May 26, 2011

May 27, 2011

Ngày 23 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Nói gì thì nói, tôi vẫn phải công nhận ông là người thân thiện, hiếu khách. Tôi chưa gặp ông bao giờ trước khi ngồi xuống cùng bàn với ông tại bữa tiệc cưới cuối tuần trước.

Ông bắt tay tôi và tự giới thiệu tên. Khách khứa ồn ào quá, tôi không nghe rõ và có nghe cũng không thể nhớ nổi tên ông hay vài chục cái tên lần đầu tiên nghe thấy tại nhũng tiệc tùng như thế. Tôi cũng lí nhí nói tên mình để đáp lại. Ông bắt đầu hỏi về gia cảnh của tôi. Tôi rất khó chịu. Chưa quen biết nhau bao nhiêu, ông đã đòi xét sổ gia đình và đọc gia phả của tôi. Tôi trả lời lấy lệ và tìm cách tránh trả lời những câu hỏi khác của ông bằng cách quay sang nói chuyện với một người bạn lâu ngày không gặp ở bên cạnh.

Nhưng ông vẫn không tha tôi. Ông cầm ly rượu của tôi lên và đưa cho tôi mặc dù nó đã ở ngay trước mặt tôi. Ly rượu có cái chân ông không cầm, ông cầm ngay ở miệng ly đưa cho tôi để bảo tôi uống. Tôi cầm lấy, đặt xuống bàn thì ông cứ hối tôi uống ngay. Chưa lau được cái thành và cái miệng ly thì làm sao dám uống đây. Tôi lắc đầu, bỏ ly rượu xuống, kín đáo đi tìm chiếc khăn để chờ ông quay đi, lau cái miệng ly chắc chắn có dính những ngón tay của ông.

Tiệc cưới rồi cũng bắt đầu. Tôi bắt đầu hồi hộp vì tôi biết ông sẽ tiếp thức ăn cho tôi như ông đã tiếp cho người bên cạnh ông ở ghế bên phải. Miếng tôm hùm hơi to suýt nữa thì rơi trở lại đĩa. Ông dùng tay đỡ lấy, gắp cho ngươi ngồi cạnh. Tôi thấy rõ những ngón của bàn tay trái đỡ chiếc càng của con tôm hùm. Tiếp xong người bên phải, ông gắp cho ông. Và như thế, chắc chắn chỉ vài giây nữa ông sẽ gắp cho tôi bằng đôi đũa ông vừa đưa lên miệng mút một cái, rồi lại còn chép miệng nữa mới là khổ cho tôi. Quả nhiên, ông đề nghị tôi ăn tôm hùm. Tôi từ chối, đưa ra con số về cholesterol cuả tôi kèm theo lời hăm dọa của người vừa mổ tim cho tôi. Ông gạt đi, ép thêm một lần nữa. Tôi vẫn giữ nguyên lập trường. Thì ông quay ra nhắc tôi ly rượu. Tôi lờ đi, giả bộ không nghe ông nói gì. Tôi nghĩ là tôi thoát. Ông quay ra hỏi tôi có biết ông X. không, và nói rằng đó là cháu của ông, làm nhiều tiền lắm, lai mới về Việt Nam chơi mấy tháng. Tôi thú nhận là một người quê mùa, không biết cháu ông, và ăn tiếp. Ông hỏi thêm hai ba cái tên lạ hoắc khác và nói một người trong số đó mới có tang, ông có đi đưa đám và vì thế, ông nhận ra tôi. Như vậy là ông quen tôi rồi đấy. Chỗ quen biết cả nên ông lại càng thân tình với tôi hơn. Ông vỗ vai tôi, nhắc tôi ăn đi kẻo tối lại đói. Đi ăn cỗ thì phải ăn cho no. Ông nói với tôi như thế.

