October 15, 2009

October 16, 2009

Ngày 12 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Trong tương lai gần, nếu không có biện pháp ngăn chặn và nếu cứ để cho chiều hướng hiện nay tiếp tục đi tới, thì trong vài năm nữa, có thể một trong những lý do được nại ra nhiều nhất trong những vụ ly dị ở Hoa kỳ sẽ là cái bàn cầu trong các nhà tắm của người M.

Theo một ý kiến đọc được trên một trang báo miền đông thì nhiều bà vợ đã hăm đưa chồng ra tòa ly dị, và nhiều phụ nữ trẻ đã cắt đứt những liên hệ tình cảm với các bạn trai, hồi hôn những người đã hứa hôn, các nữ sinh viên trong các lưu học xá sẽ đưa các nam sinh viên ra tòa, vì theo các phụ nữ, đàn ông, sau khi xong việc, rất nhiều người đã không chịu hạ cái bàn cầu xuống. Các bà, các cô, mỗi khi cần dùng, là y như đều phải đích thân hạ nó xuống.

Trong những ngày đông, cái bồn sứ lạnh ngắt chắc chắn đã làm cho nhiều phụ nữ sơ ý, không cẩn thận nhìn trước, ngó sau giật thót mình lên và bực bội không ít.

Việc hạ cái bàn cầu cũng chỉ mất một số công sức ngang với việc dựng nó lên. Nếu việc dựng nó lên là một hành động ý tứ, quan tâm, tử tế, vì người khác, thì tại sao lại bắt những người ý tứ, quan tâm, tử tế, vì người khác phải làm thêm việc hạ nó xuống nữa? Một người dựng lên, một người hạ xuống, cả hai đều có những đóng góp đồng đều cho phúc lợi của nhau như thế có phải tốt đẹp không?

Hay là cứ để nguyên như thế, khỏi phải dựng lên, để không bị phiền trách là không chịu hạ nó xuống khi xong việc?

Nhưng như vậy cũng vẫn có thể bị phản đối. Không bị cái bồn sứ làm cho lạnh, nhưng lại bị cái bàn cầu bằng plastic làm cho … ướt thì sự khó chịu cũng ngang nhau nếu không nói là còn tệ hại hơn nữa.

Những tranh chấp chung quanh việc dựng lên, hạ xuống đó đã có từ lâu. Khoảng hơn bốn chục năm trước, ở một xứ nằm tận cùng phiá nam xa xôi của Thái Bình Dương, trong một nhà tắm của đại học xá, tôi đã đọc được mấy câu "thơ" này:

Do like your dad
Not like your sis
Lift up the pad
And then you piss

Từ đó đến nay, vấn đề vẫn tiếp tục là đề tài tranh chấp của hai phe. Cứ mỗi lần phải hạ cái bàn cầu xuống, là phụ nữ lại được nhắc nhở về cái chủ trương đàn áp phụ nữ của đàn ông, và coi chuyện không chịu hạ cái bàn cầu xuống của đàn ông sau khi xong việc của mình là một thái độ chống phụ nữ.

Làm thế nào để giải quyết những tranh chấp bất đồng này?

Tôi nghĩ sở dĩ có tranh chấp là vì phụ nữ đòi hỏi quá nhiều, vậy thôi.

Thí dụ nếu đàn ông Mỹ cũng làm ầm lên về việc xong công tác, phụ nữ không bao giờ chịu nghĩ tới những người khác, không bao giờ biết chia xẻ, thông cảm với … tha nhân bằng cách dựng cái bàn cầu lên thì mọi chuyện sẽ ra sao?

Một đằng than phiền là xong chuyện không hạ xuống gây lạnh lẽo cho người ta, một đằng phản đối phe kia là xong việc không biết dựng lên làm mệt sức lao động.

Thì hai bên sẽ huề. Ðã có người nại lý do không hạ xuống để ly dị thì tại sao không thể nêu lý do không dựng lên để đòi … được vợ cấp dưỡng và cho giữ con?

Nhưng làm thế nào để không quên hạ cái bệ cầu xuống?

Một người bạn Mỹ của tôi kể rằng nghe xong câu chuyện diễu của người đàn ông vừa về nhà sau chuyến đi xa, thấy chiếc bàn cầu ở tư thế dựng, đã rút súng đi lùng kiếm mọi căn phòng trong nhà để bắn cái đứa dựng bàn cầu lên vì trong gia đình ông chỉ có người vợ và đứa con gái nhỏ, bạn tôi luôn luôn cẩn thận hạ cái bàn cầu xuống sau khi xong chuyện.

Tôi không biết những chi tiết trong chuyện có liên quan gì đến việc làm cẩn thận của ông ta hay không. Khó hiểu dễ sợ.


Ngày 13 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Có bao giờ bạn nhớ lại những bài luận văn chúng ta ít nhất cũng phải một hai lần viết thời còn đi học hay không?

Ðó là những bài luận, mỗi khi nghĩ lại, ai cũng phải thấy là chúng đã đóng góp cho việc làm thui chột văn tài của chúng ta không biết là bao nhiêu mà kể.

