February 16, 2012

February 17, 2012

Ngày 14 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Chuyện một người ở đầu sông Tương, con sông lớn ở tỉnh Hồ Nam, người ở cuối sông, khúc chẩy vào hồ Động Đình, nhớ nhau mà không thấy được nhau, trong khi cả hai lại uống nước của cùng dòng sông, tưởng như chỉ có thể tìm thấy trong mấy câu thơ cổ, thì lại vẫn còn ở thế giới chúng ta sống.

...sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia...

Cảnh tội nghiệp vô cùng.

Nhưng ít ra, nếu muốn, cứ dọc bờ sông mà đi, thế nào cũng gặp nhau ngay. Trong khi đó, có những sự chia cách khác, khoảng cách tuy không bao nhiêu, không kẻ đầu sông, người cuối sông, nhưng gặp nhau thì không dễ gì. Chàng và nàng có thể phải chờ trong một khoảng thời gian vài ba năm mới có thể đi tìm nhau được. Như cặp tình nhân trong bức thư đọc được trong mục gỡ rối tơ lòng tuần trước: chàng và nàng đều phải chờ cho mãn án tù, mới đi tìm nhau được, vì cả hai đều đang ở tù tại California.

Bức thư của nàng viết cho biết như thế. Nhưng như người ta hay nói: love will always find the way. Cứ yêu nhau, thì chuyện gì cũng giải quyết được, đường đi có khó đến mấy thì rồi cũng kiếm ra cách, cũng tìm ra lối.

Bức thư của người phụ nữ nhờ gỡ rối cho biết nàng đang ở trong cùng một khám đường với người đàn ông mà nàng rất có cảm tình. Hai người chưa gặp nhau bao giờ -- tương tư bất tương kiến -- hệt như lời bài thơ cổ, nhưng họ đã nói chuyện với nhau bằng một cách khá kỳ lạ.

Không phải bằng điện thoại thường, cũng không phải bằng điện thoại di động, mà bằng một cách chưa ai nghĩ ra được.

Hai người, mỗi người một phòng giam, cách nhau không biết bao nhiêu hành lang. Nhưng họ vẫn nói chuyện được với nhau mỗi ngày. Trong phòng giam, theo lời người viết bức thư, họ đã dùng cái cầu tiêu để nói với nhau.

Bằng cách nào? Nàng cho biết cả hai người cùng cho nước thoát ra hết bồn cầu. Việc này dễ, không có gì khó: khóa nước lại, rồi bấm nút cho nước thoát đi. Nước thoát đi, nhưng ống dẫn vào bồn bị khóa nên nước không vào được bồn nữa. Ống nước không bị chặn lại ở con thỏ nên thông sang một cái ống khác cũng đã được khóa và không cho nước làm đầy bồn nữa. Thế là một đường dây viễn thông được mở ra. Hai người cứ úp mặt vào bồn cầu, nói với nhau, thăm hỏi nhau, tỏ tình với nhau, và sắp yêu nhau đến nơi, theo thư nàng cho biết. Sau một tháng chuyện trò với nhau như thế, chàng nói chàng yêu nàng và muốn được nàng yêu lại. Nhưng nàng có vài điều nghi ngại nên hỏi ý kiến người giữ mục gỡ rối tơ lòng. Nàng đang ở trong tù. Nàng muốn chờ cho đến lúc ra tù, đầu óc minh mẫn, lúc đó nói yêu nhau cũng chưa muộn.

Mục gỡ rối đồng ý với quyết định chờ mãn án của nàng rồi mới bước hẳn vào mối tình này.

Nhưng cũng như mọi thứ khác trên đời, chuyện của hai người không phải là không có khó khăn.

Thứ nhất là ngay ở phương tiện thông tin đang sử dụng.

