June 23, 2011

June 24, 2011

Ngày 20 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Hình như chúng ta càng ngày càng trẻ ra. Không cần phải uống sữa ong chúa, bôi vài ba chục lọ kem dưỡng da, rồi lại cả hộp Shisedo đắp lên mặt mỗi tối, hay để hai lát dưa chuột lên mắt và vài ba tháng đi chích Botox một lần, chúng ta vẫn đang càng ngày càng trẻ ra.

Thượng nghị sĩ John McCain khi 71 tuổi vẫn ra tranh cử tổng thống.

Ông Reagan tranh cử tổng thống khi bị đối thủ coi là già, ông nói với ứng cử viên Mondale rằng ông không bao giờ đem chuyện tuổi tác của ông Mondale ra nói để bị coi là kỳ thị. Ý nói ông không già, chỉ có ông Mondale trẻ (người non dạ) mà thôi.

Ông Reagan đắc cử, ngồi ở ghế tổng thống hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm.

Diane Sawyer

Mấy hôm trước, Diane Sawyer mặc một chiếc áo vàng tươi và một chiếc váy nhiều mầu sặc sỡ. Nàng tuổi tác đã ngoài 60. Những mầu sắc như thế trước đây, ở tuổi nàng, ai dám mặc.

Cách đây ít năm, cứ khoảng ngoài 40 là người ta phải chọn những mầu nào coi cho nhã một chút để khỏi bị chê là trẻ quá. Đó là những mầu nâu, mầu xám, mầu tím than. Sơ mi thì cứ mầu trắng, ca vát đỏ sậm, hay nâu đậm cho đạo mạo.

Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence vừa quàng vào cổ cái ca vát mầu hơi tươi một chút đã bị vợ cằn nhằn là sao lại chọn chiếc ca vát mầu quá trẻ đó.

Vai Fernandel đóng trong phim là một người đàn ông mới 40 tuổi. Hôm sau, người phụ nữ trẻ chàng gặp trong chuyến xe hàng thì lại nói tại sao chàng đeo chiếc ca vát mầu già như thế, phải đeo mầu tươi hơn mới được.

Như vậy là chúng ta bị những người chung quanh bắt phải già. Ngoài bốn mươi, ông bố tôi đã được, thực ra không biết phải nói là được hay bị, gọi là cụ. Cụ giáo, cụ hiệu trưởng, cụ thanh tra. Thôi thì cho đó là chuyện gọi chức vụ đi. Nhưng chúng ta quả là đã bị những người chung quanh bắt là già đi.

Năm mươi tuổi Nguyễn Khuyến lên lão, đã vườn Bùi chốn cũ lụ khụ trở về nghỉ hưu. Bây giờ năm mươi ai dám nói là già?

Báo Orange County Register tuần qua có một bài viết về một cặp tân hôn. Tân lang 100 tuổi. Tân giai nhân 90 tuổi. Chúc hai người chúc gì? Bách niên giai lão chăng? Cụ ông đã một trăm rồi còn chi? Chúc hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long ư ? Ca hai mái đầu đều đã bạc. Mấy hàm răng không thể long được nữa. Có thể tháo ra để đầu giường mỗi tối chứ long ở đâu mà long.

Đọc những trang tìm bạn trên các báo người ta đọc thấy những lời rao tìm bạn của những người trên 60 kiếm những người cũng trên 60. Nhớ lại mấy chục năm trước, khi ông cụ tôi và các bạn của cụ bằng tuổi ấy, có ai dám làm chuyện đó đâu. Gợi ý ra với các cụ là bị gạt phắt đi ngay lập tức.

Bày giờ, các cụ vẫn còn rối rít tìm nhau làm con cháu chóng cả mặt. Tại một cư xá của các cụ ở Virginia, những vụ đánh ghen lại thỉnh thoảng diễn ra vì cụ ông tránh một cụ bà ở lầu 2 để dùng bữa với cụ bà khác ở một lầu khác.

Một bản tin truyền hình nói là sáu mươi tuổi bây giờ là 40 tuổi của hồi cách đây 20 năm. Như vậy, 70 tuổi nay chỉ là 50 tuổi chứ già ở chỗ nào. Tuổi 70 vẫn lái xe ào ào, vẫn nhuộm tóc, đeo tóc giả đi nhẩy đầm, kiếm bạn trai cũng như bạn gái, làm đám cưới linh đình, rồi lại còn ra tranh cử tổng thống và tin chắc là nếu đắc cử, sẽ ngồi ở tòa Bạch Ốc ít nhất 4 năm nữa.

Bởi thế, Diane Sawyer ngoài 60 vẫn quần áo rực rỡ, bầy chân cẳng ra như mới hai mươi mấy. Không ai bắt bẻ rằng ngoại lục tuần rồi mà còn áo quần xí xọn.

