November 3, 2011

November 4, 2011

Ngày 30 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Hồi học tiểu học, trong những giờ tập làm văn, chúng tôi có khi phải viết một bài "văn" ngắn, và cũng có thể phải làm những bài tập, trong đó, chúng tôi phải chọn những tiếng thích hợp để điền vào những chỗ trống "cho hợp nghĩa". Bài có khoảng một chục chữ mà chúng tôi phải chọn để điền vào những câu bỏ trống cho câu đầy đủ và có ý nghĩa.

Thời ấy, chúng tôi học tiếng Việt như thế. Thầy, cô giáo gọi mấy đứa lên bảng điền vào những chỗ bỏ trống cho cả lớp chữa lấy bài của mình nếu điền không đúng. Cách dậy tiếng Việt như vậy rất hữu hiệu. Những chữ chọn đúng không thể thay thế bằng những chữ khác nếu không muốn ý nghĩa bị sai lạc đi. Tuần qua, khi nghe một chương trình nhạc ở Virginia, tôi đã thấy lại điều ấy khi nghe một ca sĩ hát khúc lời Việt một nhạc phẩm của Johan Strauss.

Bài Le Beau Danube Bleu của Johan Strauss được viết lời Việt rất hay. Tiếc là người hát đã hát sai mất mấy chữ của lời ca tiếng Việt.

Tôi đã nghe giọng hát này hát trong CD mới nhất của cô và thấy ngay điều đó. Hôm đi nghe trực tiếp ở Virginia, tôi chú tâm lắng tai nghe kỹ xem cô có hát đúng không thì thấy là cô vẫn hát sai ở ngay mấy câu đầu.

Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh…

Tôi đã nghe Thái Thanh, Mai Hương hát bài này nhiều lần. Một số ca sĩ khác cũng đã hát bài này bằng lời Việt. Tất cả đều hát đúng những chữ ở câu thứ nhì.

Một dòng tràn mông mênh…

boues-rouges-8.jpg

Sông Danube là con sông dài thứ nhì ở Âu châu, chỉ thua có sông Volga ở Nga. Sông Danube bắt nguồn từ Đức, chẩy suốt gần 3 ngàn kilômét, qua 4 thủ đô của trung và đông Âu trước khi đổ vào Hắc Hải.

Trên đường đi từ Đức tới Hắc Hải, sông Danube còn được tiếp thêm nước từ nhiều con sông khác nên hai chữ "mông mênh" là những chữ rất chính xác để tả con sông này.

Nhưng hai chữ "mông mênh" này đã bị hát sai bằng hai chữ khác. Sai một cách thảm hại.

Dòng sông rộng, chẩy trên một chiều dài cả ngàn kilômét từng là biên giới của 10 quốc gia Âu châu bị mô tả tầm bậy bằng cách hát sai hai chữ "mông mênh" thành "mong manh".

Tôi còn giữ được một tập nhạc in ở Sài Gòn trước năm 1975 có lời ca tiếng Việt của bài hát này, trong đó, câu thứ hai được in là "một dòng tràn mông mênh", không là "mong manh".

Mông mênh là lớn rộng, bát ngát. Mông mênh cũng cùng nghĩa với mênh mang. Đảo ngược lại là mênh mông cũng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa.

Mong manh không có nghĩa là bát ngát. Mong manh là mềm mại, mỏng manh, không có vẻ mạnh mẽ. Sông Danube không thể mô tả bằng tĩnh từ mong manh. Người viết lời Việt cho tác phẩm của Strauss đã chọn hai chữ mông mênh trong tiếng Việt để nói về dòng sông.

Người ca sĩ hát bài này, thu thanh trong một CD mới đây có thể không có bản chính của lời ca Việt ngữ trong tay, có thể đã nghe qua các đĩa hát cũ, hay các cassette và ghi lầm thành "mong manh".

Nếu là người có hiểu biết kha khá về Việt ngữ thì nhất định phải thắc mắc về hai chữ mong manh. Hai chữ này không thể được dùng để mổ tả một con sông lớn như sông Danube. Cẩn thận thì phải đi kiếm cho được bản in để thấy đó là mông mênh, không bao giờ có thể là mong manh.

Giải lụa có thể mong manh. Tơ trời của Nguyễn Văn Đông trong Mấy Dặm Sơn Khê thì mong manh. Không gian như có dây tơ của Huy Cận thì mong manh.

Sông Danube thì nhất định không thể mong manh được.