Thí dụ bài luận trong thể miêu tả đồ vật với đề tài ra cho cả lớp viết về chiếc cặp sách mới được cha mẹ mua cho chẳng hạn. Ðể viết một bài luận như thế, bao giờ thầy cô cũng dậy phải mở bài, nói lý do tại sao được mua cho chiếc cặp mới, lúc nào, ở đâu… và cả lớp, không một đứa học trò nào muốn được điểm tốt dám viết khác hơn những lời huấn thị đầy sáng tạo đó. Thế nào mà bạn lại đã chẳng viết như thế này: " Nhân dịp tôi được lên lớp Nhất, và chiếc cặp có từ hồi học lớp Năm đã cũ, không đựng được nhiều sách cho năm học mới, cha tôi mua cho tôi một chiếc cặp da mới…"

Kế đến, thân bài phải được dùng để tả chiếc cặp, phải có chiều dài gấp ba lần đoạn mở bài, nói rõ nó làm bằng gì, mầu gì, kích thước ra sao, có bao nhiêu ngăn, có khóa không, có ngăn đựng bút không … Cuối là kết luận để nói cảm tưởng (?) về chiếc cặp, đại khái tất cả các nhà văn tuổi thơ đều cám ơn cha mẹ đi làm khó nhọc mi có tiền mua chiếc cặp, tự nguyện sẽ học hành ngoan ngoãn để khỏi phụ lòng cha mẹ…

Ông bà cụ của bạn và của tôi đều hạnh phúc, có được những đứa con, vừa được mua cho cái cặp, đứa nào cũng lập tức trở thành những đứa con ngoan ngoãn … " cố gắng học hành để trở thành người hữu dụng cho xã hội và làm cha mẹ vẻ vang, sung sướng …"

Tôi chợt nhớ đến nhũng bài luận văn thời thơ ấu đó từ mấy ngày hôm nay, sau khi đọc một bài viết trên tờ Los Angeles Times. Tôi nghĩ nếu các trường học ngày nay cũng ra cho học sinh nhưng đề luận mô tả vài ba món quà cha mẹ cho nhân dịp cuối năm, tốt nghiệp trung hoc, trước khi lên đường đi học đại học thì nhiều bài luận sẽ lý thú hơn nhưng thứ luận văn mà bạn cũng như tôi đã viết hồi mấy chục năm trước rất nhiều.

Tờ Los Angeles Times mới đây có viết về những thứ quà mà nhiều học sinh ở Nam California được cha mẹ tặng nhân dịp tốt nghiệp trung học. Theo bài báo này, thì quà tốt nghiệp trung học cha mẹ tặng con cái có thể là hai bịch silicone bỏ vào người cho đẹp, mà cũng còn có thể giúp một số thêm chút tự tin trước khi lên đường đi học đại học.

Ở California thì phải thế. Theo The Amerian Society of Plastic and Reconstruction Surgeons , tức là hội y sĩ giải phẫu … tái thiết (reconstruction) Hoa kỳ thì các phụ nữ ở Nam California chứa trong người hơn 50 tấn silicone, tốn phí lên đến hơn 200 triệu đô la. Con số 50 tấn silicone trong người của các phụ nữ California tượng trưng cho khoảng 30% tổng số silicone trong người của phụ nữ Mỹ trên toàn quốc Hoa kỳ. Sau California là Florioda, Texas và New York. Tờ Los Angeles Times cho biết các nữ sinh dưới 19 tuổi đeo (?) silicone trong người năm 2008 đã tăng 57% so với năm 2006, và chiều hướng sẽ còn tiếp tục đi lên nữa.

Và nếu các học sinh này phải viết những bài luận như hồi chúng ta còn đi học, thì chúng sẽ viết như thế nào?

Chúng có mở bài, nói về lý do được tặng món quà đó không ?..." Nhân dịp học xong năm cuối, thấy tôi không được vui lắm với những thống kê (?) cần thiết cho đời sống (vital statistics), mẹ tôi bàn với cha tôi và cả hai quyết định tặng tôi hai bịch silicone, bao nhiêu phí tổn ông bà chịu hết …"

Mở bài như thế thì cũng ngang với những bài luận văn của chúng ta mà thôi. Nhưng thân bài, thì phải viết ra sao?

"…Hai bịch silicone giúp tạo ra một thung lũng Silicone Valley mới cho California, trong suốt, không mầu được một chuyên gia giải phẫu tái thiết đặt vào trong người tôi, giúp cho tình trạng phát triển dưới mức (under-developed) tiến lên thành đã phát triển (developed), từ 32-A thành 34-C…"

Tôi nghĩ chắc phải viết như thế, cộng thêm những chi tiết chuyên môn khác mà tôi không biết rõ lắm. Nhưng đoạn kết luận mới là đáng nói. Nếu viết theo kiểu luận văn chúng ta được dậy hồi đi học, thì những giòng cuối của bài luận phải được dùng để viết về cảm tưởng và dăm ba lời tâm nguyện.

Nhưng tâm nguyện thế nào?

Chẳng lẽ lại cù lần như chúng ta: "Hai bịch silicone là do công khó của cha mẹ em mua cho em. Em nguyện sẽ giữ gìn chúng cẩn thận, không chơi các môn thể thao hung bạo như football, quyền Anh, phơi (?) chúng ra nắng gió, mặc quần áo tử tế, đúng size (?), tránh những bàn tay thô bạo (?) có thể gây cho chúng những hư hại, rách, thủng, méo mó, xẹp đi… mà tốn tiền của cha mẹ em. Và nếu sau này, em có gặp khó khăn về mặt sức khỏe, em sẽ không kiện cha mẹ em để đòi bồi thường vì đã cho em món quà này. Từ nay, em sẽ có thể kiêu hãnh bước tới, không còn phải hốt hoảng khi xem Baywatch của Pamela Anderson nữa. Muốn bikini, em mặc bikini, muốn T-shirt, em mặc T-shirt. Em không thèm sợ một đứa nào nữa…"

Nếu viết được như vậy, thì cũng hay hơn luận của chúng ta nhiều.

Nhưng quà phải như thế chứ ai đời cho con cái bút Parker 61 như ông cụ tôi hồi ấy đã cẩn thận khắc tên của tôi vào thân bút. Tuy vậy, nếu không cho tôi cái bút thì ông cho tôi cái gì đây?


Ngày 14 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Mấy tuần trước, trong mục gỡ rối bòng bong của một tờ báo ở đây có đăng bức thư của một phụ nữ ở Michigan than thở (?) về người chồng mà bà cho là đã làm phiền (?) bà quá nhiều trong cuộc sống vợ chồng.

Những hoạt động trong phòng ngủ đã được bà độc giả nói rõ rằng "once is snough, twice is uncomfortable and anything more than that is painful".

