July 1, 2009

July 3, 2009

HTML clipboard

Ngày 27 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Mae West, nữ tài tử điện ảnh Hoa kỳ (1892- 1980), người tự viết lấy đối thoại cho vai của mình trong nhiều cuốn phim, có lần nói rằng trong đời sống, chỉ có hai trường hợp đàn ông và đàn bà cần phải nói dối: đàn bà nói dối để được đàn ông yêu, và đàn ông nói dối để được đàn bà cho... yêu (Women lie to be loved and men lie to have sex).

Còn ngoài ra, không có bất cứ một lý do gì để nói dối hết.

Nhân những chuyện tào lao xịt bộp của ông phó Joe Biden, tôi nhớ lại một ông phó khác, ông Al Gore, người đứng phó cho ông Clinton hồi trước.

Phó tổng thống Hoa kỳ Al Gore là người không có lý do gì để phải nói phét. Ông không phải là người thiếu thốn, hết ngày chỉ biết về nằm nhìn cái trần nhà, đau khổ buồn bã, chán cho thân trai mười mấy cái bến (ban ngày), đến tối thì chẳng có cái bến nào. Theo Mae West, ông không cần làm như thế mà vẫn có bến đậu an toàn, không phải bữa đói, bữa no, cơm đường, cháo chợ bao giờ.

Ngoài ra, ông còn có tất cả mọi thứ khác, toàn những thứ những người đàn ông mong có được trên cõi đời. Ông chỉ thiếu có cái văn phòng hình bầu dục tại số 1600 đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Mỹ. Nhưng chính cái văn phòng đó, ông cũng đi ra đi vào không biết bao nhiêu lần trong thời gian tám năm trong chức vụ phó tổng thống.

Ông muốn mọi người nghĩ là ông tài giỏi và xứng đáng để ngồi ở đó. Ðể làm cho người ta nghĩ ông tài giỏi, xứng đáng, ông ra tranh cử sau khi ông Clinton ngồi hết hai nhiệm kỳ. Ông tự làm đẹp thêm cho ông bằng cách quay ra nói dối, nói phét, nói xạo, nói dóc, nói bịa, nói khoác, nói láo, nói liều, nói phượu, nói phong thần, nói rồng nói rắn, nói thiên binh vạn tướng, nói thiên hô bá trác... bất cứ khi nào có thể làm được.

Ông khoe viết diễn văn cho phó tổng thống Hubert H. Humphrey tại đại hội đảng Dân Chủ năm 1968. Không hề có chuyện đó. Khi bị hỏi, ông nói là ông nhớ lộn. Nhưng nhớ lộn toàn những chuyện oai hùng cả mới lạ.

Ông khoe ông là một trong những người đi tiên phong ở quốc hội Mỹ sáng lập ra Internet. Cũng không có. Khi ARPANET của bộ quốc phòng ra đời, ông mới 21 tuổi, chưa bước chân vào quốc hội. Phải tám năm sau ông mới trở thành dân biểu.

Ông khoe ông đi lính ở Việt Nam, vác M-16 hành quân qua những đồng cỏ tranh, bị Việt Cộng bắn. Lại cũng không có. Ông không hề ra trận bao giờ, dẫu là với tư cách phóng viên ở Việt Nam hồi đó.

Ông nói là ông khám phá ra vụ một thị trấn ở New York bị ô nhiễm hóa chất độc trong khi nội vụ đã nổ lớn, chính phủ liên bang tuyên bố Love Canal là vùng ô nhiễm, toàn tỉnh phải di tản từ hai tháng trước.

Ông nói là chính ông là người đưa sáng kiến thiết lập kho dầu dự trữ chiến lược... hai năm sau khi kho dầu được thành lập.

Ông khoe ông là một học sinh xuất sắc trong khi ở trung học và đại học, ông không có một chữ A nào trong phiếu điểm.

Ông khoe chị ông là người đầu tiên tình nguyện phục vụ trong đoàn Hòa Bình (Peace Corps) trong khi Nancy Gore chỉ là một nhân viên trung cấp tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Mỹ và chưa hề ra nước ngoài làm việc chí nguyện bao giờ.

Ông khoe được mẹ hát ru bằng bài Look For The Union Label để lấy cảm tình của nghiệp đoàn lao động trong khi bài hát này mới chỉ được viết vào năm 1975, khi ông Gore đã 27 tuổi. Như vậy, ông còn xạo thêm một chi tiết nữa: 27 tuổi còn được mẹ hát ru ngủ. Sướng gần chết được.

Ông không biết nói dối.

Ở những người khác, đó là câu khen ngợi. Người được mô tả bằng nói câu đó là người thành thật, ăn ngay, nói thẳng, không bịa đặt, thêu dệt, có sao nói vậy, trung thực, tôn trọng chân lý, không kéo dài sự thật.

Nhưng ở ông Gore, thì đó là một câu chê không biết để đâu cho hết.

Có chuyện nói phét mà cũng không làm được.

Tại sao không biết mỗi năm về... Việt Nam vài chuyến, ra ngồi quán cóc viết lại lý lịch, nhét thêm những chi tiết nào học Harvard, biết năm bẩy thứ võ, sáng lập Pháp Luân Công, ngoại ngữ nói cỡ ngoại trưởng, giám đốc vài ba công ty to xù xụ ở Hoa kỳ, lái Jaguar chỉ là để đi chợ mua nước mắm về chấm với mì gói, stock thì cứ trúng lia lịa vài ba chục triệu ăn cơm tay cầm bao giờ mới hết tiền, lại còn vào cả Vẻ Vang Con Vịt, làm thơ trúng giải nhất của hội Thi Sĩ Quốc Tế...

Hay là sợ làm đau lòng dân tộc, nhục mạ chiến hữu, khiếp vía trẻ con, ô nhiễm không khí các tiệm cà phê?

Những thiên tài này rơi vào loại người nào của Mae West đây?


Ngày 29 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Khoảng cuối những năm 60, trong số báo xuân của một trường nữ trung học ở Sài Gòn, tôi đọc được bài thơ với hai câu đầu cứ theo tôi mãi cho mãi đến tận ngày hôm nay:

Tôi đang mơ giấc mộng dài
đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh...