Nói với nhau mà dùng cái bồn cầu đã là kỳ rồi. Lúc đang nói chuyện, một trong hai người bị thiên nhiên réo gọi, phải trả lời tiếng gọi của thiên nhiên thì kỳ lắm. Chàng phải xin lỗi nàng, hay nàng phải xin lỗi chàng để tạm ngưng cuộc đối thoại rất lãng mạn và thò tay mở cái khóa nước. Nước sẽ chẩy vào thùng nước phía trên. Quả cầu nhỏ trong thùng nước bị nước đẩy lên và bịt ống nước lại. Bấm nút cho nước thoát đi, một thùng nước khác được làm đầy. Chàng hay nàng lúc ấy ngưng úp mặt vào bồn cầu để quay lại ngồi lên bàn cầu. Phía bên kia hồi hộp chờ đợi bên này xong việc để nối lại câu chuyện. Có thể bên kia cũng lợi dụng bên này bận để giải quyết cùng một vấn đề tuy lúc đó có thể chưa thúc bách lắm. Ít phút sau, việc giấy tờ (paper work) xong xuôi(?), lại bấm nút cho nước thoát đi, khóa ống nước lại, đường ống... thông tin được thiết lập trở lại, hai bên nói tiếp câu chuyện tình ái...

... Sông biển nào nghe thấu nỗi niềm?
Sóng đâu cồn khóe mắt thâm nghiêm?
Lòng ơi! hoài vọng bao giờ nói
Thăm thẳm trùng dương một tiếng "em"...

(Đinh Hùng)

Hai người sẽ không bao giờ cãi nhau, giận nhau trong những lúc nói chuyện như thế. Tức lắm cũng không ai dám nói người kia là "Này, đừng có dở khắm, dở thối ra nhá. Ăn nói cái kiểu gì mà thối quá vậy..."

Bởi vì trong cách nói chuyện đó, thì cả hai đều... thối cả. Nói ra dễ làm mất lòng nhau lắm...

Mà cũng không thể nói "đồng ẩm Tương giang thủy" được. Lúc nhớ nhau, nói chuyện với nhau bằng cách ấy thì khó mà nghĩ tới chuyện uống nước được lắm.

Tôi muốn chúc lành cho cặp tình nhân. Họ là những người đầy sáng kiến. Trong những tình cảnh đầy khó khăn như thế mà họ vẫn yêu được nhau thì họ xứng đáng được hạnh phúc.

Chỉ sợ trong đời sống bình thường sau này, lối tỏ tình nhạt nhẽo, thiếu hương vị như của chúng ta sẽ làm cho họ chán nhau mà thôi.


Ngày 15 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Cách đây ít lâu, một độc giả cũng của mục gỡ rối tơ lòng có kể một lối để dành tiền đi du lịch khá lý thú.

Vợ chồng ông, theo thư ông viết, cứ mỗi lần yêu nhau, ông lại bỏ một Mỹ kim vào con heo đất ở đầu giường. Ông không nói hai người làm như thế (bỏ heo đất để dành) trong bao nhiêu lâu, mà chỉ cho biết vợ chồng ông đủ tiền để thực hiện một chuyến du lịch Hawaii, lại còn có vài trăm cầm theo để tiêu trong chuyến đi.

Một chuyến đi Hawaii, rẻ nhất cho mỗi người cũng phải $1,500.00, gồm vé máy bay đi Maui, và sáu đêm ở khách sạn Sheraton như phụ trang du lịch tuần này cho biết. Cứ cho là cầm theo $500.00 để tiêu vặt thì chuyến đi sẽ tốn khoảng $3,500.00 cho cả hai người.

Nếu cứ 4 (?) ngày, ông lại để dành được một đô la thì một năm ông để được $91.00.

Cứ 4 ngày một đô la bởi lẽ không thể có chuyện ngày nào cũng để dành được một đồng. Lý do là vì có khi ông ốm, bà đau, thỉnh thoảng bà lại bắt chước Nam Hàn, Bắc Hàn ngưng bắn vài hôm, có khi giận nhau, không chiến đấu được. Lúc trẻ tuổi có thể khác, khi nhiều tuổi khoảng cách có thể dài hơn giữa những lần ra trận. Và muốn để dành được số tiền $3,500.00 ông bà phải mất 38 năm.

Bức thư của người độc giả này xuất hiện trên báo đã làm cho rất nhiều người ghen tức. Ghen tức vì không làm được như cặp vợ chồng hạnh phúc đó.