Những người đàn ông và những người đàn bà bỗng thấy cái ca vát mầu tươi, cái áo rực rỡ, bộ suit mầu nhạt, đôi giầy mầu đỏ, mầu vàng trở nên mời gọi hơn, muốn vào tiệm mang về nhà cho tiện việc sổ sách.

Nhìn chung quanh chắc chúng ta cũng đã thấy những đổi thay như thế. Không còn phải kiếm những thứ mầu đậm, ảm đạm nữa. Phải kiếm cái ca vát, cái áo tươi một chút. Tại sao phải đạo mạo? Tại sao phải già? Tại sao phải chọn cái mầu cho nhã? Tuổi tác là cái gì? Là mấy con số thoi chứ là cái gì.

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Già ư? Cứ để cho anh nhận hết. Còn em? Cứ tuổi nhỏ như thơ ông Mai Thảo. Và mặc kệ cho trăm ngọn gió thổi vào cõi đời còn xanh biếc của chúng ta.

Cõi biếc ấy là cõi không già, không có tuổi vậy.


Ngày 21 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Mấy chục năm trước, thỉnh thoảng có dịp ngồi ăn trưa với ông ngoại các cháu, tôi lại phải nghe suốt bữa những lời than thở bực mình về vật giá trong ngày. Cụ nhắc lại thời giá của hơn ba chục năm trước, hồi những năm 1930, 1940 một chiếc xe đạp Alcion giá có mười mấy đồng, bộ quần áo may đẹp cũng chỉ vài đồng bạc, những bữa đi ăn tiệm chỉ mấy hào … Ông Tú Xương thì than

Vừa đồng bạc lớn ông lang Sán
Lại mấy hào con chú Ích Sinh
.

Toàn là những thứ tiền đến thời của chúng tôi thì không còn thấy dùng nữa.

Bây giờ thì là những đồng xu Mỹ. A penny saved is a penny earned. Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được.

Nhưng không còn ai ngồi mà đếm mấy đồng xu đỏ nữa. Những cách nói có từ lâu chắc cũng sẽ ra đi. Not a penny to my name, không một xu dính túi.

Nhiều ý kiến đã muốn dẹp hẳn những đồng xu này. Lý do là vì không còn ai tiêu chúng nữa, mà phí tổn để đúc chúng lại cao hơn trị giá của chúng. Từ ngoài đường về nhà,gần như người Mỹ nào cũng móc hết những đồng bạc kim khí ra, ném lên bàn. Giữ lại những đồng 5 xu, 10 xu , 25 xu. Những đồng 1 xu thì gạt sang một bên chờ một hôm nào có nhiều, ra ngân hàng mang theo đổi thành tiền giấy. Nhưng phải một trăm đồng mới thành một đô la giấy. Ít khi nhớ mang chúng theo nên những đồng xu mầu đỏ với chân dung nhìn nghiêng của tổng thống Abraham Lincoln tiếp tục nằm trong những góc kẹt của những chiếc ngăn kéo, trong những góc nhà cho đến khi dọn dẹp căn phòng hay đổi địa chỉ đến một nơi khác mới lại thấy chúng.

Chúng cũng chẳng an ủi được người tiêu thụ bao nhiêu. Thay vì đề giá 20 đô la, người ta đề 19 đô la 99 xu. Ai là người tin cái giá đó là giá rẻ hơn 20 đô la. Cộng thêm mấy xu thuế là thành trên hai chục đô la ngay. Mà cho dù có đúng là 19 đô la 99 xu, đưa tờ giấy 20 đô la ra, mấy ai chúng ta giơ tay chờ nhà hàng trả lại 1 xu đó.

Khách không thèm lấy 1 xu, mà chủ tiệm nhiều khi cũng chẳng thèm lấy. Thế là có cãi hũ nhỏ, cái hộp nhỏ cho khách bỏ đồng 1 xu, hay nhiều khi là ba , bốn, đồng xu vào cái hũ ấy. Không ai biết chúng đi đâu.

Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng làm được việc. Thí dụ khi tính tiền, giá món hàng phải trả là 15 đô la lẻ 1 xu chẳng hạn. Người mua đưa ra tờ giấy 20 đô la. Một số tiệm trả lại bằng một tờ giấy năm đồng , xí xóa 1 xu lẻ đó. Nhưng cũng có những tiệm nhất định lấy cho đủ 1 xu bằng cách trả lại cho khách 4 đô la 99 xu. Lúc ấy, nếu có cái hũ để sẵn vài đồng xu của những vị khách trước, thì chỉ cần thò tay lấy 1 xu trong hũ đưa cho nhà hàng đúng hệt như hàng chữ viết bên ngoài hũ: You give one, you take one. Thừa thì cho 1 xu. Thiếu thì lấy một xu.

Khi thấy nhà hàng nhất định lấy cho đủ 1 xu mặc dù phải phá đồng 5 đô la ra để trả lại 4 đô la 99 xu vừa lẻ loi, vừa nặng chình chịch đó, lục trong ví, trong túi không sao có được 1 xu để đưa cho người thu tiền khó tính và độc ác đó, thì người ta mới thấy sự lợi ích của đồng 1 xu.

