October 6, 2011

October 7, 2011

Ngày 3 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Holly Madison là người không có một cái tài nào đáng kể và có thể kể ra ở đây. Nhưng có một lúc, một người không có bao nhiêu tài như cô cũng có được đời sống không vất vả như rất nhiều người khác ở nước Mỹ này.

Cô được ông chủ báo Playboy cho ở chung nhà, khỏi phải lo chuyện tiền nhà, tiền cửa, tiền chợ mỗi tháng, lại được chen vai thích cánh với đủ mọi thứ người nổi tiếng tại những tiệc tùng diễn ra ở lâu đài Playboy cùng với các tài tử giai nhân khác để được lên báo đều đều. Cô có một sắc đẹp bình thường nhưng kích thước thì lại được cải thiện thêm vài ba inches nhờ mấy bịch silicone mà cô nhờ bỏ vào trong người. Sau vài năm sống với Hugh Hefner và hai ba cô bạn gái khác của ông chủ báo này, Holly Madison dọn ra ở riêng khi kiếm được việc làm tại Las Vegas.

Cô làm gì thì không rõ, nhưng tin tức báo chí nói là cô giữ một vai không cần đến giọng hát trong một cái show nào đó ở Las Vegas. Như vậy là cô không biết hát mà vẫn xuất hiện được trong các show ở đó. Do đó, nhất định cô phải dùng tới những bất động sản (?) cô có được nhờ tay "kẻ nặn" tức là người đặt cho cô hai bịch silicone vào người (…tròn méo mặc dù tay kẻ nặn (Hồ Xuân Hương)…)

Các bất động sản ấy là những thứ giúp cô kiếm ra tiền và làm nên sự nghiệp (?) ngày nay của cô. Chắc chắn khi có những thứ làm ra tiền như vậy thì cô phải giữ gìn chúng rất cẩn thận. Chúng là những cái cần câu cơm như lối nói của người Việt Nam.

Celine Dion bảo hiểm giọng hát. Jimmy Durante bảo hiểm cái mũi củ khoai của ông, Cyd Charisse bảo hiểm đôi chân của cô… vậy nên khi đọc thấy tin Holly Madison vừa ký với công ty Lloyd ở Luân Đôn một hợp đồng bảo hiểm 1 triệu đô la thì người ta biết ngay là cô bảo hiểm cái gì rồi.

Holly Madison bảo hiểm bộ ngực của cô 1 triệu đô la. Thực ra, chuyện bảo hiểm những cái vú không phải là chuyện mới lạ. Trước đây, Diana Dors , Dolly Parton … đều đã bảo hiểm những cái vú của họ. Holly Madison đem chúng bảo hiểm thì cũng dễ hiểu. Có hai tảng thịt làm ra tiền, lỡ chúng bị hư hại (?), làm sao kiếm tiền trả tiền nhà, tiền chợ, tiền xe?

Công ty bảo hiểm Lloyd cũng phải lo cho chính họ. Cứ nhận bảo hiểm rồi kệ phía bên kia muốn làm gì thì làm, muốn sống ra sao thì sống, bất kể sự an nguy của những thứ bảo hiểm thì công ty bảo hiểm chỉ có chết. Công ty phải đặt ra những điều kiện đòi phía bên kia phải làm, phải tôn trọng mới được.

James Dean được bảo hiểm để hoàn tất phim Giant với Rock Hudson và Elizabeth Taylor thì trong suốt thời gian đóng cuốn phim ấy, chàng bị cấm leo lên cái xe Porsche của chàng. Bảo hiểm giọng hát cho Celine Dion thì công ty không cho cô la thét chồng con quá đáng, vì làm như thế, dây thanh quản sẽ … chùng đi làm sao hát? Bảo hiểm đôi chân của vua túc cầu Pele thì hãng bảo hiểm không cho chàng đạp xích lô chẳng hạn. Đôi chân vàng của túc cầu mà đạp xích lô thì không được, hư lúc nào không biết. Có đôi chân như vậy cũng không nên được cho mặc mini cho xấu đi.

