Ngày 13 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Suýt nữa thì Giáng Sinh đã bị đánh cắp mất như tựa cuốn sách viết cho trẻ em của Dr Seuss, cuốn How The Grinch Stole Christmas.
The Grinch là một nhân vật khó ưa, ghét tất cả mọi thứ trên đời, chỉ muốn gây bực bội, phiền lòng người khác. Đặc biệt The Grinch cũng ghét Giáng Sinh nên có một năm, nó lấy trộm tất cả quà cáp, đèn nến, các vật trang hoàng trên những cây thông Giáng Sinh để cả thành phố không được vui trong mùa Giáng Sinh nữa.
Sơ luợc cốt truyện của Dr Seuss đại khái là như thế. Cuốn sách được rất nhiều trẻ em yêu mến. Nhưng người lớn hồi năm ngoái cũng vừa được thấy một chuyện không khác gì truyện của Dr Seuss.
Ở phi trường Seatac, phi trường quốc tế của Seattle, suýt nũa thì hình ảnh ấm cúng hạnh phúc của mùa Giáng Sinh bị lấy mất.
Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng nói như mấy câu của Kiên Giang thì "Lạy Chúa con là người ngoại đạo / Nhưng tin có Chúa ngự trên trời..."
Tin có Chúa ngự trên trời nên tôi rất thích Giáng Sinh. Mấy đứa con khi còn bé cứ sau Thanksgiving là bắt dựng cây Giáng Sinh lên để có chỗ bầy quà cáp cho chúng vui. Bây giờ, nhà chúng cũng có cây Giáng Sinh cho mấy đứa con của chúng mừng Giáng Sinh.
Chắc Phật cũng không phiền hà gì về cây Giáng Sinh trong nhà tôi hồi ấy. Hai ông Phật và Chúa đều tử tế, từ bi, nhân ái nên không phản đối chuyện chúng tôi làm.
Những cây Giáng Sinh bao giờ cũng đem lại cảm giác hạnh phúc, vui tươi như lời của bài hát Oh Christmas Tree: Much plaesure doth thou bring me!
Ở những vùng lạnh, cây Giáng Sinh đem lại mầu xanh cần thiết trong nhà vào những ngày lễ. Lấm tấm chút tuyết càng đẹp. Mấy Giáng Sinh tôi trải qua ở nam bán cầu hồi đầu những năm 60 không có tuyết lạnh, chúng tôi đành rủ nhau ra công viên nhẩy đầm nên không thể vui như ở bắc bán cầu.
Cây Giáng Sinh bao giờ cũng đem lại ngay cái không khí lễ lạc nên nhiều gia đình không theo đạo Thiên Chúa cũng thích có cây Giáng Sinh trong nhà.
Giáng Sinh năm ngoái, tại phi trường Seatac, một giáo sĩ Do Thái giáo tên là Elazar Bogomilsky đã yêu cầu ban quản đốc phi trường để cho ông đặt một cái Menorah bên cạnh cây Giáng Sinh ở cửa vào nhà khách của phi trường. Ban quản đốc nói là nếu để cho ông bầy cái Menorah của Do Thái giáo, cái giá nến 9 ngọn mà ngưòi theo đạo Do Thái dùng để thắp nến trong dịp lễ Hanukah, thì phi trường sẽ phải để thêm các biểu tượng của tất cả các tôn giáo khác. Ban quản đốc từ chối lời yêu cầu của ông. Ông rabbi Do Thái giáo này liền hăm kiện phi trường về thái độ mà ông gọi là kỳ thị đó.
Ban quản đốc phi trường sợ bị lôi vào một vụ kiện tốn tiền và thì giờ nên đã làm một quyết định là tháo gỡ cây Giáng Sinh ở phòng khách.
Thế nên cây Giáng Sinh cao gần 6 mét đã trang hoàng rất đẹp bị tháo xuống, đèn đóm trên cây cũng bị gỡ. Không cây cối, hoa đèn nữa để khỏi bị ông giáo sĩ Do Thái giáo làm rắc rối.
Ban quản đốc cho biết không đủ thì giờ để bầy thêm các biểu tượng tôn giáo khác đồng thời lại sợ bị kiện gây phiền nhiễu nên dẹp hết.
Những người nghe chuyện đều bất bình về trò chơi phá đám của ông giáo sĩ Do Thái giáo. Vì một đòi hỏi vô lý, ông đòi gây rối bằng một vụ kiện. Và vì lời hăm doạ kiện đó, Giáng Sinh ở phi trường Seatac bị hi-jack, bị cưỡng đoạt, như không tặc cướp máy bay đòi máy bay phài đi theo lộ trình của chúng.
Người ta cũng bất bình về quyết định của ban quản đốc phi trường.
Tại sao phải tháo gỡ cây Giáng Sinh chỉ vì lời hăm doạ kiện của ông giáo sĩ Do Thái giáo này? Tại sao không bảo vệ cây Giáng Sinh? Cứ để nguyên, thuê an ninh tới gác và kiện thì ra tòa coi làm gì nhau.
Nhưng cũng có người đồng ý với việc làm của ban quản đốc tháo gỡ luôn cây Giáng Sinh để cho mọi người thấy ai là người không chơi bảnh ỏ đây. Tranh chấp nhau ở tòa, ban quản đốc có thể bị ông giáo sĩ Do Thái chơi lá bài nạn nhân mà một số người Do Thái đã chơi rất thành công. Vậy thì chi bằng tháo gỡ luôn cây Giáng Sinh , luôn cả đèn đóm trang hoàng cho cây xuống.
Ban quản đốc đã chơi một đòn rất đẹp dựa rên căn bản của nhu đạo. Địch thủ ra đòn thì né, rồi lợi dụng đòn của chính địch thủ để phản công.
