Chúc Mừng
Ðược tin con trai lớn của Bùi Bảo Ðồng và Phạm thị Hồng Vân là Bùi Bảo Lộc đã lập được những thành tích như sau:
- Sáu tháng bị mổ tim
- Một năm lén bố học được rất nhiều bài hát tục tĩu
- 20 tuổi hai cái BA
- 24 tuổi một cái MA
- 10 năm thất nghiệp lêu bêu vô gia cư ở Montreal
- 30 tuổi tốt nghiệp Ph. D. (Bioinformatics đại học McGill Montreal)
- ngày 18 tháng 6 năm 2011 bị đầm Mỹ Terry McKenna bắt gọn hết chạy.
Mừng Ðồng và Hồng Vân thoát nợ để chỉ còn bị hai của nợ tiếp tục sách nhiễu.
Chú thím Chu Ðức Nhuận
Và các anh chị của Ðồng & Vân chúc mừng.
Ngày 6 tháng 6 năm 2011
Bạn ta,
Tôi nhớ đã đọc ít nhất là ba hay bốn bản tin tương tự như bản tin tuần qua về một học sinh ở Santa Ana không bao giờ vắng mặt dù cho là một lần trong suốt 13 năm học từ mẫu giáo cho đến năm cuối của trung học.
Năm ngoái, một nữ sinh và một nam sinh vì không nghỉ một ngày nào trong suốt những năm tiểu học và trung hoc đã được cha mẹ và một đại lý xe hơi tặng cho mỗi em một chiếc xe mới.
Các học sinh được khuyến khích đi học chăm chỉ, không vắng mặt, để khỏi đầu đường xó chợ, gia nhập băng đảng, xì ke, xì cẩy, nhuộm tóc xanh đỏ trắng tím vàng, làm vũ công cho vài ba trung tâm băng nhạc vân vân, và một số đã làm được đúng như những khuyến khích không vắng mặt đó.
Họ không bao giờ nghỉ một ngày nào, suốt những năm tiểu học và trung học.
Tôi có thể hiểu được trường hợp của những học sinh không bao giờ bỏ một giờ, một ngày học nào ở cấp tiểu học. Lý do là vì bị cha mẹ … đuổi ra khỏi nhà từ sáng sớm khi cha mẹ đều đi làm hết cả hai. Trường học là nơi giữ trẻ rất tốt. Lại được cho ăn một bữa trưa nữa. Không vắng mặt là phải. Mà vắng mặt cũng không được. Vắng mặt không đến trường thì ở nhà với ai? Nghỉ ở nhà để cha hay mẹ mất một ngày làm việc hay sao? Cửa đã khóa chặt, không đến trường thì làm sao vào nhà?
Ở trung học mà không nghỉ một ngày nào cũng có thể hiểu được. Ở trường vui hơn ở nhà nhiều. Thế nên mới có những học sinh gương mẫu không vắng mặt, không nghỉ một ngày nào là vậy.
Nhưng vắng mặt, không đến lớp thực ra sướng hơn nhiều. Nhất là trốn học thì sướng nhất. Làm học trò mà không một lần trốn học thì chưa phải là học trò. Ðinh Hùng đã gọi những giờ trốn học là những giờ phút thần tiên của "chàng tuổi trẻ có tâm sự đi nói cùng cây cỏ…" Cây cỏ ở vườn Bách Thảo. Hay bờ sông Sài Gòn để "vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông mà lòng mình phơi trên kè đá, chiều không xanh, không tím, không hồng, những ống khói tầu mệt lả…" mà Thanh Tâm Tuyền đã chỉ chỗ… cho mà ra ngồi.
Tôi không phải là một học sinh gương mẫu như những học sinh mà thành tích được viết trên những tờ báo mà tôi đã đọc.
Nhưng tôi cũng không bao giờ ân hận vì đã không làm được như những học sinh đó.
Ở những năm tiểu học, thỉnh thoảng cảm cúm một cái thì được cho ở nhà để khỏi vác cái "đầu chó" ra bêu nắng rồi làm khổ cả nhà. Thế nên được vắng mặt có lý do chính đáng để nằm trong chăn lén đọc "Con Tầu Ma", "Bốn Vạn Năm Trước", "Hồn Bướm Mơ Tiên", "Trống Mái" … cho tiện việc làm ô nhiễm đầu óc trong sáng (?) của trẻ thơ. Lại còn là niềm mơ ước thầm kín cũng như lộ liễu của mấy đứa em thì tại sao phải vác cái "đầu chó" đi học?
