June 16, 2011

June 17, 2011

Ngày 11 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Trong khi cả nước Mỹ đi kiếm việc mà không có được bao nhiêu người kiếm ra việc thì lại có những người nghĩ ra những công việc mới, chẳng cần nhờ tới ông Obama kiếm hộ.

Mà những công việc như thế lại được trả thù lao rất cao. Từ mấy ngàn đến 100 ngàn cho những dịch vụ từ A tới Z như người ta vẫn nói. Người làm những công việc đó gọi là Proposal Planner. Đó là người lo sắp xếp cho việc cầu hôn của những người không biết làm sao để xin bàn tay của giai nhân.

Vậy ra trên đời vẫn có những người đàn ông cù lần như vậy hay sao?

Như thế, mà quả đất vẫn quay, thiên hạ vẫn lấy nhau khi chưa có những Proposal Planner thì lạ thật.

Chuyện xin bàn tay xưa có lẽ không kém trái đất, người ta đã làm từ khi leo từ trên cây xuống đất, dắt díu nhau vào những hang đá, mà nay có những người phải nhờ người khác chỉ dậy cho cách làm.

Đồng ý bây giờ không còn vác cái chầy vồ trên vai, chọn lấy miếng da thú đẹp nhất khoác lên người, kiếm một chị phụ nữ nào vú to đít to, tóc bôi mỡ heo thơm lừng, tiếng cười khọt khẹt … đến nắm tóc lôi xềnh xệch về hang để sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long như tổ tiên chúng ta đã làm. Nhưng từ cách hỏi nhau một cách tiền sử như vậy đến cách lôi mấy quả nhãn ra dụ: Cô kia cắt cỏ bên sông/ có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/ sang đây anh nắm cổ tay/ anh hỏi câu này có lấy anh không…

Là cũng xong chuyện.

Nay người ta phải nhờ người chỉ cách làm sao hỏi mà nàng không thể lắc đầu.

Thực ra, chuyện có gì khó.

Kiếm cục hột xoàn to có thể ném bể đầu con chó đến đeo vào tay người phụ nữ. Đeo xong thì chưa cần hỏi, cái đầu bên kia đã gật lia lịa, khoác tay ra quận làm cái giấy ngay chứ khó quái gì.

Nhưng một số người thì không muốn chuyện giản dị như thế. Phải kiếm chỗ nào đặc biệt mới hỏi nàng câu "Lấy tôi nghe chưa… lấy ai cũng vậy, lấy tôi tôi cám ơn, lẹ lên cho nhỏ (?) nó mừng…"

Người thì phải lên đỉnh núi, người thì lặn xuống biển, người viết lên trời xanh tên của hai người, người mời nàng đi ăn phở, nàng ăn hết tô phở, đang định bê cái tô lên húp cho hết nước hết cái, thì thấy cái nhẫn hột xoàn, vừa vớt ra thì chàng đã quì xuống xin cưới nàng…

Những sáng kiến như thế càng độc đáo càng tốt. Thế nên mới phải đi nhờ Proposal Planner để tốn 100 ngàn đô la.

Nhưng làm sao biết chắc rằng thuê được chỗ trăng nước hữu tình, một ban nhạc mariachi chơi đi chơi lại bài Solamente una vez / Ame en la vida/ solamente una vez /Y nada mas … chỉ một lần anh yêu trong đời, chỉ một lần mà thôi, không gì nữa… quì xuống lấy cái nhẫn ra đeo và tay nàng, nàng lại lắc đầu quầy quậy?

Mà đã chắc gì lâm ly sầu não như thế đảm bảo vài ba năm nữa sẽ không có một ông bà luật sư tốt bụng (?) nào len vào giữa?

Tại sao không dùng 100 ngàn ấy đưa cho nàng, bảo nàng đi shop cho vui đời trong cơn suy thoái kinh tế? Việc quái gì phải tốn tiền vô ích như vậy?


Ngày 14 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Không biết có phải vì không nhờ Proposal Planner mà người đàn ông già nọ bị người chàng định đưa về dinh đã không chịu về dinh với chàng không?

Trong khi chàng có đủ thứ trên đời mà những người phụ nữ muốn có.