Cuối cùng ông giáo sĩ Do Thái phải đến gặp ban quản đốc phi trường yêu cầu cho dựng lại cây Giáng Sinh và nói rằng ông ta không đòi dẹp cây Giáng Sinh bao giờ. Ông đề nghị cho mượn một cái Menorah cao khoảng hai mét để ai muốn bầy thì bầy.
Không thấy có một cơ sở thương mại nào tại phi trường nhận đề nghị của ông.
Suýt nữa thì Giáng Sinh năm ngoái ở phi trường Seattle bị The Grinch lấy đi.
Không có ai đòi bầy cây Giáng Sinh bên cạnh cái Menorah của ông. Lại cũng không có ai đòi được bầy cây bồ đề cạnh cái Menorah của ông bao giờ.
Người Do Thái rất tốt. Lịch sử của họ có những đoạn hết sức đáng thương.
Tiếc là ông rabbi Elazar Bgomilsky suýt nũa làm hỏng hết những điều đó.
May quá, cây Giáng Sinh tại Seattle lại sáng lên rực rỡ.
Ngày 14 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Có lẽ không một sinh vật nào lại có thân phận tội nghiệp như những con gà tây. Mỗi năm, khoảng hơn ba trăm triệu con bị giết , phần lớn là để cho bàn tiệc Thanksgiving của người Mỹ.
Hội bảo vệ súc vật không bao giờ để mắt tới việc thẳng tay chém giết những con gà này. Lý do duy nhất chúng không bị tuyệt chủng là vì những con gà tây mái đưọc các trại dùng phương pháp nhân tạo để cho chúng đẻ trứng. Đẻ xong, trứng được đưa vào các máy ấp. Gà con nở ra, không được cha mẹ chăm sóc dẫn ra ngoài chuồng dậy bắt sâu kiếm ăn sống đời sống bình thường của các sinh vật thượng đế sinh ra cho sống trên mặt đất.
Gà tây con được cho ăn những thực phẩm đặc biệt để những bộ phận không cần thiết cho chúng, nhưng loài người rất ưa chuộng, được phát triển một cách bất bình thường để những cái ức lớn khác thường, hai cái đùi to một cách dị dạng nhưng cũng không đủ sức chống đỡ cái thân quá khổ của chúng.
Vừa lúc những con gà tây này đủ lớn, đủ trưởng thành để suy nghĩ về đời sống, về thân phận trong những chiếc chuồng rộng mênh mông, thực phẩm được dẫn vào tận chuồng để chúng chỉ biết ăn và bài tiết ngay tại chỗ, thì chúng bị đem ra tàn sát tập thể.
Khi tuổi xuân vừa chớm. Đủ tám tháng là đem giết khi thịt vừa đủ thơm và mềm.
Chúng bị giết trước khi được hưởng bất cứ một thú lạc thú, hạnh phúc nào trên đời.
Những con gà tây chưa kịp hát một bài tình ca, làm một bài thơ gửi cho những chị gà tây quen biết trong chuồng thì bị đưa đi lò sát sinh, đầu bị chặt, hai chân cũng bị chặt. Cánh cũng không còn nguyên. Chết không toàn thây. Rồi bị đem bọc vào những cái bao plastic, đem làm cho đông lạnh thành những cục thịt cứng như đá, chở tới các siêu thị bán cho người ta mang về bỏ vào lò thiêu sau khi tống vào bụng vài ba thứ khác.
Con cò trong ca dao Việt Nam còn nói được vài ba điều tuy thảm thiết nhưng vẫn là những lời cuối thương tâm:
Có sáo thì sáo nước trong
Chớ sáo nước đục đau lòng cò con
Đằng này những con gà tây thì bị đối xử như thế. Mấy năm gần đây, người ta bán những con dao điện để dùng cho việc cắt thịt chúng. Những con dao này chẳng phải là để cho cái chết của chúng bớt đau đớn, mà chỉ vì muốn việc phanh thây chúng được gọn gàng hơn, không tèm lem ra như những người đàn ông vụng về dốt nát chuyện bếp nưóc từng có lúc đã nghĩ tới việc dùng cái cưa để trong gara để cưa những cái xác gà trong bàn tiệc.
Làm lễ Tạ Ơn mà quay sang giết ba trăm triệu sinh mạng thì không nên chút nào.
Những con gà tây thật đáng tội nghiệp. Chúng rất thông minh, thế mà chúng bị coi là ngu si đần độn.
Đã có lúc chúng được một trong những người sáng lập ra nước Mỹ là Benjamin Franklin định dùng nó làm biểu tượng cho nưóc Mỹ trước khi được thay thế bằng con đại bàng sói đầu bald eagle.
Phải chi biểu tượng nước Mỹ là con gà tây thì quốc gia này đã hiền lành hơn một chút. Những con gà tây không tấn công ai bao giờ. Nước Mỹ có thể được yêu mến hơn ở nhiều quốc gia trên thế giói.
Nhưng chỉ vì thịt của nó, nó không được dùng làm biểu tượng của nước Mỹ nữa. Không lẽ cứ giết biểu tượng của quốc gia đem lên bàn nhậu thì coi sao được.
Chúng bị giết, mang lên bàn ăn trịnh trọng trong dịp lễ Tạ Ơn nhưng người ta không bao giò biết ơn nó.
Thịt của nó không nhiều cholesterol, lành hơn thịt của những con thú khác. Chúng cũng không được một lời khen tặng nào. Thương mà cái xương không còn thì thương làm gì.
Thịt chúng thực ra, cũng không ngon lành gì. Nhạt và vô duyên hết sức. Có thể là vì chúng không được cho đi bộ bao giờ nên chúng lại bị những con gà đi bộ qua mặt.