Tác giả là một nữ sinh mà tên tuổi tôi không làm sao nhớ nổi; còn bài thơ thì sau đó được soạn thành một ca khúc được nhiều người hát. Ðọc bài thơ, ai cũng nghĩ là có lẽ không có một lời khẩn cầu nào lại có thể tuyệt vọng đến như thế. Nhất là trong khung cảnh khói lửa của đất nước lúc ấy. Tuổi trẻ không còn, giấc mơ đẹp bị tước đoạt, những niềm vui nhỏ bé nhất cũng không giữ được...

Ðừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ mòng...

Câu cuối cùng của bài thơ nghe hết sức tội nghiệp.

Nhưng bất kể những lời yêu cầu đầy giọng van xin tội nghiệp ấy, người mơ giấc mộng dài vẫn bị đánh thức bằng những cách thô bạo nhất. Mầu xanh, mầu hồng, bình minh tươi mát, hoàng hôn thơm ngát vẫn bị lấy đi, thay vào đó, là những thực tế kinh hoàng của đời sống, của cái chết, của chiến tranh tàn bạo và càng ngày càng khốc liệt, tưởng như không bao giờ hết.

Ðến nay, thỉnh thoảng tôi cũng thấy mình khẩn khoản yêu cầu đừng bị đánh thức, để không bị lôi ra khỏi những mơ mộng rất cần thiết của đời sống.

Và những lời cầu xin ấy vẫn bị bỏ qua, thực tế thô bạo vẫn bị ấn vào tay dầu cho có muốn hay không muốn nhận.

Thực tế có khi nằm trong chiếc bao nylon ở hộp thư gói những tờ báo tôi mua dài hạn.

Nó là tờ Playboy cách đây khoảng một hai năm tôi tìm thấy trong đống báo cũ với hình bìa là một phụ nữ trong bộ bikini đen, những chiếc nút kim loại sáng lấp lánh, mái tóc đen dài đến ngang lưng. Thực tế ấy, thực ra, trông giống những gì người ta thấy trong các giấc mơ hơn là ở ngoài đời.

http://i3.iofferphoto.com/img/item/401/402/01/11-2000_chyna.jpg

http://images.art.com/images/-/Chyna-Studio-Shot-Photograph-C10031776.jpeg

Nhưng biết được những chi tiết khác của nàng, thì người phụ nữ ấy không thể là nhân vật trong những giấc mơ của những người đàn ông bình thường và khỏe mạnh. Cô tên là Chyna 29 tuổi, cao 5 feet 10, tức là hơn tôi 1 inch và nặng 185 cân Anh, hơn tôi 5 cân Anh. Nhưng cô tập tạ 365 cân Anh mỗi ngày, và tung, quăng, ném, quật những đô vật nặng trên 200 cân Anh một cách dễ dàng. Hai bức hình ở trang 84 cho thấy những bắp tay 14 inches có thể làm được gì cho hai đô vật nhà nghề trên võ đài.

Theo tờ Playboy, Chyna lớn lên một cách bình thường, đi học đại học, có bằng cử nhân văn chương Tây Ban Nha, thế rồi một bữa ngồi xem đô vật trên màn ảnh truyền hình, cô quyết định làm đô vật. Và cô trở thành đô vật hàng đầu của thế giới.

Trong bài viết đi kèm, cô cho biết cô là người thích những thứ rất phụ nữ, như gấu bông, hoa, son phấn, nữ trang. Nhưng cô là đô vật. Cô có thể quăng đối thủ xuống sàn, ném vào góc võ đài, lên gối, đá vào ngực, vào mặt, khóa tay, bẻ chân... Ðối thủ là những người đàn ông mà không một người nào nặng dưới 200 cân Anh.

Trong 12 trang báo, những bức ảnh mầu chụp cái máy giết người ấy cho thấy những bắp thịt, từng bắp thịt trên khắp miền cơ thể cần cho nghề nghiệp của cô. Những bắp tay, những bắp đùi trên, đùi dưới. Bền, vững và chắc như những bức tường gạch bê tông.

Cứ thỉnh thoảng người ta lại được nhắc nhở về nghề đánh vật của cô.

Tại sao những giấc mơ cứ bị cắt ngang vì những nhắc nhở ấy? Tại sao phải lay, phải đánh thức, phải kéo những người đang mơ và nhắc cho chúng tôi sự thật quá kinh hoàng đó?

Tại sao phải đưa một đô vật lên bìa tờ báo của những người đàn ông khốn khổ trốn thực tế bằng những giấc mơ trong các trang báo. Tại sao không cứ tiếp tục với những người phụ nữ không làm đô vật nhưng vẫn thừa sức "đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông... ra đến bể chưa thôi trống ngực, về đến Tầu còn đổ mồ hôi... Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ... sắc phong vân cũng đổi, sáng nhật nguyệt phải mờ..." như những trận thư hùng nơi tòa án, nào có thua gì những cảnh trong Bình Ngô Ðại Cáo?

Tại sao phải Chyna hùng hổ thô bỉ như đô vật đưa ra làm bìa?

Tại sao cứ phải lay chúng tôi như vậy, cuộc đời chung quanh?


Ngày 30 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Hạnh phúc, rất nhiều khi, lại chỉ là những bất hạnh, những khổ đau chúng ta đã thoát, hay không xẩy ra cho chúng ta mà thôi.

Tôi mới thấy ra được điều đó, và nhờ vậy, cứ mỗi lần bắt đầu thấy khổ sở, phiền muộn, thì chỉ cần nghĩ đến những điều đáng lẽ có thể xẩy ra, nhưng đã không cho mình là thấy không cần phải đọc Dale Carnegie, mà vẫn thừa sức quẳng gánh lo đi và vui sống.

