Ngày 26 tháng 9 năm 2011
Bạn ta,
Hồi thập niên 1960, khi chiến tranh ở Việt Nam đi đến giai đoạn khốc liệt nhất, phe phản chiến ở Hoa kỳ cũng như ở một số nước khác đã đồng loạt đưa ra một slogan hô hào Make Love , Not War, kêu gọi buông súng làm tình, để chấm dứt chiến tranh.
Khởi đầu, slogan này được phổ biến rộng rãi trong một cuộc biểu tình gọi là Mother’s Day Peace March năm 1965.
Hàng ngàn truyền đơn với hàng chữ Make Love, Not War được phân phát cho những người đi biểu tình cũng như những người đứng bên đường nơi đoàn biểu tình đi qua ở Chicago.
Gershon Legman nhận là người nghĩ ra cái slogan này.
Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục. Lời hô hào chống chiến tranh Make Love, Not War sau đó đã đi sang những con đường khác, luôn cả con đường giải phóng tình dục và những mục tiêu tranh đấu khác.
Tưởng là cái slogan này đã chết đi vì nó cũng chẳng đem lại kết quả hay ảnh hưởng bao nhiêu và chiến tranh vẫn nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng mới đây, nó được phủi bụi lôi ra dùng lại. Có điều lần này, nó rất hữu hiệu.
Ở Mindanao, một hòn đảo thuộc Philippines, nơi một cuộc chiến giữa quân chính phủ và quân của các nhóm Hồi giáo đòi ly khai đã diễn ra từ cả hơn một chục năm nay, làm thiệt mạng hàng ngàn người. Một số bộ lạc trong vùng cũng quay ra chiến tranh với nhau vì những tranh chấp đất đai, những xích mích nhiều khi cũng chẳng nghiêm trọng gì, như ở tỉnh Dado thuộc trung bộ Mindanao. Hai phe kình chống nhau giết nhau không thương tiếc từ mấy năm nay.
Nhưng mới đây, theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì tiếng súng ở Dado đã giảm bớt đi đáng kể. Đường xá mở lại, các sinh họat mua bán trong các làng hồi sinh trở lại, hai bên bắt đầu buôn bán, giao thiệp với nhau. Từ tháng 7 tới nay, hòa bình gần như đã trở lại với khu vực này.
Nguyên do đưa tới hòa bình cho vùng Dado là các phụ nữ ở đây quyết định đồng lòng nói thẳng với các ông chồng, với những người đàn ông trong làng, ở cả hai phía rằng còn cầm súng bắn nhau thì dứt khoát là không có chuyện "ấy".
Nói rõ hơn là các nàng khuyên sớm khuyên trưa, nếu chưa ngưng chiến thì chưa … vào mùng.
Và các nàng làm thật, nhất định bế quan tỏa cảng. Nội bất xuất (?), ngoại bất nhập (?), không có biệt lệ gì hết. Năn nỉ cũng không cho. Hứa một lần thôi, mai ngưng chiến thật cũng không được. Đạn tháo ra, súng cất đi, đi đúng lộ trình hòa bình mới được. Hứa là phải làm cho đúng. Vi phạm là ra chuồng heo mà nằm, đừng có mà héo lánh đến gần cái giường làm ở … Vientianne (?) này của bà.
Thế là các chiến sĩ anh dũng răm rắp buông súng ôm nhau, hòa bình tút suỵt.
Cần quái gì đến lực lượng mũ xanh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Sao không đem trò này tới Darfour, Somalia … vừa trước mua vui, sau đem lại hòa bình cho đám nhân loại khốn khổ ở đó từ mấy chục năm nay chưa có được một ngày hòa bình?
Cũng may là các phụ nữ ở Mindanao rất sòng phẳng, không bán chịu, không cho vay nợ bao giờ. Điều kiện đặt ra, phía bên kia phải tuân theo triệt để, không nhân nhượng, không miễn trừ, không đặc ân gì hết.
Thương anh, em để trong lòng,
Điều kiện phải giữ, vô phòng mới cho
Ngày 27 tháng 9 năm 2011
Bạn ta,
Thường thì tôi chỉ mua những tấm thiệp không có in sẵn những lời chúc ở trong để gửi đi trong những dịp cần thiết như sinh nhật hay ra trường của mấy đứa con hay mấy đứa cháu.
