August 12, 2011

August 12, 2011

Ngày 6 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Chúng xuất hiện khoảng cuối những năm 1970, và hiện nay chúng được thay thế bằng phone mail, để ghi lại những lời nhắn nếu chủ nhân của điện thoại không thể trả lời ngay được.

Phải nói những cái answering machine đó, và nay, những cái phone mail là những thứ không thể không có trong đời sống của chúng ta.

Không cần phải là ông Obama để sợ lỡ đệ nhất phu nhân gọi và nhờ tìm hộ cái quần đùi mặc cho đẹp tòa Bạch Ốc, không trả lời kịp vì đang bận chuyện trần nợ với nợ trần vân vân.

Mà người bình thường như chúng ta cũng rất cần những cái máy nhắn đó.

Không có mặt ở nhà, đang ở trong văn phòng của Winston Churchill, gọi tắt là WC, không tiện trả lời vì đang tâm tình hiến dâng, đang rửa xe, đang chờ điện thoại của bộ trưởng quốc phòng đọc cho nghe ít tài liệu mật ... để không trả lời được thì cũng không lo.

Sau mấy hồi chuông, điện thoại sẽ chuyển sang máy ghi lời nhắn. Chủ nhân về nhà, hay xong việc, mở ra nghe vẫn không sợ bị mất bữa tối của người bạn rủ đi ăn. Nếu đồng ý thì gọi lại để giải quyết bữa chiều với chàng.

Cái máy nhắn cũng có thể được dùng để xem ai gọi, có đáng để dời gót, đưa bàn tay ngọc bên bếp hồng lên để bốc máy trả lời hay không, khỏi phí lời vàng ngọc trả lời những cú điện thoại với câu hỏi làm điên đầu nhiều người là "Có gì lạ không?" vân vân.

Nhưng nhiều người cũng rất ghét những cái máy trả lời đó. Nó vô tình, giọng nó lạnh tanh hệt như ông Tú đã than rằng "Sao đang vui vẻ ra buồn bã / vừa mới quen nhau đã lạ lùng..." Nên không thèm trả lời, quăng máy xuống, trở lại với "Đời tôi cô đơn" kêu ai cũng không ... ra.

Những người có Caller ID thấy số điện thoại quen, gọi lại thì gọi. Nhất định không thèm nhắn gửi hay "trả lời lòng anh hay lòng em mấy câu" gì hết .

Một lý do khác khiến nhiều người ghét cái máy nhắn là mấy câu chào hỏi của đường dây bên kia.

Có lúc tôi dùng một cuộn cassette có tiếng của một kịch sĩ hài hước của Mỹ, Steve Martin giả giọng của ông Nixon, của John Wayne, của ông Carter để trả lời hộ điện thoại. Cuộn cassette bị đứt sau vài năm, nay không kiếm đâu ra được cuộn khác để thay thế.

Còn câu chào hỏi có sẵn thì lại có thể gây ngộ nhận hết sức tai hại.

Thí dụ vừa gọi đến, máy bên kia trả lời rằng ông hay bà, hay cô X is not available nên không thể trả lời điện thoại được.

Rắc rối là đoạn nói rằng phía bên kia not available. Mà not available thì theo tiếng Ăng lê rất hạn chế của tôi, nghĩa là không còn không nữa.

Còn không như trong đoạn ca dao:

Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu...

Not available là không còn không. Là kẹt rồi, là hoa có chủ, là xe có người lái, là nhà đã sang bán và sang tên cho người khác, là cuốn sách trong thư viện đã có người mượn trước mất rồi.

Ô hay, vừa mới hôm qua, vừa mới sáng ngày, còn dặn là không bận gì thì gọi nhé.

Bây giờ , tuy không bận nhiều … quần áo, vì trời nóng, cố gắng gọi lại thì máy cho biết là not available, tình cảnh oan trái có khác gì "Trâm gẫy, bình rơi" không nào?

Có khác gì "Khi về hỏi liễu Chương Đài / Cành xuân đã bẻ cho người ..." lôi đi.

Nghe not available liền không nhắn lại gì hết.

Thực ra, cái lời nhắn thu sẵn đó, câu "You have reached the number of XYZ. The person is not available" nghe cũng còn có thể chịu được.

Bắt bẻ, phiền hà thì phía bên kia đổi câu chào, thu lại một câu khác không làm thất vọng người gọi đến, lại cho thêm một chút hy vọng.

Nhưng có một lời nhắn làm cho người gọi đến phải chịu thua luôn.

Tưởng tượng gọi đến, chuông reo vài tiếng, rồi một giọng trẻ con như rít vào tai "Leave a message!" nghe đầy mệnh lệnh thì phải làm sao?

