February 2, 2012

February 3, 2012

Ngày 30 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Tôi là người có đôi mắt hí. Tôi không ngại ngùng, xấu hổ hay mắc cở khi nhận điều đó.

Một bài hát của Marc Lavoine do Phạm Quỳnh Anh hát và được rất nhiều người Việt coi là của mình cũng nhắc đến những đôi mắt hí đó: "... le trait de mes yeux bridés..."

Thế rồi :"Đôi con mắt (ấy chứ mà) lim dim" trong một bài dân ca miền Bắc cũng là để nhắc đến những đôi mắt ấy. Đa tình con mắt Phú Yên chắc phải có chút hí ở trong.

Thì mắt hí đấy, vẫn đẹp và vẫn đa tình, duyên dáng có sao đâu.

Nói mấy chuyện này ra chỉ vì mới đây, trong một tờ báo nọ có một bài viết về sushi, kèm theo bài báo này, là một bức tranh minh họa cho món sushi. Bức minh họa vẽ một đầu bếp sushi người Nhật đang vung tay dao làm sushi trong bếp.

Điều đáng nói ở đây là khuôn mặt của người đầu bếp Nhật được họa sĩ phóng đại thêm những nét đặc biệt của người Á châu, mà tôi thấy dân tộc Việt Nam cũng có chung một số nét.

Đó là đôi mắt. Họa sĩ vẽ đôi mắt của người đàn ông Nhật là hai cái khe hẹp và nhỏ xếch ngược lên, phía dưới là cái mũi trông như cái mõm lợn và cái miệng nguệch ra trông thật xấu.

Người Nhật với người Việt Nam, người Trung Hoa, Đại Hàn có chung một số nét trên mặt, tuy mỗi dân tộc cũng có một vài nét riêng. Nhìn chung thì các giống dân này vẫn có nhiều nét giống nhau. Bởi thế, Chung Tử Di và Củng Lợi vẫn được chọn để đóng các vai phụ nữ Nhật. Những chuyện như thế có nhiều, vì các dân tộc này có những nét khá giống nhau.

Nhưng cũng vì thế, đụng tới người Nhật, thì tôi cũng động lòng. Bức tranh minh hoạ cho bài báo vẽ một người Nhật, nhưng tất cả những nét hí họa đó cũng đụng chạm tới người Việt Nam.

Hễ người Á châu thì phải răng hô, mắt hí, mũi tẹt. Toàn những nét mà người da trắng coi là xấu xa cả.

Những chuyện đó vẫn còn được làm cho đến tận ngày hôm nay vì các dân tộc Á châu hiền quá. Người Á châu không muốn gây rắc rối. Nhịn hết.

Cứ thử đụng phải những giống dân khác coi. Ít thấy có một sự nhịn là chín sự lành lắm.

Chỉ có mấy bức biếm họa mà làm ầm ĩ cho đến hôm nay vẫn còn xuống đường cào đầu ăn vạ.

Trong khi đó, có nước Á châu với đa số dân theo đạo Phật nào như Thái, Miến, Sri Lanka ... làm ầm ỹ vụ hai pho tượng Phật ở Bamiyan thuộc Afghanistan bị bọn chó dại Taliban phá tan không?

Nhớ hồi đệ nhị thế chiến, vừa xẩy ra trận Trân Châu cảng, lập tức tất cả những người Nhật và Mỹ gốc Nhật, cho dù là nhất thế hay nhị thế, cũng đều bị đưa vào các trại tập trung và bị giữ ở đó trong suốt những năm đệ nhị thế chiến mặc dù trong số dân gốc Nhật và Nhật ở Mỹ không có một trường hợp nào có thể gọi là phản bội nước Mỹ. Các trại tập trung, mãi đến khi chấm dứt thế chiến mới được dẹp, và những người Mỹ gốc Nhật phải đợi đến thập niên 80 mới được xin lỗi và bồi thường.

Người da đen ở Mỹ sau bao nhiêu năm bị kỳ thị, đối xử tồi tệ, cuối cùng cũng được một sự nể nang nào đó. Không còn thấy những bức hí hoạ vẽ đôi môi dầy để diễu người da đen nữa.

Cách đây không lâu, một số dân biểu da đen ở Mỹ đã làm ầm ỹ chuyện người Nhật chơi những con búp bê da đen dakkochan mà họ cho là có những nét hài hước hóa những đặc tính của người da đen khiến hãng sản xuất đồ chơi ở Nhật phải xin lỗi.

Nhưng vẽ những đôi mắt hí thì vẫn còn thấy được làm để diễu người Á châu.

Chúng ta nhận là mắt hí thì được. Nhưng đem những đôi mắt hí đó ra để diễu chúng ta thì không được.

Tuy vậy, khi nhìn kỹ bức minh họa cho bài viết về sushi thì người ta lại thấy họa sĩ vẽ bức tranh ấy mang một cái tên rất Trung Hoa: Nan Ning.

Thế thì phản đối ai, chống ai bây giờ? Để cho chính một người Á châu vẽ hí họa về người Á châu thì huề vốn, cũng hệt như tờ Playboy có những bức hí hoạ ký tên Buck Brown tha hồ diễu da đen, da trắng vì Buck Brown là người da đen.

