Ngày 18 tháng 7 năm 2011
Bạn ta,
Bây giờ đã gần hết tháng 7. Gửi bạn đọc mấy bài thơ viết trong tháng 7 của mấy năm trước về một người đã ra đi.
CỦA X
Chưa cuối năm mà đã nhớ người
Người xa vẫn tít tắp bên trời
Tìm, đây chỉ thấy mây và gió
Một nén tâm hương cháy đỏ ngời
Hình như gió còn mang mùi tóc
Thao thức mầu chiều ở cuối sông
Sớm mai người lẫn trong câu hát
Tóc giống như sông, rối mịt mùng
Ở khúc quanh, chỗ cuối con đường
Là nơi vô tận, nhớ vô cùng
Đèn xanh vừa bật, người đi mất
Là đã đầu sông với cuối sông
Người một nơi, người vẫn một nơi
Sáng ra, nhớ đã ở trên vai
Thấy gì nơi những con đường cũ
Một nhói tim vào những sớm mai
Người mới vừa đây, tỏ vết giầy
Hương còn trên áo, ấm trên tay
Biệt nhau một chuyến theo Từ Thức
Hồn gửi hồn sau một bóng mây
Môi còn để hồng trên nụ xuân
Gió đi rồi, nên vẫn đau thầm
Mỗi chân tóc mọc lên hoài cảm
Buổi sáng tìm nhau lạc dấu chân
Thềm vẫn còn thơm áo Bích Câu
Vẫn nước phân vân dưới dạ cầu
Và trăng từ mấy trăm năm trước
Vẫn mãi mầu xanh của lúc đầu
Trở lại vườn nghe gió lặng thinh
Cỏ còn buồn nên không muốn xanh
Tìm người chỉ thấy mây và khói
Một cánh chim chao động dưới cành
THƠ THÁNG 7
Mai về kiếm một chiếc xe đạp
Cho em ngồi ở phía đằng sau
Anh chở em về căn nhà cũ
Hái cho em trái trứng cá đầu mùa
Rồi anh lại đạp chiếc xe đạp
Chở em về thăm lại lớp học xưa
Tìm thử trên mặt bàn năm ấy
Những cái tên, nay chữ đã mờ
Anh sẽ đi tìm cô giáo cũ
Xin lại được cho làm học trò ngoan
Ngây thơ, trong sạch, không gian dối
Như cuốn vở xưa dòng chữ hiền lành
Nhờ cô giảng lại bài toán cũ
Có hai động tử đuổi nhau hoài
Làm sao tìm cho ra đáp số
Để bắt kịp nhau ở cuối đời
Ngồi xuống đây chơi ô ăn quan
Lần này, anh lại vẫn nhường em
Vẫn cho em thắng như hồi bé
Cho quên thua thiệt mấy mươi năm
Nơi cửa sổ mở ra sân trường
Một con chim đậu, ngó vào trong
Con chim của những ngày thơ ấu
Nghiêng mỏ như vừa gặp bạn quen
Này chim còn nhớ không, chú nhỏ
Bàn tay mực tím đã trở về
Trong trí từ bao năm vẫn giữ
Mãi những mùa hè rộn tiếng ve
Anh sẽ lại lấy chiếc xe đạp
Chở em đi suốt một buổi trưa
Cứ ngồi nghiêng thế cho mái tóc
Và nắng thơm đầy vai chúng ta
Ghé xe bò khô ở gốc cây
Gọi ra một đĩa, ớt thật cay
Đổ thêm vào đó nguyên chai dấm
Đời đã chua, còn sợ gì cay
Anh sẽ đưa cho em lá thư
Viết cho em từ đã rất lâu
Dấu vào trong vở, mang về đọc
Cùng bài tính đố giải chưa ra
Hãy đi với anh về Ngã Sáu
Dựng chiếc xe lên một vỉa hè
Gọi trái dừa giữa trưa rất nắng
Uống tuổi thơ ngây, nhớ bạn bè
Anh sẽ đi kiếm chiếc xe đạp
Để chở em trên mấy khúc đường
Hỏi thăm trở lại thời thơ ấu
Một đoạn đời xưa vẫn mãi thơm
……
Ngày 19 tháng 7 năm 2011
Bạn ta,
Trong lúc gần như tất cả các loài sâu bọ, côn trùng, chim muông khác trên thế giới này đều được hưởng những sự đối đãi tử tế của con người, thì loài ve vẫn tiếp tục bị để cho hiểu lầm và bị đối xử không tử tế gì.
Nhiều quốc gia có những bộ luật khe khắt cấm săn bắt nhiều loại chim muông, côn trùng và cá để tránh cho những sinh vật này khỏi biến mất, chung số phận với những con khủng long cùng nhiều giống thú khác.
Ngay từ mấy ngàn năm trước, một người đàn ông tên là Nô-ê đã cứu được bao nhiêu giống thú bằng cách đưa mỗi giống một cặp lên chiếc tầu do ông đóng để cứu chúng khỏi trận hồng thủy.
