September 17, 2009

September 18, 2009

Ngày 14 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Sau những vụ khủng bố bằng chất nổ trên máy bay, mà vụ chiếc Boeing 747 của Pan Am bị phá nổ trên không phận Lockerbee, Tô Cách Lan là vụ khủng khiếp nhất, mỗi lần gửi hành lý ở phi trường để lên máy bay, hành khách lại bị hỏi một câu nghe thì rất ngớ ngẩn, nhưng nghĩ lại, cũng rất cần thiết

Ðó là câu ông / bà có đích thân làm va ly cho ông / bà không, và sau khi làm va ly, có ai mở va ly của ông/ bà ra không, hành lý của ông/ bà luôn luôn ở bên cạnh với ông/ bà chứ?

Thì chúng tôi làm lấy chứ còn ai làm hộ cho nữa. Có phải là thái tử Charles của nước Anh đâu mà có quân hầu, đầy tớ làm va ly. Dăm ba món quần áo lót, mấy cái ca vát, vài cái sơ mi, mấy cái quần, bàn chải đánh răng, bít tất, dao cạo râu, lược, hai đôi giầy, chai eau de cologne ... quăng hết vào va ly, leo lên trên ngồi, ấn xuống là xong, lấy ai làm hộ va ly bây giờ? Cũng có ai ngồi cạnh để mà nói là vật bất ly thân để mà bị hỏi nghe muốn điên lên như vậy...

Hành khách lúc đầu còn lắng tai nghe kỹ rồi mới trả lời, nhưng sau khi nghe quen, người ta không còn chờ để bị hỏi hết câu nữa, mà trả lời ngay lập tức, trước khi nhân viên hãng máy bay hỏi xong. Vâng, chính tôi làm va ly, không ai đến gần cái va ly của tôi, cũng không có ai nhờ tôi mang theo gì hết...

Nhưng hỏi vậy cũng phải. Lỡ có người cho vào va ly cái đồng hồ với hai sợi dây điện gắn vào một nắm nhựa dẻo thì cũng phiền. Hay nếu không, vài ba gói bột trắng mà không phải xà phòng bột, lại là sản phẩm của Colombia thì nhất định là khổ đời chủ va ly ngay.

Những câu trả lời ở phi trường như ở trên là được, là đúng cách, là an toàn nếu thực sự chủ va ly làm lấy va ly, không cho ai đứng gần, cũng không mang hộ ai cái gì trong va ly.

Nhưng có khi những câu trả lời cho các câu hỏi trên có thể không an toàn chút nào cho hành khách.

Một bữa đã lâu, Cindy Crawford xuất hiện trong chương trình Tonight Show của Jay Leno, và cùng với Jay Leno chơi một ván strip poker, trò chơi mà ai thua thì phải cởi một món trên người bỏ lên bàn. Cindy bị thua lần thứ nhì, phải bước ra sau ghế, quăng lên bàn của Jay Leno cái quần lót. Jay Leno xin để mang về nhà. Cindy Crawford không chịu, nhưng tiết lộ một chi tiết mà những người hay đi máy bay từ nay sẽ phải rất cẩn thận.

Người nữ kiểu mẫu này nói rằng đã xẩy ra một số trường hợp, các công nhân chuyên việc chất và rỡ hành lý của hành khách mở những chiếc va ly của hành khách gửi trên máy bay, lấy vài món ở trong, rồi đem bỏ vào va ly của những người khác. Thường thì không phải là bom, súng, chất nổ plastic hay bạch phiến, mà là những món quần áo.

Tưởng tượng người phụ nữ, sau chuyến đi, về tới nhà, mở va ly ra lấy quần áo ra treo vào tủ, thì một cái nịt vú, hay một cái quần lót phụ nữ lạ hoắc rơi ra. Vậy thì không có gì đáng nói cả. Chồng nàng có trông thấy thì cũng khó mà biết được, mà nếu thấy, thì cũng đâu có việc gì. Mang lộn của một người bạn về nhà thì đã sao.

