Ngày 29 tháng 8 năm 2011
Bạn ta
Báo chí nhà nước cho biết hải quân Việt Nam vừa tiếp nhận hai chiến hạm tối tân do Nga sản xuất. Hai chiếc tầu này chẳng phải là quà tặng gì của Nga, mà là do tiền trấn lột người dân Việt đóng thuế mua về.
Không dính dáng gì tới cái nước Việt Nam Cộng Sản khốn nạn này nữa nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn dửng dưng trước những gì xẩy ra trong nước.
Thì thôi, những chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK mới mua của Nga không bao giờ có thể được dùng để bắn hạ những chiếc F-5, A-37, AD-6 … của Việt Nam Cộng Hòa nữa. Thây kệ chúng có bay hay, nhào lộn giỏi, võ trang phi đạn AA-2 Atoll không đối không tầm nhiệt tối tân nhất thì cũng là chuyện của Hà Nội.
Luôn cả hai chiến hạm mới mua mang về nước cũng thế. Chúng có được dùng để bảo vệ những người ngư dân khốn khổ đánh cá trong hải phận của Việt Nam nay bị bắt, mai tầu bị húc gây hư hại nặng, mốt bị bọn tầu lạ giữ đòi tiền chuộc một cách ngang ngược hay không thì hoàn toàn chưa thấy.
Nhưng xem những bức hình chụp hai chiến hạm mới này thì người ta phải thấy chúng có tối tân thật. Chẳng bù cho những chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa, toàn là những chiếc tầu đến kỳ phế thải của tuần duyên Hoa kỳ viện trợ với tuổi đời còn hơn cả tuổi của các thủy thủ của chúng ta phục vụ trên tầu.
Kỹ thuật đóng tầu mới của Nga được dùng để đóng các chiến hạm này nên chúng trông rất khác những chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước đây với pháo tháp lù lù trên boong trước sau, hệ thống radar rườm rà dây nhợ chăng đầy như của các chiến hạm lớn nhất của chúng ta thời ấy.
Hai chiến hạm mới, một chiếc mang tên HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và một chiếc mang tên HQ-012 Lý Thái Tổ.
Cũng may chúng được đặt cho tên của hai vị vua anh hùng nhiều công trạng của lịch sử Việt mà không bị đặt cho mấy cái tên ấm ớ và ngớ ngẩn như Nơ Trang Long hay Anh Núp, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng … để chỉ nghe không thôi đã đủ lộn ruột.
Nhưng qua việc Hà Nội dùng tên của hai ông vua sáng lập ra hai triều đại Đinh và Lý, chỉ cần nghĩ một chút, là chúng ta thấy ngay hậu ý của chuyện đặt tên cho hai chiếc tầu chiến này.
Đinh Tiên Hoàng tức là Đinh Bộ Lĩnh hay Đinh Hoàn là người sáng lập ra nhà Đinh hồi thế kỷ thứ 10 sau khi dẹp được các sứ quân, thống nhất sơn hà thành một cõi, đặt kinh đô là Hoa Lư. Trong mấy năm đầu sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng đã cố không chọc giận nhà Nam Hán mặc dù vẫn xưng hoàng đế để lập ra nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng trị vì không được lâu nhưng đã có công chấm dứt được một thời nhiễu nhương nhất sau giai đoạn cầm quyền của nhà Ngô. Tên của Đinh Tiên Hoàng được đặt cho chiến hạm HQ-011.
Lý Thái Tổ, vị vua mà tên được dùng để đặt cho chiến hạm HQ-012 huý là Lý Công Uẩn, là hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý. Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh tôn lên làm vua sau khi hôn quân Lê Long Đĩnh qua đời. Lý Thái Tổ có công củng cố triều đình trung ương, dẹp được các chống đối và thiên đô từ Hoa Lư về Đại La, sau đổi thành Thăng Long theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Dưới thời Lý Thái Tổ, nhà Tống của Trung quốc bận nhiều việc trong nước nên không có sức dòm ngó nước Nam, Lý Thái Tổ tìm cách cầu hòa với nhà Tống ở miền bắc nhưng lại đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam để mở mang thêm bờ cõi.