Cô ca sĩ này hát mông mênh thành mong manh, những người ngồi cùng bàn với tôi đều thấy điều đó.

Một người bạn của tôi viết mấy chữ vào một miếng giấy để nhắc cô hát cho đúng và đem lại chỗ cô đang bán CD. Cô đáp là đã được chính người viết lời dậy cho hát như thế.

Tôi không tin điều đó.

Hai người từng gần gũi nhiều với ông là Thái Thanh và Mai Hương đã hát đúng những lời ông viết. Trong suốt bằng ấy năm, nếu hai cô hát sai, thì người viết lời Việt cho bài hát nhất định phải chỉ cho hai giọng hát này để hát lại cho đúng rồi. Nhưng chuyện đó không hề xẩy ra.

Người ca sĩ hát sai lời này đã không nhận cái sai lầm của mình. Lại có vẻ như khinh thường thính giả lớn tuổi hơn cô rất nhiều, bác bỏ ngay đề nghị của ông và tiếp tục ngồi bán CD trong khi cô được mời hát có trả tiền cho một sinh hoạt của một hội đoàn chứ không phải là để bán CD của cô.

Những người nghe thấy những sai sót của cô đã nghe bài hát này từ rất nhiều năm. Chiều dài đó có thể dài còn hơn số tuổi của cô.

Cô đem một ca khúc mà sau khi Thái Thanh hát, ít ai dám đụng tới để hát. Lập tức cô bị so sánh với Thái Thanh, và những khiếm khuyết trong giọng hát của cô được tìm thấy ngay. Những đoạn không cần luyến láy, cô cứ tự nhiên mà luyến láy, mà múa may quay cuồng như đang hát nhạc Ấn độ trong một hai DVD. Cô hát sai hai chữ rất đẹp của bài hát rồi còn tỏ thái độ không quan tâm gì tới ý kiến của người nghe, những người đã góp phần nuôi sống cô, cho cô một sự nghiệp đi hát.

Sai sót không phải là một cái tội. Ai cũng có thể lầm lẫn. Nhưng thái độ tự tôn, coi mình là một thứ diva, tự coi là một giọng hát hàng đầu, không cần lý gì tới người nghe, tưởng mình đã quá thành công, muốn cho người nghe nghe gì cũng được, thì đó là một thái độ rất không nên.

Người ta nói cô đã bơm (?) nhiều thứ vào người. Tiếc là cô không bơm được những điều tử tế vào đầu của cô. Những chỗ cô bơm không hề giúp bao nhiêu cho nghề hát xướng của cô.

Chiếc CD tôi mua hồi tháng trước có giọng hát của cô đã ra nằm cùng với những tấm giẻ lau xe đầy dầu nhớt nhem nhuốc ở thùng xe phía sau.

Tôi biết tôi sẽ không bao giờ bỏ vào máy để nghe nó nữa.

Dòng Sông Xanh Lời bài hát

tiếng hát Thái Thanh






Ngày 1 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Nữ hoàng Victoria mà còn sống chắc bà lại phải cầm cái quạt lên, quạt phành phạch rồi nói bằng giọng bực bội một câu mà ai nghĩ đến bà cũng phải nhớ: I am not amused!

Nữ hoàng Victoria

Không vui là phải. Ai đời mấy thứ đồ lót của nàng không biết tên hầu cận nào bàn tay nhám lấy đi giữ cả trăm năm, mới đây đem bán đấu giá lấy tiền, nghe cũng hệt như lời một bài hát của một nhạc sĩ trong nước "…bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên…"

Tàn nhẫn và bạc bẽo đến như thế thì không ai còn có thể tệ hơn. Mấy món ấy chắc phải được lấy khỏi điện Buckingham từ những năm cuối của thế kỷ 19. Không biết chúng đi những đâu, được giấu ở chỗ nào để mãi tuần qua mới được lôi ra đem ra bán. Chúng gồm một chiếc quần lót và một đôi vớ làm bằng lụa. Chiếc quần lót thực ra là một thứ petitcoat để mặc bên trong của những chiếc váy dài, có ai ống, phía dưới chẽn lại. Có khi chúng được gọi là bloomers, có khi còn được gọi là knickerbockers, hay pantalettes, mốt của những năm từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

bloomers của Nữ hoàng Victoria

Cặp vớ lụa đen được ôm lấy chân nàng trong thời kỳ nàng để tang chồng là Prince Albert.

