Ngày 23 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Một bài báo tôi đọc được tuần trước lại đã nói về những khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.
Lần này, những sự khác biệt là ở cái buồng tắm, hay nói đúng ra, cái nhà cầu. Gọi nó là cái buồng tắm (bathroom) cho thanh tao và lịch sự vì nó còn phục vụ cả những chuyện khác trong đời sống của chúng ta nữa mà không tiện nói ra trong những lúc chúng ta là những người văn minh và lịch sự.
Có khi nó đưọc gọi là cái phòng rửa tay (lavatory), cái tẩy thủ sở như trong tiếng Hoa. Có khi nó được gọi là cái powder room, nơi phụ nữ có thể vào để giậm lại chút phấn, chút son để "ngạo với nhân gian một nụ cười".
Một nửa nhân loại coi nó là căn phòng nhỏ nhất trong nhà, hữu ích nhưng không nằm trên đầu danh sách của những nơi cần đưọc trang trí đẹp nhất trong nhà.
Nửa kia của nhân loại thì nó là nơi thiêng liêng nhất, nơi tiện nghi nhất, sạch sẽ nhất, được chùi rửa kỹ nhất, nơi trú ẩn an toàn nhất.
Nửa trên của nhân loại là những ngưởi đàn ông.
Nửa dưới là những người đàn bà.
Trong nhà của một người đàn ông ở một mình, nó trơ trụi đến tội nghiệp mà nếu thỉnh thoảng bốn, năm tuần không có một người phụ nữ Mễ tới dọn dẹp thì nó sẽ là nơi nhốt tù nhân hữu hiệu hơn là đem tới căn cứ Guantanamo. Ngay cả trại tù Abu Ghraib ở ngoại ô Baghdad cũng không thể kinh khủng như vậy. Trên cái mặt bàn của bồn rửa mặt là những con dao cạo râu đáng lẽ dùng vài lần thì phải quăng đi thì vẫn được cho nằm nguyên ở đó. Tuýp thuốc đánh răng, một cái bàn chải. Có cái (bàn chải) thứ hai mà khi khách khứa lại thăm là có thể bị hạch hỏi hết đường chối cãi. Mấy chai eau de Cologne, after shave, nước hoa , nước hoét để các chàng che dấu cái tính lười tắm, cái khăn tắm lỡ rơi xuống đất người ở ngoài nghe có thể tưởng có người té trong buồng tắm kỳ thực chỉ vì nó ít được giặt. Trên sàn thì tóc rụng đầy, tơi tả như lá thu.
Phòng tắm của phụ nũ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành. Tại sao cần nhiều khăn tắm xếp gọn ở một góc trong khi chỉ cần một cái thì không ai hiểu nổi. Mặt bàn rửa mặt là một tiệm chạp phô bầy đủ mọi thứ, hơn một chục loại son, mầu son, dầu xoa tay, gội đầu, bông rửa mặt, lược năm bẩy cái, phấn vài ba loại, hoa khô, giấy lau tay, giỏ rác vân vân...
Đàn ông không bao giờ nhiều thứ như thế. Nhưng chúng tôi có báo và sách, những cuốn sách hay nhất, đáng đọc nhất đều được đọc ở trong buồng tắm. Câu nói đầy khinh bỉ và miệt thị rằng cuốn sách X, Y, Z chỉ đáng đọc ở nhà cầu hồi mấy chục năm trước thì nay lại là câu khen ngợi hết lời.
Chính ở đó, các tác phẩm văn chương lẫy lừng nhất được đem ra đọc. Tác giả nếu ghé thăm thấy sách của mình trong buồng tắm của chủ nhà thì nên mừng và tiếp tục gủi tặng thay vì bực bã tông cửa ra về, thề không bao giờ đến thăm người đàn ông thất học, thiếu văn hóa và không văn học nghệ thuật chút nào nữa. Sự thực, người đàn ông chủ nhà, trái lại, là người rất yêu quí chữ nghĩa và văn học.
Những khác biệt không chỉ ở cái buồng tắm, mà còn ở cái phòng ngủ nữa.
Cái phòng ngủ của những người đàn ông ở một mình không bao giờ là nơi chốn được trang hoàng đẹp nhất trong nhà. Có cái giường với chân giường tử tế là văn minh rồi. Không thì cái nệm quăng dưới sàn cũng đã là giỏi. Ngày xưa, một tàu lá chuối che sương cũng vừa rồi mà.
Cái giường rất ít khi được làm cho gọn gàng. Tại sao phải xếp lại đống chăn gối cho ngay ngắn, phủ cái couvre lit lên cho đẹp rồi buổi tối lại chui vào làm xáo trộn chăn mền trở lại. Cứ để nguyên như thế, buổi sáng trước khi đi làm, đảo qua và chào cái giuờng "See you tonight," hẹn gặp lại vào buổi tối là đủ rồi, tại sao phải làm một công việc vô ích là trải lại tấm khăn trải giường, xếp lại cái gối cho ngay ngắn? Quần áo còn nhón từng cái trong máy sấy ra dùng mỗi sáng thì tại sao phải làm giường?