Tiền chàng có. Nhà là một cái dinh, một cái mansion. Danh tiếng chàng cũng có. Hồi ở Chicago, người ta chỉ cần vẽ cái đầu con thỏ là bưu điện cũng giao tận nhà cho chàng. Lịch thiệp chàng cũng có thừa. Quần áo mùa nào thức ấy, lúc cần đẹp và thời trang, chàng cũng rất đúng mốt. Trên tầu bay dưới thì Rolls Royce…

Chàng là Hugh Hefner, xếp chúa của tờ Playboy năm nay 85 tuổi. Nàng là Crystal Harris 25 tuổi. Chàng hơn đứt Uy Viễn tướng công của tôi. Khi tướng công bị giai nhân hỏi tuổi trong đêm động phòng, tướng công đáp "ngũ thập niên tiền nhị thập tam". Tướng công hơn nàng có 50 tuổi. Trong khi Hugh Hefner hơn nàng 60 tuổi.

Khi có tin chàng sắp cưới Crystal Harris, bao nhiêu là sơn nữ và sơn… nam Phà ca đều buồn gần chết (hôm nay đám cưới người ta / mà sao sơn nữ Phà Ca lại buồn). Nhưng hôm nay, tin cho biết nàng không chịu lên xe hoa nữa khiến bao nhiêu người (đàn ông) lại thở ra nhẹ nhõm.

Đó, thấy chưa, giầu ai bằng Hugh Hefner, sang ai bằng chàng? Thế mà vẫn bị xù như thường.

Không thấy lý do của việc hai người hủy cái đám cưới đã sửa soạn xong gần hết đó. Hôm cuối tuần trước, hai người cãi nhau một trận kịch liệt, và ngay sau đó, nàng xách va ly bỏ về nhà mẹ.

Tôi bỗng nhớ hai câu lục bát của Đỗ Kh. một nhà thơ nay không biết ở đâu. Hai câu ấy như sau:

Bây giờ em bỏ người ta
Tiểu nhân tôi cũng cười khà một câu

Cười khà thì có. Không phải là cười có một câu, mà cười nhiều câu. Nhưng tiểu nhân thì chắc không. Chỉ vui một chút trên sự bất hạnh của người khác thì sao lại gọi là tiểu nhân được?

Chàng là người đã làm được những điều mà chúng tôi chỉ ao ước thầm kín mà thôi. Thí dụ ở trên cái ngăn kéo đựng Marilyn Monroe có một cái ngăn trống. Nhiều người đang để dành tiền mua nó để mai mốt còn gần gũi Marilyn một chút thì chàng mua cha nó mất hồi nào không hay. Thế rồi từ mấy năm nay, trong tờ Playboy của chàng, số nào chàng cũng khoe những bức ảnh chụp với những phụ nữ quần áo thì ít, đồi núi thì nhiều để trêu tức chúng tôi mặc dù chúng tôi tin chắc rằng có nuốt từng vốc Viagra thì cũng chỉ như người đứng bên sông Dịch cho tóc (?) dựng ngược lên mà thôi.

Nhưng cứ nhìn những bức hình ấy ai mà không ói máu lên được.

Bây giờ, tin do chính chàng xác nhận là nàng đã bỏ đi.

Không biết "bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em" như thế nào…

Nhưng "bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé, bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi" như mấy câu của hai ông Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn thì chán chết được.


Ngày 17 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Thỉnh thoảng ngôn ngữ, cách nói của chúng ta lại có thêm được một vài tiếng mới hay một vài cách ăn nói mới.

Không như William Safire của tờ New York Time, ông vua chữ nghĩa của Mỹ, người có thể nói rõ một từ ngữ xuất hiện ở đâu, năm nào, của ai… tôi không thể nói chắc câu "xấu đẹp tùy người đối diện" là của thiên tài nào. Nhưng tôi rất thích câu này và rất biết ơn người đã nghĩ ra nó.

Nó xuất hiện trên những trang tìm bạn bốn phương khoảng giữa những năm 60. Nó nhanh chóng được nhiều người thích và đem ra dùng ngay. Từ đó, khi không muốn, hay không thể nói chắc là đẹp hay xấu, nhất là khi nói về chính mình, thì người ta dùng câu "xấu đẹp tùy người đối diện".

Đại khái nghĩa là tôi không dám nói là tôi đẹp sợ phía bên kia không đồng ý với nhận định, đánh giá chủ quan của tôi. Tôi cũng không nói mình xấu vì ai lại dại dột như thế.