Nhưng rõ ràng là ông đã không nghe, và do đó, đã xẩy ra những lần sau lần thứ hai, thứ ba. Lá thư không có vẻ vui. Người viết thư thắc mắc không biết trên đời này còn có một người đàn ông nào khác với những cái tính như ông chồng của bà không, hay trên đời chỉ có ông là một. Tác giả lá thư nhờ người phụ trách mục gỡ rối bòng bong cố vấn xem phải làm gì.

Sau khi đọc qua loa bức thư, người phụ trách mục gỡ rối liền gọi người chồng này là một con yêu râu xanh, một con quỉ đội lốt người … và khuyên bà độc giả nên đi gặp các chuyên gia về tâm lý, các cố vấn về gia đình để xin được giúp đỡ. Nếu người chồng không chịu đi cùng, thì cứ đi một mình, vì không một phụ nữ nào bị buộc phải gánh chịu (?) những lối cư xử như thế.

Sở dĩ tôi biết chắc người trả lời chỉ đọc qua loa bức thư là vì bà đã không thấy một chi tiết rất quan trọng không được đề cập ở trong thư, chi tiết có thể cho bà biết rõ hơn về lối cư xử ấy của người chồng.

Trong thư, bà độc giả viết rằng bà đã nói với chồng một lần là đủ, hai lần bà thấy không thoải mái và từ lần thứ ba trở đi thì đau lắm.

Nhưng có một chi tiết mà lá thư của bà độc giả không nói ra, đó là "once a day" hay "once a week" hay "once a month" hay "once a year". Một ngày một lần. Một tuần một lần. Một tháng một lần. Một năm một lần. Những chi tiết này không thấy được viết trong thư. Chính những chi tiết vừa kể rất quan trọng vì phải có chúng, người ta mói có thể quyết định nên trả lời như thế nào. Người phụ trách cột báo không chờ để hỏi ra những chi tiết mà tác giả lá thư quên không viết trong thư đã vội vàng đưa ra ý kiến ngay.

Thí dụ 3 lần một ngày mà nói đau lắm thì có thể coi là tạm đúng.

Nhưng 3 lần một tuần mà nói đau thì có lẽ không đúng lắm.

Một tháng mà chỉ có 3 lần thì có khác chi niềm đau (?) của Hồ Xuân Hương "một tháng đôi lần nên chăng chớ". Niềm đau này là phải chăng là niềm đau của chuyện … quá ít không?

Một năm mà chỉ có 3 hay 4 lần kiểu "xuân thu nhị kỳ" thì đau ở cái chỗ nào mới được? Mà ai đau trong trường hợp này? Vì "xuân thu nhị kỳ" thì nỗi đau có thể là của bà độc giả mà cũng có thể là của ông độc giả.

Vậy mà chưa chi đã nhẩy bổ đến kết luận và gọi người chồng là con quỉ đội lốt người. Bà đã không làm đúng theo những qui luật của nghề báo, đó là phải tìm hiểu để phối kiểm xem người viết có thực sự là một phụ nữ hay không.

Nếu người viết là một phụ nữ, những câu trả lời của bà cũng đã là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp người viết là đàn ông thì người trả lời lại còn hố nặng hơn nữa.

Ðăng bức thư của người đàn ông này lên báo, rồi trả lời hồ đồ như vậy là dở. Người phụ trách cột báo đã làm công việc quảng cáo không công cho một tên phét lác ở Michigan.

Những lời lộng ngôn của y đã xúc phạm danh dự và khả năng nghiệp vụ (?) của đàn ông Mỹ ở một mức độ nghiêm trọng, gây hoang mang và nghi ngờ cho nhiều phụ n Mỹ. Những xúc phạm đó có thể đưa tới việc nhiều người chồng ở Mỹ hủy mình vì danh dự bị tổn thương. Trong khi đó, những hoang mang, nghi ngờ sẽ đưa nhiều cuộc hôn nhân đến tan v.

Người phụ trách cột báo đáng lẽ đã phải bác bỏ ngay gơi ý, nếu có, trong bức thư để đánh tan những hiểu lầm tai hại, tránh cho nhiều phụ nữ những chuyến đi Michigan (?) một cách vô ích, đồng thời mách cho tác giả bức thư, nếu quả thật là một phụ nữ, cái giải pháp cuối cùng (final solution theo lối dùng chữ của Ðức Quốc Xã để giải quyết vấn đề Do Thái), đó là đi một đường dao, quăng thùng rác là hết.

Trả lời như trang báo cách đây mấy tuần là vừa dở vừa nguy hiểm.


Ngày 15 tháng10 năm 2009

Bạn ta,

Cái mền rách, người bạn độc thân hàng xóm của tôi, tối khuya hôm qua đập cửa ghé thăm tôi. Chàng bước vào, ngồi phịch xuống ghế, mặt mũi buồn so. Hỏi thì chàng chìa ra tấm thiệp mời dự kỷ niệm 25 năm hạnh phúc của một cặp mà tôi cũng có quen ở trong vùng.

Bị yêu cầu giải thích về vẻ gầy của mai và nét sầu của liễu , thì cái bánh bao chiều cho biết chàng buồn vì cứ bị mời đi góp vui cho những cp mà để tự nhiên họ đã vui rồi, trong khi chàng thì có gì vui đâu. Vậy mà người ta vẫn cứ chờ đợi chàng phải đóng góp niềm vui, cái mà chàng không có, cho họ.

Tôi an ủi chàng rằng ngày nay, sống ở miền đông, hay miền tay, hay miền nam, miền bắc chàng sẽ không thể nào tránh nổi những tấm thiệp như thế, mỗi năm cũng phải 2 hay 3 cái. Vậy thì tại sao không làm như câu mà chúng ta vẫn thường nghe : "If you can’t fight ‘em, join ‘em". Không chặn, không ngăn, không chống, không dẹp được những chuyện đó thì cứ làm theo, nhập bọn, đi theo luôn có phải vui hơn không. Còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa … bóng tối.

