Ngày 17 tháng 10 năm 2011
Bạn ta,
Đúng vào lúc công ty Apple đưa ra những con số khủng khiếp về số bán của những chiếc điện thoại iPhone 4S, hơn 4 triệu chiếc trong có 3 ngày, thì cuộc nghiên cứu của một công ty Anh quốc cũng công bố những chi tiết kinh hoàng về những chiếc điện thoại cầm tay.
Theo cuộc nghiên cứu này, thì 16% điện thoại cầm tay có dính vi khuẩn E-Coli, loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong phân người.
Khoảng hai năm trước, E-Coli và Salmonella từng làm cho cả nước Mỹ lên ruột vì chúng xuất hiện trong một số rau trái từ Mexico bán sang Mỹ. Một số người đã chết vì tiêu thụ các rau trái, thịt cá có nhiễm E-Coli và Salmonella.
Và bây giờ thì luôn cả điện thoại cầm tay cũng có thể bị nhiễm E-Coli.
Từ mấy năm trở lại đây, những chiếc điện thoại cầm tay đã cho tôi có được cảm giác an toàn khi dùng chúng vì không còn sợ phải chung đụng với những chiếc điện thoại công cộng ở ngoài đường nữa. Có một hồi tôi rất sợ chúng, những cái điện thoại công cộng. Thỉnh thoảng cần gọi điện thoại trong những lúc ra khỏi nhà, tôi đã phải rất cẩn thận khi dùng những chiếc điện thoại công cộng này. Cẩn thận bọc chúng lại bằng mấy miếng Kleenex mà vẫn còn sợ. Không biết mình kề môi áp má với những người như thế nào vừa dùng nó.
Với những chiếc cell-phone, việc chung đụng với những người lạ không còn xẩy ra nữa. Nhưng cũng có những trường hợp đang dùng điện thoại cầm tay của mình, bỗng có người xin nói vài câu với người bên kia, và bây giờ được đọc kết quả cuộc nghiên cứu ở nước Anh: 16% điện thoại cầm tay có nhiễm E-Coli.
Nhưng có điều làm tôi thắc mắc là cái điện thoại cầm tay chỉ tiếp xúc với phần trên của cơ thể. Vậy thì tại sao những con vi khuẩn E-Coli thường chỉ thấy ở phân người lại leo được lên cái điện thoại?
Đọc tiếp bài báo thì những thắc mắc của tôi được giải tỏa. Cuộc nghiên cứu cho thấy rất nhiều người đem điện thoại cầm tay vào nhà cầu và dùng nó trong lúc đang thưởng thức cái thú số 4 của đời sống.
Điều này dễ hiểu. Chính tôi cũng làm chuyện đó rất nhiều lần. Đó cũng là một trong những điều tiện lợi của cell-phone. Nó không bao giờ rời chúng ta. Không bao giờ có thể lỡ mất một cú điện thoại nào nữa. Chỉ trừ trường hợp đang đứng dưới cái gương sen , và đang hát lớn trong khi nước của vòi nước rào rạt chẩy xuống thì chịu thua. Nhưng lúc khác thì cái điện thoại cầm tay là vật bất ly thân.
Điện thoại reo trong buồng tắm, trong lúc đang ngồi trên bệ là có thể tọa đàm ngay với phía bên kia. Bao nhiêu nhớ nhung, sầu thảm đều có thể bầy ra cho phía bên kia nghe hết. Trong khi phía bên kia thì tin chắc như bắp, và không bao giờ thắc mắc phía bên này đang làm gì mà giọng nói hơi mệt mỏi, hơi thở có lúc hơi dồn dập, có lúc nặng, có lúc nhẹ nhõm. Rồi lại cũng có khi đang nói phải xin lỗi vì có vài ba việc liên quan đến giấy tờ (?) cần phải giải quyết ngay để chấm dứt cuộc diện đàm mà phía bên kia cũng không bao giờ thắc mắc.
