August 25, 2011

August 26, 2011

Ngày 22 tháng 8 năm 2011

Bạn ta

Tôi có đứa cháu con người em vừa trở lại Canada sau một năm làm việc ở Đại Hàn. Nó ký giao kèo với một trường tiểu học ở Hán Thành để dậy Anh ngữ ở đó. Học trò của nó là những đứa bé được cha mẹ cho học chương trình dậy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Chương trình chủ trương dậy ngoại ngữ ngay từ khi học sinh còn rất bé để nói tiếng Anh không có giọng … Đại Hàn như thế hệ, cha ông của chúng. Đó là cách Đại Hàn áp dụng để tiến lên hàng đầu của thế giới.

Qua rồi cái cảnh Đại Hàn nói tiếng Anh mà tôi có dịp nghe trong mấy chuyến đi Hán Thành hồi cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Đại khái …du gô e po tu mó lô… du nô gô, ai nô gô… rồi líu lo kam sai hăm ni đa … hay gì gì đó, tôi nhớ không nổi.

Đã có lúc du khách đến Nhật hay Đại Hàn thì du khách nói du khách nghe, Nhật, Đại Hàn nói, Nhật, Đại Hàn nghe với nhau. Mấy chuyến đi Tokyo và Seoul hồi đó cho tôi kinh nghiệm là chớ bao giờ xuống phố một mình. Bảng hiệu, tên đường viết toàn bằng tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn làm du khách lạc lung tung. Sinh viên đại học Tokyo, đại học Waseda, đại học Dongkuk, Ewha … hầu hết đều chê tiếng Anh, hỏi gì cũng cười cười, lắc đầu. Chú em học ở đại học Tokyo viết luận án cao học công chánh bằng tiếng Anh nhưng vẫn phải học tiếng Nhật để ra phố, lên xe điện, đi chợ… Tiếng Anh hoàn toàn không dùng được ở Shinjuku, ở Nandaemun …

Nhưng mới đây, ở California tôi thấy quảng cáo ít nhất hai trường tiểu học tư của Đại Hàn do các giáo viên Đại Hàn nói tiếng Anh phụ trách. Học sinh vừa học chữ, vừa được dậy lễ phép kiểu Đại Hàn, chào cô giáo thầy giáo gập người lại. Lũ con tôi đã lớn nên tôi không còn thắc mắc về những lớp học như thế nữa.

Những chi tiết tôi vừa kể chỉ để nói là tiếng Anh đang được rất chuộng tại Đại Hàn. Chương trình học của Đại Hàn nay được xuất cảng sang tận nước Mỹ hệt như xe hơi KIA, Hyundai của Đại Hàn đang chạy trên các đường phố Mỹ.

Không thể tự ái dân tộc chỉ nói tiếng Nhật hay tiếng Đại Hàn và quăng tiếng Anh ra cửa được. Từ mười mấy năm trước, trên các máy bay của Continental, American Airlines, United …người ta đã thấy tiếng Đại Hàn in kèm theo với tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha trong các quảng cáo của các hãng máy bay này để giúp các du khách không nói và viết được tiếng Anh…Mà đó là trên các đường bay nội địa ở Hoa kỳ. Làm business là phải như thế mới giữ được khách.

Mấy tuần trước đọc trên một nhật báo ở đây, tôi thấy có một bài viết của gia đình một cụ bà Việt Nam đã quá cố. Người trong gia đình của cụ nhắc lại một câu cụ nói trong lúc sinh tiền, khi còn ở Việt Nam. Theo bài báo đó, một hôm có người ngoại quốc đến đề nghị buôn bán với cụ và nói với cụ bằng tiếng Anh, cụ không chịu nói tiếng Anh và nói với ông khách đại khái rằng "mày đến nước tao thì phải nói tiếng nước tao". Tôi rất thích câu nói của cụ. Đến nước người ta thì phải học nói tiếng nước người ta là đúng rồi. Người Mỹ ít khi làm được việc đó. Họ cứ nghĩ có tiếng Anh rồi thì không cần học thêm tiếng nước khác nữa.

Vì thế bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Mỹ mới khốn đốn vì ở cả hai bộ, chỉ có được vài ba người biết nói tiếng Farsi , tiếng Pashtoon, tiếng Urdu … để dùng khi giao tiếp với các giới chức Iran, Afghanistan hay Pakistan…

Tổng thống Thiệu nói tiếng Anh rất hay nhưng trong những lễ lạc, gặp gỡ ngoại giao, ông nói tiếng Việt để được thông dịch lại. Có lần người dịch không đúng ý, ông đã sửa ngay tại chỗ. Việc ông làm là rất đúng. Quốc thể là ở đó. Quốc thể là dùng tiếng Việt, để cho người khác thông dịch, mặc dù ông thừa sức nói tiếng Anh một cách chính xác.

