Ngày 19 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Có một câu từng ở cửa miệng của không biết bao nhiêu là người Việt trong suốt nhiều năm nhưng nguồn gốc của nó thì lại rất mù mờ, không ai có thể nói rõ nó xuất hiện từ lúc nào, và ai là người nghĩ ra nó và dùng nó lần đầu tiên.
Ðó là câu "Bỏ đi Tám!"
Câu nói này phải được nói đúng cách, lên xuống phải đúng kiểu thì mới có ý nghĩa. Nó có vẻ duỗi ra, giọng đầy khinh bỉ, một thái độ bác bỏ, cùng với một cái khoát tay:
"Bỏ đi Tám!"
Người đàn ông mang tên Tám không bao giờ xuất hiện, xác nhận căn cước của mình để chúng ta bầy tỏ lòng biết ơn ông ta đã để lại cho tiếng Việt một câu nói hay vô cùng, dùng lúc nào cũng có kết quả.
Lúc đầu tôi tưởng ông là nhân vật của họa sĩ Cát Hữu trên một nhật báo Sài Gòn hồi những năm cuối của thập niên 50, ông Tám Sạc Ne. Nhân vật Tám Sạc Ne có cái tên Tây đi sau chắc thường xuyên xuất hiện ở đường Charner, con đường sau đổi tên thành đường Nguyễn Huệ. Ông Tám Sạc Ne ăn nói xuề xòa, giọng điệu bình dân nhưng lại hết sức thâm thúy về đủ mọi chuyện xẩy ra ở Sài Gòn thời ấy.
Nhưng ông Tám Sạc Ne không phải là ông "Bỏ đi Tám!"
Ông Tám này, theo một cách giải thích, xuất hiện trong các quán rượu. Ông có hai bàn tay hay đi giang hồ, thích đậu lại ở những khu vực không nên đậu lại của các cô tiếp viên. Các cô không vui, đẩy tay các ông ra chỗ khác và đã nhiều lần định mắng vào mặt các ông, nhưng vì chuyện kiếm tiền, các cô phải nín.
Nín nhưng vẫn ấm ức lắm. Gọi các chàng là "dê" các chàng giận không đến ngồi với các cô nữa thì không được. Nhưng nín thì bực lắm. Gọi là "dê" càng không nên, chê các chàng là 35 cũng không xong. Không nói thì không chịu được.
Muốn bắt chước lũ trẻ đố nhau "60 chia 2, trừ đi 5, cộng 10" để thành con số 35 thì dài dòng quá. Thôi thì lấy số 3 cộng với số 5 thành số 8. Gọi các chàng là Tám thì cách gì các chàng biết được. Thế là câu "Bỏ đi Tám!" ra đời.
Tôi nghe câu này lần đầu tiên khoảng năm 1962 gì đó do một người bạn về thăm nhà mang sang. Lúc ấy, nó đã vượt ra ngoài các quán rượu để có thể dùng ở cả bên ngoài.
Từ đó đến nay, câu "Bỏ đi Tám!" vẫn tiếp tục có người dùng, chưa bị đào thải hẳn như những câu nói cửa miệng thời thượng khác. Những câu đó, trung bình ở với chúng ta nhiều nhất là khoảng 10 năm thì từ từ biến mất. Ngày nay, mấy ai còn dùng những câu nói như "chính hiệu bà Lang Trọc", hay " đệ nhất Bắc Kỳ di cư", hay "75 phần dầu", hay "xưa rồi mà Diễm" … nữa.
Nhưng "Bỏ đi Tám" thì vẫn còn được nghe. Mới đây, có một chuyện này tôi nghĩ có thể sẽ làm cho câu "Bỏ đi Tám" còn ở với tiếng Việt của chúng ta thêm nhiều năm nữa.
Một nhà sử học uy tín ở Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê, đã viết một bài báo nói rõ rằng nhân vật Tám, một cậu bé được nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội tốn bao nhiêu giấy mực để ca ngợi, sùng thượng làm thần tượng cho người dân, xúi dại trẻ con chống Mỹ bằng những việc làm điên dại nhất để cho con cái các đồng chí lớn được cha mẹ che chở, không phải vượt Trường Sơn hy sinh ở chiến trường miền Nam, chỉ là một câu chuyện được dụng đứng lên bằng những chi tiết bịa đặt láo lếu. Theo sách vở của nhà nước thì cậu bé tưởng tượng này đã đổ xăng vào người, rồi chạy lao vào kho đạn của Pháp, bật diêm đốt thân xác mình để phá nổ kho đạn.
Nhà nuớc bịa ra nhân vật này, rồi ra lệnh cho các thợ viết cong đít lên ca ngợi Tám, dựng đài kỷ niệm, đặt tên cho các trường học.
Trong khi chẳng có cậu Tám nào hết. Tám chỉ là sản phẩm của một bọn dối trá bịp bợm như kiểu bác Hồ đội một cái tên khác, Trần Dân Tiên, để ca ngợi bác sau khi đã quả quyết rằng bác là người khiêm tốn, không muốn ai nhắc đến mình.