Hôm trước, ở nhà một người bạn, trong tủ sách của gia chủ, tôi thấy cuốn Tạp Chí Thơ số mùa thu cách đây mấy năm. Trong tờ báo chuyên về thơ đó, tôi đọc được một số lời dặn dò một phụ nữ gửi người đàn ông, chắc là người đàn ông của tác giả, với hơn hai chục câu được sắp xếp như một bài thơ, hay nói đúng hơn, là những điều mà người phụ nữ tác giả kể ra và không cho phép người đàn ông làm. Tác giả nói thẳng, không dè dặt như những người khác, rằng ông bị cấm làm một số chuyện, cấm ngặt.

Ðầu tiên là đã đi con đường nào với nàng rồi, thì cấm không được đi với đứa khác. Hoa tặng nàng rồi thì cấm không được tặng ai nữa. Thơ đã viết tặng nàng rồi thì không được đem tặng con mẹ khác. Lời yêu đương đã nói với nàng, nàng cũng cấm luôn, không cho đem nói lại với người khác. Hôn nàng một lần là không được hôn bất cứ một người nào khác.

Tác giả quả là một phụ nữ rất khó. Rất khó và thẳng thắn.

Nhưng người đọc không thấy có những mệnh đề phụ cho thấy hậu quả khi những điều cấm chỉ đặt ra bị vi phạm. Thí dụ đã đi con đường ấy với nàng rồi mà còn đi với người khác, thì sẽ bị những hình phạt gì? Có gọi cảnh sát viết cho cái giấy phạt, gài lên cặp kính của chàng, hay lấy cái còng Colorado boot còng chân chàng, nộp phạt xong mới mở khóa không?

Không thấy nêu các hình phạt, các biện pháp chế tài. Như vậy, thì cũng chẳng khác gì Liên Hiệp Quốc đang làm với ông Kim Chính Nhật của Bắc Hàn.

Các biện pháp trừng phạt phải có thể đem áp dụng được chứ chỉ hăm dọa xuông mà không có hành động chế tài đi kèm thì những hăm dọa đó không có... răng. Ðối phương không sợ.

Nhưng đó chỉ là một chi tiết nhỏ. Chi tiết lớn hơn là ở chỗ người đàn ông của nàng có vẻ ít khả năng sáng tạo nên nàng mới kể những chuyện ấy ra để cấm chàng làm. Có thể chàng chỉ biết đi có một con đường, cấm không cho dắt đứa nào đi, là chàng ở nhà trung thành với nàng cả đời. Nàng cấm hái hoa tặng người khác, là chàng bỏ ngay ý định trở về khu vườn cũ kiếm bông hoa tặng con mẹ khác ngay, mặc dù trên đường về khu vườn, hơn hai chục tiệm florist chàng cũng không dám ghé vào. Chàng làm thơ tặng nàng, nàng cấm đem bài thơ ấy đem tặng người khác, chàng trở thành nhà thơ một tác phẩm, không dám nghĩ tới chuyện lén đem bài thơ cũ, cạo sửa đem làm quà cho một chị khác. Lời yêu thương đã nói với tác giả rồi là bị nàng đem nộp bản ở quốc hội Mỹ, tác quyền nàng giữ, đứa khác động đến, nàng kiện nát xương. Và cái hôn chàng tặng nàng là cũng của nàng luôn. Cấm đem tặng mợ khác.

Chao ôi, sao mà lại có người đàn ông khổ như thế ở trên đời này như thế?

Tại sao không đem câu cuối của bài thơ nàng viết (...Em cấm anh, cấm anh.) và quăng cái dấu phẩy (,) ở giữa hai chứ "anh" và "cấm" rồi trả lại cho tác giả câu mới: "Em cấm anh cấm anh" là có thể... quẳng gánh lo đi và vui sống không nào?

Chỉ cần một chút sáng tạo, là mấy cái danh sách cấm ấy cũng chẳng ăn thua gì hết. Tại sao phải trở về cái khóm hoa cũ để ngắt hoa? Tại sao phải recycle, tái chế biến, dùng lại bài thơ cũ chẳng hay ho gì cho cam để tặng người khác? Tại sao phải nhắc lại lời yêu đương dùng đã nát ấy? Tại sao phải... hôn người khác bằng cái hôn đã... cũ? Mà có làm như vậy được không?

Bộ... có thể tắm hai lần ở cùng một dòng sông hay sao?

Sao mà ở dơ quá vậy?

Bị cấm nhiều như thế làm sao mà sống?


Ngày 1 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Cuốn sách vừa phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin sáng nay của Reuters gửi đi từ Luân Ðôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích " (Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu tạo sinh rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu là chịu khó mỗi ngày yêu bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm: "Bố già quá rồi, mà lại không là... xếp của Mafia được... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 2 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Một người quen tôi, thấy trí nhớ của tôi bắt đầu lung tung, vừa gửi cho tôi một cái organizer để yểm trợ cho bộ nhớ cũ với 8 megabytes giúp ghi xuống những chuyện không thể quên được trong đời sống.

Như bạn biết, sau cái tuổi năm mươi quái ác, trí nhớ bắt đầu bỏ chúng ta mỗi ngày. Có khi đang nói giữa câu thì quên hẳn định nói gì, không sao nhớ ra được. Thình lình ai hỏi hôm qua làm gì, mặc cái áo nào, cái ca vát mầu gì, tối ăn gì, với ai, là chịu thua. Cái hẹn đến rồi đi, mãi mấy ngày sau mới nhớ. Một khuôn mặt rất quen mà cái tên thì biến mất. Hai tháng trước, một người bạn cũ của thời đi học gặp tôi ở một quán ăn. Vẫn cái giọng nói đó, vẫn tiếng cười đó, người bạn còn giúp trí nhớ bằng hai ba chi tiết khác, rốt cuộc đành mang tiếng là "thiên hạ đệ nhất bạc tình lang" vì không cách gì nhớ ra nổi. Mãi đến khi có tấm danh thiếp, mới... mừng mừng tủi tủi ôm nhau cứ như cảnh quán bên đường trong bài thơ của Bình Nguyên Lộc.

