July 23, 2009

July 24, 2009

HTML clipboard

Ngày 17 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Tôi không thể nào nhớ được tên người đã nói câu "le moi est haissable".

Cuốn Petit Larousse mà tôi có cũng không giúp gì được. Ở trang 667 của ấn bản 1962, câu này chỉ được dẫn như một thí dụ cho đại danh từ số ít ngôi thứ nhất "moi", mà không cho biết tác giả là ai. Không có tác giả, tức là của dân gian, và như vậy, thì tất cả dân tộc Pháp đều ghét "cái tôi" ư? Sao lại có cái dân tộc khiêm tốn, nhún nhường, không ích kỷ đến như thế!

Le moi est haissable, "cái tôi" đáng ghét, nhưng thực ra, có lẽ phải dịch là "cái tao" mới đúng.

"Tôi" là đại danh từ ngôi thứ nhất, là tiếng tự xưng khi nói chuyện với người khác. Nhưng trong cách tự xưng đó, sự khiêm tốn, nhún nhường đã có sẵn rồi. Tự xưng là "tôi" hay " tớ", là tự hạ mình xuống làm kẻ hầu người hạ cho người đứng trước, người đang nói chuyện, đang đối thoại với mình.

Xưng "tao" thì sấc xược và phách lối, hỗn hào hơn nhiều. Vậy thì "cái tao" mới là cái đáng ghét. Ðối tác của "tao" là "mày". Mày tao là cách xưng hô không lịch sự lắm. Phải thân tình lắm nếu không thì lại là người trên nói với kẻ dưới ngay.

Mày tao không phải là tutoyer. Tutoyer khi yêu dùng cũng được, lại càng rất được nữa mới đúng:

Je dis tu à tous ceux que j'aime (Barbara / thơ Prévert)

Nhưng mày tao trong tiếng Việt thì khác. Không ai muốn bị những người không thân thiết lắm gọi là "mày", xưng là "tao" hết.

Ngoại trừ người Việt di tản, nhất là những người Việt di tản sống tại Mỹ. Không biết sự kiện này bắt đầu ở đâu và vào lúc nào. Nếu cần định ra một mốc thời gian thì có thể nó bắt đầu sau năm 1975 khi người Việt đến Mỹ.

Trong những giao tiếp hàng ngày, khi những cuộc đối thoại bằng tiếng Anh được đem kể lại, thì hầu như tất cả những người Việt mà tôi quen, già cũng có, trẻ cũng có, người trước kia làm to, người trước kia không làm to, nam cũng như nữ đều cho phép những người đối thoại với mình (thường là những người Mỹ) xưng là "tao" và gọi mình bằng "mày" một cách thoải mái.

Nghe câu chuyện được kể lại, để ý thì có thể thấy người kể để cho phía bên kia, có khi là một thanh niên trẻ, tự xưng là "tao" và gọi người kể truyện, có khi là một cụ lục tuần, thất tuần, là "mày". Có lần tôi thắc mắc hỏi một cụ ông đang cao hứng kể một câu chuyện, trong đó, anh chàng người Mỹ nào đó tuổi chắc chỉ bằng cháu của cụ, mà cụ cứ cho gọi cụ là "mày", xưng "tao", tôi sốt ruột quá, chặn cụ lại để hỏi tại sao cụ lại để cho những điều vô lễ như thế xẩy ra, thì cụ hứ cho một cái, không thèm trả lời, tiếp tục kể nốt chuyện, cho anh chàng Mỹ nọ... hỗn láo tiếp.

Tại sao đại danh từ "I" trong tiếng Anh lại cứ phải được dịch là "tao" và "you" thì nhất định phải là "mày"?

Tôi nghĩ tôi tìm ra được nguyên do.

Nguyên do là vì chúng ta là những người rất khiêm cung, lúc nào cũng muốn hạ mình xuống, tâng người khác lên. Do đó mà khi kể lại câu chuyện có mình ở trong, chúng ta đẩy nhẹ chúng ta thấp xuống một chút, và lịch sự đưa người kia lên. Do đó mà mới có những đoạn đối thoại kỳ lạ như thế, cho phía bên kia gọi chúng ta bằng "mày", xưng "tao" rất tự nhiên.

Ở bên Tây chắc không có chuyện như vậy. Cứ xưng là "moi", gọi phía bên kia là "toi" là tiện nhất, là không ai vô lễ với ai, là không ai phải tự hạ thấp xuống với ai cả.

Chỉ trừ khi kể lại chuyến đi chơi bằng xe lửa thì nên dấu chuyện đã làm trong đêm khi xe chạy từ Pháp sang Ðức: đêm đó, kẹt quá, "moi" phải leo đại lên đầu toa, "moi" đi tiểu tùm lum...

Vì "toi" và "toa" trong những lúc như thế không sao mà phân biệt được. Chỉ có cách lấy tay sờ đầu, nếu thấy đầu không ướt thì là... toa tầu. Ướt thì là "toi" vậy.

Nhưng vẫn đỡ hơn là mày tao như ở bên Mỹ nhiều


Ngày 21 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Tôi không thích chó. Chó sống cũng như chó đã được nấu cẩn thận, như một lần nói đùa với bạn, rồi bị ông cụ Võ Phiến đổ cho tội mê thịt chó trong một bài viết của cụ cách đây cả đến mười mấy năm.

