Ngày 7 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Miền đông nước Mỹ năm nay bị một trận lạnh khủng khiếp. Trong những ngày lạnh này, tôi có về chơi Virginia vài ba bữa. Trong một lần đi ăn với mấy người bạn cũ, ở chỗ đậu xe, tôi gặp một người quen lâu ngày không gặp. Chúng tôi chào nhau và chia tay nhau ngay. Trước khi đi, người phụ nữ còn ngoái cổ nói lại với tôi: "Lạnh quá, teo luôn..."
Lời bình luận về thời tiết không có gì đáng nói ngoại trừ một chữ mà tôi nghĩ, khi dùng nó, nàng đã lấn đất giành dân của đàn ông Việt Nam hơi nhiều.
Ðó là chữ "teo". Tôi rất kinh ngạc khi chữ này được dùng bởi một phụ nữ vì từ lâu tôi vẫn nghĩ nó được dành riêng trong số những ngữ vựng của đàn ông Việt Nam.
Khi là động từ, teo có nghĩa là thu nhỏ lại, bé lại. Ở hình thức tĩnh tự, teo nghĩa là co rút lại, nhỏ và nhăn nheo, như định nghĩa tìm được trong mấy cuốn tự điển tiếng Việt mà tôi có. Nó xuất hiện đã cả trăm năm nay là ít. Nó đã có trong thơ của cụ Tam Nguyên. Chiếc thuyền câu của Yên Ðổ trên chiếc ao thu lạnh lẽo, nước trong veo thì bé lắm: bé tẻo teo.
Nhưng khi nói "Lạnh quá, teo luôn..." thì chữ teo đã đi sang một lối khác hoàn toàn. Nó không là... chiếc thuyền câu của Nguyễn Khuyến nữa. Từ Nguyễn Khuyến ra đi, chữ teo đã có thêm những nghĩa khác, không còn như trong bài Thu Ðiếu.
Teo thì vẫn là nhỏ, là thu nhỏ lại, co rút lại, nhưng người dùng nó dần dần đưa thêm vào một nghĩa mới. Ðó là sự thay đổi về thể tích, về tầm cỡ, về mức độ nhỏ lớn của một khu vực trong cơ thể do những ảnh hưởng về thời tiết hay những trạng thái của tâm lý đưa tới. Những đổi thay đó, chỉ thấy có ở nơi những người đàn ông.
Cái túi da đựng dịch hoàn của cơ thể người đàn ông, khi trời nóng, hay khi cơ thể có nhiệt độ cao, sẽ đàn ra, nở rộng, thả cho dịch hoàn trùng xuống, tách ra khỏi cơ thể để không bị nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khiến cho dịch hoàn bị lây cái nóng. Khi trời lạnh, cái túi da này co lại, kéo dịch hoàn lên sát vào cơ thể để nhận thêm được thân nhiệt cho ấm. Lý do là để cho những gì dịch hoàn sản xuất ra khỏi bị nhiệt độ nóng, lạnh làm chết. Ðó là hệ thống điều hòa nhiệt độ xưa nhất của thế giới. Hệ thống này chỉ có nơi cơ thể người đàn ông. Những đổi thay đó đã được quan sát, ghi nhận và đã được viết trong Kama Sutra, cuốn sách chỉ nam về tình yêu của Ấn Ðộ có từ hồi thế kỷ thứ 8.
Khi cái túi da co lại vì nhiệt độ bên ngoài giảm đi, người ta có cái cảm tưởng (sai lầm) là thể tích của một phần của cơ thể đã thay đổi, thể tích giảm, nhỏ lại, teo lại. Do đó, mới phát sinh ra lối nói trời lạnh quá, teo... luôn.
Khi nói "teo luôn", như đã thấy, nhất định người ta không nói tới sự co rút, thu nhỏ lại của đôi tai, cái mũi, bàn tay, bàn chân, hàm răng... Tất cả các bộ phận vừa kể - mà nam, phụ, lão, ấu đều có - không thay đổi thể tích, ba chiều, kích thước... khi nhiệt độ hạ giảm vào lúc thời tiết lạnh giá. Sự thay đổi chỉ nhận được thấy nơi một khu vực trong cơ thể đàn ông. Ở phụ nữ, không hề có chuyện đó. Do đó, phụ nữ không thể nói, như bà bạn tôi: "Lạnh quá, teo luôn..." được. Chỉ có đàn ông mới được quyền nói câu đó khi đi kèm với những nhận xét về thời tiết.
Hay về một trạng thái tâm lý. Bởi lẽ sự sợ hãi cũng đưa tới những thay đổi tương tự cho bộ phận cơ thể nói ở trên.
Như vậy, khi thời tiết giảm nhiệt độ, khi một điều gây khủng hoảng cùng cực đưa tới những đổi thay cho một vùng trong cơ thể, thì phụ nữ không thể dùng động từ và tĩnh tự "teo". Chữ này được dành riêng cho đàn ông.
Thế còn phụ nữ thì sao? Theo hai thí dụ ở trang 1377 Việt Nam Tự Ðiển của Lê văn Ðức và Lê Ngọc Trụ thì chữ này cũng có thể có trong ngữ vựng của phụ nữ. Nhưng tình trạng đưa tới việc phải dùng động từ và tĩnh từ "teo" thì không phải là thời tiết hay những điều kinh hoàng. Theo hai nhà làm tự điển họ Lê thì yếu tố thời gian, tuổi tác mới đem lại tình trạng "teo riết" như thí dụ ở trang 1377. Nhưng bộ phận bị "teo riết" ấy, thì những người đàn ông lại không có, nên khi đưa ra những nhận định về yếu tố thời gian và tuổi tác, thì chữ "teo" chỉ có phụ nữ có quyền và có thể dùng được.
Sở dĩ tôi lôi chuyện này ra nói với bạn vì làm sao tôi có thể chạy theo người bạn nọ, giải thích dài dòng như trên. Vừa dài dòng mất thì giờ, vừa đi vào những khu vực khó nói của vấn đề. Chẳng lẽ đặt ra những câu hỏi về cơ thể học với một người chỉ vô tình, vội vã hay ẩu tả, dùng đại một tiếng trong mớ ngữ vựng của chúng ta mà phải đôi co ở chỗ đậu xe. Mà không nói ra thì tức không thể chịu được. Quyền lợi, chủ quyền bị xâm phạm thấy rõ.
Nhưng trong cái thế giới mà giải phẫu có thể làm được rất nhiều chuyện, biết đâu người quen của tôi lại hoàn toàn có quyền để nói, "Lạnh quá, teo luôn..." mà không một ai trong chúng ta được phép thắc mắc?
