July 9, 2011

July 8, 2011

Ngày 5 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Bức ảnh của tờ Life cứ trở đi trở lại trong đầu tôi suốt mấy ngày hôm nay sau khi nhận được nó từ một người bạn gửi qua Internet.

Nó là một bức trong loạt hình mà nhiếp ảnh viên của tờ Life chụp được và đăng trong một số báo hồi năm 1965.


photo

Saigon 1961 - Le Loi Avenue

Đó là bức ảnh đen trắng chụp trên một con đường Sài Gòn. Tôi không thể nhận ra con đường ấy là con đường nào. Bức hình không cho thấy một ngôi nhà, một cửa tiệm để người xem có thể cố moi móc trong trí nhớ đoán được tên của con đường. Trong hình, cận cảnh là một người đang đi một chiếc velosolex. Không có một chiếc xe nào khác đi cạnh. Một hàng rào có cây leo ở phía sau, một hai chiếc cột có bảng cấm đậu, hai chậu cây đặt trên lề đường không giúp tôi nhận ra nó là con đường nào. Người đi chiếc solex là một phụ nữ mặc áo dài hoa, tóc ngắn, chải bới cẩn thận, khuôn mặt bình tĩnh mắt ngó xuống đường. Có thể cô biết đang bị chụp hình. Bức ảnh không cho thấy bất cứ một phản ứng nào trên mặt. Người chụp bức hình đó có thể ngồi trên một chiếc xe chạy song song với cô, thò máy ra ngoài cửa chụp bức ảnh cô đang chạy xe.

Năm ấy, chưa có sự xâm nhập của những chiếc xe Nhật. Năm 1965 thì chắc chắn là chưa. Đường phố vẫn chỉ có những chiếc solex, những chiếc mobylette, những chiếc xe gắn máy Sachs của Đức, những chiếc Lambretta, những chiếc Vespa … Phố xá Sài Gòn chưa có những chiếc Honda táo tợn. Chiếc solex của cô là kiểu embrayage tự động, đến ngã tư đèn đỏ người lái không cần phải vội vàng kéo chiếc cần, gài vào cái móc ghi đông để máy không kéo xe đi tiếp nữa.

Người đi chiếc solex là một phụ nữ còn trẻ, chiếc áo dài hoa cổ cao là thời trang của thời ấy. Cô đi dép, quần trắng trong một ngày không có gió thổi bay tóc và áo.

Cô có khuôn mặt dịu dàng, giản dị của một Sài Gòn còn hiền lành, chưa có những đoàn xe nhà binh Mỹ chạy rầm rầm lấn lướt các xe khác trên đường phố thủ đô.

Cô có vẻ là một công hay tư chức trên đường đi làm, không phải là một nữ sinh trung học hay một sinh viên đại học. Không thấy có chiếc cặp sách cột ở porte bagage phía sau. Tôi nghĩ cô phải khoảng trên hai mươi nhưng không thể ở tuổi ba mươi được. Bức ảnh như thế phải hơn bốn chục năm.

Cô ở đâu… hỡi người đi solex? Giữ giùm tôi cái gì bây giờ? Tôi không thể nhắn cô như tác giả một bài thơ cũ để nhờ giữ mùa thu tóc ngắn, mầu áo lụa Hà Đông. Bao nhiêu vật đã đổi, bao nhiêu sao đã rời từ hôm bức hình đó được chụp đến nay. Chiếc solex không thể còn nữa. Chiếc áo dài hoa cũng không còn…

…Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong găng
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung
… (Nguyên Sa)

Tôi không biết cô bao giờ. Lúc cô chạy chiếc solex tôi không ở Việt Nam. Chắc cô phải hơn tôi vài tuổi. Khi tôi trở lại Việt Nam, có thể cô không còn thảnh thơi đi chiếc solex nữa. Những bận bịu, ràng buộc của đời sống gia đình mà tôi chắc là cô phải có. Rồi lại những chuyện đổi thay của năm 1975.

Cô và gia đình ở đâu bây giờ?