Lời khẳng định của giáo sư Phan Huy Lê về vụ ngụy tạo nhân vật Tám đã bầy ra những việc làm dối trá, bịp bợm của nhà nước.
Người dân nghe thấy chuyện này liền hét ầm lên rằng "Bỏ đi Tám".
Vì thế, câu nói cửa miệng này lại sống dậy và lần này có thể sẽ sống lâu hơn những câu nói khác.
Ngày 20 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Từ khi có cái điện thoại cầm tay, không còn bao nhiêu người phải dùng nhũng cuốn sổ ghi điện thoại nữa. Trong máy đã có sẵn một bộ nhớ để giữ lại các số điện thoại gọi đến hay gọi đi. Những số điện thoại ấy, khi cho thêm cái tên ở đằng trước, chúng sẽ trở thành một cuốn phone book với những số điện thoại cần thiết, khi cần, chỉ kiếm cái tên, bấm nút gọi là xong, không phải mở cuốn sổ điện thoại ra, miệng lẩm bẩm đọc số điện thoại, tay thì bấm số nữa.
Chủ điện thoại có thể nghĩ ra những cái tên khác, những ký hiệu mới cho các số điện thoại như nếu không muốn trả lời, thì cứ ghi ba chữ DNA (Do Not Answer) là thoát: điện thoại reo, ngó thấy chữ DNA thì tiếp tục đọc báo, uống cà phê, nhẩy cho xong bài Tango, làm nốt công việc giấy tờ (?) trong toilet vân vân.
Muốn số điện thoại quan trọng luôn luôn ở đầu danh sách điện thoại, khỏi phải tìm kiếm lâu la, thì đặt cho nó (?) cái tên mới, như A chẳng hạn. Rồi A-1, A-2, A-3 …Mở điện thoại ra là có ngay mấy cái số ấy ở đầu danh sách, bất kể tên người ấy bắt đầu bằng chữ nào trong alphabet đi chăng nữa.
Nhưng đặt cho những số điện thoại ấy vài ba chữ A, A-1 hay A-2 … thì cũng không cho thấy bao nhiêu khả năng sáng tạo của chủ nhân cái điện thoại. Ðặt tên như vậy là thường. Thua một ngươi đàn ông ở Ả Rập Sauđi xa.
Người đàn ông này một bữa đi tắm, để cái điện thoại ở ngoài, vợ chàng nhìn thấy, tò mò cầm lên, mở ra xem coi chồng mình có bao nhiêu số điện thoại trong máy. Nàng thấy có một cái tên nghe rất hãi hùng: Guantanamo, cái trại tù nhốt khủng bố của chính phủ Mỹ ở một căn cứ hải quân tại Cuba. Nàng biết đó là một trại tù khủng khiếp, các tù nhân bị đánh đập, tra tấn kinh hoàng, kinh Koran thiêng liêng của người Hồi giáo bị tống vào cầu tiêu trước mặt các tù nhân anh dũng (?) vân vân. Ðó là theo những điều đọc được của báo chí Ả Rập. Guantanamo là một ác mộng của người Ả Rập và của cả thế giới Hồi giáo.
Chồng của nàng tại sao lại có cái số điện thoại của cái trại giam dễ sợ đó. Hay chàng đã đi theo Al Qaeda, sắp sửa ôm bom tự sát để tuẫn đạo, lên thiên đường được Allah tặng không, miễn phí 72 trinh nữ ngon lành. Nàng đã định giận chàng, nhưng nhớ lại người Hồi giáo phải chết như thế mới là chết, nàng bắt đầu phục chàng. Chắc là khi có gì cần, chàng gọi thẳng vào Guantanamo, cho bọn Mỹ ác ôn tha hồ nghe điện thoại của chàng, khỏi phải nghe lén. Gọi từ Ả Rập Sauđi thì chàng tha hồ chửi nát mặt bọn Mỹ, khỏi phải kiêng nể gì. Mỹ cách gì sang được vương quốc Ả Rập Sauđi để làm khó chàng. Chao ơi, sao nàng lại hạnh phúc đến thế! Ðược làm vợ của một người anh hùng như chàng thì vinh dự và hạnh phúc biết là bao. Chàng đâu phải là cái thứ hèn nhát, không dám đánh Mỹ, chỉ ở nhà giải trí bằng cách đánh vợ tơi tả…
Nhưng rồi nàng đọc tiếp cột bên cạnh của cái tên trại tù Guananamo thì nàng thấy cái số điện thoại ấy nghe rất quen. Nàng đọc kỹ, thì đó chính là cái số điện thoại của nàng.
Số điện thoại thì của nàng, mà tên thì lại không phải tên nàng, mà là cái tên oan nghiệt Guantanamo, cái trại tù khốn nạn từng làm khổ bao nhiêu chiến sĩ quả cảm của Hồi giáo và của Ả Rập.
Và tại sao cái trại tù khốn kiếp ấy lại dùng chung cái số điện thoại của nàng, cũng cùng area code như số của nàng?
