June 2, 2011

June 3, 2011

Ngày 30 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Từ ngày có cái địa chỉ e-mail hơn mười mấy năm nay, tôi nhận được rất nhiều thứ thư từ kỳ quái. Những người viết những lá thư kỳ quái này không quen biết gì tôi nên hết dụ tôi bơm, hút, căng, kéo lại đòi bán cho tôi đủ mọi thứ sản phẩm mà tôi thấy không còn lợi ích gì cho mình nữa.

Mà cũng chẳng thể nào dùng cho mình được nữa.

Tuần nào cũng có thư nhắc tôi mua những thứ thuốc bổ cái này, tốt cái nọ. Mà những cái này, cái nọ của tôi thì đã lâu không còn dùng được nữa.

Mặc kệ, những người gửi thư vẫn hết sức tốt bụng với tôi, quan tâm "sâu sắc" về những hoạt động như thời trai trẻ của tôi để gạ gẫm bán cho tôi những thứ chỉ càng khiến cho tôi tủi cái thân già.

Hết những viên thuốc, lại đến những dịch vụ làm một vài khu vực trên cơ thể hoặc gia tăng kích thước, hoặc giảm bớt kích thước. Cả hai dịch vụ đều đã vô ích từ lâu với tôi.

Rồi đến những nỗ lực giới thiệu tôi với những quen biết mới. Lại cũng là những thứ phải lôi cả Nguyễn Khuyến ra mà ngán ngẩm:

Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo cơm nghĩ lại thẹn thân già…

Sách vở đổi thành sex xiếcÁo cơm đổi thành tài năng (?) … nghe còn hữu lý hơn nữa.

Sáng nay, một e-mail gửi đến cho tôi đọc lên nghe đã kinh hồn. E-mail hỏi tôi một câu nghe sỗ sàng rất mực: Looking for underwear?

Này, đi kiếm cái quần lót hả?

Việc làm này chắc chắn không phải là việc tôi còn phải thắc mắc nữa. Mỗi lần tắm xong, mặc những thứ quần áo lót nào thì đến lần tắm sau đó, thường là một ngày sau, thì cũng vẫn nguyên những thứ đó, ở nguyên những vị trí cũ. Chúng không hề suy suyển, dời chỗ. Mà có di chuyển thì cũng chẳng đi tới đâu quanh quẩn trong căn phòng ngủ của tôi là cùng.

Vậy mà tôi bị hỏi một câu nghe … giận hết sức.

Vì đã qua rồi cái thời mò mẫm sột soạt trong bóng tối để kiếm mấy thứ đồ lót. Ở trong buồng ngủ của chính mình còn không có chuyện đó nữa, lấy đâu cho việc đi tìm chúng ở một căn phòng ngủ không phải của mình. Thế mà vẫn bị viết cho một cái e-mail để hỏi cho ra lẽ.

Tôi tò mò mở cái e-mail đó ra xem mình bị nghi là để quên những món đó ở đâu, và từ năm nào mà nay có người định chỉ chỗ cho mà đi kiếm. Chỉ tưởng tượng ra cũng đã thấy hồi hộp rồi. Ai đây mà còn giữ được chúng qua bao nhiêu dâu biển và nay muốn đem trả lại? Tôi nhớ là không bao giờ có chuyện bỏ của chạy lấy người và quên luôn cả mấy thứ mà các bà mẹ người Mỹ vẫn dặn dò con gái: Đi ra ngoài thì bao giờ cũng nhớ mặc quần áo lót cho lành lặn nhé con...

Và nhớ mang về nhà nhé. Câu này là tôi thêm vào, vì tôi chưa hao giờ được khuyên câu trên. Và tôi cũng không phải là một cô gái (?) người Mỹ bao giờ.

Nhưng khi mở cái e-mail ra thì tôi thất vọng ê chề. Không phải những thứ tôi để quên đâu đó , mà là những thứ chưa bao giờ là của tôi. Chúng là những chiếc quần lót mới đủ kiểu, đủ mầu sắc mà một công ty bán quần áo lót muốn bán cho tôi và mời tôi mua.

