July 14, 2011

July 15, 2011

Ngày 11 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Sáng Chủ Nhật, chú nhỏ giao báo giao thiếu một tờ, thay vì cả hai tờ Los Angeles Times và Orange County Register, chú chỉ quăng vào cổng sau nhà tôi có một tờ Orange County Register.

Thế nên khi đi ăn sáng, tiện đường tôi ghé vào tiệm 7-Eleven đầu đường mua tờ LA Times. Người đàn ông, nếu không là người Pakistan, thì cũng là người Ấn độ hay Bangladesh, trông vẫn còn phờ phạc sau một đêm không ngủ đứng ở quầy. Tôi đưa tờ giấy hai chục, ông mở két lấy tiền trả lại.

Ông lấy mãi không được mấy tờ một đồng, cuối cùng, ông liền lấy nguyên xấp giấy một đồng trong hộc, đếm lấy mấy đồng.

Và chuyện đếm mấy tờ giấy một đồng là chi tiết cứ trở lại mãi trong đầu tôi mấy hôm nay. Ông thè lưỡi, đưa ngón tay trỏ vào, thấm một chút nước bọt rồi mới nhặt ra mấy đồng một đồng. Cứ mỗi tờ, ông lại đưa ngón tay trỏ vào miệng, thấm chút nước bọt. Tất cả ba lần. Hai tờ giấy mười đồng và năm đồng ông đã lấy từ trước nên không phải thấm nước bọt vào ngón tay trỏ.

Nhưng rồi ông cầm tất cả, xỉa ra từng tờ một, năm lần tất cả, năm lần ông đều thấm chút nước bọt vào ngón tay, rồi mới đếm tiền trả lại cho tôi.

Tôi nhìn ông lấy tiền, đếm trả lại cho tôi mà phát rùng mình. Không lẽ bỏ luôn mười mấy đồng để "tip" cho ông. Gia đình tôi không có ai làm chủ một cái giếng dầu hỏa nào thì làm sao có tiền ăn chơi như các vua và hoảng tử Ả Rập, tiêu toàn petro-dollar, mà cũng không ở trong gia đình các công tử Nam kỳ cụ Vương Hồng Sể kể lại là lấy tiền đốt lên để tìm mấy đồng tiền lẻ rơi dưới đất.

Không thể để "tip" mười mấy đồng cho ông, tôi giơ hai tay đỡ lấy, cuộn lại, cho hết vào túi quần, cầm tờ báo bước ra xa.

Bước ra xe, vừa đi vừa nhớ lại cái lưỡi đỏ của ông, những giọt nước bọt nằm trên cái lưỡi đỏ ấy được ngón tay của ông chấm vào, rồi đưa vào những tờ giấy bạc bằng một cử chỉ như chà, như miết, như lau ngón tay vào những tờ giấy bạc, và bây giờ, chúng đang nằm trong cái túi quần cuả tôi.

Có thể một lúc sau, những hạt nước bọt nhỏ ấy sẽ khô đi, sẽ bay ra ngoài túi quần, nhập vào với không khí ô nhiễm của miền nam tiểu bang California này, rồi cũng gửi gió cho mây ngàn bay, theo cánh hạc đi đi mãi, trắng một mầu mây vạn vạn đời như trong thơ Thôi Hiệu.

Nhưng tại sao tôi phải giữ những tờ giấy dính nước bọt của người đàn ông già Ấn độ, Pakistan, Bangladesh đó trong túi áo? Tại sao tôi phải thò hai tay đỡ lấy chúng, rồi bỏ hết vào túi để vào xe ngồi nghĩ lại mà kinh.

Tại sao tôi không phản đối ngay tại chỗ, bảo ông là "khoan khoan đừng có liếm tay / vi trùng dính lại biết ngày nào ra". Chắc không được. Không thể vi phạm nhân quyền ông như thế. Không thể kỳ thị như vậy.

Nên phải ngấm ngầm đau khổ vậy.

Trong những trường hợp thông thưòng, chắc chắn tôi không thể xin ông miết cho một ít nước bọt vào tay, thế mà hôm chủ nhật tôi để cho nước bọt của ông theo vào tận trong túi quần mang đi chơi khắp nơi.

Những con vi trùng gì đấy của ông thế là bám vào trong quần của tôi. Tôi phải làm gì với chúng?

Cái lưỡi đỏ và những giọt nưóc bọt của ông cứ lởn vởn trong đầu tôi mãi cho đến lúc ăn sáng xong, về nhà mở tờ báo ra đọc.

Và tôi chợt nhớ đến một cách nói của người Việt Nam. Đồng tiền nhơ bẩn.

Thôi đúng rồi, đồng tiền dơ bẩn, nhơ bẩn. Mấy tờ giấy bạc ấy chứ còn đâu nữa.

Nhớ một lần dẫn người bạn mới từ Việt Nam sang đi xem thoát y vũ ở thủ đô Washington. Khách xem vũ đến đoạn trình diễn cuối của các vũ nữ đều thưởng tiền cho các cô bằng cách gài những đồng bạc vào mảnh vải cuối cùng còn ở trên người của các cô, mà khu vực ấy thì lại không ở phía trên, chắc để cho khách cài tiền vào cho dễ. Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ra về cứ chê tiền bạc bên Mỹ không sạch sẽ bao nhiêu ngay từ cái hôm đầu tiên đến Mỹ ấy.

Tôi chợt nhớ một hai lần quăng quần áo vào máy giặt, lúc bốc sang máy sấy thì tìm được mấy đồng bạc để quên trong túi áo, túi quần còn dính vào thành máy giặt. Lấy ra, mầu sắc vẫn còn nguyên, phơi lên nắp máy sấy, chiều về đã khô, sẵn sàng để đem đi uống cà phê Satrbucks.

