Ngày 3 tháng 7 năm 2009
Bạn ta,
Chiếc áo mầu xanh nước biển mà Monica Lewinsky, cô sinh viên tập việc trong tòa Bạch Ốc từng gây khốn đốn cho ông Clinton đem lên New York gửi mẹ cất làm kỷ niệm và sau đó, bị công tố viên Kenneth Starr ra lệnh phải trao nộp cho các điều tra viên đã khiến cho nhiều người phải nghĩ lại toàn bộ chiến lược.
Nghe lén điện thoại, đọc e-mail, tìm những dấu son trên cổ áo, hay mùi nước hoa lạ trên chiếc sơ mi là những trò đã cũ. Ngày nay, các chuyên viên ăn vụng không dễ bị qua mặt như trước đây nữa.
Chiếc áo xanh của Monica, nếu đem đi giặt khô, thì mắt thường của Hillary không cách nào có thể tìm ra được dấu tích của ông Clinton. Nhưng khi dùng một loại hóa chất xịt lên những chỗ khả nghi, đem chiếc áo để dưới ánh đèn cực tím, thì dấu tích ông Clinton để lại sẽ hiện lên rõ mồn một. Hết cãi.
Lúc ấy thì không thể nào vừa lắc đầu vừa ngoắc ngoắc tay nói rằng "I did not have sex with that woman" được nữa. Ðành phải thành thật khai báo mà thôi. Khai báo xong thì không một thứ cách mạng nào có thể khoan hồng cho chàng được.
Năm ngoái, Safety Tanteisha, một văn phòng trinh thám tư ở Nhật bắt đầu bán ra những chai hóa chất nhỏ để các phụ nữ có thể mua về xem chồng có lạng quạng không, và coi những hôm về khuya có thật là ở lại sở làm việc không, hay lại ghé mấy cái quán Karaoke rủ mấy cô tiếp viên đi chơi.
Loại hóa chất này được bán với giá $400 một chai nhỏ. Nhưng mỗi tháng, văn phòng này cũng bán được khoảng hai trăm chai.
Như vậy, mỗi tháng ở Osaka, ít nhất có hai trăm người đàn ông đi làm khó khăn kiếm tiền mang về nhà tưởng là để nuôi gia đình, thì lại bị vợ rút tiền trong ngân hàng ra mua những chai hóa chất về để gây khốn khổ cho mình.
Và ở Mỹ, theo tờ Phoenix New Times, một công ty dược phẩm ở Phoenix cũng tung ra thị trường những chai Forensex để bất cứ ai cũng có thể làm thám tử tại gia được.
Chàng đi làm về, thay quần áo, tắm rửa vào giường đi ngủ, nàng lôi đống quần áo trong giỏ giặt ra, lấy chai Forensex xịt vào chiếc quần lót chàng vừa ném vào. Phản ứng hóa học lập tức sẽ cho nàng biết ngay quân ta có vừa lâm trận ở một chiến trường mới hay không. Không cần phải gửi đến phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia cũng vẫn biết là chàng vừa phạm tội.
Nhẹ thì bị đuổi ra phòng khách. Nặng thì ra lệnh cho nó ra cái motel đầu đường ở tạm đến sáng mai chờ luật sư của nàng liên lạc để nói chuyện phải quấy.
Giản dị, nhanh và nhất là không cãi được. Chứng cớ rành rành còn nguyên ở cái quần lót. Nói cái gì bây giờ?
Ðọc bản tin của tờ Phoenix New Times mới thấy kỹ thuật cao (high tech) quả cũng có khác kỹ thuật thấp (low tech). Xưa kia, nhiều lắm là trước khi thả cho chàng đi làm, nàng có thể lấy kim chỉ khâu cái quần với cái áo chàng lại. Chiều đi làm về khám lại đường kim mũi chỉ xem có khác không, đó là kỹ thuật thấp. Ðường kim mũi chỉ khác buổi sáng, số mũi khâu không giống, mầu chỉ khác, cái nút không phải kiểu của nàng thì chết ngay. Nhưng những cái móng tay vẫn có thể nhọn hơn, sắc hơn, thừa sức bóc những cái vỏ quít dầy.
Ðường kim mũi chỉ có thể cố gắng cho giống, số mũi khâu đếm kỹ thì vẫn khâu lại đúng như... bản chính, mầu chỉ, cái nút làm cho giống cũng không khó lắm.
Nhưng phản ứng hóa học thì có thánh cũng không thoát được. Có làm gì thì dấu tích sẽ còn nguyên đó. Vài giọt hóa chất bôi lên trên là hiện ra ngay.
Và nếu (chàng) đổ cho là của một người đàn ông khác (?) thì lại càng rất không được. Chi bằng thú thật, tội sẽ nhẹ bớt.
Nếu không nhanh trí và đầy sáng kiến bằng cách thay một chiếc quần lót khác trước khi về nhà.
Và bây giờ, tôi hiểu tại sao một công ty chuyên sản xuất quần áo lót đã bắt đầu đặt những máy bán hàng tự động tại các nhà ga xe lửa, xe bus ở Mỹ để bán quần lót "to go" như những tiệm bán thức ăn "to go" vậy.
Không chu đáo được như lời của bài hát chúng ta có thời vẫn hát (... Ai đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông, vô đây... ông, đợi quần khô tôi sẽ đưa ông về...) thì phải ra ga xe lửa kiếm mấy cái quần to go may ra mới toàn thây khi về nhà với mẹ cháu chứ.
Ngày 6 tháng 7 năm 2009
Bạn ta,
Cách đây mấy tháng, có người viết cho mục Dear Abby kể rằng tại một đám cưới, người viết trông thấy một người khách mặc tuxedo, nơ đen, ngồi ăn rất nghiêm túc, không ồn ào, lăng xăng như đám khách chung quanh. Ðến gần hơn, và nhìn kỹ, tác giả bức thư mới biết đó là một con khỉ được chủ cho mặc quần áo dẫn đi ăn cưới. Người viết bức thư khen con khỉ ngoan ngoãn, lịch sự, biết cách cư xử, hơn hẳn những người dự tiệc.