Còn tôi, tôi không còn bụng dạ đâu để mà ăn nữa. Tôi nhớ bàn tay trái của ông vừa vỗ lên vai và nhắc tôi ăn. Cũng bàn tay ấy, trước đó ông đã đỡ cái càng tôm hùm. Ông vỗ vai tôi. Không chỉ một cái mà ba, bốn cái. Chắc dấu tích của cái càng tôm hùm đã từ tay ông nhẩy qua vai áo của tôi. Tối nay về nhà, treo nó vào tủ áo thế nào mấy con dán mất dậy cũng đánh hơi ra tôm hùm và kéo nhau vào ăn, tiện thể nhai cái vai aó. Cái áo mới sẽ thủng vài ba lỗ để tôi nhớ mãi bữa tiệc cưới. Tôi nhắc tôi phải ném ngay cái áo vào cái bao nylon để đem giặt khô ngay sáng hôm sau.

Ly rượu đỏ vẫn còn khá nhiều. Đổ đi thì tiếc. Uống vào không biết có say không nhưng nghĩ thấy hơi ghê ghê.

Người bạn nghe tôi kể chuyện, liền thắc mắc thế lỡ đó là bàn tay tiên rót chén rượu đào thì sao?

Tại sao bạn tôi lại quay ra viết truyện khoa học giả tưởng như vậy hè?


Ngày 24 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Trong số bẩy chú lùn sống với Bạch Tuyết, tôi thích nhất anh chàng khó tính, mặt khó đăm đăm, lúc nào cũng quạu quọ. Chàng tên là Grumpy. Grumpy là cau có, khó chịu, khó tính, cộc cằn, lỗ mãng.

Thầy Đồ, Khe Khắt, Ngủ Khì, Xuềnh Xoàng, E Lệ, Hắt Xì, Vui Tươi...

Thực ra, nguyên thuỷ, cả bẩy chàng, không chàng nào có tên cả. Mãi đến khi Walt Disney thực hiện cuốn phim hoạt họa dựa trên truyện Bạch Tuyết của Brothers Grimm năm 1937, các chàng mới có tên.

Grumpy là người thương Bạch Tuyết nhiều nhất mới là kỳ lạ. Chàng có được Bạch Tuyết thương lại nhiều như chàng thương Bạch Tuyết không thì không rõ. Nhưng nếu bây giờ họ còn sống với nhau thì có thể Bạch Tuyết lại thương Grumpy nhất.

Tôi tự nhiên cũng thích Grumpy hơn các chú lùn khác, ngay từ khi xem cuốn phim này lần đầu tiên ở Hà Nội hồi mới 8 hay 9 tuổi.

Theo một cuộc nghiên cứu ở Canada thì tôi thương Grumpy là rất đúng. Cuộc nghiên cứu cho thấy đàn ông có cái vẻ cộc cằn, khó tính, mặt mũi táo bón, không chịu "ngạo với nhân gian một nụ cười" lại là những người đắt hàng nhất. Cười tươi tỉnh là không được. Các phụ nữ, ít ra thì cũng là các phụ nữ Canada, không thích những khuôn mặt vui vẻ, lúc nào cũng như sắp sửa cười một cái đến nơi.

Trong khi đàn ông lại chỉ thích phụ nữ vui vẻ, mặt mày tươi tắn. Chuyện đó dễ hiểu. Kết quả cuộc nghiên cứu đăng trên tập san của hội tâm lý gia Hoa kỳ cho thấy là dưới mắt nhìn của phụ nữ, đàn ông mà lúc nào cũng tươi cười là không sexy. Phải nghiêm và buồn mới được. Phải lúc nào cũng quạu đeo, mặt mũi khó đăm đăm, lúc nào cũng như sắp nổ cái đùng đến nơi các phụ nữ mới thích. Những người đàn ông lúc nào cũng cười bị coi là nhiều nữ tính, không đàn ông. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy phụ nữ rất yêu những người đàn ông xấu tính, độc ác, và phải là bad boy mới được. Thí dụ Charlie Sheen, một bad boy của Hollywood với đủ mọi tính xấu, tưởng không ai thèm ngó. Vậy mà rời chị này là có ngay vài ba chị khác đứng đợi, tay cầm cái đơn ngay.

Cho nên đàn ông thấy là "týp si tư" ăn khách hơn là đàn ông lúc nào cũng cười tươi, răng vàng chớp nhoáng.

Hay là cứ cười thì trông lại giống như những con heo tự mãn. John Stuart Mill đã khẳng định rằng thà làm một người thỏa mãn còn hơn làm một con heo khốn khổ, thà làm Socrates khốn khổ còn hơn là một thằng điên tự mãn.

Nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy ngược lại như người đàn ông tôi gặp ở một chỗ nhẩy đầm. Chàng chải chuốt kỹ lắm, đi giầy cao gót, tóc đánh rối cho cao thêm được vài cm, lúc nào cũng nụ cười trên môi. Vậy mà chàng rất đắt đào. Chàng luôn luôn đi với vài ba phụ nữ, có của ăn, của để. Bài nào chàng cũng ra nhẩy, và chao ôi cái mặt thì tự mãn làm sao! Lúc nào cũng một nụ cười. Đó, tươi cười mà vẫn dắt hàng đấy thôi. Hay là đắt hàng xong rồi thì trở thành con heo tự mãn mà Stuart Mill đã nói?


Ngày 25 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Một hai tuần trước trên sông Sài Gòn đã xảy ra một tai nạn chìm tầu. Một chiếc tầu chở khách trên có nhà hàng ăn đã chìm ở giữa sông gây thiệt mạng cho một số người trên tầu. Những tai nạn vì bất cẩn, vì kỹ thuật đóng tầu, vì thủy triều lên xuống thất thường, vì chở quá sức đã xẩy ra khá thường ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhất là ở các nơi có nhiều du khách. Ở vịnh Hạ Long cũng đã có mấy tai nạn chìm tầu gây chết người hồi gần đây.

Nhưng có một chi tiết nhất định gây chú ý cho người đọc những bản tin về tai nạn chìm tầu trên sông Sài Gòn.

Đó là tên của chiếc tầu. Chiếc tầu không mang tên Anh hay Pháp, cũng không mang tên Việt Nam, mà mang một cái tên rất khó hiểu, một tác hợp của một tiếng không có trong Việt ngữ với một tiếng có trong tiếng Việt.

Tên của chiếc tầu được viết khá lớn ở trên hông của tầu: Nhà Hàng Du Thuyền Dìn Ký.

Dìn là tiếng không có trong tiếng Việt. Vì không thấy chữ này viết bằng Hoa ngữ nên không biết "Dìn" đọc như thế nào theo lối phát âm Hán Việt của chúng ta.

Dìn Ký nhất định phải là tiếng Hoa. Chủ nhân của tầu chắc chắn phải là người Hoa. Tầu hoạt động trên sông Sài Gòn để làm thương mại cho chủ nhân người Hoa của nó. Nhưng chủ nó khi đặt tên cho nó rõ ràng đã không lý gì tới cái tên của nó. Cái tên ghi lại theo lối phát âm nửa Hoa nửa Việt. Thực ra thì chủ nó muốn đặt tên Hoa cho nó cũng chẳng sao. Nhìn những bảng hiệu của các cơ sở thương mại tại các khu Chinatown ở Hoa kỳ thì thấy ngay. Tiệm ăn của người Nhật thì dùng tên Nhật. Tiệm ăn Ấn độ, Pakistan không cần phải dùng tên Mỹ. Việt nam chắc cũng không đòi tên các cơ sở thương mại phải dùng tên Việt. Dìn Ký, cái tên năm cha ba mẹ, cái tên của một thứ con hoang đó được cho hoạt động trên sông Sài Gòn thì đã sao. Nhưng cái thái độ chắc là có của chủ tầu khi dùng cái tên nửa Tầu nửa Việt rõ ràng là một thái độ coi thường cái đất nước đang dung dưỡng họ. Dìn Ký có thể là Diễm Ký, Doanh Ký, Dương Ký hay gì gì Ký cũng chẳng sao. Nhưng nó làm xấu cái tên đó đi. Người đặt tên muốn cho thấy họ toàn quyền muốn làm gì thì làm cho cái cơ sở thương mại của họ. Những bản tin đọc được ở trong nước cho thấy một vài chi tiết khác nữa. Đó là tầu Dìn Ký bị cấm hoạt động vì một số vấn đề an toàn và kỹ thuật. Nhưng tầu vẫn lén lút hoạt động để rồi gặp tai nạn.