Bèn mang cả chiếc quần mặc hồi sáng với nguyên mấy đồng bạc trong túi ném hết vào máy giặt cùng với một đống quần áo khác.

Thế là yên trí, hết bị cái lưỡi đỏ của người đàn ông trong tiệm 7-Eleven làm đau đầu.

Nhưng như thế mới chỉ giải quyết xong có chuyện mấy đồng bạc sáng chủ nhật ở tiệm 7-Eleven. Trong khi ở Los Angeles có mấy trăm cái hộp đêm có vũ khỏa thân, mà lại còn khỏa thân bạo hơn ở Washington DC hồi mấy chục năm trước và những cách thưởng tiền của khách cũng bạo hơn thì phải làm sao? Làm sao biết những đồng tiền đưọc trao vào tay của chúng ta, tối hôm trước nó từ mấy cái hộp đêm vũ sexy theo các cô về nhà ?

Lúc ấy phải làm sao?

Cứ phải "rửa tiền" mỗi ngày hay sao? Mà rửa tiền, money laundering, cho sạch thì tại sao lại có luật cấm và nghiêm phạt?


Ngày 12 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Bài Mama From The Train, một ca khúc của Irving Gordon tôi nghe đã lâu lắm, lúc đầu không hiểu bài hát định nói gì, nhất là mấy câu nguyên văn như thế này:

Throw mama from the train, a kiss, a kiss
Wave mama from the train goodbye
throw mama from the train, a kiss, a kiss
And don’t cry my baby don’t cry...

Cứ hiểu đằng thẳng ra, thì ai chẳng nghĩ là ném mẹ từ trên xe lửa xuống. Có ai nỡ làm thế. Nhưng nghe kỹ, thì là hãy gửi cho mẹ một chiếc hôn gió từ trên xe lửa, hãy vẫy tay chào mẹ từ trên xe lửa, hãy gửi cho mẹ chiếc hôn gió, thôi đừng khóc nữa...

Bài hát cảm động của một người mất mẹ, nhớ lại người mẹ hiền lành, quê mùa, nói thứ tiếng Anh bồi giọng Hà Lan ở Pennsylvania đứng trên thềm ga xe lửa tiễn con, còn dặn con đi vui vẻ đừng khóc.

Tác giả Irving Gordon viết những câu đầu của bài hát đã cố ý dùng thứ tiếng Anh không đúng văn phạm, câu cú lộn xộn của những nguời di dân Hà Lan lập nghiệp ở đông bắc Hoa kỳ gọi là Pennsylvania Dutch.

Tôi chợt nhớ lại bài hát ấy khi đi ăn với người bạn ở một tiệm ăn tối hôm qua.

Ngồi gần bàn chúng tôi là một gia đình mà chúng tôi không thể không thấy, vì khoảng cách giữa hai bàn không bao nhiêu và những người ngồi ở bàn lại ở ngay chỗ chúng tôi ngó ra. Gia đình có bốn người, cụ ông và cụ bà khoảng bẩy chục, người con trai có vợ là một cô đầm Mỹ đi cùng.

Hai cụ trông buồn bã và lạc lõng hết sức. Nhất là cụ ông, cứ ngó lên trần nhà, không nói gì, cả với cụ bà ngồi bên cạnh. Và cụ bà thì cũng buồn bã và lạc lõng không kém. Cụ không ngó cụ ông, và cũng như cụ ông, cụ cũng tránh né không nhìn nguời con trai và người phụ nữ mà chúng tôi đoán là con dâu Mỹ của cụ.

Cặp vợ chồng ngoài bốn mươi này trông cũng lạc lõng và buồn hết sức. Họ nói với nhau rất nhỏ, và hình như cũng không nói gì nhiều với nhau.

Chúng tôi tin chắc vấn đề của gia đình ngồi bàn bên cạnh là ngôn ngữ.

Có thể hai cụ không nói được tiếng Anh. Cô con dâu Mỹ không nói được tiếng Việt. Hai vợ chồng chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh.

Họ không nói với nhau nhiều, có thể là họ sợ nói với nhau bằng tiếng Anh, thì hai cụ bị gạt ra ngoài câu chuyện. Mà người đàn ông nếu nói với cha mẹ bằng tiếng Việt thì lại gạt vợ ra ngoài.

Hai cụ không nói được tiếng Anh,chỉ nói tiếng Việt thì lại sợ làm như thế là gạt cô con dâu ra ngoài.

Hai vợ chồng người con nói rất nhỏ với nhau. Ông bà cụ im lặng ngồi cạnh, không ngó nhau, cũng không nhìn vợ chồng người con. Cụ ông nhìn trần nhà, cụ bà ngó đi một chỗ khác.

Bữa ăn tối im lặng một cách ngột ngạt. Sự im lặng mà nghe lại thấy toàn những tiếng động inh tai nhức óc.

Bữa ăn tối đáng lẽ đã diễn ra một cách vui vẻ, thì bốn người ngồi đó như nhũng người đang phải gánh chịu những cực hình kinh khủng nhất.

Cũng không trách được ai trong cảnh tượng như thế.

Người con trai có thể chỉ mới đây mới đón được cha mẹ từ Việt Nam qua. Hai cụ sang đến Mỹ thì một số chuyện đã xẩy ra. Mà chuyện đã xẩy ra đó thì hai cụ không thể làm gì để can thiệp được. Và cũng không nên can thiệp vào những chuyện như thế.