Khi Holly Madison đem bảo hiểm hai cái vú với công ty Lloyd thì chắc chắn cô cũng phải cam kết một số điều với công ty bảo hiểm chứ không thể không được.

Thí dụ không được chơi một môn thể thao nào có thể làm hư hại hai cái vú. Thí dụ chơi football, hay chạy jogging trên những đoạn đường gập ghềnh có thể làm xộc xệch, rời chỗ ở của chúng chẳng hạn. Có thể Holly Madison sẽ chỉ được mặc những chiếc nịt vú có kích thước do công ty quyết định, không được to qúa hay nhỏ quá. Holly cũng có thể bị một số hạn chế khi làm việc như không được bầy chúng ra quá nhiều, quá lâu dưới ánh nắng, không được dùng những thứ lotion có thể làm lớp da bọc chúng bị cháy vân vân. Một vài loại da tay (?) cũng có thể bị cấm không cho tiếp xúc (?) với chúng.

Trong những liên hệ riêng tư một số điều cũng không được cho phép.

Tôi có thể tưởng tượng ra điều ấy. Lâu lắm rồi, tôi có quen một người và đưa nàng đi chơi trong một buổi tối bên bờ sông Potomac. Chiếc xe mở mui cho mát. Trên trời tinh tú sáng lấp lánh. Chiếc máy nhạc trong xe nhè nhẹ phát ra bài A Sleepy Lagoon… Vừa choàng cánh tay qua, định vuốt những sợi tóc cho " … tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…" thì nàng ngồi nhỏm dậy, gỡ tay chàng ra và phản đối: "Hỏng tóc em bây giờ…"

Thì có chán không cơ chứ. Mà đó là một mái tóc không có bảo hiểm đấy.

Chứ nếu nó được bảo hiểm thì còn khó khăn và không romantica đến đâu nữa.

Cứ nhớ lại chi tiết đó thì lại thấy làm bạn trai, bồ bịch hay chồng của Holly Madison còn chán biết là chừng nào nữa?

Không có ham là vậy.


Ngày 4 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Cuộc hôn phối giữa December và May đã không thành. May bỏ đi, để mặc December một mình trong giáo đường, "hoang vu và nhỏ bé"

Thảm không làm sao nói hết … bỏ xa xôi yêu và gần gũi, bỏ mặc tôi (Hugh Hefner) buồn giữa cuộc vui

May là Crystal Harris 25 tuổi và December là Hugh Hefner 85 tuổi. Trước ngày lên xe hoa, May Crystal bỏ đi mất tiêu khiến bao nhiêu người đàn ông tiểu nhân (?) đã được một trận cười đã đời như trong hai câu lục bát của Đỗ K.:

Bây giờ em bỏ người ta
Tiểu nhân tôi cũng cười khà một câu…

Từ đó đến nay đã mấy tháng. Trái đất vẫn quay đều, ông Qadaffi vẫn chưa bị bắt, Nguyễn Tấn Dũng vẫn xài bằng giả, Michelle Obama vẫn mặc quần shorts làm mê hồn các nhà vẽ kiểu thời trang… Người ta tưởng sẽ không còn ai nghe tới tên của Crystal Harris nữa thì tuần qua, người phụ nữ trẻ này cho báo chí biết sẽ đem bán chiếc nhẫn kim cương đính hôn mà Hugh mua tặng nàng.

Chiếc nhẫn đính hôn là một thứ down payment mà người mua nhà đặt xuống để cho thấy ý định mua căn nhà đó. Thông thường thì nếu chủ nhà đổi ý không bán nhà nữa, chờ foreclose cho vui, hay ngân hàng không chịu cho vay thì tiền down payment được trả lại.

Nhưng Crystal Harris , khi bỏ Hugh Hefner, tuyên bố là cô sẽ giữ cái nhẫn 3.39 carat đó chứ không trả lại cho Hugh Hefner.