Ðọc bức thư, tôi nghĩ khó có một con khỉ nào như bức thư mô tả. Không thể có một con khỉ chịu ngồi yên, biết ăn tôm hùm, thích chim quay, nấm đông cô... Nên tôi nghĩ người viết chỉ muốn nói lên những bực bội khi phải ngồi ở bàn tiệc và bị tra tấn bằng những giọng hát Karaoke giả bộ, vờ vịt khiêm tốn, rào trước đón sau rằng không phải là ca sĩ, rồi lên cơn, hát tặng khách khứa trong tiệc cưới năm bài liên tiếp bất kể những lời hăm dọa ra cửa sẽ thuê Mafia Tầu bóp cổ chết lè lưỡi cho hết làm khổ âm nhạc và tai của thực khách. Cũng có thể người viết thư cho Dear Abby bực bội vì cứ bị một ông khách tại tiệc cưới tay cầm ly cognac đi khắp các bàn, ép bạn bè uống chung từ cái ly đã có vài ba chục cái miệng ghé vào, trong khi chính ông ta thì không uống ...
Dĩ nhiên con khỉ không hề làm những chuyện đó, nó có được khen là tử tế thì cũng đúng. Nhiều người tin là có một con khỉ như thế thật nên một số rủ nhau đi mua khỉ về nuôi.
Bức thư xuất hiện được vài tuần thì tuần trước, cũng trong mục Dear Abby, có một độc giả viết một bức thư khác khá dài khuyên không nên nuôi khỉ ở nhà.
Người viết nêu ra nhưng điều bất tiện của việc nuôi khỉ trong nhà.
Thí dụ khỉ rất hiếu động, hay phá phách, bạ đâu ỉa đái ra đó, nuôi khỉ cũng tốn tiền chứ không phải là như nuôi cá hay nuôi mèo. Khỉ phải ăn, lâu lâu cắn cái nào chết cái đó, thiến cũng không bớt. Người nuôi phải mua bảo hiểm sức khỏe cho khỉ. Có khi khỉ buồn, depressed, chán đời, cũng có khi khỉ nổi điên lên rất phiền. Tính khỉ cũng biết ghen, lúc nào cũng muốn được chú ý, săn sóc.
Người viết ký tên là Joe và cho biết là đang sống tại California.
Nhưng đọc lá thư, tôi nghĩ người viết không nói về loài khỉ. Giống hắc tinh tinh (chimpanzee) ở Phi châu rất gần gũi với người. Nó giống chúng ta về chromosomes tới 98%, nghĩa là giống lắm.
Jane van Lawick-Goodall một nhà sinh vật học chuyên khảo về loài chimpanzee, trong cuốn sách nhan đề In The Shadow of Man cho biết không những về sinh lý, mà về tình cảm, tâm lý, loài đại hầu này cũng rất giống loài người. Nên tôi nghĩ người viết lá thư khuyên không nên nuôi khỉ thì thực ra chỉ định nói là không nên đem mấy thằng cha đàn ông về nhà nuôi báo cô, vất vả vô cùng. Bức thư tả những con khỉ, nhưng xa xôi nghe toàn những chuyện mà đàn bà nghĩ là đàn ông hay làm. Nào là hay nổi cọc, hay ăn, hay cắn (?), lười biếng, phá phách... toàn những cái tội mà những người vợ ngồi xuống là kể về các ông chồng.
Người viết có thể đã đọc các tác phẩm viết về giống đại hầu của Jane Goodall nên kể toàn những nét của khỉ mà lại nghe cứ như là nói về những người đàn ông.
Cuối thư, người viết cẩn thận nói rằng ai định rước khỉ về nhà nuôi thì nên suy nghĩ cho kỹ, kẻo rồi hối không kịp.
Rõ ràng là những dặn dò khuyên bảo đưa ra cho một phụ nữ định lấy chồng.
Nên tôi không tin tên người viết là Joe (nghe đàn ông quá). Giá dùng cái tên phụ nữ có phải là đọc lên đỡ thấy khó chịu không nào. Ai tinh mắt đọc qua chẳng thấy đó là những điều vẫn được dùng để nói về những người chồng khốn khổ ở nước Mỹ này.
Ngày 7 tháng 7 năm 2009
Bạn ta,
Phải thú thật với bạn rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp, chưa thấy, và lại càng không biết nó là cái gì. Hay là đã gặp, đã quen, đã biết mà không biết, không ngờ?
Nhưng như bạn, tôi cũng nghĩ là chắc nó phải đẹp lắm.
Không biết nó là cái gì là vì sau khi nhờ mấy cuốn tự điển dẫn đi, tôi vẫn ở nơi khởi đầu của chuyến đi. Nghĩa là không biết thêm gì hơn về nó hết.
Nó đây là cái "dáng huyền", hay cái "bóng huyền" mà chúng ta đã nghe bao nhiêu lần trong lời của vài ba bản nhạc. Nhưng có lẽ nếu hỏi ngay những người viết những bài nhạc có nhắc đến nó ở trong, tôi cũng không nghĩ là sẽ có được những giải thích thỏa đáng.
Bởi vì những chữ đó không hề có trong các tự điển.
Bóng hồng thì có, như đoạn Kim Trọng nhìn thấy Kiều lần đầu tiên: bóng hồng nhác thấy nẻo xa...
Nhưng đây là bóng huyền và dáng huyền.
Tự điển có tất cả những chữ huyền khác, ngoại trừ dáng huyền, bóng huyền.
Những chữ huyền trong tự điển thì có nghĩa là sắc tím đen, là nghĩa lý sâu kín, là thanh tịnh, là dây đàn, là treo lên.
Tất cả những nghĩa vừa kể đều không thể đi với hai danh từ dáng hay bóng. Không lẽ đó là cái bóng... đen, tím rịm. Hay cái dáng của sợi dây đàn? Hay cái bóng của người được... treo lên?
Những cái bóng hay dáng như thế thì hà tất phải đau khổ, hạnh phúc như trong lời mấy ca khúc: ... ngây thơ dáng huyền...(Ngọc Bích)
Huyền vi thì có: ôi phút huyền vi môi sát môi / kề vai nghe tiếng gọi luân hồi (Ðinh Hùng)
Nhưng dáng và bóng huyền thì không.
Huyền đi với châu là đeo hạt châu. Huyền châu nghĩa bóng là mắt đẹp. Từ đó, chúng ta có mắt huyền. Rồi mắt mơ huyền, hay mắt huyền mơ để mô tả đôi mắt đẹp. Rồi đến mắt huyền nhung hay mắt nhung huyền. Tất cả đều dùng để tả đôi mắt rất đẹp.