Tôi xem bức ảnh, tiếc không bao giờ gặp cô ở trên một con đường ở Sài Gòn hồi ấy. Và bây giờ thì hoàn toàn vô vọng. Chỉ cầu mong dù cho cô đang ở đâu, mong cô có hạnh phúc. Người phụ nữ hiền lành trên chiếc xe chạy trong cái thành phố tôi rất yêu đó , cô rất xứng đáng được may mắn hạnh phúc như tất cả những người tôi chưa bao giờ gặp …


Ngày 6 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Đọc bản tin của Reuters, tôi tin chắc là nước Nhật đã hết được phần nào cơn hốt hoảng sau trận động đất và sóng thần của mấy tháng trước.

Người ta đang tìm cách trở lại với cuộc sống bình thường của những tháng ngày trước khi xẩy ra trận tsunami khủng khiếp.

Nhưng sống sót được sau cơn đại họa, nhìn lại, nhiều người thấy là những khó khăn lúc trước vẫn còn nguyên. Trận hải khiếu đã không cuốn được những khổ nạn của đời sống ra biển. Nhiều cặp vợ chồng Nhật mở lại hồ sơ của đời sống và quyết định không thể tiếp tục đi bên nhau nữa.

Hai bên ra tòa để chấm dứt vĩnh viễn những liên hệ nhưng vẫn tìm cách giữ lại một nền hòa bình cho đời sống.

Ông hàng xóm nhà tôi ở Virginia thì khác. Chắc cuộc chia ly của ông não lòng và đau khổ hơn nên một sáng ra cửa, tôi thấy ông bầy một đống đồ đạc, quần áo, máy móc ra khoảng sân trước cửa, bên cạnh một tấm bảng viết nguệch ngoạc mấy chữ nguyên văn "DIVORCE SALE! GOOD RIDDANCE!" Tôi dừng lại hỏi ông vài câu và chúc ông may mắn. Ông nói ông rất cần những lời chúc như thế. Tuần sau đó, tôi không còn thấy ông ở căn nhà bên cạnh nữa. Chuyện chia ly của ông hẳn là không vui. Bởi thế mới có những chữ GOOD RIDDANCE hiểu tạm trong tiếng Việt là thoát nợ.

Nhưng ở Nhật, theo bản tin của Reuters thì nhiều cặp chia tay vẫn giữ được những liên lạc thân hữu, không tiếp tục bằng chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng. Một dịch vụ gần đây được khá nhiều những cặp như thế sử dụng để đánh dấu sự chấm dứt và bắt đầu những lên đường mới. Đó là những lễ chia tay sau khi li dị và khởi đầu với qui chế độc thân trở lại.

Những cặp này chi khoảng gần 700 đô la cho một buổi lễ li dị. Một dịch vụ trung gian giàn xếp để hai người đến bằng hai chiếc xe kéo riêng, không đi chung xe nữa. Người phụ nữ mặc chiếc kimono với lưng áo rất đẹp, để khi ngó lại phía sau vẫn còn thấy được nhũng hình ảnh đẹp của một thời nay đã chấm dứt. Hai người ngồi xuống bàn tiệc với bạn bè được mời. Hai người quay lưng lại nhau, hành động tượng trưng cho sự chấm dứt. Hai người được hỏi là có coi nhau là chồng vợ không, hệt như tại lễ cưới. Và khi câu trả lời là một phủ định, thì cả hai được mời cùng cầm một chiếc búa để đập nát hai chiếc nhẫn cưới từng một thời đeo trên tay.

Không mắt long lên sòng sọc, tiếng thét qua hai hàm răng nghiến vào nhau trèo trẹo… Rồi biết tay bà… đời mi là từ nay không khá được nhá… từ nay là táng gia chi cẩu rồi nghe chưa… là đầu đường xó chợ hiểu không… bà cho một trận cho tởn hồn nghe chưa… tha hồ đi hát karaoke đến khuya về cho chó ăn chè nhá… sẽ không còn con đàn bà dại dột này đứng chờ ngoại cửa phục dịch nữa nghe không…

Hai người sẽ chia tay nhau, lại mỗi người lên chiếc xe kéo riêng của mình như lúc tới dự lễ li dị.

Thế giới nên học thêm chuyện này nữa của người Nhật. Chi có 55 ngàn Yen mà được một dịch vụ như vậy thì tại sao lại không làm.

Việc quái gì mà phải đau khổ như ông hàng xóm của tôi đến nỗi phải bầy garage sale sau vụ li dị. Trông thảm vô cùng.