Nhưng nếu là một chiếc quần lót kiểu jockey của đàn ông thì sao? Người đàn ông, chồng của nàng sẽ cầm lên, xem con số ở cạp quần, lắc đầu nói: "Wrong size...", không phải cỡ của chàng, rồi ngồi xuống thản nhiên đọc báo tiếp, hay vui vẻ cười, mời vợ đi ăn cơm Thái cho nàng vui một chút?

Người phụ nữ có thể sẽ có cách thoát hiểm như nàng vẫn luôn luôn thoát hiểm trong những trường hợp khó khăn như vậy. Nhưng nếu người đi xa về nhà là người đàn ông, và vật rơi ra từ va ly của ông là một món của phụ nữ thì liệu ông ta có toàn thây không?

Ðó là lúc phải phải xét lại câu trả lời mà ông ta vẫn quen đưa ra tại phi trường. Không thể nói chính tôi làm va ly, không có ai đứng cạnh, cũng không ai nhờ mang theo cái gì hết.

Trả lời như vậy thì chỉ có chết.

Ðích thân làm va ly mà tại sao lại có cái quần lót này? Không ai đứng gần cái va ly mà cũng có cái quần lót này là vì sao? Không ai nhờ mang theo món gì mà cái quần lót nằm trong va ly thì đúng là mang nó về là một hành động có dự mưu. Ðể làm gì? Ðể ghi nhớ những ngày vui qua mau chăng? Nó là ai? Thành thật khai báo cái coi. Ðứa nào mà lại mặc của Cacique, 100% cotton, size S/5, lại còn kiểu Bikini Hi-Cut thế này? Ối giời ơi, lại còn đăng ten, lại còn cái hoa hồng tết ở trước nữa có chết không cơ chứ lị...

Những câu hỏi kế tiếp chắc chắn sẽ khiến cho chủ chiếc va ly ước gì được khủng bố Hezbollah chiếu cố còn có cơ hội chết vinh hơn sống nhục như thế.

Không biết tiết lộ của Cindy Crawford có giúp làm cho tình hình đỡ hơn cho những người đàn ông khốn khổ này hay không. Nhưng trò chơi của các nhân viên phụ trách hành lý của các hãng máy bay chắc chắn thế nào cũng đã khiến cho một số người chết oan, và số nạn nhân nhất định phải nhiều hơn số người chết vì khủng bố ở Lockerbee là vậy. Tại sao lại cứ phải va ly mà không... "quần áo cứ thế cắp nách" cho an toàn như các chiến sĩ hải quân?


Ngày 15 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Tờ US News & World Report số cách đây một tháng có một bức hình có thể sẽ khiến cho nhiều người hết sức lo ngại.

Ở trang BC-16, kèm theo những thư từ của độc giả gửi cho tờ báo này nhân số đặc biệt viết về cuộc khủng hoảng giữa đời -- midlife crisis -- là bức ảnh chụp một phụ nữ trong một phòng tập thể dục. Người phụ nữ trong hình mặc võ phục trắng, dây lưng đen, hai tay đeo găng, loại găng quyền Anh, đang đấm vào một hình nhân. Theo lời chú ở dưới bức hình, đây là bài tập để chống lại những trạng thái căng thẳng tâm lý và đồng thời cũng để kiểm soát cân lượng của cơ thể.