Nhưng chiếc tầu của ông No-ê không đưa một cặp ve lên tầu vì lúc xẩy ra cơn hồng thuỷ thì bầy ve sầu chưa đến chu kỳ ngoi lên mặt đất. Nhờ vậy mà chúng thoát chứ ông Nô-ê tử tế gì với chúng.
Và năm nay, những con ve cháu chắt nội ngoại của bầy ve mùa hè năm 1975 đã ngoi lên mặt đất, không hề hay biết gì về biến động làm lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm ở Sài gòn cách đây 36 năm. Chúng vẫn hồn nhiên kêu vang vang ở một số vùng tại Bắc Mỹ. Chúng không biết nên cũng không phản đối hay chống lại lối đối xử cũng như những hiểu lầm mà loài người dành cho chúng.
Thời ông La Fontaine thì có thể nói rằng những hiểu biết về sinh vật học chưa được đầy đủ và cặn kẽ lắm nên mới có những sơ sót về một số thú vật, chim chóc mà ông dùng trong các bài ngụ ngôn của ông, nhưng đó là thế kỷ thứ 17.
Hơn hai trăm năm qua, khoa học đã tiến bộ nhiều, nhưng vẫn không có một nỗ lực nào minh oan cho những con ve sầu. Chúng tiếp tục bị đổ cho cái tội lười biếng, chỉ ca với hát suốt mùa hè.
Chuyện ca hát không có gì xấu cả. Những phát triển trong lãnh vực kỹ thuật của các hệ thống karaoke cho thấy chuyện hát là chuyện vui hết sức. Không chỉ một mùa hè, mà suốt bốn mùa, người ta đều có thể hát karaoke.
Như vậy, hát không có gì là xấu.
Hát suốt mùa hè mà La Fontaine đổ cho con ve sầu là sai. Nó chỉ sống có đúng một tháng.
Đó là sai lầm thứ hai của La Fontaine.
La Cigale, ayant chanté tout l’été là sai.
Ve sầu kêu không để làm điếc tai hàng xóm hay tra tấn người khác như các giọng karaoke. Mà chúng chỉ hát để gọi những con cái đến vui chơi và nối tiếp công việc truyền sinh mà thượng đế trao cho chúng.
Loài người làm rất nhiều chuyện kinh hoàng hơn nữa để làm công việc giống loài ve làm trong ba chục ngày thì không bị phiền trách gì. Làm thơ, soạn nhạc, ăn diện để hấp dẫn, rù quyến phía bên kia thì được coi là lãng mạn, là "rô măng tịt" (?). Loài ve sầu chỉ râm ran lên trong một tháng thì bị coi là làm phiền chúng ta.
La Fontaine nói tiếp là đến khi gió mùa đông thổi tới, ve sầu sang nhà hàng xóm là một con kiến để vay dăm ba hạt qua ngày, hẹn trước tháng 8 sẽ trả cả vốn lẫn lời.
Đây cũng lại là một sai lầm khác. Những con ve không bao giờ đi qua nhà kiến để vay dăm ba hạt như nguyên văn "quelque grain" của La Fontaine . Giản dị là loài ve chỉ hút nhựa cây và ăn chút sương sớm. Loài ve không làm hại bất cứ một cái gì trên thế giới này.
Nhưng La Fontaine đã sai , thì lại còn được Nguyễn Văn Vĩnh hùa theo để nhục mạ những con ve tội nghiệp này. La Fontaine vẽ cảnh ve khúm núm , khóc nức nở vì đói tại nhà kiến rồi năn nỉ kiến cho vay ít thực phẩm để sống qua ngày. Kiến không cho vay, còn quay lại hỏi xỏ rằng ve làm gì trong những tháng hè. Ve xuống nước, và Nguyễn Văn Vĩnh còn bắt ve quị lụy hơn bằng tiếng thưa ở đầu câu trả lời:
Thưa tôi hát ...
Kiến đểu giả nói móc lại ve rằng "Xưa chú hát / Nay thử múa coi chơi!"
Khoa học ngày nay cho thấy ve sầu không bao giờ làm những chuyện mất nhân cách như La Fontaine đã viết trong cuốn Ngụ Ngôn số 1 ngay bài đầu của ông.
Loài ve sống tội nghiệp, không làm hại bất cứ một thứ cây cỏ, thú vật, côn trùng nào.
Những con bọ ngựa thì vồ, bắt các giống sâu bọ khác để ăn. Con cái thì sau cơn yêu dấu, giơ càng chém đầu con bạn trai vừa giúp vui mình rồi ăn luôn chàng ngấu nghiến.
Những con cào cào, châu chấu thì có thể gây thảm hoạ cho cả triệu người vẫn được ông Bùi Giáng bênh chằm chặp:
Sầu riêng châu chấu năm xưa
Em về với ruộng cầy bừa đã xong
Em về rắc cỏ vào trong
Vui về với hội trổ đồng đồng xanh
Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh
Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn
Nhưng ve sầu, không làm gì nên tội thì bị nói xấu tàn tệ như thế.
Chẳng riêng gì ông La Fontaine , mà người Việt cũng chẳng tử tế gì với loài ve sầu.
Chuyện không tử tế thì gọi là lời ong tiếng ve.