Nghĩ thêm một chút thì nàng hiểu. Người đàn ông đầu gối tay ấp của nàng, người mà nàng sẵn sàng xõa tóc, cởi cái thobe kín mít từ đầu đến chân ra cho chàng độc quyền thưởng thức, sẵn sàng cho chàng xem cái bụng mỡ núng nính của nàng thường ngày được che kín bằng cái thobe, thì nay nàng tình cờ biết rằng nó gọi nàng là Guantanamo, tên của cái trại tù kinh khiếp đó. Vậy là nó định nói nàng độc địa như thế hay sao? Nó nghĩ là nàng sẵn sàng tra tấn nó, đổ nước vào mũi nó, rút móng tay, móng chân nó để tra khảo nó hay sao? Nàng nhận là thỉnh thoảng nàng cũng có ác với nó, nhưng so với những biện pháp tra tấn như ở Abu Ghraib hay Guantanamo thì đã thấm tháp gì.
Nàng điên tiết cầm điện thoại gọi một văn phòng chuyên lo các vụ li dị, nhờ lập thủ tục ly dị nó ngay lập tức.
Thế là cậu Ả Rập Sauđi nọ sắp vất vả đời trai. Tại sao không dùng mấy cái tên như Bà chằng lửa sửa cầu tiêu của anh ơi! Con beo gấm của anh… Con chằng tinh gấu ngựa của anh … Người đàn bà cưỡi cái chổi bay vèo vèo trong đêm Halloween của anh ơi…
Những cái tên ấy thơ mộng và lãng mạn biết là bao nhiêu. Tại sao lại lấy tên Guantanamo cho nó biết nó đớp cho? Tại sao không gọi nó là Chí Hòa, là Lý Bá Sơ, là Ðầm Ðùn, là Hà Nội Hilton … có phải là nó … không biết không?
Ngày 21 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.
Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Ðài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.
Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Ðông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Ðài Loan từ đó đến nay.
Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.
Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.
Ðây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Ðức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...
Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Ðặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.
Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.
Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.
Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Ðại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má nữa vân vân.
Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?
Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói càm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?
Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.
Ngày 22 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Sáng nay, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.
Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Ðó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.
Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra sáng nay thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.
Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.
Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.
Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Ðể rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!
Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.
Ðọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".
Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.
Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?
Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thanh, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Ðôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Ðốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...
Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Ðinh Hùng nữa mới là phiền chứ.
Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?
Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.
Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông Á châu già đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?
Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?
Ngày 23 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
"Diamonds are a girl's best friend" thực ra không phải là câu nói của Liz Taylor như tôi vẫn nghĩ từ trước đến nay.
Câu này là tựa đề của một ca khúc, nhạc của Jule Styne, lời của Leo Robin viết năm 1949, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người cứ nghĩ là của Liz Taylor. Có thể là vì cô đào này có nhiều kim cương chăng? Mỗi lần lấy chồng, cả thẩy tám lần, nếu tôi đếm đúng, tay cô đều đeo một cục đá mới to tổ bố, nên Liz trở thành bạn thân của kim cương và kim cương trở thành bạn chí thiết của cô? Rồi một loại nước hoa mà cô quảng cáo mấy năm nay, White Diamond, lại càng làm cho tên của cô đi sát với kim cương hơn.
Nhưng ngày nay, kim cương không chỉ là bạn của phụ nữ như tên của bài hát nữa, mà là bạn của nhiều thứ rất kỳ lạ. Thí dụ của Foday Sankoh, của Charles Taylor chẳng hạn. Mà Foday Sankoh hay Charles Taylor thì không thể là phụ nữ được. Foday Sankoh là người cầm đầu Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất (Revolutionary United Front), lực lượng phiến loạn ở Sierra Leone, một quốc gia ở tây Phi châu. Còn Charles Taylor một thời từng là tổng thống của Liberia cũng ở tây Phi châu. Hai ông này không đeo nhiều kim cương, nhưng kim cương vẫn là bạn thiết của hai ông. Kim cương đã giúp những người như hai ông tiến hành những cuộc nội chiến chém giết khủng khiếp nhất trong lịch sử Phi châu.
Mới đây, người ta khám phá ra rằng chính kim cương đã gây ra bao nhiêu khổ nạn cho những người dân bất hạnh của Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia. Các nước này đều có những mỏ kim cương với sản lượng rất lớn. Và chính nhờ lợi tức thu được qua dịch vụ xuất cảng kim cương ra ngoài, mà các nước này mới có tiền mua võ khí để tiến hành những cuộc nội chiến kinh hoàng như thế. Những khẩu AK, những chiến xa, những hỏa tiễn 122mm, những phản lực cơ MiG trong tay các lực lượng quân sự của các nước này đều được mua bằng tiền bán kim cương. Những viên kim cương ở các quốc gia Phi châu này không chỉ là kim cương, mà là "conflict diamonds", kim cương xung đột, kim cương giúp tài trợ cho các phong trào nổi dậy, phiến loạn ở Sierra Leone, Congo, Liberia và Angola. Ở Sierra Leone, thường dân bị đuổi ra khỏi những nơi có mỏ kim cương, quân của Foday Sankoh khủng bố, chặt tay những ai dám chống lại lệnh đi khỏi các khu này. Và mới đây, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã bị quân của Foday Sankoh tấn công khi định tiến vào khu vực có mỏ kim cương. Các chi tiết này cho thấy kim cương là bạn thiết của các ông này như thế nào. Các ông không đeo chúng.