Đồng ý là lên ba nói muốn cười, nhưng chuyện muốn cười ấy có thể là muốn cười với cha, với mẹ, với ông bà nội ngoại của đứa bé. Nhưng khách của ông bà nội ngoại của nó tại sao lại để cho nó ăn nói hỗn hào như thế? Có khi nào đang ngồi đông đủ ở phòng khách, nó chạy ra hét vào mặt khách "Uống trà đi! Ăn bánh đi!" và khách riu ríu làm theo lời của đứa bé mới học nói đó không? Đó có phải là cách ăn nói với người lớn không?

Tôi đã bị ít nhất là hai câu chào trong điện thoại như thế.

Bèn không nhắn gì cả.

Không thể làm theo cái lệnh trong máy được.

Ghét mấy cái máy nhắn như thế vô cùng.


Ngày 9 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Hồi trưóc năm 1975, có một bài hát không biết tại sao lại được rất nhiều người thích nghe ở các phòng trà Sài Gòn. Bài hát ấy cũng làm nên tên tuổi của người hát nó mặc dù nó không có bất cứ một lý do gì để đưọc hát lên ở Việt Nam .

Phải nó là bài J’ai deux amours của thời ông cụ tôi, một bài hát về Paris thì cũng đúng. Hay bài I Left My Heart In San Francisco thì cũng được đi.

Bề gì người nghe cũng đôi chút dính dáng tới Paris hay đã nghe qua về San Francisco...

Nhưng nó lại là một bài hát tiếng Pháp, để nói về Mexico. Giá bằng tiếng Tây Ban Nha thì cũng còn hiểu được.

Một bài hát về Mexico hát bằng tiếng Pháp cho người Việt Nam nghe.

Bài hát có những câu như thế này: Người ta đã ngợi ca những phụ nữ Paris, những cái mũi rất xinh và những cái nón họ đội. Người ta cũng ca ngợi những cô đầm Tây Ban Nha ở Madrid đi xem đấu bò ở đấu trường. Người ta cũng ca ngợi những phụ nữ Bắc Âu và bầu máu nóng của họ... Thế nhưng đến Mexico, thì người ta quên hết, người ta điên lên dưới ánh nắng nhiệt đới...

Khi nghe bản nhạc này, tôi tường tượng ra cảnh những ngày hội, những fiesta, các senorita nhẩy vũ điệu Mexican Hat Dance trong một cái đĩa của người bạn có tiếng kèn đồng, tiếng violon, tiếng ghi ta thùng, tiếng castanets…

Thế rồi lại có lúc nghĩ giá đươc’ sống ở Paris chắc phải vui lắm...

Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một vùng sương trắng
Là áo sưong mù hay áo em…

Tội ông Nguyên Sa hết sức. Đọc thơ ông là lại muốn xuôi xuống dòng Montparnasse, ngược lên dòng Sacré Coeur như một đoạn của Vũ Hoàng Chương.

Rốt cuộc hơn ba mươi mấy năm, tôi kẹt cứng ở nuớc Mỹ. Chuyện đến sống ở Paris phải bỏ, luôn cả Luân Đôn, cái thành phố mà nhà làm tự điển Samuel Johnson nói là khi chán Luân Đôn thì cũng là khi người ta chán đời luôn.

Lại cũng không thể trở lại Wellington, sống trên căn nhà trên đồi ngó xuống vịnh biển, buổi chiều những chiếc thuyền buồm trở về bến mà tôi đã ngồi ngắm không biết bao nhiêu ngày…

Có những vì sao lòng mình không bao giờ đến được

(Nguyên Sa) . Những buổi chiều buồn bã ngồi nhìn nắng chiều ở phi trường Tân Sơn Nhất:

Chiều trên phi trường, anh bỗng nhớ em
Nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước
Đây mùa xuân không đến
Đám cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô...

Những chuyến đi , những thành phố không bao giờ tới được, như ước mơ thời tuổi trẻ muốn đến Huế để sống, uống nước ở Huế, thở cái không khí ấy để xem tại sao người dân ở đấy lại như thế, tâm hồn lại như vậy...

Nhưng thôi, những chuyến đi không làm được nữa. Chọn ở đây để sống nốt đời. Mặc dù có những lúc chán đời không thể tả. Thua xa những con chim én ở San Juan, Capistrano, mùa thu bay đi Argentina tránh rét, mùa xuân lại về cái tu viện mái đỏ ở California.

Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ mang những mơ ước đó ra nữa.