Bằng cớ là món phở không bao giờ thèm ngó ngàng gì tới chúng.
Ông Reagan bị những người không ưa chê ông già thì các họa sĩ biếm họa chỉ cần vẽ một cái mặt nhăn nheo răn rúm và cái cổ gà tây là giống ngay.
Ông Carter thì bị đối thủ chính trị gọi là gà tây, ý muốn nói là người thiếu thông minh.
Ngay cái tên của nó cũng lại là cái tên đầy sai lầm. Nó có ở Thổ Nhĩ Kỳ thật. Nhưng những con gà ở tân thế giới thì khác những con gà ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều. Tự nhiên vì những sai lầm của người di dân, chúng mang tên turkey, như những người da đỏ bị gọi lầm là Indian trong khi họ không có chút máu nào của các ông Nehru, Gandhi hay bà Indira.
Chúng không bao giờ được đưa vào một ca khúc, một bài thơ nào tử tế.
Con cuốc mang bao nhiêu hình ảnh đẹp trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, những đau lòng của người mất nước.
Con chim đa đa cũng được đưa vào một bản nhạc mặc dù nghe cũng chẳng hay ho gì nếu không nói là ngớ ngẩn rồi cũng được bao nhiêu người hát để hành hạ người nghe.
Nhưng con gà tây thì chỉ được đem ra đùa cợt như hai nhà văn Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 đã lôi cái tên gọi nó trong tiếng Pháp, le dindon, để xỏ xiên nhau, dậy nhau le dindon là cái … đỉnh đồng.
Vừa qua ngày Thanksgiving, chúng ta nên nghĩ vài điều tử tế cho con gà tây.
Thân phận nó có khá gì hơn cái phản ngả lưng cho thế gian nằm thế mà vẫn bị đặt cho cái tên là bất trung bất nghĩa.
Tội nghiệp những con gà tây vô cùng.
Ngày 15 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Mỗi năm, những ngày như hôm nay, cuối tháng 11 bước sang tháng 12 là những ngày hãi hùng nhất của tôi mặc dù từ hơn hai mươi năm nay, tôi nhất định không làm công việc mà tôi thấy là hết sức vô ích, chỉ làm giầu thêm cho công ty Hallmark và vài ba công ty khác chuyên sản xuất thiệp Giáng Sinh ở Mỹ.
Đó là việc gửi và nhận những tấm thiệp Giáng Sinh, công việc một vị linh mục tôi rất quí mến, linh mục T., cũng đồng ý là một việc làm vô ích, tốn tiền lại còn làm hại cho môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Mỗi năm, ở riêng nước Mỹ, hàng tỉ thiệp Giáng Sinh dân chúng gửi đi đã khiến cho bao nhiêu cây rừng bị đốn để dùng làm bột giấy chế tạo những tấm thiệp vô bổ này. Thế giới càng ngày càng mất đi những khu rừng, những lá phổi cần thiết cho đời sống của chúng ta cũng như các giống chim muông cùng sống trên trái đất này.
Mấy năm nay, để trấn an những người quan tâm về môi trường sống, một số các nhà sản xuất thiệp đã quay ra dùng những thứ vật liệu tái chế biến để làm giấy in thiệp.
Nhưng cứ nghĩ những thứ được dùng để tái chế biến làm thành thiệp, thì người ta lại thấy không nên dùng những thứ thiệp đó để gửi cho nhau nữa.
Làm sao biết được những tấm thiệp ấy không đưọc làm từ thứ giấy lấy từ những tờ báo nội dung không ra gì rồi được in lên đó những lời chúc Giáng Sinh?
Những lời chúc được in trên giấy chế từ những thứ báo chí bậy bạ đó có đáng để gửi cho nhau, để mang theo những lời chúc tốt đẹp không?
Người ta kể chuyện ông Vi Văn Định, một ông quan thời Tây đứng đầu tỉnh Thái Bình đã bắt một người đội cái nón mua về để đốt mã cho người thân gia đình làm từ một tờ báo Pháp có in hình một bà đầm cởi truồng chạy quanh sân cho chừa thói tin nhảm.
Biết đâu những tấm thiệp làm bằng vật liệu tái chế biến đó lại chẳng đến từ những trang báo từng in những hình ảnh nhảm nhí như thế.
Người nhận được những tấm thiệp đó có vui không?
Chắc là không. Thế thì tại sao lại gửi những tấm thiệp như vậy cho bạn bè của chúng ta?
Bây giờ nói đến những tấm thiệp và những hàng chữ in trong thiệp.
Các nhà sản xuất thiệp đều thuê những thợ viết ngồi nặn óc nghĩ ra những dòng chữ in trên thiệp. Thiệp gửi cho cha mẹ, ông bà con cái đều được viết sẵn. Luôn cả thiệp cho ông bà nội ngoại ghẻ, cha mẹ ghẻ, con ghẻ, anh chị em ghẻ, liên hệ kiểu gì cũng có. Thế rồi luôn cả những tấm thiệp gửi cho vợ, cho chồng, cho vợ cũ, cho chồng cũ, cho vợ cũ của chồng, cho chồng cũ của vợ, cho vợ mới của chồng cũ, cho chồng mới của vợ cũ, cho xếp trong sở, cho đồng nghiệp tử tế cũng như khốn nạn, cho bạn cùng lớp, cho cháu nội, cháu ngoại ruột và ghẻ đều được viết sẵn, chỉ cần nguệch ngoạc cái chữ ký vào là sẵn sàng gửi đi.
Nhận được những tấm thiệp như thế thì sung sướng nỗi gì? Những tấm thiệp với hàng chữ chúc mừng tiền chế đó quí báu ở chỗ nào?
