Ngày 14 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Tiếng Việt chưa có chữ nào dịch chính xác được danh từ wine snob của tiếng Anh.
Không thể dịch wine snob là người sành rượu được, vì wine snob không thực sự sành rượu mà chỉ thích diễn xuất vai trò của một tay sành rượu để bịp những người không biết gì về rượu, và làm cho những người như bạn điên lên và có cảm tưởng nhỏ lại, bé lại vì những thiếu hiểu biết của mình về rượu bị phơi bầy ra một cách tàn bạo.
Mấy năm trước tôi đọc được một truyện ngắn hay tuyệt về loại người này mà nay đã quên mất tên tác giả và luôn cả tựa đề của truyện cũng không sao nhớ ra được. Nhưng những chi tiết của truyện ngắn này thì tôi còn nhớ khá rõ.
Truyện viết trong một bữa tiệc của một gia đình nọ, trong đám khách có cả một tay nổi tiếng là sành rượu được mời tới vì chủ nhà có một chai rượu ngon rất hiếm mà ông không tin là có người biết được tên và nơi sản xuất. Khách khứa toàn là những người thuộc giai cấp khá ở Luân Ðôn. Trước khi tiệc khai diễn, khách được mời đi thăm các phòng ốc trong nhà cùng với hầm rượu của gia chủ. Vào tiệc, người khách được mọi người coi là sành rượu ấy dĩ nhiên được chủ nhà mời uống ly đầu tiên và đồng thời cũng thách ông nói đúng được tên chai rượu. Người khách nhận lời thách thức của gia chủ, và biến nó thành một trò chơi đánh cuộc. Nếu nói đúng, ông ta đòi chủ nhà phải nhường ngôi nhà rất đẹp đang ở và gả cô con gái cho ông ta. Nhưng nếu nói sai, thì người khách mà chủ nhà coi là một wine snob không nên tiếp tục khoe khoang về tài nếm rượu của ông ta nữa.
Chủ nhà tin rằng chai rượu quí ông mua ở một hầm rượu ít người biết sẽ đưa tới việc ông khách wine snob phải bỏ trò bịp của ông ta đi. Còn ông khách thì tin chắc ông ta sẽ có nhà để ở, có vợ trẻ để chấm dứt cuộc sống độc thân của ông. Rồi bất chấp những phản đối của vợ và con gái về trò chơi điên dại và nguy hiểm đó, ông chủ nhà nhất định không rút lại lời thách đố ông đưa ra về chai rượu. Chai rượu được đưa ra từ một nơi cất dấu kín trong phòng đọc sách của chủ nhà ra, nhãn được che lại. Chủ nhà khui chai rượu. Một ly đỏ được rót ra, đưa cho ông khách. Ông khách sành rượu cầm lên, nhắp một chút, ngậm trong miệng, nhắm mắt lại, nuốt nhanh. Rồi lại làm như thế thêm vài ba lần. Mỗi lần ông ta đều ngưng lại để mô tả chất nước đỏ, về mùa nho, về nước trong vùng, về khí hậu của vùng đất sản xuất ra nó. Ông cứ loại bỏ dần các lâu đài trong vùng, và chủ nhà thì cũng đi từ trạng thái kiêu hãnh vì mua được chai rượu quí, sắp lật mặt nạ được một tên wine snob, sang trạng thái không mấy chắc rồi càng lúc càng bớt tự tin, đến độ lo sợ mất nhà, mất con gái cho tên wine snob. Cuối cùng, sau khi loại nốt những nhà sản xuất rượu trong vùng, người khách nói đúng được tên chai rượu và luôn cả năm sản xuất. Chủ nhà, theo đúng truyền thống gentleman Ăng Lê, giữ lời hứa trao lại căn nhà cùng với cô con gái trẻ và rất đẹp của ông cho người khách. Vợ con chủ nhà không dấu được xúc động và kinh ngạc, bật khóc.
Nhưng đúng vào lúc ông khách ra về, với lời hứa sẽ trở lại để nhận lãnh giải thưởng là căn nhà và cô con gái của chủ nhà, thì người giúp việc của gia đình chủ nhà bước ra, hỏi ai để quên cặp kính đọc sách. Ông khách nhận là của ông, đưa tay cầm lấy. Lúc ấy ông chủ nhà mới tò mò hỏi người giúp việc rằng tìm thấy cặp kính của ông khách ở đâu. Người hầu gái cho biết cô tìm thấy ở đằng sau tủ sách trong phòng đọc sách. Và đó cũng lại là nơi ông chủ nhà dấu chai rượu quí trước khi lấy ra, khui để thách ông khách. Tại sao cặp kính của ông khách sành rượu lại nằm ở nơi chủ nhà dấu chai rượu quí thì độc giả phải cố mà hiểu lấy.
Hồi cuối thế kỷ 19, một loại sâu tên là phylloxera đã tàn phá hầu hết các vườn nho tại Âu châu. Phylloxera, do đó là kẻ thù của các nhà sản xuất rượu. Nhưng cuối thế kỷ này, kẻ thù của họ không còn là loại sâu phylloxera nữa, mà là những con sâu đi hai chân có biệt tài khủng bố và tra tấn những người thỉnh thoảng uống vài ly ở bữa tiệc nhà người bạn.
Các nhà sản xuất rượu ghét bọn wine snob đã đành. Những người uống rượu cũng ghét. Các tay nếm rượu và viết về rượu chuyên nghiệp cũng ghét cái thứ này, mặc dầu chính họ cũng đã từng có phen bị coi là wine snob.
Hôm qua, ở tiệm sách, tôi hiểu tại sao cái bọn wine snob này đông đến là như thế. Cứ ở một bữa tiệc là thế nào cũng có cậu đứng lên tra tấn mọi người bằng kiến thức về rượu của các cậu, thứ kiến thức về máy xe hơi của tôi và của bạn, những người từng có thời mở cái nắp trước của chiếc Volkswagen con bọ (Beetle) kiếm mãi không thấy cái máy ở đâu. Các cậu nghiêng đầu, nheo mắt, chiếp chiếp môi, nhắm mắt lại, cố tìm những tĩnh từ để mô tả ly rượu, gật gù cái đầu, xổ một câu tiếng Tây ra để khen chai rượu rồi mới cho khách cùng bàn uống.