Chán đời không thể nào nói hết. Vẫn cơm … nhà từ lâu thì làm sao có chuyện để quên chúng ở những nơi khác cho được. Cũng bởi thế, tại sao phải phí tiền để mua những thứ hoa lá cành , kiểu cọ về làm gì nhỉ.

Thế là lại Nguyễn Khuyến lôi ra ngâm nga:

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Sửa qua một chút để thành:

Chiếc quần lót đắn đo không mặc
Mặc ai coi, ai mặc (?) mà khoe ???

Thế là lại như nàng chinh phụ: Thiếp lại về buồng cũ chiếu chăn…

Nản vô cùng.


Ngày 2 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Vừa mua được vé cho chuyến đi miền Đông cho bõ những ngày cơ cực ở miền Tây thì tôi đọc được bản tin về một chuyến bay bị buộc phải hạ cánh xuống phi trường Dulles ở ngoại ô Washington.

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

Chắc Kiều cũng không thể … kinh như tôi khi đọc bản tin này.

Lỡ chuyện như thế xẩy ra thì sao.

Sắp lên đường bao giờ tôi cũng lo sợ. Tuy không thành nỗi sợ như nhiều người bị: the fear of flying, nhưng vẫn sợ.

Thí dụ phải chịu đựng năm hay sáu tiếng đồng hồ trong một chiếc ghế mà phía sau là hai cái chân của một đứa bé đạp thình thịch vào lưng suốt chuyến bay, thỉnh thoảng lại một miếng giấy lau tay, cái bao đựng mấy cái pretzel ném từ phía sau lên. Ngoái cổ ngó lại thì tên quỉ nhỏ nhoẻn miệng cười một cách hồn nhiên và ngây thơ, nên đành phải bỏ ý nghĩ giết người ném ra ngoài cửa sổ toan tính từ lúc máy bay rời phi đạo.

Hay người bên cạnh cứ lầm chai dầu gió xanh hiệu con ó thành chai Chanel, hay chai Christian Dior, chai Yves St Laurent chẳng hạn. Ngồi cạnh nàng suốt chuyến bay, đến lúc xuống máy bay, chỉ thiếu đôi vớ trắng, cái khăn trùm trên đầu là thành một bà đẻ vừa ra khỏi nhà thương Từ Dũ, xấu trai nhất phi trường mất.

Hay người ngồi ghế trong cứ 20 phút lại đi làm thủy lợi một lần, làm xong, lại dí nguyên một cái bàn tọa to tổ chảng vào sát mặt người đàn ông Á châu già đang sống vui vài tiếng đồng hồ trên trời cao, xa hẳn nơi phồn hoa náo nhiệt.

Cứ nghĩ tới những chuyện như thế, tôi lại thấy thông cảm với Kim Chính Nhật, lãnh tụ kính yêu của Bắc Triều Tiên, cả đời không dám leo lên tầu bay, đi đâu cũng phải đi xe lửa.

Nhưng khó chịu nhất phải là cái ghế trước. Lỡ có ông hay bà hành khách mỏi lưng bấm cái nút cho nó ngả về phía sau thì lại khổ đời cho người lữ khách cao niên ngồi sau. Chàng không cách nào cục cựa được khi cái ghế ngửa hẳn ra phía sau. Ly nước trên cái khay nhỏ gắn trên lưng ghế trước bỗng thụt xuống dưới chân. Tờ báo bị dồn lại có thể rơi xuống sàn máy bay bất cứ lúc nào.

Tư tưởng giết người lại trở về, lởn vởn trong óc. Nên phải vận dụng tất cả lòng thương người như thể thương thân để cứu một đời sống ngồi ghế trước.

Nhưng thỉnh thoảng cũng có người dám làm điều mơ ước thầm kín cũng như lộ liễu đó.

Trên chuyến bay United Airlines bay từ Washington đi Ghana hôm chủ nhật , một hành khách can đảm đã đứng ra khỏi ghế, đòi quyền sống rất chính đáng của mình. Ông hành khách ngồi ghế sau yêu cầu ông ngồi ghế trước có ngả thì ngả ít thôi, đừng ngả nhiều quá kẹt… đùi người sau.