Những phương pháp tập luyện này hiện có khá nhiều, trong đó, phương pháp Tae Bo đang được nhiều người ưa thích, mà đông đảo là phụ nữ. Người tập đeo găng quyền Anh đấm, đá, đạp một địch thủ vô hình. Thỉnh thoảng trông họ tập trong những đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, tôi sợ lắm. Cứ phải xem kỹ, cố nhớ lấy những khuôn mặt ấy để lỡ có hôm nào lên xe điện đi làm, thấy thì đi sang toa khác đứng cho yên thân. Mà đấy là họ chỉ đấm vào gió, vào không khí, vào thinh không. Trong lúc giơ tay lên đấm, người đứng trước mặt có thể là người cảnh sát viên vừa tặng cái giấy phạt hôm trước, ông bạn trai cũ, bố cháu vân vân. Nhưng ít ra, những quả đấm vẫn chỉ được tung ra phía trước, một khoảng không, một cái xác vô hình. Sự lo ngại có, nhưng không quá lớn. Biết đâu người tập đang tưởng tượng ra một con bò (?) một bức tường.

Nhưng trong bức ảnh của tờ US News & World Report thì trước mặt người phụ nữ đang vung những quả đấm ra phía trước, là một hình nhân. Nói rõ hơn, là một bức tượng bằng cao su bán thân, từ rốn trở lên, với ngực bụng đầy những bắp thịt, có cổ, có đầu, và đầu là của một người đàn ông. Rõ ràng là một người đàn ông. Bộ ngực ấy thì nhất định phải là một bức tượng đàn ông.

Và đó là điều khiến cho nhiều người lo ngại. Tại sao phải dùng một bức tượng đàn ông để cho nhận những quả đấm, dù là những quả đấm trong phòng tập vào mặt (như trong hình), vào ngực, vào bụng?

Thế giới chưa đủ bạo động chăng? Tại sao không chỉ là cái punching bag như người ta vẫn dùng trong các phòng tập quyền Anh của Everlast cho các võ sĩ tập đấm? Tại sao phải dùng đầu, ngực, bụng của một người đàn ông?

Ðó là ước muốn của người tập? Là thể hiện của bạo động nhắm vào người đàn ông? Là điều muốn làm mà chưa làm được? Là điều Freud vẫn cảnh cáo? Là ước muốn chưa hoàn thành mà ông vẫn nói?

Từ đó bước sang sự thật có còn xa nữa không?

Người tập trong hình cho thấy không chỉ là một cái vung tay thể dục, mà là một quả đấm nhắm vào giữa mặt của hình nhân. Người tập đang nhắm những chỗ nhược của hình nhân... để giúp giảm bớt những căng thẳng.

Thế rồi khi về nhà, không có cái hình nhân như trong phòng tập, thì phải làm gì? Người đàn ông trong nhà đi qua đúng vào lúc ấy thì những gì có thể xẩy ra? Ông ta sẽ phải hét lên những câu hăm dọa để hàng xóm yên tâm và cố giữ cho mình chút danh dự và tự ái đã bầm dập như câu truyện cười nọ bạn cũng đã nghe?

Tôi không muốn nghĩ tới nữa. Bức hình làm nhiều người hết sức lo sợ là vậy.


Ngày 16 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Bạn có thấy là ở Mỹ, càng ngày càng nhiều chó, mèo được đặt cho những cái tên thường trước đây chỉ dành cho người không?

Những Max, Belle, Ginger, Walter, Sam càng ngày càng thấy nhiều hơn ở chó và mèo. Nhưng cũng không phải là chỉ có chó và mèo mới được đặt cho những cái tên người như vậy, mà luôn cả những đồ vật -- những thứ không thể gọi thì "dạ" hay "vâng" rồi chạy lại -- cũng được đặt cho những cái tên rất người. Robert Kincaid trong The Bridges Of Madison County của Robert James Waller đặt cho cái pick-up của chàng một cái tên rất không có vẻ pick-up chút nào khiến cho khi đọc cuốn sách này lần đầu, độc giả lơ đãng có thể không hiểu tại sao chàng lại mua cái máy mới gắn cho... ông bạn của chàng để ông bạn chạy cho khỏe nữa.

Những chuyện như thế, khi chưa quen thì thấy kỳ cục, quen rồi thì thấy cũng không sao cả, có khi còn thấy có lý nữa là khác.