Cái organizer cầm gọn trong bàn tay ngoài khả năng lưu giữ 12 ngàn cái địa chỉ, một số hình ảnh ( để đề phòng trường hợp một người bạn cũ khác trắc nghiệm trí nhớ), còn giữ được trong bộ nhớ của nó những cái hẹn trong mười năm sắp tới.

Mười năm sắp tới, là từ nay đến năm 2019. Tất cả những cái hẹn, từ hẹn tới phở Nguyễn Huệ ăn sáng với ông chủ tiệm có những cái ca vát rất đẹp, đến bữa ăn tối ở Laguna, chuyến đi San Jose đầu năm tới, sinh nhật cháu nội, đám cưới con gái người bạn, thay nhớt máy xe, gia hạn báo Time, thượng thọ của... mình... tất cả đều có thể được giữ trong bộ nhớ, đến ngày đến tháng phải làm những chuyện đó, một tràng tiếng bíp, màn ảnh hiện ra hàng chữ nhắc người đàn ông đãng trí việc phải làm. Trong mười năm sắp tới.

Mười năm là xong tới hai kế hoạch ngũ niên của nhiều nước thích dùng con số 5 để hoạch định những chương trình hoạt động quốc gia.

Nhưng chuyện nghĩ đến hai kế hoạch ngũ niên bây giờ hình như ít người dám làm. Chuyến ra đi của những người bạn trên dưới tuổi chúng ta bắt đầu làm cho chuyện nghĩ cho năm năm, mười năm trở nên hơi... khó nghĩ. Mà toàn là những người sống mực thước, điều độ, lành mạnh cả. Tất cả đều đã "bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" trong mấy năm trở lại đây.

Thế nên cứ mỗi năm, đứng trước một năm mới, là lại thấy như ông Mai Thảo chờ quà:

Sáu mốt cùng ta đứng trước thềm
Ðợi trời thả tặng chút xuân thêm
Trời thôi tặng phẩm, xuân còn hết?

Quà của trời, của xuân cũng có khi hết, làm sao biết chắc sẽ xong nổi... hai cái kế hoạch ngũ niên?

Thì người bạn gửi cho cái organizer giúp khỏi quên những cái hẹn của 10 năm tới.

Mấy hôm trước, tôi đọc được một câu nói của James Garner rất lý thú. Ông tài tử 72 tuổi này, khi được hỏi có những dự tính gì trong hai chục năm tới, đã trả lời rằng ông không hề dự phóng ra một tương lai xa như thế. Hãy cứ hỏi tuần tới có lẽ tiện hơn. Rồi ông cho biết ông lâu nay, khi đi chợ, không còn mua chuối xanh nữa.

Vậy mà hôm qua, ghé chợ mua ít trái cây và bình sữa để uống cà phê, tôi đã mua mấy quả chuối chưa chín, hy vọng còn có thể ăn được trong mấy ngày tới.

Như vậy là cũng đã chủ quan và yêu đời lắm rồi. Nhưng món quà của người bạn cho thì có phải là lạc quan quá đáng không?

Chắc không, cái organizer do hãng sản xuất đã có sẵn bộ nhớ khá lớn đó. Người mua không đặt ra cái khả năng ghi nhớ những cái hẹn mười năm. Và người dùng thì lại càng vô can.

Cũng như những quả chuối còn xanh mua về chẳng phải là một suy nghĩ lạc quan gì. Chuối chín thì ăn với Danish blue cheese rất dở. Vậy thôi.

Bùi Bảo Trúc


TẠP GHI


CUỐN SÁCH CŨ Ở CHỢ TRỜI

Tuần trước, tôi đi chợ trời Goldenwest, vừa để đi bộ thay cho chuyến đi bộ sáng thứ Bẩy ở một công viên gần nhà và vừa để mua vài món không cần phải mua ở những tiệm lớn.

Thì tôi thấy nó.

Nó nằm giữa đống sách cũ ở một quầy sách mà cách đây không lâu tôi đã mua được cuốn tự điển của Hornby, cuốn Advanced Learner’s Dictionary of Current English, cuốn sách tôi ôm nó suốt mấy năm trung học qua lời đề nghị của một ông thầy dậy Anh ngữ.

Tại sao nó lại nằm ở đó thì tôi không thể nào biết được. Tôi cố hỏi người đàn ông Mễ đứng bán hàng, nhưng tiếng Tây Ban Nha của tôi thì còn tệ hơn là tiếng Anh của ông rất nhiều nên tôi đành chịu thua. Tôi muốn biết tại sao nó ra nằm ở đó, từ bao giờ, chủ của nó là ai. Cứ por favor … por qui … que va … khách nói, khách nghe và chủ nói, chủ nghe…

Cuốn sách ấy chỉ trông thoáng qua là tôi biết ngay nó đã từ Việt Nam luân lạc sang. Cái bìa do một ông giáo bạn của ông cụ tôi vẽ đã bạc phếch. Phải trên dưới bốn mươi năm rồi chứ ít sao. Cái tên sách và cái tên của soạn giả, ông cụ tôi, thì còn nguyên, tuy bìa trước bị rách một miếng khá lớn.

Tôi hỏi ông ta bán bao nhiêu. Ông cho biết 25 xu. Tôi lấy tiền trả cho ông ngay và cầm đi ra xe liền, như sợ có người mua mất.

Ngồi vào trong xe, tôi mở cuốn sách đó ra xem lại. Những trang giấy cũ đã nâu với thời gian, cái tựa sách tôi rất quen, 141 Bài Tính Mẫu. Người viết cuốn sách ấy đã qua đời hơn 10 năm trước. Tôi tiếc không tìm ra nó sớm, và tiếc ông cụ không sống thêm được tới ngày nay để gửi cho ông xem nó rồi tưởng tượng ra chuyến đi của nó từ một tủ sách gia đình nào đó sang đến tận nước Mỹ, rồi cuối cùng ra chợ trời Goldenwest nằm với mưa nắng.