Ngày 7 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Ở Việt Nam trước đây nghề dậy học được gọi đùa là nghề "godautre", đọc lên nghe như tiếng Tây, nhưng thực ra chỉ là những chữ "gõ đầu trẻ" trong tiếng Việt. Nghề dậy học ở Việt Nam là một nghề lao tâm lao lực, có khi thầy cô giáo phải đứng trong lớp hét 8 tiếng đồng hồ một ngày. Đời sống vật chất kham khổ đã khiến nhiều lá phổi của những thầy giáo, cô giáo rách nát như xơ mướp. Vì thế, nghề này còn được gọi là nghề "bán cháo phổi".

Phổi là cơ quan hô hấp, hơi ở phổi được dùng để giúp bộ phận phát âm biến thành tiếng nói. Vì thế, người ta tin rằng hát hay, nói nhiều thì cần phải có nhiều hơi, phải có hai lá phổi tốt.

Nói rằng phổi người ấy nở là người ấy có hệ thống phát âm tốt. Nhờ đó mà hát hay, dài hơi, nói nhiều không mệt.

Từ sự tin tưởng ấy, những người phụ trách việc tuyển chọn các thầy cô giáo cho một thị trấn ở Phú Thọ mới đây đã dùng những tiêu chuẩn về phổi để thuê mướn các thầy cô giáo.

Trong lần tuyển giáo viên cho các lớp mẫu giáo ở huyện Tân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ, đơn xin tuyển dụng của 12 phụ nữ đã bị loại ngay mặc dù về khả năng sư phạm và sức khỏe của họ đều tốt. Tất cả đều đã tốt nghiệp sư phạm và đang dậy ở các trường khác nhưng muốn đổi về Tân Sơn. Lý do các cô bị loại là vì "số đo vòng ngực quá nhỏ" như từ ngữ nguyên văn của báo Tuổi Trẻ. Một ứng viên đã nộp đơn khiếu nại.

Thế là lại một trò nham nhở thất học khác của nhà nước được nói ra trên báo. Các ứng viên đầy đủ khả năng chuyên môn, sức khỏe tốt nhưng vẫn bị loại vì phó chủ tịch chính quyền huyện Tân Sơn kiêm chủ tịch hội đồng xét tuyển thấy vòng ngực của các nữ giáo viên này quá nhỏ.

Không biết người đàn ông này tuyển các cô giáo cho các học sinh mẫu giáo ở hạng tuổi 4, 5 hay 6 tuổi hay tuyển các cô cho hắn? Tại sao người đàn ông này lại có hành động ngang ngược và ngu dốt như thế? Nếu tờ Tuổi Trẻ không nêu vụ này trên báo thì làm sao người ta biết được trò tuyển người vô giáo dục như thế.

Chắc vì cách tuyển thầy cô qua những điều kiện khác hơn là khả năng sư phạm như thế, nên học sinh, sinh viên mới học hành không đủ tiêu chuẩn, cả nước mới thất học như ngày nay. Đọc những bài luận văn của học sinh mà phát khiếp khi thấy có học sinh viết rằng Kim Trọng "đổi hộ khẩu" nên phải xa Kiều, hay Trọng Thủy xuống đáy biển xin ở lại để kiếm Mỵ Châu… Bằng giả khắp nước, ai cũng có thể có bằng đại học trong khi không hề ra khỏi nước, không nói được một nửa câu tiếng Anh vẫn có bằng MBA nói là của một đại học Mỹ cấp.

Và như thế nên mới có thứ hiệu trưởng thú vật như Sầm Đức Xương rủ rê học sinh vào đường dâm đãng mà vẫn có đứa nhẩy đong đỏng lên bênh như bênh bố.

Tưởng cảnh ngán ngẩm của ông Tú Vị Xuyên về những thứ "cờ bạc rong chơi rặt một mầu, học trò chúng nó tội gì thế, lỡ để cho ông túm được đầu" đã hết thì nay chúng vẫn lúc nhúc ở cái đất nước khốn khổ của chúng ta.

Chuyện tuyển thầy cô giáo rồi đây sẽ như thế nào nữa? Các cô giáo sẽ phải mặc áo tắm cho bọn chó má trong ban tuyển chọn ngắm cho đã con mắt hay sao?

