gửi cho cụ bài báo về một cặp già khác, và nếu cụ làm thêm bài Tình Già nữa, thì cụ sẽ phải viết là: "Bẩy mươi sáu năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa..." mới đúng với thời gian xa cách của hai người này.
Cụ ông Paul Johnson 95 tuổi, cụ bà Lula Marschat 94 tuổi gặp lại nhau sau bẩy mươi sáu năm xa cách. Năm 1923, hai người tốt nghiệp sư phạm ở Idaho và được bổ đi hai trường cách nhau 150 dặm. Thời ấy, chưa có điện thoại viễn liên, hai người cũng không có xe hơi để đi thăm hỏi nhau. Hai người có yêu nhau trong thời gian đi học ở sư phạm thật, nhưng xa mặt, cách lòng, như cụ ông nói, It was out of sight, out of mind.
Bốn năm sau, năm 1927, hai người đều lập gia đình với những người khác. Năm 1997, cụ ông góa vợ. Năm 1989, cụ bà góa chồng mà không ai biết. Mãi tới khi cụ ông tìm đọc những cáo phó trên báo cũ, mới biết người em bé bỏng lại phòng không chiếc bóng. Cụ ông tìm cách liên lạc với cụ bà, thì cụ bà phản ứng cũng có hơi khác thường: cụ kêu lên "Trời đất, chàng còn sống" My Goodness, he's still alive. Người bình thường ít ai phản ứng dễ sợ như thế.
Cụ mời cụ ông đến chơi. Bốn ngày sau, cụ ông chính thức xin bàn tay cụ bà. Cụ bà cho luôn cụ ông bàn tay với tất cả những gì dính cùng với bàn tay ấy. Vài tháng sau, đôi trẻ đã cử hành hôn lễ tại nhà thờ ở Woodburn.
Bạn có thể sẽ hỏi tại sao?
Tôi xin trả lời: tại sao không?
Lại xin mượn câu đầu bài Sonnet 116 của Shakespeare để nói với bạn:
Let me not to the marriage of true minds
Chúng ta không có quyền xen vào giữa sự tác hợp của những cặp yêu nhau. Mà hai cụ thì nhất định là có yêu nhau. Tình cũ chẳng rủ cũng tới. Có điều chắc là hai người sẽ ở với nhau cho đến lúc đầu bạc (hơn) và răng long (hơn).
Và cặp tình nhân già trong bài thơ của cụ Phan Khôi, hai cụ chắc đã qua đời cả rồi, nhưng nếu còn sống, chuyện đám cưới ở Woodburn không thể là một khích lệ nhỏ cho bốn đôi mắt có đuôi sao?
Chín mươi mấy còn vậy, huống chi mới nửa số tuổi ấy...

Ngày 11 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
Là một trong những người " thực sự " đọc (?) tờ Playboy, tôi nghĩ là có rất nhiều người không đọc hết những chi tiết của trang Playmate Data Sheet trong mỗi số báo.
Trang Playmate Data này nằm ở sau tấm hình lớn của Playmate of the Month người phụ nữ được tờ báo chọn để làm người đẹp trong tháng.
Lý do là vì khi mở trang này ra, người ta quên luôn nó, mà quay sang đọc những thứ khác dễ... đọc hơn. Nhưng chính trang Playmate Data mới là trang đáng đọc nhất.
Thực ra thì một số độc giả cũng có liếc mắt qua trang này, nhưng chỉ sau hai hay ba dòng đầu thì thôi không đọc nữa. Nghĩa là sau khi biết tên của người phụ nữ, kích thước, ngày sinh và nơi sinh thì người ta lại quay sang xem những bức hình. Có thể là để coi mặt mũi như thế mà sinh năm 1990 hay sao... Làm thế nào có thể như thế được... Như vậy là năm 2000, con bé trong hình mới chín, mười tuổi thôi sao? Những gì đã xẩy ra từ đó, để hôm nay, cầm tờ báo trên tay, thì "nó" đã như thế này, đã 34B-23-33, đã cao 5 feet 11 inches, đã nặng 125 cân Anh rồi? Trong mười mấy năm ấy, những gì đã xẩy ra, để từ một con nhãi không ai thèm ngó, đến bây giờ, nó đã ra... nông nỗi này?