Chỉ có các phụ nữ như Liz Taylor mới lóng lánh hột soàn trên tay, như những hứa hẹn của những cuộc hôn nhân lâu dài.
Tại cuộc họp của các nhà sản xuất và buôn bán kim cương nhóm tại Antwerp, Bỉ, mới đây, các phái đoàn tham dự hội nghị đã quyết định phải chặn đứng việc buôn bán những cục "conflict diamonds" này vì nó dính quá nhiều máu của những người dân Phi châu khốn khổ. Nhưng rất nhiều kim cương "conflict" này đã lọt được ra ngoài. Số lượng kim cương này không phải là nhỏ khi nhìn vào số võ khí mà các nước Phi châu này có trong tay để theo đuổi những cuộc chiến khủng khiếp từ mấy năm nay.
Những cục đá rực rỡ trên tay những người phụ nữ mà chúng ta gặp trong những đám cưới, những đám tiệc sang trọng ở đây, có rất nhiều cục, nhìn kỹ còn thấy những vết máu của người Phi châu khốn nạn. Có những cục đã từng nằm trong hậu môn của những người phu mỏ Nam Phi khi những người phu này lén đánh cắp sau những buổi làm trong những mỏ kim cương như hình chụp trong một số báo National Geographic.
Những viên kim cương ấy có khi nằm trên những chiếc vương miện, những chiếc tiara, diadème... ngự trên những mái tóc, có khi trên những chiếc nhẫn ở những ngón tay...
Nghĩ như thế rồi liệu chúng ta có còn muốn đeo những viên kim cương này nữa không? Những người đàn ông nên nhắc những người đàn bà khi đứng trước những cửa hàng bán kim cương về những vết máu của những người dân Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia, Burkina Faso... Làm như thế, may ra những người phụ nữ nhân đức, biết thương người này sẽ chạy sang K-Mart mua đại cái nhẫn rẻ tiền đeo tạm để máu của những người dân Phi châu không bám vào tay của họ nữa, và có khi nhờ đó, mà máu người Phi châu sẽ bớt đổ chăng.
Hay lúc đó, lại nổi cơn... khát máu người dân Phi châu vô tội, lôi câu để đời của Zsa Zsa Gabor (*), sửa đi một chút để nói rằng "tôi chưa ghét một người đàn ông nào tới mức để từ chối cục kim cương của chàng", và đòi cho bằng được cục kim cương dư sức ném vỡ đầu con chó để mấy con mụ khác tức điên lên chơi?
_________________
(*) Câu nguyên văn của Zsa Zsa Gabor là "I never hated a man enough to give him diamonds back" đọc được trong tờ Observer số đề ngày 25 tháng 8 năm 1957.
Bùi Bảo Trúc
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 51)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 51 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Trong bài học hôm nay, QA xin nhờ anh cắt nghĩa về NEGATIVE QUESTIONS. NEGATIVE QUESTIONS là gì? QA tưởng là chỉ có ba loại câu là AFFIRMATIVE tức là câu xác định, NEGATIVE là câu phủ định và INTERROGATIVE hay QUESTIONS là câu nghi vấn thôi chứ, lại có cả NEGATIVE QUESTIONS nữa sao? Nếu vậy thì chúng, những NEGATIVE QUESTIONS, được dùng trong những trường hợp nào?
BBT
NEGATIVE QUESTIONS là những câu hỏi mà trong đó đã có nghĩa phủ định ở trong. Chúng ta cũng dùng những câu hỏi như thế trong khi nói tiếng Việt, và dùng chúng thường lắm. Thí dụ hai cô mất cả một buổi mới nấu xong bữa chiều cho các con. Có đứa ngồi xuống bàn, nhìn các món bầy trên bàn ăn rồi đứng dậy, ra ngồi trước máy truyền hình, vặn đài Hồn Việt Television lên xem mẹ biểu diễn nói tiếng Anh thì câu hỏi của cô Nhã Lan đặt ra cho con gái là gì, bằng tiếng Việt.
NHÃ LAN
Nhã Lan sẽ hỏi con gái là "Con không ăn à?"
BBT
Cô QA có hỏi con câu hỏi này không: "Con có ăn không?"
QA
Không, vì QA đã thấy con ra ngồi trước máy truyền hình rồi. QA nghĩ chắc nó không ăn. Nên QA phải hỏi câu của Nhã Lan: "Con không ăn à?" Trong câu hỏi đó, đã có có sự hiểu ngầm là không ăn rồi.
Nhưng trong Anh ngữ những câu NEGATIVE QUESTIONS được hợp thành như thế nào?