Ở trang trong của cuốn sách là một cái tên tôi không quen: Nguyễn thị Tuyết Dung, lớp nhất trường Bàn Cờ, Sài Gòn. Chữ viết rất nắn nót bằng mực tím. Phía dưới là con số năm: 1968. Cô Tuyết Dung chắc phải là chủ nó. Chắc cô Tuyết Dung đã làm hết 141 bài toán trong cuốn sách, để sửa soạn thi vào một trường nữ trung học nào đó. Cuốn sách gồm 141 bài tính mẫu ông bố tôi viết dành cho các học sinh thi tiểu học và vào đệ thất trung học. Chắc cô đã đỗ, đã học xong bậc trung học. Năm cô có nó là năm 1968. Giả thử cô thi đỗ vào đệ thất một trường trung học năm 1968 thì năm 1975 cô phải ra khỏi trường trung học, lên đại học.

Ở trang bên, là 6 cái tên của chị em tôi mà ông bố tôi đề tặng: Âu yếm tặng các con … Thoạt đầu, khi cuốn sách được in ở Hà Nội, lời đề tặng chỉ có 5 cái tên của chúng tôi. Cuối cùng, là 6 cái tên khi một cái tên cuối, tên của chú em út được viết thêm vào sau chuyến di cư năm 1954.

Tôi nhớ quyển sách ấy, nhờ nó, tất cả các chị em chúng tôi đều thi đỗ vào các trường trung học lớn ở Sai Gòn.

Cuốn sách được viết lần đầu năm 1952 để sửa soạn cho chị tôi thi vào trường Trưng Vương. Suốt mấy tháng, trong những buổi trưa, ông bố tôi ngồi đọc cho chị tôi viết xuống những bài tính đố và bắt phải giải chúng ngay trong buổi trưa. Ðến khi thi vào đệ thất trường Trưng Vương Hà Nội thì chị tôi đã làm xong 141 bài tính tất cả, có những bài tính rất hóc búa, những bài tính có động tử đuổi nhau, cái thùng bị rò nước, con sên leo từ dưới đáy giếng lên miệng giếng, ngày bò đêm nghỉ nên lại tụt xuống một đoạn, những bài tính phân số, thể tích hình nón, diện tích hình vành khăn, số pi vân vân.

Tập vở được sửa sang lại và đem gửi cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh ở phố hàng Bông in lần đầu. Cuốn sách ấy từ năm 1952 ở Hà Nội, đến tận năm 1975 ở Sài Gòn năm nào cũng được in lại, lần thì do nhà Văn Hồng Thịnh, lần thì nhà Tân Việt, lần thì nhà Sống Mới, và là cuốn sách cho chị em chúng tôi những chiếc đồng hồ Omega, những chiếc velosolex, những chiếc mobylette, những chiếc bút máy Parker, chiếc scooter Lambretta, chiếc Ford Taunus 17 để thưởng cho những lần chúng tôi thi đậu tiểu học, đệ thất, trung học phổ thổng, tú tài 1, tú tài 2, vào đại học sư phạm, vào trường kỹ sư Phú Thọ vân vân.

Tôi nhớ ông bố tôi ngồi ở bàn giấy trên lầu những căn nhà chúng tôi đã sống qua, lúc nào cũng làm việc, cái magnetophone Grundig bao giờ cũng có thơ Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương … giọng ngâm Hoàng Thư, Hồ Ðiệp … thì thầm bên cạnh trong lúc chúng tôi làm đủ các thứ chuyện khác ở chung quanh.

Cầm quyển sách, tôi nhớ đến ông thầy giáo rất khó tính nhưng cũng lại rất yêu tất cả lũ con, không đứa nào hơn đứa nào.

Người đàn ông ấy đã dậy cho chúng tôi không biết bao nhiêu điều trong đời sống, về tình yêu sách vở, nghệ thuật, về ý thức dân chủ trong những bữa cơm, những lần đi chơi, cho chúng tôi hưởng đủ mọi thứ lạc thú của tuổi thơ, ly soda ở bờ hồ, những chiếc kem ở tiệm Cẩm Bình Hà Nội, những chuyến đi xem triển lãm hội họa để chúng tôi biết Nguyễn Siên, Nguyễn Gia Trí, Văn Ðen … từ khi còn rất nhỏ, ngay cả trò chơi tầu bay plastic kiểu nhỏ mà nay con trai tôi (và bố nó) cũng rất thích đã được chính ông giáo già này dậy cho tôi từ hồi tôi học trung học… Và không biết vì sao, một hôm ông mua cho tôi quyển The Old Man And The Sea của Hemingway và làm cho tôi yêu ngay nhà văn này từ khi tiếng Anh mới học hết cuốn L’Anglais Vivant 5ème Bleu.

Trong suốt nhiều năm, ở cái bàn làm việc đó đã sản xuất ra hàng mấy chục bộ sách giáo khoa tiểu học mà nay, chúng tôi không còn được một cuốn nào trong tay. Năm 1975, khi Quảng Trị thất thủ, việc làm đầu tiên của đoàn quân Cộng sản làm ở đó là thay những cuốn sách giáo khoa, trong đó có cả những sách của ông bố tôi viết bằng những cuốn sách có những bài toán như anh Giải Phóng bắn được 10 tên lính Ngụy, bạn anh giết được 9 tên khác, tổng cộng hai anh giết được bao nhiêu lính Ngụy… Những chi tiết này ít nhiều cũng thuyết phục được ông chịu ra khỏi Việt Nam năm 1975.

Cầm cuốn sách ông viết mua ở chợ trời, tôi cám ơn cô Tuyết Dung đã mang nó sang đây, không dùng nữa, cô để cho nó ra chợ trời rồi về với tôi sáng hôm thứ Bẩy tuần trước.

Con của người viết cuốn sách xin cám ơn bà Tuyết Dung.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


thuyvan.lam@sympatico.ca

Câu cô hỏi được trích từ một đoạn đối thoại giữa Khổng Tử và môn sinh là Tử Cống ghi trong sách Luận Ngữ, thiên Hiến Vấn, đoạn 35:

Tử viết: "Mạc ngã tri dã phù!" Tử Cống viết ": "Hà vi kì mạc tri tử dã?" Tử viết: "Bất oán thiên, bất vưu nhân, hạ học nhi thượng đạt. Tri ngã giả kì thiên hồ!"