Cầm lấy 4 đồng 99 xu mà giận điên lên trong khi phía bên kia thì lặng lẽ cười khoái chí vì vừa chọc giận được một người khách.

Nếu có thể tránh được, chuyện trở lại tiệm chắc không bao giờ xẩy ra nữa.

Như vậy, đồng penny cũng có thể là một thứ có thể dùng để chọc tức người khác hay trả thù cho bõ ghét.

Một người lái xe nọ, bị cảnh sát phạt mấy chục bạc. Ông đến quận cảnh sát với khoảng năm ngàn đồng 1 xu, chở bằng mấy thùng để trả tiền phạt. Cảnh sát không nhận, nại lý do là không có người đếm tiền. Người bị giấy phạt thì nói là không có chi phiếu hay tiền giấy. Kết cục cảnh sát vẫn thắng. Chỉ là để làm khó nhau mà thôi.

Nhưng vô duyên nhất là con số 9/10 của một xu. Đây là cái gì? Ai tìm được 9/10 của 1 xu, xin chỉ chỗ. Chắc nó phải trở thành một món sưu tầm quí lắm.

Tìm thì không thấy, không sờ được,không nhặt lên được. Nhưng 9/10 xu thì vẫn thấy lù lù ở ngoại đường. Ở giá xăng tại những cây xăng củacác thành phố Mỹ.

Giá 4 đô la 99 , 9/10 xu có thấp hơn 5 đô la không?

Nhất định là không. Nhưng nó vẫn xuất hiện trên bảng giá tại các trạm xăng. Ghi nó trên bảng giá làm gì? Ai tin là giá xăng ghi như thế là rẻ, là thấp hơn 5 đô la?

Nhớ con cò trong ca dao Việt Nam.

Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con

Con cò xin được chết yên lành, sạch sẽ, ngon lành vì đằng nào cũng chết.

Người lái xe cũng vậy. Đằng nào cũng phải chi trên 4 đô la 1 ga lông xăng. Thì cứ tính cho đủ, cho đúng trên 4 đô la , chúng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay, giữ khuôn mặt vui tươi và trẻ trung để trả cái giá đó.

Đừng giả bộ an ủi, tử tế, nhẹ nhàng với chúng tôi trong khi lưỡi dao dấu sau lưng sắp chém chúng tôi nát cổ không một mảy may thương sót.


Ngày 22 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Thỉnh thoảng ngồi một mình tôi lại nhớ lại một thứ đã mấy chục năm nay không thấy trên bìa những tờ báo xuân Việt ngữ ở hải ngoại.

Đó là những bức chân dung phụ nữ một thời không thể không có trên bìa những tờ báo xuân ở Việt Nam mấy chục năm trước. Trước khi có phong trào in hình ca sĩ và diễn viên điện ảnh, thì bìa của một vài tờ báo xuân bao giờ cũng là một bức chân dung phụ nữ, một bức vẽ chứ không phải là tác phẩm nhiếp ảnh.

Và trong nhiều năm, những bức chân dung của người phụ nữ có một khuôn mặt duy nhất là món không thể không có của những tờ báo của các báo miền nam. Những tờ báo của các nhà báo miền bắc làm báo ở Sài gòn thì không dùng những bức chân dung đó. Nhưng gần như tất cả các báo xuân của các nhà báo miền nam đều dùng những chân dung đó làm bìa.

Những bức vẽ chân dung phụ nữ trên các bìa báo này đều có những nét rất giống nhau. Và người đi đầu trong lối vẽ chân dung cho các báo xuân là họa sĩ Lê Trung. Lê Trung cũng là người vẽ những chân dung đẹp nhất.

Họa sĩ Lê Ngọc Trung - Lê Trung,
nổi tiếng về tranh vẽ thiếu nữ

Ông vẽ cô nào cũng giống cô nào. Tất cả đều mang vẻ đẹp của những phụ nữ miền nam. Miền nam từ mái tóc đến đôi mắt, đôi môi trái tim hơi dầy mọng. Đôi mắt nếu những người chưa bao giờ hiểu hai chữ ướt rượt thì chỉ cần nhìn những đôi mắt của phụ nữ trong tranh Lê Trung là thấy ngay. Đó là những đôi mắt to, mở lớn, lòng đen bao giờ cũng có nét sáng long lanh, và hàng lông mi, cho dù người mẫu đưa ra những gợi ý của một vẻ đẹp đồng quê, vẫn là hai hàng mi dài và cong như vừa dùng xong nửa chai mascara.

Người phụ nữ trong tranh có khi có chiếc khăn rằn trên đầu nhưng vẫn không dấu đi mái tóc, đôi bông bụp bông xoè và chiếc áo bà ba may rất khéo . Phía sau bao giờ cũng là một mái tranh, một khúc sông, những cây dừa , một con thuyền, những cảnh rất miền nam.