Ở tiệm sách, tôi thấy bầy bán cuốn Wine For Dummies của Ed McCarthy và Mary Ewing-Mulligan. Cầm nó lên, tôi tưởng tượng thấy ngay những cậu wine snob ở các bàn tiệc mấy năm nay.
Thế giới đã có lần tìm cách dẫn độ cựu tướng Pinochet sang Tây Ban Nha để xử về tội tra tấn người. Thế thì tại sao không làm gì với những wine snob của chúng ta? Cuốn sách bán không quá hai chục sắp giúp tung ra thêm một đống wine snob khác cho thế giới. Sao chúng ta khổ thế này?
Ngày 15 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Trong khi giá cả của hầu như tất cả mọi thứ thương phẩm, dịch vụ trên thế giới đều gia tăng, thì có một thứ, ít nhất là một thứ, không những giá cả không tăng, mà còn xuống một cách thảm hại là đằng khác.
Món danh chẳng hạn. Món này có lúc đắt ghê gớm, nhưng bây giờ thì lại rẻ mạt. Ngày xưa - không biết ở thời điểm nào - có lúc món danh này trị giá đến ba mươi ngàn đồng. Món tiền ba mươi ngàn đồng Vạn Lịch (thích bốn chữ vàng) hay ba mươi ngàn đồng Bảo Ðại thì cũng vẫn là những khoản tiền lớn hơn năm chục Mỹ kim của ngày hôm nay rất nhiều. Vậy mà với năm chục Mỹ kim ngày nay, người ta có thể mua được món hàng bán với giá ba chục ngàn trước kia dễ ợt.
Thuở ấy, muốn mua danh, người ta phải chi ba mươi ngàn đồng. Bán nó đi, thu về được ba đồng đã là may lắm. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng," là câu tục ngữ ghi lại giá cả của món hàng này vào lúc ấy.
Ngày nay, muốn mua tí danh để thỏa mãn cái háo (?) trong người, những con người háo danh chỉ cần chi có năm mươi Mỹ kim là có ngay cái... danh "thi sĩ" cho mẹ cháu phục điên lên, quyết kiếp sau lại tìm cho được chàng để lấy, bỏ cho đứa khác lấy mất thi sĩ của đời mình tưởng không còn có gì phí uổng cho bằng.
Những chuyện như thế, chuyện mua cái danh rẻ rề, số người không biết bao nhiêu, ngoài chính những người mua chúng, bởi lẽ các đương sự, sau khi bỏ vài chục Mỹ kim ra, thì không muốn người khác biết cái danh rất rẻ đó của mình, nên dấu biệt như mèo dấu những thứ trong ruột chúng thải ra. Mãi cho đến gần đây, khi chương trình Prime Time của hệ thống truyền hình ABC lôi chuyện này ra nói cho cả nước biết, người ta mới vỡ lẽ là món danh bây giờ rẻ mạt.
National Library of Poetry năm nào cũng dụ những người thích danh bằng những bức thư gửi đến tận nhà, ân cần mời gửi thơ đến dự thi, hứa nếu được chọn, sẽ được in vào tuyển tập thơ cùng với các nhà thơ khác. Các nhà thơ mầm non cũng như mầm già mừng quá, tưởng tượng ra cảnh võng lộng nghênh ngang về hù mẹ cháu và mấy người bạn dễ tin, bèn lôi ra những đống cóc và nhái chứa trong mấy cái hũ nút ra, gởi cho National Library of Poetry, theo đúng lời yêu cầu của những lá thư viết hú họa nhận được trong đống junk mail. Chờ đợi ít ngày thì tất cả đều được hồi âm của National Library of Poetry loan báo thơ đã được chọn. Bức thư yêu cầu "nhà thơ" gửi cho năm chục đô-la để thanh toán phí tổn in thơ
Không một "nhà thơ" nào từ chối đề nghị tiền bạc đó. Không những thế, các "nhà thơ" này còn gởi tiền đặt mua thêm năm, bẩy cuốn khác, mỗi cuốn trị giá năm chục để tặng bạn bè và mấy em bé "thục nữ chỉ mê thơ" như trong thơ Ðinh Hùng cho các em mê chết bỏ luôn cả các "nhà thơ" cho bõ ghét. Chỉ chi ra có năm chục Mỹ kim mà thành "nhà thơ" thì làm sao mà từ chối cho được.
Vì thế mà trò bịp lấy tiền này năm nào cũng kiếm được tiền của những thứ háo danh điên cuồng đó. Các "nhà thơ" này sau khi có thơ in trong tuyển tập, liền long trọng thông báo cho bạn bè thân quen biết rằng các chàng đã trở thành nhà thơ Mỹ đàng hoàng để mức độ khinh miệt dành cho các chàng trước đó được cắt giảm đi đôi chút. Mà phải cắt giảm chứ. Ðừng có tưởng Ăng lê ở đây ấm ớ. Ăng lê này làm được cả thơ, lại được phong tước hiệu "thi sĩ quốc tế" chứ ít sao. Các "nhà thơ" này sau đó, có chàng còn mở tiệc mừng, mời bạn bè, họ hàng đến nhâm nhi cái danh vọng lớn các chàng vừa mang về. Các chàng còn gà cho vài ba nhà báo viết bài khen nhặng lên, so sánh các chàng với Octavio Paz, T. S. Eliot, e.e. cummings, Robert Frost... khiến mấy ông nhà thơ này lăn lộn không yên dưới mồ mãi. Tội nghiệp biết là chừng nào!