Ngày 8 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Ngoại trưởng Mỹ của nội các Clinton, bà Madeleine Albright có ông cụ thân sinh thật là hiền. Cụ ông Korbel là một nhà ngoại giao Tiệp Khắc. Năm 1938, khi Ðức chiếm Tiệp Khắc, cụ đưa gia đình sang Anh lánh nạn. Hết chiến tranh, gia đình trở lại Tiệp Khắc, thì năm 1948, sau khi cộng sản đảo chính cướp chính quyền ở Prague, gia đình lại phải chạy sang Mỹ lánh nạn cộng sản.
So với ông cụ tôi, cụ ông Korbel hiền hơn nhiều. Những trò tôi bị nghiêm cấm thì Madeleine Jana Korbel được cho làm thả cửa mặc dù nàng hơn tôi đúng bẩy tuổi.
Trong những trò bị cấm ngặt, có trò đặt và hát những lời nhảm nhí cho các bài hát là trò chơi thích thú nhất của chúng tôi.
Một bài hát mới được đưa lên trình bầy ở đài phát thanh, nếu được coi là hay, âm điệu dễ nhớ, hay lời ca mang đầy những lời mời gọi để được xuyên tạc, bóp méo, thì chỉ cần vài ngày sau là có ngay lời ca mới, không chính thức dĩ nhiên, nhưng rất dân gian và được phổ biến nhanh hết sức. Và một trong những nơi để sáng tác, tiếp nhận, phổ biến là những cái sân trường tiểu học.
Bài Dư Âm của Nguyễn văn Tý được đặt cho một lời khác để thành một cuộc gặp gỡ không mấy thân thiện của một con mèo và một con chó. Lời ca ví "anh" và "em" như con chó và con mèo này đã đem lại cho người hát mấy cái roi mây quắn đít và một bài đạo đức nào là phải ăn nói cho tử tế, không được xuyên tạc công trình nghệ thuật của một nghệ sĩ. Ấy là chưa nói đến nội dung của câu hát cải biến hoàn toàn không thích hợp với tâm hồn trong sáng của một đứa bé 8 tuổi.
Nhưng những lời hát không chính thức ấy lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Những nét hấp dẫn ấy làm quên rất nhanh chóng trận đòn roi mây, và ngay hôm sau, đi học về là đứa nhỏ mê hát bậy có ngay một đoạn lời ca khác để hát trong lúc chơi thơ thẩn một mình.
Bài Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng được đổi thành những thắc mắc về một vài thứ trong một món phục sức ngay trong dịp tết năm 1953.
Bài Hè Về của Hùng Lân sau khi cho "chạy qua phố Hàng Bông", còn cho biết thêm là tuy nóng, nhưng người sành điệu vẫn cẩn thận mặc một món trang phục ở bên trong, không hề "săng sú, săng sì" như đầu thập niên 70 ở Sài Gòn bao giờ...
Nhưng ở Hà Nội hồi ấy, những lời ca nhảm chưa hay được như khi chúng tôi vào Sài Gòn. Quanh quẩn thì cũng chỉ có mấy bài như Ngày Về của Hoàng Giác, Mộng Chiều Xuân của Ngọc Bích, Tan Tác của Tu Mi, Ai Về Sông Tương của Thông Ðạt...
Ở Sài Gòn, chúng tôi hát Lời Người Ra Ði của Trần Hoàn với những lời dặn dò cẩn thận của một người... ra đi nhắn người ở lại sau khi "đưa anh tận cuối đồi" thì "đừng có cúng, đừng làm gà, đừng mời thầy, đừng mời ai cả... em ơi..." Rõ ràng là những gởi gấm của một người cẩn thận về chi tiêu, lại không mê tín bậy bạ.
Bài Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng được đặt lời mới, vẽ ra một con người chu đáo khác. Người phụ nữ đi trên cầu Bông té xuống sông ướt quần bằng nylon thì được mời vào, đợi cho quần khô rồi mới đưa về... Lời không chính thức của bài này hay hơn cảnh người đàn ông được cô bạn đến thăm trong một buổi chiều mưa mùa đông giá lạnh, rét mướt mà chỉ biết đưa nàng ra cửa, cho nàng về một mình trong gió lạnh. Như thế mà vẫn còn dám "ước mơ một chiều thiếu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về" để... ở lại với chàng. Chàng khôn lắm nhưng không khéo chút nào. Ít nhất cũng phải "... vô đây em, đợi quần khô, anh sẽ đưa em về..." chứ!
Một bài ca rất được ưa chuộng của Lam Phương được sửa đi để kể lại một cuộc hò hẹn của hai công dân cao niên mỗi chiều ở bờ sông. Cái hay của lời ca này là nó quá đẹp. Hai người nói với nhau, đem tâm tình hiến dâng cho nhau, rồi trong cơn hạnh phúc, "ôm nhau té lộn xuống sinh..." Thật là tuyệt.
Lam Phương còn có mấy bài hát khác bị xuyên tạc trong đó có bài thì được viết lại lời để bắt bẻ một phụ nữ vô ý di chuyển trong đêm tối, đã "đụng tui... sao nói tui đui?" bài thì trả lời ngay cho thắc mắc nếu "mộng không thành thì sao" của bài hát. Giải pháp một chai thuốc chuột được đưa ra ngay lập tức.
Vào Tết Trung Thu thì chúng tôi tường trình "má đòi đi tu... ba ở nhà ba khóc lu bù..."
Những lời ca hay như thế mà không được hát lên thì tuổi trẻ làm sao đầy đủ được. Nên... tuổi trẻ vẫn lén lút hát và dậy nhau hát như kiểu phổ biến văn chương chui samizdat ở Liên Xô trước đây bất kể mọi biện pháp cấm đoán và trừng phạt nghiêm khắc...
Bà Albright chắc không bị cấm đoán như tôi nên bà hát lời nhảm nhí thoải mái. Không những chỉ hát một mình, bà còn hát trước đám đông. Không những chỉ trước đám đông trong nước, mà đi hội nghị, bà lôi ra hát thoải mái.
Một lần, tại cuộc họp của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á, khi bị thủ tướng Mã Lai Á nói vài lời phiền trách Hoa Kỳ rằng Tây phương đã tạo ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Á châu, ngoại trưởng Mỹ hát to: "Don't cry for me ASEANIES..." theo đúng điệu của bài hát Madonna hát trong phim Evita "...Don't cry for me Argentina..."