Ở trung học, những buổi vắng mặt bất hợp pháp AWOL, những lần trốn học lại là những buổi học được không biết bao nhiêu là điều thú vị. Ở trong lớp thì làm sao đọc được những trang bách khoa trong thư viện quốc gia? Làm sao biết được La Valse Dans L’Ombre cải lương như thế nào, tại sao cuốn phim ấm ớ đó lại làm mấy chị khóc như điên cuồng khi xem Robert Taylor và Vivien Leigh chia tay nhau trên cầu, làm sao hiểu được tình yêu lại là con quái vật muôn mầu, Love Is A Many Splendored Thing, của William Holden và Jennifer Jones, làm sao coi được … gần hết (?) Liane La Sauvageonne …
Năm học đệ Ngũ là năm "vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay" của những người bạn thông minh, tốt bụng dậy cho cách nào ra khỏi lớp mà không bị giáo sư biết, làm thế nào sau những chuyến bát phố kỳ thú vẫn có thể có mặt ở nhà, ngồi trước sách tụng niệm khi nghe thấy tiếng nổ của chiếc Lambretta của ông bố về đến gần nhà…
Ðến năm đệ Tứ thì chàng đã lành nghề. Ba năm cuối của trung học thì chuyện trốn học của chàng còn kinh hoàng hơn nữa.
Thoắt một cái đã ở trường đua Phú Thọ ngồi nghe tiếng chiến tranh vọng về, rồi lại trên chiếc Mobylette ngoài xa lộ vang vọng từ xa tiếng bom B-52, hay trong vườn Tao Ðàn "… vớt cánh rong vàng bên suối…" để " mơ những chốn nào… ước nguyền đã có gác trăng sao…" cùng với Ð. N. M., người bạn tài hoa nay đã chết.
Thế nên có thưởng cái gì đi chăng nữa thì cũng không thể nào 12 năm tiểu và trung học không vắng mặt một ngày nào.
…Trốn học nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy, học thời trốn luôn.
Ngày 7 tháng 6 năm 2011
Bạn ta,
Hôm nay, một dịch vụ mới đã đến với thành phố tôi ở: RENT A GRANDMA.
Một văn phòng sẽ cung cấp bà nội hay bà ngoại cho bất cứ ai cần với giá khoảng 25 đô la một giờ. Muốn biết thêm chi tiết thì gọi số 1-818-880-4292.
Dịch vụ này chắc chắn sẽ được chiếu cố rất nhiều khi bà nội và bà ngoại bỗng nhiên trở nên cần thiết cho rất nhiều gia đình, mà nhìn đi nhìn lại chẳng thấy bà đâu. Nhiều khi thấy thì các bà lại đã quá cao niên, một vài việc không còn làm được nữa. Thí dụ cầm cái bình sữa đuổi theo những đứa bé khoảng 3 hay 4 tuổi chẳng hạn. Mà chuyện ấy lại là chuyện cần thiết , các bà phải làm được khi được mướn làm bà nội hay bà ngoại cho các cháu.
Các văn phòng cung cấp dịch vụ cho thuê bà nội bà ngoại cho biết là họ điều tra lý lịch rất kỹ. Các ứng viên phải trên 50 tuổi và không quá 70 tuổi. Các bà nội, bà ngoại này sẽ giúp coi những đứa bé mà cha mẹ chúng bận công việc không coi được. Các bà sẽ đến tận nhà, giúp coi trẻ tại ngay nhà của chúng để chúng khỏi bị lôi ra khỏi nhà từ sáng sớm để mang đi gửi. Các bà sẽ giúp cho chúng ăn, cho chúng ngủ trưa ... Dịch vụ này sẽ được nhiều người thích vì, vẫn theo các văn phòng cung cấp các bà nội bà ngoại cho mướn, thì các bà không ôm điện thoại nói với bạn trai hàng tiếng đồng hồ, hay text, sextext, gửi message như các babysitter mười mấy, hai chục tuổi.