Những chi tiết vừa nêu cho thấy một điều, đó là cả hai ông vua sáng lập ra nhà Đinh và nhà Lý đều không có ông nào đánh nhau với nhà Hán và nhà Tống ở Trung quốc. Việc dùng tên của hai vị vua này để đặt cho hai chiến hạm vừa mua của Nga rõ ràng là để đấu dịu với Trung quốc, một trò hèn hạ, khiếp nhược của nhà cầm quyền Hà Nội trước những tham vọng trắng trợn về đất đai và biển của Bắc kinh.
Ở nhiều nước trên thế giới, tên của các chiến hạm thường là tên của các nhân vật có công trạng về hàng hải về hải quân. Mà lịch sử của Việt Nam không hề thiếu những cái tên như thế. Dùng tên của những anh hùng của hải quân Việt Nam để đặt cho các chiến hạm chắc phải lâu lắm mới hết. Sợ số tầu chiến của Việt Nam sẽ không đủ để đặt hết những cái tên này. Nếu đặt hết tên của các danh tướng hải quân trong lịch sử Việt thì cũng vẫn còn thiếu gì những địa danh từng ghi chiến thắng lừng lẫy của hải quân Việt Nam. Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Ngô Quyền, Trần Nhật Duật… rồi Hàm Tử, Chương Dương , Vân Đồn, Vạn Kiếp, Bình Than, Bạch Đằng… kể sao cho hết.
Nhưng bọn khiếp nhược ở Hà Nội sợ phạm húy, sợ động mồ động mả mấy thằng tầu lạ, tầu quen nếu dùng những cái tên từng đánh lại Trung quốc, làm mất lòng bọn chủ mới nên đã né hết những cái tên vừa kể để dùng tên của hai vị hoàng đế không dính máu Tầu trong tay để bọn thái thú không khó chịu mà quay ra bợp tai đá đít bọn nô dịch.
Chắc chắn chủ ý của chúng phải là như vậy.
Người dân Việt Nam chỉ cần nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa cũng đủ bị bắt bỏ bóp, nói chi đến chuyện hải quân nhà nước dùng tên của các anh hùng chống Tầu đặt tên cho các chiến hạm.
Hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà vị sĩ quan anh hùng của hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã chết theo hộ tống hạm HQ-10 Nhật Tảo ở Hoàng Sa, sau đó lại còn bị bọn chó ở Hà Nội nhận chìm, trấn nước thêm nhiều lần nữa cho biến hẳn đi vì sợ nhắc đến việc làm của người sĩ quan hải quân này là làm nổi giận bọn chó đẻ ở Bắc kinh.
Như thế, mua chiến hạm mới về để làm gì, rồi còn đặt tên cho những tầu chiến này vừa đặt vừa run, vừa né để phô bầy thêm thái độ khiếp nhược của cả bọn chó hay sao?
Ngày 30 tháng 8 năm 2011
Bạn ta,
Tôi đọc được một bài báo mới đây viết về một phụ nữ 26 tuổi vừa tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Việt Nam trong những hoàn cảnh rất khắt khe của đời sống.
Những nghịch cảnh mà cô phải vượt qua trong đời sống để vươn lên khỏi cái vũng lầy khủng khiếp của cô, của gia đình cô cho thấy ý chí vượt thoát cảnh nghèo khó đúng như tục ngữ Việt Nam đã nói, Trời không đóng cửa ai và không ai phải khó hết ba đời.
Nguyễn thị Hiên 26 tuổi xuất thân từ một gia đình không thể nào có thể bất hạnh hơn được nữa. Người cha đi bộ đội, tan chiến tranh về làng lập gia đình với một cô gái ở làng bên cạnh. Cả hai vợ chồng đều bị bệnh tâm thần nên không thể lao động đồng áng được. Hai người có 4 con. Hiên là thứ ba. Cô được mẹ cõng trên lưng để đi xin ăn làng này qua làng khác ở Nghệ An cho đến năm 7 tuổi mới đòi đi học. Chuyện đời của cô gái bất hạnh này được kể lại trên báo và làm động lòng một số người ở Mỹ, trong đó có một cụ cao niên không chịu tiết lộ tên tuổi, gửi tiền về giúp đỡ cô.