Có người đọc xong mấy chi tiết ấy thì cứ thắc mắc đại khái như thế này mà 34B làm sao được, phải 34C chứ... những lối suy nghĩ bí hiểm như thế, tôi không cách gì hiểu được.
Nếu không... đọc những bức hình đi kèm, mà theo dõi tiếp những dòng sau đó, người đọc sẽ thấy được nhiều điều lý thú khác.
Thí dụ cô nào cũng muốn làm tài tử, xướng ngôn viên truyền hình, kiểu mẫu, thành công, có nhiều tiền, có chồng, có con vân vân. Cô nào cũng muốn đi du lịch đây đó, làm việc phúc thiện, học hành đến nơi đến chốn để khỏi phải cởi quần áo trước máy chụp ảnh cả đời.
Rất nhiều Playmates còn kê khai những chi tiết khá kỳ lạ, thí dụ có những cô khoe có những người cha ra rất thông cảm, khuyến khích các cô cho Playboy chụp hình, và rất thích những bức hình do Playboy chụp. Ôi chao, sao lại có thứ cha kỳ lạ như thế chứ! Mẹ nói như vậy đã là ghê rợn rồi. Lại đến mấy người cha tán tụng thêm vào mới là khủng khiếp.
Và tất cả các Playmates đều đưa ra những chi tiết, điều kiện, đòi hỏi về người đàn ông lý tưởng của các cô. Cô nào cũng muốn có người thành thật, yêu thương, không gian dối, ghen tuông... Thì cũng được đi. Đó là những đòi hỏi bình thường, không có gì đặc biệt đáng nói.
Nhưng một Playmate mới đây thì còn đặt ra một điều kiện khác nữa. Người đàn ông của đời cô phải được con chó J.D. của cô chấp nhận mới được. Cô viết rõ trong trang Playmate Data như thế: ...anyone my dog J.D. doesn't like.
Thế này thì khó thật.
Chàng văn học nghệ thuật cùng mình, trong lưng lận cái MBA của trường Wharton, lái cái Rolls Royce, có cái penthouse ở New York, cái apartment ở San Francisco, nhan sắc như Brad Pitt, tướng thì du côn như Matt Damon... nhưng nếu con chó của nàng lắc đầu, bĩu môi sủa nhặng lên là chàng ra cửa ngay lập tức.
Có thật vậy không, hay chỉ lôi con chó ra nói cho nó điệu bộ một chút. Biết đâu vừa thấy chàng, đã vồ con chó ném vào tủ lạnh, đóng cửa lại cho nó khỏi sủa át tiếng máy của chiếc Rolls Royce?
Chắc không phải vậy, vì nếu chịu khó đọc tiếp ở cuối mỗi số Playboy, ở mục Playmate News, người ta sẽ thấy "đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt" lắm. Một số các nàng, sau khi lên báo, thì lại tiếp tục sống nhàm chán cuộc đời của hơn một trăm triệu phụ nữ Mỹ khác. Có người chết thảm như Dorothy Straten, có người bán địa ốc, có người ăn welfare như điên...
Chắc tại mấy con chó không chịu cho gặp người tử tế.
Tôi không nghĩ cô Playmate này sẽ hoàn toàn nghe con chó của nàng trong chuyện chọn một người đàn ông cho nàng.
Bởi vì nghe theo sở thích của con J.D. thì có ngày cô sẽ phải rước một … con chó cái về nhà mất.
Thì đã nói rằng J.D. muốn thì mới chịu mà.

Ngày 12 tháng 5 năm 2012
Bạn ta,
"Diamonds are a girl's best friend" thực ra không phải là câu nói của Liz Taylor như tôi vẫn nghĩ từ trước đến nay.
Câu này là tựa đề của một ca khúc, nhạc của Jule Styne, lời của Leo Robin viết năm 1949, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người cứ nghĩ nó là của Liz Taylor. Có thể là vì cô đào này có nhiều kim cương chăng? Mỗi lần lấy chồng, cả thẩy tám lần, nếu tôi đếm đúng, tay cô đều đeo một cục đá mới to tổ bố, nên cô trở thành bạn thân của kim cương và kim cương trở thành bạn chí thiết của cô? Rồi một loại nước hoa mà cô quảng cáo mấy năm nay, White Diamond, lại càng làm cho tên của cô đi sát với kim cương hơn.
