August 4, 2011

August 5, 2011

Ngày 1 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Hôm qua tôi đi cắt tóc. Khi rũ tấm vải choàng cho những sợi tóc rơi xuống đất, người thợ đã cắt tóc cho tôi từ sáu năm nay, bỗng đưa ra một nhận xét về đầu tóc của tôi. Cô nói, "Chú, tóc chú năm nay bạc nhiều hai bên thái dương, bạc nhiều hơn năm ngoái rồi đó."

Rồi cô hỏi tôi đã về Việt Nam chơi chưa, và bình luận về tiếng Việt của tôi rằng xa nhà bằng ấy năm, làm cách nào tôi vẫn giữ được tiếng Việt, nói không chêm tiếng Anh vào.

Tôi trả lời cho qua chuyện nhưng chợt thấy là mấy câu hỏi của cô thật kỳ lạ. Đặt bên cạnh nhau, chúng gần giống như một bài thơ Đường mà thỉnh thoảng tôi vẫn đọc một mình. Càng đọc càng thấy thấm thía. Những câu ấy thật giống như mấy câu hỏi của cô thợ hợt tóc:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

Bài thất ngôn tuyệt cú không rõ Hạ Tri Chương làm năm nào. Nhưng chắc phải lúc ông đã già. Ít nhất cũng phải mười hai thế kỷ trước. Toàn bài thơ dùng những chữ giản dị, Trần Trọng Kim nói là những lời nói tự nhiên, không điêu trác.

Thuở nhỏ ra đi, đến lúc già mới về lại quê cũ.
Tiếng quê hương vẫn không thay đổi, chỉ có tóc mai là đang đổi mầu
Trẻ con trông thấy mà không biết ta là ai.
Chúng cười và hỏi ta ở đâu tới.

Hạ Tri Chương xa quê 50 năm. Lúc rời quê, ông khoảng 10 tuổi. Mười tuổi mới là thiếu tiểu. Cộng thêm năm mươi năm, ông về đến quê cũ là 60 tuổi. Như vậy, tóc mai có thưa, có bạc thì cũng đúng.

Trẻ ra đi, già mới trở lại
Tiếng quê vẫn vậy, trắng trên đầu
Trẻ con trông thấy ngỡ người lạ
Cười hỏi cụ ơi, quê cụ đâu

Người cắt tóc cho tôi tự nhiên hỏi đúng câu về chuyến đi không bao giờ làm được. Ít nhất là trong lúc này.

Bài thơ đọc lúc nào cũng xúc động. Cách đây hơn hai mươi năm, bài thơ Hạ Tri Chương đã là cảm hứng của bài thơ này:

Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi lâu không gặp
Đáp khẽ, đi xa mới trở về

Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ

Ô hay tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Đường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng nát lòng

Tôi cũng như ông, đời biệt xứ
Trẻ ra đi, giờ vẫn tha hương
Hai chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.

Chuyến đi vẫn chưa làm được. Vẫn là một chuyến về tưởng tượng. Vẫn như Thôi Đồ:

Hồ Điệp mộng trung gia vạn lý
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam canh
Giấc mơ Hồ Điệp, nhà muôn dặm
Cuốc kêu trăng sáng suốt ba canh…


Ngày 2 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Trong các đài phát thanh, trước mặt các xướng ngôn viên là những chiếc microphone để thu nhận tiếng của các xướng ngôn viên đã đành, thế nhưng ngoài những chiếc microphone đó, người ta còn thấy một cái hộp nhỏ trên bàn, phía trên mặt có một cái nút. Lấy tay ấn cái nút đó xuống thì microphone không thu được tiếng của xướng ngôn viên nữa. Xướng ngôn viên có nói gì, tiếng cũng sẽ không vào microphone để truyền đi trên làn sóng điện tới tai thính giả.

Cái nút ấy, khi bấm xuống cũng còn có thể cắt ngang những điện thoại từ bên ngoài gọi vào và những gì nói qua điện thoại sẽ không được truyền đi nữa.

Cái nút ấy vô cùng quan trọng mặc dù chẳng mấy khi cần dùng tới.

Nó rất hữu dụng khi các xướng ngôn viên cần hắng giọng, đẩy cục đờm nằm trong cổ đi chỗ khác. Hay những khi cảm cúm chưa hết, cơn ho thỉnh thoảng trở lại, chẳng lẽ đang đọc tin lại ho rũ rượi, tiếng ho lẫn vào với bản tin sao đành.

Hay cũng có khi đang đọc, thình lình cần tham khảo với đồng nghiệp về một hai chuyện thật nhanh mà không muốn các thính giả nghe thấy những trao đổi đó thì chỉ việc lấy ngón tay ấn cái nút đó xuống. Tham khảo xong, buông tay ra, tiếng của các xưóng ngôn viên đọc tin hay đọc quảng cáo sẽ lại được truyền đi trở lại.