Tôi hỏi chàng tại sao không bịa ra một cái gì để chàng kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 25 năm, 30 năm, 40 năm, nửa thế kỷ, rồi mời thiên hạ lại vui chơi với mình. Chàng đáp chàng chưa bao giờ có vợ thì ngay 5 năm hạnh phúc cũng chưa có chứ ở đó mà 25 năm như vợ chồng kia.

Bệnh chán đời của bạn tôi quả thật đã thành kinh niên.

Tôi kể cho chàng nghe cách đây đã lâu, tôi có đi dự một party cũng để kỷ niệm 25 năm của một người bạn cũng cùng cảnh gẫy gọng như tôi. Nhưng tôi thắc mắc những người gẫy gọng như ông ta thì làm sao có tư cách và điều kiện để tổ chức những cái party như thế ? Tôi biết cuộc đời ái tình và sự nghiệp của ông khá kỹ, nên sau khi tính nhẩm một hồi, tôi tin chắc là "phi vụ" hiện nay của ông không thể có chiều dài 25 năm. Vừa vào cửa, thì may quá, ông nói ngay là ông không hề tổ chức 25 năm chung sống với ai hết. Ông ta chỉ kỷ niệm 25 năm không sống độc thân mà thôi.

À, có thế chứ! Tôi quả là chậm hiểu, cù lần, nhà quê, lại thiếu óc sáng tạo vào hạng nhất thế giới. Mà tại sao lại không làm như ông bạn đó? Ý kiến của ông hay tuyệt. Cách giải thích của ông đã làm xẹp hẳn những băn khoăn vô cùng lớn của bao nhiêu người gẫy gọng. Chúng tôi, sau khi cộng trừ, nhân, chia cẩn thận, cố gắng không bỏ thừa một tháng nào, một nửa năm nào, thì chúng tôi cũng có ai dưới … 25 năm đâu. Chúng tôi cũng 25 năm như những cặp khác có đủ 25 năm nội chiến từng ngày đó chứ. Khác chăng là chúng tôi không 25 năm nội chiến từng ngày với cùng một đối phương mà thôi. Vậy thì tại sao chúng tôi lại trở thành một thứ outcast, bị quăng tuốt ra bên ngoài vòng của những trò chơi vui như thế?

Người bạn hàng xóm của tôi có vẻ hơi vui lên một chút. Nhưng rồi ông ta lại buồn trở lại ngay. Chàng cứ nói chàng cộng, trừ, nhân, chia đến mai cũng không thể có được một năm, nói chi đến đủ hay thừa 25 năm như tôi. Chàng nói đúng. Nhưng tôi nói với chàng rằng chàng có thể tổ chức một cái party lớn hơn để kỷ niệm một thành tích với chiều dài gấp đôi chiều dài 25 năm hạnh phúc của cặp vợ chồng mới gửi thiệp cho chàng. Chàng có thể tổ chức party mừng 50 năm độc thân. Thành tích đó mới là khó. Chàng mới là lý do ghen ghét của nhiều người chứ 25 năm nội chiến thì người ta … thường tình, có gì khác thường đâu.

Chàng có vẻ siêu lòng. Nhưng lại ngần ngại. Chàng nói tổ chức 50 năm kỷ niệm độc thân thì chàng làm được. Nhưng như thế có phải là tự quảng cáo cho cái status độc thân của mình quá hay không. Chàng là một người nhũn nhặn? Hay chàng muốn giữ thành tích đó thêm 20 năm nữa?

Tôi hỏi chàng có một thành tích nào khác để kỷ niệm 25 năm không, thì chàng đáp chàng chỉ có 10 năm dậy học ở Việt Nam rồi chạy sang Mỹ. Kỷ niệm 10 năm thì yếu quá . Nội chiến từng ngày cũng phải 25 năm.

Tôi lại hỏi chàng có làm bài thơ nào chưa, hãy nhớ lại bài thơ ấy, có thể đã 30 năm, 40 năm. Nếu được như vậy thì cứ kỷ niệm 30 năm làm thơ yêu em (?) nghe cũng mùi lắm chứ đâu có cù lần như 25 năm nội chiến từng ngày. Chàng lắc đầu buồn bã. Thứ nhất chàng không làm thơ. Thứ hai, một bài thì nghĩa lý gì. Thứ ba, nếu làm thơ triền miên 25 năm và vẫn chỉ được như chàng thì thơ chàng không ép phê. Hơn nữa, các ông Mai Thảo trước kia, hay ông Võ Phiến bây giờ có ông nào sốt ruột quá đến nỗi phải làm 30 năm, 40 năm kỷ niệm thành tích văn học đâu. Tác phẩm chình ình nằm đó, độc giả cứ tính nhẩm ra là biết ngay, việc quái gì mà phải kỷ niệm linh đình mọi người mới biết?

Chàng quả là người vừa khiêm tốn, vừa khó tính, lại vừa chán đời. Cuối cùng, chàng nói thật, chàng chẳng làm được cái gì nên hồn trong hơn sáu chục năm sống trên cõi đời này.

Nhưng đó cũng là một cái gì đó chứ. Tôi nói với bạn tôi rằng nếu chuyển câu nói đó sang tiếng Anh thì chàng cũng có một thành tích rất đáng để kỷ niệm. Nói kỷ niệm 50 năm không làm gì tự nó cũng đã hay, đã rất Bùi Giáng rồi, nhưng diễn lại bằng tiếng Anh thì lại là hay tuyệt: 50 Years of Doing Nothing.

Doing Nothing chính là đã có làm một cái gì đó chứ. Tại sao không kỷ niệm một cái gì.

Vì thế, có thể bạn sắp được mời đi hai cái party , một cái để kỷ niệm 25 năm không sống độc thân và một cái 50 năm không làm gì cả.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 50)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 50 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Hôm nay Nhã Lan lại có một thư khán giả nhờ thầy giải đáp một thắc mắc mà Nhã Lan đọc thì lại thấy đó cũng là thắc mắc của chính mình. Ðó là tên gọi một thứ văn kiện thỉnh thoảng Nhã Lan thấy trên báo: TO WHOM THIS MAY CONCERN. Tại sao lại có cái tên ấy? Và hiểu nó như thế nào?