Nhiều người xong việc giấy tờ (?), tay vẫn không rời cái điện thoại, bấm vài con số, thế là lại một cuộc điện đàm mới khác được mở ra.
Đôi tay, sau khi chu toàn công việc giấy tờ (?), không hề được rửa cho sạch, lại dùng chúng để gọi điện thoại. Và rồi những con E-Coli, sau khi lẻn qua những tờ giấy mỏng, đã bám vào tay của chủ điện thoại và leo qua cái cell-phone.
Và do đó, 16% điện thoại cầm tay của các thần dân nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị bị dính E-Coli.
Vậy mà đã có những lần được đẩy chiếc điện thoại cho nói vài ba câu với phía bên kia, đã có người sướng ngây ngất vì " mùi phấn em thơm mùa hạ cũ" nhờ chiếc điện thoại được bỏ trong cái ví Louis Vuitton mà không hề biết nó đã dính một đống E-Coli sau khi đi qua những chặng đường đã kể sơ ở trên.
Từ nay, có ai đưa cho cái điện thoại bảo nói vài câu thì đừng nhé. Có ai cầm dao dọa giết thì cũng dứt khoát là không nghe chưa!
Ngày 18 tháng 10 năm 2011
Bạn ta,
Bản tin của CNN hôm nay cho biết dân chúng của một ngôi làng nhỏ ở Colombia, một quốc gia ở Nam Mỹ, vừa xây được một chiếc cầu cho làng mà không cần tới những trợ giúp của chính phủ.
Chính phủ trung ương ở Bogota chắc còn bận hợp tác với các trùm bạch phiến nên suốt mấy năm qua đã hoàn toàn làm ngơ trước những lời thỉnh cầu, kêu gọi khẩn thiết của dân làng Santa Fe. Dân chúng cần một chiếc cầu để đi qua một khúc sông hẹp mà không làm sao có được. Đàn ông, trai tráng trong làng không thiếu nhưng không ai chịu bắt tay vào việc. Làng vẫn không có được cây cầu. Muốn qua sông thì lội. Những ngày nước lớn thì … ở nhà vậy.
Nhưng tháng trước, sau nhiều lần kêu gọi, hối thúc mà các ông vẫn cứ ỳ ra, không thèm nhấc dù cho một ngón tay để giúp dựng chiếc cầu nhỏ cho cả làng mặc dù việc đó cũng không khó khăn gì lắm.
Các phụ nữ trong làng, không biết học được ở đâu, hay bị ai xúi bẩy, đã cho áp dụng một chiến dịch mà bản tin của CNN gọi là cross legged operation, chiến dịch vắt hai chân lên nhau.
Các phụ nữ trong làng bảo nhau là buổi tối khi đi ngủ, các nàng cứ vắt hai chân lên nhau, khép chân lại và nói rõ lập trường của mình rằng không có cầu thì không có chuyện đi lại, thông thương gì hết ráo. Thế là những người đàn ông, những ông chồng của các phụ nữ trong làng Santa Fe, luôn cả những thanh niên có bạn gái cũng đều bị chính sách bế quan tỏa cảng bắt phải nằm … chơi, sơi nước.
Và cầu mà chưa có thì chưa động phòng. Các phụ nữ cứ khép chân lại, giữ vững lập trường. Những người đàn ông trong làng nghiên cứu đủ mọi thứ tài liệu học tập vẫn không tìm được một tư thế (?) nào để giải quyết những đòi hỏi cấp bách đó. Các chàng đành phải nằm chèo queo. Các chàng sợ là cứ đà này thì chuyện bị mời xuống nằm chuồng heo chắc cũng không còn lâu.
Thế là các chàng phải có quyết định: nhượng bộ. Các chàng bèn cùng nhau dựng chiếc cầu cho làng vậy. Và chỉ khoảng một tuần, chiếc cầu được xây xong. Có cầu rồi, mọi sinh hoạt lại bình thường trở lại.