Tưởng tượng một cái phòng ngủ thơm mùi hoa khô và mùi nến, cái khăn phủ trên giường mầu sắc điệu bộ, những cái gối xếp ngay ngắn, hai chiếc đèn ngủ có những cái chụp đèn rất đẹp mà lại là cái phòng ngủ của một người đàn ông thì không được chút nào. Trông nó có vẻ sửa soạn (?) quá, không tự nhiên, như có một vài toan tính (?) gì đó cho cái giường ngủ. Toàn những toan tính gian ác.
Tại sao không để bừa ra? Có người hỏi sao bừa bãi như thế thì trả lời rằng nào có ai héo lánh đến đây đâu (?) mà sửa soạn. Như thế, điểm hạnh kiểm lại được tăng thêm chứ có bị trừ đi mất điểm nào đâu.
Phòng ngủ của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành, sạch sẽ và thơm phức, khăn trải giường, áo gối đẹp, phẳng phiu thơm phức.
Không ai hỏi tại sao phải mất công như thế, mất công sửa soạn cái phòng ngủ cho đẹp như vậy.
Bao giờ cũng là một sự thán phục ngầm: bàn tay phụ nữ có khác.
Thế nên những cái buồng tắm, những cái buồng ngủ của những người đàn ông vẫn bừa bộn, thiếu chăm sóc, dọn dẹp.
Và những cái buồng tắm kia, những cái buồng ngủ kia vẫn được o bé, săn sóc cẩn thận.
Ngày 24 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Chuyện xếp hạng phim ảnh, nước Mỹ đã làm từ lâu để phụ huynh khỏi phải thỉnh thoảng hốt hoảng quay sang lấy tay bịt mắt mấy đứa con ngồi cạnh khi thấy những cảnh trên màn ảnh không mấy thích hợp cho những đứa bé (đã hiểu hết mọi chuyện nhưng không thèm nói ra cho cha mẹ chúng biết.)
Phim R thì nhất định không thể cho chúng đi xem. Phim PG thì phải có người lớn đi cùng để giải thích những đoạn cha mẹ coi là khó hiểu (?) nhưng con cái đã biết rất rành rẽ. Phim G thì tha hồ dẫn con nhỏ đi coi, không phải lo sợ đầu óc trong sáng của chúng bị làm bẩn vì những cảnh chúng đã xem đi xem lại nhiều lần.
Đó là phim ảnh. Nhạc thì cũng đã có cố gắng của một số phụ huynh, như bà Gore, phu nhân cựu phó tổng thống Al Gore đã làm, để buộc các nhà sản xuất đĩa nhạc ghi mấy lời cảnh cáo ngoài bìa đĩa hát rằng lời ca không thích hợp cho các em nhỏ.
Nhưng đó là nhạc Mỹ, những bản nhạc phụ huynh nghe không hiểu gì hết trong khi lũ trẻ thì nghe đầy tai những câu hô hào giết cảnh sát, hiếp mấy cô bạn gái mà họ gọi là mấy con đĩ vân vân.
Nhạc Việt thì chưa có bất cứ một nỗ lực nào làm như vậy nhưng không phải là không cần làm. Nhạc Việt không thấy dùng những thứ ngôn ngữ, hình ảnh ghê rợn như nhạc rap của Mỹ để cần những lời cảnh cáo như bà Gore hô hào.
Nhưng nhiều ca khúc của chúng ta có thể cũng cần những lời cảnh cáo ghi trên bìa CD.
Thí dụ ngoài bìa đĩa hát hay bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương thì phải ghi rõ là không bao giờ nên hát tặng bạn bè chẳng hạn. Bài hát có phần lời ca bầy ra tất cả những cảnh tan nát… Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về ngày cũ vân vân. Rồi em ở đâu, anh ở đâu, có chăng mưa sầu … nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất … đôi khi tôi muốn tin có những người khóc lẻ loi một mình …
Lời ca như thế, tang tóc là như vậy, biệt ly, đứt đoạn, bất hạnh như thế thì nỡ lòng nào hát tặng bạn bè trong đám cưới, tại lễ mừng kỷ niệm hôn lễ, hay đánh dấu vài chục năm quen biết chẳng hạn.
Bài hát nên được ghi rõ là không thích hợp để hát tặng nhau trong những ngày vui để tránh những trường hợp người hát mà không hiểu lời ca của ca khúc.
Bài Nghe Những Tàn Phai của Trịnh Công Sơn là một bài ca nhạc sĩ viết thế nào thì cứ hát như vậy, đổi một chút là hố to.
Lời ca đưa ra những hình ảnh tuyệt đẹp, rã rời, đau sót của buổi tối trở về, đời đi ngang như những chuyến xe, lúc chia tay, những tiếng động mơ hồ, men rượu tan dưới chân, quán vắng bàn ghế còn giữ lại hơi người mới chia tay…
Một giọng hát nọ đọc phần lời ca và thấy tất cả đều là những hình ảnh rất lãng mạn, mà lại để cho một phụ nữ xưng em hát thì uổng vô cùng. Thế là chàng đem thu thanh bài hát, xưng anh ngọt sớt từ đầu đến cuối… Chiều nay anh ra phố về , thấy đời mình là những chuyến xe… có ai đi về giữa đêm khuya, rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ, vòng tay quen hơi băng giá …
Chàng nhìn ngay thấy chàng trong những lời ca ấy. Chàng hát thoải mái, thấy có rượu, có quán không, có bàn tay ôm … Thì thôi đúng là chàng rồi còn chi nữa. Chàng hát bài ca, tưởng tượng chính chàng là người trong bài hát, tâm sự chàng gửi đi nhờ lời ca sửa đổi đi một chút. Có điều thực ra, đại danh từ em trong bài hát là ngôi thứ ba, không bao giờ là ngôi thứ nhất. Mà tâm sự ấy, cảnh sống ấy là cảnh sống của một người phụ nữ làm một công việc hết sức khổ nhục.