Ðọc xong những chi tiết vừa kể trong bản tin của AP, tôi thấy những người đàn ông cao niên lại bị kỳ thị thêm một lần nữa. Không hề có dịch vụ RENT A GRANDPA, ông nội, ông ngoại cho thuê. Chỉ cho thuê các bà mà thôi. Vậy thì những người đàn ông này biết phải làm gì cho nốt quãng đời sau? Ở nhà nghe bà nội, bà ngoại kể chuyện … cổ tích? Thay những cuộn giấy trong nhà cầu theo đúng ý các bà muốn? Xem video có em-xi thỉnh thoảng không biết ăn nói gì, lại xin một tràng pháo tay, chưa nói đã cười hê hê hê hê? Nghe chuyện mấy ông già dịch về tắm hơi, mát sa ở Việt Nam?
Các cơ sở cung cấp dịch vụ chỉ nhận cho thuê các bà nội, bà ngoại.
Dịch vụ HUSBAND FOR HIRE nghe thì hấp dẫn lắm, trong khi thực ra chỉ là dịch vụ cho thuê mấy người đàn ông vai u thịt bắp để móc cái ống cống, dọn cái vườn sau, thu xếp cái garage cho bớt rác… Chứ làm gì có chuyện cho thuê những người đàn ông quần áo thì cứ như Peter Jennings, mặt mũi, giọng trầm và buồn như George Clooney, bộ smoking, cái nơ con bướm, mùi Eau Sauvage, lái cái xe bỏ mui đến đón nàng đi ăn tối rồi đi sập sình tung quăng ném quật Tango Argentina đến 2 giờ sáng, đưa về tận cửa, hát khẽ cho nàng nghe mấy câu trong bài Fascination cứ như Nat King Cole "…seeing you alone with the moonlight above. Then I touch your hand and next moment I kiss you… Fascination turned to love…"
Chỉ có các bà được mướn. Các ông thì dứt khoát là không.
Nhưng có chắc các bà nội bà ngoại không ôm điện thoại cả tiếng đồng hồ không? Có chắc các bà không gửi text cho các ông bạn cao niên của các bà để (…lời thơ toàn những chuyện hờn ghen…) ghen bóng ghen gió không? Có chắc các bà không kể chuyện đường xa như đang ngồi trên các chuyến xe đò chạy từ Westminster lên San Jose không? Có chắc các bà không ngồi báo cáo đầy đủ chuyến về thăm quê hương và nhất định làm được nhiều việc bảnh hơn các đồng hành ngồi cùng chuyến xe không?
Nếu không thì tại sao không ghé mắt tới những người đàn ông nhưng vẫn còn được một ít năm còn lại … coi còn đặng lắm chứ đã đến lúc vào nằm trong junk yard bán làm sắt vụn đâu.
Ngày 8 tháng 6 năm 2011
Bạn ta,
Như vậy, những ước mơ lén lút của nhiều người đàn ông cũng đã được một số phụ nữ lắng nghe và hưởng ứng. Ước mơ thầm kín của nhiều người đàn ông mà tôi được nghe rất nhiều lần là làm sao kiếm được người vợ có đức tính của một nhà ngoại giao ở phòng khách, của một nhà kinh tế trong bếp, và của một cô gái điếm trong phòng ngủ.
Có được một người đàn bà như vậy mang về nhà thì còn gì hạnh phúc bằng.
Ðàn ông, theo Nguyễn Công Trứ thì phải "Trong lăng miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương…" đúng là xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan. Lịch lãm, hiểu biết nơi lăng miếu, ở trận mạc thì vung gươm lên dẹp tan bọn giặc, hiếu nghị nơi hương đảng… Ðàn bà, theo những ước mơ thầm kín, khi tiếp khách ở phòng khách thì nàng lịch sự như một nhà ngoại giao. Vừa đẹp vừa hiểu biết. Ăn nói vừa phải, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi (?). Chồng có việc phải đãi khách thì đích thân đi chợ, đứng nấu bếp xình xịch để mời khách như một vị phu nhân đã nói mà ít người dám tin là nàng có làm việc đó. Nàng có hăm đi bán cháo lòng cho chồng khỏi phải cúi đầu, và gần đây có đứng bán phở thì có.
Ở trong bếp, nàng cẩn thận trong cách nấu nướng, không phí phạm, gây tốn kém cho gia đình. Nàng là một nhà kinh tế, biết tiết kiệm tối đa cho ngân quĩ.