Dáng huyền hay bóng huyền không lẽ chỉ để nói đến đôi mắt? Chúng tôi mất công đi sửa sang kỹ như thế, tốn không biết bao nhiêu tiền để các ông nhớ có mỗi đôi mắt thôi... á? Sao lại bất công như thế?
Hay dáng huyền, bóng huyền là cái dáng... đen, cái bóng đen thùi lùi?
Trắng da là bởi phấn nhồi
Chắc không đúng, nghe chung toàn lời bài hát thì thấy em trắng bốp chứ đen hồi nào đâu.
Có thể từ mắt huyền, nghĩa là mắt đẹp: đôi mắt huyền ơi, xinh xinh cô em đôi mắt dịu dàng, hồn đắm mơ say, tim tôi rộn ràng tình cô thờ ơ...(Thông Ðạt)
Từ mắt huyền, là mắt đẹp do danh từ huyền châu ra, đẩy thêm một chút thì vẫn giữ được ý nghĩa đẹp, nhưng cái đẹp được chuyển sang một khu vực khác, không còn ở đôi mắt nữa, mà là toàn thể con người nhan sắc đó... hỡi người nhan sắc đa tình ấy, ta đã lòng son cháy ước mơ (Vũ Hoàng Chương).
Thế rồi chúng ta có dáng huyền và bóng huyền chăng?
Nhưng hai cái bóng này nó ra làm sao? Nghe nói hoài rồi đấy chứ, mà có biết nó to béo, cao hay lùn bao giờ đâu?
Mà bóng với dáng huyền thì có... dữ không? Biết hỏi ai cho ra điều đó bây giờ?
Ngày 8 tháng 7 năm 2009
Bạn ta,
Grand Rapids, một thị trấn nhỏ ở Michigan chắc chắn sẽ không bao giờ có trong danh sách những nơi tôi sẽ đi tới trong những chuyến đi du lịch sau này.
Tại sao phải đến một cái nơi thiếu văn minh, mọi rợ, chậm tiến, bán khai đến như thế? Tại sao phải đến chơi một nơi mà quyền tự do ăn nói bị hạn chế một cách khôi hài như vậy?
Tôi tưởng sau vụ Timothy Boomer, người đàn ông 26 tuổi làm nghề thảo chương viên điện toán bị phạt $75.00 và phải làm việc 4 ngày trong 1 trường mẫu giáo về "tội" -- trong ngoặc kép-- văng tục hồi hơn một năm trước, Grand Rapids phải tỉnh ra, thức dậy, ngửi ly cà phê buổi sáng và tiến vào thế giới mới chứ.
Nhưng không, Grand Rapids lại lôi một người đàn ông khác tên là Jeffery Richards ra tòa hôm nay về "tội" --lại vẫn trong ngoặc kép-- hành xử quyền tự do ngôn luận để bầy tỏ một thái độ giận dữ của ông ta bằng vài ba chữ mà ngay cả tờ Washington Post, một tờ báo rất bảo thủ cũng không thèm viết tắt nữa.
Jeffery Richards 27 tuổi bị đưa ra tòa vì đã dùng ngôn ngữ không được thanh tao lắm trước mặt một nhóm học sinh nhỏ trên xe bus của nhà trường hôm mồng 2 tháng11. Jeffery Richards nói rằng anh bực bội vì con gái của anh bị người lái xe bus xô đẩy và nạt nộ.
Người cha yêu con, hết lòng bảo vệ con ấy, trong một phút bực bội, xác nhận là đã văng ra một ít nho. Và nay, người cha này có thể bị tới 90 ngày tù nếu bị tòa án kết tội dựa trên một bộ luật có cách đây 102 năm và mới chỉ được nại ra có hai lần, một lần năm 1999 và một lần năm 2000.
Những người thi hành luật pháp ở Grand Rapids ở đâu trong những năm vừa qua? Họ có ở nước Mỹ không? Nếu có, họ có thức tỉnh, có ngủ mê không?
Họ có biết rằng ngôn ngữ của nước Mỹ đã được giải phóng khỏi những cái chấm chấm như trong hai cuốn Tục Ngữ Ca Dao của Nguyễn Văn Ngọc để viết nguyên chữ, và sau những chữ tự ý đục bỏ (expletive deleted) xuất hiện cả mấy trăm lần trong những đoạn băng từ tính của ông Nixon, thì nước Mỹ đã ăn nói thoải mái đi nhiều lắm không? Trước đó, Robert Kennedy ngồi nghe ông Johnson nói chuyện, đã bặm môi dưới vào răng trên để làm thành chữ "F" mà ống kính máy vô tuyến truyền hình thu lại đầy đủ. Ðến thời ông và bà Clinton, thì nhân viên trong tòa Bạch Ốc được nghe đầy tai như tờ US News & World Report cho biết thì nhằm nhò gì mấy tiếng chửi thề của hai người đàn ông trẻ tuổi nọ? Ðưa hai người đàn ông này ra tòa, phạt mỗi người vài chục, bắt làm việc cộng đồng vài trăm giờ có biến thị trấn Grand Rapids thành một nơi chốn sạch sẽ hơn không? Dân chúng sống ở đó có hiền lành, lương hảo hơn không?
Chắc chắn là không. Còn lũ trẻ, bịt tai chúng được bao nhiêu lâu nữa trước khi chúng cũng... lầu lầu kinh sử?
Ðó là chưa nói đến chuyện văng ra vài chùm nho cũng là một điều tốt cho sức khỏe tâm thần là khác. Văng ra chút nho còn có thể là một thứ thuốc xoa dịu cơn đau đi đáng kể. Hãy thử cầm cái búa, đóng cây đinh và giả bộ lầm ngón tay là cái đinh xem. Ðau lắm chứ không đùa. Nhưng nếu văng ra đủ thứ Trời Ðất, hét lên động từ thông tục chỉ sự giao hợp, nhất định cảm giác do cái búa chạm mạnh vào ngón tay sẽ giảm cường độ đi rất nhiều.
Chửi thề trong những lúc ấy là điều cần thiết. Cũng như đang trong trại học tập cải tạo, nói thầm với người bạn tù bên cạnh về ước muốn làm chuyện mây mưa, chăn gối với thân mẫu của Hồ Chủ Tịch, và tuy biết là chẳng ngon lành gì, nhưng nói điều ước muốn đó ra chắc cũng giúp người tù cải tạo đỡ đi phần nào khổ đau.