Thí dụ cái tên Sue mà người ta đặt cho khủng long Tyrannosaurus Rex đang được trưng bầy tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Field ở Chicago chẳng hạn.

Ðó là một cái tên thật ngắn, thật gọn và thật dễ nhớ đối với những người trí nhớ đang dần dần bỏ đi như tôi. Không cần phải La Tinh dài dòng văn tự, Tyrannosaurus Rex, mà cũng chẳng còn cần phải viết tắt cho ngắn lại là T-Rex nữa. Cứ Sue là đủ.

Tôi thích cái tên Sue này từ vài chục năm nay, từ hồi còn đi học, khi căn nhà tôi ở trọ chỉ cách nhà nàng có một cái giậu holly ( tức là cây ô rô) xanh rờn. Sáng sáng Susan House ngồi xe bố chở đi học thì đúng là Mán: Xu hào (Sue House) rủng rỉnh Mán ngồi xe... như ông Tú Vị Xuyên cũng đã có lần "gặp" nàng.

Bạn phải đồng ý là người đầu tiên đến với chúng ta bằng một cái tên nào đó, thì từ đó trở đi về sau, những người khác không thể mang cái tên ấy mà không gợi lại cho chúng ta người đầu tiên (mang cái tên mà chúng ta đã quen) đó. Không một ai được quyền có cái tên đó nữa, nếu không là Sue ở trường Princess Margaret của tôi. Nói chi đến một chị (?) nhan sắc nản chí bầu cua như Sue ở Chicago.

Sue... mới này sống cách đây 65 triệu năm trước, cao 4 mét, dài 13 mét, đo từ đầu mũi đến đuôi. Răng của Sue to bằng cái chân người, khi đói, nàng gặp thứ nhỏ nhắn như bạn, thì chỉ một miếng, có khi còn không bõ dính răng. Và nàng được đặt cho cái tên Sue, cái tên tóc rất vàng, và chân rất dài, thích nhẩy Bossa Nova mà tôi quen hồi ấy. Ngó nàng thì thấy không giống Sue của tôi bao nhiêu. Giận hết sức.

Có điều kỳ cục là Sue mới -- Tyrannosaurus Rex -- mang cái tên rất đàn bà ấy nhưng cho đến nay, các khoa học gia, các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết khủng long Sue là khủng long đàn bà hay đàn ông nữa mặc dầu bộ xương đào được ở North Dakota là bộ xương hóa thạch đầy đủ và toàn vẹn nhất từ trước tới nay. Tại nơi đào được bộ xương, người ta không thấy có những bịch silicone (?) nên không thể nói chắc đó là một khủng long đàn bà, từng ra vào các thẩm mỹ viện của các madam ở California mỗi năm vài ba lần để căng (da mặt) kéo (da bụng), bơm (vú) hút (mỡ). Cũng không thấy có những thùng bia lăn lóc bên cạnh để biết đó là khủng long đàn ông. Loài đẻ trứng không cần những cái xương chậu nở nên khủng long nam nữ đều... coi chung như tử vi trên các báo. Càng khó cho việc xác định phái tính của khủng long T-Rex.

Thế thì tại sao lại... Sue? Người ta giải thích rằng khủng long được đặt cho cái tên đó là vì người tìm ra bộ xương là Sue Hendrickson. Cho Sue nọ (Sue Hendrick) tìm thấy Sue kia (Tyrannosaurus Rex) là hợp lý. Nhưng chưa biết khủng long là đàn bà hay đàn ông, tại sao lại dùng tên phụ nữ đặt cho nó? Tại sao không là Sam, để nếu là đàn ông, thì là Samuel, là đàn bà, là Samantha có... hàng hai mà lại còn an toàn hơn không?

Hay là dựa trên tính tình của loài khủng long Tyrannosaurus Rex, nói chung, là hung dữ, ác, độc, ăn sống nuốt tươi không tha cái gì hết, nói nhiều, cãi chầy cãi cối, nấu hủ tiếu thường cũng thành hủ tiếu "dai", nấu rau muống cũng thành rau "đay", chiên khoai cũng thành khoai "nghiền" mà đi đến kết luận là phải đặt cho bộ xương một cái tên đàn bà?