It is the thought that counts. Trường hợp này càng đúng. Chính điều nghĩ trong đầu, trong tim, trong óc mới là điều quan trọng, đáng quí.
Nhận được những tấm thiệp tền chế như thế thì làm sao trả lời? Không lẽ viết lại vài hàng, khen người mua thiệp chọn được mấy câu ở tiệm nào mà hay quá, xin mách giùm năm tới còn đi mua. Hay sửa lại làm hai ba câu cải lương hát lên cho đèn đỏ chớp lung tung vì mùi mẫn? Hay là thú thật cũng mua cái thiệp giống hệt như vậy, chẳng lẽ gửi lại?
Tại sao phải gửi những tấm thiệp như thế? Thiếu sáng tạo đến như vậy sao?
Chính những tấm thiệp Giáng Sinh, Thanksgiving, năm mới làm lấy và viết lấy lại giá trị hơn là những thứ mua ở tiệm gửi đi mỗi cuối năm cho có chuyện biết là bao nhiêu.
Nhất là những tấm thiệp nguệch ngoạc, chữ bằng con gà của tác giả mang từ trường về nhà, trao vào tận tay, rồi níu cổ người nhận xuống hôn một cái ướt nhẹp mới là những tấm thiệp đáng nhận và đáng quí nhất.
Phải giữ lại những tấm thiệp ấy.
Thoắt mà đã hơn ba mươi năm từ khi nhận được những tấm thiệp vừa kể. Bao nhiễu lần dọn nhà tôi vẫn không để lạc mất những tấm thiệp ấy.
Mới đây, tôi đưa chúng lại cho con trai tôi vì biết chắc chắn nó sẽ không vứt đi, nó sẽ quí lắm. Nó cho hai đứa con gái nhỏ xem, và tuy bị hai đứa con chê là bố vẽ xấu, tôi biết bố chúng sẽ giữ kỹ mang về nhà.
Và bây giờ, tôi lại giữ mấy tấm thiệp của lũ cháu nội gửi cho.
Không dám nghĩ tới ba chục năm nữa. Nhưng năm năm, một chục năm nữa, đưa lại cho chúng, khi chúng mười bẩy, mười chín, chắc chúng sẽ thích lắm.
Mà những tấm thiệp như thế thì làm sao mà mua được ở ngoài tiệm.
Làm sao mà không sung sướng khi nhận được những tấm thiệp như thế?
Đến nay, tôi vẫn nhớ tấm thiệp của người bạn cùng lớp gửi cho mấy tháng ở Hà Nội trước chuyến di cư.
Tấm thiệp làm tại Pháp, hình vẽ chiếc xe của ông già Noel bay lượn trên cánh đồng tuyết phủ, những mảnh kim tuyến được rắc lên thiệp sáng lóng lánh. Tấm thiệp có hàng chữ nắn nót: "Chúc đằng ấy Joyeux Noel".
Tấm thiệp đã mất, bỏ quên trong tủ sách trên lầu căn nhà ở phố Sinh Từ Hà Nội.
Người bạn tên Tuyết ở phố Cửa Nam bây giờ đâu? Đã là bà nội bà ngoại bao nhiêu lần rồi? Vẫn còn là một người Hà Nội thanh lịch như ngày xưa hay đã trở thành một chị cán bộ già mặt mũi đanh ác, ghét cay ghét đắng cái nhà anh Nguỵ ác ôn đang ở miền tây nước Mỹ?
Vì thế, thỉnh thoảng nhận được cái thiệp Giáng Sinh thì cũng vui là vậy.
Ngày 16 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Trong những ngày như hôm nay, những ngày đáng lẽ những người thiện tâm của thế giới phải được bình an thì họ lại không hề được để cho bình an chút nào.
Một người đàn ông rất dễ ghét đang làm điên đầu những người đàn ông đàn bà thiện tâm cả năm chỉ biết đi làm cực nhọc để những ngày như hôm nay, đúng ra là từ hơn hai tuần nay, họ bị làm khổ không biết để đâu cho hết .
Họ bị cái tiếng cười hố hố của ông ta làm khổ. Những tiếng leng keng của nhũng cái chuông nhỏ đeo trên cổ những con tuần lộc kéo cái xe cho ông ta lại càng làm cho những người đàn ông và những người đàn bà thêm sốt ruột.
Sốt ruột vì một số chuyện biết là cần phải làm nhưng chưa làm được thì cứ bị hối thúc bằng tiếng cười, bằng tiếng nhạc trên chiếc xe của ông ta.
Ông dậy cho lũ trẻ trò tham nhũng hối lộ. Chúng không ngoan ngoãn vì ngoan ngoãn là việc chúng phải làm để vui lòng cha mẹ, mà chỉ là để được ông cho quà.
Chuyện này có thể làm hư những đứa bé. Cố gắng ngoan ngoãn rửa chân, đánh răng, rửa mặt trước khi đi ngủ là để được ông cho quà. Lỡ hư đốn thì vẫn cứ nói với ông là ngoan để được cho quà. Như thế, bọn trẻ còn đươc dậy để nói dối.
Mà ông có quà áp gì cho chúng nó đâu. Toàn là cha mẹ chúng phải lo quà cáp cho chúng. Chẳng lẽ thấy con cái háo hức như thế mà không quà cáp gì để sáng ngày 25 chúng thức dậy, không thấy gì dưới gốc cây thông chúng buồn nên chính cha mẹ chúng phải lo mua quà cho chúng.
Chúng còn được những cửa tiệm mướn mấy ông già mặc quần áo đỏ, đeo râu giả chỉ cách cho bọn trẻ làm khổ cha mẹ chúng. Đứa nào cũng đòi cái play station năm , sáu trăm bạc, hay không thì cái iPad gần bốn trăm đô la. Nếu không thì là con Elmo có lối cười hết sức nham nhở, cười lăn lộn, gập người lại, giẫy đành đạch. Trẻ con học cái kiểu cười đó rồi lớn lên sẽ như thế nào? Yểu điệu thục nữ thế nào được nữa!