Chửi thề, văng tục ra không sướng thì tại sao tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có tiếng chửi thề, và không một dân tộc nào lại không biết chửi thề và nói tục?
Biết chửi thề cũng là chuyện cần thiết. Chứ nếu không, tại sao cuốn ESL Resource Book tôi dùng hồi hai chục năm trước khi còn dậy học, lại có gần một chục trang toàn những tiếng chửi thề tục tĩu để dậy cho lớp học?
Và nếu không lý thú thì tại sao bài đó lại là bài lý thú nhất và được ghi chép kỹ nhất?
Không dậy cho họ, để khi bị văng tục, bị chửi vào mặt rồi cứ "Thank you very much" như cái máy sao?
Lâu lâu văng tục vẫn có thể là những người đàng hoàng, tử tế và đạo hạnh mà.
Grand Rapids là một thị trấn nhà quê dễ sợ.
Ngày 9 tháng 7 năm 2009
Bạn ta,
Tối hôm qua, khi đi tìm một bài báo trong tờ Harper's số phát hành cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc được quảng cáo của một tổ chức bảo vệ cây rừng thật là tuyệt.
Nửa trên của trang quảng cáo là bức hình chụp một khu rừng cây với những thân cổ thụ xanh mướt, và phía dưới là câu hỏi liệu những cây mọc đã vài trăm năm ấy, ngày mai có bị biến thành giấy đi cầu không.
Mỗi ngày, theo tổ chức bảo vệ cây rừng, hàng ngàn mẫu rừng đang bị phá trụi, từ British Colombia ở Gia Nã Ðại, đến Amazon ở Nam Mỹ, sang California và Alaska ở Hoa kỳ, luôn cả Siberie thuộc Nga và Malaysia để biến thành bột giấy, hay gỗ để đóng đồ đạc.
Nhưng quảng cáo nhấn mạnh nhất vào sự kiện cây rừng bị đem nghiền nát, làm bột chế giấy đi cầu. Người viết rất khéo khi nhấn mạnh vào chi tiết này, làm cho việc đốn cây trở thành vô lý, phải ngăn chặn cho bằng được.
Thực ra thì cây rừng còn được dùng vào nhiều việc khác nữa rất cần thiết cho đời sống. Sản phẩm gỗ không thể thiếu trong thế giới con người mặc dù rất nhiều vật liệu khác không chế biến từ cây rừng cũng đang được dùng như plastic, và các kim khí chẳng hạn.
Những thứ chế biến hay lấy từ cây rừng cũng không phải là không cần thiết cho đời sống. Rất cần thiết là khác. Nên việc khai thác cây rừng không phải luôn luôn là điều có thể tránh được. Người ta vẫn trồng rừng để thay thế cho những khu bị phá. Chỉ có thể nói là diện tích rừng mới trồng để thay cho diện tích bị phá không đủ mà thôi.
Giấy đi cầu đưa ra hình ảnh một sản phẩm nghe qua rất tầm thường tưởng là không cần thiết cho đời sống nhưng thực ra thì ngược lại. Những cuộn giấy tròn mà chúng ta không bao giờ đặt lên một ưu tiên cao trong những thứ cần có trong nhà, thực ra, lại rất cần, không có không được. Cứ thử tưởng tượng không có nó, làm sao chúng ta sống nổi.
Ngay cách treo chúng trong buồng tắm, theo một số chuyên gia về luật gia đình, cũng có thể là nguyên nhân đi tới chuyện vợ chồng bỏ nhau. Người muốn treo cho những tờ giấy nằm sát tường, người muốn treo để nó nằm phía bên kia, không ép vào tường. Những bất đồng giữa hai bên từ chuyện treo cuộn giấy đã đưa tới bao nhiêu tan vỡ tại tòa.
Không có chúng làm sao có thể sống được. Dùng giấy báo thì mực in có thể để lại những mầu sắc không cần thiết, ngoài ra, đường ống có thể bị nghẹt, làm hỏng hệ thống thoát nước.
Những cuộn giấy đi cầu, do đó, không phải là những sản phẩm không cần thiết, chỉ làm phí bột giấy, làm cho cây rừng bị đốn xuống một cách vô ích.
Giấy dùng vào những việc khác thì có thể đừng được, chứ giấy đi cầu thì không.
Thí dụ những tờ giấy gói quà chẳng hạn. Những tờ giấy này, bất kể được in lên những hình vẽ, mầu sắc đẹp đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ để bị xé một cách thô bạo trong những tiệc sinh nhật, trong những ngày sau hôm Giáng Sinh hay năm mới. Không bao giờ chúng được dùng lại, hay có được một đời sống lâu dài hơn.
Hay những tấm thiệp vô bổ của Hallmark để thương mại hóa những ngày sinh nhật, những dịp lễ lạc mà người ta bầy ra để bắt chúng ta tiêu tiền một cách phi lý.
Tại sao tổ chức bảo vệ cây rừng lại cứ nhắm vào giấy đi cầu để vận động thế giới đừng đốn cây, phá rừng trong khi những cuộn giấy đi cầu hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta đang sống?
Tại sao không dùng một sản phẩm khác, và sửa câu viết trong quảng cáo thành: Có nên biến những cây cổ thụ này thành những tập thơ của các mầm non thi ca vừa tổ chức ra mắt tuần qua hay không?
Viết như thế, chắc chắn sự hưởng ứng sẽ rất đáng kể. Cây rừng sẽ thoát những lưỡi cưa, rừng sẽ được tha cho sống. Và để nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khỏi phải than thở trong mấy trang đầu của cuốn "Thơ, v.v...và v.v..." (Văn Nghệ xuất bản năm 1996) rằng ông đã mua phải hàng trăm tập thơ dở. Ông có vẻ rất không vui về chuyện đó.
Nếu có tiếc thì nên tiếc là giấy, chế từ bột gỗ của cây rừng, được dùng để in những tập thơ dở như thế. Chứ còn dùng bột gỗ để làm những cuộn giấy đi cầu thì hoàn toàn hợp lý và rất nên làm. Không có giấy đi cầu thì vất vả ngay.
Không có những tập thơ dở mà Nguyễn Hưng Quốc mua phải, thì thế giới vẫn hạnh phúc như thường. Thiếu những cuộn giấy đi cầu thì không hạnh phúc chút nào.