Không ai có thể sống hộ đời sống của người khác. Con của các cụ có đời sống riêng. Các cụ không thể can thiệp được nữa. Mà cho dù là có thể can thiệp được thì liệu sự can thiệp đó có làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn không, hay lại càng làm cho chuyện khó khăn thêm?

Hai cụ có thể trước đây ở Việt Nam đã có một đời sống rất khác. Cụ ông có thể lầu lầu tiếng Pháp, cụ bà có thể tiếng Việt giọng sông Cửu long hết sức quyến rũ.

Sang Mỹ, hai cụ phút chốc trở thành những người câm và điếc. Người con trai hai cụ gửi gấm cho người quen giúp vượt biên sang Mỹ, được cho đi học tử tế, kiếm được công việc xứng đáng, và đời sống đưa đẩy đến một đời sống mà cha mẹ không nghĩ tới. Người con trai đưa được cha mẹ sang Mỹ, tưởng làm vui lòng cha mẹ lúc tuổi già cuối đời.

Nhưng bữa tối tại nhà hàng hôm qua hình như không được như cả hai phía vẫn mong muốn. Người con trai không có lỗi gì. Người con dâu thì lại càng không một sai lầm nào.

Hai cụ cũng không có điều chi sai lầm. Chỉ tại ngôn ngữ bất đồng.

Người con trai đến nước Mỹ khi còn rất nhỏ, tiếng Việt lúc ấy chưa có được bao nhiêu, và nay thì có thể đã quên gần hết. Vài câu chào hỏi xong thì không còn gì để nói nữa. Tiếng Việt đã cạn gần hết. Còn hai cụ, những bài học tiếng Anh thời còn đi học nay cũng đã quên không còn để lại được bao nhiêu. Không lẽ cứ Anglais Vivant 6ème Bleu đây là ông Brown, ông Brown là một người đàn ông, đây là Jock, Jock là một con chó, Jock là một con vật, Jock không phải là người.

Thôi thì đành im vậy, nói ra con dâu nó cười chết.

Nhưng thưa cụ, tại sao cụ lại nghĩ thế. Ít nhất cụ cũng có cuốn 6ème Bleu lót lòng. Cụ cứ nói đi. Chắp mãi thì cũng thành câu: cá thì ngon, cám ơn con, cám ơn Jessica, mẹ yêu các con, cám ơn Jessica đã yêu con trai của bố...

Dễ mà thưa các cụ. Cứ nói đại đi, đừng sợ ai cười. Cô con dâu Mỹ nếu có nói được vài ba câu như thế các cụ có cười không? Các cụ chắc chắn sẽ yêu cô con dâu với hai ba câu tiếng Việt ấy chứ?

Không ai cười các cụ đâu. Cười hở mười cái răng, thưa hai cụ.


Ngày 13 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Mấy hôm trước, tại một buổi tụ họp, một thanh niên hỏi tôi rằng tại sao ở ngoài Việt Nam đã lâu như thế mà tôi vẫn nói được tiếng Việt.

Người thanh niên này mới từ Việt Nam sang sống ở Mỹ. Không hiểu tại sao anh lại nghĩ là tôi có thể quên tiếng Việt. Tôi nói với anh rằng tôi ở Bắc Mỹ hơn ba chục năm, nhưng có ở thêm hai chục năm nữa, thì tôi vẫn nói tiếng Việt như ngày hôm nay.

Có thể quên một vài chữ, nhưng đến độ quên hẳn, không còn nói được tiếng Việt thì nhất định không. Anh nói với tôi là tại sao lại có những người tuổi tác cũng như tôi, hay ít hơn tôi vài ba tuổi, mà về nước thăm nhà, không còn nói được tiếng Việt lưu loát nữa, cứ phải nghĩ bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Việt.

Tôi trả lời là tôi không biết những trường hợp đó. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ bằng tiếng Việt, và dịch sang tiếng Anh nên tiếng Anh của tôi rất là tầm bậy tầm bạ.

Giọng tiếng Việt cuả tôi. Cái giọng đó vừa mới có được 6 hay 7 năm là đã bỏ miền Bắc. Nhưng các dấu hỏi ngã có bao giờ sai đâu, và vẫn tiếp tục nói sai bất chấp X hay S, CH hay TR như hồi còn ở phố Sinh Từ Hà Nội.

Duy có điều là tiếng Việt cuả tôi có bị Mỹ hóa đi đôi chút. Thụ động cách (passive voice) được đem dùng nhiều hơn. Thí dụ như câu nói vừa rồi. Người nói tiếng Việt thuần tuý thì mấy ai nói như thế. Phải nói là tôi dùng thụ động cách nhiều hơn mới đúng là Việt thuần tuý.

Nhưng tôi vẫn cho rầng tôi còn nói tiếng Việt.

Tiếng Việt từ lúc còn ngọng ríu ngọng rắt đến nay vẫn còn nguyên. Làm sao mà quên được nó. Cái tiếng nói đã vào trong máu, đã nằm một đống ở vô thức, tiềm thức, ý thức làm sao đem nó đi chỗ khác được.

Tiếng Việt của những bài tập làm văn ở tiểu học, những giờ tập đọc của các thầy giáo, cô giáo dậy cho, rồi lại học ở sân trường bao nhiêu điều quí báu từ những người bạn cùng tuổi, những câu chửi thề tục tĩu, những câu dùng để cãi nhau, những bài hát được đặt cho những lời ca mới mang về nhà hát bị đòn nhớ đời thì làm sao quên?

Làm sao quên khi được những xao xuyến khi đọc được câu Chinh Phụ Ngâm … ngập ngừng lá rụng cành trâm / nửa đêm nghe dậy tiếng cầm xôn xao...