Còn December Hugh Hefner thì không nói gì, không đòi May Crystal trả lại, cũng không nhắc gì tới cái nhẫn chàng đã trả hơn 90 ngàn đô la ấy.

Crystal Harris nhờ một công ty bán đấu giá, hy vọng mang về được từ 20 đến 30 ngàn. Báo chí cho biết Crystal nói rằng cô muốn xóa bỏ đi những kỷ niệm đau buồn nên không muốn giữ nó nữa. Cô đem bán là như vậy.

Kể ra thì đó cũng là kỷ niệm đau buồn thật. Lấy một người đàn ông hơn mình 60 tuổi bèo nhèo, nhăn nhúm, hết tương chao gì được nữa thì rõ ràng là mình ham tiền chứ yêu thương nỗi gì. Nàng bỏ là đúng.

Nhưng muốn dẹp bỏ, quăng đi những kỷ niệm buồn đau thì thiếu gì cách để làm như thế.

Ra bờ sông như cảnh ông Tú Xương nhìn thấy hôm nào và về nhà viết rằng:

Tháo nhẫn ma dê ném xuống sông
Thôi thôi, tôi cũng mét xì ông

cũng được đấy chứ. Hay tổ chức họp báo, gọi báo chí đến chứng kiến, móc bóp lấy cái nhẫn ra, quăng cái tõm xuống sông là hết luôn các kỷ niệm xấu đẹp. Mắc mớ gì phải nhờ công ty Christie’s bán đấu giá hộ lấy tiền bỏ túi cho bõ ghét?

Hay nếu không bỏ túi, thì đem đống tiền ấy tặng cho quĩ cứu đói ở Somalia có đẹp không?

Tại sao không đổ vấy cho cục kim cương của cái nhẫn ấy là cục kim cương dính máu của những người dân Congo, Sierra Leone … nên không thèm giữ nó, trả lại cho khổ chủ coi có đẹp hơn không?

Rõ là vớ vẩn. Cứ tưởng nói là muốn dẹp những kỷ niệm buồn bằng cách bán nó đi cho khuất mắt để lấy tiền bỏ bóp là mọi ngươi đều tin là thật cả đấy.

Hugh Hefner, ông không nên buồn. Hãy nhìn kỹ những gì Crystal Harris làm chứ đừng tin những gì Crystal Harris nói.

Nhìn kỹ rồi thì cũng chẳng nên tiếc làm gì. Của đi thay người mà. Đem nó về dinh là chỉ có chết. Mà đằng nào thì cũng chết. 85 tuổi rồi ông ạ.


Ngày 5 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Tuần trước, tờ New York Times, trong mục Dining & Wine của phụ trang làm bếp có đăng một bài viết với hình một con gà đã được làm lông sạch sẽ.

Bức hình này đã khiến cho tổ chức PETA, tổ chức tranh đấu cho thú vật nổi giận và phản đối dữ dội vì theo PETA, bức hình làm cho con gà trở nên quá sexy, không thích hợp với giống gà.

Bức hình của tờ New York Times chụp một con gà bị chặt đầu và hai chân được nhiếp ảnh gia Tony Cenicola đặt nằm trong một tư thế quả là có không bình thường thực. Bức hình làm người ta nhớ ngay đến những bức họa Odalisque khỏa thân của Ingres hay Lefebre, hay Delacroix.

Trong hình, con gà được cho nằm nghiêng, cánh trái chống trên mặt bàn, đôi chân vắt chéo, bụng và ức ưỡn ra trông đầy vẻ … khiêu khích. Ingrid Newkirk, chủ tịch và sáng lập tổ chức PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) nói với một tờ báo rằng bức hình của tờ New York Times như khuyến khích cho một trò chơi bệnh hoạn, necrophilia, hành dâm với xác chết.

Chao ơi, đăng bức hình con gà nằm nghiêng mà bị coi là khuyến khích cho trò necrophilia thì quá đáng.