Vì thế, mấy món ấy không thể là những món "tàn y" Albert "xếp lại để dành hơi" như ý của mấy câu thơ rất đẹp của một người đàn ông Việt Nam không biết rõ đó là Trần Danh Án, Nguyễn Gia Thiều hay vua Dực Tông để khóc một người phụ nữ tên là Bằng của hơn hai thế kỷ trước.

Nhưng mấy món đem bán đấu giá hồi tuần trước không thể là những món mà nữ hoàng mặc hồi những năm còn trẻ.

Trong những năm ấy, Victoria cũng đẹp lắm. Nhưng trong những năm cuối của thế kỷ 19 thì nàng không còn giữ được vẻ thanh thoát của những năm còn trẻ nữa. Nàng lúc ấy đã thành một bà già to béo. Chiếc quần của nàng có thừa chỗ cho hai phụ nữ mặc vừa.

Vậy mà cả mấy thứ đó vẫn bán được gần 15 ngàn đô la Mỹ.

Ai là người mua nó? Chi tiết này được giữ kín. Hiện không ai biết người đó là ai. Mà mua về làm gì?

Mua để tưởng nhớ một mùi hương thì chắc là không. Bằng ấy năm đã qua, bao nhiêu sương gió, bụi trần đã bám vào. Có thể chúng cũng đã qua vài ba lần máy giặt, máy sấy thì còn quái gì là … hương xưa của nàng nữa. Mà có còn thì cũng hấp dẫn ở chỗ nào?

Phải chi mà đó là của Marilyn Monroe đi thì cũng có thể hiểu được. Hay đó là bộ bikini mà Ursula Andress mặc trong khi vừa lóp ngóp lội từ dưới biển lên trong phim Dr. No mà có mua với giá 40 ngàn tiền Mỹ thì cũng được đi. Ít nhất những sợi vải đó cũng chỉ mới ôm lấy đồi núi của Ursula có nửa thế kỷ. Chứ cái bloomers của Victoria thì ít ra cũng hơn 100 năm rồi thì còn chi nữa mà mua về ôm ấp, hít hà, nhìn ngắm cho bõ những ngày cơ cực?

Gần 15 ngàn đô la để mua mấy thứ đó ư?

Lần này thì đồ thật không bằng đồ giả. Đồ thật lấy từ điện Buckingham nhất định thua xa mấy thứ đồ giả bán trong những cửa hàng ở các thương xá tại Mỹ, tại những cửa tiệm mà phía ngoài bao giờ cũng có mấy người đàn ông mặt mũi u sầu ủ dột chờ những người đàn bà vào tiệm mua sắm những món mang tên là những bí mật (?) của Victoria. Toàn những thứ giả không à. Mấy thứ ấy có bao giờ ôm lấy Victoria đâu. Chúng có thể không là đồ thật, không xuất xứ từ điện Buckingham nhưng sao chúng lại hấp dẫn đến là như thế!

Nhưng nghĩ cho cùng thì ngay cả chuyện mua mấy thứ đồ giả đó, những sản phẩm gọi là những bí mật của Victoria đó thì cũng là những chuyện vô ích.

Mua làm gì khi mà mặc chúng vào để rồi cũng lại bị hối hả tháo ra trong tiếng thở hào hển trong đêm khuya?

Còn giữ chúng ư? Tại sao lại phải nài nỉ xin chúng khi chúng vừa rời cửa tiệm, còn nguyên mùi của cái xưởng may đâu đó tại Indonesia, Macao, Bangladesh…?

Mà dẫu cho đã hết mùi xưởng may, lại dính toàn mùi bột giặt và máy sấy thì mang về nhà làm gì?

Ít nhất cũng phải có mùi (?) thì mới "xếp tàn y lại để dành hơi" chứ.

Phí cả 15 ngàn đô la đi!


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 118)

THE ARTICLES

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 118 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, một trong những khó khăn mà Thúy nghĩ là lớn nhất, với những người học tiếng Anh, là cách dùng sao cho đúng những MẠO TỪ, những ARTICLES của nó. Tiếng Việt, may quá, không có mạo từ…

BBT

Tiếng Việt cũng có mạo từ, đó là CÁI, NHỮNG, CÁC.

Mạo từ CÁI được dùng với danh từ số ít. Thí dụ CÁI QUYỂN SÁCH NÀY. CÁI BÀI HỌC ĐÓ. CÁI NGƯỜI ĐÀN ÔNG KIA.