Nhưng hãy tưởng tượng vào thế kỷ thứ 14, 15 các dân tộc Á châu đóng tầu vượt biển đi gieo rắc văn minh học thuật đến khắp nơi, đem tiêu chuẩn về đẹp đi khắp thế giới thì bây giờ có dám chế những đôi mắt hí của chúng tôi nữa hay không?

Mắt hí mà vẽ được máy chụp hình Nikon, xe Toyota, điện thoại Sam Sung, làm chả giò, nấu phở dùng qua một lần mê đến già thì mắt hí cũng được lắm đấy chứ.

Diễu vậy nhưng cứ phục lăn chiêng ra là được rồi.

Mắt hí tốt lắm. Lại còn đẹp nữa là khác.


Ngày 31 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Trong lúc gần như tất cả các loài sâu bọ, côn trùng, chim muông khác trên thế giới này đều được hưởng những sự đối đãi tử tế của con người, thì loài ve vẫn tiếp tục bị để cho hiểu lầm và bị đối xử không tử tế gì.

Nhiều quốc gia có nhũng bộ luật khe khắt cấm săn bắt nhiều loại chim muông, côn trùng và cá để tránh cho những sinh vật này khỏi biến mất, chung số phận với những con khủng long cùng nhiều giống thú khác.

Ngay từ mấy ngàn năm trước, một người đàn ông tên là Nô-ê đã cứu được bao nhiêu giống thú bằng cách đưa mỗi giống một cặp lên chiếc tầu do ông đóng để cứu chúng khỏi trận hồng thủy.

Nhưng chiếc tầu của ông No-ê không đưa một cặp ve lên tầu vì lúc xẩy ra cơn hồng thuỷ thì bầy ve sầu chưa đến chu kỳ ngoi lên mặt đất. Nhờ vậy mà chúng thoát chứ ông Nô-ê tử tế gì với chúng.

Và năm nay, những con ve cháu nội cháu ngoại của bầy ve mùa hè năm 1975 đã ngoi lên mặt đất, không hề hay biết gì về biến động làm lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm ở Sài gòn cách đây 37 năm. Chúng vẫn hồn nhiên kêu vang vang ở một số vùng tại Bắc Mỹ. Chúng không biết nên cũng không phản đối hay chống lại lối đối xử cũng như những hiểu lầm mà loài người dành cho chúng.

Thời ông La Fontaine thì có thể nói rằng những hiểu biết về sinh vật học chưa được đầy đủ và cặn kẽ lắm nên mới có những sơ sót về một số thú vật, chim chóc mà ông dùng trong các bài ngụ ngôn của ông, nhưng đó là thế kỷ thứ 17.

Hơn hai trăm năm qua, khoa học đã tiến bộ nhiều, nhưng vẫn không có một nỗ lực nào minh oan cho nhưng con ve sầu. Chúng tiếp tục bị đổ cho cái tội lười biếng, chỉ ca với hát suốt mùa hè.

Chuyện ca hát không có gì xấu cả. Những phát triển trong lãnh vực kỹ thuật của các hệ thống karaoke cho thấy chuyện hát là chuyện vui hết sức. Không chỉ một mùa hè, mà suốt bốn mùa, người ta đều có thể hát karaoke cả.

Như vậy, hát không xấu.

Hát suốt mùa hè mà La Fontaine đổ cho con ve sầu là sai. Nó chỉ sống có đúng một tháng.

Đó là sai lầm thứ hai của La Fontaine.

La Cigale, ayant chanté tout l’été là sai.

Ve sầu kêu không để làm điếc tai hàng xóm hay tra tấn người khác như các giọng karaoke. Mà chúng chỉ hát để gọi những con cái đến vui chơi và nối tiếp công việc truyền sinh mà thượng đế trao cho chúng.

Loài người làm rất nhiều chuyện kinh hoàng hơn nữa để làm công việc giống loài ve làm trong ba chục ngày thì không bị phiền trách gì. Làm thơ, soạn nhạc, ăn diện để hấp dẫn, rù quyến phía bên kia thì được coi là lãng mạn, là "rô măng tịt" (?). Loài ve sầu chỉ râm ran lên trong một tháng thì bị coi là làm phiền chúng ta.

La Fontaine nói tiếp là đến khi gió mùa đông thổi tới, ve sầu sang nhà hàng xóm là một con kiến để vay dăm ba hạt qua ngày, hẹn trước tháng 8 sẽ trả cả vốn lẫn lời.

Đây cũng lại là một sai lầm khác. Những con ve không bao giờ đi qua nhà kiến để vay dăm ba hạt như nguyên văn "quelque grain" của La Fontaine . Giản dị là loài ve chỉ hút nhựa cây và ăn chút sương sớm. Loài ve không làm hại bất cứ một cái gì trên thế giới này.

Nhưng La Fontaine đã sai , thì lại còn được cụ Nguyễn Văn Vĩnh của chúng ta hùa theo để nhục mạ những con ve tội nghiệp này. La Fontaine vẽ cảnh ve khúm núm , khóc nức nở vì đói tại nhà kiến rồi năn nỉ kiến cho vay ít thực phẩm để sống qua ngày. Kiến không cho vay, còn quay lại hỏi xỏ rằng ve làm gì trong những tháng hè. Ve xuống nước, và cụ Vĩnh còn bắt ve quị lụy hơn bằng tiếng thưa ở đầu câu trả lời:

Thưa tôi hát ...