Chó gì thì cũng nhất định không thích. Nhưng hôm nay tôi phải bênh vực mấy con chó, vì chúng nó đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu là oan uổng trong đời sống. Những câu tục ngữ chúng ta có về nó không được bao nhiêu câu tử tế.

Chó cậy gần nhà; chó chạy cùng đường; chó chui gầm chạn; chó cùng bứt giậu; chó dữ mất láng giềng; chó đen giữ mực; chó gặm xương chó; chó ghẻ có mỡ đằng đuôi; chó ngáp phải ruồi; chó già mắc dùi nặng; chó nhai giẻ rách; chó ỉa đường; chó nhẩy bàn độc...

Toàn là những tính rất xấu của con người đổ sang cho loài chó, từ ngu dại, đến hỗn hào, phách lối, dữ tợn, độc ác, mất dậy... tưởng như không có tật xấu nào loài chó không có.

Ngay cả ở những xã hội nổi tiếng là thương yêu chó, những con vật này cũng bị đổ cho rất nhiều tiếng oan.

Trẻ con không làm bài, ra trường bị gọi lên bảng thì đổ ngay cho chó ăn mất homework để khỏi bị phạt. Người đàn bà kém về nhan sắc thì bị gọi là... nó. Nhưng đọc tờ Parade kèm theo số báo chủ nhật cách đây không lâu, thì tôi thấy là việc nói xấu những con chó đã vượt qua tất cả mọi khả năng tưởng tượng của những người ghét chó nhất mà tôi biết.

Tờ Parade có một bài báo viết về những thứ mùi không đẹp lắm của chúng ta, những mùi mà trong những xã hội không quá văn minh thì có thể được coi là bình thường, nhưng xã hội chúng ta đang sống thì cố làm tất cả mọi thứ để dẹp bỏ, ngăn chặn, khỏa lấp, đè nén cho bằng được những mùi này.

Ðó là mùi hôi miệng, mùi mồ hôi ở nách và mùi trung tiện.

Bài báo của một y sĩ viết khá kỹ. Ông đưa ra những đề nghị, những gợi ý để chúng ta đỡ làm phiền người khác về những cái mùi ấy. Những đề nghị của ông nghe rất có lý. Theo ông, muốn tránh những thứ mùi đó, người ta nên kiêng một số thức ăn, thí dụ tỏi, hành, nên đánh răng luôn, nên tắm, nên dùng deodorant. Nhưng đó là những biện pháp trị hôi miệng, hôi nách. Trung tiện thì là chuyện khác nữa.

Trung tiện nên tránh tung ra ở những chỗ đông người. Nếu, theo bài báo, ở những chốn riêng tư như trong xe, trong nhà, trong văn phòng của mình, thì không sao, nhưng trong một cuộc họp, hay như người nha sĩ đang loay hoay cúi xuống chữa răng cho bệnh nhân chẳng hạn, thì phiền lắm. Ngoài chuyện tránh một số thức ăn có thể sản xuất ra nhiều hơi, người ta có thể nuôi trong nhà một con chó, cho nó nằm bên cạnh khi ngồi đọc báo, để cho nó ngủ chung trên giường, lôi nó đi khắp nơi... thế nào cũng có lúc cần đến nó nếu các biện pháp kiêng cữ không đem lại kết quả tốt.

Nhưng những con chó này có tài gì, có khả năng đặc biệt gì có thể giúp chúng ta mà những thứ thuốc như Beano, loại thuốc giúp giảm bớt hơi trong ruột, không làm được?

Theo Isadore Rosenfeld, tác giả bài báo, thì người ta vẫn cứ thảnh thơi thả trung tiện như thường, nhưng tội vạ đâu, con chó lãnh hết. Cứ quay sang đổ cho con chó ở bên cạnh là xong ngay.

Nhưng cũng có khi con chó đổ ngược lại thì phiền lắm. Ở Washington, mấy chục năm trước người ta hay kể cho nghe câu chuyện này:

Nữ hoàng Anh có hai con Welsh Corgi bà rất thương. Ði đâu bà cũng có chúng bên cạnh. Trong chuyến đi Washington bà cũng mang chúng theo, và cả lúc đi gặp ông Reagan ở vườn hồng bà cũng dẫn hai con chó yêu này đi cùng. Ðang đi bộ ở sân cỏ tòa Bạch Ốc thì một trong hai con Welsh Corgi thả một cái trung tiện rất lớn, ai đứng gần cũng nghe thấy. Nữ hoàng ngượng quá mà không biết phải nói gì. Ði được mấy bước, bà nghĩ không nói cũng không được, kỳ lắm. Thế nên bà mới quay sang ông Reagan nói: "Mr. President, I am sorry." Ông Reagan nghe nữ hoàng xin lỗi xong, mới cười và quay sang nói với nữ hoàng rằng: "Thưa Nữ Hoàng, vậy mà lúc nẫy tôi tưởng là con Welsh đấy chứ!"

Chuyện có hay không thì không rõ, nhưng không nên đổ vấy cho mấy con chó, thế nào cũng có lúc nó quật ngược lại thì chỉ có ngượng mà chết được chứ không đùa đâu. Nên tử tế với những con chó một chút.


Ngày 22 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Nếu không được ghi trong danh sách mười điều để cho người phụ nữ trở nên đáng yêu, thì nó sẽ chẳng bao giờ là cái gì hết.