Cái nút ấy, các hãng sản xuất dụng cụ phát thanh gọi là cough button, cái nút để dùng khi cơn ho nổi lên mà không chặn được. Nó rất cần cho các đài phát thanh, cho các xướng ngôn viên.

Cái cough button, cái nút bấm để dùng khi cơn ho nổi lên.

Nhưng chương trình phát thanh rất tự do của nước Mỹ cũng lại sẵn sàng để cho thính giả đóng góp ý kiến bằng cách dùng điện thoại gọi vào như trong các chương trình hội thoại, tức là các chuơng trình thường quen gọi là talk show của các đài truyền thanh và luôn cả truyền hình. Thính giả gọi điện thoại vào để trao đổi ý kiến với chương trình, để chuyển những thắc mắc tới chương trình, để yêu cầu nhạc, để nhắn tin tìm bạn bè thân nhân...

Thế nhưng không phải tất cả các thính giả đều là những người yêu mến các chương trình của đài. Và cũng không phải tất cả đều yêu quí các xướng ngôn viên của đài. Đó là điều đương nhiên ai cũng hiểu. Không ai làm vừa lòng được tất cả mọi thính giả.

Bá nhân, bá tính. Trăm người, trăm tính. May lắm là được hai, ba chục phần trăm thính giả yêu mến. Trong số còn lại, khoảng trên dưới mười phần trăm là những người vì một lý do này hay một lý do khác không ưa giọng nói này, ghét tiếng nói kia.

Cách biểu hiện chuyện ấy có nhiều cách. Có những bức thư gửi đến đài đưa ra những chỉ trích, phê bình và góp ý xây dựng. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những cú điện thoại gọi vào, ném ra thật nhanh những lời lẽ khiếm nhã, rất khiếm nhã nhắm vào các xướng ngôn viên. Nói rất nhanh, rồi gác máy. Những điều nói rất nhanh qua điện thoại phần lớn là những nhận xét thiếu công bằng, thiếu xây dựng và không có được nét văn minh, lịch sự tối thiểu của một xã hội tiến bộ.

Nó là những cú điện thoại hồ đồ, khiếm nhã, độc ác, tàn nhẫn. Đôi khi các xướng ngôn viên quá sửng sốt và kinh ngạc đến độ không còn tỉnh táo để phản ứng bằng cách bấm cái nút cough button để tránh cho thính giả khỏi phải nghe những lời ăn tiếng nói thô lậu, thiếu lễ độ và bất lịch sự đó.

Chuyện sơ sót, lầm lẫn thì ai mà chẳng có. Như đọc sai tên một thành phố, một nhân vật nước ngoài, sơ sót một vài con số, cấu trúc câu văn không hoàn toàn đúng văn phạm vân vân. Các xướng ngôn viên của các đài đều đã phạm phải.

Nhưng cũng không cần phải cầm cái điện thoại lên, gọi vào đài, ném ra thật nhanh vài ba câu lăng mạ rồi gác máy bỏ chạy.

Cái nút mà các xướng ngôn viên không ấn xuống kịp và làm bẩn tai của quí thính giả còn được gọi trong thuật ngữ truyền thanh ở Mỹ là cái obscene button, cái nút để ngăn những cú điện thoại tục tĩu.

Vì những cú điện thoại nặc danh, khiếm nhã, bất lịch sự ấy thực ra phải gọi là những cú điện thoại tục tĩu mới phải, và gọi thế mới đúng như tên gọi cái nút obscene call trong phòng vi âm của các đài phát thanh.


Ngày 3 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Tự nhiên mà đem chuyện chết chóc ra nói thì rất không nên, nhưng bài viết này không nói đến những chuyện không may mà chỉ xin nói đến những chuyện vui quanh những cái chết.

Benjamin Franklin, một trong những người sáng lập ra nước Mỹ nói rằng trên đời chỉ có hai điều chắc chắn không ai thoát được. Đó là chết và thuế. Không ai ra khỏi cuộc đời này mà không chết. Và cũng không ai sống ở nước Mỹ mà thoát được chuyện đóng thuế. Chuyện chết là chuyện tất nhiên. Thần chết không nghỉ ngày nào cả. Giáng Sinh, năm mới, Tết nhất... thần chết làm việc không bao giờ nghỉ.

Làm như thần chết mới đúng là làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ, làm kỹ mới thôi, làm rồi … làm lại.

Thế thì tại sao lại kiêng nói chuyện chết?

Có khi nói chuyện chết mà nghe sung sướng hạnh phúc đến lịm người. Thí dụ hai người yêu nhau, đang ngồi nhìn về cùng một phía như Saint Exupery một lần đã viết: yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một phía.