Chương trình của ABC chắc cũng điên người vì các "nhà thơ" này nên đã phải gửi một phái viên đi làm một phóng sự về các nhà thơ này và để xem sự tuyển chọn thơ được thực hiện như thế nào
Phóng sự được chiếu cách đây ít lâu, trong đó, phái viên của đài tới một trường tiểu học nọ, nhờ các em học sinh lớp Hai, những em chưa bao giờ biết luật thơ, kỹ thuật thơ, phương pháp ẩn dụ, so sánh trong thơ, cách hiệp vần, cấu tứ... là gì, viết mỗi em một bài thơ. Phái viên giúp các em đánh máy lại, in ra bằng computer cho đẹp và gửi tới National Library of Poetry. Thế rồi đúng như phái viên của ABC đã đoán được từ trước: tất cả thơ của các nhà thơ nhi đồng này đều được... tuyển chọn để in trong tuyển tập. Tất cả đều được yêu cầu gửi cho National Library of Poetry số tiền năm chục Mỹ kim để có thể trở thành "nhà thơ" hệt như mấy cậu háo danh to đầu khác.
Chỉ khác là các em học sinh lớp Hai này, khi được thông báo thơ của các em được chọn để in và nhà xuất bản cần năm chục Mỹ kim của các em thì các em đều hét ầm lên "Give me a break!" trước ống kính thu hình của đài ABC.
Chứ các em không kiếm bộ smoking, đeo cái nơ đen, mở cái party ăn mừng được tặng cái danh "thi sĩ quốc tế" bao giờ.
Nói và viết tiếng Việt cả đời cũng làm gì có chuyện ai cũng có thể trở thành Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa... đâu. Thế thì tại sao lại nghĩ rằng Ăng lê học vài ba năm có thể làm thơ được bằng tiếng Mỹ?
Bao nhiêu triệu người Ấn mới có được một Rabindranath Tagore? Rõ khổ thân.
Hay đã đến lúc phải tăng cái giá... danh hão này lên chút xíu nữa cho kịp với tốc độ tăng giá của... nước mắm?
Ngày 16 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Mới đây, một tờ tuần báo có dành nguyên trang bìa sau để quảng cáo cho một loại sản phẩm, mà vừa thoáng đọc được, tôi đã tưởng tượng ra không biết bao nhiêu sản phẩm kỳ lạ khác.
Sản phẩm mà trang quảng cáo gửi đến người đọc thực ra chỉ là loại thuốc lá có tên là Virginia Slims. Nhưng điếu thuốc cuối cùng mà tôi hút, là đã hơn bốn mươi năm nay, đó là từ ngày đón cháu trai đầu lòng từ bảo sinh viện về nhà, nên cái tên thuốc Virginia Slims không tạo bất cứ một ý niệm nào trong đầu.
Bạn đọc thử coi: Virginia Slims. It's a woman thing.
Câu này, nếu hiểu một cách nôm na như tôi - ngay tình và không hề bóp méo - thì nó phải là mấy cái đồ (?) của phụ nữ ấy mà: It's a woman thing. Nguyên văn như vậy thì phải hiểu như thế nào nữa đây?
Nhưng mấy cái thứ của phụ nữ là những thứ gì? Ôi chao ôi, kể sao cho hết được các thứ thiết bị của các nàng, lại thêm chữ "slim" nữa mới là quái ác chứ. Hay "slim" là mỏng, là không dầy, như những thứ sản phẩm mà truyền hình vẫn chìa vào mặt khán giả chăng?
May quá, có hình bao thuốc bên cạnh. Virginia Slims là thuốc lá của phụ nữ. It's a woman thing. Không có hình bao thuốc, thì trí tưởng tượng có nghèo xơ xác như tôi cũng phải nghĩ ra hàng chục thứ sản phẩm kinh hoàng khác là ít.
Nửa trên của trang quảng cáo, là hình chụp hai phụ nữ trẻ ngồi trên thùng của một chiếc xe thể thao mui trần. Hai người đang nói chuyện với nhau, nét mặt tươi cười, một người tay cầm điếu thuốc, người kia cầm trong tay bao Virginia Slims. Và dưới bức hình, là câu nguyên văn như thế này: The only time we really wish we were men is 100 miles from the nearest restroom.
Hai người, như bức hình cho thấy, có vẻ tương đắc lắm. Họ hài lòng với chính họ, với những gì họ có, với đời sống mà họ đang sống. Câu viết dưới bức hình lại càng khiến cho người đọc trang quảng cáo tin là họ không còn ao ước gì hơn nữa. Cái lần duy nhất mà họ thực sự ước ao họ là đàn ông, là khi họ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm.
Nhưng cũng chính câu này làm tôi không hiểu được. Tôi hiểu là họ không muốn trở thành đàn ông. Ðiều này dễ hiểu. Họ còn trẻ, trông cũng đẹp, cái cửa nào họ muốn mở mà mở chẳng ra. Vậy thì ước ao trở thành đàn ông làm gì nữa. Nhưng họ lại nói là đã có lần họ ước ao trở thành đàn ông. Ðó là lần duy nhất. Và cái lần ấy cũng oái oăm lắm, là khi họ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm.
Còn những lúc khác, họ không bao giờ muốn làm đàn ông hết.
Tại sao ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm thì họ lại đổi ý, muốn làm đàn ông?
Tôi không hiểu nổi. Ðể tìm cách hiểu cái "công án" kinh khiếp này, tôi moi móc trí nhớ để nghĩ lại coi có bao giờ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm không, và trong trường hợp đó, nghĩa là trong khi ở xa nó 100 dặm, tôi có cảm thấy mình là một người đàn ông vui sướng, niềm ao ước thầm kín của hai người phụ nữ này hay không.
Tôi nhớ lại là tôi đã có một lần ở rất xa cái nhà cầu gần nhất thật. Nhưng không hẳn là 100 dặm như trường hợp mà hai người phụ nữ trong cái quảng cáo đưa ra.