Và như vậy, những võ khí cũ xì (?) của các phụ nữ trong làng chỉ không dùng nữa mà vẫn đem lại kết quả như thường.
Tất cả chỉ dựa trên chuyện khép mở mà ra.
Tôi nhớ mấy câu mà nhiều người nói là của nữ hoàng Victoria nhưng thực ra không phải. Câu đó nguyên văn thế này: I am happy now that Charles calls on my bedchamber less frequently than of old. As it is, I now endure but two calls a week and when I hear his steps outside my door, I lie down on my bed, close my eyes, open my legs and think of England (Tôi rất mừng vì Charles không còn đến phòng ngủ của tôi nhiều như trước đây nữa. Hiện nay, tôi chỉ phải chịu trận mỗi tuần hai lần. Và khi tôi nghe tiếng chân của chàng ở ngoài cửa phòng, tôi vào giường nằm xuống, nhắm mắt lại, dạng hai chân ra và nghĩ tới nước Anh)
Câu này là của Alice Hillington. Chồng của Victoria là Albert, không phải là Charles.
Có điều hay là phụ nữ, khi khép hay dạng chân ra, đều nghĩ tới đất nước của mình.
Những người đàn ông thì thật là tệ.
Ngày 19 tháng 10 năm 2011
Bạn ta,
Tôi không nhớ rõ cụ Vương Hồng Sển đưa ra lời khuyên này trong cuốn Hơn Nửa Đời Hư hay Sài Gòn Tả Pín Lù của cụ, nhưng tôi tin chắc là cụ khuyên nếu muốn có được sức khỏe thì sau một tuổi nào đó, người ta không nên nằm sấp nữa.
Ý cụ muốn nói là nên tiết chế cái "vụ" đó đi thì mới giữ được sức khỏe, khi cơ thể bắt đầu có … tuổi. À thì ra là thế. Không nên nằm sấp nữa là như vậy.
Hôm qua, khi đọc một bản tin về một phụ nữ Việt dùng kéo để giải quyết vấn đề với người chồng Đài Loan, tôi đọc được ở phía cuối bản tin một số ý kiến của độc giả, và một người viết rằng từ nay những người có vợ Việt Nam phải nằm sấp thì may ra mới toàn … thây.
Một ông già xưa, cụ Vương, người Nam Việt thì khuyên nằm ngửa.
Một người Mỹ thì lại khuyên nên nằm sấp mới khá được. Bây giờ biết tin ai?
Người phụ nữ Việt có chồng Đài Loan qua một dịch vụ mai mối giúp các phụ nữ muốn lấy chồng Đài. Cô theo chồng về Đài Loan nhưng chắc chắn cuộc hôn nhân của cô không hạnh phúc. Tưởng được núp bóng tùng quân, được sự che chở, bảo bọc của người chồng Đài Loan, cô phải quần quật đi làm để nuôi chồng. Cô phải làm việc tại một quán karaoke. Về đến nhà thì khám phá ra chồng ngoại tình với một phụ nữ gần nhà. Tuần trước, chiếc ly thống khổ đã tràn. Cô không thể chịu đựng thêm được nữa. Cô nấu cho chồng bữa tối, cho người chồng trẻ hơn cô 1 tuổi uống mấy viên thuốc ngủ. Và khi chàng ngủ say, cô dùng kéo cắt phăng cái của nợ, lên xe chạy tới một khúc sông, thẳng tay ném nó xuống dòng nước.
Chờ cho nó trôi đi một quãng, cô mới về nhà, gọi cảnh sát và nhận tội.
Người chồng được đưa đi bệnh viện băng bó. Người vợ ra tòa có thể bị tù tới 12 năm. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn cách nhau có khoảng vài ba tháng, hai người chồng nước ngoài của hai phụ nữ Việt Nam đã bị chung một số phận. Một ông người Đài Loan, một ông người Mỹ. Cả hai đều có những liên hệ mới khiến hai người vợ điên tiết, người dùng dao, người dùng kéo vung lên trừng phạt.
