September 8, 2011

September 9, 2011

Ngày 6 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Anatole France, trong cuốn Le Livre de mon Ami, viết rằng càng về già, ông càng hay nhớ lại ngày tựu trường của những năm thơ ấu.

Tôi nghĩ tới đoạn văn ông viết về ngày trở lại trường sau những tháng hè được dùng làm bài học thuộc lòng của lớp đầu bậc trung học nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên trong trí nhớ… Bài học thuộc lòng bằng tiếng Pháp sau nửa thế kỷ đã trở thành một đoạn văn bằng tiếng Việt trong óc của tôi hồi nào không hay. Nó không còn là nguyên văn tiếng Pháp nữa …

Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe, et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais , car c’est le temps ou` les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues…

Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì tôi còn nhớ mỗi năm khi bầu trời đầy xao động của mùa thu, những bữa chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá vàng trên những cành cây run rẩy; tôi sẽ kể cho bạn nghe về những gì tôi nhìn thấy khi tôi đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo trong những ngày đầu của tháng 10, trời lúc ấy hơi buồn nhưng đẹp hơn bao giờ vì đó là lúc những chiếc lá từng chiếc rơi rụng xuống những chiếc vai trắng của những pho tượng … Điều tôi trông thấy lúc ấy trong vườn, là một cậu bé, tay trong túi quần, chiếc cặp sách đeo trên lưng, trên đường đến trường, những bước chân nhẩy như một con chim sẻ. Chỉ trong óc tôi mới nhìn thấy cậu, vì cậu bé đó là cái bóng, cái bóng của chính tôi cách đây 25 năm… Cậu bé đi nhanh, chiếc cặp sách đeo trên lưng và con quay nằm trong túi. Ý tưởng gặp lại những tên bạn làm cậu vui hẳn lên. Có biết bao nhiêu điều để nói và để nghe…

Anatole France nhớ lại hình ảnh của 25 năm trước. Nếu chú bé lúc ấy 9 hay 10 tuổi thì khi ngồi viết những giòng trên, tác giả Anatole France khoảng ngoài 30.

Còn tôi, khi ngồi nhớ lại chú bé lên 10 ấy, tôi đã gấp đôi số tuổi của Anatole France.

Chúng ta, ai cũng có những ngày khai trường trong đời sống. Nhưng vẫn chỉ có một ngày khai trường chúng ta nhớ nhất. Không phải là tất cả những ngày khai trường. Mà chỉ có một ngày khai trường đáng nhớ nhất

Ngày đó không phải là ngày khai trường của Thanh Tịnh. Ngày khai trường như Thanh Tịnh viết là ngày khai trường đầu tiên, đầy những lo âu, sợ hãi của đứa bé khi được mẹ dẫn đến trường. Chiếc bàn học đầu tiên trong lớp. Tên bạn nhỏ ngồi bên cạnh lạ hoắc, dễ ghét hơn đứa em ở nhà nhiều. Đứa em nhỏ lúc ấy bỗng trở thành đáng yêu hơn bao giờ. Ông thầy giáo trông dữ tợn lạ thường. Ngoài cửa sổ, người mẹ đã đi khuất ở cuối đường, sau bức tường của trường học.

Ngồi lại trong lớp chỉ muốn khóc, đòi về. Nhất định không thèm đi học nữa.

Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi… Bầu trời cuối thu, những đám mây bàng bạc, lá ngoài đường rụng nhiều … lòng nao nao nhớ lại những kỷ niệm của ngày khai trường. Không phải là ngày tựu trường. Chưa bao giờ đến trường làm sao nói trở lại trường…

Nhưng hai ba lần tựu trường sau đó, ngày đầu trở lại lớp hào hứng hơn nhiều.