BBT
Trước hết, để làm thành câu hỏi, chúng ta đưa động từ của câu lên trước, đem chủ từ bỏ ra phía sau. Hai cô chắc đã thừa biết cách đặt câu hỏi rồi. Mời cô QA, cô cho nghe một câu AFFIRMATIVE, rồi đổi qua thể hỏi, QUESTION. Hãy cứ dùng động từ TO BE đã.
QA
I AM NEXT IN LINE
AM I NEXT IN LINE?
YOU ARE FROM TEXAS
ARE YOU FROM TEXAS?
NHÃ LAN
HE WAS ABOUT FORTY SOMETHING
WAS HE ABOUT FORTY SOMETHING?
THEY WERE EARLY
WERE THEY EARLY?
BBT
Bây giờ, muốn đổi những câu hỏi ở trên thành NEGATIVE QUESTIONS thì chúng ta thêm trạng từ NOT vào sau chủ từ. Mời cô QA.
QA
AM I NOT NEXT IN LINE? Bộ tôi không phải là người đứng kế hay sao?
ARE YOU NOT FROM TEXAS? Cô không phải là người Texas sao?
NHÃ LAN
WAS HE NOT FORTY SOMETHING? Ông ấy không ngoài bốn mươi sao?
WERE THEY NOT EARLY? Họ không đến sớm à?
Nhưng thưa anh, Nhã Lan ít khi nghe những câu hỏi như thế. Người ta hay nói khác chứ không phải WAS HE NOT FORTY SOMETHING phải không QA?
QA
Ðúng rồi thưa anh. ARE YOU NOT FROM TEXAS? nghe lạ quá.
BBT
Hai cô nhận xét rất đúng. Chỉ trong văn viết, hay khi nói chuyện với nữ hoàng Anh người ta mới nói như vậy. Trong khi nói chuyện hàng ngày, người ta nói tắt ARE NOT, WAS NOT và WERE NOT lại thành AREN’T, WASN’T và WEREN’T. Cô Nhã Lan đổi những câu của cô thành lối nói tắt coi.
NHÃ LAN
WASN’T HE FORTY SOMETHING?
WEREN’T THEY EARLY?
BBT
Ðúng lắm. Cô QA?
QA
AMN’T I NEXT IN LINE?
AREN’T YOU FROM TEXAS?
BBT
Ðúng. Nhưng AM I NOT, nói tắt là AMN’T không còn thấy nhiều người dùng nữa. Lý do là vì phát âm chữ này … lùng bùng quá. Có một số người dùng AREN’T I, nhưng dùng như vậy là sai. ARE là động từ TO BE dùng cho NGÔI THỨ HAI (SECOND PERSON) là YOU và NGÔI THỨ BA SỐ NHIỀU (THIRD PERSON PLURAL) là THEY. Vì thế, có một phong trào dùng AIN’T I thay vì AMN’T.
Nhiều nhà văn phạm đả kích việc dùng AIN’T, coi đó là cách nói ít học, bình dân. Nhưng thực ra, AIN’T chính là chữ viết tắt của AM NOT. Có những ý kiến nói là chữ AIN’T có từ khoảng cuối thế kỷ 18. Vậy thì chúng ta cứ dùng AIN’T chẳng sao cả. Nên cô QA cứ dùng AIN’T I NEXT IN LINE? vẫn đúng như thường.
NHÃ LAN
Một người bạn cùng sở của Nhã Lan thì nhất định khinh bỉ chữ AIN’T, cương quyết không dùng nó, coi nó là thứ ngôn ngữ thất học. Anh thấy sao?
BBT
Ông ấy có lý. Nếu nó được dùng bừa bãi dể thay thế cho IS NOT như HE AIN’T HOME NOW. Hay khi nó được dùng thay cho HAS NOT, HAVE NOT như khi nói HE AIN’T GOT NO MONEY.
Ngày nay, những câu như thế này được rất nhiều người dùng: YOU AIN’T SEEN NOTHING YET, hay SAY IT AIN’T SO, hay AIN’T THAT THE TRUTH? Nhưng thôi, chúng ta phải quay về với NEGATIVE QUESTIONS. Cô QA đổi câu hỏi này thành câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTION coi.
DO I KNOW YOU?
QA
DO I NOT KNOW YOU? hay DON’T I KNOW YOU? Tôi không biết ông hay sao?
BBT
Cô Nhã Lan, CAN I HAVE THE WINDOW SEAT?
NHÃ LAN
CAN I NOT HAVE THE WINDOW SEAT? hay CAN’T I HAVE THE WINDOW SEAT? Tôi không có được chỗ ngồi cạnh cửa sổ à?
BBT
SHOULD I LEAVE EARLIER? mời cô QA…
QA
SHOULDN’T I LEAVE EARLIER? Tôi không nên đi sớm hay sao?
BBT
HAD HE MOVED TO TORONTO? Nhã Lan…
NHÃ LAN
HADN’T HE MOVED TO TORONTO? Anh ấy đã không dọn đi Toronto à?