Người ngồi ghế trước không chịu, vẫn cứ vườn ta, ta làm, bếp ta, ta nấu, ghế ta, ta ngồi … kệ thân mẫu đứa ngồi ghế sau.

Thế là những quả đấm vung lên. Phi hành đoàn phải can thiệp, lôi hai phe lâm chiến ra xa. Phi công quyết định quay về phi trường Dulles sau khi xả mười mấy ngàn ga lông xăng trước khi hạ cánh . Phi công báo cho đài kiểm soát không lưu. Lập tức hai chiến đấu cơ phản lực F-16 được lệnh cất cánh bay lên sẵn sàng nghênh cản đề phòng khủng bố. Về tới Dulles, phi cơ lại phải tiếp tục bay thêm 25 phút để đốt gần hết xăng mới hạ cánh.

Nhà chức trach quyết định không truy tố hai ông hành khách vì cả hai đều không phải là khủng bố.

Thế là hơn 16 ngàn ga lông xăng giá mỗi ga lông $3.03 bị phí trên không phận Virginia và Maryland. Cộng thêm vào đó là chi phí để đư a hai chiến đấu cơ F-16 lên trời.

Tại sao không bắt hai tên đười ươi móc túi bồi hoàn những chi phí đó?

Cho chúng nó chừa cái tật mất dậy đó đi? Để hành khách khỏi phải è lưng chịu hộ chúng những phí tổn tiền bạc đó?


Ngày 3 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Một bài báo tôi đọc được tuần trước lại nói về khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.

Lần này, sự khác biệt là ở cái buồng tắm.

Gọi nó là cái buồng tắm (bathroom) cho thanh tao và lịch sự vì nó còn phục vụ cả những chuyện khác trong đời sống của chúng ta nữa mà không tiện nói ra trong những lúc chíng ta là những người văn minh lịch sự.

Có khi nó đưọc gọi là cái phòng rửa tay (lavatory). Có khi nó được gọi là cái powder room, nơi phụ nữ có thể vào giậm lại chút phấn, chút son để "ngạo với nhân gian một nụ cười".

Một nửa nhân loại coi nó là căn phòng hữu ích nhưng không nằm trên đầu danh sách của những nơi cần được trang trí đẹp nhất trong nhà.

Nửa kia của nhân loại thì coi nó là nơi thiêng liêng nhất, nơi tiện nghi nhất, sạch sẽ nhất, được chùi rửa kỹ nhất, nơi trú ẩn an toàn nhất.

Nửa trên của nhân loại là những người đàn ông.

Nửa dưới là những người đàn bà.

Trong nhà của một người đàn ông ở một mình, nó trơ trụi đến tội nghiệp nếu thỉnh thoảng bốn năm tuần không có một người phụ nữ Mễ tới dọn dẹp thì nó sẽ là nơi nhốt tù nhân hữu hiệu hơn là đem tới căn cứ Guantanamo. Ngay cả trại tù Abu Ghraib ở ngoại ô Baghdad cũng không thể kinh khủng như vậy. Trên cái mặt bàn bồn rửa mặt là những con dao cạo râu đáng lẽ dùng vài lần thì phải quăng đi thì vẫn nằm nguyên ở đó. Tuýp thuốc đánh răng, một cái bàn chải. Lỡ có cái bàn chải thứ hai mà khi khách khứa lại thăm là có thể bị hạch hỏi hết đường chối cãi. Mấy chai Eau de Cologne, After Shave, nước hoa , nước hoét để các chàng che dấu cái tính lười tắm, và khi cái khăn tắm lỡ rơi xuống đất, người ở ngoài nghe có thể tưởng có người đang |a trong buồng tắm kỳ thực chỉ vì nó ít được giặt. Trên sàn thì tóc rụng đầy tơi tả như lá thu.

Phòng tắm của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành. Tại sao cần nhiều khăn tắm xếp gọn ở một góc trong khi chỉ cần 1 cái thì không ai hiểu nổi. Mặt bàn rửa mặt là một tiệm chạp phô bầy đủ mọi thứ, hơn một chục loại son, mầu son, dầu xoa tay, gội đầu, bông rửa mặt, lược năm bẩy cái, phấn vài ba loại, hoa khô, giấy lau tay, giỏ rác vân vân...