BBT

Tôi vẫn gọi đùa TO WHOM THIS MAY CONCERN là cái văn kiện chửi mất gà. Nó là tờ giấy viết về một vài điều mà nếu không dính dáng gì đến cô, hay đến tôi thì chúng ta không cần quan tâm đến nó. Chỉ khi nào nó dính líu tới chúng ta thì chúng ta mới cần phải quan tâm, mới cần ngó vào, mới phải đọc mà thôi. Thí dụ tờ giấy với những câu đại khái … "Từ nay, chiếc xe Peugeot 203 số NBA-000 sẽ không thuộc về tôi nữa, ai ngồi lên nó, được chủ mới của nó đưa đi ăn tối, đi nhẩy đầm, đi hát karaoke, đi shopping, đi trượt tuyết, rồi có gì xẩy ra sau đó thì ráng mà chịu…" dưới ký tên John Smith chẳng hạn. Mấy dòng chữ đó thì nhất định không dính dáng gì đến tôi. Thế nên tôi không đọc, không thắc mắc gì hết. Người viết lá thư cũng không nghĩ là tôi sẽ đọc, sẽ có ý kiến, sẽ quan tâm. Thế nên người viết mới dùng câu TO WHOM THIS MAY CONCERN. TO WHOM là gửi tới ai, tới bất cứ người nào mà nội dung của lá thư này có thể tạo quan tâm. Không dính dáng lôi thôi gì thì không sao. Trúng thì ráng chịu. Hệt như trò chửi mất gà. Cứ đứng trong sân nhà mà chửi đổng, mà đem tất cả những chuyện không hay gửi vào thinh không cho đổ hết xuống đầu người lấy trộm con gà. Ai không lấy cắp con gà thì coi như những câu chửi ấy không nhắm vào mình. Ai động lòng thì lo mà mang trả lại con gà.

Gió bên đông, động bên tây
Ðó nói bên ấy, bên đây động lòng

Ðó là TO WHOM THIS MAY CONCERN. TO CONCERN là làm cho chú ý, làm cho thắc mắc, làm cho quan tâm.

QA

Hèn chi, con gái của QA có lần không biết có chuyện gì, nó nói với anh rằng THIS DOES NOT CONCERN YOU AT ALL. Rồi anh nó nói lại YES, THAT IS MY CONCERN.

NHÃ LAN

Thế còn thay vì WHOM, dùng WHO được không thưa thầy?

BBT

WHO và WHOM là đại danh từ chỉ trống. WHO dùng làm chủ từ. Thí dụ WHO WROTE THIS LETTER? WHOM là đại danh từ dùng làm túc từ.

NHÃ LAN

Thôi đúng rồi, hôm nọ Nhã Lan thấy anh cầm cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway, cuốn FOR WHOM THE BELL TOLLS? chuông chiêu hồn ai là thế đấy.

BBT

Nhưng trong khi nói, trong văn nói, người ta tha thứ cho trường hợp WHO DO YOU WANT TO SPEAK TO?WHOM DO YOU WANT TO SPEAK TO? Cả hai đều chấp nhận được mặc dù WHOM thì đúng hơn.

Nhân chữ CONCERN, tôi muốn chỉ cho hai cô vài cách nói này cũng có ích và có thể đem ra dùng ngay. Trước hết là AS FAR AS I AM CONCERNED. Mệnh đề này mở đầu bằng những chữ AS FAR AS. Những chữ này nghĩa là theo như, theo chỗ… Thí dụ thay vì nói HE IS NOT AT HOME, ông ấy không có nhà, chúng ta thêm những mệnh đề sau đây nghe mạnh hơn, làm phía bên kia chú ý tới nhiều hơn ø:

AS FAR AS I AM CONCERNED, HE IS NOT AT HOME

AS FAR AS I KNOW là theo chỗ tôi hiểu

AS FAR AS I CAN TELL YOU theo chỗ tôi biết và có thể nói

AS FAR AS I CAN SEE là theo chỗ tôi thấy

AS FAR AS I CAN SAY theo chỗ tôi có thể nói được

Lối nói này là một loại thuốc trị bá bệnh. Câu sau bất cứ ý nghĩa, nội dung như thế nào cũng được, đem ghép vào câu trước thì vẫn có nghĩa như thường. Nó sửa soạn để người nói tiến vào câu sau, lối nói này làm cho người nghe chú ý đến điều chúng ta muốn nói hơn. QA cho nghe thử vài ba câu coi.

QA

AS FAR AS I CAN SAY, HIS FAMILY CAME FROM ITALY theo chỗ tôi biết, gia đình ông ấy gốc gác là người Ý

AS FAR AS I AM CONCERNED, SHE IS NOT MARRIED TO HIM theo chỗ tôi biết được thì cô ấy không phải là vợ ông ấy

AS FAR AS I CAN SEE, SARAH PALIN WILL RUN AGAIN theo chỗ tôi thấy, bà Sarah Palin sẽ ra tranh cử lần nữa

BBT

Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN:

AS FAR AS I KNOW MISTER OBAMA WILL GO FOR ONE MORE TERM theo chỗ tôi hiểu, ông Obama sẽ cố tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa

AS FAR AS I CAN TELL YOU, HE IS NOT IN VIETNAM AT THE MOMENT theo chỗ tôi biết, ông ấy không có mặt ở Việt Nam vào lúc này

AS FAR AS I HEARD, SHE WILL NOT LEAVE THIS JOB theo những gì tôi nghe được, cô ấy sẽ không bỏ việc này

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ, tôi lại chỉ thêm cho hai cô một chút nữa. Thay vì nói AS FAR AS, người ta có thể dùng SO thay cho chữ AS ở đầu để thành SO FAR AS. Phần thứ hai để nguyên, ý nghĩa vẫn không thay đổi. QA nói lại mấy câu của cô, lần này dùng SO FAR AS…

QA

SO FAR AS I CAN SAY, HIS FAMILY CAME FROM ITALY

SO FAR AS I AM CONCERNED, SHE IS NOT MARRIED TO HIM

SO FAR AS I CAN SEE, SARAH PALIN WILL RUN AGAIN.

