July 28, 2011

July 29, 2011

Ngày 25 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.

Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nước ra đi.

Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.

Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.

Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.

Nước Mỹ được cái là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là "the sky is the limit", nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.

Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưởng tượng ra được.

Tại những đám cưới sang trọng, đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ thì bao giờ cũng có cảnh người ngồi dự tiệc là người Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, đặt được chiếc va ly, gói hành lý xuống đất, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở nút những chai rượu. Mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.

Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương sáng lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưởng tượng những người ấy trong những chuyến đi tới nước Mỹ trước đây, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.

Những tin tức tiếp tục làm xao động nước Mỹ là tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ.

Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong những việc dễ kiếm nhất, là việc bồi bếp ở các tiệm ăn.

Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những người làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.

Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.

Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.

Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói "không dám" hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.

Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nước, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nước, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam làm chung trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.

Nhưng không phải người di dân lậu nào cũng làm những việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.

Nhìn những người thoáng cũng biết là Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu người Việt. Mấy tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chuyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.

Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.

Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.


Ngày 26 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Tuần trước, một nhật báo ở đây có viết một bài khá dài về một số sinh vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một vài giống cây, một giống cóc, một giống chim và một loài chuột . Tất cả đều có thời sống đông đảo ở khắp California. Chính phủ tiểu bang muốn giúp những sinh vật này thoát cảnh những con chim hồng, chim lạc của Việt Nam, mà con cháu của những con chim này ngày nay chỉ được nghe nói lơ mơ về tổ tiên của mình, lắm lúc nhớ cội nguồn, muốn xem lại hình ảnh hai giống chim này, là lại phải vật cái trống đồng ra coi những hình khắc trên mặt trống.

Nhà cầm quyền tiểu bang không cho xây vài con đường, hạn chế khai thác tài nguyên ở một số vùng để cho những giống cây, những giống côn trùng, cá, thú rừng có cơ hội cuối cùng sống tiếp, may ra vài ba năm, một chục năm sau, chúng mọc được thêm, sinh đẻ nhiều ra, thì người ta lại được phép săn bắn, đẵn đẽo như loài bò rừng hiện nay hay loài gấu ở miền đông.

Nhưng không thấy bài báo đả động gì đến một thành phần tôi nghĩ cũng đang càng ngày càng hiếm thấy, đã lâu không còn gặp, sợ là đang trên đường tuyệt chủng hay bị đe doạ tuyệt chủng.

Có một thời, những thứ này đông đảo lắm. Thực ra phải nói rõ hơn, là những người như thế nhiều lắm. Nhưng càng ngày càng ít gặp. Lúc đầu thì thưa thớt. Bây giờ thì kiếm mỏi mắt cũng không ra.

Hay là lại biến thành trường hợp của "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ" mất rồi?

Đó là những người đàn ông và những ngươi đàn bà phi thường , không sống những cuộc đời nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt… thí dụ như tôi chẳng hạn. Tôi không dám lôi những ngươi khác vào hàng ngũ của mình vì chưa xin được phép, chưa có sự đồng ý.

Những người này trong thơ, văn, nhạc nhắc đến rất nhiều. Họ rất khác những con người tôi vẫn gặp hàng ngày, và khác tôi thì lại rất, rất nhiều.

Đó là những người ai trong chúng ta nhìn quanh cũng thấy, với cuộc sống không có bất cứ gì đáng để nói, đáng để ghi lại thành nhạc, thành thơ.

Sáng tờ mờ đã bị cái đồng hồ báo thức khủng bố nhất định không cho tiếp tục mưu cầu hạnh phúc với cái giường như hiến pháp của Hoa kỳ đã bảo đảm và ghi rõ. Ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở ra cửa nhặt tờ báo vào, pha ly cà phê, vặn cái TV lên xem hôm nay mấy tên khốn nạn ở Bắc kinh, ở Bắc Bộ phủ đã chết chưa, các ngài trong bộ chính trị dấu ở nhà bao nhiêu tiền, để mấy em vợ bé, đào nhí ở đâu và bao giờ đi theo các ông Kác Mác , Lê Nin như có một người đàn ông từng viết di chúc để lại. Rồi sửa soạn đi làm để đối mặt với một anh chủ hắc ám vừa dữ vừa xấu trai, trưa chạy ra đầu đường gặp ông đầu bếp McDonalds nửa tiếng rồi trở lại sở, đau khổ đến lúc về thì lại ngồi trong dòng xe kẹt cứng trên xa lộ 405, về nhà, ghé những chỗ chuyên môn cơm đường cháo chợ trước khi về nhà làm tiếp một số việc rồi đi ngủ để sửa soạn sống tiếp một ngày mai nhàm chán hơn.

Vậy mà những người thơ văn, âm nhạc ghi lại suốt bẩy ngày không làm bất cứ một chuyện gì khác là "tôi chờ người đến với yêu đương".

Bẩy ngày cứ rã rượi ra chờ cho đến thứ bẩy để làm một số chuyện nhiều người với cái thời biểu làm việc kể sơ sài ở trên không bao giờ làm được.