Cả hai người đàn ông đều phải vĩnh viễn giã từ võ khí. Việc làm của hai phụ nữ Việt đều đáng bị trừng phạt và pháp luật của Đài Loan và Mỹ chắc chắn sẽ phạt nặng hai phụ nữ này.
Nhưng việc làm của hai người chắc chắn sẽ là những bài học cho những người đàn ông ngoại quốc đến Việt Nam để mua vợ. Có thể nhờ trông người lại nghĩ đến ta, những người đàn ông Đài Loan, Hoa lục, Đại Hàn, Singapore, Malaysia… sẽ phải nghĩ lại, không thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như nhiều vụ báo chí đã viết, đưa tới những bạo hành gây thương tích trầm trọng và luôn cả những trường hợp tử vong cho các cô dâu Việt.
Từ nay, những người đàn ông ngoai quốc có vợ Việt Nam sẽ phải thay đổi cách hành xử, sẽ phải bỏ hẳn những hành động vũ phu, bạo hành như trước để đối xử với vợ tử tế hơn.
Và biết đâu, vài ba vụ cắt, chặt, xẻo, cưa… như vừa kể sẽ khiến cho những người ngoại quốc không dám qua Việt Nam mua vợ nữa. Phụ nữ Việt Nam ở trong nước cũng có thể nhờ dó mà danh dự và nhân phẩm không còn bị xúc phạm nữa.
Sư tử Hà Đông mà nhằm nhò gì! Bà chỉ vung một lưỡi dao lên là các con chỉ có ôm đầu (?) máu mà chạy nghe chưa!
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 117)
THE FUTURE PERFECT TENSE
Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 117 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, trong tiếng Anh, các thì Present, Past và Future PERFECT , theo Thúy, là những TENSES gây phiền nhiễu nhiều nhất cho những người mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính của họ.
Thí dụ thì Present Perfect có thể được dùng cho những việc đã hoàn tất, rồi cũng lại cho cả những việc chưa xong cũng được luôn. Thì Past Perfect thì được dùng cho những việc xẩy ra trước những việc đã hoàn tất trong quá khứ. Và thì FUTURE PERFECT thì được dùng cho những việc sẽ trở thành quá khứ, sẽ hoàn tất trước một việc nào đó trong tương lai. Rắc rối ơi là rắc rối. Tại sao tiếng Anh không giản dị như tiếng Việt của chúng ta?
BBT
Đồng ý là các thì Perfect có làm cho cô khó chịu và chúng cũng rắc rối thật, nhưng cô sẽ thấy là với những thì (TENSES) này, tiếng Anh chính xác hơn tiếng Việt nhiều.
QA
Thưa anh, trong tiếng Việt chúng ta có dùng FUTURE PERFECT không?
BBT
Có chứ. Chúng ta chỉ không gọi chúng là FUTURE PERFECT mà thôi.
Hai cô chắc đã nghe câu này:
Khi đi lúa chửa đâm bông
Khi về em đã tay bồng tay mang
Đó không phải là FUTURE PERFECT sao? Người đàn ông từ biệt người phụ nữ lúc cô còn rất trẻ, chưa có gia đình. Nhưng khi chàng trở về sau chuyến đi, thì nàng đã trở thành một phụ nữ có chồng có con rồi.
Vậy chuyện chàng trở về đã xẩy ra chưa, cô Thúy?
LÃM THÚY
Chưa, vì khi chàng nói câu ấy, thì hai người mới chỉ từ biệt nhau. Lúc ấy nàng còn trẻ, nhưng chàng tin rằng chuyến đi sẽ kéo dài và phải năm bẩy năm sau chàng mới trở lại, và khi trở lại thì nàng đã con cái đầy đàn, đã tay bồng tay mang rồi.