Khổng Tử nói với học trò:" Không có ai hiểu ta!" Tử Cống hỏi:" Tại sao ngài lại than không có người hiểu ngài?" Khổng Tử đáp:" Ta không oán trời, không trách người, ta học từ những việc thấp là nhân sự để đạt đạo trời. Hiểu ta có lẽ chỉ có trời chăng!"

Trong sách Trung Dung lại ghi như thế này:

Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cố quân tử cư dị dĩ sĩ mạnh.

Nghĩa là trên không oán trời, dưới không trách người nên người quân tử ăn ở giản dị mà đợi mệnh trời.

Cụ Ngô Ngọc Quí, San Jose, California

Nhũ danhkhuê danh đều là những chữ dùng để chỉ tên của các phụ nữ khi chưa đi lấy chồng.

Nhũ danh là tên đặt khi mới đẻ, vẫn còn bú mẹ.

Khuê danh là tên con gái chưa xuất giá, vẫn còn ở trong nhà cha mẹ. Khuê nghĩa là chỗ con gái chưa có chồng ở như trong những chữ khuê phòng, khuê khổn, khuê môn, khuê các.

Cô Xuân Phương

Ðiều Ngự (chữ Phạn là Damya-sarathi) là tên của vua Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi lại cho Trần Anh Tông, xuất gia về núi Yên Tử. Ngài sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là sư tổ của Thiền Việt Nam.

Ðiều là đường lối, hướng dẫn. Ngự là kiềm chế.

Thành ngữ mới trong tiếng Mỹ: Go hiking the Appalachians nghĩa là đi ăn vụng, lén vợ đi chơi với tình nhân như thống đốc South Carolina nói với nhân viên là đi leo núi Appalachians trong khi sự thực lẻn xuống Argentina thăm người em bé bỏng.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 37 do Nhã Lan ghi lại)
Bài đang được phát trên Hồn Việt Television

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.

Thưa thầy Trúc, hôm nay, học trò xin thầy ôn lại về PAST TENSE và PRESENT PERFECT TENSE, hai thì mà QA vẫn còn lẫn lộn hoài.

NHÃ LAN.

Vâng, đó cũng là điều mà Nhã Lan muốn được nghe lại. Nhã Lan biết PAST TENSE, hay SIMPLE PAST là những thì dùng cho những việc đã hoàn tất, không còn dính líu gì tới hiện tại nữa. Còn PRESENT PERFECT là để dùng cho những chuyện bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn còn tiếp diễn trong hiện tại. Thế nhưng thỉnh thoảng Nhã Lan cũng thấy hai thì này giống nhau như hệt phải không QA?

QA:

QA có ngay hai thí dụ trong trường hợp này. QA nghĩ cả hai đều đúng. Như vậy thì PAST à PRESENT PERFECT giống nhau hay sao?
Ðây là hai thí dụ đó: I HAD DINNER và I HAVE HAD DINNER. Cả hai đều có nghĩa là tôi đã ăn cơm tối, tôi đã dùng bữa chiều phải không thưa anh?

BBT

Ðúng lắm. Trong trường hợp này, hai thì PAST và PRESENT PERFECT có giống nhau và cũng không giống nhau.

Giống nhau là vì khi nói hai câu này, thì tôi đã bước ra khỏi bàn ăn rồi, tay không còn cầm đũa nữa.

Nhưng khác là một đằng bụng đói. Một đằng bụng đã no.

Ðể tôi giải thích. Cô Nhã Lan mới nói rằng PAST là để dùng cho một việc đã hoàn tất, đã xong, không còn dính líu, không còn kéo dài đến hiện tại nữa. I HAD DINNER là tôi đã ăn tối. Tôi không còn ngồi ở bàn ăn nữa. Việc ăn đã xong.

Câu I HAVE HAD DINNER có nghĩa là tôi đã ăn tối. Tôi không còn ngồi ở bàn ăn nữa. Việc ăn của tôi đã xong rồi.

Như vậy là hai câu giống nhau. Việc ăn đã hoàn tất, đã kết thúc, không còn ngồi ăn ở bàn nữa.

Nhưng khác nhau ở chỗ một câu có thể hiểu là tôi đã đói trở lại rồi. I HAD DINNER có thể có nghĩa là tôi ăn hôm qua, tuần trước, hay tháng trươc. Bây giờ, chuyện ăn đó không còn hậu quả gì nữa, không còn ảnh hưởng gì tới cái dạ dầy của tôi nữa. Bây giờ tôi lại đói trở lại.

Còn câu I HAVE HAD DINNER nghĩa là tôi ăn rồi, ăn xong rồi, nhưng ảnh hưởng của bữa ăn, tác động của nó, hậu quả của chuyện ăn, của bữa ăn vẫn còn. Tôi vẫn còn no.

NHÃ LAN

Nhưng cũng có khi cả hai đều có nghĩa là vừa mới xong. I HAD DINNER và I HAVE HAD DINNER đều có thể hiểu là vừa ăn xong, nếu thêm TRẠNG TỪ JUST trước động từ chính phải không thưa thầy giáo?

BBT

Ðúng thế. Cô QA dùng hai câu trên với JUST để có nghĩa là VỪA MỚI coi.

QA

I JUST HAD DINNER và I HAVE JUST HAD DINNER. Cám ơn thầy, QA hiểu kỹ rồi.

NHÃ LAN

Bây giờ đến phiên Nhã Lan thắc mắc. Ðiều Nhã Lan muốn biết là DUE TO và OWING TO có khác nhau gì không?

BBT

Cô Nhã Lan chỉ hỏi DUE TO và OWING TO nhưng để tôi nhân đây nói thêm về hai cách dùng khác nữa, đó là BECAUSE OF và THANKS TO cho đầy đủ.