Ý nghĩa thì không biết thế nào, nhưng đó là hai câu làm bâng khuâng suốt một buổi sáng ngồi trong lớp đệ ngũ trung học.

Làm thế nào quên được bản dịch bài viết về Kiều của Chu Mạnh Trinh bằng giọng văn dịch của Đoàn Quì: Ta vốn nòi tình thương người đồng điệu… Làm sao quên được câu nhún mình bi thảm của Hoạn Thư rằng tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Tôi không nghĩ tôi có thể quên cái tiếng nói chuyên chở bằng ấy thứ.

Cho dù có lạc lên hoang đảo không có ai trò chuyện thì vẫn nói chuyện với mình. Suy nghĩ lớn lên bằng tiếng nói. Như thế thì làm sao quên đưọc.

Không lẽ Robinson trên hoang đảo quay ra nói bằng tiếng của con két hay tiếng của anh chàng Friday, như nhân vật của Daniel Defoe.

Tôi rời Việt Nam lần đầu là năm 18 tuổi. Ở tuổi đó, tiếng nói của một người đã phát triển đầy đủ. Tiếng nói có được sau đó là thứ tiếng phụ. Có quên thì quên thứ tiếng học sau. Em tôi học cao học đại học Nhật sang Canada sống nay đã quên gần hết tiếng Nhật. Tiếng Nhật chỉ còn sót lại vừa đủ để gọi mấy món trong tiệm sushi.

Nhưng tiếng Việt thì không thể quên được.

Có thể những em sang Mỹ quá sớm, đi học trường Mỹ, không có cơ hội nói tiếng Việt thì chuyện không nói được tiếng Việt có thể hiểu được. Tiếng Việt mang theo ở Việt Nam năm 7 hay 8 hay 10 tuổi thì không thể giống như tiếng Việt của một thanh niên đã học xong trung học Việt Nam. Những năm 13, 15, 17 là những năm tiếng Việt đi những bước phức tạp nhất. Các em không ở trường Việt để cho tiếng Việt phát triển thì đã bị nhận chìm vào đời sống Mỹ. Chuyện quên tiếng Việt có thể hiểu được.

Nhưng đã ở với tiếng Việt hai chục, ba chục, bốn chục năm thì không thể quên được. Có thể nói không hay. Nhưng quên đến độ không nói được nữa thì rất khó.

Nói rằng quên tiếng Việt sau một số năm sống ở Mỹ chỉ là một cách khoe ngầm là đã trở thành Mỹ rặt thì có.


Ngày 14 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Trong Fatal Attraction, cuốn phim kể chuyện một người đàn ông (do Michael Douglas đóng), đang vui vẻ hạnh phúc với vợ con thì dính vào một liên hệ với một phụ nữ (do Glenn Close đóng).

Nội vụ đổ bể, Anne Archer, người vợ biết chuyện liền lập tức thẳng tay đuổi người chồng ra khỏi nhà. Nhìn cảnh Michael Douglas quơ vội mấy món quần áo cho vào trong cái va li nhỏ, đi ra ngủ ở hotel, và mặc dù đó chỉ là cảnh trong phim, lúc ấy tôi vẫn cảm thấy bực vô cùng. Đồng ý là người chồng có lỗi. Nhưng thấy chàng bị vợ đuổi tôi vẫn thấy hết sức bất công. Nhà thì là nhà của chung hai người, vừa sa ngã một cái là người đàn ông bị vợ đuổi ngay ra khỏi nhà.

Tuy thế, chuyện quần áo ra đầu đường có thể là một việc làm nên làm lắm chứ không phải là không.

Mà đó là hai người mới chỉ cãi nhau một trận. Chưa tìm luật sư làm cái đơn li dị, giấy tờ cũng chưa nằm ngoài tòa. Vậy thì tại sao lại không thể vườn ta, ta trồng, bếp ta, ta làm, nhà ta, ta ở … cứ như business as usual, mọi việc bình thường như chưa có sứt, có mẻ miếng nào cả?

Nhưng nghĩ lại thì tôi lại tin là nên rời khỏi nhà càng sớm càng tốt. Nhất là sau bản tin trên tờ Orange Register cách đây hai ba ngày về một người đàn ông nấn ná ở lại căn nhà của hai người trong khi cơm đã không còn lành, canh đã không còn ngọt và cả hai đang tiến hành thủ tục li dị tại tòa.

Hiện chưa rõ nguyên nhân nào đưa tới việc người đàn bà ở Garden Grove đã phải hạ một chiêu khủng khiếp như thế. Theo tin của báo Register thì chiều tối hôm 11 tháng 7, người đàn bà nấu bữa tối cho người đàn ông. Cảnh sát chưa biết những gì được bỏ vào những món ăn tối nhưng sau khi ăn xong, người đàn ông lên giường ngủ mê mệt. Ông ta bị người đàn bà dùng dây trói vào giường rồi đánh thức dậy, và lấy một con dao dài 10 inches cắt đứt lìa bộ phận chiến lược của ông ta, ném vào cái máy xay rác trong bếp và bật nút cho máy chạy. Người phụ nữ này sau đó gọi 911 xin cấp cứu cho nạn nhân, và khi cảnh sát tới nơi, bà nói rằng người đàn ông rất đáng bị hình phạt đó.

Người đàn ông 60 tuổi đang phải nằm bệnh viện, tình trạng không đến nỗi nguy hiểm tới tính mạng. Người đàn bà 48 tuổi đã ra tòa sáng hôm qua, tòa định tiền thế chân là 1 triệu đô la.

He deserves it! Đó là nguyên văn lời của bà nói với cảnh sát khi cảnh sát tới nhà của hai người.