Nhưng trong những giao tiếp hàng ngày, nói được và sử dụng ngoại ngữ là điều cần thiết. Hồi chiến tranh Việt Nam, ngoài mặt trận, cần không quân hay pháo binh Mỹ yểm trợ mà cứ đòi các phi công hay các xạ thủ Mỹ tới Việt Nam phải nói tiếng Việt thì chắc không được.

Nhật và Đại Hàn, hai quốc gia phát triển hàng đầu của thế giới mà vẫn phải học tiếng Anh mặc dù cả hai đều là nhũng nước có nền văn minh, ngôn ngữ và văn hóa rất đáng để tự kiêu.

Họ vẫn phải nói tiếng Anh. Không thể nói một ngoại ngữ ngu xuẩn như kiểu Lê Đức Anh đọc một bản văn phiên âm từ tiếng Pháp mê đam ê mê xia tại cuộc hội nghị Francophone mấy năm trước ở Hà Nội được.

Đó là dốt.


Ngày 23 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Đúng ngày này năm 1797 ở Montreal đã diễn ra cảnh bán nô lệ cuối cùng. Một người đàn ông Phi châu tên là Emanuel Allen là người Phi châu cuối cùng bị bán ở chợ người Montreal, vì sau đó, việc mua bán nô lệ bị cấm hoàn toàn ở Canada.

Ở Hoa kỳ mấy chục năm sau, chế độ mãi nô cũng bị cấm, đưa tới những tranh chấp nổ thành trận nội chiến Nam Bắc phân tranh dưới thời tổng thống Lincoln.

Người ta còn giữ được tấm quảng cáo rao bán 94 người da đen khỏe mạnh vừa được chở tới bằng tầu, trong đó có 39 người đàn ông, 15 thiếu niên, 24 phụ nữ và 16 thiếu nữ. Tất cả đều bị bắt đưa từ Sierra Leon chở sang Charleston, South Carolina năm 1769.

Những người đến mua thường là các trại chủ ở miền nam. Họ đã tới xem "hàng" như xem những con vật để mua về cho trại của họ. Họ sờ nắn bắp thịt của những người đàn ông, xem răng lợi còn đủ không, coi tuổi tác xem còn làm việc được thêm bao nhiêu năm nữa. Họ xem vú vê, bụng, đít của những người đàn bà coi còn sinh đẻ thêm được nô lệ con nữa hay không vân vân.

Không thể tưởng tượng còn có cảnh nào mất nhân phẩm hơn là cảnh diễn ra ở các nơi bán nô lệ ở Charleston, ở Baltimore, ở Montreal. Những cảnh như thế, cách đây hơn hai thế kỷ, tưởng không thể nào còn trong thế kỷ 21 nữa.

Thế giới bây giờ đã tiến bộ, văn minh hơn thế kỷ 18 rất nhiều. Nếu có còn những vụ buôn bán nô lệ thì cũng chỉ diễn ra một cách bí mật. Không một quốc gia nào còn cho phép chuyện mua bán người công khai như thế nữa. Có chăng ở một vài nước nghèo, cha mẹ phải bán con hay gán con để trả những món nợ vào các xưởng máy như ở Ấn độ, Pakistan…

Nhưng mới đây, một tờ báo ở Trung quốc có đăng hình một phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, dáng còn rất trẻ, kèm theo là một quảng cáo có ghi rõ muốn mua chỉ tốn khoảng 20 ngàn Nhân Dân tệ tức là khoảng 7 ngàn đô la Mỹ. Với số tiền ấy, một phần cho môi giới, cho công ty bán người, một khoản nhỏ trả cho gia đình của người phụ nữ, công ty sẽ cung cấp "hàng" với những bảo đảm là còn trinh; việc giao hàng được thực hiện trong vòng 3 tháng; sẽ không có thêm bất cứ một phí tổn nào khác; và nếu "hàng" bỏ trốn trong vòng 1 năm, công ty sẽ thay một món hàng mới hoàn toàn miễn phí.