Những chân dung Lê Trung vẽ đã ngự trị trên những bìa báo trong suốt nhiều năm. Hết Tết, những tấm bìa được dán trên vách những căn nhà gỗ, trang điểm cho căn nhà suốt năm.

Ông Lê Trung ở với chúng ta như thế mà không mấy ai biết được bao nhiêu về ông. Những sách vở viết về văn học nghệ thuật miền nam không một cuốn nào đề cập đến ông. Ông có tốt nghiệp một trường mỹ thuật nào không, ông khởi vẽ từ năm nào, ông còn vẽ những loại tranh nào khác nữa không, ông ở đâu, có còn vẽ nữa không, có còn ở với chúng ta không, không một chi tiết nào về ông có thể tìm thấy được trong các tài liệu về Việt Nam

Lối vẽ của ông có thể không thuyết phục được những con mắt có nghiên cứu hội họa nhưng nói là xấu thì không thể nói được. Lối vẽ đó không kinh điển, mực thước như những bài dậy ở trường Mỹ thuật, nhưng ông vẽ phụ nữ ra phụ nữ, phong cảnh đúng luật viễn cận, mầu sắc pha rất khéo.

Thế thì còn đòi hỏi gì nữa.

Lối vẽ đó làm vui mắt độc giả bao nhiêu mùa xuân ở Việt Nam.

Họa sĩ Lê Trung ông đang ở đâu? Ông có còn ở với chúng ta không? Ở một nơi nào đó, nếu ông còn sống, xin ông hiểu là vẫn còn có rất nhiều người cầm những tờ báo xuân là lại nhớ đến tác phẩm của ông.

Ông vẽ giản dị, mộc mạc, thành thật, hiền lành như miền nam của những năm 50, 60.

Những bức chân dung phụ nữ ông vẽ tượng trưng cho cái đẹp rất miền nam mà chúng tôi rất yêu quí.

Không một họa sĩ nào vẽ được như ông. Ông đã tạo những ấn tượng không bao giờ quên được của những năm tháng trong cái đời sống đã có lúc hết sức đẹp mà đến nay vẫn chưa quên được.

Nhớ đến những tờ báo xuân tôi nhớ ông rất nhiều, nhớ khuôn mặt phúc hậu và hiền lành của những phụ nữ miền nam đã theo tôi đến tận ngày hôm nay.

Đó là nhũng chân dung của hạnh phúc mà tôi có được trong một thời gian ngắn nhưng không bao giờ rời xa và bỏ đi trong suốt những năm sau đó.

Cám ơn họa sĩ Lê Trung. Nhũng chân dung của tuổi trẻ và những ngày tháng hạnh phúc nay đã rất xa.


Ngày 23 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.

Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nưóc ra đi.

Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.

Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.

Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.

Nước Mỹ được cái hay là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là câu "The sky is the limit", nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.

Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưỏng tượng ra được.

Tại những đám cưới sang trọng, đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ như Washington, Virginia thì bao giờ cũng có cảnh nguời ngồi dự tiệc là ngưòi Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, đặt được chiếc va ly, gói hành lý, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở những chai rượu. Mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.

Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưỏng tượng những nguòi ấy trong chuyến đi tới nước Mỹ, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.

Những tin tức làm xao động nước Mỹ mấy tuần qua là những tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ, hơn năm trăm người bị nhốt trong một chiếc xe vận tải kéo rờ mọc.

Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong những việc dễ kiếm nhất, là việc bồi bếp ở các tiệm ăn.

Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những nguòi làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.

Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm ăn khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.

Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.

Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói không dám hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.

Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nước, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nước, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam làm chung trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.

Nhưng không phải nguời di dân lậu nào cũng làm những việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.

Nhìn những người thoáng cũng biết là Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu người Việt vửa rẻ vừa ngon. Tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chuyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.

Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.

Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.


Ngày 24 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Trong cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác, giáo sư Nguyễn Văn Trung nêu ra một điểm rất lý thú. Nước bọt trong miệng chúng ta, mỗi ngày chúng ta nuốt cả vài chục lần. Có sao đâu.

Nhưng thử nhổ ra ngoài, thì ai dám nuốt lại nước bọt của chính mình?

Chắc là không. Nước bọt của mình còn thế, huống chi của người khác.

Thế nên chuyện khua cái đũa của mình vào tô canh là điều rất dễ sợ. Mà không ít người có thói quen đó. Thản nhiên mút đũa của mình, rồi lại khuấy tiếp trong bát canh.

Đó là hành động tôi sợ nhất.

Phải làm gì?

Tôi hay đi ăn tiệm, nhiều khi được kéo xuống ngồi ăn chung với dăm ba người khác. Trong trường hợp ấy thì phải phòng thân trước đã.