Vì vậy, tôi xấu hay đẹp tùy người ngó tôi. Đẹp thì tôi nhận. Xấu thì nhất định là không nhận rồi.

Nhưng làm thế nào để tránh chủ quan khi nhìn chính mình. Nhiều khi cũng chẳng phải là chính mình nữa, mà là những cái liên quan đến mình, của mình. Những thứ ấy cũng cần phải … đẹp, phải hay mới nhận chứ.

Con vua, vua dấu, con chúa, chúa yêu.

Của tôi, có dở cũng là của tôi. Xấu tôi cũng coi nó đẹp. Con vua xấu như ma mút nhưng vua vẫn cứ yêu như thường. Con chúa thì chúa yêu. Tôi chỉ yêu con tôi thôi.

Lịch sự thì là như thế. Không lịch sự lắm thì như nhận định về cái trung tiện chẳng hạn. Của ai thì người ấy cưng. Cái trung tiện nó không thơm tho gì, nhưng nó là của tôi. Nó từ trong ruột tôi thoát ra. Tiếng của nó có thể không hay nhưng nó cũng vẫn là của tôi. Mùi của nó không ra gì nhưng cũng là của tôi. Đến như những cục phân cũng thế. Vì vậy, tục ngữ mới có câu "cứt ai vừa mũi người ấy".

Của tôi thì nó vừa mũi tôi. Vậy thôi. Cũng như tôi, sáng sáng vào buồng tắm ngó người trong gương nhiều khi cũng nản chí bầu cua lắm. Nhưng chán cái khuôn mặt ấy thì sống với ai? Mỗi sáng đều thấy nó. Ghét nó thì giết nó hay sao? Vậy nên lại nhận là nó đẹp, duyên dáng có thừa để mà sống chứ. Thế là lại quần áo vào, tự nhủ "xấu đẹp tùy người đối diện". Đứa nào nói cậu xấu thì đi chỗ khác chơi. Đứa nào thấy cậu đẹp thì ngồi lại, đối diện tha hồ mà ngắm.

Nhưng nhất định bắt những người khác phải đồng ý và chấp nhận cái nhận định, phê phán, đánh giá về nhan sắc của mình, hay nhờ người khác hét lên rằng mình đẹp thì cũng không nên mấy.

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

Kiều chỉ vì "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" thì làm sao còn để cho người khác sống!

Hay khi hai người lấy hết của thiên hạ, không chia cho những người khác chút tài, chút sắc mà giữ chặt trong tay thì quá khó. Đến như Cao Bá Quát sau khi nhận gần hết mấy bồ chữ trong thiên hạ cho mình, cho anh mình và cho bạn mình là Nguyễn Văn Siêu cũng còn thương tình đem chia cho thiên hạ chút ít chứ ôm hết thì khổ cho người khác biết là chừng nào.

Mà Cao Bá Quát là "trai tài" thứ thiệt đấy chứ! Không thấy "cô" trong đôi câu đối "Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái / Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi " có là "gái sắc" không.

Vì không thấy báo chí (?) thời ấy ở Quốc Oai viềt về vợ chồng Cao Bá Quát.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 101)

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 101 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

TRÚC GIANG:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Trúc Giang xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa thầy, hôm nọ ở trong bếp, con gái Thúy lại dậy dỗ Thúy về tiếng Anh. Thúy không muốn nhận là mình thua nó nên phải đem ra hỏi lại thầy cho rõ. Thúy nói với nó rằng nó phải đi ngủ sớm bất cứ ngày nào trong tuần. Nó cãi lại, nói rằng MUST là không đúng. Mà phải là SHOULD. Thầy nghĩ sao?

BBT

MUST là phải, nặng hơn SHOULD. Khi dùng MUST, thì nếu việc đó không làm, thì sẽ có một việc khác tiếp theo sau, mà thường là không tốt đẹp lắm. Thí dụ THE PATIENT MUST TAKE ALL THE MEDICINE PRESCRIBED BY THE DOCTOR nghĩa là bệnh nhân phải uống tất cả các thứ thuốc mà y sĩ đã kê trong toa. Nếu không thì bệnh sẽ không hết, sẽ nặng thêm. Nhưng SHOULD thì nhẹ hơn. SHOULD là nên, không có nghĩa bắt buộc. Thí dụ WE SHOULD EAT HEALTHY AND EXERCISE. Không ăn uống cẩn thận và không tập thể dục thì chưa chắc đã bị bệnh hoạn ngay như không uống thuốc. Con gái Thúy cũng đúng mà Thúy cũng đúng.