Vào phòng ngủ, nàng như một con cọp, gầm thét, gào rú, ăn tươi nuốt sống thằng chả, làm ngày không đủ (giọng Huế), tranh thủ làm (?) đêm, làm thêm ngày nghỉ, làm kỹ mới thôi, làm rồi … làm nữa cho đúng câu Ăng Lê "Night seven, day three, in out no count" nghĩa là đi mua … báo ở 7-eleven và hamburger ở In and Out Hamburger bị dịch tầm bậy thành đêm bẩy ngày ba, vào ra không kể.
Những điều kể trên chỉ là ao ước không dám nói ra của gần hết những người đàn ông ham hố trên hành tinh này. Nhưng có bao nhiêu người làm được như thế, nghĩa là tìm được người vợ có đầy đủ những đức tính đó?
May ra có Laura Bush, người được Ann Gerhart viết trong cuốn sách tựa đề The Perfect Wife: The Life and Choices of Laura Bush. Nhưng đọc cuốn sách thì không thấy Ann Gerhart viết gì về các sinh hoạt trong phòng ngủ. Hay là "The Great Entertainer" như Laura đã gọi chàng (George W. Bush) trong bữa tiệc của các nhà báo và nói rằng vao khoảng 8 hay 9 giờ tối là chàng đã ngủ như chết nên cũng chưa thể nói chắc Laura Bush là người vợ toàn hảo như tựa cuốn sách đã đề quyết.
Nhưng tháng trước, tại Malaysia, một số phụ nữ ở quốc gia Hồi giáo này đã ra mắt một tổ chức mang tên là Obedient Wife Club nghĩa là câu lạc bộ của những người vợ biết vâng lời chồng. Hội kêu gọi các hội viên hãy trở thành những cô gái điếm ở trên giường, luôn luôn vâng lời chồng để chữa những căn bệnh của xã hội như ly dị và bạo hành trong gia đình.
Tại lễ ra mắt của câu lạc bộ ở Kuala Lumpur, tổ chức này đã đưa ra những gợi ý cho các phụ nữ để các phụ nữ làm thỏa mãn các ông chồng và tránh không để cho các ông đi hoang. Hội nói là phụ nữ thường chỉ biết lo săn sóc con cái trong khi lại không để ý bao nhiêu đến việc thỏa mãn những đòi hỏi của các ông chồng về mặt tình dục. Phó hội trưởng Rohaya Mohammad nói thẳng : Nếu chàng cần sex thì hãy vâng lời chàng.
Hội cho biết sẵn sàng đón nhận cả các hội viên không phải là tín đồ Hồi giáo. Rohaya Mohammad năm nay 46 tuổi, là một y sĩ, ông chồng có ba người vợ khác như Hồi giáo cho phép. Nàng nói rõ rằng vợ phải thỏa mãn chồng. Một người vợ tốt phải là một con điếm trên giường (A good wife should be a whore in bed). Bà cho biết hiện có 800 hội viên phụ nữ ở Malaysia và khoảng 200 người ở Trung Ðông.
Tin mới nhất cho biết vé máy bay đi Kuala Lumpur đã bán hết cho các chuyến bay từ nay đến cuối năm.
Có điều khác biên giới Mỹ và Mexico là ở Malaysia, thủ tục nhập cảnh rất khó. Không như từ Mexico qua Mỹ.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
SOME ETHNIC IDIOMS
QUỲNH ANH:
Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Tuần qua, chương trình có nhận e-mail của một sinh viên đại học Hà Nội xin nhờ thầy Trúc cắt nghĩa thành ngữ IT SOUNDS GREEK TO ME. Nhân đây, Thúy cũng muốn nhờ thầy giáo có giúp thì giúp cho trót, đó là nhờ thầy giảng luôn những thành ngữ của tiếng Anh có tên của các quốc gia ở trong.
QA
Như chúng ta vẫn hay nói Tết Công Gô chẳng hạn.
BBT
Nhưng kể những thành ngữ ấy ra ở đây có bị đổ cho tội lăng mạ, hạ nhục, có thái độ kỳ thị, bất kính dành cho các quốc gia đó không?
QA
Chắc không đâu. Chỉ để cười trong những lúc nói đùa với nhau chứ khi ăn nói chính thức thì ai lại làm vậy. Cũng như QA còn nghe nhiều người nói là Tết Ma Rốc để nói là còn lâu lắm, có thể là không bao giờ nữa. Vậy ông thầy cứ thoải mái. Thí dụ cách đây mười mấy năm người Mỹ vẫn gọi con heo mọi là VIETNAMSE POT BELLIED PIGS chẳng hạn. Chúng ta có bực bội phản đối gì đâu.