Bộ bây giờ phải chủ trương "Muốn làm cán bộ thì phải mua bằng / muốn trẻ hay chữ thì phải học trường vú to" hay sao?

Hết làm luật cấm những người ngực nhỏ lái xe gắn máy, đòi cấm những ai vòng ngực đo được dưới 72cm, nay lại đòi giáo viên phải có vú to là làm sao hở Giời?


Ngày 8 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Đọc tờ Los Angeles Times tôi mới thấy được sự may mắn của mình. Tờ báo này dành nguyên một bài editorial để nói về nagging, một thói quen của người Mỹ mà có thể người Việt chúng ta không có, không làm bao giờ.

Tôi nghĩ chúng ta không có thói quen đó là vì trong tiếng Việt không có một chữ nào tương đương với danh từ nagging này.

Tự điển của Nguyễn Đình Hòa dịch nagging là mè nheo, là nói mãi làm khó chịu. Tự điển Nguyễn Vãn Tạo dịch là cằn nhằn, kiếm chuyện cãi cọ, giằn vặt.

Như thế, các nhà làm tự điển phải dùng bao nhiêu chữ mới diễn được gần đúng nghĩa của chữ nagging trong Anh ngữ.

Như vậy, người Việt không nag nhau bao giờ. Và vì không nag nhau nên mới không có chữ để gọi việc làm đó. Trong khi tiếng Anh thì có, chỉ cần có một chữ thôi, một chữ nag là đủ để nói hết về cái thói quen đó của họ.

Cả hai nhà làm tự điển Anh Việt đề cập đến ở trên nay không còn nữa nhưng tôi biết hai ông đều là những người hạnh phúc, cả đời không bị các bà nag bao giờ nên những định nghĩa của các ông về nag đều thiếu sót, chưa diễn được đầy đủ ý nghĩa của chữ nag trong Anh ngữ.

Bài editorial của tờ Los Angeles Times mở đầu nguyên vãn như thế này: "Did you see that new study on nagging? Did you? Huh? Huh? Did you see it? Did you read it? Did you really read it? If you didn't read the nagging study, you should, you know. You will, won't you?"

Như vậy là nag. Những câu hỏi cứ xoáy vào một chuyện nhiều khi mức độ quan trọng của chuyện đó không có là bao nhiêu, một bên thì muốn tạm quên đi, một bên thì tiếp tục kéo nó ra, nhất định biến thành chuyện lớn, và tiếp tục nhay, cắn mãi không thôi.

Thí dụ buổi sáng, cái ô vẫn còn nằm trong góc nhà. Chưa ai cầm lấy nó đi ra cửa. Chưa ai cầm mang ra cửa thì không thể có chuyện mang nó đi làm. Chưa mang nó ra sở thì chưa thể có chuyện để quên nó ở sở, làm mất nó. Chưa mất nó thì chưa thể có chuyện phải mua cái ô khác. Chưa mua cái ô khác thì chưa thể có chuyện phí tiền, gây thâm hụt cho ngân sách gia đình. Chưa thâm hụt ngân sách gia đình thì không thể đưa đến chuyện thiếu tiền không mua được cái nhẫn hột soàn chẳng hạn...

Nhưng người đàn ông đang cạo râu trong buồng tắm sửa soạn đi làm, Chưa kịp lau sạch những chỗ xà phòng cạo râu dính trên mặt là có thể được nghe câu này: "Ông đừng có để quên cái ô ở sở nhá... mang đi thì nhớ mang về... chứ rồi lại bỏ lại ở sở, có đứa tham nó lấy mất thì không có cái mà dùng... cái ô tốt thế mà làm mất thì uổng, lúc cần lại phải mua... tiền ở đâu mà lắm thế... Cứ thế thì bảo làm sao không hết tiền cho được. Mua cái gì dùng vào người thì mấy cũng không tiếc, cứ làm mất của thì tiếc đổ máu mắt ra... Vậy mà hôm nọ tôi muốn mua cái nhẫn thì gạt phắt đi... Có của thì lại không biết giữ... Rõ chán!"