Bài hát có mấy câu đại khái về một người phụ nữ cả bẩy ngày, không làm bất cứ gì hết, chỉ đắm trong bể ái ân của chàng. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Bẩy ngày nàng chỉ chờ chàng tới. Nàng để ý biết chàng thích mầu nào thì mặc cho chàng cái áo mầu ấy.Chàng cũng vậy, không thấy nói đi làm, đi học hay đi lính đánh Việt Cộng gì hết, cứ ngày nào cũng chờ chờ đến giờ là xẹt tới nhà nàng, bất kể sáng trưa chiều tối.

Trời ơi, tại sao lại có những người sống được những cuộc đời huy hoàng, oai hùng, lãng mạn và đẹp như thế.

Những người đàn ông thì "năm năm lại muốn làm khăn gói" để đi giang hồ. Đi giang hồ đến gần Tết thì kiếm cái gác trọ nào vào ở tạm vài hôm để " Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang". Vài hôm sau , lại lêu bêu ra bến sống cho em bé điên cuồng vì hình ảnh "Người ấy bên sông đứng ngóng đò".

Tại sao ngày xưa người ta sống oai như vậy ?

Nhớ bài The Way We Were của Barbra Streisand có câu: Có thể nào đời sống thời ấy bình dị như thế/ Hay thời gian dã viết lại mọi thứ?

Tại sao những người oai hùng đó không bao giờ phải khổ vì mấy cái bill như chúng ta ngày nay. Cứ áo phong sương , chiều thứ bẩy lại thăm, em bé mặc áo xanh, mầu chàng thích...

Chao ôi là sướng, mà sao chúng ta khổ như thế này hở Trời?

Nhưng áo phong sương trên gác trọ với cô bạn cứ rã rượi lãng mạn cuối muà thì chúng ta có chịu sống như thế không? Có phải vì vậy mà các chàng và các nàng tuyệt chủng rồi không?


Ngày 27 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Ai có gọi tôi là cực đoan thì tôi xin chịu. Tôi biết tôi bị cái bệnh không chữa được mà hai câu ca dao này nói rất đúng:

Yêu ai yêu cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng

Đã ghét thì mặt đất có cái vết chân của người không ưa cũng ghét.

Ghét như đào đất đổ đi là như vậy.

Đó là dưới đất. Trên trời thì đội trời chung là không được.

Bất cộng đái thiên, không đội trời chung có thể hiểu theo hai cách. Cách mà chúng ta thường hiểu là hai người có những mối thù ghê gớm lắm đến độ phải giải quyết bằng cách một trong hai phải chết, phải ra đi như trong các truyện kiếm hiệp. Nhưng câu này cũng có thể hiểu được là hai bên không ưa nhau, nên đội chung một bầu trời, thở chung một thứ không khí, đạp chung một mặt đất là khó chịu, là không vui, là bực bội nhất định phải bỏ đi một nơi khác.

Hiểu theo cách thứ hai không quá sắt máu, không đòi phải giết phía bên kia. Nhưng ở gần, ở chung một bầu trời, một lãnh thổ, là chịu không được.

Alec Baldwin, một diễn viên điện ảnh Hollywood là người không ưa ông Bush. Trong lần ông Bush tranh cử nhiệm kỳ 2, Alec Baldwin có nói rằng nếu ông Bush tái đắc cử, người diễn viên này sẽ dọn đi nước khác để sống, chừng nào ông Bush không còn ở trong tòa Bạch Ốc nữa , Alec mới về.

Nhưng Alec vẫn không đi đâu cả, Alec vẫn đội trời chung với người mà chàng ghét.

Tuy thế, bề gì nước Mỹ cũng vẫn là đất nước của Alec. Có bực bội ông Bush rồi nói như vậy cũng chẳng sao. Nếu có không lánh đi một nơi khác như đã quả quyết mà tiếp tục ở lại Mỹ thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Một số người khác cũng ghét ông Bush, ghét cả nước Mỹ như Rosie O’Donnell hay Michael Moore thì vẫn ở lại Mỹ. Cả hai nhìn đâu cũng thấy những xấu xa của nước Mỹ. Đến độ gần như đồng ý với loạt khủng bố 911. Nhưng họ là người Mỹ, họ ghét nước Mỹ . Tuy thế nước Mỹ là đất nước của họ. Họ có quyền ở lại. Tôi không có quyền chỉ trích họ về việc họ ghét nước Mỹ.

Tôi chỉ không hiểu thái độ của một số người mà một cuộc thăm dò mới đây cho thấy.

Những người này không như trường hợp của Rosie O’Donnell hay Michael Moore, hay Alec Baldwin , những người ra đời ở nước Mỹ, xứ sở của cha ông họ đã vài ba đời. Không ưa, thì nước Mỹ vẫn là quốc gia của họ. Họ không thể đi nơi khác được.

Nhưng có những người đến sống tại nước Mỹ, rồi quay ra ghét cay ghét đắng quốc gia này mới lạ.