Tô canh vừa bưng ra, thì phải giả bộ bất lịch sự trước, nói to rằng ối giời ơi, lâu quá không được ăn canh, tôi phải xin phép các ông nhá, rồi lấy muỗng, múc ngay vào cái bát sạch trước tất cả mọi người. Xong rồi nói về bát canh cho đỡ ngượng và để mọi người tin đây là 1 người đàn ông vụng dại, không biết nấu nướng gì ở nhà, lại cũng không có bếp nấu cho ăn ở nhà. Cả bàn tiệc sẽ rất thương cảm cho cuộc đời chẳng có gì vui của người đàn ông ấy.

Đó là bát canh. Làm được như vậy thì hết lo chuyện người khác khoắng đũa vào bát canh. Còn đĩa xào?

Dễ. Nước canh lỏng nên các thứ từ đũa có thể bơi lội tự do, né không được.

Nhưng món xào thì dễ, cứ tấn công khu vực những cái đũa chưa đụng vào. Tránh nhắm miếng lớn , vì miếng lớn thì để cho nguời khác. Cứ gặp miếng nhỏ, ở góc chưa có ai đụng vào là an toàn, mà lại không mang tiếng ăn tham, ăn tục.

Nếu phải chấm chung thì cũng tìm cách chấm trước rồi để sang một bên đĩa của mình cho an toàn.

Thực ra, chuyện lây bệnh thì cũng có. Nhưng chưa lây, mới chỉ ngó và tưởng tượng chung đụng với những người ấy cũng đủ phát bệnh.

Một bữa, ở tiệm ăn, người ngồi chung bàn với chúng tôi bị một người ho sặc sụa và phun nguyên một đống cơm và canh vào mặt. Gặp chuyện đó thì làm gì bay giờ?

Muốn thì cũng dễ, chỉ cần khả năng diễn xuất 1 chút: nhăn mặt làm Tây Thi, giả vờ đau bụng, xin kiếu, vào nhà tắm, rửa tay, rửa mặt cho hết nước miếng của ông bạn văng vào mặt, rồi yểu điệu đi ra, nói là khó chịu, xin kiếu để đi về trước. Ra đầu đường ghé tiệm mì kêu một tô là xong bữa tiệc.

Còn hơn là ngồi đó mà lợm giọng.

Còn một trò chơi rất nham nhở của một vài người tại các tiệc cưới: cầm chai rươu và cái ly đi từng bàn, rót rượu vào ly, rồi ép uống.

Dứt khoát là không uống. Ép gì cũng được, ép dầu, ép mỡ, ép duyên cũng được. Nhưng ép rượu kiểu đó thì không uống. Mời lại ông ta xem ông ta có chịu chơi cái trò mọi rợ đó hay không.

Một lần tôi được mời lại nhà một người, chưa thấy cảnh khoắng đũa, nhưng trên bàn có cái đĩa, trên đĩa có cái khăn ướt. Chủ nhà cầm lên, lau mặt, lau mắt, lau mũi, lau tai, lau tay, rồi gấp lại, để trở lại trên đĩa...

Tại sao lại không có cái khăn giấy Kleenex?

Chiếc khăn có thể được giặt, phơi trong buồng tắm. Khăn không có nắng, mùi hôi còn bốc ra.

Làm sao mà ăn được?

Lại đóng xuất sắc vai đau bụng, chạy ra xe về nhà lập tức.

Bây giờ, cái điện thoại cầm tay với cái nút nhỏ, trông thấy cảnh có thể làm mất appétit thị bấm vào nó, chuông reo thì hét vào máy rằng 5 phút đến ngay, rồi quay sang người vừa khoắng đũa, nói là có emergency phải đi gấp.

Ra ngay tiệm phở, gọi một tô, đũa của mình muốn khoắng thế nào cũng được.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 102)

SOME COMMON MISTAKES IN ENGLISH

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 102 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh tuần này có một thính giả nhờ anh giải thích khi bị hỏi HOW DO YOU DO? thì trả lời như thế nào cho đúng. Thúy cũng gặp trường hợp này một hai lần, bây giờ, sau khi đọc bức thư của vị khán giả này gửi cho chương trình, Thúy cũng thấy không biết những lần Thúy trả lời câu hỏi đó trước đây có đúng hay không nữa.

BBT

Trước hết, đây không phải là một câu hỏi. Đây cũng không phải là câu thăm hỏi về sức khỏe. Có điều câu HOW DO YOU DO? ít nghe thấy ở Mỹ. Câu này là câu chào thì đúng hơn, khi hai bên gặp nhau lần đầu. Hồi mới đến New Zealand mấy chục năm trước, chúng tôi cứ hay đùa nhau một người nói HOW DO YOU DO? người kia nói lại I DON’T DO hay I DO, I VERY DO. Nhưng đó là nói đùa thôi, không phải là cách đáp lại câu HOW DO YOU DO? Câu này thường được dùng khi hai bên được giới thiệu để gặp nhau, quen nhau lần đầu. Một bên nói HOW DO YOU DO? có dấu hỏi (QUESTION MARK ?) ở cuối. Người được hỏi đáp lại HOW DO YOU DO nhưng không có QUESTION MARK.