Nơi tôi sống, chán như thế đấy, nhưng nếu bỏ đi, thì tội cho biết bao nhiêu người đang tìm đủ mọi cách để tới.

Tôi nhìn ra điều đó, khi đọc cuốn sách viết về chuyến đi của một thanh niên ở một quốc gia trung Mỹ trong cố gắng tìm lại người cha đã mấy năm không gặp đang sống tại Hoa kỳ. Chuyến đi thập tử nhất sinh gặp bao nhiêu nguy hiểm dọc đường. Mà không phải chỉ có cậu liều mạng tìm cách đi tới nưóc Mỹ. Mà còn hàng trăm, hàng ngàn người ở cái xứ mà bài hát bằng tiếng Pháp nghe mấy chục năm trước cũng tìm mọi cách để đi sang Mỹ, sống ở cái thành phố mà đã nhiều lần tôi rất chán nó.

Nhìn những người, cũng là người cả, làm đủ mọi cách để đến đây, sống cuộc sống cũng không huy hoàng bao nhiêu. Chẳng hề có cảnh ngồi cà phê boulevard ở Paris, cũng không có chuyện đi xem kịch ở Soho, Luân Đôn, cũng không có căn flat trên Kilburn Parade ở Wellington hay căn nhà bên cạnh bờ sống Avon đầy hoa daffodil ở Christchurch, mà chỉ là một cuộc sống lam lũ khổ cực, sống trong phập phồng lo sợ.

Vậy mà họ vẫn tiếp tục tìm đến cái thành phố tôi đã có lúc chán ghét hết sức này.

Mấy lần nhìn những cuộc biểu tình của những người di dân bất hợp pháp, tôi mới lại càng thấy ra được cái hạnh phúc đã có trong tay từ bao nhiêu lâu nay mà cứ bỏ quên không ngó lại.

Bài cuối của ca khúc ngợi ca nước Mexico là câu như thế này: Et tu sera toujours le paradis des coeurs et de l’amour...

Mexico ơi, người sẽ mãi mãi là thiên đường của những trái tim và của những cuộc tình.

Không, chắc không phải như thế nên người ta mới bỏ bầu trời nhiệt đới đó để liều mạng sang đây sống.

Thế nên có ai hỏi là thiên đường đấy, có đi Mexico sống không, thì chắc chắn phải có một cái nhún vai, và một câu trả lời hết sức thích hợp:

No way José !


Ngày 10 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Tĩnh Dạ Tứ hay Dạ Tứ là một bài ngũ ngôn tuyệt cú của Lý Bạch:

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Bài thơ bốn câu năm chữ ba vần của họ Lý với các câu 1, 2 và 4 vần với nhau quang, sươnghương. Hai câu thứ ba và thứ tư đối nhau đúng theo luật của những bài tuyệt cú.

Dạ Tứ là ý nghĩ trong đêm . Tĩnh Dạ Tứ là nghĩ trong một đêm yên lặng.

Sàng tiền khán nguyệt quang là ở đầu giường thấy ánh trăng chiếu
Nghi thị địa thượng sương ngỡ rằng đó là sương đọng trên mặt đất
Cử đầu vọng minh nguyệt ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Đê đầu tư cố hương cúi đầu nhớ đến quê cũ.

Những tài liệu về Lý Bạch không cho biết rõ ông làm bài ngũ ngôn này trong thời gian nào, cũng hệt như hầu hết nhũng bài thơ khác của họ Lý. Các nhà thơ Trung Hoa ít khi ghi rõ ngày tháng sáng tác thơ văn của mình. Nhưng đọc bài thơ này, những ý mà ông đặt vào 4 câu 5 chữ, người ta có thể nghĩ Lý Bạch viết bài Dạ Tứ trong khoảng thời gian ông bị Đường Túc Tông đầy đi Quí Châu vì những liên hệ với An Lộc Sơn và cuộc nổi loạn của Vĩnh Vương Lý Lân.

Bài thơ nói về tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương trong một đêm trăng sáng, ánh trăng chiếu vào đầu giường. Tác giả nhìn ánh trăng trên mặt đất, ngẩng lên thấy vầng trăng và nhớ đến quê hương xa cách.

Mặt trăng vẫn gợi ra những liên tưởng nhu thế. Trăng ở đây, trăng ở quê cũ. Vầng trăng ai xẻ làm đôi.

Trăng của nhà ai, trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường

Lý Bạch có nhiều bài thơ trong đó ông nhắc đến trăng như trong những bài Nguyệt Hạ Độc Chước, Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ, Quan San Nguyệt, Tử Dạ Thu Ca , Anh Vũ Châu ...