Sài Gòn dẫu sao cũng vẫn còn là một phần của lãnh thổ Việt Nam, không hề là một hòn đảo ở biển Đông để nói là chủ quyền đang trong vòng tranh chấp. Nhưng luật lệ của Việt Nam ở ngay Sài Gòn đã không được chủ tầu tôn trọng. Trong khi đó, tin báo chí trong nước cho biết là tại Bình Dương, người ta sắp xây cất một thị trấn cho người Hoa như các Chinatown ở Mỹ.

Những vụ tầu hải quân Trung quốc tấn công tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ các ngư dân rồi đòi tiền chuộc đã xẩy ra nhiều lần.

Những cảnh lấn lướt như vậy đã trở nên qúa thường ở Việt Nam nên rồi vụ tầu Dìn Ký có điều tra thì cũng sẽ chẳng đi đến đâu.

Ông Tản Đà hứa bồi lại bức dư đồ rách. Ông qua đời đã lâu, bức dư đồ không được bồi lại, càng ngày càng rách tơi tả …

… Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi…

Đâu phải là đàn trẻ, mà là một bọn chó đẻ đang phá tan hoang cái đất nước thì có…


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 100)
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 100 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2011.

BBT

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Cô Trúc Giang hình như cô có thắc mắc gì đây… Mời Trúc Giang

TRÚC GIANG

Thưa chú, chiều hôm qua, cháu mới la cho con bé lớn một trận vì nó chửi thề. Chồng cháu nói rằng đó không phải là câu chửi thề, nên chuyện cháu la con là sai. Con gái lớn của cháu không biết học ở đâu câu WHAT IN THE WORLD … mà nó nói suốt ngày hôm qua. Theo chú, đó có phải là một câu chửi thề không? Chú thấy ai phải, ai trái?

BBT

Tôi không nghĩ đó là một câu chửi thề cần phải áp dụng biện pháp mạnh. Con gái cô đang ở cái tuổi học và phát triển thêm về ngôn ngữ. Ra trường, nó nghe thấy bạn bè nói vài ba câu lạ tai, hay mấy chữ mới chưa bao giờ nghe mẹ và bố nói ở nhà thì đem về dùng với em, và luôn cả với mẹ nên mới bị la cho một trận. Không, câu mà con gái Trúc Giang dùng chưa phải là một câu chửi thề. Bố bênh con là đúng.

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, câu ấy cũng là một câu nghe không nhẹ nhàng chút nào phải không thưa anh?

BBT

Câu ấy thì không nhẹ chút nào. Tưởng tượng con gái Trúc Giang mới 8 tuổi, một bữa chống nạnh nói với ông nội : WHAT IN THE WORLD ARE YOU TALKING ABOUT? thì chắc chắn là không được rồi. Nói với mẹ thì tạm tha. Nhưng với ông bà nội ngoại thì không được.

TRUC GIANG

Thế thì thưa chú, người ta dùng WHAT IN THE WORLD để làm gì?

BBT

Đây là cách dùng để làm cho ý nghĩa của câu mạnh hơn mà thôi. Thay vì nói WHAT ARE YOU READING? Thì ý nghĩa không mạnh lắm. Muốn cho câu mạnh hơn, thí dụ cô bước vào phòng của con thì thấy nó đang cầm quyền sách, trông thấy cô, nó vội giấu vào dưới gối, thì câu WHAT ARE YOU READING? chưa đủ mạnh. Muốn cho mạnh một chút, thì thêm IN THE WORLD vào là được. WHAT IN THE WORLD ARE YOU READING? Nghe cũng như trong tiếng Việt chúng ta hỏi " Mày đọc cái giống gì / cái đồ quỉ gì/ cái khỉ gió lăn đùng gì … vậy?"

LÃM THÚY

Thúy nghĩ những chữ WHAT IN THE WORLD là những chữ đã được đổi đi một chút cho nhẹ đi chứ thực ra, cách nói đó nguyên thủy dùng những chữ mạnh hơn nhiều phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Nguyên nó là THE HELL. Cô sẽ thấy những chữ này khá nhiều trong ngôn từ của những nhân vật trong truyện của Ernest Hemingway. Nhưng hai chữ THE HELL là hai chữ cấm kỵ. THE HELL nghĩa là địa ngục, những chữ dùng để chửi thề nên thường người ta tránh dùng chúng.