Đàn ông không bao giờ nhiều thứ như thế. Nhưng chúng tôi có báo và sách, những cuốn sách hay nhất, đáng đọc nhất đều đuợc đọc ở trong buồng tắm. Câu nói đầy khinh bỉ và miệt thị rằng cuốn sách X, Y, Z chỉ dáng đọc ở nhà cầu hồi mấy chục năm trước thì nay lại là câu khen ngợi hết lời.

Chính ở đó, các tác phẩm văn chương lẫy lừng nhất được đem đọc. Tác giả nếu ghé thăm thấy sách của mình trong buồng tắm của chủ nhà thì nên mừng và tiếp tục gửi tặng thay vì bực bã tông cửa ra về, thề không bao giờ đến thăm người chủ nhà thất học, thiếu văn hóa và không văn học nghệ thuật nữa. Trong khi thực ra, người đàn ông chủ nhà là người rất yêu quí chữ nghĩa và văn học.

Những khác biệt không chỉ ở cái buồng tắm, mà còn ở cái phòng ngủ nữa.

Cái phòng ngủ của những người đàn ông ở một mình không bao giờ là nơi chốn được trang hoàng đẹp nhất trong nhà. Có cái giưòng có chân giường tử tế là văn minh rồi. Không thì cái nệm quăng dưới sàn cũng đã là giỏi. Ngày xưa, một tàu lá chuối che sương cũng vừa rồi mà.

Cái giường rất ít khi được làm cho gọn gàng. Tại sao phải xếp lại đống chăn gối cho ngay ngắn, phủ cái couvre lit lên cho đẹp rồi buổi tối lại chui vào làm xáo trộn chăn mền trở lại. Cứ để nguyên như thế, buổi sáng trước khi đi làm, đảo qua và chào cái giường "see you tonight", hẹn gặp lại vào buổi tối là đủ rồi, tại sao phải làm một công việc vô ích là làm giường? Quần áo còn rút từng cái trong máy sấy ra dùng mỗi sáng thì tại sao phải làm giường.

Tưởng tượng một cái phòng ngủ thơm mùi hoa khô và mùi nến, cái khăn phủ trên giường mầu sắc điệu bộ, những cái gối xếp ngay ngắn, hai chiếc đèn ngủ có những cái chụp đèn rất đẹp mà lại là cái phòng ngủ của một người đàn ông thì không được. Trông nó có vẻ sửa soạn (?) quá, không tự nhiên như có một vài toan tính gì đó (?) cho cái giường ngủ. Toàn những toan tính gian ác.

Tại sao không để bừa ra như thế? Có người hỏi sao bừa bãi như thế thì trả lời rằng nào có ai héo lánh đến đây đâu mà sửa soạn. Như thế, điểm hạnh kiểm lại được tăng thêm chứ có bị trừ đi diểm nào đâu.

Phòng ngủ của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành, sạch sẽ và thơm phức, khăn trải giường , áo gối đẹp, phẳng phiu.

Không ai hỏi tại sao phải mất công như thế, mất công sửa soạn cái phòng ngủ cho đẹp như vậy.

Bao giờ cũng là một sự thán phục ngầm: bàn tay phụ nữ có khác .

Thế nên những cái buồng tắm , những cái buồng ngủ của những người đàn ông vẫn tiếp tục bừa bộn, thiếu chăm sóc, dọn dẹp.

Và những cái buồng tắm kia, những cái buồng ngủ kia vẫn được o bé, săn sóc cẩn thận.

Ngược lại thì nhất định không được.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


CONDITIONAL SENTENCES

TRÚC GIANG

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Lãm Thúy, Trúc Giang và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, Trúc Giang mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và Trúc Giang sẽ chuyển lại để cho ông thầy phải nặn óc trả lời, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Chương trình hôm nay cũng sẽ đề cập tới một số vấn đề trong Anh ngữ , trong đó có một thắc mắc của Lãm Thúy.