Chắc ông ta phải phạm một cái lỗi gì to lắm. Thường phải là lỗi về tình ái thì mới làm cho người đàn bà giận đến như thế. Nhưng hai người đang tiến hành việc li dị thì còn tiếc, còn ghen tuông cái nỗi gì nữa?

Liệu có khôn ngoan không nhỉ, khi hướng lòng mình về một người đã rũ áo ra đi? Câu thơ của Tagore trong cuốn The Gardener vẫn còn đó. Chân đã bước đi, tà áo đã bị giật đứt, thì sao không để cho nó đi cho khuất mắt? Có đứa nào dại dột hứng lấy nó thì cứ im lặng cho đứa ngu dại kia ráng mà chịu. Thương tiếc, bực bội mà làm gì để giận mất khôn rồi tù tội. Chi bằng cứ để cho nó ra đi với đứa khác… cho đáng đời cả hai đứa?

Không chỉ he deserves it, mà là they deserve each other có phải là vui hơn không.

Nhưng việc làm của người phụ nữ này lại là việc đã có nhiều người làm trong quá khứ. Ở Manassas, Virginia, cũng đã xẩy ra một vụ tương tự, nhưng người đàn ông gươm gẫy lại lành nhờ tìm thấy được bộ phận bị cắt ném ra đường mặc dù kiến đã bắt đầu bò đến định khuân đi. Ở Việt Nam, Thái Lan trong mấy năm gần đây cũng đã xẩy ra những vụ tương tự.

Tại sao? Phải chăng vì cái kiến trúc do sự vụng về của ông Tạo nên người phụ nữ, gần như tất cả các hung thủ đều là phụ nữ, mỗi khi điên tiết lên thì đều đi một đường đao để trừng phạt những người đàn ông bằng cùng một biện pháp đó.

Bản tin báo Register cho biết người ta đã móc ra được những mảnh vụn của bộ phận bị máy xay rác cắt nát đem đến bệnh viện nhưng dường như các y sĩ đã không thể kim chỉ cứu vãn được.

Nhưng chàng tuổi tác đã ngoài 60, nên nếu có may vá lại được thì cũng chỉ còn dùng nó vào việc bài tiết. Chức năng khác của nó nhiều phần đã bỏ chủ ra đi từ mấy năm trước như căn phần của đa số những người đàn ông khác.

Vì thế, người đàn bà đã làm một công việc vô ích. Có ai lại dại dột nổi lửa đốt một chiếc xe hư máy, hết thuốc chữa đã nằm ụ từ mấy năm nay bao giờ?

Chi bằng nhổ cho một bãi nước miếng, nhún vai bất cần, bỏ đi kiếm một chàng trẻ tuổi khác, dẫn diệu qua mặt nó mỗi ngày cho nó tức điên lên, để rồi nhồi máu cơ tim mà chết có phải vui hơn không?

Chuyện này xẩy ra có thể sẽ đưa tới việc các chuyên viên địa ốc sẽ phải kèm thêm chi tiết về căn nhà là những chiếc máy xay rác (garbage disposal) đã được tháo gỡ, hay đã được phá cho hỏng thì mới có thể bán được chúng, giúp phục hồi nền kinh tế Hoa kỳ chăng?

Còn những người đàn ông khôn hồn sẽ phải nằm sấp mỗi khi đi ngủ. Hồn ai nấy giữ. Gươm ai nấy … đeo. Kiếm ai nấy … đấu. Dao ai nấy … cắt.

Thế giới sẽ hòa bình hơn chăng?


Ngày 15 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Tựa cuốn sách của Eugene Burdick và William Lederer The Ugly American thực ra phải hiểu là Người Mỹ Xấu Chơi thay vì là Người Mỹ Xấu Xí, vì cái xấu của đại sứ White, nhân vật chính trong cuốn sách là những trò chơi xấu về mặt chính trị mà thôi. Vai đại sứ White trong cuốn phim dựng từ cuốn sách do Marlon Brando đóng trong lúc Marlon Brando trong thời đẹp nhất của chàng. Ông không thể là người Mỹ xấu xí được. Ông cũng là một nhà ngoại giao lịch sự từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói.

Nhưng cuốn sách của Bá Dương viết về đồng bào của ông mà dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch là nguời Trung quốc xấu xí thì quá đúng. Cả về cử chỉ, hành động đến cách suy nghĩ.

Một vài người đọc cuốn sách này, mà nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến có nhắc lại trong bài điểm cuốn sách của bà, thì cho rằng nếu không có những chữ người Trung Quốc, thì chúng ta đã soi thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những trang sách của ông Bá Dương.

Nhiều lúc người đọc bản dịch của ông Nguyễn Hồi Thủ nghĩ rằng chính ông Nguyễn Hồi Thủ đã viết cuốn sách ấy để nói cạnh nói khoé người Việt.

Nhưng thực ra, ông Bá Dương nói về các đồng bào của ông thôi. Những trùng hợp với vài chuyện ngoài đời của chúng ta chỉ là ngẫu nhiên ngoài sự cố ý của người viết.

Một buổi sáng tôi đi ăn sáng với người bạn về, đang đi trên đưòng Brookhurst, đến khúc gần ngã tư Bolsa, thì tôi thấy chiếc xe chạy trước xe tôi nhận còi inh ỏi. Xe ở Mỹ ít khi dùng đến còi ngoại trừ những trường hợp rất hãn hũu. Khi xe tôi chạy thêm được một khúc thì tôi hiểu tại sao hai thanh niên da trắng ở xe trước phải dùng tới còi xe của họ.