Tất cả đều có nghĩa là VÌ, BỞI VÌ nhưng ý nghĩa của chúng thì có khác nhau. Chúng giống nhau ở chỗ là theo sau, chúng cần một DANH TỪ, hay một nhóm chữ đóng vai trò của một danh từ mà văn phạm tiếng Anh gọi là NOUN PHRASE. Nhưng các cô cũng không cần thắc mắc về NOUN và NOUN PHRASE vào lúc này. Chúng bắt đầu để đưa ra một LÝ DO, theo sau là câu bầy ra HẬU QUẢ. QA cho một hai lý do (CAUSE) và sau đó là những hậu quả (EFFECT) bằng tiếng Việt cái đã.

QA

Vì trời mưa, tôi phải bỏ chuyện đi picnic. Bởi vì kinh tế khó khăn, người ta không đi mua sắm nhiều. Bây giờ QA nói thử bằng tiếng Anh nhé Nhã Lan.

BECAUSE OF THE RAIN, WE HAVE TO DELAY THE PICNIC.

BECAUSE OF THE BAD ECONOMY, PEOPLE DO NOT GO SHOPPING MUCH.

BBT

Ðúng rồi. Chúng ta có thể thay BECAUSE OF bằng DUE TO. Cứ bỏ BECAUSE OF, thay vào đó bằng DUE TO là được. Không sai vào đâu hết.

NHÃ LAN:

DUE TO THE RAIN, WE HAD TO DELAY THE PICNIC.

DUE TO THE BAD ECONOMY, PEOPLE DO NOT SHOP OFTEN.

BBT

Chúng ta cũng có thể thay DUE TO bằng OWING TO, mà ý nghĩa vẫn như cũ. Mời cô QA.

QA

OWING TO THE RAIN, THERE WAS FLOODING.

OWING TO THE FLU, THE SHIP MUST RETURN TO PORT SOONER.

BBT

Rất đúng.

Nhưng THANKS TO thì hơi khác. Chuyện trời mưa làm tôi phải bỏ chương trình đi picnic, chuyện kinh tế khó khăn làm cho người ta phải bớt mua sắm, chuyện cúm heo lan ra trên tầu khiến du thuyền phải về bến sớm hơn. Tất cả những chuyện vừa kể, theo hai cô, chúng có làm cho người ta vui lắm không?

NHÃ LAN:

Không. Không vui chút nào, phải dẹp chuyện đi picnic, mua sắm phải dè sẻn ít đi, tầu phải cắt ngắn chuyến du lịch thì không có gì vui hết.

QA

Vì thế, chúng ta dùng OWING TO, BECAUSE OF và DUE TO phải không thưa anh? Còn THANKS TO, trong đó có chữ THANKS thì chắc cái nguyên cớ, căn nguyên ấy, nhờ đó làm cho chúng ta vui, có lợi, và thích thú phải không Nhã Lan.

NHÃ LAN:

Ðúng rồi. Thí dụ con gái Nhã Lan bữa ấy biểu diễn nấu bếp, thế là Nhã Lan được nguyên một ngày không bước chân vào bếp. Vậy thì nếu nói BECAUSE OF hay DUE TO, hay OWING TO THE RECIPE SHE GOT FROM HER FRIENDS, I HAD A FULL DAY OF REST, Nhã Lan thấy cũng đúng, nhưng nói THANKS TO có vẻ dễ nghe hơn phải không thầy?

BBT

Cô nói rất đúng. Khi chuyện ấy làm chúng ta vui, đem lại lợi lộc, thích thú thì nên dùng THANKS TO.

Những trường hợp khác, cứ dùng DUE TO, BECAUSE OF hay OWING TO.

Thí dụ nói THANKS TO THE WAR, MANY FAMILIES IN VIETNAM SUFFER A LOT FROM SEPARATON DEATHS AND MISFORTUNES. QA thấy nghe được không?

QA

SEPARATION, DEATHS, MISFORTUNES là chia ly, chết chóc, bất hạnh thì không làm ai vui được. Không thể dùng THANKS TO. QA nghĩ dùng DUE TO, OWING TO hay BECAUSE OF mới đúng.

Nhưng khi nói những cơ hội ở nước Mỹ đã cho người tị nạn làm lại cuộc đời tốt đẹp thì nhất định phải dùng THANKS TO.

BBT

Nhã Lan dịch câu QA vừa nói sang tiếng Anh nghe coi

NHÃ LAN:

THANKS TO THE OPPORTUNITIES IN AMERICA, THE REFUGEES HAVE SUCCEEDED IN THEIR NEW LIVES.

BBT

QA cho HAI thí dụ, một dùng DUE TO và một dùng THANKS TO coi.

QA

DUE TO THE FALL OF SAIGON, MY FATHER LOST EVERYTHING HE HAD

THANKS TO MY MOTHER’S SAVINGS, WE SURVIVED FOR TEN YEARS UNTIL WE WENT TO AMERICA

NHÃ LAN

Mấy hôm trước, nhà Nhã Lan có tiệc, cô bạn điện thoại nói là muốn mang theo một hai người bạn khác, cô ấy hỏi được không. Nhã Lan muốn nói với cô ấy là càng đông càng vui mà không biết nói sao, nhờ thầy chỉ cho cách nói này để lần sau còn biết cách mà dùng.

QA

Cám ơn Nhã Lan, mình cũng muốn học cách nói đó mà không nhớ ra để hỏi. Cách nói này chúng ta hay dùng lắm. Nhờ thầy dậy cho cách dùng sao cho đúng.

BBT

Câu Nhã Lan hỏi đáng lẽ cô phải biết rồi chứ. Câu này thế nào cô chẳng đã từng nghe rồi, nhưng cô quên đó thôi. Cô cứ nói thế này là cô bạn sẽ đem thêm bạn bè đến đầy nhà cho mà coi: THE MORE, THE MERRIER. Ðây là cách dùng CÀNG và CÀNG trong Anh ngữ. Trước khi chỉ cách dùng của nó, QA cho biết câu này nghe có quen không nhé:

THE FARTHER I GO, THE MORE I MISS YOU

QA

Càng đi xa anh càng nhớ em. Câu này là câu của anh Hai QA trong hải quân vẫn hát đó. Bài hát ấy tên gì nhỉ … À, bài Thủy Thủ Và Biển Cả. Bây giờ nhờ ông thầy dậy cách nói CÀNG.