Trước hết, phải có 38 năm. Cộng trừ nhân chia nhiều... nơi để được 38 năm là không được.

Những lần lẻ tẻ đó, mỗi lần may ra mời nhau được một cái vé xe điện và tô phở là nhiều. Không có cách gì để dành được $3,500.00 để mà đi Hawaii.

Cũng có khi ghen tức vì có ở với nhau 38 năm thật đấy, nhưng sức vóc cũng có thể không đủ để có nổi $3,500.00 đi du lịch. Có khi cố gắng lắm cũng chỉ may ra mời nhau nổi một chầu bò bía là cùng. Thảm lắm.

Nhiều người tin là tác giả bức thư chỉ muốn chọc quê các độc giả khác. Nếu chủ tâm của ông là như thế, thì ông đã thành công rực rỡ. Suốt mấy năm nay, tôi hậm hực về thành tích của ông vô cùng.

Tôi không tin chuyện đó là chuyện thật.

Thì hôm tuần trước, một độc giả khác viết cho mục gỡ rối một bức thư cũng dùng lối để dành đó, và sau 50 năm ở với nhau, ông đã có thể mời bà đi ăn tối ở một tiệm ăn rất sang, cơm Tây rượu chát, bạch lạp lung linh, vĩ cầm nỉ non... Và sang năm mới, ông sẽ mua vé đưa bà đi chơi vòng quanh thế giới. Tất cả đều bằng tiền bỏ heo đất để dành ở đầu giường.

Nhưng có khác với tác giả bức thư đầu một chút. Đó là tác giả bức thư đầu tiên chỉ có một con heo đất ở đầu giường. Đập con heo đất, ông đủ tiền đưa bà đi Hawaii, tiết lộ làm nhiều người vẫn còn ấm ức vì bị thua đậm.

Tác giả bức thư thứ hai cho biết ông và bà có hai con heo đất ở đầu giường.

Mỗi lần hai ông bà yêu nhau, ông bỏ một đồng vào con heo đất số 1. Và mỗi lần bà... nhức đầu, bà "hổng chiệu đâu", hay bà giận ông, hay bà chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với ông, ông cũng bỏ một đồng vào con heo đất số 2.

Ông cho biết trong bức thư gửi Ann Landers rằng bằng những đồng tiền để dành đó, ông đã có quà kỷ niệm cho bà nhân ngày kỷ niệm kim hôn ( 50 năm ).

Ông cho biết bữa ăn tối rất lãng mạn đó được trả bằng tiền để dành của con heo đất số 1.

Và chuyến đi vòng quanh thế giới được trả bằng tiền lấy từ con heo số 2.

Bạn có bao giờ ăn ở một tiệm ăn đắt tiền như thế không? Có thể nào tiền ăn to hơn tiền một chuyến đi vòng quanh thế giới không?

Hay là tổn phí cho chuyến đi du lịch vẫn lớn hơn bữa ăn tối.

Nếu vậy thì không ai thèm ghen tức với ông già viết lá thư thứ hai cả.

Tôi cũng thấy đỡ tủi nhiều lắm.


Ngày 16 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Chiếc cell phone tôi mang trong mình không lúc nào rời, hệt người tiết phụ đeo đôi ngọc sáng dưới chiếc áo lót mình mầu sen -- hệ tại hồng la nhu -- trước khi hoàn quân minh châu song lệ thùy, như trong thơ của Trương Tịch, hóa ra lại còn làm được bao nhiêu việc khác hơn chỉ là phương tiện để những người bạn quí liên lạc rủ đi nhậu như từ bao nhiêu lâu nay.

Ngoài việc đọc và gửi e-mail, xem tin tức, giá chứng khoán trong ngày (tôi không có) nó còn giúp làm được nhiều chuyện khác mà không cần phải mất công chạy tới chạy lui mất rất nhiều thì giờ như trước đây nữa.

Cách đây mấy tuần, tờ Newsweek cho biết là một công ty Đức (www.zappybaby.de), với một khoản lệ phí nào đó, sẽ thông báo cho người cần dịch vụ của họ lúc nào là lúc dễ trở thành nhà sản xuất nhất. Việc này sẽ giúp khỏi phung phí(?) sức người đi rất nhiều, vẫn theo lời của công ty trong tài liệu đọc được ở web site.