BBT
Những câu hỏi phủ định này nhiều khi được dùng không phải để hỏi, nên cũng không cần câu trả lời. Chúng ta có thể dùng chúng để thay cho những câu hô thán EXCLAMATORY SENTENCES.
Thí dụ ISN’T SHE A CUTE LITTLE BABY?
ISN’T THAT A BEAUTIFUL WEDDING GOWN?
WASN’T SHE THE MOST GORGEOUS WOMAN?
ISN’T SHE A DROP DEAD GIRL?
ISN’T THAT A WOMAN TO DIE FOR?
NHÃ LAN
ISN’T THE LESSON TODAY INTERESTING?
BBT
Cám ơn cô Nhã Lan. Còn một điều nữa tôi muốn nói ở đây, đó là cách trả lời những câu hỏi này. Khi mới học tiếng Anh, nhiều người trong chúng ta trả lời không đúng cách. Thí dụ thấy người bạn ngồi trước ly cà phê cả buổi, ly cà phê vẫn đầy nguyên, chủ nhà hỏi DON’T YOU LIKE COFFEE? Nếu người khách thích cà phê nhưng chỉ vì ông nghĩ nó đã đi qua ruột con chồn ở Ban Mê Thuột nên ông ngần ngừ. Cô Nhã Lan, nếu cô là ông khách rất thích cà phê thì cô trả lời thế nào?
NHÃ LAN
NO, I LIKE COFFEE.
BBT
Còn cô QA, nếu cô không thích cà phê, chủ nhà hỏi DON’T YOU LIKE COFFEE, cô trả lời thế nào?
QA
YES, I DON’T LIKE COFFEE.
BBT
Cả hai cô đều sai cả. Hai cô đều sai cái sai của rất nhiều người Việt khi mới học tiếng Anh. Phải trả lời NO, I DON’T LIKE COFFEE hay YES, I LIKE COFFEE mới đúng. Thực ra thì chúng ta trả lời theo cách nói của người Việt mới đúng. Người Anh sai, nhưng chúng ta phải sai theo cái sai của họ nếu muốn nói tiếng Anh cho đúng.
NHÃ LAN
Hôm qua Nhã Lan có nhận một e-mail nhờ thầy Trúc giúp giải quyết một tranh chấp giữa mấy cụ cao niên ở một quán cà phê trong khu Phước Lộc Thọ. Chuyện quan trọng vì câu trả lời sẽ quyết định ai phải trả tiền cà phê cho cả bàn vào tuần tới. Một phe nói FISH vừa số nhiều (PLURAL) vừa số ít (SINGULAR). Không thể viết FISHES được, phải viết là FISH dẫu cho đó có nghĩa số nhiều.
BBT
Xin trả lời FISH vừa là số ít, vừa là số nhiều. Thí dụ HE CAUGHT A BIG FISH FROM THE RIVER. FISH trong câu này là danh từ số ít. Nhưng khi nói PEOPLE OF JAPAN EAT A LOT OF FISH, thì FISH trong câu này là số nhiều.
FISH cũng có thể viết là FISHES để diễn tả số nhiều. Nhưng thường thì khi không đưa ra một con số nào, người ta dùng FISH. Khi đưa ra một con số, người ta dùng FISHES như THREE FISHES, ít khi dùng THREE FISH.
QA
Có những danh từ nào giống như thế không thưa anh?
BBT
Có một số danh từ nhiều ít viết giống nhau thí dụ DEER là con hươu, SHEEP là cừu, AIRCRAFT là máy bay… Những danh từ này khi dùng với nghĩa số nhiều, người ta không thêm S vào cuối. Muốn biết đó là số nhiều hay số ít thì coi động từ ở sau.
Thí dụ THE SHEEP IN THE YARD IS (SỐ ÍT) ABOUT 2 YEARS OLD.
SHEEP ARE (SỐ NHIỀU) SHORN TWICE A YEAR.
Một danh từ cũng số nhiều số ít viết giống nhau mà chúng ta nên để ý, đó là MOOSE. MOOSE là một giống hươu lớn, một giống tuần lộc, họ hàng gần với những con REINDEER kéo xe cho ông già Noel. Danh từ MOOSE số ít số nhiều viết giống nhau. Trong khi đó, GOOSE là con ngỗng, thì số nhiều là GEESE. Nhưng người ta nói GOOSE BUMP, GOOSE FLESH, GOOSE PIMPLES chứ không nói GEESE BUMP, GEESE FLESH, GEESE PIMPLES, là những chữ có nghĩa là nổi da gà như trong tiếng Việt chúng ta vẫn nói. Người Anh nói là nổi da ngỗng.
Còn hai danh từ khác có HAI CHỮ "OO" ở giữa thì số nhiều biến thành "EE". FOOT thành FEET; TOOTH thành TEETH. Nhưng MOOSE thì số ít số nhiều không thay đổi.
QA
Từ đầu bài học đến giờ, chúng ta đã nói quá nhiều về văn phạm, bây giờ, QA muốn anh dậy cho một số idiom như anh vẫn hứa là thỉnh thoảng sẽ trở lại với các idiom hay gặp nhất.