Mạo từ NHỮNG được dùng với danh từ số nhiều. Thí dụ NHỮNG NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG. NHỮNG CHUYẾN BAY NGÀY MAI. NHỮNG TÀI LIỆU LỊCH SỬ.

Mạo từ CÁC được dùng với danh từ số nhiều mà chúng ta đã nghe nói, đã biết, đã được xác định từ trước. Thí dụ CÁC BỘ TRƯỞNG CỦA CHÍNH PHỦ BẢO ĐẠI. CÁC TIẾN SĨ CỦA TRIỀU LÊ. CÁC CÔNG VIỆC BỊ MẤT ĐI…

Ngoài ra, mạo từ của tiếng Việt cũng được dùng để làm cho mạnh, cho rõ thêm nghĩa của danh từ đi sau nó.

Thí dụ ĐIỀU NÀY RẤT KHÓ HIỂU nghĩa không mạnh như CÁI ĐIỀU NÀY RẤT KHÓ HIỂU.

NHỮNG ĐIỀU ÔNG ẤY LÀM LÀ ĐÚNG và NHỮNG CÁI ĐIỀU ÔNG ẤY LÀM LÀ ĐÚNG.

Ý nghĩa của hai câu có mạo từ CÁI được làm cho mạnh thêm, người nghe sẽ chú ý đến danh từ theo sau nhiều hơn.

QA

QA biết là trong Anh ngữ có MẠO TỪ BẤT ĐỊNH (INDEFINITE ARTICLES) và MẠO TỪ XÁC ĐỊNH (DEFINITE ARTICLE). Xin anh giải thích cho như thế nào là bất định và như thế nào là xác định.

BBT

Khi cô nói cô cần cái bút để viết số điện thoại của người bạn xuống thì cô có đòi cái bút đó phải là một cái Parker 71 silver sterling, ngòi mạ vàng, dùng mực xanh Royal Blue vừa mua ở South Coast Plaza … không, hay cái bút nào cũng được miễn là viết ra chữ là được?

QA

Chắc QA không khó tính và vớ vẩn như vậy đâu, bất cứ cái bút nào cũng được, bút bi, bút ngòi lá tre, bút Pilot, bút Parker … bút nào cũng được.

LÃM THÚY

Như vậy chị QA không xác định phải là cái bút nào. Khi nói cái bút nào cũng được thì "cái bút nào cũng được" là một danh từ bất định (INDEFINITE).

BBT

Trong văn phạm, tiếng Anh, chúng ta dùng MẠO TỪ BẤT ĐỊNH tức là INDEFINITE ARTICLES "A" hay "AN" với những danh từ bất định. Nhớ là chỉ dùng mạo từ bất định với danh từ có thể đếm được COUNTABLE NOUNS. Chúng ta không dùng INDEFINITE ARTICLES A và AN với các danh từ không đếm được, nói rõ hơn là các danh từ trừu tượng. Cô Thúy kể ra mấy danh từ không đếm được trong tiếng Anh coi.

LÃM THÚY

Đây là mấy UNCOUNTABLE NOUNS: WATER, KNOWLEDGE, HAPPINESS, POVERTY…

QA

Vậy thì chúng ta không thể nói A WATER, A KNOWLEDGE, A HAPPINESS, A POVERTY được. Nhưng với các danh từ đếm được thì chúng ta phải dùng INDEFINITE ARTICLES ở đàng trước phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Không thể nói I WANT PEN. WE BORROW BOOK hay THEY BUY HOUSE mà phải nói…

LÃM THÚY

I WANT A PEN. WE BORROW A BOOK và THEY BUY A HOUSE.

BBT

Nhưng với những danh từ số nhiều mà không phải là những trường hợp xác định nghĩa là những danh từ bất định, chúng ta KHÔNG dùng mạo từ INDEFINITE ARTICLES. Thí dụ MISTER OBAMA MUST HAVE NEW PLANS FOR THE ECONOMY. INDIA WANTS TO SELL SMALL CARS IN THE US.

Chúng ta cũng KHÔNG dùng INDEFINITE ARTICLES với các thứ bệnh thí dụ HE HAS TUBERCULOSIS hay MANY PEOPLE IN AFRICA STILL SUFFER FROM MALARIA.

Các nghề nghiệp luôn luôn có mạo từ bất định đứng trước. Thí dụ HE IS A LAWYER IN NEW YORK. I WAS A TEACHER IN SAIGON MANY YEARS AGO.