Người có tiềm năng sản xuất trước hết phải cung cấp một số dữ kiện liên quan đến hoạt động của bộ phận sản xuất trứng trong người. Thí dụ như ngày giờ nào thì những quả trứng sẽ được cho rụng.

Việc này dễ. Các y sĩ chuyên khoa có thể cho biết rất chi tiết về quá trình và thành tích rụng trứng của nhà sản xuất. Các dữ kiện này được cho vào máy điện toán để máy phân tích và dựa trên những lần trứng rụng trước đây, tiên đoán ngày giờ của những lần trứng sẽ rụng trong tương lai.

Nhờ dịch vụ này, người ta không còn phải viết những ký hiệu bí mật, khó hiểu trên những trang lịch trong buồng tắm và cũng sẽ không cần phải làm những sự tính toán nhiều khi sai lạc, lầm lẫn rất tai hại nữa.

Khi tới ngày, theo tờ Newsweek, công ty sẽ thông báo cho thân chủ biết lúc nào là lúc... chạy trời cũng không thoát đó.

Thông báo bằng cách nào? Thì chiếc cell phone đeo trong áo lót mình mầu sen chứ còn gì nữa.

Tưởng tượng lúc ấy, chuông sẽ reo nhè nhẹ. Thân chủ lôi cell phone ra, bấm nút TALK, áp máy vào tai, thì phía bên kia, www.zappybaby.de, sẽ đưa ra lời nhắc nhở đại khái: "Này, tới cữ rồi nghe ông / bà. Ở đâu, đang làm gì thì cũng ngừng tay, về nhà ngay lập tức... nếu ông / bà muốn trở thành nhà sản xuất".

Thế là quân ta quăng tất cả mọi thứ đang làm để chạy đến nơi hẹn để làm nhà sản xuất. Hay cũng có thể sẽ ù té chạy đến một thành phố khác nếu không muốn làm nhà sản xuất, vì công ty này thông báo cho cả phía bên kia nếu phía bên kia cũng cần dùng dịch vụ báo động đó.

Nếu hai bên cùng muốn trở thành nhà sản xuất, nhất định không tin vào những cảnh cáo về nguy cơ nhân mãn của các nhà dân số học và kinh tế học, thì sẽ có cảnh cả hai vừa chạy, vừa đọc nhanh cuốn sách chỉ cách đặt tên cho em bé, chọn cái tên nào thích nhất để đem dùng đúng chín tháng mười ngày sau...

Khi dịch vụ này trở nên thịnh hành hơn, mọi người đều dùng, thì con số những vụ chửa hoang, đẻ lung tung của các thiếu niên Mỹ, của các bà mẹ welfare có thể sẽ giảm đi. Được thông báo, các nhà sản xuất sẽ bị ba má hay sở xã hội đến canh chừng không rời mắt nửa giây, cho đến khi trứng bị hư, không còn hy vọng biến thành những cái của nợ cho xã hội nữa, các đương sự mới thả cho đi lại tự do. Chi phí đó nhất định sẽ thấp hơn là tiền trả cho các bà mẹ welfare rất nhiều.

Và khi đó, ai cũng sẽ tài giỏi như chuyện hai chú bé mà tôi đọc được đã lâu. Hai chú cùng năm tuổi, khoe sự hiểu biết về đời sống cho nhau nghe. Một chú khoe biết cách... làm sao có em bé và tưởng như thế là tiến bộ lắm. Người bạn nhỏ cũng năm tuổi đó liền đáp lễ rằng chú biết làm thế nào để... không có em bé, và như thế mới thực sự là giỏi.

Nhưng bây giờ, chuyện đó dễ ẹc. Ai chẳng biết, nếu nhờ www.zappybaby.de giúp cho một tay. Nhưng ở tuổi tôi và những sự quen biết của tôi, thì chúng tôi không bao giờ còn phải tốn tiền cho www.zappybaby.de nữa. Còn Grade A, Jumbo... nữa đâu mà lo. Trứng đã thối hết rồi còn chi nữa. Chẳng cũng khoái ư?