Dịp ấy đến nay đã hơn ba mươi năm. Trong chuyến đi chơi xuống đảo phía nam của Tân Tây Lan, bạn tôi và tôi rủ nhau lên núi Cook ngắm lá vàng, và khi chiếc xe cà khổ của chúng tôi lết tới được gần cái khách sạn The Hermitage rất đẹp, đích đi tới của chúng tôi (cách khoảng 70 dặm) thì bạn tôi đòi ngừng xe lại. Tôi tưởng bạn tôi muốn chụp ảnh, vì chúng tôi đang di chuyển trên đoạn đường dọc theo một hồ nước nguyên là miệng núi lửa hết sức đẹp. Nhưng bạn tôi hình như lại chỉ muốn làm một chuyện khác. Tôi nghĩ mãi mới ra, bèn chạy xuống sát bờ hồ đứng nhìn cảnh hồ thu. Một lúc sau. chúng tôi lên xe đi tiếp. Bạn tôi nói sao mà cái xứ nhà quê đến là như thế, ai mà tiếp tục giữ được nước (?) thêm 70 dặm nữa. Bạn tôi đưa ra nhận định là làm đàn ông quả là hạnh phúc, đâu có vất vả như phụ nữ, muốn đóng góp tí nước với sông, hồ, ao, biển thì đàn ông chỉ chạy đến gần bờ nước là làm được ngay, đâu có vất vả như nàng. Rồi bạn tôi ước gì cứ vài chục dặm, bên đường lại có cái... lò nguyên tử cho mọi người có thể sống trong văn minh và văn hóa.
Nhưng nghĩ lại, thì bạn tôi ước ao có được cái lò nguyên tử gần hơn chứ có ao ước làm đàn ông bao giờ đâu.
Vì thực ra, tôi cũng chỉ ngắm cảnh hồ thu chứ có dám đóng góp chút nước nào cho cái hồ ở trên núi Cook ở nam Tân Tây Lan như bạn tôi đã đổ oan cho đâu. Chính bạn tôi mới là người sung sướng sau những đóng góp của nàng.
Ðã hơn bốn mươi năm mà tại sao bây giờ còn có cái quảng cáo nói ra cái giọng khó chịu như thế?
Ngày 17 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Larry Flynt là một người làm báo không giống bất cứ một người làm báo nào khác ở Mỹ. Larry vừa là chủ nhiệm, vừa kiêm luôn chủ bút của tờ Hustler. Với sức học chưa hết trung học, Larry đọc bài, lựa bài cho báo theo tiêu chuẩn là gặp những chữ nào đọc không hiểu, thì chàng xóa ngay, rồi nhờ phụ tá thay thế bằng những chữ đồng nghĩa dễ hiểu hơn.
Báo của chàng nhờ đó mà dễ hiểu, dễ đọc hơn những tờ báo mà chàng cố hết sức cạnh tranh rất nhiều.
Tờ Playboy với những bài viết trình độ cao đã khiến cho nhiều độc giả phải đi tới quyết định chỉ xem hình (?) chứ không đọc các bài vở. Trong khi với tờ Hustler, độc giả chỉ đọc bài (?) mà không xem hình (?) mặc dù hình ảnh của tờ Hustler xem cũng dễ hiểu (?) hơn là hình ảnh của tờ Playboy.
Sau lần bị bắn trong vụ ám sát hụt. Larry Flynt phải ngồi xe lăn, dùng các loại thuốc chống đau nhiều đến độ quen thuốc, rồi nghiện luôn. Larry Flynt còn bị mất ngủ kinh niên sau khi vợ, Althea Flynt chết vì bệnh AIDS.
Và hệt như những người mất ngủ khác, Larry Flynt cũng rất ghét những người không mất ngủ như chàng. Còn gì tức hơn là ngủ không được trong khi chung quanh các xưởng cưa hoạt động ầm ỹ, không lý gì đến chuyện mất ngủ đau khổ của mình. Những người mất ngủ, trong nỗi bực bội của họ, cũng muốn những người khác mất ngủ như mình cho công bằng, tự do, dân chủ và bác ái.
Và đó là việc mà Larry Flynt đang cố gắng làm cho được bằng cái quảng cáo nguyên một trang mà chàng trả tiền để đăng trên tờ Washington Post cách đây mấy năm. Larry Flynt tiêu 85 ngàn Mỹ kim để thuê tờ Post đăng trang quảng cáo với những dòng chữ làm mất ngủ rất nhiều người.
Ðoạn lời rao của Larry Flynt đại khái như thế này: bạn đã bao giờ có liên hệ ngoại tình với một đương kim dân biểu, một nghị sĩ hay một giới chức cao cấp nào trong chính phủ không? Nếu có, bạn có thể cung cấp bằng cớ của những liên lạc tình dục bất hợp pháp với những người này không? - Have you had an adulterous sexual encounter with a current member of the United States Congress or a high-ranking government official? Can you provide documentary evidence of illicit sexual relations with a congressman, senator or other prominent officeholder?
Larry Flynt hứa trả tới 1 triệu Mỹ kim cho những tiết lộ như thế nếu tờ Hustler dùng những tài liệu có thể kiểm chứng được do đương sự cung cấp.
Chỉ hai ngày sau, số điện thoại mà Larry đăng trên báo đã nhận được khoảng hơn 200 cú điện thoại của những người muốn cung cấp tài liệu để lấy 1 triệu. Mà đó là lời rao mới chỉ được đăng trên tờ báo phát hành ở trong vùng thủ đô. Những vùng khác mà tờ Washington Post không tới được thì chắc chắn còn nhiều cú điện thoại khác chưa biết để mà gọi.
Ít nhất là có vài ba trăm người mất ăn, mất ngủ ở thủ đô Mỹ. Những người mất ngủ này gồm dân biểu, nghị sĩ, các bộ trưởng, tối cao pháp viện, các chức vụ tổng giám đốc trở lên, các phụ tá bộ trưởng, thứ trưởng...