Người đàn ông thu thanh bài hát, nghĩ là thay "em" bằng "anh" ngôi thứ nhất là để gửi mình vào tâm sự của ca khúc ấy thì người nghe lại thấy chàng là một người đàn ông làm nghề … đĩ đực.
Khổ thân chàng. Vì thế, bài hát này phải được ghi rõ là đàn ông muốn hát thì cứ để nguyên đại danh tự "em" mà hát. Đổi thành anh là có cách kiếm tiền mới rồi đấy.
Nữ nhạc sĩ Diệu Hương có một ca khúc được nhiều người gọi điện thoại vào đài phát thanh yêu cầu cho nghe và để tặng "ông xã" lại còn kèm theo lời hứa chiều về em nấu cơm cho anh yêu của em nhé …
Ca khúc Mình Ơi của Diệu Hương nên được ghi rõ là không nên đem tăng chồng hay người yêu nếu các chàng còn sống hùng sống mạnh ở bên cạnh vì lẽ bài Mình Ơi là bài Diệu Hương viết thay cho lời mẹ khóc cha khi thân phụ của nhạc sĩ qua đời.
Tặng cho ông xã còn sống mà ông xã hiểu ra thì khổ lắm đấy.
Bài Giọt Nắng Bên Thềm không nên thay đổi em thành anh vì khi hát đến câu khi thấy buồn anh cứ đến chơi … Cảnh người đàn ông đến chơi nhà nàng cứ đi thơ thẩn tìm cái giọt nắng bên thềm rồi than thở bài hát của hai người em đem hát cho mấy cha khác thì chán quá. Không nam nhi gì hết.
Nhưng cần nhất và cấp bách nhất là nên ghi rõ lời cảnh cáo là nếu định hát tại đám cưới thì tuyệt đối phải tránh Giọt Lệ Cho Nghìn Sau, Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải và Đồi Thông Hai Mộ nếu muốn hai họ nhà trai và nhà gái cho sống mà toàn thây đi về.
Hát hay nghe hát cũng cần phải hiểu lời ca của các ca khúc mới được là vậy.
Ngày 25 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Khoảng năm 1973, tôi hay gặp người đàn ông ấy tại mấy tiệm cà phê ở đường Tự Do Sài Gòn, không Continental thì cũng Givral, Brodard hay La Pagode, nơi chúng tôi hay đến ngồi trong những buổi chiều sau khi tan sở. Ông mặc một chiếc áo lính, hai tay ôm một sấp báo . Chiếc áo lính quá lớn đối với tấm thân còm cõi của ông. Lúc nào ông cũng có cái vẻ tất tả, vội vã khi đi qua bàn chúng tôi ngồi. Ông khoảng ngoài hai mươi, nhiều nhất là hai mươi bẩy, hai mươi tám là nhiều.
Thường thì khi vào những tiệm cà phê để gặp bạn bè, tôi đã có mấy tờ báo còn thơm mùi mực in mua của một chú bé ở ngay chỗ đậu xe. Ông thấy mấy tờ báo trên bàn tôi ngồi thì không mời mua báo nữa.
Một hôm, tôi vào La Pagode không cầm theo báo vì không thấy chú nhỏ bán báo quen đứng chờ ở chỗ đậu xe ngang tòa Đô Chính. Ông ghé lại bàn, hơi cúi người xuống , chìa chồng báo trên tay cho tôi, mời mua báo. Tôi lấy hai tờ Tiền Tuyến và Chính Luận, đưa tiền trả cho ông thì ông nhờ tôi bỏ tiền vào túi áo bên trái và tự lấy lại mấy chục ở túi bên phải, hai tay vẫn bưng sấp báo, mà không bỏ tạm xuống bàn để lấy tiền trả lại tôi. Tôi lấy trong túi áo kia mấy chục. Ông cám ơn rồi đi. Và lúc ấy, tôi mới thấy dưới sấp báo mà ông bưng trước ngực, là hai cái tay áo đong đưa.
Ở chỗ tôi nghĩ là phải có hai bàn tay, thì tôi không thấy hai bàn tay của ông ở đâu. Lúc ấy, ông xốc chồng báo, và nâng những tờ báo cao lên ngang ngực. Và tôi chợt hiểu. Ông không còn hai bàn tay nữa.
Tôi vẫn còn cầm mấy chục bạc lấy từ túi áo của ông. Tôi chợt thấy không thể cầm mấy chục vừa lấy trong túi áo của ông nữa. Tại sao tôi lại lấy mấy chục trong cái túi áo bèn phải của một người đàn ông bán báo không còn hai tay để nhận tiền của người mua và cũng không còn tay nào để lấy mấy chục trả lại cho tôi.
Tôi chưa kịp làm bất cứ gì thì ông đã rời bàn tôi, đi nhanh ra cửa. Tôi đứng lên, chạy theo ông, bắt kịp ông và vỗ vỗ vào vai ông. Ông quay lại, cười, hỏi tôi có phải muốn mua thêm báo nữa không. Tôi lắc đầu, bỏ lại mấy chục đang cầm trong tay vào túi áo của ông.