Cô Hiên nhờ những sự trợ giúp của những người không hề quen biết ở Hoa kỳ nên đã học lên được đại học và sau 6 năm, đã tốt nghiệp y khoa. Trong suốt những năm đi học, cô đã phải phấn đấu để sống với cái nghèo cùng cực bằng cách làm đủ mọi công việc để tự nuôi mình và giúp đỡ cha mẹ bệnh tật. Cụ cao niên hảo tâm ở Mỹ đã giúp cho Hiên rất nhiều, từ tiền học, tiền ăn, đến lệ phí 500 đô la cho một khóa tu nghiệp cụ cũng gửi cho. Cụ cho biết cụ tiết kiệm những đồng tiền già của cụ để gửi giúp Hiên đi học. Cụ còn cho biết Hiên là người rất thương người. Trong cuộc sống khốn khó đó, đã có lần Hiên cho ba mẹ con một người hành khất mù một nửa số tiền mà cô kiếm được sau một chuyến đi kiếm củi hết sức vất vả trong rừng mang về bán. Đó chỉ là một trong nhiều lần Hiên đã quên chính bản thân mình để giúp người khác.
Cụ nói rằng chính cụ đã học được của Hiên rất nhiều thứ, trong đó chắc chắn phải là cái tính thương người của Hiên mặc dù chính cụ cũng là người rất thương yêu người khác, như cụ đã thương yêu Hiên. Chính cụ cũng không khá gì, sau khi trả tiền nhà , cụ để dành được những đồng tiền lẻ để mỗi ba tháng gửi cho Hiên sống và đi học. Cụ cho biết năm ngoái, cụ được ông Obama tăng tiền già nên lại giúp Hiên được nhiều hơn. Cụ chắt bóp từng đồng, không dám chi tiêu gì cho chính mình để giúp cô sinh viên nghèo mà hiếu học đó. Chiếc áo cụ mặc vá chằng vá đụp, chiếc quần cụ moi được trong thùng rác vẫn còn mặc đến bây giờ.
Hiên học đại học nhưng vẫn lo giúp cho cậu em đi học tiếp ở đại học công nghiệp Thái Nguyên nay cũng sắp ra trường.
Đọc bài báo viết về Hiên, tôi mong cha mẹ cô, nay đã trong hạng tuổi 70, sống thêm được nhiều năm nữa để được ăn trái của cái cây mà hai ông bà trồng trong vườn, tuy thiếu phân, thiếu nước mà vẫn rất ngọt ấy. Mong cô Hiên trở thành một y sĩ giỏi và thành công vì cô rất xứng đáng với những thành công ấy.
Và cụ ông dấu tên ở California, tôi mong có dịp mời cụ một bữa, biếu cụ chiếc quần và cái áo khác, hai món quà của cô Hiên mà tôi xin thay mặt gửi cho cụ để tạ ơn cụ.
Xin cụ cho tôi cái vinh dự đó và liên lạc qua tuần báo Hồn Việt.
Ngày 31 tháng 8 năm 2011
Bạn ta,
Một người bạn vừa gửi cho tôi bản sao của một tài liệu gọi là Đố Vui Việt Sử làm bằng thể lục bát với một trăm câu đố về lịch sử và văn học Việt Nam.
Tài liệu ghi tác giả là luật sư Đào Hữu Dương và hai trăm câu trả lời của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
Tập tài liệu này được in lần đầu ở San Diego năm 1985 và được gửi tặng các trường dậy Việt ngữ, rồi lại được Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang ở San Jose, California in lại để làm tài liệu dậy tiếng Việt.
Thực ra, tập tài liệu này mà một số người gọi là một tập thơ thì không đúng lắm.
Gọi là tập thơ thì phải có nhiều bài, chỉ một trăm câu hỏi viết bằng lục bát và hai trăm câu trả lời thì chưa thể gọi là một tập thơ được.
Tài liệu này được đặt tên là Đố Vui Việt Sử nhưng đọc những câu hỏi và những câu trả lời thì người ta thấy không hẳn một số câu liên quan đến lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam.
Thí dụ trong câu hỏi số 94 (Phòng khuya vọng tiếng thuyền chài tương tư?) thì ông Trương Chi là nhân vật lịch sử Việt Nam từ bao giờ? Ông là nhân vật văn học sử Việt Nam lúc nào?
Giáng Hương và Từ Thức trong câu hỏi số 30 (bỏ quan treo ấn tu tiên thủa nào?) không phải là nhân vật lịch sử Việt Nam mà cũng không phải là nhân vật văn học mà chỉ là hai nhân vật trong một truyện cổ tích thần tiên tưởng tượng.