BBT

Còn Nhã Lan?

NHÃ LAN

SO FAR AS I KNOW MISTER OBAMA WILL GO FOR ONE MORE TERM

SO FAR AS I CAN TELL YOU, HE IS NOT IN VIETNAM AT THE MOMENT

SO FAR AS I HEARD, SHE WILL NOT LEAVE THIS JOB.

BBT

Tuần qua có thư từ gì khác nữa không cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Thưa có. Thư của bà Nguyên Hảo ở Austin, Texas. Bà muốn biết câu bà đọc được sau đây có phải là câu hỏi không, và nếu là câu hỏi thì tại sao cuối câu lại không có dấu hỏi? WERE YOU IN ASPEN NOW, WE COULD GO SKIING.

BBT

Cám ơn Nhã Lan. Ðây là một câu hỏi rất hay. Cắt câu này ra làm hai, thì câu đầu là WERE YOU IN ASPEN NOW. Ðây nhất định phải là 1 câu hỏi (INTERROGATIVE) vì chủ từ (YOU) đi sau động từ (WERE). Chủ từ đi trước động từ là câu xác định (AFFIRMATIVE): YOU WERE. Cuối câu WERE YOU IN ASPEN NOW bắt buộc phải có dấu hỏi (?). Nhưng vì phía sau, còn một mệnh đề nữa: WE COULD GO SKIING, cách nhau một cái dấu phẩy (,) nên cả hai họp lại thành một câu giả thuyết, một câu giả định (CONDITIONAL SENTENCE) nhưng chữ IF đã được bỏ đi.

Những câu giả thuyết chúng ta đã học một lần rồi, nên bây giờ tôi sẽ nói về mệnh đề IF (IF SENTENCE) nhưng bỏ IF đi, rồi hai cô thêm vao mệnh đề tiếp theo để hoàn tất câu CONDITIONAL SENTENCE. Cô QA: IF I WERE MISTER OBAMA hay WERE I MISTER OBAMA…

QA

WERE I MISTER OBAMA, I WOULD MISS GOING SHOPPING IN SOUTH COAST PLAZA nếu tôi là ông Obama, tôi sẽ nhớ những ngày được tự do đi shop ở South Coast Plaza.

BBT

Cô Nhã Lan: IF HE WERE IN MY PLACE hay WERE HE IN MY PLACE…

NHÃ LAN

WERE HE IN MY PLACE, HE MIGHT DO EXACTLY THE SAME là nếu ở địa vị của tôi, ông ấy sẽ làm hệt như vậy

QA

WERE SHE STILL HERE, SHE SHOULD BE PROUD OF HER DAUGHTER nếu bà ấy có mặt ở đây, bà ấy sẽ rất kiêu hãnh về con gái

NHÃ LAN

WERE WE YOUNGER, WE WOULD GO BACK TO UNIVERSITY nếu chúng tôi còn trẻ, chúng tôi sẽ trở lại đại học

QA

WERE THEY ASIANS, THEY WOULD EAT MORE RICE nếu họ là người Á châu, họ sẽ ăn nhiều cơm hơn

BBT

WERE I STILL A YOUNG MAN OF MANY YEARS AGO

I WOULD SURELY ASK YOU TO COME AND LIVE WITH ME

NHÃ LAN

Nhã Lan nghe như ông Hoàng Cầm đang nói tiếng Anh phải không anh? Nếu anh còn trẻ như năm cũ/ Quyết đón em về sống với anh

QA

Bài Tình Cầm được dịch sang tiếng Anh hồi nào vậy ông thầy?

BBT

Vừa được dịch cách đây 2 phút. Ðó là điều kiện cách UNREAL PRESENT, với những giả thuyết, những điều KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA VÀO LÚC NÀY, TRONG HIỆN TẠI. Nhưng chúng ta cũng biết là còn có một điều kiện khác nữa, đó là chuyện đã KHÔNG XẨY RA TRONG QUÁ KHỨ. Trong câu IF (IF SENTENCE), chúng ta dùng PAST PERFECT với PAST TENSE của TO HAVE là HAD và sau đó là PAST PARTICPLE của động từ chính. Thường thì phải là

IF HE HAD BEEN HERE

IF SHE HAD LEFT HOME

IF WE HAD KNOWN HIM

IF YOU HAD FINISHED

IF I HAD MET MET HIM

Bây giờ chúng ta ôn lại UNREAL PAST bằng cách tôi sẽ nhờ hai cô thêm phần thứ nhì vào các câu IF này với WOULD HAVE, COULD HAVE, MIGHT HAVE, SHOULD HAVEPAST PARTICIPLE của một động từ. Mời cô QA.

QA

IF HE HAD BEEN HERE, HE COULD HAVE HELPED US nếu ông ấy đã có mặt ở đây lúc ấy, ông ấy đã có thể giúp chúng tôi

IF SHE HAD LEFT HOME, SHE MIGHT HAVE ARRIVED HERE BY NOW nếu cô ấy đã rời nhà thì cô ấy đã có thể tới đây rồi

IF WE HAD KNOWN HIM, WE WOULD HAVE ASKED HIM TO SIT WITH US nếu chúng tôi đã quen ông ấy thì chúng tôi đã mời ông ấy ngồi cung bàn với chúng tôi

BBT

Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

IF YOU HAD FINISHED THE BOOK, YOU WOULD HAVE KNOWN THE END OF THE STORY nếu bà đã đọc hết cuốn sách thì bà đã biết được kết cuộc của câu chuyện

IF I HAD MET HIM BEFORE, I COULD HAVE GOTTEN THE JOB nếu tôi đã gặp ông ấy trước thì tôi đã có được công việc ấy

IF THEY HAD LIVED IN SAIGON, THEY WOULD HAVE KNOWN THE INDEPENDENCE PALACE nếu họ đã sống ở Sài Gòn thì họ đã phải biết dinh Ðộc Lập

BBT

Cám ơn hai cô. Tất cả các thí dụ các cô đưa a đều rất đúng. Bây giờ chúng ta bỏ chữ IF đi, ý nghĩa cũng không khác gì nếu chúng ta bỏ IF đi đem chủ từ đặt ra đằng sau của động từ HAD và trước PAST PARTICIPLE như trong các câu hỏi. Thí dụ IF I HAD KNOWN HIM thành HAD I KNOWN HIM. Cô QA , cô đổi những câu cô đưa ra trước đây bằêng cách bỏ chữ IF ở đầu coi.