Thế thì nàng sẽ nghĩ sao khi chúng tôi gọi tô phở gà với lời dặn dò là " đùi bỏ ra ngoài" hay " đùi không đi vớ", hay " trứng non " hay " phao câu"…

Đó là chưa kể tới những lần bước vào các tiệm Roy Rogers hay Kentucky Fried Chicken chưa kịp định thần đã bị hỏi ngay là " You want breasts or thighs…"

Trả lời sao đây?

Trả lời "breasts" thì mang tiếng là người chỉ mê vú (gà). Trả lời "thighs" thì bị đổ cho là chỉ thích … chân cẳng.

Breast man hay leg man thì đều không bình thường cả.

Nhưng có một điều tôi rất lo. Đó là một trong những lạc thú của rất nhiều người sau khi ra đi khỏi đời sống này là thỉnh thoảng được nhìn ngắm mấy con gà mặc dù chỉ nhìn ngắm thôi.

Đang định dặn dò là kiếm cho chúng tôi những con gà đèm đẹp một chút, vặt cho sạch lông. Giữ lại cái đầu, cho nó ngậm một bông hồng. Được thứ mái tơ là nhất, đừng có thứ đã đẻ vài ngàn quả trứng, bị phế thải, coi là gà nạ dòng là được. Thì nay người ta đả kích dữ dội những con gà ấy, bảo là chơi trò necrophilia thì làm sao mà chịu được?

Vừa thôi chứ.

Rồi ra, ai cũng phải già
Leo lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân

Sao nỡ lấy đi lạc thú đó của chúng tôi?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 115)

POSSESSIVE CASE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 115 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, hôm nọ QA nghe lại bản Secret Love của Doris Day, QA thấy câu : Once I had a secret love / that lived within the heart of me

THE HEART OF ME là lối nói QA không thường nghe thấy. Người Mỹ người Anh có hay dùng lối nói này không thưa anh?

BBT

QA nói đúng. Những chữ THE HEART OF ME trong ca khúc của Doris Day là những chữ chúng ta ít khi nghe thấy, mà cũng ít người dùng trong văn nói hàng ngày. THE HEART OF ME chỉ có nghĩa là MY HEART mà thôi. Cũng còn có một cách nói khác là THE HEART OF MINE.

Thực ra thì ba cách nói ở trên không khác nhau gì hết. Có cách chúng ta thường nghe, thường dùng, có cách chúng ta ít nghe thấy và cũng ít khi dùng.

TRÚC GIANG

Thưa chú, cháu nghĩ MY FRIEND và A FRIEND OF MINE có khác nhau. Khi nói MY FRIEND, người ta có thể hiểu là cháu chỉ có một người bạn thôi. Thí dụ MY FRIEND IS LIVING IN SPAIN nghĩa là cháu chỉ có một người bạn thôi, và người bạn đó đang sống tại Tay Ban Nha. Nhưng khi nói A FRIEND OF MINE IS LIVING IN SPAIN thì câu đó có thể hiểu là cháu có nhiều bạn, trong đó có một người đang sống ở Tây Ban Nha. Có đúng như vậy không?

BBT

Không đúng. Chúng ta vẫn thường dùng MY FRIEND có ai nghĩ chúng ta chỉ có một người bạn đâu. Nhưng nếu muốn nói cho rõ hơn thì nói thế này là chắc ăn nhất: ONE OF MY FRIENDS IS LIVING IN SPAIN.

TRÚC GIANG

Nhưng thưa chú cách nói A FRIEND OF MINE có thường được dùng không, trong những lúc nói chuyện hàng ngày?

BBT

Có chứ. Chúng ta thấy người ta nói A BOOK OF YOURS, A CAR OF HIS, THE SHOES OF HERS, THE GARAGE OF OURS, THE GARDEN OF THEIRS. Những chữ MINE, YOURS, HIS , HERS, OURS, THEIRS là POSSESSIVE PROUNOUNS.