Ông làm khổ cái ví tiền của cha mẹ lũ trẻ là như thế.
Tôi nghĩ chính phủ Mỹ phải cấm ông đến Mỹ. Ông không có thông hành, không thẻ xanh thẻ đỏ gì, cứ đêm khuya mới bắt chuớc các ông , các bà Mễ lẻn vào lãnh thổ Hoa kỳ.
Người đàn ông dễ ghét này có một số việc làm rất không lành mạnh nếu không nói là rất xấu xa nếu nhìn từ khía cạnh khoa học.
Cái mặt đỏ lấc của ông là dấu hiệu rõ ràng của bệnh cao máu. Đã thế ông lại không nghĩ tới chuyện giảm đi một ít cân lượng để cái bụng ba đứa trẻ ôm không xuể. Vậy mà ông vẫn tiếp tục ăn uống rất không lành mạnh. Đến nhà ai cũng đòi một ly sữa và mấy cái cookie. Nước Mỹ đang cố tìm cách dậy cho người dân cách ăn uống lành mạnh, thì ông ăn uống như vậy đó.
Những điều vừa nói mới chỉ mới đề cập tới chuyện ăn uống của ông.
Bây giờ xét đến vài ba việc làm khác của ông. Nghe nói ông ở Bắc Cực, có nguyên một xưởng làm đồ chơi với cả trăm ngưòi thợ. Những ngưòi thợ này đều có vóc dáng nhỏ bé, trông như những đứa bé khoảng 7 hay 8 tuổi.
Có thể họ nhiều tuổi, nhung thân hình nhỏ bé như những đứa bé thì việc thuê mướn những người thợ như thế thì có khác gì tệ nạn bóc lột sức lao động của trẻ em mà các nước trên thế giới đang cùng với Liên Hiệp Quốc tìm cách dẹp bỏ hay không?
Tôi tin rằng những người này không được tổ chức thành nghiệp đoàn để tự vệ và bênh vực cho mình. Rồi đã chắc gì ông đóng tiền social security cho những người thợ này. Họ có ngày nghỉ không, có bảo hiểm sức khỏe, có quĩ hưu trí không? Tôi không tin là họ được đối xử như những công nhân ở nước Mỹ. Có phải vì thế nên ông lập xưởng máy ở Bắc cực hệt như những doanh nhân độc ác mở xưởng may ở Samoa để bóc lột các công nhân không?
Những người thợ của ông làm việc vất vả suốt năm để làm những món đồ chơi không một đứa trẻ nào thích. Ông chở những món đồ chơi này nói là đem đi cho những đứa trẻ ngoan trên thế giới.
Nhưng người ta thấy rõ chiếc xe tuần lộc của ông không cách gì chở đưọc hết quà cho tất cả những đứa bé trên thế giới này.
Như vậy, chuyện cho quà của ông chỉ là một huyền thoại. Ông đâu có cho đứa bé nào cho dù là một món quà của ông?
Ông ghé lai chỉ cốt kiếm ly sữa và mấy cái cookie. Chỉ có thế, mà ông cũng làm khổ biết bao nhiêu người thiện tâm cuả thế giới.
Ông là ông già Noel, một người vi phạm bao nhiêu luật của nước Mỹ từ luật lao động đến luật di trú. Mà đó là chưa nói đến những gương xấu mà ông tạo ra cho những đứa bé. Trong buổi tối ai cũng ở nhà với gia đình thì ông bỏ bà già Noel ở nhà, lấy xe trượt tuyết đi kiếm ly sữa và mấy cái cookie.
Nhưng đó là nói chơi vậy thôi chứ tôi yêu ông già Noel vô cùng. Yêu ông rồi lại còn phải mua quà cho mấy đứa cháu nội ngoại, rồi nói là của ông già Noel mua cho chúng để chờ chúng nó cho mấy cái hôn ướt nhẹp. Không có ông, làm sao được mấy cái ôm cổ của lũ cháu khi đem quà đến cho chúng, nói là của ông già Noel nhờ mang lại.
Và nói dối với chúng bằng mấy câu lục bát cùa Trần Trung Phương :
Đêm qua có đức cha già
Trên trời lén xuống ban quà trẻ con
Giáng Sinh gần kề, xin vinh danh Chúa cả trên trời
bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Ngày 17 tháng 12 năm 2010
Bạn ta,
Hình như chúng ta càng ngày càng trẻ ra. Không cần phải uống sữa ong chúa, bôi vài ba chục lọ kem dưỡng da, rồi lại cả hộp Shisedo đắp lên mặt mỗi tối, hay để hai lát dưa chuột lên mắt và vài ba tháng đi chích Botox một lần, chúng ta vẫn đang càng ngày càng trẻ ra.
Thượng nghị sĩ John McCain lúc đã 71 tuổi vẫn ra tranh cử tổng thống.
Ông Reagan khi tranh cử tổng thống bị đối thủ coi là già, ông nói với ứng cử viên Mondale rằng ông không bao giờ đem chuyện tuổi tác (của ông Mondale) ra nói để bị coi là kỳ thị. Ý nói ông không già, chỉ có ông Mondale trẻ (người non dạ) mà thôi.
Ông Reagan đắc cử, ngồi ở ghế tổng thống hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm.
Sáng hôm qua, trong chương trình ABC, Diane Sawyer mặc một chiếc áo vàng tươi và một chiếc váy nhiều mầu sặc sỡ. Nàng tuổi tác ít ra cũng phải đã ngoài 60. Những mầu sắc như thế trước đây, ở tuổi nàng, ai dám mặc.