Và sau đó, tại hội nghị ASEAN nhóm ở Manila, bà Albright lại nắm tay ngoại trưởng Nga Yevgeny Primakov và ngoại trưởng Tân Tây Lan Donald McKinnon hát một đoạn lời ca nhảm dùng nhạc điệu của bài America:
America's nobody's enemy
So why do you practice hegemony,
I want to know what you think of me
Look in your file at the KGB.
Như vậy, con nhà tử tế, làm đến ngoại trưởng của nước Mỹ cũng hay hát những lời ca xuyên tạc vậy mà tôi bị cấm suốt bao nhiêu năm nay, mãi gần đây mới dám hát trong buồng tắm.
Còn câu hỏi không biết khi tác phẩm bị lôi ra đặt cho cái lời nhảm nhí như thế, tác giả của bài ca có giận không, có buồn không, tôi có hỏi nhạc sĩ Hoàng Trọng và được ông cho biết ông không bực bội gì vì ông nghĩ rằng bài hát của mình phải được phổ biến nhiều lắm mới được chiếu cố như vậy. Và chính ông cũng hát cái lời nhảm nhí đó trong khi phụ trách một ban nhạc tại một hộp đêm ở Hà Nội, bài Gió Mùa Xuân Tới.
Thế mà hồi ấy tôi bị cấm hát, lại còn bị đòn nữa thì oan uổng biết chừng nào.
Ngày 9 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Khi viết câu Kiều 1268 cụ Nguyễn nghĩ gì? Tại sao cụ đảo ngược hai chữ đã rất quen thuộc vào thời ấy, và bây giờ, hai chữ ấy cũng lại vẫn chỉ theo thứ tự của trước thời cụ viết truyện Kiều? Tại sao sau cụ không ai dùng chúng với cái thứ tự mà cụ đặt ra nữa?
"... Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng..."
Tôi không nghĩ cụ... dở đến độ bí vần quá, phải đảo ngược "hoàng hôn" thành "hôn hoàng" để vần với chữ cuối của câu dưới (lần lần thỏ bạc, ác vàng...)
Câu 1268 nằm trong một đoạn bi thảm nhất của Kiều. Ðó là đoạn sau khi Kiều nghe lời Sở Khanh bỏ trốn và bị bắt đưa trở về thanh lâu, bị Tú Bà đánh đập tàn nhẫn, đành phải buông cuộc đời cho số kiếp tệ mạt. Trong cảnh sống nhục nhã đó, Kiều "vui gượng kẻo là", tâm hồn luôn nhớ về đời sống cũ, mối tình đầu, "chín chữ cao sâu", "sân hòe" , "nguyện ước ba sinh", "cành xuân" ...
Kiều sống vật vờ trong nỗi đau sót của thân phận lưu lạc, ngày nào cũng bướm ong, Tràng Khanh, Tống Ngọc, lá gió cành chim. Buổi chiều tiếp nối sang buổi sáng, rồi lại buổi chiều nữa.
Thời gian buổi chiều là lúc nhớ nhà nhiều nhất. Buổi chiều, nắng vàng của lúc ngày sắp đi. Buổi chiều ngồi bên "song sa" một mình "vò võ phương trời". Quê hương ở một phương trời xa không thấy đâu dưới những tầng mây. Hoàng hôn. Mầu vàng của buổi chiều sắp tối. Hoàng hôn của hôm nay sắp đi thì hoàng hôn của ngày mai lại sắp tới. Hôm nay hoàng hôn. Ngày mai lại một hoàng hôn nữa. Sự tiếp nối vô vị và tẻ nhạt của những ngày tháng nhục nhã thể xác, đau đớn tâm hồn cứ kéo dài mãi không biết đến bao giờ mới dứt.
Cụ Nguyễn muốn nói lên bằng ấy thứ. Nhưng cụ phải gói tất cả vào một câu tám chữ đi theo sau câu sáu ở trên (song sa vò võ phương trời). Cụ đem được thời gian để ngồi nhớ nhà vào câu kế tiếp: buổi chiều. Cụ không dùng hai chữ "buổi chiều" mà dùng mầu vàng của chút nắng còn lại cuối ngày. Cụ dùng hai chữ "hoàng hôn". Cụ muốn nói tới nhiều buổi chiều khác giống hệt như thế sẽ còn tàn tạ bên song cửa mỗi lúc cuối ngày trong cuộc sống hết sức buồn nản và thê thảm của Kiều. Cụ muốn nói tới nhiều buổi hoàng hôn khác cũng sẽ đến, sẽ đi qua song cửa nơi Kiều ngồi mỗi buổi chiều sắp tối.
Làm thế nào để nói điều đó? Cụ chỉ còn đúng năm chữ của câu tám sau khi đã dùng hết ba chữ "Nay hoàng hôn." Cụ muốn nhắc lại những hoàng hôn sắp tới, sắp đi qua đời Kiều. Không thể viết "Nay hoàng hôn lại ngày mai hoàng hôn". Không thể hai lần "hoàng hôn" trong một câu. Vừa điệp ngữ vừa tầm thường.
Cụ Nguyễn chắc cũng phải loay hoay ở khúc này một lúc. Không thể nhắc lại "hoàng hôn" một lần nữa. Mà cũng không thể thay "hoàng hôn" bằng "buổi chiều". "Buổi chiều" cùng nghĩa với "hoàng hôn" nhưng là chữ Nôm. Sự nhắc lại nhàm chán của những ngày tháng buồn nản của Kiều không thể diễn tả được nếu dùng hai chữ "buổi chiều" ở đây.
Thì bỗng nhiên, "hoàng hôn" được kéo ra, lật trở lại để thành "hôn hoàng". Tiếng Việt cuối thời Tây Sơn và đầu Nguyễn không ai nói như thế. Phóng túng lắm như Chiêu Hổ, như Phạm Thái cũng không dám làm mới ngôn ngữ như thế.
Tại sao lại không thể dùng lại hình ảnh của chiều vàng, cho đổi thay một chút ít, một chút ít nhưng vẫn còn nguyên là những buổi chiều nhàm chán, không có gì mới, không có gì thay đổi khi hoán chuyển vị trí của hai chữ "hoàng hôn"?
Và do đó, cụ Nguyễn đưa "hôn hoàng" vào để tiếp nối sau "hoàng hôn". Hoàng hôn của ngày hôm nay "Nay hoàng hôn..." chưa dứt, thì đã lại được tiếp nối ngay bằng một hoàng hôn của một ngày kế tiếp sau đó.