Cũng như Anatole France có con quay trong túi quần. Cái cặp sách đeo trên lưng cho có. Con quay trong túi mới là chính. Sợi dây để quất con quay trong túi quần kia chờ đến giờ ra chơi mới lôi ra. Bản cửu chương đã thuộc lòng. Những bài tính chia có nhớ cũng đã được mẹ dậy suốt mấy tháng hè. Những bài toán đố động tử, vòi nước, con sên leo từ dưới giếng lên, ban đêm ngừng lại để nghỉ bao giờ lên đến miệng giếng … được dậy kỹ để sửa soạn cho lớp mới. Không còn gì để lo lắng nữa. Chỉ còn một mối lo là ông thầy hay bà giáo nào sẽ dậy lớp mới, có dữ đòn như mấy đứa bạn đã dọa không, hai tên ngồi bên cạnh có tử tế không. Đó mới là những quan tâm lớn nhất sau con quay trong túi quần…

Những ngày tựu trường sau đó đều không có gì đáng nhớ.

Đó là mùa hè cuối cùng ở Hà Nội, những trưa nắng trốn nhà vào Văn Miếu bắt những con chuồn chuồn ngô, những con chuồn chuồn ớt, những con chuồn chuồn kim… chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng kẻ trộm thò tay bắt mày, những trang Tâm Hồn Cao Thượng của De Amicis do Hà Mai Anh dịch, những An Di, Phan Tín, cô giáo Đan Cát Tiên … đọc say sưa trên căn gác xép, tiếng gọi của những tên bạn nhỏ rủ xuống chơi đánh bi, những đồng tiền cạnh được mài kỹ để đánh đáo bật tường, những buổi sáng ngồi sau xe ông bố đi lên Nghi Tàm, ghé lại sân chùa Trấn Quốc có tượng ông hộ pháp trông phát khiếp trong hơi sương mát lạnh, vòng xuống bách thú, khúc bánh mì mua ở chiếc xe cạnh núi Nùng sao mà ngon đến thế, rồi sau đó, chuyến đi nửa đêm từ Hà Nội vào Sài Gòn và một ngày khai trường khác với bao nhiêu điều mới ở cái trường tiểu học gần nhà…

Những cuốn vở bìa vẽ người lực sĩ Olympic, chiếc ngòi bút lá tre xanh mầu thép, hộp bút chì mầu Staedler thơm mùi gỗ thông, lọ mực tím cuối cùng của thời đi học, nhất định nghĩ chỉ một vài năm sẽ lại quay về ngôi trường nằm giữa phố Sinh Từ và phố hàng Đẫy…

Từ cái lớp học treo bức ảnh chụp của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại tới cái lớp treo ảnh Ngô Tổng Thống rồi những đổi thay kéo đến sau đó , những ngày khai trường không còn những hào hứng nữa.

Và bây giờ, ngày khai trường ở đây lại càng khác nữa. Mấy đứa cháu trong cái back pack có những cái iPad và cái laptop của những bàn tay thoăn thoắt trên bàn phím hoàn toàn xa lạ so với ngày khai trường cách đây hơn nửa thế kỷ của chú bé lên 10 nhà gần Quốc Tử Giám Hà Nội. Thay vào đó, là những hình ảnh của những đứa cháu gái nhỏ , quần áo mới, đống sách trĩu trên lưng đứng chờ xe bus đến trường…

Ngày khai trường nay đã khác xa với ngày khai trường của giữa thế kỷ trước.


Ngày 7 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Một cuốn sách tô mầu cho trẻ em nhan đề We Shall Never Forget 9/11 vừa phát hành cách đây hai ba tuần thì liền bị một tổ chức Hồi giáo ở Mỹ đả kích dữ dội.

Cuốn sách do một nhà xuất bản ở Missouri ấn hành có một mục đích rõ ràng. Không phải chỉ để cho trẻ tô mầu, mà là để dậy cho các em ra đời sau vụ khủng bố 9/11 biết về biến cố kinh hoàng đã đổ xuống nước Mỹ, ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới.