Running brides

A Vietnamese woman is pictured on a flier advertising the sale of Vietnamese brides. Photo: IC

Quảng cáo cho thấy phụ nữ Việt Nam bị coi như những món hàng được bảo đảm là chưa "khui", chưa có ai dùng qua, hư hao được bồi thường miễn phí như người ta đi mua hàng ở các cửa tiệm.

Những phụ nữ ấy chắc chắn đã được cha mẹ sinh ra, yêu quí, nâng niu biết là chừng nào. Chạy chơi, té ngã đau cái tay, đau cái chân được bế lên dỗ dành, cuống quít xoa những vết đau, thuốc men khi đau ốm, dậy dỗ từng li từng tí, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nay bị coi như cái bàn, cái ghế, con trâu, con bò bán sang Trung quốc để làm nô lệ ngày đêm, bị bán vào những nhà điếm không khác gì cảnh buôn bán nô lệ cách đây hai thế kỷ.

Thủ đô Bangkok cách đây mấy năm bị ghi trong một cuốn tự điển xuất bản ở Anh là một thành phố nổi tiếng về những ổ điếm. Chính phủ Thái lập tức lên tiếng phản đối, nhà xuất bản cuốn tự điển liền phải xin lỗi và thu hồi những cuốn tự điểm đã tung ra thị trường.

Nhưng người ta không hề thấy nhà cầm quyền Hà Nội tỏ bất cứ một thái độ nào với cái quảng cáo khốn nạn và hỗn xược đó. Bọn chó má cầm quyền ở Hà Nội đã biến thành những con hến hết. Nguyễn Phương Nga, Tôn Nữ Thị Ninh nổi tiếng là lắm mồm (?) bỗng im thin thít. Hay bọn chó đang bận nghĩ cách phản ứng khi có người xuống đường mang những tấm quảng cáo ô nhục đó để tỏ thái độ với bọn buôn người. Lại bắt bỏ bót, đạp vào mặt những người dám động chạm tới bọn chó đẻ ở Trung quốc chăng?


Ngày 24 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Không hẹn mà gần như cùng một lúc, hai tiệm ăn, một ở Pennsylvania và một ở North Crolina , rồi lại mới thêm một tiệm ăn khác ở Pittsburg đã đưa ra quyết định cấm trẻ em dưới 6 tuổi.

Không phải là các tiệm này chiếu những cuốn phim nội dung không thích hợp cho các em, mà là vì các thực khách trẻ tuổi này la thét, chạy nhẩy, nghịch phá trong tiệm mà cha mẹ các em không kỷ luật các em khiến các thực khách khác không thể có được những bữa ăn yên lành tử tế.

Trời đánh còn tránh miếng ăn. Nhưng những ông bà trời con này thì không bao giờ thèm tuân theo qui luật đó. Đi ăn tiệm, người ta không làm sao biết được bữa ăn của mình sẽ như thế nào, có bình yên dưới thế cho người thiện tâm không, hay bữa ăn lại bị phá hỏng vì những cô bé, cậu bé dưới 6 tuổi ấy.

Rất nhiều lần tôi tưởng kiếm được cho mình trong tiệm ăn một cái bàn an toàn, khuất lấp, bên cạnh không có những hung thần để ăn trưa, hay ăn tối. Nhưng rất nhiều lần, các hung thần bỗng thình lình xuất hiện, theo cha mẹ vào ngồi ngay bàn bên cạnh. Và bữa ăn lập tức bị phá hỏng bằng những tiếng la thét, những chiếc đũa được lôi ra khỏi ống đũa để đập lên mặt bàn, những chiếc ghế bị kéo ra, kéo vào cho các cô các cậu leo lên, trèo xuống, không được thì lại la thét tiếp.

Một vài lần tôi đã phải bỏ ngang bữa ăn ra về.

Những chiếc đũa, những chiếc muỗng bị ném xuống đất thì được cha mẹ nhặt lên, bỏ lại vào ống đũa, ống đựng muỗng để khách đến sau hồn nhiên tha hồ thưởng thức. Những hung thần ấy nhiều khi không vì bất cứ một lý do gì cũng có thể hét lên đùng đùng cho vui cả tiệm. Tôi có thể hiểu nếu các hung thần nam nữ ấy bị đau, khó chịu, đói, đòi ăn hay đòi uống… nhưng la khóc chỉ để tạo chú ý của … Liên Hiệp Quốc thì không nên chút nào. Cha mẹ chúng cũng không có bất cứ một nỗ lực nào để dỗ chúng, giúp cho những người khác ngồi trong tiệm khỏi bị chúng làm phiền. Thường thì họ không có phản ứng gì vì đã quá quen với những trò tiêu khiển đó của chúng.