Đang ngồi với nhau nhìn cùng về một phía thì người này nói với người kia rằng "Em để cho anh chôn em nhé." Nghe vậy, người bình thường và khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn ai mà chẳng hét lên rằng sao đang yêu nhau lai nói chuyện chết chóc, chôn cất, mai táng ra như thế.

Nhưng nghĩ lại một chút thì đó chính là một câu tỏ tình hay tuyệt, một lời hứa như người ta vẫn hứa với nhau tại lễ cưới. Đó là hứa sẽ ở với nhau đến lúc chết. Chỉ có chết mói chia lìa được đôi ta. Until death do us part.

Phải ở với nhau mãn đời, mãn kiếp thì anh mới chôn được em chứ. Câu nói có nghĩa là như thế.

Nếu muốn chắc ăn hơn, tránh bị bẻ queo, xuyên tạc ra thành anh định chờ cho tôi chết để chôn thật nhanh cho rảnh nợ hả, thì nói thêm rằng nếu anh không chôn được em thì em chôn anh nhé.

Thế là tốt đẹp cả. Chồng sống thì chôn vợ. Vợ sống thì chôn chồng. Hạnh phúc cho đến lúc cuối đời.

Những cặp lãng mạn hơn thì nói với nhau rằng đã không được sinh ra cùng ngày, thì xin được chết cùng ngày, cùng giờ vậy.

Nhưng mấy ai làm được đúng điều đó. Cũng có vài ba trường hợp một người đi trước, người kia quá xúc động, tuổi tác đã cao, máu nhồi cơ tim dồn dập và đi theo luôn.

Nhưng như người ta vẫn nói: Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ.

Chuyện những hồn phiêu bạt muôn năm cũ nay đã về chung một chỗ nằm như trong thơ Đinh Hùng thì khó lắm.

Jacqueline Bouvier Kenndy khi qua đời được đưa về chôn cạnh cố tổng thống Kenndy ở nghĩa trang quốc gia Arlington. Nhưng đó chỉ là chôn cạnh chứ không chung một mồ.

Tưởng tượng huyệt vừa lấp thì một ông già bước tới hỏi ngay "Bà đi những đâu kể từ năm 1964 nói tôi nghe coi." Thế là phải kể ra những Oanassis, những Kempelman, cùng vài ba người đàn ông khác thì chuyện gặp lại cũng mất vui đi nhiều.

Chỉ khi nào hai người chết cạnh nhau cùng một lúc như Romeo và Juliet thì may ra chuyến đi về bên kia mới không có những chuyện lấn cấn.

Cũng có khi vừa được hạ huyệt, thì người đi trước đã ở một hoàn cảnh khác, xuất hiện cạnh một khuôn mặt chưa thấy bao giờ thì cũng khó nói.

Các nhà khảo cổ khi đào bới một khu phế tích ở gần thủ đô Roma của Ý đã tìm thấy hai bộ xương nằm cạnh nhau trong một tư thế rất tình tứ. Hai bộ xương quay mặt vào nhau. Những cánh tay trong tư thế ôm chặt lấy nhau. Chân của hai người cũng gác lên nhau. Các nhà khảo cổ cho biết cả hai còn rất trẻ, tuổi tác có thể chỉ khoảng dưới ba mươi và nhất định phải là một cặp nam nữ.

Embracing skeletons

The skeletons' bones were discovered interlaced

Khu phế tích được khai quật, theo các nhà khảo cổ học, phải có từ thời tân thạch khí, thời đại bắt đầu khoảng mười ngàn năm trước. Hai bộ xương, theo những ước lượng sơ khởi, phải nằm ở đó từ 5 đến 6 ngàn năm.

Tại sao hai ngưòi lại đến nằm chết bên nhau trong một tư thế âu yếm như thế? Bí mật đó nằm trong những cuộn não nay đã biến thành cát bụi. Chỉ còn hai bộ xương câm nín. Ở thời đại mà hai người sống, ngôn ngữ, tư tưởng chưa phát triển nhiều. Tình yêu có thể có, nhưng một thứ tình yêu lãng mạn đến độ hẹn nhau chết cùng một lúc thì hơi khó. Đời sống vẫn còn nhiều bất trắc, chuyện sống còn, lo cho cái dạ dầy chắc quan trọng và được nghĩ tơi nhiều hơn là yêu nhau một cách lãng mạn kiểu đồi thông hai mộ như chúng ta bây giờ.