PHOTO: We Shall Never Forget 9/11 coloring book

Cuốn sách có hình vẽ cảnh hai tòa cao ốc của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở Manhattan bốc cháy sau khi bị hai phản lục cơ do khủng bố cưỡng chiếm lao vào cùng với những hình vẽ Osama Bin Laden và những tên không tặc, ở trang cuối cùng là hình vẽ cảnh Osama bị biệt kích Hoa kỳ bắn chết trong khi đang núp sau một phụ nữ mặc niqab ở một căn nhà tại Pakistan.

Chính bức vẽ ở trang cuối đã khiến cho một tổ chức có tên là Hội Đồng Liên Lạc Hồi giáo Hoa kỳ phản đối dữ dội. Dưới bức vẽ có một đoạn viết rằng những hoạt động khủng bố này là do tay của những thành phần cực đoan Hồi giáo thực hiện, họ là những người thù ghét lối sống của người Mỹ vì xã hội của chúng ta là một xã hội tự do và người dân Mỹ là những người được hưởng tự do.

Tổ chức Council on American-Islamic Relations phản đối những chữ dùng trong cuốn sách, những chữ "radical Islamic Muslim" nghĩa là những thành phần Hồi giáo cực đoan. Theo tổ chức Hồi giáo này thì những chữ "radical Islamic Muslim" được dùng tới 10 lần tất cả trong cuốn sách. Chi tiết đó xúc phạm toàn thể người Hồi giáo, theo tổ chức Hồi giáo đã kể ở trên.

Dựa trên những chứng cớ có được, thì tất cả những tên cướp máy bay trong loạt khủng bố 9/11 không có người nào theo đạo Phật hay đạo Chúa. Tất cả đều là những người theo đạo Islam.

Thế thì gọi họ là người theo đạo Islam có gì sai quấy?

Thêm vào đó, tất cả đều được ghi rõ là những thành phần cực đoan, quá khích. Nếu không có chữ "radical" đi phía trước thì còn có thể nói là nhà xuất bản đã vơ đũa cả nắm, qui lỗi cho tất cả các tín đồ Islam. Đằng này, cuốn sách ghi rõ đó là những thành phần "radical", chứ không phải là tất cả các tín đồ Hồi giáo, tôn giáo mà những người Hồi giáo nói là rất yêu hòa bình, chỉ chủ trương giết tất cả những người không theo Islam, những thành phần ngoại đạo mà họ gọi là infidels mà thôi.

Viết những dòng chữ như trên để đi kèm những trang sách tô mầu như thế là quá cẩn thận rồi còn gì. Bức vẽ Osama Bin Laden núp sau một phụ nữ mặc niqab bị chỉ trích là đã trình bầy một hình ảnh khác không tốt đẹp về Hồi giáo. Không đẹp ở đâu? Ở nơi Osama Bin Laden được vẽ mặc chiếc áo của những người đàn ông Hồi giáo và người phụ nữ khoác chiếc niqab trên người hay sao? Không cho họ mặc những thứ ấy thì y phục phải như thế nào? Hay phải cho cả hai mặc cà sa, y phục của các nhà tu Phật giáo để tránh nhắc tới chi tiết họ là những người Hồi giáo?

Sao mà khó thế?

Để cho mặc quần áo Hồi giáo cũng phản đối. Không cho mặc y phục bưng bít từ đầu đến đuôi như ở Pháp cũng chống. Sao ở Pháp thì đòi được mặc niqab, hijab, chador mà ở Mỹ, cuốn sách tô mầu vẽ lại đúng cảnh Osama Bin Laden bị bắn mặc đầy đủ quần áo theo kiểu Hồi giáo thì bị phản đối?