"... đã lại mai" là nói lên sự thúc bách, dồn dập, dắt díu đi liền sát của những buổi chiều. Và chỉ những buổi chiều, thời gian ngồi kiểm điểm lại những chuyện xẩy ra trong ngày, để lục lọi trí nhớ tìm lại những hình ảnh của cuộc đời cũ. cách diễn tả rất mới, không thường thấy trong cú pháp tiếng Việt của thời đó.
HOÀNG HÔN của hôm NAY chưa ra đi, thì HOÀNG HÔN của ngày MAI ÐÃ LẠI đến. Nói hay viết bằng văn xuôi thì phải như thế. Người làm thơ như cụ Nguyễn thì phải bỏ bớt một số chữ, chỉ giữ lại đúng tám chữ HOÀNG HÔN NAY HOÀNG HÔN MAI ÐÃ LẠI.
Cụ có thể viết ngắn lại thành NAY HOÀNG HÔN MAI ÐÃ LẠI HOÀNG HÔN. Như thế cũng đã là mới lắm.
Nhưng bởi cụ không giống những phàm nhân như bạn, như tôi, nên cụ tiến thêm một bước nữa: đảo ngược HOÀNG HÔN thành HÔN HOÀNG như chúng ta đã thấy.
Ðã thấy một câu không phải là thơ: "Nay hoàng hôn đã lại mai hoàng hôn." Và thấy câu kia là thơ: "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng."
"Hôn hoàng" là thơ. "Hoàng hôn" thì không phải là thơ.
Nhưng chỉ thấy thôi mà không nhìn ra được cái đắn đo, băn khoăn, so tính của cụ Nguyễn cũng là thiếu sót đối với cụ. Nên thỉnh thoảng cũng phải lôi cái khó của cụ ra nói chơi cho cụ đỡ buồn, để cụ biết rằng chuyện đoạn trường của cụ khi viết những câu lục bát đó ít nhất cũng có vài ba đứa hậu sinh, tuy không khóc cụ, vì chưa đủ ba trăm năm, chưa "tam bách dư niên hậu," nhưng cũng cảm thông chút ít những khổ công của cụ.
Và tại như thế mới có lý để lôi câu 1268 của cụ ra nói với bạn ngày hôm nay.
Ngày 10 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Tôi vẫn còn chiếc áo của Banana Republic bạn mua cho tôi hơn 10 năm trước và thỉnh thoảng vẫn lôi nó ra mặc, trong những chuyến đi xa, hay trong những ngày hè nóng như hôm nay.
Như vậy là kích thước của nó và của tôi vẫn không thay đổi từ hơn 10 năm nay. Nó không chật đi hay rộng ra chút nào. Chúng tôi không khó chịu về kích thước của nhau như nhiều cặp khác.
Trong cái hộp đựng nó mà bạn gửi cho tôi, có một tờ giấy nói về chiếc áo mà Banana Republic gọi là correspondent's jacket, áo ký giả, tôi vẫn còn giữ. Ðoạn viết ngắn nói rằng chiếc áo cho người mặc nó nhiều tự do, trong đó có cả tự do di chuyển, những thứ mà các thông tín viên của thông tấn xã TASS và của nhật báo Pravda, hai cơ quan thông tấn của Liên Bang Xô Viết thường không có. Ðoạn văn viết thật khéo khiến người mặc nó, chưa làm báo bao giờ cũng muốn bỏ việc đang làm để đi làm báo.
Muốn gọi là correspondent's jacket hay safari jacket thì nó cũng chỉ là một. Có điều nó phải may bằng kaki mầu cát sa mạc Sahara, 4 túi, có cầu vai để khi đeo chiếc Leica hay chiếc Nikon F-5 khỏi bị tuột, trên túi ngực trái, là những cái túi nhỏ để đựng mấy cuộn phim 35mm, vai bên phải được lót thêm một lớp vải độn bông ở trong để khi gác lên vai, khẩu Remington bắn đạn thủng da voi khỏi làm đau vai Ernest trong những lúc chàng lần mò theo dấu chân bầy sư tử ở Serengeti dưới chân núi Kilimanjaro...
Và cứ mỗi lần mặc nó vào, là lại như nhìn thấy Ernest đứng trong khung cửa sổ của Grand Hotel des Iles Boromeés ở Stresa ngó xuống hồ Maggiore tại Ý, hay khi chàng quì bên cạnh con trâu rừng vừa bắn được trong một chuyến đi săn ở Phi châu, hay khi chàng cúi trên chiếc máy chữ, tay cầm chiếc bút Montblanc hai mầu đen và đỏ hí hoáy sửa bản thảo bằng những chữ trông như những đoạn dây kẽm soắn vào nhau.
Ernest Miller Hemingway, ông già và biển cả, giã từ võ khí, mặt trời cũng mọc, chết lúc xế trưa, bên kia sông trong những lùm cây, tuyết núi Kilimanjaro, chuông gọi hồn ai... ra đời ngày 21 tháng 7 năm 1899. Một viên shot gun tự bắn vào họng năm 1961 biến chàng thành bất tử . Thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy một cuốn sách chưa in của chàng: A Moveable Feast, Island In The Stream, và True at First Light.
Những thứ chàng đụng tay vào , đều như có ma thuật biến thành những vật được bao nhiêu người yêu mến. Cách viết hết sức giản dị, không một dấu chấm than trong bằng ấy trang sách, những chữ "and" đếm được ở mỗi dòng như kéo, như giữ người đọc ở lại với chàng...
Và luôn cả cái kiểu áo chàng mặc, cũng thành một món thời trang: Hemingway Safari Jacket mà bạn gửi cho tôi.
Trước đây, tôi chỉ nghĩ cái áo đó làm cho đời sống tôi giản dị đi được khá nhiều: không phải ủi cho thẳng nếp, vì Ernest không bao giờ nhà quê như thế. Không thể mặc cái áo đó mà lại còn nguyên hồ cứng sột soạt mỗi lần cử động. Ðể sư tử nghe thấy nhẩy tới vồ chết hay sao? Không ủi là phải.
Vì thế , nó đỡ hẳn cho người đàn ông việc đứng lom khom loay hoay với cái bàn ủi mỗi lần lôi nó ra mặc.
Nhưng một vài chi tiết trong cuốn tiểu sử Hemingway của Kenneth S. Lynn lại còn có thể khiến cho đời sống của nhiều người đàn ông giản dị đi rất nhiều hơn thế nữa.