Nhưng tại sao lại ôm nhau chết âu yếm như thế? Một trận dịch kéo qua, cả làng chạy được, chỉ còn hai người, một trong hai bị bệnh, ngưòi kia ở lại không nỡ bỏ đi nên nằm xuống bên cạnh để cùng chết? Nếu đúng là như thế thì đây có thể là cái chết lãng mạn đầu tiên của thế giới loài người chăng? Mong là toán khảo cổ sau khi xem xét và thí nghiệm hai bộ xương này sẽ để lại những mảnh xương ở chỗ cũ để hai người chết cùng nhau được yên giấc ngàn thu như họ đã đưọc yên giấc hơn 5 ngàn năm qua.


Ngày 4 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Tội nghiệp ông Tú Xương. Ông mà còn sống thì ông đã không phải thốt ra mấy câu than vãn nghe bi thảm để cực tả cảnh quần áo của ông và mấy người con:

Một đàn rách rưới con như bố

Bây giờ, rách rưới là mốt đấy thưa ông Tú.

Ngày xưa, thời của ông cũng như khoảng vài chục năm trước, thời của chúng tôi, quần áo lúc nào cũng phải tươm tất sạch sẽ, ủi thẳng nếp.

Ngày ấy, ở đại học, vào phòng ăn phải có jacket, ca vát. Thiếu những thứ ấy thì không được vào.

Áo quần lúc nào cũng phải đẹp. Cái áo sơ mi sờn cổ thì phải vứt đi kiếm cái khác. Rách rưới là không được, là như cha con ông Tú, là bầy ra cảnh bần hàn ngay.

Quần áo có miếng vá là không mặc ra ngoài đường. Đôi bít tất thò ngón chân ra là tối kỵ.

Thế rồi cuối thập niên 50 qua đầu những năm 60, mốt Zazou tràn đi từ Âu châu đi khắp nơi, tiếp nối bằng thời trang của Hippy, quần áo càng ngày càng mất đi nét sạch sẽ tươm tất.

Dần dần, quần áo của tuổi trẻ càng ngày càng quái dị.

Rách càng đẹp, nhầu nhẹt càng hay.

Ban The Beatles trong mấy năm đầu khi vừa nổi tiếng, quần áo rất đẹp. Nhưng rồi những kiểu quần áo đẹp đó bị dẹp để thay bằng những thứ quần áo kỳ lạ.

Đến ban The Rolling Stones thì quần áo không còn tươm tất như trước nữa. Mick Jagger thì áo thun, quần jeans nhẩy đùng đùng, lăn lộn trên sân khấu, Keith Richards chỉ áo maillot, quần jeans rách, đầu quấn cái khăn, điếu thuốc lá trễ trên môi, xấu trai và trông độc ác như một con quỉ.

Nhìn ban The Rolling Stones ở trên sân khấu thì người ta không biết ban nhạc kiếm rất nhiều tiền này có bao giờ phải mua quần áo hay không.

Lối ăn mặc như vậy bây giờ đi đâu cũng thấy.

Những lần vào mấy cái mall ở đây, tôi không hiểu tại sao người ta vẫn đi mua quần áo, vì những quần áo họ mặc thì dường như không cần phải vào Macy’s, Bloomingdale, Saks 5Th Avenue … mới kiếm ra.

Áo thun, quần jean rách đã trở thành quần áo thời trang của những phụ nữ tay xách, nách mang từ những cửa hiệu quần áo đắt tiền bước ra.

Họ mua quần áo để mặc vào lúc nào trong khi đi mua sắm ngày chủ nhật, tất cả đều mặc những thứ quần áo như vừa chạy thoát trận bão , không thì cũng như sống sót trở về sau thiên tai sóng thần ở Nhật Bản .

Tiếng Pháp có động từ endimancher là mặc quần áo ngày chủ nhật, là mang trên người những quần áo đẹp nhất, là lên khung cho ngày chủ nhật.

Nhưng ngày nay, động từ này không còn đúng nữa, không còn mang nghĩa mặc quần áo đẹp cho ngày chủ nhật nữa.

Rồi ra, động từ endimancher sẽ mang nghĩa là quần áo dơ dáy, rách rưới để mặc trong ngày chủ nhật.

Không còn quần áo đẹp như Gregory Peck, như Sean Connery, như Humphrey Bogart, như Fred Astaire, như Maurice Chevalier nữa .

Tại một party mới đây, tôi gặp một phụ nữ trẻ với chiếc quần jeans rách bươm ở hai đầu gối và chiếc áo sơ mi mà có vo viên, nhét vào góc kẹt như trò lười biếng hồi tôi còn ở trong học xá cũng không thể nhầu nhẹt như thế.

Tưởng điện bị mất vì mưa bão hay cái bàn ủi nhà cô bị hỏng. Nhưng cái nhăn nhúm, nhầu nhẹt của chiếc áo thì rõ ràng không do vo viên lại , nhét dưới nệm giường mà có được như thế.

Chắc chắn phải là thời trang mới.