BBT
Như thế thì được. Trở lại với thành ngữ của anh sinh viên đại học Hà Nội. Khi nói IT LOOKS hay IT SOUNDS LIKE GREEK TO ME thì câu đó có nghĩa là nghe hay đọc mà chẳng hiẻu gì hết, cứ như là tiếng Hy Lạp vậy. Câu này không hề có ý coi thường ngôn ngữ của Socrates hay Platon, hay Homer bao giờ.
LÃM THÚY
Nhưng thưa anh, có những thành ngữ nào trong tiếng Anh mang ý nghĩa coi thường, khinh bỉ, nhục mạ một quốc gia nào không?
BBT
Có, và có khá nhiều. Nguyên do là những xích mích giữa nước Anh và quốc gia kia. Hồi thế kỷ thứ 17, Anh và Hà Lan có những chuyện không vừa lòng nhau phát xuất từ những tranh chấp về chính trị và quân sự, kinh tế giữa hai nước. Người Anh dùng danh từ DUTCH nghĩa là Hà Lan để chỉ những chuyện gì xấu xa, không hay, không đẹp. Thí dụ DUTCH COURAGE là thành ngữ tương đương với những chữ ANH HÙNG RƠM trong tiếng Việt vậy. DUTCH COURAGE là hung hăng, liều lĩnh, can đảm nhờ có uống chút rượu. Anh hùng là anh hùng rơm/ ta cho bó lửa hết cơn anh hùng.
QA
QA biết một thành ngữ khác, đó là TO GO DUTCH, ý nghĩa của nó cũng không đẹp lắm phải không thưa anh?
BBT
TO GO DUTCH hay DUTCH TREAT cùng nghĩa như nhau.
TO TREAT là thết đãi, khoản đãi, mời ai đi ăn, trả tiền hết cho người được mời.
LÃM THÚY
Ðúng rồi, tuần trước Thúy đi ăn với các con. Thúy định đứng dậy trả tiền thì cậu út nói : IT IS OUR TREAT MOM! Và nó đi trả tiền. Như vậy, nói THEY TREATED ME TO DINNER có được không ?
BBT
Ðược. Nhưng ai ăn người ấy trả thì đó là TO GO DUTCH . QA định nói gì đây?
QA
Hồi QA còn làm ở hãng cũ, thỉnh thoảng đi ăn trưa với mấy cô bạn. Ra cửa một cô bao giờ cũng cẩn thận nhắc: LET’S GO DUTCH! Như vậy có gì xấu cho nước Hà Lan đâu?
BBT
Nhưng cảnh ăn xong, chia chác cái giấy tính tiền thì với một số người, đó là hành động bị coi là bần tiện, keo kiệt, không rộng rãi, hào phóng. Hành động đó liền bị mấy ông Ăng lê đổ ngay cho là cư xử, giữ tiền khư khư, hà tiện, keo kiệt như mấy người Hà Lan luôn.
DUTCH UNCLE là một người ăn nói thẳng, có khi trở thành bất lịch sự, tính hay lên lớp, dậy bảo, phê bình người khác, là một người rất khó ưa. Những thành ngữ khác không tử tế với người Hà Lan là DUTCH WIFE nghĩa là một phụ nữ làm điếm. DUTCH WIDOW cũng cùng nghĩa trên. DUTCH CAP là cái vòng ngừa thai. DOUBLE DUTCH là chuyện tầm bậy tầm bạ, chuyện tào lao xịt bộp. DUTCH METAL là vàng giả. DUTCH CONCERT là những tiếng động ồn ào thô tục.
LÃM THÚY
Thúy biết là có lúc trong lịch sử, người Anh cũng không ưa người Pháp lắm. Vậy tiếng Anh có đối xử tử tế với người Pháp không?
BBT
Có, và không. Tử tế là khi người Anh nghĩ nước Pháp là tượng trưng cho tình yêu, cho lãng mạn, tuy có thể có nhiều dục vọng ở trong.
Thí dụ FRENCH KISS chẳng hạn. FRENCH KISS là cái hôn không chỉ nhẹ trên má, mà là hôn môi rất … dữ dằn. FRENCH LETTER là cái bao cao su ngừa thai.