Nhưng cái hại nhất là mấy ông bố Việt Nam cứ đem bài ngụ ngôn của La Fontaine ra để mà mắng nhiếc những đứa bé chỉ hơi ham chơi một chút như người viết bài này, và như tất cả những chú nhỏ thời ấy. Rồi đề cao con kiến rất bần tiện và ích kỷ, độc ác là những đứa bé nhà bên cạnh để đay nghiến những con ve.
Trong khi những con ve thì dễ thưong vô cùng.
Ngày 20 tháng 7 năm 2011
Bạn ta,
Tôi là người có đôi mắt hí. Tôi không ngại ngùng, xấu hổ hay mắc cở khi nhận điều đó.
Bài hát mấy năm trước của Marc Lavoine do Phạm Quỳnh Anh hát và được rất nhiều người Việt coi là của mình cũng nhắc đến những đôi mắt hí đó: "... le trait de mes yeux bridés..."
Thế rồi :"Đôi con mắt ấy chứ mà lim dim" trong một bài dân ca miền Bắc cũng là để nhắc đến những đôi mắt ấy. Đa tình con mắt Phú Yên chắc phải có chút hí ở trong.
Thì mắt hí đấy, vẫn đẹp và vẫn đa tình, duyên dáng có sao đâu.
Nói mấy chuyện này ra chỉ vì mấy tuần qua, trong một phụ trương của tờ Orange County Register có một bài viết về sushi, kèm theo bài báo này, là một bức tranh minh hoạ cho món sushi. Bức minh họa vẽ một đầu bếp sushi người Nhật đang vung tay dao làm sushi trong bếp.
Điều đáng nói ở đây là khuôn mặt của người đầu bếp Nhật được họa sĩ phóng đại thêm những nét đặc biệt của người Á châu, mà tôi thấy dân tộc Việt Nam cũng có chung một số nét.
Đó là đôi mắt. Họa sĩ vẽ đôi mắt của người đàn ông Nhật là hai cái khe hẹp và nhỏ xếch ngược lên, phía dưới là cái mũi trông như cái mõm lợn và cái miệng nguệch ra trông thật xấu.
Người Nhật với người Việt Nam, người Trung Hoa, Đại Hàn có chung một số nét trên mặt, tuy mỗi dân tộc cũng có một vài nét riêng. Nhìn chung thì các giống dân này vẫn có nhiều nét giống nhau. Bởi thế, Chung Tử Di và Củng Lợi vẫn được chọn để đóng các vai phụ nữ Nhật. Những chuyện như thế có nhiều, vì các dân tộc này có những nét khá giống nhau.
Nhưng cũng vì thế, đụng tới người Nhật, thì tôi cũng động lòng. Bức tranh minh hoạ cho bài báo vẽ một người Nhật, nhưng tất cả những nét hí họa đó cũng đụng chạm tới người Việt Nam.
Hễ người Á châu thì phải răng hô, mắt hí, mũi tẹt. Toàn những nét mà người da trắng coi là xấu xa cả.
Những chuyện đó vẫn còn được làm cho đến tận ngày hôm nay vì các dân tộc Á châu hiền quá. Người Á châu không muốn gây rắc rối. Nhịn hết.
Cứ thử đụng phải những giống dân khác coi. Ít thấy có một sự nhịn là chín sự lành lắm.
Chỉ có mấy bức biếm họa một người đội cái khăn trên đầu mà làm ầm ĩ cho đến hôm nay vẫn còn xuống đường cào đầu ăn vạ.
Trong khi đó, có nước Á châu với đa số dân theo đạo Phật nào như Thái, Miến, Sri Lanka ... làm ầm ỹ vụ hai pho tượng Phật ở Bamiyan thuộc Afghanistan bị bọn chó dại Taliban phá tan không?
Nhớ hồi đệ nhị thế chiến, vừa xẩy ra trận Trân Châu cảng, lập tức tất cả những người Nhật và Mỹ gốc Nhật, cho dù là nhất thế nisei , hay nhị thế sansei, cũng đều bị đưa vào các trại tập trung và bị giữ ở đó trong suốt những năm đệ nhị thế chiến mặc dù trong số dân gốc Nhật và Nhật ở Mỹ không có một trường hợp nào có thể gọi là phản bội nước Mỹ. Các trại tập trung, mãi đến khi chấm dứt thế chiến mới được dẹp, và những người Mỹ gốc Nhật phải đợi đến thập niên 80 mới được xin lỗi và bồi thường.
Người da đen ở Mỹ sau bao nhiêu năm bị kỳ thị, đối xử tồi tệ, cuối cùng cũng được một sự nể nang nào đó. Không còn thấy những bức hí hoạ vẽ đôi môi dầy để diễu người da đen nữa.
Cách đây không lâu, một số dân biểu da đen ở Mỹ đã làm ầm ỹ chuyện người Nhật chơi những con búp bê da đen mà họ cho là có những nét hài hước hóa những đặc tính của người da đen khiến hãng sản xuất đồ chơi ở Nhật phải xin lỗi.