Thế thì cuốn sách tô mầu cho trẻ em về vụ 9/11 phải như thế nào? Phải có những bức vẽ Osama Bin Laden mặt mũi thánh thiện như thiên thần, vây quanh là những em bé đang phủ phục trước mặt ngợi ca lòng thương người của Osama, đại khái:

Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười…

Không được. Không có thứ thi sĩ nào còn làm những câu thơ như thế nữa nên đành phải phụ đề vài câu làm buồn lòng mấy ông Hồi giáo của cái tổ chức kia vậy.

Đứa làm hai câu thơ thối tha trên đã chết rồi. Đó là cậu Tố Hữu viết để ngợi ca Stalin chứ còn thằng chó nào nữa.

 

 


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 113)

EXCLAMATORY WORDS AND PHRASES

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 113 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, con gái của cháu, năm nay 7 tuổi, ngay từ lúc chưa đi học, không biết học ở đâu đã luôn miệng hết WOW lại WOW suốt ngày. Bây giờ nó đã đi học, và gần như mỗi ngày, nó lại có thêm những chữ mới đem về nhà nói với cả nhà. Thực ra, những tiếng mới nó học được ở trường cũng không phải là những tiếng tục tĩu gì, nhưng cháu rất ngạc nhiên thấy nó học nhanh và học được nhiều như thế.

BBT

Chuyện con gái của cô ra trường, học được những tiếng mới không phải là điều đáng ngại. Ngay cả khi nó học được những tiếng tục tĩu cũng vậy. Đó là chuyện thường trong tiến trình phát triển ngôn ngữ. Có điều chắc chắn nó có thể biết nhiều hơn thế nữa nhưng đã biết tự kiểm duyệt để không đem dùng ở nhà mà thôi. Thế Trúc Giang muốn hỏi gì đây?

TRÚC GIANG

Cháu không biết GEE WHIZ là gì nên muốn nhờ chú giải thích thôi.

QA

Vâng, thưa anh, xin anh giải thích luôn cả chữ WOW mà QA cũng thường hay nghe thấy .

BBT

WOW! Đây là một tiếng dùng để hô thán, tiếng Anh gọi là EXCLAMATORY WORDS. Người học tiếng Anh cũng nên biết một số những tiếng này. Không lẽ đang nói tiếng Anh, tiếng Mỹ tự nhiên bị ai dẫm lên chân một cái đau điếng lại kêu lên UI GIA! IT HURTS… thì … kỳ quá.

Có một cô xướng ngôn viên truyền hình ở đây, nói tiếng Việt từ đầu đến cuối nhưng cứ một hồi lại WOW! một cái, nghe kỳ lắm.

Những tiếng hô thán này khi dùng, phải biết cách diễn tả mới có ý nghĩa. Không ai nói bằng một giọng đều đều, không lên giọng hay xuống giọng… ouch… it hurts… Nói như vậy thì hô thán cái gì! Cũng hệt như nói ui gia… đau quá … Phải hét lên OUCH! IT HURT MAN!

WOW là tiếng tương đương với ÔI hay ÚI… ÚI CHÀ…ÁI CHÀ… ÚI CHAO ÔI!

WOW được dùng trong những trường hợp vui cũng như buồn, bực bội cũng như mừng rỡ, thường là trước những chuyện có thể gây kinh ngạc hay sợ hãi, tốt đẹp hay xấu xa. Thấy ông hàng xóm lái cái xe mới, nhìn con trai mang phần thưởng của trường về, nghe người bạn trúng số, đọc thấy ông Obama mua cho vợ cái áo mới ở K-Mart… chúng ta đều có thể WOW! một cái rồi mới nhắc đến các chi tiết vừa kể trên.

Thế còn GEE! hay GEE WHIZ! Thì hơi khác một chút. Đạo Ki Tô, trong lời răn thứ 3 có nói không được kêu tên của Thiên Chúa một cách vô cớ. Thế nên, thay vì nói JESUS! hay CHRIST! người ta nói trại ra thành GEE! hay GEE WHIZ! cũng như một số người hay nói Giê Su, lạy Chúa tôi! trong tiếng Việt vậy.