BBT
Cô muốn học về những idiom nào?
NHÃ LAN
Nhã Lan đề nghị anh dậy một vài idiom liên quan đến FACE. Nhã Lan thấy có khá nhiều idiom về FACE.
BBT
FACE là cái mặt. Thường những thứ gần với chúng ta thì có nhiều idiom về chúng. FACE là một trường hợp như thế. Nhưng tôi sẽ chỉ đưa ra những idiom thường gặp nhất về cái mặt. FACE là mặt, có thể là danh từ và cũng có thể là động từ. Ðộng từ TO FACE là đối mặt, là nhìn về phía. THE HOUSE FACES THE EAST. Căn nhà hướng về phía đông. SOMETIMES I FIND IT HARD TO FACE THE DAY, đôi khi, tôi thấy khó mà trở dậy vào buổi sáng để phải đối mặt với một ngày dài trước mặt.
Nhưng TO FACE THE MUSIC thì có nghĩa khác. HE LOST HIS PAY CHECK IN LAS VEGAS, AND NOW HE MUST GO HOME TO FACE THE MUSIC. Câu này, cô QA đoán nghĩa là gì?
QA
QA nghĩ ông ấy thua hết tiền lương ở sòng bài, bây giờ ông sẽ phải về nhà và nghe mẹ cháu … ca cho chết luôn.
BBT
TO FACE THE MUSIC nghĩa là đối mặt với trách nhiệm, với các thử thách, với hậu quả. Câu ấy nghĩa là Thầy Hai về nhà để Thầy Hai nghe COCA COLA thì cũng thế. Cô QA dịch như vậy là tuyệt.
NHÃ LAN
Trước khi Nhã Lan đi mổ hồi hai năm trước, Nhã Lan cũng phải họp FACE TO FACE với giám đốc phòng nhân viên của công ty. IT WAS A FACE TO FACE MEETING. Vậy là họp tay đôi phải không thưa anh?
BBT
Cũng đúng nhưng nếu ba người họp thì sao gọi là tay đôi được. Cứ nói là họp trực tiếp, họp mặt đối mặt là đúng nhất.
QA
Người Anh, người Mỹ khi bị rơi vào trường hợp khó xử, xấu hổ, bối rối, ngượng … có nói là bị mất mặt như người Việt không thưa anh?
BBT
Cám ơn cô hỏi một câu rất hay. Có, người Mỹ cũng có một thành ngữ giống hệt như họ dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thí dụ nói ông John Edwards, ứng cử viên tổng thống Dân Chủ bị mất mặt vì vụ ông ngoại tình trong khi bà nhà, bà Elizabeth bị ung thư nặng, cô QA sẽ nói thế nào?
QA
Mất mặt là TO LOSE FACE. SENATOR JOHN EDWARDS LOST FACE WHEN HIS AFFAIR APPEARED ON THE FRONT PAGES.
BBT
Ðúng vậy. Ðố cô Nhã Lan biết câu này nghĩa là gì: HE GOT EGG ON HIS FACE.
NHÃ LAN
HE GOT EGG ON HIS FACE là ông ấy hát dở phải không anh? Hát dở thì bị ném trứng thối vào mặt nên ông ấy có trứng gà trên mặt.
BBT
Ðúng như thế. HE GOT EGG ON HIS FACE là ông ấy bị một phen bẽ mặt, mắc cở. Còn khi tôi nói HE IS TWO-FACED thì ông ấy là người thế nào?
QA
Ông ấy là con người hai mặt, lá mặt lá trái, không thành thật, phản trắc, không thể tín nhiệm, không thể tin được.
BBT
Ðúng. Trong một tờ báo tôi đọc được đã lâu, tổng thống Park Chung Hee được mô tả là THE STONE-FACED PRESIDENT. Cô Nhã Lan hồi ấy còn nhỏ không biết ông này, nhưng cô hiểu lối mô tả ấy như thế nào?
NHÃ LAN
Nhã Lan nghĩ tổng thống Park Chung Hee là một người mặt lạnh như tiền, không bao giờ cười, như một tảng đá phải không thầy?
BBT
Ðúng, đó là một khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm và buồn. Bây giờ cũng chấm dứt giờ nghiêm và buồn của tôi, vậy thì mời cô QA…
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
MỘT CUỐN TỰ ÐIỂN TRONG NƯỚC
Từ hơn mười năm trở lại đây, sách vở trong nước đã được đưa sang bán ở Hoa kỳ khá nhiều. Các sách biên khảo được chiếu cố nhiều nhất vì loại sách này thường không mang theo mầu sắc chính trị, những ấn phẩm mà độc giả hải ngoại vẫn còn rất nhiều dị ứng.
Trong số loại sách biên khảo này, có khá nhiều tự điển, và một trong những cuốn tự điển xuất bản trong nước được bầy bán ở một số tiệm sách ở Hoa kỳ là cuốn tự điển Kinh Doanh Thế Giới do nhà xuất bản Ðồng Nai in năm 1997 được bán với giá 160 ngàn đồng Việt Nam.