Tôi tiếc công lao của những năm trước, sáng sáng phải lôi cái sơ mi trong đống quần áo giặt ra, dẫu cho chỉ để ủi cái cổ và ngực áo, khu vực mà chiếc jacket không che được để tươm tất ra đường.

Bây giờ thì quần jean rách đầu gối, áo sơ mi nhầu nát như da mặt của Brigitte Bardot trong bức hình mới nhất của cô.

Tôi đã phí không biết bao nhiêu thì giờ để ra đường không làm hoảng hốt người qua lại.

Và đầu tóc thì tại sao phải mỗi sáng nửa chai keo để giữ những sợi tóc khỏi vùng lên cách mạng.

Bây giờ, mái tóc phải làm thế nào như chủ của nó vừa bị lôi ra khỏi giường mà không cho đánh răng, rửa mặt, chải cái đầu, rẽ đường ngôi cho thẳng trước khi đẩy ra đường .

Tóc phải chổng ngược, dựng đứng, càng rối càng tốt. Và đến nay, tôi vẫn chưa thấy được điều gì gọi là đẹp trong những cái quần hai ba người có thể mặc chung mà vẫn không thấy chật, những cái đũng ở ngang đầu gối, những cái áo thun dài gần tới mắt cá chân, cái mũ len đội che kín tai, vừa đi vừa nhún nhẩy, hai tay xỉa xỉa như Snoopy Dogg trong những lúc xấu trai và thô bỉ nhất.

Càng ngày càng thấy ông Mai Thảo nói đúng:

Thế giới có triệu điều không hiểu


Ngày 5 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Mấy tuần trước, một người bạn chuyển cho tôi xem mấy bức ảnh chụp một khu nhà xây cất rất đẹp ở Bình Dương, mà nếu không đọc những giòng phụ đề ở dưới thì người xem đã vội mừng thấy đất nước có thêm một khu phố đẹp. Nhưng xem những lời chú thì thấy đó là một khu dành cho người Hoa mang tên là Đông Đô Đại Phố.

Và như vậy, nhà đẹp, biệt thự sang trọng ở ven Hồ Tây thì là của cán bộ cao cấp. Khu phố ngăn nắp sạch sẽ ở Bình Dương thì là của Tầu. Nhà ổ chuột bẩn thỉu ở khắp mọi nơi thì vẫn là của người dân Việt Nam khốn khổ.

Nhưng cảnh Đông Đô Đại Phố ít ra cũng không làm cho người xem phẫn nộ bằng những bức ảnh chụp một kiến trúc mới xây cất ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ thuộc thành phố Đà Lạt. Kiến trúc này là một đoạn tường khá dài, khoảng vài trăm mét, xây theo kiểu Vạn Lý Trường Thành, lại có cả những bức tượng rập khuôn những pho tượng lính gác tìm thấy ở mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An. Sợ những người đến thăm không biết, người ta còn gắn một tấm bảng viết những chữ "Bất Đáo Trường Thành Phi Hảo Hán", chưa tới được Vạn Lý Trường Thành thì chưa thể được coi là hảo hán.

Những người xây dựng kiến trúc này rõ ràng muốn cho mọi người biết đó là công trình rập khuôn một địa điểm ở Trung quốc.

Không hiểu những con chó dại nào đã chấp thuận công trình xây cất chửi cha tổ tiên của chúng ta ngay tại thành phố đẹp nhất của Việt Nam. Chúng nó ăn bao nhiêu tiền để ký giấy cho phép xây dựng bức tường ô nhục đó trên lãnh thổ Việt Nam vào lúc vẫn tiếp tục diễn ra những trò khốn nạn lấn biển, chiếm đất, tấn công các tầu của ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải của Việt Nam. Bức tường ô nhục đó không xây ở vùng thác Bản Giốc, tại những vùng lãnh thổ mà Bắc kinh chiếm được hay được bọn chó ở Hà Nội kính cẩn dâng tặng, mà ở tuốt tận phía Nam của Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng thất bại vì tay Mã Viện. Tên tướng Tầu này dựng một chiếc cột đồng lên với hàng chữ Đồng Trụ Chiết Giao Chỉ Diệt vừa hăm dọa vừa hỗn sược trước khi rút về Tầu để khởi sự một giai đoạn Bắc thuộc mới.

Người dân Giao Chỉ đi qua ném một cục đá, một hòn đất, ý là để cho cây cột khỏi đổ, nhưng chính ra là để chôn cây cột với lời lẽ hỗn láo đó. Cây cột nay không biết nằm ở đâu.