Cái đó, chỉ có toán khoa học gia đào bới được bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus Rex mới nói được. Nhã Ca, trong một truyện dài viết sau năm 1975 cũng nhận mình là khủng long.

Không biết tại sao nữa. Cũng không biết tại sao nhiều phụ nữ bị gọi lén là khủng long. Hay đổi qua, gọi tất cả các khủng long móng đỏ, nước hoa thơm lừng là... Sue hết cho tiện?


Ngày 17 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Sau mấy chục năm sống ở nước Mỹ, tôi mới biết thêm được một thứ mà tất cả những người đàn ông may mắn khác đều đã biết từ lâu.

Tôi không biết Saran Wrap là cái gì hết, cho đến chiều nay, ghé chợ làm công việc nội trợ cho cuối tuần, tình cờ thấy nó trên một cái giá bầy các sản phẩm dùng trong nhà bếp.

Tôi không biết Saran Wrap là nó.

Wrap mà tôi biết trước đây là cái sarong mà Heddy Lamarr đã cho khán giả màn ảnh Mỹ làm quen trong một cuốn phim về nam Thái Bình Dương hồi những năm 1940. Cũng có khi nó được gọi là wrap-around mà ngày nay, nhiều phụ nữ thỉnh thoảng vẫn còn mặc nó. Tôi không có điều gì để phản đối chuyện đó hết. Nó tạo ra những ẩn hiện không lường được những khi người mặc nó bước đi, gió thổi, lên cầu thang hay leo lên những chiếc SUV cao nghều nghệu như chiếc Honda Passport của tôi. Trí tưởng tượng những lúc đó được kích thích tối đa, một thứ tập luyện cho đầu óc khỏi ù lỳ, lười biếng, nhất là với những người tuổi tác đã quá nửa thế kỷ.

Phụ nữ Indonesia, Malaysia, Miên, Miến Ðiện... và luôn cả đàn ông ở Tonga, Samoa, Fiji cũng mặc nó.

Thế rồi cách đây mấy hôm, Marabel Morgan, một tiểu thuyết gia Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, có đưa ra một đề nghị để giữ hạnh phúc cho các gia đình Mỹ: sáng đưa chồng ra cửa đi làm, chiều đón khi chàng ở sở về, người phụ nữ nên quấn quanh người bằng cái (?) Saran Wrap.

Tôi thấy nhà văn này rất có lý. Thay vì đầu bù tóc rối, cái áo ngủ nhầu nhẹt, đôi sleepers lẹp xẹp, vừa đi vừa ngáp trông như cái đường hầm Lincoln vào thành phố New York, để tiễn chàng ra cửa, người phụ nữ đi một đường sarong như Heddy Lamarr thì được quá đi chứ. Lại cho thêm tí nhạc Hạ Uy Di uốn éo như sóng biển mà không được sao? Chuyện này phải đưa thêm vào những phút vui trong đời của Kim Thánh Thán mới đúng. Kể cho ông nghe, thế nào nhà phê bình văn học Trung quốc của thế kỷ 17 thế nào chẳng hét ầm lên rằng,"Chẳng cũng khoái sao!"

Chao ơi, tại sao hạnh phúc toàn là những điều chỉ xẩy ra cho những người khác, như bạn tôi vẫn than thở? Tại sao Thượng Ðế lại bất công như thế, trong khi mỗi ngày, biết bao nhiêu người đàn ông trở về nhà, mở cửa bước vào chỉ thấy một đống giấy đòi tiền và thư từ nhảm nhí mời mua cái này cái nọ, chẳng thấy sarong ra đón gì hết trơn hết trọi.