Nhưng vẽ những đôi mắt hí thì vẫn còn thấy được làm để diễu người Á châu.
Chúng ta nhận là mắt hí thì được. Nhưng đem những đôi mắt hí đó ra để diễu chúng ta thì không được.
Tuy vậy, khi nhìn kỹ bức minh họa của tờ Orange County Register thì người ta lại thấy họa sĩ vẽ bức tranh ấy mang một cái tên rất Trung Hoa: Nan Ning.
Thế thì phản đối ai, chống ai bây giờ? Để cho chính một người Á châu vẽ hí họa về người Á châu thì huề vốn, cũng hệt như tờ Playboy có những bức hí hoạ ký tên Buck Brown tha hồ diễu da đen, da trắng vì Buck Brown là người da đen.
Nhưng hãy tưởng tượng vào thế kỷ thứ 14, 15 các dân tộc Á châu đóng tầu vượt biển đi gieo rắc văn minh học thuật đến khắp nơi, đem tiêu chuẩn về đẹp đi khắp thế giới thì bây giờ có dám chế những đôi mắt hí của chúng tôi nữa hay không?
Mắt hí mà vẽ được máy chụp hình Nikon, xe Toyota, điện thoại Sam Sung, làm chả giò, nấu phở dùng qua một lần mê đến già thì mắt hí cũng được lắm đấy chứ.
Diễu vậy nhưng cứ phục lăn chiêng ra là được rồi.
Mắt hí tốt lắm. Lại còn đẹp nữa.
Ngày 21 tháng 7 năm 2011
Bạn ta,
Nếu tò mỏ một chút, mở những trang rao vặt trong các báo Mỹ, người ta thấy một điều ít ngưòi có cuộc sống bình thường ngoài đời có thể tưởng tượng ra được.
Trong tờ Los Angeles Time xuất bản tại Los Angeles, California ngày nào trung bình cũng có từ 2 đến 4 lời rao tìm bạn.
Chuyện tìm bạn thì không có gì lạ, nhưng lời rao của những người đang ở một nơi mà chuyện đi lại rất khó khăn mới là chi tiết đáng lưu ý.
Mấy tháng trước, trong internet, có người đăng một đoạn tìm bạn, khai rõ rằng ông là một người đàn ông bình thường khỏe mạnh, không tứ đổ tường, đời sống gương mẫu, giờ giấc bao giờ cũng đúng, đúng giờ làm việc, giờ ăn, giờ ngủ rất điều độ Ông cho biết đã làm như thế được từ ba, bốn năm nay. Ai muốn quen với ông thì viết thư về điạ chỉ một nhà tù, khu các tù nhân thọ án chung thân.
Đọc lời rao, người ta nghĩ đó là chuyện đùa. Trên đời làm sao kiếm được một người đàn ông có những hành động gương mẫu, điều độ và lành mạnh như thế, ngoại trừ ở nhà tù.
Nhưng những lời rao tìm bạn thư tín đọc thấy trên tờ Los Angeles Time thì lại không đùa chút nào. Gần như tất cả những người rao đều là đàn ông.
Tất cả đều nói rõ tuổi tác, tầm vóc, mầu da, và không dấu diếm gì chi tiết là đang ở tù. Sau đó , những người này cho biết còn phải ở tù thêm bao nhiêu lâu nữa. Cuối cùng là một lời hứa sẽ gặp khi ra tù để tính chuyện lâu dài.
Người bình thường thì ai nghĩ là có người viết thư làm quen với những người như thế. Riêng chuyện người ấy đang vòng lao lý mà chưa đủ làm nản lòng hay sao?
Nhưng ngươi ta cũng thấy là ở Mỹ, gần như ai cũng có vợ chồng, bạn trai, bạn gái và những thứ liên hệ khác.
Thế thì trong những cuộc hôn nhân hay tác hợp đó chắc chắn phải có những cựu tù nhân.
Vậy thì chắc chắn những người tù, khi mãn hạn, trở lại đời sống bên ngoài vẫn có thể làm lại cuộc đời. Người Mỹ rất công bình trong chuyện này. Ai phạm tội thì đi tù. Trả nợ xong xã hội thì lại được sống cuộc đời bình thường và xã hội, luật pháp bảo đảm chuyện đó.
Thế nên nhũng người tù vẫn muốn kiếm bạn, và những người bên ngoài vẫn đi tìm bạn ở trong tù.
Và đó là lý do xuất hiện của những mối tình trong tù.
Nhưng ai là những người đi kiếm bạn trong tù?
Đa số là các phụ nữ. Bộ họ không sợ những người có một quá khứ kinh khủng như vậy hay sao?
Chắc là phải có. Nhưng ước muốn có một người thuộc về mình và một ngưòi để mình thuộc về thường lớn hơn nhũng nỗi sợ kia.
Ngay cả những người tù chung thân và không có cơ hội bước ra khỏi khám đường cho đến lúc mãn đời, vẫn có nhũng người muốn làm quen, muốn trở thành một người bạn trai hay một người bạn gái của người tù đó.
Cách đây mấy năm, Scott Peterson, 1 người đàn ông trẻ tuổi ở San Francisco bị phạt chung thân về tội giết vợ và con trai trong bụng của vợ.