Kiến đểu giả nói móc lại ve rằng "Xưa chú hát / Nay thử múa coi chơi!"

Khoa học ngày nay cho thấy ve sầu không bao giờ làm những chuyện mất nhân cách như La Fontaine đã viết trong cuốn Ngụ Ngôn số 1 ngay bài đầu của ông.

Loài ve sống tội nghiệp, không làm hại bất cứ một thứ cây cỏ, thú vật, côn trùng nào.

Những con bọ ngựa thì vồ, bắt các giống sâu bọ khác để ăn. Con cái thì sau cơn yêu dấu, giơ càng chém đầu con bạn trai vừa giúp vui mình rồi ăn luôn chàng ngấu nghiến.

Những con cào cào, châu chấu thì có thể gây thảm hoạ cho cả triệu người vẫn được ông Bùi Giáng bênh chằm chặp:

Sầu riêng châu chấu năm xưa
Em về với ruộng cầy bừa đã xong
Em về rắc cỏ vào trong
Vui về với hội trổ đồng đồng xanh
Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh
Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn

Nhưng ve sầu, không làm gì nên tội thì bị nói xấu tàn tệ như thế.

Chẳng riêng gì ông La Fontaine , mà người Việt cũng chẳng tử tế gì với loài ve sầu.

Chuyện không tử tế thì gọi là lời ong tiếng ve.

Nhưng cái hại nhất là mấy ông bố Việt Nam cứ đem bài ngụ ngôn của La Fontaine ra để mà mắng nhiếc những đứa bé chỉ hơi ham chơi một chút như người viết bài này, và như tất cả những chú nhỏ thời ấy. Rồi đề cao con kiến, loài côn trùng rất bần tiện và ích kỷ, độc ác, là những đứa bé nhà bên cạnh để đay nghiến những con ve.

Trong khi những con ve thì dễ thưong vô cùng.


Ngày 1 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Trong văn học Việt Nam có một người đàn ông rất tội nghiệp. Người đàn ông ấy xuất hiện một cách mờ nhạt trong mấy bài thơ mà có thể nói là không một ai trong chúng ta lại không biết, không từng nghe, không từng đọc, không từng thỉnh thoảng lôi ra ngâm nga. Hay ít ra thì cũng phải biết, phải thuộc vài ba câu, mặc dù có thể sau khi bước qua một tuổi nào đó, chúng ta không đọc những bài thơ ấy nữa. Có nhắc lại thì cũng thấy ngượng là tại sao cũng đã có lúc mình từng đọc chúng.

Người đàn ông được nhắc tới trong những bài thơ ấy thật là đáng thương. Không biết khi những bài thơ đề cập đến ông, ông chừng bao nhiêu tuổi, mặt mũi quần áo ông ra sao. Nhưng những nét anh hùng, đẹp đẽ cần thiết của những người đàn ông thì ông chắc không có. Ông là người bị mô tả là lạt lẽo.

Những nét hào hoa ông không có. Ông có thể là một người thuộc một gia đình giầu có, đời sống thoải mái. Thoải mái đủ để cho ông không cần phải kiếm sống vất vả. Ông cũng không cần phải bắt vợ đi làm, đóng góp cho ngân quĩ gia đình. Vợ ông cứ ở nhà, chắc thỉnh thoảng đẻ cho ông đứa con trong khi đầu óc nàng được dùng hoàn toàn cho việc nghĩ tới một người đàn ông khác. Hào hoa, lịch lãm, anh hùng và giang hồ.

Không biết người đàn ông kia, nhân vật được nhắc đến trong những bài thơ của người đàn bà vợ của ông là "người ấy" là một người như thế nào, nghề ngỗng ra sao, chỉ thấy chàng đứng ngóng đò để đi đâu đó. Không thể là đi kháng chiến, vì thời của nhũng bài thơ ấy, chưa có phong trào thanh niên bỏ thành đi kháng chiến như mấy ông chú họ của tôi. Chàng đứng bèn sông đứng ngóng đò trong buổi chiều thu nàng mô tả là nắng phớt mờ.

Hai người đàn ông, như bức hình đen trắng , đầy tương phản. Người đàn ông không phải là chồng của nàng thì hết sức oai phong, lãng mạn. Người đàn ông chồng của nàng không biết tại sao khi đọc trong thơ, tôi lại thấy ông ta giống nhân vật Thân trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Buồn nản, có hơi nhỏ nhen, không một nét hào hùng nào. Ái ân thì lạt lẽo. Lạt lẽo đến độ vợ cứ phải đau khổ đi bên cạnh cuộc đời, qua bao nhiêu là mùa thu chết đi, trong tim vẫn dấu hình bóng người đàn ông đứng ngóng đò.

Những bài thơ của người đàn bà, có nhiều người lại tin đó là của một người đàn ông, ký tên tắt từng có thời làm ướt bao nhiêu là những chiếc khăn mùi xoa. Nếu hãng Kleennex hồi ấy vào được thị trường Việt Nam thì không biết đã phát tài đến như thế nào chỉ vì những bài thơ của TTKH.