Tôi vẫn không hiểu tại sao, vì những tình cờ của cách xếp đặt những bắp thịt trên vài ba vùng ở xương mặt, mỗi lúc những bắp thịt này bị kéo ra, co lại, như khi người ta cười, nó lại xuất hiện. Ðiều đáng để ý là khi nhăn mặt khóc, hay làm mặt khó đăm đăm, sắp tam bành lục tặc, nộ khí xung thiên (bà) lên... thì tuy một số bắp thịt trên mặt cũng co kéo, nó không hiện ra.

Nó có công dụng gì? Ông Trời chắc sai lầm ở đây khi làm ra nó. Tất cả các bộ phận, các đường nét ở con người đều có một trách nhiệm nào đó. Nhưng nó thì không. Người ta thấy là nó không được trao cho một công việc nào rõ ràng. Thế mà nó vẫn được cho vào bài ca dao kể ra mười lý do để yêu một người phụ nữ mà chúng ta ai cũng đã nghe qua:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền...

Nó đứng thứ ba. Không tệ lắm. Nó là cái lúm (núng đồng tiền, theo từ điển Lê Văn Ðức) đồng tiền:

Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa

Nó chỉ làm được có một công việc làm đẹp cho khuôn mặt. Nhưng không phải nền văn hóa nào cũng cho là nó đẹp.

Ðọc thơ Ðường, tới nay, tôi chưa thấy nhà thơ nào nói đến nó. Lý Bạch, trong ba chương Thanh Bình Ðiệu, qua mặt cả Lý Quí Niên, để tả dung nhan của Dương Quí Phi cũng không nhắc tới nó. Hay tại quí phi họ Dương không có nó?

Ba bài tứ tuyệt của Lý Bạch chỉ nói tới bông hồng, những giọt sương, tới những đám mây tưởng như áo nàng, tới hoa tưởng là mặt... Nhưng tuyệt nhiên Dương Quí Phi không có một đồng tiền nào.

Lúm đồng tiền làm cho khuôn mặt đẹp thêm, duyên dáng hơn, sẵn có ngay, không cần phải mất công mới có được vài ba thứ trang điểm cho khuôn mặt như cà bộ răng, căng đôi tai, xuyên cái xương chó hay xương lợn qua hai lỗ mũi, bôi máu gà lên mặt như ở Phi châu, Papua, Tân Ghi Nê vân vân.

Người Trung Hoa và người Việt có nhiều điều ưa thích giống nhau, nhất là về mỹ thuật. Người Trung Hoa thích hạc, mai. Chúng ta cũng thích mai, thích hạc (mai là bạn cũ, hạc là người quen). Người Trung Hoa thích lan, cúc, tùng, trúc... Chúng ta cũng thích đủ bộ tứ quí đó. Cả hai nền văn hóa đều yêu và nhắc đến trong văn chương rất nhiều. Nhưng có cái má lúm đồng tiền thì hình như chỉ có chúng ta thích.

Bây giờ, hình như người Mỹ cũng bắt đầu thắc mắc nhiều về những cái lúm đó.

Kirk Douglas, Cary Grant... mỗi người có một cái lúm ở cằm. Nhưng những cái lúm đó chỉ là những cái lúm, không phải lúm đồng tiền vì chúng không ở trên má. Chúng lúc nào cũng hiện rõ, không cần phải cười mới xuất hiện.

Lúm đồng tiền thì khác. Chỉ khi nào trên mặt rạng rỡ nụ cười, lúm đồng tiền mới hiện ra. Không thì chủ nhân cất đi. Không cách gì thấy được.

Nhờ nó, câu tán hay nhất là "Cô nhiều tiền quá nhỉ. Khỏi mang bóp đi cho bận tay … Cần tiền cứ lột trên má xuống mà trả là được ngay!"

Nói vậy thế nào cũng được thưởng cho … hai cái đồng tiền mang về nhà mà nhớ suốt đêm cho mà coi.


Ngày 23 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên lâu lâu lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.

May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.

May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.

Nhưng đó là hơn mấy mươi năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về nàng. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.

Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.

Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.

Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.

Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamencaudate.

Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.

Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.

Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.

Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:

...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...

Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.

Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.

Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.

Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.

Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.

Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào!


Ngày 24 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Bản tin Reuters hôm qua làm tôi rất lo sợ. Lo sợ cho bạn lắm, vì nếu bản tin này được phổ biến ra nhiều thì phiền vô cùng. Mà tôi nghĩ là có thể đã nhiều người biết.

Theo một cuộc nghiên cứu của đại học Bristol, Anh quốc, mà Reuters thuật lại trong bản tin hai hôm trước, thì những cơ hội bị một cơn đau tim nặng có thể giảm đi một nửa bằng cách làm tình mỗi tuần từ hai đến ba lần. Cuộc nghiên cứu cho thấy là những hoạt động như thế tương đương với một trận squash hay một cuộc chạy bộ dài. Ðó là kết quả cuộc nghiên cứu với sự tham dự của 2,400 người đàn ông trong thị trấn Caerphilly thuộc vùng Welsh ở phía nam nước Anh. Trước đây, các chuyên gia về sức khỏe vẫn cho rằng muốn giảm bớt nguy cơ bị đột quị, người ta phải tập tạ, hay chạy bộ ít nhất mỗi tuần ba lần, mỗi lần 20 phút.