Ngay sau khi có án, người tù này nhận được cả mấy chục thư làm quen , và xin thành hôn với anh.
Luật lệ ở Mỹ không cấm những hôn nhân như thế. Và một số không ít người đã lập những hôn thú như thế.
Những người tù này sẽ không bao giờ ra khỏi được ngoài cửa của khám đường.
Thế thì tại sao lại lập hôn thú với một người như vậy?
Các chuyên gia tâm lý nói trằng cả hai đều rất cô đơn. Một người thì sẽ phải sống hết đời trong nhà tù, không có cơ hội được trả tự do. Một đằng có thể có một hai vấn đề tâm lý. Người ấy muốn kiểm soát hoàn toàn người phối ngẫu. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng làm được với những người đàn ông bình thường sống ngoài xã hội.
Nhưng với những người tù với những bản án dài lâu thì việc kiểm soát giờ giấc, nơi chốn đi lại là một việc có thể làm gần như 100%.
Một số phụ nữ sẵn sàng làm đám cưới với những người đàn ông như vậy để có được cảm tưởng thuộc về ai đó, để thư từ, liên lạc điện thoại bất cứ lúc nào cũng được và không phải gặp những trường hợp phải nổi ghen lên bao giờ.
Một số những người đản ông này đã được thả, và đứng đợi họ ngoài cửa khám đường, là những người bạn thư tín trong những tháng năm ở trong tù.
Có những cuộc hôn nhân thành công và cũng có những chuyện đi tới đổ vỡ. Nhưng ngay cả những cặp vợ chồng bình thường, không có bên nào vào tù ra khám mà cũng vẫn gặp chyện đổ vỡ thì đổ vỡ trong những cặp hôn nhân với một người từng ở tù thì có gì lạ.
Và vì thế, càng ngày người ta càng thấy nhiều cuộc hôn nhân như thế.
Ngày 22 tháng 7 năm 2011
Bạn ta,
Trong văn học Việt Nam có một người đàn ông rất tội nghiệp. Người đàn ông ấy xuất hiện một cách mờ nhạt trong mấy bài thơ mà có thể nói là không một ai trong chúng ta lại không biết, không từng nghe, không từng đọc, không từng thỉnh thoảng lôi ra ngâm nga. Hay ít ra thì cũng phải biết, phải thuộc vài ba câu, mặc dù có thể sau khi bước qua một tuổi nào đó, chúng ta không đọc những bài thơ ấy nữa. Có nhắc lại thì cũng thấy ngượng là tại sao cũng đã có lúc mình từng đọc chúng.
Người đàn ông được nhắc tới trong những bài thơ ấy thật là đáng thương. Không biết khi những bài thơ đề cập đến ông, ông chừng bao nhiêu tuổi, mặt mũi quần áo ông ra sao. Nhưng những nét anh hùng, đẹp đẽ cần thiết của những người đàn ông thì ông chắc không có. Ông là người bị mô tả là lạt lẽo.
Những nét hào hoa ông không có. Ông có thể là một người thuộc một gia đình giầu có, đời sống thoải mái. Thoải mái đủ để cho ông không cần phải kiếm sống vất vả. Ông cũng không cần phải bắt vợ đi làm, đóng góp cho ngân quĩ gia đình. Vợ ông cứ ở nhà, chắc thỉnh thoảng đẻ cho ông đứa con trong khi đầu óc nàng được dùng hoàn toàn cho việc nghĩ tới một người đàn ông khác. Hào hoa, lịch lãm, anh hùng và giang hồ.
Không biết người đàn ông kia, nhân vật được nhắc đến trong những bài thơ của vợ ông là "người ấy" là một người như thế nào, nghề ngỗng ra sao, chỉ thấy chàng đứng ngóng đò để đi đâu đó. Không thể là đi kháng chiến, vì thời của những bài thơ ấy, chưa có phong trào thanh niên bỏ thành đi kháng chiến như mấy ông chú họ của tôi. Chàng đứng bên sông đứng ngóng đò trong buổi chiều thu nàng mô tả là nắng phớt mờ.
Hai người đàn ông, như bức hình đen trắng , đầy tương phản. Người đàn ông không phải là chồng của nàng thì hết sức oai phong, lãng mạn. Người đàn ông chồng của nàng không biết tại sao khi đọc trong thơ, tôi lại thấy ông ta giống nhân vật Thân trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Buồn nản, có hơi nhỏ nhen, không một nét hào hùng nào. Ái ân thì lạt lẽo. Lạt lẽo đến độ vợ cứ phải đau khổ đi bên cạnh cuộc đời, qua bao nhiêu là mùa thu chết đi, trong tim vẫn dấu hình bóng người đàn ông đứng ngóng đò.
Những bài thơ của người đàn bà , có nhiều người lại tin đó là của một người đàn ông, ký tên tắt từng có thời làm ướt bao nhiêu là những chiếc khăn mùi xoa. Nếu hãng Kleennex hồi ấy vào được thị trường Việt Nam thì không biết đã phát tài đến như thế nào chỉ vì những bài thơ của TTKH.