Tội nghiệp người đàn ông ấy vô cùng. Không một người đàn ông nào đọc những bài thơ TTKH lại nghĩ mình là người đàn ông đáng thương và đáng tội nghiệp đó . Bao giờ những người độc giả nam cũng thấy mình là người đàn ông vuốt tóc người phụ nữ, rồi lại mỉm cười với nàng khi nàng vui và nhắc nàng rằng những nụ hoa trắng mà nàng vít xuống trông giống như những quả tim vỡ và sợ tình của hai người cũng vỡ tan như những nụ hoa mà nhiều người đọc thuộc lòng những bài thơ ấy cũng chưa chắc nhìn thấy nó ngoài đời.

Còn người đàn ông chồng của nàng thì chỉ lướt đi vài ba lần, không lần nào tạo được những hình ảnh tốt đẹp lắm. Chàng có vợ. Vợ sống bên cạnh, nhưng lòng nàng hướng về một nơi khác. Chàng có thể không biết. Chàng có thể biết. Biết mà không làm gì thì lại càng dở. Nàng đan cho cái áo, đan xong lại tháo ra đan lại cho hết thì giờ nhưng mỗi mũi kim là lại nhớ đến chàng kia. Chàng kia thì cứ thế mà đi biền biệt.

Bốn bài thơ được đọc nhiều vì chúng đáp đúng được những khát khao của người đọc. Những người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì cố tìm trong số những người quen cũ, lôi ra cho đóng vai người đàn ông rũ áo phong sương trên gác trọ. Những người đàn ông đọc TTKH thì tưởng mình là người đàn ông sang sông đứng ngóng đò. Oai hùng biết mấy. Cứ ra đi dưới trời dông bão cho con người phụ bạc kia đau khổ chơi.

Nhưng không một ai thấy mình là ngươi đàn ông bị vợ nói là ái ân lạt lẽo đó. Không ai nhận mình là người đàn ông đó.

Nhưng không có những người đàn ông lạt lẽo ấy thì lấy đâu ra những chuyện tình lâm ly bi đát đó để cho những người đàn ông trở thành những người hùng tóc lộng gió, phong sương đi trong chiều mưa không biết về đâu mặc cho nàng đau khổ tiếp cứ như đoạn cuối của Bridges At Madison County khi Robert Kincaid do Clint Eastwood đóng lại chiếc xe cũ dưới cơn mưa tầm tã.

Những bài thơ lãng mạn hơi rẻ tiền đó vẫn tiếp tục sống. Sống qua những bài thơ rên rỉ đau khổ sáng nay tôi nghe trong một tiệm ăn.

Mới sáng ra, muốn bắt đầu ngày một cách tử tế thì chủ tiệm kèm tô phở bằng mấy bài hát khổ đau không biết để đâu cho hết.

Tại sao các nhạc sĩ viết những ca khúc ấy không hiểu rằng muốn lấy chồng, nàng phải qua bao nhiêu giai đoạn mới có cái nhẫn trong tay. Phải yêu người đàn ông kia đến một mức nào đó mới như thế chứ. Người đàn ông kia phải tốt, phải tử tế như thế nào nàng mới lấy làm chồng. Tại sao cứ nhất định cho rằng nàng sai lầm khi theo thằng chả về rồi viết những bài hát làm hỏng buổi sáng của tôi như vậy? Lỡ người đàn ông ấy là chính mình thì bản nhạc sẽ như thế nào?


Ngày 2 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Racial Profile là một hình thức kỳ thị với hình ảnh của một sắc dân nào đó mà thường thì đều là những nét tiêu cực.

Thí dụ câu này cũng là một thứ racial profile nhưng nhẹ nhàng, không quá tiêu cực:

Không ở lậu không là Mễ, không đi trễ không là Mít.

Chuyện ở lậu, xét cho cùng, không có gì tệ lậu cả. Ai cũng phải kiếm sống, ở nước mình không sống được thì tìm đường đi tới nơi sống được, không vào chính thức được thì chúng tôi đi chui. Không tốt là việc nhập cảnh lậu làm kiệt quệ ngân sách một số tiểu bang, vi phạm luật lệ của một nước khác.

Còn đi trễ thì chắc phải vui lắm nên người ta mới đi trễ như vậy. Ông Clinton, một nguời Mỹ cũng nổi tiếng là hay đi trễ.

Racial là chủng tộc, mầu da. Profile là chân dung bán diện. Bức chân dung vẽ bằng những nét xấu và tiêu cực về một dân tộc nào đó là racial profile. Từ cái chân dung đó, người ta có ngay những thành kiến không tốt về nguyên một dân tộc.

Rất ít người có thành kiến xấu về người Nhật, về người Na Uy, Thụy Điển, Thụy sĩ, Áo, Đức... Nếu có thì toàn là những đặc tính đúng giờ, kỷ luật, chăm chỉ.

Nhưng ít người nghĩ tốt về những người Ả Rập mà lại theo Hồi giáo. Nói đến hai chữ khủng bố là người ta không nghĩ đến người Nhật, người Lithuanie, người Lào, người Tahiti... Mà luôn luôn là hình ảnh một nguời đàn ông râu ria lởm chởm, cái khăn rằn trên đầu...

Chính vì cái racial profile đó, mà chúng ta đỡ bị khám xét lôi thôi ở phi trường, hay ở biên giới. Đỡ bị hỏi lôi thôi khi đi từ Mỹ sang Canada chẳng hạn. Đó chính là nhờ cái mặt Á châu của chúng ta.