Nhưng ngày nay, kim cương không chỉ là bạn của phụ nữ như tên của bài hát nữa, mà là bạn của nhiều thứ rất kỳ lạ. Thí dụ của Foday Sankoh, của Charles Taylor chẳng hạn. Mà Foday Sankoh hay Charles Taylor thì không thể là phụ nữ được. Foday Sankoh là người cầm đầu Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất (Revolutionary United Front), lực lượng phiến loạn ở Sierra Leone, một quốc gia ở tây Phi châu. Còn Charles Taylor là tổng thống của Liberia cũng ở tây Phi châu. Hai ông này không đeo nhiều kim cương, nhưng kim cương vẫn là bạn thiết của hai ông. Kim cương đã giúp những người như hai ông tiến hành những cuộc nội chiến chém giết khủng khiếp nhất trong lịch sử Phi châu.
Người ta khám phá ra rằng chính kim cương đã gây ra bao nhiêu khổ nạn cho những người dân bất hạnh của Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia. Các nước này đều có những mỏ kim cương với sản lượng rất lớn. Và chính nhờ lợi tức thu được qua dịch vụ xuất cảng kim cương ra ngoài, mà các nước này mới có tiền mua võ khí để tiến hành những cuộc nội chiến kinh hoàng như thế. Những khẩu AK, những chiến xa, những hỏa tiễn 122mm, những phản lực cơ MiG trong tay các lực lượng quân sự của các nước này đều được mua bằng tiền bán kim cương. Những viên kim cương ở các quốc gia Phi châu này không chỉ là kim cương, mà là "conflict diamonds", kim cương xung đột, kim cương giúp tài trợ cho các phong trào nổi dậy, phiến loạn ở Sierra Leone, Congo, Liberia và Angola. Ở Sierra Leone, thường dân bị đuổi ra khỏi những nơi có mỏ kim cương, quân của Foday Sankoh khủng bố, chặt tay những ai dám chống lại lệnh đi khỏi các khu này. Ngay cả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng đã từng bị quân của Foday Sankoh tấn công khi định tiến vào khu vực có mỏ kim cương. Các chi tiết này cho thấy kim cương là bạn thiết của các ông này như thế nào. Mặc dù chính các ông không đeo chúng bao giờ.
Chỉ có các phụ nữ như Liz Taylor mới lóng lánh hột soàn trên tay, như những hứa hẹn của những cuộc hôn nhân lâu dài.
Mấy năm trước, tại một cuộc họp của các nhà sản xuất và buôn bán kim cương nhóm tại Antwerp, Bỉ, các phái đoàn tham dự hội nghị đã quyết định phải chặn đứng việc buôn bán những cục "conflict diamonds" này vì nó dính quá nhiều máu của những người dân Phi châu khốn khổ. Nhưng rất nhiều kim cương "conflict" này đã lọt được ra ngoài. Số lượng kim cương này không phải là nhỏ khi nhìn vào số võ khí mà các nước Phi châu này có trong tay để theo đuổi những cuộc chiến khủng khiếp từ nhiều năm nay.
Những cục đá rực rỡ trên tay những người phụ nữ mà chúng ta gặp trong những đám cưới, những đám tiệc sang trọng ở đây, có rất nhiều cục, nhìn kỹ còn thấy những vết máu của người Phi châu khốn nạn. Có những cục đã từng nằm trong hậu môn của những người phu mỏ Nam Phi khi những người phu này lén đánh cắp sau những buổi làm trong những mỏ kim cương như hình chụp trong một số báo National Geographic.
Những viên kim cương ấy có khi nằm trên những chiếc vương miện, những chiếc tiara, diadème... ngự trên những mái tóc, có khi trên những chiếc nhẫn ở những ngón tay...
Nghĩ như thế rồi liệu chúng ta có còn muốn đeo những viên kim cương này nữa không? Những người đàn ông nên nhắc những người đàn bà khi đứng trước những cửa hàng bán kim cương về những vết máu của những người dân Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia, Burkina Faso... Làm như thế, may ra những người phụ nữ nhân đức, biết thương người này sẽ chạy sang K-Mart mua đại cái nhẫn rẻ tiền đeo tạm để máu của những người dân Phi châu không bám vào tay của họ nữa, và có khi nhờ đó, mà máu người Phi châu sẽ bớt đổ chăng.