FRENCH LEAVE là ra về mà không chào ai, một việc làm bị coi là bất lịch sự với chủ nhà. Thí dụ khi nói WHERE IS HE? DID HE TAKE FRENCH LEAVE AGAIN?
Nhưng người Pháp đáp lễ người Anh ngay lập tức. Người Pháp gọi cái bao cao su ngừa thai là CAPOTE ANGLAISE và cái lối lỉnh ra về không chào chủ nhà là FILER À L’ANGLAISE.
QA
Bữa nọ, QA đang đứng trong bếp thì nghe con trai nói chuyện với bạn nó. Trước đó nó nói gì QA nghe không rõ. Nhưng vừa bước vào phòng, QA nghe nó nói PARDON MY FRENCH! QA nhớ là nó có bao giờ học tiếng Pháp ở trường đâu mà nó xin lỗi bạn về tiếng Pháp của nó. Câu ấy QA dùng thì đúng hơn vì QA không biết được bao nhiêu tiếng Pháp, khi làm xướng ngôn viên thì nhiều khi lại gặp những danh từ, những tên tiếng Pháp, QA phải điện thoại về nhà nhờ chị của QA chỉ cách đọc. Khi biết mình đọc sai, QA mới phải xin lỗi chứ, phải không thưa thầy?
BBT
Cô nói đúng. Ðọc sai những chữ tiếng Pháp trong bản tin, xin lỗi thính giả là phải. Nhưng cô nhớ là không bao giờ nói PARDON MY FRENCH! Cô QA phải nhớ như thế. PARDON MY FRENCH! là câu chúng ta dùng sau khi hay trước khi nói ra một điều, một chữ không được lễ phép cho lắm, nếu không nói là thô tục, tục tĩu.
Cô nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: NÓI XIN LỖI ÔNG/ BÀ hay NÓI ÔNG / BÀ THA LỖI CHO CHỨ ANH TA LÀ MỘT TÊN S.O.B.
QA
PARDON MY FRENCH, BUT HE IS THE GREATEST S.O.B. OF ALL.
BBT
Câu này thì chắc chắn hai cô phải biết: DO IN ROME AS ROMANS DO.
LÃM THÚY
Ở La Mã thì phải làm, phải hành xử như người La Mã.
QA
Người Việt thì nói là đi xứ Lào ăn mắm ngóe.
BBT
Cô QA kéo chúng ta lại gần với Việt Nam hơn. Nhân nói gần Việt Nam, tôi muốn kể ra đây một thành ngữ liên quan đến Trung Hoa, nước ở ngay cạnh chúng ta. Tên quốc gia này cũng xuất hiện trong một hai thành ngữ tiếng Anh. Khi nói đến những thứ tin đồn, thường là xấu, mức độ chính xác không được bao nhiêu, và thường là những điều phóng đại đầy ác ý, người Anh có thành ngữ CHINESE WHISPERS.
LÃM THÚY
Hình như còn một thành ngữ nữa liên quan đến Trung Hoa mà Thúy nghe mấy người bạn Việt Nam dùng để nói về một chuyện nào vừa chậm, vừa lâu . Mấy người ấy nói tầu … tầu gì đó, Thúy không nhớ. Anh có biết thành ngữ ấy không?
BBT
Tôi nghĩ đó là SLOW BOAT TO CHINA, nghĩa là chậm rì chậm rịt. Thí dụ chúng ta nói: IT TAKES SUCH A LONG TIME, LIKE A SLOW BOAT TO CHINA.
Nước Thổ Nhĩ Kỳ ngoài việc tặng cho Anh ngữ tên gọi con gà Tây là TURKEY còn có một thành ngữ khác nữa là YOUNG TURKS. Danh từ này tôi nhớ là tờ Newsweek đã dùng để gọi mấy ông tướng trong vụ đảo chính lật đổ tổng thống Diệm. YOUNG TURKS là danh từ để chỉ những người tuổi trẻ, hung hăng, khó kiểm soát thuộc một công ty, một tổ chức, một đoàn thể, một nhóm. Ông Nguyễn Cao Kỳ, chính là người được báo Mỹ dùng danh từ YOUNG TURK để mô tả hồi đó.
QA
Còn nước bạn ngay sát nước Mỹ ở phía Nam có xuất hiện trong thành ngữ nào không thưa anh?