Những tấm thiệp với những câu chúc tiền chế do các cây viết nhà nghề được các hãng sản xuất thiệp thuê viết sẵn cho thấy, theo tôi nghĩ, vừa thiếu sáng tạo từ phía người gửi mà nhiều khi lại còn không thích hợp cho người nhận. Ít nhất cũng phải tự nhắc mình như ông Tú:
Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài … câu viết lấy. Chứ ai đời, là người cũng như ông Tú, từng đỗ tới hai cái tú tài gần nửa thế kỷ trước, lại không viết nổi vài ba câu chúc để viết vào tấm thiệp, đến nỗi phải nhờ người khác viết hộ.
Tôi nhớ chuyện của một người chép lại bức thư mẫu trong cuốn sách dậy viết thư rồi gửi cho người phụ nữ chàng muốn tỏ tình vì không biết viết sao cho hay, cho mùi mẫn. Thư gửi đi vài ngày sau, chàng được hồi âm của nàng với mấy chữ nguyên văn: Xin đọc thư trả lời ở trang 123 của sách dậy viết thư mà ông cũng có.
Không mua nhưng tôi rất thích vào tiệm sách đọc những tấm thiệp tiền chế ấy. Không nghèo nàn như những tấm thiệp Việt Nam , thiệp của Mỹ được sản xuất cho rất nhiều dịp lễ lạc, kỷ niệm trong năm, không thiếu bất cứ dịp nào. Thiệp để chúc Giáng Sinh, năm mới đã đành, còn thiệp sinh nhật, mừng đám cưới, mừng có con, mừng tốt nghiệp đại học, trung học, mừng li dị, mừng khỏi bệnh, chúc mau lành, chia buồn với tang gia, chia buồn với con chó , con mèo vừa bị thiến vân vân.
Lời viết sẵn của nhiều tấm đọc rất lý thú, duyên dáng và hài hước, cảm động.
Mùa nào thức ấy. Tình hình kinh tế không mấy sáng sủa của nước Mỹ trong mấy năm qua đã khiến hàng triệu người thất nghiệp. Phải nói gì với những người bị "Thank you…bye bye" và chỉ cho cái cửa ra?
Thì hãng sản xuất thiệp lớn nhất ở Hoa kỳ đã nghĩ ra điều đó. Tuần qua, Hallmark vừa tung ra thị trường 8 kiểu thiệp mới mà người ta có thể mua để gửi cho những người vừa phải bắt đầu lết tới các văn phòng xin trợ cấp thất nghiệp. Hallmark cho biết Hallmark không thể làm được gì để cải thiện được tình hình công ăn việc làm của nước Mỹ. Chuyện đó đã có ông Obama lo. Nhưng tạo một nụ cười cho người vừa mới mất việc thì Hallmark hy vọng có thể làm được.
Thí dụ một tấm thiệp viết rằng "Bạn đừng nghĩ vừa bị thất nghiệp. Hãy nghĩ đây là lúc tạm nghỉ để khỏi thấy khuôn mặt hắc ám của mấy anh, chị chủ bất nhân, bạc ác."
Hay một tấm khác có hàng chữ "Rồi đây sẽ có lúc nhìn lại những chuyện vừa xẩy ra cho bạn, bạn sẽ thở ra nhẹ nhõm là vừa thoát được một chuyện khốn nạn nhất trong đời"…
Mà thực ra thì sau khi mất việc, người ta thường, đa số, không phải là tất cả, đều kiếm được những việc khác tốt hơn. Nếu không bị "Thank you…bye bye" thì hầu hết đều tiếp tục sống với những việc rất buồn nản, không một lối thoát. Phải bị "Thank you…bye bye" mới ra khỏi được cái công việc không lối thoát đó.
Dans le mal sortira du bien, như ông bố tôi vẫn nói, mượn một câu ngạn ngữ của người Pháp: trong cái xấu thế nào cũng có cái tốt đẹp hiện ra.
Và như một câu khác của Henri Estienne: Dieu mesure le froid à la brebis tondue… Thượng Đế không nỡ thổi giá buốt vào những con cừu vừa bị cạo lông. Người lúc nào cũng nhẹ tay với chúng, thấy chúng vừa bị gọt lông đúng vào lúc mùa đông ập đến, Thượng Đế cũng thương hại chúng, làm cho gió bớt lạnh đi.
Chỉ cần hai câu đó là cũng thấy được an ủi phần nào. Việc gì phải đi mua mấy tấm thiệp để làm giầu cho Hallmark và phí phạm thêm bột giấy khiến vài ba cái cây bị chặt xuống gây thêm tác hại cho môi sinh?