Ông cười, cảm ơn và đi tiếp. Ông không hỏi tại sao tôi bỏ tiền vào túi áo của ông. Như thế, có thể chuyện đó đã vài ba lần xẩy ra cho ông. Ông đi tiếp về phía quốc hội, rảo bước, dáng điệu tất tả.
Tôi tưởng tượng một chuyện khủng khiếp lắm đã xẩy ra cho ông. Một quả mìn, hay một trái B-40, hay một loạt AK. Tỉnh dậy, nhìn xuống, và ông không thấy hai bàn tay nữa, chỉ có lớp băng trắng quấn ở chỗ hai cổ tay.
Còn chuyện gì có thể bi thảm hơn như thế nữa. Đang lành lặn, chân tay đầy đủ, bàn tay có lúc vuốt những sợi tóc của một người phụ nữ nào đó, những ngón tay cầm cái lược chải cho mình mái tóc, vỗ về người mẹ, xúc thìa cơm cho đứa con... Không còn hai bàn tay thì không bao giờ còn làm được những chuyện ấy nữa.
Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì ông vẫn còn rất trẻ. Cứ nghĩ là phải sống nốt cuộc đời mà không có hai bàn tay thì hãi hùng biết bao nhiêu.
Tôi tin ông là một người lính. Ông phải là một thương binh. Ở tuổi của ông, và tuổi của tôi thời ấy thì không thể không ở trong quân ngũ.
Hay tại như thế, ông mặc chiếc field jacket ra ngoài để ôm báo đi bán trong những buổi chiều ở Sài Gòn?
Cũng cùng tuổi như ông, mỗi chiều tôi vào quán, ngồi uống ly cà phê trước khi về nhà để than thở với vài ba người bạn về công việc, về đời sống tù túng trong thành phố.
Còn ông, một người đàn ông cùng tuổi với tôi thì ôm sấp báo đi bán, không còn bàn tay để thối tiền lại cho khách.
Hôm sau, tôi đậu xe chỗ khác để không bị chú bé bán báo phục kích mời mua báo như mọi ngày nữa. Tôi vào La Pagode chờ mua báo của ông mặc dù không có trong tay tờ Tiền Tuyền để đọc Ký Giả Lô Răng Phan Lạc Phúc và Ký Giả Ba Tê Thanh Tâm Tuyền ngay.
Ông đến mời tòi mua báo. Tôi hỏi ông trước kia ở đâu. Ở tuổi đó mà hỏi ở đâu thì câu trả lời bao giờ cũng là sư đoàn mấy, tiểu đoàn gì. Nguyên một thế hệ thanh niên Việt Nam đều như vậy. Ông nói là ở sư đòan 7, bị mìn hai năm trước, một vợ hai con nhỏ. Từ đó, mỗi chiều tôi đều đến tiệm nước chờ mua báo của ông. Chú nhỏ bán báo một hôm gặp tôi trên đường tay cầm tờ báo thì có vẻ trách tôi sao không mua của chú nữa. Tôi phải nói là đã có báo ở sở mỗi ngày rồi.
Tôi mua báo của ông liên tiếp mấy tháng , rồi một hôm, khoảng thời gian nào tôi không thể nhớ đích xác, nhưng tôi nghĩ khoảng cuối năm 1973, tự nhiên ông biến mất. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng sau ông vẫn không trở lại. Hay lại có chuyện gì không hay đã xẩy ra cho ông.
Ba mươi mấy năm vèo qua. Năm nay, ông cũng phải ngoài sáu mươi. Tôi không biết ông còn sống hay đã chết. Không có hai tay làm sao ông sống được trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, nơi mà những người đầy đủ chân tay còn khốn khổ.
Tệ nhất là tôi cũng không biết cả tên của ông. Mà những người như ông thì không phải là ít để mà kiếm ra.
Tên ông thì tôi không biết. Nhưng nhớ ông thì vẫn nhớ.
Những chiều mùa mưa Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông còm cõi, sấp báo trên tay, độc lập, kiêu hãnh, lương thiện, người thương binh ấy đụng nhẹ vào đời tôi và không bao giờ ra khỏi trí nhớ của tôi nữa.
Cầu mong ông bình an đâu đó ở quê hương tôi có chung với ông.
Ngày 26 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Mục tiêu của các hoạt động cứu trợ bao giờ cũng bi thảm. Gần như chẳng có một chuyến cứu trợ nào có hào quang rực rỡ.
Cho dù đó là những hoạt động cứu giúp các nạn nhân bão lụt Katrina, núi lửa ở Indonesia, sóng thần ở Đông Nam Á, động đất ở Pakistan, hay chiến tranh ở Phi châu. Nhưng có lẽ bi thảm nhất, phải là những hình ảnh của những chuyến đi cứu trợ giúp những bệnh nhân bệnh Hansen ở Việt Nam.
Bệnh Hansen là tên gọi khoa học nghe đỡ dễ sợ hơn là một cái tên khác của nó, bệnh cùi, cũng còn gọi là bệnh hủi, một chứng bệnh bị loài người ghê tởm đã ở với nhân loại từ mấy ngàn năm trước mà Thánh kinh cũng ghi lại. Tuy loài người còn mắc những thứ bệnh nguy hiểm hơn, nhưng không có một thứ bệnh nào bị kinh khiếp, ghê tởm và bị xa lánh như bệnh phong cùi.