Nói theo kiểu ông Thánh Thán.


Ngày 17 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Trong Đông Dương Tạp Chí số 22, cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết một bài nhan đề "Gì Cũng Cười" về cái "thói lạ" của chúng ta, đó là thế nào cũng cười. Hay, dở, phải hay quấy cứ nhăn răng ra hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Cụ bực bội viết vài ba chục dòng nữa để nói về sự bất bình của cụ đối với cái cười mà cụ coi là không đúng chỗ của người Việt Nam chúng ta.

Cụ Vĩnh rõ ràng là không ưa cái thói hay cười kỳ lạ ấy. Cụ xếp bài viết của cụ vào loạt bài có tựa chung là "Xét Tật Mình". Đã coi đó là cái tật, thì nó phải xấu lắm. Cụ không thích những cái cười ấy của chúng ta.

Cụ Vĩnh mất khi còn trẻ, mới ngoài năm mươi tuổi. Cụ không hay cười, lại có vẻ ghét tiếng cười. Điều đó làm người ta nghi có thể cụ mất vì bệnh tim. Những người bị bệnh tim, theo Trung Tâm Ngăn Ngừa Bệnh Tim Mạch tại đại học Maryland ở gần thủ đô Mỹ, là nhưng người bị bệnh làm mất đi óc hài hước và không thích cười. Và vẫn theo những khám phá mới đây của trung tâm y khoa này, óc hài hước giúp ngăn chặn được các bệnh về tim. Cụ Vĩnh không thích cười, cụ còn ghét cả những người hay cười nữa. Điều đó cho thấy những người bị bệnh tim thường không nhanh chóng nhìn ra được khía cạnh hài hước của vấn đề và do đó, họ cười ít hơn. Ngay cả trong những hoàn cảnh tốt đẹp, họ cũng nhìn ra những điều không tốt và thường dễ nổi cáu, bực tức hơn là những người bình thường.

Phải viết nguyên một bài để nói về sự bực bội trước tiếng cười như cụ Vĩnh đã làm thì đúng là cụ có vấn đề với quả tim, như khám phá mới đây của khoa học đã cho thấy.

Tiếng cười là thang thuốc bổ -- Laughter, The Best Medicine -- không phải chỉ là tên một mục trong tờ Reader's Digest nữa, mà cười có thể thực sự giúp người ta khỏe mạnh, yêu đời, lạc quan, giảm bớt được căng thẳng tâm thần, ưu sầu và nhờ đó, tránh được những khó khăn về tim.

Nhưng cười được nhiều khi cũng khó lắm khi mà chung quanh, cảnh trí bầy ra như trong hai câu của Nguyễn Đức Sơn:

Mẹ con bản mặt lầm lì
Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm...

Cảnh như thế, thì khó cười quá. Muốn tim mạch khỏe mạnh không phải là dễ. Đóng vai Tí Quạu có vẻ dễ hơn.

Tưởng tượng buổi tối đang ngồi xem Tonight Show của Jay Leno hay Late Show của David Letterman cười thoải mái để đối xử tử tế một chút với quả tim theo lời khuyến cáo của đại học Maryland, thì cái TV yêu quí bị tắt, người tắt máy ngồi xuống bên cạnh để đóng vai nàng thơ của Nguyễn Đức Sơn (...bản mặt lầm lì...) ngó vào khoảng không, hứ một cái rồi mới vừa chê vừa mắng cả hai tài năng chọc cười của Mỹ là "vô duyên" thì trái tim không ngủ yên đó biết ngay là gió bão sắp kéo tới.

Không biết đó là chuyện gì, mắt bão nằm ở đâu, tuần trước hay tuần này, đã lỡ miệng nói cái gì, hay vừa có ai báo cáo nhảm, ném lựu đạn, pháo kích lầm, oanh tạc trải thảm bừa bãi trúng bậy vài ba nơi hiểm yếu... Mấy câu khôi hài không thấy có tiếng cười phụ họa. Không khí đầy thuốc súng còn hơn tình hình Trung Đông.

Muốn cứu vãn cho sức khỏe quả tim một chút mà cũng thấy khó quá.