Ở Hà Nội trước năm 1945, người Pháp dựng một bức tượng nữ thần Tự Do, khoảng 1/16 bức tượng ở lối vào New York ngay đỉnh tháp Rùa giữa hồ Gươm. Sau đó, tượng được đua tới vườn hoa Cửa Nam . Năm 1945, mặc dù tượng bà Đầm Xòe không hề tượng trưng cho chế độ thực dân Pháp, nhưng vẫn bị dẹp, và bây giờ cũng không biết bà Đâm Xòe ở đâu nữa.

Nhưng nay, một trò nô dịch bẩn thỉu, nhục nhã mới khác được bọn chó bọ cho dựng lên ở Đà Lạt. Khó có thể nghĩ là không có bàn tay của một tên Tầu nào đó. Một số tiền được đưa ra lót tay cho mấy con chó nô dịch là có ngay giấy phép xây cất. Và Bắc kinh có được một hình ảnh của Trung quốc ngay ở Việt Nam cho du khách đến chiêm ngưỡng, leo lên để thành … hảo hán.

Báo chí trong nước đã có bài thắc mắc về bức tường này. Nhưng vẫn chỉ là thắc mắc chưa có sự giải thích nào về bức tường ô nhục đó. Du khách , chắc cũng có cả những người ở nước ngoài kéo đến thăm, chụp hình mang về Mỹ, Pháp, Úc … để khoe bạn bè về chuyến đi.

Tại sao không có những hòn đá ném vào bức tường để chôn lấp nó đi? Tại sao không kéo tới phá tan tành cái mả mẹ mấy thằng chó ở Hà Nội đi?

Ngày xưa, trước năm 1975 nhất định không thể có một bức tường khốn nạn như thế.

Đọc lại những câu trong Hịch Tướng Sí của Trần Hưng Đạo mà điên người lên.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


lophocanhngu
Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 108)

UNPRONOUNCED LETTERS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 108 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Hôm nay Thúy xin nhờ thầy phân giải hộ một chuyện tranh chấp của Thúy và mấy đứa con ở nhà. Mấy quả trứng vịt này lại nhất loạt cho rằng mẹ vịt không khôn bằng chúng nó. Cả ba đứa xúm lại chê Thúy đọc tên của tháng Hai bằng tiếng Anh. Thúy đọc FEBRUARY đầy đủ cả hai chữ "R". Lũ con thì nói là chữ "R" thứ nhất, tức là sau chữ "B" không đọc. Thầy nghĩ sao? Thúy đúng hay lũ con đúng?

BBT

Lần này cả trứng vịt lẫn mẹ vịt đều đúng cả. Đọc cả hai chữ "R" cũng đúng mà đọc một chữ, bỏ một chữ cũng đúng.

QA

Thưa anh, những trường hợp viết thì có, đọc thì không như trường hợp chữ "R" mà Thúy vừa nêu lên có nhiều không?

BBT

Trong Anh ngữ có khá nhiều trường hợp như thế. Người ta gọi những chữ có viết nhưng không đọc là SILENT LETTERS. Có những qui luật của nó nhưng tôi nghĩ là cứ dùng quen đi rồi nhớ chứ tìm cách nhớ những qui luật thì mệt quá. Tôi sẽ chỉ nêu một số trường hợp chúng ta hay gặp mà thôi chứ kể hết ra sợ là không đủ thì giờ.

LÃM THÚY

Anh cho biết tại sao người ta lại không đọc những chữ ấy lên trong khi viết thì lại viết đầy đủ?

BBT

Có nhiều lý do. Thứ nhất, cách đọc thay đổi, biến dạng đi trong khi chữ viết thì không. Thứ hai là trong trường hợp tiếng Anh mượn của các ngôn ngữ khác thì người ta giữ lại cách viết nguyên thủy nhưng lại đọc lên theo kiểu của người Anh. Thêm nữa, lại còn tùy nơi , tùy địa phương nữa. Có khi người Úc, người Anh đọc đầy đủ nhưng người Mỹ thì không hay ngược lại. OFTEN có thể bỏ chữ "T" đi nhưng ngày nay, nhiều người đọc cả chữ "T" nữa. Cả hai cách đọc đều đúng. Nhưng SOFTEN, LISTEN và CASTLE thì không bao giờ đọc chữ "T". Cũng có khi bỏ luôn cả hai chữ thì sao? Như danh từ COLONEL chẳng hạn. Khi nói, người ta bỏ luôn hai chữ "LO".

QA

Có thể nói là chữ "K" không bao giờ đọc lên nếu nó đứng ở đầu và theo sau là chữ "N" không?

BBT

Có thể. Các tiếng như KNEE, KNOW, KNOCK, KNACK, KNIGHT, KNIFE, KNIVES, KNOWLEDGE… Trong các tiếng vừa kể, tất cả các chữ "K" đều không đọc lên. ACKNOWLEDGE không đọc chữ "K" mặc dù nó không đứng đầu.