Nhưng những trăng sáng trong các bài thơ vừa kể của Lý Bạch không làm xúc động nhiều bằng ánh trăng trong bài Dạ Tứ.

Trăng của những bài thơ ấy chỉ là ánh sáng. Trong bài Dạ Tứ, ánh trăng bầy ra một cảnh tượng cô đơn hơn hẳn những cảnh cô đơn trong những bài thơ khác của ông. Trăng ở những bài thơ khác là cái cớ để nhớ bạn, để uống rượu một mình, để neo thuyền trên bến sông. Trăng trong Dạ Tứ trong một đêm tịch lặng và cô đơn ấy làm nhớ lại quê hương cũ đã quá xa của một người trên đường đi đầy, không biết đến bao giờ trở lại được.

Bài thơ không được các nhà phê bình coi là hay lắm của Lý Bạch. Bài Dạ Tứ còn bị coi là một bài thơ tầm thường là khác. Tản Đà, Ngô Tất Tố không chọn để dịch. Có thể là vì câu thứ tư của bài Dạ Tứ không làm đau lòng các ông Tản Đà và Ngô Tất Tố bao nhiêu khi các ông chọn những bài thơ của Lý Bạch để dịch. Cuộc sống của các ông Tản Đà và Ngô Tất Tố thời ấy chưa cho các ông những cảm xúc mà ý Bạch ghi trong bài Dạ Tứ. Các ông dịch được một số thơ rất hay của Đường thi vì những bài thơ đó tạo đưọc xúc động nơi các ông. Bài Dạ Tứ thì không.

Nhưng nếu các ông sống được tới sau năm 1975, thì chắc bài thơ ngũ ngôn của Lý Bạch đã được đem ra dịch.

Bài thơ này đặc biệt được phủi bụi đem ra đọc rất nhiều trong những tháng ngày sau biến cố 30 tháng Tư.

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Ngước nhìn trăng sáng bao la
Cúi đầu quặn nhớ quê xa ngàn trùng

Bài thơ không hay lắm bỗng nhiên ai cũng thuộc, đọc cho nhau nghe trong những ngày đầu sống ở đất Mỹ, ở những trại tị nạn.

Hôm nay, xin đọc lại bài Dạ Tứ của Lý Bạch với bản dịch sang lục bát của Trần Trọng Kim:

Đầu giường chợt thấy bóng trăng
Mập mờ trên đất ngỡ rằng sương sa
Ngẩng đầu trông vẻ gương nga
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn

Hơn ba mươi năm chưa trở lại quê nhà. Trăng thì vẫn chiếu hằng đêm xuống miền đất cũ. Mấy chục năm rồi không nhìn lại được mặt trăng Việt Nam.

Hôm trước, trăng cũng sáng đầy mảnh sân sau nhà, lạnh lẽo và hết sức vô tình.


Ngày 12 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Đã lâu trên một vài con đường ở Little Saigon, người ta thấy xuất hiện những tấm quảng cáo với hàng chữ Bride Expo, mà người đọc hiểu ngay đó là cuộc trình diễn, triển lãm những thứ liên quan đến đám cưới, có thể là áo cưới, quần áo cho cô dâu, phù dâu, tiệc tùng, bánh cưới vân vân. Nhưng nếu dùng là Bridal Show hay Bridal Expo thì chính xác, đỡ gây ngộ nhận hơn.

Vì Bride Expo có thể hiểu là cuộc trưng bầy các cô dâu.

Nhưng không ai tin là có thể có một cuộc trưng bầy như thế bao giờ nên cũng không ai thắc mắc về chữ dùng trong những tấm giấy quảng cáo.

Bride Expo dĩ nhiên không phải là cuộc bầy hàng phụ nữ để cho những ông sheik Ả Rập tới xem mặt để mua về cho harem của ông như cảnh thấy trong một vài cuốn phim về xứ ngàn lẻ một đêm mấy chục năm trước. Cảnh đó có thật sự diễn ra ở mấy nước Ả Rập hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các nhà làm phim thời ấy thì khó biết được.

Nhưng những chuyện tương tự như vậy lại có thật, vừa diễn ra chỉ mấy tháng trước.

Một tờ báo ở Singapore, tờ News Today, trong một bài viết của ký giả Patricia Yap, cho biết một số phụ nữ Việt Nam mới đây, tại một hội chợ cuối tuần, được cho đứng trong lồng kính của Blissful Heart Mariage Center, một trung tâm mai mối phụ nữ Việt Nam với người Singapore. Các phụ nữ này được bầy ra như những món hàng để cho khách đi hội chợ đứng coi.