Nhưng cuộc nghiên cứu của đại học Bristol cho thấy không cần chạy bộ hay tập tạ gì hết. Tại cuộc hội nghị về bệnh tim ở Melbourne, kết quả cuộc nghiên cứu đã được phổ biến, và các khoa học gia của đại học Bristol khẳng định là chỉ cần những hoạt động nhẹ nhàng (?) như thế cũng có thể bảo vệ tim khỏi bị khó khăn, trở ngại.

Ðây là một tin vui cho những người không thích tập ở các phòng tập, hay chạy jogging ngoài đường. Không cần aerobics, không cần personal trainer, huấn luyện viên riêng, không cần đóng những khoản lệ phí lớn để đến tập tại các phòng tập, người ta vẫn có thể cắt giảm nguy cơ bị đau tim tới một nửa, chỉ cần có hai hay ba lần (?) mỗi tuần.

Thoạt nghe ai chẳng vui mừng. Nhưng niềm vui có thể đã nằm trong thiên tai cho những người ở hạng tuổi như bạn.

Bạn không nhớ có lần đọc trong Ann Landers cái bảng tóm tắt các sinh hoạt ở tuổi bạn hay sao?

Under 35, tri weekly.
From 35 to 55, try weekly.
After 55, try weakly.

Ðó là những câu chơi chữ rất hay, nhưng chúng cũng mang rất nhiều chân lý ở trong.

Dưới 35 tuổi, 3 lần mỗi tuần. Từ 35 đến 55, cố gắng mỗi tuần (weekly). Sau 55 tuổi, cố gắng một cách yếu ớt (weakly).

Mà chúng ta đều không còn ở trong hạng tuổi để 3 lần mỗi tuần nữa. Ngay cố gắng mỗi tuần cũng còn khó, giỏi lắm thì cố gắng một cách yếu ớt cho đỡ mất mặt thì làm sao mà giảm bớt được một nửa nguy cơ bị bệnh tim như cuộc nghiên cứu của đại học Bristol cho được.

Cứ nghĩ đến cuốn sổ để ở đầu giường là có người kinh hoàng vì sợ. Thí dụ bị hỏi rằng tuần này đã đủ để cắt giảm một nửa nguy cơ bệnh tim chưa, mà liếc nhìn trong sổ mới có hai cái dấu mực đỏ thì muốn sống muốn tốt làm cái thứ ba (?) cho đủ. Hay cũng có khi thấy ghi một cái rưỡi vì cái thứ hai dở quá, chưa thể tính là một được thì sao? Thì tắt đèn làm lại chứ còn gì nữa!

Ghê khiếp nhất có thể là câu hỏi đại khái tuần này lo ngừa bệnh tim chưa chẳng hạn. Và khi thấy cuốn sổ vẫn còn trắng bóc thì phải liệu hồn.

Hay cũng có khi bị hỏi là có muốn cắt giảm không phải chỉ một nửa, mà hai phần ba, ba phần tư hay giảm nguy cơ xuống còn con số zero, kiểu zero tolerance nghĩa là không nhân nhượng bệnh tim chút nào, nghĩa là diệt cho tuyệt nọc bệnh tim, nghĩa là cho bệnh tim zero cơ hội phát ra, thì làm sao quẳng gánh lo đi và vui sống (How To Stop Worrying And Start Living) như Dale Carnegie chỉ cách, do Nguyễn Hiến Lê dịch sang Việt ngữ được.

Cây muốn lặng mà gió không muốn đừng là như thế đấy.

Tại sao hai, ba chục năm trước không thấy phổ biến những thứ kết quả như thế, khi chúng tôi còn dư sức để... cắt giảm một nửa nguy cơ bị bệnh tim, mà chờ đến nay mới có cái phúc trình tai hại như thế?


TẠP GHI


UFO

UFO là những chữ viết tắt của Unidentified Flying Objects, danh từ tập hợp dùng để chỉ chung những vật bay trên không gian mà người ta không thể xác định được nguồn gốc hay thực tế vật lý của chúng. Một số ý kiến quả quyết chúng là những đĩa bay từ những hành tinh khác tới địa cầu để thám hiểm và tìm hiểu về hành tinh của chúng ta.

Không quân Mỹ cũng nhiều lần báo cáo những vật lạ di chuyển trên trời. Nhưng cho đến nay, người ta chưa hề có dịp tiếp xúc với các vật lạ này nên những chuyện về đĩa bay, về xì gà bay, về người hành tinh vẫn chỉ là những chuyện không thể kiểm chứng được. Chưa thể kiểm chứng được mặc dầu đã có người nói là bị đĩa bay bắt cóc đi mấy tiếng đồng hồ rồi lại thả cho về.

Ðã có những cuốn sách, những tiểu thuyết viết về UFO, nhưng các tác giả đều là được xếp vào hàng ngũ những nhà văn viết tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Nói cách khác, những sách vở viết về UFO đều là những điều tưởng tượng.

Nhưng mới đây, người ta thay chúng không còn là những điều hoàn toàn tưởng tượng hay bịa đặt nữa. Ở khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan, đã có nhiều vụ oanh kích do những máy bay không biết là của ai thực hiện nhắm vào các vị trí của Taliban. Ðó là theo những bản tin của các hãng thông tấn quốc tế gửi đi từ Nam Á. Những máy bay thực hiện các phi vụ oanh kích nay đều không có người lái: unmanned aircraft. Và quốc tịch của các máy bay này cũng không được nói rõ. Các bản tin đều nói những phi cơ này không biết của ai.