Bùi Bảo Trúc
TẠP GHI
WMD
WMD là những chữ viết tắt của Weapons of Mass Destruction, danh từ có từ thời chiến tranh lạnh để chỉ các loại võ khí có khả năng tàn phá qui mô, làm chết nhiều người. WMD có thể là võ khí nguyên tử, sinh học, hóa học hay phóng xạ.
Sau khi chiến tranh lạnh cáo chung, danh từ WMD lại được thấy dùng nhiều hơn, nhất là thời gian trước khi Hoa kỳ đem quân đi Iraq, nói là để chặn đứng âm mưu sản xuất, tồn trữ và sử dụng loại võ khí này của ông Saddam Hussein.
Nhưng nay, chính Washington cũng đã phải nhìn nhận là Iraq không hề có loại võ khí này. Ông Saddam Hussein chỉ lấp lửng không nhận mà cũng không phủ nhận những tố cáo của Washington nói rằng ông có các võ khí có khả năng tàn phá và hủy diệt qui mô để gián tiếp hù dọa Iran, quốc gia thù nghịch của Iraq.
WMD có thể giết nhiều người, gây tàn phá ở một bình diện lớn.
Nếu đó là định nghĩa của WMD thì tuần qua, tôi cũng đã bị WMD đánh cho một trận nhừ tử.
Sáng thứ hai, mở e-mail ra xem, thì tôi bị nó đánh. Ðang tự dưng tự địa, tôi nhớ là không hề trêu chọc ai, thì nó đánh tôi, và hơn hai trăm ngươi khác.
Một người tôi không hề quen biết đã nhiều lần gửi e-mail cho tôi, chuyển cho đọc toàn những thứ tin cóc nhái, không ăn nhậu gì tới tôi, sau nhiều lần chưa mở ra, đã phải bấm nút "delete" để quăng chúng vào thùng rác, tôi đã phải viết thư cho ông. Tôi yêu cầu ông hãy thương một đồng bào sống đời di tản buồn nản hiu hắt ở miền tây nước Mỹ mà bỏ tên của tôi ra khỏi cái danh sách gửi e-mail của ông, vì tôi không hề thích thú trong việc nhận và đọc những gì ông nhã ý gửi cho, đại khái mấy thứ thơ thẩn vô duyên về đàn ông sợ vợ, đàn bà chua ngoa đanh ác, mấy cái định nghĩa bậy bạ xuyên tạc vớ vẩn như bất hiếu là không chiều vợ; bất lương là không đem lương về nộp cho vợ … đại để là như thế.
Ông vẫn không tha tôi. Tên của tôi vẫn được để chung với danh sách hơn hai trăm người khác để thỉnh thoảng cao hứng, ông gửi đi vài cái thư, bấm cái nút "send" là chúng nhẩy vào hộp thư e-mail của tôi, làm tôi lại phải mất công "delete" chúng đi, tốn phí bao nhiêu công sức của một người đàn ông già và lẩm cẩm.
Cái e-mail mới nhất của ông là để cám ơn những người đã gửi lời chúc sinh nhật đến cho ông.
Ô hay tôi đâu có quen ông bao giờ, lại càng không biết cũng như nhớ tới sinh nhật của ông để gửi thiệp sinh nhật, hay gửi e-mail chúc mừng sinh nhật của ông mà ông gửi e-mail cám ơn.
Tôi nhất định không nhận lời cám ơn của ông. Thứ nhất là tôi không hề gửi thiệp, không chúc sinh nhật của ông bao giờ. Nhận lời cám ơn của ông là không phải chút nào. Vậy thì trả lại ông là đúng nhất.
Thứ hai, nhận lời cám ơn là nhận ông là người được quá nhiều ưu ái của cuộc đời. Sinh nhật của ông không biết là thứ bao nhiêu mà ông được nhiều người chúc sinh nhật đến thế. Luôn cả tôi cũng đã phải chúc mừng sinh nhật của ông.
Khi còn sống, ông bà cụ tôi cũng không bao giờ được cái thiệp sinh nhật của các con. Chúng tôi vừa mới xa xôi gợi ý thì đã bị gạt đi ngay, bảo rằng đừng có rởm. Thành ra chúng tôi cũng không làm sinh nhật bao giờ. Làm cho con và cháu thì có. Bây giờ lại càng không vì cái con số tuổi mỗi năm mỗi chồng chất lên, cứ nghĩ đến cũng đã đủ mệt, nên không có lý do gì cử hành sinh nhật cho mình. Thắp hết những ngọn nến của số tuổi thì cả xóm sẽ sáng trưng như giữa ngọ làm sao sống nổi.
Nhiều lắm là hai ba tấm thiệp của lũ con, lũ cháu.
Vậy mà ông lại có tới hơn hai trăm cái tên để gửi lời cám ơn thì ông hạnh phúc biết là chừng nào. Có bỏ tên tôi ra, là người không hề gửi một lời chúc nào cho ông, thì ông cũng vẫn còn hơn hai trăm cái tên khác để cám ơn.
Sao ông hạnh phúc quá như vậy? Chẳng bù cho người nhận cái e-mail của ông cám ơn về lời chúc sinh nhật không bao giờ được gửi đi cho ông.
Tôi ghen với ông có thể uất lên mà chết mất thôi.
Không biết trời sui đất khiến thế nào mà tên của tôi lại nhẩy vào cái danh sách gửi e-mail của ông. Hễ nổi hứng là ông lại gửi vài cái e-mail theo kiểu WMD đó. Người gửi không cần biết Ất Giáp gì, cứ cái danh sách cũ lôi ra gửi. Có chúc sinh nhật hay không thì cũng cứ gửi cái đã rồi tính sau. Gần cuối năm ngoái, ông gửi lời chúc Thankgiving (sic) với chữ Thankgiving không có chữ "S" giữa Thank và giving làm người nhận chẳng biết ông chúc cái gì nữa. Ông viết sai như thế tất cả 3 lần trong cái e-mail ngắn không đầy 20 chữ, mà vẫn hồn nhiên gửi đi. Tôi lại là người Thanksgiving đã không cử hành thì Thankgiving lại càng không. Vậy mà ông cứ gửi. Khổ thân già, lại phải "delete" cái thiệp của ông. Và bây giờ lại cái e-mail cảm ơn tôi đã chúc sinh nhật của ông trong khi tôi không hề làm như thế.