TRÚC GIANG

Người ta dùng những chữ gì thưa chú?

BBT

Người ta dùng THE HECK thay cho THE HELL. Thí dụ nói WHERE THE HECK DID YOU GO? thay vì WHERE THE HELL DID YOU GO?

LÃM THÚY

Và WHERE THE DEVIL DID YOU GO? như Thúy mấy lần nghe lũ con của Thúy nói với nhau ở nhà.

BBT

Đúng thế. Và dĩ nhiên còn có thể nói WHERE IN THE WORLD DID YOU GO?

TRÚC GIANG

Chỉ trong có một buổi sáng ở trường, con gái Trúc Giang đã học ngay được những điều mẹ nó ở Mỹ bao nhiêu năm mà không biết.

BBT

Thực ra thì mấy câu con gái Trúc Giang học được cũng không khó lắm. Cứ đưa ra một câu hỏi, rồi thêm IN THE WORLD sau WHERE, WHEN, HOW, WHAT, WHY là được. Thúy thử cho nghe vài câu với IN THE WORLD coi…

LÃM THÚY

WHERE DID HE GO LAST NIGHT? WHERE IN THE WORLD DID HE GO LAST NIGHT?

WHEN DID SHE COME HOME? WHEN IN THE WORLD DID SHE COME HOME?

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

HOW DID HE FINISH THE WORK ON TIME? HOW IN THE WORLD DID HE FINISH THE WORK ON TIME?

WHY DID THEY NOT BUY THE HOUSE? WHY IN THE WORLD DID THEY NOT BUY THE HOUSE?

BBT

Có điều hai cô phải nhớ là khi nói những câu đó, phải gằn giọng, nhấn mạnh vào những chữ IN THE WORLD thì câu mới có nghĩa. Bây giờ còn định chạy về nhà la con nữa hay không, Trúc Giang?

TRUC GIANG

Chắc không, nhưng cháu vẫn không muốn con gái cháu còn nhỏ mà lại ăn nói có giọng đanh đá như thế.

BBT

Nhưng đó lại là cách ăn nói của chúng ở trường. Nhiều khi nói tục hay chửi thề cũng chỉ là cách để được bạn bè chấp nhận mà thôi. Tôi nghĩ gần hết chúng ta ai cũng chửi thề cả. Có điều chúng ta lựa lúc, lựa chỗ, lựa người mới lôi ra dùng mà thôi.

LÃM THÚY

Thúy có một thắc mắc về động từ MUST. Thúy biết đây là một defective verb, một động từ khiếm khuyết. Nó không có các thì khác như Future, Past, Present Continuous, Perfect vân vân. Muốn diễn tả một sự bắt buộc trong các thì khác, người ta dùng TO HAVE TO. Nhưng thưa anh, có phải MUST bao giờ cũng có nghĩa là TO HAVE TO không? Có lúc nào MUST không cùng nghĩa với TO HAVE TO không?

BBT

Thực ra thì MUST có thể dùng để diễn tả những điều phải làm trong quá khứ và trong tương lai.

Thí dụ I MUST HAND IN THE ESSAY LAST WEEK. Chúng ta dùng MUST nhưng kèm theo LAST WEEK để diễn tả ý nghĩa quá khứ.

Thí dụ MISTER OBAMA MUST LEAVE THE WHITE HOUSE IN 2016. Động từ MUST không hề thay đổi khi diễn tả ý nghĩa quá khứ hay tương lai. MUST không có S khi đi với các ngôi thứ BA số ít như HE MUST, SHE MUST …

Nhưng khi dùng MUST ở thể PHỦ ĐỊNH là MUST NOT thì động từ này không còn giống TO HAVE TO nữa.

Trúc Giang có thấy sự khác nhau giữa hai câu này không:

HE DOES NOT HAVE TO COME TO WORK TOMORROW.

HE MUST NOT COME TO WORK TOMORROW.

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ câu đầu HE DOES NOT HAVE TO COME TO WORK TOMORROW có nghĩa ngày mai là ngày lễ, ông ấy không phải, không cần, không bị bắt buộc đến sở.