Nói vậy thôi chứ ai cũng biết đó là các phi cơ không người lái của Mỹ xuất phát từ một số căn cứ ở Afghanistan nhưng lại được điều khiển từ một nơi ở trong nội địa Hoa kỳ để đánh phá, oanh tạc các cơ sở của du kích Taliban và Al Qaeda ở Pakistan. Hoa kỳ không chính thức nhận đó là các phi cơ của Hoa kỳ. Làm như thế thì còn đâu là chủ quyền của Pakistan nữa. Pakistan làm ngơ cho phi cơ không người lái oanh tạc các vị trí của Taliban và Al Qaeda bên trong lãnh thổ Pakistan. Còn Hoa kỳ thì không nhận đó là phi cơ của mình để gọi là tôn trọng Pakistan một chút.

Các phi cơ này đã thành công trong nhiều phi vụ, hạ sát được một số nhân sự quan trọng của Taliban và Al Qaeda nhưng cũng đã làm thiệt mạng luôn cả một số thường dân trong những trường hợp các nạn nhân có mặt tại mục tiêu oanh kích cùng lúc với các thành phần Taliban và Al Qaeda.

Ở vùng biển thuộc phía đông Việt Nam gần đây cũng xẩy ra những vụ tương tự và đươc gọi là những chiếc tầu lạ, cũng không thể xác định được nguồn gốc, quốc tịch của chúng.

Khác với những vụ UFO hạ xuống bắt người đưa đi mấy tiếng đồng hồ rồi lại thả xuống, không hề gây thương tích hay nguy hại gì cho những người bị đưa lên đĩa bay, bay vài vòng rồi hạ xuống. Những người bị đĩa bay bắt cóc đều toàn thây trở về kể lại những chuyến đi trên đĩa bay đầy kỳ thú để chỉ bị những người nghe phê cho hai chữ "Nói phét!".

Những chiếc tầu mà tin tức trên báo chí của nhà nước Việt Nam đều có vẻ thật hơn mặc dù chúng vẫn là những USO Unidentified Sailing Objects, những chiếc tầu không xác định được quốc tịch.

Gọi bằng những chữ kể trên thì dài dòng quá nên báo chí và nhà nươc Việt Nam quyết định gọi chúng là tầu lạ.

Riêng những người bị các tầu này bắt đi, và tầu thuyền đánh cá của họ bị các tầu này tấn công thì họ đều biết xuất xứ, nguồn gốc và quốc tịch của những chiếc tầu đó. Nhưng khi đưa ra các chi tiết có thể kiểm chứng được về các tầu lạ này thì những chi tiết đó đều bị gạt sang một bên. Và nhà nước Việt Nam tiếp tục gọi những chiếc tầu húc vào thuyền đánh cá của ngư dân Việt, có cả những lần gây tai nạn chết người, chìm thuyền, bắt giữ những ngư dân Việt đánh cá ngay trong hải phận Việt Nam đem đi mất tích rồi quay lại đòi tiền chuộc, thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn cứ gọi đó là những tầu lạ.

Những tầu này đều có treo cờ của hải quân Trung quốc, thủy thủ trên tầu mặc đồng phục hải quân Trung quốc.

Nhà nước không dám gọi những chiếc tầu đó là tầu của Trung quốc để khỏi phải làm bất cứ gì để bênh vực các ngư dân Việt Nam bị những tầu này cấm đánh cá, gây hư hại cho các thuyền đánh cá, làm tử thương một số ngư dân và bắt họ đưa đi để đòi tiền chuộc.

Những người dân đánh cá ở Quảng Bình đều có thể cho biết rất rõ các chi tiết về những chiếc tầu mà nhà nước Việt Nam gọi là những tầu lạ này. Những vụ gây khó khăn, tấn công tầu thuyền đánh cá Việt Nam vẫn tiếp tục xẩy ra, và vào lúc này, ngư dân Việt Nam vẫn bị cấm đánh cá tại các vùng hải phận của Việt Nam.

Những vụ tầu Trung quốc húc vào tầu của ngư dân Việt thì được báo chí nhà nước gọi là những vụ "va chạm" để cho nhẹ đi. Va chạm gì mà tan tành những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân Việt?

Những vụ "va chạm" ấy đã từng làm chết ngư dân Việt, làm tầu thuyền của họ bị hư hại nặng vẫn không thấy nhà nước lên tiếng đòi các tầu lạ bồi thường cho họ.

Núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển là như vậy đó sao?

Cả một bọn chó má bán nước hèn nhát vẫn bịt tai bịt mắt không dám hé răng nói đụng đến bọn ba Tầu khốn nạn bắt nạt người dân Việt Nam.

Tầu nào cũng là ba tầu mất dậy khốn nạn cả mà thôi. Chứ tầu lạ với lại tầu quen cái con chó gì.

Không biết mấy anh Tầu hồi này ăn uống nhu thế nào mà chân của mấy anh mọc ra những sợi lông chân dễ sợ như vậy khiến nhà nước Việt Nam không dám đụng tới những chiếc lông này từ mấy tháng nay. Lông chân mà còn thế chứ lông chỗ khác thì sao? Ðem về đặt lên bàn thờ mà lạy hay sao! Nghĩ đến là chỉ muốn văng tục ra.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 40) NHÃ LAN GHI LẠI

Chương trình được phát trên Hồn Việt Television trong tuần lễ từ 26 tháng 7 đến 1 tháng 8 năm 2009

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.