Cả đoạn trên có thể nhắc ngày này qua ngày khác, mỗi sáng, mỗi tối... Đó là nag. Mè nheo, cằn nhằn, giằn vặt chưa thể dễ sợ bằng nag. Nag làm cho người nghe hết sức khổ tâm. Mỗi câu là một cái đinh tổ bố đóng vào lương tâm của người nghe. Chưa đỡ, chưa gạt được cái đinh này thì đã một cái khác phóng tới. Những vòng tròn trên mặt hồ cứ xô đến bờ lại dội trở lại hoài hoài, mãi mãi không thôi. Những tiếng vọng đập vào vách núi lại vang trở lại, xoáy vào tai người nghe tưởng như không bao giờ dứt.

Nag tạo ra những chấn thương tâm lý khủng khiếp, có thể làm cho người nghe phát điên lên được. Nhưng rất may, người Việt không nag bao giờ cho nên trong ngôn ngữ của chúng ta không có từ ngữ nào để chỉ việc làm đó.

Chúng ta hạnh phúc biết là chừng nào mà không biết. Nag thì không bao giờ bị, chỉ thỉnh thoảng được cẩn thận nhắc khéo về một số chuyện mà người nhắc sợ chúng ta vì tuổi già đang xộc tới, sơ ý, quên đi đấy thôi.

Thí dụ nửa đêm nhắc đậu lại cái xe trong gara cho ngay ngắn, treo cái màn cửa lên, cắt cỏ ngoài sân sau, mang thùng rác ra trước cửa, tỉa bụi hồng bên cửa sổ, thay nhớt máy cái xe, sửa cái ống nước trong nhà tắm vân vân chứ có nag.. niếc gì đâu.

Chuyện mất ô chưa hề xẩy ra cho ai ngoài ông Tú Xương vậy mà những người đàn ông khác vẫn bị nhắc về chuyện cái ô... Chưa mất mới khổ đời chứ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 104)

VERBS FOLLOWED WITH GERUNDS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 104 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, trong một bài trước, anh có nêu trường hợp TO LOOK FORWARD TO mà khá nhiều người dùng sai nhưng QA hiểu chưa rõ. Xin anh nói lại.

BBT

Đây là một động tự kỳ cục, dễ dùng sai là vì nó có PREPOSITION TO đi ngay sau FORWARD. Mà thấy LOOK FORWARD TO thì người ta có khuynh hướng đặt một động từ chưa chia (INFINITIVE WITH TO) vào đó để thành I LOOK FORWARD TO MEET YOU. Nhưng như thế là sai. Phải dùng VERB+ING mới đúng. I LOOK FORWARD TO SEEING YOU .

Nhưng vẫn có nhiều ngươi dùng sai nó.

LÃM THÚY

Ngoài TO LOOK FORWAR TO còn có động từ nào khác với cách dùng kỳ lạ như thế không thưa thầy?

BBT

Tôi nghĩ động tự MIND cũng là một động tự kỳ cục. Động tự này có mấy nghĩa khác nhau. Có khi nó có nghĩa là để ý, lưu tâm. Thí dụ khi nói MIND YOUR OWN BUSINESS nghĩa là hãy lo lấy chính chuyện của mình, đừng xía vào chuyện người khác. Người ta cũng hay nói tắt thành MYOB nghĩa là MIND YOUR OWN BUSINESS cho ý nghĩa mạnh hơn. Thúy thử nói tiếng Anh câu này coi: Tôi nhờ người bạn coi tiệm một bữa trong tuần.

LÃM THÚY

I ASK A FRIEND TO MIND THE STORE FOR ME ONCE A WEEK.

BBT

Đúng rồi. QA nói thử câu ai coi chừng em bé cho cô ấy đi chợ đây…

QA

WHO IS MINDING THE BABY FOR HER TO GO SHOPPING?

BBT

Cám ơn hai cô. Nhưng khi dùng nó ở thể phủ định (NEGATIVE) hay nghi vấn trong câu hỏi (INTERROGATIVE) thì động tự MIND lại có nghĩa hoàn toàn khác. Thí dụ khi nói I DON’T MIND thì câu này lại có nghĩa là tôi không cần, ý nghĩa như khi chúng ta nói I DON’T CARE. Mạnh hơn một chút nữa thì là I DON’T GIVE A HOOT ABOUT HIM/ IT/ THE WHOLE THING hay I DON’T GIVE A HECK ABOUT it…

LÃM THÚY

Thúy có nghe nó được dùng trong câu hỏi như DO YOU MIND TURN DOWN THE RADIO? phải không Quỳnh Anh?