Người bị phong cùi bị đưa tới những trại xa xôi và gần như hoàn toàn bị quên lãng bởi xã hội của ngưòi thường. Mãi đến ngày nay, thế giới vẫn còn những trại phong cùi như thế. Hầu hết là ở các xứ nhiệt đới, Á châu và Phi châu.
Ngôn ngữ Việt Nam không thiếu những cách nói đầy khinh bỉ, ghê tởm dành cho những người mắc căn bệnh kinh khiếp này.
Không dây với hủi. Cùi hủi. Đồ hủi. Hủi cùn hủi cụt.
Xấu xa, tệ lậu nhất là hủi, là cùi.
Mô tả một người xấu xa như thế chỉ cần gọi đưong sự là hủi là đầy đủ, không cần phải nói thêm nữa.
Thề thốt nặng lời cũng lại đem căn bệnh này ra để hăm, dể dọa, để thay cho những chi tiết bất hạnh, bi thảm nhất nếu một chuyện gì không làm được, không thực hiện được.
Và chúng ta có lúc đã quên hẳn những con người bất hạnh này.
Nếu không làm thơ và mơ hồ nhắc đến căn bệnh của mình , thì người đàn ông bị bệnh này vẫn chỉ là Nguyễn Trọng Trí, qua đời ở một trại cùi ở Quy Hòa, không bao giờ là Hàn Mặc Tử.
Những người mắc bệnh hủi không bao giờ có trong trí của chúng ta.
Đầu óc với khả năng đãi lọc, tuyển chọn những điều vui vẻ, hạnh phúc, tốt đẹp của chúng ta không có chỗ cho những người mắc bệnh Hansen. Quách Thoại, Thạch Lam qua đời vì bệnh lao, căn bệnh giết người nhưng vẫn được cho một chút thi vị, lãng mạn như một hai người phụ nữ , đối tượng của một vài nhà thơ, nhà văn trong văn chưong Pháp và Anh.
Nhưng người cùi thì không bao giờ.
Một cuộn video do tổ chức cứu trợ những mảnh đời bất hạnh này bỗng đã nhắc cho tôi là ở Việt Nam vẫn còn những người cũng là Việt Nam khốn khổ ở những cái tên ít khi nghe thấy như Quỳnh Lập, Văn Môn, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa...
Họ chẳng bao giờ áo mầu tung gió chơi vơi, chẳng bao giờ là người em chờ dưới bóng dừa, chẳng bao giờ có trong buồn tàn thu, trong cô hái mơ, trong mộng dưới hoa ...
Nhưng họ vẫn có một đời sống. Những bàn tay không còn ngón đó có bao giờ nắm lấy tay một người khác. Cặp má ấy có bao giờ đón những cái hôn, mái tóc đó có bao giờ đã có những ngón tay luồn qua?
Tôi nghĩ là phải có.
Nhưng những thứ ấy chắc đã quá xa, đã quá lâu không còn trở lại trong trí của những người đàn ông, đàn bà tôi thấy trong cuốn video, cuốn video xem rồi không muốn nhớ đến nữa, nhớ đến để làm hỏng một bữa cơm, làm buồn hết một buổi sáng, làm hỏng cả một ngày hay sao?
Những cái đau đớn của thân xác bị bệnh tàn phá không còn cho họ nhớ lại những điều hạnh phúc đó. Họ hẳn là phải có những ước mơ cho đòi sống, những ước mơ như tất cả chúng ta khi căn bệnh chưa phát.
Nhìn họ trong những chỗ họ đang sống, khó có thể nghĩ đã có một thời họ không khác gì chúng ta.
Tôi đã biết mùi hơi người trong một chuyến đi thăm trại tù Nha Trang, trong những lần đứng ngoài cửa những phòng giam ở Côn Đảo. Nhưng chắc chắn cái mùi đó không thể bằng cái mùi mà một y sĩ trong phái đoàn về thăm một trại cùi mô tả. Có thể đó là mùi hôi của những cơ thể lâu ngày không tắm, quần áo không thay, những hoạt động vệ sinh hàng ngày, nhiều ngày diễn ra ngay tại chỗ nằm.
Nhưng những sinh vật ấy, khó có thể gọi họ là người mặc dù gọi như thế , gọi họ là những sinh vật, là một xúc phạm lớn không thể tha thứ được, vẫn tiếp tục sống. Họ cũng là vợ là chồng của nhau. Họ cũng có những thôi thúc của cơ thể. Họ cũng yêu nhau, sinh con đẻ cái. Trong cuộn video, tôi nhìn thấy những bàn tay bé bỏng của những đứa bé ôm lấy những bàn tay không còn ngón của có thể là cha mẹ, ông bà của chúng, và bỗng nhận ra họ cũng là người. Trong đôi mắt tuyệt vọng, khổ đau đó, những giọt nưóc mắt lã chã rơi của một người mẹ trẻ với đứa con mang những hậu quả của những thứ thuốc bà uống bỗng làm người xem những đoạn video ấy thấy bao nhiêu chuyện khác đều vô nghĩa lý hết.