Tôi mang niềm ấm ức như thế suốt mấy ngày vừa qua, thắc mắc không biết những chiếc sarong do Saran sản xuất, hay kiểu của Saran vẽ như thế nào, Victoria's Secret có bán không, và trông ra sao, có giống Heddy Lamarr không, có in hoa dâm bụt, hoa đại, hoa phượng như những cái sarong ở nam Thái Bình Dương không, hay làm bằng vải batik như ở Indonesia.

Và chiều nay, ở siêu thị, tôi thấy nó. Trông nó không có vẻ gì là để... mặc lên người hết. Lúc ấy, đứng cạnh tôi là một phụ nữ. Ðem hết can đảm còn lại, tôi hỏi bà về cách dùng của nó. Tôi được giảng giải ngọn ngành, nhưng trong những công dụng của nó, tôi không thấy cách dùng mà Marabel Morgan đề nghị. Người phụ nữ kia, sau khi giải thích cho một người đàn ông Á châu ngớ ngẩn, đã bỏ đi nên tôi không thể hỏi tiếp là Saran Wrap... đi ra cửa đưa đón chồng như thế nào.

Ðứng lại trong chợ, tôi đọc những câu chỉ dẫn cách dùng thì cũng không thấy đề cập đến cách dùng mà Marabel Morgan gợi ý.

Người ta dùng Saran Wrap để gói những thứ cần giữ trong freezer. Ðó là cách dùng ghi ngoài vỏ hộp. Thế thì tại sao lại dùng nó như một cái sarong?

Chẳng hiểu được. Hay là tại vậy, nhiều người đàn ông ở Mỹ hay than thở rằng người phụ nữ ở nhà lạnh như một con cá chết -- cold like a dead fish?

Hay quấn cái sarong Saran Wrap cũng không có gì là hạnh phúc?


Ngày 18 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.

Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.

Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.

Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.

Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.

Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.

Ðến như Ðinh Hùng trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Ðau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Ðinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.

Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.

Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Hanna Nguyen (hang0100@hotmail.com)

DUCK XINGPEDESTRIAN XING

XING là ghép hai chữ X và ING. Trong trường hợp này, X là viết tắt của CROSS. Do đó XING là CROSSING nghĩa là qua đường.

Duck Xing là bảng đường khuyến cáo người lái xe chạy chậm lại vì có những đàn vịt thỉnh thoảng chạy qua đường.

PED XING cũng viết là Pedestrian Xing là nơi qua đường của bộ hành.

Ở Falls Church, Virginia có một con đường mang tên là Bailey’s Crossroads thường được viết tắt thành Bailey’s X Roads.

X còn là chữ viết tắt của nhiều tiếng khác. Thí dụ Xmas thì X viết tắt của Christmas.

XO là KISS và HUG.

XO trên những chai Cognac là Extra Old …

Ông Nguyễn Hoàng Bách, San Diego, California

SHUCKS là gì? Tại sao lại nói "Oh, shucks!"?

Shucks là vỏ đậu, vỏ bắp, những vật vô giá trị. "Shucks!" hay "Oh, shucks!" là những chữ dùng để bầy tỏ sự bực bội, khó chịu. Khi mô tả một người nào đó là shucks thì muốn nói người ấy vô giá trị : He is not worth shucks.

SILVER SPOON là cái muỗng làm bằng bạc. Tại lễ rửa tội, người đỡ đầu cho một đứa bé thường tặng con đỡ đầu của mình một chiếc muỗng bằng bạc. Nhưng những đứa bé con cái những gia đình giầu có không cần phải đợi đến lễ rửa tội mới có những cái muỗng bằng bạc nên câu "He is born with a silver spoon in his mouth" nghĩa là nó giầu từ trong trứng giầu ra, vừa ra đời đã có cái muỗng bạc trong miệng.

Câu "trọng nghĩa khinh tài" là câu chúng ta mượn của Trung Hoa: "hiếu nghĩa khinh tài". Hiếu là ham thích. Khinh là coi nhẹ.