Trên lề đường phía ta phải, một người đàn ông Á châu cao niên đang đứng quay mặt vào bức tường ngang hông một khu mobile homes. Ông phải là người lớn tuổi vì mái tóc đã bạc, quần áo tươm tất, đầu đội mũ. Dưới chân ông, một dòng nước ngoằn ngoèo đang chẩy lan ra đường đi.

Người đàn ông, bất chấp tiếng còi xe của hai thanh niên lái chiếc xe mui trần, vẫn tiếp tục đáp ứng thôi thúc của thiên nhiên. Ông bình thản, không quay lại, dòng nước tiếp tục ngoằn ngoèo dưới chân trên mặt đường xi măng. Đoàn xe lúc ấy dừng lại vì kẹt đèn đỏ ở phía trước nên rất nhiều xe trông thấy ông làm công việc ấy. Nguời đàn ông khoan thai làm xong việc, kéo cái zipper lên, rồi quay ra đi tiếp về phía đường Bolsa làm như không có gì xẩy ra. Ông đi chậm rãi. Từ đó đến ngã tư chỉ một quãng ngắn. Và ở ngã tư Brookhurst Bolsa, có nhiều cửa tiệm của người Việt. Phải chi ông chịu khó đi tới một chút, vào bất cứ tiệm ăn nào cũng có thể làm công việc ấy một cách kín đáo. Nhưng không, ông đang đi, thấy mót đái, ông đứng lại, hồn nhiên vạch quần đái ngay tại chỗ. Xin lỗi thính giả, người đàn ông già này đái, đái bậy, đái đường chứ không tiểu tiện gì hết. Ông ta không xứng đáng đưọc dùng những chữ thanh tao và lịch sự hơn. Ông ta đứng đái như những sinh vật vẫn hồn nhiên làm ướt những cái cột đèn, những cái gốc cây giữa ban ngày, ban mặt, ngay nơi nhĩ mục quan chiêm, ai cũng có thể thấy được hành động thiếu giáo dục, bất lịch sự đó của ông.

Thế rồi ông ta đi tiếp. Không biết sau đó, trong buổi sáng hôm thứ bẩy, ông có bắt tay bạn bè, xoa đầu mấy đứa bé bất hạnh nào không.

Nếu lúc ông đứng đái là buổi tối, đèn đường không có ở khúc đường ấy thì mức độ bỉ ổi của ông cũng không lớn bao nhiêu, vì cũng không ai biết. Nhưng ông đã làm công việc đứng đái bậy như những con vật để bao nhiêu người, trong đó có cả những người không phải là người Việt ở một khu trong thành phố mà ai cũng biết rằng đa số dân ở đó là người Việt.

Tồi bại không thể nói sao cho hết được.

Chưa hoàn hồn về người đàn ông già đái bậy này thì buổi tối, tại một buổi nghe nhạc, tôi lại có dịp thấy một nguòi đàn ông già xấu xí khác.

Chương trình nhạc vừa bắt đầu thì ở hàng ghế D vọng lên một nửa cuộc điện đàm. Cứ vài giây để bên kia nói, người đàn ông này lại trả lời, thăm hỏi mọi người phía bên kia đầu dây bằng một giọng khá lớn. Những người ngồi trước, sau ông hai hàng ghế có thể nghe thấy ông rất rõ. Phải chi mà cuộc diện đàm để giải quyết chuyện ngưng bắn ở Trung Đông giữa Palestine và Israel hay gỡ cho nước Mỹ ra khỏi thế kẹt hiện nay thì cũng được đi. Nhưng nửa đoạn đối thoại của ông chỉ là mấy câu trao đổi tầm bậy tầm bạ, tào lao xịt bộp. Thế mà ông vẫn cứ tiếp tục cuộc đối thoại trong khi những người dự buổi trình diễn nhạc đang rất khó chịu, trong đó cũng có cả vài ba người Mỹ.

Không xấu người ăn tục mà xấu người bẻ đũa. Câu tục ngữ Việt Nam mang một chút ý nghĩa là nên nhẹ nhàng với những người tham ăn tục uống vì phản ứng mạnh quá, bẻ đũa quăng xuống mâm có thể lại bị coi là xấu hơn người ăn tục.

Nhưng người ta phải làm gì với nhũng người đàn ông Việt Nam xấu xa đó? Có nên dừng xe lại, cho ông ta một bài học ngắn về văn minh, văn hóa, lịch sự, công dân giáo dục không? Và với người đàn ông nói điện thoại lớn trong rạp hát thì có cần mắng cho ông ta mấy câu cho ông ta im cái mồm lại chăng?

Đó cũng là những người Việt xấu xí vậy. Đồng bào của ông Bá Dương không độc quyền những chuyện đó.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 105)

NEGATIVE QUESTIONS

Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 105 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Trước khi bài học hôm nay bắt đầu, QA thấy Trúc Giang đã có sẵn câu hỏi để hỏi ông thầy rồi. Mời Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, trong những bài học Anh ngữ đầu tiên ở lớp ESL, English as a Second Language, các thầy, cô giáo đều dậy rằng SOME được dùng trong những câu xác định, AFFIRMATIVE, và ANY được dùng trong những câu phủ định, NEGATIVE và nghi vấn, INTERROGATIVE. Nhưng rồi cháu cũng lại thấy có những trường hợp SOME được dùng trong cả những câu hỏi nữa. Dùng như thế có đúng không thưa chú?

BBT

Dùng như thế cũng đúng. Trong những bài học đầu tiên, thì Trúc Giang được dậy là dùng SOME trong những câu xác định thí dụ WE MEET SOME VERY NICE PEOPLE IN BANGKOK. Trong câu hỏi, chung ta phải dùng ANY như khi nói DID YOU MAKE ANY FRIENDS IN WASHINGTON D.C.?