QA

QA thấy thật là kỳ cục. Hỏi và đáp đều là một câu, chỉ khác có cái dấu hỏi (?). QA thấy là khi viết xuống thì có cái dấu hỏi, nhưng khi nói thì làm sao thấy cái dấu hỏi đó?

BBT

Đây là cách chào nhau , một cách chào nhau hơi xã giao, kiểu cách một chút, hơi quí tộc Ăng Lê một chút chứ ngày nay, ít người còn ăn nói như thế. Cứ HI!, phía bên kia HI! Lại là được rồi. Cách trả lời cho HI! có thể như tôi vẫn trả lời bạn bè khi HI … ANH! hay HI…ÔNG! là "cải chính"… Có một thôi, HAI (HI) bao giờ… Thôi để nói tiếp . Trả lời HOW DO YOU DO? có thể là (I AM) PLEASED TO MEET YOU, hay HELLO, hay HOW DO YOU DO nhưng không có dấu hỏi ở cuối. Kỳ cục thật. Hỏi rồi lại đáp bằng chính câu ấy.

LÃM THÚY

Gặp lần thứ nhì, sau khi đã quen, đã biết nhau rồi thì có hỏi HOW DO YOU DO? nữa không thưa anh?

BBT

Không. Câu này chỉ được dùng trong lần đầu tiên khi được giới thiệu mà thôi. Còn khi được hỏi HOW ARE YOU? lúc ấy mới là lúc khai báo đầy đủ bệnh trạng của mình.

Thực ra không cần thành thật khai báo như thế. Chúng ta không ai muốn nghe về bệnh trạng não nề của người khác, nên nếu không đang đứng trong phòng mạch, hay trong Emergency Room thì dù cho có không khoẻ mười mươi đi chăng nữa thì cũng cứ nhẹ nhàng I AM OKAY… I AM FINE… I AM DOING ALRIGHT.

Người Mỹ có câu này tôi nghe cũng đôi ba lần: A BORE IS A PERSON WHEN ASKED "HOW ARE YOU?", WOULD TELL YOU… nghĩa là người vô duyên là người khi được hỏi HOW ARE YOU? thì người ấy sẽ ngồi xuống đầu đuôi ngọn ngành, đọc luôn cả hồ sơ bệnh lý của mình ra cho người thăm hỏi mình nghe cho điên cái đầu luôn. HOW ARE YOU? là một câu hỏi, là câu thăm hỏi sức khỏe thật đấy nhưng ít người muốn nghe chuyện ốm đau sầu não của người khác bao giờ. Cứ I AM FINE THANKS, AND YOU? là đủ.

QA

Anh vừa nói A BORE, anh nói thêm về chữ này được không?

BBT

Động từ TO BORE là làm cho ai chán vì những chuyện hay việc làm vô duyên ngớ ngẩn. Thí dụ HE CAN BORE US TO DEATH WITH THE DETAILS OF HIS TRIP TO CHINA nghĩa là ông ta có thể kể liên miên về chuyến đi Trung quốc của ông đến lúc chúng ta có thể chết về những câu chuyện vô duyên đó.

A BORE là danh từ nghĩa là một người ăn nói vô duyên mà chúng ta rất muốn gặp khi vào giường đi ngủ. Nghe chàng hay nàng nói chuyện thì chỉ năm phút là xưởng cưa có thể chạy hết tốc lực ngay.

BORING là vô duyên, buồn nản, ngao ngán. A BORING EVENING; A BORING PERSON; A BORING STORY.

LÃM THÚY

Thế trái nghĩa với BORING là gì thưa anh?

BBT

Tôi biết cô định nói gì rồi. Trái nghĩa của BORING là INTERESTING. Chữ này rất khác với INTERESTED. INTERESTING là lý thú, hấp dẫn. INTERESTED là quan tâm, thích, muốn biết về, muốn tìm hiểu về. Tôi cũng đã nghe hai chữ này bị dùng không đúng khá nhiều lần. AN INTERSTING BOOK là một quyển sách hấp dẫn. AN INTERESTING PERSON là một người lý thú, ăn nói duyên dáng. Hai chữ này đều dùng được với động từ TO BE như TO BE INTERESTED và TO BE INTERESTING, và vì thế chúng mới rắc rối. Thí dụ nói I AM INTERESTED IN WINE MAKING là tôi muốn tìm hiểu, muốn biết thêm về, tôi muốn bước vào nghề làm rượu nho. Nhưng không bao giờ nói I AM INTERESTING IN WINE MAKING… Nói I AM INTERESTING chẳng lẽ lại là khoe mình là ngươi hấp dẫn, duyên dáng … Việt Nam hay sao.