Họ ghét tất cả mọi thứ, từ tôn giáo của nuớc Mỹ, ghét qua tiếng Mỹ, ghét cả người Mỹ.

Nhưng họ lại đòi đủ mọi thứ ở nước Mỹ. Đòi trường đại học phải dành cho chỗ riêng để quì đọc kinh mỗi ngày 5 lần. Không cho thì kiện. Đòi được che mặt chụp hình lấy bằng lái xe. Đòi được đội khăn trùm đầu để đi học. Không được thì hét nhắng lên là bị kỳ thị.

Một số mua võ khí, đi Afghanistan, Pakistan học khủng bố, âm mưu phá chỗ này, tấn công chỗ kia.

Có thể tôi suy nghĩ giản dị hơn. Đó là nếu đã ghét nước Mỹ, xã hội và con người Mỹ như thế thì tại sao không trở về những nơi cho đọc kinh mỗi ngày 5 lần, trùm khăn kín mít để khỏi khổ sở như đang sống ở cái vùng đất của bọn ngoại đạo, bọn infidel này?

Tôi thì không bao giờ trở lại cái đất có công an bịt miệng linh mục, hay không ưa ai thì bắt giam người ấy, đem phụ nữ bán ra nước ngoài, đẩy người dân đi làm mọi cho các nước.

Nhưng những người ghét Mỹ thậm tệ mà tôi vừa nhắc tới ở trên thì nếu muốn, có thể về nước của họ để sống cho tha hồ thoải mái.

Tiếp tục sống ở cái nước mà mình thù ghét, đi làm, đóng thuế để cái chính phủ này dùng tiền thuế mình đóng để mua súng đạn giết anh em của mình thì coi sao tiện?

Về nước, khóa các giếng dầu lại, không chơi với bọn ngoại đạo, ra sa mạc dựng lều da dê lên sống, thỉnh thoảng mời nhau cụng ly dầu hỏa uống chơi cho lịch sự.

Tưởng tượng một người sang nhà hàng xóm, thấy chủ nhà vặn máy lạnh cho chạy tối đa, lạnh quá liền đòi chủ nhà phải tắt máy lạnh đi cho mình khỏi lạnh thì còn việc nào vô lý bằng? Không thích lạnh thì về nhà mở máy nóng, can cớ chi sang nhà người ta rồi bắt người ta ngưng chạy máy lạnh cho mình khỏi bị lạnh?

Nhưng đó lại là những điều vô lý mà nước Mỹ đang phải gánh chịu mà phần nào được nhìn thấy qua kết quả của một cuộc thăm dò những người Hồi giáo đang sống tại Hoa kỳ.

Đa số cho thấy một thái độ rất không ưa nước Mỹ. Không ưa đến độ tin chắc là vụ 911 là do chính Hoa kỳ tạo ra, đến độ không tin là những người cướp máy bay lao xuống Trung Tâm Mậu Dịch Thế giới là người Ả Rập, và khẳng định nước Mỹ là nguồn gốc của tất cả mọi tội ác xấu xa nhất của thế giới.

Tội nghiệp, tại sao phải tiếp tục sống ở cái xứ đáng ghét như vậy?


Ngày 28 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Là người ngoại đạo, nhưng tôi cũng tin, như một câu thơ của Kiên Giang, "có Chúa ngự trên Trời".

Vì thế, thỉmh thoảng đi ngoài đường, thấy những tấm bảng trước mấy nhà thở ở đây với hàng chữ "Jesus Loves You" nghĩa là chúa Giê Su yêu bạn, tôi cũng tin là như thế.

Tin mặc dù tôi chưa gặp ngài bao giờ, và ngài chắc không biết tôi. Tôi tin vì tôi nghĩ đấng giáo chủ đạo Ki Tô cũng hiền lành, tử tế, tốt bụng, thương yêu loài người cũng như giáo chủ của Phật giáo.

Ngài chưa gặp tôi và có thể sẽ không bao giờ gặp tôi. Nhưng ngài thương tôi thì chắc có. Không đi nhà thờ, nhưng cũng có được ít nhiều thiện tâm nên cũng đáng được ngài yêu lắm.

Đó là ý của một linh mục mà tôi rất yêu quí.

Chuyện Chúa thương tôi , như vậy, nhất định là có.

Cũng như đức Phật, đức Chúa cũng mang trái tim vô lượng, yêu thương tất cả muôn loài. Phật cũng chưa gặp tôi, mà chắc cũng khó gặp, nhưng Phật chắc là có yêu tôi.

Nhưng tôi nghĩ chuyện yêu thương của hai vị giáo chủ này cũng phải có hạn chế chứ không phải là ai hai ngài cũng yêu hết.

Chắc chắn phải có vài ba người mà Chúa và Phật không yêu. Hai ngài không ghét những người này.

Khác với hai ngài, chúng ta thì chỉ cố không ghét thôi cũng đã là một việc vô cùng khó rồi. Còn yêu thì nhất định là không. Phải ghét mới được.