Hay lúc đó, lại nổi cơn... khát máu người dân Phi châu vô tội, lôi câu để đời của Zsa Zsa Gabor (*), sửa đi một chút để nói rằng "tôi chưa ghét một người đàn ông nào tới mức để từ chối cục kim cương của chàng", và đòi cho bằng được cục kim cương dư sức ném vỡ đầu con chó để mấy con mụ khác tức điên lên chơi?
_________________
(*) Câu nguyên văn của Zsa Zsa Gabor là "I never hated a man enough to give him diamonds back" đọc được trong tờ Observer số đề ngày 25 tháng 8 năm 1957.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 141)
THE VERB TO MATTER
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 141 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Tuần qua, chương trình nhận được e-mail của ông Phạm Mạnh Tuấn ở Boston muốn được nghe thêm về động từ TO MATTER và các từ ngữ liên quan đến động từ này.
BBT
Thực ra cũng đã có đôi lần tôi định nói về động từ TO MATTER này mà cứ quên đi. Hôm nay thì không thể quên được nữa.
Trong tiếng Anh có danh từ MATTER và cũng có động từ TO MATTER.
Trước hết hãy nói về danh từ MATTER . Khi là danh từ, MATTER có khá nhiều nghiã. MATTER có thể là chất, vật chất, vật thể. Thí dụ GRAY hay GREY MATTER là chất xám, là óc, là khả năng suy nghĩ, là khả năng, sức mạnh trí tuệ. Danh từ MATTER cũng có nghĩa là chủ đề, chuyện, việc, điều, vụ...Thí dụ MRS CLINTON DISCUSSED SEVERAL MATTERS WITH THE CHINESE GOVERNMENT. Có nhiều thứ MATTER. Thí dụ BI-LATERAL MATTERS là các vấn đề song phương; REGIONAL MATTERS là các vấn đề cấp vùng; MILITARY MATTERS là các vấn đề quân sự; DIPLOMATIC MATTERS là các vấn đề ngoại giao; ECONOMIC AND TRADE MATTERS là các vấn đề kinh tế, mậu dịch; EDUCATIONAL MATTERS là các vấn đề giáo dục vân vân.
Danh từ MATTER cũng có nghĩa là một khó khăn, một trở ngại, một vấn đề quan trọng nào đó. Thí dụ WHAT IS THE MATTER ? nghĩa là chuyện gì vậy, có gì rắc rối sao? WHAT IS THE MATTER WITH YOUR HAIR? Nghĩa là tóc của ông làm sao vậy? NOTHING (IS) THE MATTER nghĩa là không có gì quan trọng cả.
Danh từ MATTER còn có nghĩa là có hậu quả, có kết quả, nhưng thường được dùng trong những câu phủ định. Thí dụ NOTHING’S THE MATTER WITH HIS ACTIONS/ WORDS… nghĩa là những hành động, lời nói của ông ấy chẳng mang lại kết quả hay hậu quả nào cả.
TRÚC GIANG
Thưa chú, thỉnh thoảng cháu gửi mấy cuốn báo cho người bạn ở miền đông. Nhân viên bưu điện đề nghị gửi theo lối PRINTED MATTER cho rẻ. Vậy MATTER ở đây cũng là một trong những nghĩa của danh từ MATTER chú nói ở trên chứ?
BBT
Đúng rồi Trúc Giang. Đó là một nghĩa khác nữa của MATTER, là những ấn phẩm như sách hay báo, những thứ được in ấn. PRINTED MATTER là ấn phẩm. Cước phí để gửi PRINTED MATTER nhẹ hơn FIRST CLASS hay REGULAR MAIL nhiều. Trong những nơi đổ rác, người ta chia làm hai khu cho SOLID MATTER và LIQUID MATTER nghĩa là cho rác thuộc loại đặc và rác thuộc loại lỏng.