Khi ra câu đố, người xướng phải cung cấp một số chi tiết thì người giải mới trả lời được. Những chi tiết không thể đưa ra quá nhiều và quá rõ để câu trả lời đã nằm sẵn ngay trong câu hỏi.
Thí dụ câu 86 (Vân Tiên tác giả mù lòa là ai?) thì không ai lại không biết tác giả là Nguyễn Đình Chiểu, người cũng viết Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Câu 88 là một câu khiên cưỡng cho đúng luật gieo vần của lục bát khiến ý nghĩa hoàn tòan không rõ: Đem nghề in sách miệt mài dậy dân.
Nếu chỉ đưa ra những chi tiết chung chung tổng quát thì người trả lời dù có thể có nhiều kiến thức và hiểu biết bao nhiêu chăng nữa vẫn có thể trả lời sai như thường. Câu số 10 ( Nữ lưu sánh với anh hào những ai?) giải đáp có thể là hai bà Trưng, hay bà Triệu, hay Bùi Thị Xuân, hay cô Giang, cô Bắc đều đúng.
Câu 16 (Đông du khởi xướng bôn ba những ngày) có thể là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Hoàng Tăng Bí, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để…
Có những câu đố không có ý nghĩa gì hết như câu 84 (Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô?) Đồng ý đây là Ngô Sĩ Liên người viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhưng câu hỏi Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô thì khó hiểu quá. Soạn thành họ Ngô là ý nghĩa thế nào?
Hay như câu 89 (Dâng vua cải cách điều trần) thì câu đáp có thể là Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, và luôn cả Phan Thanh Giản sau khi đi sứ về.
Câu 37 (Vua nào sát hại công thần) thì có quá nhiều ông vua trong lịch sử Việt đã làm như thế, làm sao trả lời cho đúng.
Phần câu hỏi, nếu không có cái dấu hỏi ở cuối, thì người bị đố không thể biết đó là câu hỏi. Thí dụ câu 81 (Người Tầu dựng đất Hà Tiên?) hay (Đại Từ nổi tiếng tú tài?) mà những câu như thế thì quá nhiều. Chỉ thỉnh thoảng mới có những câu trong thể hỏi với những đại danh từ "Ai" hay những chữ "nào", " ở đâu"…
Có những câu đọc lên tưởng như hai người là một như các câu 33 và 34 (Tây Sơn có nữ tướng tài? Cần Vương chống Pháp bị đầy xứ xa?) thực ra là hai người, Bùi Thị Xuân và vua Hàm Nghi.
Những sai sót đó sở dĩ có là vì những câu hỏi không được ngắt ra bằng những chữ để hỏi đặt ở đầu câu, khác hẳn những câu sau đây mà tôi sẽ nói ở cuối thư:
Vua nào mặt sắt đen sì?
Vua nào trong buổi hàn vi ở chùa?
Tướng nào bẻ gậy phò vua?
Tướng nào dùng bút đánh lừa Vương Thông?
Ngựa ai phun lửa đầy đồng?
Voi ai nhỏ lệ ở giòng Hóa Giang?
Kiếm ai trả lại rùa vàng?
Súng ai rèn ở Vũ Quang thủa nào?
Còn ai đổi mặc hoàng bào?
Phần giải đáp ghi là của Nguyễn Xuân Vinh có những câu nghe rất lạ, chắc để hiệp vần lục bát: Lý Công, tên Uẩn, xuất đường lên ngôi… Vũ Quang, chống Pháp lập đô… Triệu Trưng kể lại biết bao…Nguyễn Du tạm lánh sơn trung, truyện Kiều thi phẩm, anh hùng nổi danh…Phùng Hưng bẻ gẫy sừng trâu, tôn thờ Bố Cái, sức đâu hơn người… Đoàn thư, Chinh phụ dịch ra, Trần Côn trước tác khúc ca ngậm ngùi…Ngọa Triều tửu sắc liệt mình, uống cho Long Đĩnh tan tành nghiệp ê…
Người đọc phần giải đáp để dậy cho các em học sử Việt sẽ thấy rất khó để giảng cho các em những chữ như xuất đường lên ngôi là gì. Hay Vũ Quang, chống Pháp lập đô có thể hiểu là ông Vũ Quang nào đó xây lên một thủ đô mới. Truyện Kiều và tác giả của nó không bao giờ là anh hùng nổi danh. Phùng Hưng chính là Bố Cái Đại Vương thì tại sao lại nói Phùng Hưng bẻ gẫy sừng trâu, tôn thờ Bố Cái, sức đâu hơn người. Thế còn Đoàn thư là ai? Tại sao không viết rõ là Đoàn thị Điểm và Trần Côn có thể làm người đọc hiểu làm tên ông này là Trần Côn thay vì Đặng Trần Côn. Rồi "nghiệp ê" là nghiệp gì của Lê Ngọa Triều?