Kenneth S. Lynn kể rằng một lần, Martha Hemingway có việc phải đi xa ít ngày, bà đã phải cẩn thận nhờ một người bạn chăm sóc chồng hộ vài ba ngày. Martha dặn bạn rằng phải để ý ông hề (the big clown) này, nhớ nhắc chàng cạo râu, tắm rửa mỗi khi ra đường... Kenneth S. Lynn viết rằng trong câu dặn dò tuy có nét đùa nghịch trìu mến ở trong, nhưng chuyện Ernest ở dơ lúc đó đã bắt đầu khiến cho Martha phiền hà không ít. Nàng gọi chàng bằng một cái biệt hiệu khác, vừa âu yếm, vừa hơi chút bực bội: "The Pig".
Hemingway ở bẩn.
Chao ơi, sao mà tuyệt diệu như vậy! Không những từ nay, chiếc safari jacket đó không cần phải ủi thẳng nếp (đã làm), mà còn có thể mặc ít nhất 1 tuần không cần giặt.
Ði săn (sư tử, tê giác, trâu rừng) hay đi săn tin thì cái áo có 1 tuần không giặt cũng chẳng sao.
Thế là lại càng có thêm lý do để thích Ernest hơn nữa, ngoài văn chương của chàng.
Ngày 11 tháng 6 năm 2010
Bạn ta,
Ông cụ tôi là một nhà giáo. Thời trước thì phải gọi ông là thầy đồ. Mà thầy đồ thì phải có sách, như một câu trong bài đồng dao chúng ta đều biết, chỉ tiếc là vừa mới "thầy đồ có sách" câu hát tiếp theo lại hạ xuống ngay thành "thợ ngạch có dao, thợ rào có búa..." để cho ông ăn trộm (thợ ngạch) đi ngay đằng sau thầy đồ, nghe không có vẻ gì là tôn trọng ông thầy đồ cả.
"Thầy đồ có sách..." nên ông cụ tôi có rất nhiều sách. Tủ sách ấy sau tháng 5 năm 1975 không biết đã đi về đâu.
Ðó là điều tôi cứ thắc mắc mãi trong suốt những năm ở đây. Thỉnh thoảng cần một hai quyển sách mà tôi biết là có trong số sách của ông cụ tôi, tôi vẫn hình dung ra được chúng nằm ở đâu trong những cái tủ sách ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học, Gia Ðịnh.
Tôi lớn lên cùng với chúng nên tôi biết chúng rất rõ. Những buổi trưa ở Hà Nội, trên căn gác, tôi đã lén đi gặp Kinh Kha, thái tử Ðan, Vọi và Hiền, Loan với Dũng, An Tiêm và Phạm Thái, Trương Quỳnh Như... cùng những thứ mà ông vẫn nói là chưa thích hợp với đầu óc non nớt (?) và trong sáng (?) của tuổi lên 8, lên 9 của tôi lúc ấy. Ông không bao giờ biết rằng cái đầu đó không bao giờ non nớt và trong sáng cả nên nó chỉ tìm đọc cái thứ sách ông cấm ngặt ở trong nhà mà thôi.
Những tủ sách từ căn nhà ở đường Sinh Từ Hà Nội theo chúng tôi vào Sài Gòn, rồi càng ngày càng lớn thêm mãi. Nguyên một bộ báo Ngày Nay từ thuở ông học trường Bưởi, còn ký cái tên của ông ghép chung với tên một người thiếu nữ về sau trở thành mẹ chúng tôi. Cũng còn cả bộ sách bách khoa Britanica bề thế xếp trong tủ kính, các bộ Văn, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Sinh Lực, Mùa Lúa Mới đầy đủ đóng bìa, chữ mạ vàng ở lưng...
Sau khi ra ở riêng, tôi vẫn hay trở lại lục những tủ sách đó để... bổ sung cho tủ sách của tôi lúc ấy cũng đã khá lớn. Thí dụ những quyển sách khó kiếm của Tự Lực Văn Ðoàn, những cuốn tự điển hình như... không còn ai cần nữa. Tuy thế, tủ sách của ông cụ tôi vẫn còn rất nhiều sách đáng giá mà tôi chưa dọn về nhà được.
Ðược cái là khi dọn sách như vậy, lương tâm người dọn sách lúc nào cũng trong sáng. Ðể lại cho con một rương đầy vàng cũng không bằng dạy cho nó một cuốn sách. Một danh nhân Trung Hoa đã nói như thế. Chỉ mới dạy cho con một cuốn sách đã là điều rất đáng quí rồi. Ðể cho nó lấy bớt sách của mình đi mang về nhà nó thì còn gì hay hơn và cao đẹp hơn.
Tháng 4 năm 1975, từ bên ngoài Việt Nam, tôi liên lạc về Sài Gòn nhờ thủ tiêu hết sách vở để tránh liên lụy cho người nhà. Ông ngoại, bà ngoại các cháu phải thuê người đến chở đi hơn mười chuyến xe ba gác mới hết. Những quyển sách thời đi học, những chiếc lá thuộc bài của người bạn kẹp vào gáy sách, những ghi chép về những sự quen biết, vài ngày sinh nhật, dăm cái địa chỉ bằng mật mã mà bố các ông Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, trùm công an ghê gớm nhất Việt Nam Cộng sản, cũng không đọc nổi. Tất cả đi về đâu tôi không tưởng tượng ra nổi. Ai lại gói xôi, gói thuốc Bắc, bọc con cá bằng những tờ giấy xé từ những cuốn sách tiếng Anh của tôi. Vì thế, hy vọng chúng có thêm được một đời sống khác, phục vụ cho xã hội Việt Nam kể như không có.
Nhưng tủ sách của ông cụ tôi. Sách báo Việt ngữ in bằng những thứ giấy thấm nước, hiền lành hơn, quen thuộc hơn, không tạo những chú ý không cần thiết cho những người mua những gói xôi, con cá... chắc chắn có cơ hội phục vụ các gánh hàng rong ở Sài Gòn nhiều hơn.
Tôi vẫn tin như thế. Cho đến một bữa đã lâu, ở một tiệm ăn, một người đàn ông trẻ lại bàn của tôi, tự giới thiệu và cho biết anh vừa đi Việt Nam một chuyến, mua được rất nhiều sách. Anh cho biết đã mua được một số sách mới và một số sách cũ xuất bản trước năm 1975. Anh cho biết ở Sài Gòn có người giữ được toàn bộ báo Bách Khoa từ số đầu cho đến số cuối. Anh đi tìm người muốn mua để giới thiệu. Nhưng đó không phải là chi tiết lý thú nhất trong câu chuyện của anh. Anh cho biết đã mua được ở vỉa hè chợ sách cũ hai tập báo Bách Khoa, mỗi tập mười cuốn đóng bìa da. Cái tên mạ chữ vàng trên gáy khiến anh nhớ đến tôi. Anh nghĩ hai tập báo Bách Khoa có thể liên hệ với tôi. Anh hỏi tôi có liên hệ với hai tập báo đó không. Tôi xác nhận là có. Chúng được lấy ra từ những tủ sách của ông cụ tôi.