QA
Thưa anh, hôm nọ, QA đứng dưới bếp nghe mấy đứa con nói chuyện với nhau. Con em út không biết đang nói gì thì bị anh nó nói cho một câu nghe có vẻ đe dọa lắm rằng IT IS NOT A LAUGHING MATTER. Vậy thì LAUGHING MATTER là gì thưa anh?
BBT
LAUGHING MATTER, như cô có thể đoán được, nghĩa là chuyện cười, nhưng không phải là chuyện khôi hài, chuyện tiếu lâm. IT IS NO LAUGHING MATTER nghĩa là chuyện nghiêm trọng chứ không phải là chuyện cười. Thí dụ biến cố 30 tháng 4, theo QA có phải là A LAUGHING MATTER không?
QA
NO SIR, IT WAS THE DARK DAY OF OUR HISTORY. IT IS NO LAUGHING MATTER.
BBT
Trúc Giang thử làm một câu với LAUGHING MATTER coi.
TRÚC GIANG
TO SPEND FOUR YEARS IN A RE-EDUCATION CAMP IS NO LAUGHING MATTER .
BBT
Trúc Giang hiểu A MATTER OF TIME là gì nào?
TRÚC GIANG
Cháu hiểu A MATTER OF TIME là vấn đề thời gian, nghĩa là một chuyện gì đó bị coi là nhất định sẽ xẩy ra, chỉ còn vấn đề ngày giờ mà thôi. Thí dụ khi nói THE OLD MAN IS DYING. IT IS A MATTER OF TIME NOW.
BBT
QA cho nghe một thí dụ khác coi.
QA
IT IS JUST A MATTER OF TIME FOR COMMUNISM IN VIETNAM TO DIE OFF.
BBT
Thế khi chúng ta nói đó là chuyện sống chết, một chuyện rất quan trọng thì trong Anh ngữ sẽ nói thế nào, Trúc Giang biết không?
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ chắc là A MATTER OF LIFE AND DEATH.
BBT
Đúng rồi. Cứ dịch thẳng sang tiếng Anh là đúng chứ còn nói khác thế nào được nữa. Nhưng thế nào là chuyện sống chết, theo QA?
QA
FOR MANY VIETNAMESE, GETTING OUT OF VIETNAM AFTER APRIL 1975 WAS A MATTER OF LIFE AND DEATH.
TRÚC GIANG
Cháu thì nghĩ rằng FOR THE NEW GRADUATES, LANDING A JOB RIGHT AFTER SCHOOL IS A MATTER OF LIFE AND DEATH.
BBT
Nước Mỹ sắp đến bầu cử, người thì thích đảng Cộng Hòa, người thì sẽ bỏ phiếu cho Dân Chủ. Theo QA, đó là vấn đề gì?
QA
QA nghĩ đó là chuyện hệt như xấu đẹp tùy người đối diện, IT IS A MATTER OF OPINION phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Chúng ta, người thích ăn cơm Thái, người thích ăn sushi. Tại sao vậy Trúc Giang?
TRÚC GIANG
I THINK IT IS A MATTER OF CHOICE.
BBT
Đúng rồi. A MATTER OF OPINION là tùy theo sở thích, vấn đề là ý thích của mỗi người. A MATTER OF CHOICE là vấn đề lựa chọn của mỗi người.
Có một idiom tôi nghĩ hai cô đã phải nghe thấy vài ba lần rồi. Idiom này là AS A MATTER OF FACT. QA dùng thử IDIOM này với một câu của cô coi.
QA
AS A MATTER OF FACT, I ALWAYS WANT MY CHILDREN TO STUDY IN AMERICA.
BBT
Thế còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
AS A MATTER OF FACT, I WANTED A BOY BUT I LOVE MY THREE GIRLS ALL THE SAME.
BBT
Chúng ta, như hai cô đã biết, dùng idiom này để tạo sự chú ý của người nghe, để sửa soạn cho điều chúng ta định nói, AS A MATTER OF FACT nghĩa là sự thực là gì gì đó.
NO MATTER là bất kể, là dẫu cho thế nào hay gì gì đi chăng nữa… QA hiểu mấy câu này như thế nào: NO MATTER WHAT YOU DO, SAY, TELL ME…?