Nhưng chúng ta ÍT nghe thấy THE HEART OF ME như trong ca khúc của Doris Day mà QA nêu ra, cũng như A BOOK OF YOU, A CAR OF HIM, THE SHOES OF HER, THE GARAGE OF US, THE GARDEN OF THEM. Những chữ ME, YOU, HIM, HER, US, THEM là túc tự đại danh tự OBJECTIVE PRONOUNS. Những cách nói như thế cũng hoàn toàn đúng, về mặt văn phạm không sai gì hết. Chỉ có điều người ta ít dùng mà thôi.

QA

Anh nhắc POSSESSIVE PRONOUNS QA nhớ tới POSSESSIVE CASE, QA muốn nhờ anh nói rõ hơn về POSSESSIVE CASE và dùng nó như thế nào.

BBT

Tiếng Việt gọi POSSESSIVE CASE là SỞ HỮU CÁCH. Đây là một cách dùng đặc biệt của tiếng Anh để chỉ liên hệ của một danh từ với một danh từ, cho biết vật đó thuộc về một hay nhiều người, hay sinh vật, nghĩa là một vật thể có đời sống.

Thí dụ người hay thú vật là những sinh vật có đời sống. Trong khi cái bàn hay cái ghế là những vật không có đời sống.

Thay vì nói THE BICYCLE OF THE BOY nghĩa là cái xe đạp của cậu học sinh chúng ta thêm DẤU PHẨY (APOSTROPHE) và chữ "S" vào BOY, tức là người sở hữu cái xe đạp , tiếp theo sau đó là danh từ BICYCLE mà cậu bé ấy làm chủ để thành THE BOY’S BICYCLE. Đó là POSSESSIVE CASE.

QA

Thưa anh, như vậy KHÔNG thể nói THE BOOK’S COVER được mà phải nói là THE COVER OF THE BOOK vì THE BOOK, cuốn sách là một vật vô tri, không có đời sống, không thể đi đứng, không thể hít thở không khí, và không sống như con người được có phải không?

BBT

Đúng như vậy. Nhưng có thêm một chi tiết tôi muốn nhắc hai cô ở đây, đó là với những danh từ đã có sẵn chữ "S" ở cuối rồi thì chúng ta không cần phải thêm "S" vào cuối nữa, mà chỉ cần thêm dấu phẩy tức là APOSTROPHE là đủ. Thí dụ THE CAR OF CHARLES, đổi sang POSSESSIVE CASE chỉ cần dấu phẩy APOSTROPHE vào cuối tên của người đàn ông này là đủ để để thành CHARLES’ CAR .

TRÚC GIANG

Thưa chú, vậy thì nếu danh từ đã ở số nhiều, và cuối cùng có chữ "S" rồi thì chỉ cần thêm APOSTROPHE ở cuối là đủ phải không?

BBT

Gần đúng thôi. Thí dụ THE HOMEWORK OF THE STUDENTS thì chỉ cần APOSTROPHE ở cuối để thành THE STUDENTS’ HOMEWORK. Lý do là vì STUDENTS là danh tự số nhiều, đã có "S" ở cuối rồi. Nhưng cũng có những danh tự số nhiều không có "S" thì sao? Chúng ta vẫn phải thêm APOSTROPHE và chữ "S" chứ.

QA

Thưa anh, thí dụ như trường hợp của WOMEN, CHILDREN, PEOPLE, MICE, SHEEP, FISH … phải không?

BBT

Đúng vậy. Vì thế thay vì nói THE TOYS OF THE CHILDREN thì Trúc Giang sẽ nói thế nào, khi dùng SỞ HỮU CÁCH?

TRÚC GIANG

Cháu sẽ nói THE CHILDREN’S TOYS. Cũng thế, WOMEN’S CLOTHINGS và PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA.