QA

QA biết câu "chữ TÁC đánh chữ TỘ, nhữ NGỘ đánh chữ QUÁ" để nói về những chữ hay lầm khi học chữ Hán ngày xưa, cũng như "KIÊN trông ra TIỆP" khiến ông Trần Tế Xương văn hay chữ tốt mà vẫn hỏng thi. Nhưng đó là chữ Hán, chỉ cần thiếu hay thừa một nét là thành những chữ khác nhau xa. Trong tiếng Anh có như thế không thưa anh?

BBT

Có chứ. Có khá nhiều trường hợp như thế. Tôi sẽ đưa ra một số trường hợp hay gặp. Một số mà thôi.

LÃM THÚY

Thúy nhớ mấy đứa con Thúy nói với nhau về một người bạn của chúng ở trường. Cậu học sinh này được một đứa mô tả là học hành chăm chỉ HE WORKS HARD. Đứa kia nói HE HARDLY WORKS. Hình như chúng không đồng ý với nhau có phải không thưa anh?

BBT

Đúng. HE WORKS HARD là nó học hành chăm chỉ. Nhưng HE HARDLY WORKS thì lại có nghĩa là nó ít khi làm việc lắm. I HARDLY KNOW HIM là tôi không quen biết ông ta bao nhiêu. I CAN HARDLY HEAR YOU là tôi nghe anh khó lắm. I HARDLY UNDERSTAND HER là tôi thấy khó mà hiểu được cô ấy.

QA

Mấy hôm trước, QA lại vừa bị con gái bắt lỗi khi nói về chuyến đi Đài Loan mới đây. QA nói I HAVE GONE TO TAIWAN thì bị con gái sửa lưng là phải nói I HAVE BEEN TO TAIWAN mới đúng. QA thấy cả hai câu đều nghĩa là QA đi Đài Loan cả thế thì sai là ở đâu?

BBT

Hai câu rất khác nhau. I HAVE BEEN TO TAIWAN là tôi đã đi Đài Loan. Chuyến đi đã xong. Tôi đã về nhà.

I HAVE GONE TO TAIWAN là tôi đã đi Đài Loan và chuyến đi chưa chấm dứt, tôi chưa về nhà.

LÃM THÚY

Có hai chữ này Thúy hay lộn hoài, đó là LOOSE và LOSE. Xin anh giảng cho nghe về chúng.

BBT

LOOSE là tĩnh từ có vài ba nghĩa khác nhau. LOOSE là lỏng, không chặt, rời ra, không dính vào nhau. Cái áo rộng là LOOSE. HE LOST A LOT OF WEIGHT. HIS SHIRTS ARE NOW VERY LOOSE. Tiền lẻ là LOOSE CHANGE.

TO LOOSEN là nới lỏng ra, làm rộng ra. Trái nghĩa là TO TIGHTEN. Thắt lưng buộc bụng là TO TIGHTEN THE BELT.

Trong khi đó, LOSE là động từ TO LOSE là mất. PAST TENSE là LOST. PAST PARTICIPLE là LOST. Thí dụ WE LOST (quá khứ củaTO LOSE) EVERYTHING IN APRIL 1975. RECENTLY PEOPLE FOUND MANY LOST (PAST PARTICIPLE được dùng như tĩnh tự) MANUSCRIPTS BY HỒ XUÂN HƯƠNG.

Có hai chữ này có lẽ hai cô cũng nên biết vì chúng rất khác nhau. Đó là MOST và MOSTLY. Hai cô chắc phải biết dùng tĩnh từ MOST rồi. QA cho nghe thử một thí dụ với MOST coi.

QA

MOST nếu là tĩnh từ thì nó đi trước danh từ, có nghĩa là phần lớn, đa số, phần nhiều như khi nói THEY FINISH MOST OF THE CAKE. Chúng nó ăn gần hết cái bánh.

LÃM THÚY

MOST OF THE BOOK IS ABOUT NHẤT LINH AND TỰ LỰC VĂN ĐOÀN.

BBT

Bây giờ qua trạng từ MOSTLY. Trạng từ này nghĩa là tổng quát, chính yếu, đa phần, thông thường. Thí dụ MUSLIMS ARE MOSTLY GOOD PEOPLE. Cô Thúy cho nghe một câu với MOSTLY coi.

LÃM THÚY

PEOPLE OF SRI LANKA ARE MOSTLY BUDDHISTS.

QA

PEOPLE GO TO VATICAN ARE MOSTLY FOR THE MASS WITH THE POPE.

BBT

HAI động từ này cũng có thể làm cho người nói tiếng Anh lầm vì chúng đều có nghĩa là đưa lên cao, nhấc lên, tăng lên. Khác nhau là ở chỗ một động từ phải có túc từ tức là OBJECT và một động từ KHÔNG CẦN OBJECT.

Khi nó cần túc từ, nghĩa là nó phải có túc từ đi sau thì văn phạm gọi nó là THA ĐỘNG TỰ, TRANSITIVE VERB. TO RAISE là nâng lên, nhấc lên, đưa lên một vật gì. Quá khứ là RAISED; Past Participle là RAISED.