Cuốn tự điển này đã được một giới chức thuộc học viện kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu ân cần và trang trọng.
Với chiều dầy hơn 2 ngàn trang, 130 ngàn chữ, cuốn tự điển này là một cuốn sách bề thế.
Cuốn tự điển kinh doanh theo nhà xuất bản, đã gom góp được các thuật ngữ, từ vựng liên quan đến nền kinh tế thị trường.
Trước năm 1975, ở Việt Nam chỉ có một cuốn tự điển chuyên môn Anh Việt, Việt Anh của Quỳnh Lâm với các từ ngữ trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, luật pháp, nhưng số chữ thì không được bao nhiêu.
Nhóm biên soạn cuốn tự điển Kinh Doanh Thế Giới còn nói rõ hơn ở bìa sau là cuốn tự điển cung cấp các thuật ngữ kinh doanh tài chính kế toán, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán và điện toán.
Nhưng chỉ cần đọc luớt qua nguời ta cũng thấy là cuốn sách không làm được đầy đủ những điều vừa kể. Cuốn sách có thể có 130 ngàn chữ, nhưng trong đó có rất nhiều chữ không hề liên quan gì đến các ngành sinh hoạt kinh doanh. Nếu lược bỏ những chữ cũng có trong các tự điển thông thường thì số ngữ vựng kinh doanh không có được bao nhiêu. Thay vì chuyên chú vào các từ ngữ của sinh hoạt kinh doanh, những người làm tự điển có thể vì quá tham lam nên đã ghi vào trong tự điển cả những chữ không dính líu gì vào sinh hoạt kinh doanh.
Thí dụ mở trang 1068 của cuốn tự điển này, người ta thấy là nếu xé bỏ hẳn trang này, hay trang 372, hay trang 1162 thì những ngưòi cần tra cứu các thuật ngữ kinh doanh sẽ không thấy mất mát hay thiếu vắng gì.
Những người làm cuốn tự điển này đã cho vào tự điển những chữ không hề mảy may liên quan gì đến kinh doanh, chính trị.
Thí dụ ở trang 1162, người ta thấy những chữ như muskrat là con chuột xạ, hay mussel là con trai. Hay động từ must mà cuốn tự điển dùng tới 19 dòng ở trang 1162 để cắt nghĩa. Những chữ vừa kể thì dính líu gì tới kinh doanh? Hay danh từ mustang là con ngựa rừng Bắc Mỹ, hay động từ must mà người học tiếng Anh nào cũng phải học ngay từ những bài vỡ lòng.
Những trang như trang 1162 thì không ít, ghi rất nhiều tiếng không hề cần thiết cho các sinh hoạt kinh doanh và bang giao quốc tế.
Ngoài những tiếng không cần thiết trong lãnh vực kinh tế tài chính, cuốn tự điển còn đặc biệt ở chỗ là nó không hề thiếu và bỏ qua những tiếng tục tĩu nhất của tiếng Anh. Không kể những chữ mang tính cách kỹ thuật hay khoa học để chỉ các bộ phận sinh dục nam nữ có thể dùng trong các lớp giáo dục sinh lý hay cac sách y khoa, mà luôn cả những tiếng những tiếng lóng tục tĩu mà trong những cuộc đối thoại công khai người ta cũng ít dám dùng, thì lại được ghi đầy đủ. Tất cả các từ ngữ đề cập tới các sinh hoạt tình dục đều được ghi không thiếu.
Những chữ này thì liên quan gì tới các sinh hoạt kinh doanh thế giới?
Nhưng những người làm cuốn tự điển nay cũng rất lạ lùng. Lạ lùng ở chỗ những chữ không xuất hiện trong các sinh hoạt kinh doanh thì lại được ghi đầy đủ trong khi những chữ quan trọng thì lại không chú thích hay giải thích gì. Thí dụ NAFTA, những chữ viết tắt của North American Free Trade Agreement thì lại không giải thích, cũng không cho biết hiệp ước ký năm nào, có những điều khoản nào, ký ở đâu …
Khá nhiều chữ mà các nhà làm tự điển đem ra định nghĩa thì lại sai nặng nề. Thí dụ chữ flasher được định nghĩa là người đàn ông mặc tênh hênh, chướng mắt. Giải thích như thế sai hoàn toàn. Thứ nhất, flasher không phải chỉ là đàn ông. Ðàn bà cũng có người làm việc đó. Tự điển viết mặc quần áo tênh hênh cũng sai nốt.
Hay open society được giải thích là một xã hội tự do tín ngưỡng trong khi nó chỉ có nghĩa là một xã hội cởi mở.
Tại sao tự điển kinh doanh lại có những chữ như ổ điếm, bao cao su ngừa thai, nhà tắm hơi, gái điếm, ma cô vân vân.
Nói tóm lại đây là một cuốn tự điển hoàn toàn vô giá trị, mua chỉ tốn tiền vô ích.