Và như thế, những cuốn sách trong tủ sách của ông cụ tôi ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học đã đi một chuyến đi vượt ra khỏi tất cả mọi khả năng tưởng tượng của tôi.
Từ Gia Ðịnh, nó đi đến đâu trước, rồi những chuyến chuyển dời sau đó như thế nào, nó qua bao nhiêu tay người trong hơn hai thập niên , làm sao nó đến tay người bán sách cũ, những bạn bè của nó ở đâu, bao nhiêu cuốn đi ra Bắc, bao nhiêu cuốn dùng để gói xôi, bao nhiêu cuốn bỏ mình trong ngọn lửa "phần thư"?
Tôi gặp lại người thanh niên này, xin anh cho mua lại hai tập báo ấy. Sau đó, tôi đem sang Canada cho ông cụ tôi khi sang thăm cụ. Tôi biết khi cầm lại hai tập báo, mở ra đọc lại những trang báo cũ, cụ bỗng sẽ thấy chiếc cửa sổ trong căn nhà em tôi trở thành chiếc cửa sổ quay sang hướng nam của căn nhà cũ, nơi một cây cau trổ bông thơm ngát ngang với tầm chiếc cửa sổ... buổi chiều tiếng chuông chùa của ngôi cổ tự phía sau chầm chậm rót đầy thinh không như trong những buổi chiều ở Gia Ðịnh hơn mấy chục năm trước. Bàn tay của ông sẽ lại đặt được đúng vào góc trang giấy ông đã từng đặt lên khi còn trẻ và khỏe mạnh của một thời bình yên hạnh phúc.
Đó là món quà quí cho một người già đang đau nặng ở Toronto, trước khi ông mất...
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 78)
Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện. Bài học số 78 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh cho Thúy hỏi là người Mỹ trong khi nói và viết có hay chêm tiếng Pháp hay các thứ tiếng khác vào như thế hệ của ông cụ bà cụ Thúy không? Các cụ dùng khá nhiều tiếng Pháp khi nói như thi BẮC (BACCALAURÉAT), đỗ BRỜ VÊ (BREVET), LÍT XĂNG (LICENE), ME XỪ (MONSIEUR), MA ĐAM (MADAME) …
QA
Ba QA cũng thế. Những chữ mà QA thường nghe là TOA (TOI), MOA (MOI), LÚY (LUI), ẺN (ELLE)… Bây giờ, nhiều người Việt ở Mỹ cũng nói tiếng Việt pha tiếng Anh một cách thoải mái: HE nói HE không có thích cái JOB đó lắm… chắc phải MOVE đi chỗ khác nhưng chuyện ấy không có WORK vì SHE không có OKAY…
BBT
Cám ơn hai cô. Tôi cũng định nói về chuyện này. Thực ra, người Anh hồi xưa cũng sính nói tiếng Pháp lắm. Ngay cái MOTTO của nữ hoàng Anh cũng là mấy chữ Pháp: DIEU ET MON DROIT. Người Anh dùng một số tiếng Pháp trong khi viết và nói để cho có vẻ sành điệu, tối tân, lịch sự, quí phái mà thôi. Ngược lại, người Pháp cũng dùng rất nhiều tiếng Anh. Thí dụ LE WEEK-END, LE SANDWICH, LE ROCK-AND-ROLL, LE NIGHT-CLUB, LE PICNIC, LE WALK-MAN vân vân, đến độ bộ văn hóa Pháp mấy năm trước đã phải báo động và chính phủ Pháp đã phải ra lệnh các đài phát thanh chỉ được phát 40% nhạc Mỹ.
Tiếng Pháp có thời được coi là ngôn ngữ ngoại giao của thế giới. Nay vị thế ấy của tiếng Pháp không còn nữa nhưng tiếng Pháp vẫn còn rất được coi trọng. Người Mỹ đem vào tiếng của họ rất nhiều tiếng Pháp nhưng trong bài học hôm nay, tôi chỉ nêu ra một số chữ thường gặp mà thôi.
LÃM THÚY
Thưa anh, họ có nói đúng kiểu phát âm của người Pháp không?
BBT
Có khi có, có khi không. Thí dụ hai cô nghe ĐI-LẮC-XI thì làm sao biết đó là DE LUXE trong tiếng Pháp. Người Mỹ dùng tiếng Pháp, nhưng Mỹ hóa đi nhiều. Có một số thì vì cách viết gần với tiếng Anh nên họ phát âm gần với tiếng Pháp. Thí dụ FIANCÉ chẳng hạn. Nhưng nhiều khi lại viết sai. Tên cô đào René Russo thì đáng lẽ phải là RENÉE mới đúng. RENÉ là tên đàn ông. RENÉE mới là tên phụ nữ, phải có "E MUET", tức là "E" câm mới đúng.
QA
Vậy thì nghe họ nói những tiếng họ mượn của tiếng Pháp thì chính người Pháp đã chắc gì hiểu. Ông cụ QA chẳng hạn. Coi phim hoạt họa, thấy BUGS BUNNY đạp cho con sơn cẩu một cái, rồi nói BON VOY-A-GEE phát âm theo kiểu Mỹ thì làm sao ông hiểu đó chỉ là BON VOYAGE trong tiếng Pháp.
BBT
Vì thế, hôm nay tôi chỉ đề cập đến một số chữ gốc tiếng Pháp để các cụ nếu có nghe thì còn đoán được.
Thí dụ CUL DE SAC nghĩa là ngõ cụt, người Mỹ phát âm rất khác. Nếu chỉ nghe không thôi thì khó biết nó là gốc tiếng Pháp.
QA
QA thấy tiếng Pháp xuất hiện nhiều trong những cái MENU. Tại sao vậy?