QA

Thế thưa anh, nói thế nào đúng… OH MY GOD! hay OH MY GOSH!

BBT

Cả hai đều đúng. Nói GOSH để tránh không dùng GOD. Người ta cũng viết tắt thành OMG trong khi viết e-mail hay gửi text cho nhau.

Cũng có khi người ta nói OH MY GOODNESS, OH MY GAWD, OMIGOD, HOLY COW…

TRÚC GIANG

Cháu cũng có nghe DANG! Chữ này nghĩa là gì?

BBT

DANG hay cũng có khi là DARN là tiếng để dùng thay cho DAMN, tiếng bị coi là tục tĩu. DANG hay DARN có thể được dùng trước một tĩnh từ cho nghĩa mạnh hơn. Thí dụ nói HE IS A GOOD STUDENT thì người ta cũng có thể nói HE IS A DANG GOOD STUDENT hay HE IS A DARN GOOD STUDENT. Có khi người ta cho nó đứng một mình như khi đóng cái đinh lại nhắm ngón tay của mình mà đập cái búa vào thì ít ra cũng phải hét lên DANG! MY FINGER…

QA

Hôm cuối tuần, đang đứng trong bếp, QA nghe con trai đóng cái búa vào tay thì hét lên, nghe hơi khác một chút, là SHOOT! I HIT MY FINGER! Vậy SHOOT là gì thưa anh?

BBT

SHOOT là để thay cho một chữ khác thô tục hơn, nghĩa là chất phế thải trong người bài tiết ra. Nhưng ở nhà, cháu nó không dám văng ra trước mặt mẹ. Chữ kia nghe gần giống như cái khăn trải giường. Khác nhau là một chữ có âm "I" dài, chữ kia có âm "I" ngắn.

Hồi nẫy tôi có nhắc chữ OUCH là ÚI hay ÔI CHA để hét lên cho … đỡ đau một chút. Nhưng OOPS thì khác. Chữ này dùng để khi làm một lỗi lầm nào đó, hoặc lỡ tay, lỡ chân, hay lỡ miệng đều dùng được cả. Thí dụ nói OOPS! I JUST BROKE IT…

TRÚC GIANG

Có thể dùng OH NO! để thay cho OOPS! không thưa chú?

BBT

Được, nhưng đó là trong trường hợp chuyện đáng tiếc xẩy ra rồi, chúng ta lấy làm tiếc, không muốn nó xẩy ra. OH NO! I FORGOT TO BRING YOU THE BOOK AGAIN… OH NO! IT’S YOUR BIRTHDAY TODAY… I DID NOT KNOW THAT…

Còn chữ này nữa tôi cũng muốn hai cô biết… Đó là YIPPIE hay HURRAH để dùng trong những trường hợp vui mừng như YIPPIE! WE WON THE LOTTERY, hay HURRAH! OUR TEAM SCORE ANOTHER GOAL… HURRAH có thể hiểu như HOAN HÔ trong tiếng Việt HIP HIP HOORAY! hay HIP HIP HURRAY! thì cũng vậy. Như khi đội thể thao của chúng ta vừa ghi một bàn thắng như ở trên. Hồi còn bé, tôi còn nghe câu này nữa: LÍP LƠ hay HÍP HƠ … CON GÀ MÁI TƠ cũng tương đương như hoan hô nhưng hơi diễu một chút. Con gà mái tơ được cho vào trong câu này là để vần với HÍP HƠ ở trên mà thôi. Những chữ khác là BRAVO, hay BINGO cũng thế.

BRAVO thường đi trước một chuyện vui. Như BRAVO! WE COME TO THE AIRPORT ON TIME!