Larry Flynt đặt điều kiện là những liên hệ đó phải xẩy ra trước khi có quảng cáo của tờ Hustler để tránh trường hợp của một số quyết tâm đi kiếm 1 triệu Mỹ kim bằng cách bây giờ mới tấn công, đánh phá bừa bãi, hay trường hợp các đối thủ chính trị thuê người đi tạo scandal.
Món tiền 1 triệu Mỹ kim không phải là nhỏ. Và nói theo kiểu người Mỹ thì tiền nói - money speaks. Có thể không chỉ nói, mà là hát nữa - money sings - mới đúng.
Sự nguy hiểm là ở đó. Người em bé bỏng có thể trước đây chỉ định tiếp tục "đi bên cạnh cuộc đời" và "vẫn hằng theo dõi bước anh đi" ở xa, đóng vai trò người đàn bà bị phụ rẫy, ruồng bỏ như tiểu thuyết ba xu. Nhưng làm thế nào "say NO" với 1 triệu.
Và đó là nguyên nhân gây mất ngủ của nhiều người ở thủ đô nước Mỹ. Larry Flynt không ngủ được, thì các ngài đừng hòng tối tối leo lên giường là ngủ ngay như khúc gỗ được.
Phải trằn trọc, phải mất ngủ, phải khốn khổ, phải đi đi lại lại trong phòng như những con gà mái trong trại gà đến kỳ khai hoa nở nhụy, tục gọi là như "gà mắc đẻ" thì Larry mới vui.
Sáng hôm đọc xong trang quảng cáo của Larry Flynt, trong lúc lái xe đi ăn sáng, bật radio lên nghe, thì tôi bắt được đúng một đài chuyên phát nhạc đồng quê Mỹ đang phát một bài hát với giọng não nuột, buồn như khóc của Hank Williams, bài Your Cheating Heart:
Your cheating heart / Will make you weep / You cry and cry / And try to sleep / But sleep won't come / The whole night thru / Your cheating heart / Will tell on you / When tears come down / Like falling rain / You toss around / And call my name / You walk the floor / The way I do / Your cheating heart / Will tell on you...
Ðủ hết khóc than sầu khổ, đi tới đi lui gọi tên nàng, chờ giấc ngủ mà không ngủ được...
Không biết có ông dân biểu, nghị sĩ nào lúc ấy cũng nghe được bài hát này hay không.
Bỗng nhiên thấy không làm lớn cũng vui đấy chứ. "Ăn cơm với cáy thì ngáy o o / ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy". Thế là huề với Larry Flynt. Cả lũ mất ngủ hết cho bình đẳng cuộc đời.
Khổ không để đâu cho hết khổ được.
Ngày 18 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế ra đời sau đệ nhị thế chiến với mục đích duy trì hòa bình và an ninh của thế giới song song với công tác phát triển hợp tác quốc tế trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo đang trải qua những đổi thay để thích ứng với cục diện mới của cuối thế kỷ 20.
Hôn hai chục năm trước, Hoa Kỳ cùng với Anh đã lớn tiếng đòi thay đổi nhiều hơn nữa. Từ đó đến nay, tổ chức này đã có được một số đổi thay nhưng có thể là chưa đủ nên chính phủ Mỹ vẫn chưa chịu thanh toán hết những khoản tiền còn thiếu cho Liên Hiệp Quốc.
Nhưng thay đổi tới mức nào nữa mới đủ? Không ai biết được. Duy có điều ai cũng phải nhận là Liên Hiệp Quốc đã có thay đổi.
Người ta không đến Liên Hiệp Quốc chỉ để nói về hòa bình, về tài binh, về những tranh chấp lãnh thổ để nhờ phân giải, về nạn kỳ thị, về tai trời, ách nước để xin được giúp đỡ nữa. Người ta có thể dùng diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để đề cập đến rất nhiều chuyện không dính líu gì đến mục tiêu hoạt động và thành lập của Liên Hiệp Quốc. Diễn đàn không còn chỉ là của những người như đức Ðạt Lai Lạt Ma, như Mẹ Teresa, như tổng thống Vaclav Havel, tổng thống Nelson Mendela... nữa.
Sharon Stone, nữ tài tử của phim Basic Instinct đóng chung với Micheal Douglas, cuốn phim đem lại cho cô tiếng tăm không ít, mới đây, cũng đã tới trụ sở của Liên Hiệp Quốc để đưa ra đôi lời phát biểu.
Nhưng tại sao lại không phải là Sharon Stone? Tại sao Sharon Stone không thể tới Liên Hiệp Quốc nói dăm ba câu sau khi một trong những Spice Girls vừa được cử làm đại sứ danh dự của Liên Hiệp Quốc?
Những bản tin thì lại không nói rõ Sharon Stone được mời đến nói chuyện ở đâu, trước bộ phận nào của Liên Hiệp Quốc. Chẳng lẽ trước Hội Ðồng Bảo An? Hay trước Phủ Cao ủy Tị Nạn?
Nhưng các chi tiết đó có thể không cần thiết nên các bản tin không viết rõ. Ðiều mà cô đào điện ảnh này nói mới là đáng kể.
Sharon Stone nói rằng trong những gia đình có con cái trong hạng tuổi từ 13 đến 19, cha mẹ nên để 200 cái áo mưa ở trong cái hộp đặt tại nơi kín đáo để lũ con có thể lấy bỏ túi vài cái trước khi ra khỏi nhà mà không bị ai trông thấy để phải ngượng. Nhà nào không có thì chưa thể gọi là nhà với ý nghĩa đầy đủ của chữ nhà được - No home with teenagers is complete without a couple of hundred condoms sitting around. Parents should keep 200 condoms in a box somewhere everybody isn't all the time so teenagers could take them without embarassment...