Chúa và Phật , những quả tim độ lượng không thể ghét ai. Hai vị giáo chủ này, nhiều lắm thì cũng chỉ không thương những thứ đó mà thôi.

Tại Sydney, một thành phố ở miền đông nước Úc, một nhà thờ có trưng một tấm bảng ở phía trước với hàng chữ nguyên văn : "Jesus Loves Osama". Chúa yêu Osama.

Chỉ có những người lạc trên hoang đảo mười năm không đọc báo, không xem truyền hình, không có điện thoại cầm tay mới không biết Osama là ai mặc dù Osama cũng là một cái tên nhiều người cũng có trong thế giói Ả Rập và Hồi giáo.

Không thể là Osama Ali hay Osama Abu Tariq, hay Osama Hassan, mà nhất định là Osama Bin Laden, tên ác quỉ vừa bị biệt kích Mỹ giết cách đây không lâu.

Chúa có thể yêu tất cả nhân loại , nhưng chắc ngài khó có thể yêu được con quỉ này.

Người đàn ông Ả Rập Sauđi mặt mũi hung hiểm, bao giờ cũng xuất hiện với một khẩu AK trong tay, đã cười lớn, vui mừng khi nghe tin hai tòa cao ốc ở New York bị đàn em lao máy bay vào làm chết hơn ba ngàn người mà lại được Chúa yêu hay sao?

Chúa không thể làm công việc đó được.

Chỉ có bọn cuồng tín ở những đền Hồi giáo ở Luân Đôn, ở Somalia, ở Gaza, ở Peshawar ... mới nhẩy lên đùng đùng tung hô chiến thắng, ôm lấy những tấm ảnh chụp con ác quỉ mà hôn, mà hết lời xưng tụng.

Tấm bảng ghi hàng chữ Jesus Loves Osama được thấy trên tường của nhà thờ Saint Clements ờ Marickville, một khu ngoại ô phía tây của Sydney.

Phía dưới hàng chữ nay là một câu trích từ chương Mathiêu : Hãy yêu thương kẻ thù của các người và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các người.

Có thể khi nói điều này, Chúa chưa gặp phải một tên cực kỳ khốn nạn như Osama. Thế giới của Chúa, tuy thế cũng vẫn còn hiền lành hơn là thế giới của chúng ta ngày nay.

Kẻ thù thời ấy có độc ác cũng không thể so sánh được với con ác quỉ của thế giới chúng ta đang sống. Nó chỉ sống để nghĩ cách nào giết được những người mà nó coi là ngoại đạo. Bằng bất cứ cách nào mà nó làm được. Cho đó là đầu độc hàng loạt, tung bom bẩn để phát tán phóng xạ, cướp máy bay lao vào các nơi đông dân, đặt bom trên tầu , sử dụng võ khí sinh học và hóa học tạo càng nhiều thương vong thiệt hại càng tốt. Không dám trực diện thì đánh lén, dùng đủ mọi thủ đoạn hèn nhát và hiểm độc để giết người. Các bạo chúa La Mã chém giết các tín đồ Ki Tô trong lịch sử cũng chưa thể bén gót chân của Osama Bin Laden.

Mấy ông thầy tu của nhà thờ Saint Clements ở ngoại ô Sydney nghĩ gì?

Các ông trương cái bảng Jesus Loves Osama , nghĩ là chúng ta phải tha thứ, phải yêu thương kẻ thù như lời Chúa dậy. Nhưng bảo rằng Chúa yêu Osama Bin Laden thì có khác gì xúc phạm Chúa không?
Nói rằng Chúa yêu một con ác quỉ như vậy trong khi nó tiếp tục những âm mưu tàn độc nhất không hề một mảy may ân hận hối lỗi về việc làm của nó thì làm gì có được.

Tại sao lại đổ cho Chúa là Chúa yêu Osama Bin Laden, con quỉ độc ác, hung hiểm nhất của thế giới ngày nay?

Nhớ thời còn bé, chúng tôi ghét ai thì nói thế này: Lạy Trời, lạy Phật cho nó chết đi.

Dĩ nhiên Phật và Trời thì không độ trì cho lời cầu nguyện ấy. Nhưng chúng tôi vẫn nói cho hả giận. Chứ chẳng bao giờ nói rằng Trời Phật thương yêu cái đồ khốn nạn đó.

Mấy ông thầy tu ở Sydney đã sai nặng. Tôi nhất định không tin là Chúa yêu nó.


Ngày 28 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây không lâu, nhà chức trách Bắc kinh ra lệnh cấm những quảng cáo trên truyền hình và truyền thanh trong giờ ăn nếu nội dung những quảng cáo ấy làm cho bữa ăn của khán và thính giả bị mất ngon đi.

Thoạt nghe, nhiều người đã nghĩ ngay rằng đó lại là một trường hợp nhà cầm quyền Cộng sản thò bàn tay lông lá vào đời sống của người dân để can thiệp một cách không cần thiết, vi phạm tự do của người dân Hoa lục vốn đã không có được bao nhiêu quyền tự do.