Trò window shopping như thế, đã tiến được lên một nấc mới, hay thụt xuống một nấc thấp hơn là tuỳ theo cách nhìn sự vật của chúng ta.

Cách đây hơn ba thế kỷ, cũng có những cuộc trưng bầy như thế, phần lớn là ở tiểu bang Maryland, mỗi khi có những chiếc tầu chở người da đen từ Phi châu cập bến Baltimore hay Annapolis. Những món hàng người này được bầy cho khách mua đến xem.

Khách thường là các trại chủ muốn có thêm nô lệ để làm việc cho trại, kéo đến xem hàng như đi chợ thú vật mua ngựa, mua bò về nuôi. Họ xem răng, xem bắp thịt chân, bắp thịt tay của những người đàn ông Phi châu để thẩm định khả năng làm việc cho trại. Họ xem kỹ những phụ nữ để xem ngoài việc lao động có còn khả năng để đẻ thêm những nô lệ mới cho trại không.

Những việc làm xúc phạm danh dự, phẩm giá con người như thế, ngày nay không còn thấy nữa. Chế độ mãi nô, một vết nhơ trong lịch sử văn minh nhân loại đã bị dẹp ở nước Mỹ và các quốc gia văn minh. Nước Mỹ quyết định chấm dứt chế độ này mặc dù vì nó mà xẩy ra nội chiến tương tàn nam bắc dưới thời tổng thống Lincoln.

Lý do là vì một xã hội tiến bộ như nước Mỹ không thể để cho tiếp tục diễn ra những chuyện đi ngược lại với văn minh, những việc làm hạ thấp phẩm giá con người như thế.

Mà đó là đối với những người nô lệ không cùng một chủng tộc hay cùng một nước.

Các xứ Phi châu thời ấy còn rất kém văn minh và cũng chưa trở thành những quốc gia để lên tiếng đòi chấm dứt tệ nạn buôn bán người dân của họ. Chính Hoa kỳ đã tự ý quyết định chấm dứt chế độ mãi nô.

Cảnh những phụ nữ Việt Nam được bầy trong các lồng kính cho khách hàng Singapore tới xem đã lập tức làm sống lại hình ảnh những chợ nô lệ cách đây ba thế kỷ.

Và người ta đã không thấy nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng dù chỉ một lần, để phàn nàn việc làm thiếu văn minh, tàn ác, xúc phạm nhân phẩm các nữ công dân Việt Nam và bênh vực cho họ.

Khi tin về vụ bầy hàng phụ nữ Việt Nam được phổ biến trên một tờ báo ở Singapore, thì nhà cầm quyền Hà Nội liền gọi tờ báo đăng tải bản tin đó là một tờ báo lá cải và sau đó, phủ nhận tin của tờ báo này.

Thế nhưng trong một bài báo sau đó, tờ News Today đã trưng được hình chụp các phụ nữ Việt Nam đứng trong lồng kính tại hội chợ. Bài báo nói các phụ nữ này trông như những con cá bầy trong hồ cá. Cách mô tả đó còn là quá nhẹ nhàng cho một hành động công khai hạ nhục, chà đạp lên nhân phẩm, giá trị của người Việt Nam.

Người phụ nữ Việt Nam tại gian hàng hội chợ Singapore bị coi là một thứ thương phẩm để mua bán, bị đem ra bầy như những con vật, như những người nô lệ da đen hai ba thế kỷ trước.

Sứ quán Việt Nam ở Singapore không lên tiếng phản đối mà chỉ nó bản tin của một tờ báo lá cải là không đúng.

Lá cải hay không lá cải, sứ quán và nhà cầm quyền Hà Nội phải tìm hiểu cho ra sự thật để có biện pháp. Không thể im lặng như họ đã làm mặc dù sau đó đã lại có thêm một bài báo khác trưng ra được bức hình chụp ba phụ nữ đứng sau lớp kính của gian hàng tại hội chợ.

Ngày Phụ Nữ Quốc Tế vừa qua phải được coi là một ngày để tranh đấu cho quyền sống và phẩm giá của phụ nữ, không thể chỉ là ngày để tung ra vài ba khẩu hiệu trong khi các công dân bị đem ra bầy bán, danh dự quốc gia bị xúc phạm mà không một lời lên tiếng.