QA
Như vậy chuyện chàng trở về chưa xẩy ra. Chuyện trở về là chuyện trong tương lai. Nhưng khi chàng trở về thì người con gái đã thành gia thất, đã chồng con rồi. Chuyện nàng có gia đình lúc ấy đã xẩy ra rồi, ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm rồi. Chuyện đó sẽ trở thành quá khứ trong tương lai, trước việc chàng trở về, việc trở về đó chưa xẩy ra.
BBT
Như vậy hai cô đã hiểu rõ cách dùng của FUTURE PERFECT. Có còn thấy khó hiểu nữa không? Nhớ là FUTURE PERFECT không bao giờ là "em xinh em đứng một mình cũng xinh" được. Nếu đứng một mình, thì chúng ta cứ dùng SIMPLE FUTURE là đủ. Thí dụ chúng ta sẽ nói rằng cô ấy sẽ là mẹ của mấy đứa bé như thế này: SHE WILL BE A MOTHER OF 2 (KIDS).
LÃM THÚY
Như vậy, FUTURE PERFECT bao giờ cũng đi chung với SIMPLE FUTURE.
BBT
Gần đúng như thế, nên tôi phải nói ngay ở đây là chúng ta KHÔNG dùng WILL hay SHALL tức là SIMPLE FUTURE với những TIME CLAUSES bắt đầu bằng những chữ WHEN, WHILE, BEFORE, AFTER, BY THE TIME, AS SOON AS, IF và UNLESS. Những chữ này, văn phạm tiếng Anh gọi là TIME CONJUNCTIONS, những LIÊN TỪ chỉ thời gian. Sau những TIME CONJUNCTIONS này, chúng ta dùng SIMPLE PRESENT TENSE mà KHÔNG dùng SIMPLE FUTURE TENSE mặc dù ý nghĩa thì vẫn là những chuyện sẽ xẩy ra trong tương lai.
Thí dụ WHEN I GET HOME TONIGHT nhưng không bao giờ nói WHEN I WILL GET HOME TONIGHT… Cô QA cho nghe vài thí dụ của TIME CLAUSES với các TIME CONJUNCTIONS AFTER, BEFORE, UNTIL coi.
QA
AFTER SHE GRADUATES IN 2013…
BEFORE MY SON GOES TO BERKELEY…
UNTIL WE SAVE ENOUGH MONEY…
BBT
Cám ơn cô. Còn Lãm Thúy… đặt thử mấy câu với AS SOON AS, WHILE, WHEN coi.
LÃM THÚY
AS SOON AS HE COMES HERE NEXT WEEK…
WHILE HE IS IN CANADA AT THE END OF THE YEAR…
WHEN THE SWALLOWS COME BACK TO CAPISTRANO…
BBT
Rồi. Bây giờ chúng ta trở lại với FUTURE PERFECT . Thì FUTURE PERFECT cũng như hai thì PRESENT PERFECT và PAST PERFECT được thành lập bởi động tự TO HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.
QA
Nếu là PRESENT PERFECT thì chúng ta dùng TO HAVE trong thì hiện tại. Thí dụ WE HAVE LIVED AND WORKED IN CALIFORNIA SINCE 1990.
LÃM THÚY
Và nếu là PAST PERFECT thì chúng ta dùng PAST của TO HAVE. Thí dụ HE HAD LEFT AN HOUR AGO phải không thưa anh?
BBT
Đúng rồi, và với thì FUTURE PERFECT, chúng ta dùng WILL / SHALL HAVE+PAST PARTICIPLE của động từ chính.
QA nói thử câu khi ông ấy trở về thì cô ấy đã làm mẹ của 2 đứa con bằng tiếng Anh coi.
QA
WHEN HE RETURNS, SHE WILL HAVE BECOME A MOTHER OF 2 (KIDS).
BBT
Đúng rồi. Trong Chinh Phụ Ngâm có câu này cũng là FUTURE PERFECT:
Phận trai già cõi chiến trường
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về …
WARRIOR SIEU WILL NOT COME HOME UNTIL HIS HAIR WILL HAVE TURNED WHITE… Bây giờ hai cô, mỗi cô cho nghe hai thí dụ với FUTURE PERFECT coi.