NHÃ LAN

Thưa thầy Trúc, đây, có ngay, Nhã Lan nhận được một lá thư gửi cho chương trình Hồn Việt Television. Tác giả của lá thư muốn dấu tên. Ông viết trong thư rằng ông muốn được biết những thành ngữ có chữ DEAD nhưng lại không mang ý nghĩa chết ở trong.

BBT

Người viết lá thư đúng là muốn làm khó tôi. Muốn nghe những idioms với chữ DEAD mà không được nói đến chuyện chết chóc. Cám ơn tác giả đã gợi ý để chương trình nói về những thành ngữ này mà không làm cho khán giả coi là làm công việc mang đến sui sẻo cho mọi người. Vâng, có khá nhiều những idioms như thế, những idioms có chữ DEAD nhưng không dính dáng gì đến chuyện chết chóc cả.

QA

Mấy hôm trước đi ra đường với con gái, QA nghe được câu này SHE IS A DEAD RINGER FOR YOU. Hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước.

NHÃ LAN

QA nên vui là phải. Ðược khen là giống con gái mình như hai giọt nuớc thì phải nghĩ ngay là mình được khen là trẻ lắm.

Vậy thì DEAD RINGER không có nghĩa là chết chóc gì cả, chỉ có nghĩa là hai người rất giống nhau. Con gái lớn bằng mẹ, và cũng trẻ như mẹ vậy.

BBT

Còn khá nhiều những thành ngữ khác với chữ DEAD.

Thí dụ DEAD-END chẳng hạn. Thành ngữ này có dấu nối ở giữa nghĩa là một con đường cụt, ngõ cụt, không có lối ra, một danh từ. Thí dụ nói I DRIVE INTO A DEAD-END AND HAVE TO BACK OUT. DEAD-END cũng có nghĩa là một hoàn cảnh, một tình trạng không lối thoát. Thế còn A DEAD-END JOB là gì cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Là một việc làm không có một cơ hội thăng tiến, cứ đứng mãi một chỗ, không được trao thêm trách nhiệm mới, không được lên lương, lên chức phải không anh? Nhã Lan đang làm đúng một công việc như thế.

BBT

DEAD còn được dùng chung với hai chữ với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau là RIGHT và WRONG. DEAD RIGHT là đúng boong. DEAD WRONG là sai hoàn toàn. Thí dụ nói anh hoàn toàn đúng khi cho là báo chí nói quá nhiều về Michael Jackson thì nói tiếng Anh như thế nào, cô QA?

QA

YOU ARE DEAD RIGHT WHEN YOU SAY THE MEDIA SPENT TOO MUCH TIME ABOUT MICHAEL JACKSON.

BBT

Cám ơn cô QA. Còn cô Nhã Lan. Cô cho nghe một câu dùng DEAD WRONG coi.

NHÃ LAN

THE BUSH GOVERNMENT WAS DEAD WRONG ABOUT SADDAM HUSSEIN AND HIS SO-CALLED WEAPONS OF MASS DESTRUCTION.

BBT

Sao lúc ấy cô không nói với ông Bush là ông hoàn toàn sai lầm về ông Hussein và cái gọi là võ khí có khả năng sát hại hàng loạt? Từ hai thành ngữ DEAD WRONG và DEAD RIGHT, chúng ta còn có thành ngữ DEAD BROKE. QA nghe thành ngữ này bao giờ chưa?

QA

QA có nghe TO BE BROKE là hết tiền. Tuy vậy, TO BE BROKE có thể là cũng còn một chút tiền. Không nhiều nhưng cũng còn vài chục, vài trăm.

BBT

Ðúng vậy, nhưng khi nhẵn túi, không còn một xu dính túi, không còn một xu teng thì đó là DEAD BROKE.

Bây giờ chúng ta chuyển qua thành ngữ này: DEAD BEAT. Hai chữ DEAD BEAT được dùng làm một tĩnh từ.

DEAD BEAT có hai nghĩa. A DEAD BEAT FATHER

NHÃ LAN

Chữ này thì Nhã Lan biết. A DEAD BEAT FATHER là người cha không chịu trả tiền cấp dưỡng con cái. A DEADBEAT, viết liền, là một danh từ nghĩa là một người thiếu nợ mà không chịu trả, một tay quịt nợ: Vị Xuyên có Tú Xương / Dơ dở lại ương ương / Cao lâu thường ăn quịt …

QA

Thầy đọc tiếp coi.

BBT

Cô lại gài mìn gài bẫy tôi rồi. Cô đọc lại các sách giáo khoa giảng văn Việt Nam thì có ngay. Tôi xin miễn đọc ra ở đây. Cô Nhã Lan cho một thí dụ coi.

NHÃ LAN:

YOU WILL NOT GET YOUR MONEY BACK: HE IS A DEADBEAT.

BBT

Ðúng thế. Nhưng DEAD BEAT cũng lại có nghĩa là mệt, mệt lắm, mệt muốn đứt hơi luôn. Cô QA muốn nói gì đây?

QA

QA làm ở đài sáng nay, bây giờ lại học tiếng Anh với ông thầy: I AM TOTALLY DEAD BEAT AFTER WORKING ALL MORNING.