Thỉnh thoảng, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người giải câu đố lại thêm những thiên thu và ngàn thu vào khiến cho câu giảng trở thành … kỳ lạ như Danh Trần Quang Khải ngàn thu… Đời Lê bình trị thiên thu…. Ông Lương Ngọc Quyến thiên thu tuyệt mình…Ngàn năm dân Việt tôn vinh phụng thờ…
Có điều bạn tôi, người gửi cho tôi tập tài liệu này không biết rằng phần câu đố nói là của luật sư Đào Hữu Dương đã lấy nguyên văn từng chữ 9 câu lục bát đầu trong bài đố lịch sử Việt mà ông bố tôi đã viết từ cuối những năm 1950, những năm 60 và 70 ở Sài Gòn khi ông làm tờ tuần báo thiếu nhi Tuổi Xanh với các bạn của ông là cụ giáo Hà Mai Anh, họa sĩ Tú Duyên và sau đó được in trong những sách giáo khoa tiểu học do ông viết. Ra hải ngoại, ông bố tôi cho in những câu đố này trong quyển Giữ Gìn Tiếng Việt do nhà xuất bản Quê Hương ấn hành tại Toronto, Canada năm 1982, trước khi hai ông Đào Hữu Dương in những câu đố của ông tại San Diego năm 1985.
Ông bố tôi viết tất cả 38 câu đố về các nhân vật lịch sử thành 88 câu lục bát về các nhân vật lịch sư mà tôi sẽ chuyển cho bạn vào tuần tới. Ngoài ra, ông cũng viết những câu đố địa lý gồm những câu về núi non, sông ngòi Việt Nam.
Ông Đào Hữu Dương đã chép nguyên văn 9 câu đầu của ông bố tôi và mô phỏng bài lục bát đố lịch sử của bố tôi, cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo để viết thành những đoạn đầy sơ sót sau đó.
Việc phổ biến những kiến thức lịch sử cho con em chúng ta ở hải ngoại và ở trong nước trước đây là một việc đáng khuyến khích. Ai làm cũng được, cũng hay, cũng hữu ích.
Nhưng nên nhớ ghi tên của người viết cho công bằng và lương thiện.
Đừng bao giờ đề tên của mình vào công trình của người khác.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 112)
TSK
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 112 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Đây là thắc mắc của QA xin hỏi ông thầy ngay không thì quên mất. Thưa anh, QA gặp phải những chữ này, QA nghi nó là những chữ viết tắt của những tiếng khác nhưng không biết là những tiếng nào mà ý nghĩa ra làm sao. QA đọc thấy nó trong một truyện ngắn, khi không nhân vật trong truyện bật ra nó. Nó là ba chữ T-S-K.
BBT
Cám ơn cô. TSK là tiếng chặc lưỡi, hay chắc lưỡi, hay tặc lưỡi hay tắc lưỡi cũng thế. Tiếng Việt có thể dịch nó là " chậc…chậc". Người Việt chúng ta chặc lưỡi, hay tặc lưỡi để bầy tỏ nhiều điều khác nhau. Có thể là thán phục. Có thể là để diễn tả sự sốt ruột, khó chịu, có thể là để cho thấy sự bực bội. Nhưng trong tiếng Anh, "tsk…tsk…tsk" thường được dùng để nói lên sự khinh bỉ, mất kiên nhẫn, sự bất tán đồng, phản đối, không chấp nhận một điều gì đó. Thường khi dùng nó, bao giờ người ta cũng nhắc lại 3 lần , không bao giờ chỉ một tiếng "chậc" như trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt, nó lại còn là tiếng gọi chó nữa. Đã nói thì phải nói cho hết: có một bệnh tiếng lóng của Việt ngữ gọi nó là bệnh "một tiếng kêu cha, ba tiếng kêu chó". Nó là bệnh lậu. Bệnh lậu có tên gọi như thế vì nó cho người bệnh đi tiểu rất rát và đau nên người ta suýt soa kêu "cha….chậc, chậc, chậc"…
LÃM THÚY
Kể cũng hay thật, hai dân tộc có bao giờ gặp nhau trước đâu mà lại có cách diễn tả giống hệt nhau như vậy. TSK và chậc chậc như thế, đều được dùng để diễn tả sự bực bội, phản đối, bất bình.