Chúng ta cần nhớ thêm một điều nữa về INDEFINITE ARTICLES là trước những danh từ bắt đầu bằng nguyên âm như E, I, O, U, A, chúng ta dùng mạo từ AN thay vì mạo từ A. QA cho nghe các danh từ bắt đầu bằng VOWELS để dùng với mạo từ AN coi.

QA

AN EGG, AN ID-CARD, AN ORANGE, AN UMBRELLA, AN APPLE.

BBT

A và AN là INDEFINITE ARTICLES, mạo từ bất định. Mạo từ THE là mạo từ xác định tức là DEFINITE ARTICLE. DEFINITE ARTICLE THE có thể dùng với danh từ đếm được cũng như danh từ không đếm được.

Các cô nghe hai câu này:

I WANT A PEN.

I WANT THE PEN.

Hai cô thấy chúng khác nhau không? Chắc chắn là có. Câu hỏi là khi nào dùng I WANT A PEN và khi nào dùng I WANT THE PEN? Lãm Thúy thử giải thích coi.

LÃM THÚY

I WANT A PEN là tôi muốn một cái bút, bút nào cũng được, bút xanh, bút đỏ, bút nguyên tử, bút nỉ… cứ viết thành chữ là được.

I WANT THE PEN là tôi muốn cái bút ông đang cầm trong tay, đang gài trong túi áo, hay cái bút ông đang dùng, hoặc đó là cái bút trong ngăn kéo bàn giấy. Phải là cái bút đặc biệt đó mới được. Tôi xác định cái bút ấy tôi mới dùng. Ông đưa cái bút khác thì tôi không nhận.

BBT

Cô quả là người khó tính. Nhưng cách giải thích của cô thì đúng. Đó là trường hợp DEFINITE ARTICLE dùng cho một danh từ đặc biệt đã được xác định. QA cho nghe hai thí dụ một với danh từ bất định và một với danh từ đã được xác định.

QA

MANY AMERICANS LIKE VIETNAMESE FOODS. Trong câu này, VIETNAMESE FOODS là thức ăn Việt Nam ở bất cứ đâu, ở Pháp, ở Úc, Canada hay Việt Nam đều được người Mỹ thích.

MANY AMERICANS LIKE THE VIETNAMESE FOODS IN ORANGE COUNTY. QA dùng THE VIETNAMESE FOODS vì nó đã được nói rõ, được xác định là thức ăn Việt Nam ở quận Cam. Vì thế, QA dùng DEFINITE ARTICLE THE trong khi câu trên vì không được xác định, lại là số nhiều nên QA KHÔNG dùng mạo từ A.

BBT

Cô Thúy cho nghe hai thí dụ với INDEFINITE ARTICLE và DEFINITE ARTICLE coi.

LÃM THÚY

IN MY SHOP, MUSIC CDs SELL VERY SLOW. Đĩa nhạc CD nói chung bán rất chậm. Đó không phải là những đĩa đặc biệt, đó là những CD không xác định là của ca sĩ nào, lại số nhiều nên Thúy không dùng INDEFINITE ARTICLE A.

BUT THE CDs BY TRỊNH CÔNG SƠN STILL SELL WELL. Trong câu này, các đĩa CD đã được nói rõ là của Trịnh Công Sơn, đã được xác định nên húy dùng DEFINITE ARTICLE THE ở trước.

BBT

Bây giờ chúng ta chuyển qua những trường hợp bao giờ cũng dùng DEFINITE ARTICLE THE. Trước hết là với tên của núi, sông, biển, các vùng địa lý… chúng ta bao giờ cũng dùng DEFINITE ARTICLE THE ở trước. QA cho thí dụ của vài ba trường hợp coi, sau đó là Thúy.

QA

Thí dụ THE MEKONG RIVER, THE EVEREST MOUNTAIN, THE PACIFIC OCEAN.

LÃM THÚY

THE MIDDLE EAST (Trung Đông), THE WESTERN HEMISPHERE (Tây Bán Cầu), THE NORTH POLE (Bắc Cực), THE GREAT LAKES (Ngũ Đại Hồ).

BBT

Chúng ta không dùng mạo từ trước tên của các quốc gia. Thí dụ I WAS BORN IN VIETNAM. SHE WENT TO JAPAN IN 2009.

Nhưng chúng ta phải dùng THE trong trường hợp MISTER THIEU WAS THE LAST PRESIDENT OF THE REPUBLIC OF VIETNAM. Tên các quốc gia có hàm ý số nhiều cũng phải có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE UNITED STATES OF AMERICA, THE SOVIET UNION, THE NETHERLANDS, THE PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA.