Không biết đến bao giờ những khuyến cáo của Sharon Stone mới thấy được thực hiện. Tôi không nghĩ trong chiều dài còn lại đời sống của tôi, tôi sẽ được nhìn thấy những điều đó. Mà cũng không muốn nghĩ là nó sẽ xẩy ra nữa.
Cứ tưởng tượng ra là tôi đã hết cả hồn. mặc dầu lũ con không còn đứa nào trong hạng tuổi mà Sharon Stone đề cập trong lời phát biểu nữa.
Thí dụ cứ tưởng tượng cảnh một người cha đang ngồi đọc tờ báo, thì cậu con trai, hay cô con gái đi vòng xuống bếp, chỗ mà người cha biết chắc là có cái tủ (?) treo (?) 200 chiếc áo mưa, thò tay quơ một nắm rồi xẹt ngang qua mặt bố, rồi lấy xe đi vài ba ngày mới về thì... còn gì là cha nữa.
Mà nếu người cha quăng vội tờ báo, chạy theo, hỏi nó đi đâu, bao giờ về, nó chỉ cười cười, tung vài ba cái áo mưa lên không khí, chụp ngon lành bằng tay rồi đáp lại nhà bạn... học bài thì sao?
Hay người cha khi cần cái áo mưa, thò tay vào hộp thì không còn cái nào nữa trong khi lại lôi ra được một tờ giấy nguệch ngoạc vài chữ nói rằng hộp áo mưa đã hết, xin mua thêm thì sao? Thì sao khi vừa mới hai ba hôm trước vừa mới để vào đó đúng 200 cái như Sharon Stone đã đề nghị? Thì sao khi mà cha mẹ chúng có phung phí lắm, cả năm cũng không dùng hết được 200 cái áo mưa đó? Hậu sinh khả úy đến thế sao?
Nếu không thì cha mẹ phải làm gì khi vừa cơm nước buổi chiều xong, mấy đứa con trai, con gái trong nhà xếp hàng chờ đến lượt vào chỗ để cái hộp, bốc mỗi đứa vài ba cái trước khi xin phép bố mẹ đi chơi... một lát, hứa sẽ về sớm, trước giờ giới nghiêm 10 giờ?
Sharon Stone đáng lẽ nên đưa ra một lời khuyên khác hơn một chút thì hay biết bao nhiêu. Những người đã xem phim Basic Instinct của cô không thể nào quên được cảnh Sharon Stone ngồi trong phòng hỏi cung của cảnh sát, khi cô ngồi trên ghế, châm điếu thuốc, thở một hơi khói rồi đổi thế ngồi, gác chân phải lên chân trái, và trong một phần mấy chục của một giây đồng hồ đó, khán giả được thấy Sharon Stone quên không đi qua cái hộp đựng … quần lót quơ nhanh một cái mang theo trước khi xuống quận cảnh sát.
Sharon Stone đáng lẽ phải để trong nhà một cái hộp đựng 200 cái quần lót để mỗi khi đi ra đường, khỏi phải mất công đi tìm trong máy sấy, máy giặt, gầm giường, kẹt tủ, dưới ghế sofa, trong freezer, trong microwave oven, trong máy VCR, dưới chậu cây, trên chụp đèn bếp, trên cánh quạt trần phòng khách... mãi mới kiếm được chiếc quần lót mặc xuống phố.
Hay là cô lại lý luận kiểu của cô là đi nghe hòa nhạc tại sao lại bịt tai lại? À, nếu vậy thì thôi.
Nhưng chuyện ấy mà sao cũng lôi ra trước Liên Hiệp Quốc để nói như thế? Kỳ chết được.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 79)
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 79 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, hôm trước, QA gặp hai chữ này không biết chữ nào viết đúng, chữ nào viết sai vì QA trông thấy cả hai chữ xuất hiện trong một cuốn sách mà QA không tin đó là những trường hợp lỗi typo, lỗi nhà in như chúng ta vẫn nói. Đó là BESIDE và BESIDES. Một có "S" và một không có "S". Chữ nào đúng, hay cả hai đều đúng?
BBT
Cả hai đều đúng.
LÃM THÚY
Nhưng nghĩa thì chắc khác nhau phải không thưa anh?
BBT
Cô Thúy nói đúng. Hai chữ đều viết đúng, không phải là lỗi typo, nhưng là hai chữ khác nhau, là hai từ loại (PARTS OF SPEECH) khác nhau.
Một tiếng là PREPOSITION, tức là giới từ. Cuốn Việt Nam Văn Phạm của các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm định nghĩa giới từ là tiếng dùng để liên lạc một tiếng với tiếng túc từ của nó. BESIDE không có "S" là giới từ nghĩa là bên cạnh, sát bên, kề bên. Thí dụ AT SCHOOL, I SAT BESIDE A VERY NEAR SIGHTED STUDENT. Giới từ BESIDE cùng nghĩa với NEXT TO hay BY THE SIDE OF, AT THE SIDE OF… Cô Thúy cho nghe một thí dụ với BESIDE coi.
LÃM THÚY
THERE IS A RESTAURANT BESIDE MY BOOKSTORE.
QA
QA nói thế này có được không thưa thầy: WE USED TO LIVE BESIDE A LARGE VILLA IN SAIGON.
BBT
Cả hai cô đều dùng đúng PREPOSITION BESIDE. Chỉ cần nhớ BESIDE khi là PREPOSITION thì không có "S" ở cuối.
Bây giờ qua BESIDES có "S" ở cuối. BESIDES là ADVERB nghĩa là cũng, tương đương với ALSO và AS WELL. Thí dụ HE SPEAKS SPANISH AND ITALIAN BESIDES nghĩa là anh ấy nói tiếng Tây Ban Nha và luôn cả tiếng Ý nữa.
Nếu không dùng BESIDES, QA sẽ nói câu trên như thế nào?
QA
HE SPEAKS ENGLISH AND (HE) ALSO (SPEAKS) SPANISH.