TRÚC GIANG

Thế còn HAD BETTER thì sao thưa chú? HAD BETTER có tương đương với SHOULD không?

BBT

À đây là một động từ khá kỳ cục. Nó bao giờ cũng chỉ là HAD BETTER. Không có PRESENT TENSE. Không có FUTURE TENSE. Nó đưa ra một lời khuyên cho những chuyện nên làm vào lúc này hay trong tương lai. Nhưng bao giờ cũng là HAD BETTER. Không bao giờ là HAVE hay HAS BETTER hay WILL BETTER. Nhưng trong ngôn ngữ thường ngày, người Mỹ gần như bao giờ cũng chỉ dùng BETTER mà thôi. Ít người dùng HAD BETTER trong khi nói. Nếu dùng thì gần như bao giờ cũng nói tắt, ít khi nói rõ hẳn ra. Họ nói YOU’D BETTER CHANGE THE OIL EVERY 3 THOUSAND MILES. WE’D BETTER CUT DOWN OUR DRIVING. THEY’D BETTER LEAVE EARLY FOR THE AIRPORT.

LÃM THÚY

Thế còn khi nói không nên, nghĩa là khi nói về một điều không nên làm thì NEGATIVE của HAD BETTER là gì thưa anh?

BBT

Chúng ta thêm NOT vào sau HAD BETTER như hai cô chắc đã nghe trong bài SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN mỗi dịp Giáng Sinh: YOU’D BETTER NOT CRY…YOU’D BETTER NOT POUT…

HAD BETTER có nghĩa như SHOULD nhưng chúng ta đều ngầm hiểu rằng làm theo lời khuyên đó THÌ HƠN. Có nghĩa THÌ HƠN vì HAD BETTER có trạng từ BETTER ở trong. Thí dụ I’D BETTER NOT COME nghĩa là tôi không nên đến thì hơn. Khi dùng I SHOULD NOT COME thì câu đó chỉ có nghĩa là tôi không nên đến mà thôi, không có nghĩa thì hơn . Trúc Giang cho nghe thử một câu với HAD BETTER NOT coi.

TRÚC GIANG

YOU’D BETTER NOT SAY ANYTHING

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

WE’D BETTER NOT MISS THE PRESIDENT’S SPEECH.

BBT

Nhưng hai cô cũng để ý là HAD BETTER được dùng trong một trường hợp đặc biệt nào đó. Thí dụ bài diễn văn của tổng thống, hay một điều gì đó mà Trúc Giang muốn dấu , không muốn kể cho người kia nghe. Đó là những trường hợp, những chuyện, những điều đặc biệt nào đó. Nhưng khi nói về những chuyện chung chung, những chuyện có tính cách tổng quát thì chúng ta dùng SHOULD. Thúy nghĩ thử coi có chuyện gì chung chung, tổng quát mà chúng ta nên làm hay không nên làm để dùng với SHOULD hay SHOULD NOT không?

LÃM THÚY

WE SHOULD CHECK OUR EYES EVERY YEAR.

Nhưng HE’D BETTER CHECK HIS EYES AFTER THE ACCIDENT

BBT

Đúng rồi. Chuyện khám mắt thường niên là chuyện ai cũng nên làm nên chúng ta dùng SHOULD. Nhưng ông ta bị tai nạn, bị acid bắn vào mắt thì ông ấy HAD BETTER đi khám mắt vì mắt bị dính acid thì là chuyện bất thường, đặc biệt mới xẩy ra cho ông ấy, nên ông ấy HAD BETTER đi khám mắt.

Trúc Giang cho hai thí dụ để cho thấy sự khác biệt giữa SHOULD và HAD BETTER .

TRÚC GIANG

I SHOULD ANSWER ALL CHRISTMAS CARDS I RECEIVE.

I HAD BETTER SEND HIM A CHRISTMAS CARD TO CHEER HIM UP.