LÃM THÚY

Mấy tuần trước, danh từ này cũng thường được nghe lắm. Đó là DEBT với chữ "B" không đọc.

BBT

Đúng rồi. Thúy cho nghe một thí dụ với DEBT coi.

LÃM THÚY

WE ARE INDEBTED TO THE US GOVERNMENT FOR HELPING US WHEN WE FIRST CAME HERE.

QA

Còn có những trường hợp khác chữ "B" không đọc không thưa anh?

BBT

Có, đó là LAMB nghĩa là thịt cừu hay con cừu non; COMB là chải tóc hay cái lược; TOMB là mộ phần; DOUBT là hoài nghi…

QA

Và BOMB như trong SUICIDE BOMBER ở Iraq hay B-52 BOMBER trong chiến tranh Việt Nam. Như vậy, các chữ "B" này đều không đọc phải không thưa anh? QA xin đưa ra một thí dụ nhé: HANOI WAS BOMBED IN 1972. THE BOMBING OF HANOI WAS CARRIED OUT BY HUNDREDS OF B-52 BOMBERS.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ chúng ta thử nghe cô Thúy coi.

LÃM THÚY

ONE OF MY CUSTOMERS ALWAYS CHANGES THE WAYS HE COMBS HIS HAIR. Thưa anh, danh tự và động tự PLUMB có đọc chữ "B" ở cuối không? Hình như không vì Thúy vừa tốn ít tiền cho ông thợ sửa ống nước để sửa hệ thống ống nước của nhà Thúy. Thúy nghe loáng thoáng PLUMBING, PLUMBER phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Trong danh từ BEACHCOMBER chữ "B" cũng không đọc.

Chữ "B" của CLIMB cũng không đọc vì thế CLIMBER, CLIMBING đều … bỏ "B" luôn.

Đó là "B" bò của cô QA. "B" phở tức là "P" của Bắc kỳ cũng không được đọc lên trong trường hợp PSYCHOLOGY, RASPBERRY, RECEIPT và CUPBOARD.

QA

Trường hợp này thì QA mới biết, đó là chữ "L" trong con cá hồi nhân bữa đi ăn sushi với mấy đứa con. SALMON đọc như … ông sa môn phải không thầy?

BBT

Chữ "L" cũng không đọc lên như trong các trường hợp COULD, SHOULD, WOULD, TALK... Nhưng trong danh từ SOLDER nghĩa là hàn thì đọc hay không đọc chữ "L" đều đúng. Tuy vậy, SOLDIER là người lính thì phải đọc chữ "L".

Bây giờ qua chữ "G". Hai cô chắc đều đã biết các danh tự này: FOREIGN, SIGN, HEIGHT, THOUGHT, WEIGHT.

LÃM THÚY

Thúy cũng bị các con bẻ bai khi có lần đi chợ với chúng nó. Thúy hỏi kiếm mấy hộp tuna ở AISLE nào thì bị sửa lưng ngay là không đọc chữ "S". Thúy quê quá. Ai mà biết AISLE cũng như ISLAND, ISLANDER, ISLET…

QA

QA không bị trường hợp của Thúy nhờ nghe Patti Page hát bài I WENT TO YOUR WEDDING trong đó có câu YOU CAME DOWN THE AISLE, WEARING A SMILE…. QA cũng nhớ được VISCOUNT và VISCOUNTESS là tử tước nhờ coi đám cưới của Kate và William.

BBT

Nhắc đến William làm tôi nhớ chữ "W". Chữ này cũng không đọc trong các trường hợp WRAP, WRING, WRITE, WROTE, WRITTEN, WRONG, WREN, WRECK, WROUGHT

LÃM THÚY

Trường hợp AUTUMN cũng kỳ cục, nhất định thêm chữ "N" vào cuối để rồi không đọc . Cũng như chữ HYMN vậy.

BBT

Vậy cũng đã là tạm đủ về các SILENT LETTERS chưa hai cô?

QA

I AM UNDERSTANDING IT NOW.

LÃM THÚY

Hình như chị QA nói sai rồi. Thúy nhớ động tự TO UNDERSTAND không thể dùng trong các thì CONTINUOUS, tức là các thì liên tiến phải không thầy?

BBT

Cô Thúy nói đúng. Đó là một trong những động tự không thể "từ tôi phút trước sang tôi phút này được." Thí dụ hiểu là hiểu, hay không hiểu . Không thể có trường hợp đang hiểu, một hai phút sau, lại không hiểu. Cũng như hoặc là yêu, hoặc là không, không thể nói I AM LOVING IT như trong một quảng cáo của hamburger McDonalds được. Không thể nói HE IS HAVING ONE CHILD được. Không lẽ lúc này, ông đang là "trai một con trông mòn con mắt", hai phút nữa ông ấy không còn là trai một con nữa hay sao. Chuyện ông ấy là trai một con cũng phải được cho lâu lâu một chút có đúng không hai cô?