BBT

Nhưng trong một số trường hợp, khi thấy thêm chữ "S" ở cuối có thể khiến cho việc phát âm bất tiện hay khó khăn thì người ta tránh dùng POSSESSIVE CASE thí dụ JESUS’ TEACHINGS thì nên nói THE TEACHINGS OF JESUS. Cũng như thế, MOSES’ LAWS nên dùng THE LAWS OF MOSES thì … dễ nghe hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp như WILLIAM JAMES’S PSYCHOLOGY thì được vì chúng ta đọc JAMES’S dễ hơn JESUS’ TEACHINGS. Chúng ta cũng dùng THE BOSS’S OFFICE.

Hiện nay, các nhà văn phạm chấp nhận cả hai cách CHARLES’S CAR và CHARLES’ CAR.

QA

Thưa anh, QA thấy có người dùng A WEEK’S SALARY thì như vậy có đúng không?

BBT

Hoàn toàn đúng. Đó là những trường hợp khi nói về một món tiền nào đó, hay một chiều dài thời gian nào đó. Thí dụ thay vì nói THE WORTH OF A DOLLAR, người ta cũng có thể nói A DOLLAR’S WORTH , giá trị của một đô la. Chúng ta cũng nói A 2 WEEKS’ VACATION nghĩa là những ngày nghỉ kéo dài hai tuần thay vì A VACATION OF 2 WEEKS. QA cho nghe một thí dụ tương tự coi.

QA

MY SON GAVE ME HIS FIRST MONTH’S PAYCHECK.

BBT

Thế còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I WILL TAKE A 3 MONTHS’ MATERNITY LEAVE AT THE END OF THE YEAR.

BBT

Thêm một điều nữa tôi muốn nói ở đây là chúng ta nên tránh kiểu nói như là một người bạn của một người bạn của bạn tôi … MY FRIEND’S FRIEND’S FRIEND. Thay vì nói MY FATHER’S BROTHERS’ CHILDREN thì nói là MY COUSINS có dễ hiểu hơn không nào.

Khi chúng ta gặp trường hợp hai hay ba người cùng sở hữu một vật thì chúng ta chỉ dùng tên người cuối mà thôi. Thí dụ THE HOUSE OF JOHN AND RICHARD thì chúng ta không cần nói THE JOHN’S AND RICHARD’S HOUSE mà chỉ cần nói THE JOHN AND RICHARD’S HOUSE là đủ.

TRÚC GIANG

Thưa chú, trước khi vào học lớp của chú, cháu thấy chú cũng đã dậy một bài về tục ngữ. Nhưng trong tiếng Anh chắc còn nhiều tục ngữ lắm ngoài những câu chú đã giảng. Hôm nay chú nói thêm về một số câu khác được không?

BBT

Trúc Giang vào lớp tiếng Anh này hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Tục ngữ tiếng Anh nói muộn còn hơn không là gì nào?

TRÚC GIANG

Là BETTER BE LATE THAN NEVER phải không chú?

BBT

Đúng lắm. Cũng có khi người ta nói BETTER LATE THAN NEVER. QA dịch thử câu này sang tiếng Anh coi: không có lửa không có khói.

QA

THERE IS NO FIRE, THERE IS NO SMOKE.

BBT

Gần đúng. Người Mỹ và người Anh nói gọn hơn để thành THERE IS NO SMOKE WITHOUT FIRE. Trúc Giang có con còn nhỏ. Vợ chồng cháu chắc cũng biết câu dậy con từ thuở còn thơ chứ? Tiếng Anh nói là STRIKE HARD WHEN THE IRON IS HOT. TO STRIKE là đập bằng búa. Khi thanh sắt vừa lấy ra khỏi lò còn nóng, dùng búa đập ngay thì làm con dao hay cái kéo chẳng hạn cái gì cũng dễ, nhưng để đến khi thanh sắt đã nguội thì rèn khó lắm.

QA

Thưa anh, trong khi làm chương trình radio, thỉnh thoảng QA dùng một số nhạc của ban THE ROLLING STONES. QA nhớ có một câu tục ngữ tiếng Anh liên quan đến ROLLING STONES mà không sao nhớ hết được câu tục ngữ đó chắc anh biết câu tục ngữ ấy.