Nhưng đọc bản tin của tờ Văn Hối báo thì người ta thấy lệnh cấm chỉ áp dụng cho quảng cáo các loại thuốc chữa những bệnh của một số bộ phận cơ thể mà chúng ta thường tránh nói ra trong những lúc ăn uống.

Những cấm đoán đó, nghĩ lại một chút, có thể là có lý.

Ngay như chuyện uống trà, cuốn Trà Sớ, cuốn sách bàn về nghệ thuật uống trà, cũng nói là nên tránh dùng trà đồng thô lỗ, hay người ở gái tính nết cáu bẳn hay gắt gỏng, những thứ có thể làm hỏng tuần trà.

Trà đồng, đứa bé để sai vặt trong khi pha trà như đốt lò, châm nước, lau bình và chén trà... mà thô lỗ, thì bình trà cũng mất ngon. Người ở gái (?) hay gắt gỏng cũng có thể làm hỏng không khí của tuần trà.

Uống ly trà còn như thế, ăn bữa cơm mà nghe những thứ thô lỗ cục cằn làm sao nuốt cho được. Nói chi đến những chuyện kinh hồn khác. Chiều đến, ngồi xuống bữa ăn, đã nghe vài ba thính giả gọi vào đài khai bệnh huyết trắng, ngứa âm đạo, cửa mình có mùi kèm theo tiếng cười hê hê của người trả lời thắc mắc thì làm sao sống.

Nhưng khi gặp những chuyện như vậy thì chỉ cần thò tay tắt cái radio đi là có thể ... ăn tiếp, hay đặt cái CD Four Seasons của Vivaldi lên nghe mùa xuân trở lại cũng có thể lấy lại được bình yên cho đầu óc, điều rất cần.

Nhưng có những chuyện khác, không thể dùng cái remote control để đổi đài, hay cho im tiếng đi được thì làm sao?

Sáng thứ sáu tuần trước, tôi ghé quán ăn gần nhà để ăn sáng, đọc tờ báo trước khi đi làm.

Ly cà phê vừa được đem ra thì tôi được nghe đọc hồ sơ bệnh lý của hai người bệnh. Hai ông khách ngồi bàn bên cạnh có những bộ phận phát thanh rất tốt, volume được văn lên mức tối đa. Hai ông đều là những người hào phóng, rộng rãi và cởi mở. Cả hai đều muốn cho những người ngồi cách ông trong bán kính ba mét nghe đầy đủ và miễn phí những chi tiết về bệnh của hai ông và cách chữa trị cùng với những loại thuốc mà hai ông dùng. Hai ông hình như muốn tranh nhau hơn thua về bệnh của mình, ông này muốn khoe bệnh của ông nặng hơn ông kia. Và ông kia cũng không chịu thua về mức độ nghiêm trọng của mình. Thôi thì các chi tiết về đờm giãi, phân, nước tiểu, nôn mửa mật xanh mật vàng , chó được cho ăn chè cũng phải chê đưa đơn đi tố cáo và kiện tại hội Bảo Vệ Thú Vật.

Tôi cố hết sức để không cho những âm thanh mà Phan Nhật Nam dùng tựa cuốn sách của William Faulkner mô tả là Âm Thanh Và Cuồng Nộ, The Sound And The Fury ấy lọt vào đầu. Nhưng không được. Hai ông cho biết đi những bệnh viện nào, các y sĩ nói gì về bệnh, thuốc men điều trị ra sao với đầy đủ chi tiết ngọn ngành. Nếu người nghe có cùng những bệnh trạng như của hai ông chắc chắn không phải trải qua những giai đoạn chẩn đoán, thí nghiệm như hai ông, chỉ cần ghi lại tên thuốc, kiếm cho ra các loại thuốc ấy là có thể tự chữa được để lại ra tiệm ăn mách thuốc cho những người bệnh khác.

Tô bánh canh lõng bõng nước, những sợi bánh canh bắt đầu trông giống những con vi trùng ngúc ngoắc, ngọ nguậy, miếng giò heo còn nguyên hai ba sợi lông, ngày thường thì hấp dẫn lắm, bỗng trở tành tảng thịt mỡ của một trong hai ông đang bệnh đến kỳ mãn tính...

Làm sao ăn tiếp được bữa sáng đáng lý ra phải bình yên để bắt đầu một ngày mới?

Hai ông không hề cảnh cáo những người chung quanh như các đài truyền hình ở Mỹ. Trước khi phát đoạn phim phóng sự chiến trường với vài ba cái xác bị bom nổ làm nát mặt ở Afgganistan, ở Iraq, các đài truyền hình đều cẩn thận cảnh cáo người yếu bóng vía nên cẩn thận vì nét hiện thực của bản tin để cẩn thận vặn đi đài khác.

Nhưng hai ông khách, sau khi đã ăn xong bữa, quay ra nói chuyện bệnh tật của hai ông mà không hề lý gì tới những người ngồi quanh, những người không hề có bất cứ một quan tâm hay quyền lợi (?) gì về bệnh của hai ông.