Nhưng mấy năm gần đây, những trò vô giáo dục của anh lùn Kim Chính Nhật, rồi nay là thằng nhãi con Kim Chính Vân vừa lên thay anh lùn bố đang làm tôi rất lo ngại.

Những trò điên dại của anh trong thời gian qua mới chỉ khiến cho báo chí Mỹ vẽ ra những chân dung hí họa khiến người xem lăn ra cười. Nhưng nếu những trò tai ngược và mất dậy của anh sẽ được thằng ranh con Kim Chính Vân tiếp tục thì không biết bố con anh lùn này sẽ làm cho chúng ta vất vả như thế nào nữa.

Nếu trong mắt chúng ta, ngưòi Đức trông cũng đại khái giống ngưòi Áo, người Hung, người Tiệp... thì dưói mắt những nguời Âu, người Mỹ, thì chúng ta không khác gì người Thái, người Hoa, người Nhật và người Triều Tiên, nam cũng như bắc.

Người ta không bao giờ thấy chúng ta có hai mí mắt, nếu có một thì cũng đã cắt thành hai rồi. Người ta cũng không thấy cái gò má của chúng ta cao hơn, mắt chúng ta đỡ buồn ngủ hơn, đứng cạnh chúng ta chỉ thấy mùi phở chứ không thấy mùi kim chi, mùi thịt nướng bulgogi, mùi galbi ...

Năm 1982, Vincent Chin, một thanh niên Mỹ gốc Hoa bị hai người da trắng chặn đánh ở ngoài một quán rượu ở Detroit vì tưởng lầm nạn nhân là một người Nhật. Lúc ấy, Detroit, thủ đô xe hơi của Mỹ đang gặp khó khăn vì xe hơi Nhật .

Như vậy dưới mắt một số người, chúng ta là một hết, Tầu cũng như Nhật, Đại Hàn, Việt.

Những trò khiêu khích, bắt bí, lươn lẹo , dối gạt, gian lận, tiểu xảo, lưu manh vặt của anh lùn cao thước rưỡi thích đeo kính kiểu cọ, tóc đánh rối tớn lên để cho cao thêm một chút vì đôi giầy cao gót vẫn không cải thiện được chiều cao của chàng bao nhiêu và thằng con nhãi ranh của anh ta có thể sẽ lại làm cho hình ảnh của những nguời Á châu xấu đi. Những người đàn ông Á châu đã bị Scud, Nodong, Taepodong làm xấu đi vì anh lùn Kim Chính Nhật lại còn bị xấu thêm vì những xe hơi Hyundae, KIA , Dawoo, điện thoại Samsung đang ào ạt tiến vào thị trường Mỹ.

Chúng ta đã bị coi là Cao Ly vì những sự ngu dốt của một số người khi họ gọi chúng ta là gook như có lần chính thượng nghị sĩ John McCain đã làm. Danh từ gook đầy miệt thị nguyên là từ danh từ Han gook nghĩa là Hàn quốc, tiếng mà ngưòi dân Cao Ly tự xưng khi gặp lính Mỹ hồi chiến tranh Cao Ly đã được ghi lại bằng chũ gook để thay cho danh từ Korean dài hơn và tử tế hơn.

Họ gọi chúng ta cũng là gook luôn.

Điều đó lại càng cho thấy là nguơi Mỹ coi chúng ta cũng không khác gì người Triều Tiên.

Thế thì chúng ta phải làm gì?

Hễ người Triều Tiên ở Korea town làm gì, chúng ta phải làm cho khác. Người Mỹ sẽ nhìn ra những khác biệt ngay.

Người Triều Tiên ở Korea town nói to, chúng ta nói nhỏ, như trong ca khúc Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch: Nói cho vừa mình anh nghe thôi.

Người Triều Tiên quăng xe shopping cart ra đầu đường, chúng ta quăng lại vào trong chợ.

Người Triều Tiên mặt mũi hầm hầm đằng đằng sát khí khi ra đường thì chúng ta tươi cười, gặp đồng huơng vui vẻ, ai mở cửa giữ cửa cho đi ra thì cười lại không như người phụ nữ ăn phở Quang Trung sáng hôm qua được người đàn ông già và xấu trai mở của, nép mình sang một bên nhường đường cho nàng đi, vậy mà nàng cứ nghiêm và buồn đi ra, không thèm nhếch mép với chàng một câu cho chàng đỡ tủi thân, đi thẳng ra lái chiếc Mecedes xám ra đi mà không đẹp thêm được chút nào.

Cứ thế, một hồi sau, người Mỹ sẽ thấy đâu là người Việt đáng yêu của ông Doãn Quốc Sĩ và đâu là người Triều Tiên dễ ghét của ông Kim Chính Nhật, Kim Chính Vân và chúng ta sẽ không bao giờ sợ bị kỳ thị nữa.

Dẫu cho anh lùn Kim Chính Nhật có giở trò mất dậy gì đi nữa thì chúng ta cũng không sợ con nhái bén nào hết.

Không sợ con nhái bén nào nghĩa là … cóc sợ gì hết.


Ngày 3 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Cách đây không lâu, nhà chức trách Bắc kinh ra lệnh cấm những quảng cáo trên truyền hình và truyền thanh trong giờ ăn nếu nội dung những quảng cáo ấy làm cho bữa ăn của khán và thính giả mất ngon.