LÃM THÚY

Mấy hôm nay, Thúy đã bắt đầu nghe được nhiều lời tuyên bố của các chuẩn ứng cử viên của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Thúy nghe biết bao nhiêu là giả thiết nếu ông này thắng thì nước Mỹ sẽ như thế này, nếu ông kia đắc cử thì chuyện gì sẽ xẩy ra cho nước Mỹ vân vân. Toàn là những giả thiết cả. Thúy nhớ tới những câu giả thiết trong tiếng Anh mà Thúy học từ thời còn đi học, nhưng nay quên gần hết, thỉnh thoảng nói sai, cô con gái lại chữa tiếng Anh của mẹ. Hôm nay, nhờ thầy giáo giảng lại, giúp trí nhớ cho Thúy để khỏi bị cảnh trứng khôn hơn vịt nữa.

TRÚC GIANG

Thực ra, về tiếng Anh, những người như Trúc Giang và chị Lãm Thúy thì trứng có khôn hơn vịt thật. Các con được đi học trường Mỹ từ bé nên trứng giỏi hơn vịt là đúng. Trúc Giang cũng rất thắc mắc về những câu giả thiết trong tiếng Anh, muốn nói sao cho đúng thưa chú.

BBT

Thực ra, những câu giả thiết trong tiếng Anh cũng không khó gì. Giả thiết cách hay là SUBJUNCTIVE MOOD , hay CONDITIONAL SENTENCES trong tiếng Anh có HAI PHẦN tất cả.

Một phần là IF CLAUSE đưa ra một giả thiết, một điều không có thật, chưa xẩy ra, không bao giờ xẩy ra , hay đã xẩy ra nhưng không giống như sự tưởng tượng của chúng ta. Phần thứ HAI là chuyện sẽ xẩy ra, đã không xẩy ra, hay đã xẩy ra nếu giả thiết trở thành sự thật.

TRÚC GIANG

Chú vừa nói những câu giả thiết trong Anh không khó khăn gì , nhưng mấy điều chú nói ra sau đó, cháu thấy rắc rối quá.

LÃM THÚY

Đúng rồi, anh nói lại , cho vài thí dụ xem học trò anh có hiểu rõ hơn không.

BBT

Đây, chuyện này có xẩy ra vào lúc này không?

NẾU BÂY GIỜ TRỜI MƯA.

TRÚC GIANG

Bây giờ trời không mưa. Đó là chuyện không xẩy ra vào lúc này.

BBT

Còn cô Thúy, khi tôi nói NẾU TÔI ĐANG CÒN HAI MƯƠI TUỔI thì sao?

LÃM THÚY

Không thể có chuyện đó. Thúy rất buồn phải nói với thầy Trúc rằng chuyện thầy Trúc 20 tuổi là một quá khứ rất xa rồi thưa thầy, xa lắm lắm rồi. Hơn bốn mươi năm đã ra đi không trở lại kể từ khi thầy 20 tuổi rồi mà.

BBT

Thế còn khi nói NẾU NĂM 1954 TÔI KHÔNG DI CƯ VÀO SÀI GÒN

TRÚC GIANG

Chú đã di cư vào Sài Gòn. Như thế giả thiết đó KHÔNG ĐÚNG. Cháu có gặp chú ở Sài Gòn sau năm 1954 mà. Cháu nói đùa đó.

BBT

Thế khi nói NẾU TÔI Ở LẠI HÀ NỘI NĂM 1954. Cô Thúy cho biết sự thực thì như thế nào.

LÃM THÚY

Sự thực là anh KHÔNG ở lại Hà Nội. Giả thiết đó cũng không đúng.

BBT

Bây giờ hai cô hiểu những trường hợp giả thiết đó chưa?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu rồi. Nhưng những thí dụ chú đưa ra, có chuyện có thể xẩy ra, cũng có chuyện không xẩy ra, không bao giờ xẩy ra, không bao giờ có thể là sự thực. Lại có những chuyện đã xẩy ra mất rồi, hay đã không xẩy ra như cháu tưởng tượng. Không cách nào cứu vãn được nữa

BBT

Như vậy, cô Trúc Giang đã hiểu rõ vấn đề rồi. Cô Thúy cũng hiểu rõ rồi chứ. Bây giờ chúng ta xét từng trường hợp một. Trúc Giang, khi nói NẾU MAI TRỜI NẮNG và NẾU MAI TRỜI CÓ TUYẾT thì Trúc Giang thấy hai câu IF CLAUSE, tức là hai câu đưa ra những giả thiết ở trên có gì khác nhau không?