BBT
Có, một thành ngữ mà tôi biết là MEXICAN STANDOFF. Thành ngữ này có nghĩa là một trường hợp đối đầu nhưng không đưa tới đâu, như hai tay súng Mexico đứng gườm nhau nhưng không bên nào rút súng ra bắn. MEXICAN STANDOFF là một trường hợp bế tắc, không có khai thông, hệt như cuộc đối đầu trong vụ Liên Xô đưa phi đạn tới Cuba hồi thập niên 60. Cả hai không phía nào muốn chiến tranh cả. Rốt cuộc Liên Xô tháo phi đạn mang về nước. Hoa kỳ cũng không muốn phí một viên đạn nào.
QA
Hôm nay, QA muốn xin anh giải thích cách dùng của ANOTHER, THE OTHER, THE OTHERS và OTHERS.
BBT
Cô hỏi tới 4 trường hợp, tưởng là khó nhưng thực ra thì dễ, không khó chút nào. Nhưng tôi muốn nói về EACH OTHER và ONE ANOTHER vì hai trường hợp này cũng có OTHER và ANOTHER nhưng lại không liên quan gì đến mấy trường hợp cô hỏi.
EACH OTHER và ONE ANOTHER nghĩa là NHAU. EACH OTHER và ONE ANOTHER là REFLEXIVE PRONOUNS, tiếng Việt gọi là HỖ TƯƠNG ÐẠI DANH TỰ. Hỗ là đắp đổi bên này cùng bên kia, là có qua có lại. Tương là đối lẫn nhau, cùng nhau.
Thí dụ ông ấy giúp tôi. Nhưng tôi không giúp gì ông ấy cả: HE HELPS ME.
Nhưng khi ông ấy giúp tôi, tôi giúp ông ấy, chuyện giúp đỡ là có qua, có lại nên HE HELPS ME AND I HELP HIM. Nói vậy lôi thôi quá. Nói cho gọn lại để thành chúng tôi giúp nhau thì chúng ta nói WE HELP EACH OTHER.
Như thế, EACH OTHER là nhau, qua lại giữa HAI người. Cô định nói gì đây, cô QA?
QA
WE HELP EACH OTHER là chúng tôi giúp nhau. Vì có hai người nên dùng EACH OTHER. EACH OTHER là túc từ (OBJECT) của động từ HELP phải không ông thầy?
BBT
Cám ơn cô QA đã nhắc tôi về chi tiết này. EACH OTHER và ONE ANOTHER luôn luôn giữ vai trò túc từ (OBJECTS), không bao giờ là chủ từ (SUBJECTS).
Gọi cho đúng thì EACH OTHER và ONE ANOTHER là HỖ TƯƠNG TÚC TỪ ÐẠI DANH TỪ.
Trở lại với ONE ANOTHER, chúng ta dùng cho những trường hợp từ ba người trở lên.
LIKE A PIECE OF CREPE THAT COVERS THE MIRROR
PEOPLE OF THE SAME COUNTRY MUST LOVE ONE ANOTHER…
LÃM THÚY
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Câu này chắc anh lại sắp nói là người Mỹ mượn của người Việt Nam chứ gì!
BBT
Ðó là cách dùng theo những luật văn phạm xưa. Bây giờ, và theo cuốn sách hướng dẫn cho các nhà báo của hãng thông tấn Associated Press, thì chúng ta, khi không nói đến một con số nào rõ ràng, như 2 hay 3, hay nhiều hơn nữa, thì cứ thoải mái dùng hoặc EACH OTHER hoặc ONE ANOTHER mà không ai được quyền bắt bẻ gì hết.
Bây giờ qua mấy chữ cô QA hỏi.
LÃM THÚY
Mấy chữ QA hỏi là tĩnh từ hay đại danh từ thưa anh?
BBT
ANOTHER là tĩnh từ. Chữ này rất kỳ lạ. Có khi ANOTHER nghĩa là KHÁC mà cũng lại có nghĩa là GIỐNG HỆT.
ANOTHER đi trước một danh từ số ít.
Thí dụ ANOTHER DAY, ANOTHER BOOK, ANOTHER SUNDAY nghĩa là gì, cô QA?
QA
Nghĩa là một ngày khác, một cuốn sách khác, Một Chủ Nhật Khác như tựa đề của cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền QA có ở nhà mà chưa đọc. Thế khi nào thì ANOTHER là khác, nhưng lại có nghĩa là giống hệt?