Tôi phải làm gì? Đứng dậy, sang bàn hai ông, chào, bắt tay hai ông và mừng hai ông qua cơn bạo bệnh, ở lại với thế giới đầy nhiễu nhương này?
Hay cho hai ông tô bánh canh chưa đụng đũa vào lên đầu hai ông để mừng ngày hạnh ngộ?

Cả hai việc đều không làm được. Bữa ăn sáng cũng không thể cứu vãn được nữa.

Trả tiền đứng dậy, đi làm. Ấm ức suốt trên đường lái xe đến sở.

Nhưng vẫn mừng cho hai ông. Mong hai ông nói cho chán để không bao giờ làm phiền người khác nữa. Chúc hai ông mạnh khỏe, và không bị bệnh làm phiền như người khác bị bệnh của hai ông làm phiền mất luôn bữa sáng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


lophocanhngu
Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 107)

BOTH/ EITHER … OR /NEITHER … NOR

Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 107 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, có một khán giả muốn chú cho biết là nói như thế này có đúng không: TRYING TO CATCH FISH WITH TWO HANDS.

BBT

Đúng chứ sao lại không? Nhưng tôi nghĩ đây là câu được dịch từ một câu nói của tiếng Việt qua. Mà như thế thì có một điều tôi muốn nói thêm, đó là trong tiếng Việt, câu "bắt cá hai tay" có nghĩa hơi khác với câu "bắt cá bằng hai tay". Bắt cá bằng hai tay có thể hiểu là con cá quá lớn, quá nặng, phải dùng cả hai tay mới bắt được, mới lôi nó lên bờ hay lên thuyền được. Nhưng "bắt cá hai tay" thì ai cũng hiểu là dùng cả hai tay để tìm cách bắt một lúc hai hay ba con cá, lỡ vuột mất con này thì còn có thể bắt được con khác.

QA

Như vậy, QA hiểu là phụ nữ phải đề phòng, coi chừng những người đàn ông bắt cá hai tay. Nhưng những người bắt cá "bằng" hai tay thì không có gì đáng sợ cả đúng không thầy?

BBT

Cám ơn cô QA. Tôi cũng nghĩ như thế. Bắt cá hai tay là tìm cách bắt một lúc hai con cá, là quen và hẹn hò với hai phụ nữ cùng một lúc, và với ai cũng hứa hẹn đủ điều để lỡ không được người này thì đã có sẵn người kia làm cái bánh xe "sơ cua" sẵn trong thùng xe rồi.

TRÚC GIANG

Vậy thì thưa chú, muốn dịch "bắt cá hai tay" như trường hợp chú vừa nói sang tiếng Anh thì phải dịch như thế nào?

BBT

Tôi đề nghị "TRYING TO CATCH 2 FISHES WITH BOTH HANDS".

QA

Thưa anh, BOTH là gì, và dùng nó như thế nào?

BBT

BOTH là tĩnh tự (ADJECTIVE) nghĩa là cả hai, dùng cho hai người, hai vật, hai việc làm, hai sự kiện. Thí dụ BOTH BROTHERS, BOTH CARS, BOTH RESEARCHES, BOTH REVOLUTIONS. Theo sau BOTH luôn luôn là danh từ số nhiều và được hiểu là HAI.

Khi nói TRYING TO CATCH 2 FISHES WITH BOTH HANDS chúng ta hiểu ngay là hai tay cùng làm công việc bắt cá một lúc, không phải là bắt xong một con bằng tay phải, sau đó một lúc mới dùng tay trái để bắt nốt con kia.

BOTH cũng còn là đại danh tự (PRONOUN) như khi nói BOTH OF US ARE FROM VIRGINIA. WHO IS FROM VIRGINIA? BOTH.

BOTH OF YOU SPEAK VIETNAMESE WITH SOUTHERN ACCENT. WHO SPEAKS VIETNAMESE WITH SOUTHERN ACCENT? BOTH.

BOTH cũng còn là CONJUNCTION, liên tự để nối hai chữ lại với nhau . Thí dụ WE ARE BOTH READY AND WILLING TO GO NOW.

QA

Thưa anh, đó là khi nói tới CẢ HAI. Nhưng khi nói MỘT TRONG HAI, hoặc cái này hay cái kia, hoặc người này hay người kia thì nói thế nào?

TRÚC GIANG

Vâng, thưa chú, nếu cháu nói rằng ở nhà, cháu nói với các con bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh thì cháu nói là I SPEAK BOTH VIETNAMESE AND ENGLISH TO MY CHILDREN. Nhưng khi cháu muốn nói rằng ông, bà có thể nói với chúng hoặc bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt thì phải nói thế nào?

BBT

Chúng ta dùng EITHER … OR nghĩa là hoặc cái này hoặc cái kia. Trúc Giang nói thử coi…

TRÚC GIANG

YOU CAN SPEAK TO THEM EITHER IN SPANISH OR IN ENGLISH BUT NOT IN SPANGLISH.

BBT

Đúng rồi. QA muốn nói gì đây?