Cách đây ít năm, cứ khoảng ngoài 40 là người ta phải chọn những mầu nào coi cho "nhã" một chút để khỏi bị chê là trẻ quá. Đó là những mầu nâu, mầu xám, mầu tím than. Sơ mi thì cứ mầu trắng, ca vát đỏ sậm, hay nâu đậm cho đạo mạo.
Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence vừa quàng vào cổ cái ca vát mầu hơi tươi một chút đã bị vợ cằn nhằn là sao lại chọn chiếc ca vát mầu quá trẻ đó.
Vai Fernandel đóng trong phim là một người đàn ông mới 40 tuổi. Hôm sau, người phụ nữ trẻ chàng gặp trong chuyến xe hàng thì lại nói tại sao chàng đeo chiếc ca vát mầu già như thế, phải đeo mầu tươi hơn mới được.
Như vậy là chúng ta bị những người chung quanh bắt phải già. Ngoài bốn mươi, ông bố tôi đã được, thực ra không biết phải nói là được hay bị, gọi là cụ. Cụ giáo, cụ hiệu trưởng, cụ thanh tra. Thôi thì cho đó là chuyện gọi chức vụ đi. Nhưng chúng ta quả là đã bị những người chung quanh bắt là già đi.
Năm mươi tuổi Nguyễn Khuyến lên lão, đã vườn Bùi chốn cũ lụ khụ trở về nghỉ hưu. Bây giờ năm mươi ai dám nói là già?
Báo Orange County Register mấy tuần trước có bài viết về một cặp tân hôn. Tân lang 100 tuổi. Tân giai nhân 90 tuổi. Chúc hai người chúc gì? Bách niên giai lão chăng? Cụ ông đã một trăm rồi còn chi? Chúc hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long ư ? Cả hai mái đầu đều đã bạc. Mấy hàm răng không thể long được nữa. Có thể tháo ra để đầu giường mỗi tối chứ long ở đâu mà long.
Đọc những trang tìm bạn trên các báo người ta đọc thấy những lời rao tìm bạn của những người trên 60 kiếm nhũng người cũng trên 60. Nhớ lại mấy chục năm trước, khi ông cụ tôi và các bạn của cụ bằng tuổi ấy, có ai dám làm chuyện đó đâu. Gợi ý ra với các cụ là bị gạt phắt đi ngay lập tức.
Bây giờ, các cụ vẫn còn rối rít tìm nhau làm con cháu chóng cả mặt. Tại một cư xá của các cụ ở Virginia, những vụ đánh ghen lại thỉnh thoảng diễn ra vì cụ ông tránh một cụ bà ở lầu 2 để dùng bữa với cụ bà khác ở một lầu khác.
Một bản tin truyền hình nói là sáu mươi tuổi bây giờ là 40 tuổi của hồi cách đây 20 năm. Như vậy, 70 tuổi nay chỉ là 50 tuổi chứ già ở chỗ nào. Tuổi 70 vẫn lái xe ào ào, vẫn nhuộm tóc, đeo tóc giả đi nhẩy đầm, kiếm bạn trai cũng như bạn gái, làm đám cưới linh đình, rồi lại còn ra tranh cử tổng thống và tin chắc là nếu đắc cử, sẽ ngồi ở tòa Bạch Ốc ít nhất 4 năm nữa.
Bởi thế, Diane Sawyer ngoài 60 vẫn quần áo rực rỡ, bầy chân cẳng ra như mới hai mươi mấy. Không ai bắt bẻ rằng ngoại lục tuần rồi mà còn áo quần xí xọn.
Những người đàn ông và những người đàn bà bỗng thấy cái ca vát mầu tươi, cái áo rực rỡ, bộ suit mầu nhạt, đôi giầy mầu đỏ, mầu vàng trở nên mời gọi hơn, muốn vào tiệm mang về nhà cho tiện việc sổ sách.
Nhìn chung quanh chắc chúng ta cũng đã thấy những đổi thay như thế. Không còn phải kiếm những thứ mầu đậm, ảm đạm nữa. Phải kiếm cái ca vát, cái áo tươi một chút. Tại sao phải đạo mạo? Tại sao phải già? Tại sao phải chọn cái mầu cho nhã? Tuổi tác là cái gì? Là mấy con số thôi chứ là cái gì.
Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta
Già ư? Cứ để cho anh nhận hết. Còn em? Cứ tuổi nhỏ như thơ ông Mai Thảo. Và mặc kệ cho trăm ngọn gió thổi vào cõi đời còn xanh biếc của chúng ta.
Cõi biếc ấy là cõi không già, không có tuổi vậy.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 95)
HAPPY NEW YEAR!
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 95 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị. Hình như Thúy có câu hỏi.
LÃM THÚY:
Thưa anh, mấy hôm nay, Thúy thấy con trai lớn của Thúy cứ xầm xì với các em về một chuyện gì mà Thúy không biết, nghe lõm bõm thấy chúng nhắc đi nhắc lại chữ SOLUTION thì phải. Không biết mấy đứa âm mưu chuyện gì đây.
BBT
Chắc cô nghe lầm. Có thể không phải SOLUTION đâu. SOLUTION là giải pháp, là cách hay việc giải quyết một vấn đề. Tôi nghĩ các cô các cậu nói với nhau về cái RESOLUTION thì đúng hơn.
QA
Nếu đó là RESOLUTION thì QA hơi ngạc nhiên tại sao con của Thúy lại nói chuyện về những cái nghị quyết, như những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và việc Iran và Bắc Hàn vi phạm những nghị quyết này để bị trừng phạt. Sao con Thúy lại chính trị quá như thế hả Thúy.