Tội nghiệp người đàn ông ấy vô cùng. Không một người đàn ông nào đọc những bài thơ TTKH lại nghĩ mình là ngươi đàn ông đáng thương và đáng tội nghiệp đó . Bao giờ những độc giả nam cũng thấy mình là người đàn ông vuốt tóc người phụ nữ, rồi lại mỉm cười với nàng khi nàng vui và nhắc nàng rằng những nụ hoa trắng mà nàng vít xuống trông giống như những quả tim vỡ và sợ tình của hai người cũng vỡ tan như những nụ hoa mà nhiều người đọc thuộc lòng những bài thơ ấy cũng chưa chắc nhìn thấy nó ngoài đời.
Còn người đàn ông chồng của nàng thì chỉ lướt đi vài ba lần, không lần nào tạo được những ấn tượng tốt đẹp lắm. Chàng có vợ. Vợ chàng sống bên cạnh nhưng lòng nàng hướng về một nơi khác. Chàng có thể không biết. Chàng có thể biết. Biết mà không làm gì thì lại càng dở. Nàng đan cho cái áo, đan xong lại tháo ra đan lại cho hết thì giờ nhưng mỗi mũi kim là lại nhớ đến chàng kia. Chàng kia thì cứ thế mà đi biền biệt.
Bốn bài thơ được đọc nhiều vì chúng đáp đúng được những khát khao của người đọc. Những người phụ nữ trong nhũng cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì cố tìm trong số những người quen cũ, lôi ra cho đóng vai người đàn ông rũ áo phong sương trên gác trọ. Những người đàn ông đọc TTKH thì tưởng mình là người đàn ông sang sông đứng ngóng đò. Oai hùng biết mấy. Cứ ra đi dưới trời dông bão cho con người phụ bạc kia đau khổ chơi.
Nhưng không một ai thấy mình là người đàn ông bị vợ nói là ái ân lạt lẽo đó. Không ai nhận mình là người đàn ông đó.
Nhưng không có những người đàn ông lạt lẽo đó thì lấy đâu ra những chuyện tình lâm ly bi đát đó để cho những người đàn ông trở thành những người hùng tóc lộng gió, phong sương đi trong chiều mưa không biết về đâu mặc cho nàng đau khổ tiếp cứ như đoạn cuối của Bridges At Madison County khi Robert Kincaid do Clint Eastwood đóng cửa của chiếc xe cũ dưới cơn mưa tầm tã.
Những bài thơ lãng mạn hơi rẻ tiền đó vẫn tiếp tục sống. Sống qua những bài thơ rên rỉ đau khổ sáng nay tôi nghe trong một tiệm ăn.
Mới sáng ra, muốn bắt đầu ngày một cách tử tế thì chủ tiệm kèm tô phở bằng mấy bài hát khổ đau không biết để đâu cho hết.
Tại sao các nhạc sĩ viết những ca khúc ấy không hiểu rằng muốn lấy chồng, nàng phải qua bao nhiêu giai đoạn mới có cái nhẫn trong tay. Phải yêu người đàn ông kia đến một mức nào đó. Người đàn ông kia phải tốt, phải tử tế như thế nào nàng mới chịu lấy làm chồng. Tại sao cứ nhất định cho rằng nàng sai lầm khi theo thằng chả về rồi viết những bài hát làm hỏng cha nó buổi sáng của tôi như vậy? Lỡ người đàn ông ấy là chính mình thì bản nhạc sẽ như thế nào?
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc
(Bài số 106)
QUESTION TAGS
Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 106 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Nhưng trước hết, Lãm Thúy có câu hỏi có phải không?
BBT
Tôi chưa biết câu hỏi của cô Thúy là câu hỏi gì, nhưng câu của QA vừa nói là một đề tài thú vị có thể dùng làm bài học cho hôm nay, có phải không?
LÃM THÚY
Thưa đúng, vì đó chính là điều Thúy muốn nhờ anh giảng thêm. QA chắc cũng đồng ý như vậy, có phải không?
BBT
Ô hay, sao cứ có phải không hoài vậy? Hai cô có biết những điều hai cô vừa nói sẽ được dùng làm bài học hôm nay không? Trong tiếng Anh, những chữ có phải không được gọi là QUESTION TAG. QUESTION TAG là cái đuôi đi theo sau một câu phát biểu (DECLARATIVE STATEMENT). Câu phát biểu đó có thể là một câu xác định (AFFIRMATIVE) thí dụ PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN CHILD OF CHARLES AND DIANA. Hay nó cũng có thể là một câu phủ đinh (NEGATIVE) thí dụ MISTER OBAMA WAS NOT BORN IN KENYA. QUESTION TAG đi theo sau sẽ là một câu hỏi phủ định (NEGATIVE QUESTION) nếu câu phát biểu là câu xác định. Và QUESTION TAG đi sau câu phát biểu phủ định sẽ là một câu hỏi thường.
LÃM THÚY
Thưa anh, anh dùng QUESTION TAG nhưng Thúy cung thấy có người dùng TAG QUESTION. Tại sao vậy?