Thoạt nghe, nhiều người đã nghĩ ngay rằng đó lại là một trường hợp nhà cầm quyền Cộng sản thò bàn tay lông lá vào đời sống của người dân để can thiệp không cần thiết và vi phạm tự do của người dân Hoa lục vốn đã không có đưọc bao nhiêu quyền tự do.

Nhưng đọc bản tin của tờ Văn Hối báo thì người ta thấy lệnh cấm chỉ áp dụng cho quảng cáo các loại thuốc chữa những bệnh của một số bộ phận cơ thể mà chúng ta thường tránh nói ra trong những lúc ăn uống.

Những cấm đoán đó, nghĩ lại một chút, có thể là có lý.

Ngay như chuyện uống trà, cuốn Trà Sớ, cuốn sách bàn về nghệ thuật uống trà, cũng nói là nên tránh dùng trà đồng thô lỗ, hay người ở gái tính nết cáu bẳn hay gắt gỏng, những thứ có thể làm hỏng tuần trà.

Trà đồng , đứa bé để sai vặt trong khi pha trà như đốt lò, châm nước, lau bình và chén trà... mà thô lỗ, thì bình trà cũng mất ngon. Người ở gái (?) hay gắt gỏng cũng có thể làm hỏng không khí của tuần trà.

Uống ly trà còn như thế, ăn bữa cơm mà nghe những thứ thô lỗ cục cằn làm sao nuốt cho được. Nói chi đến những chuyện kinh hồn khác. Chiều đến, ngồi xuống bữa ăn, đã nghe vài ba thính giả gọi vào đài khai bệnh huyết trắng, ngứa âm đạo, cửa mình có mùi kèm theo tiếng cười hê hê của người trả lời thắc mắc thì làm sao sống.

Nhưng khi gặp những chuyện như vậy thì chỉ cần thò tay tắt cái radio đi là có thể ... ăn tiếp, hay đặt cái CD Four Seasons của Vivaldi lên nghe mùa xuân trở lại cũng có thể lấy lại được bình yên cho đầu óc, điều rất cần.

Nhưng có những chuyện khác, không thể dùng cái remote control để đổi đài, hay cho im tiếng đi được thì làm sao?

Sáng thứ sáu tuần trước, tôi ghé quán ăn gần nhà để ăn sáng, đọc tờ báo trước khi đi làm.

Ly cà phê vừa được đem ra thì tôi được nghe đọc hồ sơ bệnh lý của hai người bệnh. Hai ông khách ngồi bàn bên cạnh có những bộ phận phát thanh rất tốt, volume được văn lên mức tối đa. Hai ông đều là những người hào phóng, rộng rãi và cởi mở. Cả hai đều muốn cho những người ngồi cách ông trong bán kính ba mét nghe đầy đủ và miễn phí những chi tiết về bệnh của hai ông và cách chữa trị cùng với những loại thuốc mà hai ông dùng. Hai ông hình như muốn tranh nhau hơn thua về bệnh của mình, ông này muốn khoe bệnh của ông nặng hơn ông kia. Và ông kia cũng không chịu thua về mức độ nghiêm trọng của mình. Thôi thì các chi tiết về đờm giãi, phân, nước tiểu, nôn mửa mật xanh mật vàng , chó được cho ăn chè cũng phải chê đưa đơn đi tố cáo và kiện tại hội Bảo Vệ Thú Vật.

Tôi cố hết sức để không cho những âm thanh mà Phan Nhật Nam dùng tựa cuốn sách của William Faulkner mô tả là Âm Thanh Và Cuồng Nộ, The Sound And The Fury ấy lọt vào đầu. Nhưng không được. Hai ông cho biết đi những bệnh viện nào, các y sĩ nói gì về bệnh, thuốc men điều trị ra sao với đầy đủ chi tiết ngọn ngành. Nếu người nghe có cùng những bệnh trạng như của hai ông chắc chắn không phải trải qua những giai đoạn chẩn đoán, thí nghiệm như hai ông, chỉ cần ghi lại tên thuốc, kiếm cho ra các loại thuốc ấy là có thể tự chữa được để lại ra tiệm ăn mách thuốc cho những người bệnh khác.

Tô bánh canh lõng bõng nước, những sợi bánh canh bắt đầu trông gống những con vi trùng ngúc ngoắc, ngọ nguậy, miếng giò heo còn nguyên hai ba sợi lông, ngày thường thì hấp dẫn lắm, bỗng trở thành tảng thịt mỡ của một trong hai ông đang bệnh đến kỳ mãn tính...

Làm sao ăn tiếp được bữa sáng đáng lý ra phải bình yên để bắt đầu một ngày mới.

Hai ông không hề cảnh cáo những người chung quanh như các đài truyền hình ở Mỹ. Trước khi phát đoạn phim phóng sự chiến trường với vài ba cái xác bị bom nổ làm nát mặt ở Samarra, ở Baghdad, các đài truyền hình cẩn thận cảnh cáo người yếu bóng vía nên cẩn thận vì nét hiện thực của bản tin để cẩn thận văn đi đài khác.

Nhưng hai ông khách, sau khi đã ăn xong bữa, quay ra nói chuyện bệnh tật của hai ông mà không hề lý gì tới những người ngồi quanh, những người không hề có bất cứ một quan tâm hay quyền lợi (?) gì về bệnh của hai ông.