BBT
Đó cũng là để cho có vẻ lịch sự, quí phái, ăn chơi thôi. Về âm nhạc thì người ta dùng vài ba chữ tiếng Ý. Ăn uống, rượu thì phải tiếng Pháp. Thí dụ vào tiệm, gọi mấy món có trong menu thì thường thôi. Gọi À LA CARTE là gọi những món nhà hàng ghi trong thực đơn. Nhưng HORS D’OEUVRE là những món đầu bếp nấu riêng theo ý khách. ENTRÉE người Anh hiểu là món đầu tiên. Người Mỹ hiểu là món chính. Có khi pha nửa Tây nửa Ăng Lê như CHICKEN À LA KING là món thịt gà kểu hoàng gia. Hai cô vào quán cà phê gọi một ly nhỏ thì nói thế nào cho văn vẻ, lịch sự và quí phái?
LÃM THÚY
DEMITASSE phải không thưa anh. CAFÉ AU LAIT thì là cà phê sữa, ai cũng biết. Thế còn FLAMBÉ có phải là tiếng Pháp không? Thí dụ CRÈME hay BANANA FLAMBÉ?
BBT
Đúng, đó là món tráng miệng đổ một chút rượu vào và đốt cho cháy. FOIE GRAS là paté gan. Ở Chicago đã có lệnh cấm món này vì để có được những miếng gan ngỗng thật lớn, người ta phải nhồi cho những con ngỗng này ăn một cách rất dã man. Bánh mì BAGUETTE và CROISSANT đều là hai danh từ tiếng Pháp. CROISSANT là trăng lưỡi liềm, là bánh mì hình bán nguyệt.
ÉCLAIR là bánh có nhân kem. CRÈME DE LA CRÈME là thượng hạng, là tinh túy, là những gì tốt đẹp nhất. Kem là phần nổi lên trên khi người ta đánh sữa. Crème de la crème là phần tốt nhất, tuyệt hảo.
QA
Không biết QA hiểu hai chữ này có đúng không. QA nghe ba QA nói về người bạn của ông, một người sành ăn, biết uống rượu, quần áo lúc nào cũng bảnh bao, sang trọng và dùng chữ BON VIVANT để mô tả ông cụ. Vậy BON VIVANT có nghĩa là một tay sành đời, biết sống có phải không?
BBT
Đúng thế.
LÃM THÚY
Còn BON MOT là gì thưa anh?
BBT
BON là tốt. MOT là tiếng. Nói tốt cho ai, về ai đó như WE USED A FEW BON MOTS FOR HIM là chúng tôi đã nói vài điều tốt đẹp về anh ấy để anh ấy được công ty mướn vào làm việc. BON APPETIT là câu chúc ăn ngon miệng. Từ đó, tiếng Anh có chữ APPETIZER là thức ăn đầu bữa ăn để kích thích vị giác, làm cho ngon miệng trước khi ăn món chính.
QA
Hồi nẫy anh có nhắc chữ À LA CARTE là gọi thức ăn theo menu. CARTE là cái menu nhưng CARTE BLANCHE là gì?
BBT
CARTE BLANCHE tiếng Anh là BLANK CHECK, là tấm ngân phiếu không ghi số tiền để người nhận muốn viết bao nhiêu cũng được. TO GIVE SOMEBODY A CARTE BLANCHE là cho ai toàn quyền muốn làm gì, muốn tiêu bao nhiêu cũng được. Thí dụ nói WASHINGTON DID NOT GIVE IRAQ A CARTE BLANCHE.
LÃM THÚY
Một cô bạn của Thúy tự nhận là FEMME FATALE thì FEMME FATALE là gì?
BBT
FEMME là đàn bà, là phụ nữ. FATALE là nguy hiểm chết người, làm cho chết người. Tôi không nghĩ là những chữ nên nhận cho chính mình hay để mô tả chính mình. FEMME FATALE là một phụ nữ đẹp, nhưng chỉ đem lại thảm họa cho người đàn ông, làm cho ông ta thân bại, danh liệt, kiểu "lấy Khách về Tầu, lấy nhà giầu, nhà giầu hết của". Đụng loại người này thì chỉ có mà chết.
QA
QA nhớ trong một ca khúc của Nat King Cole, bài AROUND THE WORLD có câu "… I TRAVELED ON , WHEN HOPE IS GONE TO KEEP A RENDEZ VOUS…" thì RENDEZ VOUS là gì?
BBT
RENDEZ VOUS là cái hẹn, sự hẹn hò. Không giống như chữ APPOINTMENT. Danh từ APPOINTMENT là hẹn với nha sĩ, bác sĩ, chuyên viên địa ốc … DATE là hẹn hò đi choi với nhau thường là của một cặp nam nữ. RENDEZ VOUS cũng giống như DATE nhưng nghe … tình hơn, lãng mạn hơn, Tây hơn. Hai người chắc phải ngồi ăn một bữa dưới ánh nến. CANDLE LIGHT DINNER, để nói chuyện TÊTE-À-TÊTE tay đôi, cũng như " bác đến đây chơi, ta với ta" nhưng khác Nguyễn Khuyến và cụ bạn già, ở đây là bữa tối với vĩ cầm nỉ non, ánh nến lung linh, một bông hồng đặt trên bàn… Chuyện trò thì toàn chuyện ENTRE NOUS giữa đôi ta.
ENTRE NOUS cũng còn thường được dùng đầu câu để nhắc rằng chuyện chỉ hai ta biết với nhau thôi… cấm ngoại thủy không ai được biết. Thí dụ ENTRE NOUS, THE NEWS REGARDING THE SMITH GETTING A QUICK DIVORCE IN LAS VEGAS IS TRUE.
LÃM THÚY
Thúy nhớ có nghe một lần mấy chữ mà Thúy hiểu là LOVE AT FIRST SIGHT nhưng không nhớ tiếng Pháp là gì. Nhờ anh nhắc lại để lỡ nghe lại còn biết người ta nói gì.
BBT
Đó là COUP DE FOUDRE. Danh từ FOUDRE là sấm sét. COUP DE FOUDRE là cú sấm sét, nghĩa là gặp là yêu ngay tút suỵt. Nhân tiện, người Mỹ cũng dùng thành ngữ này: TOUT DE SUITE là IMMEDIATELY.
QA
QA nhớ ba QA thỉnh thoảng nhắc biến cố 1 tháng 11 và gọi đó là CÚ. Vậy đó có phải là tiếng Pháp không?
BBT
Đúng, đó là tiếng Pháp. Nguyên ngữ phải là COUP D’ÉTAT là một cuộc chính biến, một cuộc đảo chính. Báo chí Mỹ thường nói gọn lại là A COUP. Thí dụ THERE WERE RUMORS OF A COUP IN LATE APRIL 1975. Người Mỹ hay nói tắt như thế, nhiều khi nghe rất kỳ cục. Thí dụ danh từ MAITRE D’HÔTEL là đầu bếp chính thì người ta nói ngắn lại là MAITRE D’. Nghe kỳ cục không tưởng tượng được. Nói chuyện viết tắt thì chắc hai cô thế nào cũng đã thấy những chữ viết tắt này: RSVP. Ngay cả trong những giấy mời viết toàn bằng tiếng Anh, ở cuối , bên cạnh những số điện thoại hay địa chỉ để hồi đáp luôn luôn có mấy chữ này. Thúy biết là những chữ gì không?