TRÚC GIANG

Cháu thấy một chuyện có thể xẩy ra được. Một thì không bao giờ. Ở nam California thì ngày mai trời có thể nắng, chuyện nắng là chuyện có thể xẩy ra ở California , nhưng sẽ KHÔNG BAO GIỜ CÓ TUYẾT.

BBT

Đúng . Cô Thúy, cô cho hai thí dụ cho hai trường hợp như vậy đi.

LÃM THÚY

NẾU LÁT NỮA RẢNH. Đây là chuyện có thể xẩy ra.

NẾU THÚY TRÚNG ĐỘC ĐẮC. Chuyện này thì hy hữu quá. Cơ hội là 1 trong 20 triệu. Gần như không bao giờ xẩy ra.

TRÚC GIANG

Nhưng tại sao trong tiếng Anh, những trường hợp như thế lại cần phải phân biệt ra? Cháu thấy trong tiếng Việt thì cứ nói NẾU CHỊ LÃM THÚY RẢNH RỖI, chị sẽ đi shopping. Hay NẾU CHỊ LÃM THÚY LÀ HOÀNG TỬ WILLIAM, chị sẽ chọn cô em của Kate là Pipa Middleton . Mọi người đều hiểu chị Thúy không bao giờ là ông hoàng William nên chuyện chọn Pipa Middleton không thể xẩy ra được. Ai cũng thấy ngay điều đó. Tiếng Anh mệt quá.

BBT

Tiếng Anh phân biệt rõ hai trường hợp Trúc Giang vừa nêu ra.

Một giả thiết có thể xẩy ra, có thể trở thành sự thật.

Trong trường hợp đó, cứ việc dùng THÌ HIỆN TẠI (PRESENT TENSE)

IF I HAVE TIME / IF YOU COME/ IF HE BRINGS HIS FRIEND/ IF SHE LIKES COFFEE / IF WE COME LATE / IF THEY GO BY BUS…

Và câu sau , câu nói là nếu những giả thiết ở trên thành sự thật, thì những gì sẽ xẩy ra, tức là hậu quả của điều kiện đưa ra trong câu IF, câu NẾU, câu đưa ra giả thiết, chúng ta dùng thì HIỆN TẠI hay TƯƠNG LAI (FUTURE TENSE) đều được.

TRÚC GIANG

IF I HAVE TIME, I WILL COOK DINNER FOR YOU

IF YOU COME, WE CAN GO FOR A PICNIC

IF HE BRINGS HIS FRIEND, WE CAN CLEAN UP THE GARDEN

BBT

Cám ơn Trúc Giang. Còn cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

IF SHE LIKES COFFEE, WE CAN GO TO STARBUCKS

IF WE COME LATE, SHE WILL NOT WAIT FOR US

IF THEY GO BY BUS, IT WILL BE CHEAPER

BBT

Như vậy , hai cô đều đã hiểu rõ những trường hợp như thế, đó là những trường hợp có thể xẩy ra, có thể là sự thật, có thể diễn ra mà không khó khăn gì. Nhưng cũng có những trường hợp khó xẩy ra, hay không bao giờ xẩy ra.

Thí dụ:

IF I WERE YOUNGER / IF YOU KNEW THE ANSWER/ IF HE COULD READ TWO BOOKS A DAY / IF SHE SAID YES TO HIM / IF WE STAYED HOME TONIGHT / IF THEY WENT SKIING TODAY

TRÚC GIANG

Tất cả đều là những chuyện khó hay không bao giờ xẩy ra vào lúc này. Cháu nhớ hồi học văn phạm ở trung học, cô giáo gọi những trường hợp đó là UNREAL PRESENT. Quan trọng là chữ PRESENT. Đó là những trường hợp KHÔNG ĐÚNG TRONG HIỆN TẠI.

LÃM THÚY

Những trường hợp ấy, chúng ta nghe động từ dùng trong thì quá khứ là biết ngay đó là những chuyện KHÔNG THỂ XẨY RA VÀO LÚC NÀY. Thúy lẫn lộn vì hai chữ UNREAL PRESENT, mà lại là những chuyện KHÔNG XẨY RA VÀO LÚC NÀY, TRONG HIỆN TẠI.