BBT

Tôi chắc đó là câu A ROLING STONE CAN GATHER NO MOSS. Câu này là câu ông bố tôi hay dùng để mắng tôi hồi tôi còn bé, nhưng bằng tiếng Pháp: PIERRE QUI ROULE N’AMASSE PAS MOUSSE. Tảng đá cứ lăn hết chỗ này sang chỗ kia thì rêu không thể nào bám vào được, làm việc không chuyên chú, không hết lòng, không kiên trì thì không thể thành công được.

TRÚC GIANG

Cháu có người bạn ăn nói thì dữ dằn lắm nhưng thực ra thì lại hiền khô. Cháu nghĩ tục ngữ tiếng Anh chắc chắn phải có một câu để nói về trường hợp này. Chú tìm hộ cháu được không?

BBT

Có thể là hai câu chứ không chỉ là một. Câu thứ nhất là HIS BARK IS WORSE THAN HIS BITE nghĩa là tiếng sủa của nó kinh khủng, dễ sợ hơn là hàm răng của nó, tức là con chó ấy sủa thì nghe ghê lắm nhưng nó cắn thì không đau bao nhiêu. Câu thứ hai là BARKING DOGS SELDOM BITE cũng như chúng ta hay nói chó cắn không kêu, chó kêu không cắn. Con chó lừ lừ chạy tới thì coi chừng nó cắn. Con chó sủa ầm ỹ thì có khi lại không tấn công.

QA

Con trai QA một bữa không biết làm thế nào mà tự tay gắn được cái máy video vào ghế sau của chiếc xe để có thể đậu xe, ngồi vào ghế sau xe để xem video. QA phục lắm, nó nhún vai nói cái gì có chữ MOTHER mà QA nghe không kịp. QA hỏi chú em thì chú ấy giải nghĩa bằng tiếng Việt đại khái nhu cầu là mẹ đẻ ra sáng kiến. Câu ấy, nguyên tiếng Anh, mà con trai QA nói, là câu gì thưa anh?

BBT

Chắc đó là câu NECESSITY IS THE MOTHER OF INVENTION. Tục ngữ tiếng Anh còn có một câu gần giống như thế. Đó là câu WHERE THERE IS A WILL, THERE IS A WAY. Câu này nghĩa là nếu có ý chí muốn làm một điều gì thì cũng sẽ có cách để làm được việc đó hay chuyện đó. Cũng giống như câu HỮU CHÍ CÁNH THÀNH nghĩa là có chí thì rốt cuộc cũng làm nên việc.

TRÚC GIANG

Thưa chú, cháu thấy hình như câu tục ngữ A FRIEND IN NEED IS A FRIEND INDEED có thể hiểu theo ít nhất là 2 cách khác nhau có phải không chú?

BBT

Thực ra, câu này có thể hiểu theo ba cách khác nhau.

Cách hiểu thứ nhất và thông thường nhất là người bạn đích thực của chúng ta là người giúp chúng ta khi chúng ta cần được giúp đỡ. Cách hiểu thứ hai là khi người bạn cần đến chúng ta thì người đó là người bạn tốt của chúng ta, vì có thân, có thực sự tốt với nhau thì mới tìm đến nhau để xin giúp đỡ. Cách hiểu thứ ba là người bạn không mấy dư giả, túng thiếu thì không phải là người bạn tốt của chúng ta.

Có một nhóm chữ để chỉ loại bạn này: A FAIRWEATHER FRIEND… là loại bạn khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai. Thời tiết tốt, thuận buồm, suôi gió thì bạn xuất hiện đầy ra ở chung quanh. Gió bão nổi lên là trốn hết.