QA

Như vậy, động tự TO LIKE cũng không thể dùng trong các thì CONTINUOUS TENSES phải không, thưa anh? Không thể nói HE IS LIKING COFFEE được. Có tiếng nào để gọi chung các động tự này không ?

BBT

Có. Các sách văn phạm gọi chung các động tự đó là STATE VERBS hay STATIVE VERBS hay NON-PROGRESSIVE VERBS. Chỉ cần suy nghĩ một chút, chúng ta cũng thấy động tự TO KNOW cũng là một động tự STATE VERB. Không ai nói I AM KNOWING MISTER McKENZIE bao giờ. Biết, quen ai thì cũng lâu lâu một chút. Không ai "vừa mới quen nhau đã lạ lùng" như cảnh ông Tú Xương phải giả bộ không biết, không quen cụ Phan Bội Châu khi gặp nhau ngoài đường vì sợ mật thám Pháp bắt bỏ tù hết cả hai người. Theo cô Thúy thì động tự TO BELONG nghĩa là thuộc về có thể dùng trong thì CONTINUOUS không?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ là không vì không thể nói THE MAKE UP KIT IS BELONGING TO ME được. Cái hộp son phấn, vật bất ly thân là của Thúy từ mấy năm nay, bây giờ cũng vẫn còn thuộc về Thúy, và chắc tuần tới, tháng tới cũng vẫn còn…

BBT

Không còn thì lấy gì để mà điệu được. Cô hoàn toàn đúng.

QA

QA nghĩ hai động tự TO REMEMBER và TO FORGET cũng không thể dùng trong các thì CONTINUOUS được. Không thể nói là đang nhớ bây giờ, lát nữa là những cuộn não đóng cửa, không nhớ, không quên nữa. Hồi nẫy anh nói TO LOVE dùng như cái quảng cáo của McDonalds là cách dùng không đúng văn phạm. Nhưng tại sao công ty McDonalds lại dùng nó đầy đường, cùng khắp mọi nơi?

BBT

Muốn có được sự chú ý của mọi người, quảng cáo nhiều khi phải tạo xúc động, bất bình, gây tranh cãi. Đó là lý do tại sao McDonalds dùng I AM LOVING IT! để quảng cáo. Cũng như trong câu quảng cáo du lịch Australia hồi năm 2006 đã dùng luôn cả những tiếng chửi thề: SO WHERE THE BLOODY HELL ARE YOU? để gây chú ý nơi người đọc.

LÃM THÚY

Vậy thì các động tự này cũng không thể dùng với CONTINUOUS TENSES : TO LIKE, TO PREFER, TO DISLIKE, TO HATE …

QA nghĩ TO OWN, TO SEEM, TO NEED, TO MEAN cũng trong danh sách các động tư STATE VERBS.

Nhưng thưa anh, nói I AM HAVING DINNER có được không?

BBT

Được chứ, vì khi nói như thế, TO HAVE DINNER nghĩa là TO EAT DINNER, không có nghĩa là tôi đang sở hữu bữa tối. Nói I AM HAVING A CAR thì sai. Không ai ăn cái xe cả, cho dù đó là cái Lexus mới tinh vừa ở dealer mang về.

LÃM THÚY

Như vậy là còn tùy ý nghĩa của động tự đó nữa. Với nghĩa này thì dược. Với nghĩa kia thì không. Động tự TO SEE là trường hợp đó phải không thưa anh? Thí dụ không thể nói I AM SEEING A BEE. Nhưng nói HE IS SEEING HER NOW thì được .

BBT

I AM SEEING A BEE là tôi đang thấy con ong. Tôi không chú tâm, không nhướng mắt lên mà vẫn thấy. Nói I AM LOOKING AT A BEE thì được. Việc trông , nhìn con ong là có sự cố tình, cố ý, khác với I AM SEEING A BEE. Nhưng khi nói HE IS SEEING HER thì được vì TO SEE ở đây có nghĩa là anh ấy đang hẹn hò đi chơi với cô ấy, HE IS DATING HER.

Tương tự, chúng ta không nói SHE IS HEARING HIM nhưng nói SHE IS LISTENING TO HIM thì được.

LÃM THÚY

Thế nói thế này có đúng không thưa anh: SEEING IS BELIEVING ?

BBT

Đúng, vì SEEING và BELIEVING là danh động tự, là GERUNDS xuất xứ từ hai động tự TO SEE và TO BELIEVE. Ý nghĩa của nó gần gần như câu chưa thấy quan tài chưa đổ lệ của chúng ta vậy.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.