BBT
THIS MAN IS ANOTHER ELVIS, nghĩa là đây là một ông Elvis khác. Nhưng ông này lại rất giống Elvis thật, giống về khả năng, về giọng hát, về dáng dấp.
ANOTHER thực ra là AN OTHER, dùng với những trường hợp bất định. THIS MAN IS ANOTHER ELVIS nghĩa là đây là một Elvis Presley khác. Có rất nhiều người giả làm Elvis mà đây là một trong những người ấy.
Nhưng khi thu hẹp lại, thí dụ đôi giầy có hai chiếc. Ðây là một, chiếc kia nằm trong gầm giường. CHIẾC KIA là THE OTHER, không thể là ANOTHER được. Ông ấy có ba, bốn chiếc xe, đây là một, đây là một chiếc khác thì chúng ta dùng ANOTHER.
Có một người kia có hai con mắt, một con dùng để khóc người. Con mắt còn lại thì nhìn lại mình, nhìn cuộc tình phai…
Con mắt còn lại đó phải nói tiếng Anh là gì cô Thúy?
LÃM THÚY
THE OTHER EYE…
BBT
Có thể nói ANOTHER EYE được không cô QA?
QA
Không được, vì ông Trịnh Công Sơn chỉ có hai mắt, một con ông ấy dùng để khóc người. Con mắt kia đã được xác định rồi, nên phải dùng THE OTHER EYE.
BBT
Bây giờ tới THE OTHER. Ðây là đại danh từ, dùng để thay cho một danh từ. Vì thế nên sau nó KHÔNG cần có một danh từ nào đi theo. Nó là chủ từ và là túc từ.
Thí dụ cô Thúy có hai chiếc áo da. Cô thích một chiếc. Còn chiếc kia, cô không thích lắm. Cô nói bằng tiếng Anh coi.
LÃM THÚY
I HAVE TWO LEATHER JACKETS. I LIKE THE BLACK JACKET. I HATE THE OTHER. THE OTHER IS BROWN.
BBT
Cám ơn cô Thúy. Cô dùng THE OTHER làm túc từ rồi lại dùng nó làm chủ từ. Còn cô QA?
QA
WE HAVE TWO CARS. I DRIVE THE SILVER CAMRY TO WORK. THE OTHER IS AN OLD CAR. I ONLY DRIVE THE OTHER DURING THE WEEKEND.
BBT
THE OTHERS là số nhiều dùng cho các trường hợp xác định.
Thí dụ cô Thúy nhận được 10 tấm thiệp Giáng Sinh. Cô chỉ trả lời 4 tấm. Còn 6 tấm kia, cô bỏ thùng rác thì cô nói thế nào?
LÃM THÚY
Thưa anh, thực ra, Thúy không bao giờ làm như thế. Nhận được 10 tấm thì trả lời cả 10, không dám quẳng thùng rác bao giờ. Nhưng ông thầy bắt nói thì đành phải nói ra đây cho đúng điều học được trong lớp:
I RECEIVED 10 CHRISTMAS CARDS. I ANSWERED 4 AND THREW AWAY THE OTHERS.
BBT
QA cho nghe một câu với THE OTHERS coi.
QA
THERE WERE 55 GIRLS IN MY CLASS. ONLY 10 GOT OUT. THE OTHERS ARE STILL IN VIETNAM.
BBT
Cuối cùng là OTHERS. OTHERS là đại danh từ bất định.
Thí dụ WE WAITED FOR 2 HOURS FOR THE BUS. ONLY 2 PASSENGERS, MY FRIEND AND I GOT ON BOARD. OTHERS WAITED FOR THE NEXT BUS.
Chúng ta dùng OTHERS vì chúng ta không quen biết những hành khách đó, cũng lại không biết có bao nhiêu người. Nhưng trong thí dụ của QA thì cô quen tất cả 54 người trong lớp học của cô ở Sài Gòn. Có 10 cô đi sang Mỹ. Còn 45 người khác thì kẹt lại. QA quen biết tất cả 45 người đó, nhớ cả tên tuổi nên những người đó là trường hợp xác định. Cô dùng THE OTHERS là đúng. Trường hợp đợi xe bus, chúng ta không biết những người kia, cũng không biết có mấy người nên phải dùng OTHERS.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.