BBT
Không hẳn như vậy đâu cô Thúy. Không phải lúc nào các dân tộc cũng giống nhau như vậy. Người Anh và người Mỹ chẳng hạn. Người Mỹ dùng "tsk…tsk…tsk" trong khi người Anh nói "tut…tut…" mà chỉ nói hai lần thôi, không là ba lần như người Mỹ "tsk…tsk…tsk". Hai chữ tut tut người Anh dùng cũng để diễn tả sự bực bội, bất đồng ý kiến, không bằng lòng.
QA
QA thấy cách nói của người Mỹ nghe giống con thạch sùng kêu hơn.
BBT
Thực ra, con thạch sùng kêu, với tai của người Mỹ, nghe như "gek-ko" và vì thế chúng có tên là gecko. Thực ra họ gecko thì nhiều lắm, gồm cả tắc kè, kỳ nhông, cắc ké… trong đó có ông Thạch Sùng thỉnh thoảng lại tắc lưỡi tiếc của như trong truyện cổ của Việt Nam.
LÃM THÚY
Lũ con Thúy hay dùng mấy chữ này, Thúy hiểu là chúng nó đồng ý với nhau về một chuyện gì đó, nhưng không biết viết như thế nào, lúc nghe như à há trong tiếng Việt vậy.
BBT
Chắc cô muốn nói hai chữ "UH HUH" chứ gì? Trong trường hợp này, tiếng Anh lại rất giống tiếng Việt. Trong tiếng Việt, chúng ta nói " Ông ấy chỉ ừ hữ cho xong chuyện". Trong tiếng Anh "Uh huh" cũng tương tự như ừ hữ tiếng Việt. Đồng ý thì có đấy, nhưng không hết lòng bao nhiêu, không nghiêm túc như khi nói rõ "yes".
QA
Thưa anh, QA lại nghe lũ con, khi nói như thế, lại là lúc chúng bất đồng với nhau là tại sao vậy?
BBT
Cô nêu một thắc mắc rất hay. Những tiếng cô Thúy nghe thấy qua các con và những tiếng cô QA nghe thấy không giống nhau chút nào cả.
Một đằng là UH HUH là ừ hữ, là đồng ý. Một đằng hai tiếng QA nghe thấy là UH UH! là không đồng ý.
LÃM THÚY
Làm thế nào phân biệt được? Thầy nói thử coi.
BBT
Một đằng nghe như À HÁ là đồng ý. Một đằng nghe như Á A, là bất đồng ý.
QA
Vậy thì QA cứ YES và NO cho chắc ăn.
BBT
Cô vẫn có thể À HÁ và Á A nếu chịu khó đi kèm À HÁ với một cái gật đầu và Á A với một cái lắc đầu.
Bây giờ chuyển sang một tiếng khác. Khi đưa một ngón tay trỏ lên môi, hành động đó có nghĩa gì cô Thúy?
LÃM THÚY
Là im lặng, đừng nói… Nhưng có cần phải đi kèm một tiếng "suỵt" không thưa anh? Thế người Mỹ có nói "suỵt" giống chúng ta không?
BBT
Người ta nói "HUSH!". Nhưng chữ này cũng đáng nói thêm ở đây. HUSH có thể là một động tự, TO HUSH có nghĩa là làm cho im lặng thí dụ như khi nói TO HUSH THE NOISE FROM THE STREET là ngăn tiếng động từ ngoài phố vọng vào. TO HUSH cũng có nghĩa là ngăn không cho người khác biết một bí mật hay một chuyện nào đó. Từ đó mới có chữ HUSH-HUSH MONEY là tiền trả để chuyện được giữ bí mật, tiền hối lộ. Hai cô biết HUSH-HUSH ORGANIZATION là gì không nào?