QA

HAD HE BEEN HERE, HE COULD HAVE HELPED US

HAD SHE LEFT HOME, SHE MIGHT HAVE ARRIVED HERE BY NOW

HAD WE KNOWN HIM, WE WOULD HAVE ASKED HIM TO SIT WITH US

BBT

Ðúng lắm. Bây giờ đến lượt cô Nhã Lan.

NHÃ LAN:

HAD YOU FINISHED THE BOOK, YOU WOULD HAVE KNOWN THE END OF THE STORY

HAD I MET HIM BEFORE, I COULD HAVE GOTTEN THE JOB

HAD THEY LIVED IN SAIGON, THEY WOULD HAVE KNOWN THE INDEPENDENCE PALACE

BBT

Các cô chỉ cần nhớ là những câu dùng SHOULD HAVE , COULD HAVE, MIGHT HAVE, WOULD HAVE theo sau là PAST PARTICIPLE, quá khứ phân từ, thì việc mà động từ đó diễn tả đều ÐÃ KHÔNG XẨY RA.

Một nhà thơ của văn học Mỹ, John Greenleaf Whittier (1807-1892) có viết câu này trong một bài thơ của ông: …FOR OF ALL SAD WORDS OF TONGUE OR PEN, THE SADDEST ARE THESE: IT MIGHT HAVE BEEN… nghĩa là trong những câu nói hay những điều được viết xuống, thì những chữ này là những chữ buồn bã bi thảm nhất: đáng lẽ ra thì…

Ðây là một thí dụ khác: I SHOULD HAVE STUDIED LAW. Câu này nghĩa là đáng lẽ tôi đã phải học luật, nhưng sự thực thì tôi đã không học luật hồi ở Sài Gòn. Việc HAVE STUDIED LAW đã không xẩy ra. Cô QA, chắc trong đời, cô cũng đã có những việc cô không làm, nghĩ lại vẫn còn tiếc chứ. Cô cho nghe một thí dụ coi.

QA

I COULD HAVE VISITED HỘI AN AND HUẾ.

BBT

Như vậy, cô có đi Hội An và Huế không?

QA

Không. Cho QA đưa thêm một thí dụ nữa. WE MIGHT HAVE GONE TO NEW YORK TO LIVE IN 1990. Hồi ấy QA có cơ hội đi New York nhưng gia đình lại không chịu đi.

NHÃ LAN

Nhã Lan cũng có những điều muốn làm, định làm, phải làm mà đã không làm. Thí dụ I COULD HAVE SOLD THE HOUSE 2 YEARS AGO. Lúc ấy, giá nhà đang lên mà bán căn nhà đang ở thì Nhã Lan đã có nửa triệu cầm tay, nhưng Nhã Lan đã không bán. Hay một chuyện này nữa, Nhã Lan cũng tiếc ghê: WE SHOULD HAVE BOUGHT THE CONDOMINIUM OVERLOOKING THE BEACH nhưng Nhã Lan đã không mua căn nhà ngó xuống biển .

BBT

Tóm lại là toàn những chuyện đã không xẩy ra. Bây giờ thêm NOT vào những câu trên, thì mọi chuyện đều xẩy ra. Thí dụ I SHOULD NOT HAVE TALKED TO HIM nghĩa là tôi đã nói hay tôi đã không nói chuyện với ông ta?

QA

Anh ÐÃ làm việc đó. I SHOULD NOT HAVE TALKED TO HIM nghĩa là đáng lẽ tôi đã không nên nói chuyện với ông ấy, nhưng tôi lại nói chuyện với ông ấy nên chuyện mới rắc rối. QA nói thế này có được không: HE WOULD NOT HAVE GONE TO BELGIUM nghĩa là lẽ ra anh ấy đã không đi Bỉ nếu anh ấy được học bổng đi Pháp nhưng sự thực thì anh ấy đã đi học ở Bruxelles.

NHÃ LAN

PRESIDENT DIEM WOULD NOT HAVE DIED IN 1963 tổng thống Diệm đáng lẽ đã không chết năm 1963, nhưng vì bị đảo chính, ông đã bị giết năm 1963. Hay câu này: TOM MIGHT NOT HAVE LOST THE JOB lẽ ra thì Tom đã không mất việc, nhưng vì anh ấy đi cái Rolls Royce, hôm nào cũng đậu choán chỗ đậu xe của xếp nên anh ấy bị xếp gọi vào "Thank you, bye bye."

BBT

Một khán giả của chương trình, cô Hằng ở địa chỉ Hang0100@gmail.com có hỏi là khi đặt GERUND ở đầu câu thì có qui luật gì không. Xin trả lời cô GERUND là một danh động từ tạo thành bởi động từ và cái đuôi ING ở phía sau (VERB+ING) vì thế nên nó cũng làm việc như một danh từ. Nhưng danh từ này thường diễn tả những hành động, những việc làm, các nhà văn phạm gọi chúng là ACTION NOUNS, hay NAMES OF THE ACTION chứ không là tên của các đồ vật, thú vật, người như các danh từ chung vì thế thường GERUND ít khi là số nhiều. Mời cô QA cho một thí dụ với một GERUND, một VERBAL NOUN đứng đầu, làm chủ từ cho một động từ coi.