Đứng dậy đi lên lầu với quyển sách thì bị gọi giật lại. Tưởng là những câu đay nghiến như thường lệ, nhưng lần này, là những tiếng khóc, than rằng không còn communicate nữa, không còn đối thoại, không còn dành thì giờ cho nhau nữa, sống như thế thì thà đừng ở chung với nhau nữa...

Biết thừa chỉ là những hăm dọa, chứ hạnh phúc có bao giờ dễ như ăn cơm sườn vậy. Cứ cho nhau mừng hụt mãi mà làm gì.

Thế là ngồi xuống, trái tim không được để ngủ yên thì bóp cho nó chết luôn đi cho rảnh nợ.

Chao ơi, trong cảnh như thế thì làm sao cười được mà cụ Vĩnh cứ bực bội chúng tôi mà làm gì thưa cụ?

Và cả đại học Maryland nữa, tìm ra chuyện cái cười là thang thuốc bổ tim, mà không thuyết phục được những người và việc làm héo hắt nụ cười làm niềm vui thì khám phá làm gì cho... tủi?


Ngày 18 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Hôm qua, trong mục Obituary, mục cáo phó của một tờ báo ở đây, tôi đọc được một cái cáo phó rất lạ. Người qua đời là một phụ nữ hưởng thọ ngoài bẩy mươi tuổi. Cụ có một đời sống khá dài, ra đời và lớn lên ở một thị trấn nhỏ miền trung tây Hoa kỳ, học đại học ở miền đông, lập gia đình với một nhà ngoại giao, từng theo chồng tới một số nước Á châu, Phi châu, cuối cùng về sống tại vùng thủ đô sau khi cụ ông nghỉ hưu và con cái trưởng thành, có gia đình ra ở riêng. Cụ bị ung thư, và qua đời sau một thời gian ngắn ở bệnh viện.

Nhưng những chi tiết vừa kể thì không có gì đáng nói. Câu cuối của cái cáo phó mới lạ. Câu này cho biết những người còn sống trong gia đình của cụ, cũng tương tự như đoạn chúng ta viết "Tang gia đồng khấp báo" rồi kê ra ở dưới tên của chồng, con, dâu rể, cháu chắt vân vân. Câu cuối của cái obituary viết như thế này: "Survivors include her husband Thomas Stanford, her two sons Bruce and Sean, five grandchildren and her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg".

Cụ để lại trần thế cụ ông, hai con trai và năm cháu nội, cùng với hai ông Alex và Rigg yêu quí, như cái cáo phó viết. Những trang cáo phó trong báo tiếng Việt thì cũng viết tương tự, chỉ có khác là thỉnh thoảng con cháu cho luôn đống bằng cấp vào sau tên cho cả nước ghen tức mà chết bớt đi thôi. Nhưng điều kỳ lạ của cái cáo phó báo tin cụ bà Stanford qua đời, là tên của hai ông Alex và Rigg yêu quí được ghi ở cuối.

Hai ông này là những người chồng cũ của cụ chăng? Chắc không phải, vì ở đoạn trên, những chi tiết của cái obituary không hề nói đến những cuộc hôn nhân khác của cụ. Hay hai ông Alex và Rigg yêu quí (her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg) là hai ông bồ của cụ? Chắc không phải. Người viết obituary, nếu không là cụ ông, thì cũng phải là hai ông con trai, không lẽ mấy người đàn ông này lại cho hai ông bạn trai của vợ, của mẹ mình vào trong cáo phó. Chịu chơi thì cũng vừa vừa thôi chứ.

Cả buổi sáng tôi thắc mắc về chi tiết này. Chỉ sợ sau này, khi chết, mấy chú em ở lại, viết cáo phó lại cẩn thận ghi hết tên của mấy (?) người quen vào, vừa gây phiền nhiễu cho các đương sự (kiểu như... bà Alex và bà Rigg chẳng hạn) lại vừa tốn giấy. Nhất định phải dặn dò kỹ các ông em này để các ông tha cho người chết cái tội làm phiền người sống ấy, mặc dù cũng muốn được như trong thơ ông Đinh Hùng lắm: "Khi anh chết các em về đây nhé..."