BBT

Cô QA cũng có thể nói I AM DEAD TIRED. Ý nghĩa cũng giống như I AM DEAD BEAT. Tôi cũng thế, hôm nay là hạn chót để phải viết xong bài cho VIETTIDE và HỒN VIỆT TELEVISION. Không phải là thí dụ, mà là sự thật: TODAY IS THE DEADLINE FOR ALL THE ARTICLES I PROMISED FOR VIETTIDE AND HONVIETV. DEADLINE là hạn chót.

NHÃ LAN

Nhã Lan nghe câu này ở sở. Có một đồng nghiệp bị mấy người khác nói lén là HE IS DEAD ON HIS FEET. Nhã Lan không hiểu nhiều về đương sự nên không biết tại sao ông ta lại bị gọi như thế. Anh làm ơn soi sáng cho Nhã Lan.

BBT

Mấy chữ này chỉ có nghĩa là ông ấy quá mệt mỏi, đi đứng như người mất hồn, như người chết biết đi vậy. Trong chữ Hán, người Trung Hoa gọi ông ta là "hoạt tử nhân".

QA

Có giống như danh từ "bất đảo ông" không?

BBT

Không. Bất đảo ông là con lật đật. Ðố hai cô câu này nghĩa là gì: IT MAY BE DEAD WOOD IN MY TRUNK. BUT WHOEVER TOUCHES IT, I WILL TELL HIM OR HER IT IS MY PERFUMED CEDAR WOOD.

QA

Củi mục bà để trong rương / Ai mà đụng đến, trầm hương của bà. DEAD WOOD là củi mục phải không anh? DEAD WOOD chắc là người hay vật vô tích sự.

Còn DEAD DUCK là gì thưa thầy?

BBT

DEAD DUCK là người gặp đủ mọi khó khăn, không cách gì thoát ra được những khó khăn đó, chắc chắn bị nguy, không thể cứu vãn được. IF WE CANNOT SOLVE THIS PROBLEM, WE ARE DEAD DUCKS.

NHÃ LAN

Nhã Lan còn nghe DEAD HORSE. Thế thì DEAD HORSE có như DEAD DUCK không?

BBT

DEAD HORSE là một chuyện không hay đã xẩy ra rồi, không thể cứu vãn được tình hình nữa, giống như con ngựa đã chết, có lấy roi đánh thì nó cũng không đứng dậy được nữa. Thí dụ YOU ARE BEATING A DEAD HORSE, nghĩa là anh đang làm một chuyện tuyệt vọng, chỉ phí thì giờ, không thể thay đổi được gì. THE KING OF THE MOUNTAIN AND THE KING OF THE RIVER ARE DEAD LOCK OVER MỴ NƯƠNG.

QA

Có phải anh đang kể chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh không? Vậy thì DEAD LOCK nghĩa là một tình thế không thể giải quyết được, hai bên là kỳ phùng địch thủ, không ai chịu ai. Cũng như khi nói THE BEIJING TALKS ARE AT A DEAD LOCK BECAUSE NORTH KOREA STOPPED COMING TO THE CONFERENCE TABLE. Như thế, DEAD LOCK là bế tắc, không thể khai thông được.

BBT

Thêm một hai thành ngữ nữa nhé hai cô. IN THE DEAD OF THE NIGHT là một thành ngữ rất hay. IN THE DEAD OF THE NIGHT là trong đêm tịch lặng. Ðêm yên ắng, khuya khoắt, không có tiếng động. IN THE DEAD OF WINTER là giữa mùa đông, trong những này lạnh buốt nhất trời xám xịt đầy tuyết giá của mùa đông.

QA

Bây giờ QA xin thầy chuyển sang một chuyện khác. Vừa rồi thầy trả lời thắc mắc của khán giả. Còn đây là thắc mắc của QA. Anh cho biết là người Anh và người Mỹ có hay ví von như người Việt không?

BBT

Có chứ. Ngôn ngữ nào cũng có những cách nói như thế. Ví von là đem một sự kiện mà mọi người đều biết để nói về một chuyện khác mới, chưa ai biết, hay đã biết rồi, mà muốn làm cho ý nghĩa mạnh hơn. Thí dụ con hến thì chúng ta đều biết là nó không ăn nói, kêu thành tiếng như những động vật khác. Ðưa nó vào nồi hấp, nấu nó với cơm để thành cơm hến xúc thêm bánh tráng vào nó cũng không than thở, phàn nàn, kêu khóc gì, nên người Việt Nam mới đem nó vào một câu ví von là "Câm như hến."

NHÃ LAN

Hay là "Câm như thóc" vậy phải không anh?

BBT

Bởi thế trong tiếng Anh mới có động từ TO CLAM UP là im mồm, không nói năng gì hết, không chịu lên tiếng.

QA

Tiếng Anh có dùng con hến, con sò trong một cách nói nào khác không?

BBT

Có. Ðộng từ TO SHUT UP LIKE A CLAM.

NHÃ LAN

Như vậy, những cách so sánh, ví von của tiếng Anh cũng có lúc rất giống tiếng Việt phải không anh. Năm nay là năm SỬU, người Việt noi "Khỏe như trâu", người Anh có câu ví von nào gần như vậy không?

QA

QA nghe một lần câu AS STRONG AS AN OX thì đúng là khỏe như trâu rồi còn gì nữa, phải không Nhã Lan? QA còn biết một cách ví von khác cũng rất gần với cách ví của người Việt: " Ðẹp như tranh".

BBT

Ðúng rồi: AS PRETTY AS A PICTURE. Cô Nhã Lan, câu này thì có gần một câu ví của người Việt không: AS LIGHT AS A FEATHER.