QA

PARTING IS DYING A LITTLE BIT. PARTING là danh động từ được tạo thành từ động từ PART và cái đuôi ING. PARTING là chủ từ của động từ TO BE. DYING là danh động từ do TO DIE là chết.

BBT

Giỏi lắm. Cô còn biết cả tiếng Tây nữa sao? PARTIR C’EST MOURIR UN PEU… Ði là chết ở trong lòng một ít. Cô Nhã Lan cho nghe một thí dụ với GERUND đứng đầu câu.

NHÃ LAN:

COOKING IS FUN. WALKING IS GOOD FOR OUR HEALTH. SMOKING CAN CAUSE LUNG CANCER.

QA

Áp dụng điều ông thầy vừa dậy về GERUND, QA xin nói ở đây : LEAVING IS ONLY TO COME BACK NEXT WEEK. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Võ Khâm, Houston, Texas

Văn phòng tứ bảo là bút, giấy, nghiên, mực, 4 bạn thiết của văn nhân.

Ngày nay chắc phải là cái PC, cái máy in (printer), cái modem và cái scanner.

Trong câu Kiều tả Thúc Sinh (Thúc Sinh quen thói bốc rời / trời) thì bốc rời hay bốc trời?

Cả hai đều đúng. Bốc rời là bốc tiền rời mà tiêu, không thèm đếm tức là tiêu hoang.

Bốc trời là bốc cả trời mà tiêu, là ăn tiêu liều lĩnh kiểu "lúc túng toan lên bán cả trời" của Trần Tế Xương.

Tên người sống là danh. Tên người chết là húy. Húy nguyên có nghĩa là kiêng, là kỵ.

Dâm nghĩa là quá độ. Dâm thư là mê sách đến mức qúa độ. Dâm hình là hình phạt quá ác.

Phú quí bất năng dâm nghĩa là giầu sang không làm động nổi lòng, không mê say, phóng túng xa xỉ.

Bần tiện bất năng di là nghèo hèn không làm thay đổi cái chí của mình.

Uy vũ bất năng khuất là uy quyền và võ lực không thể làm cho mình khuất phục.

Thử chi vị đại trượng phu ấy thế mới là người quân tử.

Những câu trên là của Mạnh Tử

Cô Nguyễn Xuân (xnguyen2006@yahoo.com)

Tại sao lại gọi chúng tôi là Nam Kỳ? Nam Kỳ nghĩa là gì? Có phải của Tây đặt ra không?

Kỳ là 1000 dặm. Những danh xưng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ là của người Việt. Nam Kỳ không có nghĩa xấu, không phải do người Pháp đặt ra rồi ép chúng ta phải dùng như tên An Nam mà người Tầu gọi chúng ta.

Nam Kỳ la vùng lãnh thổ từ Bình Thuận vào Cà Mâu. Hai chữ Nam Kỳ đã có trong tước của Nguyễn Tri Phương (Nam Kỳ Kinh Lược Sứ) từ năm 1853 thì lẽ nào Nam Kỳ lại là tên do Pháp đặt.

Nam kỳ lục tỉnh gồm Gia Ðịnh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Ðốc, Hà Tiên.

Ông Trần Trọng Hội, Garden Grove, California

HẾT THUỐC CHỮA là thầy thuốc chê, là vô phương cứu chữa. Trong chữ Hán cũng có một trường hợp nghe rất giống lối nói kể trên:

NAM TỬ SI NHẤT THỜI MÊ (đàn ông mà mê thì chỉ nhất thời)

NỮ TỬ SI MỘT DƯỢC Y (đàn bà mà mê thì hết thuốc chữa) Một là hết.

BILLY Nguyen (bnguyen3308@yahoo.com)

Câu "The more you learn, the less you know" là của Socrates.

George Bernard Shaw, một kịch tác gia của văn học Anh, sau khi đọc câu của Socrates, có viết trong một vở kịch của ông rằng "The more you learn, the more you know.The more you know the more you forget. The more you forget, the less you know. So why bother to learn?"

Ông Nguyễn Văn Thảo, Santa Ana

Xổ nho nguyên có nghĩa là nói chữ, là nói có trích dẫn sách vở bằng chữ Hán, lối ăn nói của những người có học, có chữ nghĩa thánh hiền.

Về sau, xổ nho được dùng với nghĩa châm biếm để chế nhạo những người có lối ăn nói như thế, lối nói không bình dân, không gần gũi với những người thường chung quanh, những người không có cơ hội và khả năng để học và đọc được sách thánh hiền. Xổ nho sau đó, lại có nghĩa là văng tục, là dùng những ngôn ngữ không phải là chữ nghĩa văn học của thánh hiền.

Xổ nho chùm là văng ra rất nhiều tiếng tục tĩu.

Nói lái tiếng Anh là spoonerism. Sau đây là một đoạn nói lái khá thú vị:

Sàu đăng có mịt cây mốt ngáy đền quá cỏ lền treo xuổng bé giưởng lên đề cối ông nụng dáo lây rả bô xòm háng thẩy ngứi đện cháy miềng xin váo vao ằn đung bạu cang lều.

Ðúng ra là:

Ðàng sau có một cây mít đến ngày có quả trèo lên bẻ xuống để lên giường cúng ông nội lấy dao bổ ra hàng xóm ngửi thấy chạy đến vào xin miếng, ăn vào đau bụng kêu làng.

Cụ Nguyễn Mạc, Houston, Texas

Câu môi hở răng lạnh không phải là của Mao Trạch Ðông. Câu này được trích từ Nam Hoa Kinh: thần vong xỉ hàn nghĩa là môi (thần) mất (vong) răng (xỉ) lạnh (hàn).

Câu này được dùng để nói về tình lân bang giữa các nước dựa vào nhau để cộng sinh. Các nước này được ví như môi với răng: thần xỉ chi bang.