Khi nó KHÔNG cần túc từ, nó là TỰ ĐỘNG TỰ, INTRANSITIVE VERB. TO RISE là INTRANSITIVE VERB, là TỰ ĐỘNG TỰ. Past Tense của TO RISE là ROSE và Past Participle là RISEN. Hai cô cho biết khi nói THE SUN ALSO RISES, mặt trời cũng mọc thì TO RISE có cần một túc từ hay không?

QA

THE SUN ALSO RISES tên của một tiểu thuyết của Hemingway thì động tự RISES là một TỰ ĐỘNG TỰ. Đằng sau TO RISE không cần một thúc từ đi theo.

BBT

Thế còn khi tôi nói tôi giơ tay lên thì tiếng Anh nói thế nào, cô Thúy?

LÃM THÚY

I RISE MY HAND… Đúng không thầy?

BBT

Không đúng vì TO RISE không cần túc tự HAND.

LÃM THÚY

Vậy thì phải nói là I RAISE MY HAND . Đúng rồi. Nhưng nói I ALWAYS RISE EARLY EVEN DURING THE WEEK-END. Tháng trước, Thúy cho con trai thêm 20 đô la mỗi tháng làm anh chàng cám ơn mẹ rối rít… THANK YOU FOR THE RAISE, MOM! Bây giờ thì Thúy biết nếu viết xuống, phải là RAISE chứ không phải là RISE nữa. Nhưng thưa anh, THE RAISE là lên lương, tăng tiền túi là danh tự của động tự TO RAISE. Còn TO RISE có danh từ xuất xứ từ động từ TO RISE không?

BBT

Có chứ. Thí dụ THE RISE OF HITLER là sự dấy lên, sự vùng dậy, trỗi dậy của Hitler.

Còn một cặp này nữa tôi thấy cần nói hôm nay không thì quên mất. Đó là USED TO như trong TO BE USED TO và USED TO DO.

TO BE USED TO là quen, để nói về những việc đã trở thành quen thuộc , cho dù đó là việc hay chuyện cũ hay mới. USED TO được dùng như một tĩnh tự (ADJECTIVE) thí dụ khi nói tôi nay đã quen với giọng Mỹ thì QA nói thế nào bằng tiếng Anh?

QA

I AM USED TO THE AMERICAN ACCENT.

BBT

Thúy cho nghe một thí dụ với TO BE USED TO hay TO GET USED TO coi. Nhớ dùng một danh từ sau USED TO.

LÃM THÚY

MY CHILDREN ARE NOW USED TO MY NEW SCHEDULE.

BBT

USED TO là một động từ để nói tới một việc làm thường diễn ra trong quá khứ nhưng nay thì không còn diễn ra nữa. Nó chỉ có một thì quá khứ mà thôi. Thí dụ I USED TO SMOKE A PACK A DAY. QA cho nghe một thí dụ với USED TO, với một động tự nguyên mẫu (INFINITIVE) coi.

QA

MY DAUGHTER USED TO ATTEND THE SAME SCHOOL WITH HIM.

BBT

Lãm Thúy đặt một câu với USED TO coi.

LÃM THÚY

I USED TO CLOSE THE SHOP AT 7 P.M. BUT NOW I CLOSE AT 6.30.

BBT

Thôi chúng ta qua chuyện khác, những cặp … nguy hiểm đầy cạm bẫy của tiếng Anh sẽ trở lại vào một dịp khác. Tôi muốn nhắc hai cô một PHRASAL VERB này: TO LOOK FORWARD TO. Gọi nó là PHRASAL VERB vì nó là một nhóm chữ cấu thành một động từ. Không phải chỉ là TO LOOK, mà là TO LOOK FORWARD TO. Khi dùng nó, tiếp ngay sau phải là một danh tự hay một danh động tự, một GERUND, hay nói cách khác, là VERB+ING. KHÔNG BAO GIỜ là một INFINITIVE. Thí dụ nói I LOOK FORWARD TO SEE YOU là sai. Phải nói là I LOOK FORWARD TO SEEING YOU mới đúng.

Nhưng rất nhiều người phạm phải lỗi này. TO LOOK FORWARD TO nghĩa là mong cho tới ngày, tới khi làm được việc gì đó. Trong thư viết, chúng ta thỉnh thoảng cũng thấy dùng PHRASAL VERB này. Thí dụ nói tôi mong được gặp ông để nói chuyện về công việc. Câu này thường được dùng trong những bức thư xin việc . Cô Lãm Thúy nói thử bằng iếng Anh coi.

LÃM THÚY

I AM LOOKING FORWARD TO SEEING YOU.

QA

I AM LOOKING FORWARD TO MEETING YOU hay I AM LOOKING FORWARD TO TALKING (DISCUSSING) WITH YOU ABOUT THE JOB.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.