BBT
Cô QA đúng là người đọc tin tức cho đài phát thanh và truyền hình. Nói đến RESOLUTION là nghĩ ngay đến nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng danh từ RESOLUTION có nhiều nghĩa. Nghĩa của RESOLUTION cô vừa nói là nghị quyết, là những văn bản ghi xuống những đòi hỏi mà Liên Hiệp Quốc đòi Iran và Bắc Hàn phải tuân thủ trong vấn đề nguyên tử. Đó là RESOLUTION trong các bản tin thế giới. Tôi chắc các con của Thúy không nói với nhau về những nghị quyết đó. Chắc là mấy anh em nói với nhau về một danh sách những điều chúng định làm trong năm cho mẹ vui thì đúng hơn. Thí dụ quyết tâm sẽ dậy sớm, làm giường, quần áo thay ra bỏ vào giỏ đựng quần áo giặt, tự động hút bụi mỗi sáng thứ bẩy, rửa xe cho mẹ … phải không ?
LÃM THÚY:
I WISH. Thúy nghe anh nói cứ như là truyện thần tiên không bằng. Không bao giờ có chuyện đó đâu QA.
BBT
Tôi nghĩ đó có thể là cái RESOLUTION các con Thúy bàn với nhau để viết xuống.
QA
Nhưng rồi sẽ được bao nhiêu ngày trước khi cái RESOLUTION ấy biến thành cái tầu bay giấy bay ra cửa, một đi không trở lại?
BBT
Chắc cô định nói về tôi và những cái RESOLUTION tôi viết . Đúng là như thế. Nhưng chẳng phải chỉ có một mình tôi. Có người đã nói những cái RESOLUTION là những thứ có đời sống ngắn nhất. Đó cũng chỉ vì người viết muốn làm quá nhiều điều tốt đẹp nên những lời tự hứa đó khó giữ được cho đúng, để rồi người viết lại vi phạm, lại không tuân thủ, nhưng may quá, không có ai áp dụng các biện pháp chế tài và trừng phạt đối với những người vi phạm những điều tâm nguyện này như Liên Hiệp Quốc đã làm đối với Iran và Bắc Hàn. Nhưng trừng phạt thì trừng phạt, vi phạm vẫn vi phạm như Iran và Bắc Triều Tiên mà cô QA vừa nhắc ở trên.
LÃM THÚY
Nhưng thưa anh, bộ ai cũng viết RESOLUTUON cả hay sao?
BBT
Không phải tất cả đều viết xuống. Nhiều khi chỉ tâm niệm trong lòng mà thôi. Tự nhủ, tự nhắc mình, quyết định là TO RESOLVE. Hai cô đã biết TO MAKE UP ONE’S MIND rồi chứ. QA cho nghe hai thí dụ với TO MAKE UP ONE’S MIND coi.
QA
I LIKE BOTH DRESSES. BUT I HAVE TO MAKE UP MY MIND QUICKLY.
PLEASE READ THE MENU AND MAKE UP YOUR MIND WHAT TO ORDER.
BBT
Còn cô Thúy?
LÃM THÚY
I MUST MAKE UP MY MIND WHAT NAIL POLISH TO WEAR.
IT DOES NOT TAKE A LONG TIME FOR HER TO MAKE UP HER MIND ABOUT HIM
BBT
TO MAKE UP ONE’S MIND cũng đồng nghĩa với TO DETERMINE. TO DETERMINE là quyết định. DETERMINATION là sự quyết định. SELF-DETERMINATION là gì, đố cô Thúy.
LÃM THÚY
SELF là tự, tự mình. Thúy nhớ ở cây xăng có chữ này: SELF SERVICE là tự mình đổ xăng lấy. Vậy SELF DETERMINATION là tự mình quyết định, là tự quyết.
QA
QA cũng đã nghe SELF SERVE, SELF HELP và SELF MADE MILLIONAIRE . Cái lò của QA mua năm ngoái là một cái SELF CLEANING OVEN. Giá có cái SELF PARK CAR thì hay biết mấy.
BBT
Đã có rồi thưa hai cô. Rồi, như vậy là xong hai động từ nghĩa là quyết định. TO RESOLVE cũng là quyết định, quyết tâm. TO RESOLVE là TO MAKE RESOLUTION, là TO DETERMINE và TO MAKE UP ONE’S MIND.
QA
Ông thầy có viết RESOLUTION mỗi cuối năm không?
BBT
Có. I ALWAYS MAKE GOOD RESOLUTIONS BUT RARELY CARRY THEM OUT. TO CARRY (SOMETHING) OUT là thực hiện. Thí dụ TO CARRY OUT A PROMISE; TO CARRY OUT A PLAN; TO CARRY OUT A RESOLUTION. Hai cô có MAKE RESOLUTION không?
LÃM THÚY
I MAKE A RESOLUTION TO BE FIRM WITH THE KIDS.
MY DAUGHTER MAKES A RESOLUTION NOT TO STAY UP PAST MIDNIGHT ON SATURDAYS.
QA
I MAKE A RESOLUTION NOT TO SPOIL MY SON.
MY ELDER DAUGHTER MAKES A RESOLUTION TO HELP HER SISTER WITH HER COLLEGE APPLICATIONS.
BBT
Sau khi đưa ra những tâm nguyện thì người ta phải làm gì, cô Thúy?
LÃM THÚY
Chắc là phải tôn trọng những điều tâm nguyện đó. Tôn trọng là TO RESPECT phải không thầy?
BBT
Tôi nghĩ TO RESPECT không hay lắm. Tại sao không dùng TO STICK TO? TO STICK là dính, là không buông ra. TO STICK TO THERESOLUTIONS nghe đúng hơn là TO RESPECT. Cô Thúy dùng TO STICK TO trong một câu nghe thử coi.