Những cái áo đẹp, buổi dạ vũ đêm nay em là người đẹp nhất để đi nhẩy đầm, những tình khúc thất tình, những đoạn thơ chuốt lọc hay nhất bỗng vô nghĩa lý.
Tại sao lại có những người khổ đến như thế trên cõi đời này?
Thượng đế có bất công không?
Tại sao có thể nói là mọi người sinh ra đời đều bình đẳng và mục tiêu cuả đời sống là mưu cầu hạnh phúc, mà vẫn có có những người cùi như vậy?
Ngày 27 tháng 1 năm 2012
Bạn ta
Ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, cuốn sách ông viết về những thói xấu của đồng bào của ông. Cuốn sách đưọc dịch sang tiếng Việt mà nhiều người đọc xong đã nghi ngờ đó không phải là của ông Bá Dương, cuốn sách cũng không viết về người Trung quốc và những cái thói xấu của họ, mà là một cuốn sách của một nguời Việt Nam viết về những cái xấu của người Việt.
Thực ra, cuốn sách viết về những điều xấu xa của người dân Trung quốc là có thật, nguyên bản của nó Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân.
Ở một chương, ông Bá Dương nói rằng không ăn nói ồn ào, ở bẩn và sống hỗn loạn thì không thể là người Trung quốc.
Người Trung quốc thì có ồn ào thật. Nhất là người Quảng Đông.
Có hai nguyên do người Trung quốc hay to tiếng. Thứ nhất là vì ngôn ngữ của họ. Cấu trúc văn phạm đòi họ phải nói lớn.
Nhưng ngoài ra, còn có một lý do khác nữa. Lý do nay, theo ông Bá Dương, là vì trong lòng của họ không được yên ổn. Họ cứ tưởng càng to tiếng là lý lẽ càng mạnh. Họ nghĩ là chỉ cần cao giọng lên thì lý lẽ sẽ về phía của họ.
Thế thì ông Bá Dưong có sai lầm nặng.
Chúng tôi không biết Hoa ngữ nên không thể bàn về cú pháp, văn nói của người Trung quốc. Nhưng nói to thì chẳng riêng gì người Trung Hoa mới ăn to, nói lớn.
Người Việt cũng nói to. Nói to cả trong những lúc không cần thiết. Không cần phải giành phần thắng về mình, người ta vẫn nói to.
Mấy tháng trước tôi có đến dự một buổi ra mắt sách. Tác giả là một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam. Ông được rất nhiều người trong cộng đồng quí mến. Số người đến tham dự buổi ra mắt sách của ông rất đông. Thành phần toàn là những người đọc sách của nhà văn này. Nói chi tiết này ra để thấy là cử tọa là những thành phần chọn lọc.
Các diễn giả lần lượt được mời lên phát biểu trên bục .
Nhưng ở cuối phòng, không phải là ở ngoài phòng, một số "diễn giả" khác cũng lên tiếng.
Không biết họ nói những gì, nhưng họ nói rất lớn. Họ nói lớn đến nỗi không chỉ làm cho thính giả bị chia trí, mà còn át hẳn những lời nói của diễn giả.
Trong số những tiếng nói ở phía dưới, người ta thấy có cả một ngưòi cũng ở trong nghề báo. Ông ta không đứng ở cuối phòng, mà ngay ở khoảng giữa để nói chuyện với bạn. Cả hai đều vặn to cái volume của họ lên để nghe nhau cho dễ, và cử tọa cũng được cho nghe đầy tai những đoạn nói chuyện của hai ông.
Mà không chỉ có hai ông. Còn có một số khác cũng góp tiếng. Ở trong các hàng ghế, ở cuối phòng, ở ngoài phòng.
Một vài người khó chịu quay xuống ngó những người này.
Nhưng không có kết quả gì. Họ vẫn ông ổng, ào ào nói, làm như không còn ngày mai để nói nữa.
Người dẫn dắt chương trình bước xuống dưới, hình như có yêu cầu những người đang phát thanh trên những làn sóng ngắn vặn bớt cái volume của họ lại. Êm được một chút. Rồi những tiếng động, những tiếng nói, những tiếng cười của cả đàn ông lẫn đàn bà lại tiếp tục vọng lên. Một trong những diễn giả đã phải khó chịu hỏi là có cho ông bắt đầu không, nếu cho thì ngưng ồn ào lại. Tiếng ồn bớt đi một chút, rồi lại ào ào nổi lên.
Những tiếng nói đều từ đám người ngồi ở phía dưới.
Họ đến vì tác giả cuốn sách. Họ là những ngưòi có thể cũng yêu thích sách của ông, cũng có đọc ông. Như thế, chắc chắn họ phải là những người có ý thức, có văn hoá, có một trình độ khá.
Nhưng không hiểu tại sao họ to tiếng.
Chắc chắn họ không có gì để tranh cãi về cuốn sách và về nhà văn ngồi ở hàng ghế đầu. Có lẽ cũng không bất đồng với những phát biểu của các diễn giả, trong đó có cả những người rất có thẩm quyền để nói về cuốn sách.
Tiếng ồn ào vẫn rề rề, èo èo, èng èng vang lên . Nhắm mắt không nhìn lên các diễn giả, người ta không thể phân biệt đâu là một sinh hoạt sách vở, đâu là một cái trại vịt.