QA

Không biết QA nói thế này có đúng không: đó là khi hỏi DID YOU MAKE ANY FRIENDS IN WASHINGTON D.C.?, người hỏi không hề biết người kia có làm quen được người bạn nào mới nào hay không. Có thể có và cũng có thể không. Người hỏi không biết người kia có quen thêm bạn bè mới hay không. Phải vậy không thưa anh?

BBT

Đúng lắm. Nhưng hai cô cũng biết là có khi chúng ta hỏi mà thực ra trong đầu chúng ta đã nghĩ là người kia tính tình cởi mở, thân thiện thì chắc thế nào cũng quen thêm được những người bạn mới. Vì thế, trong câu hỏi của người hỏi đã có nhiều phần nghĩ là người ấy có thêm vài ba người bạn mới. Trong trường hợp đó, chúng ta dùng SOME thay vì ANY để thành DID YOU MAKE SOME NEW FRIENDS ?

TRÚC GIANG

Cháu vừa đi Mexico về thì bạn cháu hỏi ngay : DID YOU TRY SOME LOBSTERS IN ROSARITO? bây giờ cháu mới hiểu là cô ấy chưa hỏi là đã nghĩ cháu có thử món tôm hùm ở đó rồi.

BBT

Đúng vậy. QA sẽ hỏi người bạn vừa đi Hán Thành về để cho thấy là cô cũng đã đi Đại Hàn rồi?

QA

QA sẽ hỏi DID YOU BUY SOME GINSENG AND SOME SILK AT DONGDAEMUN MARKET? Hỏi như thế là vì QA biết cô bạn này hay đi shop lắm, tới Hán Thành, thế nào cô cũng phải ghé khu Đông Đại Môn để mua sâm và lụa để làm quà cho cụ ông và cụ bà. Nếu không biết gì về tính thích mua sắm của cô thì QA sẽ hỏi DID YOU BUY ANY GINSENG OR ANY SILK?

BBT

Chúng ta cũng dùng SOME thay vì ANY trong những câu hỏi có ý nghĩa mời mọc và muốn phía được mời nhận lời mời, hay trong lời đề nghị, gợi ý của chúng ta. Thí dụ đây là một lời mời trong hình thức của câu hỏi: WOULD YOU LIKE SOME COFFEE? Hay trong một đề nghị: DO YOU WANT SOME SUGAR OR SOME MILK WITH YOUR COFFEE?

QA

Thưa anh, những chữ ghép từ SOME và ANY cũng được dùng như mấy ngoại lệ như anh vừa nói chứ? Những chữ như SOMEBODY, ANYBODY, SOMEWHERE, ANYWHERE, SOMETHING, ANYTHING …

BBT

Đúng vậy. Trúc Giang có thấy sự khác biệt giữa hai câu này không? DID YOU SEE SOMEBODY YOU KNOW AT THE PARTY? và DID YOU SEE ANYBODY YOU KNOW AT THE PARTY?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu câu DID YOU SEE SOMEBODY YOU KNOW AT THE PARTY? là ông có gặp ai quen ở party không. Khi hỏi câu này, cháu đã nghĩ chắc là có vì ông ấy quen biết rất nhiều nên thế nào ông ấy cũng gặp vài ba người quen. Nhưng câu DID YOU SEE ANYBODY? thì cháu không biết gì về cách giao thiệp của ông ấy, cháu không biết ông ấy là người quảng giao hay là người ít bạn. Có thể có và cũng có thể là không.

BBT

Cám ơn Trúc Giang. Trúc Giang hiểu rất đúng. QA cho hai thí dụ với SOMETHING và ANYTHING cùng với lời giải thích coi cô đã hiểu rõ cách dùng của chúng hay chưa.

QA

DID SHE HEAR SOMETHING FROM HIM? QA dùng SOMETHING vì QA biết ông ấy, QA biết ông ấy có cảm tình với cô ấy nên chắc thế nào ông ấy cũng liên lạc với cô ấy. Nhưng khi hỏi DID SHE HEAR ANYTHING FROM HIM? thì đó là khi QA không biết gì về ông ấy, không biết ông ấy nghĩ sao về cô ấy, ông ấy có thể liên lạc mà cũng có thể là không liên lạc với cô ấy.

BBT

Đúng rồi. Bây giờ nói qua ANY. Trúc Giang nói hồi nẫy rằng SOME dùng cho những câu AFFIRMATIVE và ANY dùng cho những câu NEGATIVE và INTERROGATIVE. Nhưng như hai cô đã thấy: không phải bao giờ cũng dùng SOME trong câu AFFIRMATIVE mà SOME có thể xuất hiện trong nhũng câu hỏi nữa. Cũng thế, ANY không phải chỉ được dùng trong thể hỏi tức là QUESTION FORM hay INTERROGATIVE MOOD, và thể chối, thể phủ định tức là NEGATIVE. Các cô sẽ thấy là ANY cũng có thể dùng trong các câu AFFIRMATIVE khi nó mang nghĩa là BẤT CỨ. Thường thì nó đi kèm với BODY, THING, WHERE, TIME để thành ANYBODY, ANYTHING, ANYWHERE, ANYTIME … QA thử dùng cách dùng này trong thí dụ với ANYBODY và ANYTHING coi.

QA

IN SAN FRANCISCO, YOU CAN ASK ANYBODY HOW TO GET TO THE GOLDEN GATE BRIDGE tức là hỏi bất cứ ai ở Cựu Kim Sơn cũng được hướng dẫn đường đi tới cầu Kim Môn.