Những người khách khó chịu quay sang ngó chúng thì thường gặp phải những cặp mắt còn ghê rợn hơn những đôi "mắt trừng gửi mộng qua biên giới" như trong thơ Quang Dũng…

Quyết định của mấy tiệm ăn miền đông đã được nhiều người hoan nghênh nhưng cũng bị một số chống đối hô hào tẩy chay. Tuy thế, khuynh hướng chung có thể là sẽ có thêm nhiều tiệm khác áp dụng biện pháp này.

Nhưng chỉ cấm các khách dưới 6 tuổi mà không nói gì đến những trẻ em trên 6 tuổi ngày nào người ta cũng bị các thành phần này tra tấn thì hơi bất công.

Đám trẻ em này oang oang trên điện thoại cầm tay, cướp diễn đàn của các khách trong các nơi tụ họp công cộng trong tiệm ăn, trên xe bus, trong các siêu thị, ở các khu thương xá cứ … "tiếng mình tôi nói" lanh lảnh như lệnh vỡ thuyết trình đầy đủ về những chuyến đi ăn chơi ở Việt Nam, con cái cầm đầu toàn Mỹ ở sở làm, mua nhà này, nhà nọ, vơ kế sần mỗi năm mấy chuyến, hồ sơ bệnh lý bầy ra cho mọi người coi từ tiêu chẩy, tiểu són đến các bệnh kinh hoàng khác cho tiệm nghe chung để vui đời di tản.

Không cấm lũ con nít này thì quả là có bất công đấy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 111)

TO DO OR TO MAKE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 111 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, hôm nay, cháu xin chú giảng về những khác biệt mà cháu nghĩ là khá nhiều nên đã gây nhiều rắc rối cho người nói tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Cả hai đều nghĩa là "làm" trong tiếng Việt, nhưng không thể thay động tự này bằng động tự kia.

QA

Chắc Trúc Giang định nói hai động từ TO DO và TO MAKE phải không? QA cũng rất muốn biết thêm về hai động từ này. QA thấy lũ con nói LET’S DO LUNCH. Nhưng QA nghe TO MAKE LUNCH thường hơn. Bộ hai động tự TO DO và TO MAKE LUNCH ở trong trường hợp này là một hay sao?

BBT

Không. Đây là một trong những cách dùng đặc biệt của động từ TO DO khiến cho cô nghĩ là TO DO và TO MAKE có thể giống nhau, và có thể thay TO DO bằng TO MAKE.

TO DO LUNCH như trong câu cô nghe các con nói ở nhà là một IDIOM nghĩa là đi ăn trưa với nhau. LET’S DO LUNCH là chúng ta hãy cùng đi ăn trưa với nhau. Nhưng TO MAKE LUNCH thì lại có nghĩa là sửa soạn, nấu bữa ăn trưa, làm thức ăn trưa cho các con mang đi học…

Thuê người đến chùi rửa nhà có khi phải hỏi cho kỹ: YOU DO WINDOWS, DON’T YOU? nghĩa là cô có lau chùi cửa kính không?

Người ta cũng nói TO DO THE DISHES là rửa chén bát. TO DO THE TANGO là khiêu vũ điệu Tango.

Còn một trường hợp này nữa tôi cũng muốn nói ngay ở đây: TO MAKE DO nghĩa là dùng một cái gì để thay thế cho một cái gì khác mà thường là dở hơn, không tốt, không hay bằng. Thí dụ I WANTED SOME BREWED COFFE BUT HAD TO MAKE DO WITH SOME INSTANT COFFEE.

TRÚC GIANG

Thế thưa chú, khi nào dùng TO DO và khi nào dùng TO MAKE? Có phải TO DO được dùng cho những vật trừu tượng và TO MAKE cho những vật cụ thể không?

BBT

Có thể nói như vậy. Nhưng chính xác hơn thì chúng ta dùng động tự TO DO với một hành động, một hoạt động hay một công việc.

Thí dụ bổn phận là một điều trừu tượng. Cái bàn là vật cụ thể. Làm bổn phận là TO DO . Làm cái bàn hay đóng cái bàn là TO MAKE.

Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với TO DO coi.

TRÚC GIANG

I THINK YOU LIKE TO DO CROSSWORD. YOU ALWAYS DO IT AT BREAKFAST, IS THAT RIGHT?

AT HOME, MY HUSBAND ALWAYS DOES THE IRONING FOR THE WHOLE FAMILY.