Vẫn chưa hết. Vài ba cái điện thoại reo. Chủ của chúng để nguyên cho reo. Chúng tôi đang nghe các diễn giả. Điện thoại phải đợi. Cho reo thêm vài tiếng nữa máy sẽ chuyển qua phần nhắn lại.
Cử tọa quay ngang, quay dọc tìm cách xác định vị trí của tiếng chuông điện thoại.
Nhưng chuông điện thoại thì reo một hồi sẽ dứt. Còn tiếng ào ào, èng èng ở cuối phòng thì vẫn vọng lên, can thiệp thô bạo và trắng trợn vào phần phát biểu của các diễn giả.
Một vài người lịch sự với bạn bè thì trả lời điện thoại ngay. Lại những đoạn đối thoại vang lên trong một vài dẫy ghế.
Đây không phải là lần đầu tiên có những chuyện như thế xẩy ra tại một buổi ra mắt sách.
Sự tôn trọng dành cho tác giả, cho các diễn giả và cho cử toạ hoàn toàn không có ở nơi những người đàn ông đàn bà ồn ào đó.
Tại sao ông Bá Dương lại chỉ nói là người Trung quốc của ông mới ồn ào và nói lớn?
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 129)
WOULD ALWAYS / USED TO
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 129 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, tuần này có thư của thính giả yêu cầu chú giải thích cách dùng của WOULD ALWAYS và cho biết động từ này có khác USED TO không.
BBT
Trước hết, hãy nói về động từ USED TO+VERB đã. Động từ này chỉ có một TENSE, đó là nó luôn luôn ở thì SIMPLE PAST. Chúng ta dùng USED TO để nói về một thói quen, một việc làm xẩy ra nhiều lần, hay thường xẩy ra trong quá khứ, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Việc đó đã chấm dứt hẳn rồi, đã ngưng hẳn trong quá khứ. Thí dụ MY MOTHER USED TO WEAR VIETNAMESE TRADITIONAL DRESSES IN SAIGON. Đó là thói quen nay không còn nữa. I USED TO COME TO "LA PAGODE" FOR COFFEE IN THE MORNING. Chuyện tôi ra ngồi ở quán La Pagode là việc thường diễn ra mỗi sáng nhưng nay tôi không còn làm chuyện ấy nữa.
Động từ USED TO cũng được dùng để nói về một sự thực, một chuyện xẩy ra trong quá khứ nhưng nay không còn xẩy ra nữa. Thí dụ HE USED TO EAT A LOT OF RED MEAT BUT NOW HE IS A VEGETARIAN. Anh ấy trước đây rất hay ăn thịt đỏ, nhưng nay anh ấy chỉ ăn rau trái thôi, anh ấy đã bỏ hẳn, không còn ăn thịt nữa.
QA
Như vậy, USED TO có khác những động từ ở thì SIMPLE PAST không, thưa anh?
BBT
Có. Hai cô nghe thử hai câu này: HE USED TO COME TO THE LIBRARY EVERYDAY và HE CAME TO THE LIBRARY EVERYDAY.
Cả hai câu đều cho biết ông ấy đến thư viện mỗi ngày. Nhưng USED TO cho thấy việc đến thư viện của ông ấy là một thói quen, ngày nào ông ấy cũng đến thư viện, cho dù là trời mưa hay trời nắng. USED TO mạnh hơn SIMPLE PAST vì khi nói HE CAME TO THE LIBRARY EVERYDAY thì ông ấy có đến thư viện mỗi ngày đấy, nhưng nếu mưa thì ông ấy ở nhà, hay khi bận chuyện gì thì ông ấy cũng không đến.
TRÚC GIANG
Cháu thấy như vậy, USED TO cũng giống hệt như WOULD ALWAYS phải không thưa chú?
BBT
Không hẳn vậy. WOULD ALWAYS giống USED TO ở chỗ cả hai đều được dùng để nói về những hành động xẩy ra nhiều lần trong quá khứ, những việc làm có thể coi là những thói quen nhưng nay không còn diễn ra nữa. Thí dụ HE USED TO SIT HERE WITH A CUP OF COFFEE IN THE MORNING và HE WOULD ALWAYS SIT HERE WITH A CUP OF COFFEE IN THE MORNING . Cả hai câu đều nói về cái thói quen của ông ấy, đó là ngồi đây với một ly cà phê buổi sáng. Nhưng khác với USED TO là khi dùng WOULD ALWAYS,người ta muốn ngầm nói rằng người làm công việc đó có nhiều cố ý ở trong , việc làm đó có thể làm vui cho vài ba người nhưng cũng có thể làm cho người ta khó chịu. Thí dụ THE DOG WOULD ALWAYS WAIT FOR HIS MASTER AT THE BUS STATION EVERY EVENING . Việc con chó ngồi chờ chủ nó là việc mỗi chiều nó mỗi làm, và việc nó chờ chủ nó làm cho những người đi xe bus thấy rất vui vào lúc cuối ngày. Nhưng câu HE WOULD ALWAYS SLAM THE DOOR LOUDLY WHEN HE CAME HOME thì việc anh ấy hôm nào cũng dập mạnh cửa khi vào nhà rõ ràng là việc đó làm cho hàng xóm không vui. Cũng là thói quen đấy, nhưng cái thói quen này làm cho người khác rất bực mình. Cô QA cho nghe hai thí dụ tương tự như ở trên coi.