BINGO được dùng để dẫn vào một điều bất ngờ, một điều có thể gây kinh ngạc nhưng thường là một sự kinh ngạc thích thú hơn là một kinh ngạc không tốt đẹp. Thí dụ tôi để lạc mất chùm chìa khóa, tìm khắp nơi suốt cả buổi sáng không thấy, thì trong lúc đang quăng đống quần áo vào máy giặt thì tự nhiên nghe tiếng cạch cạch, ngó lại thì BINGO! THE KEYS FELL OUT FROM THE SHIRT POCKET.

QA

Một nhân vật trong loạt truyện bằng tranh Peanuts là Charlie Brown hay nói hai chữ này GOOD GRIEF! Vậy GOOD GRIEF là gì thưa anh?

BBT

Charlie Brown dùng hai chữ đó để than thở mỗi khi gặp những chuyện không hay, như khi cái diều mắc vào cành cây, hay khi bị Lucy Van Pelt lừa để cho Charlie Brown đá hụt quả bóng, hay khi Charlie Brown quét được đống lá vàng gọn vào góc vườn thì con chó Snoopy nhẩy vào quậy lung tung làm đám lá tung tóe ra vườn. GRIEF nguyên nghĩa là nỗi buồn gây ra bởi một mất mát lớn. Nhưng GOOD GRIEF chỉ chỉ là những tiếng để nói bực quá, chán quá mà thôi. Người ta nói GOOD vì muốn kiêng không dùng chữ GOD như chúng ta đã nói ở trên.

Nhân nhắc đến Charlie Brown, có một nhân vật khác cũng được rất nhiều người yêu mến là Steve Irwin, anh chàng chuyên săn cá sấu (CROCODILE HUNTER) người Úc. Steve Irwin hay nói chữ CRICKEY! Chữ này là tiếng Úc, có từ cuối thế kỷ 19. Lúc ấy, người ta ăn nói tử tế hơn bây giờ, không mở mồm ra là chửi thề ỏm tỏi luôn miệng. CRICKEY không có nghĩa gì hết, nó chỉ được dùng để thay cho CHRIST, để khỏi kêu tên đức Chúa Trời ra như điều răn thứ 3 đã nói mà thôi. CRICKEY được coi là một tiếng trong ngôn ngữ bình dân, thất học ở Úc. OKEY DOKEY trả lời xong hết thắc mắc của hai cô chưa?

QA

Thưa thầy chưa. Vì hai chữ thầy vừa nói QA lại muốn biết nó nghĩa lý thế nào.

BBT

OKEY DOKEY chỉ có nghĩa là OKAY mà thôi. Thêm DOKEY vào để cho có vần có điệu. Cũng như hai chữ RIGHT O! mà tôi nghe rất nhiều ở Úc và Tân Tây Lan cũng chỉ là RIGHT mà thôi. RIGHT hay RIGHT O được dùng để bầy tỏ sự đồng ý, cũng tương đương như chúng ta nói tiếng Việt là RỒI… RIGHT O THEN, LET’S CHANGE THE SUBJECT…

TRÚC GIANG

Bữa nọ vào chợ, cháu đi kiếm mấy miếng steak để làm barbecue, cháu hỏi một nhân viên trong chợ: WHERE’S THE BEEF? Cháu không ngờ câu hỏi của cháu lại có nghĩa khác khiến người nhân viên ấy cười lớn rồi mới chỉ cháu lối ra quầy thịt bò. Thưa chú, câu cháu hỏi có nghĩa gì khác không, ngoài cái ý cháu dùng để hỏi thăm quầy bán thịt?