Nếu không thì QA cũng có thể nói HE SPEAKS ENGLISH AND SPANISH AS WELL
LÃM THÚY
Thưa anh, trong Anh ngữ cón nhiều trường hợp làm rối trí những người nói tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ như Thúy và QA không?
BBT
UNFORTUNATELY YES! Không may là có nhiều trường hợp như thế. Thí dụ SOME TIME viết rời, và SOMETIMES viết liền và có "S" ở cuối.
SOME TIME viết rời nghĩa là một lúc nào đó trong tương lai. I WANT TO VISIT TOKYO SOME TIME nghĩa là tôi muốn đi thăm Tokyo một dịp nào đó trong tương lai. Thúy cho một thí dụ đi.
LÃM THÚY
SOME TIME IN THE FUTURE, I WILL TAKE ALL MY CHILDREN TO VIETNAM TO VISIT.
BBT
QA thử một câu với SOME TIME đi.
QA
LIKE MANY YOUNG PEOPLE THAT I KNOW, MY DAUGHTER PLANS TO MOVE TO NEW YORK SOME TIME.
BBT
Trong khi đó, SOMETIMES viết liền và có "S" ở cuối thì là trạng từ nghĩa là thỉnh thoảng, đôi khi, là chữ tương đương về ý nghĩa với OCCASIONALLY, EVERY NOW AND THEN, NOW AND THEN, EVERY LITTLE ONCE IN A WHILE …
Dân ca Mỹ có bài "SOMETIMES I FEEL LIKE A MOTHERLESS CHILD", đôi khi tôi thấy mình như một đứa bé không mẹ. Chữ này thì hai cô biết dùng lâu rồi, mà cũng thường hay dùng chúng lắm. Thế nên chúng ta chuyển sang INTERESTED và INTERESTING.
QA
Đúng đó thưa anh, đây là hai chữ QA thấy nhiều người dùng sai lắm. QA cũng đã có lần dùng không đúng. Biết thì mắc cở lắm.
BBT
Tại sao lại mắc cở?
QA
QA có lần nói I AM VERY INTERESTING thì liền bị con gái sửa lưng ngay, nói rằng mẹ không nên dùng chữ đó cho mẹ, để tụi con dùng mới được. QA hỏi thì em QA giải thích INTERESTING là hay, là lý thú, là tốt đẹp, khiến nhiều người thích hay chú ý. Vì thế, nói I AM INTERESTING là tự mình khen mình hay, đẹp, lý thú. Điều đó không nên phải không thưa anh?
LÃM THÚY
Như thế, chị QA định nói gì, và phải nói thế nào mới đúng?
BBT
Tôi nghĩ QA muốn nói cô ấy thích một cái gì đó. Có thể đi qua hàng bán quần áo, cô thích một chiếc áo, cô kéo con gái lại thì phải nói là I AM INTERESTED IN THIS JACKET. Không thể nói I AM INTERESTING IN THIS JACKET.
QA
Nhưng nếu QA nói SHE IS VERY INTERESTING thì có được không?
BBT
Được. Câu ấy có nghĩa là cô ấy là một người hay lắm, nói chuyện hấp dẫn, có những ý tưởng lạ lùng, lý thú lắm. AN INTERESTING BOOK, STORY, PERSON đều được cả. TO BE INTERESTED IN nghĩa là quan tâm, thích, lưu ý, ưa chuộng, muốn biết về, muốn tìm hiểu về…
QA
I THINK A VERY NICE BOY IS INTERESTED IN MY ELDER DAUGHTER AT SCHOOL BUT SHE IS ONLY INTERESTED IN HER STUDY.
BBT
Lãm Thúy cho một thí dụ với cả INTERESTED và INTERESTING coi.
LÃM THÚY
THE BOOK BY MISTER VƯƠNG HỒNG SỂN IS VERY INTERESTING. I READ IT AND NOW I AM INTERESTED IN ANTIQUES.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ qua hai danh từ này: PRICE và PRIZE. Trong tiếng Pháp, PRIX là cả hai chữ PRICE và PRIZE của tiếng Anh.
PRICE là giá. Giá của chiếc xe, cuốn sách, cái nhà là PRICE. PRIZE là giải thưởng. NOBEL PEACE PRIZE là giải Nobel Hòa Bình. OSCAR là PRIZE. PRIX trong tiếng Pháp vừa là giá vừa là giải thưởng.
LÃM THÚY
Vậy thưa anh PRICE và COST có giống nhau không?
BBT
Có khác. PRICE là giá, là tiền để mua một món hàng. COST là chi phí, là phí tổn để chế tạo, làm ra, sản xuất một vật, một món hàng nào đó.
Cô sẽ dùng THE PRICE hay THE COST OF THE WEDDING?
LÃM THÚY
Thúy sẽ dùng THE COST OF THE WEDDING vì đó là tiền, phí tổn phải chi cho đám cưới.
QA
Vậy thì chúng ta cũng phải dùng THE COST OF LIVING chứ không thể nói THE PRICE OF LIVING.
BBT
Đúng vậy. THE COST OF LIVING là giá sinh hạt, phí tổn cho đời sống, cuộc sống. Thí dụ THE COST OF LIVING IS HIGHEST IN TOKYO. Cô QA sẽ dùng động từ gì với PRICE?
QA
Giá thì chỉ lên hay xuống, chỉ tăng lên hay giảm đi. Vậy thì tăng giá là RAISE THE PRICE, là BRING UP THE PRICE, là JACK UP THE PRICE, laø INCREASE TO PRICE. Trái lại, hạ giá là LOWER, là CUT THE PRICE, là REDUCE THE PRICE.
BBT
Với PRIZE, cô Lãm Thúy sẽ dùng động từ gì?
LÃM THÚY
Thúy theo dõi cuộc trao giải Oscar thì thấy họ dùng TO AWARD phải không thưa anh?
BBT
Tôi nghĩ hai trường hợp này cũng có thể gây bối rối cho hai cô, đó là LOSE và LOOSE.