BBT

Còn QA?

QA

MY DAUGHTER NOW DOES THE WASHING FOR ALL OF US.

I ALWAYS DO CHRISTMAS SHOPPING EARLY.

BBT

Chúng ta cũng dùng TO DO với tất cả mọi công việc như TO DO THE HOMEWORK, TO DO THE HOUSEWORK, TO DO A GOOD JOB, TO DO THE TIDYING UP THE HOUSE, TO DO THE SPRING CLEANING… QA biết làm ơn nói thế nào không?

QA

Câu này QA cũng học của các con: CAN YOU DO ME A FAVOR: TURN DOWN THE TELEVISION A LITTLE BIT.

Từ hai cô con gái, QA còn thấy TO DO NAILS , TO DO HAIR FOR THE PARTY.

TRÚC GIANG

Cháu cũng nghe nói TO DO BUSINESS, TO DO GOOD, TO DO HARM…

BBT

Đúng rồi. Nhưng TO DO TIME là gì, hai cô biết không? Thí dụ người ta nói YOU DO THE CRIME, YOU DO THE TIME là gì nào?

QA

Hình như có nghĩa là ngồi tù phải không thầy? YOU DO THE CRIME, YOU DO THE TIME, QA nghe câu này lúc Paris Hilton bị ra tòa cách đây mấy tháng. Câu này chắc nghĩa là phạm tội thì đi tù phải không?

BBT

Đúng. Từ idiom TO DO WELL chúng ta có những chữ này: WELL-TO-DO và NEVER-DO-WELL hay NE’ER-DO-WELL. TO DO WELL là gì, Trúc Giang?

TRÚC GIANG

TO DO WELL là giỏi, thành công, là khá giả. Thí dụ MY DAUGHTER DOES WELL IN HER CLASS. SHE DOES WELL IN MATH. MY FRIEND DID WELL IN REAL ESTATE FOUR YEARS AGO.

QA

Như vậy, WELL-TO-DO là tĩnh từ nghĩa là giầu có, khá giả, nhiều tiền phải không thưa anh? Nhưng NEVER-DO-WELL là gì, là không bao giờ khá phải không?

BBT

NEVER-DO-WELL hay NE’ER-DO-WELL là một danh từ nghĩa là một người lười biếng, thất bại hoàn toàn trong đời sống. Thí dụ NOT ALL MEMBERS OF THE KENNEDY CLAN ARE SUCCESSFUL. AT LEAST, ONE WAS A NE’ER-DO-WELL.

Bây giờ chúng ta nói về động từ TO MAKE. TO MAKE là làm, chế tạo, xây dựng, đóng , tạo ra một đồ vật, kiến trúc.

TRÚC GIANG

Như vậy cháu dùng TO MAKE A DRESS có đúng không? Chị họ cháu chuyên may áo là DRESS-MAKER phải không chú? Thế còn MATCH-MAKER là gì thưa chú?

BBT

Là người làm một trong bốn chuyện ngu nhất trên đời: trên đời có bốn chuyện ngu/ làm mai lãnh nợ, gác cu , cầm chầu. MATCH-MAKER là ông mai, bà mối. Thế còn COFFEE-MAKER là người làm cà phê chăng?

QA

Người này giỏi lắm, có cái sợi dây điện, cắm vào ổ điện thì có cà phê để uống ngay. Là cái bình pha cà phê phải không thưa anh?

BBT

Nhớ là chúng ta dùng động từ TO MAKE với những danh từ cụ thể đi đằng sau. Thí dụ TO MAKE A CAKE, A MEAL…

TRÚC GIANG

Nhưng cháu cũng nghe người ta nói TO MAKE AN EXCUSE, TO MAKE A MISTAKE, TO MAKE A PLAN…

BBT

Đúng rồi, Trúc Giang nhớ là chuyện gì cũng có những ngoại lệ, những điều bất thường. QA có biết những trường hợp ngoại lệ khác của TO MAKE không?

QA

QA nghe lũ con nói ở tiệm ăn hôm cuối tuần: MAKE A CHOICE QUICK! Chắc có đứa sốt ruột thấy đứa kia đọc menu lâu quá mà chưa gọi món ăn. TO MAKE A DECISION có cùng nghĩa như TO MAKE A CHOICE không thầy?

BBT

Cũng có thể. CHOICE là sự lựa chọn. DECISION là sự quyết định. Hai cô muốn đi gặp nha sĩ thì nói thế nào?