NHÃ LAN

Nhã Lan nhớ một câu trong Chinh Phụ Ngâm: "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao." Nhẹ tựa hồng mao là nhẹ như một chiếc lông, AS LIGHT AS A FEATHER phải không thưa thầy?

BBT

Thế còn " Sâu như biển" thì người Anh sẽ nói thế nào, cô QA?

QA

AS DEEP AS THE OCEAN. Ở trên anh nói AS QUIET AS A CLAM là câm như hến. Còn cách nào để nói im lặng nữa không?

BBT

Hai cô đều biết có nhiều cách ví von chứ không phải chỉ có một, hai cách. AS PRETTY AS A PICTURE cũng cùng nghĩa như AS PRETTY AS A TREE. Ðể trả lời câu hỏi của QA, người Anh cũng nói AS QUIET AS A CLAM hay AS QUIET AS MOUSE. Hai cách ví von đều giống nhau.

Hai cô chắc biết nhiều về nữ trang hơn tôi. Khi nói vàng tốt nhất thì chúng ta nói vàng mười, nghĩa là vàng nguyên chất. Loại vàng ấy chắc phải tốt lắm. Thế nên người Anh cũng nói AS GOOD AS GOLD.

NHÃ LAN

Thế thì "Trong như tiếng hạc bay qua" tiếng Anh nói thế nào?

BBT

Người Anh không dùng tiếng của con hạc mà dùng tiếng kêu của những cái chuông: AS CLEAR AS A BELL.

Người Việt nói "Sáng như ban ngày" thì tiếng Anh nói thế nào? QA đoán thử coi.

QA

AS BRIGHT AS DAY. Thưa anh, người ta có nói AS WHITE AS SNOW không?


BBT

Có chứ. Trái với "trắng như tuyết" thì chúng ta nói thế nào, Nhã Lan?

NHÃ LAN:

Người Việt nói là " Ðen như mực" AS BLACK AS INK nghe có giống tiếng Anh không thầy?

BBT

Tôi nghĩ cô đã biết cách ví này rồi còn giả bộ để hỏi đó thôi. Thế còn " Tối như đêm 30 " cô QA sẽ ví như thế nào trong tiếng Anh?

QA

AS DARK AS NIGHT.

BBT

Ðúng rồi. Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm về những câu so sánh khác mà chúng ta có thể dùng trong những lúc nói chuyện. Người Anh yêu chó lắm nên nói thế này thì không hề có ý xúc phạm gì hết: TO WORK LIKE A DOG là làm việc khổ cực lắm, khổ như một con chó. TO SLEEP LIKE A LOG là ngủ thẳng cẳng, nằm im như khúc gỗ: TO SLEEP LIKE A LOG…

QA

Anh vừa đưa ra hai câu nghe hệt như trong bài A HARD DAY’S NIGHT của ban THE BEATLES phải không?

BBT

Ðúng rồi, ngay đầu bài hát đó đã thấy hai câu kể khổ rồi: IT’S BEEN A HARD DAY’S NIGHT, AND I’VE BEEN WORKING LIKE A DOG. IT’S BEEN A HARD DAY’S NIGHT, I SHOULD BE SLEEPING LIKE A LOG… Trong tiếng Anh, người ta hay ví von như vậy lắm. Chúng ta nói "Chậm như sên" thì người Mỹ nói TO MOVE LIKE A SNAIL. Ủng oẳng, cãi nhau, cắn nhau như chó với mèo là TO FIGHT LIKE CATS AND DOGS. Mắt như diều hâu, cú vọ là TO HAVE EYES LIKE A HAWK. Hót như khướu là…

NHÃ LAN

TO SING LIKE A BIRD. Bơi như cá là TO SWIM LIKE A FISH phải không anh?

QA

QA lại nghe TO DRINK LIKE A FISH. Tại sao lại nói như vậy thưa anh?

BBT

TO DRINK LIKE FISH. Ðúng, trong Anh ngữ người ta có nói như thế thật. Cô thấy con cá bơi trong hồ chứ? Làm cách nào nước không vào bụng nó cho được. Nước vào bụng nhưng nó có phềnh bụng ra mà chết đâu. Nó vẫn tỉnh queo. Vì thế, nói TO DRINK LIKE A FISH thì cũng giống như tiếng Việt nói " Uống như hũ chìm" nghĩa là uống nhiều lắm mà không say sỉn gì cả.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết là người Anh không ăn Tết giống như chúng ta. Vậy nếu muốn nói " Vui như Tết" thì người ta nói thế nào nhỉ QA…

QA

Chắc không nói "Vui như điên" phải không ông thầy?

BBT

Người Anh nói là TO BE HAPPY LIKE A LARK. LARK là chim họa mi. Giống chim này có giọng hót rất vui nên người ta mới ví von như vậy. Chứ hót thành "Bắt cô trói cột " thì không thể là đem ra mà ví von như thế. Ít ra cũng phải hót thành "Chè xôi chuối thịt" như con chim giá cô mà cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong bản dịch cuốn THE IMPORTANCE OF LIVING của Lâm Ngữ Ðường vậy. Hết thắc mắc của cô QA chưa?

QA

Thưa chưa. Mới chỉ tạm hết thôi. Ðể lần sau hai học trò sẽ truy bài ông thầy tiếp.

Kính thưa quí vị, bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày hôm nay kết thúc ở đây.

Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.