Hay là phải chờ cho đến lúc phụ nữ Việt Nam bị định nghĩa như là một thứ thương phẩm xuất cảng như tự điển Oxford mấy năm trước đã định nghĩa Bangkok là thủ đô nổi tiếng về đĩ điếm rồi mới có phản ứng?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 109)

EUPHEMISMS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 109 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay tôi muốn đề cập về một cách nói của người Anh và người Mỹ mà tôi tin chắc hai cô, không phải là một đôi lần, mà nhiều lần nghe trong những tiếp xúc hàng ngày. Cách nói đó tiếng Anh gọi là EUPHEMISM, tức là uyển ngữ, những chữ, những câu, những lối nói mà người ta dùng khi không muốn nói thẳng ra. Lý do có thể đó là những chuyện quá riêng tư, quá nhậy cảm, không tiện để nói huỵch toẹt ra. Cách nói ấy đôi khi mang ít nhiều mầu sắc hài hước ở trong. Trong bài học hôm nay, tôi không chủ trương hai cô phải thuộc hết những câu tôi nêu ra, mà chỉ muốn hai cô biết cho vui mà thôi.

LÃM THÚY

Chắc phải vui lắm nên xin thầy mở đầu ngay cho.

BBT

Chuyện chết chóc là một trong những chuyện người ta nói đến nhiều, vì đó chuyện không ai tránh được nhưng phải nói tới thì cũng không vui mấy. TO DIE là chết nhưng nghe nặng quá, vì thế nên khi nói về những cái chết mà chúng ta có thể dửng dưng thì dùng động tự TO DIE này không sao. Chẳng hạn như khi nói STALIN DIED IN 1953. Nhưng với một người ra đi mà lại quá thân thiết với chúng ta thì người ta thường tránh dùng động tự này. Thay vào đó, người ta nói MY FATHER PASSED AWAY MORE THAN TEN YEARS AGO. Hay nói thế này cũng được: HE FOUGHT A LONG BATTLE WITH CANCER. Cách nói như vậy là EUPHEMISM. Như trong tiếng Việt chúng ta nói là qui tiên, khuất núi, lìa đời…

QA

Thưa anh, chắc trong tiếng Anh, cũng có những cách nói hơi hài hước một chút như khi chúng ta nói mặc sơ mi gỗ, đi ô tô bương, về quê, bán muối … phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Thí dụ nói HE BOUGHT THE FARM LAST YEAR. Hay HE IS NOW SIX FEET UNDER. Hay WHEN HE IS IN HIS BOX, WE WILL TALK ABOUT WHAT HE DID IN LIFE hệt như khi chúng ta nói "cái quan luận định", đóng nắp áo quan rồi hãy nên có ý kiến về đời người ấy. Dùng TO MEET YOUR MAKER nghĩa là về với Chúa hay về chầu Trời cũng vậy.

LÃM THÚY

Thúy nghe bà hàng xóm nói về con chó mà cũng không dám nói là nó chết mà phải quanh co rằng WE HAD TO PUT HIM DOWN BECAUSE HE WAS VERY SICK AND OLD.

BBT

Cũng có khi người ta nói rằng THEY PUT AN END TO HIS SUFFERING nghĩa là chấm dứt những khổ đau cho nó. Con chó già, mắt mù, thấp khớp đi không nổi, ăn không được thì phải PUT HIM DOWN. Nhưng cả hai cách này đều không thể dùng cho người. Ngoại trừ đó là ông bác sĩ tử thần Jacob Kevorkian, Dr. Death, người đến tận nhà giúp người bệnh qua đời bằng cách giúp người ấy tự tử (ASSISTED SUICIDE).

Có khi người ta cố tình dùng những chữ có hai ba nghĩa để cho câu nói nhẹ đi. Khi ông Lê Duẩn chết năm 1986, tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh loan tin nguyên văn thế này: VIỆT NAM LÃNH TỤ NHÂN LÊ DUẨN KHỨ THẾ. Khứ thế là lìa đời. Nhưng khứ thế cũng đồng âm với khứ thế là thiến, là cắt bỏ bộ phận sinh dục.

QA

Xỏ xiên nhau như vậy là hết ý. QA nhớ khi mua căn nhà đang ở, người chuyên viên địa ốc nói là căn nhà có 1 POWDER ROOM ở tầng dưới. Vào xem thì nó là cái nhà cầu chứ làm gì có chỗ son phấn đâu nào. Đó cũng là EUPHEMISM phải không thầy?

BBT

Đúng vậy. Khi nói về chuyện nhà cầu, thì người ta cũng dùng nhiều uyển ngữ cho lịch sự. Người ta gọi nó là RESTROOM, là BATHROOM, là THE SMALLEST ROOM IN THE HOUSE, WATER CLOSET, hay văn phòng ông Winston Churchill, tức là SIR WINSTON CHURCHILL’S OFFICE. Tại sao vậy cô Thúy?