BBT

Tôi không dậy cách nói CÀN. Tôi nhớ một bài thơ nghe từ hồi còn bé: Cháu không nói bậy nói càn / Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà… Tôi không dậy nói CÀN bao giờ. Dậy cách đặt câu với CÀNG thì có.

NHÃ LAN:

Lần này ông thầy sai nặng. QA mới đúng. QA nhờ ông thầy chỉ cách nói CÀNG thế này, CÀNG thế kia chứ có nhờ dậy nói CÀN như ông thầy Bắc kỳ hiểu sai Nam kỳ QA đâu.

BBT

Cô Nhã Lan nói đúng. Ðùa cô Nam Kỳ QA một chút đó mà.Thôi bây giờ chúng ta học cách nói CÀNG như câu THE MORE THE MERRIER khi nẫy Câu này có HAI phần. CÀNG thế này, CÀNG thế kia. Chúng ta dùng cách đặt câu THE theo sau là một so sánh hơn của TRẠNG TỪ hoặc TĨNH TỪ (COMPARATIVE) và vế sau, cũng THE và so sánh hơn (COMPARATIVE).

THE MORE PEOPLE ARE COMING, THE MERRIER THE PARTY IS nghĩa là càng nhiều người tới thì party càng vui. Nói ngắn lại thành THE MORE THE MERRIER.

QA

QA lại phải nhớ là tĩnh từ ngắn, có 2 âm thì thêm ER đằng sau. SHORT thành SHORTER; LONG thành LONGER; SOON thành SOONER vân vân, và tĩnh từ dài thì thêm MORE phía trước như MORE BEAUTIFUL; MORE INTERESTING; MORE DIFFICULT phải không Nhã Lan?

NHÃ LAN

Ðúng đấy QA. Không biết Nhã Lan nói thế này có đúng không thưa thầy: THE SOONER THE BETTER nghĩa là càng sớm càng tốt. Hay THE LONGER I LIVE IN CALIFORNIA, THE MORE I LIKE IT. THE MORE I KNOW HER, THE MORE I WANT TO BE HER FRIEND. THE MORE I UNDERSTAND HIM, THE MORE I RESPECT HIM…

BBT

Quá hay. Còn QA, cô có thể cho nghe vài thí dụ được không?

QA

THE MORE I KNOW ENGLISH THE MORE I ENJOY THE TV SHOWS. THE HOTTER THE WEATHER, THE MORE WATER OUR BODIES NEED

BBT

Ðể nhắc hai cô một chút nhé. Trái với MORE là gì?

NHÃ LAN:

Là LESSER. Nhã Lan nói thế này đúng không thầy: THE LESSER WE SEE HIM, THE BETTER WE ARE

THE LESSER WE EAT, THE MORE WEIGHT WE LOSE

THE LESSER WE THINK ABOUT THE ECONOMY, THE MORE WONDERFUL WE FEEL

BBT

Rất đúng. Cô QA còn muốn hỏi gì nữa đây?

QA

QA hay nghe con trai nói thế này: I AM GONNA … Cách nói gì mà kỳ cục quá vậy?

BBT

Ðó là cách nói tắt, cách nói tỉnh lược, nói cho nhanh, nói vội vàng. GONNA là nói tắt của GOING TO. Nếu chúng ta nói GOING TO thật nhanh, nếu chúng ta không cẩn thận phát âm từng âm một thì GOING TO sẽ nghe như GONNA. Ðây là cách nói thường đàm, không phải để viết hay nói trong những lúc cần phải nói cho đúng văn phạm.

Vì thế, I AM GONNA BUY A BICYCLE TO GET AROUND LITTLE SAIGON cũng cùng nghĩa với I AM GOING TO BUY A BICYCLE.

NHÃ LAN:

Còn WANNA là gì thưa anh? Có phải là WANT TO không?

BBT

Ðúng. WANNA là WANT TO. I WANNA BE IN PARIS IN WINTER. WE WANNA FINISH THIS LESSON IN A FEW MINUTES.

Nhưng các cô cẩn thận chữ này. WANNABE. WANNABE viết liền thành 1 chữ. Thí dụ khi nói HE IS A BARACK OBAMA WANNABE thì không hề có nghĩa là ông ấy muốn trở thành ông Obama. A BARACK OBAMA WANNABE nghĩa là ông ấy muốn bắt chước làm ông Obama mà không thành công. A POET WANNABE, A ROCK MUSICIAN WANNABE. Ðây là một cách nói có ý nghĩa chê bai ở trong. Nghĩa là muốn làm mà không được.

Thôi, đã nói về GONNA, WANNA mà cũng nên nói về GOTTA. Cô QA đoán coi GOTTA là gì nào.

QA

WANNA là WANT TO; vậy GOTTA phải là GOT A hay HAVE GOT A. QA nhớ đã nghe trong TV người ta nói SHE GOTTA NEW CAR chắc phải là SHE HAS GOT A NEW CAR. Nhưng cũng có khi GOTTA là HAVE GOT TO, nghĩa là MUST.

BBT

Chỉ nhắc các cô rằng những cách nói đó không phải là cách mà chúng ta dùng khi ăn nói một cách lịch sự. Nếu tôi nói I AM GONNA FLY TO NEW YORK NEXT WEEK thì nói lịch sự hơn phải nói thế nào?

NHÃ LAN:

I AM GOING TO FLY TO NEW YORK NEXT WEEK.

BBT

I WANNA SHOW YOU MY NEW I-POD

QA

I WANT TO SHOW YOU MY NEW I-POD

BBT

I GOTTA FEW MINUTES LEFT

NHÃ LAN

I HAVE GOT A FEW MINUTES LEFT

BBT

WE GOTTA BE HOME FOR DINNER

QA

WE HAVE GOT TO BE HOME FOR DINNER

Vâng thưa thầy, học trò thầy biết đã tới giờ về nhà ăn tối rồi nên bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày hôm nay cũng kết thúc ở đây.

Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.