QA
QA biết động từ TO LOSE, LOST, LOST là làm mất, đánh mất thí dụ WE CAN LOSE OUR WAYS EASILY IN TAIPEI nhưng LOOSE thì QA chưa gặp bao giờ.
BBT
Tôi không nghĩ vậy. Chắc chắn hai cô đã phải gặp nó rồi. Thí dụ người mặc SIZE 6 mà khoác cái áo SIZE 12 thì làm sao đây?
LÃM THÚY
IT DOES NOT FIT. IT IS LOOSE. I TRIED TO LOSE A FEW POUNDS AND NOW MANY OF MY DRESSES ARE NOW LOOSE.
BBT
Hay lắm. Cô dùng được cả hai chữ dễ lẫn lộn ngay trong một câu. TO LOSE A FEW POUNDS là cố để xuống vài pounds nên quần áo rộng hẳn ra, không còn vừa nữa.
Có hai trường hợp này tôi cũng muốn nhắc hai cô: ALL READY và ALREADY.
ALREADY là đến nay (đã), là trạng từ thời gian. ALL READY viết rời thành hai thì lại nghĩa là đã sẵn sàng, đã sửa soạn xong. QA nói khi khách đến thì chuyện nấu nướng đã xong, đã hoàn tất, bữa cơm đã sẵn sàng bằng tiếng Anh thì cô sẽ dùng ALL READY hai chữ hay ALREADY một chữ?
QA
QA sẽ dùng ALL READY: WHEN THE GUESTS CAME, DINNER WAS ALL READY. Nhưng nếu nói khi khách đến, bữa tối đã nấu xong thì QA sẽ nói WHEN THEY ARRIVED, DINNER WAS ALREADY COOKED.
BBT
Thúy cho nghe hai câu với hai cách dùng của ALL READY và ALREADY coi.
LÃM THÚY
BY SATURDAY, THE DRESS WILL BE ALL READY FOR PICK UP.
HE DOES NOT COOK SO HE ALWAYS BUYS MEALS THAT ARE ALREADY COOKED.
BBT
Những trường hợp như thế có khá nhiều trong tiếng Anh. Chúng ta không thể nào đề cập tới hết trong một giờ học. Tôi sẽ trở lại nhiều lần nữa.
QA
Thưa anh, có một qui luật nào cho các động từ bất qui tắc không?
BBT
Đã gọi là bất qui tắc , IRREGULAR VERBS thì làm sao có qui tắc được nữa. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của cô nhưng chỉ có một cách duy nhất để biết quá khứ và quá khứ phân từ của các động từ bất qui tắc, đó là học cho thuộc mà thôi. Nhưng nhiều khi không cần học, cứ nghe nói một hồi la nhớ. Tuy thế, cũng có một số ít những trường hợp có thể xếp chung lại với nhau cho dễ nhớ. Động từ TO KNOW chẳng hạn. Động từ này thì chắc hai cô đã biết PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của nó. Thúy còn nhớ không?
LÃM THÚY
TO KNOW, PAST TENSE là KNEW và PAST PARTICIPLE là KNOWN.
BBT
Cám ơn cô. Có một số động từ khá giống TO KNOW tận cùng bằng OW, quá khứ là EW và PAST PARTICIPLE là OWN. Cô QA biết đó là những động từ nào không?
QA
TO GROW và TO BLOW. Theo cách biến đổi của TO KNOW, KNEW, KNOWN thì chúng ta có TO GROW, GREW , GROWN và TO BLOW, BLEW, BLOWN.
BBT
Cô Thúy biết động từ nào khác cũng theo cách biến đổi như TO KNOW không?
LÃM THÚY
TO THROW, THREW, THROWN và TO FLOW, FLEW, FLOWN.
BBT
Cô đúng một nửa. TO THROW, THREW, THROWN nhưng TO FLOW là chẩy thì lại là động từ REGULAR, chỉ thêm ED vào cuối để thành FLOWED và FLOWED.
LÃM THÚY
Nhưng Thúy nhớ là đã thấy FLEW và FLOWN mà.
BBT
Cô Thúy đem râu ông FLOW cắm cằm bà FLY. TO FLY là bay. PAST TENSE là FLEW và PAST PARTICIPLE là FLOWN. Còn TO FLOW thì là FLOWED và FLOWED.
Có một nhóm khác nữa, trong đó có TO DRINK. QA biết PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của TO DRINK là gì không?
QA
QA nhớ những bản tin cảnh sát có chữ DRUNK DRIVING và PAST TENSE của TO DRINK là DRANK. Vậy thì INK biến thành ANK và UNK. Vụ chiến hạm Cheonan của Đại Hàn bị đánh đắm và chìm xuống biển cho QA biết thêm một động từ TO SINK, SANK và SUNK.
LÃM THÚY
Thúy biết một động từ nữa, nhờ mua cái quần Jeans hồi mới sang và đọc thấy chữ PRE-SHRUNK. Về sau Thúy biết thêm đó là từ động từ TO SHRINK, PAST TENSE là SHRANK và PAST PARTICIPLE là SHRUNK.
Gần giống như thế là động từ TO SING, SANG, SUNG.
QA
QA nhớ hai động từ này: TO SPRING, SPRANG, SPRUNG và TO RING, RANG, RUNG.
BBT
Cám ơn cô QA. Cô có thấy TO RING, RANG, RUNG có lạ không?
QA
QA nhớ cậu em của QA khám phá ra chi tiết khá lý thú về TO RING. PAST TENSE là RANG. PAST PARTICIPLE là RUNG. Đọc theo tiếng Việt thì RUNG THE BELL là RUNG CÁI CHUÔNG.
LÃM THÚY
Còn một động từ nữa hình như tiếng Anh mượn của tiếng Việt thì phải: TO CUT, CUT, CUT là cắt phải không thưa thầy?
BBT
Tôixin thua cả hai cô.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 79 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television xin tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt đến quí vị.