Ngọa tân thường đởm là nằm gai nếm mật. Thực ra ngọa tân là nằm trên đống củi; thường đởm là nếm mật. Ý nói sống đời khổ cực thường là một hành động hy sinh hạnh phúc để mưu làm những việc lớn. Lê Lợi thường tự cho mình là người nằm gai nếm mật suốt mười năm để chống quân Minh.

Ông Trần Quang Nhật, Houston, Texas

Tiếng sen là tiếng chân người đẹp. Gót sen là chân người đẹp. Thời xưa, trong thơ văn cổ Trung quốc, bàn chân của phụ nữ đẹp thường được mô tả là những bông hoa sen: bộ bộ sinh liên hoa. Tục bó chân cũng là để cố làm cho hai bàn chân của người phụ nữ có hình dáng như những bông sen chưa nở.

Giấc điệp cũng là giấc bướm là nằm mơ thấy mình là bướm. Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa thành con bướm. Tỉnh dậy không biết Trang Chu mơ thấy hóa thành bướm hay bướm nằm mơ thấy là Trang Chu.

ÐÁ VÀNG là do hai chữ kim thạch mà ra. Người Việt nói là đá vàng chứ không nói là vàng đá có thể là vì âm thanh hay hơn. Ðá vàng là sự bền bỉ, vĩnh viễn, không bao giờ suy xuyển.

Ðã gần chi có điều xa
Ðá vàng đã quyết, phong ba cũng liều
(Kiều)

Mắt xanh do điển Nguyễn Tịch đời nhà Tấn khi nhìn người có thể kính trọng được thì dùng đôi mắt xanh, không vừa lòng thì dùng đôi mắt trắng:

Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không
(Kiều)

Cô Nguyễn Hồng Bảo, Garden Grove, California

Trái với "công tử bột" là "tiểu thư vôi". Hai bên rất xứng nhau, một bên thì có gốc nhà quan nhưng lêu lổng, ăn chơi không ra gì, bên kia con nhà khá nhưng cũng chỉ bề ngoài, bề trong rỗng tuếch, chỉ có cái mã.

Bài Phong Kiều Dạ Bạc là của Trương Kế, một trong khoảng 40 bài thơ còn truyền lại của họ Trương.

Trương Kế người Hồ Bắc, sinh năm nào không rõ, chỉ biết qua đời năm 756. Ông đậu tiến sĩ đời Ðường Huyền Tông, làm Tự Bộ Viên Ngoại Lang trong triều.

Ðây là bài Phong Kiều Dạ Bạc:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Ðã có nhiều người dịch bài này sang tiếng Việt nhưng hay nhất vẫn là bản dịch của Tản Ðà:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Trong nhạc Cung Tiến, bài Hương Xưa, có nhắc tới "tình nhị hồ vẫn thương Cô Tô". Cô Tô là một địa danh của tỉnh Giang Tô.

Ông Trần Tú, Pasadena, California

Việt gian là người Việt nhưng theo giặc, theo ngoại xâm, làm những điều hại cho nước Việt.

Hán gian là người Trung Hoa theo giặc. Người đàn ông Việt Nam ngả sang theo Trung quốc trong bài báo ông gửi cho xem là Việt gian, không thể là Hán gian được.

Sông Áp Lục (Yalu) chẩy ở gần ranh giới Trung quốc và Bắc Hàn phát nguyên từ Cát Lâm chẩy qua Liêu Ninh rồi vào Hoàng Hải.

Từ Hải là nhân vật có thật, từng đi tu và trở thành hòa thượng. Từ Hải có một thời rất mạnh nhờ hợp tác với các đảng cướp Nhật đánh phá nhiều nơi thuộc Giang Tô và Chiết Giang. Bị Hồ Tôn Hiến dụ về hàng, khi biết bị lừa, Từ Hải chạy đến Thẩm Trang thì nhẩy xuống sông tự tử chết năm 1556.