LÃM THÚY
I WILL HAVE COOKED DINNER BEFORE MY KIDS COME HOME.
HE WILL HAVE BEEN 18 NEXT MARCH.
QA
WE WILL HAVE LIVED IN THIS HOUSE FOR 5 YEARS IN JANUARY.
MY NIECE WILL HAVE GRADUATED WHEN SHE IS 23.
BBT
Làm sao chúng ta đổi những câu trên sang thể phủ định tức là NEGATIVE?
LÃM THÚY
Thì chúng ta thêm NOT vào sau WILL và SHALL để thành I WILL NOT HAVE COOKED DINNER và HE WILL NOT HAVE BEEN 18 phải không QA?
QA
Đúng rồi. Hai thí dụ của QA sẽ là WE WILL NOT HAVE LIVED IN THIS HOUSE và MY NIECE WILL NOT HAVE GRADUATED…
BBT
Và thể hỏi của các câu vừa kể thì chỉ cần đưa WILL và SHALL lên trước chủ từ là xong. WILL WE HAVE LIVED ? và WILL SHE HAVE GRADUATED ?… Dễ quá.
QA
Thưa anh, người Anh và người Mỹ có hay ví von như người Việt không? Họ có ví von giống chúng ta không?
BBT
Câu trả lời là " CÓ " cho cả hai thắc mắc của cô. Người Anh và người Mỹ rất hay ví von và có những trường hợp họ ví von rất giống cách ví von của chúng ta. AS CLEAR AS CRYSTAL là trong như pha lê chẳng hạn. Hay AS LIGHT AS A FEATHER là nhẹ như lông hồng.
Cách ví von như thế tiếng Anh gọi là SIMILES. Bao giờ cũng với hai chữ AS ở trước và sau tiếng ADJECTIVES mà chúng ta dùng để so sánh, ví von.
Tuy nhiên, cũng có những cách ví von nghe rất lạ vì chúng ta không ví von như thế bao giờ. Cái lạ đó là do sự khác nhau giữa các nền văn hóa. Thí dụ người Việt nói GẮT NHƯ MẮM TÔM trong khi người Anh và người Mỹ thì không bao giờ nói như thế vì họ không có món mắm tôm.
Người Việt nói ĐÔI MẮT EM SẮC NHƯ LÀ DAO CAU nhưng người Mỹ không ăn trầu làm sao biết con dao cau. Tiếng Anh sẽ nói là AS SHARP AS A RAZOR. Bây giờ tôi sẽ đưa ra những câu ví von, hai cô giảng nghĩa cho tôi nghe nhé. Tôi sẽ dùng những cách ví von rất gần với chúng ta và những câu ví nghe rất lạ với người Việt.
BBT
AS QUICK AS A WINK.
LÃM THÚY
Nhanh như chớp. Nhưng đây là chớp mắt chứ không phải là sấm chớp.
BBT
AS SLOW AS A SNAIL.
QA
Chậm như sên.
BBT
AS SOLID AS A ROCK.
LÃM THÚY
Cứng như đá. Thực ra, SOLID là đặc mới đúng.
BBT
AS STRONG AS AN OX.
QA
Khỏe như trâu. Ox thực ra là con bò. Vậy phải nói khỏe re như con bò kéo xe mới thực là đúng.
BBT
AS TIMID AS A RABBIT.
LÃM THÚY
Nhát như thỏ đế. Thực ra, TIMID là e thẹn, hay mắc cở thì đúng hơn.
BBT
AS WHITE AS SNOW.
QA
Trắng như tuyết.
BBT
AS ALIKE AS TWO PEAS IN A POD.
LÃM THÚY
Giống nhau như hai giọt nước. Thực ra là giống nhau như hai hột đậu trong trái đậu.
BBT
AS BLACK AS COAL.
QA
Đen như than.