LÃM THÚY

Chắc vì tên của cựu thủ tướng Anh Winston Churchill viết tắt là WC phải không thưa anh? Thế khi muốn xin phép dùng cái căn phòng nhỏ thì nói sao cho thanh tao thưa anh?

BBT

Cứ nói thế này là mọi người hiểu ngay: WHERE CAN I WASH MY HANDS? Hay WHERE CAN I POWDER MY NOSE? Tuy thế, đàn ông thì đừng dùng câu vừa kể. Đàn ông không ai cần tô lại chút phấn ở mũi cả. Cũng có thể nói CAN I USE THE BATHROOM/REST ROOM?

Còn hai cách nói này cũng được dùng để nói chuyện đi cầu: HE IS IN THE BOG hay HE IS OUT TO SEE A MAN ABOUT A DOG hay HE IS TALKING TO A MAN ABOUT A HORSE thì cũng vậy. Trong tiếng Anh còn có chữ này mà tôi dùng để dậy con trai tôi khi cháu mới sang Anh và gặp phải trường hợp khan cấp: MAY I GO TO THE LOO. Nhưng người lớn thì ít ai nói như thế. Có khi người ta nói I HAVE TO DO MY BUSINESS, hay I’VE GOT TO GO NOW. Ngoài ra còn cơ man nào là những cách nói khác không thể kể hết ra đây.

QA

Thưa anh, QA có lần nghe về một người quen với câu này: HE IS BETWEEN JOBS thì như thế là thế nào?

BBT

Thì nghĩa là ông ấy đang trong thời gian giữa hai công việc…

LÃM THÚY

Tức là ông ấy đang thất nghiệp phải không thầy? Nói thế này dễ hiểu hơn: HE IS COLLECTING UNEMPLOYMENT CHECKS.

BBT

Cũng có khi người ta nói HE IS ON PRESIDENT OBAMA’S PAYROLL là đang lĩnh lương do ông Obama trả. Đặc biệt ở Hollywood hay New York thì người ta nói HE IS A RESTING ACTOR như trường hợp Charlie Sheen hiện nay đang thất nghiệp, chưa có ai mướn đóng phim nên đang tạm nghỉ tay.

QA

Thưa anh, khi nói SHE WAS IN THE FAMILY WAY nghĩa là gì? Là cô ấy có gia đình? Hay cô ấy đang sống chung với gia đình?

BBT

Không phải. SHE WAS IN THE FAMILY WAY là SHE WAS PREGNANT, là SHE WAS EXPECTING, là cô ấy có bầu. Cũng có khi người ta nói SHE WAS WITH CHILD. Chuyện kể một thanh niên mời một phụ nữ nhẩy một bài. Người phụ nữ từ chối, chê chàng là con nít và nói I AM SORRY, I DON’T DANCE WITH CHILD. Người đàn ông liền nói … I DID NOT KNOW YOU ARE PREGNANT. Chàng cố tình hiểu TO BE WITH CHILD là TO BE PREGNANT.

LÃM THÚY

Như vậy, lối nói này cũng giống như những IDIOM phải không thầy?

BBT

Đúng vậy. EUPHEMISM dùng rất nhiều IDIOMS và luôn cả tiếng lóng, SLANGS. Thí dụ khi nói SHE HAS A BUN IN THE OVEN cũng như chúng ta nói cô ấy đeo ba lô ngược hay cô ấy mặc áo đình chiến vậy.

Trong Anh ngữ, động tự TO LIE nặng hơn là động tự nói dối trong tiếng Việt. Chỉ mặt ai và nói người đó LIE thì không thể còn là bạn bè với nhau nữa. A LIAR là tiếng nặng lắm. Vì thế người ta cũng tránh dùng động tự TO LIE. Thay vào đó, ngươi ta nói TO STRETCH THE TRUTH nghĩa là kéo dài sự thật hay TO BE ECONMICAL WITH THE TRUTH là tiết kiệm sự thật cũng vậy. Hay nói HE ONLY TOLD HALF THE TRUTH là ông ta chỉ nói một nửa sự thật … thì cũng là nói dối vậy.

QA

Vậy thì trong các sinh hoạt ngoại giao chắc người ta dùng nhiều uyển ngữ lắm phải không anh?

BBT

Đúng như vậy. Thí dụ thay vì nói thẳng nhà ngoại giao ấy là thành phần bất hảo, thì ngôn ngữ ngoại giao gọi người ấy là một PERSONA NON GRATA, tiếng La Tinh nghĩa là một người không được hoan nghênh tại một quốc gia, người không nên cho nhập cảnh vì đã phạm pháp hay làm những việc không phù hợp với tư cách một nhà ngoại giao.