LÃM THÚY
Thúy biết những chữ ấy là xin vui lòng phúc đáp. Thí dụ có đi dự hay không, đi mấy người.
QA
QA biết những chữ này nhờ có lần hỏi ba QA: RÉPONDEZ S’IL VOUS PLAIT nghĩa là xin vui lòng trả lời.
BBT
Đúng. RÉPONDEZ là hãy trả lời, hãy phúc đáp. S’IL VOUS PLAIT là nếu điều đó làm cho ông vui lòng . Dịch ra thì nghe kỳ lắm, nhưng đó là nghĩa của những chữ RSVP.
Nói chuyện xuyên tạc cách đọc thì không thể không nhắc tên một thứ cây dại, đó là cây DANDELION. Tên của nó là tiếng Pháp. Đáng lẽ phải viết là DENT là răng; DE là của; LION là sư tử. Nhưng người Anh, rồi người Mỹ mượn cái tên đó của ngườiPháp, rồi viết thành DENDELION và đọc lên thì mấy ông Tây cũng chịu thua. Loại cây này tiếng Việt gọi là rau diếp trời. Người Trung Hoa gọi là bồ công anh. DENT DE LION dịch sát phải là sư tử nha.
LÃM THÚY
Chữ LIEU có phải tiếng Pháp không thưa anh? Thúy đọc thấy chữ này trong một bài báo mới đây. Chữ LIEU trông không … giống tiếng Anh chút nào. Có phải IN LIEU OF cùng nghĩa với INSTEAD không?
BBT
Cô nghĩ đúng. Chính ra phải là AU LIEU DE. LIEU là chỗ, là nơi chốn. AU LIEU DE là thay vì. Nhưng người Mỹ lại cắt xén bớt, Mỹ hóa đi để thành IN LIEU OF với nghĩa tương tự như INSTEAD OF. STEAD tiếng Anh cổ nghĩa là chỗ, nơi chốn. HOMESTEAD là trong nhà. INSTEAD OF nghĩa là ở chỗ của, nghĩa là thay thế cho, thay cho.
HE WENT TO HARVARD IN LIEU OF PRINCETON là cậu ấy đi học ở Harvard thay vì đi học ở Princeton.
Cũng giống trường hợp này là thành ngữ EN ROUTE. Người Mỹ đọc là "IN RAOT" khi nói THE PRESIDENT IS EN ROUTE TO LOUISIANA.
QA
QA nhớ một lần khi dịch tin cho đài LA-18, QA nhớ bản tin nói là tổng thống Bush bị quê một trận khi ông đáp máy bay xuống hàng không mẫu hạm LINCOLN đậu ngoài khơi San Diego hồi tháng Ba năm 2002 và nhìn lên, thấy tấm biểu ngữ mang hàng chữ FAIT ACCOMPLI mà các phụ tá của ông cho treo rất cao trên chiến hạm. FAIT ACCOMPLI là gì thưa anh?
BBT
Các phụ tá của tổng thống Bush đã quá vội vã khi làm việc đó vì lúc ấy lực lượng Mỹ chỉ mới lật được ông Saddam Hussein chứ mọi chuyện chưa xong, và chiến tranh còn kéo dài them cả mấy năm nữa . FAIT ACCOMPLI là chuyện đã xong, việc đã hoàn tất trong khi đến nay, chuyện dính líu vào Iraq của Hoa kỳ vẫn chưa xong.
LÃM THÚY
Đó có phải là một BEAU GESTE không thưa anh?
BBT
Không. BEAU là đẹp; GESTE là hành động. BEAU GESTE là một cử chỉ đẹp, một việc làm anh hùng mã thượng, hào hoa. Cứu người đẹp lúc nguy khốn là BEAU GESTE. Thò tay móc cái bóp ra vào lúc cuối bữa ăn, không để cho bạn bè nhanh tay hơn mình đó cũng là một BEAU GESTE.
QA
Còn câu này, QA cũng nghe vài ba lần từ hồi ở Việt Nam không biết người Mỹ có dùng không: ĐỜI XE LA VI, TÌNH XE LA MUA.
BBT
Có. Nhưng không hoàn toàn giống như thế, mà chỉ là C’EST LA VIE. Nhưng khi nói, phải nhún vai, trợn mắt lên mới được. C’EST LA VIE nghĩa là đời là vậy đó. Còn khi nói C’EST LA GUERRE thì lại có nghĩa chuyện đó, việc đó, hành động đó là chiến tranh giữa hai bên. Thí dụ vụ Bắc Triều Tiên đánh đắm chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên, thì đó là C’EST LA GUERRE.
LÃM THÚY
Thúy đọc cụ Vương Hồng Sển cụ giải thích món phở có thể là từ món POT-AU-FEU mà ra. Chữ này, Thúy cũng thấy trong một tấm menu ở Mỹ. Không lẽ tiệm ăn Tây ở Mỹ cũng bán phở hay sao?
BBT
Thực ra POT-AU-FEU giống món lẩu của chúng ta hơn. Phở là phở, không phải là POT-AU-FEU, mà cũng không phải là NGƯU NHỤC PHẤN. Phở nấu với nước mắm. Người Hoa không dùng nước mắm thì làm sao phở lại có thể là của Tầu được.
QA
Như thế POT-AU-FEU là FAUX AMI phải không thưa anh?
BBT
Không hẳn là như thế. FAUX là sai, là không đúng, không thực. AMI là bạn. FAUX AMI là bạn vờ. Tưởng là vậy mà không phải vậy. Thí dụ chữ CHAIR tiếng Anh và tiếng Pháp viết giống nhau nhưng trong tiếng Anh , CHAIR nghĩa là cái ghế trong khi trong tiếng Pháp, CHAIR là thịt. CENT tiếng Pháp là một trăm; tiếng Anh là 1 xu Mỹ. LIBRAIRIE tiếng Pháp là tiệm sách. LIBRARY là thư viện.
Đó là một số những chữ chúng ta thường thấy người Mỹ dùng trong lúc nói chuyện mà chúng ta cũng nên biết.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 78 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television xin tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào AU REVOIR đến quí vị.