LÃM THÚY
AT THE MEETING, HE STICKS TO HIS IDEAS.
BBT
Đúng lắm. Còn QA?
QA
PRESIDENT OBAMA TRIED TO STICK TO HIS PROMISES.
ONCE YOU HAVE MADE UP YOUR MIND ABOUT SOMETHING, YOU MUST STICK TO IT. Thế còn không tôn trọng, không làm đúng những tâm nguyện đó thì chúng ta dùng động từ gì thưa anh?
BBT
TO VIOLATE là vi phạm. Vi phạm hiệp ước là TO VIOLATE THE AGREEMENT. Vi phạm cam kết là TO VIOLATE ONE’S COMMITMENT. Vi phạm nhân quyền là TO VIOLATE HUMAN RIGHTS. Vi phạm công pháp quốc tế là TO VIOLATE INTERNATIONAL LAWS. Vi phạm không phận là TO VIOLATE AIR SPACE…
Bây giờ hai cô thử đưa ra một hai quyết tâm cho năm mới coi.
LÃM THÚY
I RESOLVE TO EXERCISE MORE. I RESOLVE TO WORRY LESS.
BBT
Cả hai quyết tâm của cô đều hay cả. Còn QA?
QA
I RESOLVE TO RELAX MORE. I RESOLVE NOT TO WORK TOO HARD. Còn ông thầy?
BBT
I RESOLVE TO BE EASY WITH EVERYTHING.
I RESOLVE TO HATE BEER.
LÃM THÚY
Nghe không lọt tai chút nào phải không QA? Thưa anh nhân gần hết năm, Thúy muốn anh dậy cho một ít idioms với YEAR. Đầu tiên, tống cựu nghênh tân, tiễn năm cũ, đón năm mới người Anh và người Mỹ dùng động từ gì?
BBT
Cám ơn cô hỏi câu này vì suýt nữa tôi quên.
Vào lúc cuối năm, nhiều nơi có tục rung chuông nhà thờ để tiễn năm cũ. Thế rồi lại đón năm mới bằng một hồi chuông nữa nên người ta nói RING OUT THE OLD YEAR và RING IN THE NEW YEAR.
Có một thành ngữ này trong tiếng Anh nghĩa rất khác tiếng Việt. Ngàn năm, A THOUSAND YEARS. Trong tiếng Việt, chúng ta nói THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM nghĩa là thương lắm, thương lâu lắm, thương nhiều lắm. Nhưng trong tiếng Anh, A THOUSAND YEARS thường đi với NEVER để thành không bao giờ.
I WILL NOT TALK TO HIM AGAIN, NEVER IN A THOUSAND YEARS hay NOT IN A THOUSAND YEARS.
Hồi thập niên 50 có một cuốn phim của Marilyn Monroe nhan đề THE SEVEN YEAR ITCH. Tên cuốn phim nói đến một hiện tượng thường thấy trong một số những cuộc hôn nhân, đó là hai người sau khi ở với nhau 7 năm, một trong hai sẽ chán người kia và chán cả cuộc sống vợ chồng. Thí dụ khi nói HE GOT THE SEVEN YEAR ITCH nghĩa là ông ta chán cơm canh ở nhà và muốn đi … lang thang ra ngoài .
Thành ngữ này thì tôi chịu thua, không hiểu tại sao tiếng Anh lại nói như thế: DONKEY’S YEARS. Nghĩa của nó chỉ là lâu lắm. Nhưng con lừa không phải là một con vật có tuổi thọ dài . Vậy mà người ta lại nói I HAVE KNOWN HIM FOR DONKEY’S YEARS.
QA
Thưa anh, người Mỹ có nói mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi không?
BBT
Không nhưng họ có thành ngữ TO GET ON IN YEARS nghĩa là già. HE IS GETTING ON IN YEARS. Khi nói nhiều tuổi, hay già thì có hai thành ngữ UP IN YEARS và WELL UP IN YEARS .
TO PUT YEARS ON là làm cho già đi. Thí dụ THE FALL OF SAIGON PUTS YEARS ON HIM nghĩa là chuyện Sài Gòn thất thủ làm cho ông ấy già đi rất nhiều như nhân vật Ngũ Tử Tư chỉ sau một đêm tóc đã bạc trắng. Trái với TO PUT YEARS ON là TO TAKE YEARS OFF, thí dụ THE DIVORCE TAKES YEARS OFF HER.
LÃM THÚY
Thúy có cô bạn, sau mấy năm gặp lại, cô ấy trẻ đi cả chục tuổi. PLASTIC SURGERY TOOKS YEARS OFF HER.
QA
SICKNESS PUT AT LEAST TEN YEARS ON HIM.
BBT
YEAR AFTER YEAR và YEAR IN, YEAR OUT hay IN YEARS đều có nghĩa là lâu lắm, nhiều năm lắm.
LÃM THÚY
Thưa anh, người Mỹ có ví tuổi già là mùa thu hay mùa đông như trong tiếng Việt không ?
BBT
Có. Thí dụ IN HIS AUTUMN YEARS, HE MOVED TO FLORIDA. Cũng có thể nói IN HIS SUNSET YEARS. Một cách nói khác nữa là IN HIS TWILIGHT YEARS. SUNSET là hoàng hôn. TWILIGHT là lúc trời chạng vạng tối.
Thế bây giờ tôi hỏi hai cô HAPPY NEAR YOU là gì nào?
QA
Là nói lái của HAPPY NEW YEAR đúng không thưa thầy?
Vậy thì QA và Lãm Thúy cũng nhân đây chúc quí vị HAPPY NEW YEAR và HAPPY NEAR YOU luôn. Đến đây, bài học Anh ngữ thứ 95 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television cũng tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.