BBT

Đúng rồi. Thường thì chúng ta SHOULD trả lời các thiệp Giáng Sinh chúng ta nhận được. Nhưng riêng ông ấy thì chúng ta HAD BETTER gửi lại cho ông ấy một tấm thiệp Giáng Sinh để cho ông ấy vui trong dịp cuối năm.

Động từ SHOULD còn khác HAD BETTER trong một cách dùng khác nữa. HAD BETTER chỉ có một thì quá khứ nhưng lại được dùng để đưa ra những những lời khuyên ,những điều nên làm hay không nên làm vào lúc này hay trong tương lai. Động từ SHOULD có thể đi kèm với HAVE và PAST PARTICIPLE để mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Thí dụ I SHOULD HAVE và một PAST PARTICIPLE thì tuy hình thức nó không có chữ NOT ở trong nhưng chúng ta phải hiểu việc đó, việc diễn tả bằng PAST PARTICIPLE đã KHÔNG XẨY RA.

I SHOULD HAVE STAYED. Không cần phải nói thêm BUT I DID NOT người ta cũng hiểu là tôi đã không ở lại. Mời cô Trúc Giang.

TRÚC GIANG

THEY SHOULD HAVE SOLD THE HOUSE THREE YEARS AGO nghĩa là họ đáng lẽ đã nên bán căn nhà hồi 3 năm trước nhưng họ đã không làm việc đó, vì thế, nay họ không bán được nhà nữa.

LÃM THÚY

I SHOULD HAVE ENCOURAGED MY SON TO STUDY LAW nhưng Thúy lại khuyến khích cháu học y khoa thay vì khuyến khích nó học luật. Nó cãi Thúy giỏi như thế mà học luật nữa thì mẹ sẽ tiếp tục thua nó dài dài mà thôi.

BBT

Như vậy SHOULD HAVE là đáng lẽ nhưng đã không. Bây giờ chúng ta dùng SHOULD HAVE trong thể NEGATIVE . Thí dụ SHOULD NOT HAVE và Past Participle như trong câu này: PEOPLE THINK THE US SHOULD NOT HAVE ATTACKED IRAQ. Trúc Giang hiểu câu này như thế nào?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu thế này: nhiều người nghĩ rằng Hoa kỳ đáng lẽ đã không nên đem quân đi Iraq nhưng thực ra thì Hoa kỳ đã đem quân tham chiến tại Iraq. Như vậy, SHOULD NOT HAVE là đáng lẽ không nên nhưng lại đã làm đúng điều đó. Cháu nói thế này được không: MISTER OBAMA SHOULD NOT HAVE BOWED TO THE EMPEROR OF JAPAN đáng lẽ tổng thống Obama đã không nên cúi mình xuống khi gặp Nhật Hoàng.

BBT

BUT DID HE?

TRÚC GIANG

BUT HE DID. HE BOWED TO THE JAPANESE EMPEROR.

BBT

Đúng rồi. Đáng lẽ đã không nhưng lại đã làm là SHOULD NOT HAVE BUT HE DID. Cô Thúy?

LÃM THÚY

I SHOULD NOT HAVE WASTED TIME TO LEARN RUSSIAN.

BBT

Như vậy là cô đã phí mất một thời gian học tiếng Nga trong khi đáng lý ra cô đã nên học tiếng Anh phải không?

Hai cô có biết chúng ta có thể dùng SHOULD NOT HAVE để thay cho một câu cám ơn không?

TRÚC GIANG

Có. Một lần cháu mua tặng cô giáo ở lớp ESL một món quà, cháu nghe cô ấy nói: OH YOU SHOULD NOT HAVE. YOU SHOULD NOT HAVE DONE THAT. Có phải thế không chú? Thay vì nói cám ơn về một việc gì đó người ta làm cho mình, cháu cũng có thể nói đáng lẽ ông bà không nên, không cần làm thế, đúng không chú?

BBT

Đúng là như thế. Nhưng không phải lúc nào cũng dùng cách nói ấy được. Cô Thúy cho nghe một thí dụ coi.

LÃM THÚY

Trong trường hợp Thúy trượt chân suýt té, có người đưa tay đỡ cho Thúy khỏi té thì cứ nói THANK YOU FOR HELPING chứ không nên nói YOU SHOULD NOT HAVE DONE THAT. Nói vậy là ông đáng lẽ cứ để cho tôi té lộn xuống sình hay sao?