BBT

Câu cô Thúy nghe được là không đúng về mặt văn phạm. Phải nói là DO YOU MIND TURNING DOWN THE RADIO mới đúng.

QA

Như vậy, sau DO YOU MIND phải dùng PRESENT PARTICIPLE, tức là VERB+ING phải không anh? Trong trường hợp này thì QA nghĩ không thể hiểu là ông có để ý tới chuyện vặn cái radio nhỏ xuống một chút phải không thưa anh?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ câu hỏi đó phải được hiểu là ông có phiền vặn nhỏ cái radio lại một chút không?

BBT

Hay cũng có thể là xin phiền ông vặn cái radio nhỏ lại. Nhớ dùng Present Participle trong trường hợp này. Nếu không thấy đó là một chuyện gây phiền toái thì nói thế nào cô Thúy? Cho nghe luôn một thí dụ coi.

LÃM THÚY

I DON’T MIND HELPING HIM WITH HIS HOMEWORK. HE DOESN’T MIND COMING TO WORK ON SUNDAY. WE DIDN’T MIND DRIVING ALL DAY TO CANADA.

BBT

Bây giờ hỏi cô QA là nếu tôi muốn mượn cái xe của cô và hỏi cô DO YOU MIND LENDING ME YOUR CAR? Mà cô sẵn sàng cho tôi mượn xe thì cô trả lời thế nào?

QA

YES SIR!

BBT

Cám ơn cô. Tôi đi bộ cũng được.

QA

Ô hay! Thầy cứ lấy xe của QA mà đi chứ tại sao hỏi mượn xong thầy lại đi bộ về?

BBT

Tại vì cô trả lời YES SIR! Mà trả lời như thế thì nghĩa là cô có phiền về chuyện cho tôi mượn xe thì tôi đi bộ về chứ biết làm gì bây giờ?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ chị QA phải trả lời là NO SIR! Nếu chị muốn cho ông thầy dùng xe của chị. DO YOU MIND LENDING ME YOUR CAR? nghĩa là cô có phiền nếu cho tôi mượn xe không thì chị QA phải nói NO SIR! Không, tôi không lấy chuyện đó làm phiền thì người hỏi mượn xe mới dám dùng xe của chị chứ.

QA

Thôi QA hiểu rồi. Khi bị hỏi DO YOU MIND … mà muốn người hỏi làm việc đó thì phải nói NO, khi không muốn người ấy làm việc mà người đó hỏi thì nói YES. Nói NO là MUỐN, nói YES là KHÔNG MUỐN. QA phải nhớ cách trả lời này mới được. Không thì mất lòng bạn bè hết.

BBT

Để cho lịch sự hơn thì chúng ta thay DO bằng WOULD, nghe nhẹ nhàng hơn. Thí dụ WOULD YOU MIND SPEAKING A BIT LOUDER? Thúy cho nghe hai câu hỏi dùng WOULD YOU MIND…? coi.

LÃM THÚY

WOULD YOU MIND NOT TALKING SO LOUD?

WOULD YOU MIND NOT CUSSING AT HOME?

QA

WOULD YOU MIND FINISHING THE HOMEWORK BEFORE DINNER?

WOULD YOU MIND TURNING OFF YOUR CELL PHONE IN THE THEATER?

WOULD YOU MIND DRIVING YOUR SISTER BACK TO SCHOOL THIS WEEKEND?

BBT

Đúng là BUY TWO GET ONE FREE. Yêu cầu nói có hai câu thì nói thành ba câu luôn. Cám ơn hai cô.

LÃM THÚY

Còn động tự nào khác kỳ cục như vậy không, thưa thầy?

BBT

Có chứ. Tôi thích động tự này, động tự HELP. TO HELP là giúp đỡ. Hai cô đã biết rất rõ về cách dùng bình thường của nó. Nhưng khi nó được dùng ở thể phủ định (INTERROGATIVE MOOD) thì ý nghĩa nó trở thành hoàn toàn khác. CANNOT HELP không còn có nghĩa là không thể giúp đỡ nữa. Thí dụ I CANNOT HELP CRYING READING ANH PHẢI SỐNG BY KHÁI HƯNG.