QA

Thưa anh, QA cũng nghe người ta phát âm EITHER…OR hơi khác một chút, đó là "AI" thay vì "I" là thế nào?

BBT

Cám ơn cô QA. Đó là cách phát âm của người Anh, Úc, Tân Tây Lan… QA cho nghe một hai thí dụ với EITHER … OR coi.

QA

HE CAN BE EITHER IN ITALY OR GERMANY BY NOW BUT HE CANNOT BE IN BOTH ITALY AND GERMANY AT THE SAME TIME.

MAKE YOUR CHOICE… YOU CAN MAJOR IN PSYCHOLOGY OR FRENCH BUT YOU CAN ALSO MAJOR IN BOTH (PSYCHOLOGY AND FRENCH).

BBT

Bây giờ chúng ta nói về phủ định của EITHER … OR . EITHER …OR là hoặc cái này hoặc cái kia . Khi nói không cái này cũng không cả cái kia thì chúng ta thêm chữ "N" vào trước EITHER … OR để thành…

TRÚC GIANG

NEITHER… NOR. Cháu biết là động từ đi trước NEITHER … NOR là động từ trong thể AFFIRMATIVE phải không thưa chú?

BBT

Đúng rồi. Vậy thì Trúc Giang cho nghe thí dụ của cô đi.

TRÚC GIANG

I LIKE NEITHER CATS NOR DOGS.

BBT

Đáng lẽ ra, chúng ta đã phải nói như thế nào đây QA?

QA

Nếu không dùng NEITHER…NOR, QA sẽ phải nói hơi dài dòng một chút: I DON’T LIKE CATS. I DON’T LIKE DOGS. Chúng ta dùng NEITHER … NOR để nối hai câu lại với nhau như thí dụ của Trúc Giang vậy.

BBT

Trúc Giang hiểu câu này như thế nào? NEITHER A BORROWER NOR A LENDER BE…

TRÚC GIANG

Cháu hiểu là đừng nên là người đi vay mà cũng đừng nên là người cho vay. Nhưng sao câu này nghe trúc trắc quá vậy thưa chú?

BBT

Vì nó là tiếng Anh cổ trong một đoạn kịch của Shakespeare… NEITHER A BORROWER NOR A LENDER BE/ FOR LOAN OFT LOSES BOTH ITSELF AND A FRIEND… nghĩa là đừng đi vay mà cũng đừng cho ai vay tiền vì món nợ thường cũng biến mất như người bạn ( mà chúng ta cho vay hay vay của người ấy). Đó là lời khuyên của Polonius gửi con là Laertes trong kịch Hamlet.

QA

Vậy là Trúc Giang và QA cũng có một câu của Shakespeare để khoe với bạn bè rồi.

BBT

Nhân nói về BOTH, EITHER…OR và NEITHER … NOR, tôi cũng muốn nói về cách vuốt đuôi sao cho đúng.

QA

Thưa anh, như thế nào là vuốt đuôi? Trong tiếng Việt có phải là khi nói "Tôi cũng vậy" không? QA cũng nghe và dùng nó nhiều lắm.

TRÚC GIANG

ME TOO!

BBT

Đúng lắm. Nhưng không phải lúc nào cũng ME TOO được đâu, thưa hai cô. ME TOO được dùng khi chúng ta đồng ý, làm, hay suy nghĩ như điều người kia vừa nói. Thí dụ có người nói I LIKE SUSHI, và nếu tôi cũng thích sushi, thì chỉ cần nói ME TOO là đủ. Nhưng nếu cô ấy cũng thích sushi thì không thể nói HER TOO được. Cũng không thể nói HIM TOO, WE TOO, THEY TOO, YOU TOO được.

QA

QA thấy hình như phải nói là SHE DOES TOO, hay SO DOES SHE; HE DOES TOO hay SO DOES HE; WE DO TOO hay SO DO WE; THEY DO TOO hay SO DO THEY; YOU DO TOO hay SO DO YOU phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi. Bây giờ QA thử vuốt đuôi mấy câu này coi.

HE WENT TO HARVARD.

THEY CAN READ AND WRITE JAPANESE .

WE WILL VISIT WASHINGTON IN THE FALL.

YOU ARE LATE FOR THE MOVIE.

QA

HE WENT TO HARVARD, SO DID MY COUSIN hay MY COUSIN DID TOO.

THEY CAN READ AND WRITE JAPANESE, SO CAN HE hay HE CAN TOO.

WE WILL VISIT WASHINGTON IN THE FALL, SO WILL TOM AND BOBBY hay TOM AND BOBBY WILL TOO.

YOU ARE LATE FOR THE MOVIE, SO AM I hay I AM TOO.

BBT

Đó là vuốt đuôi những câu xác định. Những câu phủ định (NEGATIVE) không thể vuốt như vậy được.

TRÚC GIANG

Nhưng cháu vẫn nghe người ta nói I DON’T LIKE HOT WEATHER và người kia nói theo là ME TOO. Như vậy là không đúng phải không thưa chú?