Thưa anh, còn có một lối nói nào KHÔNG trong thể NEGATIVE mà ý nghĩa lại là NEGATIVE không?

BBT

Có chứ. Thay vì nói IT IS TOO COLD. I CANNOT GO SWIMMING, chúng ta dùng cách nói này TOO+ADJECTIVE+TO+VERB để nối hai câu lại với nhau và thành IT IS TOO COLD TO GO SWIMMING. Như thế, tôi có đi bơi không?

TRÚC GIANG

NO YOU DID NOT. Cháu cũng hay nghe câu này: IT IS TOO GOOD TO BE TRUE. Thí dụ có người rao bán cái xe Lexus mới tinh chỉ có 200 đô la thì điều đầu tiên thoáng qua đầu phải là câu IT IS TOO GOOD TO BE TRUE là điều đó quá tốt đẹp để có thể trở thành sự thật. Nghĩa là làm sao có chuyện bán cái Lexus có 200 đô la.

LÃM THÚY

Nhưng khi nói IT IS NOT TOO GOOD TO BE TRUE thì điều đó có thể hay đã xẩy ra phải không thưa anh? Thí dụ MISTER HUGH HEFNER THINKS HE IS NOT TOO OLD TO GET MARRIED nghĩa là ông Playboy Hugh Hefner nghĩ ông ấy không quá già để lên xe hoa lần nữa. Còn cô Crystal Harris 25 tuổi thì SHE THINKS HE IS TOO OLD TO BE HER HUSBAND nên cô ấy mới không làm đám cưới với ông già Playboy Hugh Hefner 85 tuổi ấy.

TRÚC GIANG

Tuần qua chương trình nhận được thư của cụ Trần Văn Anh hỏi về sự khác nhau giữa hai preposition FOR và SINCE. Xin chú giải thích.

BBT

Hai chữ này rất khác nhau. FOR nghĩa là "trong" như trong 5 phút, trong 8 năm, trong 2 thế kỷ, trong một thời gian dài… FOR được dùng với A PERIOD OF TIME, A LENGTH OF TIME.

SINCE nghĩa là "kể từ", theo sau là một mốc thời gian nào đó như 2 giờ trưa, thứ Tư tuần trước, năm 2001, từ khi ra khỏi trường…

Với FOR người ta có thể dùng thì PAST TENSE hay thì PRESENT PERFECT. Thí dụ I WAITED FOR HIM ALL DAY. Hai chữ ALL DAY là chiều dài thời gian. Thay vào đó là ONE WEEK, HALF AN HOUR, TWO YEARS … đều được.

Nếu dùng PRESENT PERFECT cũng được.

HE HAS LIVED HERE FOR 2 YEARS. WE HAVE KNOWN HIM FOR SEVERAL YEARS.

LÃM THUÝ

Nhưng thưa anh, hai câu này có khác gì nhau không : I WAITED FOR 3 HOURS và I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

BBT

Trước hết , một câu là PAST TENSE : I WAITED FOR 3 HOURS. Một câu là PRESENT PERFECT: I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

Sự khác biệt thứ hai là một câu người đợi không còn ở đó nữa, không còn đợi nữa, chuyện chờ đợi đã chấm dứt: I WAITED FOR 3 HOURS. Thì PAST TENSE chỉ một hành động đã hoàn tất.

Trong câu dùng PRESENT PERFECT thì chuyện chờ đợi vẫn còn, người ấy vẫn còn đứng đợi: I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

Bây giờ qua SINCE. Sau SINCE chúng ta dùng một mốc thời gian. Thí dụ THE WAR IN IRAQ HAS CONTINUED SINCE 2003. Trúc Giang cho nghe hai câu một với FOR và một với SINCE coi.

TRÚC GIANG

I HAVE DRIVEN THIS CAR FOR 3 YEARS. I HAVE HAD IT SINCE 2008.

BBT

Còn Thúy?

LÃM THÚY

MY SON HAS DATED THIS GIRL FOR 6 MONTHS, SINCE CHRISTMAS.

BBT

THIS ENGLISH PROGRAM HAS GONE ON FOR 2 YEARS, SINCE 2009.

TRÚC GIANG

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin kính chào quí vị.