Nhận cái e-mail của ông là nhận đã chúc mừng sinh nhật của ông thì đau cho tôi biết là bao nhiêu. Ông thì hạnh phúc như thế, đã nhận được một đống thiệp sinh nhật, lại còn báo cho mọi người biết là ông nhận được bằng ấy lời chúc thì ông đúng là không lý gì tới những người mấy chục năm đã chắc gì nhận được số thiệp và lời chúc sinh nhật như ông.
Cái e-mail của ông, chỉ bấm một cái nút "send" là đã làm cho bao nhiêu người ghen tức đến xanh lè mắt ra rồi có khi nổi uất lên rồi chết mà không phải là WMD hay sao?
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
Lời tòa soạn: Kỳ này mục Chữ Nghĩa Chúng Ta được thay bằng bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày, bài thứ 38. Bài học đang được phát trong tuần trên đài Hồn Việt Television qua hệ thống Direct TV. Sau đây là bài ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện.
*********
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.
NHÃ LAN
Trong bài học trước, QA muốn thầy dậy cách nói CÀNG thế này, CÀNG thế kia, THE MORE THE MERRIER, càng đông càng vui thì thầy diễu QA nói là thầy không dậy nói CÀN. Nhưng hôm nay, Nhã Lan và QA xin thầy dậy cho hai học trò vài câu nói CÀN có được không?
BBT
Tôi nghĩ hai cô muốn tôi chỉ vài câu nói tục phải không? Thực ra thì nói tục, tôi không dám dậy. Nhưng vài ba câu nhẹ để nói ra cho đỡ tức thì sẵn sàng.
QA
Thưa anh, người Anh, người Mỹ có nói tục, có chửi thề như chúng ta không? Nhà văn Võ Phiến có viết trong một tùy bút của ông rằng người Việt Nam hay chửi tục và hay nói tục. Người Mỹ thì thế nào?
BBT
Người Mỹ nói tục và chửi thề dữ dội hơn người Việt Nam nhiều. Cách chửi của họ khác. Nhưng họ chửi thề thì cũng khủng khiếp vô cùng. Hồi mới học tiếng Anh tôi biết là họ chửi thề và văng tục dữ dằn lắm nên cũng muốn học một ít để coi ra sao thì không biết nhờ ai dậy. Tôi có nghe được một hai chữ, nhưng không biết viết, mà sách vở thời ấy lại không có nhiều. Vào thư viện Abraham Lincoln ở Sài Gòn tìm cũng không có. Toàn sách tử tế cả.
Nhã Lan:
Thế rồi bây giờ thầy biết hết chưa?
BBT
Biết khá nhiều. Không thể nào biết hết được. Lý do là vì tiếng Anh đi khắp nơi trên thế giới. Ði đến đâu, tiếng Anh lại tiếp thu thêm những tiếng chửi của địa phương.
QA
Ông thầy học ở đâu?
BBT
Học ở trong một cái toilet ở Sydney, Australia, trên đường tới nơi đi học. Nhưng những hàng chữ viết trên tường của cái nhà cầu ở King’s Cross cũng không có được bao nhiêu. Sau nhiều năm thì tôi biết thêm được khá. Cám ơn hai cô đã gợi ý cho tôi về chuyện này. Chuyện biết một vài chữ chửi thề cũng rất cần. Không lẽ bị chửi mà không hiểu, lại cứ Thank you sir, thank you madam thì không tiện chút nào cả.
QUỲNH ANH
Hồi anh dậy English As A Second Language ở Prince George’s Community College ở Maryland có ai đưa ra cái đề nghị cắc cớ này không?
BBT
Không. Nhưng 1 cuốn sách chúng tôi dùng để dậy có nguyên 8 trang toàn những tiếng chửi thề, cuối khóa, tôi xerox cho cả lớp cùng học cho vui…
QA
Nhã Lan và QA không dám học những thứ ngôn ngữ đó vì thực ra cũng chẳng bao giờ dám đem ra dùng. Nhưng QA cũng muốn biết vài ba câu nhẹ thôi.
BBT
Ðược rồi, tôi sẽ chỉ cách để nói vài ba câu dùng trong những lúc bực mình, nhưng không phải là những câu chửi thề, để có thể dùng ở nhà cũng được. Hai cô có biết các tổng thống Mỹ là những tay chửi thề có hạng không? Ông Nixon trong những cuộn băng thu thanh trong vụ Watergate, ông Johnson, ông Kennedy, ông Bush con, ông Clinton đều là những tay chửi thề rất kinh khủng. Có ông Bush cha thì không. Chắc nhờ đệ nhất phu nhân Barbara Bush nên ông không dám chửi thề. Ông Pierre Trudeau của Canada cũng chửi thề. Chỉ có bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh thì không bao giờ.
NHÃ LAN
Nhã Lan rất cần vài ba câu như thế. Nhiều khi bực quá, cũng phải văng ra cho đỡ ấm ức. Một người bạn của Nhã Lan đập cái búa vào tay thì hét lên một tiếng nghe không thanh tao cho lắm. Hỏi ông tại sao thì ông nói là văng ra sẽ bớt đau tay nhiều.
BBT
Ðiều đó đúng. Chắc hai cô cũng đã có những lúc bực bội dăm ba chuyện. Thấy con không làm đúng ý của mình, không lẽ lúc nào cũng ngọt ngào, nhẹ nhàng: con ơi, con làm cái gì vậy?
Tôi thì không dịu dàng như hai cô được. Ít ra thì cũng phải hét lên: Mày làm ăn cái quái quỉ gì thế này! Có phải không hai cô?
QA
Ðúng rồi thưa thầy. Nếu chỉ nói WHAT ARE YOU DOING ? thì phía bên kia không thể thấy được cái bực bội của mình.
BBT
Thế thì tôi chỉ hai cô thế này. Hai cô dùng những nhóm chữ này thì người nghe hiểu là hai cô bực bội ngay:
WHAT THE HECK
WHAT THE DEVIL
WHAT THE HELL
WHAT IN THE WORLD
WHAT ON EARTH
Và theo sau là câu hỏi bình thường như hai cô vừa nói. Nhớ phải nhấn mạnh vào những chữ đó thì mới có nghĩa. Thí dụ WHAT THE HECK ARE YOU DOING?