TRÚC GIANG

TO MAKE AN APPOINTMENT. Thưa chú TO MAKE A BED là đóng cái giường. Có thể nói là làm giường không?

BBT

Cô định chơi chữ hay sao đây? Hai cách nói có khác nhau. Ra HOME DEPOT mua gỗ về cưa, dùng đinh đóng bốn cái chân là TO MAKE A BED, là làm cái giường.

Sáng dậy gấp chăn mền, trải lại khăn trải giường, xếp cái gối ngay ngắn lại là TO MAKE ONE’S BED, là làm giường. Do đó, làm cái giường và làm giường khác nhau.

Tục ngữ Anh có câu AS YOU MAKE YOUR BED, YOU MUST LIE IN IT nghĩa là gì cô QA?

QA

Thưa thầy câu ấy nghĩa gần như câu gieo gió gặt bão trong tiếng Việt chăng?

BBT

Gần giống thôi. Câu gieo gió gặt bão mạnh hơn. Câu tục ngữ tiếng Anh nghĩa là chúng ta phải chấp nhận hậu quả của việc chúng ta làm. Hậu quả đó có thể tốt, có thể xấu… trong nhờ đục chịu, tốt nhờ, xấu chịu.

Động từ TO MAKE còn được dùng trong câu mà chắc hai câu đã nghe, nhất là trong mùa bầu cử : YOUR VOTE CAN MAKE A DIFFERENCE. Câu đó nghĩa là gì Trúc Giang?

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ đó là câu kêu gọi mọi người đi bầu, lá phiếu có thể đưa tới những khác biệt, những đổi thay.

BBT

Vẫn liên quan đến động từ TO DO, chúng ta còn dùng nó trong những trường hợp chúng ta muốn nhấn mạnh vào một điều gì đó. Chúng ta dùng TO DO trong một câu XÁC ĐỊNH (AFFIRMATIVE) ở thì hiện tại (SIMPLE PRESENT) hay quá khứ (SIMPLE PAST).

Thí dụ I THINK HE IS A GOOD MAN là một câu không được đặc biệt nhấn mạnh gì hết. Nhưng thêm động từ TO DO để thành I DO THINK HE IS A GOOD MAN thì động từ TO THINK được nhấm mạnh hơn. I DO THINK nghĩa là tôi thực sự, tôi chắc chắn, tôi hết lòng tin rằng ông ấy là người tốt.

QA cho nghe hai thí dụ với TO DO trong cách dùng EMPHATIC USE tức là cách dùng nhấn mạnh coi.

QA

THEY DO LIKE THE FOOD I MADE.

HE DOES WANT TO BUY THE HOUSE.

BBT

Nhớ là sau TO DO thì động từ đi sau phải là nguyên mẫu không TO, INFINITIVE WITHOUT TO: HE DOES WANT TO BUY chứ không thể nói HE DOES WANTS TO BUY THE HOUSE. Còn Trúc Giang…

TRÚC GIANG

WE DO KNOW WHAT THE CHINESE WANT IN THE SEA OFF VIETNAM.

MY GIRLS DO HOPE FOR A BABY BROTHER.

BBT

Chúng ta dùng DID nếu muốn nhấn mạnh một chuyện gì trong quá khứ. Thí dụ nói ông ấy quả thật hôm qua đã đến đây chờ anh thì QA nói thế nào?

QA

HE CAME HERE YESTERDAY AND WAITED FOR YOU. HE DID COME AND DID WAIT FOR YOU ALL DAY YESTERDAY.

BBT

Khi nói, nếu chúng ta nhấn mạnh vào động tự DO, DOES hay DID thì câu ấy lại nghe như là chúng ta đang bất đồng với người đang đối thoại với chúng ta.

I DO THINK MISTER REAGAN WAS A GOOD PRESIDENT. Câu này chỉ nhấn mạnh vào chuyện tôi nghĩ ông Reagan là một tổng thống giỏi.

Nhưng khi nói I DO THINK MISTER REAGAN WAS A GOOD PRESIDENT thì câu này lại có nghĩa là ông không nghĩ tôi đánh giá cao ông Reagan nhưng tôi thì nghĩ ông Reagan là tổng thống giỏi, không như ông hiểu lầm tôi.

TRÚC GIANG

MISTER BUI, WE DO THANK YOU FOR THE LESSON TO DAY.

BBT

I DO ENJOY WORKING WITH YOU.

QA

THE TIME DID PASS BY SO QUICKLY MISTER BUI.

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.