Tôi phải làm gì? Đứng dậy, sang bàn hai ông, chào, bắt tay hai ông và mừng hai ông qua cơn bạo bệnh, ở lại với thế giới đầy nhiễu nhương này?
Hay cho hai ông tô bánh canh chưa đụng đũa vào lên đầu hai ông để mừng ngày hạnh ngộ?

Cả hai việc đều không làm đuợc. Bữa ăn sáng cũng không thể cứu vãn được nữa.

Trả tiền đứng dậy, đi làm. Ấm ức suốt trên đường lái xe đến sở.

Nhưng vẫn mừng cho hai ông. Mong hai ông nói cho chán để không bao giờ làm phiền người khác nữa. Chúc hai ông mạnh khỏe, và không bị bệnh làm phiền như người khác bị bệnh của hai ông làm phiền, mất luôn bữa sáng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 130)

WOULD OF / COULD OF

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 130 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, kỳ này cháu có một thắc mắc nhờ chú giải đáp. Vừa mới hôm qua, hai cô bạn của cháu đã cãi nhau về hai chữ WOULD HAVE và WOULD OF. Một người nói rằng WOULD OF là sai, phải nói là WOULD HAVE mới đúng. Người kia thì nói WOULD OF tuy không đúng về mặt văn phạm nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng thấy cách dùng này được thêm nhiều người chấp nhận, kể cả trong văn viết nữa nên chuyện phân biệt, đúng sai không còn cần thiết nữa. Cháu quả thật không hiểu tại sao hai người đem chuyện này ra nói và theo chú, việc tranh cãi đó có quan trọng không.

BBT

Nếu để ý, QA và Trúc Giang sẽ thấy có nhiều người nói WOULD OF trong khi số khác thì lại nói là WOULD HAVE. Trong Anh ngữ dùng hàng ngày, thực ra WOULD HAVE hay WOULD OF không phải là chuyện quan trọng. Nói sao miễn người nghe hiểu thì thôi, đừng có hiểu lầm là được. Mà cơ hội hiểu lầm trong trường hợp này thì ít lắm. Chỉ trong bài vở ở trường học hay các giấy tờ, văn thư thì người ta mới đòi hỏi phải chính xác và chỉnh về văn phạm và chính tả. Trả lời văn tắt thì WOULD HAVE đúng. WOULD OF là sai về mặt văn phạm.

QA

Nhưng thưa anh, tại sao lại có chuyện lầm lẫn như thế?

BBT

Chuyện nói sai, rồi lâu dần nghe quen và sau đó, chúng ta nói sai tiếp là chuyện rất thường xẩy ra. Thí dụ trong trường hợp hai chữ SÁT NHẬP trong tiếng Việt chẳng hạn. Rất nhiều người nói và viết là SÁT trong khi đúng ra thì phải là SÁP NHẬP.

Trường hợp WOULD HAVE nói sai thành WOULD OF , cùng với COULD HAVE thành COULD OF , SHOULD HAVE nói sai thành SHOULD OF là những sai lầm tiêu biểu của những người quen với văn nói nhiều hơn là văn viết, tức là những người ít khi ngồi xuống cầm bút viết xuống giấy. Khi nói nhanh, WOULD HAVE thường được rút ngắn lại, tỉnh lược, nói tắt thành WOULD’VE. Về mặt ngữ học, hai âm "V" và "F" rất gần nhau. Cả hai âm đều được tạo thành bằng răng hàm trên với môi dưới. Khi nói nhanh và phát âm hơi lười biếng một chút thì WOULD’VE sẽ biến thành WOULD OF ngay. Và đó là lý do tại sao WOULD HAVE biến thành WOULD OF, cũng như COULD HAVE thành COULD OF với SHOULD HAVE thành SHOULD OF. Tương tự như các trường hợp vừa kể với WOULD, COULD và SHOULD, phải kể thêm MUST OF thực ra phải là MUST HAVE. Số người nói sai như vậy rất nhiều. Trúc Giang chịu khó nghe hai cô con gái nhỏ mới đi học của cô sẽ thấy ngay. Chúng chắc chắn đều nói WOULD OF thay vì WOULD HAVE.

QA

Trúc Giang đừng lo, lên đến các lớp trên chúng sẽ được thầy cô sửa lại. Nhưng có khi nào chúng vẫn tiếp tục viết sai như chúng nói sai không thưa anh?

BBT

Có chứ. Thiếu gì sinh viên Mỹ ở cấp đại học vẫn còn viết sai THEY’RE thành THEIR; LATER thành LATTER; LAY thành LIE; OF COURSE thành OFF COURSE; PERSONAL thành PERSONNEL… vân vân. Nhưng khi viết thì phải cẩn thận để viết cho đúng.

TRÚC GIANG

Nhân đây, chú nói thêm về cách dùng của WOULD, COULD, MIGHT và SHOULD có được không?

BBT

WOULD là quá khứ của WILL; COULD là quá khứ của CAN; MIGHT là quá khứ của MAY và SHOULD là quá khứ của SHALL. Nhưng tất cả những động từ vùa kể trên thường thì không được dùng để diễn tả những hành động, những chuyện trong quá khứ. Và trong những trường hợp đó, chúng mang những ý nghĩa rất khác. Thí dụ SHALL được dùng để tạo thành thì tương lai: I SHALL FLY TO SAN JOSE nghĩa là tôi sẽ dùng máy bay đi San Jose. Nhưng SHOULD không chỉ là PAST TENSE của SHALL, như khi nói I SHOULD FLY TO SAN JOSE thì lại có nghĩa là tôi nên dùng máy bay đi San Jose (có thể vì để tiết kiệm thì giờ, có thể để cho kịp gặp bạn bè, có thể vì đường đi sẽ kẹt).