QA
NO MATTER WHAT YOU SAY nghĩa là bất kể, dẫu cho anh nói gì đi chăng nữa… NO MATTER WHAT I DO là bất kể tôi có làm gì đi chăng nữa… Thí dụ NO MATTER WHAT I DO, THEY WILL SAY I AM WRONG. NO MATTER WHAT YOU SAY, WE STILL THINK HE IS A GOOD MAN.
BBT
Trúc Giang làm thử hai câu như QA vừa làm coi.
TRÚC GIANG
NO MATTER WHAT WE TRY, THE CAR WILL NOT START.
NO MATTER WHAT SHE THINKS, WE STILL BELIEVE HE IS RIGHT.
BBT
Chúng ta qua một cách dùng khác nữa với NO MATTER, đó là cách dùng của NO MATTER HOW cũng tương tự như mấy thí dụ của hai cô vừa đưa ra. Thí dụ NO MATTER HOW MUCH MONEY WE HAVE, IT IS STILL NOT ENOUGH. QA cho nghe thí dụ của cô coi.
QA
NO MATTER HOW FAST WE WORK, WE WILL NOT FINISH THE JOB BY TONIGHT.
NO MATTER HOW THEY WALK, THEY STILL DO NOT LOOK RIGHT IN THESE EXPENSIVE DRESSES.
BBT
Còn Trúc Giang… NO MATTER HOW … cái gì đây?
TRÚC GIANG
NO MATTER HOW SWEET HE IS, SHE WILL NOT SAY "YES".
NO MATTER HOW LATE YOU STAY HE IS STILL NOT COMING.
BBT
Có những khi chúng ta không cần phải nói nguyên cả câu, chỉ cần NO MATTER WHAT hay NO MATTER HOW cũng là đủ. Ý được hiểu ngầm, không cần nói rõ. Thí dụ COME HERE TOMORROW NO MATTER WHAT. Hay GET A NEW PAIR OF SHOES NO MATTER HOW. QA cho nghe hai câu của cô coi.
QA
YOU HAVE TO FINISH YOUR HOMEWORK BEFORE GOING OUT, NO MATTER WHAT.
THEY ARE MOVING TO TEXAS, NO MATTER HOW.
TRÚC GIANG
I MUST GET TO HER SCHOOL BEFORE 5 P.M. NO MATTER WHAT.
MISTER OBAMA WANTS BIN LADEN DEAD NO MATTER HOW.
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang động từ TO MATTER. TO MATTER nghĩa là có tính cách quan trọng. Động từ TO MATTER là một TỰ ĐỘNG TỰ (INTRANSITIVE VERB) nghĩa là nó KHÔNG cần phải co túc từ đi theo sau.
Động từ TO MATTER với nghĩa vừa kể trên gần như bao giờ cũng được dùng trong những câu phủ định NEGATIVE. IT DOES NOT MATTER… Thí dụ IT DOES NOT MATTER IF HE CANNOT COME nghĩa là nếu ông ấy không đến được thì đó cũng không phải là chuyện quan trọng.
Trong câu hỏi, người ta nói thế này: DOES IT MATTER IF…?
QA cho nghe hai thí dụ với câu hỏi, rồi câu trả lời coi. Nhớ câu trả lời thường là NEGATIVE.
QA
DOES IT MATTER IF WE SKIP BREAKFAST? NO IT DOES NOT MATTER BECAUSE WE CAN ALWAYS STOP AT McDONALD’S.
DOES IT MATTER IF WE FORGET TO PUT A STAMP ON THE ENVELOPE?
NO, IT DOES NOT MATTER BECAUSE THE LETTER WILL BE RETURNED.
BBT
Nhưng chúng ta cũng có thể dùng AFFIRMATIVE để nói YES, IT DOES MATTER A LOT. IT MATTERS TO US, BECAUSE WE WILL BE HUNGRY. Và IT DOES MATTER VERY MUCH BECAUSE THE LETTER WILL BE RETURNED.
Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
DOES IT MATTER A LOT IF HE DOES NOT SPEAK SPANISH?
IT DOES NOT MATTER VERY MUCH BECAUSE ALL THE PEOPLE THERE SPEAK ENGLISH.
DOES IT MATTER IF WE ARRIVE LATE? YES, IT DOES MATTER A LOT BECAUSE THEY CANNOT START WITHOUT YOU.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.