QA
THE DOG WOULD ALWAYS BARK ALL NIGHT, đó là một thói quen gây khó chịu cho hàng xóm. THE BOY WOULD ALWAYS WHISTLE EVERY TIME HE PASSED BY thì việc hút gió của cậu bé có thể làm cho người nghe thấy vui vui.
BBT
Cám ơn QA. Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
MY ELDEST GIRL WOULD ALWAYS CARRY AN OLD RAG DOLL WITH HER EVERYWHERE. Đây là một việc làm của nó mà cháu rất ghét.
MY HUSBAND WOULD ALWAYS COOK BREAKFAST FOR THE FAMILY ON SATURDAYS AND SUNDAYS. Việc này thì cháu không phản đối bao giờ.
QA
Thưa anh, ngược lại với WOULD ALWAYS là gì, nghĩa là để nói một việc người ấy KHÔNG BAO GIỜ làm trong quá khứ, nhưng bây giờ thì lại làm.
BBT
Trong trường hợp này, chúng ta dùng WOULD NEVER+VERB. Chúng ta dùng WOULD NEVER+VERB để nói về nhũng việc người ta không làm, nhất định không làm, quyết không bao giờ làm trong quá khứ nhưng nay thì lại sẵn sàng làm. Thí dụ FOR MANY YEARS, HE WOULD NEVER OWN ANYTHING MADE IN JAPAN. Ông ấy ghét Nhật từ sau trận Trân Châu Cảng nên trong nhiều năm không bao giờ ông ấy dùng hàng Nhật, nhưng bây giờ thì ông lái một chiếc Honda, đeo trên cổ cái máy ảnh Nikon. QA cho nghe hai thí dụ với WOULD NEVER coi.
QA
WHEN I WAS FIRST CAME TO CALIFORNIA, I THOUGHT I WOULD NEVER DRIVE ON A FREEWAY.
MY PARENTS WOULD NEVER THINK OF SPEAKING TO THEIR GRAND CHILDREN IN ENGLISH.
BBT
Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
WE WOULD NEVER IMAGINE OUR KIDS WOULD GO TO BED WITH AN IPAD.
I WOULD NEVER THINK OF FEEDING MY DAUGHTERS JUNK FOODS .
BBT
Ngoài việc dùng WOULD ALWAYS, người Anh, người Mỹ cũng hay dùng WOULD OFTEN, WOULD CONSTANTLY, WOULD SELDOM, WOULD OCCASIONALLY … và theo sau là động từ chính để nói về những thói quen trong quá khứ.
QA
QA muốn hỏi anh về sự khác biệt giữa SORRY và EXCUSE ME. QA hiểu cả hai đều được dùng để xin lỗi cả, nhưng hình như chúng có hơi khác nhau thì phải.
BBT
Đúng vậy. Thí dụ tôi vô ý đạp lên chân người bên cạnh thì tôi phải xin lỗi về việc làm đó ngay. Tôi sẽ nói I AM SORRY hay SORRY chứ không nói EXCUSE ME. Tôi nói SORRY để xin lỗi (đã đạp lên chân ông ta hay làm ông ta bị đau, hay khiến ông ấy bực mình vì việc làm của tôi). Nhưng nếu ông ấy đứng choán đường đi, tôi cần đi qua hay để mở cái cửa, lấy cuốn sách trên kệ mà ông đứng chặn phía trước, hay để ngồi vào ghế của tôi và muốn ông đứng nhích ra bên cạnh hay mở lối cho tôi đi thì tôi nói EXCUSE ME.
TRÚC GIANG
Cháu cũng nghe người ta nói PARDON ME hay I BEG YOUR PARDON cũng là để xin lỗi phải không thưa chú?
BBT
Đúng vậy, nhưng tùy theo cách lên xuống giọng, INTONATION, thì PARDON hay PARDON ME và I BEG YOUR PARDON có khác nhau.
Nếu xuống giọng ở cuối câu thì I BEG YOUR PARDON nghĩa là xin lỗi ông/ bà. Câu nay cùng nghĩa với SORRY và EXCUSE ME như tôi đã nói ở trên. Nhưng nếu lên giọng ở cuối thì I BEG YOUR PARDON phải thêm dấu hỏi (QUESTION MARK) vào cuối để thành I BEG YOUR PARDON? Lúc ấy, I BEG YOUR PARDON có nghĩa là EXCUSE ME, WHAT DID YOU SAY? PLEASE SAY IT AGAIN.
PARDON hay PARDON ME cũng thế. Khi lên giọng thì người nghe hiểu đó là lời xin yêu cầu nhắc lại điều vừa nói. Trong hai trường hợp này, ở cuối phải có dấu hỏi (?).
QA
QA còn nghe mấy đứa con, trước khi nói SORRY, còn nói cái gì nghe như "ÚP-XÌ" là gì vậy thưa anh?
BBT
Tôi chắc đó là tán thán từ (INTERJECTION) OOPS, viết với hai chữ "O". OOPS được dùng để bầy tỏ ngạc nhiên hay khó chịu, bực bội, nó cũng được dùng để xin lỗi về một hành động hay một câu nói nào đó. Thí dụ OOPS, I KNOCKED OFF THE GLASS hay OOPS, I DIDN’T MEAN TO DO THAT. Cũng có khi viết là WHOOPS hay WOOPS.
QUỲNH ANH
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.