Nhưng khi có quá nhiều bạn, quá nhiều người đưa ra quá nhiều ý kiến lại là chuyện không tốt. TOO MANY COOKS SPOIL THE BROTH. Cũng như khi chúng ta nói lắm thầy thối ma vậy. Có quá nhiều đầu bếp thì nồi canh sẽ hư luôn. Tuy thế một việc khó mà có được nhiều người giúp thì cũng dễ thành công hơn như câu MANY HANDS MAKE LIGHT WORK.

QA

Nói chuyện hồi bé bị mắng thì QA có ông anh hơi làm biếng một chút làm QA cũng phải nghe lây luôn câu: Giầu đâu những kẻ ngủ trưa. Thưa anh, người Mỹ có mắng con như vậy không?

BBT

Có chứ. Đó là câu THE EARLY BIRD GETS THE WORM, nghĩa là con chim dậy sớm đi kiếm mồi thì dễ dàng kiếm được mấy con sâu để ăn breakfast.

Benjamin Franklin , một trong những quốc phụ của nước Mỹ thì nói thế này: EARLY TO BED AND EARLY TO RISE WILL MAKE A MAN HEALTHY, WEALTHY AND WISE nghĩa là ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta khỏe mạnh, giầu có và khôn ngoan.

Thế hai cô có bao giờ bị rơi vào trường hợp mình cười người khác trong khi chính mình cũng có những điều đáng cười đó chưa? Tôi bị mấy lần rồi nên nhớ mãi câu tục ngữ này: PEOPLE WHO LIVE IN GLASS HOUSES SHOULD NOT THROW STONES nghĩa là người sống trong một căn nhà xây bằng kính thì không nên cầm đá chọi lung tung, vì thế nào cũng vỡ kính trong ngay căn nhà của chính mình. Câu này cũng giống câu chân mình thì lấm bê bê lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Ném đá bậy bạ thế nào cũng có ngày bị văng trúng miểng.

TRÚC GIANG

Chú vừa nói chuyện dậy con làm cháu nhớ tới có những lúc muốn lấy cái roi quất cho mỗi đứa vài roi nhưng lại thôi. Đánh con bây giờ thì không được, mà không roi vọt thì chỉ sợ chúng nó hư. Thế yêu cho roi cho vọt thì người Mỹ nói thế nào thưa chú?

BBT

Người Mỹ có câu SPARE THE ROD AND SPOIL THE CHILD nghĩa là không dùng cái roi thì làm hư đứa trẻ. Yêu chúng nhưng cũng phải áp dụng kỷ luật với chúng.

QA

Thưa anh, lại sắp đến mùa quà cáp Giáng Sinh làm QA nhớ lại chuyện con trai QA hồi đã lâu khi mới mười mấy tuổi được cậu nó cho quà, nó cứ hỏi món quà giá bao nhiêu. QA muốn khuyên nó bằng một câu tục ngữ mà không biet nói thế nào.

BBT

Chuyện ấy cũng giống như có người đem cho người kia con ngựa. Được quà thì cứ vui , cứ cám ơn người cho quà đi đã. Người nhận quà không nên vạch miệng con ngựa người ta mới cho xem nó có mấy cái răng để đoán tuổi nó, để xem nó còn răng hay rụng hết răng vì đã quá già rồi. Vậy thì DON’T LOOK A GIFT HORSE IN THE MOUTH đúng không?

Nói chuyện con ngựa làm tôi nhớ đến cái xe của tôi. Tôi vừa phải sửa nó tốn một số tiền khá lớn, chỉ vì thấy nó trục trặc nhỏ, tôi không để ý, cứ chạy tiếp, mấy tuần sau, nó đổ bệnh lớn. Nếu biết đem đi sửa ngay thì đã không thành to chuyện. Đúng là A STITCH IN TIME, SAVES NINE, thấy cái quần sứt chỉ, không chịu vá ngay, để nó rách thêm nên phải đem sửa, phải khâu tới 9 mũi thay vì chỉ phải khâu một mũi khi nó mới bị rách một miếng nhỏ.

QA

Thưa quí vị, vừa rồi đúng là cách giải nghĩa của một người không biết may vá gì. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.