QA
QA biết. Ông thầy mình nói tiếng Anh, BRITISH ENGLISH. Cô giáo dậy QA ESL nói rằng các nhà văn phạm Anh dùng QUESTION TAG. Trong khi các nhà văn phạm Mỹ thì lại gọi đó là TAG QUESTION, có phải không thầy?
BBT
Đúng vậy. May quá, tuần trước chúng ta vừa nói về NEGATIVE QUESTION thì nay chúng ta lại cần đến chính nó.
Ở trên tôi vừa dùng thí dụ bằng một câu AFFIRMATIVE DECLARATION STATEMENT. PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN. Thúy gắn cho cái đuôi QUESTION TAG coi.
LÃM THÚY
QUESTION TAG của câu DECLARATION trong thể AFFIRMATIVE phải là NEGATIVE QUESTION. Vậy thì Thúy phải nói IS HE NOT? Hay ISN’T HE?
PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN, ISN’T HE?
BBT
Đúng rồi. Bây giờ, tôi đưa ra mấy câu AFFIRMATIVE DECLARATION thì hai có cho cái đuôi QUESTION TAG vào cuối nhé. THE PEOPLE GO TO THE POLLS IN NOVEMBER…
QA
THE PEOPLE GO TO THE POLLS IN NOVEMBER, DON’T THEY?
BBT
YOU SPEAK VIETNAMESE AT HOME TO THE KIDS…
LÃM THÚY
YOU SPEAK VIETNAMESE AT HOME TO THE KIDS, DON’T YOU?
BBT
QA cho ba thí dụ dùng các động tự CAN, WILL, SHOULD coi.
QA
SHE CAN TYPE 60 WORDS PER MINUTE, CAN’T SHE?
WE WILL STAYCATION THIS YEAR, WON’T WE?
SHE SHOULD CUT DOWN HER SPENDING, SHOULDN’T SHE?
BBT
Còn Thúy, cho nghe ba câu với BOUGHT, WENT và STUDIED coi. Để ý BOUGHT, WENT và STUDIED là quá khứ (PAST TENSE) nên QUESTION TAG phải là gì nào?
LÃM THÚY
Phải là DIDN’T I, YOU, SHE, HE, WE, THEY? Thí dụ THEY BOUGHT A NEW HOUSE LAST MONTH, DIDN’T THEY?
HE WENT HOME HALF AN HOUR AGO, DIDN’T HE?
SHE STUDIED ECONOMICS AT COLLEGE, DIDN’T SHE?
BBT
Đúng rồi. Bây giờ qua nhũng câu DECLARATIVE phủ định. QUESTION TAG phải như thế nào đây QA?
QA
Thưa anh có phải nếu DECLARATIVE xác định , QUESTION TAG phải là NEGATIVE QUESTION nên nếu DECLARATIVE là phủ định thì QUESTION TAG phải là câu hỏi thường không? Vậy thì QA nói thế này có đúng không?
THE HOUSE IS NOT TOO OLD, IS IT?
HE COULD NOT SPEAK ENGLISH AT ALL WHEN HE FIRST CAME HERE, COULD HE?
WE SHOULD NOT TALK LOUDLY AT THE MOVIE, SHOULD WE?
BBT
Đúng lắm. Thúy cho nghe ba câu với SERVE IN THE ARMY, EAT DOG MEAT, LIKE CHINESE FOOD coi.
LÃM THÚY
HE DID NOT SERVE IN THE ARMY, DID HE?
JAPANESE DO NOT EAT DOG MEAT, DO THEY?
YOU DO NOT LIKE CHINESE FOOD, DO YOU?
BBT
Dễ quá phải không hai cô… QUESTION TAG IS EASY, ISN’ IT? IT IS NOT DIFFICULT, IS IT?
Nhưng có một điều hai cô nên nhớ là cách trả lời những câu tiếng Anh này có khác với cách trả lời của người Việt khi nói tiếng Việt. Nếu cứ dịch sang tiếng Anh thì chắc chắn sẽ sai.
Thí dụ tôi hỏi Thúy THIS BOOK IS NOT GOOD, IS IT?
Thúy đồng ý với nhận định của tôi, tức là Thúy đồng ý cuốn sách đó không hay thì cô trả lời thế nào?
LÃM THÚY
Vâng, cuốn sách đó không hay. YES, THE BOOK IS NOT GOOD.
BBT
Như vậy là Thúy trả lời theo cách của người Việt. Vâng tức là đồng ý. Đồng ý cuốn sách đó không hay. Nhưng người Mỹ thì trả lời khác. Họ sẽ nói rằng KHÔNG, cuốn sach đó không hay. NO, THE BOOK IS NOT GOOD.
Nếu cô thấy cuốn sách đó hay thì cô phải nói thế nào?
LÃM THÚY
YES, THE BOOK IS GOOD.
QA
Đây là trường hợp QA vẫn chưa quen nên cứ bị các con sửa hoài. Bây giờ QA mới biết mình nói sai.