QA

Trong thí dụ vừa rồi, I CANNOT HELP và sau đó chúng ta dùng VERB+ING thì dịch sang tiếng Việt phải là tôi không thể không, tôi không thể ngừng, tôi không thể đừng … phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Có hai động tự khác tôi cũng muốn hai cô biết thêm trong bài học hôm nay. Đó là I CANNOT BEAR và I CANNOT STAND , theo sau là PRESENT PARTICIPLE. Hai động tự BEAR và STAND trong các trường hợp này đều được dùng trong thể phủ định (NEGATIVE) để có nghĩa là CHỊU KHÔNG ĐƯỢC, cách nói mà chúng ta cũng rất hay dùng trong tiếng Việt. Thí dụ khi nói I CANNOT BEAR hay I CANNOT STAND SEEING HER CRY nghĩa là tôi chịu không nổi khi thấy cô ấy khóc.

Thúy cho nghe một thí dụ coi.

LÃM THÚY

I CANNOT STAND LISTENING TO HIS LOVE STORY.

THEY COULD NOT STAND HEARING ANOTHER SOB STORY OF HERS.

QA

QA xin đưa ra hai thí dụ nhờ anh coi có đúng không:

WE CANNOT BEAR TELLING LIES FOR HIM. HE CANNOT BEAR SITTING THERE LOOKING AT THE SICK BOY.

BBT

Đúng hết chứ sai ở đâu? Cô Thúy có câu hỏi gì đây?

LÃM THÚY

Thưa anh, cô bạn Thúy nhờ hỏi FISH là số ít hay số nhiều?

BBT

FISH vừa là số ít vừa là số nhiều. HE CAUGHT ONE FISH FROM THE LAKE. THE JAPANESE CONSUME A LOT OF FISH.

Nhưng cũng có khi số nhiều của FISH là FISHES, đó là khi chúng ta đưa ra một con số như THREE FISHES. Cũng có thể nói THREE FISH.

QA

Hình như DEER vừa là số nhiều vừa là số ít phải không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy. Còn mấy chữ này nữa: TROUT là cá chuối. Số nhiều số ít viết giống nhau. Không bao giờ là TROUTS. Cũng như SHEEP là cừu và SWINE

là heo nái. Không bao giờ là SHEEPS và SWINES.

LÃM THÚY

Thưa anh, có những chữ nào bao giờ cũng số nhiều không?

BBT

Có. Quần có hai ống nên bao giờ cũng số nhiều PANTS, JEANS, TROUSERS, SHORTS… Những danh từ khác là PLIERS, GLASSES, SCISSORS… Tất cả các danh từ vừa kể đều như …"đũa có đôi" nên chúng luôn luôn là số nhiều. Khi muốn nói MỘT đôi đũa thì chúng ta phải nói A PAIR OF CHOPSTICKS cũng như A PAIR OF SHOES, JEANS, SCISSORS, GLASSES, BINOCULARS, TWEEZERS, CHOPSTICKS…

LÃM THÚY

Anh cho biết tại sao lại có cách nói như trong tựa bài hát LOVE IS A MANY SPLENDORED THING? Tại sao sau MANY lại không là THINGS?

BBT

MANY và MANY A đều có nghĩa là nhiều. Nhưng sau MANY chúng ta dùng danh từ số nhiều (PLURAL). Sau MANY A, chúng ta dùng danh từ số ít (SINGULAR).

Khi nói MANY BOOKS ARE WRITTEN ABOUT SHAKESPEARE thì câu này có nghĩa là nhiều sách được viết về Shakespeare. Chúng ta nói một cách chung chung về những sách viết về Shakespeare . Nhưng khi nói MANY A BOOK IS ABOUT SHAKESPEARE thì câu này đề cập tới từng quyển sách trong số nhiều quyển viết về Shakespeare.

Trong ca khúc JAMAICA FAREWELL có câu (I) WON’T BE BACK FOR MANY A DAY . Câu này có nghĩa là tôi sẽ không trở lại Kingston trong nhiều ngày nữa, nhấn mạnh vào từng ngày trong số nhiều ngày đó. Cách dùng này thường ít khi gặp trong ngôn ngữ hàng ngày. Chúng ta thấy cách dùng này trong thi ca nhiều hơn.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.