Trong khi câu thứ hai HE MUST NOT COME TO WORK TOMORROW thì có nghĩa la ông ấy bị cấm đến sở ngày mai, có thể vì ông ấy bị cúm heo, bị một bệnh hay lây và nguy hiểm nên sở cấm ông ấy đi làm để tránh lây bệnh sang người khác.

BBT

Cô Thúy có thể tóm tắt sự khác biệt giữa MUST NOT và NOT TO HAVE TO được không?

LÃM THÚY

Thưa anh, MUST NOT mạnh hơn NOT TO HAVE TO. MUST NOT là cấm, hoàn toàn không được làm một việc nào đó, trái lệnh có thể bị phạt rất nặng. NOT HAVE TO là không cần, không phải, muốn làm cũng được.

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ , nhân tiện, hai cô nên biết thêm vài kết hợp với động từ MUST mà chúng ta thường gặp.

Những kết hợp này là những danh từ kép. Đó là MUST HAVE và MUST SEE.

Thí dụ khi nói muốn viết tiếng Việt bằng computer thì chương trình VNI là cái phải có thì Trúc Giang nói thế nào? Cô là một chuyên viên về computer mà…

TRÚC GIANG

TO WRITE IN VIETNAMESE, THE VNI PROGRAM IS A MUST HAVE.

BBT

Đúng lắm. Cô Thúy, cô dịch thử câu này: Đám cưới của hoàng tử William là một chương trình phải xem.

LÃM THÚY

THE WEDDING OF PRINCE WILLIAM AND KATE MIDDLETON IS A MUST SEE ON TELEVISION.

Thưa anh, nhân đang nói về TO HAVE TO, Thúy muốn nhờ anh nói về động từ USED TO.

BBT

Đây là một động từ khá kỳ lạ. Nó không dính dáng gì tới động từ TO HAVE TO. Động từ USED TO không có các thì khác như PRESENT, FUTURE. Chúng ta dùng một động từ nguyên mẫu ngay sau nó để diễn tả một thói quen, một việc lập đi lập lại nhiều lần trong quá khứ. Những việc này xẩy ra nhiều lần nhưng hiện nay đã chấm dứt, không còn xẩy ra nữa.

Trúc Giang nói hồi xưa gia đình Trúc Giang sống ở Bắc California coi…

TRÚC GIANG

MY FAMILY USED TO LIVE IN NORTHERN CALIFORNIA.

BBT

Cô Thúy nói hồi xưa cô lái một chiếc xe Nhật coi.

LÃM THÚY

I USEDTO DRIVE A JAPANESE CAR.

BBT

Hai cô cần nhớ là những việc đó không còn xẩy ra nữa. Tất cả đều đã chấm dứt trong quá khứ. Một điều nữa về động từ USED TO cần nhớ là các nhà văn phạm không thích dùng USED TO trong thể hỏi và thể phủ định. Người ta dùng thì SIMPLE PAST TENSE là đủ rồi.

Thí dụ I USED TO WORK AT NIGHT là thể xác định (AFFIRMATIVE) nghĩa là hồi xưa tôi làm việc ban đêm.

Muốn đổi thành thể hỏi, người ta dùng PAST TENSE: DID YOU WORK AT NIGHT ? PAST TENSE cũng được dùng để diễn tả ý nghĩa phủ định (NEGATIVE) I DID NOT WORK AT NIGHT.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai câu này: I USED TO COME TO THIS LIBRARY TO STUDY và I CAME TO THIS LIBRARY TO STUDY. Trúc Giang thấy sự khác nhau như thế nào?

TRÚC GIANG

I USED TO COME TO THIS LIBRARY nghĩa là tôi thường đến thư viện này, tôi hay đến thư viện này, tôi tới đây rất nhiều lần, tôi có thói quen đến thư viện này nhưng bây giờ thì tôi hết tới đó rồi.

I CAME TO THIS LIBRARY nghĩa là tôi tới thư viện này vài ba lần, cũng có thể là nhiều lần nhưng không phải là thói quen, không phải là việc tôi làm thường xuyên. Bây giờ cũng hết tới thư viện rồi.

BBT

Cám ơn hai cô. Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin kính chào quí vị.