BBT
Thực ra, cô không sai. Cô rất đúng với cách trả lời của người Việt. YES, THE BOOK IS NOT GOOD nghĩa là thưa đúng, cuốn sách không hay hệt như ông / bà đã nghĩ. Nhưng chúng ta nói tiếng Anh nên chúng ta nhường cho họ đúng thay vì nhất định nhận chúng ta mới nói đúng.
Tiếng Pháp thì dễ hơn, không cần phải thay đổi nhiều như tiếng Anh. Trong tiếng Pháp, chỉ cần nói N’EST CE PAS? là đủ. Không cần biết câu DECLARATIVE là xác định hay phủ định, quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vậy là đã tạm đủ về QUESTION TAG hay TAG QUESTION. Cô QA hình như có thắc mắc phải không? YOU HAVE ANOTHER QUESTION, DON’T YOU?
QA
Thưa vâng, QA muốn thầy nói về HAD RATHER và WOULD RATHER. QA thỉnh thoảng nghe thấy nhưng không biết dùng nó ra sao. Nó có giống như HAD BETTER không?
BBT
Không một chút nào. HAD BETTER là nên thì hơn, là một lời khuyên, một khuyến cáo. Thí dụ WE HAD BETTER RETIRE OUR CREDIT CARDS. HAD BETTER mạnh hơn SHOULD.
HAD RATHER và WOULD RATHER cùng nghĩa như nhau tuy một số người cho rằng WOULD RATHER lịch sự hơn HAD RATHER. Hai cô nghe câu này bao giờ chưa? I WOULD RATHER BE A DEMON OF MY COUNTRY THAN BE A KING IN YOURS.
LÃM THÚY
Tôi thà làm ma của nước tôi còn hơn là làm vua nước của bạn.
QA
QA nghĩ Quận Công Bảo Nghĩa Trần Bình Trọng, chồng của công chúa Thụy Bảo, khi nói câu đó thì chắc chắn không bằng giọng lễ phép như Lãm Thúy vừa nói nên mới bị quân Nguyên chém đầu tại chỗ khi mới 26 tuổi. Phải mạnh hơn nhiều. Thưa anh, I WOULD RATHER như thế có giống như I PREFER không?
BBT
Ý nghĩa rất giống nhau. I PREFER nghĩa là thích hơn. HAD RATHER nghĩa là thà rằng.
LÃM THÚY
Thưa anh, thể hỏi (QUESTION) của I HAD RATHER GO TO EUROPE FOR VACATION THAN TO CHINA là gì?
BBT
Cô đưa động từ HAD lên đầu theo sau là chủ từ là xong. Cô thử đổi lấy xem sao.
LÃM THÚY
HAD I RATHER GO TO EUROPE?
HAD WE RATHER VOTE FOR MISTER OBAMA AGAIN?
Nhưng thưa anh, tự nhiên khi đổi thành thể hỏi, HAD RATHER lại nghe như SHOULD là làm sao?
BBT
Đúng vậy. HAD RATHER bây giờ nghe lại như SHOULD, nghĩa là nên. Nhưng HAD RATHER thực ra nghĩa là THÀ RẰNG… HƠN LÀ. Như khi nói tôi thà ở nhà còn hơn đi xem cuốn phim quá dở đó. Dùng SHOULD không có nghĩa như thế. SHOULD chỉ có nghĩa là nên mà thôi. QA cho nghe hai ba thí dụ với HAD RATHER coi.
QA
WE HAD RATHER KEEP THIS HOUSE THAN BUY A BIGGER ONE.
THEY HAD RATHER SEND THEIR SON TO CANADA TO STUDY THAN TO FRANCE.
HE HAD RATHER STAY SINGLE THAN MARRY IN HASTE.
BBT
Bây giờ đổi những câu trên thành phủ định nghĩa là thà rằng không làm những chuyện đó thì Thúy đổi thế nào?
LÃM THÚY
Thúy nghĩ chỉ cần đặt NOT ngay sau RATHER là được phải không chị QA? Thí dụ WE HAD RATHER NOT KEEP THIS HOUSE. THEY HAD RATHER NOT SEND THEIR SON TO CANADA. HE HAD RATHER NOT STAY SINGLE. Và một lần nữa, ý nghĩa của các câu này lại giống như SHOULD NOT phải không thưa anh?
BBT
Đúng thế. Đố cô QA câu này nghĩa là gì: I HAD RATHER BE THE HEAD OF A CHICKEN THAN BE THE TAIL OF A BUFFALO.
QA
Thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi trâu.
BBT
Còn Thúy hiểu câu này thế nào: SHE HAD RATHER BE THE NUMBER ONE OF A LOW LEVEL OFFICIAL THAN BE THE NUMBER TWO OF A HIGH RANKING OFFICIAL?
LÃM THÚY
Câu này Thúy cũng đã nghe: thà làm bà lớn của ông bé còn hơn làm bà bé của ông lớn. Nhưng Thúy thì lại nghĩ là I HAD RATHER BE NONE OF THE ABOVE. NO THANK YOU VERY MUCH.
BBT
Đúng là một người khôn ngoan và sáng suốt.
Cám ơn hai cô.
QUỲNH ANH
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.