Có điều là tránh nói WHAT THE HELL vì những chữ này bị coi là tục tĩu. Ðể tránh nó, người ta thay bằøng HECK. Còn các chữ khác thì cứ việc dùng. Rất an toàn. Không cần phải tự kiểm duyệt.
NHÃ LAN
Như vậy là cứ dùng chúng trước những câu hỏi bình thường là được.
BBT
Nếu tôi rất bực bội về những điều một người nói với tôi, cô QA cho biết tôi phải nói thế nào để cho phía bên kia biết là tôi đang bực bội, đang nổi cáu?
QA
Câu hỏi là WHAT ARE YOU SAYING? hay WHAT ARE YOU TALKING ABOUT? QA không dùng WHAT THE HECK, mà dùng WHAT IN THE WORLD ARE YOU TALKING ABOUT? Hay WHAT ON EARTH ARE YOU TALKING ABOUT? Hay WHAT THE DEVIL ARE YOU TALKING ABOUT? được không thưa anh?
BBT
Ðược chứ. Cô có thấy bớt giận chút nào không?
QA
QA thấy bực mình thêm là khác. Nhưng cũng được, chỉ cần cho người ta biết mình bực mình một chút là được rồi.
BBT
Thế còn Nhã Lan? Vừa rồi là mấy câu hỏi dùng động từ TO BE. Bây giờ cô dùng một câu hỏi với động từ khác coi…
NHÃ LAN
Nhã Lan nhớ có một bài hát của danh ca Country Music, nhạc đồng quê Mỹ, Patsy Cline, bài CRAZY, trong đó có câu WHAT IN THE WORLD DID I DO?
Bây giờ để Nhã Lan tập nói thử hai ba câu nhé:
WHERE THE HECK DID YOU GO LAST NIGHT?
HOW ON EARTH CAN I KNOW WHAT YOU ARE THINKING? WHY THE DEVIL DID YOU DO IT?
BBT
Ðúng rồi. Như vậy, cô còn thay WHAT bằng WHEN, WHERE, HOW, WHY để thành bao giờ, ở đâu, cách nào, tại sao. Cô QA dùng những kiểu đặt câu đó với thì tương lai, dùng SHALL hay WILL coi.
QA
WHERE THE HECK SHALL WE GO NOW?
WHAT ON EARTH SHALL I SAY TO HIM?
WHY THE DEVIL SHALL I SEE HIM FOR?
BBT
Ðúng lắm. Như vậy , diễn tả sự bực mình và khó chịu cũng không khó lắm phải không hai cô. Nhớ đừng dùng chữ HELL là được. Cứ WHAT THE HECK, WHAT ON EARTH, WHAT IN THE WORLD … và một câu hỏi theo sau là được. Nhớ khi nói thì chịu khó gằn giọng lại chút xíu. Không gằn giọng, mấy chữ đó mất đi hết ý nghĩa.
Bây giờ, trước khi chuyển sang những chuyện khác, tôi bầy hai cô nói một câu để trong trường hợp lỡ miệng nói ra 1 câu không thanh tao lắm, quay lại thấy có người lớn tử tế đang ngồi quanh, thì hai cô dùng câu này để xin lỗi: EXCUSE MY FRENCH.
QA
Nhưng QA văng bằng tiếng Mỹ chứ có văng bằng tiếng Pháp đâu mà EXCUSE MY FRENCH, xin tha lỗi cái tiếng Pháp của tôi.
BBT
Rất đúng. Lý do là vì người Anh không ưa người Pháp nên khi lỡ mồm văng ra 1 câu tục tĩu thì liền chữa lửa bằng cách đổ cho cái tiếng tục tĩu đó là tiếng Pháp. Họ nói EXCUSE MY FRENCH. Cô QA định hỏi tôi chuyện gì đây?
QA
Thưa thầy hôm nay, hai học trò xin thầy nói về PRESENT PARTICIPLE và những cách dùng của nó, rồi sau đó, QA và Nhã Lan xin thầy chỉ cho một số idioms liên quan đến một bộ phận cơ thể rất gần gũi và cần thiết của chúng ta, đó là những idioms, những thành ngữ về TAY.
BBT
Trong Anh ngữ có HAI PARTICIPLES là Hiện Tại Phân Từ tức là Present Participle và Quá Khứ Phân Từ là Past Participle.
Tiếng Pháp, tiếng Anh và những ngôn ngữ mà động từ có chia, có đổi thay trong các ngôi, các thì tức là các tenses và các cách là Mood hay là Voices thì mới có các hình thức phân từ này. Tiếng Việt thì không, nên ý niệm Hiện Tại Phân Từ và Quá Khứ Phân Từ là những ý niệm mới với chúng ta.
Hôm nay, chúng ta chỉ nói về Hiện Tại Phân Từ, PRESENT PARTICIPLE như cô QA đề nghị. Muốn có PRESENT PARTICPLE của một động từ trong Anh ngữ thì cũng dễ thôi. Chỉ cần thêm ING vào cuối của động từ ấy là chúng ta có ngay: VERB+ING : PRESENT PARTICIPLE . Dễ lắm, mời cô Nhã Lan.
NHÃ LAN:
Present Participle của TALK là TALKING; của DO là DOING; của SAY là SAYING; của EAT là EATING; của SING là SINGING.
QA
Người ta dùng nó chung vói động từ TO BE để tạo thành thể LIÊN TIẾN (PROGRESSIVE hay CONTINUOUS TENSES) phải không anh.
Như vậy, QA có thể nói WE ARE GOING THROUGH A VERY BAD RECESSION . THE GOVERNMENT IS TRYING TO REVIVE THE ECONOMY. PEOPLE ARE SPENDING LESS. HOUSE SALES ARE SLOWING DOWN.
BBT
Cô đúng là một xướng ngôn viên đọc tin. Học tiếng Anh cũng lôi ngay được chuyện thời sự vào.
NHÃ LAN
Thưa anh, VERB+ING cũng còn có khi gọi là GERUND. Thế GERUND và PRESENT PARTICIPLE khác nhau thế nào?
BBT
PRESENT PARTICIPLE được dùng chung với TO BE để tạo thành thì CONTINUOUS TENSES. Thí dụ I AM EXPLAINING SOME GRAMMAR POINTS TO YOU. THEY WERE LIVING IN SAIGON DURING THE LAST DAYS OF VIETNAM. SHE WILL BE FLYING TO NEW YORK TOMORROW.