Ngày 28 tháng 9 năm 2011
Bạn ta,
Tiểu sử chính thức của Nguyễn Tấn Dũng ghi rõ chàng có bằng cử nhân Luật. Nhưng đọc kỹ những tiểu sử khác của chàng, người ta không thấy nói chàng học ở đâu mà lại có bằng cấp đại học. Chàng tham gia cách mạng, trong bưng biền chàng làm y tá, làm lâu, chàng được cho lên chức bác sĩ, lại còn cầm dao giải phẫu nữa mới ghê. Nhưng còn luật thì chàng học ở đâu mà lại có bằng cử nhân?
Trong Wikipedia, người ta thấy ghi chàng tốt nghiệp cử nhân luật tại đại học trong rừng sau khi chiến tranh chấm dứt. (He graduated with a bachelor’s degree in law in the forest university following the end of the war.)
À ra thế. Như vậy, chàng có bằng luật rừng.
Nhưng hết chiến tranh thì tại sao tiếp tục ở lại trong rừng để học đại học? Rừng đó ở đâu mà nay không thấy nói tới nữa? Chiến tranh kết thúc, đất nước cũng thống nhất thành một thì về cha nó thành phố mà học chứ ở rừng học với đười ươi hay sao? Chê đại học Luật Sài Gòn, đại học Huế và các đại học miền Nam khác thì sao không về Hà Nội mà học?
Như vậy là nói phét. Làm chó gì có bằng cử nhân Luật.
Thế là thừa thắng xông lên, các giống sâu bọ khác cũng nhao nhao lên khoe có bằng đại học.
Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo…
Y tá trong rừng về thành khoe là có bằng cử nhân nên sâu bọ liền khoe nhắng lên là có bằng đại học hết. Không thèm đại học rừng nữa, phải có bằng đại học Mỹ mới hung.
Có những thứ cả đời chưa vác xác ra khỏi Việt Nam một lần, một chữ tiếng Anh không biết, chỉ sau vài tháng đã có ngay bằng MBA do một đại học Mỹ cấp.
Làm thủ tướng rồi ai mà còn dám hỏi bằng của chàng nữa. Các đàn em cũng vậy. Chức vụ cần tốt nghiệp trung học là có bằng tốt nghiệp ngay. Muốn có bằng cử nhân, tiến sĩ gì cũng có. Các lái buôn bằng cấp giả kiếm được rất nhiều tiền qua những trò mua bán bằng như thế. Có người không biết bằng cấp thế nào ở bên Mỹ cũng về Việt Nam đứng ra phát bằng cao học cho mấy cậu mua bằng ở Việt Nam.
Một địa chỉ ở Sài Gòn quảng cáo nhận làm các thứ bằng cao học, đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3, học bạ … các chứng chỉ nghề, Anh văn, vi tính … giá rẻ, uy tín, làm nhanh trong ngày, giống thật 100% có bảng điểm, học bạ của trường… có cả dấu nổi … điện thoại 0973-255-092.
Với những thứ bằng như thế, đem nộp là được nhận vào đủ các chức vụ cao cũng có, thấp cũng có nên đất nước mới ra nông nỗi này. Ngay cả các chức vụ cần kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng đã bị phanh phui trên báo là nhờ bằng cấp giả mà có. Nhưng tới nay, những "quan chức" đó vẫn tiếp tục ngồi ở các chức vụ có được nhờ bằng cấp giả mà không ai dám đụng vào.
Tuy vậy, nói đi phải nói lại mới công bằng. Ở Mỹ này cũng thiếu gì bằng cấp giả. Nhiều khi chẳng phải mua ở đâu, cứ nhận phứa là tiến sĩ, bác sĩ là xong. Thế là tiến sĩ mở văn phòng di trú, bác sĩ bán thuốc của Tầu chế tầm bậy tầm bạ lia chia, lại còn giảng về các thứ bệnh, khoe mỗi năm đi Á châu nghiên cứu, chế thêm các thuốc mới, không bao giờ nhận là chỉ bán thuốc cho mấy anh Tầu Hoa lục. Chỉ cần nghe vài ba chữ tiếng Anh là thấy ngay có đi học hay không.
Đến khổ.
Tôi bỗng nhớ một người bạn khi nghe một ông nọ bỗng nhiên một bữa khoe có bằng Ph.D. liền chép miệng chửi thề Ph.D. cái con mẹ gì… Pizza Hut Deliverer thì có ấy chứ, hay nếu không thì cũng là Phở Deliverer chứ Philosophy Doctor con chó gì.