BBT

WHERE’S THE BEEF là câu nguyên của công ty hamburger Wendy’s dùng để quảng cáo cho món hamburger của họ hồi năm 1984. Quảng cáo dùng hình ảnh ba phụ nữ lớn tuổi cầm một chiếc hamburger vơÙi cái bánh kẹp rất to, nhưng mở ra, miếng thịt bò lại rất nhỏ. Một cụ hỏi lớn WHERE’S THE BEEF? ý muốn xỏ xiên ám chỉ hamburger của các công ty khác, miếng bánh kẹp thì to, miếng thịt bò thì lại quá nhỏ. Câu nói lập tức trở thành câu ai cũng biết, ở Mỹ cũng như ở Canada. Nhưng mấy tháng sau , câu đó không còn chỉ có nghĩa là miếng thịt bò đâu rồi nữa, mà nó mang một ý nghĩa khác là thực chất của vấn đề ở đâu? cốt lõi, phần quan trọng là gì? như khi ông Mondale tranh cử tổng thống hỏi vặn ứng cử viên Gary Hart rằng khi nghe ông Hart nói về chương trình hoạt động, ông Mondale chỉ muốn hỏi ông Gary Hart rằng WHERE’S THE BEEF? ý nói chương trình của ông Gary Hart không có gì đáng nói cả, không thực tế, không có thực chất.

QA

Thưa anh, tại sao không hỏi WHAT’S THE BEEF? vấn đề quan trọng là gì? Cốt lõi là gì?

BBT

Cô QA hỏi một câu khá lý thú. Xin trả lời rằng không hỏi như thế được, vì WHAT’S THE BEEF? lại có nghĩa hoàn toàn khác. WHAT’S THE BEEF? có nghĩa là điều phàn nàn, điều bực bội, điều bất mãn của ông, của bà là gì? Người cha thấy đứa con lầu bầu luôn miệng liền nói STOP BEEFING! nghĩa là đừng có than van nữa.

TRÚC GIANG

Thưa chú, câu chú vừa giảng có phải là một câu idiom không? Hay đó là một câu tục ngữ?

BBT

Không phải idiom mà cũng không phải là một câu tục ngữ. Tiếng Anh gọi nó là CATCH PHRASE, một câu nói được nhắc đi nhắc lại, được dùng nhiều lần và trở thành phổ biến rộng rãi mà nhiều khi ý nghĩa bị đổi khác hẳn đi, không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu nữa.

Thí dụ câu GO AHEAD, MAKE MY DAY chẳng hạn. Đây là câu Clint Eastwood trong vai thám tử Harry Callahan nói trong phim Sudden Impact với một tên cướp khi tên này định bắn một con tin trong vụ cướp ở một quán ăn. GO AHEAD MAKE MY DAY nghĩa là cứ làm điều đó đi ( cứ bắn con tin đi), để tôi có một ngày đẹp (vì sẽ bắn chết cậu), cứ làm trái ý tôi đi, tôi sẽ vô cùng sung sướng vì sẽ có lý do để trừng phạt cậu...

Sau đó, tổng thống Reagan dùng câu này để chọc quốc hội rằng quốc hội nếu muốn thì cứ chống lại ông bằng cách bác dự luật ông chuyển qua đi, ông sẽ có biện pháp để đối phó. Những câu CATCH PHRASES như thế khá nhiều trong các sinh hoạt hàng ngày. Một câu CATCH PHRASE khác nữa là câu STAND BY YOUR MAN, tựa đề một bài ca của Tammy Wynette mà bà Clinton đem ra dùng nhưng lại bị phản ứng ngược vì bị coi là một câu coi thường phụ nữ.

QA

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.


CHIỀU NHẠC THU


Một thời gian, khoảng những năm 1967, 1968, những tối, sau khi ngồi với X. và mấy người bạn ở La Pagode, lúc ra về là gần như bao giờ bài hát ấy cũng trở lại với tôi.

Những buổi tối trời chưa hẳn khuya, nhưng không khí của thành phố đã mát. Sau trận mưa buổi chiều, những giọt nước mưa vẫn còn đọng trên xe. Những chiếc lá của hàng me hai bên đường dính trên kính. Ánh đèn của xe không đủ làm sáng đoạn đường đầy bóng đêm.

…Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút hương thầm khi mới quen…

Bài Một Tiếng Em của Đinh Hùng mà Nguyễn Hiền phổ thành Mái Tóc Dạ Hương lại trở về. Giọng hát bài ấy là của Lệ Thu.