QA
Cơ quan CIA, cơ quan tình báo trung ương của Mỹ có phải là một HUSH-HUSH ORGANIZATION không thưa anh? CIA của Mỹ, KGB của Nga, MI6 của Anh thì lúc nào cũng kín đáo bí mật nên đều là những HUSH-HUSH ORGANIZATIONS phải không anh?
BBT
Đúng là thế. Chữ HUSH cũng được dùng trong những bài hát ru, tiếng Anh gọi là LULLABY. Thí dụ một bài hát ru tôi nghe được có mấy câu như thế này:
HUSH , LITTLE BABY , DON’T SAY A WORD
PAPA’S GONNA BUY YOU A MOCKINGBIRD… Đây là bài ru em của Mỹ, không rõ xuất xứ ở đâu, trong đó, đứa bé được hứa sẽ được bố cho đủ các thứ quà, từ con chim sáo đến cái nhẫn kim cương, cái gương soi, con dê, cái xe kéo với con bò, con chó, con ngựa… nhưng nếu không được bố cho những thứ đó thì bé vẫn là đứa bé ngoan và xinh đẹp nhất trong thành phố… nghe cũng giống như mấy câu này của ca dao Việt Nam cái ngủ mày ngủ cho mau, mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về, bắt được con trắm con trê, cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn…
Như thế, HUSH cũng như tiếng ru À ƠI trong các bài ru tiếng Việt vậy.
LÃM THÚY
Thầy cho Thúy hỏi thêm câu này nữa. Người Bắc nói HẮT XÌ, chị QA nói ÁCH XÌ thế người Mỹ nói và viết thế nào?
BBT
Người Mỹ và người Anh nói ACHOO để bắt chước tiếng hắt xì hay nhẩy mũi, TO SNEEZE. Nhiều người hễ nghe người khác hắt xì thì nói ngay: BLESS YOU hay GOD BLESS. Tại sao vậy? Tại vì hắt xì có thể là dấu hiệu sắp bị cảm. Nhưng cũng có khi chỉ là vì dị ứng, vì phản ứng với phấn hoa. Có một người nghe tiếng gõ cửa, ra đứng sau cánh cửa hỏi vọng ra: WHO’S THAT? Bên ngoài vọng vào, hình như để xưng tên: HATCH. Người bên trong không biết HATCH là ai, Robert Hatch hay Richard Hatch nên hỏi cho kỹ HATCH NÀO VẬY? bằng cách nói lớn lên: HATCH WHO?
Người bên ngoài vọng vào: GOD BLESS.
Nghĩa là sao vậy hai cô?
QA
Nghĩa là ông bên ngoài tưởng ông bên trong ách xì thành tiếng ACHOO nên chúc Trời phò hộ ông, cho khỏi bị cảm cúm lung tung…
LÃM THÚY
Thúy có câu hỏi xin hỏi thầy là căn nhà bên cạnh nhà Thúy treo bảng bán có viết nguyên văn là 3 BED ROOM HOUSE. Thúy nghĩ nhà có 3 phòng ngủ thì phòng ngủ, BED ROOM phải là số nhiều. Tại sao không viết 3 BED ROOMS HOUSE. Ông chủ nhà có vẻ là người có học tại sao lại viết sai như vậy?
BBT
Không sai mà rất đúng là khác. Tại sao vậy? Tại vì BED ROOM là tĩnh tự chứ không còn là danh tự nữa. Mà tĩnh tự ADJECTIVE trong tiếng Anh thì không bao giờ thay đổi số ít thành số nhiều, giống đực, giống cái để hợp với danh tự như trong tiếng Pháp. Bởi thế nên viết 3 BED ROOM là đúng nếu có danh từ HOUSE đi sau.
Nếu không có danh từ HOUSE đi theo thì phải viết là 3 BED ROOMS mới đúng.
QA
Thưa anh, QA luôn luôn nghĩ BED ROOM là danh tự. Tại sao anh lại nói nó là tĩnh tự ở đây?
BBT
Trong Anh ngữ, khi một danh tự được đặt trước một danh tự khác để làm rõ nghĩa danh tự đi sau thì danh tự đi trước được cho làm công việc của một tĩnh tự, đó là bổ nghĩa, làm cho nghĩa rõ thêm, phụ nghĩa cho danh tự đi sau. Nó làm công việc của một tĩnh tự thì nó biến thành tĩnh tự và có tất cả các đặc tính của tĩnh tự.