TRÚC GIANG

Có điều phải nói ở đây là động từ TO BE LUÔN LUÔN LÀ WERE. KHÔNG BAO GIỜ LÀ WAS, cho dù ngôi thứ nhất cũng là I WERE, HE cũng là HE WERE , và SHE cũng luôn luôn là SHE WERE.

BBT

Cám ơn Trúc Giang, tôi vừa định nhắc chi tiết đó thì cô lại nói hộ rồi. Vì thế, IF I WERE PRINCE WILLIAM…

LÃM THÚY

Anh không bao giờ là hoàng tử William . KHÔNG THỂ NÓI IF I AM PRINCE WILLIAM phải không anh?

BBT

Đúng là thế.

LÃM THÚY

Hèn chi, Thúy bị mấy đứa con sửa lưng là ở những trường hợp vừa kể ở trên. Cũng không thể nói IF SHE IS MY SISTER. Và IF SHE WAS MY SISTER cũng không được. Phải nói IF SHE WERE MY SISTER hay IF MY SON WERE IN VIETNAM NOW, không thể nói IF MY SON IS hay IF MY SON WAS phải không anh? Bao giờ cũng phải nói IF MY SON WERE IN VIETNAM.

BBT

Như vậy, cả hai cô đã hiểu UNREAL PRESENT. Thế thì đoạn sau chúng ta nói như thế nào?

TRÚC GIANG

Trong phần thứ HAI của câu CONDITIONAL SENTENCE, chúng ta dùng COULD, SHOULD, WOULD và MIGHT với động từ chính nguyên mẫu, KHÔNG CÓ TO phải không thưa chú?

Thí dụ

IF I WERE YOUNGER, I WOULD GO BACK TO UNIVERSITY

IF YOU KNEW THE ANSWER, YOU COULD HELP ME

IF HE COULD READ 2 BOOKS A DAY, HE MIGHT FINISH THE THREE KINGDOMS IN 3 DAYS

BBT

Còn cô Thúy, cô còn thắc mắc gì nữa?

LÃM THÚY

Thúy thử nói như thế này có đúng không thưa thầy giáo...

IF SHE SAID YES TO HIM, HE WOULD NOT GO TO SEATTLE TO STUDY

IF WE STAYED HOME TONIGHT, WE COULD WATCH HỒN VIỆT TELEVISION

IF THEY WENT SKIING TODAY, THEY MIGHT BE DISAPPOINTED

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ đến những trường hợp rắc rối hơn. Đó là nhũng giả thuyết trái hẳn với những gì đang xẩy ra, nghĩa là có đũa thần cũng không thay đổi được vì những chuyện đó đã xẩy ra mất rồi.

NẾU VUA QUANG TRUNG KHÔNG CHẾT TRẺ

NẾU TỔNG THỐNG DIỆM KHÔNG BỊ ĐẢO CHÍNH

NẾU KHÔNG CÓ VỤ 30 THÁNG TƯ

NẾU BIN LADEN LÀ NGƯỜI TỬ TẾ

Tiếng Anh gọi những trường hợp đó là UNREAL PAST, những chuyện KHÔNG CÓ THẬT TRONG QUÁ KHỨ.

TRÚC GIANG

Vì tất cả đều không như thế, đều không là nhũng điều đã xẩy ra trong quá khứ. Vua Quang Trung chết rất trẻ khi mới 40 tuổi, tổng thống Diệm thì đã bị đảo chính và tổng thống Diệm đã bị giết, vụ 30 tháng 4 đã xẩy ra, Bin Laden không tử tế, là một con ác quỉ. Trong những trường hợp như thế, những trường hợp UNREAL PAST, chúng ta nói thế nào trong câu IF thưa chú?

BBT

Chúng ta dùng IF và PAST PERFECT, tức là HAD và PAST PARTICIPLE của động từ chính. Cô Trúc Giang nói bằng tiếng Anh mấy câu trên coi .