Tiếng hát ấy tôi nghe lần đầu từ hồi ở năm cuối trung học, bài Tình Khúc Thứ Nhất bằng giọng contralto của cô.

Trong chuyến đi ra khỏi Việt Nam năm 1962 tôi có mang theo một cuộn băng nhỏ thu có độc một bài hát có giọng Lệ Thu. Tôi nghe cuộn băng ấy suốt mấy năm trong thời gian ở căn phòng trong học xá đến khi cuộn băng đứt mới thôi.

Mãi đến khi trở lại Việt Nam mấy năm sau đó, tôi mới lại nghe lại tiếng của Lệ Thu.

Mái tóc ngắn, những chiếc áo dài rất đẹp ở Ritz, ở Queen Bee, ở Tự Do giúp làm mới lại Ngậm Ngùi, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Hạ Trắng,… và cho những ca khúc này những đời sống mới mặc dù đã nhiều người hát chúng.

Lệ Thu là người hát đầu tiên một số ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ít người biết chi tiết ấy.

Nhưng giọng Lệ Thu không ở lâu hay chỉ ở riêng với một nhạc sĩ nào. Lệ Thu hát nhạc Đoàn Chuẩn, rồi Lệ Thu hát Cung Tiến , Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9 … và nhiều nhạc sĩ khác.

Bài Hoài Cảm của Cung Tiến là một trong những ca khúc cô hát hay nhất. Có phải vì Cung Tiến đề tặng ca khúc này cho Lệ Thu trong tập nhạc in ở Sài Gòn năm 1974 mà Lệ Thu hát hay hơn những giọng hát khác cũng hát bài hát đó hay không?

Thực ra, nếu khó tính đi tìm những toàn bích của giọng hát thì người ta vẫn thấy những cái faux trong giọng của Lệ Thu. Giọng Lệ Thu đầy nhưng không dài. Một số nốt quá cao không lên được. Nhưng người nghe Lệ Thu đã chấp nhận rồi yêu luôn những cái faux nhỏ đó.

Khoảng giữa thập niên 60, Lệ Thu đã tìm cho giọng hát của mình những bài hát mà cô hát hay hơn nhiều ca sĩ khác. Giọng hát đó lên đến cao điểm và được ái mộ nhiều nhất là khoảng cuối thập niên 60, qua đầu thập niên 70.

Nghệ danh Lệ Thu chọn cho mình cũng kéo những bài hát có những hơi thở, những hình ảnh của mùa thu, cái mùa đẹp nhất và cũng buồn nhất trong năm đến với giọng hát của mình.

Giọng hát ấy khi hát những ca khúc đó tự nhiên nghe như những tiếng nức nở buồn thảm. Rõ nhất là khi Lệ Thu hát bài Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa.

Lệ Thu vẫn giữ được giọng hát mà tôi nghe lần đầu mấy chục năm trước.

Đầu tháng 9 ở California vẫn còn những ngày rất nóng. Nhưng mùa thu đã chớm, đã bắt đầu trở lại từ miền bắc đang lan xuống chầm chậm xuống miền nam.

Chương trình nhạc của Lệ Thu ngày 17 tháng 9 đã được cô đặt cho cái tên là Chiều Nhạc Thu. Nhưng có gọi là Nhạc Chiều Thu, hay Thu, Nhạc Chiều cũng vẫn là những cái tên thích hợp cho một chương trình để người nghe nhạc nghe lại giọng hát đã ở với âm nhạc gần nửa thế kỷ.

Giọng hát ấy sẽ còn mãi trong những buổi chiều khi lò hương cũ được đốt lên, cây đàn được so lại những dây chùng cho dẫu có là mai sau..

Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương cũ, se tơ phím này (Kiều)

Thì sẽ mãi mãi còn tiếng hát này trong những buổi chiều nhạc thu.

Bùi Bảo Trúc
Tháng 9 năm 2011