Thí dụ nói BED thì chúng ta chỉ hiểu nó là cái giường thôi. Nhưng nếu đặt trước nó danh tự HOSPITAL để thành HOSPITAL BED thì chúng ta hiểu ngay đó là giường bệnh viện chứ không phi là giường ở nhà, giường ở khách sạn. Do đó HOSPITAL trở thành tĩnh tự.
QA
Có nhiều trường hợp như Thúy nêu ra hay không?
BBT
Nhiều chứ. Chỉ tại cô không để ý mà thôi. Thí dụ nói 12 năm thì YEAR phải là số nhiều. 12 YEARS. Nhưng khi nói cậu bé 12 tuổi thì 12 YEARS trở thành ADJECTIVE. YEARS không thay đổi để thành số nhiều nữa. Phải nói là A 12 YEAR OLD BOY. Bây giờ hỏi cô Thúy món bò 7 món nên nói tiếng Anh thế nào cho đúng?
LÃM THÚY
A 7 COURSE BEEF.
QA
A 9 COURSE DINNER là bữa tiệc Chu Ân Lai đãi tổng thống Nixon khi qua thăm Bắc kinh phải không anh, nếu QA nhớ không lầm.
BBT
Đúng. Nhân đây, có một câu nói này tôi cũng muốn hai cô biết. Khi thấy một chuyện gì hay một người nào đáng sợ, hay đáng ghê tởm, người ta nói rằng có cầm cái sào dài 10 bộ tôi cũng không muốn đụng tới nó. I WOULD NOT TOUCH IT WITH A 10 FOOT POLE. Tại sao lại nói như thế? Vì xưa kia, những người chèo thuyền thường dùng những cây sào dài 10 feet nên từ đó mói có câu nói vừa kể. Hình như cô Thúy đi cái BMW vận hành cả bốn bánh thì phải. Cô biết xe chạy bằng cả bốn bánh tiếng Anh gọi là gì không?
LÃM THÚY
Là 4 WHEEL DRIVE. Còn thầy đi cái xe hai chỗ ngồi thì là A 2 DOOR SPORTSCAR, cái xe của thầy cũng là A 2 SEAT CAR.
BBT
Ở Singapore chính phủ áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ được quyền 2 con. Cô QA biết chính sách đó chứ?
QA
Đó là chính sách 2 CHILD POLICY. Có lẽ vì thế, gia đình ở Singapore phải có 2 đầu lương, tức là 2 INCOME FAMILY phải không anh?
BBT
Đúng rồi. Cô Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Ông Obama muốn trở thành tổng thống 2 nhiệm kỳ.
LÃM THÚY
MR. OBAMA WANTS TO BE A 2 TERM PRESIDENT.
BBT
Có một bản tin của đài X. tôi nghe được đã lâu nói là một người Ấn độ bắt được một con mãng xà 12 chân. Cô QA có thể tưởng tượng ra con rắn này như thế nào không?
QA
QA chắc người viết bản tin dịch từ nguyên văn tiếng Anh A 12 FOOT COBRA chăng?
BBT
Đúng rồi. Đúng là vẽ rắn thêm chân chỉ vì chữ FOOT có hai ba nghĩa, vừa là chân, vừa là bộ, đơn vị đo lường khoảng 30 cm. Nhưng tại sao bản tin viết 12 FOOT mà không viết 12 FEET COBRA?
QA
Vì FOOT là ADJECTIVE nên không đổi qua số nhiều cũng như 2 CHILD FAMILY chứ không phải 2 CHILDREN FAMILY.
BBT
Bây giờ đố hai cô A 1 KID WOMAN MAKES ALL MEN OGLE, A 2 KID WOMAN SHOULD BE LED TO A CEMETERY AND BURY là gì?
LÃM THÚY
Là gái một con trông mòn con mắt, gái hai con muốn dắt đi chôn phải không thầy. Bọn này, cả QA lẫn Thúy đều còn tệ hơn cả gái 2 con nữa đó thưa thầy.
BBT
Dắt đi chôn chắc là tới lúc hết chuyện rồi phải không cô QA?
QA
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.