BBT
AS COLD AS ICE.
LÃM THÚY
Lạnh như nước đá.
BBT
Một chục câu so sánh ví von coi như là đủ vì chúng ta không thể kể hết ra ở đây trong một tiếng đồng hồ. Trong bài tới, hai cô nhớ nhắc tôi trở lại với những cách so sánh khác.
QA
Thưa anh, anh vừa nói là "nhắc" anh thì tiếng Anh có nói là MAKE ME REMEMBER không?
BBT
Nói như vậy thì người ta hiểu đấy. Nhưng tiếng Anh có một động từ khác là REMIND. Động từ TO REMIND là nhắc cho người ta nhớ một chuyện gì, một việc gì, một người nào , hay nhắc để người nghe làm một điều gì đó.
Nhắc để người ta làm một việc gì thì chúng ta nói TO REMIND SOMEBODY TO DO SOMETHING. Thí dụ PLEASE REMIND ME TO RETURN THE BOOK TO THE LIBRARY. QA cho nghe hai thí dụ với TO REMIND coi.
QA
I ALWAYS HAVE TO REMIND MY SON TO CHANGE THE OIL FOR THE CAR.
MY MOTHER REMINDED ME TO BUY HER SOME TIGER BALM OINTMENT FOR HER ARTHRITIS.
BBT
Mời cô Thúy.
LÃM THÚY
MY SON REMINDED ME TO BUY SOMETHING FOR HIS GIRL FRIEND’S BIRTHDAY.
MY DAUGHTER REMINDED ME TO GET SOME MILK.
BBT
Động từ TO REMIND cũng có thể dùng với một danh từ như trong trường hợp nói cô ấy làm tôi nhớ đến chị tôi: SHE REMINDS ME OF MY SISTER.
QA nói thử câu này: cuốn phim làm tôi nhớ lại những ngày còn đi học ở trung học.
QA
THE FILM REMINDED ME OF MY SCHOOL DAYS.
BBT
Còn Thúy nói: chiếc xe làm tôi nhớ tới những ngày còn ở Sài Gòn bằng tiếng Anh coi.
LÃM THÚY
THE OLD CAR REMINDS ME OF THE DAYS IN SAIGON MANY YEARS AGO.
BBT
Động từ TO REMEMBER thì khác. TO REMEMBER là nhớ, tự mình nhớ lại, lục lọi trí nhớ, gợi lại hoài niệm mà không cần ai phải nhắc. I REMEMBER HIS FACE. I REMEMBER SEEING HIM SOMEWHERE BEFORE.
TO REMEMBER là nhớ một diều gì hay nhớ làm một chuyện gì đó.
Lãm Thúy nói tôi không thể nhớ nổi cái tên của ông ta. Tôi luôn luôn nhớ số điện thoại của các bạn tôi.
LÃM THÚY
I CANNOT REMEMBER HIS NAME. I ALWAYS REMEMBER ALL MY FRIENDS’ TELEPHONE NUMBERS.
BBT
Với động từ TO REMIND, chúng ta có danh từ REMINDER là một vật, một cái gì làm cho chúng ta nhớ lại một điều gì, một người, một chuyện nào đó.
Thí dụ A SCAR IN HIS FACE IS A REMINDER OF THE WAR. A DRIED FLOWER IS A REMINDER OF HIS FIRST LOVE.
QA
Như vậy, A REMINDER có phải là một kỷ niệm không thưa anh?
BBT
Không. Kỷ niệm là MEMORY. Thí dụ I HAVE MANY BEAUTIFUL MEMORIES OF SAIGON. Còn IN MEMORY thì lại là để tưởng niệm, để nhớ lại. IN MEMORY OF SCENT…
LÃM THÚY
Thưa anh, đó có phải là tên một cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo không?
QA
QA đọc cuốn đó rồi: ĐỂ TƯỞNG NHỚ MỘT MÙI HƯƠNG.
Thưa quí vị chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.