Tội cho cụ Nguyễn Khuyến, giùi mài kinh sử bao nhiêu năm mới đỗ đạt làm ông nghè, ông tiến sĩ. Trung thu, mấy chú hàng mã đem tiến sĩ làm bằng giấy đem bán làm đồ chơi cho trẻ con, cụ Nguyễn ngao ngán:
Rõ chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu
Mày râu mặt đó bao nhiêu tuổi
Giấy má nhà bay đáng mấy xu…
Mấy ông tiến sĩ giấy gây ngao ngán cho cụ Nguyễn tuy thế cũng vô hại. Nhưng thứ cử nhân, tiến sĩ giả thời nay ở Việt Nam mới đang thực sự làm cho cái đất nước của cụ càng ngày càng lụn bại sập tiệm vì những thứ bằng cấp giả đó.
Không biết đến bao giờ mới hết những trò khốn nạn và chó má của chúng đây?
Mấy cái bằng cấp da (?) vậy ra lại giá trị hơn là những cái bằng cấp trong nước bây giờ.
Đúng là "một cái bằng cấp da (?) bằng ba cái bằng cấp giấy".
Ngày 29 tháng 9 năm 2011
Bạn ta,
Tôi rất thích câu này của người Mỹ: When someone gives you a lemon, make some lemonade and enjoy it.
Quả chanh nào cũng chua. Tặng nhau quả chanh để ăn chơi cho … bổ là xỏ lá kềnh. Nhưng tại sao phải ăn quả chanh ấy để chua méo mặt, lè lưỡi ra? Tại sao phải nhăn nhó mặt mày cho nó xấu trai, xấu gái đi?
Lỡ có ai mang cho một quả chanh thì tương kế, tựu kế, đem pha lấy ly nước chanh mà uống cho khỏe cái người.
Hôm qua trong chương trình tin tức của ABC, tôi được biết có một dịch vụ đang có nhiều người chiếu cố hết mình, đó là dịch vụ bán lại "đồ tế nhuyễn, của riêng tây" của những người sống sót sau những vụ li dị. Không phải là những căn nhà, những chiếc xe đắt tiền, mà là những quần, những áo, những ví tay, giầy dép, đồng hồ, vòng vàng xuyến bạc, kim cương của cuộc sống trước khi đưa nhau ra toà, đánh nhau bằng những thứ võ khí chiến lược có khả năng sát hại hàng loạt qua những lời xúi bẩy của các ông bà luật sư nhân từ mà kho võ khí của ông Saddam Hussein cũng không thấm tháp gì.
Divorcee Sale. Đọc cái tên là biết ngay là dịch vụ bán đồ (?) của các bà, các phụ nữ. Đồ của các nàng toàn là những thứ rất đẹp, mang tên hiệu của các nhà vẽ kiểu thời trang đắt tiền. Gần như tất cả đều chỉ mặc qua một lần là nhiều. Những đôi giầy gót chưa kịp lấm bụi trần, mới chỉ từ những chiếc xe sang trọng bước xuống là lại đạp lên những tấm thảm dầy lún chân… Tất cả đều được bán với giá khoảng dưới một nửa giá khi mới mua.
Những người chủ của chúng nói là nay đã có những đời sống mới nên không muốn nhìn thấy những thứ chỉ gợi ra những chuyện không vui của đời sống cũ nữa.
Thôi nghe như thế cũng thấy đỡ đau cho những người đàn ông vừa bị các nàng quăng đi. Ít nhất thì cái áo ấy mình mua tặng không bị một đứa khác vuốt ve hay đặt tay lên nữa. Mùi nước hoa mình mua cho nhân ngày sinh nhật không bị những cái mũi thô bỉ khác hít hà…
Bán đi là phải.
Còn gì đau bằng chiếc áo lông đắt tiền mua trong chuyến đi Luân Đôn nàng vừa cởi ra đã được một thằng cha xấu trai đi bên cạnh nhanh tay đỡ lấy? Trông thấy như thế, chạy theo đòi xác nhận chủ quyền thì không được. Mà không làm thì đau thắt ruột lại. Thôi nàng bán đi là phải…
Bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người …. Để rồi lãng quên…
Nhưng còn các chàng thì sao?
Tội gì mà phải lôi các thứ ra bán? Đôi giầy Bostonian không còn mới nhưng đi còn được vài năm nữa. Bán chẳng ai mua mà vứt đi thì phí. Những chiếc ca vát vẫn còn rất hợp với những chiếc sơ mi có cả chục năm nay. Thì thôi, cứ giữ lại dùng tiếp. Có khi lại còn làm cho phía bên kia tức ứa gan ra thì sao? Càng vui chứ sao nữa?