Do đó, SHOULD được dùng để diễn tả một hành động, một lựa chọn nên diễn ra, một bổn phận, một việc nên làm.

Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với SHOULD để nói về những việc nên làm hay những bổn phận coi.

TRÚC GIANG

Cháu phải nhắc mấy đứa con rằng YOU SHOULD BE IN BED AT 8 O’CLOCK EVERY NIGHT.

Còn ba tụi nó thì MY HUSBAND SHOULD BE FIRMER WITH THE KIDS. Chị QA thì sao?

QA

WITH THE STEEP GAS PRICE, WE SHOULD DRIVE LESS AND LESS.

MISTER OBAMA SHOULD TRY HARDER FOR THE ECONOMY.

BBT

Trở lại với WOULD thì hai cô đều biết WOULD là quá khứ của WILL. Nhưng khi WOULD được dùng với ý nghĩa của thì hiện tại, cho những việc của lúc này thì WOULD lại mang ý nghĩa chúng ta sẵn lòng để làm, vui vẻ mà làm một việc gì đó. Thí dụ I WOULD LIVE IN SWITZERLAND BUT (I WOULD) NOT (LIVE) IN ZIMBABWE. QA cho nghe hai thí dụ với WOULD khi muốn nói mình sẵn lòng, vui vẻ làm những việc ấy coi.

QA

I WOULD HELP HIM WHENEVER HE NEEDS MY HELP.

MY MOTHER WOULD SAY "YES" TO ALL HER GRAND KIDS.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

MY ELDER DAUGHTER WOULD SKIP VEGETABLES ANY TIME.

WE WOULD BUY AMERICAN WHENEVER WE CAN.

BBT

COULD là quá khứ của CAN nhưng cũng như trường hợp của WOULD với WILL; SHOULD với SHALL, COULD mang thêm một ý nghĩa khác hơn là CAN. CAN được dùng để nói những việc người ta có khả năng (thể lực, tài lực) để làm thí dụ SHE CAN DRIVE AN EXPENSIVE CAR nghĩa là cô ấy có khả năng (có đủ tiền) để lái một chiếc xe đắt tiền. HE CAN DO 200 PUSH-UPS là anh ấy có thể (đủ sức mạnh) hít đất 200 cái. Nhưng COULD thì hơi khác. COULD ngoài việc dùng để nói về khả năng (ABILITIES) như CAN, nó còn được dùng để nói về những chuyện có thể, có nhiều cơ hội (POSSIBILITIES) xẩy ra nữa thí dụ HE COULD BE AT THE AIRPORT NOW. Câu này nghĩa là anh ấy có thể đang có mặt ở phi trường . Việc anh ấy có mặt ở phi trường không tùy thuộc vào việc anh ấy có tiền hay không, hay anh ấy đủ sức khỏe hay không. Câu này ý nghĩa tương đương với câu IT IS POSSIBLE FOR HIM TO BE AT THE AIRPORT. Hai cô cho nghe mấy thí dụ với COULD coi.

TRÚC GIANG

TWO YEARS FROM NOW, THOSE I-PADS COULD BE FOUND IN EVERY CORNER OF THE WORLD.

AFTER 2016, MISTER OBAMA AGAIN COULD RETURN TO HIS LAW PRACTICE AGAIN.

QA

MY DAUGHTER WITH HER DEGREE IN PHARMACY, COULD WORK ANYWHERE IN THE US.

THE ECONOMY IS GETTING BETTER, PEOPLE COULD FIND EMPLOYMENT MORE EASILY.

BBT

Động từ cuối cùng trong nhóm là MIGHT, quá khứ của MAY. Động từ MAY được dùng để xin phép nhưng ngày nay, ít người còn dùng nó vì động từ MAY nghe cổ điển quá, khuôn phép quá. Thay vì nói MAY I USE YOUR CAR TODAY? Người ta nói CAN I USE YOUR CAR? MAY còn được dùng để noi về một khả năng, về một chuyện có thể xẩy ra thí dụ: IT MAY RAIN ON SATURDAY.

MIGHT cũng được dùng để nói về một khả năng nhưng khả năng ấy KHÔNG nhiều bằng MAY. Thí dụ SHE MIGHT BE AT HOME BUT IAM NOT VERY SURE. IT MIGHT RAIN THIS AFTERNOON BUT THE SUN IS OUT NOW.

Trong khi nói, người ta dùng MIGHT nhiều hơn là MAY. QA cho nghe hai thí dụ với MIGHT coi.

QA

GOVERNOR JEB BUSH MIGHT RUN IN 2016.

MRS CLINTON MIGHT STAY HOME TO BE A GRANDMOTHER NEXT YEAR.

BBT

Còn Trúc Giang…

TRÚC GIANG

A LOT OF THINGS MIGHT HAPPEN IN VIETNAM THIS YEAR.

THE U.S. ECONOMY MIGHT GET BETTER IN 2013.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.