VERB+ING cũng có thể dùng như một tĩnh từ (ADJECTIVES ) để phụ nghĩa cho một danh từ.
A BARKING DOG DOES NOT BITE.
A BITING DOG DOES NOT BARK.
Là gì nào cô QA?
QA
Chó kêu không cắn, chó cắn không kêu.
QA bữa nọ đọc truyện TRƯƠNG CHI, THE SINGING BOATMAN. Như thế SINGING là tĩnh từ cho chúng ta biết thêm về người lái đò.
Xin hỏi ông thầy, QA nghe câu này nhưng không hiểu: LET SLEEPING DOG LIE. Tại sao lại nói như thế?
BBT
Ðây là một câu tục ngữ. LET SLEEPING DOG LIE nghĩa là để con chó đang ngủ ngủ tiếp. Nghĩa là đừng có chọc cho nó dậy, mà nó cắn cho. Tiếng Việt cũng có một câu tương tự là đừng có chọc ra mà ngửi. Chọc gì thì miễn nói. Nghĩa là đừng thay đổi một điều gì, nhiều khi hậu quả sẽ rất không tốt. Hai câu mà QA vừa đưa ra đều dùng PRESENT PARTICIPLE làm ADJECTIVE, làm tĩnh từ. Ðó là SINGING phụ nghĩa cho BOATMAN và SLEEPING phụ nghĩa cho DOG. Trở lại với GERUND. GERUND trông thì giống hệt như PRESENT PATICIPLE như hai cô đã thấy. Cả hai đều dùng động từ thêm cái đuôi ING vào cuối. Nhưng GERUND là danh động từ. Nó là một danh từ , có thể đóng vai trò chủ từ hay túc từ cho động từ.
Khi nó là chủ của động từ, nó làm chủ công việc của động từ thì nó là chủ từ.
Thí dụ TALKING IS CHEAP.
SPEAKING ENGLISH CAN TAKE YOU EVERYWHERE.
WORKING WITH COMPUTERS IS NEEDED FOR THIS JOB.
NHÃ LAN
Bây giờ xin nhờ anh giảng cho một số idioms với HANDS. Có lần anh nói là những gì gần gũi với chúng ta nhất thì có rất nhiều thành ngữ về nó. Nhã Lan thấy bàn tay rất gần với chúng ta, vậy Nhã Lan nhờ anh giảng cho một vài idioms thông dụng về HANDS.
BBT
Bây giờ để mở đầu và cũng để nhớ ông tổng thống Cộng Hòa vừa mãn nhiệm, xin gửi hai cô câu tục ngữ này: A BIRD IN THE HANDS IS WORTH TWO IN THE BUSH
NHÃ LAN:
Nhã Lan hiểu câu đó là một con chim trong tay thì bằng 2 con chim của tổng thống Bush. Không, Nhã Lan đùa chút vì thầy Trúc nói là để nhớ tổng thống Bush. Không, câu ấy anh của Nhã Lan giảng cho Nhã Lan một lần rồi: một con chim trong tay thì bằng 2 con chim trong bụi cây, nghĩa là đừng thả mồi bắt bóng. Cái gì trong tay, tuy ít vẫn còn hơn là cái chúng ta không có, không nắm chắc trong tay.
BBT
Ðúng lắm. Hỏi cô QA thành ngữ này: TO GIVE SOMEBODY A HAND là gì?
QA
Là giúp ai một tay. Cũng có thể nói là TO LEND SOMEBODY A HAND là cho ai mượn một cánh tay của mình, nghĩa là giúp ai một tay.
BBT
Thế TO GIVE SOMEBODY THE HAND thì nghĩa là gì?
NHÃ LAN
Nhã Lan thấy cả hai câu đều cùng nghĩa như nhau: TO GIVE SOMEBODY A HAND và TO GIVE SOMEBODY THE HAND đều là giúp ai một tay phải không QA?
QA
QA nghĩ là khác. TO GIVE A HAND là giúp. Còn TO GIVE THE HAND là nhận lời cầu hôn của ai đó. QA nhớ thành ngữ TO ASK FOR SOMEBODY’S HAND là xin ai bàn tay, là DEMANDER LA MAIN trong tiếng Pháp nghĩa là cầu hôn một người nào.
BBT
Ðúng . Bây giờ đố hai cô câu này: LET US GIVE HIM A BIG HAND hay là PLEASE GIVE HIM A BIG HAND nghĩa là gì?
NHÃ LAN
Là câu anh ghét nhất trong tiếng Việt: Xin quí vị một tràng pháo tay phải không?
BBT
Rất đúng. LET US GIVE HIM A BIG HAND là chúng ta hãy cùng vỗ tay thật to cho chàng. Nghe hay hơn là xin quí vị một tràng pháo tay nhiều. Thế còn khi người ta nói OLD HAND thì là gì, QA?
QA
OLD HAND là một người nhiều kinh nghiệm. QA cũng nghe một cái tay khác nữa. Ðó là RIGHT HAND như ROBERT KENNEDY WAS HIS BROTHER’S RIGHT HAND, nghĩa là Robert Kennedy là cánh tay mặt, phụ tá đắc lực thân tín của bào huynh.
NHÃ LAN
Tay phải là RIGHT HAND, cánh tay mặt, cánh tay phải là RIGHT HAND. Thế còn thuận tay trái là gì thưa thầy?
BBT
Thuận tay trái là LEFT HANDED . MR OBAMA, LIKE MR BUSH, IS LEFT HANDED. Cả hai ông đều là LEFTIES hết. LEFTIE là người thuận tay trái.
Thế còn khi nói HEMINGWAY WROTE ALL HIS BOOKS IN LONGHAND nghĩa là gì QA?
QA
QA biết SHORTHAND là tốc ký. LONGHAND là viết thường như chúng ta viết tay vậy.
BBT
Ðố cô Nhã Lan câu này nghĩa là gì:
UPON RETURNING TO CHƯƠNG ÐÀI, HE ASKED ABOUT THE WILLOW TREES
HE WAS TOLD THAT THE GREEN WILLOW BRANCH HAD CHANGED HANDS YEARS BEFORE
NHÃ LAN
Trong Kiều phải không anh?
QA
Bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày hôm nay kết thúc ở đây. Chương trình sẽ còn trở lại với các thành ngữ với chữ HANDS nhiều lần nữa.
Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.