Ừ đấy, chiếc ca vát mua ở New York lại được một chị khác khen lấy khen để là đẹp, là có "gu", chiếc sơ mi cái cổ sao mà đẹp thế…
Chiếc áo bà mua độ nào
Con nào mở tủ mặc vào cho mi…
Thế thì phải giữ lại mà mặc cho phía bên kia điên lên chứ bán đi làm gì, mà bán đi thì chó nó mua à?
Ngày 30 tháng 9 năm 2011
Bạn ta,
Bài Những Con Mắt Trần Gian của Trịnh Công Sơn có mấy câu nghe rồi không làm sao quên nổi:
… những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn…
những con mắt thù hận cho ta đời lạnh căm … những con mắt bạc tình… những con mắt trần gian… những con mắt muộn phiền… những con mắt quầng thâm… những con mắt lo âu…
Tác giả đã gặp đủ những loại mắt trên đời. Sống như vậy là sống đủ. Tôi chưa thấy được tất cả các kiểu mắt như chàng đã thấy, đã kinh nghiệm. Thí dụ những con mắt cho đời lạnh căm thì quả thật là chưa thấy.
Cho mãi tới hôm nay, khi được xem một đoạn video thu tại sân vận động ở Đài Bắc tôi mới thấy đời có thể lạnh căm như thế nào.
Đoạn video của đài ABC cho thấy một người đàn ông cùng với vợ và hai con nhỏ ngồi xem một trận bóng chầy. Người vợ bế một đứa con còn nhỏ, khoảng 1 tuổi. Người chồng ôm con gái khoảng ba tuổi. Đang ngồi xem thì một quả banh bay từ dưới cầu trường vào khán đài. Người đàn ông nhoài người ra để định bắt lấy quả banh nhưng không bắt được. Quả banh rơi xuống hàng ghế trước. Nhưng khi nhoài người ra bắt quả banh thì người đàn ông suýt làm rơi đứa con đang bế trong tay xuống hàng ghế trước. Đứa bé không rơi hẳn xuống, người đàn ông túm được chân con kéo lên. Máy thu hình lúc ấy đang hướng về chỗ cặp vợ chồng ngồi trên khán đài và thu lại được đầy đủ cảnh người chồng bắt hụt quả banh.
Nhưng đó không phải là đoạn đáng xem nhất. Đoạn đáng xem và được chiếu đi chiếu lại mấy lần và đưa lên mạng mà là cảnh người vợ quay sang nhìn người chồng vừa suýt nữa làm rơi con vì mải nhoài người ra bắt quả banh.
Người phụ nữ không nói gì…
…Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói…
Và cái nhìn đó, chính là cái nhìn "cho đời lạnh căm" như trong câu nhạc của Trịnh Công Sơn. Tất cả các bản tin tiếng Anh trong internet đều dùng những chữ kinh khủng hơn để mô tả cái nhìn của người vợ: the death stare, ánh mắt giết người.
Với đôi mắt nhìn như thế thì cần gì phải nói nữa. Nhiều khi chỉ cần im lặng thở dài là cũng đủ chết người rồi. Khi cần nói thì nói, khi không cần nói thì chỉ nhìn thôi. The sound of silence mới là ghê khiếp.
Trận banh chấm dứt. Hai người bế con ra xe về nhà. Vẫn một sự im lặng chát chúa. Người chồng đặt con vào ghế sau. Người vợ lên ngồi phía trước. Người chồng lái xe về nhà. Đoạn đường dài hơn mọi lần. Người chồng tìm cách làm cho không khí bớt ngột ngạt bằng mấy câu hài hước "… thằng Lấng Dzủng ngu góa là ngu… lủ mẻ mấy sếnh sáng ở Bế Gình dzẻ cái lưởi pò mà léo có thằng lào dám lói con kiệc gì, công ang vẫn pắc mấy thằng piểu tình oắn thấy tía luông… dzui kể số gì…"
Người vợ vẫn không nói gì. Không khí lạnh người tuy Đài Bắc chỉ mới chớm thu. Người đàn ông lái xe về đến nhà, đậu xe vào ga ra, bế con vào nhà, đóng cửa cho vợ, ngồi xuống ghế vặn ti vi lên coi phim Tầu (không chuyển âm) thì chiếc remote control bị giằng lấy, bàn tay bấm cái toách, tắt cái ti vi, và lúc đó, đài phát thanh mới ra rả phát thanh.
Chao ôi là … những con mắt thù hận lúc ấy mới cho ta đời lạnh căm.
Chỉ có chết.