BBT

Không đúng. Phải là NEITHER DO I hay NOR DO I mới đúng. Trúc Giang vuốt đuôi mấy câu này coi:

THEY DO NOT SPEAK RUSSIAN.

WE CANNOT BUY THAT EXPENSIVE HOUSE.

HE WILL NOT GO TO WORK ON MONDAY.

SHE IS NOT HAPPY WITH HER JOB.

TRÚC GIANG

THEY DO NOT SPEAK RUSSIAN, NEITHER DO I hay NOR DO I.

WE CANNOT BUY THAT EXPENSIVE HOUSE, NEITHER CAN THEY hay NOR CAN THEY.

HE WILL NOT GO TO WORK ON MONDAY, NEITHER WILL WE hay NOR WILL WE.

SHE IS NOT HAPPY WITH HER JOB, NEITHER IS HE hay NOR IS HE.

BBT

Bây giờ còn bạ đâu cũng ME TOO nữa không? Nếu bạ đâu cũng ME TOO thì lại giống như mấy ông chính trị gia vận động tranh cử, thấy người kia đưa ra một ý kiến hấp dẫn thì mình cũng bám vào cái đuôi đó, không có được một sáng kiến nào mới mẻ cả thì người ta gọi đó là chủ trương, lập trường METOOISM, chủ trương tôi cũng vậy. Dĩ nhiên bị mô tả là một chính trị gia như thế thì tệ quá.

Nhân đây tôi cũng muốn nói về chữ ISM. Chữ này là một tiếp vĩ ngữ ( chữ nối vào sau) có nghĩa là chủ thuyết, chủ nghĩa, phong trào, tôn giáo.

Thí dụ TAOISM là đạo Lão, BUDDHISM là Phật giáo, ROMANTICISM là chủ nghĩa lãng mạn, COMMUNISM là chủ nghĩa Cộng Sản, CATHOLICISM là đạo Thiên Chúa, ATHEISM là chủ nghĩa vô thần, LIBERALISM là chủ nghĩa cấp tiến, CUBISM là họa phái lập thể, IMPRESSIONISM là họa phái ấn tượng vân vân.

QA

Bây giờ, QA muốn anh cho nghe một số idioms với hai chữ UP và DOWN có được không?

BBT

Được, nhưng sẽ không có thì giờ nói hết được tất cả các idioms vói UP và DOWN . Chỉ một số thôi. UP là lên. DOWN là xuống.

Hai cô hiểu UP và DOWN trong hai thí dụ này là gì nào: MEN CAN MARRY DOWN BUT WOMEN ALWAYS WANT TO MARRY UP.

TRÚC GIANG

MEN CAN MARRY DOWN nghĩa là đàn ông lấy vợ thấp hơn mình cũng được nhưng WOMEN ALWAYS WANT TO MARRY UP tức là đàn bà thì bao giờ cũng muốn lấy chồng giỏi hơn mình đúng không chú?

BBT

Rất đúng. QA hiểu câu này như thế nào? THEY HAD MANY UPS AND DOWNS DURING THE PAST TEN YEARS.

QA

UPS AND DOWNS là những lúc lên lúc xuống trong đời sống. Họ đã qua nhiều thăng trầm trong mười năm qua.

BBT

Trúc Giang hiểu LOOK UP là gì và LOOK DOWN là gì?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu TO LOOK UP là ngưỡng mộ, là nhìn lên, ngó lên để noi gương, là kính phục ai đó. Thí dụ MANY AFRICAN AMERICANS LOOK UP TO MISTER OBAMA AFTER THE 2008 ELECTION.

Còn LOOK DOWN thì nghĩa là coi thường, khinh bỉ. HE LOOKS DOWN ALL NEW COMERS WHO DO NOT SPEAK GOOD ENGLISH.

BBT

MAKE UP có hai nghĩa. Một là bù lại cho . Thí dụ STUDENTS HAVE TO MAKE UP FOR THE SNOW DAYS . Nghĩa thứ nhì là trang điểm cho đẹp như khi nói SHE TAKES ONLY A FEW MINUTES TO MAKE UP FOR THE EVENING.

Nhưng TO MAKE DOWN là gì đây QA?

QA

Cô Kiều Chinh là một người đẹp. Nhưng khi đóng vai người mẹ dẫn bầy con đi tị nạn trong một cuốn phim mười mấy năm trước, cô đã phải MAKE DOWN nghĩa là vẽ mặt làm cho xấu đi. Nhưng thưa anh, DRESS DOWN có phải là trái nghĩa của DRESS UP không?

BBT

Đúng rồi, ở một số sở của người Mỹ, thứ Sáu là ngày DRESS DOWN, bỏ ca vát ở nhà, mặc quần jeans. DRESS UP là diện cho đẹp, lên khung. Trúc Giang cho một câu với DRESS UP và DRESS DOWN coi.

TRÚC GIANG

HE ALWAYS DRESSES UP EVEN ON FRIDAY WHEN EVERYBODY DRESSES DOWN.

BBT

Cám ơn Trúc Giang và QA.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.