TRÚC GIANG

IF EMPEROR QUANG TRUNG HAD NOT DIED YOUNG

IF PRESIDENT DIEM HAD NOT BEEN ASSASSINATED

IF SAIGON HAD NOT FALLEN

IF BIN LADEN HAD BEEN A KIND MUSLIM

BBT

Phần sau, chúng ta dùng SHOULD HAVE hay SHOULD HAVE NOT, COULD HAVE, WOULD HAVE, MIGHT HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.

Thí dụ

If Emperor Quang Trung HAD NOT DIED young, the map of Vietnam WOULD HAVE BEEN DIFFERENT

If President Diem HAD NOT BEEN ASSASSINATED, the histoy of Vietnam MIGHT HAVE TURNED OUT DIFFERENTLY

LÃM THÚY

Để Thúy nói tiếp đoạn sau nhé:

If Saigon HAD NOT FALLEND, I could have been a teacher

If Bin Laden HAD BEEN a kind Muslim, the Twin Towers in New York SHOULD HAVE BEEN still there.

BBT

Như vậy, hai cô hiểu CONDITIONAL SENTENCES chưa?

LÃM THÚY

Rồi. Hôm nay về nha Thúy không còn sợ bị con dậy dỗ về điều kiện cách nữa.

Thúy sẽ nói với mấy đứa còn ngồi xem TV rằng IF I WERE YOU, I SHOULD HIT THE BOOKS INSTEAD OF SITTING IN FRONT OF THE TELEVISION.

BBT

Nhưng nếu con của cô Thúy nói thế này thì cô trả lời ra làm sao?

IF WE HAD HONVIET TELEVISION ...

Thúy sẽ nói với con thế nào?

LÃM THÚY

Thúy sẽ nói thế nào đây? Thôi hay là cho các con coi một chút vậy.

If we HAD Honviet TV , then you COULD WATCH TV for another fifteen minutes.

If you WATCHED Honviet TV, you COULD SEE me in a program called English In Our Daily Lives.

Đó là những trường hợp UNREAL PRESENT, không có thật trong hiện tại, vì tuần tới Thúy mới gắn DIRECT TV để xem Hồn ViệtTV trên băng tần 2078.

BBT

Cám ơn cô Thúy. Bây giờ, đến lượt cô Trúc Giang, cô cho nghe một hai thí dụ về UNREAL PAST để coi cô đã hiểu rõ và cặn kẽ về Conditional Sentences chưa.

TRÚC GIANG

Nếu năm 1954 chú không di cư, nhưng thực ra thì chú đã di cư. Đó là điều kiện. Chuyện ở lại Hà Nội sau năm 1954 là chuyện không xẩy ra cho chú trong quá khứ. Đó là UNREAL PAST. Vậy thì phải nói là IF YOU HAD STAYED IN HANOI AND HAD NOT GONE TO SAIGON ... đúng không thưa chú?

BBT

Đúng. Bây giờ cô cho nghe nốt đoạn sau xem sao.

TRÚC GIANG

YOU WOULD HAVE GONE TO HUNGARY TO STUDY

YOU WOULD NOT HAVE BEEN SPEAKING ENGLISH

YOU COULD HAVE BEEN A WORKER IN A FACTORY OUTSIDE HANOI

BBT

Rất đúng.

IF I HAD STAYED IN HA NOI AND NOT GONE TO SAI GON, I MIGHT HAVE DIED SOMEWHERE ALONG TRUONG SON

I COULD HAVE FERTILIZED THE RUBBER PLANTATION IN AN LOC, MAY BE

I COULD NEVER HAVE MET YOU IN THE USA.

LÃM THÚY

Và I COULD NEVER HAVE STUDIED AND WORKED WITH YOU IN LITTLE SAIGON RADIO AND HONVIET TELEVISON phải không thưa thầy?

TRÚC GIANG

Và câu này là gì đây thưa chú:

IF HE HAD KNOWN THAT I HAD MARRIED

OH MY GOD, WOULD HE HAVE FELT SAD?

BBT

Nếu biết rằng tôi đã có vợ

Trời ơi người ấy có mừng không...

LÃM THÚY

Lần này thì chú sai: Đúng ra là Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng / Trời ơi người ấy có buồn không...

TRÚC GIANG

Cám ơn chú. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.