Nhưng tên của các châu lục, của các thành phố, của đường phố thì không bao giờ có THE ở trước. Thí dụ ALGERIA IS IN AFRICA. YOUNG PEOPLE LIKE NEW YORK. THE BRITISH PRIME MINISTER’S ADDRESS IS NUMBER 10 DOWNING STREET. THE US PRESIDENT LIVES AT 1600 PENNSYLVANIA AVENUE.

QA

Trong chuyến đi Hán Thành, QA ở khách sạn HILTON, QA nhớ là bao giờ cũng nghe người ta nói THE HILTON. Tại sao vậy thưa anh?

BBT

Cám ơn cô nêu chi tiết này. Lý do là vì chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước tên của các rạp hát, và khách sạn. Thí dụ I SAW THE FILM DOCTOR ZHIVAGO AT THE REX IN SAIGON. MY FRIEND STAYED AT THE MARRIOT WHEN HE WAS IN LOS ANGELES.

Các tên viết tắt cũng luôn luôn có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE UN (UNITED NATIONS), THE USSR (UNION OF SOVIET SOCIALIST REPUBLIC), THE IMF (INTERNATIONAL MONETARY FUND), THE WTO (WORLD TRADE ORGANIZATION)…

LÃM THÚY

Thưa anh, tại sao lại nói HE PLAYS THE PIANO mà không nói HE PLAYS A PIANO?

BBT

Chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước tên của các nhạc khí nếu các nhạc khí này được tấu lên, được nhạc sĩ sử dụng. So sánh: I BOUGHT A YAMAHA GUITAR. Tôi chỉ mua thôi, chưa chắc đã sử dụng nó. Nhưng chúng ta nói MISTER SEGOVIA WAS THE MASTER OF THE GUITAR. LOUIS ARMSTRONG PLAYED THE TROMPET. DIANA KRALL PLAYS THE PIANO, đó là các nhạc sĩ sử dụng các nhạc khí vừa kể.

Còn một điều này hai cô cũng nên nhớ, đó là chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước những thành phần dân chúng, giai cấp hay chủng tộc, giống dân như THE POOR, THE RICH, THE UNTOUCHABLES OF INDIA, THE BRITISH, THE BLACKS…

Ngoài ra, tên của du thuyền hay chiến hạm bao giờ cũng có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE QUEEN ELIZABETH II IS NOT SAILING ANYMORE. THE USS ENTERPRISE WAS SENT TO VIETNAM. THE HQ-10 NHAT TAO FOUGHT THE CHINESE NAVY OFF THE PARACEL ISLANDS IN 1974.

QA

Thưa anh, INDEFINITE ARTICLES có A và AN. A dùng với các danh từ bắt đầu bằng phụ âm (CONSONANTS). AN dùng với các danh từ bắt đầu bằng nguyên âm (VOWELS). Thế còn DEFINITE ARTICLES chỉ có một là THE thôi hay sao?

BBT

Tôi quên không nói chi tiết này từ đầu giờ. Cô hỏi một câu rất có lý. Tiếng Anh chỉ có một DEFINITE ARTICLE THE mà thôi. Nhưng trước các danh từ bắt đầu bằng phụ âm, chúng ta đọc THE là "dơ" và trước các danh từ bắt đầu bằng nguyên âm, chúng ta đọc THE là "di".

LÃM THÚY

Cho Thúy hỏi một câu chót. Có phải chúng ta luôn luôn dùng THE với các danh từ chỉ có một, không có hai không ? Vì nó chỉ có một nên nhắc đến thì ai cũng phải biết, như vậy nó là danh từ đã được xác định nên chúng ta dùng THE phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi. Thí dụ trong thái dương hệ của chúng ta, chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, một quả đất nên nói đến mặt trời thì ai cũng biết ngay, không hề có ba, bốn hay năm mặt trời để chúng ta cần phải xác định. Do đó, chúng ta luôn luôn nói THE SUN, THE MOON, THE EARTH, không bao giờ nói A SUN, A MOON, AN EARTH…

QA

Như trong tựa cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway: THE SUN ALSO RISES. Cũng như trong gia đình, chỉ có một người cha, một người mẹ nên bao giờ cũng là THE FATHER, THE MOTHER phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi, cám ơn cô.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.