Sau một cuộc họp ngoại giao mà người ta đọc thấy những chữ trong bản tin tường thuật cuộc họp là hai phía đã có một FULL AND FRANK DISCUSSION thì phải hiểu ngay là hai bên đã bất đồng ý kiến, cuộc hội nghị đã không suông sẻ, tốt đẹp. Thảo luận đầy đủ và thành thật thì hai bên phải bất đồng với nhau về nhiều điểm và không che dấu những bất đồng ấy.

Khi không ngoại giao nhưng muốn nói có bất đồng thì người ta nói THE TWO OF THEM HAD WORDS nghĩa là hai bên có lời qua tiếng lại với nhau.

LÃM THÚY

Thưa anh, chúng ta sống trong một xã hội văn minh nên ngôn ngữ cũng phải văn minh trong các giao tiếp với nhau. Nhất là phải ăn nói thế nào để chỉnh về mặt chính trị nữa, tức là phải POLITICAL CORRECT. Ít người còn dùng những chữ như lùn, mù, điếc, trì độn … như trước đây nữa. Con út của bà Palin bị David Letterman gọi là RETARD thì gần như cả nước Mỹ phản đối khiến David Letterman phải xin lỗi. Bây giờ, nếu người ta muốn tránh không dùng chữ RETARD thì phải dùng chữ gì?

BBT

Người ta dùng chữ MENTALLY CHALLENGED.

Cô nói đúng. Hệt như trong tiếng Việt, chúng ta dùng chữ KHIẾM THỊ thay vì nói thẳng ra là mù; dùng danh từ bệnh Hansen thay vì bệnh hủi, bệnh cùi… Thí dụ gọi Hàn Mặc Tử là người bị bệnh phong. Thay vì lùn là SHORT, DWARF… người ta mô tả bằng những chũ VERTICALLY CHALLENGED hay HEIGHT CHALLENGED nghĩa là bị thách đố về chiều cao…

Ngày nay, ngay cả chữ POOR là nghèo cũng phải kiêng và dùng những chữ TO BE DISADVANTAGED thí dụ THE GOVERNMENT HAS A NEW PLAN TO HELP THE DISADVANTAGED.

Chính phủ Nhật đến nay vẫn dùng danh từ ỦY AN PHỤ để chỉ những phủ nữ Cao Ly bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân Nhật hồi đệ nhị thế chiến. Tiếng Anh gọi họ là COMFORT WOMEN trong khi chính xác nhất, phải gọi họ là SEX SLAVE hay nô lệ tình dục.

QA

Thưa anh, danh từ AFRICAN AMERICAN có phải là uyển ngữ không?

BBT

Cô có thể gọi đó là uyển ngữ. Người Mỹ da đen không ưa danh từ NEGROES hay BLACKS, hay COLORED nữa và quay sang dùng AFRO-AMERICANS và AFRICAN AMERICANS trong những năm 70 đến ngày nay.

LÃM THÚY

Thúy có câu này muốn hỏi thầy nữa. Tiếng Anh có nói lái được không và nói lái tiếng Anh là gì?

BBT

Nói lái là SPOONERISM nghĩa là nói theo cách của mục sư người Anh William Archibald Spooner (1884-1930). Thực ra, đây là một cái bệnh tên là MARROWSKY, một bá tước người Ba Lan. Ông Bùi Giáng có thể là người cũng bị chứng này. Bà Hồ Xuân Hương thì cố tình tìm ra những chữ nói lái hiểm hóc để gài vào trong thơ. Có lẽ trường hợp của bà là CONTREPÈTERIE thì đúng hơn. Người ta hoán chuyển những chữ đầu của hai hay ba tiếng để tạo ra những tiếng mới. Tiếng Việt dễ nói lái nhiều hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp. Đây là một câu tiếng Pháp: I A VOLÉ MON VÉLO, trong đó VOLÉ nói lái thành VÉLO. Trong tiếng Anh, LEMON nói lái thành MELON; CHICKEN nói lái thành KITCHEN vân vân.

QA

Anh cho nghe thêm vài thí dụ khác trong tiếng Anh để QA về nhà dọa mấy đứa con cho vui.

BBT

SHAKE A TOWER/ TAKE A SHOWER; TEASE MY EARS / EASE MY TEARS; WAVE THE SAILS/ SAVE THE WHALES; MAD BUNNY / BAD MANEY; FLUTTER BY/ BUTTERFLY; MEND THE SAIL/ SEND THE MAIL; EYE BALL/ BYE ALL; NO TAILS/ TOE NAILS…

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.