Vào sở, có việc xuống thư viện thì tôi nhớ là có một người chắc chắn có thể giải đáp thắc mắc của tôi: bà thủ thư. Tôi đi kiếm bà ngay, thì được giải thích cho biết ngay hai ông Alex và Rigg không phải là bạn trai của cụ bà mà cũng không phải là chồng trước của cụ.

Hai ông là hai cậu chó của cụ. Và theo bà thủ thư ở thư viện thì bây giờ rất nhiều người làm vậy: ghi tên của chó và mèo vào cáo phó để báo tin buồn chó mất chủ -- táng gia cẩu -- cho thân bằng cố hữu biết mà chia buồn.

Thế mà từ hơn một ngày, tôi nghi oan cho cụ, và "...đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh..." sợ cho mình.

Nhưng chắc còn phải lâu lắm, những cái cáo phó trên các báo Việt ngữ mới có những Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Đốm... đồng bái tạ được. Bởi vì có khi cụ vừa nằm xuống, mấy ông con đã lôi Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Đốm... làm một trận rựa mận thì ở đó mà bái với chẳng tạ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 132)

SUBJUNCTIVE MOOD

Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 132 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, tuần qua, một thính giả ở Houston có viết thư cho chương trình để hỏi về SUBJUNCTIVE MOOD và nhờ chú giải thích. Cháu hỏi chị QA thì cả hai cũng đều chưa nghe SUBJUNCTIVE MOOD bao giờ. Xin chú nói về cách dùng này.

BBT

Thực ra, cả hai cô có thể quên SUBJUNCTIVE MOOD đi cũng chẳng sao. Chính một nhà văn nổi tiếng của văn chương Anh, William Somerset Maugham, cũng đã có lần nói rằng ông muốn đào sâu chôn chặt SUBJUNCTIVE MOOD đi cho rồi. Ông muốn nó chết ngắc cho tiện. Tuy nhiên, vì có thính giả yêu cầu, tôi sẽ chỉ nói qua về SUBJUNCTIVE MOOD và sẽ không đi sâu, mà chỉ vừa đủ để hai cô khi nghe thì hiểu tại sao người ta lại dùng nó và cách cấu tạo của nó để khỏi thắc mắc.

Tiếng Việt gọi SUBJUNCTIVE MOOD là BÀNG THÁI CÁCH. SUBJUNCTIVE MOOD có BA thì (TENSES) tất cả nhưng trong Anh ngữ hiện đại, người ta chỉ dùng có HAI thì là PRESENT và PAST. Và trong hai tenses này thì chỉ có PAST SUBJUNCTIVE là đáng để chúng ta đề cập ở đây mà thôi.

Trúc Giang cho biết đây là thì gì nhé: I WAS, YOU WERE, HE WAS, SHE WAS, IT WAS, WE WERE, THEY WERE?

TRÚC GIANG

Đó là thì SIMPLE PAST.

BBT

Rất đúng. Thì SIMPLE PAST của động từ TO BE thì hai cô đã rành rồi. Và đây là SUBJUNCTIVE PAST:

I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE… QA thấy có gì đáng nói ở đây?

QA

QA thấy ở thì SUBJUNCTIVE PAST, tất cả các ngôi thứ nhất (FIRST PERSON), thứ hai (SECOND PERSON), thứ ba (THIRD PERSON), số ít (SINGULAR) cũng như số nhiều (PLURAL) đều là WERE, mà không là WAS trong các ngôi số ít như I, HE, SHE, IT.

BBT

Đúng thế. Chúng ta dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những trường hợp của những điều kiện KHÔNG THỂ XẨY RA, KHÔNG BAO GIỜ THỂ LÀ SỰ THỰC.

IF I WERE YOU chẳng hạn, tôi không bao giờ là anh, là chị được. Điều đó là nhất định rồi. Trúc Giang cho một thí dụ của giả thiết KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA coi.

TRÚC GIANG

IF I WERE IN THE MOON NOW. Hay IF HE WERE MY SON. Cả hai giả thiết đều không bao giờ có thể trở thành sự thực.