WE CAN BUY ANYTHING AT HARRODS DEPARTMENT STORE IN LONDON, ANYTHING FROM AN AIRPLANE TO A ZEBRA. Ở tiệm Harrods, Luân Đôn, chúng ta có thể mua bất cứ cái gì cũng có ngay, cho dù đó là một chiếc máy bay hay một con ngựa vằn, tức là FROM A TO Z.

BBT

Bây giờ đến lượt Trúc Giang với ANYWHERE và ANYTIME.

TRÚC GIANG

IN LONDON, PEOPLE CAN GO ANYWHERE BY TUBE là ở Luân Đôn, người ta có thể đi bất cứ nơi nào trong thành phố bằng xe điện ngầm.

WITH ATM MACHINES, WE CAN WITHDRAW MONEY ANYTIME nghĩa là với máy ATM (AUTOMATIC TELLER MACHINE) chúng ta có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào.

QA

Thưa anh, QA nhớ ban The Beatles có một ca khúc tựa là ANYTIME AT ALL. Vậy AT ALL nghĩa là gì?

BBT

AT ALL trong trường hợp này chỉ giúp cho ý nghĩa của câu nói mạnh hơn, hay làm cho ý nghĩa được nhấn mạnh thêm mà thôi. Bài hát ngay câu đầu là ANYTIME AT ALL, ANYTIME AT ALL, ANYTIME AT ALL, ALL YOU ‘VE GOTTA DO IS CALL AND I’LL BE THERE… nghĩa là bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào, em chỉ cần gọi là anh đến ngay… Trong tiếng Việt, AT ALL có thể là tương đương với HẾT TRƠN, HẾT TRỌI… Bất cứ lúc nào hết trơn hết trọi vậy đó… em chỉ cần gọi một tiếng là anh trình diện ngay.

TRÚC GIANG

Cám ơn chú. Cháu còn có một thắc mắc khác nữa. Thưa chú, thế nào là câu hỏi phủ định? Làm thế nào để đặt những câu hỏi đó và dùng nó như thế nào?

BBT

Câu hỏi phủ định là câu chúng ta hỏi khi chúng ta đã có câu trả lời trong đầu rồi, và câu trả lời đó khoảng 70% là KHÔNG. Thí dụ đến nhà ông ấy, tôi bấm chuông nửa … tiếng đồng hồ không thấy ông ấy ra, xe của ông ấy lại không đậu trong garage. Thấy con ông ấy ra mở cửa, thì theo Trúc Giang, tôi sẽ hỏi IS HE HOME? hay ISN’T HE HOME?

TRÚC GIANG

Cháu sẽ hỏi ISN’T HE HOME? vì cháu đã nghĩ trong đầu là ông ấy không có nhà rồi.

BBT

QA biết cách đặt câu hỏi phủ định chưa nào?

QA

QA nghĩ là cứ thêm NOT vào câu hỏi thường thì chúng ta sẽ có câu hỏi phủ định ngay phải không, thưa anh?

BBT

Đúng vậy, nhưng cô cho nghe một vài thí dụ coi.

QA

DOES HE KNOW MISTER McKENZIE? Thêm NOT vào sau DOES để thành DOESN’T HE KNOW MISTER McKENZIE?

CAN SHE NAME THE FIRST AMERICAN PRESIDENT? Câu hỏi phủ định là CAN’T SHE NAME THE FIRST AMERICAN PRESIDENT?

ARE THEY AMERICANS BY BIRTH? AREN’T THEY AMERICANS BY BIRTH?

WILL YOU COME WITH US? WON’T YOU COME WITH US?

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

HAS SHE LEFT FOR THE AIRPORT? HASN’T SHE LEFT FOR THE AIRPORT?

MUST HE RETURN THE LIBRARY BOOK TODAY? MUSTN’T HE RETURN THE LIBRARY BOOK TODAY?

Cháu nhớ một câu trong bài THE END OF THE WORLD như thế này: DON’T THEY KNOW IT’S THE END OF THE WORLD CAUSE YOU DON’T LOVE ME ANYMORE? Đó cũng là câu NEGATIVE QUESTION phải không thưa chú?

BBT

Có một điều nữa tôi muốn hai cô biết, đó là trường hợp của câu hỏi dùng động tự TO BE với ngôi thứ nhất là "I". Thí dụ câu này: AM I LATE? Khi đổi thành một câu hỏi phủ định thì người ta nói AM I NOT LATE? Nhưng nghe nó cổ lỗ quá. Ít ai còn dùng nó. Thay vào đó, người ta nghe thế này nhiều hơn: AIN’T I LATE?

AIN’T thường bị coi là sai, không chỉnh về mặt văn phạm, nghe thất học, đầu đường xó chợ quá. Nhưng thực ra, AIN’T nguyên thủy là viết tắt của AM NOT. Về sau, AIN’T cũng được dùng để thay cho ISN’T và AREN’T, nhất là trong ngôn từ của thanh thiếu niên Anh cũng như Mỹ.

Chúng ta cũng nghe thấy người ta dùng AREN’T I. Hình thức này cũng được chấp nhận, được coi là đúng thí dụ khi chúng ta nói AIN’T I LATE? Hay AREN’T I LATE?

Đúng ra, phải nói là AMN’T mới đúng. Nhưng ngày nay, ít ai dùng AMN’T nên chúng ta nghe AIN’T nhiều hơn và thường hơn.

Như vậy đã tạm đủ về NEGATIVE QUESTIONS chưa Trúc Giang?

TRÚC GIANG

YES SIR! AND ISN’T IT TIME UP FOR THE LESSON TODAY?

BBT

Cám ơn Trúc Giang, và đó cũng là một câu NEGATIVE QUESTION để chấm dứt bài học hôm nay.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.