BBT

Chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những trường hợp RẤT KHÓ CÓ THỂ DIỄN RA. Thí dụ IF I WON THE LOTTERY, I WOULD RETIRE AT ONCE.

QA cho nghe thử hai thí dụ mà cô cho là rất khó có thể diễn ra hay rất khó trở thành sự thực coi.

QA

IF HE KNEW ALL THE ANSWERS, HE WOULD WIN THE NEXT JEOPARDY.

IF WE COULD BE YOUNG AGAIN, WE WOULD GO BACK TO COLLEGE.

BBT

Chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những điều chúng ta ước ao, ước mơ xẩy ra, hay những chuyện không thể có thực. Thí dụ I WISH I WERE IN AUSTRALIA RIGHT NOW. Hay I WISH I HAD A BROTHER LIKE HIM.

Một chi tiết khác chúng ta nên biết, đó là khi đưa ra những đề nghị hay đòi hỏi, thì ngôi thứ BA số ít bao giờ cũng là INFINITIVE không có TO đi trước.

Thí dụ WE INSIST THAT HE IS ON TIME là sai. Phải nói là WE INSIST THAT HE BE ON TIME. Trúc Giang làm thử một câu dùng SUBJUNCTIVE MOOD với ngôi thứ BA coi.

TRÚC GIANG

THEY SUGGEST THAT SHE STUDIES DENTISTRY.

BBT

Câu đó không đúng. Trúc Giang sửa lại đi.

TRÚC GIANG

Thế thì cháu nói THEY SUGGEST THAT SHE STUDY DENTISTRY có đúng không?

BBT

Vậy mới đúng.

QA

Có phải vì thế mà câu đầu của quốc ca nước Anh mới là GOD SAVE THE QUEEN thay vì GOD SAVES THE QUEEN không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy. Trong những trường hợp chúng ta bầy tỏ sự ao ước, hay những điều chúng ta muốn xẩy ra, chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD như trong những câu chúng ta đã nghe nhiều lần:

COME WHAT MAY chứ không nói COMES WHAT MAY; TILL DEATH DO US PART thay vì TILL DEATH DOES US PART; SO BE IT mà không nói là SO IS IT; hay PEACE BE WITH YOU mà không nói PEACE IS WITH YOU… vân vân. Còn rất nhiều nữa không thể kể ra hết ở đây.

Vậy là tạm đủ về SUBJUNCTIVE MOOD. Hôm nay, tôi muốn nói về một cách đặt câu mà hai cô sẽ thấy là rất dễ dùng và rất tiện dụng. Đó là IT IS+ADJECTIVE+TO. Hai cô sẽ tự đặt lấy những câu xác định (AFFIRMATIVE), phủ định (NEGATIVE) và nghi vấn (QUESTION) với cách đặt câu này. Tôi sẽ cho một thí dụ trước:

IT IS POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND. Đó là AFFIRMATIVE.

IT IS NOT POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND. Đó là NEGATIVE.

IS IT POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND? Đó là QUESTION.

Trúc Giang dùng DIFFICULT nghĩa là khó khăn cho ba câu như vậy coi.

TRÚC GIANG

IT IS DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK.

IT IS NOT DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK.

IS IT DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK?

BBT

QA cho nghe thí dụ với UNDERSTANDABLE nghĩa là có thể hiểu được coi.

QA

IT IS UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM.

IT IS NOT UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM.

IS IT UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM?

BBT

Trúc Giang đặt ba câu với NORMAL nghĩa là tự nhiên, bình thường coi.

TRÚC GIANG

IT IS NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU.

IT IS NOT NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU.

IS IT NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU?

BBT

QA cho nghe thí dụ với WONDERFUL nghĩa là tuyệt diệu coi.

QA

IT IS WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM.

IT IS NOT WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM.

IS IT WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM?

BBT

Trúc Giang cho nghe thí dụ với GOOD coi.

TRÚC GIANG

IT IS GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY.

IT IS NOT GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY.

IS IT GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY?

BBT

Ngoài ra, hai cô cũng có thể đặt hàng trăm câu khác với FORGIVABLE, BELIEVABLE, UNDERSTANDABLE, BETTER, BEST … vân vân.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.